Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:39:17 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thị xã vùng biên  (Đọc 35373 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #30 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2013, 11:32:38 pm »

13

          Đêm ấy, chúng tôi đã vồ hụt tên biệt kích nguy hiểm này. Huy đã mật báo tin về nó hơi chậm, anh cũng chỉ biết qua Tạ. Mãi tới khuya, lực lượng bao vậy của chúng ta mới được triển khai, nên Lưu Nghị đã đi thoát khỏi nhà Cắm Sềnh. Nó đưa theo cả Voòng Chuýn. Gã con trai lão thợ ảnh tưởng sẽ thực hiện được mơ ước của mình là sang Hồng Công rồi đi Úc, đi Ca-na-da nên đã dẫn đường Lưu Nghị lẻn trốn khỏi thị xã vào ngay lúc chập tối, khi mọi người đang túm tụm quanh mâm cơm… Ban ngày trời hanh và rét, tắt nắng là sương mù tỏa xuống như tấm màn che kín tầm mắt. Chúng nó đã lợi dụng màn sương và vọt vào rừng…

          Lưu Nghị cũng chẳng tìm đến tôi mặc dù trong thư của “anh Cả” có nhắc đến “chú Ba”. Có thể hắn đã thông qua “Tạ tư lệnh” mà nắm mọi tổ chức nằm vùng này. Hắn phải mò gặp Cắm Sềnh chủ yếu vì các kho vũ khí đang được chông giấu. Tôi và Huy phán đoán nhiệm vụ của hán là “chuẩn bị chiến trường” – đúng như hắn đã nói với Cắm Sềnh, hắn sẽ là chỉ huy trưởng các đơn vị Sơn Cước, khi nổ súng đánh thọc vào sau lưng chúng ta. Ngoài ra, hắn còn đi thu nhặt bọn thanh niên phản động đưa về nước huấn luyện ngắn ngày và sử dụng bọn chúng làm những tên xung kích dẫn đường, và chỉ điểm những cơ sở địa phương và gia đình cán bộ của ta. Như vậy, số phận của Voòng Chuýn hoàn toàn do hắn định đoạt, gã con trai này khó mà thoát ra khỏi bàn tay hắn để sang Úc, Ca-na-da?

*
          Cắm Sềnh đặt ám hiệu ở cửa, muốn gặp tôi. Buổi trưa ở cơ quan về, qua cửa nhà lão, tôi đã thấy một đống rác thu rất gọn và trên đặt chiếc chổi tre. Ám hiệu đã quy định như vậy. Tôi chờ tôi một lúc lâu mới đến. Lão chủ hiệu ảnh dẫn tôi vào phòng trong. Và lão nói:

- Đồng chí Trương, đồng chí kiếm cho tôi một giấy công tác đi về mấy huyện vùng cao…

          Tôi không trả lời ngay mà hỏi lại:

- Voòng Chuýn đi rồi phải không? Trưa nay tôi thấy ngoài chợ họ nói vậy?

          Mặt lão dài ra nom thật thiểu não:

- Nó đi đêm qua…

- Đồng chí cử nó đi à?

- Không… Nó theo người ta. Nó sang Hồng Công rồi sang Úc… Nó đi rồi.

- Vậy à! Nó còn hẹn hò với con bé Tú Hoa nhà tôi, hẹn cùng đi mà…

          Cắm Sềnh giấu biệt, không nói gì thêm với tôi về sự xuất hiện và ra đi của Lưu Nghị. Tôi cũng lơ đi, coi như không biết. Lão già lại nhắc:

- Đồng chí kiếm ngay giấy tờ đi đường cho tôi. Ngày mai tôi phải đi, rất cần mà…

- Được, tôi sẽ kiếm. Giấy của Ủy ban tỉnh được không?

- Vậy thì tốt quá!... Đi gần thì mình đi lẻn được, nhưng đi xa dài ngày phải có giấy tờ cẩn thận…

- Đồng chí đi huyện nào để tôi ghi vào giấy…

- Cứ ghi là xuống các huyện trong tỉnh, kiểm tra công tác thu mua lâm sản chi đó mà…

- Sớm nhất cũng phải trưa mai. Nhưng đồng chí phải hết sức cảnh giác. Họ theo dõi mình chặt lắm.

- Đúng, phải cảnh giác chứ.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #31 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2013, 11:33:12 pm »

          Đêm ấy tôi về chỗ anh Tư. Anh Tư hẹn sáng mai sẽ lấy giấy đi đường cho tôi để tôi chuyển cho Cắm Sềnh. Anh sẽ cho người bám theo lão. Còn tôi, việc của tôi là nhân lúc Cắm Sềnh vắng nhà, tôi sẽ lục soát nhà lão để tìm cho ra bản sơ đồ ghi các điểm cất giấu vũ khí.

          Trưa hôm sau tôi tìm cách chuyển giấy đi đường có đóng dấu của Ủy ban tỉnh cho Cắm Sềnh. Chiều tối hôm ấy, tôi được tin lão đã ra khỏi thị xã, nhưng tôi chưa thể đột nhập vào ngay được vì còn vợ lão ở nhà.

          Phải chờ đến sáng hôm sau nữa, buổi sáng như thường lệ người vợ của Cắm Sềnh lọm khọm từ nhà ra chợ. Trên dọc đường đi, bỗng dưng bà ta đụng phải một thanh niên phóng xe máy. Đụng nhẹ thôi nhưng người đàn bà vốn đã ốm yếu, ngã quỵ xuống. Mọi người xúm lại, một đồng chí cảnh sát chạy tới phân giải. Anh mời người lái xe về đồn, còn nạn nhân đã có hai chị vực vào một trạm xá gần đó. Mặc dù bà ta không bị xây sát gì hết và đã hoàn hồn nhưng người ta vãn giữ nằm lại trạm xá để theo dõi…

          Lúc đó, tôi vọt vào nhà Cắm Sềnh bằng lối cửa sau, lối qua vườn rau phía sườn đồi. Tôi cạy cửa vào trong nhà, im lặng đi từ buồng này sang buồng khác, từ nhà trên qua sân xuống bếp rồi lại đi trở lên. Tôi ngắm nghía rất lâu và không đụng vào một vật gì cả. Cần phải quan sát kỹ lưỡng và tìm ra những dấu vết khả nghi, tránh mọi sự lục soát lung tung vô trật tự.

          Tôi nhìn đồng hồ, đã gần một giờ đồng hồ. Lúc này có lẽ bà vợ Cắm Sềnh đang nằm ngoài trạm xá. Anh Tư chỉ hạn cho tôi nhiều lắm là hai giờ. Không thể giữ bà ta nằm ở trạm xá mãi được…

          Tôi vào phòng trong, căn phòng mà chủ nhân thường tiếp tôi, ngồi thừ trên ghế xa lông, đưa mắt nhìn khắp mọi vật. Tôi chia không gian thành từng ô nhỏ một và lần lượt quan sát để không một vật gì có thể lọt qua mắt được. Thời gian cứ trôi qua. Vẫn chẳng phát hiện được dấu vết gì khác biệt. Tôi đi dọc những bức tường, và lật từng tờ tranh treo nhìn vào bên trong. Từ giữa nhà, tôi đứng sững lại. Hình như thiếu một cái gì đó, một vật gì rất quen mắt mà tôi thường nhìn thấy mỗi lần bước vào đây.

          Phải rồi, tôi lại ngồi xuống ghế, ngước nhìn lên. Mọi khi ngồi ở đây nhìn lên, luồng mắt của tôi thường chạm ngay vào bức tranh “Quan Công phò nhị tẩu”,  bức tranh có vẽ hình Quan Vân Trường đứng sững giơ cao cây đuốc cháy đùng đùng và xa hơn nữa là hai người đàn bà đang nằm trong màn. Bức tranh có dòng chữ Hán bằng mực nho đen nhánh “Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán” với triện son đỏ sẫm. Không thấy có bức tranh ấy nữa, khoảng tường mốc meo và trơ trọi tấm lịch của năm 1978 đã bóc gần hết. Tấm lịch có lẽ từ chỗ khác được di chuyển tới đây không lâu, trông rất lẻ loi, trống trếnh… Tôi nhớ ra rồi, mới hôm kia, buổi tối khi tôi đến gặp Cắm Sềnh theo ám hiệu của lão, mặc dù dưới ánh sáng lù mù của cây đèn dầu, tôi vẫn nhận ra bức tranh còn treo ở đó. Bây giờ không còn nữa, tức là chú nhân đã gỡ ra khỏi tường mang theo đi hoặc giấu vào một chỗ kín đáo nào đó. Lúc này trí nhớ của tôi được tập trung và trở nên sáng suốt. Tôi nhớ hồi cuối năm sáu sáu, sau khi có chỉ thị của anh Tư, lần đầu tiên bước chân vào đây, tôi đã thấy bức tranh treo chính giữa và nó được lồng khung gỗ hẳn hoi. Tất cả đều cũ kỹ chỉ trừ có dòng chữ Hán và dấu triện son là mới, rất mới, tươi rói. Rồi ít lâu sau, khi tôi đã trở thành “em Ba” của “nhóm Đào viên”, mỗi lần đến đây, tôi đều trông thấy nó, chỉ khác là bức tranh được bỏ khung, được bồi lại và gắn hai đầu trên dưới vào hai ống trúc, treo như câu đối. Đúng là hai ống trúc, ống trên nhỏ hơn ống dưới, cả hai đều được chuốt kỹ đến nhẵn bóng: Mặt trong hai ống trúc rỗng lòng ấy, chính là cái hộp để cất giấu bản sơ đồ bí mật mà tôi đã tìm kiếm hơn mười năm nay.

          Cắm Sềnh ra đi đã mang theo nó hay còn cất giấu quanh quẩn trong nhà này? Liệu tôi không lầm lẫn trong sự phán đoán này chứ? Tôi nghĩ là tôi không thể lầm được nhưng để chắc chắn, tôi đợi Cắm Sềnh về, tôi sẽ quay lại đây với một cái cớ gì đó. Nếu như bức tranh tái hiện ở chính chỗ ấy thì điều phán đoán của tôi không còn gì phải nghi ngờ nữa…

          Tôi nhìn đồng hồ. Đã đến lúc phải rút rồi. Có thể lúc này người ta đã để bà vợ Cắm Sềnh ra khỏi trạm xá về nhà…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #32 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2013, 04:10:30 pm »

14

   Anh Tư báo cho tôi biết: Phương án của tôi đã được trên chấp nhận và quyết định cho triển khai. Đó là phương án phá tan tổ chức tình báo gián điệp mang cái tên rất Tàu “Đào viên kết nghĩa” của Tạ cùng các ổ phản loạn, những hạt giống thối tha và độc hại mà chúng gieo rắc trên mấy huyện vùng cao suốt chừng ấy năm.

   Đúng giờ G của ngày N + 3, chúng tôi được phép hành động, phát súng đầu tiên phát lệnh chiến dịch mang mật danh M x 1 sẽ nhằm vào Voòng Cắm Sềnh. Tôi đã xác định được nơi cất giấu cái bản mệnh của lão.

   Tình thế không cho phép kéo dài trò chơi ú tim này. Lúc đó đã vào giữa tháng Giêng của năm 1979. Phía Tây nam Tổ quốc, hàng triệu người dân Campuchia còn sống sót qua nạn diệt chủng của Pôn Pốt đã đứng lên, được sự hỗ trợ của bộ đội Việt Nam, đánh tan các lực lượng Khơ-me đỏ phản bội và truy đuổi bọn Pôn Pốt – Iêng Xa-ry cùng với các loại ăng-ka lớn nhỏ của chúng đến tận biên giới Thái Lan. Đất nước Campuchia hoàn toàn được giải phóng và bắt đầu cuộc hồi sinh. Ở Bắc Kinh, người ta đau đầu hơn cả.

   Việc truy quét toàn bộ các tổ chức phản loạn nằm vùng được giao cho các lực lượng công an vũ trang, các chiến sĩ an ninh và dân quân địa phương. Anh Tư đích thân làm cuộc “đến thăm” “ông bạn” họ Tạ mà lúc nào cũng có Huy kèm cặp bên cạnh y. Điều làm cho anh Tư hơi lo lắng là đã không có liên lạc được với Huy. Liệu có chuyện gì xảy ra với cậu ấy?

   Tôi nói với anh Tư hãy cho tôi vọt thẳng lên hang ổ của Tạ. Đấy là trạm đầu tiên trên con đường “chạy trốn” của tôi. Anh Tư suy nghĩ và đồng ý. Thế là tôi phải “bỏ trốn” sớm hơn dự định…

*

   Số phận của Voòng Cắm Sềnh đã được định đoạt vào ngày N + 3. Hôm ấy vào lúc bốn giờ sáng, sương mù còn dày đặc; cả thị xã chìm trong rét mướt và vắng lạnh. Cắm Sềnh đang nằm co ro trong chiếc chăn bông thì bị đánh thức vì những tiếng đập cửa.

   Biết bị động, con cáo già tung chăn chồm dậy. Lão vơ chiếc áo bông Tàu khoác vào người, đội thêm cái mũ bông biên phòng lẻn ra sân để lách cửa sau chui ra ngoài. Đã có hai mũi súng đón lão ở đó. Bị mũi súng thúc vào bụng, lão vội giật lùi và nghe có tiếng nói dõng dạc:

- Ông Cắm Sềnh, định trốn à? Hãy quay vào nhà!

   Lão lủi thủi lộn lại, qua mảnh sân đã thấy có nhiều ánh đèn pin loang loáng trong nhà. Mấy bóng người lố nhố chờ lão. Ngọn đèn tọa đăng được thắp sáng, người vợ đau ốm của Cắm Sềnh ngồi sợ hãi trên giường. Cắm Sềnh được mời ngồi xuống.

   Một người cao lớn rút giấy ra đọc:

- Ông Hoàng Kim Thành tức Voòng Cắm Sềnh, tôi xin đọc lệnh của Viện Kiểm sát bắt giữ ông và khám nhà ông về tội hoạt động tình báo chống phá nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

   Cắm Sềnh rũ người trên chiếc ghế xa lông gỗ, tai lão ù lên chỉ nghe loáng thoáng lời nói của người cán bộ công an. Lát sau lão chợt như tỉnh lại; ngơ ngác như người mất hơi, lắp bắp:

- Dạ thưa… xin các ông xét cho… Tôi vô tội… Tôi đâu có dám làm điều gì… chỉ làm ăn lương thiện từ mấy chục năm nay…

   Sau này tôi nghe đoạn băng ghi âm cuộc hỏi cung tại chỗ ngay đêm ấy:

- Ông Sềnh, đây có phải là tập ảnh nhét trong phong bì này chúng tôi vừa thù được trong túi áo của ông?

- Thưa đúng ạ…

- Ông hãy giải thích về những tấm ảnh này: những tấm chụp nhiều nơi trong rừng rồi cả ven đồi, ven đường… Lại có mấy tấm chụp những ngôi mộ trong nghĩa trang. Có phải đấy là những ngôi mộ của lính Trung Quốc chết hồi sang làm đường ở Việt Nam không?

- Thưa… đúng ạ!

- Ông hãy giải thích rõ nội dung những tấm ảnh đó… Đây nữa, ông nhìn rõ chứ, trong mỗi tấm ảnh đều có chỗ được đánh dấu chữ thập bằng bút mực. Ảnh nghĩa trang còn có dấu khoanh tròn mấy nấm mộ với nhau… Ông giải thích đi!

- Thưa ông… Những tấm ảnh này quả thật là chính tôi cũng không rõ nữa… Đó là do thằng con trai tôi nó chụp… Chắc là hồi nó mới tập chụp ảnh nên chụp lung tung đấy thôi ạ…

- Còn những ký hiệu ghi trong ảnh cũng do con trai ông?

- Thưa vâng… Tôi không biết nó ghi để làm gì?

- Con trai ông hiện nay ở đâu?

- Thưa ông… Nó bị người ta dụ dỗ đã bỏ trốn về Trung Quốc. Hiện nay tôi cũng không biết nó ở đâu, còn sống hay đã chết… (Đến đây tôi nghe rõ tiếng thở dài nặng nề của lão).

- Ảnh của con ông chụp, vậy tại sao ông luôn luôn mang trong người? Để làm gì vậy?

- Thưa… Tôi biết nói với ông như thế nào bây giờ… Tôi chỉ có một đứa con trai vậy mà nó đã bỏ tôi ra đi… Những gì của nó để lại… tôi… không muốn bị mất đi… (Lão sụt sùi như muốn khóc).

- Một người bố đáng thương… Đứa con duy nhất ra đi bỏ lại ông bố già cô độc… Và ông bố nâng niu giữ gìn những di vật của nó để lại… Tội nghiệp thật đấy, ai nghe cũng phải mủi lòng… Ông Voòng Cắm Sềnh ạ, ông diễn trò bi lụy này chưa đạt lắm đâu, bởi vì mọi chứng cớ đều chống lại ông. Chúng ta nên nói thật với nhau, miễn phải đóng kịch nữa. Những tấm ảnh này đều  do chính tay ông chụp và chụp trong mấy ngày gần đây ông vừa đi công cán ở mấy huyện vùng biên về… Nội dung của nó là những nơi các ông đã chôn giấu vũ khí, những ký hiệu ghi trong ảnh là các kho vũ khí được chôn dưới đất, kể cả những ngôi mộ giả nằm trong các nghĩa trang… Hơn mười năm trước, các ông bịa ra những người lính chết và thay vào xác chết là những áo quan chứa toàn súng đạn. Thế nào, ông Cắm Sềnh, ông không chối cãi những trò chơi ma giáo đấy chứ?

- Thưa ông… tôi chỉ là kẻ đáng thương…

- Không đâu, ông không phải là kẻ đáng thương, ông là một tên điệp viên xảo quyệt và nham hiểm… Bản sơ đồ của ông giấu ở đâu, ông hãy nộp cho chúng tôi.

- Dạ thưa… đâu có… Tôi đâu có bản sơ đồ nào…

- Bản sơ đồ ghi lại các điểm chôn giấu vũ khí của bộ đội Trung Quốc để lại ở Việt Nam, khi rút về nước họ đã trao cho ông cất giữ. Ông giấu ở đâu?

- Thưa ông… quả thật oan cho tôi quá… Tôi làm gì có ạ…

- Thôi được… ông vẫn là kẻ ngoan cố đến cùng. Ông hãy đứng dậy tháo bức tranh kia xuống – Đó, bức tranh Quan Công ấy.

- Thôi thôi… Tôi không dám giấu các ông nữa. Bản sơ đồ tôi đã giấu ở trong đó. Tôi xin tự nguyện nộp cho các ông, mong các ông tha tội chết… Đây đây, nó đây… Tôi xin tự giác khai báo, không dám giấu diếm. Nó đây ạ… Chính Lưu Nghị giao lại cho tôi… Nó bảo đây là cái bản mệnh của tôi… Tôi xin nộp ạ.

- Ông tự nguyện tự giác hơi muộn đấy… Xem trong sơ đồ mới biết các ông đã chôn giấu ở đất Việt Nam khá nhiều kho vũ khí. Các ông đã chuẩn bị sẵn chiến trường từ mười mấy năm nay… Các ông đã lợi dụng tình bè bạn, tình đồng chí để xỉa mũi dao vào lưng người Việt Nam… Ác độc thật, thâm hiểm thật… Bây giờ tôi hỏi anh: “anh Cả” của các ông hiện nay nằm ở đâu?

- Thưa ông… Điều này thì hoàn toàn tôi không biết ạ? Ông ấy nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác và không bao giờ cho chúng tôi đên gặp trực tiếp, nên tôi không tài nào biết được…

- Trương Đạt trốn ở đâu?

- Thưa ông… có lẽ nó chạy về Trung Quốc…

- Tại sao ông lại nghĩ nó về Trung Quốc?

- Là vì theo chỉ thị của Tạ, nếu bị lộ bọn chúng tôi sẽ vượt biên tháo chạy về Trung Quốc. Tạ đã dặn mọi mật hiệu, ám hiệu để bên kia đón tiếp…

- Vậy là ông thú nhận ông là một tình báo nước ngoài nằm ở Việt Nam để chống phá cách mạng Việt Nam?

- Thưa ông… Tôi là kẻ có tội…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #33 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2013, 04:12:06 pm »

15

   Vào khoảng nửa đêm, một chiếc xe com-măng-ca đợi tôi ở bên kia cầu xi măng, gần cây đa “hộp thư chết” trước kia. Tôi khoác tấm vải nhựa trùm kín cả đầu, lóp ngóp đi trong mưa. Mưa phùn rơi rả rích và tê buốt. Tôi cảm thấy cái rét chui qua áo quần vào hẳn ruột gan khiến hàm răng tôi không ngớt va nhau mặc dù tôi cố nghiến thật chặt. Đột nhiên tôi bỗng nhớ lại một đêm mưa rét giống như đêm nay, cách đây mười hai năm, tôi cũng lóp ngóp đi một mình trong tối tăm để đóng vai một kẻ khác, bắt liên lạc với đồng bọn. Bây giờ, vẫn vai trò ấy, tôi là một “tên điệp viên” bị lộ đang chạy trốn về nước. Ngày mai, ngày kia rồi tuần sau, tháng sau, năm sau, tình hình sẽ ra sao, số phận của tôi sẽ ra sao, tất cả hoàn toàn lệ thuộc vào bản lĩnh, mưu trí và tinh thần chiến đấu của tôi. Suốt bao nhiêu năm, tôi nhập vai một kẻ khác, nhưng tôi vẫn sống ngay trên Tổ quốc mình, sống trong vòng tay bảo vệ của các đồng chí mình. Mười hai năm trước, trong đêm mưa rét, tôi lặn lội một mình đi tìm Tạ Quán Thiên – ông “anh Cả” trưởng nhóm của tôi, tôi vẫn nhận thấy bên cạnh tôi là đồng đội, bóng dáng và hơi thở của Huy vẫn phảng phất quanh tôi. Từ đêm nay trở đi, tôi hoàn toàn bị cô lập, độc lập tác chiến, tự mình chỉ huy mình, tự mình ra lệnh cho mình thi hành. Thành hay bại đều trực tiếp chi phối số phận của mình, tôi có thể đàng hoàng sống trong hang sói, có thể bưng tai bịt mắt được họ, khiến họ hoàn toàn tin cậy vào mình nhưng – điều này không dám nói trước, chỉ vì một sở hở rất nhỏ cũng có thể tôi bị lộ, bị bắt, thậm chí bị giết chết. Đối phương chẳng bao giờ chịu nương nhẹ tôi, nếu như họ biết được tung tích của tôi… Ai sẽ là người báo tin cho anh Tư, cho tổ chức? Ai sẽ là người báo tin cho vợ con tôi? Có thể tôi sẽ chết âm thầm, ngã gục ở một nơi nào đó trên mảnh đất mênh mông rộng lớn kia… Trận đánh sẽ thất bại bởi người chiến sĩ duy nhất là tôi đã không còn nữa…

   Thật ra, kế hoạch “chạy trốn” của tôi là do tôi tự đề xuất nằm trong phương án chung. Anh Tư cũng như cấp trên chưa bao giờ một lần gợi ý với tôi. Tự tôi nghĩ ra và bản thân tôi rất tâm đắc về kế hoạch ấy. Tôi đã suy nghĩ trong nhiều đêm thao thức khi anh Tư giao trách nhiệm lập phương án tối ưu. Tất nhiên là cái tổ chức gián điệp cùng với đám dây mơ rễ má của nó phải bị tiêu diệt. Đó là mục tiêu trước mắt của chúng ta, nhưng về lâu về dài, phải làm sao ngăn chặng được những cái vòi độc của con bạch tuộc khổng lồ kia không được với sang ta.

   Voòng Cắm Sềnh bị bắt, rồi “anh Cả” của lão cũng phải bị bắt, đến cả Trương Đạt cũng bị bắt nốt thì vai trò của tôi coi như kết thúc, kết thúc cả bao nhiêu năm chúng tôi mai phục nằm chờ. Tôi sẽ được ra công khai, sẽ được sống thoải mái đầy đủ hạnh phúc bên vợ , con, bè bạn và nhân dân. Từ bao năm, tôi chỉ mong được sống như thế, và vợ tôi, con gái tôi cũng mong được niềm hạnh phúc rất bình dị đến như thế… Nhưng còn lợi ích lâu dài của Tổ quốc? Chính vì lợi ích thiêng liêng, vì sự nghiệp cao cả của Tổ quốc mà hàng triệu người con đã hy sinh trong suốt ba mươi năm chiến tranh và tương lai sẽ còn nhiều người nữa cũng phải hy sinh. Dân tộc ta, đang sống bên một vị láng giềng khó tính, tham lam, thiển cận và đầy hiểm độc. Cây muốn lặng nhưng gió chẳng dừng…

   Tôi suy nghĩ, tính toán và tự tôi vạch ra kế hoạch “chạy trốn” cho tôi.

   Anh Tư nghe tôi trình bày, sắc mặt anh tư lự không nói năng gì cả. Mãi sau anh mới hỏi:

- Cậu đã suy tính hết nhẽ chưa?

- Tôi đã suy nghĩ nhiều lắm rồi. Từ lâu chúng ta muốn cài người sang đó mà chưa có cách … Tại sao bây giờ lại không thực hiện… Chúng ta đang có thời cơ… Bỏ qua thì phí quá, anh Tư.

   Anh Tư cúi nhìn xuống trang giấy như muốn tìm kiếm vật gì đó ẩn náu giữa những dòng chữ của tôi. Rồi anh ngẩng lên, chớp chớp mắt sau sau gọng kính trắng:

- Còn chị ấy và cháu? Cậu sẽ phải xa cách lâu dài, thời gian chưa biết bao giờ mới gặp nhau… Bọn mình có trách nhiệm chẳng những với cá nhân cậu mà cả với chị ấy và cháu Túa Hoa… Mình không thể quyết định vấn đề này được, mình phải hỏi ý kiến các anh ấy.

   Tôi nhìn lại anh rồi nói tiếp:

- Tôi đâu có phải gỗ đá, anh Tư. Tôi cũng là con người, yêu vợ thương con, muốn sống bên gia đình vợ con. Tuổi tôi cũng không còn trẻ trung gì nữa, trên năm mươi rồi… Nhưng vì lợi ích của cách mạng và tôi thấy cần phải đặt lợi ích cách mạng lên trên… Với lại, anh Tư ạ, hồi đánh Mỹ, biết bao đồng chí ở ngoài Bắc này vào chiến trường miền Nam. Có mấy ai nghĩ trước được ngày trở về… Mà thôi, mọi việc nếu cứ tính mãi cũng chẳng giải quyết thêm được gì. Chẳng có cái gì trọn vẹn cả anh  Tư ạ, cái được và cái mất, biết thế nào mà suy đi tính lại…

   Anh Tư không nói thêm điều gì. Anh về Hà Nội hai ngày. Khi quay lên gặp tôi, tôi thấy anh có vẻ bứt rứt thế nào ấy, vẻ như có lỗi với tôi… Tôi chủ động nói trước với anh:

- Tôi đã nói hết với nhà tôi và cháu rồi, Anh Tư ạ!

- Cậu nói chuyện gì? – Anh Tư hỏi, giọng hơi thảng thốt.

- Tôi nói về kế hoạch “chạy trốn” của tôi ấy mà… Tôi đã giải thích , đã động viên và an ủi cả hai mẹ con…

- Chị ấy và cháu thế nào?

- Tất nhiên là buồn lắm, nhưng đều bình tĩnh và an tâm. Dù sao thì từ ngày hiểu rõ công việc của tôi; vợ tôi và cháu đều tỏ ra cứng cáp hơn trước rất nhiều. Và, tin rằng, nếu tôi đi xa thì ở nhà vẫn có các anh giúp đỡ….

   Anh Tư lẳng lặng nhìn tôi và nói:

- Phương án của chúng mình đã được cấp trên chấp nhận không thay đổi một chi tiết gì cả, chỉ có quy định ngày giờ nổ súng mà thôi… Đây, cậu ngồi mà đọc lại phương án đi…

   Anh rút cặp lấy ra một tập giấy mỏng đưa cho tôi. Đó là toàn bộ phương án được đánh máy rất sạch  sẽ. Ở bìa ngoài có dòng chữ lớn: “Phương án M x 1” với cái dấu “Tối mật” đỏ chói. Bên dưới có mấy dòng tiếp theo: “Tác giả phương án: Trung tá Lê Chí Phúc (K7). Người thuyết trình: Đại tá Trần Hữu Quân (Tư). Người duyệt cuối cùng: Thiếu tướng…”

   Anh Tư đi sang phòng bên để lại tôi một mình với tác phẩm của tôi. Tôi lặng lẽ đọc lại từng dòng. Đây là tất cả công sức không riêng của cá nhân tôi mà của chung trong nhóm: tôi, anh Tư và Huy. Tất cả mọi ý nghĩ được hiện ra minh bạch rõ ràng trên trang giấy, bằng những dòng chữ đánh máy đều tăm tắp giống như những hình người xếp hàng tuần tự và lặng lẽ lướt đi dưới mắt tôi. Chưa bao giờ ý nghĩa của những con chữ lại nổi lên sinh động như vậy và nhờ đó, tôi biết rằng mọi chi tiết đều rất ăn khớp với nhau, giống như những bánh xe răng của một cỗ máy, không có một chi tiết nào bị kênh lên hoặc bị thừa…

   Vậy thì việc tôi “chạy trốn” còn gì phải băn khoăn suy tính nữa.

   Vừa nãy tôi thuật lại với anh Tư cuộc nói chuyện của tôi với vợ và con gái tôi vẻ như rất đơn giản. Thật ra không đơn giản chút nào, ngay bản thân tôi khi ngồi trước vợ và con, tôi thấy lúng túng mãi mới nói ra mọi suy nghĩ của mình. Đúng là đêm ấy, chúng tôi nói bằng lời rất ít. Nhưng nhìn vào thái độ từng người, tôi biết ngay cả tôi nữa cũng đều tự kiềm chế mình, tránh không bộc lộ tình cảm thật và nghĩ thật của mình trước sự biến động lớn lao này. Người nó muốn nâng đỡ tình cảm cho người kia. Người ở lại làm vẻ thật bình tĩnh và yên tâm để yên lòng người ra đi. Và người ra đi cố làm nhẹ những khó khăn nguy hiểm đang chờ mình ở phía trước, để giảm bớt mối lo âu cho người ở lại. Và chúng tôi đều đạt được mục đích, chúng tôi đều mang niềm tự hào về mình, về người thân của mình, xác định được – tuy bằng lý trí – trách nhiệm của mình và gắng làm tròn trách nhiệm đó…

   Đêm ấy, tôi ôm hôn vợ tôi, ôm hôn con gái tôi, tôi lặng lẽ lên đường. Tôi không dám nói một lời nào hết, bởi vì một lời nói lúc này đều không đủ mà hàng nghìn câu nói cũng không thể đủ được… Tôi lặng lẽ ra đi trong đêm mưa, đi mà không quay đầu nhìn lại. Ấn tượng suốt những năm tháng tiếp theo của tôi là hình ảnh vợ tôi và con tôi, những khuôn mặt điềm tĩnh, những nụ cười buồn, những đôi mắt có ngấn nước, hai bóng phụ nữ trong căn phòng vô cùng quen thuộc lờ mờ trong ánh đèn dầu… Tất cả sẽ theo tôi mãi mãi…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #34 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2013, 04:14:09 pm »

16

   Chiếc xe đậu im lìm trong màn mưa phũ phàng. Tôi lép nhép tiến lại cái khối bất động đen sì ấy và tôi nghe có tiếng người hỏi:

- Bảy phải không?

- Tôi đây! Tôi nghe giọng anh Tư và bước mau hơn.

   Cánh cửa xe mở ra, tôi vội tháo mảnh vải mưa cuộn tròn lại. Một bàn tay thò ra nắm lấy tay tôi, kéo tôi vào xe. Tôi ngồi cạnh anh Tư. Ghế trên có một người nữa ngồi bên lái xe. Mới đầu trời tối quá, tôi không nhìn rõ. Mãi sau, khi đèn pha ô tô bật sáng, tôi mới chú ý đến anh ta . Đó là một thanh niên trẻ, ăn mặc kiểu quần áo dân tộc… Xe rồ máy, từ từ lăn bánh. Tôi ngoái lại, cố nhìn một lần cuối cùng cái thị xã vùng biên của tôi, nơi mà tôi đã sống cùng gia đình và hoạt động trên mười hai năm… Trời vẫn kéo dài những sợi mưa nhỏ li ti, màn đêm trùm kín. Thị xã nằm phía sau, qua chiếc cầu xi măng này, tôi không nhìn thấy gì hết ngoài một đốm lửa leo lét như một vì sao. Không biết đó có phải ánh đèn dầu hắt ra ở nhà tôi và lúc này cả hai mẹ con vẫn còn đứng sững trước cửa với ngọn đèn trên tay cố ý soi đường cho tôi…?

   Trời đêm mù mịt, mưa không dừng lại phút nào, đường trơn và lầy lội. Chiếc xe com-măng-ca nghiêng ngả chạy trên con đường ngược lên biên giới.

   Anh Tư vẫn in lặng ngồi bên tôi, xe lắc lư, hai chúng tôi đập vai vào nhau. Bàn tay của anh Tư vẫn nắm lấy bàn tay tôi. Anh chẳng nói gì cả, tôi cũng nín thinh. Tôi biết anh Tư đang lo nghĩ nhiều về tôi, còn tôi lại suy nghĩ đến người bạn trẻ là Huy.

   Tôi hỏi:

- Có tin tức gì của Huy chưa, anh Tư?

   Anh lắc đầu; ngồi thừ ra. Tôi nói tiếp để anh yên tâm: - Nhưng tôi nghĩ rằng không có chuyện gì xảy ra đâu, anh Tư ạ! Cậu huy bản lĩnh lắm, chẳng thế mà chúng nó đặt tên cho cậu ấy là Triệu Tử Long…

   Lâu lâu anh Tư mới lên tiếng:

- Mình cũng nghĩ vậy… Dù sao cũng rất sốt ruột… Lần này mình đã cử một đồng chí đi cùng. Nếu không gặp được Huy thì đồng chí ấy sẽ đi cùng với các cậu biên giới… Đồng chí ấy ngồi ghế trên đó, người dân tộc Tày rất quen thuộc vùng này – Nông Viết Sơn, tên là Sơn. Lát nữa hai đồng chí làm quen với nhau…

   Như vậy, chuyến vượt biên này của tôi đã được cấp trên rất quan tâm. Anh Tư thật sự lo lắng cho tôi, nên anh đã cử thêm người giúp đỡ tôi… Tôi ngồi im, bồi hồi…

   Xe chạy hết đêm mới tới đồn biên phòng. Lúc ấy hãy còn quá sớm, mưa vẫn dăng trắng xóa. Các chiến sĩ vừa ngủ dậy đang tập thể dục trong hiên nhà cho nóng người. Chiếc xe của chúng tôi ậm ạch bò lên đồi, bốn bánh xe bê bết những bùn đất nhão nhoét. Đồng chí đại úy đồn trưởng đích thân chạy ra mở cổng và đưa chúng tôi vào phòng riêng. Anh chạy đi chạy lại đem nước rửa mặt và nước sôi pha trà.

   Anh Tư vẻ nôn nóng giữ anh lại và hỏi thăm về Huy. Đồng chí đại úy vội lấy trong xà cột một mảnh giấy đưa anh Tư. Thư của Huy để lại: “K8 gửi K4. Con gấu bị lạnh đã ra khỏi hang. Nó đi theo đường đã định trước – Đường này K7 đã biết. Tôi vẫn bám theo để bảo vệ nó và tìm cách kìm chân nó – Các anh nên lấy lão thợ ảnh dẫn đường để theo tôi”.

   Đồn trưởng biên phòng chờ cho anh Tư đọc xong, nói:

- Thư này tôi mới nhận được tối hôm qua. Tôi định điện về tỉnh nhưng nghe tin thủ trưởng đang trên đường lên đây nên tôi lại thôi…

   Anh Tư hỏi:

- Tình hình biên giới thế nào?

- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi đã được lệnh khóa chặt biên giới từ tuần trước, đến nay tình hình vẫn ổn định. Đồn chúng tôi và đồn 17 đã phối hợp tuần tra, canh gác ở các trọng điểm hăm bốn trên hăm bốn. Các cửa khẩu, các cột mốc và các khe suối mọi đường đi lối lại, chúng tôi đều bố trí các tổ chốt, bảo đảm không một kẻ nào lọt qua được…

   Anh Tư gật đầu:

- Tốt lắm… Bây giờ đồng chí cho bọn tôi ăn tạm chút gì đó. Rồi kiếm cho ba con ngựa tốt cho ba chúng tôi. Ăn xong, chúng tôi đi ngay. Bây giờ là năm giờ mười lăm, muộn nhất là sau giờ phải lên đường đuổi theo…

- Báo cáo, thủ trưởng có cần đến sự chi viện của chúng tôi?

- Cho thêm một tổ phối hợp cùng đi…

- Tôi sẽ đi cùng với hai chiến sĩ nữa, được chứ ạ?

- Tùy đồng chí thu xếp… Không cần nhiều người, ít nhưng phải một chọi mười.

   Sáu giờ, mưa đã ngớt nhưng mù còn rải trắng xóa và gió rét không ngừng từ bên kia biên giới thổi về. Sáu con ngựa gõ móng vượt ra khỏi đồn. Tôi dẫn đầu cả đoàn, đi theo con đường mà Tạ đã vạch sẵn. Trước khi lên đường tôi đã nghiên cứu tỉ mỉ trên tấm bản đồ của đồng chí đồn trưởng biên phòng. Con đường bí mật do Tạ chuẩn bị từ lâu, con đường sinh tử của y, thật hiểm hóc mà chỉ những người thật thông thuộc và am hiểu núi rừng mới dám đi. Nó đã được Tạ chia ra làm nhiều chặng nghỉ, như những trạm của ta, men dọc theo đường biên để tới một quãng vươt. Huy đã bám theo Tạ đi trước chúng tôi gần một ngày và một đêm, khoảng hai mươi tiếng đồng hồ. Nhưng họ đi bộ và mưa rét đã cản bước chân của họ. Còn chúng tôi đi ngựa, tốc độ có thể nhanh gấp ba, gấp bốn họ; ấy là ngựa đi luồn rừng và leo dốc, không được thả sức phóng nước đại như những nơi bằng phẳng. Trong thư để lại, Huy không nghĩ là tôi đang dẫn anh em bám theo anh, Huy không biết mãi đêm qua tôi mới thực hiện kế hoạch “chạy trốn”, nên anh đã viện tới sự có mặt của Voòng Cắm Sềnh.

   Anh Tư luôn luôn thúc ngựa theo sát tôi. Tôi biết tuy không nói ra nhưng anh đang sốt ruột, phần thì lo cho Huy, phần thì sợ lão Tạ chạy thoát. Kế sau anh là Nông Viết Sơn, người bạn đồng hành mới của tôi mà chúng tôi vừa làm quen với nhau.

   Mặc dù đi ngựa nhưng con đường chưa có dấu chân người, chúng tôi đi theo la bàn, rừng núi chỗ thì hiểm trở, nơi thì lầy lội, đất ướt nhão như thoa mỡ trên những phiến đá, móng sắt ở chân ngựa đặt vào cứ bị trôi tuột, tốc độ của chúng tôi bị giảm sút khá nhiều. Tôi nhìn đồng hồ, ước lượng kiểu này chỉ có thể đi một giờ được khoảng mười cây số không hơn.

   Cũng may gần trưa, trời hửng nắng. Chúng tôi đi xuyên qua một thung lũng cỏ gianh bạt ngàn. Anh Tư hạ lệnh người nào đói thì cứ ngồi nguyên trên lưng ngựa, bóc lương khô mà ăn, nước đã sẵn trong bi đông. Chúng tôi tiếp tục đi không nghỉ hy vọng sẽ gặp Huy ở chặng nghỉ thứ hai. Từ chặng nghỉ thứ nhất cách sào huyệt của Tạ - nơi hắn đã trú chân hơn mười năm nay và hắn vừa ra đi – Chừng hai mươi lăm cây số đường rừng. Như vậy, thì ngày hôm qua, hắn đã tới đó, sớm muộn cũng tới được, không hiểu hắn có dám đi tiếp hay nghỉ đêm lại đó. Không hiểu hắn đi ngựa hay đi bộ, bởi khi qua một bãi đất ven suối. Chúng tôi phát hiện có dấu chân ngựa, nhưng chỉ có một con. Có thể Tạ đi ngựa, còn thủ hạ của hắn thì cuốc bộ.

   Đi sâu vào một cánh rừng già nguyên thủy, chúng tôi tới chặng nghỉ thứ nhất theo quy định của Tạ. Tôi biết đó là một cái nhà rất sơ sài và rất nhỏ chỉ đủ vài ba người nằm, chênh vênh trên ngọn cây cổ thụ, cheo leo giống như một tổ chim khổng lồ.
   Mọi người đã dừng lại gần cửa rừng, chỉ một mình tôi thúc ngựa đi sâu vào trong. Tới gần, tôi đã nhìn thấy một chiếc khăn mặt lấm lem, bẩn thỉu và ướt sũng vắt trên cành cây con sát đất. Tôi cầm lên, nhận ngay được chiếc khăn của Huy. Chiếc khăn này do vợ tôi đưa cho Huy dùng, khi anh ở trên này về thị xã hồi trong tết.

   Tôi xuống ngựa và leo lên nhà bằng những cái đinh to đóng sẵn vào thân cây thay cho bậc thang. Trong nhà không có ai, đó đây trên mặt sàn còn vương lại những hạt cơm và những sợi thuốc lá vụn. Góc sàn có bày mấy viên đá sỏi, hình như có bàn tay ai đó đã xếp chúng rất thứ tự, một viên đá lớn bằng bao diêm đặt trước, kế đến ba viên sỏi như cái trứng chim. Đấy là ám hiệu của Huy để lại giống như chiếc khăn của anh vứt dưới gốc cây. Chiếc khăn báo tin anh đã tới nơi đây và đã ra đi, còn bốn viên đá sỏi là tất cả đội ngũ của địch. Viên lớn là lão Tạ cùng con ngựa của lão, ba viên sỏi là thủ hạ đi theo trong đó có Huy.

   Tôi còn tìm được mẩu nến vụn đốt cháy dính trên mảnh đĩa vỡ. Nghĩa là đêm qua bọn chúng đã nằm lại đây, trời mưa và rét như thế này, chúng nó không dám liều lĩnh dấn thân trong rừng sâu tối tăm mù mịt. Và, như vậy còn có nghĩa là tuy đánh hơi thấy bị động, Tạ cuốn theo cả đồng bọn ra đi nhưng hắn vẫn còn có vẻ ung dung, tự tin về con đường bí mật này, hắn chưa đến nỗi hoảng hốt chạy trốn, hắn chưa hề nghĩ rằng bọn chúng tôi đang đuổi theo sát nút, hắn chưa có chút ngờ vực vai trò của Huy. Hắn còn tin cậy vào Huy, tất nhiên là hắn vẫn tin vào tôi – chú Ba em út của nhóm. Hắn cũng chưa biết Voòng Cắm Sềnh đã bị bắt cùng với bản sơ đồ của lão… Mọi luồng tin từ trước đến nay vẫn đến với hắn đã bị phong tỏa rất kín và bị chặn đứng…

   Có điều còn phân vân là tại sao Tạ lại chuyển chỗ ở lên sát đường biên này? Mà lệnh khởi sự của hắn chưa được phát ra. Cả tôi, cả Cắm Sềnh chưa nhận được chỉ thị ngày giờ cụ thể cho cuộc phản loạn. Chẳng nhẽ Tạ phải rời bản doanh lên tít vùng cao này rồi mới cho lệnh? Hay hắn còn chờ phối hợp hành động với đại quân đang áp sát bên kia biên giới?

   Anh Tư và tôi ngồi riêng ra một nơi bàn bạc và trao đổi. Trước hết, anh Tư cũng đồng ý với nhận định của tôi về sự ra đi của Tạ; do đó việc tôi bám sát và tạt đến chỗ Tạ là việc hợp lý, nên làm. Anh cũng nhất trí cho rằng Tạ rời hang ở cũ lên sát đường biên này để dễ dàng phối hợp với đại quân. Hình như mọi công việc chỉ huy của cái ổ phản loạn, chỉ huy trực tiếp các đội sơn cước đã được giao cho một nhân vật nào đó. Người ấy có thể phán đoán được, đó là Lưu Nghị - Rõ ràng tên này vẫn lẩn quất đâu đây, hoặc như một con thú thậm thụt qua lại đường biên.

   Cũng có thể lệnh khóa chặt đường biên đã làm cho Tạ hốt hoảng lo sợ, nên đã giống như một con cá nghẹt thở phải ngoi lên mặt nước.

   Anh Tư hỏi tôi về khoảng cách của chặng nghỉ thứ hai. Theo bản đồ thì còn phải đi tiếp chừng ba giờ trên ngựa mới tới. Cũng trên bản đồ, đó là một dãy núi đá cao ngất, tôi không hiểu cái trạm ấy được Tạ bố trí ở đâu?

   Anh Tư gọi Nông Viết Sơn đến ngồi trước tấm bản đồ vùng với đại úy đồn trưởng đồn biên phòng. Anh thanh niên người Tày chăm chú lắng nghe anh Tư nói và nhìn theo ngón tay anh đang lần lần những vệt xanh mờ in trên bản đồ.

   Sơn gật đầu:

- Vùng này tôi biết. Thuở bé tôi đã nhiều lần theo bố đi săn thú có qua lại đấy. Ở dãy núi đá ấy, có một cái hang rất sâu nằm tít trên cao. Leo lên mệt lắm đấy, trời mưa lại càng khó… Nhưng tôi biết, tôi với bố tôi đã ngủ đêm ở đó. Lạnh lắm, phải đốt lửa để sưởi. Dơi núi bay ra từng đàn…

   Anh Tư hỏi:

- Từ chỗ ta ngồi đến đó có đường phóng ngựa không?

- Có, nhưng xa… Ngựa thồ còn đi được. Ngày trước cửa hàng mậu dịch vẫn thồ hàng lên đấy… Đi ngựa nhanh lắm, chỉ hai giờ là đến nơi, ngựa chạy được mà…

- Thế này nhé, các đồng chí ạ… - Anh Tư nhìn đồng hồ và quyết định. – Bây giờ đồng chí Sơn đi cùng với anh em công an vũ trang phóng theo đường ấy. Đồng chí Sơn dẫn đường. Cố gắng đi nhanh, càng nhanh càng tốt… Nhưng chú ý một điều: Các đồng chí không được tự ý hành động. Nếu gặp địch giữa đường mà không tránh được, thì các đồng chí coi như đang làm nhiệm vụ tuần tra biên giới. Điều nay ta đề phòng khả năng địch bỏ trốn, vượt biên giới sang bên kia. Nếu chúng nó vào hang thì các đồng chí nhanh chóng hình thành thế bao vây ngay. Tôi với đồng chí Bảy bám theo con đường rừng này, tức là khóa chặt đuôi chúng nó lại… Đội hình của chúng ta như vậy là chia làm hai mũi để tiếp cận địch. Mọi phương án hành động như đã bàn ở nhà, không có gì thay đổi…

   Anh Tư cởi chiếc áo biên phòng đổi cho Nông Viết Sơn lấy chiếc áo bông chàm. Sau nửa ngày chui rúc trong rừng, quần áo mũ và mặt mũi chúng tôi đều ngấm nước. Trông anh Tư lúc này giống hệt như hình dạng của tôi, rõ là hai ông lão người Nùng, mặt mũi hốc hác, nhợt nhạt vì giá rét và râu ria lởm chởm…

   Chỉ còn lại hai anh em, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình săn đuổi. Lại lom khom trên mình ngựa, len lỏi trong rừng rậm. Con ngựa bước xiêu vẹo và những cành cây luôn luôn quệt vào mặt vào vai tôi, người tôi nghiêng ngả, hai cẳng chân kẹp chặt lấy mình ngựa cho khỏi ngã. Anh Tư theo sau tôi, đầu ngật ngưỡng và đôi mắt cúi xuống như đang ngủ, phó mặc cho con ngựa bước tập tễnh…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #35 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2013, 07:56:39 pm »

17

   Tôi vừa leo vừa thở hổn hển, mệt muốn đứt hơi. Lối lên hang vướng đầy bụi cây, rễ nhằng nhịt và trơn như bôi mỡ. Dốc thẳng đứng, đầu tôi chỉ muốn chạm phải gót chân của tên đi trước. Hắn leo thoăn thoắt, chốc chốc lại cúi nhìn xuống. Khuôn mặt hắn già cấc, gồ ghề như khuôn mặt gỗ được đẽo bằng những nhát rìu. Khẩu AK lủng lẳng trên lưng gã với băng đạn buộc chéo qua vai. Dưới tôi là anh Tư, anh cũng mệt chẳng kém tôi, nhưng mỗi lần ngó xuống thấy đôi môi anh mím chặt, quai hàm bạch ra. Anh đang cố hết sức mình. Dưới cùng là một tên nữa thủ hạ của Tạ, hắn cũng giống y như tên đi đầu khuôn mặt bì bì đầy râu. Chẳng rõ hắn già hay trẻ.

Vừa nãy khi vượt qua dãy yên ngựa để tiến đến chân dãy núi đá, đôi mắt rất tỉnh của anh Tư đã phát hiện có người. Người đó mặc quần áo chàm đứng bên một tảng đá lớn, đang chăm chú theo dõi chúng tôi. Anh Tư níu tôi và nói:

- Cậu tung ám hiệu ra đi! Chúng nó kia rồi!

Tôi rút chiếc gậy tre vẫn gài cạnh yên ngựa, tháo nón ra chống lên đầu gậy rồi giương cao chiếc gậy như người giương cờ. Cái nón tre rộng vành của tôi chung chiêng, lắc lư theo bước chân ngựa. Chờ một lát cho kẻ đứng trên tảng đá lưng chừng núi tìm thấy, tôi khum bàn tay còn lại trước miệng và hú ba tiếng, hai tiếng đầu gần dính nhau, tiếng hú thứ ba kéo thật dài. Tôi hú thật lực, tiếng vang từ vách núi dội lại nghe càng to. Tôi cũng không ngờ sức lực tôi còn được như vậy. Phổi tôi còn khỏe, vậy mà lúc leo núi, tôi thở như con cá mắc cạn. Từ sườn núi, tiếng hú đáp lại cũng một nhịp điệu giống tôi.
Tôi hú lại, trên kia hắn đáp… Chúng tôi đối thoại với nhau bằng những tiếng hú, lúc nhịp ba, lúc nhịm năm y như hai người hóa rồ đang thi thố hơi sức của nhau. Cuối cùng thì hắn im lặng, giơ cao cánh tay huơ tròn trên đầu. Hắn đã chấp nhận chúng tôi.

Tôi quay bảo anh Tư và cả hai đều xuống ngựa, dắt bộ. Chúng tôi lững thững đi gần tới chân núi, một bóng áo chàm khác vẫn núp trong bụi cây nhảy xồ ra chặn ngang đường, khẩu AK nhăm nhăm chĩa vào ngực tôi và hắn hỏi bằng tiếng Quan Hỏa:

- Đi đâu?

- Em Ba đến hội kiến với Huynh trưởng.

- Còn người kia? – Hắn hất mũi súng về anh Tư.

Tôi đáp:

- Người của anh Hai…

- Có đem theo vũ khí không?

- Có súng ngắn…

- Bỏ hết ra đây!

Cả tôi, cả anh Tư đều tháo súng ngắn giắt trong người trao cho hắn. Nhưng chúng tôi còn mỗi người một khẩu nữa nhét kín ở cạnh sườn, gần nách. Tên áo chàm nhét cả hai khẩu súng ngắn vào cạp quần và hắn hất đầu nói:

- Theo tôi…

Hắn nói vậy nhưng lại giục chúng tôi đi trước, hắn kẹp AK đi sau. Tới sát chân núi, hắn bảo chúng tôi buộc ngựa vào bụi cây, rồi lần theo những bậc đá lẫn trong đám lá để lên núi. Tên đứng sát trên sườn núi im lặng quan sát chúng tôi. Và chờ cho cả ba người ậm ạch lên tới chỗ hắn, hắn quay người đi trước…
Gần nửa giờ sau, chúng tôi mới leo tới cửa hang. Ở dưới nhìn lên, miệng hang rất nhỏ và bị cây cối che lấp gần hết. Tới nơi, cái miệng đá ngoác ra đến dễ sợ. Ngoài cửa, trên một đám bằng phẳng có mấy tảng đá lớn nằm ngếch đầu lên nhau. Tôi ngồi phịch xuống và kéo anh Tư ngồi theo vẻ như quá mệt, mặc cho tên đi đầu lom khom chui tọt vào hang. Mà chúng tôi cũng mệt thật, hơi thở tranh nhau ra bằng miệng, bẳng mũi. Tôi ngồi lại đây để chuẩn bị và cũng để anh Tư có thời gian chuẩn bị cuộc gặp gỡ với Tạ. Mặc dù ở nhà, chúng tôi đã bàn tính rất kỹ, rà soát mọi chi tiết để không có một sơ hở nào, nhưng biết đâu chẳng có sự bất ngờ xảy ra, biết đâu lão “Huynh trưởng” này chẳng nhận được mặt anh Tư, biết đâu trí nhớ của lão còn tốt và lão còn nhớ lại cuộc gặp mặt tuy rất ngắn ngủi của lão với anh Tư cách đây mười hai năm, khi lão mới sang đây “lánh nạn cách mạng văn hóa”. Hồi đó, anh Tư chỉ đóng một vai trò rất phụ, một cán bộ thấp nhất làm cần vụ cho một đồng chí cao cấp và anh chỉ xuất hiện có một thoáng. Thời gian đã qua đi từng ấy năm, anh Tư hiện nay tóc đã điểm bạc và mặt mũi hốc hác như người đói ăn, liệu lão có nhận được không?

Tôi thoáng nghe anh Tư nói nhỏ:

- Cứ bình tĩnh, hắn không nhận ra mình đâu…

Tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao anh lại đoán được cả ý nghĩ của tôi. Tên vừa chui vào hang chỉ một thoáng đã lại chui ra. Hắn bảo:

- Các đồng chí vào đi, thủ trưởng đang đợi…

Hai chúng tôi đứng lên và đi sâu vào trong hang. Cái hang khá rộng, vòm càng vào sâu càng cao. Đi ngoắt ngoéo một đoạn, tôi thấy nó sáng dần ra, hình như ánh sáng từ trên cao rọi xuống. Và trên một tảng đá lớn như một chiếc giường đôi, có một người đang nằm. Người ấy là “Huynh trưởng” của tôi – Lão nằm trên một tấm nệm dã chiến bằng cao su bơm hơi có phủ chiếc chăn dạ, nửa người dưới của lão cũng đắp chiếc chăn dạ… Lão nằm im lặng, mắt nhắm, một cánh tay duỗi thẳng chui vào trong chăn, cánh tay kia vắt lên trán.

Tôi tới sát bên Tạ, khẽ gọi:

- Thủ trưởng…

Tạ mở mắt nhìn tôi, gật đầu như chào. Tôi nói:

- Kính chào thủ trưởng; chúng tôi đã tới…

- Tốt lắm… chú Ba… Trương đồng chí tốt lắm…

Luồng mắt rất sáng của lão lướt nhìn anh Tư đang đứng khúm núm sau tôi. Lão ngồi lên rất nhanh:

- Ai đi với chú vậy?

- Báo cáo thủ trưởng, đó là đồng chí Xây, người của anh Hai phái đi gặp thủ trưởng…

- Voòng Cắm Sềnh đâu?

- Báo cáo thủ trưởng, Voòng đồng chí bị đau, không đi được.

- Ta chưa gặp người này bao giờ…

Anh Tư cúi đầu nói:

- Thưa thủ trưởng, tôi được đồng chí Voòng tổ chức đã lâu nay mới có may mắn được trình diện thủ trưởng… Voòng đồng chí có thư gửi trình thủ trưởng…
Anh móc túi áo trong lấy ra một phong thư và đưa ra. Tôi đỡ lấy thư chuyển cho Tạ. Tạ luồn tay xuống nệm lấy bao kính rút ra đeo lên mắt rồi đọc… Chẳng biết trong thư Cắm Sềnh viết những gì, điều này chỉ có anh Tư biết, vì chính anh đã đọc cho lão viết trong trại giam… Tôi theo dõi diễn biến trên nét mặt của Tạ, đồng thời cũng quan sát chung quanh. Hai tên thủ hạ của Tạ, tên đi sau thì dừng lại ngoài cửa hang, còn tên đưa chúng tôi vào hang đá lặng lẽ lướt qua rồi đi sâu vào phía trong và mất hút sau mấy tảng đá nằm chềnh ềnh. Tôi không rõ hang sâu đến mức nào và nghe có tiếng bước chân tới gần. Lát sau Huy xuất hiện. Anh cũng ăn mặc giống như hai tên kia. Trông thấy tôi, Huy gật đầu chào tôi:

- Chào đồng chí Trương!

Xong anh tiến sát tới sau lưng Tạ. Lão đã đọc xong bức thư của Voòng Cắm Sềnh, nét mặt lão căng thẳng và thốt nhiên nở giãn ra… Tạ cười to:

- Khá lắm, khá lắm… Voòng Cắm Sềnh khá lắm… Đồng chí ấy đau ra sao?

- Báo cáo thủ trưởng, - anh Tư đáp, - đồng chí Voòng bị thấp khớp, hai đầu gối sưng tấy không đi lại được…

- Hắn có đưa lại bản sơ đồ cho… chứ?

- Thưa có đây ạ!

Anh Tư móc túi lấy ra bản sơ đồ, khúm núm đưa lại cho Tạ. Lẽ ra lão cầm lấy mảnh giấy, nhưng lão lùi lại rút súng chĩa vào hai chúng tôi:

- Giơ tay lên, ông bạn quý… ông tưởng, ông đánh lừa được lão Tạ này hẳn! Ha ha quý ông lầm rồi. Bức thư này ông đã bắt buộc Cắm Sềnh phải viết nhưng trong thư, Cắm Sềnh đã ghi những ký hiệu báo động. Còn anh Trương Đạt – lão chĩa súng vào tôi – Anh là một tên phản bội, anh đã đưa đường cho chúng nó bắt ta, anh đã phá hoại tổ chức của ta. Chúng mày hết đời rồi, thay mặt cho Tổ quốc vĩ đại, ta thẳng tay trừng phạt chúng bay…

Lão tiến lên một bước và trước mặt lão là tôi và anh Tư, hai kẻ thù của lão. Lão quên mất người đứng sau lưng lão. Huy nhảy lên một bước đồng thời chặt mạnh bàn tay xuống cánh tay xương xẩu đang cầm súng của Tạ. Khẩu súng văng trên nền hang nghe cạch một tiếng khô khốc. Cùng lúc ấy, tôi nghe tiếng nổ rồi đạn rít qua tai. Huy ôm chặt lấy bả vai, khuỵu xuống.

Tôi rút súng bắn không cần nhắm. Tên thủ hạ của Tạ ngã quật xuống ngay trước cửa hang. Tạ nhanh như sóc, lão tung mình nhảy vọt qua người Huy và chạy lao vào trong hang. Tôi vội quỳ xuống đỡ lấy Huy và kêu:

- Anh Tư!

Anh Tư vẫn thản nhiên như không nhìn thấy lão già đang chạy tót vào sâu. Chỉ một thoáng, bóng của lão lại xuất hiện khỏi chỗ ngoặt, lão đi giật lùi. Trước mặt lão là hai chiến sĩ biên phòng với hai khẩu tiểu liên, trong đó có Nông Viết Sơn.

- Còn tên nữa đâu? – Anh Tư hỏi.

- Chúng tôi đã bắt trói ở trong kia…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #36 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2013, 09:13:39 pm »

18

Trước lúc lên đường, tôi nói với anh Tư rằng số phận của tôi vẫn còn bị ràng buộc với số phận của Tạ. Nếu như lão trốn thoát thì ở bên kia tôi sẽ bị đi tong. Anh Tư nắm tay tôi:

- Đó là trách nhiệm của bọn mình. Cậu không phải lo…

Thật ra kế hoạch trước kia của tôi là cho đến phút cuối cùng, tôi không dằn mặt với Tạ. Và như thế, dù còn sống hay chết, dù bị bắt hay chạy thoát, lão vẫn không có cơ sở gì để ngờ vực tôi. Bây giờ thì khác rồi… khác ở chỗ lão không còn chút hi vọng gì để trở về nữa…

Anh Tư nhắc lại với tôi một lần nữa, người mà tôi sẽ bắt liên lạc hoặc sẽ tìm đến bắt liên lạc với tôi sau này. Người ấy hình dạng ra sao, chính anh cũng chưa thể biết được. Tất cả chỉ có những quy định về ám hiệu, mật hiệu để tìm đến nhau mà thôi. Và tôi lại phải chờ như tôi đã từng chờ đợi người của tôi ở bên kia cử sang. Thời gian chờ đợi nào có ngắn ngủi lắm đâu, phải tính hàng năm, hàng chục năm… Nhưng xưa kia tôi còn trẻ, tóc tôi còn xanh; còn bây giờ đã trên năm chục tuổi rồi và mái tóc đã hói, đã điểm bạc… Lần này chắc chắn sự chờ đợi của tôi sẽ ngắn hơn: chúng ta chẳng hề có âm mưu xâm chiếm tiến công hay lật đổ gì đối với họ, chúng ta chỉ muốn biết những âm mưu ấy để mà giữ thân. Chúng ta chẳng có gì để “trường kỳ mai phục” cả…

Tuy nhiên, bước đầu tiên là tôi phải nán lại hai ngày. Trước hết để cho vết thương ở bả vai của Huy đỡ nhức nhối. Cũng may lúc ở trong hang, anh đứng chênh chếch bên cạnh Tạ, nên tên vệ sĩ của lão không dám bắn thẳng và viên đạn mới lướt vào vai Huy. Dứt khoát Huy đòi đưa tôi qua biên giới, đó là sự gắn bó suốt mười mấy năm giữa hai chúng tôi. Suốt mười hai năm ấy, ở đây chỉ có hai chúng tôi biết nhau, thông cảm với nhau và an ủi động viên nhau. Vậy thì việc anh đòi đưa tôi đi không ai từ chối được. Nhưng việc nán lại của tôi còn một lý do khác nữa: phải đợi việc hủy lệnh phong tỏa biên giới có hiệu lực, các đội tuần tra và các tổ chốt dọc đường biên rút về, việc kiểm soát các cửa khẩu, các đường đi ngang tắt lơ là lỏng lẻo. Và như thế sự vượt biên của tôi mới tỏ ra hợp lý…

Cuối cùng thì cũng đã đến giờ phải lên đường. Chỉ có anh Tư đứng tiễn chúng tôi. Tôi ôm chặt lấy anh như ôm chặt tất cả mọi người thân yêu nhất của tôi, vợ con gia đình bạn bè đồng chí và cả nhân dân, cả Tổ quốc mến thương… Cuộc ra đi bí mật nên ngoài anh Tư chẳng còn ai khác nữa. Lúc đó đã xế chiều… Từ đây đến chặng nghỉ cuối cùng của lão Tạ không còn bao xa nữa…

Tôi và Huy mỗi người một ngựa lóc cóc ra đi. Trời vẫn mưa phùn và gió bấc. Mưa rét tuy có làm khổ cho thân xác tôi, nhưng cũng rất thuận tiện cho việc ra đi này…

Không hiểu tại sao, hai ngày nay tôi luôn bị ám ảnh bởi cái nhìn của Tạ. Đôi mắt lão nhìn tôi trước lúc bị dẫn đi, đôi mắt già nua và lút sâu trong tròng mắt bỗn quắc lên đầy vẻ căm giận và tức tối. Lão thù hận tôi giống như một tên tướng cướp bị sa cơ thù hận người đã bắt hắn.

*

Đêm ấy, tôi và Huy ngủ trong một ngôi nhà sàn đầu bản. Chủ nhà này cũng là thành viên trong những tổ quỷ do Tạ đích thân tổ chức. Những tổ quỷ ấy vừa qua đã bị lực lượng an ninh biên phòng hót sạch. Ngôi nhà lúc này do một người của Huy đến ở để đón lõng các vị khách từ bên kia tạt sang. Chủ nhà dọn cơm cho chúng tôi ăn và dọn chỗ cho chúng tôi nằm. Ông ta cũng chỉ biết Huy chứ không biết tôi nhưng không hỏi han, nói năng gì hết. Chúng tôi đi nằm sớm và trò chuyện bình thường, không một ai trong chúng tôi đả động đến việc ra đi của tôi. Mà cũng chẳng có gì để nói, mọi chuyện đã được bàn tính, đã trao đổi tới tất cả các chi tiết nhỏ nhất. Còn về tình cảm ư? Lại càng không nên đả động tới, không nên nói ra miệng những tình cảm trong sạch và thiêng liêng, hãy để chúng nằm ở trong trái tim mình và hãy truyền cho nhau qua nụ cười, ánh mắt. Và suốt buổi tối, nằm bên tôi, Huy cứ nắm lấy bàn tay tôi y như sợ tôi biến mất.

Tôi đã luống tuổi mà Huy cũng không còn trẻ nữa, gần bốn mươi rồi. Chúng tôi đều biết tự kiềm chế tình cảm của mình. Huy thì đơn giản hơn, anh chỉ có mến thương tôi, nuối tiếc tôi. Chứ tôi thì có bao nhiêu điều day dứt. Lúc này tôi không hề nhớ đến một con người cụ thể nào, mặc dù khi nghĩ rằng vào giờ này vợ tôi và con tôi chắc chưa ngủ, hai mẹ con đang ngồi bên nhau nhắc lại những kỷ niệm đẹp đẽ nhất về tôi, nhưng tất cả đều không làm cho tôi day dứt, bồn chồn bằng khi tôi chợt nghĩ rằng, đây là đêm cuối cùng tôi nằm trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bằng giờ này ngày mai, tôi sẽ ở đâu nhỉ? Chắc chắn phải trên một mảnh đất nào đó không phải Tổ quốc mình, tôi là một con người khác, gốc tích khác, quê hương Tổ quốc khác…
Có lẽ Huy không hề chợp mắt, anh chỉ nằm im lặng bên tôi. Khoảng ba giờ sáng, Huy trỗi dậy bấm đèn nhìn đồng hồ rồi chui ra khỏi chăn, lần đến chỗ ông chủ nhà nằm ngủ. Huy đánh thức ông ta dậy, nói khẽ điều gì đó. Người đàn ông lẳng lặng khoác thêm tấm áo rồi tụt xuống sàn ra đi… Tôi hiểu ông ta đi trước chúng tôi để bám đường…

Một giờ sau đến lượt tôi và Huy. Chúng tô mò mẫm đi bộ, hai con ngựa đã cột chặt dưới gầm sàn. Ánh đèn pin của Huy họa hoằn lắm mới lóe sáng rồi vụt tắt. Trời không còn mưa nhưng rét, rét kinh khủng. Tôi vốn sinh trưởng ở miền Cực nam, tuy đã ra Bắc hăm lăm năm rồi, vẫn không thể nào quen được với cái rét dứt thịt dứt da này, rét buốt, tê cứng cả mặt mũi chân tay.

Từ đây ra tới cột mốc đường biên chừng hơn hai cây số. Đó là quãng vượt theo quy định của Tạ. Non một giờ nữa tôi sẽ vượt theo quãng ấy, Huy cho biết ở đó chạy dọc theo một con suối mùa này đã cạn khô. Hết con suối, rẽ lên tay trái, chừng ba ki-lô-mét đã có nhà dân rồi…
Chúng tôi chui hẳn trong một vùng toàn cỏ gianh  bạt ngàn. Lá cỏ sắc lẹm và ướt sũng quệt vào mặt tôi, xót và buốt như dao cứa. Mặt tôi càng tê cứng.
Chợt Huy dừng lại kéo tôi ngồi xuống. Đó là một mảnh nương mới tỉa của dân. Có tiếng tặc lưỡi như mối kêu đâu đó. Huy bảo tôi ngồi im và anh lần lần đi lên phía trước. Lát sau, Huy quay lại:

- Tốt rồi anh Bảy ạ… TÌnh hình rất êm… Anh cứ đi thẳng hết mảnh nương này, rẽ tay phải chừng một trăm mét là tới cột mốc… Nhưng thôi, em dẫn anh đi, bao giờ chạm cột mốc em quay về.

Tôi gạt đi:

- Thôi Huy ạ… Đừng tiễn thêm một đoạn đường nữa làm gì… Cũng không hơn gì cả, em ạ! Trước sau cũng phải chia tay…

- Thế thì anh ngồi nán đây với em dăm phút nữa rồi hãy đi…

- Ừ…

- Anh có dặn gì nữa không?

- Dặn à?... Dặn cậu năm nay phải lấy vợ đi. Băm sáu tuổi rồi, trẻ trung gì nữa… khi mình về, chắc chắn mình phải trông thấy cậu có gia đình vợ con đàng hoàng…

- Em xin hứa sẽ lấy vợ năm nay…

- Đã có ai chưa?

- Chưa… Nhưng sẽ có… Anh Bảy này!

- Gì?

- Anh cứ yên tâm về chị và cháu. Ở nhà em với anh Tư sẽ lo liệu chu đáo, anh không có gì phải băn khoăn…

- Cám ơn em… Thôi anh đi, cho anh gửi lời chào anh Tư, chào tất cả các anh… Từ biệt em, chúng ta nhất định sẽ gặp nhau…

Tôi ôm choàng lấy Huy và Huy ghì chặt tôi, gục mặt vào vai tôi y như một chú bé. Rồi anh rời tôi và đứng lên…

Tôi nắm tay Huy lần cuối cùng. Tôi quay người nhìn lại phía trước, tối mù mịt và gió cứ thổi thốc vào mặt. Cứ thế tôi bước đi, chân bập bõm trong đám nương. Khoảng mười lăm phút sau, tôi mới lần ra tới cây cột mốc. Nó đây rồi!

Tôi ngồi hẳn xuống ôm lấy cái cột mốc xi măng chênh vênh trên lưng chừng đồi. Sau lưng tôi là Tổ quốc, là đất nước thân yêu. Tôi quay đầu nhìn lại một lần nữa mảnh đất đã sinh ra tôi, chẳng có gì khác ngoài một màu đen của đêm tối. Bên kia cũng mù mịt như vậy… Bằng mắt thường chẳng làm sao có thể phân biệt được ranh giới giữa hai nước, đâu là đất nước của mình, đâu là của người. Nhưng chỉ với linh cảm, và với trái tim, lúc này tôi thấy rõ nơi tôi vừa ra đi trời hửng sáng và đất ấm chân người.

Khi tôi tụt xuống lòng con suối cạn, hai tay lần lần những tảng đá lổn nhổn, hai chân mò mẫm tìm đương, tôi có cảm giác như mình đang chui vào một cái hầm rất sâu và rất dài. Cứ thế mà đi… Tôi đang là một người lính trên đường ra trận tuyến, con đường suối cạn này rất giống như một chiến hào. Đã là người lính thì chỉ có xông lên và chiến thắng…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #37 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2013, 11:12:57 pm »

PHẦN KẾT THÚC
(Theo lời kể của Đại úy Vũ Quang Huy – tức K8)

   Trung tuần tháng Hai năm 1979, tôi từ Cao Bằng về Hà Nội. Công việc mà tổ chức giao cho tôi lần này là lo liệu chỗ ở và nơi làm việc lâu dài cho cô giáo Kim Liên (tức chị Bảy) và cháu Tú Hoa. Đó là trách nhiệm của tôi trước cơ quan, mà cũng là trách nhiệm của bản thân tôi với anh Bảy. Tôi đã hứa với trong cái đêm anh vượt biên, tôi phải làm tròn lời hứa trang trọng ấy.

   Hai mẹ con chị Bảy đều làm nghề dạy học, nên tôi đã nhanh chóng liên hệ được với cơ quan giáo dục thành phố, bố trí trường lớp cho cả hai người. Còn nhà ở, tôi cũng xin được cho chị ấy một căn hộ trong khu nhà mới xây ở phía nam thành phố, một căn hộ xinh xắn, đủ tiện nghi, lại gần trường học.

   Như vậy tôi đã gần như làm tròn trách nhiệm của mình. Đối với loại công việc này, tôi thực hiện không khó khăn cho lắm. Với lại cũng có sự giúp đỡ rất tận tình của các cơ quan đặc trách. Bây giờ tôi chỉ còn mỗi việc là quay lên Cao Bằng đón hai mẹ con chị Bảy dọn về. Một chiếc xe con là thừa đủ…

   Lẽ ra việc di chuyển mẹ con chị Bảy đã được tiến hành sớm hơn sau ngày anh Bảy ra đi. Làm sao có thể sống và làm việc dưới những đôi mắt nghi kỵ thậm chí khinh miệt của mọi người. Hơn nữa cũng phải tính đến sự trả thù của bọn địch nếu như chúng biết sự thật về anh. Tôi và anh Tư đã định lo liệu từ sớm nhưng hai người phụ nữ ấy, mỗi người có mối ràng buộc chưa thể đi ngay được. Chị Bảy muốn ở lại thị xã cho đến hết năm học, chị đang là chủ nhiệm một lớp chuyên toán của trường cấp II thị xã, chị không muốn học sinh bị dở dang nửa chừng. Từ nay đến hết năm học chỉ còn một học kỳ nữa, chị muốn tiếp tục công việc miễn là ở trường, người ta còn tin cậy chị… Đó cũng là một lý do khiến việc di chuyển phải chậm lại.

   Còn cô gái Tú Hoa là cán bộ giảng dạy của trường cao đẳng sư phạm. Điều làm cho cô chưa muốn rời khỏi nơi đây là do một người con trai. Người yêu của cô, một trung úy đại đội trưởng đại đội pháo cao xạ của Quân khu vừa được điều về bảo vệ thị xã. Đơn vị của anh đóng ngay lưng chừng đồi, cách trường của cô không đầy một ki-lô-mét. Vậy mà cô lại phải ra đi để không bao giờ quay trở lại nơi đây nữa, lại ra đi ngay lúc này?...

*

   Đúng ngày chuẩn bị lên Cao Bằng, tôi nhận được cái tin dữ dội – quân đội Trung Quốc đã nhất loạt tiến công sáu tỉnh biên giới phía Bắc. Tôi phóng xe đạp như điên ra ga Hàng Cỏ, người ta cho biết đoàn tàu Lạng Sơn chỉ lên được ga Đồng Mỏ. Thôi thì cứ đi, được đến đâu hay đến đấy, đoạn đường còn lại từ Đồng Mỏ đi tiếp lên Lạng Sơn, rồi từ Lạng Sơn lên Cao Bằng sẽ tính sau…

   Tôi quay ngay về cơ quan báo cáo với anh Tư. Anh nói:

   - Mình đã điện lên Cao Bằng, trên ấy trả lời cho biết các cơ quan tỉnh và nhân dân thị xã đều sơ tán về hướng Ngân Sơn, Bắc Cạn. Cậu phải đi lối khác mới gặp được chị Liên và cháu Tú Hoa. Đi theo đường Một khó gặp nhau đấy…

   Tôi nói luôn:

   - Thế thì tối nay em đi tàu lên Thái Nguyên, rồi từ Thái Nguyên lại sang Bắc Cạn đi Ngân Sơn. Nhất định em sẽ tìm được chị ấy và cháu…

   - Vậy cậu đi luôn đi… Mọi phương tiện phải tự túc thôi, bám lấy bộ đội mà đi. Xe cộ của cơ quan bị xung công cho mặt trận hết rồi.

   - Anh không lo, em có bao giờ dùng xe cơ quan đâu…

   Tôi về chỗ ở, thay quần áo. Tôi mặc bộ quân phục dã chiến nhưng lên quân hàm quân hiệu hẳn hoi, cả súng ngắn, cả ba lô nhét đầy bánh mì. Đã lâu lắm tôi mới dùng đến bộ quân phục chính thức của mình. Quá nửa đêm ngày 17, tôi mới tới thành phố Thái Nguyên. Thành phố công nghiệp như không ngủ trong suốt cả đêm hôm ấy. Nơi nào cũng thấy rậm rịch của sự di chuyển nặng nề. Và xe vận tải chở người và súng đạn cứ nhằm phía trước lăn bánh, phía ấy đang là mặt trận…

   Tôi xông thẳng đến phòng trực ban của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Người ta báo cho tôi biết, nếu tôi muốn đi Cao Bằng thì phải có mặt ngay tại gần cầu Gia Bảy. Một tiểu đoàn tự vệ được trang bị đầy đủ sắp sửa hành quân lên chi viện cho Cao Bằng.

   Chỉ mới biết có thế, tôi đã vù đi ngay và nhanh chóng tìm đến tiểu đoàn tự vệ. Chính trị viên tiểu đoàn là một người đã đứng tuổi dứt khoát không chịu để cho tôi đi theo đơn vị của anh.

   - Ôi chào! Làm sao mà tin vào mấy tờ giấy của anh. Bọn thám báo Trung Quốc nó có đủ cả quần áo, mũ mão y như bộ đội mình, mà giấy tờ cũng không thiếu đâu… Thám báo thì như rươi, thời buổi này làm sao mà phân biệt được địch ta…

   Cứ qua khẩu khí của ông ta thì có lẽ ông ta đã bị những luồng tin ngỡ ngẩn nào đó hù dọa, đến nỗi nhìn ai cũng ngỡ là thám báo của địch. Hơn nữa cung cách ấy không phải là dân lính hoặc đã có thời làm lính chiến. Ông ta có thể là bí thư chi bộ của một phân xưởng nào đó, nay được phong làm chính trị viên cái tiểu đoàn tự vệ này… Người như thế làm sao mà đánh giặc được…

   Tôi tức đến điên người mà không dám nổi khùng, cố tự kiềm chế và tìm gặp tiểu đoàn trưởng. Số may không nỡ bỏ rơi tôi. Chẳng phải người xa lạ, tiểu đoàn trưởng vốn là lính cũ của tôi ngày xưa, nay đã phục viên về làm thợ đúc. Khi nghe tôi phàn nàn về đồng chí chính trị viên, tiểu đoàn trưởng cười, xin lỗi tôi:

   - Thôi anh đừng trách anh ta làm gì. Anh ta mới xây xong căn nhà ở bên Lưu Xá đang sợ máy bay Tàu đến ném bom… Cha này chỉ loanh quanh, chẳng có nghề ngỗng gì hẳn hoi, anh em vẫn gọi lão là Xuân “cung quăng”. Vậy mà xây được nhà gạch, thế mới thánh chứ?

   Rồi anh mời tôi lên ngồi ca-bin xe cùng với anh và dọc đường, tôi được hút thuốc và bánh kẹo thỏa sức. Thuốc và bánh của nhân dân ủng hộ anh em ra mặt trận nhiều vô kể.

   Khoảng 10 giờ, tôi rời đoàn xe, xuống thị trấn Ngân Sơn. Thị trấn bé nhỏ và ùn ùn những người từ Cao Bằng sơ tán về. Đi chỗ nào cũng đụng phải cơ quan tỉnh. Cả những cơ quan của thị xã cùng dồn về đấy vì vậy tôi nhanh chóng tìm ra nơi tạm trú của cô giáo Kim Liên. Một em học sinh, con gái đồng chí trưởng phòng giáo dục đã dẫn tôi đến một ngôi nhà nằm sâu trong xóm.

   - Cô giáo Liên ở đấy chú ạ!

   Chị Bảy cảm động đến rân rấn nước mắt khi trông thấy tôi hoàn toàn đổi khác trong bộ đồ quân sự với quân hàm đại úy chững chạc. Thật chẳng giống chút nào với anh chàng Huy lái xe lấc cấc trước kia. Tôi nói với chị Bảy:

   - Chị làm em lo gần chết… Em mà không tìm được chị với cháu thì chết với anh Tư, anh Bảy…

   - Chú chỉ lo vớ vẩn, hàng vạn con người làm sao mà chết được…

   - Thế cháu đâu, Tú Hoa có đi theo chị không?

   Chị Liên lắc đầu:

   - Tôi đang sốt ruột sốt gan vì nó, chú ơi! Nó nhất định đòi ở lại chiến đấu, nó bảo nó là tự vệ, là đoàn viên không thể đi sơ tán… Nó bảo tôi cứ yên tâm, nó không sao cả… Con bé ương ngạnh lắm, mà nó nói như vậy, chú bảo tôi làm sao được? Chẳng lẽ lại cứ bắt buộc nó đi theo mẹ…

   - Chị đừng lo, chiều nay em đi tìm cháu…

   - Sao, chú lên Cao Bằng ngay?

   - Vâng, em phải đi tìm Tú Hoa… xem nó sống ra sao? Ở đó chưa có chuyện gì đâu, chúng nó chưa tiến được vào thị xã…

   - Trời ơi, chị cảm ơn em nhiều lắm… Thôi, chú ngồi nghỉ, chị đi nấu cơm cho mà ăn. Trưa rồi…

   Sau này chị kể lại với tôi rằng lúc ấy khi chị ở dưới bếp lên đã thấy tôi đang ngủ. Anh chàng đại úy cứ ngồi trên ghế mà ngủ rất ngon lành, khiến chị vừa thương vừa buồn cười…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #38 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2013, 11:14:26 pm »


   Quanh quẩn mãi ở Ngân Sơn, mãi đến tối khuya, tôi mới bám theo một đơn vị đặc công hành quân lên Cao Bằng. Thế là thêm một đêm nữa thức trắng. Suốt buổi chiều ở Ngân Sơn, tôi đã được nghe nhiều nguồn tin loan truyền về tình hình địch. Kẻ thì nói rằng quân Trung Quốc đã vào được thị xã Cao Bằng. Người lại bảo cầu Tài Xìn Hồ đã bị bọn Tàu chiếm rồi, chúng giật mìn phá tung chiếc cầu sắt ấy, ngăn không cho quân ta tiếp viện lên. Rồi chỗ nào cũng có chuyện bắt thám báo, thám báo lẻn cả vào tận bếp ăn của bộ đội, chuyện bọn sơn cước gồm toàn người Hoa dẫn đường cho lính Tàu đi từng nhà chủ tịch, bí thư để đốt phá… Mọi luồng tin đan chéo, chồng chất lên nhau làm nhiễu loạn cả lên…

   Nhưng tôi vẫn cứ quyết tâm về Cao Bằng, ở đó có một người con gái của đồng chí mình đi xa cần được bảo vệ. Và tôi hành quân cùng với đại đội đặc công của Quân khu về được tới nơi thì trời hửng sáng. Thị xã vẫn còn nguyên vẹn. Quân Trung Quốc vẫn còn ở xa, nhưng thị xã hoang vắng tưởng không còn sức sống. Tôi vẫn quân phục, quân hàm chững chạc đi dọc mấy đường phố chính, say sưa ngắm từng gốc cây cột điện, từng căn nhà đã gắn bó với tôi từ bao năm nay.

   Thị xã nằm lọt giữa thung lũng, gọn ghẽ như một chiếc bánh nằm trong lòng chảo. Chung quanh là những dãy đồi trồng đầy sở bao bọc. Mùa xuân, hoa nở trắng xóa như những bông tuyết bám trên cành và lá tả rụng trên thảm cỏ xanh.

   Cuối cùng thì tôi cũng tìm ra được người chỉ huy tự vệ của thị xã. Nói tới Trương Tú Hoa, anh ta gật đầu:

   - Có, tôi biết. Tối qua cô ấy còn tập trung ở đây để nhận súng và đạn… Chính tôi đã quyết định cấp phát vũ khí và lương thực cho cô ấy, mặc dù nhiều người can ngăn tôi. Họ bảo nó là người Hoa. Tôi bảo đúng nó là người Hoa, nhưng có phải tất cả người Hoa đều xấu bụng đâu. Cô ấy là người Hoa tốt, phải không đồng chí đại úy?

   - Đúng, đồng chí nghĩ như vậy, xử sự như vậy là rất đúng. Tôi hoàn toàn nhất trí. Đấy là một cô gái tốt, rất tốt, rất trung thành với Tổ quốc Việt Nam.

   - Phải rồi, bố nó bỏ trốn là tội của bố nó chứ. Ai làm người ấy chịu. Việc gì mà quá nghi ngờ nó… Tôi nói vậy đấy…

   - Hiện nay cố ấy ở đâu?

   - À… nó đi cùng tiểu đội lên phối hợp với đơn vị cao xạ băm bảy ở gần trường sư phạm… Ngay trên sườn đồi phía đông nam kia… Đó, đứng ở đây đồng chí có thể nhìn thấy trận địa, đồng chí thấy chứ?

   Tôi gật đầu, rồi vội vã từ biệt đồng chí chỉ huy tự vệ sáng suốt và nhanh nhảu ấy, đeo ba lô ra đi. Vừa bước trên đường phố vắng, tôi vừa cố nhớ họ và tên anh chàng trung úy, người yêu của Tú Hoa. Chắc hản anh ta đang chỉ huy đại đội cao xạ đóng ngay ở đó… Tên là gì nhỉ? Tú Hoa đã có lần nói chuyện với tôi… Là gì nhỉ? À… phải rồi, Phong, cậu ta tên là Phong, Nguyễn Xuân Phong… Gió xuân, hay thật đấy! Mùa này, trời đất đang hây hẩy gió xuân. Mấy ngày nay, thời tiết ấm dần, tạnh ráo, đỡ khổ cho anh em chiến sĩ và bà con mình nơi sơ tán…

   Tôi leo lên được trận địa ca xạ băm bảy ly, đúng lúc anh em bắt đầu ăn bữa cơm sáng. Mỗi chiến sĩ một chiếc cặp lồng đựng cơm và thức ăn, anh thì ngồi ngay trên mâm pháo, anh bệt đít trên công sự, có anh vừa ăn vừa đi loăng quăng, mồm miệng như tép nhảy. Tôi cũng nhận thấy có cả mấy cô cậu tự vệ lẫn trong đám ấy…

   Khi tôi bước tới nơi, một chiến sĩ nhanh nhảu mời:

   - Mời thủ trưởng dùng cơm với anh em…

   - Cám ơn, các đồng chí cứ ăn đi, mình ăn rồi… À, cậu cho mình hỏi trung úy Phong có đây không?

   - Có đấy ạ, thủ trưởng em đang ăn cơm với cánh tự vệ kia ạ… Đấy thủ trưởng nhìn xem, cái ông cao to và đẹp trai nhất là thủ trưởng Phong của chúng em đấy…

   - À phải, mình thấy rồi. Trông thì có mã đấy nhưng chỉ huy ra sao?

   - Chưa biết thế nào, thủ trưởng ạ. Còn đợi thử lửa đã mới biết nhưng thường ngày đối với lính tráng chúng em thì tốt đấy, cũng đùa tếu như ai. Chỉ phải cái, bố ấy nguyên tắc lắm. Sĩ quan mới bóc tem ở trường ra mà, điều lệnh hắc lắm…

   Tôi cười rồi từ biệt chàng lính trẻ lém lỉnh, đi thẳng tới chỗ đám đông. Trong đám tự vệ quần áo màu xanh đủ kiểu ấy bỗng bật ra tiếng gọi:

   - Chú Huy! Chú Huy!

   Một cô gái chạy lại. Đúng là Tú Hoa rồi.

   - Làm sao chú biết cháu ở đây?

   - Biết chứ! Chú cứ tìm đến trận địa băm bảy là thấy cháu mà…

   Tú Hoa đỏ mặt, lườm tôi. Rồi cháu dẫn tôi đến giới thiệu với mọi người. Tôi bắt tay Phong, anh chàng cao lớn khỏe mạnh chỉ huy đại đội pháo cao xạ này. Phong đứng nghiêm rất đúng lễ tiết và báo cáo rất đúng điều lệnh:

   - Báo cáo đồng chí đại úy, tôi trung úy Nguyễn Xuân Phong, đại đội trưởng…

   Rõ là một sĩ quan mới bóc tem vừa được ra lò như cậu chiến sĩ nói lúc nãy. Tuy vậy tôi rất mến cái dáng vẻ quân sự của Phong. Tôi chào lại và nói:

   - Tôi đại úy Vũ Quang Huy, sĩ quan Bộ Tổng tham mưu. Xin lỗi đồng chí Phong nhé. Tôi đến đây có chút việc riêng với cháu tôi là Trương Tú Hoa…

   Không hiểu sao sắc mặt của Phong cũng đỏ rực lên. Lát sau chỉ còn lại tôi và Tú Hoa. Tôi đưa cho cháu bức thư của anh Tư và thư của chị Bảy giục cháu phải theo ngay tôi về Hà Nội.

   Cô gái xịu mặt xuống, lâu lâu mới nói:

   - Cháu rất chịu ơn sự săn sóc của chú Tư và chú… Nhưng nếu chú ở vào địa vị của cháu, thì chú có bỏ nơi này mà đi không, nhất là trong khi bọn Tàu đang tiến công chúng ta ở các nơi. Chúng nó rục rịch tiến đánh vào thị xã… Chú đừng nghĩ là cháu muốn ở lại vì có anh Phong…

   - Không, chú không nghĩ về cháu như vậy… Mà chú cũng không có quyền để cháu ở lại đây. Chú lên đây theo lệnh của chú Tư, tìm và đón cháu với mẹ cháu về Hà Nội…

   - Vậy chú cứ coi như không tìm thấy cháu…

   - Làm sao có thể “cứ coi” như vậy được…

   - Chú nán cho cháu ở lại vài ngày…

   - Cũng không thể được…

   - Vậy hết ngày hôm nay, được không chú Huy?

   Cô gái hạ dần yêu sách xuống. Tôi ngẫm nghĩ và gật đầu.

   - Hết ngày hôm nay thì có thể chấp nhận, mà quyền hạn của chú cũng chỉ có thể chấp nhận được đến thế… Chú giao hẹn nhé, đêm nay hoặc sáng sớm mai, hễ chú liên hệ được xe thì hai chú cháu cùng đi… Tú Hoa này, dễ cháu nghĩ rằng chú không muốn ở lại thị xã trong lúc khó khăn này sao? Chú đã lên đây sau ngày ba mẹ cháu mới lên và cháu còn bé tí, chẳng lẽ chú không có gì gắn bó với thị xã? Mười hai năm rồi, chú đã quá quen thuộc với tất cả, mọi đường ngang lối tắt, mọi người dân sinh sống ở đây. Chú là con người chứ có phải gỗ đá? Lúc thị xã bình yên thì mình ở, lúc có chiến sự mình lại bỏ đi. Chẳng lẽ chú lại quá tồi tệ như vậy sao? Nhưng chú là một sĩ quan phải đặt nhiệm vũ lên trên hết, phải gác tình riêng vì nhiệm vụ chung, cháu hiểu chứ?

   Thế là chú cháu chúng tôi đã thỏa thuận sẽ ở lại đây hết ngày hôm nay. Mà biết đâu hôm nay chúng tôi chẳng được đón tiếp các vị khách “thiên triều” đến thị xã chúng tôi. Đây là một trong những mục tiêu đánh phá chủ yếu của chúng trong đợt tiến công này. Tôi đã nghe rất nhiều tiếng nổ vang động chung quanh thị xã. Chúng đã bắn không tiếc đạn đủ các loại pháo lớn nhỏ, kể cả hỏa tiễn H 12. Quân Trung Quốc cậy động người, nhiều của mở cuộc hành binh trừng phạt ở khắp sáu tỉnh biên giới, hòng cứu nguy cho bọn tay sai của chúng ở Campuc hia. Chúng muốn kéo chủ lực của ta từ phía tây nam quay về đối phó với cuộc tiến công của chúng, để cho bọn tàn quân Pôn Pốt có cơ hội ngóc đầu dậy…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #39 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2013, 11:15:55 pm »


   Mặc dù đã dự đoán trước thế nào địch cũng tiến đánh vào thị xã, nhưng chúng tôi không nghĩ rằng chúng nó đánh sớm như vậy, tuy rằng đây mới chỉ là một mũi thăm dò…

   Lúc đó vào mười bốn giờ, tôi đang ngồi nói chuyện với Phong ngay trên bờ công sự. Anh phàn nàn rằng khó lòng mà đơn vị cao xạ của anh có dịp lập công. Bọn Tàu lấy đâu ra máy bay chiến đấu để oanh tạc mình, nó đâu phải là thằng Mỹ. Vậy mà cấp trên vẫn cứ điều đại đội của anh về nằm ở đây. Súng cao xạ, làm sao có thể đánh nhau với bộ binh được?

   Tôi nói đùa với anh ta:

   - Thị cậu hãy tìm cách chúc nòng xuống mà bắn vậy? Bắn được không?

   Đại đội trưởng cao xạ gật gù:

   - Kể ra mình bố trí trên đồi cao cũng có thể chúc nòng xuống mà bắn được đấy. Nhưng ở trường người ta không hề dạy chúng tôi bắn kiểu cách ấy…

   Tôi cũng tưởng nói đùa chơi chơi với nhau thế thôi. Ai ngờ mà không lâu nữa, những khẩu pháo cao xạ băm bảy ly đã phải nổ súng theo đúng kiểu cách đấy và đã thu được kết quả tốt… Đó là chuyện về sau. Lúc đó có một người nào đó kêu lên:

   - Xe tăng kìa…

   Mấy người nhổm lên thành công sự, che mắt nhìn xuống con đường nhựa chạy từ cầu xi-măng về thị xã. Có hai vật gì đang di động trên đường cái, hai chiếc xe tăng, chiếc nọ cách chiếc kia chừng dăm chục mét.

   - Xe tăng của ta…

   Một người tinh mắt nói to. Trung úy Phong giơ ống nhòm và chính anh cũng nói:

   - Xe tăng của ta anh ạ! Quái nhỉ, sao lại có xe tăng của ta từ phía ấy chạy về?...

   Anh trao ống nhòm cho tôi, tôi nhìn về đường cái. Hai chiếc xe tăng chạy rầm rầm, nghiến xích trên mặt đường. Sườn xe đều có sơn ngôi sao vàng nền tròn đỏ và tháp xe, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Trên tháp xe đi đầu, tôi còn nhìn rõ một người đeo AK ngồi giữ lấy cán cờ…

   Một mối ngờ vực gieo vào lòng tôi. Tôi được nghe nhiều chuyện về bọn Tàu thường đóng giả làm bộ đội ta để tập kích bất thình lình. Tôi bảo Phong:

   - Cẩn thận, bọn nó ngụy trang giả là mình đấy. Đồng chí cho anh em về vị trí sẵn sàng chiến đấu…

   - Rõ!

   Và Phong lệnh cho mọi người về vị trí. Tôi liếc nhìn tiểu đội tự vệ, mấy cô mấy cậu đang tỳ súng lên chiến hào căng mắt ngó xuống đường…

   Đúng là xe tăng Trung Quốc đóng giả thật. Chạy đến đầu thị xã, cả hai dừng lại và bắn đại bác vào dãy phố hai bên đường. Tôi nghe có nhiều tiếng súng con, tiểu liên và cả đại liên từ nhiều phía bắn lại. Nhưng đối với hai khối thép khổng lồ ấy, các cỡ đạn của bộ binh đều không làm cho chúng bị xây sát.

   Hai chiếc xe lại rùng rùng chuyển xích. Tôi hỏi Phong:

   - Có B 40 không?

   Phong lắc đầu:

   - Đại đội tôi đến đại liên cũng chẳng có, lấy đâu ra B 40…

   - Bên tự vệ có không?

   - Không, bên ấy toàn CKC…

   Như vậy thì không cách gì đánh lui được hai chiếc xe tăng kia. Chiếc đi đầu chạy thêm một trăm mét nữa thì dừng lại trước một hiệu ảnh. Tôi biết đó là hiệu ảnh của Voòng Cắm Sềnh. Tên cắm cờ ban nãy khi bị súng bộ binh của ta bắn, nó chui tọt vào xe, nay lại từ trong xe chui ra. Ngọn cờ không còn nữa, tháp pháo xe quay tròn và bắn liên hồi vào các trận địa trên sườn đồi…

   Tôi thoáng trông thấy một bóng người từ trên nóc xe tăng tụt xuống đường. Nó lom khom chạy vọt vào trong hiệu ảnh… Hình như có ai kêu to điều gì đó và bên tôi, đại đội trưởng đang ra mệnh lệnh. Các chiến sĩ í ới gọi nhau và khi nhìn lại đã thấy ba cái nòng cao xạ dài nghêu từ từ hạ xuống. Câu chuyện đùa vui ban nãy lúc này đang được Phong thực hiện. Anh trực tiếp lấy phần tử bắn và giơ cao cờ phất mạnh cho cả ba khẩu pháo nổ súng nhất loạt, mỗi khẩu bắn liền năm phát… Mười lăm trái đạn cùng một lúc bay đi, nhằm thẳng chiếc xe tăng đi đầu đang đỗ trước hiệu ảnh của lão Cắm Sềnh. Ít ra thì cũng có vai ba viên trúng đích. Chiếc xe tăng rùng lên một cái như bị lay mạnh và một luồng khói bốc ra mờ mờ đen đặc. Tháp pháo nổ tung, khó từ đó chui ra ngày một nhiều. Và cũng từ đó, ba bốn tên địch cuồng cuồng vọt ra khỏi xe. Chúng la hét, kêu la điều gì đó và chạy vội về phía sau, nơi có chiếc xe tăng thứ hai đang đậu. Chúng nhảy cả lên nóc xe và nằm bẹp xuống. Ba cái nòng cao xạ chuyển làn về chiếc thứ hai, một loạt đạn xé gió lao tới. Nó hốt hoảng, vội bỏ mặc đồng đội bị trọng thương, cuốn xích lùi lại và thoắt một cái, nó dùng một bên xích làm trụ quay ngoắt lại , chạy biến.

   Chiếc xe thứ nhất bắt đầu phụt ra những lưới lửa. Lửa lem lém cháy trên mình nó. Còn lúc ấy, tôi vẫn theo dõi cánh cổng nhà Cắm Sềnh, chờ đợi tên địch vừa chui tọt vào đó quay lại. Mà nó quay ra thật, lần này tay nó cầm vật gì trăng trắng như lá cờ. Nhìn thấy chiếc xe bốc cháy, nó đứng sững lại và giật lùi ra xa. Một tiếng nổ rất lớn rồi tiếp những tiếng nổ khác bung ra, có lẽ những trái đạn đại bác trong xe bén lửa.

   Tôi vẫn bám chặt lấy tên địch đang rúm lại trước cửa nhà Cắm Sềnh. Khoảng cách giữa nó và chiếc xe tăng cháy không xa nên khi đạn nổ, tôi thấy nó loạng choạng – có lẽ nó bị mảnh đạn văng phải – tựa vào cây cột trước hiên nhà. Nó khuỵu xuống và nằm vật ra. Cái mảnh trong tay nó văng sang một bên, bị hơi lửa tạt lại bay lất phất như tàu lá chuối khô…

   Buổi chiều, đại đội trưởng Phong cùng các khẩu đội trưởng kéo nhau xuống phố. Họ đứng vây quanh chiếc xe tăng cháy, kiểm tra hiệu quả của mấy loạt đạn cao xạ. Mấy anh bộ đội cười nói nhộn nhạo. Mới chỉ thử sức chơi chơi như vậy mà thằng địch đã phải để lại cả cái khối thép đen xì nằm chềnh ềnh ra đó.

   Tôi và Tú Hoa đi theo anh em. Chúng tôi đứng trước cửa nhà Cắm Sềnh, ngôi nhà quen thuộc cũ. Xác tên địch nằm còng queo ngay đó, nơi trước kia có treo hai khung kính lớn lồng các thứ ảnh mẫu. Chúng tôi nhận ra người quen cũ. Voòng Chuýn, người con trai độc nhất của lão thợ ảnh, gã thanh niên đã có một thời mơ tưởng đến cuộc sống huy hoàng vương giả ở Hồng Công, Úc và Ca-na-da. Bây giờ thì gã nằm sóng sượt ngay trên mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng gã từng ấy năm trời. Gã nằm đó, ruột thòi ra một đống đen đặc và tanh lợm, khuôn mặc xưa kia đẹp đẽ, thanh tú nay biến dạng hẳn. Mái tóc dài của gã không còn nữa, nó bị gọt trọc, ngắn cũn và lởm chởm như cái đầu ông sư phá giới. Ai đã biến gã thành một tên biệt kích chuyên dẫn đường cho bọn giết người?

   Chúng tôi phỏng đoán là khi theo địch về tới nhà, gã vội nhảy xuống để tìm kiếm cha mẹ gã. Nhưng ngồi nhà này chẳng còn ai hết. Cha gã đang nằm trong trại giam và mẹ gã đã theo mọi người sơ tạn về đâu chẳng biết. Di vật mà xưa kia bố gã thường nâng niu là bức tranh Quan Công “thân tại Tào doanh, tâm tại Hán”. Gã vào nhà thấy bức tranh đã vơ vội rồi chạy ra ngoài để đón nhận cái chết từ mấy trái đạn của lính Trung Quốc. Bức tranh vẫn nằm bên xác gã, nó bị rách mướp và hoen ố vết máu.

   Hoặc có thể chính Lưu Nghị đã sai Voòng Chuýn về nhà lấy bức tranh mà hắn vẫn hi vọng bản sơ đồ bí mật còn được giấu kín bên trong. Vậy thì gã chính ủy này cũng có thể cùng ngồi với Voòng Chuýn trong chiếc xe tăng bị bắn cháy. Hắn đã trốn khỏi cái chết trông thấy.

   Đây mới là trận thử sức đầu nên hắn trốn thoát. Cuộc chiến đấu này chưa chấm dứt, liệu hắn còn có thể trốn thoát mãi ư? Tôi nghĩ rằng đến một ngày nào đó, tên biệt kích nguy hiểm ấy và đồng bọn của hắn sẽ phải trả giá trên những tội ác mà chúng đã gây ra cho các dân tộc sống trên bán đảo này…

Mùa xuân 1986

HẾT.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM