Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:18:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thị xã vùng biên  (Đọc 35321 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #20 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2013, 11:20:01 pm »

4

Những năm 70 trôi đi rất mau với biết bao nhiêu sự kiện phải ghi bằng những nét đậm trong lịch sử. Vào giữa năm 1972, trong khi chúng tôi đang háo hức đón nghe những tin tức từ mặt trận Quảng Trị dội về, cùng những lời đe dọa láo xược của gã tổng thống diều hâu Ri-sớt Nich-xơn, tôi nhận được chỉ thị của “anh Cả”: Phải thăm dò dư luận về việc bắt tay của Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn. Đồng thời, mặt khác anh Tư cũng nhắn tôi phải moi trong đầu gã tư lệnh họ Tạ kia những điều còn bí ẩn trong vụ phản trắc bẩn thỉu ấy.

Tôi viết thư đưa cho Huy chuyển đến “anh Cả” nói rằng tôi cần gặp y. Vài ngày sau, tôi nhảy lên chiếc xe tải của Huy và tối hôm ấy, tôi gặp Tạ trong một căn nhà sàn nhỏ nằm ngay cửa rừng. Chủ nhân ngôi nhà là một tổ viên trung kiên của một tổ “cách mạng văn hóa” do Huy xây dựng.

Bên bếp lửa, Tạ ngồi khoác trên vai chiếc chăn dạ cũ, co ro như một ông già người Mán. Ông nhìn tôi và nói:

- Chú Ba, tôi biết những điều chú đang suy nghĩ và muốn hỏi tôi? Vậy chú nói đi!

Tôi mở miệng định nói thì Tạ xua tay:

- Khoan đã! Tôi muốn hỏi chú, chú suy nghĩ gì về việc vợ chồng thằng Nich-xơn đến Bắc Kinh?

Tôi lập lờ:

- Vâng, đúng là mấy hôm nay tôi suy nghĩ nhiều về sự kiện này. Ở cơ quan làm việc của tôi, họ cũng xôn xao bàn tán nhiều, họ cho là như vậy chúng ta đã bỏ rơi Việt Nam. Tôi không nghĩ nhiều về khía cạnh ấy, tôi chỉ băn khoăn chẳng lẽ chúng ta bỏ rơi bảy triệu đồng bào ta trên đảo Đài Loan? Chẳng lẽ chúng ta không còn ý định thống nhất Tổ quốc Trung Hoa vĩ đại nữa sao? Tôi thật sự đau lòng khi có ý nghĩ ấy. Mong đồng chí hiểu cho, tôi thiết tha yêu Tổ quốc, tôi là một đảng viên cộng sản… Tôi không thể hiểu nổi… Mong đồng chí khai thông tư tưởng cho tôi…

Tôi làm vẻ đau khổ thật sự và bình thản nhìn thẳng vào đôi mắt già nua nhưng sắc sảo ẩn dưới đôi mày rậm của Tạ. Tôi biết ông ta đang cố soi mói để tìm hiểu những ý từ đằng sau câu nói của tôi. Và Tạ nhếch miệng cười, hàng râu lởm chởm lốm đốm bạc lay động trong bóng sáng vàng vọt của bếp lửa sắp tàn. Tạ nghiêng đầu ném thêm củi vào bếp, khơi cho lửa cháy to hơn. Rồi ông ta quay nhìn tôi, giọng nói nhỏ đủ nghe và chậm rãi:

- Tôi rất thông cảm nỗi lòng của đồng chí. Mấy chục năm qua, đồng chí ở xa Tổ quốc, không thể hiểu nổi hiện tình của đất nước chúng ta. Trung Quốc đất rộng nhất thế giới và dân đông nhất thế giới, nhưng về mọi mặt hiện nay, Trung Quốc quá nghèo nàn và lạc hậu, nằm trong số những nước kém phát triển nhất thế giới. Nạn đói và nạn lụt đe dọa từng năm. Phải làm gì để vượt ra khỏi tình trạng này? Đó là câu hỏi mà Trung ương Đảng và Mao Chủ tịch đã nhiều năm suy tính và tìm kiếm câu trả lời. Câu trả lời đã được lãnh tụ vĩ đại tìm ra từ lâu, từ ngày còn ở Diên An nhưng để thực hiện được câu trả lời đó phải đợi đến ngày hôm nay… Đồng chí Ba hiểu chứ, chính trị là những ngôn từ đẹp đẽ, giản dị và những hành động lắt léo, phức tạp và mở ảo…

Giọng nói của Tạ đều đều bình thản, không hề có âm sắc gì khác tưởng như những ngôn từ ấy đã xếp sẵn trong miệng cứ thứ tự chui ra, chẳng có tình ý gì hết. Nét mặt của Tạ đầy vẻ tự tin như một đấu thủ đã nắm vững mọi thế cờ trong tay và đang điều khiển nó tiến thoái chắc chắn.

Khác hẳn với lần gặp tôi sau này, cách đây ba năm, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc với đại thắng mùa xuân năm 1975. Lần này chính là Tạ kêu tôi đến gặp ông ta. Mới chỉ sau ba năm, con người này già đi rất nhanh. Mái tóc bạc trắng, da mặt nhăn nheo như trái tào khô chỉ có đôi mắt trợn tròn và sáng như hai đốm lửa rực lên dưới đôi mày dài kéo rũ xuống từng sợi.

Tạ cứ nhảy lên bằng hai cẳng chân rất gầy guộc, chồm chồm trên sàn nứa làm bật lên những tiếng kêu cót két. Trông ông ta hệt như diễn viên sắm vai Tôn Hành Giả nhảy nhót cạnh Đường Tăng. Ông ta nói mà nước bọt sùi cả ra hai mép. Ông ta thật sự cay cú như một con bạc đã cược cả cuộc đời của mình vào canh bạc lớn này và bị thua trắng tay. Ông ta luôn miệng chửi Mỹ, chửi bọn ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu đã thua chạy và làm sụp đổ tan nát cả cái cơ đồ xây dựng suốt hơn hai chục năm trời. Ông ta lại chửi cả bộ đội và nhân dân Việt Nam chẳng hiểu có động lực gì thúc đẩy mà đánh nhanh thế, tiến nhanh thế và thắng nhanh như thế, trong khi trên thế này này thiếu gì nước vẫn đang bị chia cắt lâu dài như Đức, như Triều Tiên chẳng biết bao giờ mới thống nhất được tổ quốc của mình?

Tôi ngồi im nghe Tạ gầm gừm, chửi rủa: thú thật lúc đó tôi không hề căm ghét Tạ mà chỉ thấy khoái lỗ tai. Tôi có cảm giác như không phải trước tôi là gã tình báo Trung Quốc họ Tạ, mà là một con thú khổng lồ, dữ tợn vừa bị chọc đúng ác huyệt. Qua lời nói và thái độ của Tạ, tôi hiểu rằng ở bên kia biên giới, có những người không thể hòa trong niềm vui lớn lao của dân tộc chúng ta: trái lại người ta lại bực bõ, cáu giận. Rõ ràng họ chẳng thú vị gì khi có một nước làng giềng nhỏ bé đang trở thành một điểm sáng trên thế giới, một nước láng giềng thực sự ổn định sau cuộc chiến tranh liên miên suốt ba mươi năm và đã thắng trong cuộc chiến tranh ấy. Thế lực của họ, ảnh hưởng của họ, sẽ bị một bức tường đá ngăn lại không tràn xuống các khu vực thuộc miền đông nam châu Á này được…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #21 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2013, 11:20:56 pm »

5

Tôi lấy cớ về xin tài liệu ở Bộ Lâm nghiệp để gặp anh Tư. Lúc này đã vào mùa hè năm 1976, niềm vui vẫn còn tràn trề trong các khuôn mặt mọi người trên đường phố Hà Nội. Cuộc bầu cử Quốc hội thống nhất đầu tiên đang được diễn ra khắp đất nước, từ Nam chí Bắc, Hà Nội đỏ rực cờ, băng khẩu hiệu và những chùm hoa phượng sà xuống mặt hồ.

Tôi đi bộ cùng anh Tư dạo bước trên đường Thanh Niên. Trời xẩm tối, Hà Nội đã bắt đầu lên đèn. Tiếng xe điện nghiến bánh sắt trên đường phía chùa Quán Thánh.

Anh Tư phe phẩy cành lá mà anh vừa nhặt được bảo tôi:

- Sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc bắt đầu từ năm 1972 ngày càng rõ rệt. Bây giờ thì đến một cháu học sinh cấp I ở đây cũng biết là ông bạn láng giềng ấy chẳng khoái lắm khi chúng ta giải phóng Sài Gòn… Tình hình rồi ra sẽ vô cùng phức tạp, vì vậy nhiệm vụ của cậu trong thời gian trước mắt cũng sẽ gay go quyết liệt đấy. Thái độ của họ như thế này: nếu là hữu hảo thì họ sẵn sàng bê nước cho ta rửa chân, còn nếu ngược lại thì họ sẵn sàng giật lại điếu thuốc lá họ vừa mời hút mà ta đang ngậm trên môi… Thế đấy. Cứ xem họ đối xử với Liên Xô thì biết…

- Gần đây, Tạ có chỉ thị cho tôi phải đẩy mạnh việc tuyên truyền trong quần chúng. Đối với người Hoa thì kích động tư tưởng Đại Hán, đối với tầng lớp khác phải nói rõ công ơn của Trung Quốc đối với cuộc chống Mỹ cứu nước của ta. Sở dĩ Việt Nam đánh thắng được Mỹ chủ yếu là do sự giúp đỡ chi viện của Trung Quốc, là do đường lối cách mạng đúng đắn của Mao Chủ tịch. Trung Quốc đã viện trợ sức người, sức của, lương thực, vũ khí đạn dược suốt hai chục năm nay và nhờ đó thì Việt Nam mới thắng nổi Mỹ. Và Mỹ chịu bỏ Việt Nam vì Mỹ sợ đụng độ với Trung Quốc, vân… vân.. Còn Việt Nam hiện nay đang có tư tưởng vong ơn đối với Trung Quốc, mặt khác Việt Nam cũng ôm ấp mưu đồ bành trướng ở Đông Nam Á, muốn sáp nhập Lào, Campuchia thành Liên bang Đông Dương, nhưng các đồng chí Campuchia không chịu làm nô lệ cho Việt Nam. Vì thế mới có cuộc xung đột ở biên giới Việt Nam – Campuchia… Nghĩa là toàn một luận điệu xằng bậy như vậy. Có điều là khi nói ra những điều này, Tạ tỏ vẻ rất nghiêm túc, dường như chính lão ta cũng tin là như thế…

- Nó nói láo đấy… Bọn nó không nghĩ như vậy đâu… Toàn một giọng điệu nham hiểm… Về tổ chức thì sao?

- Tôi phải phát triển thêm, phải mở rộng tổ chức và phải huấn luyện quân sự cho họ.

- Vũ khí thế nào?

- Tạm thời với vũ khí thô sơ… Nhưng sẽ có súng đạn hẳn hoi theo như Tạ hứa. Lão tin chắc vào các kho vũ khí mà Cắm Sềnh quản lý. Cái thằng này vẫn kín như bưng. Cách đây hai tuần, nó có mò đi đâu đó mấy ngày, chắc là để kiểm tra lại các điểm cất giấu. Tôi có báo cáo K8, cậu ấy đã theo dõi và được biết nó chỉ đi loanh quanh mấy xã gần đấy. Chắc chắn là quanh thị xã có những kho tàng mà bọn công binh làm đường đã gài lại. Tôi bàn với cậu Huy một kế hoạch kiểm tra nhà Cắm Sềnh để tìm kiếm bản sơ đồ của nó; còn chờ ý kiến của anh…

Anh Tư gật đầu:

- K8 đã báo cáo với tôi. Nhưng khoan đã, để tính xem cách làm ăn như thế nào khỏi đánh động đến nó. Nó chẳng cất giấu ở nhà đâu, nó giắt ở người, đi đâu cũng mang theo.

- Huy đã bàn với tôi, phục rượu cho nó uống say rồi lần trong người nó…

- Đừng, đừng làm thế, không được! – Anh Tư vội xua tay – Làm vậy hỏng việc lớn, nó đâu phải là loại tẹp nhẹp, cỡ nó thì các cậu có mời nó uống hàng lít, nó cũng chẳng ngã… Tìm cách khác… Trước sau thì mình cũng tìm ra được…

Khi quay trở về, anh Tư đột nhiên hỏi tôi:

- Cậu có ý định về thăm nhà không? Hồi này anh em tập kết đều xin đi phép, cậu có định đi không?

Tôi lặng đi trước câu hỏi của anh. Đúng là từ sau ngày giải phóng hoàn toàn, anh em miền Nam tập kết ra Bắc đều lần lượt về thăm gia đình quê hương. Có người trở về hẳn, xin chuyển công tác vào trong đó. Tình quê hương đã làm trăn trở bao nhiêu con người từ hai mươi năm nay. Tôi sinh trưởng ở Phú Yên nhưng gia đình tôi có còn ai thân thích. Bố mẹ tôi chết sớm, khi tôi còn nhỏ và tôi đã là một đứa trẻ mồ côi. Sống vất vưởng trong cái thị xã miền Trung. Lớn lên một chút, năm mười ba tuổi, tôi đi theo mấy bà buôn chuyến vào Sài Gòn rồi tham gia cách mạng ở trong đó. Quê hương tôi, nơi chôn rau cắt rốn của tôi bây giờ chỉ còn hiện lên trong ký ức những hình ảnh lờ mờ không rõ nét, lăn lộn trong rất nhiều kỷ niệm khác. Trong công tác tình báo này, tôi đã hóa thân thành một con người khác với một tiểu sử khác mà tôi luôn luôn ghi nhớ và tưởng tượng thêm nhiều khiến chúng biến thành những hình ảnh có thật, sinh động, ăn sâu vào tiềm thức tôi. Tôi không thể hình dung ra quê tôi bằng cái nơi mà tôi đã đội danh người khác và sinh sống ở đó từ những năm 50, trước ngày tập kết ra Bắc. Những đường phố, những cửa tiệm, những con người – bà bác tôi và các anh chị họ tôi, những Hoa kiều từ Phúc Kiến lưu lạc sang, cửa tiệm thuốc bắc với những tủ, những ô thuốc, những lưỡi dao cầu, những cối đá, những người làm công, mùi thuốc bắc thơm phức lúc nào cũng bao quanh mình, rồi ngôn ngữ, cách sống, các món ăn Phúc Kiến v.v. Với trí nhớ được rèn luyện, tôi có thể nhắm mắt mà kể lại quang cảnh ấy, từ những đồ vật đến con người, mọi đặc điểm, nhận dạng…

- Cậu nghĩ ngợi gì vậy? – Anh Tư dừng lại châm thuốc và gặng hỏi – Thế nào, cậu có định về thăm nhà không? Tranh thủ lúc này mà đi, mình sợ rồi ra cậu sẽ ngập đầu vào công việc, không rời đi đâu được… - Hai chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện như hai anh cán bộ bình thường, chẳng có gì khác lạ. Giá có kẻ nghe trộm cũng không đoán ra được.

Tôi nhìn anh, khẽ nói:

- Anh bảo tôi về đâu bây giờ? Gia đình tôi có còn ai nữa mà về, giá như tôi có về bây giờ cũng chẳng ai còn nhớ đến tôi. Còn cái “vỏ bọc” của tôi, liệu có nên quay trở lại đó không? Có lẽ họ cũng cho rằng tôi đã chết từ lâu qua hai cuộc chiến tranh vừa qua…

- Ở Quy Nhơn cũng không còn ai hết! Sau ngày giải phóng, mình qua đó và có kiểm tra. Họ đã bỏ vào Sài Gòn từ sau tết Mậu Thân, nay cũng chạy sang Đài Bắc cả rồi… Nhưng dù sao cậu cứ nên đi. Tranh thủ về Quy Nhơn rồi lướt qua Phú Yên. Dù sao cũng nên xử sự như mọi người và đã đến lúc phải nói rõ cho chị ấy và cháu biết được gốc gác của mình. Không thể cứ giấu vợ, giấu con mãi. Chị ấy thì khỏi phải nói, còn Tú Hoa nó đã lớn rồi, là đoàn viên Cộng Sản. À, nó học hành hồi này ra sao?

- Cháu học hết phổ thông và vào trường mười cộng ba của tỉnh. Nó cũng làm cô giáo như mẹ nó.

Anh Tư gật đầu:

- Thôi được, cậu cứ suy nghĩ xem. Bọn này không dám ép, về cái chuyện đi phép ấy mà…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #22 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2013, 11:23:36 pm »

6

 
Tôi trở về biên giới và cũng không nghĩ gì đến việc đi phép. Cuối năm ấy, tôi nhận được chỉ thị của anh Tư là phải tạo cớ đi phép để vào Nam ngay. Tôi tìm Huy và bảo cậu ấy báo cáo với “anh Cả” rằng tuần tới tôi sẽ đưa vợ con vào thăm bà con ở Quy Nhơn (tôi làm như không nắm được tình hình biến động của gia đình họ Trương ở đó). Huy trở lại nói cho tôi biết Tạ đồng ý đề nghị của tôi và ông ta báo cho tôi biết rằng ở Quy Nhơn tôi không còn ai thân thích. Chỉ có hiện nay, một người con trai của “bác tôi” đang còn sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Người này vẫn kế tục sự nghiệp của cha, mở tiệm thuốc bắc ở đường Triệu Quang Phục, quận 5. Như vậy họ nắm vững tình hình còn hơn cả mình.

Tôi nhắc lại ý nghĩ ấy với anh Tư khi tôi gặp anh ở Hà Nội vài ngày sau, trước khi tôi lên đường cùng vợ con vào thành phố Hồ Chí Minh.

Tối hôm đó, tôi để vợ và con gái nghỉ ở nhà một bà có họ đằng vợ, tôi đạp xe đi tìm anh Tư. Qua trạm liên lạc, tôi gặp anh trong một căn phòng nhỏ, kín đáo ở phố Quan Thánh.

Tôi vào, anh Tư đang ngồi bên bàn làm việc với một tập hồ sơ trước mặt. Anh bắt tay tôi và bảo:

- Chờ mình chút nhé, mình đang bận. Cậu nằm trên giường kia mà nghỉ, uống nước, hút thuốc đi. Chị ấy và cháu Hoa đi đường khỏe chứ?

- Cám ơn anh, cũng bình thường ạ…

Tôi ra ngồi trên chiếc giường cá nhân của anh, vớ tờ báo mới đọc. Đọc hết, tôi lại nhìn vơ vẩn và đợi. Tôi nhớ trước ngày lên đường về Hà Nội, tôi có hỏi Huy:

- Lão ấy có dặn mình gì nữa không? Có trao nhiệm vụ gì trong những ngày ở Sài Gòn không?

Huy lắc đầu:

- Ngoài điều mà tôi vừa nói với anh, lão không nói gì hơn.

Lại nhỉ? Tại sao trong chuyến đi xa này của tôi, Tạ không trao nhiệm vụ gì cả. Coi như tôi hoàn toàn tự do để giải quyết công việc gia đình, đúng là tôi được nghỉ phép, không bị ràng buộc vào công việc chung. Sau này tôi nghĩ ra rằng Tạ không có trách nhiệm gì về phía Nam. Ở đó thuộc về người khác. Lão chỉ nhắc tôi rằng vào đó nên chú ý quan hệ với người Hoa ở Chợ Lớn. Đừng có dính mũi vào việc của họ, dẫn đến sự nghi ngờ và theo dõi của an ninh Việt Nam. Rất nguy hiểm cho tổ chức. Hiện nay cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra quyết liệt giữa cách mạng và bọn tư sản mại bản, những kẻ từ lâu đã và đang khống chế nền kinh tế của miền Nam. Công cuộc cải tạo tư bản tư nhân thật sự bước vào giai đoạn gay go nhất. Nhiều cán bộ của ta đã bị ngã trước tiền, vàng và gái. Lần trước anh Tư còn cho tôi biết ở trong đó còn có những hang ổ của bọn phản cách mạng, những cơ sở tình báo gián điệp Trung Quốc. Qua cuộc đấu tranh cải tạo này, chúng ta đã phá vỡ khá nhiều nên sự phản ứng của địch cũng khá ghê gớm. Ông bạn láng giềng bên kia biên giới cũng bắt đầu gây khó khăn với ta, làm sức ép đỡ đòn cho chúng. Tình hình chiến sự ở Tây Nam ngày càng phức tạp, quân lính của Pôn Pốt luôn luôn quấy phá biên giới, thọc sâu cả vào lãnh thổ của ta, đốt phá và giết chóc. Có tin chúng còn có cả kế hoạch tiến công thẳng vào thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp với những tàn quân của bọn ngụy quân, ngụy quyền cũ đang âm mưu phản loạn… Tình hình vô cùng phức tạp mà tôi lại cùng vợ con đi phép… Thật trái khoáy!

Chợt anh Tư xô ghế đứng lên. Anh đóng tập hồ sơ rồi quay sang tôi:

- Mình xin lỗi, có chút việc gấp phải giải quyết ngay để còn báo cáo lên trên… Thôi xong rồi, bây giờ bọn mình nói chuyện…

Anh kéo tôi ra ngồi bên bàn và hỏi:

- Nào, cậu hãy cho mình biết lần này vào trong đó nó có giao việc chi không?

Tôi lắc đầu kể lại những ý kiến của Tạ thông qua sự truyền đạt của Huy. Anh Tư lẳng lặng ngồi nghe, anh kéo ngăn bàn lấy ra hai tấm ảnh đưa cho tôi:

- Đồng chí có nhận ra ai đây không?

Hai tấm ảnh, một tấm màu khổ 9 x 12 chụp một gia đình hai vợ chồng ngồi còn ba người con thì đứng phía sau. Một gia đình có vẻ khá giả qua nét mặt và quần áo của họ. Tấm ảnh thứ hai đen trắng, chụp lại và phóng to người đàn bà đứng tuổi. Tôi nhìn kỹ cả hai tấm ảnh. Người trong ảnh có những nét khá quen thuộc, người đàn bà khoảng sáu chục tuổi, tóc đã điểm bạc nhưng khuôn mặt còn đầy đặn, mỡ màng, có lẽ hồi trẻ đây cũng là một hoa khôi sắc nước hương trời…

Ai đấy nhỉ? Tôi lục lọi trong trí nhớ của mình và tôi chợt nhận ra đó chính là người đàn bà đã đến liên lạc với tôi tại quầy thuốc bắc họ Trương cách đây hơn ba mươi năm, vào đầu năm 1954. Đó là thượng cấp của tôi, người đã truyền đạt cho tôi chỉ thị của trung tâm và mọi điều giao ước để bắt liên lạc sau này…

Tôi ngẩng lên nói với anh Tư:

- Tôi nhớ ra rồi anh Tư ạ! Chính mụ ta đấy!

Phải rồi, ngày ấy tôi còn trẻ và bà ta cũng chỉ nhỉnh hơn tôi vài tuổi. Anh Tư cầm lấy tấm ảnh màu và bảo:

- Đấy là bà chủ của một công ty xuất nhập khẩu cỡ lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. Cậu vào đó có thể gặp bà ta…

- Tôi có phải gặp không?

- Không… Việc ấy không dính dáng đến nhiệm vụ của cậu, trừ phi họ giao cho cậu. Nếu tình cờ gặp, bà ta cũng chẳng nhận cậu… Nguyên tắc hoạt động như thế mà. Tôi chỉ muốn lần này cậu có dịp vào đó thì giúp các đồng chí trong đó xác minh lại cho chính xác… Cậu nên thông qua người anh họ Trương của cậu mà tìm hiểu về bà ta. Một con mồi cỡ bự đấy…

Anh Tư chìa lại tấm ảnh cho tôi:

- Tên và địa chỉ của họ đây, cậu đọc phía sau ảnh và ghi nhớ lấy.

Tôi lật tấm ảnh màu, dọc những dòng chữ ghi phía sau. Tên, tuổi của chồng, vợ và cả ba người con. Theo chú thích thì người chồng đã mất tích (hay đã di tản) sau 30 tháng 4 – 1975. Phía dưới cùng là tên cái công ty buôn bán ấy, cùng địa chỉ của nó tại thành phố Hồ Chí Minh.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #23 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2013, 11:24:41 pm »

7

          Tiễn tôi ra về, anh Tư nắm tay tôi và nói:

- Mình đã xin chỉ thị cấp trên và các đồng chí lãnh đạo đã đồng ý. Mình sẽ giải phóng cho cậu cái vỏ bọc hiện nay với chị ấy và cháu. Cả ngày mai cậu được tự do để đưa chị ấy và cháu đi thăm Hà Nội. Chiều mai, năm giờ, mình cho xe đến đón cả nhà về cơ quan. Đêm mai gia đình cậu nghỉ lại ở đấy rồi sáng sớm ngày kia ra sân bay. Tối mai bọn mình tổ chức liên hoan, nhân đó mình giải thích cho chị ấy và cháu biết về cậu… Được không nào?

- Cám ơn anh Tư! – Tôi cảm động đến run giọng. Đúng là anh đã giải thoát cho tôi khỏi cái vỏ lốt này trước vợ, con tôi. Từ nay, vợ tôi và con gái tôi sẽ hiểu tôi là con người như thế nào… Ngày mai tôi sẽ không nói gì cả, tôi muốn dành cho vợ con một sự bất ngờ, thật bất ngờ… Tối mai sẽ là một ngày vui lớn nhất trong gia đình tôi, anh Tư ạ!

          Suốt cả ngày hôm sau, người tôi cứ bần thần như kẻ mất hồn. Tôi dẫn hai mẹ con cháu Hoa đi quanh hồ Gươm, rồi vào cửa hàng Bách hóa tổng hợp. Sau đó chúng tôi nhảy xe điện lên chợ Đồng Xuân. Nhưng chúng tôi chẳng mua bán gì hết, cứ ngắm nhìn đến thỏa mãn những thứ hàng bày bán ở các quầy mậu dịch. Gần trưa, chúng tôi vào tiệm ăn ở phố Tràng Tiền. Đã lâu lắm tôi mới có dịp nhàn tản như vậy, tôi làm mọi việc mà đầu óc cứ bồn chồn mong cho thời gian trôi nhanh.

          Ngó sắc mặt tôi, vợ tôi cũng đoán chắc tôi có điều gì băn khoăn, nhưng cô ấy không dám hỏi. Chỉ có Tú Hoa là vô tư, nó cười nói, đi lại thoải mái và cũng luôn luôn ngỡ ngàng đúng như một cô bé nông thôn ra tỉnh. Khi tôi báo cho biết rằng sáng mai cả nhà sẽ đáp máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh thì nó reo lên, thích thú đến ngạc nhiên. Có bao giờ nó dám mơ ước đến việc được bước lên khoang máy bay và được bay lượn trên bầu trời cao thăm thẳm kia… Tôi tự nghĩ: “Mới có thế mà con mình đã vui sướng như vậy. Nếu như tối nay nó được biết sự thật về mình thì nó còn ngạc nhiên và sung sướng đến đâu?”.

          Buổi chiều, đúng năm giờ, một chiếc xe con đến đón chúng tôi. Chúng tôi chào từ biệt bà cô, rồi xách hành lý gồm ba cái túi du lịch lên xe, con gái tôi tỏ vẻ rất ngạc nhiên về chiếc xe, từ nhỏ đến giờ có bao giờ nó được đặt chân lên chiếc xe ô tô con. Còn vợ tôi chỉ im lặng, chờ đợi. Xe chạy trên mấy đường phố lớn, vòng vèo, loanh quanh như cố ý kéo dài niềm thích thú và ngạc nhiên của Tú Hoa. Xe rẽ vào một phố vắng và dừng bánh trước một ngôi nhà nhỏ nhưng riêng biệt. Cánh cổng sắt mở rộng, xe chui hẳn vào sân. Đồng chí lái xe đưa chúng tôi vào một căn phòng rộng, kê hai chiếc giường lớn và bảo:

- Anh chị và cháu đêm nay nghỉ ở đây. Sáng sớm mai em sẽ đưa anh chị ra sân bay. Giờ xin anh chị cất hành lý và sang phòng khách uống nước…

          Ngó gương mặt đầy vẻ lo âu, phấp phỏng của vợ tôi khi bước vào phòng khách, tôi rất thương. Hơn hai mươi năm trời, từ ngày lấy chồng cho tới khi con gái đã thành một cô giáo cao đẳng sư phạm, vợ tôi vẫn đinh ninh chồng mình là một anh kỹ sư nông học, quê hương gốc gác từ một vùng xa xôi nào đó tít tận bên kia biên giới. Những năm gần đây, vợ tôi đã phải chịu đựng nhiều điều xì xào, bàn luận của mọi người và nhất là phải chịu đựng trước những đôi mắt hoài nghi, dè dặt của họ. Chỉ có Tú Hoa là vẫn thản nhiên, nó coi mọi chuyện như lẽ tất nhiên, rằng đây là cơ quan của tôi – một cơ quan chuyên môn nào đó của ngành lâm nghiệp. Mãi tới khi anh Tư đẩy cửa, tươi cười bước vào, nó mới tỏ vẻ ngạc nhiên vì bộ điệu và y phục của anh.

          Anh Tư tiếp chúng tôi với bộ quân phục là rất phẳng phiu, đeo quân hàm trung tá. Tôi giới thiệu anh với vợ và con tôi, anh là “thủ trưởng” của tôi, cả vợ và con gái tôi mở tròn mắt nhìn anh. Làm sao một cán bộ quân sự lại là thủ trưởng của tôi – một chuyên viên về rừng?

          Anh Tư cười to:

- Thôi, thôi… xin lỗi chị và cháu Tú Hoa nhé! Anh ấy và tôi đã làm hai mẹ con ngạc nhiên lắm phải không? Bây giờ thay mặt cơ quan, tôi xin chính thức giới thiệu với chị và cháu, đây là đồng chí Phúc, Lê Chí Phúc tức Trương Đạt, thiếu tá tình báo, người bạn chiến đấu rất tin cậy của chúng tôi. Vì nhiệm vụ đặc biệt của cách mạng, từ lâu, mấy chục năm nay, đồng chí Phúc thân yêu của chúng tôi phải sắm vai một người khác, một cán bộ lâm nghiệp, người Việt gốc Hoa. Chị và cháu thông cảm, tôi không thể nói rõ hơn được nữa, kể cả lý do tại sao cho đến giờ phút này, chúng tôi mới được phép nói rõ điều đó với chị và cháu. Chị là một cán bộ giáo dục, một đảng viên cộng sản; cháu Tú Hoa cũng là cán bộ giáo dục và là một đoàn viên thanh niên cộng sản, chúng tôi rất tôn trọng tình cảm gia đình và nhận thấy không thể giấu mãi được…

          Tôi có cảm giác như chút nữa là vợ tôi và Tú Hoa òa lên khóc và cả hai cố kìm lại. Nhưng nước mắt đã đầm đìa trên hai gương mặt; đây là những giọt nước mắt sung sướng và tự hào, cả hai đều không giấu giếm trước mặt người lạ.

          Anh Tư nhìn tôi rồi nhìn hai mẹ con:

- Chúng tôi rất thông cảm với chị và cháu. Chắc bây giờ thì hai mẹ con đã hiểu sự hy sinh chịu đựng của anh em tôi, của các chiến sĩ chiến đấu trong trận tuyến thầm lặng như thế nào rồi… Chị cũng nên hiểu đây là nguyên tắc và kỷ luật của chúng tôi, cho nên dù ngay cả với vợ con cũng không thể nói rõ tất cả mọi điều…

          Chợt Tú Hoa kêu: “Ba” rồi nhào sang chỗ tôi. Cháu ôm lấy tôi và gục đầu vào ngực tôi. Vợ tôi vội đứng lên dìu con trở lại chỗ ngồi. Dường như nỗi xúc động cũng lây cả anh Tư. Anh châm thuốc lá hút chờ cho không khí bình thường trở lại. Anh rót thêm nước vào chén rồi đưa cho Tú Hoa. Đợi cháu uống cạn chén nước, anh Tư nói:

- Bây giờ chị và cháu Tú Hoa đã biết rõ anh ấy là ai và làm công tác gì rồi, vậy thì nhiệm vụ của hai người là phải hết sức bảo vệ anh ấy. Cách bảo vệ tốt nhất và có hiệu quả nhất là hai mẹ con từ lúc này trở đi vẫn sống bình thường, coi như không có cuộc nói chuyện tối nay, coi như đây vẫn là đồng chí Trương Đạt, cán bộ lâm nghiệp và người gốc Hoa. Từ sau cuộc nói chuyện này, tuyệt đối cả nhà không bao giờ được nhắc lại, dù chỉ cho nhau nghe thôi – một chi tiết nhỏ về cuộc đời thật của anh ấy. Dù cho sau này mọi người có xì xào bàn tán, hoặc mỉa mai chê trách về gốc tích của anh ấy, chị và cháu tuyệt đối không được phản ứng lại, không được thanh minh… Tóm lại là trước kia, hiện nay và sau này, đây vẫn là đồng chí Trương Đạt, kỹ sư lâm nghiệp, người Hoa. CHúng ta chỉ sơ hở một chút là lọt vào tai kẻ thù… tôi biết là hai mẹ con rất muốn biết, muốn hỏi nhiều điều nhưng hôm nay hãy tạm như vậy. Khi nào có dịp, anh Bảy đây sẽ nói thêm… Được không nào? Thôi bây giờ xịn mời cả nhà sang ăn cơm. Tối nay, thay mặt cơ quan, tôi mời anh chị và cháu ăn một bữa liên hoan nhỏ để ghi nhớ mãi mãi cuộc nói chuyện này… Nào, xin mời…

          Anh Tư đứng lên mời gia đình tôi sang bên phòng ăn.

          Đêm ấy, tôi đi nằm trong một tâm trạng vô cùng phấn hứng. Vợ tôi và Tú Hoa lục đục mãi chưa chịu ngủ. Tú Hoa cứ luôn miệng hỏi tôi về những ngày thơ ấu của tôi, mặc dù mẹ nó nhớ lời dặn của anh Tư, gạt đi. Tôi chiều con, vả lại những mẩu chuyện xa xưa ấy không vi phạm đến nguyên tắc, nên tôi sẵn lòng kể lại cho cháu nghe…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #24 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2013, 11:25:46 pm »

8

          Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào khoảng xế trưa. Ngoài Bắc trời đã lạnh giá nhưng trong Nam thì nắng và nóng. Chúng tôi phải cởi bớt áo khoác ngoài. Tôi để vợ con ngồi ở phòng chờ và tôi ra gọi điện thoại theo lời dặn của anh Tư. Đầu dây có người trả lời ngay:

- Tôi là Bảy, tôi ở chỗ anh Tư mới vào. Tôi muốn hỏi anh Năm Sáng.

- Chào anh Bảy, tôi là Năm Sáng đây. Tối qua anh Tư có gọi điện từ ngoài vô đây. Anh chờ chút xíu nghe, anh Bảy. Khoảng hai chục phút tôi sẽ đưa xe ra sân bay đón anh… À nè, anh Bảy, anh mặc bộ đồ chi đó? Anh nói tôi nghe để tôi dễ nhận anh…

- Tôi mặc chiếc áo len màu nâu, nhưng trong này trời nóng quá, tôi cởi ra vắt ở tay. Trong tôi mặc áo sơ mi trắng…

- Vậy hả? Lát nữa tôi gặp anh nghe!

          Ngồi ở phòng chờ, đúng hai mươi phút sau, tôi thấy một người xuất hiện và đi thẳng đến chỗ tôi. Người đó đã đứng tuổi, tóc điểm bạc nhưng da mặt hồng hào, mang kính trắng và bộ quần áo gọn gàng nịt lấy thân hình vạm vỡ. Anh ấy gật đầu với tôi và nói:

- Xin lỗi, anh là anh Bảy?

- Dạ… Tôi đưa tay ra bắt – Anh là Năm Sáng?

- Dạ… Người đó mỉm cười – Anh chờ tôi lâu lắm hả?

- Không lâu đâu. Đúng hai mươi phút như anh hẹn…

          Tôi giới thiệu vợ và con gái tôi với anh. Anh nồng nhiệt bắt tay từng người rồi nói:

- Nào mời anh chị và cháu ra xe…

          Chúng tôi xách hành lý theo anh. Một chiếc xe  du lịch màu sữa trắng đậu gần đó. Tôi ngồi ghế trên với anh, xe lướt khỏi sân bay rồi bon trên đường phố thênh thang của Sài Gòn. Quang cảnh mới lạ ấy cuốn hút mọi sự chú ý của vợ và con gái tôi.

          Anh Năm ghé đầu nói với tôi:

- Giờ thế này, anh Bảy nghe! Tôi sẽ đưa anh chị và cháu tới nhận phòng ở khách sạn. Sau đó ta đi ăn. Tối nay, anh với tôi, ta làm việc, bàn kế hoạch công tác trong những ngày anh ở đây. Được chứ anh Bảy?

- Dạ, được!

          Tối hôm ấy, tôi để vợ tôi và con gái ở khách sạn, theo anh Năm đến nơi làm việc. Cũng chỉ có anh và tôi trong một căn phòng nhỏ. Anh Năm bảo tôi:

- Tôi đã nhận được chỉ thị của anh Tư và chúng tôi đã tìm hiểu sơ bộ về người anh họ Trương của anh. Qua hồ sơ mà chúng tôi nắm được, tôi có thể báo cáo với anh Bảy như vầy: Ông ta tên Trương Phúc Hòa, năm nhăm tuổi, có vợ và bốn con. Hai người con trai thì về Hồng Công năm bảy tư, ở lại đây còn hai cô con gái nhỏ chưa chồng. Họ mở tiệm buôn bán thuốc bắc ở đường Triệu Quang Phục, quận 5 từ năm 1970, xem mạch, kê đơn bốc thuốc. Không có nghi vấn về chính trị. Tóm lại, đây là một Hoa thương bình thường, tài sản không nhiều, ít có quan hệ mật thiết với chính quyền ngụy quyền trước kia hoặc các tổ chức chính trị phản động… Trong đợt cải tạo này, gia đình ấy không thuộc diện đối tượng đấu tranh. Tôi nghĩ rằng anh có thể quan hệ bình thường với họ trên danh nghĩa họ hàng. Tuy nhiên cũng nên chú ý về những người thường đến giao dịch bởi chúng ta cũng chưa nắm hết được… Anh định bao giờ thì tới thăm ông ta?

- Ngày mai, sáng tôi đi xe buýt tới trước, sau đó sẽ đưa vợ con tôi tới chào ông anh họ… Lâu lắm, hơn ba mươi năm tôi không gặp ông ta. Hồi còn ở Quy Nhơn, tôi nhớ ông này là người hiền lành nhất trong mấy người con ông bác tôi.

          Anh Năm nói:

- Chiều mai, tôi sẽ cho xe đưa anh chị và các cháu đi…

- Thôi đừng anh Năm ạ! Chúng tôi đi xe buýt hoặc xe lam tiện hơn.

- Anh Bảy đừng ngại. Xe hơi trong này không có chi ghê gớm như ngoài Hà Nội đâu. Vả lại, trong này chưa thay biển đăng ký xe hơi nên không có kẻ nào theo dõi được. Dù sao anh cũng là cán bộ có cỡ ở Bắc vô, anh cứ đi xe hơi cho đàng hoàng… Bọn tôi có trách nhiệm bảo vệ anh nữa mà…

          Rồi anh rút trong cặp ra tấm ảnh người quen cũ của tôi mà anh Tư đã cho tôi xem hôm còn ngoài Hà Nội. Anh Năm nói:

- Anh Tư bảo anh có biết bà này?

- Dạ, tôi có gặp bà ta cách đây hơn ba chục năm, nếu đúng là bà ấy…

- Bà này tên thiệt là Hàn Huệ Nương, năm nay tròn sáu mươi tuổi. Chồng là Mã Tài, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu cỡ bự ở thành phố này. Họ nhập khẩu đủ loại kể từ vật liệu xây dựng đến máy móc nông cụ, rồi đồ điện tử, thường là nhập của Tây Đức, Nhật và Hồng Công. Còn xuất chủ yếu là lúa gạo… Tuy Mã Tài danh nghĩa là giám đốc nhưng thực quyền do vợ nắm, vì vậy giới kinh doanh trong này gọi bà ta là Hàn Đại Nương…

- Người chồng chết hay mất tích? – Tôi hỏi.

- Đâu có! Ông ta đi Đài Bắc hồi đầu năm 1975, rồi bị kẹt, miền Nam giải phóng nên không trở về được. Hai người con lớn cùng gia đình cũng đi theo bố, hiện ở nhà chỉ có cô con gái út chừng ngoài hai chục tuổi sống với mẹ…

- Từ hồi giải phóng, họ có liên hệ gì với nhau không?

          Anh Năm lắc đầu:

- Không có liên hệ chi hết! Bọn tôi đã kiểm tra qua đường bưu điện. Loại trừ họ bí mật thì ta chưa nắm được…

- Vậy các anh trong này có yêu cầu tôi phải làm gì?

- Chỉ cần anh xác minh xem có đúng là người quen cũ của anh không? Và nếu như anh tiếp xúc được và bà ta lại bộc lộ với anh điều gì đó thì rất có lợi cho chúng tôi..

- Anh để tôi nghĩ cách xem làm sao tiếp cận được với bà ta… Anh kiếm cho tôi các giấy giới thiệu của Sở Nông nghiệp thành phố để tôi tìm đến công ty của bà ta. Theo anh nói thì họ có nhiều máy móc nông nghiệp…

- Được, cái đó dễ ợt, tôi sẽ kiếm cho anh Bảy…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #25 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2013, 11:26:40 pm »

9

          Nhưng anh Tư không cho phép tôi đến gặp Hàn Huệ Nương. Đó không phải là nhiệm vụ của tôi và hành động ấy có thể gây sự nghi ngờ cho người đàn bà này. Tuy vậy do sự tình cờ, tôi vẫn gặp được nữ cố nhân diễm lệ ấy.

          Để mừng hội ngộ của tôi với gia đình họ Trương sau hơn ba mươi năm cách biệt, người anh họ của tôi Trương Phúc Hòa đã tổ chức tại khách sạn một bữa tiệc lớn mời bè bạn và giới kinh doanh Chợ Lớn. Chưa bao giờ, trong cuộc đời mình, tôi được dự và làm chủ tọa một bữa tiệc sang trọng như vậy với những món ăn, đồ uống mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy với những vị khách cũng sang trọng không kém. Cũng may, hôm đó, anh Năm đã kiếm cho tôi một bộ âu phục rất chững chạc và hôm trước anh đã dặn dò tôi đủ mọi điều về cách tiếp xúc và đối xử với họ. Vậy mà tôi cứ luôn luôn cảm thấy lúng túng, ngượng nghịu và cái vẻ ấy rất phù hợp với vai trò của tôi – một anh cán bộ cách mạng từ một tỉnh tít tắp tận biên giới phía Bắc mới vào.

          Trong bữa tiệc, người ta chúc tụng tôi, chào mừng tôi và tôi cũng lễ phép, hòa nhã đáp lời. Chúng tôi nói với nhau toàn bằng tiếng Bắc Kinh pha giọng Quảng Đông, tôi thì phát âm lơ lớ giọng Phúc Kiến.

          Hàn Huệ Nương đến hơi trễ. Và khi bà ta vào, cả bàn tiệc phải ngừng lại: Ông anh họ tôi vội chạy ra đón bà ta từ cửa phòng và lễ phép đưa vào. Vẫn là người đàn bà khi xưa, vẫn cốt cách đường bệ và đài các, bà ta duyên dáng trong bộ âu phục bằng len mỏng nhạt màu, mái tóc búi cao và mang cặp kính màu hồng nhạt.

          Người đàn bà cúi đầu chào tất cả, rồi đỡ lấy ly rượu từ tay Trương Phúc Hòa. Bà ta đi thẳng đến chỗ tôi, nheo nheo mắt nhìn tôi và nhoẻn cười. Một luồng nước hoa và son phấn phả tới quanh tôi. Bà ta nâng ly rượu và nói bằng tiếng Việt rất nhẹ:

- Tôi xin chúc mừng sự hội ngộ của ông, thưa ông Trương Đạt…

          Tôi cúi đầu và nâng ly rượu, chạm ly với bà ta. Tôi cũng nói tiếng Việt:

- Xin chúc sức khỏe bà. Rất hân hạnh được gặp bà…

          Trương Phúc Hòa từ sau tiến lên, giới thiệu:

- Xin giới thiệu với chú Trương, đây là Mã phu nhân, một nhà đại kinh doanh của giới Hoa thương chúng ta…

          Hàn Huệ Nương cười:

- Xin lỗi ông, ông Trương Phúc Hòa. Vậy ông quên rằng ông Trương Đạt đây là cán bộ cách mạng từ ngoài Bắc vô. Ông giới thiệu tôi là nhà đại kinh doanh thì khác nào ông đã đặt tôi vào hàng ngũ đối địch với ông em họ của ông sao?

          Trương Phúc Hòa vội thanh minh:

- Xin bà đừng hiểu lầm… ở đây không có chuyện đấu tranh cách mạng chi hết. Ở đây chỉ có tình anh em gia đình, tình đồng hương…

          Tôi cũng tiếp lời:

- Vả lại thưa bà, tôi tuy đi theo cách mạng, nhưng tôi là một kỹ sư lâm nghiệp, tôi chỉ làm công việc chuyên môn của tôi…

          Hàn Huệ Nương cười và sau khi chạm ly với tôi lần nữa, bà ta đi đến chỗ những người khác. Suốt từ đó, bà ta không tiếp xúc với tôi nữa. Nhưng tôi có cảm giác, bà ta lúc nào cũng quan sát tôi bằng đôi mắt rất sắc…

          Khoảng nửa tiếng sau, tôi đã đứng nói chuyện với mấy người khách sát ngay cửa sổ trông xuống sân trước của khách sạn. Mấy người khách tỏ vẻ dè dặt khi tiếp xúc với tôi, họ hỏi thăm tôi về tình hình kinh tế của miền Bắc, về tình hình sản xuất của nơi tôi đang ở ngoài ấy. Rồi họ chuyển sang hỏi thăm gia cảnh tôi, sức khỏe của vợ và con gái tôi. Họ rất tiếc rằng tôi nay vợ tôi và con gái tôi không có mặt trong bữa tiệc mừng này. Tôi đáp rằng tôi cũng rất lấy làm tiếc, ngặt vì vợ tôi và con gái tôi đi Vũng Tàu sáng nay nên không về kịp…

          Giữa lúc ấy, tôi thoáng thấy một người bồi của khách sạn đi vào và tới chỗ Hàn Huệ Nương. Người đó cúi đầu nói điều gì đó và bà ta vội đặt ly rượu lên bàn rồi đi theo. Tôi lùi lại, sát bên cửa sổ, chú ý nhìn xuống mảnh sân của khách sạn và tôi nhận ra một người đàn ông mặc âu phục trắng đứng bên cạnh chiếc xe Vespa có vẻ chờ đợi ai đó. Lát sau thì Hàn Huệ Nương đi ra. Người đàn ông tiến lại và hai người nói chuyện với nhau. Bà ta chốc chốc vẫn ngẩng lên nhìn về phía tôi, làm cho gã đàn ông kia cũng phải nhìn theo.

          Ánh đèn trong sân rất sáng và tôi chợt nhận ra gương mặt khá quen thuộc của người đàn ông kia. Gã cầm chiếc mũ vải ở tay, đeo cặp kính trắng. Gã chính là Lưu Nghị, chính ủy của lữ đoàn công binh làm đường năm xưa. Chính là gã, tôi trông không thể lầm mặc dù thời gian đã hơn mười năm trôi qua. Lưu Nghị, làm sao gã lại xuất hiện ở đây? Và có điều gì khiến gã vội vàng tìm gặp Hàn Huệ Nương? Chắc hẳn trong cuộc trò chuyện này, Hàn Huệ Nương báo tin cho Lưu Nghị biết sự xuất hiện của tôi và họ thừa biết tôi nằm trong nhóm “Lưu – Quan – Trương”. Liệu họ có dám liên lạc với tôi không? Hoặc họ có cần thiết đến tôi không? Tất cả đều phải đợi lệnh của cấp trên của họ. Và tôi, nếu như anh Tư cho phép, tôi cũng có cách tiếp cận với họ. Nhưng tôi biết chẳng khi nào tôi được làm việc ấy, trừ phi họ tự động tìm đến tôi. Nhiệm vụ của tôi, trận đánh của tôi ở nơi khác, tại các thị xã vùng biên bé nhỏ của tôi, nơi địa đầu Tổ quốc… Lúc này tôi chưa biết và cũng không thể nghĩ được chỉ vài năm nữa nơi ấy sẽ là tiền tuyến, là mảnh đất nóng bỏng cả nước phải hướng về…

          Tôi thông báo lại tất cả với anh Năm Sáng. Anh rất mừng và bảo:

- Đúng là mấy bữa nay, bọn tôi được tin có một vị khách lạ mới xuất hiện, hình dạng đúng như anh vừa kể. Bọn tôi đã tung anh em đi bám sát nhưng thằng này bản lĩnh lắm, ẩn hiện bất chợt, và con đường xâm nhập của gã cũng chưa được xác định…

          Rồi anh kiếm cho tôi xem mấy tấm ảnh do trinh sát chụp được. Mặc dù chụp từ xa và người trong ảnh rất nhỏ nhưng cũng đủ để tôi nhận ngay được Lưu Nghị. Sự phát hiện này của tôi khiến anh Năm Sáng xác định được mục tiêu của anh và anh càng mừng… Như vậy coi như trách nhiệm của tôi đối với anh em trong này đã gần như hoàn thành tốt đẹp…

          Hai ngày sau, người anh họ của tôi phóng xe máy đến khách sạn tìm tôi. Trương Phúc Hòa lôi từ trong chiếc cặp ra ba gói nhỏ và ông ta bảo đây là quà biếu của Hàn Huệ Nương tặng cho gia đình tôi. Ông ta tấm tắc khen lối cư xử đẹp đẽ và hào phóng của Mã phu nhân, đồng thời ông ta cũng lại ca ngợi tôi chỉ mới một lần gặp gỡ mà đã thu phục được cảm tình của một người nổi danh trong giới doanh thương Chợ Lớn. Tôi hồi hộp mở cả ba gói. Gói thứ nhất tặng con gái tôi có hai cái hộp nhung, bên trong đựng một chuỗi hạt trai rất đẹp và một chiếc đồng hồ nữ kiểu Citizen Nhật. Gói thứ hai tặng vợ tôi cũng có hai cái hộp nhung đỏ, bên trong là chiếc vòng hổ phách và chiếc nhẫn kim cương, hạt kim cương sáng lóng lánh to bằng hạt đỗ xanh. Còn cái gói của tôi cũng có hai cái hộp đựng chiếc bút máy Parker Mỹ va fmotoj chiếc đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ Movado vỏ vàng. Tất cả đều mới tinh và là những vật phẩm rất có giá. Ngoài ra còn một tấm danh thiếp của Mã Tài, mặt bên là mấy dòng chữ Hán mà Huệ Nướng đã viết: “Từ Tạ cố nhân – Kính chúc Trương quân bình an, thắng lợi – Mã”. Chữ viết rất bay bướm và cái nghĩa thật của nó cũng là những lời chúc tụng thông thường, nhưng tôi còn hiểu cái ẩn ý của người viết. Bà ta vẫn nhớ tôi, nhớ cuộc gặp gỡ năm xưa và chắc hẳn bà ta cũng đã được thông báo rằng tôi đã có liên lạc và đang bí mật hoạt động…

          Cẩn thận hơn, tôi đã chuyển cho anh Năm Sáng những tặng vật ấy, nhờ anh kiểm tra lại. Anh Năm cho biết chúng không có gì khác lạ, chỉ là món quá biếu bình thường. Ở trong này, đối với giới doanh thương lớn, những vật phẩm ấy cũng không có gì là ghê gớm lắm…

          Tôi nán ở lại thành phố Hồ Chí Minh thêm một tuần nữa, cốt để chờ xem Hàn Nương có thái độ gì hơn nữa không? Nhưng không có gì hết. Cả gã chính ủy của lữ đoàn công binh cũng biến mất, anh Năm bảo bọn anh cũng đang tìm kiếm gã nhưng không thấy gã xuất hiện…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #26 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2013, 11:27:34 pm »

10

          Năm 1978 là một năm cực kỳ sôi động. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam ngày càng trở nên ác liệt. Pôn Pốt đã xua hàng sư đoàn lính tràn qua biên giới đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Chúng nó gọi Việt Nam là “kẻ thù truyền kiếp” và thách thức, đe dọa rằng chúng sẽ đánh nhau với Việt Nam hàng trăm năm nữa, trong khi ngay trên đất Campuchia, Pôn Pốt đập chết hàng triệu người dân vô tội.

          Năm ấy, ở thủ đô Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã họp báo công bố bản tuyên bố của Chính phủ về cuộc chiến tranh do bè lũ Pôn Pốt gây ra ở biên giới Tây Nam. Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần đề nghị với chính phủ Campuchia dân chủ họp bàn để tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp biên giới, nhưng phía Pôn Pốt đã bác bỏ. Chúng cậy thế Trung Quốc cứ lấn tới. Trong cuộc họp báo ấy, hình như có ông nhà báo Tàu đã nêu lên những câu hỏi châm chọc và xỏ lá, nhưng đã được những câu trả lời đích đáng…

          Tiếp đó là vụ “nạn kiều” nổ ra trong tất cả những vùng có người Hoa sinh sống, từ các thành phố, thị xã, thị trấn và khắp nẻo biên cương. Hàng vạn người Hoa lam lũ và hiền lành bỗng nhiên bị một sức mạnh huyền bí nào đó thúc ép, bức bách ùn ùn kéo nhau về nước. Già trẻ lớn bé, vợ chồng, cha con, mặt mũi xám ngoét và ngơ ngác như có ma đuổi sau lưng, gồng gánh, đeo đội, ngày cũng như đêm dắt díu nhau dồn ra các cửa khẩu biên giới. Bên kia, người Trung Quốc đóng chặt các cửa ải, người Hoa ở Việt Nam đổ từ các nơi tới đó không có lối thoát cứ tắc nghẽn lại, dồn cục hàng nghìn, hàng vạn con người, căn lều, dựng quán, ăn đấy ngủ đấy, ỉa đấy, màn trời chiếu đất, trẻ con kêu khóc, người già rên rầm, đám thanh niên thì hung hăng hò hét, giơ gậy, giơ nắm tay đòi “tả lớ, tả lớ” nhặng xị…

          Người Việt Nam chia nhau đi đến từng gia đình, khuyên giải và thuyết phục người Hoa ở lại, sinh sống, làm ăn bình thường trên mảnh đất mà từ bao năm nay đã nuôi dưỡng họ. Trong khi ấy, các loa phát thanh bên kia biên giới gào thét, chửi rủa người Việt Nam đang xua đuổi và đày ải người Hoa…

          Rồi đến mức chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố cắt mọi viện trợ cho Việt Nam, xóa bỏ mọi hiệp định kinh tế đã ký với Việt Nam và gọi hết chuyên gia Trung Quốc ở Việt Nam về nước, lấy cớ rằng để lấy tiền giúp đỡ các “nạn kiều” bị Việt Nam xua đuổi.

*
          Thị xã vùng biên của tôi cũng nằm trong khung cảnh biến động dữ đội ấy. Đám người Hoa bỏ hết công việc làm ăn, từ khắp nơi trong tỉnh đổ về thị xã, túm năm tụm ba, thì thào bàn tán dọa dẫm và đe nẹt lẫn nhau, rồi đùng đùng bán nhà, bán cửa để ra đi. Mối quan hệ giữa họ với người dân địa phương đột nhiên căng thẳng, mới hôm qua còn là bạn bè, là hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau, vậy mà hôm nay nhìn nhau như kẻ thù. Người ở lại nhìn kẻ ra đi bằng con mắt nghi kỵ, hằn học. Chẳng hiểu duyên cớ từ đâu?

          Tôi bị lọt vào kẻ đứng giữa. Người Hoa cho tôi là đứa mất gốc, vong ân. Còn người Việt thì dè dặt khi tiếp xúc với tôi, ngay cả anh em cùng cơ quan. Người ta chỉ còn chờ ngày tôi và vợ con cuốn xéo lên đường giống như mọi kẻ khác. Mà nếu tôi có ra đi, chắc cũng chẳng có ai ngạc nhiên. Nhưng tôi vẫn im lặng và bình tĩnh nén chịu. Vợ tôi và cháu Tú Hoa cũng lâm vào cảnh ấy và cũng phải im lặng, nén chịu. Chỉ có tối khuya, hai mẹ con lại tấm tức khóc với tôi. Tôi lấy lời dặn của anh Tư để khuyên giải.

          Tú Hoa kể rằng nó đã gặp và nói chuyện với con trai lão Cắm Sềnh.

          Đó là một buổi chiều, Voòng Chuýn đứng đón ở ngay gần trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh và khi Tú Hoa về nhà thì gã giữ lại. Gương mặt chàng thanh niên rầu rĩ, gã nói:

- Tú Hoa, tôi có câu chuyện quan trọng muốn nói với bạn…

          Nhớ lời bố căn dặn, Tú Hoa xuống xe và đi bộ với gã.

- Chuyện gì vậy? Bạn nói đi!

- Tháng này, người Hoa ở thị xã đi nhiều quá…

- Vậy bạn cũng đi chứ!

- Tôi sẽ đi…

- Cả hai bác cũng về Trung Quốc với bạn chứ?

          Voòng Chuýn lắc đầu:

- Không, ba tôi ở lại vì mẹ tôi hiện đang ốm… Mà tôi cũng không về Trung Quốc. Về đấy khác gì ở lại đây, rồi họ tống vào lao động trong các công xã. Thà ở lại đây còn hơn…

- Sao bạn nói là bạn sẽ đi?

- Đúng, tôi sẽ đi nhưng tôi sẽ đi sang Hồng Công rồi sang Úc hoặc Canada. Bọn bạn tôi có đứa đã sang bên ấy, bên ấy sống sung sướng hơn, tự do hơn vì họ là nước tư bản… Tôi muốn Tú Hoa cùng đi với tôi…

- Tôi đi ư?

- Phải, chúng ta cùng đi. Tôi có vàng đủ để bảo đảm cho đời sống của bạn… Tôi yêu Tú Hoa, yêu từ lâu… Tôi muốn Tú Hoa cùng đi với tôi. Đây là thời cơ rất may mắn…

- Nhưng còn ba mẹ tôi, tôi bỏ để đi sao được?

- Rồi cả ba và mẹ cũng phải đi. Tình thế này không thể ở lại đây được nữa rồi. Gia đình của Tú Hoa là gia đình trí thức, ba bạn là kỹ sư còn mẹ bạn là giáo viên. Sang Canada, trí thức rất dễ kiếm việc làm, lại lương cao, tha hồ sung sướng.

- Vậy bạn quyết định đi một mình, bỏ lại hai bác ở đây?

- Làm thế nào được. Ba tôi rất lẩm cẩm, cứ nói đến chuyện đi là gắt mắng. Còn mẹ tôi thì chỉ than vãn, khóc lóc. Tôi không thể ở lại đây được. Tôi phải đi, Tú Hoa hãy nghe tôi, hãy cùng đi với tôi…

- Một mình tôi làm sao quyết định được. Tôi phải về bàn với ba tôi, với mẹ tôi… Tôi sẽ trả lời bạn sau…

- Tôi tin rằng ba bạn, mẹ bạn sẽ đi. Tuần sau, Tú Hoa trả lời tôi nhé. Hiện nay mọi việc đã chuẩn bị xong cả rồi. Nếu đi, mình sẽ đi Hải Phòng rồi sang Hồng Công…

- Được, tuần sau tôi sẽ trả lời bạn…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #27 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2013, 11:28:41 pm »

11

          Gã con trai lão Cắm Sềnh đã không thực hiện được ý nguyện của gã là vọt sang Úc hay Canada. Bởi vì tình hình ngày càng biến động, số phận của từng con người không còn tùy thuộc vào bản thân họ nữa. Mọi âm mưu, mọi kế hoạch của kẻ thù đã được triển khai rất khẩn trương và chi phối cuộc đời của hàng triệu con người.

          Tôi phải làm việc khá căng thẳng. Anh Tư đã từ Hà Nội lên để trực tiếp chỉ đạo công tác của tôi và Huy. Huy còn vất vả hơn tôi, anh như con thoi nối liền giữa tôi và “Tạ tư lệnh”, truyền đạt chỉ thị, kiểm tra tình hình. Tôi đã được lệnh của “anh Cả” phải khẩn trương chuẩn bị vũ trang chiến đấu và sẵn sàng hiệp đồng với đại quân khi thời cơ đến. Lão bảo hiện nay rất nhiều sư đoàn cả chủ lực lẫn quân địa phương của các đại quân khu phía nam đã áp sát biên giới, có lệnh là nổ súng tràn sang, nếu như Việt Nam không biết kiềm chế với Khơ-me đỏ. Lãnh tụ Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình hiện đang công du tận Hoa Kỳ, lão ta vận quần áo cao bồi, đội mũ cao bồi và lớn tiếng đòi “dạy cho Việt Nam một bài học”. Kể vẫn xưa nay không tiếc lời chửi rủa Mỹ, chửi rủa về mọi phương diện bây giờ lại ca ngợi và học đòi bắt chước Mỹ về mọi phương diện, kể cả trang phục và ngôn từ…

          Tôi báo cáo anh Tư rằng: mọi tổ chức bí mật của nhóm đang được gấp rút triển khai, nòng cốt của chúng là một lực lượng bán vũ trang, bao gồm những tên phản bội và người Hoa bất mãn mang tên là “đơn vị Sơn Cước”. Nội dung công tác tuyên truyền của chúng là “phải cho Việt Nam một bài học vì Việt Nam là tiểu bá, Liên Xô là đại bá. Việt Nam làm tay sai cho Liên Xô, nhờ Trung Quốc mà đánh thắng được Mỹ, nay lại theo Liên Xô phản bội lại Trung Quốc. Việt Nam là tiểu bá ở Đông Nam Á, v.v.” nhằm kích động quần chúng chống lại cách mạng, chống lại Tổ quốc…

          Nhiệm vụ của tôi là phải nắm được tất cả các tổ chức bí mật ấy. Ngoài những tổ chức do tôi và Huy xây dựng, chúng tôi phải biết rõ những ổ mai phục do Tạ và đồng bọn của y nhen nhóm từ hơn mười năm nay suốt dọc biên giới. Huy đã giúp tôi rất nhiều vì đã có thời gian anh là đặc phái viên của Tạ. Nhưng tôi vẫn chưa thể biết hết được. Phải đợi khi chúng nổi dậy và tập họp ở những điểm chôn giấu vũ khí. Và tôi tập trung toàn bộ sức lực của mình để moi bằng được bản sơ đồ hiện nằm trong tay lão Cắm Sềnh, ông anh thứ hai của tôi.

          Tôi bàn với anh Tư rồi trao đổi kế hoạch với Huy. Chúng tôi phải tiến hành một cuộc khám xét bí mật hiệu ảnh của Cắm Sềnh…

*
          Một kẻ lạ mặt đã đến nhà của Cắm Sềnh trước chúng tôi. Hôm đó vào buổi chiều cuối năm. Trời nắng hanh khô khốc và bụi. Thị xã, sau những đợt biến động, xơ xác và vắng vẻ. Những cửa hiệu của người Hoa và những nhà ở của họ đều đóng kín mọi cánh cửa. Họ đã bỏ đi hết, người nào còn ở lại cũng ru rú nằm nhà.

          Duy có hiệu ảnh của Cắm Sềnh vẫn mở rộng cửa. Hai khung kính cỡ lớn lồng rất nhiều ảnh các kiểu, đứng ngồi, bán thân, cả người, cô gái nghiêng đầu cười, chàng trai ngước mắt mơ màng, lại cả ảnh tô màu và ảnh màu, treo hai bên lối đi như chào mời mọi người. Nhưng trong nhà không khí lại đang căng thẳng. Hai bố con Cắm Sềnh đang cãi nhau. Cắm Sềnh mặt hầm hầm ngồi trên cái ghế bành, còn Voòng Chuýn đứng tựa lưng vào tường, mặt tỉnh bơ.

- Vậy là mày nhất định đi hả? Mày bỏ tao, bỏ mẹ mày để đi sướng cái thân mày hả?

- Thì tôi bảo cả ba, mẹ cùng đi nhưng ba mẹ không chịu đi, tôi làm sao được.

- Mày tưởng về Trung Quốc là sung sướng lắm à? Tao đã từ đấy ra đi, tao còn lạ gì. Lại không chết mục xương trong các công xã…

- Tôi không về Trung Quốc. Tôi sang Hồng Công…

- Trời, mày đi bằng đường biển? Chết mất con ơi, không chết về sóng gió thì cũng chết về cướp biển.

- Làm sao mà chết được. Bao nhiêu người đi, có ai chết đâu..

- Thế còn vàng của tao, mày lấy của tao mấy lạng vàng mày đem ăn uống chơi bời hết, bây giờ mày còn đòi gì nữa… Tao lấy đâu ra vàng cho mày bây giờ?

- Tùy ba, không cho thì thôi… không có vàng, tôi cũng đi.

          Gã con trai vùng vằng bước ra phòng ngoài. Và gã chạm phải một người đang đứng ngó nghiêng hai cái khung kính treo đầy ảnh. Đó là một lão già râu ria lởm chởm, mắt đeo cặp kính đen, mặc bộ quần áo chàm xanh đã bạc. Một tay lão cầm chiếc nón tre đan, một tay chống gậy. Voòng Chuýn né người định bước đi thì lão già nắm lấy vai gã giữ lại, nói lơ lớ tiếng Việt hệt như một ông cụ người Nùng:

- Chào cậu, ông chủ có nhà không? Ông Cắm Sềnh mà.

- Ba tôi ở trong nhà…

- Vậy cậu là con trai ông Sềnh à? Lớn quá rồi!

          Voòng Chuýn lặng lẽ gạt tay lão và bước ra đường. Vừa lúc đó Cắm Sềnh từ trong buồng đi ra. Lão hơi ngạc nhiên nhìn người vừa vào:

- Ông cụ hỏi gì vậy? Muốn chụp ảnh à?

          Khách lạ không trả lời, từ tốn đặt chiếc nón vào sát tường, bỏ chiếc gậy cầm tay rồi quay lại:

- Chào cố nhân…

          Giọng nói của lão già đổi khác và lão nói bằng tiếng Trung Quốc. Cắm Sềnh trố mắt không hiểu đó là ai, mãi khi người đó bỏ cặp kính ra khỏi mắt, lão mới khẽ kêu:

- Úi chao… Lưu thủ trưởng.

          Khách chính là Lưu Nghị. Y cười trong khi chủ nhân vẫn còn tái mặt vì ngạc nhiên và sợ hãi.

- Phải, phải… Tôi đây, đồng chí Sềnh, Lưu Nghị đây, cố nhân đây…

          Cắm Sềnh hốt hoảng lắp bắp nói:

- Thủ trưởng, mời vào trong nhà. Đứng đây không tiện…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #28 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2013, 11:30:26 pm »

12

           Cắm Sềnh đóng cửa hàng và đưa Lưu Nghị vào nhà trong. Lão mời khách ngồi nghỉ ngơi rồi pha nước nhưng Lưu Nghị cứ dềnh dàng nhìn ngó quanh quẩn. Y dừng lại trước bức tranh “Quan Công phò nhị tẩu” treo chính giữa phòng. Y ngắm nghía rất lâu, có lẽ y đang nhớ lại câu chuyện hơn mười năm về trước, y đã từng hạ bức tranh kia xuống, viết vào đó dòng chữ Hán để bắt đầu liên lạc với tên điệp viên nằm vùng này. Y lắc đầu, chép miệng nói lầm bầm:

- Vẫn như thế, chẳng có gì thay đổi hết… Tất cả vẫn nguyên như cũ…

          Khi khách đã an tọa, Cắm Sềnh một lần nữa quan sát con người kỳ lạ này mà mỗi lần y xuất hiện đều rất đột ngột. Hơn mười năm về trước, y còn là một chính ủy lữ đoàn, quân phục chững chạc và cặp kính trắng lúc nào cũng đeo trên sống mũi, y trẻ trung và trí thức như một học giả. Vậy mà bây giờ y sọm xuống như một lão già, đôi mắt cận thị không mang kính thô lố như mắt lợn luộc, đầu tóc bù xù, quần áo nhàu nát bám đầy bụi vàng khè. Có lẽ y vừa trải qua một chặng đường dài hoặc phải chui lủi trong hang hốc nào đó. Cũng có thể y cố tình làm thế thành một ông già Nùng để che mắt mọi người. Tất cả đều có thể. Lưu Nghị đã trở lại đây tức là có chuyện lớn rồi…

          Lão rụt rè hỏi:

- Thủ trưởng…

          Khách xua tay, mệt mỏi:

- Đừng gọi tôi là thủ trưởng. Chúng ta đều là đồng chí…

- Dạ, thưa Lưu đồng chí, chẳng hay suốt từng ấy năm, đồng chí đi những đâu mãi bây giờ mới quay trở lại?

          Lưu Nghị không trả lời, lẳng lặng bưng chén trà nóng uống từng ngụm nhỏ. Y cũng ngắm kỹ dung nhan lão thợ ảnh. Không phải tất cả “vẫn nguyên như cũ”. Cảnh vật tuy không thay đổi là mấy, nhưng con người thì già đi rất nhiều, như lão Cắm Sềnh này mười năm về trước, lão to khỏe như một tay đô vật, dáng vẻ lanh lợi, thoắt chỗ này, thoắt chỗ khác, ẩn hiện như ma quỷ. Vậy mà bây giờ lão sụp đi rất nhanh. Cả thân hình như một trái bóng cao su xì hơi, mặt mũi khô khốc và nhăn nheo, đầu tóc trụi lủi kéo dài cái trán bóng nhẫy với hai hốc mắt xệ xuống.

          Lưu Nghị nhìn vào phía trong, chẳng hiểu vợ lão Cắm Sềnh đi vắng hay lúi húi dưới bếp? Như đọc được ý nghĩ trong đầu Lưu Nghị, lão Cắm Sềnh lắc đầu:

- Nhà không có ai hết ngoài tôi ra. Vợ tôi đi kiếm thuốc bệnh, nó ốm quá. Còn thằng con tôi vừa ra khỏi nhà đó…

- Voòng Chuýn bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?

- Hai mươi ba, có lớn và chẳng có khôn…

- Trông nó có tướng làm chỉ huy, không dinh trưởng cũng phải ban trưởng chỉ huy một đại đội mới xứng…

          Cắm Sềnh nén chịu những câu hỏi vẩn vơ của Lưu Nghị. Lão cố lái trở về câu hỏi cũ:
 
- Suốt mười năm qua, Lưu đồng chí chắc là đi nhiều nơi… Hay là… công tác bên Tổ quốc?

          Lưu Nghị lắc đầu:

- Hầy dà… Đảng điều đi đâu thì tôi đến đó… Mười năm qua, bước chân Lưu Nghị này đã đi hàng vạn cây số… Năm ấy tôi quay về Tổ quốc được cấp trên cho đi học trường Đảng ba năm rồi đi suốt. Bắc Lào, Hạ Lào rồi sang Campuchia giúp các đồng chí Khơ-me đỏ đánh nhau với bè lũ Lon Non. Cách mạng Campuchia thắng lợi, tôi ở lại Phnôm Pênh làm cố vấn xây dựng lực lượng vũ trang cho bạn… Hồi đó nghĩ cũng tiếc!

- Sao kia! Sao mà tiếc?

- Hầy dà… Tháng tư năm bảy lăm đó, cách mạng Campuchia nhờ sự chi viện của ta đã giành được đại thắng lợi, tiêu diệt hoàn toàn bè lũ Lon Non, thành lập nước Campuchia dân chủ… Hồi ấy nếu như ở Việt Nam, Mỹ không bỏ cuộc, Nguyễn Văn Thiệu giữ được chính quyền thì Việt Nam đâu có được như bây giờ. Bọn tiểu bá Việt Nam sẽ lâm vào thế cô lập, phía nam là Mỹ, phía tây nam là Campuchia dân chủ và phía bắc là chúng ta. Chúng nó có đến vạn kiếp cũng chẳng thể đặt chân lên thành phố Sài Gòn. Hầy dà… Tình thế lúc này bất lợi cho chúng ta, đồng chí à! Việt Nam áp sát Campuchia nên các đồng chí ta bên đó buộc phải tấn công để phòng ngự. Và chúng ta, chúng ta phải chia sẻ gánh nặng đó với các đồng chí ấy. Chúng ta phải hành động gấp… Đó chính là nhiệm vụ của tôi khi tôi từ Tổ quốc sang đây…

          Lưu Nghị đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng. Mỗi lần qua bức tranh Quan Công, y dừng lại ngước nhìn lên rồi đi thẳng. Cắm Sềnh theo dõi những bước đi của y, chờ đợi. Và lão hỏi:

- Lưu đồng chí, đồng chí đã hội kiến với “anh Cả” chưa?

          Lưu dừng lại, ngồi lên bộ ghế, gật đầu:

- Tôi đã gặp đồng chí Tạ, đã làm việc với đồng chí ấy. Đây là chỉ thị của đồng chí Tạ gửi các đồng chí.

          Y móc túi lấy ra một mảnh giấy nhỏ trao cho Cắm Sềnh. Mảnh giấy giống như cai đơn thuốc viết bằng chữ Hán loằng ngoằng. Cắm Sềnh giương kính và đọc: “Chú Hai và chú Ba. Lưu đồng chí hiện là đặc phái viên của thượng cấp có nhiệm vụ đi kiểm tra công tác của chúng ta. Các chú hãy thay mặt tôi báo cáo lại toàn bộ công việc với Lưu đồng chí và giúp đỡ Lưu đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phải chấp hành mọi chỉ thị của Lưu đồng chí. Anh Cả”.

          Chờ cho lão đọc hết, Lưu Nghị khẽ khàng nói:

- Lúc này là thời cơ, Tổ quốc đã quyết định trừng phát bè lũ “tiểu bá Việt Nam”. Đại quân ta đã chuẩn bị sẵn sàng nổ súng. Tôi được phái đi chuẩn bị chiến trường và tổ chức lực lượng phối hợp. Tôi có hai điều cần hỏi đồng chí…

          Cắm Sềnh lấy lại tư thế nghiêm chỉnh:

- Xin đồng chí ra chỉ thị.

- Điều thứ nhất, tôi hỏi: cái kho báu vật mà đồng chí phụ trách, hiện tình ra sao?

          Lão thợ ảnh hiểu ngay y muốn hỏi về các kho vũ khí mà bộ đội công binh chôn lại trước khi về nước. Lão nhanh nhảu đáp:

- Báo cáo đồng chí, tất cả đều vẫn y nguyên. Từ ngày đồng chí trao lại, tất cả đều không hề suy suyển. Tôi luôn luôn kiểm tra, không có kẻ nào phát hiện được dấu vết khả nghi, mặc dù chúng nó ra sức sục sạo, đào bới và tìm kiếm. Những nầm mồ liệt sĩ của chúng ta vẫn được chăm sóc chu đáo…

          Lưu Nghị gật gật:

- Tốt lắm…! Đồng chí đã có công lớn… Tuy nhiên, thời gian tới đồng chí phải tiến hành thị sát khắp lượt, phải kiểm tra cẩn thận. Chúng ta sắp phải sử dụng đến vũ khí rồi.

- Xin y lệnh… Tôi sẽ đi ngay.

- Còn bản sơ đồ thì sao?

- Đấy là bản mệnh của tôi như lời đồng chí căn dặn trước ngày về nước. Đồng chí cần xem, tôi xin đưa ra…

          Lưu Nghị xua tay:

- Tôi… tôi tin cậy đồng chí… nhưng đồng chí giấu nó ở trong mình chứ?

- Không, không bao giờ tôi giắt vào người. Bởi tôi biết chúng nó có thể ám hại tôi hoặc bắt giữ tôi để khám xét… Tôi đã cất giấu vào một nơi không có kẻ nào ngờ tới…

          Lưu Nghị cười ma mãnh:

- Vậy mà tôi biết nơi cất giấu bản sơ đồ đó…

          Cắm Sềnh trố mắt:

- Làm sao đồng chí biết được? Đồng chí vừa tới đây mà… Ngay cả “Tạ tư lệnh” cũng không thể nào biết được…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #29 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2013, 11:31:17 pm »

- Vậy mà tôi biết… Tôi nói nhé… Ờ ờ - Lưu Nghị quay đầu nhìn về bức tranh Quan Công treo sau lưng y – Cái trục tranh, hồi tôi đến đây để bắt liên lạc với đồng chí, nó chưa có. Cái trục treo tranh kia mà… Trục dưới, cái ống tre ấy…

          Cắm Sềnh vồ cả hai bàn tay lên đùi Lưu Nghị:

- Giỏi, giỏi… Xin bái phục đồng chí… Quả xứng đáng là đặc phái viên thượng cấp… Cắm Sềnh này xin bái phục…

          Lưu Nghị cười ha hả, rất khoái trí. Y nhấp giọng bằng nước trà rồi nói:

- Đó là điều thứ nhất, tôi muốn hỏi. Còn điều thứ hai…

          Gã ngừng lại vẻ thăm dò thái độ của lão thợ ảnh. Cắm Sềnh ngồi ngay ngắn, chờ đợi. Hai vành tai của lão vểnh lên, rung rung rất nhẹ.

- Tôi muốn hỏi, tất cả người Hoa đã ra đi, tại sao con trai của đồng chí còn ở lại? Nó là trợ thủ của đồng chí phải không?

- Đâu có, công việc của tôi từ mấy chục năm nay, vợ tôi, con tôi không hề biết gì hết…

- Vậy thì tại sao nó còn ở lại Việt Nam?

- Nó vẫn đòi đi đấy nhưng tôi chưa đồng ý mà.

- Sao vậy?

- Bởi nó cứ đòi vọt sang Hồng Công rồi đi Úc, đi Ca-na-da… Toàn mơ tưởng các nước tư bản, tư tưởng nó hỏng quá, đồng chí à…

- Mơ tưởng nhưng là hoàn toàn thức thời. Nó là thanh niên, nó thức thời hơn chúng ta… Những nước tư bản như Anh, Pháp, Mỹ, Ca-na-da, Nhật Bản là những nước kinh tế phát triển, có đời sống rất cao… Chúng ta phải hướng về họ, học tập họ… Đảng ta, Tổ quốc ta cũng đang hướng về phương Tây để tự giải thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu hiện nay… Nó không hư hỏng đâu, đồng chí à…

          Cắm Sềnh lắng nghe rồi tự đeấm vào cái đầu lão:

- Đồng chí nói phải… Ui chao, cái đầu tôi tăm tối quá đi. Tôi không được học tập giáo dục nhiều nên bị lạc hậu…

- Vậy thì đồng chí phải cho Voòng Chuýn ra đi…

- Đúng thế, đúng thế… Tôi sẽ…

- Nó sẽ đi ngay đêm nay…

          Cắm Sềnh lặng người đi, ú ớ không thành lời.

- Nó cùng đi với tôi… Đồng chí đồng ý chứ?

- Tôi ư… tôi… xin y lệnh…
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM