Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:49:57 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trong cơn gió lốc  (Đọc 89390 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #90 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2014, 01:03:29 am »

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
I
Cuộc hỏi cung tên tướng Trần Văn Cẩm và tên đại tá Vi Văn Bình kéo dài tới ba tiếng đồng hồ khiến trung đoàn trưởng Thuần mệt nhừ người. Tên Cẩm đã trả lời  ông khá đầy đủ và tỉ mỉ những điều mà  ông muốn biết xung quanh  cuộc rút chạy vừa qua của quân đoàn 2 ngụy. Càng đi sâu vào tìm hiểu diễn  biến của cuộc rút chạy, trung đoàn trưởng phát hiện thêm nhiều điều lý thú. Đến khi một mình lững thững đi dọc hành lang trở về phòng nghỉ,  ông vẫn tủm tỉm cười và lẩm nhẩm một mình:
-   À thì ra vậy. Thảo nào, thú vị thật!
Tướng Cẩm đã kể khá cụ thể về những cuộc tranh luận của bọn tướng tá ngụy sau khi bị mất Buôn Mê Thuột. Khi kể đến những đoạn sôi nổi nhất, Cẩm như quên cả vị trí lúc ấy của mình – là một tên tù binh – hắn cũng vung tay, vung chân, đôi mắt lấp lóe sau cặp kính cận, những thớ thịt trên mặt rung rung . Theo Cẩn, thì cuộc tranh luận về nguyên nhân thất thủ Buôn Mê Thuột là một cuộc cãi vã “chợ búa” nhất  kể từ khi thành lập quân đoàn 2 ngụy tới nay. Tướng Phú chửi tướng Tất là “đồ ăn hại” vì đã điều động các lực lượng biệt động quân quá chậm trễ và “không hữu hiệu” nên không  chi viện  kịp thời cho Buôn Mê Thuột. Tướng Tất nói bóng gió chỉ tướng Phú bất tài, leo lên được chức tư lệnh quân khu chỉ vì là “bộ sậu” của tổng thống. Tướng Phú đập bàn, quát Tất như một tên thuộc hạ nhãi nhép. Cảm đứng giữa giàn hòa và cũng bị tướng Tất chỉ trích về việc cho đổ bộ “nhỏ giọt” sư đoàn 23 xuống khu vực Phước An để làm mồi cho pháo binh và bộ binh quân giải phóng.
Sau đó Cẩm kể về cuộc “dinh tế” của tổng hành dinh tướng Phú. Khi biết nguy ngập, Phú đã lập tức lấy cớ về Nha Trang gặp đại diện của tổng thống để chuồn trước, giao phó toàn bộ việc “tùy nghi di tản” cho Cẩm. Cẩm đã phải gánh trách nhiệm  về việc tổ chức “di tản” không thành công. Hắn than rằng: “Nếu không bị quân giải phóng bắt, có lẽ hắn cũng bị ra tòa án binh về tội nướng hết quân binh”.
Cẩm cũng đã trình bày tỉ mỉ về kế hoạch “di tản chiến lược” do tự tay hắn thảo ra. Qua đó trung đoàn trưởng Thuần hiểu rằng, về thực chất bọn địch đã chuẩn bị một cuộc rút lui chiến lược khá quy mô và có tổ chức, có chỉ huy chặt chẽ. Nhưng đến khi bị chặn đánh, binh lính một phần hoang mang, phần vì bấn bíu gia đình, vợ con, của nả, nên đội hình hành quân bị rối loạn, mạnh ai nấy chạy lấy thân ; hệ thống chỉ huy trở nên bất lực. những trận phản kích để mở đường máu đã không mang lại kết quả gì vì không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, giữa bộ binh, thiết giáp và pháo binh. Một sai lầm nữa của địch là đã phát động một cuộc rút chạy của  cả dân chúng ba thị xã với ý đồ chỉ để lại cho ta những thị xã không người. Nhưng cuộc rút chạy ùn ùn đó của nhân dân đã gây tâm lý hoang mang cực điểm cho binh lính và  gây sự ùn tắc ghê ghớm dọc đường, không có cách gì chỉ huy nổi.
Sau khi bị mất phần lớn các lực lượng chủ lực ở  Cheo Reo, Cẩm chỉ còn nắm được một vài đơn vị  biệt động và thiết giáp tháo chạy được về Củng Sơn . Tới đây, Cẩm  cho cụm lại thành một cụm, vừa để chờ thông đường, vừa hy vọng đón thêm “từng mảnh” những đơn vị  tan rã ở Cheo Reo chạy về.
Đường số 7 từ đoạn này trở thành bị du kích  Phú Yên khống chế mạnh, phần lớn cầu cống đã bị đánh sập, các đoạn đường xung yếu đều đã có du kích và bộ đội địa phương chốt chặn. Cẩm ra lệnh cho công binh làm gấp một chiếc cầu phao vượt sông Đà Rằng ở cuối quận lỵ và ủi một con đường đất từ Sơn Hòa về Tuy Hòa để tháo chạy. Đến đây là chỗ tuyệt lộ. Hắn đành bỏ các binh tướng mà tháo chạy về Tuy Hòa để nằm thở. Nhưng hắn chưa kịp hoàn hồn để mang cái thân về trình diện tướng Phạm Văn Phú thì quân giải phóng đã ập tới.

Bây giờ, hắn ngồi đó, gương mặt phì nộn phị xuống vì ảo não và chán chường. Hắn chính là dấu chấm hết của quân đoàn 2 ngụy.
….Giữa cuộc hỏi cung, tham mưu trưởng Sự đã mang cho trung đoàn trưởng Thuần một bức điện. Đó là mệnh lênh hành quân của sư đoàn gửi cho trung đoàn 6. Như vậy là  nhiệm vụ mới đã bắt đầu. Ông thầm vui mừng khi biết trong chiến dịch tới, sư đoàn sẽ tác chiến ở một chiến trường mới, chiến trường  dẫn tới hang ổ cuối cùng  của bọn bán nước. Đọc xong mẹnh lệnh, ông liền triệu tập cán bộ  chủ chốtcác tiểu đoàn, các đơn vị trực thuộc và  chủ trì các ngành của ba cơ quan trung đoàn, tới họp vào bảy giờ tối nay để triển khai  nhiệm vụ mới.
Đã gần năm giờ. Ông bồn chồn đi lại trong phòng . Không rõ mình mong đợi điều gì ? Một lát sau ông mới hiểu rằng mình đang mong tin vợ con. Quái thật ! Má con hắn mải mê công việc tới mức nào mà không ghé thăm ông lấy một lát !
Ông mỉm cười, đi lại đầu giường , mở ba lô lôi ra một khẩu súng ngắn còn mới Nguyên. Đó là món quà ông dành cho Thục cùng với chiếc đồng hồ ORIENT của ông . Còn má hắn thì ông đã có một món quà đặc biệt đây rồi. Đó là hai mét vải lụa, quà của Bác Hồ tặng cho các cán bộ miền Nam có thành tích xuất sắc từ năm 1965. Khi đi chiến trường ông vẫn luôn  mang theo đề phòng đợi dịp này. Hai mét vải lụa được bọc lại, gắn kín trong một chiếc túi ni –lông. Mấy năm nay chưa một lần ông mở ra coi vì sợ hơi nước ngấm vào, lụa sẽ mốc.
Ông bày tất  cả những thứ đó lên bàn, ngồi ngắm một lát . Chợt ông giật mình nhìn ra cửa, đứa nào bất chợt xộc vô nhìn thấy, nó lại cười cho.
Ông vội đứng dậy, đi khép cửa và mỉm cười một mình."
 2. chương 22 - phần 2 - đây là phần đầu của phần 2 , thủ trưởng xóa hộ em cái đoạn em "xin phép" và pos hộ em phần này ạ:
" II
Buổi tối, trung đoàn trưởng đang phổ biến mệnh lệnh hành quân cho cán bộ các đơn vị thì đồng chí công vụ của ông tới xin gặp trung đoàn trưởng có việc gấp.
Phổ biến mệnh lệnh xong, ông giao lại cho chính ủy  làm tiếp phần kế hoạch cụ thể và phổ biến công tác chính trị trong hành quân chiến đấu đường dài rồi trở về phòng của mình để gặp Tám Thế.
Linh tính như báo cho ông biết chuyện chẳng lành. Ông bước hụt mấy lần. Tới của phòng , ông ghé mắt vào và thấy Tám Thế đang chắp tay sau lưng đi đi lại lại, vẻ nghĩ ngợi điều gì. Ông đặt tay lên nắm đấm cửa mấy lần nhưng đều rụt tay lại. Tim ông đập  dồn. Ông có cảm tưởng  chỉ cần mình mở bung cánh cửa kia là tai họa sẽ ập đến. Nhưng cuối cùng  ông cũng phải từ từ mở của và bước vào nhà.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Ba, 2014, 01:24:50 pm gửi bởi ptlinh » Logged
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #91 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2014, 01:09:04 am »

 Grin Grin Grin thưa các bác, do nghỉ tết nên em không mượn được sách gốc về, em đã phôtô lại để số hóa phục vụ các bác, nhưng thiếu 2 trang (497- 498) - sau tết em sẽ  mượn lại và số hóa nốt...nhưng phục vụ các bác em sẽ pos hết số còn lại trong đêm nay. Grin Grin Grin
XIN BÁC ADMIN ĐỪNG XÓA TRANG NÀY ĐỂ EM SAU NÀY CÓ SẼ SỬA Ạ.
....II:
.....…Cảm tưởng chỉ cần mình mở bung cánh cửa kia là tai họa sẽ ập đến. Nhưng cuối cùng  ông cũng phải từ từ mở cửa và bước vào nhà.
Tám Thế giật mình quay lại. Vừa trông thấy  ông, Tám Thế đứng sững lại, mặt tái nhợt. Tám Thế nói điều gì đó nhưng tai  ông đã ù lên, chân tay  ông bủn rủn… Ông vội quờ quạng, huơ tay ra trước mặt như xua đuổi điều bất hạnh kia và nghẹn ngào thốt lên mấy tiếng đứt quãng:
-   Thôi ! …Đừng …đừng…nói nữa…chú Tám
Rồi  ông loạng choạng bước tới, gieo mình xuống giường.
Toàn thân  ông lạnh toát nhưng trong ngực  ông bỗng nóng ran lên.  Ông thở khò khè, nặng nhọc, môi  ông run lên, mấp máy mấy tiếng gì đó. Hình như  ông vừa gọi tên Thục. Tám Thế vội chạy tới bên giường  ông, cuống quýt sờ nắn rồi kêu toáng lên.
Hình như  ông đã thiếp đi một lúc. Trong khi nửa tỉnh nửa mê,  ông chỉ nghe được những tiếng lào thào, đứt quãng của Tám Thế.
-…bị thương nặng…đánh chiếm nhà tù…giải phóng ….đưa về bệnh viện…chị Tư không cho báo tin…cháu hy sinh…tám giờ…mồ yên mả đẹp…
Đột nhiên  ông nhỏm dậy, nhìn chằm chằm vào Tám Thế và hét lên một tiếng “Thục!” rồi nằm vật xuống giường, ngất lịm đi.
Khi  ông tỉnh dậy thì đã thấy xung quanh đông nghịt những người. đồng chí y sĩ đang loay hoay tiêm thuốc cho  ông. Cậu công vụ của  ông  thút thít khóc. Chính ủy Tâm ngồi bên mép giường đang cầm chiếc khăn ướt dấp lên trán  ông. Những người khác im lặng đứng xung quanh.  ông nhận ra đủ mặt các tiểu đoàn trưởng và chính trị viên các tiểu đoàn, anh chủ nhiệm chính trị, anh trợ lý tác chiến và một số cán bộ trong sở chỉ huy…  Ông khẽ xua tay, nói với mọi người:
-   Tôi…không sao đâu. Các đồng chí về đi. Chuẩn bị tốt để..ngày Mai…ngày Mai ta hành quân…
Chính ủy cũng ra hiệu cho  mọi người lui ra. Khi trong phòng chỉ còn lại chính ủy và Tám Thế thì  ông đã tỉnh hẳn. Nhưng khi đã hoàn toàn  tỉnh táo  ông mới thấm thía nỗi đau của mình. Đôi vai  ông cứ rung lên, rung lên từng đợt. chính ủy  ngồi ngay như tượng.  Ông cũng đau xót như mọi người nhưng lúc này  ông cần phải cứng răn hơn. Bởi vì trung đoàn trưởng đang tựa vào  ông.
 Ông im lặng chịu đựng vì không tìm được lời để an ủi người bạn chiến đấu của mình. Không lời lẽ nào tả xiết  nỗi đau xót của anh ấy. Sau hơn hai chục năm trời đằng đẵng nhớ mong, anh ấy vừa đưa tay ra nắm lấy hạnh phúc thì lại bị bàn tay ác quỷ của kẻ thù giật mất. Trên trái đất này có bao nhiêu người cha phải đau khổ như anh ấy?
Họ ngồi yên lặng bên nhau một lúc lâu. Một lát sa, trung đội trưởng mới quay sang hỏi Tám Thế:
-   Nhà tôi sao chú Tám.
Tám Thế lắc đầu:
-   Chị Tư cực quá anh ơi! Chỉ chết đi sống lại mấy lần. Ai ngó thấy cũng thương tâm. Nhưng chị Tư quả thiệt là một người mẹ có nghị lực. Chị nhất định không cho gọi anh về trước khi chôn cất cháu. Đến giờ chị đã tỉnh táo và khi tui đi, chị đã đi họp với Ủy ban quân quản thị xã. Không hiểu chị lấy đâu ra sức lực?
Đợi cho Thuần tạm nguôi, chính ủy liền đặt vấn đề:
-   Anh Thuần này…Đằng nào thì điều đó cũng đã xảy ra. Cháu đã hy sinh rất anh dũng. Điều đó đã an ủi chúng ta đôi phần. Bây giờ chúng ta phải nghĩ tới người còn sống. Phải nghĩ đến trái tim người mẹ. Anh thu xếp rồi theo chú Tám về dưới ấy với chị Tư đi. Lúc này chị ấy rất cần có anh ở bên. Công việc ở đơn vị  đã có tôi và anh Sự lo lắng chu toàn. Tôi đã bảo Sự chuẩn bị xe cho anh rồi.
Nghe nói đến chuyện về gặp vợ, trung đoàn trưởng bàng hoàng như bị điện giật.  Ông vội ôm lấy mặt rên rỉ:
-   Thôi ! Tôi van các anh. Tôi không đủ nghị lực để nhìn thấy nỗi đau khổ tuyệt vọng của nhà tôi nữa. Để khi nào cả hai tạm nguôi đi đã.
Chính ủy im lặng, trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu rồi chậm rãi nói:
-   Anh nghĩ vậy e không đúng đâu, anh Thuần. Hai mươi mốt năm xa cách anh, bao nhiêu lần chị ấy gặp tai họa, bao nhiêu lần chị ấy đã một mình gánh chịu xót đau. Hết ba má đến các chị, các em, các anh bị giặc giết. Bấy nhiêu tang tóc chị ấy đèu phải âm thầm chịu đựng một mình. Bây giờ có anh, tai họa này lớn quá, anh phải cùng với chị ấy chia sẻ chứ. Anh chị đều là đảng viên cộng sản, đều có nghị lực, nếu biết tựa vào nhau an ủi động viên nhau thì sẽ nhẹ đỡ hơn đi được phần nào đau khổ. Anh không thể yên lặng ra đi được. Vì như thế là anh chạy trốn đau thương chứ đâu phải anh dám dũng cảm chấp nhận sự thật đau thương ấy và cùng chị ấy chia sẻ.
Trung đoàn trưởng như sực tỉnh.  Ông ngồi ngây ra một lúc rồi thở dài:
-   Anh nói phải, anh Tâm ạ.
Chính ủy ngồi xuống bên trung đoàn trưởng, đặt tay lên vai  ông và ân cần nói tiếp:
-   Tôi tin ở nghị lực của anh, anh Thuần ạ. Hãy dũng cảm mà chịu đựng. Có như vậy chúng ta mới tiếp tục chiến đấu được.
-   Trung đoàn trưởng  siết chặt lấy bàn  tay chính ủy:
Hãy tin ở tôi, anh Tâm ạ. Tôi có đủ nghị lực.Nhưng…quả thực, tôi không thể ngờ. Nỗi đau này lớn quá, bất ngờ quá. Nghĩ mà tội cho nhà tôi..
Nói xong những lời ấy, trung đoàn trưởng  lại nghẹn ngào.  Ông vội đứng phắt dậy, nói với Tám Thế:
-   Ta chuẩn bị đi thôi, chú Tám.
Lát sau , trung đoàn trưởng, Tám Thế và hai chiến sĩ cảnh vệ ra khỏi nhà. Một làn gió đột ngột ào tới khiến trung đoàn trưởng khẽ rùng mình. Ông bước đi lảo đảo, cái lưng như còng hẳn xuống. Chính ủy vội bước tới, đi sát bên cho trung đoàn trưởng vịn vào vai mình, bước ra xe.
Đêm cuối tháng. Trời tối đen như mực. Chiếc xe Dép nổ máy, bật đèn, rạch thành hai luồng sáng dài hun hút. Biển động. Tiếng súng bồn chồn, khắc khoải dội vào. Có lẽ nó cứ bồn chồn, khắc khoải như vậy mãi, cho đến khi trời sáng.
Logged
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #92 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2014, 01:09:42 am »

III
Trước mặt ông là hơn hai chục ngôi mộ mới. Những nấm đất kia là nơi an nghỉ cuối cùng của những người đã ngã  xuống trong trận đánh giải phóng quê hương ông.
-   « Thục ơi ! Con nằm đâu »
Ông vừa thầm gọi vừa lặng lẽ bước theo Tám Thế và một chiến sĩ của đại đội Thục. Người chiến sĩ ấy cũng gọi ông bằng « ba » và đã kể cho ông nghe tỉ mỉ trường hợp hy sinh của Thục. Thục cũng đã hy sinh anh dũng như tất cả các đồng chí của mình đã ngã xuống trên mảnh đất này. Khi tới đây, nhìn thấy dãy mộ chạy dài trên triền đồi, tự nhiên nỗi đau xót trong lòng ông dịu đi đôi phần. Ông bỗng nghĩ hy sinh trong trận đánh này….Quê họ xa lắm. Biết đến bao giờ thì cha mẹ, vợ con và những người thân yêu của họ mới có cơ hội về đây thăm viếng phần mộ của người đã khuất ? Có bao nhiêu bậc cha mẹ ở miền Bắc thân yêu gửi con em mình vào chiến đấu, đang khao khát chờ ngày được vào thăm viếng phần mộ của con em mình đang nằm rải rác ở khắp mọi miền quê của miền Nam ruột thịt ? Trong cuộc chiến tranh này, hy sinh của người cha, người mẹ, người vợ ấy mới thực lớn lao. Với tấm lòng của một ngừoi mẹ, vợ ông đã thấm thía điều đó ngay từ khi đưa Thục lên nằm đây, với đồng đội của mình. Phải chăng, chính điều ấy đã an ủi người mẹ, tăng thêm nghị lực cho người mẹ vượt qua thử thách đau thương này, để tiếp tục sống và chiến đấu ?
Bình minh đang lên. Ngoài kia, mặt biển đang từ màu tối thẫm chuyển sang màu hồng rực. Sóng gió đã  dịu đi. Âm vang của những con sóng dội vào bờ biển đã nhịp nhàng, đều đặn hơn chứ không còn khắc khoải, bồn chồn như trong đêm.
-   Cháu nằm đây, anh ạ !
Tiếng Tám Thế vang lên. Trung đoàn trưởng chợt sững lại trước ngôi mộ đang còn nghi ngút khói hương. Một nỗi đau dội lên trong lòng khiến ông như bị choáng. Trong khi Tám Thế và đồng chí chiến sĩ cùng đi đốt thêm một nắm hương cắm lên mộ Thục, ông mệt mỏi ngồi bệtxuống, hai tay ôm lấy đầu.
-   « Con ơi ! Ba về thăm con đây ».
Những tiếng ấy vang lên trong lòng nhưng ông không thốt ra được. Cổ ông nghẹn tắc. Hai tròng mắt ông nóng rực. Ông muốn khóc, muốn được khóc như hôm nào khi hai cha con ôm choàng lấy nhau trong niềm hạnh phúc vô biên. Không phải nước mắt đã khô cạn mà hình như nỗi đau thương đã sắt lại, đã kết tinh, lắng đọng vào nơi sâu xa nhất của tấm lòng người cha…
Nó đã nằm đó, trong lòng đất. Gần gũi mà xa xôi biết mấy.
Đôi lúc ông có cảm tưởng như mình đang sống trong một giấc mơ khủng khiếp.  Chỉ cần mình choàn tỉnh dậy, tỉnh dậy là mọi việc tốt đẹp như cũ ; sẽ không có cái sự thật khắc nghiệt này.
Mệt mỏi, choáng váng, ông vừa  thầm gọi tên con vừa xê dịch lại, đặt tay lên nắm đất. Đất ấm như có hơi người.
Cả ba người, không ai nói với ai một lời, họ ngồi lặng lẽ bên mộ Thục rất lâu. Cho đến khi ngoài khơi  xa mặt trời đã nhô lên khỏi những vầng sóng xanh, chiếu vào bờ biển những tia nắng rực rỡ, họ mới đứng dậy. Và, vẫn lặng lẽ như thế, trung đoàn trưởng tay cầm một nắm hương lớn đang cháy nghi  ngút, đi dọc dãy mộ các liệt sĩ. Đến mỗi ngôi mộ ông đều đứng lại vài giây, cắm lên vài nén hương rồi lặng lẽ bước tiếp. Xong xuôi, ông qua trở lại,đứng trước ngôi mộ cạnh mộ của Thục và cúi xuống đọc tấm bia :
LÊ TRUNG Hưng
Trung sĩ – tiểu đội trưởng
C3-D3-E6- sư đoàn Chiến thắng
Quê quán: Lâm Thao – Phú Thọ
Trung đoàn trưởng chợt ngẩn ngơ. Cái tên đã gợi cho  ông nhớ một gương mặt quen thuộc. Đó là một đảng viên, một tiểu đội trưởng xuất sắc của "Trung đội gió lốc", một trung đội đánh giỏi của tiểu đoàn 3 mà  ông hằng quan tâm.  Ông đã nhớ mặt từng chiến sĩ của trung đội này, từ anh trung đội trưởng đứng tuổi luôn vui nhộn đến cậu Ổn trẻ tuổi nghịch ngợm. Đã có một lần, người chiến sĩ nằm dưới nấm mộ này đứng trước hội nghị “Những trận đánh hay, những người đánh giỏi” của trung đoàn, báo cáo sáng kiến táo bạo về việc dùng mìn ĐH.10 đánh tạo hố ở cửa đột phá để đưa hỏa lực lên chi viện cho xung kích đánh chiếm đầu cầu. Sau đó, những lần xuống thăm đơn vị, trung đoàn trưởng thường gặp và nói chuyện với Hưng.  Ông mến đức tính khiêm nhường của người chiến sĩ ấy. Trong những lần nói chuyện với Hưng về ngày Mai của đất nước,  ông vẫn thường nói “Tương lai thuộc về các cậu. Chúng tớ sắp già cỗi rồi mà trình độ lại có hạn”. Vậy mà bây giờ cậu ấy nằm đây. Bên cạnh là đứa con trai yêu quáy của  ông. Tự nhiên  ông có một cảm giác yên lòng. Thục đã được sống bên những người tố. Chết, Thục vẫn được ở bên cạnh những ngừoi đồng đội đáng tin cậy của mình. Từ này, dù chiến đấu , công tác ở nơi nào trên đất nước, mỗi khi nhớ về quê hương,  ông sẽ có thêm  cái góc nhớ thương  này. Ở đó, có ngôi mộ của con trai và những ngừoi đồng chí thân yêu của nó yên nghỉ. Đồng bào  Phú Yên sẽ đùm bọc thương yêu con và  đại đội của con như những khi còn sống.
Trời đã sáng rõ. Bóng đêm đã lùi hẳn trước ánh ngày rực rỡ. Bãi cát trắng bên bờ biển bỗng sáng rực lên. Biển đã êm dịu và trở lại với màu  xanh muôn thuở của mình. Trung đoàn trưởng quay nhìn ra biển và bỗng như bị lóa mắt trước nắng sớm và ánh phản Quang của  mặt biển.
-   Ta đi thôi.
Ông nói khẽ với mọi người câu ấy rồi lặng lẽ bước đi.  Ông bước chậm rái không hề quay nhìn trở lại. Mái tóc  ông bị gió biển  thổi tung lên, rối bời. Tám Thế chợt nhìn lên mái tóc bơ phờ ấy và khẽ thở dài “Rồi đây tóc anh ấy sẽ bạc đi rất nhanh”. Anh nghĩ thầm như vậy rồi bước nhanh lên, định nói với trung đoàn trưởng Thuần một câu gì đó nhưng lại thôi. Họ cứ lặng lẽ bước đi như vậy cho đến khi xuống tới đường quốc lộ số một.
Một đoàn xe chở bộ đội từ vùng ngoài vào ầm ầm rớt qua. Sau đó là một đoàn xe kéo pháo, những khẩu 122 ly nòng dài phủ lá ngụy trang xùm xòa, lắc lư như ngái ngủ sau một đêm hành quân vất vả. trung đoàn trưởng đứng bên đường ngắm đoàn xe của đơn vị  bạn hành quân qua rồi nói với Tám Thế:
-   Mặt trận chuyển vào phía trong rồi.
Tám Thế gật đầu xác nhận và hỏi thêm:
-   Có lẽ các anh cũng sắp đi.
Trung đoàn trưởng khẽ gật đầu, đáp nhỏ:
-   Chiều nay tôi đi rồi.
Hai người đột ngột im lặng rồi không ai bảo ai cùng ngoái nhìn lên phía nghĩa trang liệt sĩ. Ở đó, bây giờ ánh nắng đã chiếu vào, dãy mộ bỗng hồng rực lên một màu đất đỏ như son.
Trời bỗng lặng gió. Trên đỉnh đồi những cây phi lao đứng im phắc, trơ trọi, nom như những mũi lao dựng ngược.
Logged
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #93 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2014, 01:10:16 am »

ĐOẠN KẾT
Ngày….
Trước khi rời trung đội để đi điều trị vết thương, anh Mánh đã trao cho tôi cuốn  NHẬT KÝ này và bảo:
-   Mình phải xa trung đội một thời gian. Mình gửi lại cuốn nhật ký này để cậu ghi tiếp những ngày tháng chiến đấu mới của "Trung đội gió lốc" thân yêu của chúng ta. Đừng bỏ một ngày nào không ghi cả, bởi vì trong những năm tháng lịch sử này, mỗi ngày đều diễn ra bao điều kỳ lạ, đáng phải ghi nhớ, Đạt ạ.
Vậy mà mấy hôm nay tôi không được gì. Không phải quên, mà vì hầu như suốt cả ngày, lúc nào cũng ngồi trên xe, không thể mở nhật ký ra mà ghi  được. Sau này trở về trung đội, hẳn anh Mánh cũng thứ cho điều đó.
Chúng tôi cùng sư doàn hành quân ngược trở lại con đường truy kích trong chiến dịch vừa qua. Nhưng lần này không phải bằng đôi chân mà chúng tôi, cả sư đoàn  cùng hành quân bằng xe cơ giới. Hàng máy trăm chiếc xe hơi thu được của địch đủ để cõng cả  sư đoàn đi chiến dịch mới. cũng không phải hành quân mò mẫm trong đêm như hôm nào hành quân đuổi địch, mà chúng tôi đi gữa ban ngày. Những đoàn xe nối nhau, nối nhau tưởng như không bao giờ dứt.
Xúc động bao khi trở lại con đường đuổi giặc. Trên đường vẫn còn ngổn ngang dấu vết của cuộc tháo chạy thảm hại nhất trong lịch sử quân ngụy. Những bãi xe cháy ngổn ngang bên đường; những chiếc tăng vỡ toác nằm bẹp dí  trên bãi cát sông Ba; những đống quần áo bẩn thỉu, hôi hám; những “bãi giày” ngổn ngang hàng trăm đôi gợi cho chúng tôi nhớ tới những đoàn binh dài dằng dặc bị bắt trong các trận đánh…Đó! Chúng nó đã đã tháo chạy, đã rữa nát như vậy  trước sức mạnh  của chúng tôi.
Khi vượt qua đèo Tu Na, tất cả chúng tôi bỗng reo lên:
-   Thung lũng Cheo Reo đây rồi!
Ôi! Mảnh đất này, cái thung lũng hẻo lánh này từ nay sẽ mãi mãi sống trong lòng chúng tôi. Cuộc kháng chiến thần kỳ của chúng ta đã biến mảnh đất nhỏ bé, xa xôi này thành mảnh chiến công. Chúng tôi bỗng lặng đi qua những nơi mà bạn bè mình đã hy sinh. “Thắng ơi! Hùng ơi! Mùi ơi! Hiên ơi! Lý ơi…Chúng mày nằm lại đây nhé. Bọn tao lại đi đây. Đi đánh đuổi chúng nó tới tận hang ổ cuối cùng đay”.
Con sông Ba như duyên dáng hơn, uốn lượn quanh chân đèo như một dải lụa mà thiên nhiên vừa bất chợt tung ra, đón mừng chúng tôi trở lại. Thôi! Chào sông nhé! Con sông đã chạy song song với chúng tôi trên con đường  đuổi giặc.
Tới Thuần Mẫn xe của chúng tôi rẽ ngoặt về phương Nam, lao như bay trên đường 14. Ôi! Phương Nam! Chúng tôi đang bay về phương ấy với tốc độ sáu mươi ki-lô-mét một giờ. Cao Nguyên bao la trải ra trước mặt. Những rừng cà phê hoa nở trắng xóa. Những rừng cao su mỡ màng, xanh ngắt. Những nương rẫy tốt tươi. Những bản làng thấp thoáng..Mảnh đất này đã gắn bó với sư đoàn  chúng tôi biết bao.
Thị xã Buôn Mê Thuột! Xe đi chậm lại như diễu qua một lễ đài.Tât cả chúng tôi đứng dậy kính chào chiến công   Buôn Mê Thuột! chiến công mở đầu cho những chiến công trong mùa xuân lịch sử này. Chiến công biểu hiện sự tuyệt vời của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.Từ chiến công này chúng tôi bay lên và đã nhìn thấy bóng dáng của ngày toàn thắng.
Qua khỏi Buôn Mê Thuột,  quân đoàn tạm dừng, nhường đường cho một quân đoàn bạn từ hậu phương mới hậu phương mới hành quân vào. Cơ man nào là xe, là pháo. Bộ đội ta từ hậu phương Xã hội chủ nghĩa vào, quần áo giày mũ còn mới tinh, da dẻ hồng hào, cười nói xôn xao cả một quãng đường. Lính Tây Nguyên nhìn thấy mà phát thèm. Nhưng, ai cũng vui khi nhìn thấy lực lượng mình bỗng lớn mạnh đến như vậy. « Thôi ! Phen này thì thằng Thiệu đi đời ». Anh em chúng tôi đều vui vẻ nói với nhau như vậy.
Chính ở đoạn đường này diễn ra một cuộc gặp gỡ kỳ diệu. Sư đoàn chúng tôi đã gặp sư đoàn Chiến Thắng B, sư đoàn « anh em » của mình nằm trong đội hình hành quân bạn. Nhận được nhau, lính hai sư đoàn từ trên xe nhảy xuống  rầm rầm, ôm  chầm lấy nhau mà reo hò dậy đất. Các đồng chí chỉ huy gặp nhau, nghẹn ngào, vui sướng như anh em ruột thịt.
Khi rời hậu phương đi chiến đấu ở chiến trường, sư đoàn Chiến Thắng chúng tôi đã để lại một « bộ khung » với vài trăm cán bộ . Vậy mà hôm nay đã có cả sư đoàn thứ hai hùng mạnh như ngày nay. Càng nghĩ càng thấm thía hai tiếng Hậu Phương. Nếu không có một hậu phương XÃ hội chủ nghĩa  thì chúng tôi làm sao có được những quân đoàn chủ lực hùng mạnh như ngày nay ? Thử hỏi, có mái nhà nào ở hậu phương thân yêu không có những người con, người em hay người chồng ra trận hôm nay ?
Quân đoàn bạn vẫn hành quân. Xe pháo ùn ùn, bụi đường cuộn lên như một dòng sông mây đỏ rực. Trong khi chờ đợi, chúng tôi tạm giạt sang bên đường thổi cơm chiều trong một khu rừng cao su. Tôi ngồi trên võng vừa ghi nhật ký vừa bồi hồi lắng nghe tiếng đàn tơ – rưng đang phát ra từ chiếc ra-đi-ô của tiểu đoàn trưởng Nguyên. Lại nhớ hôm nào sư đoàn vừa mới đặt chân lên vùng đất đỏ Tây Nguyên này. Chúng tôi đã xúc động đến rơi nước mắt khi được nghe một em gái người dân tộc Gia Rai đứng bên đường gõ đàn tơ-rưng mừng bộ đội chủ lực về. Tôi vẫn nhớ nụ cười nhợt nhạt trên đôi môi tái ngắt vì sốt rét của em. Nhớ tấm lưng trần, hằn lên những rẻ xương sườn cũng đều đặn như  những khúc  nứa trên cây đàn tơ- rưng. Nhớ câu nói chân thật, giản dị nhưng sâu sắc của em : « Bộ đội chủ lực về, mình sẽ  mau hết cái khổ ». 
Em gái Tây Nguyên ấy bây giờ ở đâu ? Em còn sống để vui đón ngày quê hương giải phóng hôm nay hay đã chết vì bom đạn, bệnh tật, đói nghèo ?
Quân đoàn bạn đang đồn đội hình. Những đoàn xe cắn đuôi nhau vun vút lao đi trong mờ bụi đỏ. Chợt các chiến sĩ trên xe cát tiếng hát một bài hành khúc quen thuộc. Ôi ! tôi mong sao nhanh chóng tiếp tục lên đường. Có một cái gì lớn lao lắm, vĩ đại lắm đang chờ đợi chúng tôi ở phía trước.
Các chiến sĩ « trung đội gió lốc » của tôi, trong khi  chờ đợi đã mắc võng lên những cây cao su và ngủ ngon lành. Ngủ đi, các đồng chí thân yêu của tôi. Ngủ đi lấy sức để rồi ta lại hành quân, nhập vào cái dòng sông vô cùng  vô tận kia để đi làm một cơn bão lốc cuối cùng.
Tháng 3 năm 1978

KHUẤT QUANG THỤY
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM