Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:43:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trong cơn gió lốc  (Đọc 89520 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« vào lúc: 12 Tháng Ba, 2013, 01:44:28 pm »

TRONG CƠN GIÓ LỐC
VÀO TRUYỆN
Việc chú Mánh ghi nhật ký chẳng còn là điều gì mới mẻ nữa. Cả tiểu đoàn 3 đã biết chuyện đó. Lúc đầu không thiếu gì người dè bỉu, cho rằng đó là một việc làm có vẻ như vô công rồi nghề. Để châm chọc anh, họ còn bịa ra đủ thứ chuyện khôi hài xung quanh những tập nhật ký của anh.
Có lần, cậu Ổn, xạ thủ B40 một tay láu cá có hạng, không hiểu bằng cách nào đó đã thó được một trong ba cuốn sổ dày cộp đó và mang ra đọc oang oang cho cả trung đội nghe. Nhiều đoạn thú ra phết, văn chương nữa là đằng khác. Nhưng, cũng có đoạn đọc lên làm mọi người cười đến nôn ruột. Cái đoạn chú Mánh ghi về cuộc chia tay của vợ chồng chú thì thật chan chứa “chất trữ tình đồng quê”. Đoạn này chú viết toàn bằng văn vần (thế mới bợm chứ), trong đó có những câu thế này:
Anh đi gìn giữ nước non
Còn em ở lại nuôi con tháng ngày
Thương em vất vả lắm thay
Áo dăm miếng vá tay dày vết trai.
Đáng lý phải viết chai nhưng chú Mánh viết thành trai, sai lỗi chính tả đứt đuôi con nòng nọc rồi, vậy mà ai nói chú cũng không chịu. Đến khi tiểu đội trưởng Hưng, dân sư phạm chính ngạch, phải giải thích rằng: nếu chú viết chai thành trai thì câu thơ sẽ bị hiểu chệch sang nghĩa khác, xúc phạm đến lòng chung thủy của “thím ấy”, chú Mánh mới “à” một tiếng, vỗ đùi đánh bạch, và than: “Cái sự chữ nghĩa nó cũng hóc hiểm thật!”.
Nhưng nói chung thì chú viết rất có duyên, đọc lên ai cũng thấy đúng cái giọng khôi hài của chú mỗi khi kể chuyện. Văn vẻ cũng không đến nỗi quá quắt, trừ một vài đoạn lắm “thì”, lắm “mà” quá, ai cũng có thể nhận ra ngay.
Một hôm, chú lôi ở đâu về một tờ báo, trỏ vào những cột dài dằng dặc và bảo chúng tôi:
-   Này, các cậu đọc mà xem, chuyện chẳng có quái gì cả, ấy vậy mà “nó” viết hay quá đi mất. Chúng mình thiếu cha gì những chuyện đại loại như thế này, có khi còn hay hơn nhiều ấy chứ.
Ổn bảo:
- Vậy chú viết đi.
Chú Mánh đang hăng, buột miệng tuyên bố:
- Chưa biết chừng, sẽ có lúc tớ viết cho các cậu xem.
Thế là hôm sau hễ kể chuyện với ai, Ổn cũng oang oang tuyên bố: “Anh Mánh đang chuẩn bị viết truyện chiến đấu của chúng mình đấy”. Còn ai là gì cái tính bô lô ba la của anh chàng Ổn-ba-toác nữa. Ấy vậy mà cái biệt hiệu “ Văn Sĩ Mánh” vẫn cứ được tung ra. Lần này chú Mánh nổi nóng thực sự (đâu như có bớp cho Ổn một cái để trị cái bệnh láu táu); nhưng dù sao cái biệt hiệu “Văn sĩ Mánh” cũng ra đời mất rồi.
Không biết sau này anh trung đội trưởng Nguyễn Văn Mánh có viết truyện hay không, nhưng cho đến bây giờ rõ ràng cả đại đội đều mê những cuốn nhật ký của Mánh. Vô hình chung, nó đã biến thành một cuốn “sử biên niên” của cả đại đội. Ở đó, Mánh đã ghi hầu như không sót một ngày nào, một sự kiện nào đã diễn ra trong đơn vị kể từ khi vào chiến trường Tây Nguyên đến nay. Mỗi khi muốn nhớ lại một kỷ niệm nào đó, chẳng hạn: hôm nào thì đơn vị vào tới chiến trường; bị trận bom bi đầu tiên ở đâu; ăn cái tết đầu tiên ở chiến trường có những thứ gì; mất chốt đường 14 hôm nào; vì sao đại đội trưởng bị ong đốt cho một trận thừa sống thiếu chết ở làng Gà, v.v… Nghĩa là đủ mọi chuyện lớn nhỏ đã diễn ra trong đại đội, tiểu đoàn; ai muốn nhớ lại cho chính xác hoặc khi cần phân xử cho một cuộc tranh cãi, nhất nhất phải nhờ đến Mánh mở nhật ký ra coi hộ và cho ý kiến… Chính trị viên đại đội viết tổng kết các chiến dịch, có khi cũng phải nhờ đến Mánh cung cấp cho một vài chi tiết mà anh quyên không ghi.
Nhưng, cả đại đội không ai ngờ rằng những cuốn nhật ký ấy lại quan trọng tới cái mức: khi trung đoàn đặt vấn đề viết tiếp “truyền thống trung đoàn 6” thì, đích thân chủ nhiệm chính trị trung đoàn (vốn là chính trị viên cũ của tiểu đoàn), phải viết thư tay cho Mánh, do anh trợ lý tuyên huấn trực tiếp mang xuống, yêu cầu Mánh cho mượn những cuốn nhật ký đó để làm tài liệu tham khảo. Nhưng Mánh đã không chịu nhả những cuốn sổ quý báu ấy ra. Anh đã tuyên bố: “Mấy cha trợ lý là chúa hay quên. Lỡ các vị ấy quên luôn cho một lèo thì đi đứt. Chả chơi! Nếu anh cần chỗ nào thì mang sổ xuống tôi đọc cho mà chép!”.
Mấy hôm sau, quả nhiên anh trợ lý tuyên huấn phụ trách việc biên soạn truyền thống trung đoàn phải mang sổ xuống thật.
Sau cái “sự kiện trọng đại” ấy, không ai dám coi thường việc Mánh ghi nhật ký nữa. Trái lại, khi nào công việc nhiều quá, Mánh quên thì anh em trong “trung đội gió lốc” của anh còn nhắc anh phải ghi. Đôi khi, họ còn gợi ý cho anh hôm nay cần ghi những việc này, việc này… Và dần dần cuốn nhật ký hầu như không còn chỉ dùng để ghi những tâm tư, ý nghĩ riêng của Mánh nữa. Khi viết, anh cũng không ghi “Tôi” nữa mà ghi “chúng tôi”. Điều đó xảy ra từ lúc nào chính anh cũng không biết, nhưng anh cảm thấy thay đổi như thế là hợp lý.
Chiều hôm ấy, mọi công việc chuẩn bị cho một cuộc hành quân ra trân đã xong. Rỗi rãi, tú lơ khơ chơi mãi cũng chán, Ổn liền đứng dậy, khoát tay bảo mấy chiến sỹ trong tiểu đội:
- Lại bảo chú Mánh đọc nhật ký nghe chơi, chúng mày.
Tiểu đội trưởng Hưng vội gạt đi:
-Đừng! Bọn bay để yên cho anh ấy ngủ một chút. Mấy hôm vừa rồi anh ấy thức như vạc, đêm này qua đêm khác đi trinh sát với đại đội trưởng, có được ngủ ngáy chi đâu.
Lúc đó trung đội trưởng Mánh đang nằm trên võng, cuốn nhật ký còn úp trên bụng. Anh cũng nôn nao không ngủ được. Thấy anh em xôn xao, anh nhỏm dậy gọi:
-   Lại đây tụi bay! Tao có ngủ được đâu.
Khi mọi người đã tìm được chỗ ngồi xung quanh võng của mình, Mánh mới trịnh trọng nâng cuốn nhật ký lên. Đó là một cuốn sổ khổ vừa, bìa lót ni lông màu xanh, tặng phẩm chiến sỹ thi đua năm 1974 của Mánh. Anh nhìn mọi người một lượt rồi nói:
- Mình vừa ghi được một đoạn ngày về hôm nay. Mình đọc thử để các cậu nghe xem thế nào nhé.
Anh xoay người, chọn tư thế ngồi cho thoải mái, khịt mũi rồi đọc:
Thế là mọi việc chuẩn bị đã xong: đạn hai cơ số, gạo ních một bao, lương khô chục bánh…Chúng tôi chỉ còn đợi có lệnh là  xuất quân. Chưa bao giờ chúng tôi ra trận mà lại đàng hoàng, thảnh thơi như hôm nay. Giống như một người chuẩn bị ra “xướng vật” (1), thấy gân bắp mình cứng rắn hơn, tâm tư mình sảng khoái hơn và tin một cách chắc chắn rằng thì phen này nhất đinh đối phương sẽ lấm lưng trắng bụng…
Ổn thích chí vỗ đùi đánh đét một cái:
- Đúng quá! Hệt như mình nghĩ.
Lúa bĩu môi:
- Cậu có mà nghĩ! Cậu chẳng bao giờ nghĩ được cái gì cho ra hồn bao giờ. Chỉ phách lác!
Phùng vội nhăn mặt, xua tay:
- Im nào!... Để nghe anh Mánh đọc.
Mánh lại hắng giọng, khịt mũi rồi cái giọng khàn khàn của anh lại vang lên:
…Phen này thì nhất định đối phương sẽ lấm lưng trắng bụng. Không biết chúng tôi có chủ quan không, nhưng chưa bao giờ chúng tôi lại tin ở sức mạnh của mình như bây giờ.
Hôm qua, chính ủy sư đoàn xuống thăm chúng tôi; sau khi kiểm tra xong mọi công việc của đại đội, ông có ghé vào trung đội của chúng tôi một lúc. Ông hỏi chúng tôi: “các đồng chí thấy cuộc ra trận này khác những cuộc ra trận trước ở chỗ nào?”. Chúng tôi mỉm cười nhìn nhau… Thật khó trả lời quá, mặc dù chúng tôi cảm thấy hết sức rõ ràng “cái khác” ấy. Cái khác ấy hình như có ngay trong mỗi ý nghĩ, mỗi nhịp đập của trái tim chúng tôi nhưng nói ra thật khó. Chúng tôi chỉ nhận biết rằng, dân tộc ta đã chuẩn bị đầy đủ cho cuộc ra trận này. Nói đầy đủ đâu có phải chỉ vì cái bụng chúng tôi không còn đói, khẩu súng trên tay chúng tôi không còn lo hết đạn. Nói đến đầy đủ cũng chẳng phải vì thấy thập thò vài chiếc xe tăng, vài khẩu pháo lớn trong đội hình sư đoàn. Hình như cái đầy đủ ấy trước hết phải là sự đầy đủ về tinh thần, ý chí, về lòng tin của mỗi người chiến sỹ ra trận. Sự đầy đủ, còn là sự chín mọng của thời cơ cách mạng mà cả dân tộc đã chuẩn bị hai chục năm nay. Thời cơ ấy, khi đã đến cũng giống như khi thằng giặc đã mắc mưu, phơi ngực ra trước nòng AK và chúng tôi nín thở, bóp cò; tin chắc rằng súng nổ là nó phải gục, không thể khác được.
Với sự “đầy đủ” ấy chúng tôi bước ra “xướng vật”. Chưa ái dám nghĩ đây là cuộc đọ sức cuối cùng. Nhưng, chắc chắn đây phải là cuộc ra trận hả hê nhất
”…
Mánh dừng lại liếc nhìn các chiến sỹ của mình. Khi thấy mọi người đều im lặng, say sưa lắng nghe, anh lại cúi xuống đọc tiếp, giọng anh chợt trỗi lên cao hơn, dạt dào xúc động:
“… Sáng nay tiểu đoàn làm lễ xuất quân. Buổi lễ giản dị nhưng cảm động và trang nghiêm. Chúng tôi đứng trước những hàng mộ đắp tượng trưng, tưởng nhớ đến các chiến sỹ của tiểu đoàn đã hi sinh trên vùng đất Tây Nguyên này. Máu xương sao kể cho xiết, nhưng điều quan trọng là chúng ta vẫn tồn tại và lớn mạnh. Hỡi những đồng chí thân yêu! Những thằng Sâm, thằng Tánh, thằng Liên, thằng Soát…Nếu chúng mày còn cả thì đội ngũ tiểu đoàn phải đứng chật cả khu rừng này. Nhưng, dù hôm nay vào chiến dịch, tiểu đoàn chỉ còn từng này tay súng thì sức mạnh vẫn là sức mạnh tất cả. Chúng nó sẽ biết tay tiểu đoàn mình!
“Trung đội gió lốc” lại được nhận cờ. Trong chiến dịch này, chúng tôi sẽ đưa lá cờ vinh quang đó tới tận đâu, cắm lên những căn cứ nào của giặc? Điều đó không thể lường hết được. Nhưng, chúng tôi sẽ chiến đấu xứng đáng với lá cờ ấy.
Tôi quay lại nhìn các chiến sỹ của trung đội mình. Các chiến sỹ cũng ngước nhìn tôi. Những ánh mắt của họ đã nói với tôi rằng: Anh hãy tin tưởng ở chúng tôi, như tin chính bản thân mình!
”.
Trung đội trưởng Mánh đã đọc hết trang nhật ký ghi ngày hôm đó. Các chiến sỹ của anh vẫn ngồi yên lặng, suy nghĩ thấm thía. Dường như mỗi người cũng đang có những lời lẽ riêng để nói với lòng mình.
Một trận gió ào qua rừng. Lá khô trút xuống xào xạc. Những khoảng trời lộ ra sau những vòm lá, xanh ngăn ngắt. Cảnh vật nhẹ nhõm, lênh thênh. Mùa khô lên tiếng gọi.
Chiều ấy, họ hành quân ra trận.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 01:04:30 pm gửi bởi ptlinh » Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #1 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2013, 04:03:10 pm »

CHƯƠNG MỘT
1.
Ra khỏi khu vực đóng quân của sư đoàn bộ, trung đoàn trưởng Thuần, tham mưu trưởng Sự cùng mấy chiến sỹ thông tin, trinh sát vội vã bước gấp. Trời ngả về chiều mà nắng vẫn chang chang. Hơi nóng bốc lên hừng hực, không gian lấp lóa, mưng mưng như đang bị dồn nén. Thỉnh thoảng mới có vài gợn gió uể oải kéo lê qua những cánh rừng khộp đã trụi lá, khẳng khiu, hiu hắt. Đang giữa mùa khô, cây cỏ như đã bị vắt hết nhựa sống; tất cả đều xào xạc, úa vàng, chỉ còn những vạt rừng lim là vẫn xanh ngăn ngắt.
Họ đi qua những trảng cỏ rộng mênh mông đã ngả màu rơm. Cỏ khô dẹp xuống, tưng tức dưới bàn chân. Trên những trảng cỏ ấy, thỉnh thoảng còn sót lại một vài hố bom hoặc hố voi đằm còn xâm xấp nước, la liệt những vết chân nai, chân hoẵng. Đêm đêm, trên những trảng cỏ này rậm rịch bước chân thú rừng, chú nào cũng hý hửng tưởng mình láu cá nhất, ai dè tới đây chạm mặt “cả làng”, vô phúc còn sa vào nanh vuốt của những vị láng giềng biết ăn thịt mình hoặc nhận một viên đạn của những anh thợ săn lõi đời nữa.
Đi được chừng hơn một giờ đồng hồ, trung đoàn trưởng Thuần phải cho đoàn của mình dừng lại để tránh một đám cháy rừng.
Tiếng lửa réo ù ù như tiếng vó ngựa của một đạo quân hung dữ. Khói cuộn lên, cồn lên từng đụn như những đám mây vần vũ khi trời chuyển động. Tàn lá bay đen trời. Không gian bị nung lên, nóng hừng hực. Trời đất tối sầm lại. Gió thổi gằn từng đợt. Đàn “ngựa lửa” chồm lên, nhảy ùa vào những cụm le khô, vừa cào cấu vừa réo lên ù ù, ra chiều thỏa thuê, khoái trá lắm. Khi gặp những bãi cỏ khô, ngọn lửa lại rạp xuống, thè lè những chiếc lưỡi dài đỏ đọc ra mà liếm lèo lèo.
Đám cháy rừng không hiểu bắt đầu từ đâu và kéo dài tới tận đâu. Chỉ thấy trước mặt sừng sững dựng lên một bức tường lửa và khói. Những chú nai, hoẵng ngủ ngày trong những vạt cây xanh giữa rừng khộp gặp nạn la lên oang oác, rồi cắm đầu chạy, co cẳng phóng rào rào. Khi những đám cháy rừng thế này đi qua, người ta thường gặp không ít những chú nai, hoẵng, chồn, cheo không chạy thoát khỏi cơn hỏa tai, bị thiêu chín nứt nở, mỡ vẫn còn nhỏ xèo xèo xuống tàn tro.
Con đường mòn mà trung đoàn trưởng Thuần và các đồng chí của mình đang đi xế về mé đầu gió nên phải đợi cho đám cháy đi qua. Họ tạm nghỉ bên một con suối cạn. Lòng suối rộng đến hơn chục mét, ngổn ngang đá xanh, đá trắng. Về mùa mưa chắc cũng phải khó khăn lắm vượt qua nổi con suối này; vậy mà bây giờ nó khô khốc không một giọt nước. Thấy có tiếng động lạo rạo trên đá, đàn dế con từ trong khe ùa ra, nhảy tưng tưng nom đến vui mắt.
Tham mưu trưởng Sự mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ rân, vừa đặt đít xuống anh đã mở bi đông nước, tu ừng ực. Nhìn Sự uống nước, trung đoàn trưởng mỉm cười, hỏi:
- Hạ nhiệt chưa, Sự hè?
Sự lắc đầu ngao ngán:
- Phát ớn mùa khô ở cái xứ này rồi
- Là tớ muốn hỏi cậu đã vơi cái bị ức đi chưa?
Sự chậc lưỡi:
- Tôi thấy bực mình thì phát, phát xong thì thôi, có chi đâu? Nhưng mà kể cũng sầu thật, chưa chiến dịch nào trung đoàn mình được phân công làm ăn cho ra tấm ra miếng. Đấy, rồi anh xem. Phục kích chiến dịch! Nghe thì hay ho đấy, nhưng rồi lại ngồi trơ mắt ếch ra nhìn họ làm ăn cho coi.
Sự vẫn chưa hết thắc mắc về nhiệm vụ phục kích chiến dịch mà sư đoàn giao cho trung đoàn 6. Thực tình mà nói, trong thâm tâm, Thuần cũng hơi tự ái khi trung đoàn mình chỉ được nhận nhiệm vụ thứ yếu trong đội hình tác chiến của sư đoàn ở giai đoạn đoạn đầu của chiến dịch. Nếu trung đoàn ông cũng được giao nhiệm vụ đánh chiếm một chi khu quân sự như trung đoàn 4 thi vẫn hơn. Nhưng ông tỉnh táo hơn Sự để hiểu rằng, Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn sử dụng lực lượng như thế là hợp lý, hợp với sở trường của các đơn vị. Công bằng mà nói, trung đoàn 4 giỏi đánh địch trong công sự vững chắc hơn trung đoàn ông. Giao cho nó cụp thật nhanh, gọn cái Thuần Mẫn để gây khí thế và tạo thời cơ làm ăn chung cho cả sư đoàn là hợp lý. Đây còn là một trận được coi là mở màn cho toàn chiến dịch, nếu đánh cù cưa, trầy trớt thì rất phiền, ảnh hưởng cả thế trận chung của toàn mặt trận. Theo dự đoán của Bộ tư lệnh chiến dịch, sau khi ta tiêu diệt chi khu Thuần Mẫn, đẩy mạnh hoạt động ở phía nam; nhất là khi ta tiến công mục tiêu A (Buôn Ma Thuật), bộ tư lệnh quân đoàn 2 ngụy sẽ cuống cà kê và chúng có thể phải điều lực lượng ở phía bắc cao nguyên xuống ứng cứu. Cái khoảng “có thể” đó chính là thời cơ làm ăn của trung đoàn ông. Vì vậy, cùng với vài đơn vị hỏa lực tăng cường, trung đoàn ông phải triển khai một thế trận phục kích lớn trên đường 14, cắt đứt con đường này, thực hiện ý đồ của Bộ tư lệnh chiến dịch. Đó chính là nhiệm vụ chia cắt chiến dịch mà không một người cán bộ chỉ huy nào được coi thương.
Nhưng vốn dĩ Sự là người nôn nóng, hay tự ái vặt, chỉ nghe mấy tiếng “nhiệm vụ thứ yếu” là cậu ấy không chịu nổi. Theo Sự, hễ chiến dịch mở màn là phải nhảy bổ vào những “điểm nóng  nhất” mà nện tơi bời thì mới hả hê. Vậy nên, trong buổi giao nhiệm vụ trên sa bàn. Sự đã “nói dỗi” với tư lệnh trưởng Thanh Đồng:
- Vâng, trung đoàn 6 “cà là mèng” xin chạy đèn cù để các bậc đàn anh là ăn!
Vốn là người chặt chẽ nghiêm khắc, nghe Sự nói vậy, tư lệnh trưởng chỉnh luôn cho một bài:
- Đồng chí Sự! Đây không phải chuyện xôi thịt mà phân ngôi phân thứ. Đã là người chỉ huy thì không được coi thường bất cứ nhiệm vụ gì.
Đã thế Sự còn dám đai thêm:
- Tôi đâu có dám coi thường nhiệm vụ. Nhưng… trung đoàn tôi thì kém hẹm gì mà không hất phăng được cái thằng Thuần Mẫn!
Biết tính Sự, trung đoàn trưởng vội phanh lại:
- Thôi mà Sự! Nhiệm vụ là nhiệm vụ. Tớ hỏi cậu, nếu cậu phân công tác chiến cho các tiểu đoàn mà thằng cha nào đó cũng mè nheo nhận nhiệm vụ chủ yếu cả thì cậu tính sao?
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #2 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2013, 07:53:18 am »

Đó là hôm giao nhiệm vụ giai đoạn một của chiến dịch. Còn hôm nay Sự nổi nóng lại vì chuyện khác. Thuần và Sự vừa làm việc với tham mưu trưởng sư đoàn xong, vừa ló mặt ra khỏi phòng tác chiến thì gặp ngay trung đoàn trưởng trung đoàn 4 Đặng Ngọc San, một cán bộ trung đoàn trẻ. Biết Sự đang cay cú, San vừa cười vừa nói móc một câu:
- Thế nào anh Sinh Sự? (tên Sự là Nguyễn Đình Sự, nhưng vì anh có tính hay “sinh sự” không chiến dịch nào anh không hò hét, cãi vã ở ban tác chiến vì hợp đồng chật mấu hay ở phòng quân nhu, quân giới vì đạn, gạo, nên các trợ lý trên sư đoàn đặt luôn cho anh cái tên ấy) – Triển khai nhiệm vụ đến đâu rồi? Cứ yên trí, thế nào anh em cũng để sổng cho vài tiểu đội mà đón lõng.
Gan ruột Sự đang tức anh ách như một quả bóng bơm căng, bị chích một mũi vậy, giận quá anh “xì” luôn một hơi:
- Này đừng có cậy thế chủ công mà khinh anh em nhé. Ra cái điều ta đây! Chưa biết mỉu nào hơn mỉu nào đâu mà đã rộn.
San đứng chết lặng, tưng hửng:
- Kìa, đùa một tí cho vui thôi mà. Ông này buồn cười nhỉ, có ai dám khinh các anh đâu!
Sự vẫn to tiếng:
- Đây không thíc đùa kiểu ấy.
San nháy mắt, cười;
- Thế… đùa kiểu này vậy. Này, con Xuân ở viện 4 nó gửi lời thăm cậu đấy.
Sự ngay mặt, cười ngô nghê rồi dang thẳng cánh thụi cho San một quả:
- Ba láp.
- Ba láp cái gì? – San tiếp tục tiến công – Thế cái bọc võng của cậu chẳng tay nó khâu thì ai? Anh Thuần này coi chừng cái thằng này nhé. Nó bợm lắm đấy!
Bị “điểm đúng huyệt”, Sự đành phải xuống nước. Anh chàng quay sang tán chuyện tào lao và cười hơ hớ. Sốt ruột, trung đoàn trưởng Thuần phải giục, anh ta mới chịu dứt ra. Sau đó lại còn vừa đi vừa huýt sáo nữa mới tức cười.
Bây giờ cũng vậy, hình như chàng ta lại nghĩ ngợi điều gì xa xôi lắm. Khuôn mặt vuông vức rám nắng im lìm. Đôi mắt to đen mở ra, nhìn xa hút. Thỉnh thoảng, chừng nghĩ tới điều gì vui lắm, anh ta tủm tỉm cười ruồi, hai cánh mũi to phập phồng, đôi lông mày đen rậm động đậy. Trung đoàn trưởng Thuần thích thú quan sát Sự một lát rồi hỏi:
- Nè!... có thực cậu yêu cái Xuân ở viện 4 không?
Sự trợn mắt:
- Anh mà cũng nghe tụi nó tán láo à?
Trung đoàn trưởng cười mủm mỉm:
- Được đấy, tớ ủng hộ. Nó với tớ là chỗ đồng hương. Cũng dân Phú Yên cả mà. Tớ nói vô một câu là ổn hết.
Thành, công vụ của trung đoàn trưởng, nghe thấy vậy cũng chen vào:
- Phải đấy anh Sự ạ. Em tiết lộ bí mật nhé. Hồi thủ trưởng điều trị ở đó, cô Xuân mến thủ trưởng lắm. Một câu “chú Thuần”, hai câu “chú Thuần”. Nghe đâu còn muốn nhận thủ trưởng Thuần làm ba nuôi cơ đấy. Anh nhận làm con rể thủ trưởng luôn đi cho rồi!
Trung đoàn trưởng Thuần bật cười vang. Sự đỏ rân mặt, nhảy vội tới, hai tay cứng như sắt của anh nắm chặt lấy hai vai Thành mà lắc liên hồi:
- Nhóc con! Tầm bậy tầm bạ. Chừa không? Chừa thì tao buông. Nếu không tao bóp cổ!
May thay cho Thành, vừa lúc đó có một con hoẵng từ trong đám cháy rừng lao vụt ra, vừa nhảy cà nhắc cà nhót vừa la lên oang oác. Mấy cậu thông tin, trinh sát hè nhau đuổi. Sự vội buông vai Thành vớ lấy hai hòn đá hét inh lên:
- Nó bị thương rồi. Đuổi… bắt sống!...
Nhưng dù bị thương, con hoẵng vẫn chạy nhanh hơn người. Loáng một cái nó đã mất hút. Những người đuổi theo nó luồn qua cả những đám rừng vừa cháy qua, than tro bám vào quần áo, mặt mũi, nom như một đội chữa cháy vừa đi làm nhiệm vụ về. Sự vừa thở dài vừa lắc đầu:
- Nó chạy cà nhắc mà nhắc mà nhanh quá!
Trung đoàn trưởng nói khích:
- Bọn mình cứ tưởng phải khiêng theo cả hoẵng thì mệt quá lắm!
Đám cháy nương theo chiều gió tạt qua hướng khác. Phía trước mặt, nơi Thuần và các đồng chí của mình sắp sửa đi tới hiện ra một vùng đen nhẻm. Những cây con, dây leo, cỏ đều bị đốt trụi, chỉ còn trơ ra những thân khộp đen xì, đứng im lìm như đã chết. Vỏ cây cũng bị cháy sém, đang còn bốc khói nghi ngút. Cả dải đồi mới đó còn vàng rộm màu lá khô mà bây giờ đã đen kịt, tối thẫm như một vùng mỏ than lộ thiên. Tựa hồ như có một bàn tay thần kỳ vừa nhấc bổng cả những dải đồi ấy lên, nhúng vào một đại dương màu mực tàu rồi lại đặt nó về vị trí cũ vậy.
Thuần cho nghỉ thêm ít phút nữa để các chàng đuổi hoẵng thở một chút cho lại sức rồi tiếp tục ra lệnh hành quân. Tối nay ông phải có mặt ở trung đoàn để báo cáo trước Đảng ủy nhiệm vụ cụ thể của Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn giao cho trung đoàn. Còn bao nhiêu việc phải triển khai trước khi chiến dịch bắt đầu mở màn. Ông cảm thấy những ngày này, thời gian như nén lại, không gian thì như căng giãn ra. Cả núi rừng Tây Nguyên cũng đang dồn nén, âm ỉ, tích tụ, chuẩn bị cho một sự bùng nổ dữ dội chưa từng xảy ra trên vùng cao nguyên đất đỏ này.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #3 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2013, 10:52:27 am »

2
Dự buổi họp giao ban buổi sáng xong trung đoàn trưởng Thuần kéo chính ủy Tâm ra ngồi trên chiếc ghế gỗ, do đồng chí công vụ làm dưới gốc cây Trếch già, cành lá sum sê.
Ngồi đây một chút anh! Tôi… có chuyện này…
Thuần nói với chính ủy như vậy rồi rút thuốc lá ra mời ông. Hai người đã châm thuốc hút được đến nửa điếu rồi nhưng Thuần vẫn chưa nói gì. Chính ủy đã nhận ra những nét khác thường trên gương mặt trung đoàn trưởng. Đôi mắt ông long lanh ướt, gương mặt ông thoắt như hồng lên, thoắt lại như tái đi. Điếu thuốc lá trên môi ông lập bập. Sống gần bên Thuần lâu năm, chính ủy hiểu rằng Thuần đang xúc động, đang có một điều gì muốn nói ra nhưng không phải dễ gì mà nói ra ngay được. Biết vậy nên ông yên lặng chờ đợi, vờ như không hề nhận ra những nét xúc động đó trên gương mặt người bạn chiến đấu của mình.
- Anh Tâm ạ!... phì… có một điều này… phà… lạ lắm!...
Chính ủy ngước nhìn lên, gợi chuyện:
- Có chuyện gì vậy, anh Thuần?
- Phà… có một điều này… mà sao nhỉ! – trung đoàn trưởng đưa tay ra đập đập lên trán mình- Quái nhỉ! Tối nói anh đừng cười, bỗng tự nhiên tôi nghĩ rằng… Anh còn nhớ cái thư anh Năm Tự gởi cho tôi hồi tháng hai năm bảy ba không?
Chính ủy à một tiếng rồi mỉm cười:
- Nhớ, tôi nhớ chứ! Quên làm sao được.
Chính ủy làm sao quên được buổi chiều hôm ấy. Cái buổi chiều mà người bạn chiến đấu của ông, đã ngoài bốn mươi tuổi, dày dạn phong trần đến vậy mà bỗng khóc nức nở như một đứa trẻ. Anh mếu máo run rẩy đưa cho chính ủy một phong thư: “Đọc đi…anh, tha lỗi cho tôi”. Chính ủy đọc bức thư và hiểu ra tất cả. Đó là những dòng tin tức đầu tiên về quê hương và gia đình mà sau gần hai mươi năm trời xa cách, mong nhớ, lo âu, khắc khoải, nay Thuần mới nhận được. Bức thư ngắn ngủi ấy của người bạn đồng hương đã mang đến cho anh nỗi đau thương mất mát lẫn niềm vui, hạnh phúc mà gần hai chục năm nay anh cứ ngỡ rằng mình không hề có. Bên cạnh những tin tức về bạn bè, đồng chí, người thân bị giặc bắt, giặc giết là những dòng tin làm sáng rực trong lòng Thuần một niềm vui hạnh phúc. Vợ anh vẫn còn, vẫn chờ đợi anh, vẫn hoạt động cách mạng. Và đặc biệt anh được biết thêm rằng mình đã có một đứa con. Đó là điều kì diệu nhất má suốt gần hai chục năm xa cách, anh không bao giờ dám nghĩ đến. Lấy vợ được bảy ngày thì anh thoát ly đi hoạt động. Một năm sau hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Trước khi ra Quy Nhơn để xuống tàu đi tập kết, anh chỉ được ghé qua nhà có một ngày một đêm. Anh đâu biết từ cái đêm chia ly đẫm nước mắt ấy, anh đã để lại quê nhà một phần máu thịt của mình. Đứa con của anh đã ra đời trong những ngày đen tối nhất của miền nam. Ở tỉnh Phú Yên quê anh, đó là những ngày bọn tay sai Ngô Đình Diệm điên cuồng mở chiến dịch Hải Âu, một chiến dịch tố Cộng đẫm máu. Đứa con của anh đã ra đời trong những ngày máu và nước mắt ấy. Nó đã sống bằng dòng sữa cay đắng của mẹ, sống trong sự đùm bọc yêu thương của bà con làng xóm. Nó đã lớn lên, đã trưởng thành cùng phong trào cách mạng của quê hương. Và, cũng như tất cả những người con thân yêu của miền nam, có mang trong mình dòng máu cách mạng, nó đã trở thành người chiến sỹ.
Nhưng người bạn đồng hương của anh lại vô tình không nói đến một điều thường tình nhất nhưng đối với người cha lại là một điều rất thiêng liêng, rất hệ trọng. Có lẽ, anh ấy tưởng rằng đã từng ấy năm thì ít ra Thuần cũng đã một lần nhận được tin nhà và đã biết mình có con nên trong thư anh chỉ vẻn vẹn có mấy dòng “Chị và cháu thì vẫn khỏe mạnh, bằng an. Cả 2 má con hiện đang công tác ở tỉnh và trông tin anh lắm”. Thành ra bức thư lại khiến cho Thuần càng thêm bồn chồn, khắc khoải. Anh cứ phấp phỏng đoán chừng không biết con mình là trai hay gái nữa.
Hồi ấy, hiệp định Pa-ri vừa được ký kết. Đã có lúc, Thuần nghĩ rằng: dù có lần khân, quanh co đến đâu đi chăng nữa thì sớm muộn thằng địch cũng phải thi hành các điều khoản của hiệp định. Sau đó sẽ đi đến thống nhất, sum họp. Thuần và hàng vạn người con thân yêu của miền Nam dù còn ở miền Bắc hay đã trở về miền Nam chiến đấu, đều phấp phỏng chờ đợi cái ngày đó để về quê hương, gặp lại gia đình, vợ con, bạn bè, đồng chí.
Nhưng thực tế đã cho anh thấy kẻ thù vô cùng ngoan cố xảo quyệt. Chúng ra sức phá hoại, không chịu thi hành các điều khoản của hiệp định. Súng vẫn nổ. Những trận chiến đấu vẫn diễn ra ngày một ác liệt. Thuần lao và chỉ huy đơn vị đánh trả những cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Suốt ngày anh lầm lì, đôi mắt lúc nào cũng rực lên như có lửa. Quê hương anh dưới đồng bằng kia, có bao xa? Ngày về tưởng sắp đến lại bị kẻ thù mưu toan cướp đoạt. Con anh là gái hay trai? Chẳng lẽ câu hỏi giản dị đó chỉ được trả lời bằng những trận đánh, bằng máu và nước mắt?
Trong hội nghị quân chính mặt trận hồi đó, Thuần là một trong những cán bộ hăng hái đề nghị Bộ Tư Lệnh mặt trận cho đánh thẳng vào những sào huyệt trung tâm xuất phát của những cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Thuần rất khẳng khái nói rằng: “Dã tâm của kẻ thù đã rõ bản chất của chúng nó là ngoan cố kéo dài chiến tranh, kéo dài sự chia cắt của đất nước. Tôi hoàn toàn không tin một chút nào về cái gọi là “Thiện chí hòa bình của chúng”. Đối với chúng, không còn con đường nào khác con đường dùng bạo lực cách mạng mà đè bẹp ý chí của chúng. Chỉ có nghiền nát bộ máy chiến tranh tập đoàn bán nước Nguyễn Văn Thiệu thì đất nước mới có hòa bình, Bắc Nam mới được sum họp…”
… Giờ đây, ngồi bên Thuần, nghe Thuần nhắc tới chuyện gia đình, tới những ngày đó, chính ủy Tâm cũng thấy lòng mình bồi hồi xao xuyến. Dẫu hiểu bạn đến tận gan ruột, ông cũng không thể chia sẻ với Thuần nỗi nhớ thương đau đáu, nỗi chờ đợi xót xa ấy được. Cứ mỗi lần chiến dịch nổ ra là trong lòng Thuần lại dội lên từng đợt sóng nhớ thương. Có những lúc nó cồn lên, vỗ ào ạt như hôm nay, hoặc như cái hôm đi nghe phổ biến nhiệm vụ của chiến dịch về, Thuần đã ôm lấy ông mà nghẹn ngào thốt lên:
- Lần này có lẽ thiệt rồi, anh ơi!
Trung đoàn trưởng đã hút hết điếu thuốc là mà vẫn chưa nói được điều mình muốn nói với chính ủy. Nói sao nhỉ? Chẳng lẽ lại kể câu chuyện vớ vẩn ấy? Nhưng có sao đâu, anh ấy hiểu lòng mình, có gì mà phải dấu.
- Anh định nói gì, anh Thuần?
Thuần bật lửa, châm điếu thuốc thứ hai, rít một hơi dài rồi ngập ngừng:
- Cõ lẽ … cháu là cháu trai, anh ạ.
- À, ra vậy! - Chính ủy mỉm cười thông cảm -  Nhưng sao anh lại nghĩ vậy, lỡ cháu gái thì sao?
- Không … thế này anh ạ … phà … nghĩa là, đêm qua không hiểu vì sao tự nhiên tôi lại mơ đến cháu. Nói ra điều này có lẽ anh cười, nhưng … đúng là như vậy. Đêm qua, làm việc xong với trinh sát thì đã một giờ sáng, tôi lên võng nằm, định ngủ một giấc cho lại sức. Vừa chợp mắt, đang còn mơ mơ màng màng thì thấy một người con trai, giống tôi như tạc, mặc bộ đồ giải phóng, vai khoác tiểu liên AK, đến bên đầu võng của tôi và cúi xuống gọi “Ba ơi! Ba ơi!... Con đây nè! Con của ba đây nè…”. Tôi choàng dậy, thảng thốt gọi “Con ơi!”. Khi biết mình nằm mơ, mồ hôi tôi toát ra như tắm. Và, từ đó cho tới sáng tôi cứ trăn trở, bồn chồn không sao ngủ lại được. Tôi cứ nghĩ hoài, hay cháu là con trai thật?
Chính ủy tâm khẽ cười. Ông cười mà tự nhiên thấy sống mũi mình cay cay. Ông siết chặt tay trung đoàn trưởng, lòng thương bạn khôn xiết. “Thuần ơi! Tôi hiểu lòng anh lắm! Bấy lâu có lúc nào anh thôi nghĩ về đứa con thân yêu của mình. Đó là hạnh phúc, là hy vọng của đời anh. Nhưng, niềm hạnh phúc ấy còn treo lơ lửng ở đâu đó, còn giữa thực và mơ; lúc nào nó cũng chờn vờn trong tâm trí anh. Phải từng làm cha, hay nói cho đúng hơn, từng khát khao được làm cha mới hiểu nỗi lòng của một người cha sau hai mươi năm xa cách mới biết là mình có một đứa con. Nó là trai hay gái! Đối với người cha điều đó là thiêng liêng lắm chứ? Câu hỏi đó lúc nào cũng nóng rực lên, nhức nhối trong lòng anh. Nếu đất nước thanh bình thì chỉ một bức điện, một trang thư thì câu hỏi đó đượ trả lời trọn vẹn. Nhưng trên đất nước đau thương của chúng ta, để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải chiến đấu hai mươi năm trời đằng đẵng.
Anh muốn con anh phải là con trai để trở thành chiến sỹ giải phóng, mặc dù ở miền Nam không chỉ có những người con trai biết cầm súng. Đó cũng là một điều lạ lùng của đất nước mình, anh Thuần ạ. Có lẽ, chỉ những nơi nào mà việc cầm súng trở thành lẽ sống còn như ở Việt Nam ta thì mới có những người cha, người mẹ chỉ mong con mình lớn nhanh lên để có thể đặt vào tay con khẩu súng. Phải vậy không anh? Ý nghĩ ấy bám sâu trong anh, suốt ngày này qua ngày khác, vừa như một niềm hạnh phúc, vừa như một nỗi xót đau; nó theo cả vào giấc ngủ của anh, biến thành giấc mơ, có vậy thôi, anh Thuần ạ”
Chính ủy Tâm nghĩ như thế, nhưng không hiểu sao khi nhìn gương mặt khắc khổ của Thuần như đang ánh lên những tia hy vọng, ông lại không nỡ nói như thế. Ông chỉ ngồi xích lại phía người bạn chiến đấu của mình và khẽ gật đầu:
- Ừ … biết đâu. Nếu cháu là con trai thật thì hay quá.
Ông định nói thêm với Thuần điều gi nữa, nhưng vừa lúc đó anh trưởng ban tác chiến đã đi tới. Thuần đứng dậy, đón cuộn bản đồ trên tay anh, rồi kéo anh ngồi xuống bên cạnh mình và hỏi:
- Đủ cả bộ chứ Nhuận?
- Báo cáo thủ trưởng – Nhuận đáp – còn thiếu mấy mảnh thuộc khu vực Sài Gòn và đông Nam Bộ, tôi đã cho người lên phòng tham mưu sư đoàn xin thêm – Rồi anh cười – Trong chiến dịch này, các thủ trưởng cứ sử dụng hết từng ấy mảnh bản đồ là tình hình cũng đáng phấn khởi lắm rồi.
Chính ủy hỏi:
- Nhuận này … có bao giờ các cậu nghĩ rằng, tới một ngày nào đó chúng mình sẽ đánh xuống tới đồng bằng không?
Nhuận gật đầu sôi nổi:
- Có chứ ạ. Tối hôm qua bọn tôi thức khuya lắm. Chả là có ấm chè Bầu Cạn mà. Anh em ngồi tán với nhau về tình hình hiện nay. Anh nào cũng bốc lắm, thủ trưởng ạ. Có anh còn nghĩ đến tắm biển ở Nha Trang hay ăn hủ tiếu ở Sài Gòn kia ạ.
Chính ủy cười:
- Ghê nhỉ! Có vẻ … hơi lãng mạn đấy.
- Vâng. Nhưng tôi bảo anh em rằng: mùa khô năm nay hãy cố mà làm cho xong cái vùng Tây Nguyên này đã. Chừng ấy có lẽ cũng đủ mệt rồi. Sang năm hãy tính chuyện tắm biển ở Nha Trang. Còn nói chuyện ăn hủ tiếu ở Sài Gòn trong năm nay thì có vẻ như là tếu quá.
Trung đoàn trưởng đập tay vào nhau:
- Sao lại tếu! Cũng đến lúc chúng ta phải nghĩ tới chuyện đó rồi chứ!
Nghe trung đoàn trưởng nói vậy, chính ủy thầm nghĩ: “Phải, đã đến lúc chúng ta có thể nghĩ tới điều đó rồi. Nhưng muốn làm được chuyện lớn lao đó, cả dân tộc, cả đất nước phải cố gắng phi thường, phải vươn mình lên như Phù Đổng. Chấm dứt một cuộc chiến tranh kéo dài đằng đẵng hai mươi năm như thế nào đây? Đó là một câu hỏi lớn không dễ trả lời”. Chính ủy nghĩ vậy, nhưng lại một lần nữa trước ánh mắt chứa chan hy vọng của trung đoàn trưởng, ông không nói ra ý nghĩ của mình.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #4 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2013, 11:05:34 am »

3
Lúc ấy Sự còn đang nằm thu lu trên tấm bạt ngụy ở  một góc hầm tác chiến.
Nhưng khi loạt pháo đầu tiên của ta bắn vào chi khu quân sự quận lỵ Thuần Mẫn nổ dậy đất thì Sự liền tung chăn bật dậy. Thấy trung đoàn trưởng và chính ủy vẫn ngồi bên máy, anh liền hỏi:
- Quân ông San đánh rồi, phải không các anh?
Chính ủy quẳng cho anh một điếu thuốc rồi bảo:
- Cậu ngủ thêm một chút nữa thì e4 nó làm xong cái Thuần Mẫn rồi.
Thực ra đêm qua Sự cũng thức suốt sáng. Táng một ly cà phê vào, đầu óc cứ tỉnh như sáo. Mãi tới bốn giờ rưỡi sáng, khi nghe tin đơn vị bạn đã vào tiếp cận an toàn, các trận địa pháo cũng đã triển khai xong, anh mới kéo tấm bạt, trải xuống nền hầm và lăn ra ngủ cho đến tận bây giờ. Anh vừa hút thuốc, gãi cái đầu rối bù vừa lắng nghe tiếng pháo nổ mỗi lúc một dồn dập. Cha trời, bắn vậy mới gọi là bắn! Các cha e4 sướng thật. Pháo dứt, lao lên, thằng địch vẫn còn choáng óc vì pháo, đánh đấm gì được nữa.
Ở một góc hầm, anh trưởng tiểu ban trinh sát ngồi bên chiếc máy PRC.25 cùng đồng chí trinh sát vô tuyến chăm chú “nghe địch”. Pháo bắn được mươi lăm phút đã thấy đồng chí chiến sỹ trinh sát ngẩng lên, mặt tươi rói:
- Chúng nó kêu pháo bắn trúng sở chỉ huy. Tên đại úy tiểu đoàn trưởng đi tong rồi!
Sự vội xỏ dép, chạy lại:
- Cho tớ nghe một tý xem chúng nó kêu gì!
Đồng chí trinh sát đưa cáp nghe cho Sự. Anh ngoắc vội lên đầu, áp hai ống nghe vào tai và nhăn mặt vì những tiếng réo, tiếng rít, tiếng nhiễu loạn xị; tiếng những thằng địch ở đâu đó gọi nhau nhí nhéo; tiếng một con điện tín viên nhõng nhẽo đọc những tràng con số. Rồi, đột nhiên trong máy vang lên những tiếng gọi thất thanh:
- Duy Tân đâu? Duy Tân đâu?... Đù má! Duy Tân… Các con lâm bệnh nặng, cho thuốc cấp cứu mau.
Sự phì cười:
- Thế thì kêu thẳng ra là sắp tiêu ma rồi có hơn không? Mật danh với chẳng mật diếc gì mà dở ẹt.
Trong máy lại ồn lên, léo nhéo đủ thứ giọng. Có cả tiếng súng, tiếng loảng xoảng va đập, tiếng la hét, tiếng chửi rủa… Nhưng tiếng cái thằng gọi “Duy Tân” vẫn rõ hơn cả.
- Duy Tân! Duy Tân đâu! Các con nguy cấp lắm. Lạnh tứ chi rồi!
Sự quay sang hỏi đồng chí trinh sát:
- Nó kêu “các con nguy cấp lắm. Lạnh tứ chi rồi” là sao?
Đồng chí trinh sát giảng giải:
- Vậy là ta đã mở được cửa hoặc bóc được tuyến phòng thủ ngoại vi rồi.
- Duy tân là cái thằng chết toi nào?
- Có thể nó gọi sở chỉ huy liên đoàn bảo an.
Sự tháo cáp đưa trả đồng chí trinh sát:
- Thôi cậu nghe đi. Nhức cả đầu!...
Ở một góc hầm, chính ủy Tâm đang nói chuyện điện thoại với tiểu đoàn 3. Tiểu đoàn này là lực lượng cơ động của sư đoàn, do sư đoàn trực tiếp nắm. Hiện nó đang nằm tận bên kia đường 14, trên dãy cao điểm 758. Tiểu đoàn thông tin của sư đã phải chôn một đường dây điện ngầm, bí mật vượt qua đường 14 và những khu vực địch vẫn đi lại, lùng sục để giữ liên lạc với tiểu đoàn 3. Tiểu đoàn 3 có nhiệm vụ cơ động trên cả hai hướng: vừa sẵn sàng đánh địch đến chi viện cho Thuần Mẫn hoặc từ Thuần Mẫn rút chạy; vừa là lực lượng dự bị sẵn sàng tung vào trận phục kích lớn của trung đoàn nếu địch hành quân giải tỏa phá thế chia cắt chiến dịch trên đường 14. Biết các chiến sỹ tiểu đoàn 3 đang sốt ruột ngồi “xem” đơn vị bạn đánh địch, chính ủy Tâm luông miệng nhắc anh tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi của tiểu đoàn này phải kiên trì chờ đợi, không nôn nóng.  Hình như anh tiểu đoàn trưởng vừa nhắc tới điều gì khiến chính ủy không được hài lòng lắm. Giọng ông đã hơi gay gắt:
- … Tôi đã nói các anh phải giải thích cho anh em hiểu điều đó rồi cơ mà. Các anh tưởng chỉ đánh một hai trận rồi bó súng lại ngồi chơi đấy hẳn? Chính các anh nôn nóng chứ đừng nói gì tới anh em chiến sỹ. Hả? Tôi nói chính anh, cả anh và anh Khẩn cũng vậy. Có thể các anh còn phải ngồi nhìn người ta đánh lâu nữa, nhưng đó là yêu cầu của thế trận. Rồi sẽ đến lúc người ta cần tới các anh. Chỉ sợ rồi lại kêu toáng lên thôi. Được rồi, đâu sẽ có đó. Các cậu là tiểu đoàn chủ công của trung đoàn, sư đoàn sử dụng làm lực lượng cơ động là có ý đồ, không ai để các cậu thất nghiệp đâu. Thế nhé! Hãy nhắc anh em giữ bí mật cho tốt. Còn các cậu phải liên lạc thường xuyên với sư đoàn và trung đoàn.
Chính ủy đặt tổ hợp xuống, quay lại nói với mọi người:
- Tay Nguyên kêu um lên rồi đấy. Hắn nhìn rõ Thuần Mẫn, thấy đơn vị bạn họ đánh, ngứa chân ngứa tay rồi mà.
Sự cười, giảng giải:
- Chuyện! Các cụ đã đi xem vật bao giờ chưa? Anh em mình bây giờ hệt như mấy đô vật máu mê phải ngồi  ngoài sân chầu rìa ấy.
Từ phía Thuần Mẫn, tiếng súng dội lại mỗi lúc một dồn dập. Nhuận quay máy điện thoại gọi ban tác chiến sư đoàn hỏi thăm tình hình nhưng không được. Thấy vậy trung đoàn trưởng Thuần quay lại nói với chính ủy:
- Ta lên đài quan sát xem sao!
Đài quan sát là một cái chòi làm trên chạc ba của một cây cà boong lớn. Nếu không có sương mù, đứng trên đài quan sát có thể nhìn bao quát cả một khu vực rộng lớn từ quận lỵ Thuần Mẫn tới tận điểm chặn đầu của trận địa phục kích. Nhưng lúc này hãy còn sớm, ánh nắng yếu ớt chưa đủ xua tan sương mù và khí núi. Đứng trên đài quan sát, chiếu ống nhòm về phía quận lỵ Thuần Mẫn chỉ thấy những đụn khói cứ đùn lên mãi và ánh chớp của đạn pháo, đạn B.40, ĐKZ nhấp nhoáng trong sương khói. Một tốp máy bay lên thẳng võ trang từ phía Plây cu  bay lên bu lấy những vầng khói ấy, thỉnh thoảng chúng lại cúi đầu xịt xuống một trái hỏa tiễn. Đạn cao xạ từ mặt đất bắn lên, nổ lục bục, bung ra những chùm khói trắng vây quanh lũ máy bay. Một chiếc đang chúi xuống, chuẩn bị xịt hỏa tiễn bỗng tóa lửa, khói đen từ bụng nó tuôn ra phun thành hai luồng. Rồi cứ thế, nó chúi mãi, chúi mãi cho tới khi mất hút sau những tầng khói của căn cứ địch đang hấp hối. Những tốp máy bay ném bom không hiểu từ hướng nào bỗng ùa tới, gầm rít điên loạn, lao ngang lao dọc trên bầu trời. Pháo cao xạ lại nổ ran. Tiếng bom dậy lên từ mặt đất. Chiếc chòi gác của đài quan sát cũng rùng rình, kêu răng rắc. Chính ủy đưa ống nhòm lên quan sát một lần nữa rồi nhận xét:
- Tình hình phát triển có vẻ thuận lợi.
Trung đoàn trưởng gật đầu đồng tình:
- Vâng, thuận lợi. Hình như ta đã chiếm được tuyến phòng thủ vòng ngoài. Pháo thôi bắn rồi.
- Hơn hai ngàn quả pháo cho một trận, chưa bao giờ được đánh sang như thế. – Chính ủy nói như vậy rồi quay sang hỏi trung đoàn trưởng:
- Anh còn nhớ đêm bọn mình mắc võng nằm bên bờ sông Đắc Đam không?
Thuần khẽ gật đầu:
- Nhớ chứ! Đêm ấy bọn mình đã tiên đoán bao nhiêu điều, tranh cãi cũng cật lực đấy chứ nhỉ? Nhưng tất cả đều nhất trí rằng: có một cái gì đó rất lớn lao đang diễn ra. Chúng mình mới chỉ cảm thấy thế, phải không nhỉ? Còn bây giờ hình như cái điều lớn lao đó đang xuất hiện.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #5 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2013, 04:02:09 pm »

*
Đó là những ngày sôi sục nhất của chiến trường. Chiến dịch đang bước vào giai đoạn cài thế. Ta và địch lừa nhau từng miếng một. Ý đồ của chiến dịch mới chỉ phổ biến đến cấp sư đoàn. Nhưng với một trình độ hiểu biết nhất định về nghệ thuật chiến dịch, các cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn cũng đã phán đoán được phần nào quy mô của chiến dịch mùa xuân năm nay. Một hôm, Thuần ở sư đoàn về rỉ tai chính ủy Tâm:
- Này, anh biết cái gì không?
- Cái gì?
- Cụ Dũng vào tận đây đấy. Cụ ấy sẽ trực tiếp chỉ huy chiến dịch này.
- Ái chà – Chính ủy vỗ đùi đánh đét một cái – Vậy thì to chuyện rồi.
- Anh nói sao?
- Còn sao nữa? Đại tướng ra trận không phải là chuyện đùa. Nghĩa là Tây Nguyên năm nay sẽ khét trời.
Cuối tháng hai, các đơn vị tác chiến đã chuyển hết xuống phía nam mặt trận. Bên cạnh những đơn vị quen thuộc của Quân giải phóng Tây Nguyên đã thấy xuất hiện một vài đơn vị có phiên hiệu lạ. Có cả những đơn vị từ hậu phương mới vào, tuy vẫn giữ bí mật nhưng cứ nhìn nước da hồng hào, quần áo mới tinh, “rất xã hội chủ nghĩa”, lính tây nguyên cũng thừa biết đó là quân “trung ương” mới vào tăng cường. Đi trong rừng chỗ nào cũng gặp bộ đội. Hàng chục con đường bí mật đã mở ra từ lúc nào chẳng rõ, đường nào cũng bụi mù, chi chít vết xe đi.
Phía bắc mặt trận cũng sôi động không kém, có phần còn ồn ào, lộ liễu hơn cả phía nam nữa là đằng khác. Những đoàn dân công nườm nượp gùi đạn, gùi gạo, hàng trăm voi thồ lặc lè đi về. Những đơn vị mở đường vẫn được lệnh mở những tuyến đường rộng, hướng về các thị trấn, thị xã và các căn cứ quân sự lớn của địch. Các đơn vị tham gia tác chiến ở hướng chính của chiến dịch đã rút hết về phía nam nhưng các trung tâm thông tin, liên lạc bằng vô tuyến điện vẫn được lệnh để lại tại chỗ một bộ phận làm công tác nghi binh, hàng ngày vẫn phát lên không trung những mệnh lệnh, chỉ thị, những lời đề nghị, yêu cầu, những báo cáo về trinh sát các mục tiêu, về đạn, gạo, đường sá v.v… Có thể hình dung những ngày ấy, trên không trung cũng ồn ào, lộn xộn, rối rắm như dưới mặt đất vậy.
Phía nam địch kêu có một sư đoàn chủ lực Bắc Việt đã án ngữ ở ven đường 14, chuẩn bị tiến công các quận lỵ Buôn Hồ, Phú Nhơn, Thuần Mẫn và có thể cắt đứt đường 14 bất cứ lúc nào.
Phía bắc, địch cũng kêu có một sư đoàn chủ lực khác của Bắc Việt cũng với một trung đoàn đặc công, một trung đoàn xe tăng đang chuẩn bị tiến công vào thị xã Plây Cu là nơi có sở chỉ huy quân đoàn 2 ngụy.
Bộ tư lệnh quân đoàn 2 và quân khu 2 của quân đội Sài Gòn rối mù lên bởi những nguồn thông tin trái ngược nhau. Toàn quân khu 2 và đặc biệt các lực lượng chủ lực, địa phương trấn giữ quân khu 2 được đặt trong tình trạng báo động. Các tướng tá thuộc Bộ tổng tham mưu ngụy và và các cố vấn thân cận của tổng thống Thiệu tới tấp bay lên Tây Nguyên để thị “sát tình” hình. Các trung đoàn của sư đoàn ngụy số 23 hết bị kéo lên Plây Cu lại bị kéo vào vùng ven Buôn Ma Thuật ầm ĩ kéo ra chốt hết các điểm cao lợi hại xung quanh chi khu và tổ chức càn sâu vào những vùng nghi có chủ lực ta tập kết.
Ngày nổ súng đã sắp đến. Tình hình trở nên hết sức căng thẳng. Sư đoàn đã chuẩn bị đánh Thuần Mẫn theo phương án hai, nghĩa là phải đánh trong trường hợp địch tăng cường lực lượng và sẵn sàng đối phó.
Nhận thấy tình hình đó, để giảm bớt khó khăn cho sư đoàn, Bộ tư lệnh chiến dịch hạ lệnh cho hướng nghi binh chiến dịch nổ súng trước để thu hút địch.
Thế là trong lúc địch đang căng ra chuẩn bị đối phó với ta ở hướng nam thì chiến sự bỗng bùng nổ ở hướng bắc. Chỉ trong một đêm, hai vị trí tiền tiêu án ngữ tây bắc thị xã Plây Cu đã bị tiêu diệt, sân bay Cù Hanh bị pháo kích dữ dội chưa từng thấy. Bộ tư lênh quân đoàn 2 ngụy là lên “Plây Cu bị tiến công, Việt Cộng đánh thẳng vào sở chỉ huy quân đoàn”.
Trung đoàn 45 ngụy được lệnh cấp tốc về phòng thủ Plây Cu cùng liên đoàn 21 biệt động quân.
Bộ tư lệnh sư đoàn Chiến Thắng thở phào. Thế là chúng mày bỏ mẹ rồi! Trung đoàn 4 được lệnh nổ súng tiến công chi khu quân sự quận lỵ Thuần Mẫn theo phương án một, phương án thuận lợi nhất.
Chiến dịch đã cài thế xong. Địch đã mắc sai lầm nghiêm trọng, để cả một vùng phía nam cao nguyên sơ hở, trong đó có thị xã Buôn Ma Thuật.
Thời cơ nổ súng của chiến dịch đã tới.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #6 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2013, 07:56:19 am »

*
     Đứng trên đài quan sát, lắng nghe tiếng súng của đơn vị bạn đang nổ giòn giã, trung đoàn trưởng Thuần đã nhớ lại tất cả những điều đó.
     Đó là bài học sâu sắc về tài thao lược của những người cán bộ chỉ huy quân sư ưu tú của Đảng. Phải trải qua hai cuộc kháng chiến, trải qua bao mất mát hi sinh, dân tộc ta, Đảng ta mới đào tạo và rèn luyện được một đội ngũ những người chỉ huy quân đội có tài thao lược như vậy.
     - Nghĩ gì mà lì ra thế ông bạn?- Trung đoàn trưởng Thuần quay lại nhưng không trả lời câu hỏi của chính ủy mà chỉ về phía Thuần Mẫn, hỏi lại:
     - Anh có nhìn thấy con đường chạy dưới chân điểm cao kia không?
Chính ủy gật đầu:
     - Thấy, đó là con đường 7b phải không?
     - Đúng đấy. Con đường ấy chạy qua thị xã của tỉnh Phú Bổn, tức là Cheo Reo ấy mà, rồi men theo sông Ba, chạy thẳng về quê tôi.
     Chính ủy cười, vỗ vai Thuần:
     - Vậy thì hôm nay trung đoàn 4 hôm nay nó mở cho anh cái cửa của con đường về quê rồi.
     Trung đoàn trưởng khẽ gật đầu rồi đăm đăm nhìn xuống con đường. Từ đó về quê ông có bao xa đâu.
     Chợt chính ủy reo lên, hồi hộp:
     - Xong rồi hay sao anh Thuần ơi! Đúng rồi! Trời ơi! Cờ! Cờ thật rồi.
     Trung đoàn trưởng vội đưa ống nhòm lên. Sương mù cũng đã tan tự lúc nào, trong ống kính chỉ còn nhìn thấy những cột khói trong căn cứ địch đang đùn lên, đùn lên mãi. Ông rê ống nhòm một lượt và chợt dừng lại ở mỏm chính của căn cứ. Đúng rồi! Cờ thật rồi. Ông lẩm bẩm một mình:
     - Dứt điểm rồi. Nhanh thật!
     Chính ủy cũng lắc đầu:
     - Chịu quân e4 thật! Trung đoàn chủ công có khác, đánh như gió ấy.
     Cùng luc đó, tham mưu trưởng Sự từ trong hầm tác chiến huỳnh huỵch chạy ra, đứng dưới đất kêu toáng lên:
     - Dứt điểm rồi! Dứt điểm rồi anh Tâm, anh Thuần ơi!
     Trung đoàn trưởng cũng quát to lên:
     - Gọi điện thoại chúc mừng trung đoàn 4!
     Chính ủy và trung đoàn trưởng vội vàng lần thang tụt xuống, Sự vẫn đứng dưới đất, hét lên:
     - Cẩn thận kẻo ngã, mấy ông già!
     Xuống tới đất chính ủy rút đồng hồ trong túi ngực ra xem rồi tuyên bố:
     - Hai tiếng đồng hồ, kỷ lục rồi đấy. Chưa bao giờ sư đoàn ta đánh chiếm một chi khu quân sự mà lại nhanh đến thế.
     Sự mặt đang tươi rói bỗng sa sầm lại, nhăn nhó:
     - Người ta đang làm ăn như thế mà mình vẫn nằm ì ở đây. Phục với chả phịch!
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #7 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2013, 08:59:46 am »

     CHƯƠNG HAI
     1.
     Chiều hôm ấy trung đội trưởng Mánh lên tiểu đoàn bộ chơi. Danh nghĩa là để thăm tiểu đoàn trưởng Nguyên, cháu ruột anh, nhưng thực ra là để làm nhiệm vụ “dò la tin tức” mà anh em trong đại đội gợi ý.
     Tin chiến thắng từ khắp nơi truyền về khiến mọi người xôn xao. Người ta bắt đầu thấy rằng hình như tiểu đoàn mình bị “bỏ quên”. Ở các tiểu đội, không ngày nào là không xảy ra những cuộc tranh cãi kịch liệt. Lính ta sôi lên sùng sục vì bị chôn chân ở điểm cao này, trong khi các đơn vị bạn đang tung hoành ngang dọc.
     Sau mấy câu thăm hỏi lấy lệ, Mánh đi thẳng vào vấn đề:
     - Mày thử hỏi lại trung đoàn xem thế nào chứ Nguyên. Chẳng lẽ tiểu đoàn mình cứ nằm bẹp ở đây mãi?
     Nguyên vẫn cắm cúi ghi chép, anh biết chú lên gặp mình cũng chỉ vì chuyện ấy:
     - Chú sốt ruột lắm hả?
     - Cả tiểu đoàn chứ riêng gì tao.
     Nguyên ngẩng lên lườm chú:
     - Sao chú vơ đũa cả nắm thế. Ban chỉ huy tiểu đoàn vẫn bình tĩnh lắm.
     - Nói phét! Dễ mày chỉ muốn ngồi đây mà ôm lấy mấy cái núi đá.
     Nguyên khẽ lắc đầu cười. Lúc này, nếu có một người lạ nào đến, hẳn họ không thể ngờ người thanh niên trẻ đó lại là cấp trên của người đã cứng tuổi, có gương mặt dày dan gió sương kia. Con người dày dạn ấy, con người đã sống đến nửa phần thời gian mà một con người có thể tồn tại trên mặt đất ấy, mà lại “thưa thủ trưởng…”, “báo cáo thủ trưởng…” với cái anh chàng mặt còn non choẹt kia, coi sao được? Mà anh ta lại trắng trẻo quá, đẹp trai đến mức có thể nghi ngại nữa. Theo xét đoán thường tình của người đời, những anh chàng có bộ mã như thế  thường là “trói gà không chặt”, chứ làm nên công trạng gì. Nhưng nếu anh ta ra trận thì tình hình lại khác. Anh sẽ gặp không ít những cảnh có vẻ trái khoáy như thế, nhưng anh không ngạc nhiên. Anh cán bộ trẻ ngồi bên chiếc máy điện thoại, mắt đăm đăm nhìn lên cửa đột phá. Anh cán bộ cấp dưới của anh, có khi nhiều tuổi gấp rưỡi anh, chỉ huy đội bộc phá mở cửa nằm bên cạnh mắt cũng đăm đăm nhìn lên cửa bộc phá. Bỗng đôi mắt anh cán bộ trẻ sáng rực lên, anh khoát tay ra một mệnh lệnh đanh gọn “Mở cửa!”. Anh đội trưởng bộc phá mở cửa hơi nghi ngại “có sớm quá không đồng chí?”. “Không sớm đâu, pháo sắp chuyển làn, phải mở cửa thật nhanh để khi pháo bắn vào trung tâm, xung kích đã có thể đánh chiếm đầu cầu”. Và trận đánh đã diễn ra đúng như anh tính toán. Pháo vừa chuyển làn thì cửa đột phá đã thông, địch chưa kịp ngóc đầu lên, xung kích đã ập tới, tung lựu đạn, thủ pháo, xỉa AK vào các hầm cố thủ. Hay một trường hợp khác – Anh cán bộ trẻ dẫn trung đội hoặc đại đội của anh cán bộ nhiều tuổi đến một khu vực và bảo: “sao các đồng chí bố trí dọc theo triền đồi thế này”, “ Sao lại bố trí ở đây, gần chân dốc quá?” “Chính thế! Này nhé, xe tăng địch từ trên đèo lao xuống sẽ phải lượn một vòng cua (anh vẽ xuống đất một vòng cung tròn và kẻ một đường tiếp tuyến), đang ở đà lao xuống dốc, chúng nó rất khó ngoặt thẳng vào trận địa các anh mà chỉ còn cách dừng lại quay ngang xe mới dùng pháo được, như thế B.40, B.41 của các anh có thể diệt nó ngay từ mép đường”…
     Chỉ khi nào được chứng kiến những trường hợp như thế chúng ta mới hiểu được cặn kẽ và có cơ sở những hiện tượng “trẻ” chỉ huy “già” như hiện tượng của chú cháu Mánh. Còn những lúc bình thường, quả thật, mỗi khi nhìn thấy một anh cán bộ trẻ, mặt còn non choẹt, ra lệnh hay căn vặn cán bộ cấp dưới nhiều tuổi hơn mình ta thường cảm thấy nó cồm cộm thế nào ấy.
     Trường hợp của chú cháu Mánh chỉ là một trong hàng trăm trường hợp mà chúng ta vẫn thường gặp ở các đơn vị. Nguyên vừa trưởng thành đã rời mái trường vào bộ đội. Nguyên vừa trưởng thành đã rời mái trường vào bộ đội. Hai mươi bốn tuổi đời nhưng anh đã có bảy năm cầm súng. Khi Nguyên đi bộ đội thì chú Mánh hãy còn là tổ trưởng tổ mộc của hợp tác xã, với cái bút chì lúc nào cũng dắt ở vành tai. Năm 1970, trước khi vào “Bê dài”, anh được đơn vị cho ghé thăm nhà. Vừa xuống xe ở Bến Vạng, khoác ba lô đi bộ được một quãng thì thấy một chiếc máy kéo “Công Nông” bì bạch đi tới. Anh bỗng sững người khi nhận ra chú ruột của mình mặc bộ quần áo bảo hộ lao động lấm lem dầu mỡ, đội một chiếc mũ nan rộng vành, ngồi ngất nghểu trên ghế lái. Nguyên vội vàng vẫy mũ hét toáng lên:
     - Chú Mánh! Chú Mánh!....
     Chú Mánh vội dừng xe, ngẩn mặt ra giây lát mới nhận ra cháu mình. Chú vội nhảy xuống, chạy ào tới, ôm choàng lấy Nguyên:
     - Thằng trời đánh! Tưởng ai. Sao mà lớn ngồng rồi thế này?
     Rồi chú giằng lấy ba lô của Nguyên, quẳng lên thùng xe và nháy mắt, cười:
     - Mày thấy chú mày có cừ không? Tay lái vững nhất xã đấy nhé! Thôi lên xe tao kéo về.
     Nguyên vội lắc đầu:
     - Cháu chịu! Ai lại ngồi thế này, ngượng chết!
     - Á à!... Mày chê xe “Công Nông” kém tư thế hả? Phải rồi, đại đội trưởng rồi mà. Người ta ngồi “com-măng-ca” chứ ai thèm ngồi thùng xe “Công Nông”!
     Nguyên sung sướng cãi lại:
     - Ai bảo cháu đã là đại đội trưởng? Mới phụ trách đại đội tạm thời thôi, chú ạ!
     - Lắm chuyện! Phụ trách hay không phụ trách thì mày cũng đã chỉ huy đại đội rồi. Mày tưởng ở nhà không ai biết mày đánh đấm ra sao đấy phỏng? Thằng Tĩnh con nhà ông Yên xóm Thượng, bị thương về điều trị ở Hà Nội kể hết. Thôi, lên xe đi!
     Nguyên giãy nảy:
     - Đã bảo cháu không đi xe chú mà lại!
     Chú Mánh phủi tay:
     - Thôi, mặc xác mày. Không đi xe thì cuốc bộ mà ngắm cảnh cho sướng mắt.
     Nói thế nhưng chú còn đứng đó kể huyên thuyên đủ mọi chuyện một lúc lâu mới chịu lên xe. Nguyên đứng ngẩn ra bên đường, nhìn theo mãi cho đến khi chiếc xe của chú mình khuất hẳn sau rặng điền thanh ở đầu lối rẽ vào làng anh mới chậm rãi vừa đi bộ vừa say sưa ngắm cảnh đồng quê, hít thở bầu không khí quen thuộc của quê hương.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #8 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2013, 11:11:36 am »

     Mấy ngày ở nhà anh lại phát hiện thêm nhiều điều mới mẻ ở người chú ruột. Chú nhanh nhẹn hơn, khỏe hơn và làm việc “khoa học” hơn cái hồi còn làm thợ mộc. Đầu giường chú vất ngổn ngang dăm ba cuốn sách về nguyên lý cấu tạo các loại máy kéo, máy nổ, sách dạy nuôi lợn, trồng khoai tây, cà chua v.v… Một hôm, Nguyên còn tìm thấy cả một cuốn “Con đường dẫn đến tài năng” kể về cuộc đời các nhà bác học trên thế giới. Thấy Nguyên tỏ vẻ ngạc nhiên, chú mỉm cười, giải thích “Đọc cho biết thôi mà cháu. Chú có mơ ước trở thành bác học đâu!”. Tất cả những sách vở, bản vẽ, đến sắp đặt nhà cửa, cách nói năng chuyện trò, phương pháp làm ăn... đều chứng tỏ rằng chú anh đang “đổi mới”.
     Chú yêu xe, yêu máy móc lạ lùng. Có thể nói chú mê xe, mê máy như mê gái. Chỉ trừ những bữa ăn và buổi tối, còn lúc nào cũng thấy chú ở bên chiếc xe “Công Nông”. Hết lau chùi, cho dầu mỡ, vặn ra vặn vào lại loay hoay sửa nhà chứa xe. Hễ thấy Nguyên đi qua là chú lại gọi vào bằng được và bắt đầu “mở máy”:
     - Anh nông dân bây giờ khác xa ngày xưa lắm cháu ạ - Chú nói – Bố mẹ cháu ấy, mới ngày nào còn è cổ ra kéo cày ở ngoài đồng Vạng. Đến những thằng địa chủ giàu sụ, ruộng thẳng cánh cò bay cũng chẳng dám mơ đến chuyện xe cộ, máy móc nữa là anh nông dân. Cả cái xã này có mỗi thằng chánh. Nhưng tậu được một cái xe đạp cho con trai nó đi học trên tỉnh. Mỗi khi nghe tiếng chuông xe đạp của nó kêu kính cong ngoài đầu làng mọi người phải dạt ra hai bên đường. Bọn chú hồi đó còn nhỏ cứ lồng ngồng chạy theo xe nó cho đến khi mệt bở hơi tai mới chịu thôi. Có bận, nó đang đi nhanh bỗng chơi ác, phanh gấp lại một cái, nhiều đứa ngã dập mày dập mặt ra ấy chứ. Hồi ấy chú nghĩ rằng, có lẽ suốt đời mình không được đặt đít lên cái yên xe đạp bao giờ. Hà … hà! Vậy mà sự đời cũng hay, cầu được ước thấy. Hồi xe “Thống Nhất” mới ra những loạt đầu, chú liều lĩnh dấu thím mày, dắt con nghé lên chợ tỉnh bán rồi tậu luôn một cái xe. Buồn cười, mua được xe rồi mà không biết đi có nhục không cơ chứ! Vậy là phải dắt bộ từ trên tỉnh về, nghĩ lại mà buồn cười. Nhưng cái sự đời, được miếng tiết lại muốn biết miếng dồi. Có lúc chú đã nghĩ: “cứ đà này rồi mình biết lái cả ô tô cũng nên”. Hà hà… Nghĩ bậy thế thôi, chứ ai ngờ rồi chú lái ô tô thật. “Công Nông” cũng là một thứ “cơ giới nhẹ” chứ sao! Hả? Khi hợp tác xã chuẩn bị nhận máy kéo, cử người đi học lái xe là chú xung phong luôn! Cũng trầy trật ra phết đấy chứ cháu tưởng ngon à? Văn hóa của chú thấp quá, ban quản trị họ không nhận. Cậy cục, xin xỏ mãi, các ông ấy thấy mình nhiệt tình quá nên cho đi thôi chứ chẳng mấy ai tin chú học nổi. Chú bỏ tổ mộc sang tổ máy nhiều người chê chú là dại. Hà hà… kể làm cái anh thợ mộc có nhàn nhã hơn thật. Làm hết việc hợp tác thì nhận khoán nhà cửa, giường tủ của bà con xã viên, rỗi rãi lại có thể đi đây đi đó làm ngoài, mỗi ngày cơm rượu hai bữa rồi bỏ rẻ cũng được dăm đồng bạc đút túi nữa. Vì thế, nên những ngày chú mới rời cái cưa cái đục đi học lái máy kéo, thím mày cũng mặt nặng mày nhẹ mãi đấy chứ.
     Chú Mánh của anh là như vậy. Nguyên ngạc nhiên khi nhìn thấy chú mình mặc bộ đồ công nhân lái máy kéo bao nhiêu thì cũng lại sững sờ bấy nhiêu khi gặp chú mình trong bộ đồ giải phóng quân. Chú lại như “lột xác” một lần nữa. Hôm trung đoàn tổ chức hội nghị “Những trận đánh hay, những người đánh giỏi”, ngồi dưới hàng ghế đại biểu, Nguyên đã rưng rưng nước mắt khi chú anh bước lên diễn đàn. Vẫn bằng cái giọng gồ ghề, chân chất nhưng rất đỗi say sưa như hôm nào kể về công việc thợ thuyền, đồng áng của mình, chú trình bày trước hội nghị những trận đánh xuất sắc của trung đội chú, một trung đội có tác phong đánh nhanh, diệt gọn, đặc biệt giỏi khi đảm nhiệm nhiệm vụ của một mũi thọc sâu nên đã được mang danh hiệu “Trung đội gió lốc”.
     Con đường đi lên của chú dường như chẳng có gì đặc biệt. Chú chỉ là một người nông dân đã biết biến đổi mình, nghĩa là biết tự vượt lên những hạn chế của giai cấp mình để theo kịp trào lưu chung của cách mạng, theo kịp giai cấp tiên phong. Từ một người nông dân cũ, chú trở thành một người nông dân mới rồi trở thành người chiến sỹ giải phóng. Đến mùa xuân năm 1973, giữa những ngày cả nước tưng bừng phấn khởi vì hiệp định Pa-ri vừa ký kết thì người chú ruột thân yêu của anh đã được kết nạp vào Đảng.
     Hôm đó Nguyên cũng có mặt. Anh đã khóc khi nhìn thấy chú mình nghiêm trang đứng trước cờ Đảng, giơ nắm tay gân guốc lên ngang đầu, run run đọc những lời tuyên thệ.
Logged
thinhtu
Thành viên
*
Bài viết: 79


« Trả lời #9 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2013, 01:38:10 pm »

     2.
     Ở ban chỉ huy tiểu đoàn về, Mánh phải đi qua cái khe duy nhất còn nước của dãy điểm cao. Khi đi anh đã chuẩn bị một chiếc túi ni lông màu xanh, loại túi mà các đơn vị vận tải vẫn dùng để thả trôi các bì gạo trên những con sông, con suối, một hình thức vận tải sáng tạo trong những ngày địch đánh phá dữ dội các tuyến đường giao thông. Năm ngoái, đơn vị đã trang bị đủ cho mỗi chiến sỹ một chiếc. Vừa để gói quần áo vừa để chứa nước, hoặc làm phao bơi mỗi khi vượt sông. Ấy thế mà cả trung đội chỉ còn độc một chiếc túi của trung đội trưởng Mánh là chưa bị thủng. Cánh lính trẻ không biết lo xa, đi lấy gạo, lấy sắn, bọn nó cũng mang lót ba lô để khỏi phải giặt. Vào chiến dịch, đơn vị được phân công  chốt giữ điểm cao cho lấy một tháng, xa nguồn nước là các cha biết nhau ngay. Làm cái anh lính ở chiến trường mà không biết chắt chiu thì có phen còn nhịn đói ấy chứ. Lắm đứa tuềnh toàng tới cái mức không còn lấy một mẩu của cái bao gạo. Hễ được phân công đi công tác là nháo cả lên rồi xúm lại kêu với trung đội trưởng: “Chú Mánh! Cháu không không có cái gì đựng gạo, làm thế nào?”, “Ngửa áo ra mà đựng!”. Quát thế nhưng cuối cùng bao giờ Mánh cũng phải mở ba lô lấy những cái bao gạo rách của bọn chúng vứt đi anh đã nhặt về, vá lại đem cho chúng nó dùng. Nếu không, chúng nó dám cởi áo ra gói gạo thật chứ chẳng chơi.
     Mánh dừng lại bên khe nước, lấy khăn mặt ra rửa mặt rồi mở chiếc túi ni lông, dùng mũ múc nước đổ vào. Được lưng chừng túi, anh xoắn miệng túi lại, vác lên vai rồi đi ngược lên dốc. Nước rỉ ra áo, thấm vào người anh lành lạnh.
     - Chà, thủng rồi… - Mánh lẩm bẩm – Mấy thằng nỡm đi lấy nước chiều qua đây mà. Thế có đáng tế cho chúng nó một mẻ không cơ chứ!
     Mánh vừa lẩm bẩm rủa thầm “mấy cái thằng làm ăn hậu đậu” vừa lom khom vác bao nước ngược lên đồi. Bỗng như một trận gió, một tốp máy bay lên thẳng ầm ĩ lao tới, tiếng động cơ rít lên ken két. Mánh nép vội vào một bụi cây nhìn lên. Anh nhận ra trong tốp máy bay có cả một chiếc “tàu quạt”. Chúng nó sắp giở trò gì đây? Hay vị trí trú quân bị lộ? Tốp máy bay mỗi lúc một hạ độ cao, có lúc tưởng như chúng trượt bụng trên những vạt rừng. Tiếng động cơ rít đến nhức màng tai.
     Reng reng … reng … ào
     Reng reng … reng … ào
     Phù … ụp!
     Mánh nằm ép mình xuống đất, vô ý, anh  buông bàn tay tóm miệng túi, nước đổ òa trên lưng. Cáu tiết, mánh bật ngửa lên, vung nắm đấm lên trời:
     - Tiên sư mày! Có thấy con c… tao đây này!
     Rồi anh lồm cồm bò dậy vừa nhìn lên trời đoán hướng bay của chiếc “tàu quạt”, vừa lao từ bụi cây này sang bụi cây khác, tay vẫn nắm chặt chiếc túi còn lọp bọp những nước.
     Vượt qua một quãng trống nữa, Mánh về tới kiềng của đại đội. Đại đội trưởng Quảng đứng nép bên một gốc cây quan sát máy bay, thoáng thấy bóng người chạy, anh liền quát:
     - Đi đâu mà lộn xộn thế?
     Mánh vội lên tiếng:
     - Tôi đây, mánh đây mà.
     - Anh Mánh hả? Anh về nắm trung đội của anh đi. Sẵn sàng đánh địch đổ bộ nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật.
     Mánh chạy vội về khu vực trú quân của trung đội mình. Thấy Ổn còn đứng trên mặt đất, tay lăm lăm khẩu AK, anh liền quát:
     - Xuống hầm ngay!
     Ổn chỉ tay lên trời.
     - Nó bay thấp quá, chỉ một loạt…
     - Liệu hồn! – Mánh đe – Nổ súng bây giờ thì mất đầu cả lũ.
     Mánh chạy về hầm của mình, trung đội phó Đạt cũng đã nai nịt gọn gàng đứng bên cửa hầm. Thấy Mánh về anh vội hỏi:
     - Lộ sao thế, anh Mánh?
     Mánh lắc đầu:
     - Chưa rõ. Thông báo cho các tiểu đội sẵn sàng chiến đấu chưa?
     - Rồi!
     - Nó mà nhảy xuống đây thì phiền lắm đấy.
     - Nhảy thì đánh, gì mà phiền.
     - Đánh! Nhưng ăn thua mẹ gì. Nó có nhảy thì cũng chỉ vài mống mà lộ cha nó cả thế trận.
     Mánh nhảy xuống hầm lấy bao đồ thắt vào lưng. Lúc này Đạt mới nhận thấy quần áo Mánh ướt nhèm, liền cười hỏi:
     - Anh nhảy xuống suối đấy à?
     - Đâu – Mánh nhăn nhó – Tại cái túi nước chết toi này đấy chứ!
     Bỗng ạch … oành... ạch… oành!...
     Đạt xô vội Mánh vào trong hầm:
     - Nó phóng cối đấy!
     Ạch… oành… ạch… oành!
     Những tiếng “oành” chát chúa như nổ ngay trên nóc hầm. Đạt lo lắng nhìn Mánh:
     - Khu vực mình rồi!
     Mánh chợt nhớ đến Ổn, anh vội ra cửa hầm nhô đầu lên hỏi:
     - Có ai việc gì không?
     Không nghe tiếng trả lời. Anh định vọt lên khỏi hầm chạy đi thì đồng chí liên lạc đại đội luồn rừng chạy đến, thở hổn hển:
     - Chú Mánh! Đại đội ra lệnh tuyệt đối giữ bí mật. Kiềng vẫn chưa bị lộ.
     Mánh lẩm bẩm: “Vậy mà chúng nó làm dữ thế!”
     Tốp máy bay lên thẳng lại xẹt qua, xối xuống từng tràng đại liên. Chúng càng giận dữ, điên cuồng bao nhiêu thì mặt đất càng trơ lì, gan góc bấy nhiêu. Chúng đợi một vài loạt súng hồ đồ bắn trả, nhưng núi rừng vẫn thờ ơ, bắt buộc chúng phải tin rằng chúng đang “đấm” vào một chỗ không người. Ầm ĩ. Náo nhiệt một lúc, lũ máy bay lần lượt kéo nhau chuồn thẳng. Bầu trời lại quang đãng, không gian bỗng lắng hẳn xuống và tiếng ve rừng lại trỗi ran lên dưới thung lũng.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM