Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:51:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phan Đình Phùng - Cuộc đời và sự nghiệp  (Đọc 109311 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2008, 03:54:34 pm »


Phần III
PHỤ LỤC



A. CÁC VĂN BẢN
VỀ PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG


CHIẾU CẦN VƯƠNG THỨ NHẤT
(13 - 7 - 1885)


“Dụ:

Từ xưa kế sách chống giặc không ngoài ba điều: đánh, giữ, hoà. Đánh thì ch01B0a có cơ hội, giữ thì khó định hẹn được sức, hoà thì chúng đòi hỏi không biết chán. Đang lúc sự thế thiên vạn nan như vậy, bất đắc dĩ thì phải dùng quyền. Thái Vương ra đời ở đất Kỳ, Huyền Tông sang chơi ở đất Thục, người xưa cũng đều đã có làm.

Nước ta gần đây bỗng gặp nhiều việc. Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, không lúc nào không nghĩ đến tự cường, tự trị. Bọn Tây được phái đến càng ngang bức, hiện tình mỗi ngày một quá thêm. Hôm trước, chúng tăng thêm binh thuyền đến, bắt theo những điều mình không thể làm được, ta phải theo lệ thường khoản tiếp, chúng không chịu nhận một thứ gì. Người Kinh đô náo động mối nguy hiểm ngay trong chốc lát. Kẻ đại thần mưu nước, chỉ chăm nghĩ đến kế yên xã tắc, trong triều đình phải đắn đo về hai điều: cúi đầu tuân mạnh, ngồi để mất cơ hội, sao đành nhìn thấy chỗ âm mưu biến động của địch mà đối phó trước? Ví bằng việc xảy ra không thể tránh, thì cũng còn cái việc của ngày nay mà mưu tất cái lợi sau này, cũng là do thời thế xui nên vậy. Phàm những người cùng được chia mối lo này, tưởng cũng biết cả. Biết thì phải tham gia vào công việc, nghiến răng dựng tóc, thề giết tan giặc, nào ai là không có cái lòng như thế? Cũng có lẽ nào không có người gối gươm, đánh đầm, cướp giáo lăn chum ư? Vả lại kẻ bầy tôi đứng ở triều, chỉ có thể theo nghĩa mà thôi, nghĩa đã ở đâu là sống chết ở đấy. Hồ Yển, Triệu Thôi nước Tấn, Quách Tử Nghi, Lý Quanh Bật nhà Đường là người thế nào ở đời xưa nay vậy?

Trẫm đức mỏng, gặp biến cố này không thể hết sức giữ được, để đô thành bị hãm, xe từ giá phải dời xa, tội ở mình Trẫm cả, thật là xấu hổ vô cùng. Nhưng chỉ có luân thường quan hệ với nhau, bách mưu kế người dũng hiến sức lực, kẻ giàu bỏ của ra giúp quân nhu, đồng bào đồng trạch chẳng từ gian hiểm, như thế là mới phải chứ? Cứu nguy chống đổ, mở chỗ nguy khốn giúp nơi bức bách, đều không tiếc gì tâm lực, ngõ hầu lòng giúp người thuận, chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại bờ cõi. Chính cái cơ hội này, phúc của tôn xã tức là phúc của thần dân, cùng lo với nhau rồi cùng nghỉ với nhau, há chẳng tốt lắm ư? Bằng cái lòng sợ chết hơn cái lòng yên vua, nghĩ lo cho nhà hơn là lo cho nước, làm quan thì mượn cớ tránh xa, đi lính thì đào ngũ trốn lẩn, người dân không biết trọng nghĩa cứu gấp việc công, kẻ sĩ thì cam bỏ nơi chỗ sáng đi vào nơi tối tăm, ví không phải sống thừa ở trên đời, thì áo mũ mà là trâu ngựa, ai nỡ làm như thế? Thưởng cũng hậu mà phạt cũng nặng, triều đình sẽ có điển hình hẳn hoi, chớ để sau này phải hối phải nghiêm sợ mà tuân theo!

Khâm thử Hàm Nghi năm đầu tháng 6 mồng 2”.

In theo Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (1858-1890),
Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1976, tr.521-523
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2008, 03:56:49 pm »


CHIẾU CẦN VƯƠNG THỨ HAI
(19 - 9 - 1885)

Hàm Nghi năm đầu, ngày 11 tháng 8 (tức 19-9-1885)

Thông báo cho các khanh sĩ bách quan văn võ lớn nhỏ và toàn dân trong nước mọi người đều biết.

Vương quốc An Nam ta ký hoà ước với bọn rợ Âu kể cũng đã lâu năm. Mới đầu ta nhượng cho chúng ba tỉnh Nam Kỳ. Vào khoảng hai năm sau, còn ba tỉnh nữa, chúng lại chiếm nốt. Như vậy mà vẫn chưa đủ để cho chúng thoả mãn, vì chúng cho rằng “thế cũng còn là ít”. Rồi dùng mưu mẹo, chúng đi đến chỗ đặt một đặc phái ngoại giao ở Huế và một ở Bắc Kỳ xong bắt buộc ta phải ký một hoà ước mới và lại thêm bớt xoá bỏ, lại làm không biết bao nhiêu lần. Sau đó chúng nhất quyết dùng võ lực chiếm các tỉnh Bắc Kỳ hòng thu tất cả tài sản của nước ta vào trong tay chúng. Giữa lúc Tiên Hoàng đế1 băng hà, trong khi ta đang có đại tang, chúng đem quân đến cướp cửa Thuận An và bức ta phải thiêu hủy ấn tín... Chúng lại cưỡng bức ta cho chúng đóng quân trong Hoàng thành để có thể đặt súng ống của chúng trên tường thành thay thế cho súng ống của ta. Chúng cư xử một cách phi lý như thế thử hỏi ta làm sao có thể kiên nhẫn chịu đựng đến cùng được.

Tuy vậy, nhờ có sự mẫn cán của quan quân ta hôm sau ta vẫn có thể tổ chức tang lễ Đức Vua, nhưng đem so với các bậc tiền bối thì phần long trọng kém xa nhiều.

Tháng 5 năm nay, bọn Pháp tập hợp hơn một vạn quân và bắt ép ta phải nhượng Kinh thành cho chúng. Dụ ý của chúng là tìm cách bắt Vua để làm tôi tớ cho chúng, còn chúng thì nắm quyền cai trị, áp bức dân ta, ép buộc dân ta phải chịu theo luật pháp man rợ, như thế là để chúng không phải khó nhọc nhiều mà vẫn được hưởng toàn bộ lợi lộc.

Âm mưu của chúng đã lộ rõ. Vì vậy, Hội đồng cơ mật đã họp và quyết định thử mở một trận khởi công ở Huế. Nếu ta thắng thì Nguyễn Văn Tường sẽ lập một đoàn hộ tống đưa Trẫm ra ngự tại Nghệ An, Hà Tĩnh, còn Tôn Thất Thuyết ở Huế chuẩn bị mưu kế bài trừ bọn giáo dân để làm dễ dàng cho việc đánh thắng quân Pháp sau này, vì chính bọn này vào hùa với bọn rợ phương Tây.

Trái lại, nếu ta thua thì Trẫm sẽ cùng với triều thần lánh mặt quân man rợ để mưu đồ khôi phục đất nước.

Cuộc tấn công khởi đầu từ nửa đêm và kéo dài đến nửa buổi sáng, quân giặc chết vô kể. Đồng bào ta trong thành đông quá không sao cứu nổi cũng chết rất nhiều, nhưng đó là mệnh trời, không sao tránh được.

Ngay lúc ấy Nguyễn Văn Tường cùng Trẫm ra khỏi thành, còn Tôn Thất Thuyết thì ở lại chống nhau với quân Pháp, ngăn không cho chúng đuổi theo Trẫm. Ai ngờ, Tường đổi bụng, bỏ trốn vào nhà truyền giáo. Thế là giữa các quan văn võ có sự chia rẽ và nhiều người bắt đầu nảy sinh lòng bội bạc với Trẫm.

Ra tới Quảng Trị, Trẫm được tin quân Pháp sai Tường tìm cách triệu Trẫm về kinh, chúng hứa sẽ trả Hoàng thành cho Trẫm.

Đấy là mưu mô của bọn Pháp muốn giết Trẫm. Nguyễn Văn Tường đã bỏ Trẫm và đã hợp đồng với Pháp để lừa dân, làm sao cho dân quên hẳn nghĩa vụ đối với Trẫm, y lại còn định bắt Trẫm nộp cho bọn bạch quỷ... Nói làm sao tội ấy nặng đến chừng nào. Trông thấy cảnh ấy, Trẫm chịu làm sao nổi?

Cuối cùng cái tên yêu quái ấy lại sai Tôn Thất Phấn và Võ Khưu đi thông đồng với quan các tỉnh để bắt Trẫm về. Trẫm biết rõ hành động của chúng, nhưng quan lại các tỉnh có đâu lại chịu hạ mình đi theo con đường lầm lỗi ấy.

Nếu quả thực người Pháp có ý định trả lại Hoàng thành cho Trẫm thì sao chúng vẫn tiếp tục kéo quân đưa súng đến và vẫn cứ ở trong thành? Ngoài ra, sao chúng còn dùng mưu mẹo sai người đi các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An để lùng bắt Trẫm mặc dù chúng đã chiếm được Kinh đô và Tôn Tướng quốc đã ra khỏi Hoàng thành, chúng sợ Trẫm và Tôn Đại thần sẽ hiệp lực với quan lại các tỉnh để đánh lại chúng. Vì vậy, chúng không được yên lòng, chúng không thể cai trị được và chúng sẽ dùng Nguyễn Văn Tường là một tên gian giảo làm phụ tá để giả đò ý muốn trao trả lại Hoàng thành cho Trẫm. Như thế có khác gì ném mồi cho cáo, để khi bắt được Trẫm rồi, chúng sẽ tuyên bố đặt nước ta dưới quyền bảo hộ của chúng như chúng đã làm đối với Cao Miên. Nhưng ai là có thể tin được ở lòng thành thực của những con người đang là chó sói, mèo rừng. '

Đừng nói rằng Trẫm còn trẻ tuổi mà thiếu kinh nghiệm. Phải, Trẫm còn trẻ thật và chưa am hiểu việc đời, nhưng cái ý định của bọn rợ Âu thì làm gì mà Trẫm không biết, Trẫm còn biết cả động cơ gì đã đưa đường chỉ lối cho cái tên Tường hèn mạt và giả dối kia. Ngoài ra, Trẫm lại được tin tên Tường đốn kiếp đã giả mạo một bức thư nói rằng, Ba cung đã có lệnh triệu Trẫm về. Ba cung đã dời khỏi Hoàng thành thì tên Tường phản tặc kia lại dẫn về với bọn rợ Tây để ra lệnh đó. Ba cung mà làm sao có thể từ chối được?

Vả chăng, trong di chiếu của Đức Tiên Đế có nói: một điều luật không gì lay chuyển nổi của Vương quốc ta đã quy định việc trị quốc chẳng thể trao cho phụ nữ. Bởi vậy, Ba cung không thể nhân danh cá nhân ra lệnh trên, chính tên Tường gian trá đã mạo danh Ba cung để lừa dối dân, rồi thì quan lại các tỉnh đã hoảng sợ và đã ngả theo quân phản nghịch.

Ai nhận được lệnh trên phải đem hết đến chỗ Trẫm để Trẫm đốt đi và đừng có đặt thành vấn đề nữa, đừng bao giờ nói đến thứ giấy tờ đó nữa. Những kẻ nào còn coi trọng các chỉ dụ đó là những kẻ phụ bạc vào loại tồi tệ nhất đối với Trẫm. Vậy ai nấy nên sớm hối lỗi kẻo những người thân thuộc của mình lại bị khép vào đồng tộc.

Núi non hiểm trở, Trẫm phải đi quanh co mất hai tháng mới tới đây, sự chậm trễ đó đã làm cho quân thù có cớ để bịa đặt ra lắm chuyện hoang đường làm nản lòng dân. Từ nay, ai nấy nên biết rằng Tôn Tướng quốc đã đưa Trẫm đến núi Ấu Sơn thuộc huyện Hương Khê và tất cả các khanh sĩ quan lại trong ngoài, từ quan to đến quan nhỏ, tất cả, Trẫm nhắc lại, từ quan to đến quan nhỏ, đều đã tề tựu bên cạnh Trẫm.

Các Cử nhân, Tú tài, học trò, kỳ hào các làng, dân chúng và binh sĩ, tất cả cũng đến bái yết Trẫm. Giữa lúc trong nước mọi sự đều đảo lộn, Trẫm cứ thờ ơ và không hành động sao được?

Vì vậy, Trẫm hạ lệnh cho ai nấy đều phải quyết tâm và khi có hiệu thì sẵn sàng nổi dậy giết chết tất cả những kẻ hùa theo lũ rợ Tây phương, không để cho tên nào trốn thoát. Trẫm cấm chỉ không ai được tư thông với giặc, khiến cho chúng không thể làm gì được, không thể thu gom được tin tức gì, không thể mua được lương thực. Rồi lại phải tìm cách giết chúng bất ngờ. Nếu chúng bắt ép phải làm việc cho chúng thì bất luận hay dở cũng làm, nhưng phải luôn nghĩ cách tìm mưu tiêu diệt chúng.

Làm như vậy thì chúng không thể nào cai trị được, cũng không thể nào thu được mối lợi gì về cuộc chiếm đóng của chúng. Đó là cách tốt nhất để đánh quân kẻ cướp.

Chớ coi để tai nghe những lời phỉnh phờ lừa lọc và nếu gặp những con thú dữ đó thì cũng đừng có sợ. Khi nào trừ khử được chúng rồi thì đến gặp Trẫm. Trẫm sẽ đóng đô tại Thanh Hoá; đây là một địa điểm quý giá. Nhưng Trẫm lại vừa được tin quân Pháp đến đây rồi và đã đặt đồn canh trên núi, quan lại tỉnh này đã cúi đầu chịu đựng sự có mặt của kẻ thù. Trẫm không hiểu sao họ lại cư xử như vậy.

Bây giờ Trẫm ra lệnh tối mật này cho nhân dân các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình và trên nữa về phía Bắc: Văn thân kỳ hào các xã phải thông đồng với nhau để nổi dậy cùng một lúc và để đi cầu xin một đồng minh hùng mạnh giúp đỡ. Các phủ huyện phải hợp lực với các tổng lý để đi tìm đồng minh đó, thế rồi ta sẽ chống lại quân Pháp, thoạt tiên ta hãy đánh đuổi chúng ra khỏi các tỉnh miền Bắc, sau bắt đầu từ Hà Tĩnh, sau ta sẽ chọn một địa điểm để đóng đô. Kết quả này sớm muộn ta cũng phải đạt bằng được.

Có được tất cả các tỉnh từ Quảng Bình đến miền Nam là do công lao của các vị tiền bối đáng kính của ta. Ở các tỉnh đó có rất nhiều nhân tài và những người con trung thành với Trẫm cũng rất đông. Mong rằng ai nấy không trừ người nào, đều theo đường ăn lẽ ở nói trên và nhất là đều tránh nghe theo lời dụ dỗ của tên Tường phản phúc. Trẫm cầu trời cho dân ta cùng nhau đồng tâm hiệp lực đánh đuổi quân man rợ và những kẻ làm hậu thuẫn cho chúng. Còn những kẻ phản bội thì Trẫm cầu trời tiêu diệt chúng đi. Chính chúng là những đứa phải tóm cổ và giết chết trước tiên. Sau đó, ta mới chiến thắng được quân Pháp.

Xưa cũng đã thấy có những việc như vậy. Chớ có đem lòng chán nản. Trước kia cách đây gần một trăm năm, tại Nam Kỳ, vua Gia Long chỉ đánh có một trận mà chiếm được cả nước. Bây giờ, đương lúc nguy nan, làm sao ta lại có thể bỏ cuộc chiến đấu và không đem hết sức mình để chiến đấu.

Trẫm hi vọng rằng tất cả mọi người, quan lại, binh sĩ và thường dân, đều đồng tâm hiệp lực, như thế thì không còn nghi ngờ gì nữa, nước Nam vẫn cứ là của người Nam, mặc dù quân Pháp có mạnh, chúng cũng không thể chinh phục được ta. Họ tên của những người tận tuỵ đến cùng với Trẫm đánh đuổi quân Pháp sẽ được ghi vào một quyển sổ trong đó sẽ viết câu: Đây là họ tên của những vị anh hùng hào kiệt đã góp phần giải phóng Vương quốc. Thân thuộc của những vị đó sẽ được nhà vua đặc biệt bảo vệ đến muôn đời. Như vậy công trạng của họ không phải chỉ được tuyên dương trong một tháng hay một năm, mà trong hàng nghìn thế kỷ. Ngoài ra, Trẫm sẽ làm một cái bia kỷ niệm, trên đó sẽ ghi công đức của mỗi người và cái bia đó sẽ được đặt trong một đền thờ về bên phải. Mỗi người sẽ được Trẫm tuỳ theo công đức mà khen thưởng.

Những lời nói của Trẫm phải được mọi người biết đến, cả người ở xa cũng như người ở gần. Trẫm nói toàn sự thật, không giả dối chút nào.

Khâm thử Hàm Nghi năm đầu tháng 8 ngày 11”.

In theo Tạp chí Nghiên cứu lịch sử
(số 140 - 1971, tr. 54 - 56)

____________________________________
1. Chỉ vua Tự Đức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2008, 04:13:15 pm »


PHAN CÁT XU.
TỜ THÔNG TRI CHO CÁC THÂN HÀO MỘ BINH


Năm Hàm Nghi thứ nhất, tháng 6 ngày mồng 3,

Phan Cát Xu, Cử nhân học ở Giám, người thôn Đông Thái, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, thông tri việc như sau:

Ngày 23 tháng trước, kinh thành thất thủ, nhân Thánh giá ra nơi hành tại Cam Lộ, tôi kính mệnh của quan Tôn Thất Đại thần về bản quán khuyên dụ thân hào cùng nhau kén họp nghĩa quân đi hộ giá Cần vương, vì vậy thông tri cho các vị, mong các vị lượng xét: Người nào cùng một lòng, xin nội trong tháng này hạ cố tới làng tôi cùng bàn bạc cử sự. Hoặc vị nào không chịu cùng làm việc với làng chúng tôi xin cũng tuân theo lời Vua dụ, tự mở một đạo quân nghĩa dũng riêng, dẫn đến hành tại bảo vệ xa giá cũng được. Còn dân trong xứ, ai vui lòng ứng mộ thì cần lấy chữ nhận thực của lý trưởng thôn mình (nếu lý trưởng nào không chịu nhận, tức là ngăn cản lòng trung nghĩa, việc phát giác ra, sẽ không dung tha) đem tới nơi đóng quân ở làng tôi để nhận thưởng theo từng mức (tài sức hùng vĩ là nhất, tài giỏi là thứ) để luyện tập kịp dùng vào việc. Năm trước, bọn Mai, Tấn1 giả danh mượn nghĩa, dân ta còn cho là phải, đi theo rất đông. Phương chi ngày nay, làm việc là vì nước vì Vua, quang minh chính đại, còn sợ gì nữa mà không làm? Chớ đắn đo trông ngóng để sau này phải hối. Than ôi! Trăm năm xây dựng phút chốc tan tành, Thiên tử long đong, quan quân tan chạy, trời xanh thăm thẳm kia ơi, còn có nỗi cực nào hơn nữa? Bọn chúng ta là dân của Vua, ở đất của Vua, đã đội ơn sâu rất lâu từ trước, thử suy nghĩ kỹ mà xem, với cảnh đau xót này, ai lại không rơi lệ? Rất mong mỗi người đều hăng hái tỏ lòng trung nghĩa, đứng ngồi mà xét lẽ thịnh suy, ngõ hầu đem tài sức đền bù mảy may ơn nước, tỏ dạ hiếu trung và không thẹn với phong tục chất phác thuần hậu của quê ta. Đó là điều mong mỏi của dân ta vậy. Còn như dân giáo, tuy không phải là đạo của ta, nhưng cũng là dân của Vua, giữa lúc nhiễu nhương rối loạn này, phải riêng nhớ đến ơn huệ vỗ nuôi yên ổn, tưởng cũng phải thấy ngay ngáy trong lòng cùng chung lo việc nước. Vậy bọn ta đây cử sự, không có lời nói gì khác, chỉ khuyên các người, ai nấy cứ ở yên giữ nghiệp làm ăn, chớ có vẩn vơ nghĩ ngợi. Rất mong.

Chu Thiên dịch
(Theo bản nguyên văn chữ Hán do Ty Văn hóa Hà Tĩnh cung cấp)

____________________________________
1. Chỉ Đặng Như Mai, Trần Tấn khởi nghĩa ở Nghệ Tĩnh (tức Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) năm 1874, vừa chống Pháp, vừa chống triều đình Tự Đức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2008, 11:30:18 pm »


THƯ NGHĨA QUÂN THANH - NGHỆ - TĨNH
TRẢ LỜI KINH LƯỢC LƯƠNG QUY CHÍNH
1


Thưa ngài,

Kính tiếp bức thư của ngài, đọc xong khôn xiết mừng cảm.

Trộm xét bản tâm chúng tôi lúc đầu suy nghĩ, chỉ vì đời đời chịu ơn nước, ngẫu nhiên gặp lúc vận nước khó khăn, không dám tiếc mình mà thôi, chứ không có mong công danh lợi lộc gì cả.

Sau đó, thời thế đổi thay, cơ sự mỗi ngày mỗi khác, có người trốn tránh, có người ẩn nấp đi nơi khác, đều chịu cực khổ để giữ tiết tháo, thề thủy chung với nhau, dù có ai đem mệnh lệnh của triều đình đến khuyên bảo hay đem tình trạng của nhân dân đến kêu ca, chúng tôi cũng chỉ xin đáp là hãy đem lòng ưu ái chân thành mà chờ đợi, nhất thiết mọi việc chống vua phản nước, giết hại nhân dân, chúng tôi đều luôn luôn nhắc nhau răn nhau sâu sắc.

Nhưng đến khi người thì bị tù, Vua thì chạy ra miền Bắc, những việc đau lòng bày ra trước mắt, non sông hoả vượng2 hầu như cảnh tượng đời “miên mộc”3. Tấm lòng vì nghĩa, người ta ai khác ai đâu? Gián hoặc có người vì lời thanh nghị thúc đẩy, có người bị bọn ra đầu thú bức bách, có người vì mong nước lớn rủ lòng thương, có người lại sợ họ khác nổi dậy. Trời có sáo thì dễ kêu, hươu đến lúc nguy thì chạy quàng, dù muốn cấm nhưng cấm làm sao được! Thành thử người trong nhà giết hại lẫn nhau, kẻ hàng xóm lại hoá ra đắc sách, thật là đáng buồn và đáng giận. Lại thêm nữa, tiến thoái đều lật đật, tai mắt khó xét thấy hết được, nên có hạng mượn tiếng để hại dân (có khi tự ý ra đi, liền làm rất nghiêm khắc để ra oai), bọn lính tuần nhân đó mà sinh tàn nhẫn (hễ ở đâu là cướp lấy của cải nhân dân cho kỳ hết sạch). Bầy ong lũ kiến, bè đảng thật nhiều. Thương hại cho dân ta mắc phải nỗi khổ cực ấy! Thời thế ư? Hay số mệnh ư? Ai làm ra thế? Mà ai xui nên thế? Tự nhiên không ở chỗ trũng mà bao nhiêu tội ác cứ dồn về, chỉ có tiếng suông mà mang lấy vạ thực. Đến lúc có người đem danh nghĩa Xuân Thu ra mà trách móc, mới tự biết là khó đường trốn tránh. Vả lại, lòng người, sĩ khí, Nam Bắc đều như nhau, sự xuất xử của chúng tôi cố nhiên không quan trọng gì, những một ngày còn có lòng dân, thì một ngày còn có quốc thể, lòng tà còn được răn đe, chính thống còn có người nâng đỡ, thì người ở lại kẻ ra đi cũng dễ tuỳ thời chuyển hướng. Phương chi ra [làm quan] thì ý nghĩ với việc làm trái nhau, không thể khích lệ được mọi người, mà cũng không thể tự bảo toàn lấy thân mình được, việc Tiến sĩ Trần Văn Dự4 ở Quảng Nam, Cử nhân Nguyễn Cao Đôn5 ở Hà Tĩnh còn sờ sờ trước mặt đấy.

Bằng như cứ ở lại thì trong ngoài giúp đỡ nhau, đã có thể giữ được mình, lại có thể thức tỉnh được người khác. Quân kinh thành rút đi hết, thuế nhà, thuế trâu đang thu đình hẳn lại. Như thế lâu rồi sẽ tự chán thôi.

Chỉ lấy một việc xuất xử đó mà so sánh lợi hại đã thấy được rõ rồi. Cho nên tuy là tôi con trung thành mà coi như giặc loạn, người nằm gai nếm mật lại sẵn sàng chịu nấu phanh6 thì cũng chỉ yên phận cho trọn đời, chứ còn oán trách người làm chi nữa. Tấm lòng cay đắng, nếu ai đặt mình vào cảnh ngộ, tưởng sẽ thấu tình.

Ngài vừa đến nhận chức, đã hạ cố gửi cho bức thư tâm huyết, lại khuyên bảo nên đổi ý, hồi tâm. Bọn chúng tôi tuy ngu, đâu đến nỗi cứ u mê không tỉnh, duy chưa rõ nên đổi ý gì? Hồi tâm cái gì? Để có thể làm hạng tôi con mà nước nhà vui lòng có, tỏ được tâm tích cho sĩ phu tin theo, cùng là để cho nước ở ngoài mấy lần bể khơi nghe thấy mà biết được phần nào và công luận đời sau có thể khoan thế cho phần nào, nếu ngài chỉ giáo được cho, thì chúng tôi xin vâng mệnh ngay.

Sửa mũ dưới cây mận, xỏ giầy trong vườn dưa, dễ mở đường cho người ta ngờ vực7. Tuôn rơi dòng lệ, trả lại ngọc châu chỉ làm cho cô con gái nghĩ mà đau lòng8. chúng tôi bất đắc dĩ phải làm trái ý tốt của ngài, cho nên không dám nhiều lời biện bạch.

Cúi xin bậc cao minh soi xét cho thì thật may mắn. Còn như thuyền cá ra vào động Hoa Lư9, bóng rồng thực giả ở đầu núi10, nếu quả sách trời đã vạch sẵn ra rồi thì sức người phù trì vào chỉ là uổng phí, tưởng những người mưu việc nước, lo đến ngày mai, đương nhiên cũng phải nghĩ sâu và lo xa vậy, chúng tôi không dám nói thừa.

Chu Thiên dịch
Theo bản nguyên văn chữ Hán, trong Bài ngoại liệt truyện

_______________________________________
1. Lương Quy Chính người gốc Thái Bình, đỗ Cử nhân, có một thời tham gia chống Pháp, nhưng sau đầu hàng, làm đến Thượng thư, sung chức Kinh lược ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh.
2. Phương Nam thuộc hoả, nên nước ta được là hoả vượng.
3. “Miên mộc” chiết tự chữ Tống, chỉ cảnh đời Nam Tống bị Kim xâm lược.
4. Trần Văn Dự người làng An Mỹ Tây, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam, đỗ Đồng Tiến sĩ, làm Sơn phòng sứ Quảng Nam, chống Pháp thua rút chạy, sau ra thú để về kinh, đến thành Quảng Nam bị quân Pháp bắt đem giết.
5. Nguyễn Cao Đôn người làng Phất Nạo, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, đỗ Cử nhân, khởi nghĩa thống Pháp, sau ra thú bị giết.
6. Nấu phanh: dịch chữ “đỉnh đang”, ở đây dùng nghĩa như “đỉnh hoạch” - hình phạt bỏ tội nhân vào nấu vạc cho chết.
7. Đừng sửa mũ dưới cây mận, đừng xỏ giầy trong vườn dưa để tránh người ta ngờ lấy trộm mận và dưa.
8. Chữ trong Đường tiết phụ ngâm của Trương Tịch: “Anh biết em có chồng, tặng em đôi ngọc châu... Em trả lại đôi ngọc châu, đôi dòng lệ lã chã”.
9. Chỉ việc trước đây Phạm Văn Nghị về ẩn ở Hoa Lư.
10. Chỉ việc Bạch Xỉ đang mộ quân chống Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2008, 08:35:40 pm »


B. TƯ LIỆU
VỀ PHAN ĐÌNH PHÙNG
VÀ PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG.


NGUYỄN PHAN QUANG1 sưu tầm và giới thiệu
HÀ TĨNH ẤT DẬU KÝ
(1885)

Lời Người biên soạn: Trong quá trình biên soạn, xuất bản cuốn sách Phan Đình Phùng - con người và sự nghiệp, chúng tôi nhận được cuốn sách Việt Nam cận đại - những sử liệu mới, tập 2, Nxb Tp. HCM, 1998 của Giáo sư Sử học Nguyễn Phan Quang gửi tặng với lời đề nghị trân trọng:

“Kính gửi Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây cuốn sách này để góp phần Kỷ niệm 160 năm ngày sinh Lãnh tụ Cần vương Phan Đình Phùng. Hà Nội, 3-1-2007. Nguyễn Phan Quang”.

Đây là một tập sách quí do Giáo sư Phan Quang, người có nhiều năm nghiên cứu Phong trào Cần vương, phát hiện được tại quê hương Hà Tĩnh, chứa nhiều tư liệu lịch sử xác thực và quí hiếm, lại được chú thích rất cẩn thận, đầy đủ và khoa học về “giai đoạn mở đầu Phong trào Cần vương chống Pháp” nên rất giúp ích cho giới nghiên cứu và đông đảo bạn đọc. Tuy nhiên do phần chú giải của Giáo sư Nguyễn Phan Quang có nhiều chỗ trùng lặp với những văn bản đã công bố trong cuốn sách này nên chúng tôi xin phép được lược bỏ.


N.B.S


Lời dẫn của Giáo sư Nguyễn Phan Quang: Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về Khởi nghĩa Hương Khê (1885-1895). Gần đây chúng tôi được tiếp xúc với tập HÀ TĨNH ẤT DẬU KÝ, một tư liệu của dòng họ Lê ở Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, bản chép tay bằng chữ quốc ngữ. Đây là một tư liệu mới về Phong trào Cần vương ở Hà Tĩnh với những chi tiết có lẽ gắn với sự thật hơn, đáng được tham khảo; xin được sao y bản gốc, giữ nguyên văn phong và các từ ngữ địa phương. Để tiện theo dõi sự kiện lịch sử, chúng tôi có sắp xếp lại và đặt thêm các tiểu mục.

Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn cụ Trác Viên đã cung cấp tư liệu quý báu của dòng họ.


I
PHAN ĐÌNH PHÙNG
VÀ PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG HÀ TĨNH


Việc phế lập ở triều đình - Vua Hàm Nghi xuất bôn

“Năm Tự Đức thứ 36 (Quý Vị), năm Thiên Chúa giáng sinh 1883, nội trị và ngoại giao nước nhà đã bắt đầu bước vào thời kỳ bối rối. Lúc ấy lục tỉnh Nam Kỳ đã nhường cho nước Pháp và cửa bể Đà Nẵng cũng nhượng cho nước Pháp rồi. Nước Pháp đã lập một nhà sứ quán tại Trấn Bình Đài (tức đồn Mang Cá), ở đó có đóng một đạo quân hộ vệ sứ thần ước độ 300 người. Vị sứ thần ở kinh đô ta đó là thay mặt nước Pháp để thương thuyết với triều đình ta, cốt nhất là về việc lập chính phủ Bảo hộ tại Trung, Bắc Kỳ. Cùng năm ấy, đức Tự Đức băng hà. Nếu như Ngài còn sống được độ vài năm thì sự lập chính phủ Bảo hộ có phần dễ dàng, không đến nỗi lưu huyết.

“Khi vua Tự Đức băng hà, di chiếu lập con nuôi Ngài là vua Dục Đức lên ngôi. Khi ấy trong triều đình ta có hai phái, một phái chủ hòa, một phái chủ chiến. Đứng đầu phái chủ chiến là quan Thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết, đứng đầu phái chủ hòa là quan Thượng thư Bộ Lại Trần Tiễn Thành. Vì rằng quan Tôn Thất Thuyết thống suốt cả binh quyền nên phái chủ hòa không thể chống lại (...), chỉ vận động riêng với quan sứ thần Pháp ở Trấn Bình Đài mà thôi.

“Vì lòng quả quyết kháng chiến cho nên ông Tôn Thất Thuyết đã sửa soạn phòng bị từ xưa. Ông bèn lập Sơn phòng nha tại các tỉnh có liên lạc với dãy núi Ngăng Màn [Giăng Màn hay Khai Trướng] từ Bắc chí Nam, tỉnh nhỏ lập một Sơn phòng, tỉnh lớn lập hai, chuyền khí giới và quân lương (...) [bản gốc bị nhòe, rách nhiều đoạn].

“Muốn như vậy, Ngài lại hết sức làm uy phước để khiếp phục thần dân. Bắt đầu ngài làm sự phế lập. Ngài bèn hội các đình thần lại để bàn về việc phế vua Dục Đức. Ngài lấy cớ rằng; khi nhà nước có việc, cần có một ông vua cương quyết hơn; vua Dục Đức nhu nhược không giữ nổi xã tắc, cho nên Ngài lập Đức Hiệp Hòa... Khi ấy đình thần sợ uy quyền ông Thuyết, không ai dám nói gì cả. Duy chỉ có ông Phan Đình Phùng làm Tả trực Ngự sử, lên tiếng phản kháng. Ông Thuyết định chém ông Phan Đình Phùng, nhưng đình thần đều lên tiếng can lại, lấy cớ rằng Phan Đình Phùng là một ông quan Ngự sử, chức của ông là gián quan, nay chém ông Phan thì sau không ai dám làm Ngự sử nữa. Ông Phan được miễn tử, song phải cách hết cả quan chức. “Vua Hiệp Hòa lên ngôi được mấy tháng, chưa hiểu thời thế, bị phái chủ hòa cám dỗ, nên Ngài hạ chỉ xuống sắc đổi ông Tôn Thất Thuyết sang làm Thượng thư Bộ Lễ (...) [bản gốc bị nhòe, rách nhiều đoạn].


Thân hào Hà Tĩnh đón xa giá vua Hàm Nghi

“ Xa giá vua Hàm Nghi ra Sơn phòng Cam Lộ, rồi đi thẳng lên Ai Lao, rồi vòng về Sơn phòng Hà Tĩnh. Khi ấy thân hào Hà Tĩnh ra phụng chỉ Cần vương rất đông. Ở Đức Thọ (Đông Thái) có ông Phan Đình Phùng (con cụ tuần phủ Phan Đình Luận)2; ở Trung Lễ (Lạc Thiện, Đức Thọ) có ông Lê Ninh, Lê Diên, Lê Phác (ba anh em ruột, con cụ bố chánh Lê Văn Khanh); ở Hương Sơn (Ngôi Mỹ) có ông Võ phó bảng Đinh Nho Hạnh. Các ông tự xuất của nhà ra mộ lấy quân sĩ, rèn lấy khí giới. Và nhờ có lòng trung ái của dân bản hạt, kẻ giúp tiền bạc, người giúp lương thực cho sự chiêu mộ được kết quả sung mãn...”


Lực lượng trong buổi đầu của phong trào

“Ở Hương thứ (Hương Sơn) ông Phó bảng Hạnh mộ được 500 quân, ở Thái thứ (Đông Thái) ông Phan Đình Phùng mộ được 100 quân, ở Lễ thứ (Trung Lễ ) ông Lê Ninh mộ được bốn đạo quân, mỗi đạo 500 người.

“Được tin kinh thành thất thủ và xa giá vua Hàm Nghi đã gần ra đến Sơn phòng Hà Tĩnh (Phú Gia, Hương Khê), các ông bèn đem quân lên Sơn phòng đợi giá. Khi giá đến Sơn phòng thì chỉ còn độ 500 quân, Đức Hàm Nghi ngự trong một cái võng, ông tả quân Trần [Xuân] Soạn3; đi một con ngựa bạch, các quan tùy tùng văn võ cũng độ vài chục người. Quan chánh sứ Sơn phòng là Nguyễn Chính đem các quan và các thân hào ứng nghĩa ra bái mạng.

“Ông Tôn Thất Thuyết bèn cầm tay và nói với ông Phan Đình Phùng rằng: Ngày nay tôi được gặp ông rất lấy làm cảm phục, và ông đã tỏ lòng trung nghĩa đem quân lên đón xa giá, thì ông lấy công nghị làm đầu, bỏ tư tình ra một khác. Ông Phan đáp lại: Ngày hôm nay anh em chúng tôi phụng chỉ đến nghênh giá, lấy việc quốc gia làm trọng, không bao giờ chúng tôi nhớ đến tư tình. Ông Tôn Thất Thuyết bèn tâu vua phong đặc cách cho ông Phan Đình Phùng làm... Trung tướng quân, lĩnh Binh Bộ Thượng thư. Chức Binh Bộ Thượng thư là chức của ông Tôn, nay ông trao lại cho ông Phan, một là vì việc quốc gia, hai là để cho ông Phan quên việc khi ở Ngự sử bị cách, đó cũng là một thủ đoạn khéo léo…

“… Ở Sơn phòng nghe tin quân “bình giáo” đều thất bại, Nghệ Tĩnh đều thất thủ, sợ thánh giá ở Sơn phòng không được yên, ông Tôn Thất Thuyết dời giá sang đóng tại làng Xuân Lạng (Hương Khê) và ông cho chiêu mộ 300 quân Thanh Lạng (Quảng Bình), gọi là đội quân thiện xạ (vì người thổ dân ở Thanh Lạng rất giỏi về nghề bắn nỏ có tên độc). Đội quân ấy do một viên đội người Thanh Lạng tên là Ngọc tổ chức. Ông Tôn phong cho Ngọc làm Lãnh binh và sắc cho đội quân thiện xạ ấy thay đội cấm binh để hộ giá...”.


Tôn Thất Thuyết sang Tàu

“… Ngó qua cái phong sắc bất lợi từ khi đầu, ông Tôn bèn định kế sang Tàu cầu viện. Ông bèn giao ấn Bộ Binh cho ông Phan Đình Phùng và dặn các quân Cần vương phải phò giá cho được chu đáo, phải duy trì cho được một năm. Lúc ông lên đường, để lại người con đầu là Tôn Thất Đàm ở nhà giúp việc phò giá. Ông bèn lên đường sang Tàu, đi từ Sơn phòng này đến Sơn phòng kia, sang tận Quảng Tây (Long Châu). Khi đi với ông có quan tả quân Trần [Xuân] Soạn, ông hiệp quản Cao Đạt (người Tình Di, Hương Sơn), văn võ tùy tùng độ mươi người.”


Quân Pháp tiến đánh căn cứ Hương Khê

“Sau khi chiếm đóng tỉnh thành [Hà Tĩnh], quân đội Pháp lại tiến lên Hương Khê. Nghe tin quân Pháp lên, ông Nguyễn Chính (Sơn phòng Chánh sứ) bèn đốt phủ Sơn phòng và đem quân đi nghinh tiếp quân đội Pháp. Người Pháp bèn đem ông Chính về lãnh tổng đốc An - Tĩnh.

“Nghe tin Sơn phòng thất thủ, xa giá ở Xuân Lạng phải dời vào Thanh Lạng. Quân Pháp lúc ấy nhứt diện (một mặt) đi theo hiếp giá, nhứt diện đi đánh đuổi quân Cần vương. Quân Pháp theo giá vào Tân Ấp bị quân thiện xạ mai phục dùng tên độc bắn ra, bị thương và chết rất nhiều cho nên phải lui về đóng tại Sơn phòng. Quân Cần vương, mỗi thiếu thứ và trưởng thứ nhiều phen thất bại. Ông Phan Đình Phùng và Đinh Nho Hạnh phải nhiều trận gian nan. Lòng trung nghĩa của nhân dân, hồn chiến đấu của quân sĩ ngày một giảm. Không bao lâu, ông Hạnh bị bệnh mất…
_____________________________________
1. Nguyễn Phan Quang: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.
2. Theo tiểu sử, thân phụ của Phan Đình Phùng là Phan Đình Tuyển, có lẽ ở đây chép nhầm - BT
3. Trần Xuân Soạn: người Thanh Hóa, tham gia cuộc nổi dậy ở Kinh đô Huế ngày 4 - 5/7/1885 và đưa vua Hàm Nghi ra Sơn phòng Hà Tĩnh, về sau mất ở Trung Quốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2008, 08:41:10 pm »


Tôn Thất Thuyết cầu viện Tàu.

“Ông Tôn Thất Thuyết sang đến Quảng Tây, bèn dâng sớ nhờ quan tổng đốc Quảng Tây đạt lên triều đình nhà Thanh. Vua Đạo Quang nhà Thanh quan tâm đến việc nước Nam ta và tỏ ý giúp đỡ. Ngài bèn ra dụ phong ông Phùng Tử Tài (tuần phủ Quảng Tây) làm Chinh di Đại tướng quân, thôi đốc Lưỡng Quảng, Vân Nam, Quý Châu binh mã kéo sang nước ta. Đạo quân ông Phùng Tử Tài ước độ 100.000 rất có thanh thế, khí giới tinh nhuệ. Ông đánh nhiều trận thắng lợi ở Nam Quan, Đồng Đăng, Lạng Sơn, chưa được một tháng mà ông đã tiến gần tới Bắc Ninh.

“Khi ấy quan toàn quyền thứ nhất ở Đông Dương là ông Paul Bert rất am hiểu chính trị và binh bị, ông bèn sai viên Phó Đô đốc hải quân Courbet đem hạm đội sang bắn phá các tỉnh duyên hải của nước Tàu, các tỉnh duyên hải bị bắn phá rất nhiều. Vì khi ấy Trung Hoa không có hải quân, không thể chống nổi. Vả lại nước Tàu đã hai lần thất bại với quân Anh - Pháp, không khác gì con chim bị cung bắn nhiều lần, thấy cây cong thì sợ. Vì thế cho nên triều đình Mãn Thanh phải điều đình với viên công sứ Pháp ở Bắc Ninh, ký một bản hiệp ước ở Thiên Tân, công nhận cho nước Pháp lập chính phủ Bảo hộ ở Việt Nam và cắt đất Quảng Châu Loan, triệt đạo quân chính Nam của ông Phùng Tử Tài và đạo quân ông Lưu Vĩnh Phúc về Tàu, yên trí thầy trò ông Tôn Thất Thuyết.

“Thi hành hiệp ước, ông Tôn Thất Thuyết và mấy kẻ tòng vong đều phải đem đi yên trí ở Thiều Châu và được triều đình nhà Thanh cấp cho mỗi tháng 100 nén bạc (?). Từ đó, hi vọng trở về cố quốc của ông Tôn thành một sự chiêm bao vậy.


Vua Hàm Nghi bị bắt

“Nghe tin có hiệp ước Thiên Tân, lòng sốt sắng chờ đợi quân cứu viện của vua Hàm Nghi và các ông Cần vương bỗng thành ra một sự mộng tưởng. Chẳng bao lâu, viên hộ giá Lãnh Ngọc chết. Khi lâm chung, ông giao việc hộ giá cho con đầu của ông cũng tên là Ngọc... Từ khi ông mất, quân thiện xạ một ngày một tiêu diệt, phần thì bị lam chướng, phần thì bị tên đạn, chỉ còn độ 50 người.

“Được ít tháng, viên Lĩnh Ngọc trái lời di chúc của cha và hiếp giá ra nạp tại đồn quân Pháp tại Thanh Lạng. Kể từ khi nhà vua xuất bôn cho đến khi bị bắt, gần ngót hai năm. Chính phủ Pháp bèn đem Ngài đi yên trí ở xứ Bắc Phi Châu.


Phan Đình Phùng ra Bắc (1887)

“Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, thân hào Cần vương trong hạt chỉ còn ông Phan Đình Di (?) và ông Lê Phác. Hai ông thấy sự không thành, bèn tìm chốn yên thân để sửa soạn chờ cơ hội khác. Ông Lê Phác định sang Tàu, đi đến Lạng Sơn thì bị bệnh mất. Còn ông Phan Đình Phùng thì ra Bắc Kỳ tàng hình thành một thầy đồ dạy trẻ con(?) ở hạt Bắc Ninh. Ở được ít lâu, cũng có nhiều người thân hào biết ông là một nhà phi thường, vì rằng cũng có nhiều khi tâm sự, ông thổ lộ ra nơi thi phú. Rồi đó, ông cũng cố kết được vài ông bạn đồng chí. Ngọn lửa Cần vương đến năm Mậu Tý (1888) thì bị thổi tắt. Song than đỏ vẫn còn vùi dưới trấu, một ngày kia rồi lại cháy bùng lên. Một bài học trung ái và tự cường!


Trần Xuân Soạn và Cao Đạt sang Tàu

“Sau khi ông Tôn Thất Thuyết đã phải yên trí ở Thiều Châu, ông Trần Xuân Soạn biết rằng nước Tàu không đủ tự vệ, hãy còn vào một tình thế nguy ngập, không có thể đợi được sự giúp đỡ của họ. Nhân dịp ông Tôn sai ông Cao Đạt về nước lấy vàng ngoé chôn ở các Sơn phòng Cam Lộ và Hương Khê đem sang Tàu, ông Soạn bèn mưu với ông Cao dùng một số vàng ấy đem sang Hương Cảng mua được một ít binh khí. Rồi ông cùng với ông Cao trốn ông Tôn, về Quảng Tây thương thuyết với ông Phùng Tử Tài. Ông này có vẻ buồn bực với việc triều đình nhà Thanh trong vụ ký điều ước Thiên Tân, bèn dung cho ông Soạn được tự do hành động.

Ông Soạn bèn chiêu tập được hơn 1000 quân ở Quảng Tây. Ông có một ít khí giới đã mua được ở Hương Cảng, còn thì mượn của tỉnh Quảng Tây. Ông và ông Cao thân ra luyện tập đạo quân ấy, được hai tháng thì ông tiến thẳng về biên giới Lạng Sơn. Lúc đầu người Pháp tưởng quân của ông Soạn là một toán giặc cỏ ở Tàu tràn sang nên không lấy làm quan trọng lắm. Ông Soạn đánh được nhiều trận thắng lợi, tiến quân lấy tỉnh Cao Bằng. Sau người Pháp biết là đạo quân của ông Trần [Xuân] Soạn, họ bèn tập trung nhiều tinh binh, hai vệ quân đóng ở Bắc Kỳ ước độ 5000 người, chia làm ba đạo tiến lên vây đánh. Lạ gì quân ô hợp (của ông Soạn) và không có lòng nghĩa khí, thấy bất lợi một vài phen và chết một vài trăm người, bèn bỏ chạy về Tàu.

Ông Soạn chỉ còn mươi hai thầy tớ thân tín, chưa kịp chạy sang Tàu, phải ẩn nấp trong châu Lộc Bình. Người Pháp trao giải thưởng 10.000 đồng cho ai bắt được hoặc giết được ông... Ông bị bọn thổ châu ấy mai phục mưu bắt ông. Một đêm, bảy thầy tớ ông Soạn theo đường thượng đạo sang Tàu. Bọn người này biết ông Soạn cưỡi một con ngựa bạch, chúng bèn đặt nhiều bẫy ở giữa đường để cho ngựa ông bổ (té ngã) rồi bắt ông. Ông là người võ nghệ rất giỏi, đương đi giữa đường thấy ngựa sập bẫy sa chân xuống, bọn người thổ chưa kịp hành động thì ông đã nhảy xuống đất và chém được hai tên. Kế đến, bảy thầy tớ bắn súng vào bọn chúng; bị chết bốn tên, bọn còn lại chạy vào rừng cả Thầy trò ông Soạn thoát được sang Tàu, rồi lại trở về Thiều Châu, chỗ ông Tôn (...). Từ đó, thầy trò ông Tôn đành thúc thủ ngồi đợi ở Thiều Châu...


Phan Đình Phùng trở về Hà Tĩnh (9-1889)

“Lúc ấy, ông Tám Nàng và các ông ở Lễ thứ bàn định với các quan văn thân toàn hạt, để mời cụ Phan Đình Phùng về làm chủ, điều đó được toàn thể hoan nghinh. Bấy giờ các quan bèn vận động với cháu ruột cụ Phan là ông Phan Đình Nghinh để nhờ ông Nghinh ra Bắc tìm Cụ và mời Cụ về.

“Ông Nghinh vâng mạng ra Bắc tìm cụ Phan. Cụ Phan tiếp được thư các quan văn thân ở nhà gửi ra, rất lấy làm cảm khái và quyết chí trở về. Cụ bèn phúc thư cho các quan để hẹn nhật kỳ và nhất diện Cụ thu thập hành lý. Khi Cụ về, có một ông người Nam Định, một ông người Bắc Ninh theo về, sau gọi là ông Lãnh Nam và ông Lãnh Bắc (không tường được tên họ).

“Theo như nhật kỳ đã định, các quan bèn hội lại ở Lễ thứ (làng Yên Vượng, Đức Thọ) để đón tiếp Cụ. Rồi sai người ra Bến Thủy chực Cụ, rồi lại sai một viên Hiệp quản là Lê Hoạt đem 50 quân tinh nhuệ đi hai chiếc đò xuống Chợ Chế đón Cụ. Cụ ở Bắc về, tàng hình là hành khách, đi một chuyến tàu thủy từ Hải Phòng về Bến Thủy. Tiếp được Cụ ở Bến Thủy, người đón Cụ ở đó lập tức thuê một cái đò con để rước Cụ lên Chợ Chế. Viên Hiệp Hoạt tiếp được Cụ đến Chợ Chế bèn phóng chèo để rước Cụ đi theo con sông về Trung Lương rồi lên Đò Trai, đi bộ lên Yên Vượng. Nào ngờ, hồi quốc gia mới thay đổi, chính phủ bảo hộ mới chưa được ấm dằm mà ban trinh thám đã bắt đầu hoạt động.

“Cụ Phan và tiểu đội vừa dời Chợ Chế độ một cây số thì đã trông thấy 4 chiếc thuyền chở quân do đồn Bến Thuỷ và đồn Quả Phẩm (Chợ Chế) tiến theo. Bây giờ về tiết tháng 11, độ 5 giờ chiều, viên Hiệp Hoạt bèn cho chiếc thuyền nhỏ của Cụ phóng đi trước, còn hai chiếc chở quân của ông ta đi lại sau và sửa soạn nghênh địch. Đã 5 giờ chiều, trời đã chập choạng tối. Ông Hiệp Hoạt bèn đổ bộ quân lên bờ sông mai phục rồi lại đẩy hai chiến thuyền ra sông; nhân con nước lên, thuyền cứ trôi lênh đênh giữa sông, quân đuổi theo chỉ yên trí rằng quân địch hãy còn ở trên hai chiếc thuyền đi trước, họ cố đuổi theo cho vừa tầm súng.

“Trời đã chập choạng, bỗng dưng một hiệp súng bắn vào sườn thuyền của họ, thuyền bị thủng nhiều chỗ, nước chảy vào thuyền như xối. Quân trong thuyền phần thì chưa rõ địch ở chỗ nào, phần thì xé túi-dết để trám lỗ nước vào, phần thì nhắm mắt bắn lên hai chiếc thuyền đi trước. Kế đó, lại một hiệp súng bắn vào sườn thuyền nữa; thuyền bỉ lủng nhiều chỗ quá, quân lính hoảng hốt, xé hết dẻ hết khăn để bịt lỗ thủng. Viên giám quân thấy thuyền lủng nhiều quá, sợ nguy đến tính mạng quân lính, bèn hạ lệnh cho thuyền chèo ngang qua bên kia bờ sông, rồi nhân trời túi (tối) rút quân trở về. Trận ấy, không rõ quân lính trong thuyền thương tử là bao nhiêu, chắc thế nào cũng có thiệt hại. Còn viên Hiệp quản cũng vội thu quân về cho kịp đưa cụ Phan lên Yên Vượng. Thấy như vậy, cụ Phan rất lấy làm vui vẻ và khen ngợi lớp võ quan mới luyện tập sau này...

“Về đến Yên Vượng, các quan văn thân đón tiếp, Cụ lấy làm vui mừng, bèn thân ra duyệt các đạo quân ra nghênh tiếp của ba thứ, độ 1000 người. Cụ thấy quân dung và khí giới khác hẳn ngày xưa, rất lấy làm tâm phục cái thiên tài của ông Cao Tất Thắng.


Đại bản doanh Vụ Quang

Sau trận đánh ở Yên Vượng, quân ba thứ [Hương thứ, Can thứ, Lễ thứ] lại về ba nơi, còn tổng hành dinh của cụ Phan thì đóng tại xã Vụ Quang, thuộc huyện Hương Khê bây giờ.

“Lúc này quân Cần vương đã hơi có một chút thanh thế, phần đa số trong bộ tham mưu đều muốn tiến quân lên phía hai tỉnh Cam Môn, Cam Cát của Lào để lập căn cứ và cho tiện đường giao thông sang Xiêm. Song hiềm vì xứ Lào tuy có địa hiểm, nhưng nhân dân quá ít, lúa gạo không đủ dùng, không biết lấy gì làm quân nhu, còn đường vận chuyển từ ta lên Lào rất là vất vả, cho nên đành phải đóng tại đất nhà.

“Vì việc lương thực khó lòng như thế, cho nên cụ Phan lại phái ông Phan Đình Nghinh và ông Nguyễn Chanh đem quân vào đóng trong tổng Vọng Liệu để làm quân lương trong tỉnh Quảng Bình, còn ông Cao Thắng thì phải đem quân đi làm lương thực tại Thanh Chương, Anh Sơn, Nam Đàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2008, 08:48:21 pm »


Quân Pháp chặn đường tiếp tế của nghĩa quân

“Biết rằng quân Cần vương thiếu thốn về lương thực và khí giới, không thể làm được đại sự, vì vậy chính phủ Bảo hộ tìm cách làm ngăn trở đường lương thực và giao thông của quân Cần vương. Họ bèn đặt ra nhiều đồn nhỏ, những nơi cần thiết thì mỗi làng một đồn, ngoài ra mỗi tổng đặt hai hoặc ba đồn. Họ lại cho một số Bang biện người thổ trước được toàn quyền hành động tiễu trừ các đội quân Cần vương đi thôi đốc lương thực. Mưu kế này của họ làm cho quân Cần vương rất bối rối về giao thông và lương thực.

“Khi cụ Phan Đình chưa về, các quan Cần vương mua được nhiều đạn dược và nguyên liệu làm khí giới ở Xiêm là nhờ ông hoàng thúc Xiêm là ông Phracha làm Tổng đốc binh mã nước Xiêm. Ông là người phản đối chính sách thân Pháp, ông làm nhiều việc khiêu khích, ông cho quân ra đóng tại bờ sông Cửu Long, ông hạ lệnh cho bắn chìm một chiếc tàu Pháp tại vịnh Xiêm La và giết một toán quân Pháp sang dự tiệc tại Lạc Hòn, ông nhất định khai chiến với Pháp. Sau chính phủ Pháp thương thuyết với chính phủ Anh việc trừng phạt nước Xiêm bằng binh bị (bấy giờ nước Xiêm là một nước tự trị dưới sự bảo hộ của Anh). Nước Anh không muốn cho nước Pháp dính líu vào việc nước Xiêm, bèn bắt nước Xiêm bồi thường thiệt hại cho Pháp và phải giải chức Tổng đốc binh mã của ông hoàng thân Phracha. Cho nên hồi này cụ Phan vẫn phái người sang nước Xiêm mua thuốc đạn, nhưng không được thuận lợi như trước, có khi còn mua không được. Bởi vậy, việc tiến lên Lào để thông với Xiêm không bàn đến nữa.


Đánh đồn Thanh Lạng - giết tên Lãnh Ngọc

Một việc đáng ghi nhớ trong Sử Ất Dậu là khi cụ Phan Đình về rồi, Cụ nhớ đến việc vua Hàm Nghi bị hiếp giá, Cụ bèn sai anh em ông Lãnh Khai đem 200 quân vào đánh phá đồn Thanh Lạng (Quảng Bình). Ông Khai vào vây đồn đánh phá 7 ngày đêm không thể hạ được, ông sợ đánh lâu sẽ phải đối phó với quân cứu viện, bèn quyết kế hạ đồn. Ông thân đốc quân sĩ đánh sát chân đồn rồi phóng vào trong đồn hơn 100 ống hỏa hổ. Mấy cái nhà tranh trong đồn bốc cháy nghi ngút, quân trong đồn hoảng hốt, không có lòng chiến đấu. Đạn dược đã hết mà chờ quân cứu viện không có, Lãnh Ngọc bèn đem loạn quân mở cửa đồn chạy về phía Tuyên Hóa, vừa chạy chưa được một cây số thì bị quân mai phục của ông Lãnh Khai bắn chết.

“Anh em ông Khai giết được Lãnh Ngọc và hạ được đồn rồi, bèn thu thập số khí giới bắt được của địch và cắt đầu của Lãnh Ngọc đem về nạp tại đại bản doanh (Vụ Quang). Cụ Phan Đình bèn gia phong cho ông Lãnh Khai lên chức Đổng nhung; ông em lên chức Lãnh binh.


Phan Đình Phùng và Bạch Xỉ

“Hồi này các ông Đoàn Đức Hậu, hiệu là Bạch Xỉ, người ở Quảng Bình, lấy đạo thần thánh và nhâm cầm độn toán để chiêu tập một đảng, được một số đông người Nghệ Tĩnh hưởng ứng. Quân sĩ và tướng lĩnh cụ Phan cũng có nhiều người theo ông. Ông tự tôn là Hoàng đế lấy hiệu là Long Đức, đóng đại dinh ở miền sơn phận Hương Sơn. Cụ Phan Đình tức giận về sự tiến ngụy của ông Bạch Xỉ, bèn giết một số tướng lĩnh và quân sĩ nhị tâm theo ông Bạch Xỉ (ông Tác Ngà người Thịnh Xá, các ông Lĩnh Nam, Lĩnh Bắc người Nam Định và Bắc Ninh theo Cụ ở ngoài Bắc về đều bị diệt về vụ đó). Cụ hạ lệnh bắt ông Bạch Xỉ. Ông Bạch Xỉ phần thì bị quân Bảo hộ truy nã, phần thì bị cụ Phan Đình truy bức, ông chạy sang miền Nghệ An rồi bị quân Bảo hộ bắt ở đó.

“Cũng vì ông Bạch Xỉ mà quân đội của cụ Phan Đình suy giảm đi nhiều, vì một số tướng lĩnh và quân sĩ của Cụ bỏ theo đảng Bạch Xỉ. Sau khi ông Bạch Xỉ bị bắt, dư đảng hoặc bị quân Bảo hộ bắn giết, hoặc ra đầu thú. Đảng Bạch Xỉ đã không lợi gì cho Cần vương mà còn làm hại cho công cuộc Ất Dậu vậy.

“Nhân đây, nói thêm: Hồi bấy giờ cụ quận Hoàng Cao Khải làm Kinh lược Bắc Kỳ, cũng là người một làng với cụ Phan Đình. Cụ có viết một bức thơ về cho cụ Phan Đình, và Phan Đình có viết một bức thơ trả lời...


Phan Đình Phùng mất

“Sang đầu năm Giáp Ngọ [?], niên hiệu Hàm Nghi thứ 10, niên hiệu Thành Thái thứ 7 [?] (quân Cần vương vẫn giữ niên hiệu Hàm Nghi thứ 10), cụ Phan Đình bị đau nặng, lúc ấy Cụ mới có 49 tuổi. Cụ tự biết trong mình hèn yếu và ở xứ lam chướng lâu ngày, không sống được bao lâu để theo đuổi việc nước, Cụ bèn bỏ xứ Vụ Quang, lui lên đóng giáp xứ Lào để tìm cách tĩnh dưỡng. Nào ngờ vận nước éo le, lòng trời run rủi, đến tháng 11 năm ấy Cụ từ trần.

“Khi Cụ mất, tướng lĩnh chỉ còn có ông Tán Quýnh, ông Đổng Nghinh, ông Ngô Quảng và anh em ông Lĩnh Khai. Các ông yên táng Cụ ở trong xứ Quạt (giáp Lào và Quảng Bình, Hà Tĩnh).


Nguyễn Thân đàn áp phong trào Cần vương Hà Tĩnh

“Trước khi cụ Phan Đình mất, triều đình Huế sai nhiều ông ra tiễu phủ ở Hà Tĩnh, nhất là ông Lương Quy Chánh, ông Phan Huy Quán, song các ông ấy không thành công. Một là các ông ấy không có tài bát loạn, hai là các ông ấy cũng có một chút tâm huyết, không muốn làm tàn hại đồng bào.

“Đến tháng 5 nhuần năm Giáp Ngọ [1894], niên hiệu Thành Thái thứ 7 [?], triều đình Huế và tòa Khâm sứ cử ông Nguyễn Thân, Tổng đốc Bình Phú, làm Khâm mạng Đại thần ra tiễu phủ ở Hà Tĩnh. Cùng ra với ông có các ông Tán lý Lê Tựu Khiết, Nguyễn Gia Thoại, Tán tương Tạ Tương, Nguyễn Đỉnh, bốn ông Đề đốc là tám ông Lãnh binh.

“Được tin ông Nguyễn Thân ra tiễu phủ và nghe tiếng ông ở Bình Phú là một tay trung thành với Chính phủ Bảo hộ, con ông Đề Trạch ở Can thứ là ông Nguyễn Văn Hoan (thường gọi là ông Lãnh Cậu) bàn với cụ Đề Trạch rằng: Nguyễn Thân là một tay tàn ác, nay ra làm tiễu phủ ta, không chỉ gây hại cho ta mà còn tàn hại dân ta. Ông xin đem toàn quân vào Kỳ Anh, Đèo Ngang, xuất kỳ bất ý đánh chụp [đánh úp] vào đạo quân Khâm mạng, như thế có lẽ giết được ông Nguyễn Thân và đánh tan đạo quân ấy. Song cụ Trạch không nghe, bảo rằng ông Tiễu Thân ra lần này cũng không khác gì ông Tiễu Chánh, Tiễu Quán trước đó. Cụ Trạch không muốn làm việc táo bạo như thế, e rằng tàn hại đến nhân dân, việc thành hay không mặc dầu, Hồng Lam đều thành tro bụi. Ông Lãnh Cậu là con và là một kiện tướng của cụ Trạch, ông đã từng lập công nhiều trận. Trận đánh đồn Cây Khế (Can Lộc), ông bắn chết một viên quan ba Tây tên là Samaran. Ông được phong Chánh Lãnh binh sau trận ấy.

“Khi ông Nguyễn Thân ra, đầu tiên trù hoạch cách triệt quân lương của quân cần vương. Ông ra lệnh cho trong hạt, nhà nào cũng phải làm hai sổ khai nam phụ lão ấu, phải khai cho thiệt đúng, nếu sau bắt được một tên nào mà sổ kê khai không có tên thì hào lý sẽ bị tử hình; trong làng xã nào có người hiện theo đảng Cần vương, làm chức phận gì đều phải khai rõ. Một khi quan quân đến làng nào mà tìm thấy những người không có tên trong sổ làng khai thì những người ấy bị tử hình đã đành, mà hào lý cũng bị tru lục; nếu người làng này đi sang làng kia mà ở đêm lại thì phải có giấy thông hành, động khi quan quân hỏi thì phải trình giấy ra xét xem trong sổ khai làng ấy có tên người thông hành ấy không. Làm như thế là cốt tiệt các quân quan trong núi không có thể tàng hình ra ở dân gian. Sự lai vãng khó khăn như thế, vả lại quân tiễu phủ đóng ra nhiều đồn nhỏ ở dân gian, cho nên đường vận tải lương thực vào núi rất khó.

“Khi ấy quân trong núi yếu thế đi nhiều; từ khi ông Nguyễn Thân ra cho đến khi về, hơn 6 tháng mà không có một trận đánh nào cả. Ở trên Đại dinh Vụ Quang thì cụ Phan Đình hiện đau nặng, mà tướng lĩnh thì chỉ còn ông Tán Quýnh, ông Đề Đạt, ông Đổng Nghinh, ông Ngô Quảng và anh em ông Lĩnh Khai, còn ở Can thứ thì còn cha con ông Đề Trạch và rể là ông Đề Quýnh. Quân sĩ thì giải tán hết nhiều, chỉ còn độ 300 hay 400 nữa thôi; vả lại lương thực và đạn dược đều thiếu thốn, không đủ sức kháng chiến và giữ lâu được.

“Nhân khi ấy, ông Nguyễn Thân sai ông Phan Quang Cự vào dỗ các quan trong núi ra hàng (ông Cự là người cùng làng Đông Thái với Cụ Phan Đình Phùng, đậu Tiến sĩ, làm Bố chính hồi Ất Dậu, ông cũng phụng chỉ ra Cần vương, được cử làm Tán lý quân vụ kiêm Hà Tĩnh Hộ phủ sứ thay ông Bố Đại bị giết; sau ông ra thú, được ân xá. Ông Cự hứa rằng: ra hàng thì đều được ân xá cả và làm chức gì thì nhà nước sẽ phục chức ấy. Vừa khi cụ Phan Đình tạ thế, tướng sĩ đều ngã lòng cả. Nhiều võ quan muốn ra hàng, duy chỉ có ông Tán Quýnh, ông Ngô Quảng, ông Đề Đạt và anh em ông Lĩnh Khai không chịu ra. Các ông kia thì trốn sang Xiêm, còn anh em ông Lĩnh Khai ở lại trên núi.

“Đến tháng 10 năm Giáp Ngọ thì các quan trên núi cuốn giáp ra hàng cả: các ông Phan Đình Nghinh, Nguyễn Thương, Đề Trạch, Nguyễn Hoan, Lãnh Cậu (con ông Đề Trạch), Nguyễn Quynh (Đề Quynh) cùng một quan văn Kiểm biện và một Bang biện độ 5, 6 người. Được tin các quan ra hàng, ông Nguyễn Thân cho cờ trống đi rước từ trong núi ra đến Đại dinh Linh Cảm (Đức Thọ). Ông làm như thế là cốt để sau không ai dám làm như cụ Phan Đình mà ông cho là phản nghịch chính phủ, cũng là theo cách địa lý ta: để tiệt mả làm giặc.

“Được mấy hôm, ông đưa các tướng về Hà Tĩnh, rồi ông đưa ra Huế. Khi đi khỏi địa phận Hà Tĩnh (Đèo Ngang) thì các hàng tướng đã thấy cũi sơn son chực ở đấy rồi. Trông thấy việc đó thì các ảo mộng tưởng phục chức của các quan đều tiêu tan cả. Lúc bấy giờ ông Lãnh Cậu có than rằng: nơi này là nơi ông định đánh giết ông Nguyễn Thân, mà té ra ông lại chết nơi này, mặc dầu không phải ông Nguyễn Thân bắt được ông, mà chính là cha ông bắt ông vậy. Đem về Huế không được một tháng, thì tất cả các hàng tướng đều bị giết hết. Còn anh em ông Nguyễn Khai không ra hàng, ở lại trong núi được mấy tháng cũng đều bị bắt và bị giết cả.

“Kể từ năm Hàm Nghi Ất Dậu cho đến Thành Thái Giáp Ngọ, công cuộc Cần vương duy trì được 10 năm. Từ Giáp Ngọ trở đi, ngọn lửa Cần vương tuy không thấy khói mà lửa lòng trung nghĩa vẫn ngấm ngầm nhen mãi. Sang năm Ất Vị [1895], các ông Cần vương xuất dương như ông Tán Quýnh, ông Lãnh Hưng (Ngô Quảng), ông Đề Đạt (Cao Đạt) lại trở về, kế tiếp công cuộc rửa nhục đất nước”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2008, 09:04:45 pm »


II
LÊ NINH
VÀ PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG HÀ TĨNH


Lê Ninh lên Sơn phòng đón xa giá tháng (9-1885)

“… Khi giá đến Sơn phòng thì chỉ còn độ 500 quân, Đức Hàm Nghi ngự trong một cái võng, ông tả quân Trần [Xuân] Soạn đi một con ngựa bạch, các quan tùy tùng văn võ cũng độ vài chục người. Quan chánh sứ Sơn phòng là Nguyễn Chính đem các quan và các thân hào ứng nghĩa ra bái mạng (...).

“… Phong cho ông Lê Ninh làm Tĩnh thứ Tán lý Quân vụ, ông Lê Diên làm Đốc vận quân lương, ông Lê Phác làm Phó Đề đốc, ông Phó bảng Hạnh làm Lãnh binh.

“Ở Hương thứ (Hương Sơn), ông phó bảng Hạnh mộ được 500 quân, ở Thái thứ (Đông Thái), ông Phan Đình Phùng mộ được 100 quân, ở Lễ thứ ông Lê Ninh mộ được 4 đạo quân, mỗi đạo 500 người.


Lê Ninh hạ thành Hà Tĩnh (tháng 11-1885)

“Ông Tôn Thất Thuyết thấy 4 đạo quân của ông Tán Ninh [Lê Ninh] rất chỉnh tề, tướng tá hùng dũng, bèn tâu Vua sắc cho ông Lê Ninh đem quân về lấy thành Hà Tĩnh và bắt Bố chánh Lê Đại đem lên nạp tại Sơn phòng. Lúc này, quan Bố chánh thủ hiến Hà Tĩnh là ông Lê Đại, án sát là ông Dương Thanh, Thương biện là ông Lê Kinh Hạp...

“Ông Lê Đại tiếp được tờ mật tri của Bộ nói về việc cải Hàm Nghi nguyên niên làm Đồng Khánh nguyên niên, bắt đầu từ tháng 6 Ất Dậu [1885] và sức cho tỉnh hẹn khi nào giá vua Hàm Nghi ra Hà Tĩnh thì đem quân ra hiếp giá đem về. Khi ấy ông Lê Đại trở lại theo chính phủ mới, đem việc ra bàn với quan Lãnh binh Tôn Thất Bá, bảo phải đem một đội quân lên giáp Ai Lao, khi nào giá vua Hàm Nghi đến thì uy hiếp đem về. Ông Tôn Thất Bá một lòng trung thành, không nghe lời quan Bố, bèn phái quan Phó Lãnh Trần Mỹ đem quân đi đón giá, dặn rằng khi giá đến Sơn phòng thì trước hết đem việc ông Bố Đại làm phản tâu lên. Vì vậy, ông Tôn Thất Thuyết tâu vua hạ sắc lệnh bắt ông Bố Đại và cách chức quan án sát Dương Thanh và quan Thương biện Lê Kinh Hạp.

“Nhận được chỉ văn cho về lấy tỉnh thành Hà Tĩnh, ông Lê Ninh bèn kéo bản bộ binh mã về Trung Lễ, sửa soạn lương thực hẹn ngày tiến phát. Ngày mồng 2 tháng 10 Ất Dậu, ông Lê Ninh đem quân bản bộ 2000 người cùng sai phu tải lương thực. Đi với ông có hai em ruột là Lê Diên và Lê Phác. Đến sáng mồng 6, quân của ông đã kéo vào đến tỉnh. Trong thành, quan Bố nghe tin đã sắp đặt việc kháng bị, bắn súng đại bác và súng tay để ngăn chặn. Quan Bố tự ra đứng dưới cột cờ chỉ huy, giữ cửa Tiền, cửa Hữu, còn cửa Hậu giao cho Lãnh binh Tôn Thất Bá.

“Nào ngờ quan Lãnh là người trung nghĩa, thấy lá cờ “Cần vương phụng chỉ” bay phấp phới ngoài thành, bèn mở hai cánh cửa cho quân Cần vương tràn vào. Lúc này quan Bố vẫn đang chống cự trước cửa tiền vẫn không hay biết, bỗng nhiên thấy một đạo quân ào tới trói lại. Nguyên do là: khi vào hạ thành, ông Lê Ninh đã sắp đặt một đội quân, gọi là đội thân binh, gồm toàn “tinh binh” của tỉnh về hạ ban. Quân ấy ăn mặc y hệt lính tỉnh, do hai viên Hiệp quản là Nguyễn Dương và Lê Hoạt chỉ suất (ông Lê Hoạt, tức Hiệp Hoạt, người Trung Lễ, võ nghệ rất giỏi và là người đồng tông với ông Lê Ninh, nên ông cho làm Hiệp quản).

“Khi đội quân ấy vào trong thành rồi mà quan Bố vẫn tưởng là quân mình, cho nên họ đến sát bên cạnh mà ngài không biết, chỉ nghe một tiếng hô như sét, rồi ngài bị trói, tiếp theo là tiếng hô “Hàm Nghi vạn tuế” và “Phụng chỉ Cần vương “ dậy một phương trời. Tiếng súng chống cự im bặt, rồi trở lại bắn theo lối “khánh hạ” [chào mừng]. Nhìn lên kỳ đài đã thấy ngọn cờ “Cần vương” bay phấp phới. Tiếng ống gọi [ống loa] và tiếng trống giục quân vang một phương trời. Quân “thân binh” giải quan Bố đến đại đinh. Ông Tán Lê Ninh nghĩ rằng quan Bố là một ông quan Tam phẩm, không nỡ giải lên Sơn phòng chịu hình phạt đau đớn, bèn cho ông được uống thuốc độc tự tử.

“Được dăm hôm, quan Bố mới là Phan Quang Cự, quan án là Nguyễn Hợp, quan Thương biện là Nguyễn Cao Đôn đến nhậm chức. Tỉnh thành trở lại ổn định như thường. Quân Cần vương đóng ở tỉnh độ 15 ngày rồi lại kéo về Trung Lễ. Đó là võ công thứ nhất của quân Lễ thứ vậy.

“Ông Tán Ninh làm xong phận sự lại lên Sơn phòng bái mạng. Vua Hàm Nghi thưởng cho 10 lạng vàng và một kim khánh, lại sắc cho ông về trấn thủ Trung Lễ để sửa soạn việc tiến ra Nghệ An...


“Bình Tây sát tả”, một sai lầm của Chiếu Cần vương

“... Hồi đó, ông Phan Đình Phùng vẫn đóng quân ở Đông Thái. Vâng theo đạo sắc lịnh “Bình giáo”, ông Phan tâu lên Sơn phòng rằng: ở hạt Hà Tĩnh, mấy ông linh mục không chỉ việc truyền giáo mà thôi, mà lại làm nội công cho quân đội Pháp nữa; ông xin bắt mấy linh mục cho khỏi ngại về sau. Vua Hàm Nghi bèn sắc cho ông về “Bình giáo”. Ông bèn đem bản bộ binh mã, và ông Phó bảng Hạnh ở Hương Sơn cũng kéo xuống giúp sức, xuống đột phá hạt Thọ Ninh, Thọ Tường. Mấy ông linh mục Pháp thấy sự nguy cấp, bèn hợp lại một nơi để tổ chức việc tự vệ. Quân ông Phan và ông Hạnh đánh phủ không nổi, bèn tâu lên Sơn phòng xin đem quân ông Lê Ninh ra hợp lực. Vua bèn sắc cho ông Lê Ninh đem quân ra “Bình giáo”.

Các vị linh mục nghe tin ông Lê Ninh sắp sửa xuất quân, cho là sự nguy cấp đến nơi, bèn sai người đem thư ra Nghệ cầu cứu viên đốc quản Pháp đóng ở tỉnh Nghệ. Khi ấy quân đội Pháp đã đổ bộ lên đóng ở tỉnh Nghệ rồi. Quân ông Lê Ninh đánh phá rất gấp và đã độ hà sang vây Yên Phú, Thọ Ninh, Thọ Tường. Các ông linh mục Pháp chỉ hi vọng sống từng giờ từng phút nữa thôi và đã xưng tội cuối cùng rồi. Nào ngờ giữa sông xuất hiện nhiều thuyền chạy sôi nước lên sùng sục và tiếng kêu ầm ầm, quân tuần giang chưa hiểu gì cả; rồi thấy trong thuyền toàn là người mặc mấn [váy] và đội mạo [mũ] đỏ, rồi thấy súng bắn lên như mưa, súng bắn lên đến nỗi tre các vườn đều gãy ngọn cả, và mía ngoài đồng không còn cây nào đứng giữa vườn. Đó là lần đầu quân Cần vương tiếp xúc với quân Phi châu của Pháp do 5 chiếc xà-lúp ở Nghệ chở lên. Quân ta bị thương rất nhiều, súng điểu thương đoản mạ và cò máy đá không thể chống lại với súng cà-la-đinh của quân Pháp. Quân ta chống không nổi đều chạy toán loạn cả ra. Ông Phan Đình Phùng và ông Phó bảng Hạnh chạy lên Hương Sơn, ông Lê Ninh lui về Trung Lễ.

Khi ấy, một số người giáo hợp với quân đội Pháp kéo lên thiêu phá làng Đông Thái (làng ông Phan Đình Phùng); ông Phan lại lên đóng ở Hương Sơn. Quân đội Pháp lại kéo vào Trung Lễ. Quân Lễ thứ có kháng chiến độ ba giờ đồng hồ rồi rút lui vào đóng tại làng Tràng Lưu (Lai Thạch, Can Lộc). Trung Lễ cũng bị tàn phá.

Giáo dân khi ấy trong hạt Hà Tĩnh ở mạn Bắc thì hợp tại Thọ Ninh ở mạn trong thì hợp tại Trại Lệ (Can Lộc). Lúc này ở Trại Lệ cũng có cuộc lưu huyết. Quân quan Tế ở Kiệt Thạch (Can Lộc) cũng kéo vào đánh phá Trại Lệ. Ngài cũng phụng chỉ mộ quân, mộ được 200 người, cũng theo đạo sắc lịnh “Bình giáo” cho nên ngài vào đánh Trại Lệ. Trận ấy, ngài có một ông con đầu là ông Cử Vinh tử trận. Sau cuộc thất bại ấy ngài bèn ra thú rồi đem toàn gia vào lánh ở Quảng Nam.

Ngày 26 tháng 11 năm Ất Dậu, quân đội Pháp kéo vào Hà Tĩnh, quan Thương biện Nguyễn Cao Đôn có đem quân ra kháng ngự, giao chiến độ một giờ đồng hồ rồi rút lui về đóng ở Phất Nạo (Thạch Hà). Quân Pháp bèn tiến vào đóng ở phủ Thạch Hà độ một chủ nhật rồi mới kéo ra tỉnh...”


Lê Ninh sang Lào mộ quân cờ đen

“… Sau khi chiếm đóng tỉnh thành [Hà Tĩnh], quân đội Pháp lại tiến lên Hương Khê. Nghe tin quân Pháp lên, ông Nguyễn Chính (Sơn phòng Chánh sứ) bèn đốt phủ Sơn phòng và đem quân đi nghinh tiếp quân đội Pháp. Người Pháp bèn đem ông Chính về lãnh tổng đốc An - Tĩnh.

“Nghe tin Sơn phòng thất thủ, xa giá ở Xuân Lạng phải dời vào Thanh Lạng. Quân Pháp lúc ấy nhứt diện (một mặt) đi theo hiếp giá, nhứt diện đi đánh đuổi quân Cần vương. Quân Pháp theo giá vào Tân Ấp bị quân thiện xạ mai phục dùng tên độc bắn ra, bị thương và chết rất nhiều cho nên phải lui về đóng tại Sơn phòng. Quân Cần vương, mỗi thiếu thứ và trưởng thứ nhiều phen thất bại. Ông Phan Đình Phùng và Đinh Nho Hạnh phải nhiều trận gian nan. Lòng trung nghĩa của nhân dân, hồn chiến đấu của quân sĩ ngày một giảm. Không bao lâu, ông Hạnh bị bệnh mất...

“Quân Lễ thứ tuy đông hơn và mạnh hơn, song cũng chịu chung một số phận. Ông Lê Ninh biết sự khó thành, bèn mạo hiểm lên giáp Trấn Ninh mộ một đội quân Cờ Đen. Quân ấy là quân ông Lưu Vĩnh Phúc sót lại, không chịu về Tàu, rồi từ Bắc Kỳ kéo vào, định phá tỉnh Trấn Ninh. Đội quân ấy còn lại độ 120 người, do hai viên tướng Liêu và Bạch chỉ huy. Hai tướng ấy ứng lời chiêu mộ của ông Ninh, bèn theo về đóng tại hạt Nam Đàn... (sau khi ông Lê Ninh mất [15-12- 1887], thanh thế quân Tĩnh thứ giảm đi nhiều, đội quân Cờ Đen có giao chiến với quân Pháp ở Thịnh Xá (Hương Sơn) song không được thắng lợi gì, rồi họ biệt quân Cần vương ta, kéo thẳng lên Xiêm La...)”


Thắng trận ở Nam Đàn

“… Nghe tin ông Ninh tập trung quân đội ở Thanh Chương, Nam Đàn mưu việc thu phục Nghệ An, quân đội Pháp và quân tinh binh tỉnh Nghệ do ông Lãnh Duật chỉ huy, tiến lên Nam Đàn. Quân Lễ thứ dùng lối tập công và giáp lá cà, giết hại được quân địch rất nhiều và bắt sống được Lãnh Duật. Trận đánh ở Trúc Liêu này diễn ra suốt một đêm trường và thu được ít nhiều thắng lợi. Đó là võ công thứ hai của quân Lễ thứ vậy...


Lê Ninh mất [12-1887]

“… Ít lâu sau trận thắng ở Nam Đàn, chẳng may ông Ninh bị bệnh mất tại Thanh Chương. Quân Cờ Đen và quân bản bộ của ông đưa linh cữu ông về Trung Lễ an táng. Kế đó người em ruột của ông là ông Lê Diên cũng bị bệnh mất, binh quyền Lễ thứ giao cho ông Lê Phác (em thứ ba của ông Lê Ninh). Ở hành tại cũng đã phong cho ông Lê Năng (anh em họ với ông Lê Ninh) làm Tĩnh thứ Tán lý quân vụ, thay ông Ninh...”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2008, 09:07:45 pm »


III
CAO THẮNG – THỦ LĨNH XUẤT SẮC
TRONG PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG HÀ TĨNH


Cao Đạt về nước gặp Cao Thắng

“ Lúc bấy giờ trong thầy tớ tòng vong của ông Tôn Thất Thuyết có ông Cao Đạt người ở Tình Di, huyện Hương Sơn. Thấy sự ngoại viện không thể trông cậy được, ông bèn về nước triệu tập bạn bè cũ lại. Ông bèn tìm được ông Cao Tất Thắng, người làng Yên Đức, tổng Yên Ấp, huyện Hương Sơn, ông Nguyễn Chanh (tức Nguyễn Dật), Nguyễn Hương (tức Nguyễn Trạch) hai anh em ruột, người làng Gia Hanh, huyện Can Lộc, ông Lê Trực là em ruột của ông Lê Ninh; bèn triệu tập một kỳ hội nghị quan trọng về công cuộc tái khỉ (khởi)...”


Chế tạo súng kiểu Tây

“… Các ông đều công nhận rằng: nếu không có dương pháo và quân đội không luyện tập theo lối mới của các nước Âu Mỹ thì không sao có thể duy trì được, dẫu có lòng trung nghĩa hi sinh cũng vô ích. Muốn cho sự tái khỉ (khởi) được mau chóng, ông Đạt và ông Thắng bèn tìm kế hoạch để đoạt một ít chục khẩu súng Tây.

“… Lúc bấy giờ ở Hà Trại thuộc huyện Hương Sơn, người Tây mới đóng một cái đồn tạm, chưa có hào lũy gì kiên cố. Hai ông bèn định kế đánh chụp cái đồn ấy để cướp súng. Đoạn rồi hai ông hợp 40 người can đảm, đều đeo đoản kiếm, đi theo đường núi đến Hà Trại. Nhân khi trời tối, các ông đâm chết ngay người lính gác rồi ào vào đồn cướp súng, xuất kỳ bất ý, quân trong đồn không kịp kháng cự và không biết thực hư thế nào, đều bỏ chạy tan tác vào rừng, bị thương và chết hơn 10 người. Hai ông lấy được 24 khẩu súng và một số đạn dược. Đó là công việc khi bắt đầu tái khởi, vào năm Mậu Tý [1888], tức là năm Thành Thái nguyên niên vậy.

“Ở Can Lộc, ông Chanh, ông Trạch (tức Lãnh Hương) cũng theo cách như ở Hương Sơn, cũng dùng thủ đoạn giống như thế để lấy súng. Nhân khi có một đội lính khố xanh đi tuần ở làng Hốt (xã Lai Thạch) rồi đóng nghỉ ở làng ấy, các ông đem một đội thủ hạ 20 người, thủ đoản đao trong mình, ăn mặc theo lối nhà quê, trà trộn làm phu làng đến hầu hạ và nấu ăn cho đội lính ấy. Nhân khi lính đang ăn uống say sưa, hai ông và thủ hạ xông vào cướp lấy súng và đạn, dùng đoản đao đâm chết 17 người lính, chỉ còn một người thoát khỏi nạn ấy mà thôi.

“Thế là quân Hương Sơn đã có 24 khẩu súng Tây, quân Can Lộc được 18 khẩu, còn đội quân của ông Lê Trực ở Trung Lễ thì chỉ có 12 khẩu súng Tây (đó là số súng năm Ất Dậu ông Lê Ninh vào hạ thành Hà Tĩnh lấy được 24 khẩu súng Tây, trong số 1000 khẩu do chính phủ Pháp tặng cho vua Tự Đức sau khi ký hiệp ước nhượng Nam Kỳ). Sau khi ông Lê Ninh mất và quân Cần vương Ất Dậu đều thất bại, ông Lê Trực chỉ giữ lại được 12 khẩu. Mặc dầu với một số khí giới nhỏ nhen, các ông đều dốc một lòng theo đuổi công cuộc, và nhờ có lòng trung ái của dân nên công cuộc vận động của các ông được kết quả nhanh chóng.

“Tuy không có học vấn sâu xa, song ông Cao Thắng là một người có thiên tài, có tinh thần chiến đấu và tinh thần chế tạo. Ông nhận thấy thiếu thốn khí giới thì không thể làm được đại sự. Ông bèn tìm cách chế tạo súng Tây. Ông sai người về làng Trung Lương (Can Lộc đòi 16 người thợ rèn lên núi, rồi ông tháo khẩu súng ra từng bộ phận, ông giao cho cứ hai người thợ rèn phải làm một bộ phận trong khẩu súng cho in [cho giống hệt] như thế, ông thân ra đốc công. Làm xong rồi lắp lại, không khác gì khẩu súng Tây.

“Song đến khi bắn thử thì lòng [nòng] súng bể [vỡ] ngay, vì rằng thợ rèn mình chưa có thể đúc sắt tốt làm lòng súng. Họ chỉ cuốn sắt lại làm lòng cho nên lòng súng không chịu nổi sức mạnh của hơi thuốc đạn. Sự không thành làm ông Thắng nản chí. Ông bèn nhờ ông Đạt sang Xiêm khảo cứu cách làm lòng súng và mua hột nổ, trong lúc ở nhà ông cứ hết sức bảo làm ra nhiều súng, chỉ trừ lòng súng thì phải đợi để tìm cách làm sao cho có hiệu quả.

“Ông Đạt sang Xiêm giao thiệp với nhiều nhà chuyên môn làm sắt của Hồng Mao [nước Anh]. Họ nói: Muốn làm lòng súng thì phải nấu thép và lọc lại cho kĩ rồi đổ vào khuôn, cuối cùng chỉ dùng đá đánh cho trơn nữa mà thôi. Theo cách đúc lòng súng như vậy thì người mình chưa thể làm được; ông Đạt bèn thú thiệt trình độ của sợ [thợ] mình chưa có thể đúc được sắt như vậy.

“Hồi này người Hồng Mao và người Pháp đang có nhiều sự bất hòa về vấn đề thuộc địa, cho nên có lẽ họ có lòng giúp mình. Họ bèn bày cho một cách, tuy không làm được mau chóng nhưng có thể làm được lòng súng tốt. Họ bày cho cách làm một cái lòng súng đặc bằng thép non, rồi lấy khoan bằng thép già khoan cho thành lòng súng, rồi sau tui [tôi] lại lòng súng cho già. Ông Đạt lấy làm mừng rỡ, bèn nhờ họ làm cho một ít lưỡi khoan cho đúng phân số lòng súng “ca-là-đinh” và mua thêm rất nhiều hạt nổ. Ông còn mua lại được vài chục khẩu súng lục và 10 khẩu súng trường tối tân, có thể nạp được 12 phát đạn. Ông hăm hở mong ngày đem chở về nước...

“Đem cách làm lòng súng thi hành thì có kết quả ngay, bắn thử rất tốt. Song chỉ bắn được có 6 phát thôi, bắn thêm nữa đạn không phát, là vì lò xo làm bằng gọng ô, bắn nóng lên thì nó hèn [yếu] đi, không có sức phá được hạt nổ, thành thử phải bắn từng hiệp 5, 6 phát rồi lại phải nghỉ một lúc cho súng nguội; khi cần bắn nhiều thì phải chế [rót] nước lạnh vào lò xo. Súng ấy tuy không được hoàn toàn song cũng có thể dùng được. Thâu ngày thâu đêm, các ông làm gấp được 500 khẩu.

“Từ khi chế được một ít súng, thanh thế quân Cần vương trong Nghệ Tĩnh ngày một bành trướng lên. Lúc bấy giờ các ông bàn với nhau rồi chia ra làm ba khu vực để làm ỷ dốc và tiện cho việc vận chuyển lương thực. Ông Cao Tất Thắng đổng lý khu vực thứ nhất gọi là Hương thứ, ông Trạch khu vực thứ nhì gọi là Can thứ, ông Lê Trực khu vực thứ ba gọi là Lễ thứ. Quân Hương thứ độ 600 người đóng tại núi Đại Ngàn, giáp với huyện Hương Khê, Hương Sơn. Quân Can thứ độ 500 người đóng tại sơn phận huyện Can Lộc, tổng Nga Khê. Quân Lễ thứ độ 300 người cũng đóng vào địa phận Can Lộc, giáp giới tổng Nga Khê và Lai Thạch.


Quân Pháp tăng cường đàn áp

“Vào khoảng Đồng Khánh tam niên [1889] và Thành Thái nguyên niên, trong hai hạt Nghệ Tĩnh, đối với chính phủ thì dùng  niên hiệu Thành Thái mà đối với Cần vương thì dùng niên hiệu Hàm Nghi; nạp ưthuế cho chính phủ bằng tiền bạc, mà nạp thuế cho các quan Cần vương thì bằng lúa. Dân Nghệ Tĩnh bấy giờ thật là tiều tụy; nhất là làng xã nào là quê quán các vị Cần vương hoặc là cho quân Cần vương trú ngụ đều bị tàn phá hết cả, người thì bị bắn hoặc chém, nhà thì bị đốt phá, thôn hiệu bị tước hủy. Như làng Yên Đức, Tình Di ở Hương Sơn sản xuất ra ông Cao Tất Thắng và ông Cao Đạt, làng Đông Thái, phủ Đức Thọ sản xuất ra ông Phan Đình Phùng, làng Lạc Thiện sản xuất ra anh em ông Lê Ninh, làng Trùng Hanh, Can Lộc sản xuất ra anh em ông Trạch...

“Dân tuy lầm than như thế mà vẫn đeo đuổi một lòng ủng hộ Cần vương. Khi ấy quan Công sứ Nghệ Tĩnh được quyền giám sát binh bị hai tỉnh và triều đình ta phong cho là Võ Vệ hầu, hiệu là quan công sứ Đô (tên Tây không được rõ). Ông Công sứ bèn dùng một số đông người thổ - trước cho làm Bang tá quân vụ; mấy người này am hiểu quen thuộc đường sá, phải hướng dẫn việc hành binh (...) Một phủ huyện đóng một cơ binh khố xanh, và một tổng lại đặt hai đến ba đồn nhỏ, mỗi đồn có một viên Bang tá. Chiến lược đó là cốt để cắt đứt đường giao thông và vận tải của quân Cần vương. Song nhờ có lòng ủng hộ của nhân dân, cho nên quân Cần vương vẫn được dễ dàng và thuận tiện về đường giao thông và vận tải...


Trận thắng đầu tiên

“Lần đầu tiên hai quân cơ của chính phủ tiến lên đánh ông Cao Thắng ở Hương Sơn không được chút thắng lợi gì, vì họ tưởng rằng quân Cần vương năm Kỷ Sửu này [1889] cũng chẳng khác gì quân hồi Ất Dậu [1885]. Nào ngờ quân Cần vương ngày nay có khí giới tối tân và luyện tập theo lối Âu Mỹ.

“Hai bên tiếp xúc nhau đầu tiên tại địa phận xã Tĩnh Di. Ông Cao Tất Thắng đánh thế thủ, quân sĩ mai phục dưới một cái hào theo thế “trường xà” và chỉ bắn lên dăm ba phát súng khi mới giao chiến. Quân chính phủ bắn vào như mưa suốt 6 tiếng đồng hồ, từ 7 giờ sáng cho đến 1 giờ chiều, quân Cần vương không hề bắn lại. Nghe ít tiếng súng nổ, họ cho rằng quân địch có ít súng chỉ có giáo mác nhiều mà thôi, nên họ bèn tiến sâu vào trận địa quân địch.

“Thấy quân ngoài đã tiến vào gần trận địa, quân Cần vương lại bắn ra dăm phát súng để khiêu địch, lập tức ngoài này lại trả lời bằng một vài giờ mưa đạn. Họ bắn đến nỗi tre gỗ trong làng không còn một cơn [cây] nào hoàn toàn, và ruộng khoai ngoài đồng không còn ruộng nào có lá nữa. Mặc dù bắn nhiều, mũi thiên - oai kia cũng không thể nào chui xuống dưới hào quân Cần vương mai phục.

“Đến ngoại 4 giờ chiều, ông Cao thấy quân địch có chiều mệt mỏi và có ý khinh thường, ông dàn quân ra mai phục giữa rãnh đồng khoai. Tuy vậy, dù đối diện nhau cũng không thể bắn xuyên qua vồng khoai. Ông Cao bèn lấy một đội quân tinh nhuệ lui ra khỏi tầm đạn của địch, đi vòng ra phía cạnh sườn bên phải của quân địch rồi vòng vào rất kín đáo. Quân đội của chính phủ đương khi bất ý nghe súng liên thanh đổ dồn vào cạnh sườn mình, nghe tiếng nổ hình như ở bên lỗ tai. Đột nhiên, tiếng người kêu cứu, tiếng người rên thở rầm rị cả lên. Quân chính phủ bị thương rất nhiều, tính cả chết và bị thương hơn 50 người. Quân sĩ lộn xộn, hồn chiến đấu không còn; thấy vậy các viên mẫu binh [sĩ quan người Pháp] cho lính thổi kèn lui quân. Muốn lui đã sẵn, lại nghe giọng kèn, quân sĩ vội vàng tháo lui chẳng theo hàng lớp gì. Thấy quân địch lộn xộn rút lui thì quân ở trận tuyến chính cũng nhảy lên tấn công. Đạn ở mặt trước bắn sang và ở mặt sườn bắn lại, hai bên đều giáp công, quân chính phủ rút lui rất vất vả.

“Vì có trận đánh này cho nên mấy người mẫu binh Tây đều cho rằng quân của ông Cao đã luyện tập theo lối Âu Mỹ và quân sĩ có một số khí giới mới đáng lưu tâm. Nhờ có trận đánh đó, lòng sốt sắng của nhân dân lại hưởng ứng lên nhiều và danh tiếng ông Cao cũng thêm lừng lẫy...”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2008, 09:22:58 pm »


Chỉnh đốn tổ chức nghĩa quân

“… Quân Can thứ, Lễ thứ cũng đều theo gương quân Hương thứ mà tổ chức quân binh theo lối mới cả. Quân lính đều ăn mặc như nhau, áo quần đen, chân vấn xà-cạp, đầu đội nón chóp con bọc vải, lưng mang nịt đạn và lưỡi lê. Nhưng vì súng ống chưa đủ, cho nên quân thứ nào cũng hãy còn một đội mang gươm trường hoặc mã tấu để chờ khi đánh giáp nhau hoặc đột kích. Súng ống tuy mỗi ngày một làm thêm, song cũng không được bao nhiêu, vì rằng số lượng tiền cung cấp trong hai tỉnh họa may là vừa đủ quân nhu, không còn tiền bạc đâu mà mua khí giới cho nhiều.

“Đoạn rồi các quan Cần vương mở một kỳ đại hội nghị để thảo luận về bản chương trình kháng chiến. Bèn phụng chỉ vắng mặt suy tôn nhau lên để đặt trật tự trong quân ngũ:

Tôn ông Cao Thắng làm Hương thứ Đổng nhung; ông Cao Đạt làm Hương thứ Lãnh binh; ông Cao Tất Quý (em ruột ông Cao Thắng) làm Phó Lãnh binh, ông Ngô Quảng làm Tác vi Phó Lãnh binh..., một ban võ quan độ 15 người đều thuộc quyền ông Đổng nhung Cao Tất Thắng.

Tôn ông Nguyễn Trạch ở Can thứ làm Chánh Lãnh binh, ông Chanh làm Phó Lãnh binh và một ban võ quan độ 10 người đặt dưới quyền ông Lãnh Trạeh.

Còn ở Lễ thứ thì tôn ông Lê Nang làm Tán lý Quân vụ, ông Lê Trực làm Thương biện Quân vụ, ông Trần Cấp làm Lãnh binh, một ban võ quan độ 10 người đều đặt dưới quyền hai ông văn quan Lê Nang và Lê Trực.

“Thứ nào tuy có người chủ trương thứ ấy, song chưa có một người chủ trương toàn thể; bấy giờ các quan nghị luận phân vân về việc này. Vả lại thấy văn thân như cụ Phan Quang Cự, Phan Trọng Mưu đều đã ra đầu thú cả rồi, khó tìm được một ông văn thân có danh vọng để suy tôn làm minh chúa... Lúc ấy, ông Tám Nang và các ông ở Lễ thứ bàn định với các quan văn thân toàn hạt, để mời cụ Phan Đình Phùng về làm chủ, điều đó được toàn thể hoan nghinh...”


Trận đánh ở Yên Vượng [?]

“Cụ Phan [vừa ở Bắc trở về] đóng tại Yên Vượng được hai ngày, bỗng có tin báo quân địch do ba đường tiến vào; đạo thứ nhất từ Khiêm Ích tiến ra, đạo thứ hai từ Linh Cảm tiến xuống, đạo thứ ba từ các đồn nhỏ Hữu Chế, Đông Khê, Trung Lễ tiến vào. Ba đạo quân ấy ước độ 1500 người. Cụ Phan bàn với các quan lui quân vào sơn phận, nhất là tránh sự tàn phá giữa dân gian, hai là được lợi về địa hiểm.

“Ông Cao Tất Thắng, ông Trạch đều xin Cụ cho phép đánh một trận giữa bình nguyên để tỏ cho quân địch hiểu lực lượng của quân Cần vương ra thế nào và để an ủi lòng trung nghĩa của nhân dân chờ đợi đến ngày toàn thắng. Được lịnh, các quan bèn sai một viên kiện tướng và 200 quân rước Cụ vào sơn phận, còn quân ba thứ chia làm ba đạo ra nghinh địch.

“Đây là lần thứ hai, đại quân Cần vương sắp sửa tiếp xúc với quân Bảo hộ. Lần này, quân Bảo hộ không dám khinh thường, họ tiến rất cẩn thận. Theo chiến lược của ông Chưởng Cao [Cao Thắng], thì quân ba thứ phải ra nghinh địch trước, và lập ra trận thế vững vàng để khiến cho ba đạo quân địch phải tiến công trước khi liên lạc được với nhau. Lần thứ nhất, Hương thứ lập thế công thì Can thứ, Lễ thứ giữ thế thủ, mặc dầu quân địch có tấn công dữ dội đến mức nào.

“Ông Chưởng Cao thân ra đốc chiến trước mặt trận, ông phái ông Đề Đạt đem 100 quân khỏe mạnh tàng hình làm dân quê đi lánh nạn, mang tơi đội nón đi vòng ra phía sau trận địa quân địch, sẽ xuất kỳ bất ý đánh chụp vào nơi quân địch để lương thực đạn dược, rồi cướp lấy hết quân nhu của địch, khiến cho quân địch thiếu đạn dược thì không có thể đánh được lâu. Chiến lược ấy rất có hiệu quả. Trong khi quân hai bên đang đánh nhau dữ dội, quân địch ba mặt đều tiến công, còn quân Cần vương thì chỉ có đạo quân Hương thứ lập thế công mà thôi. Bắn nhau dữ dội, đến nỗi khói đạn tỏa ra túi [tối] như trời ban đêm, cách nhau 20 mét không thấy rõ mặt người.

Cuộc tấn công bắt đầu từ 7 giờ sáng, đến 3 giờ chiều bỗng nhiên thấy tiếng súng bắn phía sau trận địa quân địch và khói đen bay lên nghi ngút. Nguyên là ông Đề Đạt đem quân tàng hình đánh chụp vào nơi để lương thực và đạn dược của quân địch. Quân địch giữ ở đó cũng ước độ 100 người, song bị đánh bất ý không thể sao địch nổi thế đánh đột kích của quân võ sanh, phải bỏ chạy tán loạn, bỏ lại đến hai phần quân nhu trước trận địa. Nghe sung bắn phía sau đồn lương thực và thấy khói lửa bốc lên nghi ngút, quân Bảo hộ lập tức sai người về cứu viện, nhưng về chưa đến nơi thì đã bị quân của ông Đề Đạt chẹn đánh. Thấy quân nhu mất hết, biết sự duy trì không lâu được, và muốn tránh cho khỏi sự bao vây, viên mẫu binh các đạo quân Bảo hộ phải hạ lệnh cho quân sĩ lui về phía tả dực để tránh khỏi làn đạn trước sau bắn lại.

“Thấy quân địch đã núng thế, ông Chưởng Cao bèn ra lệnh cho quân sĩ quay về phía hữu dực để tấn công quân địch đang rút lui rất gấp. Đến khi đạo quân địch đã rút lui được xa, quân Hương thứ lại lui về hợp sức với quân Can thứ để tấn công đạo quân thứ nhì. Đạo quân này tấn công từ khi sáng đến 5 giờ chiều không có hiệu quả gì cả, nay lại bị quân hai thứ phản công, không thể sao địch nổi. Vả lại nghe nhân dân phía sau trận địa xôn xao bàn bạc với nhau rằng: đạo quân thứ nhất của Bảo hộ đều bị diệt cả rồi, lúc ấy hồn chiến đấu chẳng còn chút nào, bèn rút lui một cách không có trật tự. Nguyên là ông Chưởng Cao đã cho vài ba người đến các làng ở sau trận địa quân địch, phao ra những tin bất lợi để cho quân địch khiếp chiến. Đạo quân thứ hai rút lui lộn xộn như thế, thiệt hại rất nhiều.

“Đoạn rồi quân Hương thứ được lệnh nghỉ ngơi, còn quân Can thứ thì phải hợp sức với quân Lễ thứ để đánh đạo quân thứ ba. Đạo quân ấy tấn công từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối đã mệt nhọc nhiều rồi, bỗng nhiên lại bị hai đạo quân phản công, vả lại trời đã tối tăm rồi, chỉ sợ bị bao vây cả bốn mặt, họ vội vàng lui quân để tránh mấy sự nguy hiểm đó. Đạo quân ấy rút lui theo đường đại lộ và trong khi trời tối tăm cho nên không thiệt hại gì mấy.

“Kết cuộc trận ấy, quân Cần vương bị thương và chết mất 10 người, còn quân Bảo hộ thì chết và bị thương mất 50 người và mất một số thuốc đạn khá nhiều. Trận đánh thứ hai này tuy không được kết quả gì mấy, song để tỏ cho cụ Phan Đình Phùng biết rằng quân Cần vương ngày nay không phải như quân hồi Ất Dậu. Sau trận ấy rồi, quân ba thứ lại về ba nơi, còn tổng đại dinh của cụ Phan thì đóng tại xã Vụ Quang thuộc huyện Hương Khê bây giờ”.


Sắp xếp lại bộ chỉ huy nghĩa quân

“Các quan thân bèn làm lễ tôn cụ Phan lên làm minh chủ; và Cụ chỉ xin giữ chức cũ của Đức Hàm Nghi phong cho Cụ tại Sơn phòng Hương Khê: Phấn trung tướng quân, lĩnh Binh bộ Thượng thư, kiêm Nam - Bắc Bình di Quân vụ Đại thần. Cụ bèn nhiếp phong cho ông Cao Tất Thắng làm Chưởng vệ, đổng suất Hương thứ quân vụ, ông Cao Đạt làm Phó Đề đốc, ông Cao Tất Quý làm Chánh Lãnh binh, ông Nguyễn Khương (tức Trạch) làm Phó Đề đốc, đổng suất Can thứ quân vụ, ông Nguyễn Chanh làm Chánh Lãnh binh, con đầu ông Trạch là Nguyễn Hoan làm Tác vi Phó Lãnh binh, ông Lê Trực làm Thương biện quân vụ, đổng suất Lễ thứ, ông Trần Cấp làm Phó Lãnh binh, ông Trần Cát làm Tác vi Phó Lãnh binh, ông Thương Thuận làm Thạch thứ Thương biện quân vụ (ông người làng Ngụy Dương, Thạch Hà). Và từ Hiệp quản, suất đội trở xuống đều được gia phong cả”.


Trận đánh lớn ở Vụ Quang [năm 1892?]

Năm Thành Thái thứ tư [1892], chính phủ Bảo hộ đem đại quân lên tiến đánh cụ Phan. Một đạo từ Lào kéo xuống đánh ở phía sau Vụ Quang, một đạo tiến từ Hương Sơn, Hương Khê lên. Hai đạo quân ấy ước độ 3000 người, trong số đó chỉ có độ 300 người Pháp, còn lại toàn là người bản xứ. Họ tiến lên rất chậm và cẩn thận, mang theo lương thực, khí giới và thuốc đạn rất nhiều, có ý muốn kéo dài cuộc chinh phạt.

“Biết được tin quan trọng này, cụ Phan bèn mở một kỳ hội nghị khẩn cấp và triệu quân các thứ về Đại dinh. Kỳ hội nghị ấy cốt để bàn cách nghinh địch hay rút quân lên Ai Lao. Bấy giờ ông Cao Tất Thắng xin quyết ở lại nghinh địch, ông bèn hiến kế với cụ Phan như sau:

“Đắp ngang sông Vụ Quang thành một cái đập lớn, trên đập nước lên cao, rồi chặt gỗ và nứa mứt nhọn [vót nhọn] một đầu, thả lên trên đập rất nhiều, có độ hàng vạn cậy. Dưới đập nước phải cạn, lòi [lộ] dòng sông ra không khác gì một cái khe cạn. Hai bên bờ sông, cây cối và lau lách rất tốt, thì đặt toàn là bẫy lò ho (bẫy người sơn cước hay làm để bẫy hươu nai và heo rừng) và cắm thiệt nhiều dông [chông] theo hai bên bờ sông một quãng độ 4 kilômét; và mình mai phục mỗi bên bờ sông độ 300 quân, đợi khi nào quân địch lộn xộn thì khỉ (khởi) súng lên đánh đuổi. Lại phục một đội quân trên đập, thấy quân địch tiến hết vào quãng sông cạn thì phá đập cho nước xuống, nhất là đợi khi quân địch nghỉ ngơi hoặc ăn cơm. Quân địch bất ý bị nước ào xuống, thứ thì bị trôi, thứ thì bị mứt [dầu nhọn] gỗ đâm nhằm [đâm trúng], tất phải chạy lên hai bờ sông, chạy lên đó thì tất bị bẫy và dông của ta, lúc bấy giờ quân ta đuổi đánh, họ tất bị diệt. Còn quân ở Lào tiến xuống thì ta cho dăm bảy người thân tín trá xưng là người đi rừng làm nứa làm gỗ cách Vụ Quang độ dăm bảy chục cây số, khi quân địch đi đến đó, thế tất cũng sẽ bắt bọn người này dẫn đường đi Vụ Quang, đáng lẽ đi đường bộ ba ngày thì đem họ đi quanh đi quẩn cho đến 6, 7 ngày mới đến; khi đến gần Vụ Quang thì dẫn họ vào nơi mai phục hiểm trở của mình. Ta đem toàn quân ra chỗ mai phục, quân địch không chống lại nổi, tất cũng bị diệt. Mặt khác, ta đem một tiểu đội đi đóng ở phía sau trận địa của họ, đợi khi quân họ tháo về thì đánh cướp lấy quân nhu. Cứ như thế, đạo quân Pháp từ Hương Khê tiến lên theo đường sông tất phải bị diệt trước ba ngày thì đạo quân ở Lào mới xuống đến nơi. Một khi diệt được đạo quân ở mặt trước rồi, ta có thể đem toàn quân quay về đánh mặt sau. Cụ Phan cho rằng kế đó có thể có hiệu nghiệm, bèn ủy cho ông Cao làm Trận tiền đô Chỉ huy sứ để sắp xếp việc nghinh địch.

“Công việc xếp đặt xong đâu đó, quả như ông Cao dã liệu, quân Bảo hộ theo sông tiến lên, bình lương đều chở bằng thuyền. Thuyền lên hết nước [lên đến đoạn sông cạn nước] bèn đổ quân lên bộ, giữa sông khô ráo không có nước, ngờ rằng về tiết nắng nước sông cạn như thế, cứ theo sông tiến lên. Khi còn cách Vụ Quang độ 20 ki-lô-mét, trời đã gần túi [tối], quân Bảo hộ dừng lại nấu ăn, nghỉ ngơi để ngày mai tiến lên Vụ Quang.

“Đương khi bất ý, thấy nước giữa sông đổ xuống như thác, nứa gỗ đâm xuống như tên bắn, quân sĩ không kịp thu thập hành lý, thứ thì bị nước cuốn đi, thứ thì bị nứa gỗ đâm nhằm [trúng], thứ đóng ở gần bờ sông thì chạy lên núi, thứ lên hai bờ sông thì bị dông [chông] và bẫy đâm. Đương khi rối loạn như thế, bỗng thấy hai bên súng bắn như mưa, quân sĩ không còn hồn chiến đấu nữa, chỉ theo hai bên bờ sông tháo lui. Khi tháo chạy, số lính bị thương bị đạn không nhiều mà bị thương vì dông bẫy thì rất nhiều. Đạo quân 1500 người có lẽ không mấy người tránh khỏi bị thương, còn số chết phỏng chừng 100 người, quân nhu, khí cụ bị trôi mất nhiều.

“Đoạn rồi quân Cần vương quay lại mặt sau, sắp xếp vừa xong thì quân địch tiến đến nơi mai phục. Chỗ ấy rất hiểm, hai bên núi dốc, ở giữa có khe, quân chỉ đi leo bên mép khe mà thôi. Còn quân mai phục thì đóng nửa chừng đỉnh núi. Khi đạo quân Bảo hộ lọt vào chỗ ấy rồi, thì quân mai phục hai bên bắn nhào xuống, quân Bảo hộ miễn cưỡng bắn lại, song không có hiệu quả gì hết, vì đứng ở dưới móp [mép, bờ] khe bị cây cối che khuất, không thấy gì trên núi, chỉ thấy đạn trên núi bắn xuống như mưa.

“Viên mẫu binh thấy trận địa của mình rất nguy hiểm, bèn hạ lệnh cho quân lui ra để lập trận thế mới, nhưng việc lui ra không dễ dàng vì bị quân ta đánh đuổi theo rất gấp. Lui được một khúc thì lại nghe tiếng súng trong núi bắn ra, không hiểu vì sao quân ta lại lọt ra sau trận địa, không dám dừng quân, cứ việc tháo lui. Lui được một khúc nữa lại nghe tiếng súng trong núi bắn ra. Quân Bảo hộ nghĩ rằng quân địch đã chẹn hết đường tháo lui của mình, nhưng cũng cố lui thêm một khúc nữa rồi dừng lại lập trận tuyến xin quân cứu viện, nghĩ rằng đã cách xa quân địch.

“Nào ngờ quân Cần vương đã bọc nhíp ba mặt, ngay khi đạo ấy tiến vào thì đã bị mấy người dụ địch đem đi theo đường cong queo nguy hiểm, đến khi quân Cần vương đuổi theo thì mấy người này lại đi đường khác nên đã thoát ra được ở phía sau trận địa quân địch. Họ cũng đã trù nghĩ trước: khi lui đến một bãi lau lách rộng rãi, thế nào quân Bảo hộ cũng đóng tại đó để lập đồn lũy chờ quân cứu viện và đợi tin tức đạo quân mặt trước... Quả nhiên, khi rút quân đến đó, quân Bảo hộ dừng lại, định lập trận tuyến. Bỗng dưng thấy lửa bốc lên nghi ngút, theo chiều gió lửa bén theo lau lách, cháy lên rất mạnh, quân sĩ vội vàng ra chữa cháy; kế đó, tiếng súng ba bề bốn bên bắn lại như mưa, bấy giờ mới biết là trúng kế, phần thì bị lửa tấn công, phần thì bị quân ta giáp công sấp gấp, mà quân rút lui thì đã nhọc mệt, tâm thần không định, không thể nào chiến đấu được, chạy tán loạn, đội ngũ không còn chỉnh tề. Thêm nữa, trận cuối cùng này đã sâu vào đất Lào nhiều rồi, nên quân Cần vương không đuổi theo nữa. Đạo quân này không bị thiệt hại nhiều như đạo mặt trước, chỉ tử thương độ 60 người. Thế là trận tấn công của chính phủ [thực dân] không đem được chút kết quả gì mà lại có phần thiệt hại.


Cao Thắng hi sinh

“Sang năm Quý Tỵ [1893], cụ Phan Đình muốn lập một căn cứ ở Sơn..., tỉnh Nghệ An để cho rộng phạm vi và làm nơi dự trữ lương thực do tỉnh Nghệ cung cấp. Cụ bèn sai ông Đề Thắng đem một cánh kiện binh độ 300 người sang đánh các đồn quân ở hạt Thanh Chương. Ông Thắng ra đánh nhiều trận oanh liệt, quân các đồn bị nhiều trận thiệt hại. Rốt cuộc không may ông Thắng bị một viên đạn lạc xuyên qua phổi. Ông Đề Đạt và ông Ngô Quảng đem ông về đến đất Bạch Sơn thì ông tắt thở.

“Cụ Phan Đình được tin ông mất thương tiếc vô cùng. Cụ nói rằng thế là một cánh tay của Cụ bị cắt đứt. Từ khi ông Đề Thắng mất, thanh thế quân Cần vương giảm mất quá nửa. Cũng trong năm ấy, ông Lãnh Chanh tử trận tại Kỳ Anh, ông Thương Trực tử trận tại Lạc Thiện. Các ông Lãnh Cấp và Lãnh Cát cũng đều tử trận, các tướng lĩnh ngày một hao mòn, thanh thế cũng ngày một suy giảm.

(Theo Nguyễn Phan Quang:
Việt Nam Cận đại. Những sử liệu mới. Tập 2
Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998, tr.147-263)
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM