Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:06:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phan Đình Phùng - Cuộc đời và sự nghiệp  (Đọc 109300 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2008, 12:10:30 pm »


TIỀN BIÊN
Quyển 4


Lý Nam Việt Đế, niên hiệu Thiên Đức năm thứ nhất (544), Lý Bí, người Thái Bình, phủ Long Hưng, xƯng Nam Việt Vương, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân.

[tờ 19a] Long Hưng, tên đất, do nhà Trần đặt.

Thái Bình, nay ở xã Tử Đường huyện Thụy Anh phủ Thái Bình tỉnh Nam Định có đền thờ Lý Bí.

Vạn Xuân, nay ở xã Vạn Phúc huyện Thanh Trì tỉnh Hà Nội có hồ Vạn Xuân.


Nhà [Tiền] Lý, niên hiệu Thiên Đức năm thứ hai (545), nhà Lương sai Trần Bá Tiên mang quân hợp với quân của Dương Phiếu ở Tây Giang, đánh Lý Bí, Lý Bí chạy về Gia Ninh.

Tây Giang, cách nửa dặm về phía Tây của huyện Vĩnh Phúc phủ Quế Lâm của nhà Thanh.

Gia Ninh, vốn là đất huyện Mê Linh do nhà Hán đặt. Nhà Ngô phân lập thành huyện Gia Ninh, về sau giữ nguyên tên như thế.

Nhà Lý, niên hiệu Thiên Đức năm thứ 4 (547), Triệu Quang Phục trấn giữ ở Dạ Trạch.

Dạ Trạch, nay tại huyện Đông An phủ Khoái Châu, cũng gọi là đầm Nhất Dạ.


[tờ 19b] Triệu Việt Vương, năm thứ 2 (550), Trần Bá Tiên đánh Lý Thiên Bảo, Thiên Bảo chạy sang Ai Lao.

Ai Lao, tên nước. Theo Hậu Hán thư, người Di Ai Lao có tổ tiên ở Lao Sơn, về sau sinh trưởng mạnh, mới phân đặt tiểu vương, cư ấp san sát, phân tán tại các khe núi, có 99 bộ, với 6 Tù trưởng, đều có hiệu là Chiếu. Đến đời Đường họ Mông mới xưng là Nam Chiếu. Nước này phía Tây thông với Đại Tần, phía Nam thông với Giao Chỉ. Nay thuộc tỉnh Vân Nam.


Triệu Việt Vương, năm thứ 9 (557), vua cùng [Lý] Phật Tử phân địa giới ở châu Quân Thần, cho ở phía Tây của nước, Phật Tử dời đến thành Ô Diên.

Châu Quân Thần, nay thuộc địa phận hai xã Thượng Cát và Hạ Cát huyện Từ Liêm tỉnh Hà Nội.

Ô Diên, xưa là đất Giao Chỉ, do nhà Đường đặt, cùng Từ Liêm, Vũ Lập là ba huyện, thuộc Giao Chỉ. Nay ở xã Hạ Mỗ huyện Từ Liêm có đền thờ thần Bát Lang, có thể là Nhã Lang (Nhã Lang là con của Phật Tử).


[tờ 20a] Nhà Hậu Lý, năm thứ nhất (571), Lý Phật Tử đánh Triệu [Việt] Vương, Triệu Vương chạy đến cửa biển Đại Nha, nhậy xuống biển tự tử.

Cửa biển Đại Nha, nay thuộc cửa biển Liêu Hải huyện Đại An, nơi đó có đền thờ Triệu Vương.


Nhà Hậu Lý, năm thứ 32 (602), Nhà Tuỳ sai Thứ sử Qua Châu (Qua Châu thuộc đạo Sơn Nam của đời Đường) là Lưu Phương đánh [Lý] Phật Tử. Phật Tử chạy đến núi Đô Long thì xin hàng.

Núi Đô Long, theo Nhất thống chí của nhà Thanh, núi đó ở phủ Khánh Viễn, đời Đường thuộc An Nam quản có núi Đô Long. Thuộc niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ nhất (605), Dượng Đế nhà Tuỳ trao cho Lưu Phương chức Hành quân Tổng đốc đạo Hoan Châu, đánh nước Lâm Ấp, Phương cho quân vượt qua sông Chà Lê.

Hoan Châu, xưa là bộ Hoài Hoan; đời Tần thuộc Tượng Quận; nhà Hán thuộc quận Nhật Nam; nhà Lương đổi làm Đức Châu [tờ 20b]; đến niên hiệu Khai Hoàng (581-600) nhà Tùy, đổi làm Hoan Châu; đến niên hiệu Đại Nghiệp (605-616) nhà Tùy, đổi làm Nhật Nam; nhà Đường phục theo cũ đặt làm Hoan Châu; nhà Đinh, Lê giữ theo tên cũ như của nhà Đường; đến nhà Lý đổi là châu Nghệ An; nhà Trần đổi là trấn Lâm Giang; thời thuộc Minh lệ vào phủ Nghệ An và Diễn Châu; đến đời Quang Thuận (1460-1469) nhà Lê, đặt làm Nghệ An thừa tuyên. Nay là đất tỉnh Nghệ An.

Chà Lê, theo Thông giám tập lãm, chú sông này ở phía Bắc nước Chiêm Thành. Nay chưa rõ đích xác.


Thuộc Đường Cao Tông, niên hiệu Điều Lộ năm thứ nhất (679), nhà Đường đặt An Nam Đô hộ phủ, phủ lỵ ở Giao Châu, thống lãnh 12 châu, là Giao Châu, Lục Châu, Phong Châu, Ái Châu, Hoan Châu, Trường Châu, Phúc Lộc Châu, Thang Châu, Chi Châu, Vũ Nga Châu, Diễn Châu (nay vẫn theo tên cũ) và Vũ An Châu.

Theo Địa lý chí trong Đường thư: Giao Châu thống lãnh 8 huyện, là Tống Bình, Nam Định, Thái Bình, Giao Chỉ, Chu Diên, Long Biên, Bình Đạo và Vũ Bình.

Lục Châu, thững lãnh ba huyện, là Ô Lôi, Hoa Thanh và Ninh Hải.

Phong Châu, thống lãnh 5 huyện [tờ 21a], là Gia Ninh, Thừa Hóa, Tân Xương, Cao Sơn và Chu Lục.

Ái Châu, thống lãnh 6 huyện, là Cửu Chân, Yên Thuận, Sùng Bình, Quân Ninh, Nhật Nam và Trường Lâm.

Hoan Châu, thống lãnh 4 huyện, là Cửu Đức, Phố Dương, Việt Thường và Hoài Hoan.

Trường Châu, thống lãnh 4 huyện, là Văn Dương, Đồng Thái, Trường Sơn và Kỳ Thường.

Phúc Lộc Châu, thống lãnh ba huyện, là Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc.

Thang Châu, thống lãnh ba huyện, là Dương Tuyền, Lục Thủy và La Thiều.

Chi Châu, thống lãnh 7 huyện, là Hân Thành, Phú Xuyên, Bình Tây, Lạc Quang, Lạc Diễm, Đa Vân và Tư Long.

Vũ Nga Châu, thống lãnh 7 huyện, là Vũ Nga, Như Mã, Vũ Nghĩa, Vũ Di, Vũ Duyên, Vũ Lao và Lương Sơn.

Diễn Châu, thống lãnh 7 huyện, là Trung Nghĩa, Hoài Hoan, Long Trì, Tư Nông, Vũ Lang, Vũ Dung và Vũ Kim.

Vũ An Châu, thống lãnh hai huyện, là Vũ An, Lâm Giang.

Nay xét Lục Châu, xưa thuộc quận Ninh Hải, tức nay thuộc tỉnh Quảng Yên. [tờ 21b].

Chi Châu, xưa là bộ Tân Hưng, nay là tỉnh Hưng Hóa.

Thang Châu, xưa là bộ Vũ Định, nay là tỉnh Tuyên Quang.

Vũ Nga Châu, xưa là bộ Vũ Định, nay là tỉnh Thái Nguyên.

Xét như thế để thấy thời Hùng vương đã phân thành 15 bộ. Nguyễn Thiên Túng chú rằng: Thái Nguyên, Cao Bằng, xưa là bộ Vũ Định; Hưng Hóa, Tuyên Quang, xưa là bộ Tân Hưng, thì hơi khác, ngờ rằng Nguyễn Thiên Túng đã lầm.


Thuộc Đường Đại Tông, niên hiệu Đại Lịch năm thứ 2 (767), người Côn Luân và Chà Bà đến cướp, nhà Đường sai Kinh lược sứ là Trương Bá Nghi đánh phá được chúng. Đắp La Thành.

Theo Nam Man truyện trong Đường thư, Chà Bà là tên nước. Phía Đông, nước này tiếp giáp với Lục Chân Lạp, phía Tây tiếp giáp với Đông Thiên Trúc, phía Nam tiếp giáp biển, phía Bắc giáp Nam Chiếu, có 18 nước phụ thuộc. Lại có cả bộ Tiểu Côn Luân và Đại Côn Luân.

Theo Quận quốc lợi bệnh thư của Cố Viễm Vũ [tờ 22a], nước Côn Luân nằm về phía Nam của nước Lâm Ấp. Căn cứ vào đó thì nước Chà Bà rộng lớn, gồm cả nước Tiêm La và Miến Điện, duy nước này không có gì thống thuộc, tùy từng xứ mà xưng hùng trưởng, đều lấy việc cướp bóc làm nghiệp. Nay đã bị các nước thôn tính, những xứ Tất Lực, Hạ Liêu, Giang Lưu Ba và Ma Lục Giáp đều bị người Tây Dương chiếm cứ. Người ta còn gọi người bản thổ là Chà Bà. Côn Luân lại là thuộc quốc của nước này. Nay thuộc hải phận Vĩnh Long còn có đảo Đại Côn Luân và Tiểu Côn Luân, người dân Hán đến đây định cư làm ăn, đã được nhiều đời.

La Thành (theo biên chú vào niên hiệu Hàm Thông năm thứ 7 (866) thuộc Đường1, tức là Long Biên, do Trương Bá Nghi đời Đường đắp, Triệu Xương, Lý Nguyên Gia và Cao Biền tu sửa. Bên ngoài thành có sông Tô Lịch. Trước đây có người tên là Tô Lịch sinh sống ở đây, nên mới đặt tên sông như thế.


[tờ 22b] Thuộc Đường Kính Tông, niên hiệu Bảo Lịch năm thứ nhất (825), dời phủ ly đô hộ đến Tống Bình.

Tống Bình, là huyện Long Biên thời Hán, đầu thời Lưu Tống tách đặt làm huyện Tống Bình, đến đời Tùy thuộc vào Giao Châu, nhà Đường giữ nguyên theo nhà Tùy. Theo Nhất thống chí của nhà Thanh, huyện Tống Bình xưa thuộc vào Giao Châu, có thành cũ là Doanh (nay thuộc địa phận huyện Siêu Loại tỉnh Bắc Ninh), cách phía Tây của huyện 75 dặm.


Thuộc Đường Tuyên Tông, niên hiệu Đại Trung thứ 12 (858), nước Chiêm Thành và Chân Lạp nối lại việc đi sứ, trả lại dân bị cướp trước đây.

Chiêm Thành, đã chú ở phần thuộc Hùng vương.

Chân Lạp, ở phía Nam của Lâm Ấp. Theo Đường thư, Chân Lạp còn có tên là Cát Miệt, vốn thuộc quốc của Phù Nam, sau đời Thần Long (705-706) đời Đường, chia làm 2, nửa về phía Bắc có nhiều núi đồi, gọi là Lục Chân Lạp, tức nay thuộc Cao Man; nửa còn lại về phía Nam giáp biển, có nhiều hồ đầm, gọi là Thủy Chân Lạp, nay là 6 tỉnh Nam Kỳ.
______________________________________
1. Nguyên bản của dòng lưỡng cước chú này ghi: “Nguyên biên chú tại thuộc Đường Hàm Thông nguyên niên” là nhầm, vì năm này (860) chưa xảy ra sự kiện Cao Biền tu bổ La Thành. Chúng tôi sửa lại như trên cho hợp với sự kiện ghi trong chính sử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2008, 12:21:30 pm »


TIỀN BIÊN
Quyển 5 [tờ 23a]


Thủ lĩnh người Man của Nam Chiếu là Tù Long thăng chức cho Đoàn Tù Thiên làm Tiết độ sứ ở Thiện Xiển.

Thiện Xiển, theo Nam Man truyện trong Đường thư: Thiện Xiển, là một kinh đô của Nam Chiếu, ở Về phía Tây Bắc của Giao Chỉ.


Thuộc Đường Chiêu Tuyên đế, niên hiệu Thiên Hựu năm thứ 3 (906), nhà Đường sai Khúc Thừa Dụ, người Hồng Châu, lĩnh chức Tiết độ sứ.

Hồng Châu, thời Lê là hai phủ Thượng Hồng và Hạ Hồng, nay thuộc hai phủ Bình Giang và Ninh Giang của tỉnh Hải Dương.


Thuộc Tấn Cao Tổ, niên hiệu Thiên Phúc năm thứ 3 (938), Ngô chúa Quyền [Ngô Quyền], đánh Hoằng Tháo, con của chúa Nam Hán ở sông Bạch Đằng.

Sông Bạch Đằng, xuất phát từ sông Lục Đầu của tỉnh Bắc Ninh, chảy đến xã Đoan Lễ, gọi là sông Bạch Đằng. Phía Nam sông giáp địa giới của huyện Thủy Đường tỉnh Hải Dương [tờ 23b]. Phía Bắc giáp địa giới huyện Yên Hưng của tỉnh Quảng Yên. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi: [sông này] còn có tên là Vân Cừ, rộng hơn hai dặm, có nhiều núi dựng đứng và nhiều sông giao nhau, sóng cồn giáp trời, hai bên bờ cây cối um tùm, thực là nơi hiểm yếu về đường biển. Trước là Ngô chúa Quyền đánh bại Hoằng Tháo, sau đến Hưng Đạo Vương đời Trần đánh bại quân Nguyên ở sông này.


Nam Tấn Vương nhà Ngô, năm thứ nhất (951), Đinh Bộ Lĩnh khởi binh ở Hoa Lư.

Hoa Lư, tại sơn phận hai xã Uy Viễn và Uy Tế thuộc tỉnh Ninh Bình.


Đương Thái Tổ nhà Tống, niên hiệu Càn Đức năm thứ 4 (966), Mười hai sứ quân đua nhau nổi dậy: Trần Lãm chiếm cứ ở cửa biển Bố Hải; Kiều Công Hãn chiếm cứ ở Phong Châu; Nguyễn Khoan chiếm cứ ở Tam Đới; Ngô Nhật Khánh chiếm cứ ở Đường Lâm; Lý Khuê chiếm cứ ở Siêu Loại; Nguyễn Thủ Tiệp chiếm cứ ở Tiên Du; Lữ Đường chiếm cứ ở Tế Giang; Nguyễn Siêu chiếm cứ ở Tây Phù Liệt; Kiểu Thuận chiếm cứ [tờ 24a] ở Hồi Hồ; Phạm Bạch Hổ chiếm cứ ở Đằng Châu; Bọn Ngô Xương Xí, Đỗ Cảnh Thạc lại chiếm cứ ở sông Đỗ Đồng.

Cửa biển Bố Hải, nay là xã Kỳ Bố huyện Vũ Tiên phủ Kiến Xương tỉnh Nam Định.

Phong Châu, nay là huyện Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây.

Tam Đới, cũng thuỷ phủ Vĩnh Tường.

Đường Lâm, nay thuộc huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây.

Tiên Du, tên huyện, thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Tế Giang, nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh.

Tây Phù Liệt, nay là xã Phù Liệt huyện Thanh Trì tỉnh Hà Nội.

Hồi Hồ, nay là huyện Cẩm Khê tỉnh Sơn Tây.

[tờ 24b] Đằng Châu, nay là xã Đằng Châu huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên.

Sông Đỗ Đồng, thuộc huyện Thanh Oai



CHÍNH BIÊN
Quyển 1.


Đinh Tiên Hoàng, năm thứ nhất (970), Đinh Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng lên ngôi Hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Đại Hoàng, tên châu, nay thuộc huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình.


Ngô Nhật Khánh đưa người Chiêm Thành vào cướp, đến cửa biển Tiểu Khang bị gió đánh đắm thuyền rồi chết.

Cửa biển Tiểu Khang, tại địa phận huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình. Nay là cửa Cờn.


Nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đốc suất quân lính, hẹn ngày cùng sang xâm lược. Quan trấn giữ Lạng Châu biết tin, tâu về triều.

Lạng Châu, nhà Tiền Lê, nhà Lý đặt làm lộ, thời Trần đặt làm lộ Lạng Giang. Nay thuộc tỉnh Lạng Sơn.


[tờ 25a]. Hầu Nhân Bảo kéo quân đến Lạng Sơn, sông Chi Lăng.

Lạng Sơn, xưa là bộ Lục Hải; thời Hán thuộc về Giao Chỉ; thời Đường thuộc về Giao Châu; thời Đinh chia làm đạo Lạng Sơn, lại gọi là Lạng Châu; thời Tiền Lê, Lý đặt làm lộ; nhà Trần đặt làm lộ Lạng Giang; thời Lê đặt làm Lạng Sơn thừa tuyên. Nay là tỉnh Lạng Sơn.

Sông Chi Lăng, ở xã Chi Lăng thuộc Ôn Châu phủ Trường Khánh.


Lê Đại Hành đánh Chiêm Thành, theo đường đến núi Đồng Cổ sông Bà Hòa.

Núi Đồng Cổ, ở địa phận xã Đan Nê huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa.

Sông Bà Hòa, ở huyện Ngọc Sơn tỉnh Thanh Hóa. Nay là sông xã Đồng Hòa.


Lê Đại Hành dựng điện ở núi Đại Vân.

Núi Đại Vân, tại thành Hoa Lư, nay là xã Trường Yên.

[tờ 25b] Lê Đại Hành cày tịch điền ở Đọi Sơn.

Đọi Sơn, còn có tên là núi Long Đọi, tại xã Đọi Sơn huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nội.


Nhà Lê [Đại Hành] sai Đinh Thừa Chính đón tiếp sứ giả nhà Tống ở Thái Bình quân.

Thái Bình quân, là đất Tượng Quận nhà Đường, là huyện Hợp Phố của nhà Hán; đến nhà Tống đặt làm Thái Bình quân, rồi lại đặt làm Liêm Châu; nhà Thanh giữ nguyên làm Liêm Châu.


Các con Lê Đại Hành, như Long Kính thụ phong ở Mạt Liên1; Long Mang thụ phong ở Vũ Lũng; Long Đề thụ phong ở Cổ Lãm; người con nghĩa thụ phong ở Phù Đới.

Mạt Liên, tên huyện, nay thuộc huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên.

Vũ Lũng, tên châu, thuộc tỉnh Thanh Hóa (nay chưa khảo rõ).

Cổ Lãm, nay thuộc huyện Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh.

Phù Đới, nay là tên xã thuộc huyện Vĩnh Lại tỉnh Hải Dương.


[tờ 26a] Lê [Đại Hành] phóng thích người nước Chiêm, trả họ về châu Ô Lý.

Châu Ô Lý, xưa là đất Việt Thường; nhà Tần đặt làm Tượng Quận; nhà Hán đặt làm quận Nhật Nam; nhà Đường đặt làm Cảnh Châu; thời nhà Tống, phía Bắc Chiêm Thành gọi châu Ô Lý; đến khoảng niên hiệu Hưng Long (1293-1314) nhà Trần, chúa Chiêm Thành dâng châu đó cho nhà Trần; nhà Trần đổi thành hai châu là Thuận Châu và Hóa Châu; thời thuộc Minh đặt làm phủ Thuận Hóa, lấy Thuận Châu và Hóa Châu lệ vào phủ này; nhà Lê đặt làm Thuận Hóa thừa tuyên. Nay là phần đất huyện Đăng Xương và huyện Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị và huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà của tỉnh Thừa Thiên, đây vốn là đất của Thuận Hóa xưa. Huyện Phú Lộc và Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên và huyện Diên Phúc, Hoà Vang của tỉnh Quảng Nam, đây vốn là đất của Hóa Châu xưa.

Lê Đại Hành bảo sứ giả nước Tống là Lý Nhược Thuyết rằng: “Trước đây xảy ra cướp bóc ở trấn Như Hồng và Như Tích là do giặc ở ngoài biên giới, giả sử Giao Châu nổi lên chống lại thì trước tiên kéo sang Quảng Châu, sau đến Mân Châu, há đâu chỉ nhằm vào trấn Như Hồng, Như Tích mà thôi?”

[tờ 26b] Như Hồng, Như Tích là hai trấn, đều thuộc Khâm Châu.

Mân Châu, nay thuộc Phúc Kiến thống bộ.


Vua Lê Đại Hành đánh giặc Hà Động, dẹp yên được chúng.

Hà Động, tức động Hà Nam, nay là đất huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hoá.


Vua Đinh, tên là Toàn mất ở Cử Long.

Cử Long, tên dân tộc Mán bị nhà Lý tiêu diệt. Niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433) nhà Lê, đặt là huyện Lạc Thủy, đến niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) đổi là huyện Cẩm Thủy. Nay vẫn giữ nguyên tên như thế, thuộc tỉnh Thanh Hóa (nguyên chú thấy vào niên hiệu Ứng Thiên năm thứ 8 (1001), đời Lê Đại Hành).


Vua Lê là Long Việt bị người Thạch Hà giết chết.

Thạch Hà, tên châu, nhà Lý đổi làm huyện; nhà Trần đổi làm châu Nhật Nam; thời thuộc Minh đổi làm châu Nam Tĩnh; nhà Lê lại đặt làm huyện Thạch Hà. Nay vẫn tên như thế, thuộc tỉnh Hà Tĩnh.


[tờ 27a] Vua Lê là Long Đĩnh đích thân đánh người Mán Cử Long, cho quân trú ở cửa biển Thần Đầu.

Cửa biển Thần Đầu, tại địa phận huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình, nhà Lê đổi là Thần Phù. Nay là cửa Chính Đại.

Hoàng Khánh Tập dâng sớ thỉnh vua Tống, xin dùng đồn binh Quảng Nam để tiến đánh Giao Chỉ.

Quảng Nam, thời Ngũ Đại (907-959), thuộc đất Nam Hán; nhà Tống đặt làm Quảng Nam Đông lộ và Quảng Nam Tây lộ; nhà Nguyên hợp lại đặt thành đạo Quảng Đông; nhà Minh đổi là tỉnh; nhà Thanh cũng giữ nguyên tên như nhà Minh.
_______________________________________
1. Chính sử ghi là Mạt Liên, đây ghi là Vị Liên. Chữ Mạt và chữ Vị có tự dạng giống nhau nên dễ nhầm, ở đây sửa lại như trên cho hợp với chính sử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2008, 12:53:27 pm »


CHÍNH BIÊN
Quyển 2


Vua Lê, tên huý là Long Đĩnh, niên hiệu Cảnh Thuỵ năm thứ nhất (1008), xuống chiếu cho quân dân đào cảng Ái Châu, từ cửa ải Chi Long qua núi Đính Sơn đến sông Vũ Lũng.

[tờ 27b] Ái Châu, tức Thanh Hoá.

Cửa ải Chi Long, nay tại huyện Nga Sơn.

Vũ Lũng (theo nguyên chú thấy vào niên hiệu Hưng Thống năm thứ 4 (992) đời Lê Đại Hành), là tên châu.


Niên hiệu Cảnh Thuỵ năm thứ 2 (1009), vua đích thân đi đánh các châu Hoan Đường và Thạch Hà.

Hoan Đường, thuộc đất Hoan Châu, thời Đinh, Lê đặt làm châu Hoan Đường; thời thuộc Minh, đổi là Thạch Đường; thời Hậu Lê, đổi là huyện Nam Đường. Nay vẫn là huyện Nam Đường thuộc tỉnh Nghệ An.

Thạch Hà (theo nguyên chú thấy vào niên hiệu Ứng Thiên năm thứ 12 (1005) đời Lê Đại Hành, là tên huyện, thuộc tỉnh Hà Tĩnh.


Người Diên Uẩn, Cổ Pháp, Bắc Giang là Lý Công Uẩn tự lập làm vua.

Bắc Giang, tức Kinh Bắc (thấy chú vào niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), đời Lê Thánh Tông.

Cổ Pháp, tên châu. Từ thời Đinh trở về trước là châu Cổ Lãm; đến thời Tiền Lê đổi là Cổ Pháp; nhà Lý đặt lên làm phủ Thiên Đức [tờ 28a]; nhà Trần đổi là huyện Đông Ngàn; nhà Hậu Lê giữ nguyên tên như thế. Nay là đất huyện Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh.

Diên Uẩn, tên hương, thuộc châu Cổ Pháp.


Lý Thái Tông, niên hiệu Thuận Thiên năm thứ nhất (1010), dời đô đến thành Thăng Long.

Thành Thăng Long, theo Hà Nội sách, thời Lý là thành Thăng Long, thời Trần đổi là Đông Đô; thời thuộc Minh là thành Đông Quan; nhà Lê là Đông Kinh; niên hiệu Gia Long năm thứ 4 (1805) nhà Nguyễn, đổi lại là Thăng Long. Nay là tỉnh thành Hà Nội.


Đổi thành Hoa Lư làm phủ Trường Yên, đổi sông Bắc Giang thành sông Thiên Đức.

Phủ Trường Yên, do nhà Lý đặt, nhà Trần giữ theo tên cũ, nay là phủ Yên Khánh tỉnh Ninh Bình.

Sông Thiên Đức, là một nhánh của sông Nhĩ Hà, còn có tên là Diên Uẩn, lại có tên là sông Đông Ngàn, chảy qua hai huyện Đông Ngàn và Quế Dương, nhập vào sông Lục Đầu. Nay là sông Thiên Đức của tỉnh Bắc Ninh. [tờ 28b]


[Lý Thái Tổ] niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 2 (1011) dựng điện Hàm Quang ở bến sông Phú Lương.

Sông Phú Lương, phía trên tiếp giáp sông Bạch Hạc tỉnh Sơn Tây, phía dưới thông với sông Đại Hoàng của tỉnh Nam Định, chạy ra biển. Nay là sông Nhĩ Hà của tỉnh Hà Nội.


[Lý Thái Tổ] niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 3 (1012), vua đích thân đi đánh Diễn Châu, trở về đến cửa Biện.

Diễn Châu, nay là tên phủ thuộc tỉnh Nghệ An.

Cửa Biện, nay là cửa Biện thuộc địa giới huyện Ngọc Sơn tỉnh Thanh Hoá.


[Lý Thái Tổ] niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 4 (1013), vua đích thân đi đánh Châu mục Vị Long.

Vị Long, tên châu. Thời Đinh, Lê gọi là Vị Long; thời Lý, Trần vẫn gọi theo tên như thế, thời thuộc Minh đổi là Đại Man; thời Hậu Lê vẫn dùng tên như thời thuộc Minh. Nay là châu Chiêm Hoá tỉnh Tuyên Quang.

[tờ 29a] [Lý Thái Tổ] niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 5 (1014), người Mán ở Hạc Thác vào cướp.

Theo Minh sử, Hạc Thác cũng có tên là Nam Chiếu.


Đổi phủ Ứng Thiên thành Nam Kinh.

Phủ Ứng Thiên, thời thuộc Minh là phủ Ứng Bình, thời Hậu Lê là phủ Ứng Thiên. Nay là phủ Ứng Hoà thuộc tỉnh Hà Nội.

[Lý Thái Tổ] niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016), sai Dực Thánh vương đánh Trắc Tuấn ở các châu Đô Kim và Bình Nguyên.

Đô Kim, theo Đường thư địa lý chí, nhà Đường đặt ra châu Kim Đô. Nay là phần đất tổng Đô Kim huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang.

Bình Nguyên, từ thời thuộc Minh về trước là châu; nhà Lê đổi là châu Vị Xuyên. Nay là châu Vị Xuyên tỉnh Tuyên Quang.


[Lý Thái Tổ] niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 13 (1022), sai Dực Thánh vương đánh Đại Nguyên Lịch, phá được chúng.

[tờ 29b] Đại Nguyên Lịch, theo sử cũ chú là người Mán, ở khoảng giữa trại Như Hồng và trấn Triều Dương, cách châu Vĩnh An của Giao Chỉ 20 dặm

Triều Dương, xưa là bộ Ninh Hải, thời Đinh, Lê gọi là trấn Triều Dương; thời Lý đổi là châu Vĩnh An; thời Trần đổi là lộ Hải Đông; thời thuộc Minh là châu Tĩnh An; thời Lê thuộc Yên Bang. Nay là đất các châu Tiên Yên và Vạn Ninh của tỉnh Quảng Yên.


[Lý Thái Tổ] niên hiệu Thuận Thiên thứ 18 (1027), xuống chiếu cho Khai Thiên Vương [Phật Mã] đánh châu Thất Nguyên; Đông Chinh Vương [Lực] đi đánh Văn Châu.

Châu Thất Nguyên, thuộc tỉnh Lạng Sơn. Thời Lý đặt làm châu Thất Nguyên; thời Lê đổi là châu Thất Tuyền. Nay là huyện Thất Khê.

Văn Châu, thuộc Lạng Sơn. Thời Lý đặt làm Văn Châu; thời thuộc Minh, chia làm châu Thượng Văn và Hạ Văn; thời Hậu Lê gọi là châu Văn Uyên. Nay vẫn giữ nguyên như thế.


Lý Thái Tông, niên hiệu Thiên Thành năm thứ nhất (1028), hội họp quần thần tuyên thệ ở miếu núi Đồng Cổ.

[tờ 30a] Núi Đồng Cổ (chú tại mục niên hiệu Thiên Phúc năm thứ 4 (983) đời Lê Đại Hành).


[Lý Thái Tông] niên hiệu Thiên Thành năm thứ 6 (1033), vua đích thân đi đánh giặc ở châu Chân Đăng; dẹp yên dược giặc ở châu Định Nguyên.

Châu Chân Đăng, thuộc Sơn Tây. Nay là phủ Lâm Thao.


[Lý Thái Tông] niên hiệu Thông Thuỵ năm thứ 4 (1037), vua đích thân đi đánh giặc ở Lâm Tây.

Lâm Tây, thuộc tỉnh Hưng Hoá. Nhà Lý đặt làm đạo Lâm An; nhà Trần đặt làm đạo Đà Giang; thời thuộc Minh đặt làm châu Gia Hưng; thời Lê đổi làm phủ Gia Hưng. Nay vẫn là phủ Gia Hưng.


[Lý Thái Tông] niên hiệu Thông Thuỵ năm thứ 5 (1038), thủ lĩnh Thảng Do là Nùng Tồn Phúc chiếm đất Vạn Nhai, Vũ Lặc, tiếm xưng là Hoàng đế.

Thảng Do, tên châu. Theo Độc sử phương dư kỷ yếu của Cố Tổ Vũ, châu Thảng Do tiếp giáp địa giới châu Quảng Nguyên (Quảng Nguyên thuộc tỉnh Cao Bằng; thời thuộc Minh đặt làm châu Quảng Uyên; thời Lê đặt làm châu Lộng Nguyên. Nay là châu Quảng Uyên)

[tờ 30b] Châu Vạn Nhai, thuộc tỉnh Thái Nguyên. Thời thuộc Minh là châu Vũ Lễ; thời Lê là Vũ Nhai. Nay cũng là châu Vũ Nhai.

Vũ Lặc, theo Đường thư địa lý chí, nhà Đường đặt thành châu Lung, thống lãnh huyện Vũ Lặc; Thảng Do và Vũ Lặc, hiện thuộc địa hạt tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, trải các đời đã phân chia lệ thuộc ra sao hiện chưa khảo được.


[Lý Thái Tông] niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo năm thứ nhất (1039), Thủ lĩnh Tây Nông là Hà Văn Trinh đem việc làm phản của Tồn Phúc tâu lên, vua đích thân làm tướng đi đánh dẹp.

Tây Nông, thuộc tỉnh Thái Nguyên, nay là huyện Tư Nông.


[Lý Thái Tông] niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo năm thứ 2 (1040), người ở động Vũ Kiến dâng vàng sống. Người châu Lộng Thạch và Định Biên đều nói ở hai châu này có hiện ra khí sắc trắng như bạc.

Động Vũ Kiến, thuộc châu Quảng Nguyên.

Lộng Thạch, thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Định Biên, thuộc tỉnh Cao Bằng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2008, 11:00:56 pm »


CHÍNH BIÊN
Quyển 3


[tờ 31a] [Lý Thái Tông] niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo năm thứ 3 (1041), vua trao cho Nùng Trí Cao chức Châu mục Quảng Nguyên, lấy lại các động Lôi Hỏa và Tư Lang phụ vào địa hạt của Nùng Trí Cao.

Động Lôi Hoả, theo Độc sử phương dư kỷ yếu của Cố Tổ Vũ, động Lôi Hoả tại phía Tây Bắc phủ Lạng Sơn, nằm khoảng giữa hai châu Quảng Nguyên và Thảng Do. Nay thay đổi thế nào chưa rõ.

Châu Tư Lang, ban đầu lệ vào tỉnh Thái Nguyên, nay thuộc tỉnh Cao Bằng. Thời Lý đặt làm châu Tư Lang; thời thuộc Minh đặt làm Thượng Tư Lang và Hạ Tư Lang; nhà Lê đổi làm Thượng Lang và Hạ Lang. Nay là hai huyện Thượng Lang và Hạ Lang.


[Lý Thái Tông] niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ năm thứ nhất (1044), vua tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành, khi thuyền đến cửa biển Đại Ác (tức cửa biển Đại Nha), bỗng sóng gió ngừng bặt, vua sai đổi tên từ Đại Ác thành Đại An. Đến núi Ma Cô, qua vụng Não Hà, thấy có đám mây che trên thuyền ngự, nên thuyền vượt qua hai đảo Đại Trường Sa và Tiểu Trường Sa, tiến thẳng đến cửa biển Ô Long. Chúa Chiêm bày trận tại bờ Nam sông Ngũ Bồ. Vua ở bờ Bắc đốc thúc quân đi tắt qua sông đánh dịch, lại cho quân đánh vào thành Phật Thệ, bắt được chúa Chiêm là Sạ Đẩu, rồi cho rút quân.

Núi Ma Cô, còn có tên là núi Lễ Đễ, ở ngoài biển thuộc địa phận huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh.

Hai đảo Đại Trường Sa và Tiểu Trường Sa, theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, hai đảo nằm ven biển, từ cửa biển Nhật Lệ đến cửa biển Minh Linh, gọi là Đại Trường Sa; từ phía Nam cửa biển Việt Hải đến cửa biển Tư Dung, gọi là Tiểu Trường Sa.

Cửa biển Ô Long, tại phía Đông Nam của huyện Phú Vang, thuộc tỉnh Thừa Thiên. Thời Lý gọi là Ô Long; thời Trần gọi là Tư Dung; thời Mạc gọi là Tư Khách. Nay là cửa biển Tư Hiền.

[tờ 32b] Thành Phật Thệ, theo mục An Nam cổ tích trong Nhất thống chí của nhà Thanh, thành Phật Thệ là kinh đô cũ của vua Chiêm. Nay là địa phận xã Nguyệt Biều huyện Hương Thuỷ tỉnh Thừa Thiên.


Vua xuống chiếu cho trấn Vĩnh Khang và Đăng Châu, mỗi nơi đặt làng xóm, phỏng theo như tên gọi cũ của Chiêm Thành để cho người Chiêm nhận theo bộ thuộc, nhận lấy mà ở.

Vĩnh Khang, thuộc tỉnh Nghệ An. Nay là huyện Vĩnh Hoà phủ Tương Dương.

Đăng Châu, thuộc tỉnh Hưng Hoá. Thời Lý đặt làm Đăng Châu; thời Trần đặt là trấn Thiên Hưng; thời thuộc Minh đặt làm châu Quy Hoá; thời Lê đổi làm phủ. Nay là phủ Quy Hoá


[Lý Thái Tông] niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo năm thứ 3 (1051), đào kênh Lẫm.

[tờ 32b] Kênh Lẫm, tại huyện Tống Sơn tỉnh Thanh Hoá.


[Lý Thái Tông] niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo năm thứ 5 (1053), Dư Tĩnh nhà Tống chiêu mộ những kẻ cảm tử cho vào Đại Lý để lùng tìm Nùng Trí Cao, nhưng Trí Cao đã chết, đầu hắn bỏ vào hòm đưa về kinh dô. Họ Nùng bị diệt.

Đại Lý, tên nước. Theo mục Vân Nam thổ ty truyện trong Minh sử, Đại Lý là đất của huyện Diệp Du nhà Đường. Vào niên hiệu Khai Nguyên (713-741) đời Đường, Bì La Các, người Mông Chiếu đóng đô ở đây, gọi là Nam Chiếu, đặt quốc hiệu là Đại Mông, sau đó đổi là Đại Lễ. Đến thời Ngũ Đại (907-959) nhà Tấn, Đoàn Tư Bình chiếm được đất này, đổi là nước Đại Lý. Khoảng niên hiệu Hồng Vũ (1368-1398) nhà Minh, Đoàn Thế bị bắt, mới đổi nước này làm phủ Đại Lý, đặt ra vệ quan và thiết lập Chỉ huy sứ ty, lệ vào tỉnh Vân Nam.


[Lý Thánh Tông] niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình năm thứ 3 (1056), dựng chùa Sùng Khánh ở phường Báo Thiên.

[tờ 33a] Phường Báo Thiên, tại thôn Tiên Thị huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội.


[Lý Thái Tông] niên hiệu Long Chương Thiên Tự năm thứ 2 (1067), Ngưu Hống đến cống.

Ngưu Hống, tên một dân tộc Mán. Theo Hưng Hoá phong thổ ký của Hoàng Trọng Chính, ngôn ngữ văn tự của người Ngưu Hống giống với ngôn ngữ văn tự của người Ai Lao. Nay Ngưu Hống đã sáp nhập vào bản đồ nước ta thuộc đất Yên Châu tỉnh Hưng Hoá.


[Lý Thái Tông] niên hiệu Thần Vũ năm thứ nhất (1070), chúa nước Chiêm Thành là Chế Củ hiến ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để xin về nước. Vua y cho.

Châu Địa Lý, xưa là đất Việt Thường. Thời Hán thuộc quận Nhật Nam; thời Tống là châu Địa Lý của nước Chiêm Thành; đến nhà Lý đổi là châu Lâm Bình; nhà Trần đổi là Tân Bình; nhà Lê đổi là Tiên Bình. Nay là phủ Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình.

Châu Ma Linh, xưa là đất Việt Thường. Thời Hán thuộc quận Nhật Nam thời Tống là châu Ma Linh của nước Chiêm Thành [tờ33b]; đến thời Lý, đổi là châu Minh Linh; thời thuộc Minh đổi là châu Nam Linh; thời Lê đặt làm huyện. Nay là phần đất hai huyện Minh Linh và Do Linh tỉnh Quảng Trị.

Châu Bố Chính, xưa là châu Bố Chính. Thời Hán là huyện Thọ Linh, lệ vào quận Nhật Nam; nhà Tống đặt làm châu Bố Chính thuộc nước Chiêm Thành; nhà Lý giữ theo như nhà Tống; thời thuộc Minh, đổi làm châu Trấn Bình; nhà Lê chia làm hai châu Bố Chính Nam và Bố Chính Bắc. Nay là địa phận của huyện Bình Chính, Minh Chính và Bố Trạch tỉnh Quảng Bình.


Lý Nhân Tông, niên hiệu Thái Ninh năm thứ 2 (1073), cầu tạnh nắng ở thần núi Tản Viên.

Núi Tản Viên, tại huyện Bất Bạt tỉnh Sơn Tây, thần tên Hương Lang, là con của Lạc Long Quân.


[Lý Nhân Tông] niên hiệu Thái Ninh năm thứ 4 (1075), bắt đầu khảo thi học trò bằng ba kỳ thi. Lê Văn Thịnh, người Đông Cứu Gia Định đỗ đầu.

Gia Định, nay là huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh.


[tờ 34a] [Lý Nhân Tông] niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ nhất (1076), quân nhà Tống sang xâm lược, vua sai Lý Thường Kiệt mang quân đón đánh ở sông Như Nguyệt, quân Tống rút lui, chiếm lấy các châu huyện Tô Châu, Quang Lang rồi kéo quân về.

Sông Như Nguyệt, ở phía Đông Bắc huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh, gần đó có xã Như Nguyệt, nên gọi tên như vậy.

Hai châu: Tô Châu và Mậu Châu, ứng với địa giới của hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn ngày nay.

Quang Lang, tên huyện. Thời Lý đặt làm huyện; thời Trần đặt làm châu Khâu Ôn. Nay là Ôn Châu tỉnh Lạng Sơn.


[Lý Nhân Tông] niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 9 (1084), nhà Tống lấy 6 huyện Bảo Lạc trả lại cho ta.

Bảo Lạc, thuộc tỉnh Tuyên Quang, nay là đất hai huyện Vĩnh Điện và Để Định.


[Lý Nhân Tông] niên hiệu Quảng Hựu năm thứ 5 (1089), đào sông Lãnh Kinh.

Sông Lãnh Kinh, theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, thuộc tỉnh Thái Nguyên. Nay chưa rõ đích xác.


[tờ 34b] Vua đến núi Long Thủy Hiệp xem săn voi.

Núi Long Thuỷ Hiệp, tại châu Đà Bắc tỉnh Hưng Hoá. Nay là núi Long Môn.


[Lý Nhân Tông] niên hiệu Hội Phong năm thứ 5 (1096), Thái sư Lê Văn Thịnh mưu phản, đày đi an trí ở Thao Giang.

Thao Giang, tại địa phận huyện Tam Nông tỉnh Hưng Hoá.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2008, 11:29:52 pm »


CHÍNH BIÊN.
Quyển 4


[Lý Nhân Tông] niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 8 (1117), vua đi Ứng Phong xem xét việc cày ruộng.

Ứng Phong, thuộc tỉnh Nam Định. Xưa là huyện Hiển Khánh; thời Lý đổi là Ứng Phong; thời Lê đặt là phủ Nghĩa Hưng. Nay cũng là phủ Nghĩa Hưng.


[Lý Nhân Tông] niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 10 (1119), vua tự làm tướng đích thân đi đánh giặc ở Ma Sa.

[tờ 35a] Ma Sa, tên động. Nay là đất châu Đà Bắc tỉnh Hưng Hoá.


[Lý Nhân Tông] niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ năm thứ 6 (1125), rồng vàng hiện ở hành cung Lợi Nhân.

Lợi Nhân, tên châu. Niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) triều Lê, đổi làm phủ Lỵ Nhân, nay là phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội.


[Lý Thần Tông] niên hiệu Thiên Thuận năm thứ nhất (1128), vua ngự giá đi Na Ngạn.

Na Ngạn, nay là huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Ninh.


[Lý Nhân Tông] niên hiệu Thiên Thuận năm thứ 2 (1129), Để Giang có con hươu trắng.

Để Giang, tên huyện, thuộc tỉnh Sơn Tây. Từ thời Trần trở về trước gọi là Để Giang; thời Lê đổi là huyện Sơn Dương. Nay cũng là huyện Sơn Dương.


Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định năm thứ 2 (1141), Thân Lợi chiếm giữ ở Tây Nông, sai người các xứ Thượng Nguyên, Tuyên Hoá, Cảm Hoá, Vĩnh Thông đánh phá Phú Lương [tờ 35b].

Phú Lương, thời Lý đặt làm phủ. Thời Lê đổi làm huyện. Nay vẫn là huyện Phú Lương.
Tuyên Hoá, thời Lý đặt làm huyện. Thời Lê đổi làm châu Định Hoá. Nay là Định Châu.
Cảm Hoá, nay theo cũ cũng là tên huyện.
Vĩnh Thông, nay là châu Bạch Thông.
Các xứ này đều thuộc tỉnh Thái Nguyên.


[Lý Anh Tông] niên hiệu Đại Định năm thứ 10 (1149), vua thấy thuyền buôn của các nước Qua Oa và Tiêm La tụ nhiều ở Hải Đông, bèn cho lập trang ở đảo để họ cư trú, gọi là trang Vân Đồn.

Qua Oa, theo Minh sử, là tên nước, ở về phía Tây Nam nước Chiêm Thành, còn có tên là Hạ Cảng, hoặc có tên là Thuận Tháp. Tính tình người nước đó hung bạo, người lớn, người bé đều giắt dao, hễ tức giận là đánh nhau. Điều mà sách Phật gọi là nước Quỷ, cũng chính là nước này.

[tờ 36a] Tiêm La, theo Nhất thống chí của nhà Thanh: thời nhà Tuỳ, Đường là nước Xích Thổ, nằm ở phía Tây Nam nước Chiêm Thành, là một tộc loại của nước Phù Nam. Về sau, chia làm hai nước là Tiêm và La Hộc. Vào niên hiệu Nguyên Trinh (1295-1296) nhà Nguyên, hai nước này đi cống sang nhà Minh. Sau đó nước La Hộc thôn tính đất Tiêm, đặt tên là nước Tiêm La Hộc. Vào đầu niên hiệu Hồng Vũ (1368-1398) thời Minh, Tiêm La Hộc đến chầu, vua Minh ban cho ấn “ Tiêm La quốc vương”. Từ đây mới gọi là nước Tiêm.

Hải Đông, tức Yên Bang, nay là tỉnh Quảng Yên.

Vân Đồn, nay là phần đất tổng Vân Hải huyện Nghiêu Tư tỉnh Quảng Đông.



CHÍNH BIÊN.
Quyển 5


[Lý Anh Tông] niên hiệu Đại Định năm thứ 11 (1150), người nước Chân Lạp vào cướp, đến núi Vụ Thấp, Nghệ An.

Núi Vụ Thấp, theo Nghệ An chí, núi này còn có tên là núi Vụ Ôn, ở địa phận huyện Hương Sơn, là một nhánh của núi Vũ Môn.


[tờ 36b] [Lý Anh Tông] niên hiệu Đại Định năm thứ 17 (1156), dựng hành cung ở Ngự Thiên.

Ngự Thiên, tên huyện. Thời thuộc Minh là huyện Tân Hoá. Thời Lê gọi lại là huyện Ngự Thiên. Nay là huyện Hưng Nhân tỉnh Hưng Yên.


Nhà Tống Sách phong cho vua là An Nam Quốc Vương.

Theo Nguyên sử loại biên: An Nam, xưa gọi là Giao Chỉ. Thời Đường đặt làm An Nam Đô hộ phủ. Tên An Nam bắt đầu có từ đó. Tống Hiến Tông phong Thiên Tộ là An Nam Quốc Vương, thì tên An Nam có từ đây.

Theo Sử ký của Ngô Thì Sĩ: nhà Tống từ khi vượt xuống phía Nam, mỗi khi sứ ta đi cống, tất chỉ giao cống phẩm ở Quảng Tây, chưa từng đến kinh đô của nhà Tống, mà cũng chưa lần nào đi đủ ba sứ thần. Đến năm nay là kỳ đưa lễ cống, vua đưa thư sang nhà Tống [tờ 37a] xin nhà Tống đưa sứ giả đến cung khuyết, lại đủ cả ba sứ thần. Vua Tống đồng ý. Lại còn khen nhân vật của nước ta ôn hòa, mũ áo chỉnh tề, mới ban cho tên nước là như thế


[Lý Anh Tông] niên hiệu Chính Long Bảo Ứng năm thứ 2 (1164), người Cổ Hoằng Thanh Hóa nổi loạn, vua sai đánh dẹp được yên.

Cổ Hoằng, tên giáp, nay là huyện Hoằng Hóa.


Lý Cao Tông, niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu năm thứ 2 (1203), Bố Trì, người nước Chiêm đỗ thuyền ở cửa biển Cơ La.

Cửa biển Cơ La, nay là cửa Nhượng, thuộc huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh.


Phí Lang, người Đại Hoàng làm loạn, vua sai Thượng thư Từ Anh Nhĩ đi đánh dẹp ở sông Lộ Bố.

Sông Lộ Bố, tại địa giới huyện Ý Yên.


[Lý Anh Tông] niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu năm thứ 4 (1205), Phạm Du, tri Nghệ An quân làm phản, vua sai hoạn quan Phạm Bỉnh Di đốc suất người ở Khoái Châu đi đánh. Khi trở về, bị giặc nói gièm pha, vua bèn giết chết. Quách Bốc, bộ tướng của Bỉnh Di nổi loạn, vua lánh ở Quy Hóa.


Khoái Châu, nguyên là đất Đằng Châu. Nhà Lý chia làm châu Khoái. Nhà Trần gọi là lộ Khoái Châu. Nay là phủ Khoái Châu tỉnh Hưng Yên.

Sông Quy Hoá, còn có tên là sông Thao, tại phía Bắc huyện Tam Nông tỉnh Hưng Hoá.


Thái Tử Sảm đến thôn Lưu Gia ở Hải Ấp, gặp con gái của Trần Lý, lấy làm vợ.

Thôn Lưu Gia, nay là xã Lưu Xá huyện Hưng Nhân.


Lý Huệ Tông, niên hiệu Kiến Gia năm thứ 8 (1218), người Mán ở Quảng Oai làm phản.

Quảng Oai, thời Lý đặt làm châu, nay là phủ Quảng Oai tỉnh Sơn Tây.


[tờ 38a] [Lý Huệ Tông] niên hiệu Kiến Gia năm thứ 10 (1220), Nguyễn Nộn chiếm cứ ở Phù Đổng, tự xưng là Hoài Đạo Vương.

Phù Đổng, tên hương, nay là xã Phù Đổng huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2008, 11:36:31 pm »


CHÍNH BIÊN
Quyển 6


Trần Thái Tông, niên hiệu Kiến Trung năm thứ 2 (1226), Tổ của nhà Trần, là người Tức Mặc.

Tức Mặc, tên hương, nay là tên xã, thuộc huyện Mỹ Lộc phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định.


[ Trần Thái Tông] niên hiệu Kiến Trung năm thứ 4 (1228), Đoàn Thượng chiếm cứ ở Yên Nhân. Đường Hào.

Đường Hào, tên huyện.
Yên Nhân, tên xã.
Huyện Đường Hào và xã Yên Nhân đều thuộc tỉnh Hải Dương.


[ Trần Thái Tông] niên hiệu Kiến Trung năm thứ 7 (1231), đào hai sông là Trần và Hào

Hai sông Trần và Hào, đều thuộc huyện Ngọc Sơn tỉnh Thanh Hoá.


[tờ 38b] [ Trần Thái Tông] niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ nhất (1232), phong cho em là Bà Liệt làm Hoài Đức vương.

Bà Liệt, tên người, người huyện Tây Chân (từ thời Trần trở về trước, Tây Chân là tên huyện. Thời Lê đổi là huyện Nam Chân. Nay cũng là huyện Nam Chân, thuộc phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định).


[ Trần Thái Tông] niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 6 (1237), Hoài Vương [trần] Liễu làm loạn. Vua đến núi Yên Tử.

Núi Yên Tử, tại huyện Đông Triều tỉnh Hải Dương. Trên núi có ngọn Tử Tiêu và am Ngọa Mây, tương truyền vị Yên Kỳ tu luyện ở đây, do vậy mà có tên đó.


[ Trần Thái Tông] niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 11 (1242), chia trong nước làm 11 lộ.

Chính sử ghi không rõ. Căn cứ theo ghi chép cũ, thấy các lộ là Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng, Khoái, Thanh Hoá, Hoàng Giang và Diễn Châu. Lại có phủ, châu, trấn như Tân Bình, Nghệ An, Thái Nguyên, Lạng Giang. Đại để theo thể chế nhà Trần, thì phủ, châu, trấn thống thuộc vào lộ. [tờ 39a]

Lộ Thiên Trường, vốn là hương Tức Mặc; nhà Trần lấy làm cố hương nên đổi thành phủ Thiên Trường, lại dùng Thiên Trường đứng đầu lộ ấy là lộ Thiên Trường. Lại vì lấy quân ở hương bản lộ của mình nên mới có hiệu là: “Thiên thuộc quân”; nhà Lê đặt làm phủ Thiên Trường, nay theo gọi của nhà Lê, thuộc tỉnh Nam Định.

Long Hưng, xưa là hương Đa Cương. Nhà Trần đặt mộ tổ ở đây, nhân vì thế mà đổi là phủ Long Hưng; thời Hồ đổi là phủ Tân Hưng. Nay cũng là phủ Tân Hưng thuộc tỉnh Hưng Yên.

Hồng Lộ, tức lộ Hồng Châu, chú ở trên.

Kiến Xương, thời Trần đặt làm lộ; thời Hồ đổi làm phủ Kiến Ninh; thời Lê phục lại, gọi là phủ Kiến Xương. Nay cũng là phủ Kiến Xương thuộc tỉnh Nam Định.


[ Trần Thái Tông] niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 14 (1245), mùa thu nước lên to, vỡ đê Long Đàm.

Long Đàm, tên huyện thời Trần; thời Minh đổi là huyện Thanh Đàm; nhà Lê đổi là huyện Thanh Trì; lại đổi chữ “thanh” với nghĩa là “trong”, thành chữ “thanh” với nghĩa là “xanh”. Nay cũng là huyện Thanh Trì tỉnh Hà Nội.


[tờ 39b] [ Trần Thái Tông] niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 17 (1248), sai người giỏi về phong thuỷ đi trấn áp vượng khí trong khắp núi sông, như núi Chiêu Bạc, sông Bà, sông Lễ ở Thanh Hóa, đều đào và đục đi. Lấp các khe kênh, mở đường ngang lối dọc, không thể kể xiết.

Núi Chiêu Bạc, ngờ rằng tức núi Chiếu Sơn, tại huyện Nga Sơn.

Sông Bà, tại địa giới huyện Đông Sơn.

Sông Lễ, còn có tên là sông Mã, phát nguyên từ nước Lão Qua, hợp lưu với sông Lương, cùng chảy ra biển.


[ Trần Thái Tông] niên hiệu Nguyên Phong năm thứ 7 (1257), chủ trại Quy Hoá là Hà Khuất sai người chạy trạm về triều tâu việc người Mông Cổ mang quân sang xâm lược. (Quy Hoá, thuộc tỉnh Hưng Hoá).
 
Quy Hoá, xưa thuộc bộ Tân Hưng; thời Lý là Đăng Châu; thời Trần là trại Hoá Châu; thời Lê đổi là phủ. Nay cũng là phủ Hóa Châu.


Quân Mông Cổ rất mạnh, vua rút lui xuống giữ sông Thiên Mạc.

[tờ 40a] Sông Thiên Mạc, tức phần hạ lưu sông Nhĩ Hà, ở về địa phận châu Mạn Trù huyện Đông Yên tỉnh Hưng Yên.


Tiểu hiệu Hoàng Cự Đà chèo thuyền đi trốn đến Hoàng Giang.

Hoàng Giang, tại địa giới huyện Nam Xang phủ Lý Nhân. Phía trên tiếp giáp sông Thiên Mạc, phía dưới thông với sông Giao Thuỷ.



CHÍNH BIÊN
Quyển 7.


Trần Thánh Tông niên hiệu Bảo Phù năm thứ 5 (1277), xuống chiếu cho quân diễn tập chiến thuyền ở sông Bạch Hạc.

Sông Bạch Hạc, thuộc huyện Bạch Hạc tỉnh Sơn Tây. Phía trên tiếp giáp sông Thao và sông Đà, phía dưới thông với sông Phú Lương.


Sai Đào Thế Quang sang Long Châu.

Long Châu, thuộc tỉnh Quảng Tây, tiếp giáp với địa giới tỉnh Lạng Sơn của nước ta.

[tờ 40b] Vua tự làm tướng đánh giặc Nẫm Bà La.

Nẫm Bà La, tên động của người Mán. Theo Nhất thống chí của nhà Thanh, ghi là Ổn Bà La, thuộc một lộ trong phủ Bố Chính. Nay chưa rõ đích xác.


Lý Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo năm thứ 4 (1282), quân Nguyên sang xâm lược. Vua đến bến đò Chí Linh, Bình Than.

Chí Linh, xưa là đất Bàng Châu, lại có tên là Bàng Hà; thời Minh đổi là huyện Chí Linh; thời Lê giữ nguyên tên theo nhà Minh. Nay thuộc tỉnh Hải Dương.

Bình Than, tên bến, tại địa phận xã Trần Xá huyện Chí Linh.


[ Trần Nhân Tông] niên hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6 (1284), Hưng Đạo Vương [trần] Quốc Tuấn cầm quân đến Lộc Châu, rồi chia quân cự chiến với giặc ở núi Khâu Cấp. Quân Nguyên bèn theo cửa ải Khả Ly để tiến quân. Quan quân ta lui về giừ bến Vạn Kiếp.

Lộc Châu, trước thuộc lộ Tư Minh. Vào niên hiệu Tuyên Đức năm thứ nhất (1426) nhà Minh, bắt đầu thuộc vào nước ta; thời Lê theo đó gộp với đất châu Tây Bình, đổi thành châu Lộc Bình. Nay vẫn là châu Lộc Bình, thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Núi Khâu Cấp, thuộc tỉnh Lạng Sơn, phố Kỳ Lừa, châu Ôn.

Cửa ải Khả Ly, không rõ.


Trần Quốc Tuần điều khiển quân các lộ Vân Trà, Ba Điểm; Hưng Tri Vương Nghiễn đốc suất quân ở các lộ Bàng Hà, Na Ngạn và Long Nhãn, đều về họp hội ở Vạn Kiếp.

Vân Trà, Ba Điểm, đều thuộc tên hương, thuộc lộ Hải Đông tỉnh Quảng Yên.

Bàng Hà, Na Ngạn, chú ở trên.

Long Nhãn, tên huyện. Thời Lê đổi là huyện Phượng Nhãn. Nay vẫn là huyện Phượng Nhãn thuộc tỉnh Bắc Ninh.


Quân Nguyên thả sức cướp bóc ở đất Gia Lâm và Vu Ninh. Chúng đóng quân ở bãi Tha Mạc.

Gia Lâm, tên huyện.

Vũ Ninh, tên châu. Nhà Lê đổi là huyện Võ Giàng. Nay cũng là huyện Võ Giàng, cả Gia Lâm và Võ Giàng đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Bãi Tha Mạc, tức sông Thiên Mạc.


[tờ 41b] [ Trần Nhân Tông] niên hiệu Trùng Hưng năm thứ nhất (1285), quân Nguyên đuổi gấp, vua mời Thượng hoàng chạy ra nguồn Tam Trĩ, sai người kéo thuyền ngự của vua ra cửa biển Ngọc Sơn để đánh lừa địch. Vua lại dùng thuyền đến sông Nam Triệu, vượt cửa biển Đại Bàng vào Thanh Hóa.

Nguồn Tam Trĩ, nay là xã Tam Trĩ châu Tiên Yên tỉnh Quảng Yên.

Cửa biển Ngọc Sơn, nay tại phía Đông châu Vạn Ninh, giáp lộ Khâm Châu. Sông Nam Triệu, tức sông Bạch Đằng.

Cửa biển Đại Bàng, tại địa phận xã Đại Bàng huyện Nghi Dương tỉnh Hải Dương.


Chiêu Văn vương [ Trần Nhật Duật] đánh bại quân Nguyên ở cửa Hàm tử.

Cửa Hàm Tử, tại bãi Hàm Tử huyện Đông Yên tỉnh Hưng Yên.


Vua tự làm tướng đánh bại được quân Nguyên ở Chương Dương, bèn thu phục kinh thành.

Chương Dương, tên bến, nay thuộc địa phận xã Chương Dương huyện Thượng Phúc tỉnh Hà Nội.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Chín, 2008, 07:14:20 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2008, 12:18:09 pm »


CHÍNH BIÊN
Quyển 8

Nhà Nguyên huy động quân người Lê ở bốn châu hải ngoại được hơn vạn tên đến xâm lược, chúng chia thành đồn binh ở Phả Lại, Chí Linh.

Quân người Lê ở bốn châu hải ngoại, là châu Mai, châu Đam, châu Quỳnh và châu Vạn, nay thuộc tỉnh Quảng Đông của nhà Thanh. Đất các châu đó có động của người Mán chủng tộc người Lê. Nhà Nguyên thiết lập thành 12 cánh quân người Lê, có phủ Thiên Hộ thống lĩnh các cánh quân này.

Núi Phả Lại, tại xã Phả Lại huyện Quế Dương tỉnh Bắc Ninh.

Núi Chí Linh, tại huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương.


[ Trần Nhân Tông] niên hiệu Trùng Hưng năm thứ 4 (1288), quân Nguyên đánh vào Yên Hưng.

Yên Hưng, tên trại, nhà Lê đổi làm huyện. Nay vẫn giữ là huyện Yên Hưng thuộc tỉnh Quảng Yên.


[tờ 42b] Thoát Hoan nhà Nguyên bại trận trốn về nước. Khi đến cửa ải Nội Bàng, lại thấy gián điệp nói quân ta chia giữ cửa ải Nữ Nhi, Thoát Hoan phải dò đường Đan Dĩ đi tắt về Tư Minh.

Cửa ải Nội Bàng và cửa ải Nữ Nhi, đều thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Đan Dĩ, tên huyện, có chỗ chép là Đan Dĩ [hai chữ “đan” này khác nhau về nghĩa: chữ đan trước với nghĩa là sắc màu đỏ, chữ đan sau với nghĩa là đơn chiếc], thuộc tỉnh Lạng Sơn. Nay do thay đổi nên không rõ.

Tư Minh, thuộc địa giới nhà Thanh.


[ Trần Nhân Tông] niên hiệu Trùng Hưng năm thứ 8 (1292), lấy Trần Kiến làm An phủ sứ Yên Khang.

Yên Khang, tên lộ, xưa là Yên Ninh. Thời Lê đổi là phủ Yên Khang. Nay đổi là phủ Yên Khánh thuộc tỉnh Ninh Bình.


Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long năm thứ 4 (1296), Thượng Hoàng xuất gia ở hành cung Vũ Lâm.

Vũ Lâm, tại xã Vũ Lâm huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình. Đất này có núi non trùng điệp, trong núi có động [tờ 43a]. Núi non ở đây rộng đến vài chục mẫu, bên ngoài có sông nhỏ chảy quanh co, chảy vào trong động, thuyền nhỏ có thể ra vào được.


[ Trần Anh Tông] niên hiệu Hưng Long năm thứ 9 (1301)1, Phạm Ngũ Lão đánh bại quân Ai Lao ở Mường Mai.

Mường Mai, xưa là động của người Mán. Nay đổi là châu Mai thuộc tỉnh Hưng Hoá.


[ Trần Anh Tông] niên hiệu Hưng Long thứ 10 (1302)2, ban cho Đạo sĩ Trung Quốc là Tông Đạo được cư trú ở phường Yên Hoa.

Phường Yên Hoa, nay là phường Yên Phụ huyện Vĩnh Thuận tỉnh Hà Nội. Các khoa cúng về phù thủy và làm chay làm tiếu thịnh hành ở nước ta bắt đầu từ đây.



CHÍNH BIÊN
Quyển 9

[ Trần Anh Tông] niên hiệu Hưng Long năm thứ 20 (1312), vua ngự thuyền đến sông Sâm Thị.

[tờ 43bl Sông Sâm Thị, tại địa phận xã Sâm Thị huyện Thanh Trì tỉnh Hà Nội.


[ Trần Anh Tông] niên hiệu Hưng Long năm thứ 21(1313), nhà Nguyên sai Lưu Nguyên Hanh đến Dư Thôn xem xét địa thế3.

Du Thôn, thuộc xã Bảo Lâm huyện Văn Uyên tỉnh Lạng Sơn. Nay có cửa ải Du Thôn.


Trần Hiến Tông, niên hiệu Khai Hựu năm thứ nhất (1329), Thượng hoàng đích thân đi đánh người Mán ở Ngưu Hống (Ngưu Hống, chú ở trên), mang quân đến Mang Việt, đóng ngự doanh ở đây, ban tên cho chỗ ngự doanh là phủ Thái Bình, có suối Bác Tử, đặt tên cho suối là Thanh Thủy.

Mang Việt, xưa là động của người Mán. Nhà Lê đổi là Việt Châu. Nay đổi là Yên Châu thuộc tỉnh Hưng Hoá.

Thượng hoàng tự làm tướng đi đánh Ai Lao, tiến quân đến Kiềm Châu.

Kiềm Châu, tức đất Mật Châu. Nay là địa hạt phủ Tương Dương tỉnh Nghệ An.


Trần Hiến Tông, niên hiệu Khai Hựu năm thứ 7 (1335), Ai Lao chiếm giữ ở ấp Nam Nhung, đồn trại của chúng đóng ở sông Tiết La4.



[tờ 44a] Trần Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong năm thứ 4 (1344), người Trà Hương là bọn Ngô Bệ tụ tập dân chúng ở núi Yên Phụ nổi lên làm giặc cướp.

Núi Yên Phụ, tại địa phận xã Yên Phụ huyện Giáp Sơn phủ Kinh Môn tỉnh Hải Dương.

Trà Hương (theo nguyên chú vào niên hiệu Khai Vận năm thứ 2 (945) của nhà Tấn) là tên huyện. Nay thuộc huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương.


[ Trần Dụ Tông] niên hiệu Thiệu Phong năm thứ 7 (1347), Bảo Uy Vương Hiến, vì lấy trộm vải hoả hoãn [vải do nhà Tống tặng để may áo cho vua], bị đuổi ra ngoài, khi đến sông Trinh Nữ, vua sai người giết đi

Sông Trinh Nữ, tức sông Vạn Nữ xưa, nay là địa giới huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình.


[ Trần Dụ Tông] niên hiệu Thiệu Phong năm thứ 11 (1351), người con gái ở Thiên Cương (Thiên Cương, tên hương) hóa ra con trai.

Hương Thiên Cương, thuộc tỉnh Nghệ An.
___________________________________________
1. Nguyên bản ghi là Hưng Long năm thứ 10 (1302), ở đây sửa lại như trên cho hợp với chính sử.
2. Nguyên bản ghi là năm Hưng Long thứ 11 (1303), ở đây sửa lại như trên cho hợp với chính sử.
3. Nguyên bản ghi là năm Hưng Long thứ 20 (1212), ở đây sửa lại như trên cho hợp với chính sử.
4. Đoạn này thiếu phần chú giải địa danh.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Chín, 2008, 07:15:53 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2008, 12:27:20 pm »


CHÍNH BIÊN
Quyển 10

[ Trần Dụ Tông] niên hiệu Thiệu Phong năm thứ 12 (1352)1, đê Bát Khối bị vỡ, lúa màu bị ngập, dân vùng Thuận An thiệt hại nặng.

Bát Khối, tức tên hai xã Bát Tràng và Thổ Khối. Nay thuộc huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh

Thuận An, tên phủ [tờ 44b], nay cũng thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Đưa chúa nước Chiêm Thành là Chế Mỗ về nước, đến Cổ Luỹ [lại quay trở về nước ta].

Cổ Luỹ, xưa là địa giới quận Nhật Nam; từ nhà Đường trở về sau là đất Chiêm Thành; thời Hồ chiếm lấy đặt làm Châu Tư Châu Nghĩa; thời Lê hợp làm phủ Tư Nghĩa. Nay là tỉnh Quảng Ngài.


[ Trần Dụ Tông] niên hiệu Thiệu Phong năm thứ 14 (1354), cướp bóc hoành hành tại các vùng Lạng Châu và Nam Sách.

Lạng Châu và Nam Sách, chú ở trên.


[ Trần Dụ Tông] niên hiệu Thiệu Phong năm thứ 15 (1355), núi Kính Chủ bị lở.

Núi Kính Chủ, xưa là núi Thánh chủ, tại địa phận xã Kính Chủ, huyện Giáp Sơn tỉnh Hải Dương.


[ Trần Dụ Tông] niên hiệu Đại Trị năm thứ 4 (1361)2, người nước Chiêm Thành vượt biển đến cướp bóc của cải của dân ở cửa biển Di Lý.

Cửa biển Di Lý, nay thuộc địa phận xã Lý Hoà huyện Bố Trạch.

[tờ 45a] Tập hợp những người giàu trong nước, như người ở Đình Bảng thuộc Bắc Giang, Nga Đình thuộc Quốc Oai vào cung đánh bạc làm vui, cứ mỗi tiếng ăn thua tới 300 quan tiền.

Đình Bảng, tên hương.

Nga Sơn, tên hương, thuộc phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây.

Bắc Giang, nay thuộc Bắc Ninh.


Mùa Đông, núi Thiên Kiện bị lở.

Núi Thiên Kiện, còn có tên là núi Địa Kiện. Nay thuộc xã Thiên Kiện huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nội.


[ Trần Dụ Tông] niên hiệu Đại Trị năm thứ 9 (1366), vua đi chơi hương Mễ Sở, khi trở về đến bãi Chử Gia bị cướp, mất cả ấn báu và gươm báu

Mễ Sở, tên hương, nay thuộc huyện Đông Yên tỉnh Hưng Yên.

Bãi Chử Gia, nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh.


[ Trần Dụ Tông] niên hiệu Đại Trị năm thứ 10 (1367), sai Trần Thế Hưng đánh Chiêm Thành ở Chiêm Động.

[tờ 45a] Chiêm Động, xưa là đất Nhật Nam; nhà Đường trở về sau đặt làm Chiêm Thành; nhà Hồ chiếm lấy đất, đặt làm châu Thăng và châu Hoa; nhà Lê hợp lại làm phủ Thăng Hoa. Nay là đất phủ Thăng Bình tỉnh Quảng Nam.


Trần Nghệ Tông, niên hiệu Thiệu Khánh năm thứ nhất (1370), Cung Tuyên Vương Kính; Chương Túc Hầu Nguyên Đán hội quân ở sông Đại Lại, mưu giết Dương Nhật Lễ.

Sông Đại Lại, tại địa giới tỉnh Thanh Hoá, thuộc nhánh của sông Lương Giang, chảy qua các huyện Hậu Lộc, Vĩnh Lộc đổ ra biển. Lại có núi Đại Lại, Hồ Quý Ly đổi tên là núi Kim Âu.


Tháng 11, Cung Định Vương lên ngôi Hoàng Đế ở phủ Kiến Hưng

Kiến Hưng, xưa là phủ Hiển Khánh; thời Trần đặt là phủ Kiến Hưng; thời Lê đổi là phủ Nghĩa Hưng. Nay cũng giữ nguyên là phủ Kiến Hưng thuộc tỉnh Nam Định


[tờ 46a] [ Trần Nghệ Tông] niên hiệu Thiệu Khánh năm thứ 2 (1371), người nước Chiêm Thành vào cướp bóc kinh thành, đến bến Thái Tổ.

Bến Thái Tổ, nay đổi là phường Phục Cổ thuộc huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội.


Trần Nghệ Tông, niên hiệu Long Khánh năm thứ 3 (1375), sai Đào Lực Đinh đốc suất dân tu bổ đường xá, từ Cửu Chân đến Hà Hoa.

Cửu chân, xưa là bộ Cửu Chân thời Hùng vương; thời Đinh, Lê gọi là Ái Châu; đến niên hiệu Thiệu Phong (1341-1357) đời Trần, đặt làm lộ, chia làm ba phủ, là Thanh Hoá, Cửu Chân và Ái Châu.

Hà Hoa, từ thời Trần trở về trước, là tên huyện, thời Lê gọi là huyện Kỳ Hoa. Nay đổi là huyện Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh.


Trần Duệ Tông, niên hiệu Long Khánh năm thứ 4 (1376), vua tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành, quân của vua đến cửa biển Di Luân, rồi qua cửa biển Nhật Lệ.

Cửa biển Di Luân, tại xã Di Luân huyện Bình Chánh.

Cửa biển Nhật Lệ, tại xã Đông Hải huyện Phong Lộc.

Cả hai cửa biển này đều thuộc tỉnh Quảng Bình [ tờ 46b]


[ Trần Duệ Tông] niên hiệu Long Khánh năm thứ 5 (1377), sai Đỗ Lễ đánh quân Chiêm Thành, tiến đến cửa biển Thi Nại, cho quân trú ở động Ỷ Mang (động Ỷ Mang không rõ).

Cửa biển Thi Nại, nay thuộc địa giới hai thôn Hương Hải và Chính Thành huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định.


Trần Phế Đế, huý Hiện, niên hiệu Xương Phù năm thứ 4 (1380), Lê Quý Ly đánh bại quân Chiêm Thành ở Ngu Giang, trao cho Quý Ly chuyên giữ chức Nguyên nhung, làm Hải Tây đạo Đô thống chế.

Ngu Giang, nay thuộc địa giới huyện Hoằng Hoá tỉnh Thanh Hoá.

Hải Tây đạo, từ thời Trần trở về trước chưa có tên địa danh này; khoảng niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433) nhà Lê, mới lấy vùng Thanh Hoá, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hoá đặt là đạo Hải Tây, ngờ rằng sử cũ bị nhầm.


[ Trần Phế Đế] niên hiệu Xương Phù năm thứ 5 (1381), sai Thiền sư Đại Than đốc suất nhà sư trong nước đi đánh Chiêm Thành.

[tờ 47a] Đại Than, tên xã, thuộc huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh.


[ Trần Phế Đế] niên hiệu Xương Phù năm thứ 7 (1383)3, Lê Quý Ly đóng đồn binh ở núi Long Đại, đóng các thuyền chiến lớn, cho tiến quân đến vụng Lại Bộ Nương và Ô Tôn, nhưng vì gặp sóng to, nên phải quay về.

Núi Long Đại, nay thuộc địa giới huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa.

Vụng biển Lại Bộ Nương, nay là cửa biển Nương Loan, tại địa giới huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh.

Ô Tôn, nay là eo biển Vĩnh Sơn, tại địa phận huyện Bình Chánh tỉnh Quảng Bình, tiếp giáp địa giới huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh.


[ Trần Phế Đế] niên hiệu Xương Phù năm thứ 8 (1384), sai Trần Nghiêu Du vận chuyển lương thực đến địa đầu Thuỷ Vĩ, đợi giao nộp cho quân Minh

Thuỷ Vĩ, tên châu, thuộc phủ Quy Hoá tỉnh Hưng Hoá, tiếp giáp địa giới Vân Nam.


[ Trần Phế Đế] niên hiệu Xương Phù năm thứ 9 (1385), Chương Túc hầu, Nguyên Đán, vì tuổi già, xin về trí sĩ ở Côn Sơn, lấy hiệu là Băng Hồ.

[tờ 47b] Côn Sơn, nay ở xã Chi Ngại huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương. Phía trên có động Thanh Hư, phía dưới có cầu Non Ngọc.
_______________________________________
1. Nguyên bản ghi là Thiệu Phong năm thứ 13 (1353), ở đây sửa lại như trên cho hợp với sự kiện ghi trong chính sử.
2. Nguyên bản ghi là năm Đại Trị thứ 5 (1362), ở đây sủa lại như trên cho hợp với sự kiện ghi trong chính sử.
3. Nguyên bản ghi là năm Xương Phù thứ 6 (1382), ở đây sửa lại như trên cho hợp với sự kiện ghi trong chính sử.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Chín, 2008, 12:32:30 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2008, 09:36:55 pm »


CHÍNH BIÊN
Quyển 11


Trần Thuận Tông, niên hiệu Quang Thái năm thứ 2 (1389), người Nông Cống là Nguyễn Kỵ tụ họp binh lính đi cướp bóc.

Nông Cống, xưa là huyện Tư Nông; đến thời Minh đổi là huyện Nông Cống. Nay giữ theo là Nông Cống, thuộc tỉnh Thanh Hoá.

Yêu tăng Phạm Sư Ôn hô hào tụ họp dân chúng ở lộ Quốc Oai, đóng đồn ở Nộn Châu, vua sai Hoàng Phụng Thế từ Miệt Giang tiến quân đánh dẹp được chúng.

Nộn Châu, thuộc phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây, nhưng chưa rõ đích xác nơi nào.

Miệt Giang, là một nhánh của sông Hát, chảy qua các huyện Chương Đức, Hoài An thông với Hoàng Giang.


[tờ 48a] Trần Thuận Tông niên hiệu Quang Thái năm thứ 3 (1390), bè đảng của Nguyên Đĩnh là Trần Khang chạy trốn đến Lão Qua

Lão Qua, tên dân tộc người Mán, tục gọi là Qua Giang. Phía Đông Nam đất này giáp địa giới nước ta, phía Tây giáp địa giới nước Bát Bách tức phụ, phía Bắc giáp địa giới nước Xa Lý. Vào niên hiệu Vĩnh Lạc năm thứ 3 (1405) nhà Minh, mới đặt Tuyên úy ty. Nay thuộc nước Nam Chưởng.


[ Trần Thuận Tông] niên hiệu Quang Thái năm thứ 4 (1391), Trang Định Đại Vương Ngạc chạy trốn ra Vạn Ninh.

Vạn Ninh, từ thời Trần trở về trước là tên châu; thời thuộc Minh đổi là huyện; thời Lê phục lại làm châu. Nay đổi làm phủ Hải Ninh thuộc tỉnh Quảng Yên.


[ Trần Thuận Tông] niên hiệu Quang Thái năm thứ 10 (1397), [Hồ] Quý Ly kiến nghị muốn dời kinh đô đến Yên Tôn. Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can ngăn, nói: “Nay đất Long Đỗ có núi Tản Viên, có sông Nhĩ Hà, núi cao sông sâu, đất đai bằng phẳng rộng thoáng. Từ xưa các bậc đế vương mở nền dựng nước [tờ 48b], không đời nào không lấy đất này làm căn bản, giữ làm kế bền lâu cho quốc gia. Còn dịa giới Yên Tôn là nơi chật hẹp, sơn cùng thủy tận, không thể định cư được. Dựa vào hiểm trở liệu có ích gì?” Quý Lý không nghe.

Yên Tôn, tên động, tại xã Yên Tôn huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá. Di chỉ thành đó vẫn còn, bên phải bên trái đều sát núi đá, sát cạnh là hợp lưu của hai sông Lương và Mã.

Long Đỗ, tức thành Đại La, lúc Cao Biền đắp, thấy vị thần nhân tự xưng là Long Đỗ, cho nên có tên như thế.


Bổ dụng Lê Hán Thương lĩnh chức Đô hộ phủ ở lộ Đông Đô, Trần Nguyên Trữ làm Đô thống phủ ở lộ Tam Giang.

Lộ Đông Đô, tức thành Thăng Long, đương thời gọi Thanh Hoá là Tây Đô, gọi Thăng Long là Đông Đô.

Tam Giang, thời Lý trở về trước là đất Phong Châu và Chân Đăng; thời Trần đặt làm lộ Tam Giang. Do đất này có ba con sông là Lô Giang, Thao Giang và Đà Giang nên có tên như thế [tờ 49al; thời Lê chia làm ba phủ là Thao Giang, Đà Giang và Đoan Hùng. Nay các phủ Hưng Hóa của tỉnh Tuyên Quang và Lâm Thao, Đoan Hùng và Quảng Oai của tỉnh Sơn Tây đều thuộc về vùng đất ấy.


Quý Ly sai viên Miếu lệnh là Lê Hợp và viên Phụ đạo Cổ Lũng là Lê Ông hợp mưu giết cung nữ.

Cổ Lũng, tên huyện. Thời Lê đổi làm huyện Cổ Lũng. Nay theo cũ đặt làm huyện Cổ Lũng thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Phụ đạo, tên quan thổ tù.


Trần Thiếu Đế, niên hiệu Kiến Tân năm thứ 2 (1399), bọn Trần Nguyên Hãn, Trần Khát Chân họp tuyên thệ ở Đốn Sơn.

Đốn Sơn, tại xã Cao Mật huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá.


Nguyễn Như Cái tập họp dân chúng quấy nhiễu ở vùng núi Lịch, sông Đáy.

[tờ 49b] Núi Lịch, tại địa giới huyện Sơn Dương tỉnh Sơn Tây.

Sông Đáy, phát nguyên từ núi Tam Đảo, chảy qua địa giới các huyện Tam Dương và Lập Thạch của tỉnh Sơn Tây, đổ vào sông Bạch Hạc.


Hồ Hán Thương, niên hiệu Thiệu Thành năm thứ 2 (1402), Chiêm Thành dâng đất đầu nguồn, thiết lập đất ấy làm trấn Tân Ninh.

Tân Ninh, nay là vùng Chiên Đàn, Ô Da và Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam.


CHÍNH BIÊN
Quyển 12


Hồ Hán Thương, niên hiệu Khai Đại năm thứ nhất (1403), đặt Tứ phụ của kinh kỳ

Nền móng ở Tây Đô đã xây dựng xong, Hán Thương lại đổi phủ Thanh Đô thành phủ Thiên Xương, phủ Diễn Châu thành phủ Linh Nguyên, gộp cả Cửu Chân và Ái Châu làm Tứ phụ


[Hồ Hán Thương] niên hiệu Khai Đại năm thứ 2 (1404), mở Liên Cảng nhưng không thành.

[tờ 50a] Liên Cảng, nay thuộc xã Thuỷ Liên huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình. Hán Thương sai mở Liên Cảng từ Tân Bình đến địa giới Bình Thuận, nhưng vì bùn cát đùn lên, công mở cảng không thành.


[Hồ Hán thương] niên hiệu Khai Đại năm thứ 3 (1405)1, đắp thành Đa Bang.

Thành Đa Bang, tại xã Cổ Pháp huyện Tiên Phong tỉnh Sơn Tây.


Nhà Minh sai bọn Trương Phụ và Mộc Thạnh chia làm hai đạo quân: một đạo xuất phát từ Long Châu, Bằng Tường tiến quân đến cửa ải Pha Luỹ, kéo thẳng đến sông Phú Lương; một đạo xuất phát từ Vân Nam, Mông Tự tiến đánh cửa ải Phú Lệnh, kéo thẳng đến sông Bạch Hạc. Chúng hội quân đánh nhà Hồ.

Long Châu, Bằng Tường thuộc phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây nhà Thanh, giáp địa giới tỉnh Lạng Sơn nước ta.

Cửa ải Pha Luỹ, thuộc xã Đồng Đăng huyện Văn Uyên tỉnh Lạng Sơn. Nay là cửa Nam Quan.

Mông Tự, tên huyện, thuộc tỉnh Vân Nam, tiếp giáp địa phận tỉnh Hưng Hoá nước ta.

Cửa ải Phú Lệnh, thuộc địa giới tỉnh Tuyên Quang.


[tờ 50b] Trần Giản Định, huý Ngỗi, niên hiệu Hưng Khánh năm thứ nhất (1407), Trương Phụ nhà Minh đánh bại quân nhà Hồ ở sông Mộc Hoàn. Hồ Nguyên Trừng rút quân cố thủ ở cửa biển Muộn Hải.

Sông Mộc Hoàn, tại địa phận xã Mộc Hoàn huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Nội, tiếp giáp sông Hoàng Giang.

Cửa biển Muộn Hải, thuộc địa phận huyện Giao Thuỷ tỉnh Nam Định. Nay bị san lấp


Mùa hạ, quân Minh tiến dành Lỗi Giang.

Lỗi Giang, tức một nhánh của sông Mã, tại huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá. Hạ lưu sông này thông với sông Đại Lại. Theo Thiên hạ quận quốc lợi bệnh toàn thư ghi huyện Lỗi Giang có cửa ải Ba Lẫm.


Trương Phụ cho quân truy đuổi bắt được cha con Hồ Hán Thương ở núi Cao Vọng, cửa biển Kỳ La.

Cửa biển Kỳ La, nay tại địa phận huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh, tiếp giáp với núi Cao Vọng.


[tờ 51a] Lại đuổi người nước Chiêm. Đưa [Hoàng] Hối Khanh trở về đền cửa biển Đan Thai.

Cửa biển Đan Thai, tại nơi tiếp giáp giữa hai huyện Nghi Xuân và Chân Lộc tỉnh Nghệ An. Nay là cửa biển Hội Thống.


Phạm Chấn, viên thổ hào ở Đông Triều khởi binh ở Bình Than.

Đông Triều, tên huyện, thuộc tỉnh Hải Dương.

Bình Than, chú ở trên


Trương Phụ nhà Minh kéo quân đến cửa biển Bố Chính.

Cửa biển Bố Chính, tại địa giới hai huyện Bình Chánh và Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, tức cửa biển Linh Giang.


[ Trần Giản Định] niên hiệu Hưng Khánh năm thứ 3 (1409), vua Ngỗi đích thân cầm quân đánh bọn Mộc Thạnh và Lã Nghị nhà Minh ở thành Đông Quan, chém được Lã Nghị ở Bô Cô. Duy có Mộc Thạnh thoát thân chạy đến thành Cổ Lộng.

[tờ 51b] Thành Đông Quan, tức thành Đông Đô; thời Minh đặt Đông Đô làm phủ trị, cũng có tên là Thành Đông Quan.

Bô Cô, tên bến, tại huyện Phong Doanh tỉnh Nam Định, tiếp giáp với tỉnh thành Ninh Bình. Tên cũ là Bô Cô, nay đổi làm xã Hiếu Cổ.

Thành Cổ Lộng, do nhà Minh đắp, nay tại xã Bình Cách huyện Ý Yên tỉnh Nam Định. Di chỉ hãy còn, tục gọi là thành Cách.


Vua Ngỗi đánh chống cự với quân Minh ở thành Ngự Thiên. Bấy giờ, bọn Nguyễn Cảnh Dực và Đặng Dung đều căm giận vì cha bị giết oan, mới đem quân Thuận Hoá đón rước Quý Khoáng (Quý Khoáng là cháu của Nghệ Tông) đến Nghệ An, lập làm vua, lên ngôi ở Chi La, đổi niên hiệu là Trùng Quang.

Ngự Thiên, tên huyện. Hương Đa Cương có mộ tổ nhà Trần, vậy có tên là Ngự Thiên. Nay đổi là huyện Hưng Nhân thuộc tỉnh Hưng Yên.

Chi La, tên huyện, nay đổi là huyện La Sơn thuộc tỉnh Hà Tĩnh.


[tờ 52a] Đế Quý Khoáng, niên hiệu Trùng Quang năm thứ nhất (1409), đế Ngỗi chạy đến trấn Thiên Quan, quân Minh đuổi đến Mỹ Lương thì bắt được, đưa về Kim Lăng.

Mỹ Lương, tên huyện, nay thuộc tỉnh Sơn Tây, giáp với địa giới huyện Nho Quan.

Thiên Quan, tức phủ Nho Quan hiện nay.


Nhà Minh bắt các xứ Từ Sơn, Gia Lâm, mỗi nơi đều đặt dịch trạm.

Từ Sơn, xưa là đất châu Cổ Pháp; thời thuộc Minh đặt là huyện Từ Sơn; thời Lê thăng làm phủ. Nay vẫn giữ là tên phủ, thuộc tỉnh Bắc Ninh

Gia Lâm, tên huyện, cũng thuộc tỉnh Bắc Ninh

Nguyễn Hữu Mùi dịch


___________________________________________
1. Nguyên bản ghi là năm Khai Đại thứ 4 (1406), ở đây sửa lại như trên cho hợp với sự kiện ghi trong chính sử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2008, 09:50:53 pm »


CẢM TÁC1
Nguyên tác:



Phiên âm:

CẢM TÁC
Thức mục kinh thành tử tế khan,
Thống tâm quân quốc lệ lan lan.
Quyền gian trực dục hoà ngu Tống,
Trung nghĩa na vi hận báo Hàn.
Thảo mộc sơn hà phi cựu chủ
Vương hầu đệ trạch dĩ tân nhan.
Các trung đệ tử kim hà tại,
Dao vọng Bình Sơn tẩm bất an.

Dịch nghĩa:

CẢM TÁC
Gạt nước mắt nhìn kỹ về chốn kinh thành,
Đau lòng vì vua vì nước, nước mắt chan chứa.
Bọn quyền gian chỉ muốn xui ngu nhà Tống chịu hoà2
Người trung nghĩa làm thế nào vì nước Hàn báo hận3.
Non sông cây cỏ đều không còn chủ cũ,
Phủ đệ vương hầu đã thay bộ mặt mới.
Con em các nhà quyền quý hiện giờ ở đâu,
Xa xa ngóng về non Bình mà ngủ chẳng yên giấc4.

Dịch thơ:

Kinh thành ngoái lại mà trông,
Xót vua đau nước, mắt rưng lệ nhoà.
Quyền gian một mực xúi hoà,
Để người trung nghĩa biết là làm sao
Thay mặt mới, khác vương hầu,
Non sông đổi chủ còn đâu của mình.
Con em dòng dõi vắng tanh,
Xa xa những ngóng non Bình, khôn an5

Lê Vũ Hoàng dịch

Chú thích:
1. Bài thơ này làm năm Ất Dậu Hàm Nghi nguyên niên (1885).
2. Ám chỉ bọn quan lại “chủ hoà” đương thời, như bọn Tần Cối xui vua nhà Tống chịu hoà với giặc Kim, nhượng bộ chúng từng bước để đến nỗi mất nước.
3. Bày tỏ ý chí của tác giả như Trương Lương hận nhà Tần diệt nước Hàn của mình nên đi theo Lưu Bang bày mưu quyết báo thù cho nước cũ.
4. Non Bình: Núi Ngự Bình ở Huế, một biểu tượng của kinh đô Huế.
5. Toàn bộ thơ văn chữ Hán trong Phần II, mục A “Các tác phẩm thơ văn Phan Đình Phùng” theo Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 17, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM