Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:44:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phan Đình Phùng - Cuộc đời và sự nghiệp  (Đọc 109578 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2008, 09:42:21 pm »


Tên sách: Phan Đình Phùng-Cuộc đời và sự nghiệp
Nhà xuất bản: Nghệ An
Năm xuất bản: 2007
Số hoá: ptlinh, chuongxedap









LỜI DẪN

Phan Đình Phùng sinh năm 1847 tại làng Đông Thái (nay là xã Tùng Ảnh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia dình có truyền thống hiếu học, trọng đạo nghĩa, con cụ Phó bảng Phan Đình Tuyển; là em ruột các ông Tú tài Phan Đình Thông, Cử nhân Phan Đình Thuật và là anh ruột Phó bảng Phan Đình Vận.

Phan Đình Phùng thi đậu Cử nhân năm 1876; năm sau, 1877, đậu Đình nguyên Tiến sĩ, nên nhân dân địa phương cũng gọi là cụ Đình; được bổ Tri huyện Yên Khánh (Ninh Bình), sau đó Cụ được đổi về kinh đô Huế, sung chức Ngự sử Đô sát viện. Cụ Phan nổi tiếng về tính cương trực và khảng khái. Năm 1882, Cụ dâng sớ đàn hặc Thiếu bảo Nguyễn Chánh về tội “ứng binh bất biến” (cầm quân ngồi yên không đi tiếp viện) khi giặc Pháp tiến công thành Nam Định. Năm 1883, vì thấy Tôn Thất Thuyết làm việc phế Dục Đức lập Hiệp Hòa, Cụ đứng lên phản đối, và vì thế bị Tôn Thất Thuyết đuổi về làng.

Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần vương, Phan Đình Phùng đã đứng ra chiêu tập quân sĩ chống Pháp. Các anh hùng hào kiệt khắp bốn tỉnh miền Bắc Trung Kỳ tự nguyện liên kết lực lượng dưới quyền chỉ huy tối cao của cụ Đình. Nghĩa quân xây dựng căn cứ tại vùng núi rừng Hương Sơn, Hương Khê (Vụ Quang) hiểm trở, nhằm tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Địa bàn hoạt động rất rộng, bao gồm vùng Nghệ Tĩnh và một phần tỉnh Quảng Bình và tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ buổi đầu kháng chiến, Cụ đã có nhận thức đúng đắn: cần có sức mạnh của toàn dân mới có thể chiến thắng được quân thù và cần có vũ khí hiện đại. Do dó, Cụ đã giao cho Cao Thắng lãnh trách nhiệm tổ chức và xây dựng phong trào ở Nghệ Tĩnh, còn Cụ ra Bắc (1887) đặt quan hệ và vận động thống nhất các lực lượng chống Pháp ở cả hai miền. Cao Thắng, người tùy tướng tài ba lỗi lạc của Cụ sau mấy tháng trời lao động, ngày đêm tìm tòi, đã cùng các đồng chí chế tạo được súng đạn đánh Pháp, đặc biệt là súng trường kiểu “1874”, đồng thời cũng chăm lo giáo dục nghĩa quân tinh thần hăng hái hy sinh dũng cảm và ý thức tổ chức kỷ luật...

Năm 1888, Phan Đình Phùng ở Bắc về, trực tiếp lãnh dạo phong trào; thanh thế của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh. Cụ chia nghĩa quân ra làm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 nghĩa binh, có Đề đốc hoặc Lãnh binh chỉ huy, riêng đại đồn Vụ Quang lúc nào cũng có 500 quân trở lên.

Chiến thuật, chiến lược của Cụ là dựa vào núi rừng hiểm yếu và công sự kiên cố để đánh giặc. Nhưng khác với lối đánh lập chiến tuyến cố định như của nghĩa quân Ba Đình (Thanh Hóa) trước đó, Cụ biết dùng căn cứ vững chắc phối hợp với lối đánh du kích dể tiêu diệt quân thù. Nghĩa quân có căn cứ địa nhưng không thủ hiểm, luôn luôn phân tán hoạt động đánh đồn diệt viện, chặn đường giao thông; không phá được đồn thì nhử địch ra ngoài để tiêu diệt; dùng hố chông, cạm bẫy để đánh địch, do đó đã làm cho quân xâm lược nhiều phen thất điên bát đảo. Trận Vụ Quang tháng 10-1894, với kế “Sa nang úng thủy” của Hàn Tín đánh quân Sở ngày xưa, đã làm cho bọn địch tổn thất nặng nề: 100 lính và ba sĩ quan địch bị tiêu diệt; nghĩa quân thu 50 súng và rất nhiều quân trang, quân dụng. Vì vậy, mặc dù phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, Cụ vẫn duy trì cuộc kháng chiến được mười năm, là thời gian dài nhất trong phong trào Cần vương của nhân dân ta chống Pháp cuối thế kỷ XIX.

Trong sự nghiệp mười năm “Cần vương chống Pháp”, Phan Đình Phùng luôn luôn nêu cao tinh thần bất khuất, một lòng một dạ cứu nước, Cụ đã chiếm được lòng tin yêu của nghĩa quân và lòng kính mến của nhân dân. Giặc đem danh lợi ra mua chuộc Cụ, nhưng thất bại. Chúng dùng vũ lực để uy hiếp tinh thần, Cụ không sờn lòng. Chúng bắt thân nhân của Cụ, khai quật mồ mả tổ tiên, Cụ không nản chí. Câu trả lời khảng khái của Cụ trước mặt tên Lê Kinh Hạp Tiễu phủ sứ, tay sai của giặc, khi hắn dọa bắn giết người anh ruột là Phan Đình Thông và đào mả tổ tiên, đã nói lên khí tiết của một vị anh hùng dân tộc: “Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to nên giữ là nước Việt Nam; tôi chỉ có một ông anh rất to đang bị lâm nguy là mấy triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang lại phần mộ của tổ tiên riêng mình, thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu sống ông anh của riêng mình, thì còn bao nhiêu anh em trong nước ai cứu?”.

Phan Đình Phùng kiên quyết kháng chiến, một lòng một dạ vì nhân dân, vì đất nước. Đến cuối năm 1895, trong một trận giao tranh ác liệt, Cụ bị thương và sau đó đã hy sinh tại quân doanh vào ngày 28-12-1895. Từ đó, phong trào Cần vương của nhân dân ta coi như kết thúc, chấm dứt cả một thời kỳ đấu tranh vũ trang oanh liệt do các nhà sĩ phu văn thân yêu nước lãnh đạo.

Phong trào chống Pháp của Phan Đình Phùng đã khẳng định sự biểu hiện hào hùng của tinh thần độc lập dân tộc, của cơ sở văn hóa cổ truyền dân tộc. Đứng về giá trị truyền thống mà nói thì đây là một sự tiếp tục, một sợi dây nối liền với những chủ trương của các sĩ phu yêu nước tiến bộ trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX.

Từ lâu nay, nhân dân ta đánh giá cao vai trò lịch sử của Phan Đình Phùng, vị anh hùng chống giặc cứu nước. Câu nói của tác giả Trần Dân Tiên sau đây, có thể coi là sự nhận định, đánh giá có ý nghĩa khái quát nhất về “con người và sự nghiệp cứu nước” của Phan Đình Phùng: “Cụ Phan Đình Phùng là một học giả nổi tiếng và là một vị quan to... Cụ là một trong những người chí sĩ yêu nước... đứng lên chống lại bọn đế quốc Pháp xâm lược. Cụ tổ chức những phần tử trí thức và nông dân Trung Bộ, lãnh đạo họ đấu tranh gian khổ chống bọn xâm lược, trải qua chín, mười năm. Tuy Cụ đã mất nhưng tên Cụ trở thành tượng trưng cho lòng yêu nước”1.

Năm 1995, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Phan Đình Phùng, Trung tâm Khoa học xã hội nhân văn phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học tại Hà Nội. Tại cuộc Hội thảo này, có nhiều nhà khoa học tham dự với các bản tham luận đề cập nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời cũng đặt vấn đề cần đẩy mạnh hơn việt nghiên cứu về “con người, cuộc đời sự nghiệp cứu nước”, cũng như cần sưu tập thêm tư liệu lịch sử, tác phẩm văn thơ của Cụ, kể cả giai thoại, chuyện kể... liên quan đến vị chí sĩ yêu nước, lãnh tụ của phong trào Cần vương chống Pháp lừng lẫy này.

Đã hơn mười năm qua, kể từ Hội thảo khoa học ấy, chúng tôi một nhóm anh em nghiên cứu lịch sử, văn học đã cố gắng tổ chức viết mới, sưu tầm bổ sung thêm một số bài viết về “con người và sự nghiệp” của cụ Phan để biên soạn thành tập sách này, lấy tên là:

PHAN ĐÌNH PHÙNG - CON NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP.

Cuốn sách được chia làm ba phần:

I. Phan Đình Phùng và sự nghiệp Cần vương: bao gồm những bài viết của các nhà nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp lãnh dạo phong trào Cần vương kháng Pháp của Cụ.

II. Phan Đình Phùng và sự nghiệp thơ văn:

- Các tác phẩm thơ văn của Phan Đình Phùng;

- Thơ, câu đối, văn điếu Phan Đình Phùng;

- Về thơ văn Phan Đình Phùng và hình ảnh Phan Đình Phùng trong thơ văn.

III. Phụ lục:

- Các văn bản về phong trào Cần vương;

- Tư liệu về Phan Đình Phùng và phong trào Cần vương;

- Văn thơ, truyện kể về phong trào Cần vương.


Ngoài ra, nhân dịp này, để làm tài liệu tuyên truyền sâu rộng về phong trào Cần vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo, chúng tôi cũng tổ chức xuất bản thêm hai tập sách khác, là:

- Phan Đình Phùng - Nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1886 - 1895) ở Nghệ Tĩnh của Đào Trinh Nhất;

- Tráng sĩ Cao Thắng: gồm các tác phẩm viết về Cao Thắng của Phan Bội Châu, Phan Khánh và một số tác giả khác.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc và mong được góp ý kiến.
   
                                                                      Hà Nội, tháng 5 năm 2007
   
                                          T/M TRUNG TÂM VĂN HOÁ NGÔN NGỮ ĐÔNG TÂY VÀ NHÓM BIÊN SOẠN
                                                                   PGS. TS Sử học Chương Thâu



____________________________________
1. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 11.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2008, 09:53:47 pm »


Phần I
PHAN ĐÌNH PHÙNG VÀ SỰ NGHIỆP CẦN VƯƠNG



TRẦN HUY LIỆU1
TƯỞNG NHỚ NHÀ ĐẠI ÁI QUỐC
PHAN ĐÌNH PHÙNG

Trong công cuộc đánh giặc cứu nước của các văn thân vào cuối thế kỷ XIX, cụ Phan Đình Phùng, lãnh tụ nghĩa quân Hương Khê. xuất hiện như một ngôi sao sáng nhất .

Cụ Phan Đình Phùng tên hiệu là Châu Phong, sinh ngày 24 tháng 4 năm Đinh Mùi, tức ngày 6-6-1847, tại làng Đông Thái, huyện La Sơn, nay là xã Đức Phong2, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Là một nhà Nho yêu nước nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lâm nguy, năm 1885, Cụ đã tập hợp nghĩa quân phất cao cờ khởi nghĩa chống đánh thực dân xâm lược Pháp.

Lực lượng nghĩa quân do Cụ cầm đầu bước lên con đường chiến đấu cứu nước trong điều kiện và hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Triều đình Huế với bù nhìn Đồng Khánh đã trở thành tay sai của giặc, thực dân Pháp câu kết với bọn phong kiến phản quốc đã đặt được bộ máy đô hộ của chúng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chúng tập trung binh lực và dùng mọi thủ đoạn hiểm độc dã man nhất để tiêu diệt phong trào khởi nghĩa chống xâm lược của nhân dân ta, trong đó có cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng.

Dựa vào nhân dân địa phương, lực lượng nghĩa quân Phan Đình phùng có một sức sống tiềm tàng và có một sức chiến đấu vô cùng mãnh liệt, dẻo dai. Từ một lực lượng như một đốm lửa nhỏ bé xuất hiện buổi đầu của làng Đông Thái, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, trong vòng mấy năm lực lượng đó đã vừa chiến đấu vừa xây dựng, phát triển thành một lực lượng mạnh mẽ bao gồm mấy nghìn tướng sỹ, phân chia thành 15 quân thứ hoạt động trên khắp miền núi rừng bốn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa và trang bị bằng nhiều súng do nghĩa quân tự chế tạo.

Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân Phan Đình Phùng, bọn thực dân Pháp đã phải xây dựng cả một hệ thống đồn bốt như một tấm lưới thép bao vây hòng triệt đường tiếp tế liên lạc, ngăn chặn nghĩa quân phát triển xuống đồng bằng. Đồng thời chúng ra sức thực hiện âm mưu dùng người Việt đánh người Việt và lệnh cho phong kiến Nam triều huy động một lực lượng lớn lính bao vây, sục sạo, chia cắt, tấn công nghĩa quân.

Nhưng nghĩa quân Phan Đình Phùng như một cánh chim đại bàng vượt lên muôn trùng bão tố để chống lại mọi cuộc tấn công của quân thù và đã giáng vào kẻ địch nhiều đòn quyết liệt. Trong những năm 1885-1890, nghĩa quân đã nhiều lần chống càn thắng lợi và tấn công vào các đồn bốt giặc ở Hà Tĩnh, Nghệ An. Những trận tấn công đồn Dương Liễu, đồn Trường Lưu, đồn Quỳnh Lưu, đồn Linh Cảm; những trận phục kích ở làng Hốt, trại Tháp và nghĩa quân đã đánh cả xuống đồng bằng Nghệ An, phá vỡ kế hoạch tấn công của giặc.

Những năm 1891-1892 đã chứng kiến những trận phục kích thắng lợi của nghĩa quân ở đồn Quỳ Hợp, Hương Khê ở Truông Vắt, những cuộc tiễu trừ bọn việt gian đầu sỏ theo giặc đàn áp nghĩa quân, phá vỡ hai trận càn lớn của giặc ở vùng Ngàn Phố, Sông Cả, Tràng Sim vào đại bản doanh của nghĩa quân ở Hội Trung và đã tập kích sát tỉnh lị Hà Tĩnh, đồng thời tấn công giặc liên tiếp ở Kỳ Anh, Nam Huân. Vào đêm 23 rạng ngày 24-8-1892, một đơn vị nghĩa quân đột nhập tỉnh lị Hà Tĩnh tấn công trại lính tập và nhà lao, giải phóng tất cả tù nhân, trong đó có 70 nghĩa quân bị giam giữ. Năm 1893 đánh dấu những trận chống càn oanh liệt của nghĩa quân ở khu Truông Vắt, Ngàn Trươi, những trận tấn công liên tục vào các đồn Trung Lương, Kim Chúc, Hương Khê. Cuối năm, nghĩa quân đã thực hiện một kế hoạch táo bạo nhằm giải phóng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nhưng thất bại kể từ khi vị tướng quân anh hùng Cao Thắng hy sinh trên đường tiến quân.

Những năm 1894-1895 là giai đoạn chiến đấu cuối cùng của nghĩa quân. Giai đoạn này thực dân xâm lược Pháp đã tạm thời dập tắt ngọn lửa khởi nghĩa ở các nơi khác nên rảnh tay đối phó với lực lượng nghĩa quân Phan Đình Phùng. Chúng huy động bọn phong kiến phản quốc trong chính phủ Nam triều, tập trung 3.000 quân chia làm nhiều đạo, lập hệ thống đồn bốt bao vây nghĩa quân, khủng bố nhân dân và mở những cuộc tấn công càn quét quy mô liên tục. Tháng 7-1895, chúng lại phái tên việt gian Nguyễn Thân thay mặt Nam triều kéo thêm quân đi đàn áp nghĩa quân. Tuy vậy, kẻ thù vẫn không khuất phục được tinh thần chiến đấu kiên cường của nghĩa quân anh hùng. Ngay trong những năm nguy khốn nhất, nghĩa quân vẫn chiến thắng kẻ thù: oanh liệt nhất là trận chiến đấu phòng ngự nửa tháng ròng rã ở Đại Hàm vào cuối năm 1894, ở Cây Khế tháng 3-1895, tiêu diệt tên giám binh Samaran và cuối cùng là trận Vụ Quang nổi tiếng (tiêu diệt trên 100 quân địch với ba sĩ quan Pháp) vào tháng 7-1895.

Cuộc chiến đấu oanh liệt còn đang tiếp diễn thì vị anh hùng dân tộc Phan Đình Phùng bị ốm nặng và từ giã cõi trần vào ngày 28-12-1895 tại sơn trại Núi Quạt.

Cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng là một bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vào thời kỳ đầu xâm lược của thực dân Pháp.

Vinh quang của cuộc khởi nghĩa đó thuộc về các tướng sĩ yêu nước tài giỏi anh hùng Cao Thắng, Nguyễn Trạch (tức Nguyễn Khương), Nguyễn Chanh (tức Nguyễn Dật), Cao Đạt, Nguyễn Mục, Đề Vinh, Đề Đạt, Lê Văn Tạc, Phan Đình Phong, Phan Đình Cam, Phan Đình Trình, Hiệp Tuấn, Lãnh Ngợi... Vinh quang đó thuộc về nhân dân đầy tình yêu nước của bốn tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa đã hăng hái tham gia nghĩa quân và đóng góp tiền bạc, tiếp tế binh lương, mật báo tin địch... Chỉ riêng hai làng Trung Lương và Vân Chàng đã có mấy trăm thợ rèn tham gia hàng ngũ nghĩa quân để chế tạo vũ khí kiểu mới.

Vinh quang đó thuộc về chủ tướng Phan Đình Phùng; ông không những là một tấm gương sáng chói về tinh thần yêu nước nồng nàn mà còn nêu cao một đạo đức, tác phong gương mẫu có tác dụng cổ vũ và cảm hóa rất lớn đối với các tướng sĩ nghĩa quân và nhân dân địa phương.

Mặc dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn thâm độc, từ việc đàn áp bằng vũ khí đến việc dụ dỗ Cụ đầu hàng, thậm chí bắn giết người thân, đào mả tổ tiên Cụ, tinh thần của cụ Phan Đình Phùng vẫn đứng vững như núi Giăng Màn, khí tiết của Cụ vẫn trong sáng tựa trăng rằm.

Cụ là điển hình của câu châm ngôn “Giàu sang không quyến rũ được, nghèo nàn không làm dời đổi được, uy vũ không thể khuất phục được”

Cụ Phan Đình Phùng đã ngã xuống chiến trường, hiến dâng đời mình cho Tổ quốc Việt Nam yêu quý, sống vì Tổ quốc, chết cũng vì Tổ quốc.

Cụ Phan Đình Phùng và các tướng sĩ nghĩa quân vẫn sống mãi trong lòng nhân dân. Ngày nay trong cuộc chiến tranh vũ trang chống quân xâm lược của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, miền Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng, miền Nam nước ta đang sôi nổi cao trào cách mạng, những anh hùng dân tộc như cụ Phan Đình Phùng sẽ trở nên bất diệt cùng với non sông đất nước.

Ngày 10 tháng Giêng năm 1965,
năm thứ 20 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa3.

(Theo Hồ sơ số 49. P.THL. LTVSH, bản đánh máy)
________________________________________
1. Trần Huy Liệu (1901-1969): Giáo sư, Viện sĩ, Viện trưởng Viện Sử học.
2. Hiện nay đổi thành xã Tùng Ảnh.
3. Viết về Phan Đình Phùng, trên Tập san Văn Sử Địa, số 45 (tháng 10-1958), Trần Huy Liệu còn có một bài tựa đề là Cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, tiêu biểu của phong trào văn thân 1885-1896, tr.1-14.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2008, 10:02:43 pm »


VÕ NGUYÊN GIÁP
PHAN ĐÌNH PHÙNG
CON NGƯƠI TƯỢNG TRƯNG CHO LÒNG YÊU NƯỚC
1

Đó là đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn của nhân loại nói về cụ Phan Đình Phùng, người anh hùng của phong trào vũ trang yêu nước chống Pháp vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX mà hôm nay chúng ta trang trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày mất của Cụ.

Khi cụ Phan Đình Phùng hy sinh vì nghĩa lớn thì Bác Hồ của chúng ta mới lên 5 tuổi. Quê hương (làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) cũng như vùng núi rừng Hương Sơn, Hương Khê, Vụ Quang) căn cứ địa kháng chiến của Phan Đình Phùng không xa quê hương Nam Đàn, Nghệ An của Bác. Chắc chắn, tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như trên những chặng đường hoạt động sau này, hình ảnh người thủ lĩnh nghĩa quân Phan Đình Phùng rất sâu đậm. Người còn nhấn mạnh đến nét đặc sắc trong tiểu sử cụ Phan là “một học giả nổi tiếng, một vị quan to, một chí sĩ yêu nước và là người đã tổ chức những phần tử trí thức và nông dân...” tham gia sự nghiệp cứu nước.

Lòng ngưỡng mộ và khâm phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cụ Phan đã nói lên tầm vóc của người tiêu biểu nhất của phong trào Cần vương ở miền Trung (ở các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình), một vùng đất cũng tiêu biểu nhất cho tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của Tổ quốc chúng ta.

Có thể nói, cho đến nay sự đánh giá vị trí của cụ Phan Đình Phùng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hương Khê là nhất trí. Cụ là người chí sĩ bất khuất, biết dùng người tài như Cao Thắng. Đã chọn núi rừng hiểm yếu làm căn cứ địa, tổ chức ra 15 quân thứ có kỷ cương, coi trọng chế tạo vũ khí cả thô sơ và súng mới, biết dựa vào dân mà tích trữ quân lương. Nghệ thuật đánh giặc thì chủ động và sáng tạo, khi tập kích, phục kích, khi đánh ngay vào đầu não của địch, khi dùng mưu trí để diệt địch như trong trận Vụ Quang nổi tiếng, chiến đấu suốt mười năm, rõ ràng đã có tư tưởng đánh lâu dài với quân Pháp. Song để tìm thấy ở con người đó những bài học cho cuộc sống bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước ngày hôm nay, chúng ta còn phải tiếp tục nghiên cứu, còn nhiều việc phải làm.

Cuộc hội thảo ngày hôm nay, chúng ta đã nghe nhiều tham luận khoa học nói về thân thế, sự nghiệp và vị trí của Phan Đình Phùng trong lịch sử. Nhưng làm sao cho những tri thức của các nhà khoa học trở thành tri thức của xã hội, nhất là của lớp trẻ sống trong một hoàn cảnh lịch sử khác xa thời mất nước, nô lệ như thuở cụ Phan đã sống. Thực sự chúng ta thấy lo lắng khi chứng kiến hiểu biết về quá khứ, về lịch sử của xã hội ngày càng thấp. Một điều tra được công bố trên báo chí vừa qua cho biết, gần một nửa số người được hỏi, mà chủ yếu là các cháu học sinh, không biết vua Hùng là ai. Sự xuống cấp về tri thức lịch sử ấy phải được coi là một biểu hiện nghiêm trọng của sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Bác Hồ luôn dạy chúng ta “Dân ta phải biết sử ta”, tổ tiên ta ngày trước cũng như Đảng ta ngày nay luôn coi việc học Quốc sử là một phần tri thức tạo nên nhân cách một con người có ích cho xã hội.

Bởi vậy, tổ chức kỷ niệm nhân ngày giỗ lần thứ 100 của cụ Phan Đình Phùng cũng như nhiều cuộc sinh hoạt tưởng niệm các danh nhân hay sự kiện lịch sử khác, chúng ta không nên chỉ tổ chức cho long trọng ở hội trường, xây mộ hay dựng bia - đó là những việc cần làm - mà quan trọng hơn là làm sao cho những tri thức này được truyền bá rộng rãi trong quần chúng, đặc biệt là trong giới trẻ. Bởi vì, trong cuộc đời của các vị tiền bối như Phan Đình Phùng có biết bao nhiêu điều cao quý có tác dụng lớn với việc xây dựng con người mới có chí lớn, có hoài bão, có nghị lực, tài năng và nhất là có lòng yêu nước và tự tôn dân tộc. Điều này càng có ý nghĩa thiết thực trong thời mở cửa, tiếp nhận nhiều thông tin, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa các nước. Thử nhắc lại câu trả lời của Phan Đình Phùng trước thủ đoạn trả thù hèn hạ của thực dân quật mồ mả tổ tiên của mình, dọa bắt giết người anh ruột, Cụ đã khảng khái đáp rằng “ngôi mộ to nhất nên giữ là Tổ quốc Việt Nam, người thân, rất thân nhất là cả mấy triệu đồng bào...” thì quả thực tấm gương ấy rất cần cho cuộc sống hôm nay. Xây dựng cuộc sống hòa bình càng phải giữ phẩm chất khí tiết để biết bảo vệ lợi ích dân tộc, lợi ích đồng bào, không chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình.

Trong bất kỳ thời đại nào của lịch sử dân tộc, chủ nghĩa yêu nước cũng là một động lực cho sự tồn vong và phát triển của đất nước. Do đó kỷ niệm cụ Phan Đình Phùng, một con người tượng trưng cho lòng yêu nước, chúng ta càng cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa thiết thực của việc làm này. Nhân dịp ngày giỗ lần thứ 100 của cụ Phan Đình Phùng cũng là vào dịp sắp bước qua năm mới, xin chúc tất cả chúng ta sức khỏe, dốc lòng phấn đấu vì sự nghiệp chung của đất nước làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh, khỏi phụ công ơn những bậc tiền bối đã từng chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc như cụ Phan Đình Phùng.

Theo Tạp chí Xưa và Nay,
số 33, tháng 1 năm 1996, tr.9
___________________________________________
1. Lời phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày mất Phan Đình Phùng, ngày 28-12-1995.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2008, 04:32:35 pm »


HOÀNG MINH THẢO1
MẤY SUY NGHĨ VỀ CHIẾN LƯỢC
VÀ CHIẾN THUẶT CỦA PHAN ĐÌNH PHÙNG
2

Phong trào chống Pháp cứu nước của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài trên các mặt, làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập, tự do của dân tộc; gắn liền với phong trào vô cùng sôi động ấy cần kể đến cuộc khởi nghĩa chống Pháp kiên cường của Phan Đình Phùng.

Phan Đình Phùng trước hết là văn thân - trí thức yêu nước. Tài năng của ông được kết tinh bởi ý chí quyết tâm chống giặc cứu nước, đức độ trong đời thường cùng nghệ thuật tập hợp đoàn kết lực lượng, kế dùng người và cách đánh giặc khôn ngoan, mưu lược...

Dựa vào truyền thống yêu nước, yêu tự do độc lập của dân tộc, nhiều quan chức tiến bộ trong triều đình và các sĩ phu trong nước, cụ Phan khởi xướng phong trào Cần vương, nổi dậy kháng Pháp. Muốn kháng chiến phải có căn cứ địa, chiến khu làm chỗ đứng chân để triệu tập binh mã, huấn luyện quân sĩ, rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thực.

Sự kiện lịch sử đáng chú ý để những người nghiên cứu có cơ sở thực tế đánh giá Phan Đình Phùng, đó là khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh - 1885-1896) gắn liền với căn cứ kháng Pháp kiên cường - núi Vụ Quang- chiến khu Ngàn Trươi.

Ngàn Trươi là nơi hiểm hóc, địa thế tiện lợi cho việc dùng binh, mặt trước ngó ra tỉnh thành Hà Tĩnh, mặt sau là rừng núi, có đường qua Lào, Xiêm; hơn thế lại có đường thông với dãy núi hiểm hóc Đại Hàm. Các đồn trú của nghĩa binh để tiện việc chống giữ và chuyên chở lương thực của bốn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đều thuộc Vụ Quang, nơi đại nguyên soái Phan Đình Phùng đóng. Đời Trần - Lê đã từng chọn nơi đây thủ hiểm để chống quân Nguyên - Minh. Dưới quyền ông, người trực tiếp thay ông chỉ huy quân đội là Cao Thắng - vừa giỏi võ nghệ vừa lắm cơ mưu, giầu trí xảo. Sự nghiệp chống Pháp của cụ Phan rạng rỡ được, một phần không nhỏ nhờ Cao Thắng, người không chỉ tài chỉ huy mà còn giỏi chế tạo vũ khí.

Phan Đình Phùng rất chú trọng việc xây dựng căn cứ để thực hành kháng chiến lâu dài, vì thế ông đã chọn căn cứ ở những vùng rừng núi hiểm trở, địch khó bao vây và tiến công ta, nhưng quân ta vẫn có thể tổ chức được lực lượng chiến đấu lâu dài, thực hiện được cả hai việc tiến, thoái. Về mặt quân sự, sử sách cho biết: núi Đại Hàm là một rặng núi hiểm hóc: sơn mạch liên tiếp nhau và đột ngột, khuất khúc, cứ mỗi trái núi có một khe suối, hai bên bờ khe nào cũng có lau sậy mọc lên cao quá đầu người. Đường lối đi vào rất gay go hiểm hóc, nếu ai không thuộc thì không tìm được đường vào, hay vào rồi mà không thuộc địa thế cũng không biết đường ra. Căn cứ kháng chiến Phan Đình Phùng không đơn độc ở một khu vực mà là sự liên kết của nhiều vùng thuộc bốn tỉnh miền Trung, ít nhiều đều có tác động qua lại với phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Từ Vụ Quang, mãi tới Trùng Khê, Trí Khê, dài đến gần một trăm dặm, bây giờ có đồn trại của nghĩa quân liên tiếp dựng lên. Đồn trại dựng toàn bằng cây bền chắc, lấy ngay ở trong rừng, dựa theo thế núi, thế nước mà đóng để tiện chống giữ, việc ăn uống cũng như việc chuyên chở binh gia, lương thực đi lại. Rộng ra đến bốn tỉnh miền Trung là miền thượng du sơn cước đều rải rác có đồn trại nghĩa binh. Đồn lớn thì Đề đốc đóng, còn đồn nhỏ thì một Lãnh binh.

Phan Đình Phùng chia nghĩa quân thống thuộc tay mình ra 15 thứ (mỗi thứ một vùng), nhiều hay ít quân tùy thuộc vào địa thế trong mưu đồ chiến lược chung, tuy là bộ hạ riêng của các văn thân võ tướng nhưng đều dưới quyền chỉ huy của cụ Phan lấy Vụ Quang làm chiến khu trung tâm chỉ huy cuộc kháng chiến. Lực lương quân sự chủ yếu tập trung ở chiến khu này.

Mạch máu của quân đội là vấn đề lương thực, mang tính chiến lược được cụ Phan huy động không chỉ đủ mà còn tổ chức dự trữ lương thực với quy mô lớn, tỉ mỉ, khoa học. Với chính sách gần dân, thương dân, công tác dân vận thuyết phục, thu thuế nộp lương thực có hạn độ theo hoàn cảnh, nhân dân bốn tỉnh đã tích cực ủng hộ quân khởi nghĩa với mức cao nhất. Việc hoạch định chiến lược trong “xây dựng căn cứ lòng dân” đã không chỉ bảo toàn lực lượng mà còn đoàn kết lực lượng khởi nghĩa trên toàn quốc, không chỉ miền Trung mà còn vươn ra Bắc, vào Nam... chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Phan Đình Phùng rất rộng và sâu xa. Nếu nhà tư tưởng ấy, mong muốn ấy của ông được thực hiện bằng sự liên kết thống nhất sức mạnh của phong trào kháng Pháp trong cả nước thì có thể hiệu quả của phong trào Cần vương còn lớn hơn rất nhiều.

Sự tồn tại của phong trào khởi nghĩa Phan Đình Phùng hơn 10 năm trời dựa vào nghệ thuật xây dựng căn cứ, tích trữ lương thực, phối hợp tác chiến trong nước, thậm chí cả ngoài nước khẳng định tư tưởng kháng chiến trường kỳ, dựa vào địa hình hiểm trở của đất nước, lòng yêu nước, quyết tâm kháng chiến của nhân dân là chính xác và phù hợp với các điều kiện khách quan và chủ quan lúc đó. Cũng như lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa đương thời, chúng ta có thể tìm thấy tri thức quân sự ở Phan Đình Phùng rất dồi dào, sâu sắc, trình độ mưu lược cao. Có lẽ, do vậy, so với các cuộc khởi nghĩa khác, quy mô tầm vóc của khởi nghĩa Phan Đình Phùng cũng có phần nổi trội, thanh thế ảnh hưởng của nghĩa quân Phan Đình Phùng khá lớn, thuyết phục được nhiều lãnh binh khác về tụ hội dưới cờ cụ Phan.

Qua các tài liệu lịch sử để lại, tuy không nhiều, nhưng cũng đủ để chứng minh cho cách dùng binh - tổ chức chiến đấu của cụ Phan. Chiến tranh du kích, đánh vận động, phục kích, nhỏ lẻ, đánh ban đêm quần nhau liên tục nhằm tiêu hao lực lượng quân Pháp, chờ thời cơ tổ chức đánh lớn vẫn là những hình thức chiến thuật phổ biến được cụ Phan vận dụng. Đó là một trong những cách đánh khá độc đáo mang tính truyền thống và hiện đại của quân ít đánh quân đông, quân yếu đánh quân mạnh, nhằm bảo toàn lực lượng, khoét sâu điểm yếu của quân Pháp hòng đưa khởi nghĩa đi tới thắng lợi. Ở đâu hoặc đến đâu nghĩa quân đều dựa vào dân tổ chức kháng chiến ở đó. Nhờ chiến thuật liên tục cơ động, đánh vận động mà nghĩa quân đã bảo toàn được lực lượng trong thời gian khá dài trước sự bao vây và tiến công liên tục với quy mô lớn của thực dân Pháp. Căn cứ kháng chiến được trải dài, rộng trên một địa bàn lãnh thổ rộng lớn, việc tổ chức từng quân thứ có thể độc lập chủ động tác chiến, kiên quyết kháng chiến để hỗ trợ nhau, phối hợp với nhau cùng kháng chiến làm cho quân thù không thể tập trung tiêu diệt nghĩa quân một cách nhanh chóng đã được khẳng định ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến. “Từ ngày 1-1-1896 đến 14-5-1896, mặc dầu chúng đã buộc được 144 tướng sĩ nghĩa quân phải ra hàng và bắt giết một số khác, nhưng một điều rõ ràng mà chúng phải công nhận là chúng vẫn không tiêu diệt nổi ý chí tiếp tục đề kháng của nghĩa quân Hương Khê”3.

Sự thất bại của phong trào Cần vương nói chung và khởi nghĩa Phan Đình Phùng nói riêng là điều không hề khó hiểu. Song, khi mà chính quyền trung ương đã thối nát và tan rã, khi mà lực lượng khởi nghĩa trong toàn quốc bị thực dân Pháp chia rẽ sâu sắc, khi mà tương quan so sánh lực lượng địch, ta quá chênh lệch... thì đó chỉ là sự thất bại tạm thời, bởi phong trào Cần vương luôn thắp sáng ngọn lửa cách mạng trong mỗi con người Việt Nam để rồi những năm 50 của thế kỷ XX sự nghiệp giành độc lập, tự do cho dân tộc được thực hiện thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Bác Hồ kính yêu.
_______________________________________
1. Hoàng Minh Thảo: Thượng tướng, Giáo sư, Nhà nghiên cứu khoa học quân sự, Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng.
2. Tham luận đọc ở Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày mất Phan Đình Phùng, ngày 28-12-1995.
3. Mai Hanh, Nghiên cứu lịch sử, số 85, tháng 4, 1966.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2008, 04:39:02 pm »


ĐINH XUÂN LÂM1
PHAN ĐÌNH PHÙNG VỚI PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CHỐNG XÂM LƯỢC PHÁP CỦA NGHỆ TĨNH VÀ CẢ NƯỚC CUỐI THẾ KỶ XIX2

Phan Đình Phùng (1847-1895) quê làng Đông Thái (nay là xã Tùng Ảnh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học, thân sinh ông đậu Phó bảng, anh em ông người đậu Cử nhân, người đậu Tú tài, ngay từ hồi thanh niên ông đã nổi tiếng thông minh, có chí và chăm học. Thi Hương đậu Cử nhân khoa Bính Tý (1876) vào lúc 29 tuổi, năm sau thi Hội khoa Đinh Sửu (1877) đậu Tiến sĩ. Bước vào hoạn lộ, ông sớm tỏ rõ là một ông quan tốt, một mặt hết lòng chăm lo đến đời sống nhân dân, mặt khác rất nghiêm khắc với bọn quan lại tham nhũng dưới quyền, kể cả với bọn tay sai của Pháp khoác áo tôn giáo hoành hành trong nhân dân. Do có uy tín lớn, năm 1878, ông được triều đình Huế điều về kinh thành giữ chức Ngự sử ở Viện Đô sát có nhiệm vụ kiểm tra công việc các quan lại, sẵn sàng đàn hặc những người có lỗi, dù người đó ở cương vị nào, hay có phe cánh che chở.

Ngày 17-7-1883, vua Tự Đức chết đúng vào lúc giặc Pháp nổ súng đổ bộ chiếm cửa biển Thuận An, đẩy triều đình Huế vào tình trạng rối loạn cực độ. Dưới áp lực quân sự của Pháp, triều đình Huế phải liên tiếp ký điều ước Quý Mùi (25-8-1883) và điều ước Giáp Thân (6-6-1884) xác nhận quyền đô hộ lâu dài của Pháp ở Việt Nam.

Nhưng Tôn Thất Thuyết đứng đầu phái kháng chiến còn lại trong triều vẫn ráo riết tập hợp lực lượng, chuẩn bị khí giới để hành động khi thời cơ tới, đồng thời kiên quyết chống lại những phần tử đầu hàng, dù đó là ông vua đang ngồi trên ngai vàng. Do chưa nhận rõ tính chất đúng đắn và cấp thiết của việc làm đó, Ngự sử Phan Đình Phùng ngay buổi thiết triều có đông đủ các quan văn võ đã lớn tiếng phản đối Tôn Thất Thuyết phế bỏ Dục Đức mới được đặt lên ngôi ba ngày.

Phản ứng tức thời và kịch liệt của Tôn Thất Thuyết là thét quân lính đưa Phan Đình Phùng ra chém, nhưng ngay sau đó lại cho giam vào ngục, rồi cách chức đuổi về quê.

Sau khi cuộc tấn công của phái kháng chiến vào các căn cứ của Pháp tại Kinh thành Huế thất bại (5-7-1885), Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi chạy ra phía Bắc, rồi phát hịch Cần vương kêu gọi văn thân sĩ phu và nhân dân cả nước đứng dậy đánh giặc giúp vua, cứu nước (13-7-1885). Cả một cao trào yêu nước chống Pháp đã dâng lên từ Nam chí Bắc. Tại Hà Tĩnh, tiếp theo Lê Ninh khởi nghĩa ở Trung Lễ (nay là xã Đức Trung, huyện Đức Thọ), Phan Đình Phùng, trước đó ít lâu được chính Tôn Thất Thuyết bí mật phong chức Tham biện Sơn phòng sứ Hà Tĩnh với trách nhiệm chuẩn bị lực lượng chống Pháp trong tỉnh, đã đứng ra triệu tập một cuộc họp các văn thân sĩ phu trong vùng như các ông Phan Cát Tưu (tức Phan Cát Xu), Phan Tử Thụy, Phan Quang Cư, Phan Trọng Nghị, Phan Đình Tuyển, Phan Trọng Mưu, cả Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn và Hoàng giáp Nguyễn Lạp từ bên Nghệ An cũng sang tham dự. Hội nghị đã nhất trí quyết định khởi nghĩa và cử Phan Đình Phùng lãnh đạo phong trào. Làng Đông Thái, sinh quán của Phan Đình Phùng, được gấp rút xây dựng thành làng kháng chiến và được gọi là Đại đồn Đông Thái, với một hệ thống các đồn trại, hào lũy, bãi tập, kho vũ khí, lương thực, xưởng rèn vũ khí, trại cày... giấu mình kín đáo sau lũy tre dày bao quanh.

Tháng 10-1885, nghe tin Hàm Nghi ra tới Sơn phòng Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh), Phan Đình Phùng đích thân lên yết kiến nhà vua và được trực tiếp giao nhiệm vụ trở về đẩy mạnh phong trào địa phương mình. Hành động đầu tiên vào tháng 11-1885 của nghĩa quân Đông Thái là phối hợp với nghĩa quân Trung Lễ tiến đánh bọn phản động đội lốt tôn giáo hoạt động chia rẽ, phá hoại kháng chiến ở Thọ Ninh (Đức Ninh), Thọ Tường (Đức Trường). Nhưng giặc Pháp từ Vinh đã kịp thời kéo lên giải nguy cho tay sai, sau đó đã mở một trận càn lớn đánh vào căn cứ. Để bảo toàn lực lượng, nghĩa quân Đông Thái rút về đóng ở núi Mồng Gà (Hương Sơn), ít lâu sau lại rút về làng Phụng Công (Đức Thọ). Chính lúc này nghe tin Phan Đình Phùng dấy nghĩa, một thủ lĩnh nông dân có tài là Cao Thắng ở Tuần Lễ (Sơn Lễ, Hương Sơn) đã đem toàn bộ lực lượng dưới quyền sang xin gia nhập (1886) và được cụ Phan cử kéo quân sang Bạch Sơn (Sơn Tiến, Hương Sơn) phối hợp với Lê Ninh mới rút về đây cố thủ. Năm 1887, Phan Đình Phùng lên đường ra Bắc đặt quan hệ với phong trào ngoài này, Cao Thắng được cử thay cụ Phan lãnh đạo, với toàn quyền tổ chức và xây dựng lại phong trào.

Nhận trách nhiệm lớn, Cao Thắng quyết định rút quân về đóng ở Cồn Chùa là một vùng rừng núi hiểm trở phía Bắc huyện Hương Sơn (Sơn Giang). Được ít lâu ông lại dời căn cứ sang Thượng Bồng - Hạ Bồng (nay là hai xã Đức Bồng và Đức Lĩnh của Đức Thọ). Căn cứ này nằm trên tả ngạn sông Ngàn Sâu, phía Nam có sông Ngàn Trươi bao bọc, phía Tây là Hói Trùng, Hói Trí và xa hơn nữa là Vụ Quang - Ngàn Trươi nối liền với dãy Trường Sơn trùng điệp. Từ đây có đường đi sang Đại Hàm, Cổng Chùa, sang Lào, Xiêm; nghĩa quân cũng có thể thông bằng đường núi với các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị ở phía Nam và Nghệ An, Thanh Hóa ở phía Bắc. Cũng từ đây nghĩa quân có thể liên lạc bằng đường sông với nhiều làng mạc trù phú miền xuôi của các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, có thể bắt mối với các làng có nghề rèn, mộc phát triển lâu đời và cả những vùng làm muối, làm nước mắm ven biển huyện Nghi Xuân. Thượng - Hạ Bồng là một vùng trung du rất gần rừng núi nên có nhiều chỗ đóng quân thuận lợi lại cũng có nhiều nơi kín đáo có thể xây dựng kho tàng, xưởng rèn vũ khí v.v...

Dựa trên những điều kiện thuận lợi về mọi mặt như vậy, Cao Thắng đã ra sức xây dựng vùng Thượng - Hạ Bồng thành một căn cứ địa hoàn chỉnh của cuộc khởi nghĩa. Chính ở nơi đây Cao Thắng cùng Lê Phác người làng Trung Lễ (nay là xã Đức Trung), Lê Quyên người làng Nội Diên (nay là xã Đức Diên) huyện Đức Thọ nghiên cứu chế tạo thành công loại súng trường theo mẫu 1874 của Pháp.

Đi đôi với việc chế tạo vũ khí mới, Cao Thắng còn xây dựng một đội nghĩa quân có chất lượng chiến đấu cao, có kỷ luật nghiêm. Mặt khác ông cũng chuẩn bị sẵn lương thực, gạo muối ở căn cứ Vụ Quang - Ngàn Trươi để khi cần thiết có thể rút lên. Vào những năm 1888-1889, lực lượng nghĩa quân sau một thời gian củng cố đã lên tới hàng nghìn người, trong đó có một số được trang bị súng loại mới. Tuy nhiên ảnh hưởng của Cao Thắng vẫn chưa ra ngoài hai huyện Đức Thọ và Hương Sơn. Trong lúc ấy những cuộn khởi nghĩa lẻ tẻ ở Nghệ Tĩnh đang bị bọn Pháp uy hiếp đã quy tụ dần lại xung quanh những sĩ phu có danh vọng hay những tướng lĩnh nông dân có kinh nghiệm chiến đấu.

Ở Thanh Hóa, sau khi khởi nghĩa Ba Đình tan rã (1887), Tống Duy Tân và Cầm Bá Thước cố gắng duy trì phong trào và đang muốn bắt liên lạc với Phan Đình Phùng. Ở Nghệ An, Nguyễn Xuân Ôn bị giặc bắt (1887), phong trào dần lắng xuống. Ở Quảng Bình, sau khi Nguyễn Phạm Tuân và Lê Trực thất bại, phong trào đã dần dẩn hồi phục lại dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thụ và Nguyễn Bí. Ở Hà Tĩnh, ngoài Cao Thắng, lúc này vẫn còn có những đội quân của Nguyễn Huy Thuận ở Thạch Hà, Nguyễn Chanh và Nguyễn Trạch ở Can Lộc, Hoàng Bá Xuyên ở Cẩm Xuyên, Võ Phát ở Kỳ Anh... Những đội quân này trong quá trình chiến đấu đã có ít nhiều kinh nghiệm, nhưng nếu cứ phân tán thì sẽ có nguy cơ bị tiêu diệt. Thống nhất lực lượng dưới một sự chỉ đạo chung để tăng cường lực lượng chiến đấu, đó chính là một yêu cầu cấp thiết không riêng gì của nghĩa quân Hà Tĩnh mà còn của cả nghĩa quân bốn tỉnh bấy giờ. Nhận rõ điều đó, Cao Thắng đã phái người ra Bắc đón cụ Phan về để đảm nhiệm phong trào chung (9-1889).

Căn cứ vào tình hình cụ thể của Hà Tĩnh hồi đó, có kết hợp trong một chừng mực nhất định với tình hình các tỉnh lân cận, cụ Phan chia tất cả thành 15 quân thứ, trong đó riêng Hà Tĩnh có 10: Khê thứ (huyện Hương Khê), Can thứ (huyện Can Lộc), Lai thứ (tổng Lai Thạch), Nghi thứ huyện Nghi Xuân), Lễ thứ (làng Trung Lễ), Cẩm thứ (huyện Cẩm Xuyên), Thạch thứ (huyện Thạch Hà), Kỳ thứ (huyện Kỳ Anh), Hương thứ (huyện Hương Sơn), Diệm thứ (làng Tình Diệm). Nghệ An có hai: Diễn thứ (huyện Diễn Châu), Anh thứ (huyện Anh Sơn). Quảng Bình có hai: Lệ thứ (huyện Lệ Thủy), Bình thứ (tỉnh Quảng Bình) . Miền núi tỉnh Thanh Hóa là Thanh thứ3.

Thượng Bồng lúc này là trung tâm chỉ huy. Đội quân của Cao Thắng đã trưởng thành trong chiến đấu được coi là nòng cốt của cuộc khởi nghĩa, và Cao Thắng được coi như tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo chung của Phan Đình Phùng. Mỗi quân thứ tùy theo binh sĩ nhiều ít mà có một Đề đốc hay một Lãnh binh chỉ huy. Mỗi quân thứ lại cử về đại bản doanh một đội nghĩa binh khỏe mạnh thông thạo đường lối để khi có mệnh lệnh thì chuyển đạt được nhanh chóng. Cụ Phan lại thảo ra những điều kỷ luật để thi hành chung trong các quân thứ. Về vũ khí, ngoài những loại thô sơ, các quân thứ còn dựa theo mẫu của Cao Thắng mà chế ra súng kiểu 1874. Như vậy Phan Đình Phùng và Cao Thắng không những chỉ thống nhất các lực lượng chống Pháp cả bốn tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình về danh nghĩa, mà còn về các mặt cụ thể khác như chỉ huy, kỷ luật, cả một phần về trang bị. Sự thống nhất đó tạo điều kiện cho sự thống nhất về ý chí, tư tưởng. Đó là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao hoạt động trong một địa bàn đất không rộng, người không đông, quân số không nhiều, vũ khí so với địch thua kém, thế mà Phan Đình Phùng và Cao Thắng đã duy trì được cuộc chiến đấu hàng chục năm trời.
______________________________________
1. Đinh Xuân Lâm: Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân, Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Tham luận đọc ở Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày mất Phan Đình Phùng, ngày 28-12-1995.
3. David Marr trong sách Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân (Vietnamese anticolonialism. University of California, Berkeley, Los-Angèles, 1971) có nhận xét đúng rằng Thanh thứ có lẽ chỉ là miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2008, 04:43:16 pm »


Sự thống nhất các lực lượng nghĩa quân đã mở ra một giai đoạn mới trong phong trào chống Pháp ở Nghệ Tĩnh và các tỉnh xung quanh, tạo thành một nguy cơ lớn cho giặc Pháp. Để đối phó lại, chúng đã thiết lập một hệ thống đồn bốt bao vây nghĩa quân, sau đó tung những lực lượng nhỏ để thám thính, rồi tập trung càn quét. Nhưng chiến thuật đó ít có hiệu lực vì nghĩa quân không thủ hiểm một chỗ mà kết hợp lối đánh chính quy với lối đánh du kích, linh hoạt phân tán nhiều nơi trên một địa bàn rộng lớn có địa hình hiểm trở, biết chủ động tránh các cuộc đụng độ lớn, luôn luôn tranh thủ tập kích vào những đồn lẻ hoặc phụt kích tiêu diệt địch trên đường hành quân, và cuối cùng an toàn chuyển đại bản doanh về Hói Trùng - Hói Trí (thuộc hai xã Hương Thọ, Hương Minh, huyện Hương Khê). Nổi bật nhất trong những năm 1890-1891 là việc nghĩa quân chủ động đánh đồn, diệt viện, bảo vệ căn cứ. Liên tiếp các đồn Trường Lưu (Can Lộc) và đồn Nầm (Hương Sơn) bị nghĩa quân tấn công từ những ngày cuối tháng 5 đến hết tháng 6-1890. Tiếp đó đến lượt các cuộc chiến đấu của nghĩa quân Trung Lễ (Đức Trung - Đức Thọ), mới được xây dựng lại sau khi cụ Phan ở Bắc về thành một căn cứ kháng chiến. Từ căn cứ này, nghĩa quân đã tỏa ra đánh nhiều trận phục kích địch trên đường hành quân, gây cho chúng nhiều tổn thất về người và vũ khí.

Bước vào giai đoạn 1892-1893, nghĩa quân vừa chiến đấu vừa xây dựng đã trưởng thành nhanh chóng. Nhờ đó đã có thể tập trung lực lượng chống càn dài ngày, hoặc đánh vào những khu vực đầu não của kẻ thù mà điển hình là cuộc tập kích vào tỉnh lị Hà Tĩnh tháng 8-1892 và cuộc hành quân lớn của Cao Thắng từ căn cứ về Vinh tháng 10-1893.

Từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4-1892 giặc Pháp tổ chức một trận càn lớn vào vùng Hương Sơn và Tràng Sim. Để đỡ đòn cho căn cứ, nghĩa quân đẩy mạnh hoạt động ở đồng bằng, tấn công vào Tuần Tượng (Kỳ Anh), phục kích địch ở gần huyện lỵ Kỳ Anh, làm cho giặc rất lúng túng, buộc chúng phải rút quân về.

Đến tháng 8-1892 giặc lại mở một trận càn lớn vào khu căn cứ địa. Đêm 12 rạng ngày 13-8, chúng ồ ạt tấn công vào Hói Trùng và Ngàn Sâu. Nhờ có các quân thứ báo cáo cụ thể tình hình địch, Phan Đình Phùng và Cao Thắng bình tĩnh bố trí kế hoạch đối phó. Ngày 13-8, một cánh địch tiếp cận đồn tiền tiêu của Hói Trùng, nghĩa quân chống lại quyết liệt, buộc chúng phải rút lui. Các cánh quân khác của địch thấy tình hình bất lợi, lại bị nghĩa quân bám sát đánh mạnh trên tất cả các nẻo đường nên đến ngày 30-8 phải rút về.

Trong khi các quân thứ Hương Sơn và Hương Khê chống càn thắng lợi, lợi dụng lúc các đồn bốt của chúng dưới đồng bằng bỏ trống, một cánh nghĩa quân đã tập kích tỉnh lị Hà Tĩnh ngày 23-8-1892, phá nhà tù, giải thoát cho số nghĩa binh bị bắt giam từ trước. Nghĩa quân thắng lợi hoàn toàn và rút lui ngay trong đêm.

Để trả thù, ngay sau đó bọn Pháp đã đẩy mạnh càn quét vào các khu căn cứ nghĩa quân ở núi Quạt, Truông Vắt, nhưng đến đâu chúng cũng bị chặn đánh kịch liệt.

Đến cuối năm 1893, nhận thấy lực lượng nghĩa quân đã khá mạnh, có thể chủ động tấn công địch, Cao Thắng xin cụ Phan cho đánh vào tỉnh lị Nghệ An để mở rộng phạm vi hoạt động với mục đích một mặt khuấy động lại phong trào Nghệ An hầu như bị lắng xuống từ năm 1891, mặt khác chủ động tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, gây một tiếng vang, rồi sau đó rút lui bảo toàn lực lượng. Nhưng trên đường hành quân, trong trận bao vây đánh đồn Nu (nay thuộc xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An), Cao Thắng bị thương nặng, nghĩa quân cáng ông về đến Vụ Quang thì ông tắt thở, lúc mới 29 tuổi (1-11-1893)1.

Sau khi Cao Thắng mất, khởi nghĩa Phan Đình Phùng đi dần vào thoái trào. Lúc này về căn bản bọn Pháp đã đàn áp được những cuộc khởi nghĩa trong toàn quốc nên chúng có điều kiện tập trung lực lượng để đè bẹp khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Chúng lại kết hợp chặt chẽ tấn công quân sự với nhiều biện pháp chính trị như mua chuộc, dụ hàng và đặc biệt là tìm cách ly khai nhân dân với nghĩa quân. Ở những nơi nghĩa quân hoạt động mạnh như các vùng rừng hai huyện Hương Sơn và Đức Thọ, chúng bắt nhân dân phải rào làng - hàng rào này chúng gọi là “dè phân ly” chạy suốt từ làng này sang làng khác, phía ngoài đào hào sâu, dưới cắm chông tre, mỗi làng chỉ trừ hai cổng ra vào, sáng chiều ra đồng hay về nhà dân làng phải nhất nhất theo hiệu trống. Ban đêm, chánh tổng, lý trưởng phải đôn đốc tuần phu canh gác, hễ bắt được ai tiếp tế cho nghĩa quân thì chẳng những người đó bị bắn mà hương lý cũng phải chịu tội. Để tăng cường lực lượng đàn áp, chúng đóng đồn ở Xuân Trì (Sơn Lễ, Hương Sơn), Chợ Bộng (Đức Bồng, Đức Thọ). Sau đó chúng tập trung quân càn quét dài ngày vào các căn cứ địa chính.

Bị uy hiếp mạnh, nghĩa quân phải di chuyển lên Vụ Quang - Ngàn Trươi. Bất chấp sự khủng bố của kẻ thù, nhân dân các nơi vẫn gắn bó chặt chẽ với nghĩa quân. Ở Thượng Bồng, chánh tổng và lý trưởng bên ngoài làm việc với Pháp, nhưng bên trong vẫn bí mật đôn đốc nhân dân đóng góp lương thực, và đêm đêm những đội tiếp tế vẫn bí mật chuyển lương thực vào núi cho nghĩa quân. Để ngăn cản nhân dân ủng hộ nghĩa quân, giặc bắt mỗi người mỗi đêm phải vót 100 chông tre thì những người ở nhà vót thêm nộp đủ suất cho những người đi tiếp tế. Đồng thời “đội thủy cơ” - đội thuyền tiếp tế lương thực - ráo riết hoạt động, đêm đêm chở muối, gạo, nước mắm, cá khô lên Vụ Quang. Trong khi đó, các đội nghĩa quân một mặt chặn đường tiếp tế của địch, mặt khác đột kích đồn Chợ Bộng buộc địch phải rút chạy. Đồn Xuân Trì của chúng cũng bị san bằng.

Nhưng cuối cùng, sau một thời gian tập trung lực lượng, bọn Pháp đã càn được vào vùng căn cứ chính. Vụ Quang - Ngàn Trươi bị uy hiếp nghiêm trọng. Cụ Phan phải dời bản doanh sang Đại Hàm (Sơn Hàm), rồi núi Quạt (cùng một sơn hệ với Vụ Quang), được ít lâu lại trở về Vụ Quang (10-1891).

Lúc này nghĩa quân đóng trên một ngọn núi và ráo riết chuẩn bị chiến đấu. Cụ Phan bí mật cho chặt nhiều cây gỗ để ngăn dòng nước thượng nguồn sông Vụ Quang lại. Ngày 26-10-1894, bọn Pháp bắt đầu tấn công. Chờ bọn địch ra đến giữa dòng, nghĩa quân nổ súng dụ giặc hùng hổ tràn sang. Chính lúc đó cụ Phan cho tháo kè gỗ, dòng lũ ầm ầm lao xuống, cuốn trôi cả lính và chỉ huy, những tên sống sót lại bị nghĩa quân phục kích hai bên bờ tiêu diệt. Ba sĩ quan Pháp và hơn 100 lính ngụy phải đền tội, nghĩa quân thu 50 súng và rất nhiều quân trang quân dụng.

Chiến thắng Vụ Quang có tiếng vang lớn, nhưng không tạo nên cục diện mới có lợi cho nghĩa quân, vì lực lượng so sánh lúc này đã nghiêng hẳn về phía quân đội xâm lược. Đã vậy, tháng 8-1895, triều đình Huế theo lệnh thực dân Pháp lại cử Nguyễn Thân đem 3.000 quân ra phối hợp với Pháp đàn áp cuộc khởi nghĩa. Một mặt, chúng tăng cường bao vây kiểm soát nhân dân để cắt đứt việc tiếp tế người và của cho nghĩa quân, đóng chốt những con đường sang Lào, Xiêm không cho nghĩa quân chạy thoát; mặt khác, chúng dùng quân cơ động thay phiên nhau càn quét dài ngày để làm mệt mỏi suy yếu lực lượng nghĩa quân, chuẩn bị đánh một đòn quyết định. Ngày 28-12-1895, Phan Đình Phùng bị thương trong khi chỉ huy chiến đấu, rồi mất sau đó. Chủ tướng hy sinh, nghĩa quân tan rã dần, và đến cuối năm 1896 thì chấm dứt hoạt động.


***


Bắt nguồn từ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Nghệ Tĩnh chống đế quốc xâm lược và phong kiến đầu hàng được phát động mạnh mẽ từ những năm 70 của thế kỷ XIX trong cao trào chống Pháp, cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng đích thân khởi xướng và phụ trách đã bùng nổ đúng lúc, rồi nhanh chóng phát triển trên cơ sở thống nhất nhiều phong trào trước và cùng thời ở Nghệ Tĩnh và các tỉnh lân cận để trở thành đỉnh cao của toàn bộ phong trào, tiêu biểu về nhiều mặt cho phong trào đấu tranh vũ trang cuối thế kỷ XIX của nhân dân ta.

Các chiến sĩ Cần vương đã ngã xuống trên trường tranh đấu, cuộc chiến đấu của họ cuối cùng đã bị kẻ thù trong và ngoài nước dùng sắt thép đè bẹp. Sự thất bại đó gắn liền với những hạn chế giai cấp và thời đại. Nhưng không thể vì thất bại mà phủ nhận toàn bộ sự kiện Cần vương, đơn giản cho rằng đó chỉ là “sự kháng cự cuối cùng của một lý tưởng lỗi thời mù quáng” như một số người nước ngoài từng phát biểu2. Trái lại, phải khẳng định đây là sự biểu hiện hào hùng của tinh thần độc lập của dân tộc, của cơ sở văn hóa cổ truyền của dân tộc, và đứng về giá trị truyền thống mà nói thì đây là một sự tiếp tục, một sợi dây nối liền với những cố gắng có kết quả hơn vào thế kỷ XX liền sau đó.

Khởi nghĩa Hương Sơn - Hương Khê với thủ lĩnh tối cao Phan Đình Phùng kéo dài trên 10 năm trời (1885-1896), suốt trong quá trình tồn tại nó đã giữ vững vai trò một phong trào trung tâm có tác dụng thống nhất của phong trào cùng thời về một mối, để rồi trở thành tiêu biểu nhất cho phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp xâm lược không riêng cho Nghệ Tĩnh mà chung cho cả nước trong những năm cuối thế kỷ XIX. Sự thất bại của nó có ý nghĩa kết thúc thời kỳ lịch sử đấu tranh của dân tộc trong phạm trù phong kiến để chuyển sang thời kỳ lịch sử đấu tranh của dân tộc bước vào phạm trù tư sản...
____________________________________
1. Căn cứ vào ngày giỗ Cao Thắng ở Sơn Lễ (ngày 14-10 năm Quý Tỵ).
2. J.Chesneaux: Tradition et Révolution au Vietnam (Truyền thống và Cách mạng ở Việt Nam), Editions Anthropos, Paris, 1971.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2008, 04:50:27 pm »


TRẦN ĐÌNH ĐÀN1

100 NĂM NGÀY MẤT PHAN ĐÌNH PHÙNG2
(28/12/1895 - 28/12/1995)

(…)
Cách nay vừa đúng một thế kỷ, cụ Đình nguyên Phan Đình Phùng, một trong những người con ưu tú của nhân dân Hà Tĩnh, nhà yêu nước, vị chỉ huy tối cao của khởi nghĩa Hương Khê, lãnh tụ tiêu biểu trong phong trào vũ trang yêu nước chống Pháp của nhân dân ta hồi cuối thế kỷ XIX đã ngã xuống hy sinh vì nước.

Kết tinh và trưởng thành từ những phong trào yêu nước chống Pháp rộng lớn của nhân dân Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa từ những năm 70 của thế kỷ XIX, sau sự biến Kinh thành Huế (1885), cuộc khởi nghĩa ở Hà Tĩnh do Phan Đình Phùng lãnh đạo đã kịp thời bùng nổ và ngày càng phát triển, mở rộng. Với tài năng, uy tín lớn của mình, Phan Đình Phùng đã nhanh chóng trở thành vị thủ lĩnh tối cao của phong trào trong toàn vùng.

Trên tấm bia đá dựng tại mộ Phan Đình Phùng năm 1965, cố Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Viện sĩ Trần Huy Liệu, đã mở đầu bài văn bia bằng những dòng khẳng định: Phan Đình Phùng là một trong những lãnh tụ lớn nhất, tiêu biểu nhất của phong trào Cần vương yêu nước chống Pháp ở nước ta cuối thế kỷ XIX. Cùng với Cao Thắng và các tướng lĩnh khác, Phan Đình Phùng đã lãnh đạo quân khởi nghĩa, lấy núi rừng Hương Khê làm trung tâm, tập hợp, quy tụ và thống nhất hầu hết các lực lượng chống Pháp phân tán lúc đó, ra sức tổ chức, xây dựng các căn cứ kháng chiến tại hầu khắp các địa bàn bốn tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình và liên tục chiến đấu gần chục năm trời, gây cho giặc những thiệt hại nặng nề. Một trong những đặc điểm độc đáo và nổi bật của phong trào Phan Đình Phùng là ngay từ đầu phong trào đã mang tính nhân dân sâu sắc, tính tổ chức chặt chẽ hơn hẳn so với mọi phong trào khác cùng thời; phong trào Phan Đình Phùng chẳng những biết dựa vào sức mạnh tinh thần của nhân dân nói chung mà còn là phong trào duy nhất biết phát huy tính sáng tạo của quẩn chúng trong việc tạo ra những vũ khí lợi hại để chống lại đội quân xâm lược có ưu thế hơn hẳn về vũ khí, trang bị... Chính là biết vận dụng những nhân tố khoa học kỹ thuật trong việc tạo ra vũ khí, trang bị cho nghĩa quân đánh địch mà phong trào do Phan Đình Phùng lãnh đạo đã nhanh chóng trở thành mối lo lớn nhất của quân xâm lược. Thực dân Pháp đã phải huy động và đưa ra những cố gắng cao nhất để đối phó và đàn áp phong trào. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, phong trào cuối cùng đã thất bại...

Cuộc đời chiến đấu anh dũng, ngoan cường của Phan Đình Phùng và các chiến sĩ Hương Khê đã để lại cho các thế hệ sau những tấm gương sáng chói về sự hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, về khí phách hiên ngang, bất khuất trước mọi kẻ thù hung bạo.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta thường nhắc đến một cách trân trọng tấm gương chiến đấu hy sinh của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám ... Viết về Phan Đình Phùng, tác giả Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch cho rằng: “Cụ Phan Đình Phùng là một học giả nổi tiếng và một vị quan to. Ở Trung Bộ, Cụ là một trong những người chí sĩ yêu nước đầu tiên đứng lên chống lại bọn đế quốc Pháp xâm lược. Cụ tổ chức những phần tử trí thức và nông dân Trung Bộ, lãnh đạo họ đấu tranh gian khổ chống bọn xâm lược, trải qua chín, mười năm. Tuy Cụ đã mất nhưng tên Cụ trở thành tượng trưng cho lòng yêu nước3. Có thể nói, cuộc khởi nghĩa Hương Khê dưới sự lãnh đạo của Phan Đình Phùng, Cao Thắng và các sĩ phu yêu nước ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa là một trong những trung tâm lớn nhất, tiêu biểu nhất của phong trào yêu nước vũ trang chống Pháp ở nước ta vào những năm cuối của thế kỷ XIX. Nó đã đánh mạnh vào bọn thực dân Pháp xâm lược. và bè lũ tay sai của chúng, góp phần cùng với phong trào của cả nước làm cho thực dân Pháp suốt trong một thời gian dài không sao ổn định được bộ máy thống trị để tiến hành khai thác, bóc lột kinh tế. Phong trào tuy không giành được thắng lợi cuối cùng nhưng đã để lại những bài học vô cùng quý giá, là niềm cổ vũ lởn lao cho những thế hệ tiếp sau tiến bước đi tìm con đường đấu tranh đúng đắn để hoàn thành sự nghiệp cứu nước mà Phan Đình Phùng và các chiến sĩ Hương Khê nói riêng, phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta nói chung, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Hà Tĩnh và nhân dân cả nước ta.

Hà Tĩnh là vùng đất mang đậm trong mình dấu ấn của nhiều biến cố lịch sử trọng đại của nước ta. Không phải ngẫu nhiên trên dải đất hẹp miền Trung này, hàng ngàn địa danh, hàng trăm di tích đã đi vào lịch sử, gắn liền với các cuộc khởi nghĩa, chiến tranh vệ quốc. Đây là nơi đã hun đúc, sản sinh ra nhiều lương thần, danh tướng, nhiều nhà khoa bảng, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng như Nguyễn Du, Phan Huy Ích, Nguyễn Công Trứ, Phan Tam Tỉnh, Phan Cát Tưu, Phan Đình Phùng, Phạm Văn Ngôn, Phạm Đương Nhân, Hồ Bá Phấn, Trần Phú, Võ Liêm Sơn, Võ Oanh... Trong suốt bề dày của lịch sử, nhân dân Hà Tĩnh đã phát huy cao độ truyền thống bất khuất, kiên cường, anh dũng, sáng tạo của cha ông, cùng cả nước làm nên những chiến công oanh liệt. Ngay từ những năm 30, Nghệ Tĩnh là “nơi đạt đỉnh cao nhất trong phong trào cách mạng 1930-19314. Trong hai cuộc kháng chiến, như lời đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười gần đây: “Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh đã làm tròn nhiệm vụ hậu phương, cung ứng đến mức cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến, đánh thắng chiến tranh phá hoại, lập nhiều thành tích xuất sắc góp phần rất xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta5. Trong sự nghiệp cách mạng xây dựng và đổi mới hiện nay, nhân dân Hà Tĩnh luôn tự hào, trân trọng giữ gìn và ra sức phát huy những truyền thống quý báu của mình để vươn lên, xứng đáng với sự quan tâm, giúp đỡ mà Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã dành cho đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh.

Trong những năm gần đây Đảng bộ, chính quyền và ngành văn hóa thông tin Hà Tĩnh đã quan tâm sưu tầm, bảo quản và giữ gìn, từng bước phát huy những di tích về Phan Đình Phùng và cuộc khởi nghĩa Hương Khê cũng như các di tích lịch sử và cách mạng khác. Tuy nhiên, hiện nay, việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu, quy hoạch, bảo tồn và tu sửa cho những di tích quý báu này vẫn còn có nhiều khó khăn trở ngại. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan ban ngành và các nhà khoa học, các đồng chí và các bạn.
(…)
______________________________________
1. Trần Đình Đàn: Tiến sĩ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
2. Trích lời phát biểu tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày mất Phan Đình Phùng, ngày 28-12-1995.
3. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.10.
4, 5. Lời Tổng Bí thư Đỗ Mười tại cuộc mít tinh kỷ niệm 65 năm Xô viết Nghệ Tĩnh (10-9-1995).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2008, 05:06:11 pm »


PHAN TRONG BÁU1.

PHAN ĐÌNH PHÙNG - VỊ NHO TƯỚNG

Cốt cách “Nho tướng” của Phan Đình Phùng, cũng đã có người bàn tới, Đào Trinh Nhất viết: “Tuy chủ trương lo lắng việc võ, nhưng cụ Phan cũng không bỏ việc văn, và không quên cái thú ung dung ngâm vịnh. Thiệt là một vị Nho tướng... mỗi khi có chuyện gì sinh tình, sinh cảm, nên vịnh nên ngâm thì vị Nho tướng ta cũng cứ ngâm vịnh một cách ung dung nhàn hạ2. Như vậy theo Đào Trinh Nhất thì Nho tướng là một nhà Nho làm việc quân. Cũng có thể hiểu như vậy theo nghĩa hẹp, nhưng “nho” theo định nghĩa cơ bản tức là “nhu”, sự cần thiết của xã hội, nhà Nho là người cần thiết cho xã hội, cho đất nước. Tuy nhiên còn có một định nghĩa khác đầy đủ hơn: “thông thiên địa nhân viết nho” (Pháp ngôn), tức là một người thông hiểu cả thiên văn, địa lý, nhân sự thì gọi là nhà Nho. Vậy “nho” ở đây có thể hiểu theo tổng hòa của cả ba định nghĩa trên.

Phan Đình Phùng trước hết là một nhà Nho, một người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình như các nhà Nho khác, nhưng là một nhà Nho có cá tính rất mạnh mẽ, đó là lòng cương trực hiếm có. Khi Cụ vâng Chiếu Cần vương ứng nghĩa đúng là lúc phong trào chống Pháp ở Nghệ Tĩnh đang cần một ngọn cờ để tập hợp lực lượng, đó là nhu cầu của thời cuộc; còn khi đã trực tiếp chỉ đạo cuộc chống Pháp thì Cụ luôn nói đến lòng người vì khi đã cố kết được nhân tâm tức là nhân hòa thì sẽ có địa lợi và tạo được thời cơ cũng tức là thiên thời. Như vậy trong sự nghiệp chống Pháp của Phan Đình Phùng thì nhân hòa phải là hàng đầu rồi mới đến địa lợi và thiên thời.

I. Một người cương trực hiếm có

Đình Phùng hiệu Châu Phong sinh năm Đinh Mùi (1847), người làng Đông Thái nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đậu Đình nguyên Tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1877) nên nhân dân thường gọi là cụ Đình.

Thời gian làm quan tuy chỉ có sáu năm (1877-1883) nhưng Cụ đã nổi tiếng là một người cương trực. Sau khi thi đậu Cụ được bổ làm Tri phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Lúc này có cha Sáu thường dựa vào thế lực của bọn Pháp ức hiếp dân lành, Cụ đã sai lính nọc cổ vị tu sĩ lộng hành ra giữa công đường mà đánh 10 hèo. Cảm phục tinh thần thẳng thắn hiếm có, Tự Đức đã cho triệu Cụ về kinh sung chức Ngự sử ở Viện Đô sát, chuyên “Giữ việc giám sát trăm quan, biện minh oan khuất, phàm có án kiện quan trọng thì cùng bộ Hình và Đại lý tự hội thẩm3. Làm Ngự sử thời bình đã khó, Phan Đình Phùng lại giữ chức vụ này ở thời mà:

Dân đói bên trời xao xác nhạn,
Quân gian chật đất rộn ràng ong
4.

thì càng khó khăn biết bao. Nhưng với bản chất cương trực, Cụ luôn luôn làm hết chức năng của một vị quan ở Viện Đô sát, trên thì can gián Vua, dưới thì đàn hặc các quan, giữ nghiêm phép nước mà việc phát hiện sự gian dối của các văn võ đại thần trong việc tập bắn là một ví dụ. Hồi đó nhà vua có chỉ dụ cho các quan phải ra tập bắn ở trường bắn Thuận An. Việc này không tránh khỏi gian dối vì các đại thần của ta lúc đó, nhất là các quan văn, đều không quen với súng đạn nên “bách phát” đều “thiên trúng” - đạn bay lên trời! Nhưng Vua không hề biết, các Ngự sử ở Viện Đô sát trước cũng đều vị nể mà không trình tấu đúng sự thật. Đến khi Phan Đình Phùng về nhậm chức thì Cụ đã làm sớ tâu lên Tự Đức để Vua ra thị sát. Khi biết rõ sự thật, nhà Vua đã khiển trách việc ẩn nặc, khen Phan Đình Phùng đã dám nói sự thật và thăng chức cho Cụ làm Hình khoa Chưởng ấn5. Ít lâu sau Cụ lại được Tự Đức cử làm Khâm mạng thanh tra tình hình quan lại Bắc Kỳ. Cụ đã dâng sớ hạch tội Nguyễn Chánh, Kinh lược sứ, chỉ biết ra oai với dân lành, không quan tâm gì đến chính sự. Tự Đức đã triệu Nguyễn Chánh về kinh phế bỏ chức Khâm sai của Nguyễn làm Nguyễn vô cùng tức giận, tuy không làm được gì nhưng vẫn rắp tâm chờ cơ hội trả thù.

Nhưng việc “động trời” hơn là Cụ đã dám mắng Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết giữa cuộc họp có đủ mặt văn võ bá quan vì ông Thuyết đã không làm theo di chiếu của Tự Đức mà phế bỏ Dục Đức lập Hiệp Hòa. Nếu như người khác thì đã bị Thuyết chém đầu, nhưng Thuyết cũng đã thấy ở Phan Đình Phùng một tinh thần cương trực hiếm có, đáng nể trọng nên chỉ cách hết chức tước và buộc Cụ phải về quê làm dân thường. Đó là khoảng đầu tháng 7-1883.

II. Một ông nghè văn võ song toàn

Phan Đình Phùng về quê Châu Phong chưa được bao lâu thì đầu năm 1884 Tôn Thất Thuyết đã cử Cụ làm Sơn phòng sứ, củng cố miền Tây Hà Tĩnh làm cơ sở cho việc chống Pháp sau này. Công việc tiến hành chưa được bao nhiêu thì Kinh thành Huế thất thủ, Hàm Nghi xuất bôn, hạ Chiếu Cần vương và Phan Đình Phùng thực sự bắt tay vào công cuộc chống Pháp. Lúc này Cụ được nhà vua phong làm Thống đốc Quân vụ Đại thần chỉ đạo phong trào chống Pháp bốn tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình. Từ việc văn, Cụ đã phải kiêm luôn cả việc võ.

Ngày xưa kẻ sĩ tài giỏi, chân chính là phải “bách vi”, làm được trăm việc, phải rành việc văn đã đành mà việc võ cũng phải am tường. Văn không chỉ là văn từ thơ phú mà phải biết cách trị nước an dân, sao cho phù hợp với thời bình cũng như thời loạn. Võ không phải là việc biết múa gươm, bắn súng, việc đó không nhất thiết, mà phải biết trù mưu, tính kế, hiểu địch biết ta khi tiến cũng như khi lùi, nghĩa là phải có tầm nhìn chiến lược. Phan Đình Phùng là một người như thế. Lúc này trong bốn tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình có đến 40 cuộc ứng nghĩa, riêng hai tỉnh Nghệ Tĩnh có đến hơn 30 cuộc, nhưng thiếu liên kết, thiếu lãnh đạo thống nhất nên đã bị kẻ thù đàn áp, tan rã gần hết, chỉ còn lại hai trung tâm là Nghệ An và Hà Tĩnh. Sau khi Nguyễn Xuân Ôn ở Nghệ An bị giặc bắt và hy sinh thì tất cả quy tụ lại dưới ngọn cờ duy nhất của Phan Đình Phùng. Với tầm nhìn chiến lược và quan điểm đánh lâu dài, Phan Đình Phùng đã đề ra hai việc: một là phải xây dựng căn cứ địa vững chắc, hai là phải thống nhất phong trào dưới sự chỉ đạo chung của một người đã được nhà Vua ủy thác. Việc thứ nhất Cụ giao cho Cao Thắng; việc thứ hai quan trọng hơn, Cụ thấy tự mình phải gánh vác. Năm 1886, trong vai thầy đồ Nghệ, Cụ đã ra Bắc để bàn bạc với các nhà yêu nước tìm phương kế thống nhất lại lực lượng đánh giặc.

Trong hai năm 1886-1887, Cao Thắng ở nhà đã xây dựng căn cứ địa lúc đầu là Cồn Chùa thuộc huyện Hương Sơn và sau đó là Thượng - Hạ Bồng huyện Đức Thọ, ngoài ra còn có căn cứ dự phòng như Trùng Khê, Trí Khê (Hói Trùng, Hói Trí), Vụ Quang, Ngàn Trươi ở Tây Bắc Hương Khê, tất cả đều thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Ở các khu căn cứ, Cao Thắng chẳng những đã huấn luyện nghĩa binh, tích trữ lương thực, rèn đúc vũ khí thô sơ như gươm giáo, mà còn tìm cách tự chế ra súng trường kiểu 1874 là loại vũ khí hiện đại của bộ binh lúc đó. Năm 1888, Cao Thắng cho mời cụ Phan từ Bắc về trực tiếp chỉ đạo phong trào. Với cương vị Thống đốc Quân vụ Đại thần do Hàm Nghi phong từ trước, Phan Đình Phùng thấy cần thống nhất lực lượng chống Pháp trong bốn tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình thêm một bước nữa, sao cho tất cả lực lượng đều quy về một mối thì mới đủ sức mạnh để chống kẻ thù. Căn cứ vào địa bàn đóng quân của các thủ lĩnh đang hoạt động, Cụ đã chia tất cả làm 15 quân thứ.

Tổ chức quân thứ là một sáng tạo lớn của Phan Đình Phùng mà các cuộc chống Pháp đương thời không có. Quân thứ hình thành trên cơ sở các cuộc khởi nghĩa địa phương đã được thử thách, do đó các thủ lĩnh có thể tự động tác chiến theo một kế hoạch chung hoặc tấn công tiêu diệt sinh lực địch, hoặc chống càn bảo vệ căn cứ địa, hoặc táo bạo đột kích vào trung tâm đầu não của địch. Từ đồng bằng đến miền núi, miền biển đều có quân thứ, do đó những hoạt động của địch đều có thể bị ta phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Đó là sự hợp lý trong bố trí thế trận quân sự. Địa bàn của cuộc khởi nghĩa chủ yếu ở vùng Nghệ Tĩnh, nơi nhân dân có tinh thần yêu nước nồng nàn, uy tín của Phan Đình Phùng còn rất lớn, nhân dân vẫn đang hướng về khởi nghĩa, do đó đang tồn tại chính quyền “hai mang” phục vụ cho công cuộc kháng Pháp6. Ở khu vực này kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nhưng lại có các làng nghề truyền thống quan trọng như nghề rèn Trung Lương, Vân Chàng, nghề mộc Xa Lang, nghề đốt than ở một số làng miền Tây Hương Khê, nghề đúc đồng ở Thạch Hà, Can Lộc... chẳng những đã tạo điều kiện cho nghĩa quân rèn đúc vũ khí thô sơ mà còn sản xuất được vũ khí hiện đại là súng trường kiểu 1874 như đã nói trên. Đó là sự hợp lý trong bố trí thế trận chính trị, hậu cần. Do những ưu thế về quân sự, chính trị, hậu cần mà từ 1890 đến 1893 quân ta đã thắng nhiều trận giòn giã trên địa bàn của các quân thứ và đã hai lần đột kích vào tỉnh lị Hà Tĩnh, tiêu diệt một số lính ngụy và giải thoát những nghĩa quân đang bị giam trong nhà tù. Chính bọn chỉ huy Pháp cũng thừa nhận Phan Đình Phùng là một ông quan văn mà “có tài tổ chức đến lạ lùng trong công cuộc đối kháng với người Pháp”7.

Phan Đình Phùng không trực tiếp cầm quân hay trực tiếp chỉ huy chiến đấu, nhưng Cụ luôn quán triệt tư tưởng dựa vào dân, đánh lâu dài, lấy đoản binh thắng trường trận và tận dụng yếu tố bất ngờ là những tư tưởng quân sự truyền thống đã giúp nghĩa quân thắng nhiều trận, nhưng tiêu biểu nhất là trận Vụ Quang. Chính ở đây Phan Đình Phùng đã cho ngăn nước thượng nguồn sông Vụ Quang, dùng kế nhử giặc, bất ngờ phá đập tiêu diệt chúng. Cụ đúng là một ông nghè văn võ song toàn.
___________________________________________
1. Phan Trọng Báu: Nghiên cứu viên Viện Sử học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
2. Theo Đào Trinh Nhất: Phan Đình Phùng - Nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1886-1895) ở Nghệ Tĩnh, Nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1949, tr.142.
3. Đỗ Văn Ninh: Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2006, tr.275.
4. Trích ở bài thơ của Phan Đình Phùng Lâm chung thời tác (Trần Huy Hiệu dịch).
5. Hình khoa Chưởng ấn Cấp sự trung thuộc Viện Đô sát là chức quan cao nhất đứng đầu sáu Khoa của triều đình (Khoa là tổ chức bên cạnh Bộ, giúp Bộ điều hành các việc) làm việc với các Bộ, Viện, đi kiểm tra các địa phương theo ngành dọc của Viện Đô sát (Từ điển chức quan Việt Nam, sđd, tr.178).
6. Toàn quyền Rousseau trong báo cáo ngày 22-6-1895 cũng đã phải thừa nhận “Hà Tĩnh thật sự có hai chính quyền. Chính quyền hợp pháp và chính quyền nổi dậy. Cả hai loại chính quyền này từ hơn 10 năm nay đều thu thuế của tất cả các thôn xã ...”
7. Ch.Gosselin: L’Empire d’Annam, Paris, 1901, tr.313.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2008, 05:20:11 pm »


III. Khí tiết tùng mai

Những năm đầu mới khởi binh, vì chưa được luyện tập, chưa có kinh nghiệm chiến đấu nên nghĩa quân thường bị Pháp đánh bại. Đại đồn Đông Thái của Cụ cũng bị đánh tan hoang và Cụ phải lui về làng Phụng Công đóng quân trên núi Mồng Gà, còn anh ruột Cụ là Phan Đình Thông thì chạy về Thanh Chương tỉnh Nghệ An. Không may Phan Đình Thông bị một tên thủ hạ là Nguyễn Sử phản bội dẫn quân Pháp nửa đêm đến bắt giải về tỉnh đường Nghệ An. Tổng đốc Nghệ An lúc đó là Nguyễn Chánh, vốn sẵn lòng hiềm khích với Phan Đình Phùng như ta đã biết, nên đã nghĩ ra một kế thâm độc là sai Tiễu phủ sứ Lê Kinh Hạp viết thư dụ hàng, nếu không Phan Đình Thông sẽ bị chém. Lê Kinh Hạp đã khuyên Phan Đình Phùng nên ra đầu thú để cứu anh và mồ mả tổ tiên không bị giặc đào bới. Còn nếu Cụ không muốn ra làm quan với Pháp thì về ở ẩn cũng là một việc làm để bảo tồn lấy cái khí tiết của nhà Nho. Đương nhiên là Cụ không làm theo lời của Lê Kinh Hạp. Cụ nói: “Nay tôi chỉ có ngôi mộ rất lớn nên giữ, đó là đất nước Việt Nam, tôi chỉ có một ông anh rất to đang bị nguy vong, đó là mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về để sửa sang phần mộ của mình, thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh của mình thì bao nhiêu anh em trong nước ai cứu?” ... Cụ không chịu đầu hàng. Anh Cụ liền bị giặc giết hại, việc đó thật vô cùng đau xót nhưng không làm nhụt chí vị Nho tướng. Đó là khi mới khởi binh. Khi Cụ ở Bắc về được vài năm, Tuần phủ Hà Tĩnh Võ Khoa vốn là người quen biết cũ muốn dụ hàng nhưng biết Phan Đình Phùng là một người cương trực khó ai lay chuyển nổi, hơn nữa lúc này thế lực nghĩa quân đang lên, nhưng Võ Khoa cũng làm một bài thơ ý tứ kín đáo gửi đến Phan Đình Phùng, dịch ý như sau:

Mùa hè khôn rưới lửa nồng,
Gió xuân chi để lạnh lùng khắp nơi.
Châu ta còn có một người,
Lúc này sao nỡ phụ lời non sông
. 1

Phan Đình Phùng đã họa lại tỏ ý chí sắt đá của mình:

Trăm năm xã tắc lòng nung nấu,
Một tấm cô trung khiếp vía thù.
Nhắn nhủ đồng liêu ai biết chẳng:
Sở vương nhổ được núi nào đâu?
2

Như thế là đã rõ: Dù địch có sức mạnh như Sở Vương cũng chưa làm được gì, nghĩa là Cụ không sợ địch mạnh, Cụ nhất quyết một lòng vì đất nước.

Dùng kế dụ hàng để cứu anh không được, nói bóng gió, khuyên về ở ẩn cũng không xong, thực dân Pháp lại sai Hoàng Cao Khải viết thư dụ hàng một lần nữa. Hoàng tuy mới chỉ đậu Cử nhân nhưng gặp thời, lại biết tận dụng thời cơ nên công danh của ông ta đã lên đến hàng cực phẩm. Hoàng đã được phong tước Quân công và giữ chức Kinh lược sứ Bắc Kỳ. Vốn biết là Hoàng người quen biết cũ lại là đồng hương, đồng quận với Cụ, nên người Pháp hy vọng với sự khôn ngoan và tài văn chương, họ Hoàng sẽ khuynh đảo được vị Nho tướng.

Trước hết Hoàng ca ngợi sự nghiệp ứng nghĩa Cần vương của cụ Phan là rất cao đẹp, xứng đáng là “người tuấn kiệt”, hợp với đạo lý quân thần, nhưng chỉ đúng lúc đó thôi. Hoàng viết tiếp: sự thể lúc này đã khác rồi, có cố theo đuổi cũng không xoay chuyển nổi tình thế. Hoàng khuyên Cụ nên bãi binh để cho dân khỏi khổ. Hoàng còn đe dọa: Nếu vì Cụ mà cuộc chiến phải kéo dài thì “Cả cái đất Hồng Lam này sẽ thành ao cá hết chứ không phải riêng làng Đông Thái đâu?”. Lại khuyến dụ: Nếu Cụ ra hàng thì sẽ được Hoàng bảo lãnh như một số người khác, được người Pháp trọng dụng và mồ mả tổ tiên sẽ được trả lại yên ổn.

Quả thật tình hình cuộc khởi nghĩa lúc này đã rất khó khăn, cái khí thế:

Hồng Lam mặc súc tung hoành
Đánh đồn tỉnh Nghệ, phá thành Nam Giang.
(Vè Quan Đình)

không còn nữa, nhất là sau khi Cao Thắng hy sinh, một số đồng liêu, đồng quận của Cụ cũng đã ra hàng; nếu chỉ một phút thoái chí, chỉ một tiếng thở dài “đại sứ khứ hĩ”, việc lớn đã qua rồi, thì có thể Cụ đã ra làm quan với “tân triều” hoặc để giữ tròn danh tiết thì đi ở ẩn như một vài người đã làm, dẫu tiêu cực nhưng ít nhiều còn được tiếng trong sạch. Nhưng không, Cụ không bao giờ tự huyễn hoặc như vậy, và Cụ đã viết thư trả lời họ Hoàng. Trước hết Cụ khẳng định: Nước ta là một nước văn hiến lâu đời, có bờ cõi non sông riêng biệt mà “Xưa kia các nhà Hán, Đường, Tông, Nguyên, Bao phen muốn chiếm lấy đất nước ta mà rút cục vẫn chiếm không được”. Đó là nhờ dân tộc ta có tinh thần yêu nước và ý chí độc lập tự chủ rất cao. Cụ lên án bọn Pháp xâm lược đã làm cho “Trọn cả nước nhà, dân nhà cũng bị chìm đắm hết thảy, có phải riêng một châu hay một nhà ai phải chịu cảnh lầm thêm mà thôi đâu”. Cụ vạch mặt bọn tay sai (đương nhiên là muốn ám chỉ cả Hoàng Cao Khải) đã “Hùa theo bày kế lập công, những người không có tội gì chúng cũng buộc cho có tội”, để trách phạt đục khoét và “đó mới chính là mối họa đã làm cho nhân dân phải ly tán, xóm làng phải tan lìa trôi dạt”. Còn công cuộc khởi nghĩa của Cụ là chính nghĩa được nhân dân ủng hộ mặc dầu họ có thể bị trách phạt hoặc bị chém giết; “Lòng người trước sau chẳng hề lấy thế làm chán nản ngã lòng; trái lại họ vẫn bỏ của bỏ sức ra giúp đỡ tôi, mà số người mạnh bạo ra theo tôi ngày càng nhiều thêm mãi”. Chính vì vậy Cụ không thể bỏ dân được: “Chỉ vì họ tin cậy lòng tôi, lượng xét chí tôi cho nên hâm mộ vậy đó thôi”, và đặt lại câu hỏi cho họ Hoàng: “Lòng người như thế đó, nếu như cố nhân đặt mình vào cảnh tôi liệu chừng cố nhân có nỡ lòng nào mà bỏ đi cho đành không?3; và một lần nữa Cụ khẳng định: dầu có chết cũng không bãi binh quy hàng, và Cụ cũng nói thẳng với Hoàng Cao Khải là không nên gửi thư dụ hàng lần nữa, công việc đó là vô ích.

Sau ba lần dụ dỗ không được và ngay cả con chủ bài về thuyết khách cuối cùng cũng không đem lại hiệu quả mong muốn, thực dân Pháp đã dùng đại binh, có quân của triều đình do Nguyễn Thân chỉ huy, phối hợp mở những cuộc tấn công quy mô lớn vào các quân thứ, chặn đường tiếp tế lên Vụ Quang, và Phan Đình Phùng, vị chủ soái của phong trào chống Pháp, đã ngã bệnh và qua đời nơi chốn rừng xanh vào ngày 28-12-1895.


***


Phan Đình Phùng, vị Nho tướng, văn võ song toàn, một người bình sinh đã ứng xử theo đạo lý của một chân nho, nhưng là chân nho Việt Nam, tuy Cụ vẫn lấy “cái gốc vua tôi, cha con theo năm đạo thường”, vẫn luôn coi khởi nghĩa của mình là do Vua ủy thác, nên không thể từ chối. Tuy nhiên trung với Vua lúc này là trung với nước, ra sức chống ngoại xâm để khôi phục nền tự chủ của đất nước. Còn chữ “hiếu” đối với Cụ cũng khác, từ rất lâu chữ “hiếu” đã được các đại nho hiểu một cách rộng rãi; Nguyễn Trãi không theo cha sang Trung Quốc mà trở về nuôi chí phục thù, đó là “đại hiếu”, chữ hiếu lớn; còn khi phần mộ của cha ông bị xâm phạm mà Phan Đình Phùng vẫn không hề nao núng, đó chính là Cụ đã hành động theo “đại hiếu”, hiếu với nước. “Hiếu” và “trung” luôn luôn đi đôi, do đó khi Cụ nói nếu về đầu hàng giặc để cứu anh thì bao nhiêu anh em trong cả nước ai cứu, đó cũng chính là xuất phát từ “đại hiếu”.

Hiếu trung là nếp nhà ta

Truyền thống dòng họ, truyền thống dân tộc là thế.

Do xác định được mục tiêu chiến đấu, xác định được chữ “trung”, chữ “hiếu” một cách rộng rãi, nên Cụ đã chiến đấu với ý chí của một chân nho mà giàu sang không ham muốn, nghèo khó không đổi dời, uy vũ không khuất phục làm chính kẻ thù cũng phải kính trọng mà gọi Cụ là “kẻ địch trung tín” (rival sincère – Vial; trung tín đây là đối với nhân dân - P.T.B.). Còn văn thân Nghệ Tĩnh thì ca ngợi Cụ là khí tiết tùng mai và “tinh thần một thác rạng trăng sao”.

Hà Nội, tháng 3 năm 2007
______________________________________
1. Nguyên văn:
Ký vô hạ vũ tô binh tỏa,
An sử xuân phong biến hỗ hàn.
Kỳ vị ngô châu di nhất ái
Thử hồi ninh phụ thử giang san.
(Theo Đào Trình Nhất: Phan Đình Phùng..., sđd, tr.144)

2. Nguyên văn:
Bách niên tôn xã dư hoài nhiệt,
Nhất phiến cô trung tặc đởm hàn.
Ký ngữ đồng nhân tri dã phủ:
Sở vương thế lực bạt hà san.
(Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX,
Nxb Văn học, Hà Nội, 1976, tr.310)

Hai bài này do Khương Hữu Dụng dịch.
3. Tất cả những trích dẫn đều lấy trong Thơ văn yêu nước nửa sau thể kỷ XIX, Nxb Văn học, Hà Nội, 1976, tr.315, 317.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2008, 12:47:50 pm »


ĐINH VĂN NIÊM1

PHAN ĐÌNH PHÙNG VỚI CUỘC KHỞI NGHĨA HƯƠNG KHÊ

Đêm 23-5 năm Ất Dậu tức là 7-6-1885, Kinh thành Huế thất thủ. Vua Hàm Nghi xuất bôn, hạ Chiếu Cần vương. Văn thân hưởng ứng và nổi lên rầm rộ khắp cả nước gây thiệt hại nặng nề cho chính phủ Bảo hộ, bóc trần bộ mặt thực dân xâm lược Pháp và sự đầu hàng thỏa hiệp của bọn phong kiến bù nhìn tay sai. Nhưng do tình thế lúc bấy giờ, Chính phủ Nam triều hèn nhát, nền thống trị của thực dân Pháp đã được củng cố, lực lượng, vũ khí chênh lệch, các phong trào Cần vương chỉ tồn tại một hai năm, có phong trào được năm, sáu năm. Duy có một phong trào kéo dài được 10 năm, gây được lòng tin đối với nhân dân, có tổ chức quy mô, chặt chẽ, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, làm cho chính phủ Bảo hộ, lo sợ, hoang mang. Đó là cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Đình nguyên Phan Đình Phùng lãnh đạo (1885-1895).

Phan Đình Phùng sinh năm 1847 tại làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước.

Năm 1877 khoa thi Tiến sĩ dưới Triều Tự Đức, ông đậu Đình nguyên.

Năm 1878 được bổ làm Tri phủ Yên Khánh, Ninh Bình.

Cuối năm 1878 được bổ Ngự sử Viện Đô sát.

Tháng 2-1882 được bổ Hình khoa Chưởng ấn.

Tháng 6-1882 làm Khâm mạng thanh tra quan lại Bắc Kỳ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ông lại về giữ chức Hình khoa Chưởng ấn.

Tháng 6-1883, Tự Đức băng hà, để di chiếu truyền ngôi cho Ưng Chân là vua Dục Đức. Ba ngày sau, Hội đồng phụ chính Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Trần Tiễn Thành phế Dục Đức lập Hồng Dật lên ngôi lấy niên hiệu là Hiệp Hòa. Hình khoa Chưởng ấn Phan Đình Phùng mắng Tôn Thất Thuyết giữa triều đường: “Đức Tiên Hoàng vừa mới nhắm mắt mà ngài đã làm việc trái nghịch di chiếu như thế. Bây giờ triều đình phải tuân theo di chiếu lập ngài Dục Đức lên ngôi mới được. Huống chi Tân quân chưa có lỗi gì và nếu có lỗi chưa thấy can ngăn đã vội vàng mạo phạm, việc bỏ vua, lập vua là việc to lớn lại làm dễ dàng quá như thế. Đó là việc làm càn rỡ không còn đạo nghĩa nhân thần một chút nào”.

Tôn Thất Thuyết sai tả hữu trói Phan Đình Phùng giam vào trại Cẩm Y đợi ngày nghiêm trị. Những người có ý theo Phan đều sợ hãi lùi lại hết. Vài ngày sau Phan Đình Phùng bị cách chức về quê làm ruộng.

Đầu năm 1884, Tôn Thất Thuyết tâu vua Hàm Nghi phong Phan Đình Phùng làm Tham biện Sơn phòng tỉnh Hà Tĩnh.
Tháng 10-1885, vua Hàm Nghi đến thượng du Hà Tĩnh, Phan Đình Phùng và một số bạn văn thân như Phan Quang Cự, Phan Khắc Hoà, Phan Trọng Mưu, Hoàng Xuân Phong, Ngụy Khắc Kiều tới bái yết. Vua Hàm Nghi phong Phan Đình Phùng chức Tán lý Quân vụ trưởng tướng các đạo nghĩa binh.

Phan Đình Phùng ra lời kêu gọi, dựng cờ khởi nghĩa tại quê nhà. Sỹ phu, thân hào, nhân dân đồng tâm hưởng ứng ngày một đông. Gia nhập nghĩa quân Hương Khê còn có nhiều tướng lĩnh, quân sĩ đã từng tham gia các cuộc khởi nghĩa ở các nơi chưa thành công tìm đến tình nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Nói là cuộc khởi nghĩa Hương Khê nhưng địa bàn hoạt động rộng khắp cả bốn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Lúc đầu, để có phong trào mau chóng, Phan Đình Phùng lấy làng Đông Thái làm căn cứ kháng chiến, lấy nhà riêng của mình làm Nghĩa Sỹ Đường của nghĩa quân. Tại căn cứ nghĩa quân có xưởng rèn đúc vũ khí, sân bãi luyện tập binh sĩ. Sau một thời gian ngắn quân sĩ đã có tới năm, sáu ngàn người. Cả tổng Việt Yên chỗ nào hiểm yếu đều có đồn trại nghĩa quân đóng giữ. Quân sĩ trong các đồn trại kỷ luật nghiêm, tinh thần hăng hái, ai cũng nô nức chờ dịp giết giặc lập công.

Trận đánh đầu tiên của nghĩa quân là hai làng có đạo Thọ Tường và Thọ Ninh. Ta đừng hiểu lầm việc Phan Đình Phùng đánh vào hai làng có đạo là theo chỉ dụ cấm đạo của triều đình và chủ trương “Bình Tây sát tả” của một số phần tử quá khích trước đó.

Các cố đạo hai làng này đã kích động giáo dân làm nhiều điều trái đạo như đốt nhà, cướp của, hiếp đáp nhiều gia đình trong vùng. Có trường hợp họ tự đốt những căn nhà không ra nhà của họ để vu cho văn thân xúi người bên lương đốt rồi kiện lên chính quyền bảo hộ, được các cha cố đạo bênh vực bao che, họ được đền bù nhiều tiền bạc. Nấp dưới sự bao che của chính quyền bảo hộ và các cố đạo, một số giáo dân ngày càng lộng hành, phá phách, khối đoàn kết giáo lương trong vùng luôn luôn mất ổn định.

Một đêm, có ba người họ đạo ở Thọ Tường, Thọ Ninh mang vũ khí và hoả hổ đột nhập vào làng Đông Thái định đốt xưởng vũ khí, kho tàng và Nghĩa Sỹ Đường của nghĩa quân. Nhờ sự bố phòng cẩn mật, nghĩa quân đã bắt được bọn chúng khi chưa kịp hành động. Bọn chúng khai ra là do các cố đạo người Tây xúi giục. Phan Đình Phùng truyền lệnh cho nghĩa quân bắt bọn cố đạo và bọn tay sai đang ẩn nấp trong hai làng trên và tuyệt đối không được xâm phạm đến tính mạng, tài sản của giáo dân lương thiện.

Nghĩa quân đánh riết, mấy ông cố đạo cho người trốn ra đi báo các đồn quân Pháp gần đó đến cứu viện. Quân Pháp tới, hai bên giao chiến kịch liệt. Lần đầu tiên nghĩa quân trực tiếp đánh nhau với quân Pháp. Nghĩa quân hăng hái, chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh. Sau mấy giờ đồng hồ chống cự quyết liệt, do vũ khí kém và thiếu, một số mới nhóm họp chưa được tập luyện tinh thông, càng đánh càng yếu thế, quân Pháp các đồn lân cận kéo đến càng nhiều. Nghĩa quân phải rút lui. Quân Pháp lợi dụng tình hình triệt phá trung tâm đồn trại của nghĩa quân làng Đông Thái.

Phan Đình Phùng động viên an ủi quân sĩ, kéo quân vào xây dựng căn cứ trong rừng thuộc địa phận hai huyện Hương Khê và Hương Sơn, nằm giữa vùng núi rừng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Căn cứ này vừa bí mật, vừa hiểm trở. Phía Đông là dãy núi Thiên Nhẫn, phía Bắc là dãy núi chạy dài ra đến vùng Thanh Hóa. Phía Nam là dãy Truông Vắt kéo đến dãy Hoành Sơn. Phía Tây là dãy Khai Trướng thường gọi là núi Giăng Màn. Giữa là lưu vực sông Lam gồm các chi lưu Ngàn Phố (Hương Sơn), Ngàn Sâu (Hương Khê). Tiến vào Nam là vùng Tuyên Hoá Quảng Bình có thể tiến sâu vào Quảng Trị, Thừa Thiền, ra Bắc có thể đến tận Thanh Hóa, Hoà Bình.

Nghĩa quân đặt Tổng hành dinh ở núi Vụ Quang còn gọi là Ngàn Trươi thuộc huyện Hương Khê. Ở đây có đường thông sang Lào, Xiêm và ra Hà Tĩnh, qua sông là sang Nghệ An. Đây là một vùng núi rừng có xen kẽ đầm lầy rất hiểm trở ở ngoài khó tìm đường vào mà đã vào rồi thì khó tìm được đường ra. Đồn trại nghĩa quân rải ra trên một chiến tuyến từ chân núi Vụ Quang đến núi Trùng Khê, Trí Khê kéo dài hàng trăm cây số dựa vào núi rừng, sông ngòi, khe suối, tiện lợi cho việc chiến đấu và tiếp vận lương thực.

Phan Đình Phùng đóng vai trò chủ tướng lãnh đạo cuộc kháng chiến. Ta còn nhớ sự kiện tháng 6-1883, do bất đồng với Hội đồng phụ chính trong việc phế vua Dục Đức lập vua Hiệp Hoà, Phan Đình Phùng đã mắng Tôn Thất Thuyết giữa triều đường, bị cách chức đuổi về quê. Nhưng rồi đầu năm 1884 thì chính Tôn Thất Thuyết lại là người tâu vua Hàm Nghi phong cho Phan Đình Phùng chức Tham biện Sơn phòng Hà Tĩnh.
____________________________________________
1. Đinh Văn Niêm: Đại tá, Quân chủng Phòng không, Không quân Việt Nam.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM