Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:00:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phan Đình Phùng - Cuộc đời và sự nghiệp  (Đọc 109312 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #130 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2008, 08:41:20 pm »


THÁI KIM ĐỈNH
CUỘC KHÁNG CHIẾN DO CỤ ĐÌNH LÃNH ĐẠO
QUA TRUYỆN KỂ LƯU TRUYỀN Ở NGHỆ TĨNH


Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, đến Sơn phòng Hà Tĩnh tháng tám năm Ất Dậu (9-1885) liền hạ Chiếu Cần vương1 kêu gọi sĩ phu và nhân dân đứng lên cứu nước.

Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng lên bái mệnh và nhận trọng trách tổ chức cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nghệ Tĩnh.

Không phải đến lúc ấy, mà ngay từ khi quân Pháp đặt chân lên đất nước ta sĩ phu và nhân dân Nghệ Tĩnh đã sôi nổi hưởng ứng phong trào dấy nghĩa của đồng bào Nam Kỳ. Các nhà nho đã thành lập đội ứng nghĩa, và Văn Đức Giai là người Nghệ đầu tiên kéo quân vào trực tiếp đánh giặc bên cạnh nhân dân lục tỉnh.

Năm Quý Dậu (1873) quân Pháp kéo ra Bắc Kỳ. Nhà Nguyễn ký hoà ước Giáp Tuất (15-3-1874) dâng sáu tỉnh Nam Kỳ cho giặc. Cả nước căm phẫn nổi dậy đánh Tây và chống lại triều đình. Nghệ Tĩnh là một trong những “điểm nóng” làm rát mặt kẻ thù. Trần Tấn, Đặng Như Mai, Trần Quang Cán, Nguyễn Huy Điển... dấy nghĩa ở Anh Sơn, Nam Đàn, Hương Sơn, Thạch Hà...

Tiếp đến hàng loạt cuộc nổi dậy liên tục nổ ra ở khắp nơi trong hai tỉnh: Lê Ninh, Phan Cát Xu, Nguyễn Dưỡng Giá... khởi sự ở La Sơn; Nguyễn Trạch, Nguyễn Chanh ở Can Lộc; Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã, Trần Nhật Tân, Trần Quang Diệm, Lê Trọng Vinh, Nguyễn Ngợi... ở Yên Thành, Diễn Châu; Vương Thúc Mậu, Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Sỹ... ở Nam Đàn; Nguyễn Hữu Chính, Nguyễn Mậu ở Thanh Chương; Nguyễn Hợp ở Hưng Nguyên; Nguyễn Thành ở Đô Lương, Anh Sơn; Nguyễn Quýnh, Nguyễn Huy Giao, Thái Vĩnh Chinh, Cao Thắng, Cao Nữu ở Hương Sơn; Đinh Văn Chất, Nguyễn Hành... ở Nghi Lộc; Dương Quế Phổ, Phan Duy Phổ, Hồ Trọng Miên, Hồ Trọng Hoàn... ở Quỳnh Lưu; Ngô Quảng, Hà Văn Mỹ... ở Nghi Xuân; Nguyễn Thoại, Trần Hữu Châu ở Hương Khê; Huỳnh Bá Xuyên, Nguyễn Chuyên ở Cẩm Xuyên; Nguyễn Cao Đôn, Nguyễn Huy Thuận, Bùi Hanh... ở Thạch Hà; Võ Phát, Lê Nhất Hoàn, Nguyễn Tiến Đắc ở Kỳ Anh; v.v...

Phong trào hết sức sôi nổi và rộng khắp. Tuy vậy, đây chỉ là những khởi nghĩa cục bộ, hoạt động trong từng huyện hoặc vài ba huyện, có khi chỉ trong một vài tổng, dăm bảy xã, thôn, do đó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn từ năm bảy tháng đến một vài năm.

Cuối năm Ất Dậu (1885), Phan Đình Phùng dựng cờ nghĩa ở Đông Thái (Đức Thọ), và nhanh chóng trở thành trung tâm thu hút mọi lực lượng kháng chiến ở Nghệ Tĩnh. Được sự cộng tác, giúp đỡ của Cao Thắng, người tổ chức và chỉ huy lỗi lạc, trong vài ba năm, phong trào đã liên kết chặt chẽ, mở ra một vùng rộng lớn khắp bốn tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình, đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ huy thống nhất của “bộ tư lệnh tối cao” Ngàn Trươi, và duy trì được mười năm trời (1885-1895)

Mặc dầu gặp rất nhiều khó khăn và còn nhiều hạn chế, cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng là cuộc kháng chiến toàn dân, mạnh mẽ và quy mô lớn nhất, hoạt động trên một địa bàn rộng nhất, và duy trì được lâu dài nhất ở cuối thế kỷ XIX.

Sử sách đã ghi chép khá đầy đủ và tường tận về cuộc kháng chiến của cụ Đình. Nhưng trên một trăm năm nay, trong nhân dân Nghệ Tĩnh vẫn còn lưu truyền vô số chuyện kể về cuộc kháng chiến oanh liệt ấy. Số chuyện kể có thể chia ra làm ba mảng lớn:

- Chuyện về tinh thần bất khuất, sự hưởng ứng và tham gia phong trào của nhân dân Nghệ Tĩnh.

- Chuyện về lòng trung thành, gan dạ và tài trí của các tướng lĩnh nghĩa quân.

- Chuyện về cụ Đình linh hồn của phong trào, và Cao Thắng người tổ chức và chỉ huy nghĩa quân.
______________________________________
1. Tờ dụ thứ nhất ra lúc vua Hàm Nghi ở Tân Sở (Quảng Trị) ngày 2 tháng 6 năm đầu Hàm Nghi (13-7-1885). Đây là tờ dụ thứ hai ra ngày 11 tháng 8 cùng năm (19-9-1885) khi ra đến Sơn phòng Hà Tĩnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #131 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2008, 08:47:15 pm »


***


      Kể từ ngày thất thủ kinh đô,
      Đức Hàm Nghi hoàng đế ngài trẩy vô đại ngàn.
      Kể nho sĩ căm gan,
      Người anh hùng cức (tức) chí...
      Ba quân thiên hạ,
      Chậu bén tiếng hơi.
      Trôốc (đầu) đang còn đội trời,
      Chin (chân) đang còn đạp đất,
      Bụng lại còn trung hiếu.

(Vè “Dấy nghĩa Cần vương”, lưu truyền ở Kỳ Anh)


Đoạn vè trên đây đã nói lên tấm lòng của sĩ phu và nhân dân Nghệ Tĩnh trong giai đoạn lịch sử đau thương ấy của đất nước. Cho nên, nhân dân sẵn sàng hưởng ứng và tham gia cuộc kháng chiến như là việc đương nhiên.

Ở bất kỳ làng xóm nào, nhất là ở vùng quê cụ Đình, quê các tướng nghĩa quân, và các vùng căn cứ có biết bao câu chuyện cảm động về nghĩa khí của nhân dân. Phụ nữ nhắc nhở chồng con:

Tổ tiên để lại em thờ,
Anh ra ngoài ải cầm cờ theo vua.


(Ca dao thời kỳ Cần vương)


Ở Đông Thái, Tùng Ảnh và vùng lân cận, trai tráng nô nức sắm giáo mác, cung nỏ kéo nhau đi ứng nghĩa vui như trẩy hội. “Có bà mẹ dắt người con trai độc nhất của mình đến cửa đồn Đông Thái gửi cho cụ Đình” 1.

Những người thợ rèn Minh Lang, Vân Chàng2 lập thành từng toán đôi ba chục, có khi năm bảy chục người khiêng gánh cả lò, bễ sắt, đồng lên sơn trại rèn khí giới. “Có một anh con trai mới cưới vợ không muốn dứt áo ra đi, người vợ trẻ liền ôm áo bỏ về nhà mẹ. Anh ta vừa buồn, vừa thẹn phải sang gọi vợ về và lên đường với phường bạn.”

“Xã Năm, một trai làng Tường Xá3, khoẻ mạnh và giỏi võ nghệ, “có thể nhảy từ nóc nhà này qua nóc nhà khác”, nghe tin cụ Đình mộ quân, liền vác côn sang Hạ. Một thời gian sau, anh được về thăm nhà. Sáng ấy ra di, vừa đến cầu Tẩu (xã Trường Xuân) thì gặp một toán nghĩa quân từ Nam Kim kéo sang. Họ nghi anh là do thám, liền bắt trói lại, đưa đến bến đò Thượng chém chết và quẳng xuống sông La. Xác anh theo dòng nước, trôi về ngã ba Phủ, rồi trôi ngược dòng sông Lam đến bến làng. Dân làng nhận ra anh vớt lên, chôn cất. Vong hồn anh hiển linh, báo lại chuyện rủi trên, và nói: “Chẳng qua là vì anh em lầm. Vả chăng, mệnh mình đoản. Chỉ tiếc là chưa giết sạch được lũ Tây dương mà thôi!”.

Những trai tráng khoẻ mạnh nhất ra ứng nghĩa. Những người ở lại lập thành những đội “dân binh” ngày ngày luyện tập, rào làng, xây luỹ để bảo vệ thôn xóm, và khi nghĩa quân đánh gần thì kéo đi trợ lực.

Nghĩa quân đến đâu cũng được dân giúp đỡ bảo vệ.

“Một lần, một toán nghĩa quân ghé lại nghỉ chân ở làng Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên). Quan triều kéo đến vây bọc bốn phía. Lý trưởng Nhượng Bạn là Văn Hiền cùng dân làng tìm cách đánh tháo cho nghĩa quân rút khỏi vòng vây an toàn. Quan quân ập vào, không thấy bóng “giặc” bèn bắt nam phụ lão ấu trong làng ra đình tra khảo. Văn Hiền liếc thấy vợ đang đứng ở phía ngoài bèn bảo về nhà lấy chiếc chìa khoá, cốt để tránh cho vợ khỏi nhìn thấy cảnh đau lòng. Đoạn, ông bảo bọn quan quân: “Nghĩa quân đã đi xa rồi, đừng tìm vô ích. Dân ở đây không ai biết chi hết. Chính tôi đã giúp họ trốn thoát. Có chém thì chém, tôi đây không sợ”. Thế là tên quan võ đứng cạnh rút gươm chém rụng đầu ông...” (Có người nói Văn Hiền bị Tả đạo giết).

Cơm gạo, tiền bạc, cho đến sắt, đồng đúc súng đạn, rèn gươm giáo, đều do dân lo liệu, chu cấp.

Làng Phú Phong (Hương Khê) là tiền đồn của Sơn phòng Hà Tĩnh. Mặc dầu bị kìm kẹp riết, dân vẫn ra sức bảo vệ và cung đốn cho vua Hàm Nghi và quan quân đủ chi dụng”, như đoạn vè sau đây đã kể:

      “… Dân Hà Tĩnh có làng
      Đũa bạc tiền cung tiên
      Hải vật đồ chê chán
      Trâu báu của mê man
      Ở một cõi phòng san
      Đủ mọi màu tứ thú...”

 
(Vè “Dấy nghĩa Cần vương”)

_________________________________________
1. Đồn Đông Thái là đại đồn, nơi đóng sở chỉ huy nghĩa quân.
2. Minh Lang, Vân Chàng: nay là các xã Trung Lương, Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, nơi có nghề rèn lâu đời.
3. Nay thuộc xã Đức Châu (Đức Thọ).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #132 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2008, 08:51:54 pm »


“Hồi nghĩa quân đóng ở Cồn Chùa (Sơn Lâm, Sơn Giang, huyện Hương Sơn bây giờ) thì cả vùng quanh đó, lý trưởng đều là “hai mang”, ban ngày giả làm việc cho “quan ngoài” (tức triều đình), còn ban đêm lại làm việc thật cho “quan trong” (tức nghĩa quân)”.

“Các nhà giàu như ông Cán Uý (Nguyễn Bá Uý) ở Du Đồng (Đức Thọ) đã đem hết tài sản ra giúp nghĩa quân. Ông bị giặc bắt chém đầu. Chúng còn bắt giam bà vợ để khảo của. Bà không chịu khuất, cuối cùng chúng phải thả về”.

“Ông Bá Sề, một giáo dân ở Lê Định (Hương Sơn) ruộng nhà không khi nào ngớt tiếng xay giã, đã chuyển lên sơn trại hàng kho gạo”.

“Bị giặc kiểm soát ngặt nghèo, dân giáo, dân lương ở miệt Hương Sơn phải giả làm người đi rú lấy giang mây, lén mang gạo muối, mâm thau, nồi đồng cho nghĩa quân. ở Xuân Trì (xã Sơn An ngày nay), giặc bắt dựng “hàng rào phân ly” để ngăn dân liên lạc với nghĩa quân. Dân lại tìm cách giấu chum vại, bình vò trong các lùm lòi; khi được ra làm đồng thì mỗi người mang theo một đùm gạo, lén đổ vào đó. Lúc có gạo nhiều, lý trưởng “hai mang” mật báo cho nghĩa quân ban đêm về lấy”.

Ở Can Lộc, “ngoài việc đưa người lên đồn Cơn Khế (của Đề Trạch) trồng khoai giúp nghĩa quân, nhân dân còn nộp thuế cho nghĩa quân, mỗi mẩu ruộng một đồng bạc trắng. Thuế cũng do lý trưởng, cai tổng thu, rồi đem đến nộp tại một địa điểm ở Gia Hanh (quê Đề Trạch). Mỗi khi có việc thưa kiện, dân cũng đưa đơn lên đại đồn, xin quan Đề xét xử cho...”.

Ở các tổng Thịnh Quả, Yên Hồ..., khi nghe tin nghĩa quân đánh giặc quanh vùng, “Lý trưởng liền báo cho các nhà “khả kham” nấu hàng bung cơm, vắt từng vắt to như trái bưởi, nhét vào mấy quả cà muối, rồi tập trung lại, gánh đi tiếp tế...”.

Ta đã nghe chuyện cô Tám, con gái tướng quân Hoàng Văn Phúc ở Quảng Bình giúp nghĩa quân mua và chuyên chở đạn dược từ Xiêm về. Ở Quỳnh Lưu còn có một phụ nữ khác cũng góp công lớn trong công việc khó khăn này. Đó là “bà Lụa”, tên thật là Trần Thị Trâm, con gái một nhà nho yêu nước ở xã Đăng Cao, và là vợ Hồ Bá Trị, một nhà nho yêu nước ở làng Quỳnh Đôi. Bà thường giả làm nghề buôn hàng nhẹ (lụa, vải) để dễ đi đây đi đó (nên mới có tên là “bà Lụa”). Lúc đầu, bà làm người dẫn đường đưa thư cho những người khởi nghĩa. Về sau, bà sang Xiêm, sang Tàu lo việc mua, chở súng đạn cho nghĩa quân ông Nghè Ôn. Bà bị giặc bắt, tra tấn, giam cầm nhiều lần, nhưng vẫn không hề thối chí. Các lãnh tụ nghĩa quân hết sức kính phục bà. (Bà Lụa còn tiếp tục giúp lo việc khí giới cho Đội Quyên, Đội Phấn và Phan Bội Châu sau này).

Ở bất kỳ làng xóm nào trong hai tỉnh Nghệ Tĩnh cũng có người đi theo nghĩa quân. Và những người dân bình thường ấy được mọi người quý mến, kể lại thành tích, tinh thần của họ, xây dựng họ thành những hình tượng anh hùng (cá nhân hoặc tập thể) qua những câu chuyện như trên.

Trong một trận đánh với giặc từ đồn Khiêm Ích1 (Can Lộc) kéo ra, quân Đề Trạch chiến đấu rất quyết liệt. Bọn lính tập nao núng. Tên đồn Tây Samaran xông lên phía trurớc thúc quân. Cai Mạnh đang nấp sau ụ đất, liền nhảy ra, vượt qua làn đạn, đến ôm lấy hắn đánh vật, Thằng Tây to béo gấp bội, nhưng Cai Mạnh không chịu thua. Hai bên giằng co nhau mãi. Cả Hoan (con Đề Trạch) chạy đến tiếp sức, nhưng chưa biết làm cách nào. Cai Mạnh liền kêu: “Cậu cứ nhè vào đây mà bắn; đừng lo cho tôi; bắn đi!”. Cả Hoan dí nòng súng vào bụng thằng Tây bóp cò, hắn ôm bụng, ngã vật xuống. Bọn lính tập lúc đầu ngơ ngác đứng nhìn, sau thấy chỉ huy đã chết, liền vừa bắn, vừa tháo chạy. Cai Mạnh bị trúng đạn, chết trận....”.

Mẩu chuyện trên đây kể về tinh thần dũng cảm của một nghĩa quân bình thường. Còn về mỗi quan Đề, quan Lĩnh, quan Đốc, quan Thương, quan Bang, quan Hiệp... cho đến mỗi ông Kiểm, ông Tác, đều hầu như có một chuỗi chuyện kể có hệ thống. Qua đó, nhân dân ca ngợi lòng trung nghĩa, tài thao lược, sự gan dạ và trí thông minh của họ.

“Bát Khuê ở thành Quả2 là một tiểu tướng của cụ Đình. Ông đang làm học sĩ ở ty Niết (tức dinh Án sát) Nghệ An thì gặp lúc Tây vào tỉnh Nghệ, liền bỏ về quê, củ kết những người cùng tâm như Đốc Hạ, Đốc Trị, Quyền Hoan, ông Tuần, ông Sự, ông Tâm Cà..., vận động dân đóng góp lương tiền ủng hộ nghĩa quân, rồi kéo một số trai tráng đi theo cụ Đình. Khi phong trào tan rã, ông trốn ra Bắc làm nghề bốc thuốc dễ ẩn thân”. Lúc ông hoạt động, bọn phản động, cường hào sợ ông khiếp vía, bảo nhau: “Bát Khuê chém người như chém chuối”, còn nhân dân thì khen ngợi ông: “Giỏi nhâm, cầm, độn, toán, lại bao dung, rộng lượng, thương người...”.

“Kiểm Long là một bộ tướng của Đề Trạch ở quân thứ Can Lộc, ông thường kéo thủ hạ về vùng Hạ Can và nghỉ lại thôn Yên Tập3, một thôn có 15, 16 gia đình nghèo dưới chân Ngàn Hống. Trong vùng có tiếng đồn đại rằng “Kiểm Long ngày nào chưa chém được người là chưa yên bởi khi chém xong thì liếm máu ở lưỡi gươm nên nghiện máu”. Thế nhưng dân nghèo lại hết mực kính trọng ông, coi ông như cha. Một lần có hai nhà giàu ở Động Gián và Yên Điềm tranh nhau một đội ruộng, thưa kiện mãi không xong. Họ bèn đệ đơn lên đồn Cơn Khế xin cụ Đề phân xử. Đề Trạch giao việc này cho Kiểm Long. Ông bèn đòi hai nhà kia đến, thu văn khế lại, rồi giao ruộng cho dân nghèo Yên Tập cày cấy. Để tỏ lòng biết ơn, hàng năm gặt về, dân làng dành một phần thóc phơi khô quạt sạch gánh lên sơn trại nuôi quân. Đội ruộng ấy được gọi là “Đám ruộng quan trên”.

Nhân dân Trung Lễ4 kể nhiều chuyện về anh em Lê Ninh và các tướng nghĩa quân Lễ thứ:

“Ông Thương Năm, chính tên là Lê Trực, em trai thứ tư của Lê Ninh, giữ chức Thương biện quân vụ, được cụ Đình giao chỉ huy quân thứ Trung Lễ. Ngày mồng Năm tháng Năm năm Giáp Ngọ (8-6-1894), quân Pháp tấn công vào làng. Ông đem quân chặn đánh từ sớm đến tối, giặc bị chết, bị thương quá nhiều phải rút lui. Nhưng khi ông trở về thì một tên lính Tây bị thương chui vào nấp trong bụi rậm bắn lén ra. Ông bị đạn trúng vào đầu. Lập tức nghĩa quân Lễ thứ, Can thứ, mở một loạt cuộc tấn công “rửa hận” vào các đồn Tây, đồn lính tập ở Minh Lang, Nhà Từa, chợ Chùa, Hữu Chế. Một nhà nho yêu nước đã làm bài thơ ca ngợi Lê Trực, có câu:

      “Một bụng theo vua, gươm vác cổ,
      Hai tay bắn giặc, đạn vào đầu
.” 5
_______________________________________
1. Nay thuộc xã Đồng Lộc, gần ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc).
2. Nay thuộc xã Đức Tùng (Đức Thọ).
3. Nay thuộc xã Tân Lộc (Can Lộc).
4. Nay cũng là xã Trung Lễ (Đức Thọ).
5. Trích thơ điếu Lê Trực của Nguyễn Dưỡng Giá, quê làng Văn Lâm (nay là xã Đức Lâm) Đức Thọ. Nguyễn Dưỡng Giá lúc đầu tham gia phong trào Cần vương, làm Thương biện quân vụ, sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, về tu ở chùa Yên Phúc (Yên Hồ).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #133 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2008, 09:03:45 pm »


Ở Trung Lễ còn có Lê Phất, tức Kiểm Phất. “Ông trông coi việc chế tạo khí giới ở Ngàn Trươi. Một hôm, nhân mưa lụt, ông lén về thăm nhà, bị giặc vây bắt, đem lên giam ở đồn Linh Cảm. Ông không chịu khuất, cầm dao vạch bụng tự sát. Trước khi chết, ông đọc lại cho bạn bè bài ca tuyệt mệnh hùng tráng, có đoạn

      “… Kìa trời đất, nọ giang sơn,
      Tuy là thác đó cũng hơn sống thừa.
      Chẳng gì sá một giọt mưa,
      Tiếng thơm ghi để bia thờ ngàn thu...
1

“Lãnh Sỹ, người làng Xuân Hồ2, nhà nghèo chỉ có hai bàn tay trắng, muốn rủ người đánh Tây, nhưng ít ai nghe theo. Ông bèn vác dao một mình đi đón đường cướp súng giặc, lấy được súng về. Nhiều người thấy có thể làm được bèn theo ông phục kích những toán địch đơn lẻ. Từ đó, toán của ông phát triển dần, thành một đội quân mạnh. Trong trận Truông Hến do ông chỉ huy, nghĩa quân đã bắt được hàng chục lính tập, giết chết tên đội Tây...”.

Lĩnh Ngợi cũng là một anh hùng nông dân quê Vân Tụ3 dấy quân ở vùng núi Tràng Sơn, về sau nhập với quân cụ Đình. Đến lúc thế cô, lương hết, ông lui về vùng Ba Lèn ẩn náu chờ thời cơ. Cố Thông, thầy tu Tây lên dựng nhà thờ giảng đạo ở Đồng Trọ, lập mưu dụ dỗ một số nghĩa quân ra hàng. Bọn tuần Thường đầu thú, theo đạo rồi làm tay sai cho cố Thông đưa chúng đi lùng bắt Lĩnh Ngợi.

Biết mình bị phản bội, Lĩnh Ngợi mắng vào mặt tên Thường: “Mi là tớ thầy của tau. Tau với mi đã ăn ở mười năm. Bây giờ mi theo Tây, trở mặt phản tau, hỏi còn trời đất nào nữa”. Ông bị giặc đem về chém ở quê nhà”.

      “Tây nam có Phan Đình Phùng,
      Đông Thành, Vân Tụ có anh hùng không hai...”
      “Mấy lần lộc đổ, sương gieo,
      Tên ông Lĩnh Ngợi đèn treo dạ trường...”

(Vè Lĩnh Ngợi)


Ngô Quảng, tức Lĩnh Hưng (?) quê Nghi Lộc4, lúc đầu dấy quân ở quê nhà. Về sau, đội quân của ông nhập với quân Đề Mậu. Còn ông được cụ Đình giao trách nhiệm cùng với Hà Văn Mỹ5 chỉ huy quân thứ Nghi Xuân. Ông từng làm nhiều nghề khác nhau, đi đây đi đó nhiều, võ nghệ cao cường, binh pháp thông thạo, lại giỏi độn toán, “có phép tàng hình, mắt thường nhìn không thấy xuất quỷ nhập thần”, nên thường gọi là “cố thần”. Địa bàn hoạt động chính của ông là vùng Ngàn Hống, nên người ta còn gọi ông là “cố Hống”. Sau khi quân Cần vương lâm vào tình thế khó khăn, ông vẫn tiếp tục lặn lội, mong gây lại cơ đồ. Khắp một vùng Ngàn Hống, rú Chè, Truông Bát, Truông Vắt… ông đều thuộc như giữa lòng bàn tay. Ông thường mang tươi rách, đội nón mê, mình đóng khố, vai mang súng, đi nhanh như gió. Có lần, bọn Tây phát hiện được nơi ông ẩn, liền bủa vây rồi châm lửa đốt khu rừng. Nhưng ông đã thoát đi đường nào, chúng không hay biết. Có lần, ông bị giặc đuổi đến bến đò Đồng Kèn. Chúng hớn hở tưởng phen này thì tóm được “thằng giặc già”. Nhưng thoắt một cái, ông đã nhón mình nhảy qua bờ bên kia. Chúng bực tức, bắn đuổi theo, nhưng vô hiệu. Lại một lằn khác, ông đang tắm dưới khe thì một tên lính tập bám đến gần, ông ung dung đi tới trước mặt hắn, bảo: “Mi muốn sống với gấy (vợ) con thì trở lại!”. Tên lính hoảng hồn, đi thụt lùi, rồi ù té chạy... Chuyện “cố Thần”, đại để là như vậy.

Hai anh hùng thảo dã khác là anh em Đề Trạch, Đốc Chanh, người làng Gia Hanh, tổng Nha Khê6. “Vốn có sức khoẻ, hai người chuyên nghề rừng rú, than củi, rồi cù rủ một số bạn bè, làm cái việc “vô tà ra tướng”, đêm đêm kéo nhau đi lấy của nhà giàu về chia cho dân nghèo. Họ đã định vào nhà nào thì tường cao cổng kín đến đâu cũng không ngăn nổi. Bọn nhà giàu đều khiếp sợ họ. Một viên tri huyện đến nhận chức ở Can Lộc, nghe tiếng Chanh, Trạch, bèn nói với tay chân: “Tao chưa biết mặt mũi thằng Trạch ra sao cả”. Đêm ấy, y đang ngủ thì bị đánh thức dậy đột ngột. Một người lạ mặt đã kề dao vào cổ y, bảo: “Nghe nói quan muốn biết mặt mũi thằng Trạch, nên Trạch tôi đến đây ra mắt quan chứ không lấy đầu quan mô mà hãi”. Quan đang run rẩy thì Trạch đã lại bảo: “Quan cứ nằm im mà ngủ, Trạch tôi đi đây”. Nói rồi, ông đu lên xà nhà, chui qua lỗ hổng mà ông đã dỡ ngói bẻ rui chui vào, ra ngoài... Quan huyện hoàn hồn, nổi trống mõ báo động, sai lính lùng sục, nhưng chẳng thấy bóng dáng “tên cướp” đâu cả. “Cai Lụ là tên ác ôn rất hống hách, thường đánh đập, cướp bóc dân trắng trợn, lại còn dám chửi vụng nghĩa quân. Hắn dò biết chỗ ẩn của Đề Trạch, định chiều mồng Năm tháng Năm, sau khi ăn tết Đoan Ngọ, thì lẻn lên đồn Khiêm Ích báo cho Tây. Nhưng khi hắn đang rượu chè, thì Đề Trạch đã cho thủ hạ đến vây bắt, đưa lên rú Đồng Mười xử tội”. Việc anh em Đề Trạch theo Cần vương cũng thật lạ: được tin Chiếu Cần vương, ông tụ tập được năm mươi người gan dạ nhất trong đám lục lâm, lên rú Chè (Trà Sơn) ăn thề, bàn chuyện khởi nghĩa. Ai nấy đều náo nức, quyết đi đánh Tây, nhưng có một người không chịu theo. Anh em bàn: “Hắn đã biết chuyện, dưỡng hổ di hoạ, chi bằng dùng hắn làm lễ khai đao trước lúc khởi sự”. Ông Trạch bảo: “Thôi, để cho hắn về mà đi ăn trộm”... Anh em ông lập mưu, giao cho ông Chanh đến trá hàng Bang Thuỵ rồi tìm cách diệt đội lính của Quản Lác, tay chân của Thuỵ, lấy được hai chục khẩu súng Tây, đem lên đại đồn, làm lễ ra mắt cụ Đình. Cụ Đình phong cho ông Trạch làm Lĩnh binh (sau thăng Đề đốc), chỉ huy quân thứ Can Lộc. Còn ông Chanh được sai chỉ huy quân thứ Kỳ Anh, về sau trấn ở đồn Vọng Liễu. Khi phong trào Cần vương tan rã, ông Trạch mới ra hàng (1895) rồi bị chém cùng với con trai và con rể”.

Ngoài những chuyện kể về các tướng nghĩa quân, còn có nhiều chuyện kể về các trận đánh lớn (như trận “Bá hộ Thuận” 7 đánh thành Hà Tĩnh”, trận “Ấm Ninh hạ thành Hà Tĩnh”, trận Đề Trạch đánh đồn Khiêm Ích”, trận “Lĩnh Sỹ đánh Tây ở Truông Hến”, các trận đánh ở Trung Lễ, Đinh Trường, Thọ Ninh8, trận Cao Thắng đánh đồn Nu ở Thanh Chương”, trận “Sa nang úng thủy” ở khe núi Vụ Quang, v.v...) 9 và những chuyện về hành động mưu trí, táo bạo của nghĩa quân (như việc giết tên phản bội Trương Quang Ngọc10, việc bắt Tuần phủ Đinh Nho Quang, việc cô Tám lập mưu lấy súng Tây, v.v...).
__________________________________
1. Sưu tầm ở Trung Lễ (Tư liệu của Thái Kim Đỉnh).
2. Xuân Hồ, nay là xã Nam Yên, Nam Đàn.
3. Vân Tụ: nay là xã Diễn Bình, Diễn Châu.
4. Người làng Tam Đa, tổng Vân Trình, nay là xã Nghi Hưng, Nghi Lộc.
5. Người làng Tiên Điền, Nghi Xuân.
6. Nay là xã Nhân Lộc, Can Lộc.
7. Tức Nguyễn Huy Thuận, người làng Nguỵ Dương, nay là xã Thạch Xuân, Thạch Hà.
8. Nay là các xã Trung Lễ, Đức Yên, Đức Ninh.
9. Núi Vụ Quang, nay thuộc xã Hương Quang, Vũ Quang. Trận đánh xảy ra ngày 28 tháng 9 năm Giáp Ngọ (26-10-1894).
10. Người Mường, theo hầu vua Hàm Nghi, phản bội, báo cho quân Pháp đến bắt Vua.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #134 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2008, 09:08:18 pm »


***

Chuyện cụ Đình và chuyện Cao Thắng là mảng tập trung nhất, phong phú nhất. Một người là nhà khoa bảng, xuất thân danh gia vọng tộc, một người là dân áo vải, trong sự nghiệp cứu nước, đã trở thành đồng tâm, đồng chí, gắn bó với nhau như bóng với hình.

Chuyện kể về hai nhân vật trung tâm này có những nét riêng biệt, độc đáo của mỗi người trong thời kỳ đầu, và ở thời kỳ cuối, sau khi Cao Thắng về với cụ Đình, lại xoắn vào nhau, bổ sung cho nhau. Chuyện cụ Đình, cũng như chuyện “ông Đổng nhung” đều được kể có hệ thống từ lúc nhỏ đến lúc mất, trong đó những cái mốc chính của cuộc đời, những hành vi quan trọng là những mẩu chuyện cụ thể, được tô đậm với nhiều tình tiết hấp dẫn.

Sau đây, xin phép sơ lược dăm ba mẩu về mỗi nhân vật:

      “Đối sách đại đình quân đại giáp,
      Cần vương sát tặc quân vi khôi...


(Bài ngoại liệt truyện) 1


Một nhà đại khoa thi đình đoạt bảng giáp, một nhà yêu nước cầm đầu sự nghiệp Cần vương thế mà có một quãng đời niên thiếu trái ngược đến kỳ lạ. Ở vùng Đông Thái Việt Yên, người ta kể nhiều chuyện về cậu Tư, con cụ Phó bảng Phan Đình Tuyển2.

- Trong số mấy anh em, cậu Tư là người diện mạo xấu nhất, và “tối dạ” nhất, học trước quên sau, không thể nhớ nổi lấy một trang sách. Cha mẹ và thầy học đều bảo: “Thằng Phùng rồi chẳng làm nên được cái gì!”.

Cậu Phùng thấy anh em ai cũng thông minh, học giỏi thì uất ức vô cùng. Suốt ngày, tay cậu không rời quyển sách, chân không bước ra khỏi thư phòng, quyết sao cho bằng anh, bằng em, nhưng kém vẫn hoàn kém. Năm 21 tuổi, cậu Phùng và cậu Vận (em út) cùng thụ giáo với ông bác là Tú tài Phan Đình Tuấn. Cậu Vận được bác cho đi thi, còn cậu Phùng thì bác bắt ở lại. Cậu nhờ mẹ sang nói hộ. Ông Tú bảo: “Cháu Phùng còn kém, chưa đi thi khoá này được, hãy để cháu thi khoá sau”. Uất quá, cậu đi mua một lạng hoàng nàn, về pha với rượu uống để quyên sinh. Khi cả nhà biết thì cậu đã nằm mê man bất tỉnh. Ai nấy cuống cuồng, lo tìm phương cứu chữa. May mà cậu thoát chết. Bà mẹ hết lòng khuyên giải, cậu mới nguôi dần và trở lại chăm lo học tập như cũ. Nhưng mãi đến năm 30 tuổi cậu mới đỗ cử nhân và năm sau đạt Đình nguyên tiến sĩ. Nhiều người tin rằng cụ Phùng làm nên, không phải do tài học mà là nhờ có dị tướng: “Hễ khi nằm ngủ là mặt mui, da dẻ đỏ hồng lên”...

- “Cậu Phùng cũng là người rất gan dạ. Dạo ấy bên làng Yên Đồng đắp một con đường lớn. Những người mê tín cho rằng “con đường ấy làm cho làng Đông Thái động long mạch”. Dân Đông Thái rất tức, nhưng không dám làm gì, vì bên Yên Đồng cũng lắm quan to. Cậu Phùng bèn vác gươm ra ngồi bên đường, và báo: “Ai dám đi qua con đường này, sẽ bị chém chết?”. Thế là con đường ấy phải bỏ.

Và chuyện lúc khởi nghĩa:

- Trận đầu tiên, nghĩa quân cụ Đình kéo xuống đánh bọn phản động ở Đinh Trường để trừng phạt chúng đã cho tay chân lẻn lên định phóng hoả đốt Đại đồn Đông Thái. Quân của chúng bị vây chặt, phải cho người liều chết đi báo Tây xin cứu viện. Quân Tây, tập, đến, nghĩa quân thua chạy. Cụ Đình đang ngồi trong “Nghị sự đường” thì nhận được tin cáo cấp. Cụ an ủi tướng sĩ: “Được thua là sự thường của binh gia, chớ nên ngã lòng, thối chí”.

Thừa thắng, quân Pháp kéo đến đánh vào Đại đồn. Quân nghĩa chống không nổi, tinh thần nao núng. Cụ Đình liền quyết định rút lên núi Mồng Gà. Quân sĩ rút hết, riêng cụ vẫn bình tĩnh ở lại sau cùng, với một toán thân cận hộ vệ rút lên núi Thông, qua đền thờ Linh Cảm Đại Vương. Giặt đến, sợ phục binh, bèn dừng lại, đặt súng thần công bắn suốt ba ngày ba đêm vào núi, làm cho cây cối đổ ngả nghiêng, ngôi đền hư hỏng nặng...

… Mười năm sau, cụ Đình mất ở núi Quạt (Hương Sơn).

- Cụ Đình về rú Quạt vào đầu tháng Mười năm Mùi (1895). Càng ngày, bệnh càng tăng, người gầy, sức kiệt, Cụ dặn các tướng Nguyễn Mục, Nguyễn Khai, những người luôn ở bên cạnh: “Tôi với các ông đồng cừu, khởi nghĩa đã mười năm, nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, nay lòng trời đã thế, ta không chống chọi nổi. Sau khi tôi nhắm mắt, ai có thể ra ngoại quốc lánh mình và cầu học, đợi thời cơ giúp nước càng quý. Vạn nhất không đi được thì sắp đặt ra đầu thú, không nên kéo dài việc can qua, thêm tàn hại sinh linh”. Các tướng đều bưng mặt khóc.

Bà Ngoéc Rừng3 (vợ thứ của Cụ) ngồi gần đó, nói: “Xin ông tĩnh dưỡng, may được bình phục, cho mẹ con tôi theo hầu, dù có gian nguy vẫn được vui”. Cụ Đình bảo: “Bấy lâu, tôi lo việc nước không xong, mà cảnh nhà cũng biến hoạ. Nay số trời đã định thế, biết sao. Tôi chết rồi, mẹ con ra mà đầu thú Tây, tôi chắc chúng nó không nỡ hại đàn bà, con trẻ đâu”. Cụ lại dặn người cháu giúp thím và hai em, và nói thêm: “Cháu có học, chắc biết Chí thành chi đạo khả dĩ cảm nhân (giữ đạo rất mực chân thành, có thể cảm hoá được người)”. Khi nghĩa quân được tin báo cụ Đình mất, tiếng khóc, tiếng van dậy lên cả một vùng rú Quạt. Có người thương cảm quá, nhịn ăn nằm khóc mà chết. Mấy chục người khác cầm gươm tự đâm cổ chết theo chủ tướng”.

Mấy hôm sau, một nghĩa quân từ rú Quạt lẻn xuống làng kiếm lương ăn thì bị bắt. Bọn Tây tra hỏi, biết cụ Đình đã chết, liền bắt đưa đi đào mộ Cụ, chở thi hài về đồn Linh Cảm. Đêm trước đó, bà Ngoéc Rừng nằm mộng thấy Cụ về bảo: “Ngày mai, ta sẽ ra trước bọn Tây, coi chúng làm gì được ta?”. Bà thấy lạ, chưa biết chuyện gì thì được báo là mộ cụ Đình đã bị đào đưa đi.

… Nguyễn Thân sai đốt xác cụ Đình, lấy tro trộn vào thuốc súng, nhồi bắn xuống sông La. Nhưng xác bị đốt là xác người khác, còn thi hài Cụ thì dân Đông Thái, Tùng Ảnh đang đêm lẻn đến đánh tráo được đưa về chôn ở rú Son (Châu Phong). Hiện ngôi mộ ấy vẫn còn...” 4.

Ngoài chuyện cụ Đình, còn có chuyện kể về các thân nhân của Cụ: chuyện bà Ngoéc Rừng (vợ thứ), chuyện ông Phan Đình Thông (anh cả) 5, chuyện bà Phan Thị Đại (chị ruột Cụ và là vợ Cử nhân Lê Văn Thống, mẹ Giải nguyên Lê Văn Huân ở Trung Lễ), v.v... Mỗi người đều có những mẩu chuyện rất cảm động.

__________________________________
1. Tác phẩm của Tiến sĩ Phan Trọng Mưu, quê Đông Thái, Đức Thọ.
2. Ông có 5 con trai, Phan Đình Phùng là con thứ tư.
3. Bà họ Trần, em ruột Trần Trạm, nguyên Tham tri bộ Lại.
4. Từ trước đến nay các tài liệu đều chép thi hài cụ Đình đã bị đốt, còn nhân dân địa phương thì kể như trên.
5. Đỗ Tú tài, làm phó Quản đốc một đội chiến thuyền, tham gia Cần vương sau bị tên phản bội đưa đường cho Tổng Đốc Nghệ An là Nguyễn Chánh bắt ở Thanh Chương và bị giết ở Vinh.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Mười, 2008, 09:11:21 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #135 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2008, 09:19:15 pm »


***


Chưởng vệ Cao Thắng, quê ở làng Tuần Lễ Hương Sơn cũng có một quãng đời niên thiếu kỳ lạ. Chuyện kể rằng:

“Một hôm, cố Bang (tức Trần Tấn) và ông Đội Lựu (tức Trần Quang Cán) 1 đang ngồi bàn việc quân trong trại Phúc Dương (Hương Sơn) thì được báo có một chú bé khoảng 9, 10 tuổi xin vào bái yết. Thấy lạ, hai ông liền cho vào, Cố Bang hỏi: “Em tên chi?”, chú bé liền đáp: “Dạ, tên là Cờ Vàng ạ”. Cố Bang cười. ông Đội Lựu sực nhớ ra rằng chú bé này chính là con ông Đỏ Quỳ2 người bên Tuần Lễ. Ông Đỏ vốn quê gốc ở Phúc Dương và đã từng dạy học ở đây. Ông Đội liền truyền thu nhận chú bé vào trại...”. Chú bé ấy chính là Cao Thắng.

- “Sau khi Đội Lựu hi sinh, Cao Thắng lại đi lang thang, rồi được ông Giáo thụ Phan Đình Thuật dưới Kẻ Hạ3, vốn là chỗ quen biết với ông Đỏ, đưa về nuôi dạy, coi như con đẻ. Khi ông Thuật chết, Cao Thắng mới về quê. Lúc này cha vừa mất, anh em Cao Thắng, Cao Nữu, ngày giúp mẹ cày cấy làm ăn, đêm thì rủ bạn bè luyện tập võ nghệ. Dạo ấy, dân nghèo trong làng vỡ được ít ruộng ven núi luôn bị Quản Loan cướp mất. Họ nổi dậy chống lại, Cao Thắng lúc này đã là một trai tráng khoẻ mạnh, hăng hái đứng ra cầm đầu. Hăng máu, Thắng đánh chết vợ Quản Loan4 nên bị bắt đưa về giam ở nhà lao Hà Tĩnh. Lê Ninh kéo quân vào hạ thành tỉnh (11-1885), giải thoát các tù nhân, trong đó có Cao Thắng.

Trở về làng, Cao Thắng cùng em là Cao Nữu và bạn nối khố là Nguyễn Đình Kiểu5 dấy nghĩa ở làng quê. Sau trận đánh Thọ Ninh, Thọ Tường, Lê Ninh rút quân lên rú Trắng (Bạch Sơn), Hương Sơn, Cao Thắng đưa quân phối hợp với Ấm Ninh và sau đó, hai người cùng theo cụ Đình…”.

Trong bảy, tám năm trời Cao Thắng đã giúp cụ Đình xây dựng hệ thống chiến khu Ngàn Trươi, Vụ Quang, tổ chức, rèn luyện, được một đội nghĩa quân đông đảo mạnh mẽ, có kỷ luật, thạo chinh chiến, thống nhất được sự chỉ huy trên một địa bàn rộng từ Thanh Hoá đến Quảng Bình gồm 15 quân thứ... Điều ông lo nghĩ nhiều nhất là vấn đề vũ khí: “Muốn đánh Tây thì phải có súng giống như của Tây”.

“… Ông đi ra lò rèn, gọi Kiểm Phất và Đội Quyên6 tới hỏi: “Giá ta có một khẩu súng Tây, cứ theo đó mà chế, có được không?”. Hai người vui ra mặt, đáp: “Dạ, trình quan Đổng nhung, có thể được lắm, ở đây có những tay thợ rèn như Đỏ Mười, Đĩ Ngự, cái gì làm cũng giỏi. Nhưng thưa, làm ở sao kiếm được khẩu súng Tây?”. Cao Thắng nói: “Cái đó mới khó. Ta đã sức cho mọi nơi, ai kiếm được một khẩu thì thưởng một nghìn bạc”. Mấy hôm sau, bỗng có một người lạ mặt xin vào yết kiến, nói rằng ông ta có người em đi lính tập ở tỉnh Nghệ báo cho biết ngày mai có mười lăm tên tập áp tải bạc lên Phố Châu để phát lương. Nhân dịp này tìm cách đánh bọn này mà đoạt súng. Cao Thắng rất mừng, lưu người khách ở lại tiếp đãi tử tế và gọi các tướng đến bàn kế. Cao Nữu bàn: “Nên dùng mưu, chọn một số kiện nhi, nấp trên ngọn đồi cỏ tranh, rồi xuất kỳ bất ý...”. Quả nhiên, trận ấy diệt được 17 tên giặc, có hai thằng Tây, đoạt 17 khẩu súng và mấy nghìn bạc. Ông cảm ơn người lạ và nói: “Bây giờ có bao nhiêu bạc trong kho, xin thưởng cho ông cả”. Người kia đáp: “Tôi đâu có phải vì tiền mà đến đây. Xin quan Đổng nhung để lại, thêm vào sắm súng đạn. Ấy là tôi đã góp chút công nhỏ vào việc đánh Tây”. Người ấy từ tạ ra về, không chịu nói họ tên, quê quán... Từ hôm đó, ngày nào Cao thắng cũng ở lò rèn, cùng Kiểm Phất, Đội Quyên lo việc đúc súng kiểu mới. Chẳng bao lâu, nghĩa quân đã có thêm trên 300 khẩu súng, bắn chẳng kém gì súng Tây...”.

Về cái chết của Cao Thắng, chuyện kể:

- “Cuối năm Tỵ (1893), lực lượng nghĩa quân đã mạnh, nhưng vẫn bị bó hẹp ở vùng rừng núi. Để mở rộng thế lực, gây dựng phong trào ở phía Bắc đã lắng xuống, Cao Thắng xin cụ Đình cho đánh ra tỉnh Nghệ... ông chọn 1000 quân tinh nhuệ, luyện tập kỹ càng, rồi cuối tháng mười (11-1893) xuất phát từ làng Khê Thượng7, nghĩa quân khí thế hăm hở:

      “… Trống dong cờ mở
      Trăm thầy nghìn tớ,
      Xuống tỉnh đánh Tây, Hết nghĩa theo thầy,
      Nhất tâm ưu ái...
”.

(Vè Cao Thắng)


Nghĩa quân chia làm ba đội. Hai đội do Cao Nữu, Nguyễn Niên chỉ huy, đội tiền quân do chính Cao Thắng cầm lệnh. Nghe tiếng Cao Thắng, bọn lính tập các đồn của Pháp đều sợ hãi, nên trên đường, ông đã đánh tan mấy đồn lẻ. Hôm ấy, đến đồn Nu8 thì đã xế chiều. Quản Phiến, nguyên là một chỉ huy nghĩa quân ra hàng Tây, cai quản đồn này. Đồn có 100 lính chia làm hai đội, một đội nằm im bên trong, một đội lẻn ra phục kích ngoài đồng. Khi đến nơi thấy định không chống cự, sợ có phục binh, nên Cao Thắng không đánh. Nhưng nào ngờ, một lúc sau, quân ông bị đánh cả từ hai phía. Quân trong đồn chống cự rất hăng mà quân phía sau cũng đánh lên rất rát. Cao Thắng bị một viên đạn xuyên màng mỡ, gục xuống. Nghĩa quân xông tới đỡ cõng ông ra, vừa đánh vừa lui. Về đến Khê Thượng thì ông đã bất tỉnh. Chợt, ông mở mắt nhìn quanh, ứa lệ rồi tắt thở.

Cụ Đình được tin, đau xót kêu to: “Trời hại tôi rồi, ông Cao Thắng ơi!”

Đám tang Cao Thắng được cử hành rất trọng thể. Các quân thứ đều cử người về dự. Khi rước quan tài ra động Cơn Mít9, nghĩa quân kêu khóc rất thảm thiết... Đoạn vè sau đây kể về cảnh tình lúc đó:

      Tử sinh liều giữa chiến trường,
      Thương thay Cao Thắng ngả đường mệnh chung.
      Anh hùng vẫn giống anh hùng,
      Há đem thành bại luận trong cao dày.
      Quan Đình như gãy cánh tay,
      Nghĩ tình thủ túc đêm ngày xót thương...


(Vè quan Đình)


Chuyện kể về cụ Đình và Cao Thắng là một mảng đầy đủ và đậm nét nhất. Trong bài này, chúng tôi chỉ có thể lướt qua một ít “cảnh” mà thôi.


***


Hệ thống truyện kể về cuộc kháng chiến Phan Đình Phùng lưu truyền ở Nghệ Tĩnh rất phong phú, đến nay vẫn chưa thể sưu tầm, giới thiệu được hết. Hệ thống truyện kể này bao gồm hàng trăm mẩu chuyện “người thật, việc thật” được ghi lại trong ký ức nhân dân, và được truyền miệng suốt một thế kỷ cho đến bây giờ. Nói chung, truyện kể “rất thật thà”, trừ một số ít mẩu có thêm thắt những tình tiết có vẻ ly kỳ, lãng mạn với dụng ý làm nổi bật nội dung hoặc làm cho chuyện thêm đậm đà.

Toàn bộ truyện kể đã phản ánh hết sức chân thật một phong trào đấu tranh rộng lớn, oanh liệt, một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng vẻ vang của dân tộc, vẽ lên rõ nét những anh hùng hữu danh và vô danh, cá nhân và tập thể. Đây là một “bộ sử” sinh động, một mảng tư liệu văn học quý giá.

Trong khi chưa có điều kiện ghi chép đầy đủ và nghiên cứu đến nơi đến chốn, chúng tôi muốn qua bài viết này giới thiệu khái quát, sơ lược hệ thống truyện kể này để góp phần làm tư liệu tham khảo.

Hà Tĩnh, tháng 2 năm 2007
______________________________________
1. Trần Tấn (Nghệ An), Trần Quang Cán (Hương Sơn, Hà Tĩnh) hài người cầm đầu phong trào chống Pháp năm Giáp Tuất (1874). Quân Đội Lựu thường gọi là quân Cờ Vàng.
2. Tên là Cao Quỳ.
3. Anh ruột cụ Phan đỗ Cử nhân, làm Giáo thụ.
4. Có người kể, vợ Quản Loan (tên cường hào ở Tuần Lễ) chết đột ngột, Loan vu cho Cao Thắng giết.
5. Quê ở xã Sơn Châu (Hương Sơn) bây giờ.
6. Kiểm Phất, tức Lê Phất ở Trung Lễ, Đội Quyên tức Lê Quyên ở Yên Hồ (Đức Thọ), là hai người trông coi việc chế tạo vũ khí của nghĩa quân.
7. Nay thuộc xã Hương Mai (Hương Khê).
8. Nay thuộc xã Thanh Xuân, Thanh Chương.
9. Nay thuộc xã Hương Đại (bây giờ là Thị trấn Vũ Quang).



Het

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM