Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:00:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Tiểu đoàn Bộ binh 1 anh hùng - (R20 - Quảng Đà)  (Đọc 63369 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #10 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2013, 12:56:10 pm »

   Đầu năm 1962, chính phủ Sài Gòn ra sắc lệnh số 162 chia tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành 2 tỉnh:

   - Tỉnh Quảng Nam từ Quế Sơn trở ra.

   - Tỉnh Quảng Trị từ Thăng Bình trở vào.

   Ở các tỉnh, các quân, thị, thành, xã, phường cũng điều chỉnh lại địa giới, thay đổi tên gọi.

   Trên cơ sở kế hoạch, biện pháp đề ra và dưới sự chỉ huy, điều hành của cố vấn Mỹ, bộ máy ngụy quân, ngụy quyền ngày đêm bắt dân đóng góp tiền của, công sức để rào ấp chiến lược, đào giao thông hào, đắp thành, xây đồn, không khí làng xã một lần nữa diễn biến hết sức căng thẳng, chúng bắt mỗi gia đình phải mua sắm đầy đủ các dụng cụ: gậy, dây, đèn gió, bọc đá, trống mõ, trước cổng nhà còn treo khẩu hiệu: “Nhà tôi không chứa chấp cộng sản”. Điển hình nhất là ở Điện Bàn – Trần Quốc Thái – Quận trưởng (người Quảng Điền – Quảng Trị), cán bộ Đảng Cần Lao Nhân Vị, tay chân thân tín của gia đình Ngộ Đình Nhu, đã ra lệnh bắt dân đóng góp tre, gạch để xây dựng các lò gạch ngói, bắt thân nhân gia đình có người đi kháng chiến đi lấy củi ở Cù Lao Chàm, lấy than đá ở Nông Sơn đem về nung gạch cho Thái, gạch làm ra Thái đem bán cho dân xây dựng các ấp kiểu mẫu, lợi nhuận Thái đều thu hết, còn người dân lao động không được trả một đồng tiền công.

   Kết hợp xây dựng hệ thống ấp chiến lược, Mỹ - Ngụy ra sức xây dựng bộ máy chỉ huy, điều hành kế hoạch, chương trình bình định, lập ấp, từ Trung ương đến cơ sở, nhất là ở xã, phường, thôn, ấp, có Hội đồng hương chính, Ban trị sự ấp, bên dưới còn liên gia (còn gọi là Tam ngũ liên gia bảo/tức là ba đến năm gia đình thành 1 nhóm) để quản lý, kiểm soát lẫn nhau. Gom dân, lập ấp, bình định là âm mưu, thủ đoạn thâm độc, lúc đầu gây cho ta một số khó khăn, tổn thất, Mỹ - Ngụy kiểm soát được địa bàn dân cư, nhưng chúng không kiểm soát được ý chí đấu tranh của người dân, không cắt đứt được mối liên hệ giữa Đảng với dân, phong trào cách mạng ngày đêm sục sôi trong lòng nhân dân.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #11 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2013, 01:11:47 pm »

ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO DIỆT ÁC, PHÁ KÈM,

MỞ RỘNG CĂN CỨ MIỀN NÚI, NHANH CHÓNG

PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG

   
   Kết hợp lập ấp, bình định, củng cố phòng thủ đồng bằng, đô thị, từ giữa năm 1961, Mỹ - Ngụy huy động lực lượng, phương tiện mở các cuộc càn quét, đánh phá vùng giáp ranh và căn cứ miền Núi. Ở cánh bắc, tháng 10.1961, chúng sử dụng bọn Bảo an, biệt kích (tương đương 1 tiểu đoàn) có phi pháo yểm trợ từ quận lỵ Hòa Vang, Hiếu Đức càn quét, đánh phá các làng, bản ở Tống Cói - Ổ Rây, Phú Mưa (huyện Hiên – nay là huyện Đông Giang). Quyết tâm đánh bại các cuộc càn quét của địch, ngoài các đại đội bộ đội địa phương của tỉnh và du kích người Ca – Tu còn có một số cán bộ quân sự đi tập kết về (như Nguyễn Hữu Đức, Trần Tốc, Đặng Văn Chí, Huỳnh Hồng, Lê Bình, Lại Nam Dương, Nguyễn Thiệu, Lê Minh) tham gia chiến đấu. Các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau, dựa vào địa thế, địa hình rừng núi, bản làng, bố trí trận địa, lực lượng, chông, mìn, cạm bẫy, phục kích kết hợp vận động tiến công, liên tục tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực định cơ động trên đường 14.

   Diễn biến chiến sự kéo dài trong nhiều ngày, ngày 25.10, Mỹ - Ngụy phải điều động 1 đại đội biệt kích rừng từ Đà Nẵng lên tăng viện, đánh chiếm Phú Mưa. Một mũi bí mật thọc sâu vào phía sau trận địa của ta và nổ súng gây thương vong 2 đồng chí trong bộ phận trinh sát, lập tức đồng chí Lại Nam Dương dùng trung liên bắn quyết liệt vào đội hình địch, diệt 15 tên, buộc chúng phải tháo chạy. Để bảo toàn lực lượng, bộ đội, du kích và đồng bào bí mật rút vào rừng sâu, đồng thời sử dụng lực lượng bám đánh địch. Ban ngày phục kích bắn bia, bắn tỉa, ban đêm tập kích, gài chông, mìn, cạm bẫy, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, hàng ngày trực thăng từ Đà Nẵng lên chở hàng chục xác chết, bị thương. Sau 1 tháng không chịu nổi cách đánh của chiến tranh du kích, quân địch phải rút chạy về đồng bằng. Thất bại trong trận càn này của Mỹ - Ngụy đã góp phần tạo nên phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của các tầng lớp nhân dân đô thị phát triển. Cơ sở cách mạng được hình thành và hoạt động có hiệu quả, vận động hàng trăm thanh niên, trong đó có nhiều sinh viên, học sinh là con em gia đình kháng chiến bị Mỹ - Diệm giết hại hoặc cầm tù trong những năm “tố cộng, diệt cộng”. Tất cả bí mật thoát ly lên căn cứ ở bản Phú Mưa tham gia cách mạng.

   Có nguồn thực lực, ngày 22.12.1961, nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân, Ban quân sự tỉnh quyết định điều động lực lượng, trong đó có 1/3 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội H30 để thành lập Đại đội 1 bộ binh (mật danh là Đ61), do đồng chí Đặng Văn Chí làm đại đội trưởng, đồng chí Huỳnh Hồng làm chính trị viên. Quân số lúc đầu có 65 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành 3 trung đội. Trang bị lúc này cứ 1 tổ (3 người) có 1 súng trường, còn lại là lựu đạn, dao găm, mã tấu. Trang bị tuy thiếu, thô sơ, nhưng tổ 3 người hoặc tiểu đội có một thứ vũ khí sắc bén, tinh nhuệ đó là tinh thần yêu nước, yêu quê hương, căm thù sâu sắc bọn xâm lược và tay sai, quyện chặt thành một mũi nhọn chiến đấu trong mọi tình huống.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #12 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2013, 01:20:17 pm »

   Kết hợp xây dựng với chiến đấu, Đại đội 61 vận dụng linh hoạt phương thức hoạt động phân tán nhỏ lẻ, phối hợp chặt chẽ với các đội vũ trang tuyên truyền của Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên đẩy mạnh phong trào diệt ác, phá kèm, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy, phá ấp giành quyền làm chủ. Đây là những địa bàn đông dân, đất ruộng màu mỡ, nhân dân có truyền thống đấu tranh cách mạng, nên Mỹ - Ngụy tập trung nhiều lực lượng đánh phá, đưa những tên ác ôn khét tiếng, có máu phản bội tổ quốc như Trần Quốc Thái, Quận trưởng, Lên Nguyên Hàm, chi trưởng cảnh sát Điện Bàn, tên Hường chi phó cảnh sát Đại Lộc, tên Điểu, chỉ huy Tổng đoàn dân vệ ở Đại Lộc, tên Quí, chi trưởng cảnh sát Hòa Vang, tên Sáu – Đại úy chỉ huy biệt kích, những tên này đã từng chém giết, mổ bụng, ăn gan những chiến sĩ cộng sản mà người đời từng nói “họ là những người ăn thịt người”.

   Đối với quân và dân ta, đây là những địa bàn rất quan trọng, không chỉ là nơi cung cấp nguồn nhân tài vật lực dồi dào cho kháng chiến, mà là căn cứ, bàn đạp để bao vây, tiến công vào sào huyệt của quân Mỹ - Ngụy ở Đà Nẵng – Hội An.

   Xuân – Hè 1962, Đảng ủy – BTL Quân khu chủ trương mở đợt hoạt động tác chiến nhằm tiêu diệt 1 bộ phận sinh lực địch, đánh bại một bước kế hoạch bình định, lập ấp của Mỹ - Ngụy. Trong đợt hoạt động này, Quân khu tăng cường Tiểu đoàn 60 chủ lực cho Quảng Nam – Đà Nẵng.

   Căn cứ vào mệnh lệnh của Quân khu, Tỉnh ủy, Ban quân sự tỉnh chủ trương sử dụng các đại đội bộ đội địa phương của tỉnh phân tán thành các phân đội nhỏ, phối hợp chặt chẽ với các đội vũ trang tuyên truyền các huyện: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Vang đẩy mạnh tác chiến tiêu diệt bộ máy kèm kẹp của địch, hỗ trợ cho nhân dân đồng khởi, giành quyền làm chủ, tạo ra căn cứ, bàn đạp để tiếp tục tiến công và nổi dậy. Chấp hành chủ trương của Ban quân sự tỉnh, Ban chỉ huy đại đội 61 phân công Trung đội 1 đảm nhiệm các xã phía tây – Hòa Vang, Trung đội 2 đảm nhiệm Vùng A Điện Bàn, Trung đội 3 đảm nhiệm các xã Vùng B Đại Lộc và Khu Tây Duy Xuyên.

Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #13 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2013, 01:32:47 pm »

   Nhận nhiệm vụ cấp trên giao, các trung đội ngày đêm bám sát địa bàn, phối hợp với các đội công tác xã, liên lạc với cơ sở bên trong để nắm địch, chuẩn bị kế hoạch, phương án chiến đấu.

   Tháng 03.1962, một khung tiểu đoàn (Tiểu đoàn 75) hầu hết là con em Quảng Nam đi tập kết trở về tham gia xây dựng, chiến đấu giải phóng quê hương. Về đến căn cứ, tiểu đoàn phân tán bổ sung quân số cho các đơn vị ở cả cánh nam và cánh bắc của tỉnh. Ở cánh bắc, trên cơ sở nguồn cán bộ từ Tiểu đoàn 75 và số thanh niên từ đồng bằng thoát ly lên căn cứ, Ban quân sử tỉnh quyết định thành lập Đại đội 2 Bộ binh (mật danh Đ62) do đồng chí Lê Cật làm đại đội trưởng, đồng chí Đoàn Tơ làm chính trị viên. Sau khi ổn định tổ chức, đại đội về đứng chân tại vùng A, B Đại Lộc, phối hợp với Tiểu đoàn 60 Quân khu và lực lượng địa phương liên tục cơ động chiến đấu giữ chân, tiêu hao, tiêu diệt đại đội Bảo an và Tổng đoàn dân vệ của tên Điểu ở vùng A Điện Bàn, tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương chuẩn bị chiến trường.

   Nhân dân các địa bàn nói trên, sau những năm bị kèm kẹp, khủng bố, nay gặp lại bộ đội, du kích đều phấn khởi, không ngại khó khăn, không sợ bọn Ngụy quân, Ngụy quyền bắt giam, tra tấn, mà tìm cách liên lạc, đùm bọc, nuôi dưỡng, làm buồng kín, hầm bí mật để che dấu.

   Sau thời gian chuẩn bị kế hoạch, phương án, đêm 24.04.1962, phối hợp với chiến trường chung của Quân khu, Đại đội Đ61, Đ62 cùng lực lượng các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Vang đồng loạt tiến công tiêu diệt hầu hết các mâm hội đồng, tổng đoàn dân vệ, Bảo an, bình định, cảnh sát… ở các địa bàn được giao, hỗ trợ cho hàng vạn quần chúng đồng khởi nổi dậy phá tan các ấp chiến lược, giành quyền làm chủ. Phát huy thắng lợi, các mũi tiến công tiếp túc phát triển xuống sát đường số 1, có mũi tiến xuống vùng đông của tỉnh. Bộ máy kèm kẹp và ấp chiến lược sụp đổ từng mảng. Mỹ - Ngụy sử dụng lực lượng phản kích nhưng đều bị tổn thất. Đây là đợt hoạt động tác chiến đầu tiên hỗ trợ cho nhân dân các vùng nông thôn đồng khởi và giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa rất lớn đối với phong trào cách mạng trong tỉnh, tác động đến phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của các tầng lớp nhân dân thành phố đô thị.

   Phong trào mở ra, thế và lực của cách mạng ngày càng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu giành thắng lợi to lớn.

   Tháng 11.1962, xuất phát từ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng, Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết định chia tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành 2 tỉnh: Tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà. Địa giới tỉnh Quảng Nam từ Quế Sơn trở vào, tỉnh Quảng Đà từ Duy Xuyên trở ra.

   Sau khi chia tách, Đảng bộ tỉnh tiến hành đại hội, bầu Ban chấp hành tỉnh ủy, do đồng chí Hồ Nghinh làm bí thư, Ban chỉ huy tỉnh đội do đồng chí Nguyễn Hữu Đức (tức Đinh Châu) làm Tỉnh đội trưởng, đồng chí Trần Tốc làm chính trị viên.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #14 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2013, 01:58:50 pm »

   Mặc dù chia tách, nhưng Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà vẫn giữ vững truyền thống đoàn kết, chi viện, giúp đỡ lẫn nhau, coi đây là một chiến trường, một nhiệm vụ cách mạng chống kẻ thù chung.

   Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đồng khởi, giải phóng nông thôn, đồng bằng miền Nam nói chung, tỉnh Quảng Đà nói riêng, Mỹ - Ngụy ở vùng I chiến thuật sử dụng Sư đoàn 2 và các lực lượng địa phương, vận dụng các chiến thuật “Thiết xa vận”, “trực thăng vận”, mở các cuộc hành quân “Lam Sơn”, đánh phá các địa bàn quân và dân ta mới mở ra và vùng giáp ranh.

   Quyết tâm đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của Mỹ - Ngụy, các đại đội bộ binh Đ61, Đ62, vừa tranh thủ học tập, huấn luyện củng cố đơn vị, vừa sử dụng lực lượng phối hợp với lực lượng địa phương bám sát địa bàn, cơ động, quần lộn đánh địch, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, đánh bại các cuộc hành quân của địch, giữ vững thế làm chủ địa bàn, đẩy địch lùi về căn cứ.

   Thắng lợi trong tiến công quân sự tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh chính trị, sinh viên, học sinh, phật tử, tiểu thương ở Đà Nẵng, Hội An, liên tục đấu tranh chống chế độ đàn áp của Mỹ - Diệm.

   Thắng lợi trong phong trào đồng khởi giải phóng nông thôn, đồng bằng của quân và dân miền Nam dẫn đến sự thất bại của kế hoạch “bình định, lập ấp”, xương sống của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị gãy từng đoạn làm cho nội bộ Mỹ - Ngụy mẫu thuẫn, lục đục lẫn nhau, buộc Mỹ phải tính chuyện thay ngựa giữa dòng.

   Ngày 01.11.1963, được Mỹ hậu thuẫn, dàn dựng, tướng tá Ngụy do Dương Văn Minh cầm đầu cuộc đảo chính giết hại anh em Diệm – Nhu. Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 22.11.1963, bên kia biển Thái Bình Dương, Ken – nơ – đi Tổng thống Mỹ bị ám sát.
   Sau khi chế độ gia đình trị của họ Ngô bị lật đổ, tình hình an ninh chính trị ở miền Nam lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nội bộ ngụy quân, ngụy quyền cấu xé, tranh giành địa vị. Trong vòng 20 tháng (từ tháng 11.1963 đến tháng 6.1965) diễn ra 14 cuộc đảo chính, phản đảo chính, 6 chính phủ thay nhau nắm chính quyền.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #15 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2013, 02:00:01 pm »

   Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ cử Mac – ra – ma – ra – Bộ trưởng quốc phòng sang nghiên cứu, đánh giá tình hình, đề ra kế hoạch tăng cường lực lượng và điều chỉnh kế hoạch bình định 12 tháng. Còn ngụy quyền, khi Nguyễn Khánh lên nắm chính quyền thì ký kết với Mỹ “Hiến chương Vũng Tàu”, nhượng bán hải cảng Cam Ranh cho Mỹ 99 năm. Nắm chắc diễn biến tình hình, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trên chiến trường Quảng Đà chỉ đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân đẩy mạnh hơn nữa phong trào đồng khởi, diệt ác, phá kèm, mở ra bàn đạp quan trọng bao quanh Đà Nẵng, Hội An và các thị trấn khác. Nổi bật nhất là chiến công của đại đội Đ62 đánh thiệt hại nặng Đại đội biệt kích của tên đại úy Sáu tại Diện Thọ - Điện Văn, và Đại đội 1 do đồng chí Nguyễn Chí Sa chỉ huy tiến công tiêu diệt bọn dân vệ ở Điện Tiến, trong đó có tên Mẫn ác ôn khét tiếng.

   Kết hợp chiến đấu với xây dựng, đầu năm 1965, BCH tỉnh đội quyết định thành lập Đại đội 3 (Mật danh Đ63) do đồng chí Nguyễn Xuân Quang làm Đại đội trưởng, đồng chí Lê Dũng làm chính trị viên. Tiếp đến, thành lập tiếp Đại đội 4 hỏa lực (mật danh Đ64) do đồng chí Sự làm đại đội trưởng, đồng chí Trần Tiến làm chính trị viên, trang bị có 4 khẩu ĐKZ57, 2 cối 81 ly, 2 đại liên. *

   Vừa ổn định tổ chức, học tập, huấn luyện, đại đội ra quân phối hợp cùng các đại đội bộ binh cơ động đánh địch càn quét, phản kích, hỗ trợ nhân dân nổi dậy, lúc này phong trào đồng khởi đã phát triển thành cao trào mạnh mẽ, đều khắp, hình thành phương thức đấu tranh 2 chân, 3 mũi giáp công, một phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân khoa học và hiệu quả.

   Đầu năm 1965, giữa lúc Mỹ - Ngụy lúng túng đối phó với cao trào đồng khởi phát triển như vũ bão. Khu ủy Khu 5 và Đảng ủy, BTL Quân khu 5 chủ trương mở đợt hoạt động tác chiến Xuân – Hè 1965. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Quân khu, Tỉnh ủy – BCH tỉnh đội Quảng Đà quyết định mở chiến dịch Xuân 1965 (chiến dịch mang tên Nguyễn Văn Trỗi) nhằm:

   - Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, chủ yếu là lực lượng kèm kẹp, thúc đẩy quân Ngụy tan rã nhanh hơn nữa.

   - Phá tan số ấp chiến lược còn lại, thu hẹp vùng địch kiểm soát, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng căn cứ, bàn đạp vững mạnh.

   - Kết hợp chặt chẽ đấu tranh “2 chân, 3 mũi giáp công”, nhất là ở vùng ven thành phố, đô thị.

   - Xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng rộng rãi, đều khắp.

   Hướng trọng điểm của chiến dịch ở Gò Nổi (Điện Bàn), Khu Trung và Tây Bắc (Hòa Vang).

   Lực lượng tham gia chiến dịch hầu hết các đơn vị, địa phương của Quảng Đà.

   Ngày 07.02.1965, chiến dịch mở màn, các đại đội bộ binh (Đ61, Đ62, Đ63, Đ64) và đặc công – trinh sát đều rời căn cứ tỏa đi các hướng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng địa phương đồng loạt nổ súng tiến công tiêu diệt và làm tan rã bộ máy ngụy quân, ngụy quyền của Mỹ - Ngụy, hỗ trợ cho hàng vạn quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, giải phóng hoàn toàn 6 xã Gò Nổi (Điện Bàn), Tây Bắc (Hòa Vang), Vùng B (Đại Lộc) và vùng ven các chi khu quận lỵ. Vùng nông thông, đồng bằng từ nam sông Cẩm Lệ vào giáp với Quảng Nam được giải phóng, chính quyền cách mạng được thiết lập, mặt trận và các đoàn thể cách mạng được hình thành.

   Đây là thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Xuân 1965, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ - Ngụy.

_____________________
*. Khung cán bộ của Đại đội Đ63, Đ64 đều từ Miền Bắc vào.

*

*   *

Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #16 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2013, 02:31:38 pm »

TIỂU ĐOÀN BỘ BINH R20 RA ĐỜI VÀ

CHIẾN CÔNG “RA QUÂN ĐÁNH THẮNG TRẬN ĐẦU”.

   Chiến dịch Xuân 1965 kết thúc thắng lợi, vùng giải phóng nông thôn, đồng bằng được mở rộng, vùng căn cứ miền núi được củng cố vững chắc, trở thành hậu phương trực tiếp chi viện cho cuộc chiến đấu của quân và dân ở đồng bằng, đô thị.

   Nguồn nhân lực tăng lên gấp nhiều lần, nhân dân phấn khởi, hăng hái lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, động viên đóng góp kháng chiến. Nổi bật nhất là phong trào vận động thanh niên thoát ly tham gia bộ đội, du kích, thanh niên xung phong, phong trào diễn ra ngày càng sôi động. Nhiều địa phương tổ chức lễ phát động thanh niên đăng ký tòng quân, dựng lễ đài, cầu vinh quang để thanh niên bước qua cầu lên đường chiến đấu giết giặc lập công. Sau các đợt tòng quân “Nguyễn Văn Trỗi” hàng vạn thanh niên Quảng Đà thoát ly gia đình, quê hương, tham gia bộ đội, du kích trong đó có hàng ngàn học sinh, sinh viên, công nhân từ thành phố, đô thị bí mật ra vùng giải phóng tham gia cách mạng. Lúc này diễn biến chiến sự trên chiến trường Quảng Đà trở nên sôi động, quân Mỹ và chư hầu ồ ạt đổ vào Đà Nẵng, chiếm đóng các địa bàn chiến lược quan trọng, đẩy quân Ngụy ra vòng ngoài, càn quét đánh phá vùng giải phóng nông thôn.

   Xuất phát từ tình hình đó và yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu đánh bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy và sẵn sàng tư thế đánh Mỹ, thắng Mỹ. Tỉnh ủy, BCH tỉnh đội đề ra chủ trương tăng cường xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang địa phương, nhằm tăng cường sức chiến đấu hợp đồng trên qui mô lớn giữ vững và phát triển thế làm chủ chiến trường để tiến công địch.

   Ở tỉnh phát triển từ các đại đội độc lập lên thành tiểu đoàn, ở huyện, thị, thành từ các trung đội phát triển thành đại đội, dân quân du kích ở xã phát triển mạnh mẽ, đều khắp để làm nòng cốt cho chiến tranh du kích và phong trào toàn dân đánh giặc. Thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh Quân khu và Tỉnh ủy, đầu tháng 05.1965, BCH Tỉnh đội đề ra kế hoạch điều động các đại đội bộ binh Đ61, Đ62, Đ63, Đ64 đang hoạt động tác chiến ở các huyện về chuẩn bị thành lập Tiểu đoàn bộ binh đầu tiên của các lực lượng vũ trang Quảng Đà. Đại đội Đ61 đang hoạt động tác chiến ở Đại Lộc, Đại đội Đ62 đang hoạt động tác chiến ở Điện Bàn. Đ63 và Đ64 mới thành lập, đang tập trung củng cố, huấn luyện. Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, các đại đội nhanh chóng hành quân về tập kết tại thôn Phú Phong, Phú Bình, Phú An xã Lộc Quí (nay là xã Đại Thắng). Đây là những đại đội đã ra đời trong phong trào đồng khởi giải phóng miền núi đến phong trào diệt ác, phá kèm, đồng khởi giải phóng nông thôn, đồng bằng (từ 1961 – 1964), đội ngũ cán bộ chỉ huy nhiều đồng chí đi tập kết về và trưởng thành từ phong trào đấu tranh cách mạng trong những năm đồng khởi giải phóng quê hương, còn chiến sĩ và cán bộ trung, tiểu đội hầu hết là con em gia đình kháng chiến, giác ngộ cách mạng ở Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Vang, Hội An, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân của mình, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh tham gia bộ đội chiến đấu giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #17 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2013, 02:32:21 pm »

   Đứng chân ở đây, các đại đội nhận tân binh, vũ khí, đạn dược, tranh thủ tập luyện đội ngũ, kỹ thuật, chiến thuật, chuẩn bị cho lễ thành lập. Nhân dân khắp nơi trong tỉnh nói chung, vùng B Đại Lộc nói riêng, những ngày này càng rạo rực niềm tin cách mạng sẽ thắng lợi hoàn toàn, non sông đất nước sẽ được độc lập, thống nhất, các thôn của xã Lộc Quí, Lộc Phước trở thành những thao trường sôi nổi suốt ngày đêm.

   Đêm 19.05.1965, nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại bãi cát nằm bên bờ sông Thu Bồn và giữa hai thôn Quảng Đợi và thôn Giảng Hòa. Tỉnh ủy, BCH Tỉnh đội Quảng Đà tổ chức lễ thành lập Tiểu đoàn bộ binh đầu tiên của tỉnh (mang mật danh là R20) (9). Đồng chí Trần Thận – Phó bí thư Tỉnh ủy (nguyên trưởng Ban quân sự tỉnh), đồng chí Nguyễn Hữu Đức – Tỉnh đội trưởng đến dự. Trong không khí trang nghiêm, hơn 650 cán bộ, chiến sĩ đội ngũ chỉnh tề, trang bị đầy đủ, sắp xếp theo từng đại đội, đứng đầu là các đồng chí chỉ huy đã từng xông pha trận mạc, hết đánh Pháp đến đánh Ngụy, đánh từ rừng núi xuống đồng bằng như: Lại Nam Dương, Nguyễn Xuân Mua, Nguyễn Xuân Quang, Trần Tiến, Huỳnh Hồng, Đặng Văn Chí, Lê Dũng Tiến, Nguyễn Chí Sa, Nguyễn Văn Dung.

   Sau lễ chào cờ, đồng chí Tỉnh đội trưởng trao cờ “Quyết thắng” cho đồng chí Võ Xuân Lâm – Tiểu đoàn phó quyền tiểu đoàn trưởng. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu nêu rõ tình hình, nhiệm vụ của quân và dân trong tỉnh nói chung, của Tiểu đoàn bộ binh R20 nói riêng, đồng chí căn dặn, đặt niềm tin của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vào cán bộ, chiến sĩ đơn vị hãy giữ vững và phát huy mạnh mẽ truyền thống Quân đội nhân dân “Ra quân là đánh thắng”, đánh thắng từ trận đầu để xây dựng truyền thống Tiểu đoàn. Đồng chí Trần Sinh – Chủ nhiệm chính trị Tỉnh đội kiêm chính trị viên Tiểu đoàn thay mặt cán bộ, chiến sĩ hứa hẹn quyết tâm với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh: Tiểu đoàn bộ binh R20 quyết tâm thực hiện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Xứng đáng là đơn vị bộ binh chủ công, cơ động, thọc sâu, đánh thắng mọi kẻ thủ trong mọi tình huống.

_____________________________

9. Tiểu đoàn lấy mật danh “R20” là lấy tên Tiểu đoàn 20 của Tỉnh trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến cục Đông – Xuân 53 – 54, đặc biệt Tiểu đoàn 20 là đơn vị chủ công tiêu diệt Chiến đoàn 10 hỗn hợp của quân Pháp ở Bồ Bồ (Điện Tiến).
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #18 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2013, 02:52:14 pm »

   BCH Tiểu đoàn gồm có:

   - Đồng chí Võ Xuân Lâm – Tiểu đoàn phó quyển Tiểu đoàn trưởng.

   - Đồng chí Trần Sinh – Chủ nhiệm chính trị Tỉnh đội kiêm chính trị viên trưởng – Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn.

   - Đồng chí Nguyễn Chí Sa – Tham mưu trưởng tiểu đoàn.

   Lãnh đạo, chỉ huy của các đại đội cũng được sắp xếp đầy đủ.

   Chất lượng mọi mặt của tiểu đoàn tương đối cao, trong đó có 50 đảng viên, 350 đoàn viên, trình độ kỹ thuật, chiến thuật được huấn luyện chu đáo, cán bộ, chiến sĩ đều quen thuộc địa hình, có khả năng cơ động, thọc sâu đánh địch cả trong công sự và ngoài công sự.

   Trang bị vũ khí, đạn dược cũng tương đối khá hơn các đơn vị, nhưng chủ yếu là súng K44, K50 của các nước xã hội chủ nghĩa và tiểu liên, súng trường của Pháp, Đức, Mỹ.

   Sau buổi lễ, các đại đội di chuyển đội hình về trú quân ở các thôn Quảng Đại, Khánh Vân, Trang Điền. BCH Tiểu đoàn đứng chân ở thôn Quảng Đại.

   Cùng đêm 19.05, ở cánh Bắc, Tỉnh ủy – BCH Tỉnh đội và thành đội Đà Nẵng tổ chức lễ thành lập Đại đội 1 đặc công hậu cứ, nhiều đơn vị, địa phương cũng điều động lực lượng bổ sung hoặc thành lập thêm các đơn vị mới.

   Tiểu đoàn bộ binh “R20” được thành lập là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành của các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đà, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu trước mắt và lâu dài của quân và dân trong tỉnh. Đặc biệt là phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục tiến công địch, đánh bại các âm mưu, thủ đoạn càn quét, phản kích của địch.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #19 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2013, 03:16:17 pm »

   Trong những ngày cuối tháng 5 lịch sử, thực hiện quyết tâm “Ra quân là đánh thắng”. Đảng ủy – BCH tiểu đoàn tổ chức một đoàn cán bộ - trinh sát do đồng chí Võ Xuân Lâm – quyền tiểu đoàn trưởng  và đồng chí Nguyễn Chí Sa – Tham mưu trưởng phụ trách đi chuẩn bị chiến trường theo mệnh lệnh của BCH Tỉnh đội. Mở trận vận động phục kích tiêu diệt đoàn xe vận tải quân sự của Mỹ - Ngụy hàng ngày từ Đà Nẵng vào đi ngang qua đoạn từ thị trấn Nam Phước đến phía bắc cầu Bà Rén (Duy Xuyên). Được sự giúp đỡ, che dấu, nuôi dưỡng của cấp ủy, nhân dân Xuyên Tân (nay là Duy Thành), chỉ trong thời gian ngắn, bộ phận chuẩn bị chiến trường đã hoàn thành xuất sắc, tạo điều kiện cho Đảng ủy, chỉ huy tiểu đoàn xây dựng kế hoạch, chiến đấu và báo cáo cấp trên phê chuẩn.

   Mười bảy giờ ngày 25.05.1965, từ địa bàn đứng chân – Tiểu đoàn xuất quân vượt sông Thu Bồn rồi qua dốc Bà Son, ranh Xuyên Hiệp, xuống Xuyên Trà. Đến đêm, bí mật vượt qua đường số 1, vòng qua Quế Xuân rồi vòng lại xã Xuyên Tân. Đêm tối, đường xa, nhưng nhờ có tổ chức chặt chẽ, biện pháp hành quân linh hoạt, nên tất cả các bộ phận đến nơi an toàn, đầy đủ quân số, đến nơi các đại đội nhanh chóng triển khai trận địa phục kích ở thôn Văn Quật, nằm phía bắc cầu Bà Rén, phía đông đường số 1. Phối hợp với trận đánh của Tiểu đoàn bộ binh R20 còn có đại đội bộ đội địa phương huyện Duy Xuyên và cán bộ, du kích xã Xuyên Tân, Xuyên Phước.

   Chỉ huy trận đánh có các đồng chí: Nguyễn Hữu Đức – Tỉnh đội trưởng, Trần Sinh – chính trị viên tiểu đoàn, đồng chí Trần Thận – phó bí thư tỉnh ủy, đồng chí Võ Xuân Lâm – Tiểu đoàn phó, Nguyễn Chí Sa trực tiếp chỉ huy các hướng.

   Rạng sáng ngày 29.05.1965, các đại đội hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu và trận địa được ngụy trang kín đáo, bất ngờ đồng chí Huỳnh Dạng – Tiểu đội trưởng của đại đội 1 phát hiện quân địch xuất hiện ở phía đông thôn  Văn Quật (tức phía sau trận địa phục kích của tiểu đoàn), lập tức đồng chí báo cáo cho đại đội trưởng Lại Nam Dương, tình huống bất ngờ ngoài dự kiến, đồng chí ra lệnh đơn vị sẵn sàng chiến đấu và báo cáo chỉ huy tiểu đoàn. Cũng trong lúc này, một loạt đạn car bin bắn vào trận địa làm đồng chí Cán – đại đội phó bị thương.

   Sau khi nghe cán bộ - trinh sát báo cáo tình hình địch trên các hướng, chỉ huy tiểu đoàn ra lệnh cho các đại đội: Hướng nào có địch phát hiện thì nổ súng chặn đánh, hướng nào chưa bị địch phát hiện thì phải giữ bí mật trận địa. Ngay lúc đó, BCH hội ý chớp nhoáng để đánh giá kết luận về tình hình: Đây là tình huống ngoài dự kiến, có thể địch chủ động càn quét, hoặc do bọn gián điệp chỉ điểm nên Tiểu khu Quảng Nam ra lệnh điều động tập trung lực lượng lớn để bao vây, tiến công khu vực phục kích của Tiểu đoàn. Lực lượng gồm: 2 đại đội biệt kích “Tây Hồ”, 2 đại đội  Bảo an và ½ Tổng đoàn dân vệ bí mật đến bao vây thôn Văn Quật, nhưng địch không ngờ Tiểu đoàn bộ binh R20 của ta bí mật cơ động đến đây. Trước tình huống đó, chỉ huy tiểu đoàn hạ quyết tâm chuyển phương án vận động phục kích đánh địch cơ động trên đường số 1 sang phương án vận động phục kích đánh địch càn quét.

   Chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy trận đánh, các phân đội nhanh chóng vận động hình thành thế bao vây tiến công vào đội hình địch. Bị đánh bất ngờ, từ thế bao vây ta chuyển sang thế bị ta bao vây chia cắt và bị tiêu diệt từng cụm làm cho đội hình rối loạn, nhưng bọn sống sót, nhất là lính biệt kích ngoan cố chống cự. Kiên quyết trừng trị hành động của địch, các tổ chiến đấu của ta xông lên đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê, dao găm. Tiếng hô xung phong, tiếng va chạm của các loại kim khí hòa trong tiếng kêu la của binh lính địch, tạo nên một âm thanh hỗn loạn giữa trận địa. Sau 1 giờ chiến đấu, các mũi tiến công của Tiểu đoàn bộ binh R20 đã đánh bật địch ra khỏi đầu thôn, dồn bọn bảo an, dân vễ ra giữa cánh đồng trống, còn bọn biệt kích chạy ra nghĩa địa tổ chức phản kích lại. Không để địch hồi phục, đại đội 4 sử dụng hỏa lực bắn vào giữa đội hình tiêu diệt nhiều tên, bọn dân vệ hoảng sợ kéo chạy về Nam Phước lại bị cối 60 ly của đại đội bắn chặn. Tiểu đội Huỳnh Dạng xung phong vào giữa trận địa của biệt kích diệt từng tên, có tên nằm áp mặt xuống đất giả chết. Mặt trời lên cao, Mỹ - Ngụy sử dụng máy bay L19, HU1A và 4 khu trục vào ném bom, chi viện cho địch rút chạy, do không phân biệt được mục tiêu nên máy bay HU1A dùng rốc két, đại liên bắn vào lò gạch, gây nhiều thương vong cho bọn bảo an, dân vệ.

   Quyết không cho địch chạy thoát, chỉ huy trận đánh ra lệnh cho các phân đội xung phong truy kích địch. Chính trị viên tiểu đoàn dùng loa kêu gọi binh lính địch đầu hàng, lập tức nhiều toán địch bỏ súng đầu hàng, dân quân, du kích, binh vận địa phương cũng xông ra bắt tù binh, kêu gọi lính địch nộp súng, đầu hàng.



Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM