Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Chín, 2023, 08:09:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Tiểu đoàn Bộ binh 1 anh hùng - (R20 - Quảng Đà)  (Đọc 62191 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #50 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2013, 03:11:38 pm »

   Trong những ngày cuối năm 1967, mặc dù thời tiết mưa lạnh, nhưng không khí chuẩn bị chiến dịch diễn ra sôi động. Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng (Khóa III) ra nghị quyết: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam của ta sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định” (23).

   Trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến với phương châm là: Kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng trên cả 3 vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn, đồng bằng và đô thị).

   Hướng tiến công chủ yếu là đô thị, trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.

   Mục tiêu tiến công là các cơ quan đầu não Mỹ - Ngụy.

   Không gian tiến công là trên cả miền Nam.

   Thời gian tiến công là đêm 30 rạng ngày 31.01.1968 (tức đêm giao thừa tết Mậu Thân).

   Mật danh cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là “T25”.

   Quán triệt quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng và Khu ủy – BTL Quân khu 5, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, địa phương ngày đêm lao vào thực hiện các mặt công tác chuẩn bị chiến trường, sắp xếp bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ. Quân và dân Quảng Đà hăng hái thi đua hoàn thành nhiệm vụ được giao với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”.

______________

23. “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975 – Những sự kiện quân sự” Nxb QĐND – Hà Nội, 1980, trang 165 – 166.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #51 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2013, 03:13:33 pm »

   Lực lượng chính trị của quần chúng cũng ra sức chuẩn bị tinh thần, vật chất tham gia chiến dịch, lực lượng binh địch vận tìm cách đưa thư cho Hoàng Xuân Lãm – Trung tướng – Tư lệnh Quân đoàn 1 kiêm Vùng 1 chiến thuật ngụy và lôi kéo một bộ phận binh lính ly khai chống Mỹ - Ngụy.

   Căn cứ kế hoạch, phương án chiến đấu, Đảng ủy – BTL Mặt trận 44 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn bộ binh R20 thực hiện:

   - Phương án 1: Theo kế hoạch cấp trên, tiểu đoàn cải trang thành lính Ngụy làm binh biến, tập kết phía Nam cầu Đỏ, cơ sở nội tuyến sử dụng 20 xe GMC chạy ra đón đơn vị vào đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng, tiêu diệt lực lượng địch ngoan cố chống cự, tạo điều kiện cho các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Mặt trận Quảng Đà, Sư đoàn bộ binh 2 Quân khu và lực lượng quần chúng bên ngoài tiến công vào thành phố. Đây là phương án tiến công địch trong trường hợp Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy chập thuận làm nội ứng. Nhưng đến trước ngày nổ súng, Lãm lật lọng, hủy bỏ lệnh ngừng bắn và ra lệnh cho binh lính cắm trại trong những ngày tết. Xuất phát từ tình hình đó, BTL chỉ thị cho Tiểu đoàn bộ binh R20 không thực hiện phương án 1.

   - Phương án 2: sử dụng lực lượng của Tiểu đoàn cơ động, thọc sâu vào bên trong đánh chiếm Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 Ngụy và một số mục tiêu khác, hỗ trợ cho quân chúng nổi dậy, tạo điều kiện cho Sư đoàn 2 Quân khu và lực lượng quần chúng từ bên ngoài tiến công vào. Căn cứ phương án được duyệt, BCH tiểu đoàn phân công đồng chí Nguyễn Văn Trí – Tham mưu trưởng và đồng chí Trần Dung cán bộ tác chiến và một bộ phận cán bộ trinh sát đi chuẩn bị chiến trường, hành lang cơ động, bàn đạp trú quân.

   Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, đêm 29.01.1968, từ hậu cứ, tiểu đoàn tổ chức hành quân ra trú quân tại Khu III Hòa Vang, khi tiểu đoàn hành quân đến đập Bà Quang thì gặp pháo địch bắn, đồng chí Lại Nam Dương – tiểu đoàn trưởng bị thương, không thể chỉ huy đơn vị hành quân tiếp. Đảng ủy – BCH Tiểu đoàn phân công đồng chí Nguyễn Văn Đáng – tiểu đoàn phó đảm nhiệm quyền tiểu đoàn trưởng để chỉ huy tiểu đoàn tiếp tục thực hiện phương án chiến đấu.

   Ngày 30.01.1968, tiểu đoàn bí mật trú quân ở khu vực Trung Lương – Cồn Dầu (nay là xã Hòa Xuân). Đi cùng với Tiểu đoàn bộ binh R20 trên hướng này còn có bộ phận tiền phương của Đặc khu ủy Quảng Đà do đồng chí Mai Đăng Chơn – Thường vụ đặc khu ủy phụ trách, tiền phương của Bộ tư lệnh Mặt trận 44 do đồng chí Nguyễn Hữu Đức (24) – Thường vụ Đặc khu ủy – Tham mưu trưởng phụ trách, đồng chí Trần Sinh – Phó chủ nhiệm Chính trị - Mặt trận.

   Trước đó, đồng chí Trần Thận – Phó bí thư Đặc khu ủy, đồng chí Hà Kỳ Ngộ, Nguyễn Duy Hưng – Thường vụ Đặc khu ủy bí mật vào đứng chân trong nội thành, đến trưa ngày 30.01.1968, đồng chí Hồ Nghinh – bí thư Đặc khu ủy cũng vào bên trong thành phố.

   Đêm 30.01.1968, tiểu đoàn hành quân, nhưng khi đến bờ sông Cẩm Lệ thì gặp bọn Mỹ rải quân phòng ngự dọc bờ sông, chúng đập phá hết thuyền bè chuẩn bị đưa bộ đội sang sông để tiến công vào BTL Quân đoàn 1 Ngụy. Tiểu đoàn không thể vượt sông được, chỉ có 1 trung đội của Đại đội 1 do đồng chí Dương Văn Chín chỉ huy và 1 trung đội bộ đội địa phương khu III Hòa Vang do đồng chí Trần Văn Dũng chỉ huy, do đồng chí Huỳnh Phước Đông – Tham mưu phó chỉ huy, bộ phận luồn sâu tổng cộng 57 đồng chí, trang bị gọn nhẹ, bí mật vượt sông, tiếp cận vào sát mặt phía Đông – Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 Ngụy.

   Đêm 30.01.1968 (tết Mậu Thân 1968) các mũi tiến công trên các hướng cũng đã sẵn sàng. Lúc 02 giờ 30 phút – giờ hợp đồng tất cả đồng loạt tiến công, pháo cối trên khắp chiến trường dỗi bão lửa xuống đầu quân Mỹ - Ngụy ở các sân bay, căn cứ, kho tàng. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 mở màn. Lực lượng vũ trang đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng chung quanh Đà Nẵng, bên trong biệt động, tự vệ cũng tập kích nhiều cơ quan, đồn bót, làm cho chúng hoang mang, hoảng loạn.

   Tiểu đoàn bộ binh R20, không vượt được sông Cẩm Lệ, BCH Tiểu đoàn quyết định chuyển phương án chiến đấu, ra lệnh cho các đại đội tiến công tiêu diệt Cồn Dầu, làm chủ Trung Lương, chuẩn bị đánh địch phản kích.

   Rạng sáng ngày 31.01, diễn biến chiến đấu hết sức căng thẳng, ác liệt, ta không thực hiện được ý định ban đầu, Mỹ - Ngụy sau khi bị tiến công, chúng huy động lực lượng, máy bay, xe pháo ra phản kích, chốt chặn các cửa ngõ vào thành phố, đồng thời sử dụng lực lượng bao vây, truy kích các mũi tiến công của biệt động, tự vệ và lực lượng quần chúng nổi dậy.

   Mũi luồn sâu của Tiểu đoàn đã áp sát BTL Quân đoàn 1 Ngụy, khi có lệnh nổ súng, các đồng chí bật dậy lao qua tường rào xông vào đánh chiếm 1 góc của BTL. Do mục tiêu quá rộng, quân số ít, nên các tổ chỉ đánh lướt qua, rồi rút ra chốt giữ ngã tư (nay là ngã tư đường Núi Thành và Duy Tân) để chờ lực lượng chủ yếu của ta tiến vào tiếp tục tiến công địch.

   Khi trời vừa sáng, Mỹ - Ngụy điều động 2 tiểu đoàn biệt động quân, 1 tiểu đoàn bộ binh, 4 xe tăng, trên không hàng chục máy bay trực thăng kéo đến bao vây, phản kích với tinh thần chiến đấu cảm tử, các đồng chí bình tĩnh, lợi dụng các bờ tường, góc phố đánh trả các mũi xung phong của địch, diệt hàng trăm tên, các đồng chí chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và phần lớn đã hy sinh anh dũng, không để địch bắt sống hoặc đầu hàng địch, còn một số được cơ sở che dấu, bảo vệ và tìm cách đưa ra vùng giải phóng. Trận chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng của 57 cán bộ. chiến sĩ Tiểu đoàn bộ binh R20 biểu hiện ý thức chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh cấp trên, làm lực lượng xung kích, thọc sâu, đánh chiếm một phần BTL Quân đoàn 1 Ngụy, tạo bàn đạp cho lực lượng chủ yếu phía sau cơ động lên tiến công địch, tinh thần chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng của các đồng chí thể hiện bản chất chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
_______________________
24. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức được Nhà nước truy tặng danh hiệu: Anh hùng LLVT nhân dân ngày 30.10.1978
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #52 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2013, 03:39:44 pm »


   Chiến sự ở Đà Nẵng diễn ra càng quyết liệt. Tại Trung Lương – Cồn Dầu, Mỹ - Ngụy huy động hàng ngàn tên được xe tăng, phi pháo chi viện đắc lực, mở nhiều đợt phản kích vào trận địa của Tiểu đoàn bộ binh R20. Mặc dù lực lượng địch đông gấp nhiều lần, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn trụ bám quyết tâm chiến đấu đến cùng, bẻ gãy nhiều đợt xung phong của bộ binh, xe tăng địch. Ngày thứ 2 (01.02.1968) quân số, trang bị hao hụt, không bổ sung kịp, Mỹ - Ngụy liên tục tiến công, gây nhiều thương vong cho đơn vị, các đồng chí Mai Đăng Chơn, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Văn Đáng vừa chỉ huy, động viên cán bộ, chiến sĩ chiến đấu, vừa cầm súng đánh trả địch đến cùng và hy sinh anh dũng. Đêm 01.02.1968, lợi dụng quân Mỹ co cụm, đồng chí Nguyễn Văn Trí – Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy củng cố đội hình, tổ chức mở đường đưa hơn 80 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn vượt khỏi vòng vây của địch, rồi cơ động về Gò Nổi (Điện Bàn). Như vậy, sau 2 đêm 2 ngày quần lộn chiến đấu với một lực lượng địch đông gấp nhiều lần, Tiểu đoàn bộ binh R20 đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên Mỹ - Ngụy, bắn cháy 2 xe tăng, san bằng 1 chốt điểm. Tuy nhiên để làm nên chiến công đó, tiểu đoàn cũng chịu tổn thất lớn, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã từng chiến đấu xông pha trận mạc, lập công xuất sắc, dày dạn kinh nghiệm và đã hy sinh anh dũng trong trận chiến đấu không cân sức, không theo ý định quyết tâm đề ra, ngoài những tình huống đã dự kiến, sự hy sinh của các đồng chí để lại biết bao niềm thương tiếc của đồng chí, đồng bào.

   Các mũi tiến công quân sự và kế hoạch nổi dậy bên trong không đạt mục tiêu đề ra, nên lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị quần chúng bên ngoài không tiến vào hỗ trợ cho bên trong được, Mỹ - Ngụy tung lực lượng ra ngăn chặn, phản kích, bắn chết và bị thương hàng trăm người.

   Diễn biến chiến sự chung quanh Đà Nẵng còn kéo dài trong những ngày tiếp theo. Đêm 02.02.1968, một phân đội thuộc Sư đoàn 2 Quân khu 5 sau khi đánh chiếm thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), cơ động ra tập kích tiêu diệt 1 đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ ở Lỗ Giáng (Hòa Xuân). Thời cơ hợp đồng cùng lực lượng vũ trang Mặt trận Quảng Đà để tiến công vào Đà Nẵng không còn nữa, đơn vị lui về đánh địch phản kích ở Hòa Phước rồi rút về hậu cứ.

   Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường Quảng Đà nói chung, Đà Nẵng nói riêng diễn ra quyết liệt, quân và dân ta đã đem hết tinh thần và lực lượng để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng và đã giành được một số thắng lợi nhất định.

   Để giành được thắng lợi đó, quân và dân ta cũng chịu nhiều hy sinh tổn thất lớn. Nguyên nhân là ta đánh giá tương quan lực lượng chưa đầy đủ, lực lượng Mỹ - Ngụy ở Đà Nẵng đông, trang bị mạnh, bố trí dày đặc, lực lượng vũ trang của ta chưa đủ sức tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân Mỹ và Ngụy. Kế hoạch hợp đồng tiến công với nổi dậy chưa chặt chẽ, thống nhất. Bên cạnh đó, lệnh chuyển thời gian hợp đồng tiến công từ đêm 30 sang đêm 31.01.1968 trên toàn chiến trường miền Nam đến chậm, các đơn vị lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị đã cơ động chiếm lĩnh địa bàn xuất phát không thể hoãn được, do đó kế hoạch nổ súng trên chiến trường Quảng Đà vào đêm 30.01.1968 vẫn diễn ra theo ý định ban đầu.

   Mặc dù có một số khuyết, nhược điểm, nhưng quân và dân Quảng Đà đã giành thắng lợi to lớn góp phần cùng quân và dân Miền Nam đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ - Ngụy, tác động sâu sắc đến nội tình nước Mỹ cả quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội. Mâu thuẫn trong nội bộ nhà Trắng thêm gay gắt, phong trào chống chiến tranh của nhân dân Mỹ và nhân dân tiến bộ trên thế giới dâng lên cao. Trước những thất bại nặng nề, ngày 01.03.1968, Giôn – Xơn – Tổng thống Mỹ giao cho Cơ – lip – pho làm Bộ trưởng Quốc phòng thay cho Mắc-na-ma-ra vừa từ chức. Ngày 22.03.1968, Giôn-Xơn ra lệnh cách chức Oét – mo – len, đưa A Bram lên làm Tổng tư lệnh quân Mỹ ở Việt Nam và quyết định không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, làm cơ sở để thực hiện các quyết định:

   - Tăng cường hiệu lực chiến đấu của quân Ngụy bằng trang bị và các thứ viện trợ khác của Mỹ, đây là điểm ưu tiên hàng đầu trong các hành động của Mỹ.

   - Hạn chế ném bom miền Bắc.

   Chủ trương cụ thể là:

   - Loại trừ mọi sự leo thang chiến tranh lớn.

   - Thay chiến lược “tìm diệt, bình định” bằng “quét và giữ”.

   - Từng bước “Phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh” làm bước đệm chuyển tiếp từ chiến lược chiến tranh cục bộ sang chiến lược Chiến tranh Việt Nam hóa.

   - Chấp nhận đàm phán để chấm dứt chiến tranh, từng bước rút quân Mỹ và chư hầu về nước, chuyển giao trách nhiệm chiến đấu trên bộ cho quân Ngụy.

   Như vậy, Mỹ đã chịu thất bại, nhưng ý chí xâm lược chưa bị đánh bại hoàn toàn, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh bằng đội quân tay sai, để vừa đánh, vừa đàm.

   Trước những âm mưu, thủ đoạn của Mỹ - Ngụy. Sau chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam vẫn giữ vững quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, ra sức huy động mọi lực lượng, vật chất để mở chiến dịch Hè 1968 (mật danh là X1). Hướng tiến công chủ yếu vẫn là thành phố, đô thị, thị trấn, chi khu quận lỵ. Ngày 05.05.1968, chiến dịch mở màn.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #53 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2013, 03:55:59 pm »

   Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng nêu trong Nghị quyết 14 (tháng 01.1968) của BCHTW (Khóa III): “Tổng tiến công và nổi dậy là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược hết sức quyết liệt và phức tạp…, bằng nhiều chiến dịch tiến công quy mô lớn của lực lượng vũ trang ở các vùng chiến lược quan trọng kết hợp chặt chẽ sự nổi dậy của quần chúng”. Quân và dân Mặt trận Quảng Đà khẩn trương chuẩn bị mọi mặt tham gia chiến dịch Hè 1968. Để tăng cường lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng trên chiến trường chính: Đà Nẵng và các đô thị, Thường vụ Khu ủy Khu 5 chỉ định đồng chí Trương Chí Cương làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, BTL Quân khu 5 chỉ định đồng chí Nguyễn Chánh làm Tư lệnh Mặt trận 44, đồng chí Võ Thứ làm phó tư lệnh, đồng chí Giáp Văn Cương – phó tư lệnh – Tham mưu trưởng, đồng chí Hồ Nghinh – phó bí thư Đặc khu ủy kiêm chính ủy Mặt trận. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ trên giao, tháng 04.1968, BTL Mặt trận quyết định thành lập Trung đoàn 38 (gồm các Tiểu đoàn 1, 2, 3 và 489) do đồng chí Nguyễn Hoán làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Phục (Khôi) làm chính ủy. Ngoài lực lượng hiện có, Quân khu quyết định tăng cường cho Mặt trận Quảng Đà Trung đoàn 36 thuộc Sư đoàn 308 từ miền Bắc mới vào.

   Tiểu đoàn bộ binh 1 (25), sau khi về đứng chân ở Gò Nổi (Điện Bàn), dưới sự lãnh đạo , chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, BTL Mặt trận, đơn vị tập trung củng cố tư tưởng và tổ chức, tiếp nhận 400 tân binh từ miền Bắc mới vào và nhận vũ khí đạn dược, tiến hành sinh hoạt, học tập, huấn luyện, nâng cao trình độ nhận thức chính trị, kỹ, chiến thuật. Quân số tiểu đoàn lúc này có 450 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 120 đảng viên, 300 đoàn viên. Biên chế thành 4 đại đội. BCH Tiểu đoàn gồm có:

   - Đồng chí Nguyễn Văn Trí – Tiểu đoàn trưởng.

   - Đồng chí Nguyễn Văn Thông – Chính trị viên tiểu đoàn kiêm Bí thư đảng ủy.

   - Đồng chí Dương Văn Chín – Tiểu đoàn phó.

   - Đồng chí Hoàng Thanh Ba – Tham mưu trưởng.

   Đây là một thời điểm khó khăn của Tiểu đoàn. Nhưng với truyền thống yêu nước, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, được nhân dân thương yêu, đùm bọc, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đoàn kết một lòng, quyết tâm giữ vững truyền thống là tiểu đoàn chủ công, cơ động, thọc sâu, ra quân đánh thắng của các lực lượng vũ trang mặt trận.

   Chiến dịch Hè 1968 diễn ra sôi động, các trung đoàn chủ lực 31, 36 đánh địch phản kích ở Thượng Đức và dọc 2 bên sông Thu Bồn. Trung đoàn 38 của Mặt trận sử dụng Tiểu đoàn đặc công 489 đánh địch ở khu III Hòa Vang, Tiểu đoàn 2, 3 đánh địch ở Điện Bàn, Hội An, Tiểu đoàn bộ binh R20 đang củng cố, huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ đều muốn tham gia chiến đấu nhưng chưa có lệnh cấp trên.

   Sau chiến dịch Hè, các đơn vị chủ lực rút về hậu cứ, chuẩn bị tham gia chiến dịch Thu 1968 (mật danh X2). Các đơn vị tranh thủ nghiên cứu rút kinh nghiệm, huấn luyện kỹ, chiến thuật, chuẩn bị kế hoạch, phương án, chiến đấu theo mệnh lệnh của BTL Quân khu và BTL Mặt trận.

   Trong chiến dịch này, BTL Quân khu tiếp tục tăng cường cho Mặt trận Quảng Đà Trung đoàn 141 (thuộc Sư đoàn 312) từ hậu phương miền Bắc mới vào. Tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa cũng gửi 1 Tiểu đoàn đặc công tinh nhuệ vào chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam (1 đại đội), Quảng Đà (4 đại đội). Các đại đội binh chủng (công binh, thông tin, trinh sát, vận tải) cũng được bổ sung quân số, trang bị và phát triển thành tiểu đoàn.

________________________

25. Tiểu đoàn bộ binh 1 tức là Tiểu đoàn R20.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Hai, 2013, 04:11:22 pm gửi bởi fantomasft » Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #54 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2013, 08:50:48 am »


   Ngày 17.08.1968 chiến dịch Thu 1968 mở màn, phối hợp với chiến trường toàn miền, quân và dân Quảng Đà đồng loạt nổ súng tiến công các mục tiêu được giao, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy. Theo phương án chiến đấu được cấp trên phê duyệt. Các trung đoàn chủ lực 31, 36, 141 tiến công các căn cứ, chi khu quận lỵ ở chung quanh Đà Nẵng, nhằm kéo địch từ bên trong ra phản kích, chi viện, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng bên trong tiến công, tiêu diệt địch.

   Đêm 22.08.1968, Trung đoàn 38 sử dụng Tiểu đoàn 489 đặc công tập kích tiêu diệt chi khu quận lỵ Hòa Vang, Tiểu đoàn bộ binh 2 (V25) đánh chiếm đầu cầu Cẩm Lệ, sau đó phối hợp với tiểu đoàn 489 bố trí trận địa đánh địch phản kích ở thị trấn Cẩm Lệ, Hòa Châu. Tiểu đoàn bộ binh 3 bố trí trận địa ở Hòa Phước. Riêng Tiểu đoàn bộ binh 1 “R20” được cấp trên giao nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ biệt kích Nùng ở Non Nước (Hòa Hải) bằng hình thức chiến thuật: Bí mật tập kích, căn cứ biệt kích Nùng nằm trên một bãi cát trắng thuộc xã Hòa Hải (Khu III Hòa Vang) cách trung tâm Đà Nẵng 5 km về phía Đông Nam. Phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp đường 538 (đường Đà Nẵng – Hội An), phía Nam giáp núi Thủy Sơn, phía Bắc giáp nhà lao Non Nước và sân bay Nước Mặn. Diện tích căn cứ khoảng 5 ha, cấu trúc bên trong có 20 mục tiêu hầu hết bằng bê tông, cốt thép, kiên cố, phía Tây có sân bay dã chiến, chung quanh có tường thành, giao thông hào, 5 – 7 lớp rào kẽm gai, các loại mìn, lựu đạn bố trí dày đặc.

   Lực lượng đồn trú có 1 tiểu đoàn biệt kích (phiên hiệu là “776 Xi Xi Lôi Hổ”), được hình thành từ tháng 11.1961, quân số trên 500 tên, hầu hết là lính người Nùng từ các tỉnh ở miền Bắc di cư vào Nam sau hiệp định Giơ – ne – vơ (7.1954) và những tên ác ôn khét tiếng ở miền Nam được tuyển chọn vào lực lượng này, do Cục tình báo trung ương Mỹ (C.I.A) tổ chức xây dựng, huấn luyện và chỉ huy hoạt động26, huấn luyện viên do lực lượng đặc biệt của C.I.A chịu trách nhiệm.

   Hoạt động của lực lượng này mang tính chất chiến lược dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của C.I.A, được xếp là thành viên của Liên đoàn đặc biệt Mỹ, được Mỹ - Ngụy chiều chuộng, trả lương rất cao, nên chúng rất hung hăng, tàn ác. Nhiệm vụ chủ yếu là sau khi huấn luyện ở đây, được tung lên hoạt động ở vùng giáp ranh, hoặc sử dụng máy bay thả từng tốp xuống căn cứ miền Núi, biên giới Việt – Lào để đánh giá hành lang, kho tàng, cơ quan của ta, hoặc chỉ điểm cho phi pháo đánh phá.

______________________________

26. Căn cứ biệt kích Nùng là một trong 3 trung tâm huấn luyện biệt kích của C.I.A ở miền Nam: Đà Nẵng – Nha Trang – Sông Mao.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #55 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2013, 08:51:22 am »

   Chung quanh căn cứ biệt kích Nùng còn có nhiều căn cứ, chốt điểm dày đặc, lực lượng Mỹ - Ngụy đông hơn dân ở đây. Do đó đánh vào căn cứ biệt kích Nùng là đánh sâu vào lòng địch, có hệ thống phòng ngự kiên cố, lực lượng đông, thiện chiến. Tuy nhiên, địch cũng sơ hở, chủ quan nằm sâu trong căn cứ, không ai có thể đột nhập vào được. Địa thế ở phía Nam là núi Ngũ Hành Sơn có nhiều hang động dễ dấu quân, nhân dân Hòa Hải có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, đó là thuận lợi để tiểu đoàn thực hiện nhiệm vụ khó khăn, nặng nề mà Đảng ủy – BTL Mặt trận tin tưởng giao phó.

   Nhiệm vụ cấp trên giao: Tiểu đoàn được phối thuộc 1 tiểu đội đặc công Quận Ba – Đà Nẵng, 1 tiểu đội du kích xã Hòa Hải, có nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Biệt kích Nùng, giải phóng nhà lao Non Nước, bắn phá sân bay Nước Mặn, phá hủy dàn đèn hồng ngoại tuyến, chốt chặn núi Đùng đánh địch phản kích. Nhận nhiệm vụ cấp trên giao, ngay từ giữa tháng 07.1968, BCH Tiểu đoàn sử dụng 25 cán bộ, trinh sát do đồng chí Hoàng Thanh Ba27 – Tham mưu trưởng đi chuẩn bị chiến trưởng. Sau 25 ngày bí mật trú quân ở trong các hang đá, sườn đồi của núi Ngũ Hành Sơn, đặt dải quan sát ban ngày ở núi Chùa, tổ chức nhiều mũi đột nhập vào căn cứ biệt kích và trạm thông tin liên lạc của Mỹ ở núi Đùng. Bộ phận đi chuẩn bị chiến trường đã nghiên cứu, nắm chắc địa hình, tình hình, quy luật hoạt động của địch, xác định được phương án chiến đấu, chọn hướng tiến công. Hướng chủ yếu: phía Tây Nam, hướng thứ yếu ở phía Đông. Mục tiêu chủ yếu là căn cứ biệt kích Nùng, mục tiêu thứ yếu Núi Đùng, nhà lao, sân bay Nước Mặn. Ý định sử dụng lực lượng , tiểu đoàn sử dụng 164 cán bộ, chiến sĩ.

   + Hướng chủ yếu: Do Đại đội 1 đảm nhiệm, sử dụng 42 đồng chí, do đồng chí Tiến – đại đội trưởng chỉ huy.

   + Hướng thứ yếu: Do Đại đội 3 đảm nhiệm, sử dụng 38 đồng chí, do đồng chí Phan Hiệp (tức Phan Hành Sơn) – Đại đội trưởng chỉ huy.

   + Chốt điểm núi Đùng: Đại đội 2 sử dụng 15 đồng chí, do đồng chí Lai – chính trị viên Đại đội 2 chỉ huy.

   + Khu nhà lao: sử dụng 27 đồng chí trong đó có 12 trinh sát và đặc công nước, do đồng chí Khuê – Trung đội trưởng trinh sát chỉ huy tập kích đánh chiếm nhà lao, giải thoát tù nhân.

   + Sân bay Nước Mặn: Đại đội 4 hỏa lực sử dụng 37 đồng chí, do đồng chí Chín – tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy, trang bị 2 ĐKZ 57, 1 đại liên 12,7 ly, 2 cối 82 ly, bí mật bố trí trận địa ở phía Tây mõm núi Thổ Sơn. Khi có lệnh bắn kìm chế sân bay Nước Mặn. Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng kế hoạch hợp đồng với các đơn vị bạn và địa phương. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng và chính trị viên tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy trận đánh. Vị trí chỉ huy nằm sau đội hình Đại đội 1. Thời gian nổ súng 01 giờ 30 phút ngày 23.08. Qua điều tra, nghiên cứu tình hình, các đồng chí đã có đánh giá, kết luận tình hình địch tương đối chính xác: Địch vòng ngoài hoạt động cả ngày, lẫn đêm, nhưng còn thủ đoạn canh gác bên trong rất xảo quyệt, dùng những con bù nhìn đứng gác chung quanh, miệng có hút thuốc lá, nhưng thân xác bất động, thỉnh thoảng có 1 tên lính thật đến đốt thuốc, các đồng chí trinh sát phải theo dõi nhiều đêm mới phát hiện, đây là sơ hở của địch, thuận lợi của ta. Nhưng muốn tiêu diệt được căn cứ biệt kích Nùng thì đồng thời phải đánh chiếm đỉnh núi Đùng, phá hủy hệ thống dàn đèn hồng ngoại tuyến để bố trí hỏa lực khống chế sân bay Nước Mặn và địch chung quanh. Kết quả đó, ngoài ý chí quyết tâm của cán bộ, trinh sát đi chuẩn bị chiến trường, còn có sự giúp đỡ, che dấu nuôi dưỡng của cán bộ, du kích địa phương, trong đó có sự đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Xuân Mua, cán bộ trưởng thành từ Tiểu đoàn bộ binh R20, nay là Quận đội trưởng Quận Ba – Đà Nẵng giới thiệu cơ sở bí mật của Quận là Đại đức Thích Trí Long – trụ trì trong chùa Non Nước, tạo điều kiện giúp đỡ đơn vị trú quân, điều tra nắm tình hình địch. Để hoàn chỉnh phương án chiến đấu, đêm 11.08.1968, đồng chí Nguyễn Văn Trí – Tiểu đoàn trưởng cùng 4 đại đội trưởng và trinh sát đi kiểm tra lần cuối cùng.

_________________________

27. Người con xã Hòa Hải
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #56 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2013, 09:04:36 am »

   Căn cứ vào quyết tâm chiến đấu của BCH Tiểu đoàn, đêm 21.08.1968, từ khu vực đứng chân ở Điện Xuân (Điện Bàn) đơn vị xuất phát cơ động đến trú quân bí mật ở vùng 5 Hòa Hải.

   Ban chỉ huy tiểu đoàn và các bộ phận phục vụ đến đêm 22.08.1968 mới xuất phát.

   22 giờ đêm ngày 22.08.1968, các đại đội cơ động đến vị trí chỉ huy của tiểu đoàn ở chân núi phía Đông Nam núi Thổ Sơn để bổ sung nhiệm vụ và củng cố quyết tâm chiến đấu. Sau đó có phân đội, các mũi triển khai chiếm lĩnh trận địa, thực hành mở cửa, khắc phục vật cản. Ở hướng núi Đùng, theo đường dốc đá thẳng đứng, các chiến sĩ trinh sát lanh lợi, dũng cảm, bí mật chốt lại trên đỉnh núi, đã nhận được tín hiệu bên dưới, rồi nhanh chóng dùng dây ni lông cột chặt vào đá thả xuống, cho các chiến sĩ Đại đội 2 và 4 cùng vũ khí trang bị (cối 82, ĐKZ 57, đại liên, B40, B41) leo lên. Bọn lính Mỹ ở sát bên cạnh không hay biết gì. Sau khi đội hình đã lên hết đỉnh núi, dàn đèn hồng ngoại tuyến, chiếm được mục tiêu, các đồng chí bí mật triển khai trận địa hỏa lực sẵn sàng chi viện cho Đại đội 1 và Đại đội 2.

   Ở mục tiêu chủ yếu: Trên hướng chủ yếu, đến 01 giờ 26 phút ngày 23.08.1968, đã khắc phục xong vật cản, tổ thọc sâu của đồng chí Tiền (Trung đội trưởng) dẫn đầu tổ bí mật luồn sâu vào trung tâm căn cứ, vừa áp sát mục tiêu thì bị địch phát hiện, lập tức các đồng chí dùng thủ pháo, lựu đạn đánh vào lô cốt chỉ huy và hệ thống thông tin liên lạc. Tổ 2 và 3 tiến vào sau, nhưng bị địch nổ súng bắn chặn, không phát triển được, đồng chí Tiến – đại đội trưởng bị thương. Chỉ huy trận đánh ra lệnh cho đội dự bị vào chi viện.

   Ở hướng thứ yếu: còn 1 lớp rào cuối cùng, nhưng khi nghe hướng chủ yếu đã nổ súng, không chần chừ, đồng chí Hiệp ra lệnh cho B40, B41 diệt các lô cốt đầu cầu và các hỏa điểm của địch, rồi đồng chí bật dậy dẫn đầu cả mũi đạp rào, xông vào trận địa dùng tiểu liên, lựu đạn, lần lượt tiêu diệt các mục tiêu, đồng chí Bính – chính trị viên đại đội và đồng chí Hùng – liên lạc lấy thân mình đè lên lớp rào để chiến sĩ vượt qua.

   Cùng lúc, hỏa lực của Đại đội 4 bắn dồn dập vào sân bay Nước Mặn, phá hủy nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh. Ở khu vực nhà lao, trinh sát và đặc công nước quận Ba, khi tiếp cận khắc phục vật cản thì bị địch phát hiện và sử dụng súng bắn chặn, gây thương vong, nên phải lui ra.

   Ở căn cứ biệt kích Nùng, lúc đầu địch bị bất ngờ và mất sức chiến đấu, nhưng sau đó số còn sống xót ngoan cố chống trả quyết liệt, trên không máy bay trực thăng cũng đến phản kích. Ở hướng tiến công của Đại đội 3 đồng chí Hiệp tiếp tục chỉ huy các tổ đánh địch, khi vượt qua tuyến công sự phòng ngự bên trong thì đồng chí vấp ngã, một tên biệt kích trọc đầu lao tới đè lên người và bóp cổ, đồng chí cố vùng dậy, nhưng vì mất thế, vừa lúc đó đồng chí Cấp liên lạc lao đến dùng báng súng AK đánh vào đầu tên lính, cứu sống đồng chí đại đội trưởng để tiếp tục chỉ huy Đại đội 3 đánh phát triển vào trung tâm căn cứ bắt liên lạc với Đại đội 1, tiếp đến 2 mũi phối hợp đánh tảo trừ, tiêu diệt những tên biệt kích còn sống sót. Diễn biến chiến đấu đến 02 giờ 15 phút, các mũi làm chủ hoàn toàn trận địa. Hơn 20 mục tiêu gồm 7 lô cốt, 10 nhà lính, 1 nhà kho, 1 hầm chỉ huy, 1 kho đạn dược, 1 nhà đèn và hệ thống thông tin liên lạc bị phá hủy, hơn 500 tên biệt kích bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #57 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2013, 10:03:22 am »


   Sau khi trận đánh kết thúc, các mũi tổ chức lui quân, chiếm lĩnh các hang động, chuẩn bị trận địa đánh phản kích. Đại đội 3 rút về án ngữ phía Nam xã Hòa Hải. Đại đội 1 sử dụng lực lượng tại các hang núi của núi Đùng. Đại đội 2 sử dụng 2 trung đội phối hợp với Đại đội 1 bố trí trận địa đánh địch phản kích. Bộ đội, du kích Khu III Hòa Vang cũng sử dụng lực lượng tham gia chiến đấu, cán bộ, nhân dân Hòa Hải chuẩn bị nhiều tấn lương thực, thực phẩm cất dấu trong các hang động phục vụ bộ đội chiến đấu. Lực lượng đánh địch phản kích do đồng chí Dương Văn Chín – tiểu đoàn phó và đồng chí Phan Hiệp – Đại đội trưởng Đại đội 3 trực tiếp chỉ huy.

   Trận tiến công của Tiểu đoàn bộ binh R20 tiêu diệt hoàn toàn căn cứ biệt kích Nùng và các mục tiêu chung quanh, và những trận đánh của các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 38, biệt động, tự vệ Đà Nẵng trong đêm 22 rạng ngày 23.08.1968 làm rung chuyển cả căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Bọn chỉ huy Mỹ - Ngụy hêt sức hoang mang, lo sợ, tức tối và điên cuồng phản kích, nên ngay rạng sáng ngày 23.08.1968, máy bay trực thăng Mỹ quần lượn, tập trung bắn phá các khu vực của núi Ngũ Hành Sơn. Đến 08 giờ, một đại đội lính thủy đánh bộ từ Nước Mặn tiến vào Dốc Kinh, nhưng bị Đại đội 1 do đồng chí Tiến chỉ huy chặn đánh, diệt hàng chục tên, buộc phải lui ra, 10 giờ quân Mỹ sử dụng máy bay trực thăng đổ thêm quân xuống phong tỏa núi Đùng, 12 giờ đổ tiếp 1 tiểu đoàn phong tỏa vòng ngoài và chiếm núi Chùa, chúng chia làm nhiều mũi xung phong vào trận địa chốt chặn của các phân đội. Kiên quyết giữ vững trận địa, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 và 2 đã trụ bám, vững chắc ở các hốc núi, hang động, chặn đánh địch, bẻ gãy 20 đợt xung phong của quân Mỹ, tiêu diệt hàng trăm tên ngay dưới chân núi và trước cửa hang, bắn cháy 2 máy bay lên thẳng. 















   Đêm 23.08.1968, BCH tiểu đoàn ra lệnh cho các đại đội bí mật rút quân về trú ở các thôn phía Nam xã Hòa Hải, sau đó rút về vùng cát Điện Bàn. Trận tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn biệt kích Nùng và đánh địch phản kích ở núi Chùa, núi Đùng (xã Hòa Hải) của Tiểu đoàn bộ binh R20 là một trong những trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, diệt nhiều sinh lực cao cấp của Mỹ - Ngụy (lực lượng tác chiến đặc biệt của tình báo Mỹ), đây là chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn kể từ sau trận tiêu diệt 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ở Xuyên Thanh (01.1967), chiến công vang dội trên khắp chiến trường miền Nam, thể hiện trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu, trình độ kỹ, chiến thuật, tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ trong vận dụng hình thức chiến thuật, cách đánh đặc công, trong đó có nhiều trận chiến đấu xuất quỷ nhập thần, diệt địch trong căn cứ và đánh địch phản kích, giải tỏa. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn bộ binh R20 được Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất, nhiều cá nhân được tặng Huân chương chiến công, đồng chí Phan Hiệp – đại đội trưởng Đại đội 3 chỉ huy mũi thứ yếu, khi chưa khắc phục hết vật cản và mũi chủ yếu gặp khó khăn, đồng chí dẫn đầu các tổ băng qua hàng rào cuối cùng, bình tĩnh tiêu diệt các mục tiêu của địch, một mình đồng chí sử dụng 3 loại vũ khí (AK, đại liên, B40) để đánh địch, góp phần cùng đơn vị giành chiến thắng. Lập công trên quê hương mình28 và bên núi Ngũ Hành Sơn, nên sau trận đánh đồng chí lấy tên là Phan Hành Sơn, đồng chí được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (01.01.1969).

_________________

28. Đồng chí Phan Hiệp quê ở xã Hòa Quý (Khu III Hòa Vang cũ).
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #58 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2013, 03:04:27 pm »


   Diễn biến chiến dịch thu 1968 kéo dài đến cuối tháng 08 mới kết thúc, nhưng chiến sự vẫn diễn ra ác liệt trên vành đai Đà Nẵng đến giữa tháng 09.1968. Các đơn vị chủ lực rút về hậu cứ. Bộ đội địa phương và dân quân du kích vẫn trụ bám, quần lộn, chiến đấu giữ thế làm chủ chiến trường.

   Sau trận đánh, BTL Mặt trận điều động đồng chí Nguyễn Văn Trí về làm Trung đoàn phó – Trung đoàn 36 và bổ nhiệm đồng chí Dương Văn Chín làm Tiểu đoàn trưởng.

   Thắng lợi của quân và dân Mặt trận Quảng Đà trong chiến dịch tiến công và nổi dậy Thu 1968 có ý nghĩa to lớn: Mặc dù Mỹ - Ngụy tập trung nhiều lực lượng để phòng thủ, bảo vệ Đà Nẵng và các đô thị, chi khu quận lỵ, nhưng các lực lượng vũ trang của Mặt trận Quảng Đà vẫn thực hành tiến công và nổi dậy, trong đó có nhiều trận đánh xuất sắc của Tiểu đoàn đặc công 489, Tiểu đoàn bộ binh R20, 2 và Biệt động tự vệ, diễn ra ngay giữa trung tâm Đà Nẵng. Trong tiến công, các đơn vị kết hợp chặt chẽ hợp đồng tác chiến, hình thức chiến thuật, đánh địch cả bên trong và bên ngoài, cả ban đêm và ban ngày, kéo địch từ trong công sự ra để tiêu diệt, gây cho địch nhiều thiệt hại cả sinh lực và phương tiện chiến tranh. Các phương tiện thông tin đại chúng của phương Tây đều phản ánh thực tế đó. Ngày 24.08.1968, hãng tin UPI đưa tin: “Trận đánh vào các mục tiêu ở Đà Nẵng là trận đánh quyết liệt nhất trong 50 trận đánh mà cộng sản mở từ Sài Gòn đến phía Nam vĩ tuyến 17”.

   Thắng lợi trên đây góp phần cùng quân và dân miền Nam và cả nước đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh cục bộ, đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo điều kiện đưa cách mạng miền Nam chuyển tiếp sang giai đoạn mới.

   Trải qua gần 4 năm (19.05.1965 đến cuối năm 1968) xây dựng, chiến đấu dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy – BCH Tỉnh đội Quảng Đà (Đặc khu ủy – BTL Mặt trận Quảng Đà), Tiểu đoàn bộ binh R20 đã thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cấp trên giao phó. Là đơn vị chủ công, tiểu đoàn liên tục cơ động, thọc sâu, đánh nhanh, diệt gọn, lập được nhiều chiến công oanh liệt ở Văn Quật, Xuyên Thanh, Bồ Mưng, Gò Nổi, Trung Lương, Cồn Dầu, ngã tư Quân đoàn, Non Nước… Những chiến công đó tô thắm thêm truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của quân và dân đất Quảng “Trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Chiến thắng đó còn thể hiện sự trưởng thành vượt bậc về lập trường, ý chí, bản lĩnh chiến đấu, trình độ kỹ, chiến thuật, tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ , nhờ đó mà đơn vị đã đánh thắng các lực lượng sừng sỏ, thiện chiến của quân Mỹ - Ngụy, nêu lên nhiều kinh nghiệm để nghiên cứu, tiếp tục vận dụng vào quá trình xây dựng, chiến đấu của Tiểu đoàn.

*

*   *
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #59 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2013, 01:06:44 pm »

CHƯƠNG BA
QUYẾT TÂM KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN,
LIÊN TỤC CHIẾN ĐẤU LẬP CÔNG,
GÓP PHẦN GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG
(1969 – 1975)

   Đầu năm 1969, Nich – Xơn, đại diện choi các thế lực hiếu chiến của Mỹ lên làm Tổng thống, nhận thấy những thất bại nhục nhã trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, nên Nich – Xơn đề ra chiến lược toàn cầu mang tên “Học thuyết Nich – Xơn” và chiến lược quân sự “Răn đe thực tế” thay thế cho chiến lược “Phản ứng linh hoạt” trước đó.

   Vận dụng học thuyết chiến lược trên đây, Mỹ - Ngụy càng đẩy nhanh phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thực chất là dùng người Việt để đánh người Việt, “thay màu da trên xác chết”, với sự chỉ huy, tiền bạc và vũ khí của Mỹ.

   Dựa trên những chủ trương, biện pháp thực hiện của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ - Ngụy ra sức bắt lính, đôn quân, tăng cường lực lượng quân Ngụy. Đến tháng 06.1969, trên toàn chiến trường miền Nam có 1.138.000 quân, trong đó có 549.000 quân Mỹ, 68.000 quân chư hầu (biên chế thành 24 sư, 16 trung đoàn). Trong đó xây dựng lực lượng quân Ngụy, Mỹ - Ngụy rất chú trọng xây dựng các lực lượng địa phương (như Địa phương quân, nghĩa quân, bình định, cảnh sát, gián điệp, Thiên nga, chỉ điểm), mở các chiến dịch “Phượng hoàng” (29). Xây dựng thêm nhiều chốt điểm, cụm chốt điểm, tăng cường củng cố hệ thống phòng thủ vững chắc hơn trước, kết hợp với càn quét, đánh phá các vùng nông thôn bằng lực lượng và phương tiện chiến tranh, dùng B52 rải thảm vùng Gò Nổi và giáp ranh, máy bay Đơ – cô – ta, C130 rải chất độc hóa học khắp các địa bàn, sử dụng Trung đoàn 5 và Trung đoàn 7 (Sư đoàn 1 lính thủy đánh bộ Mỹ) thay nhau càn quét, bao vây căn cứ Hòn Tàu, Vùng B Đại Lộc, Gò Nổi, A, B Điện Bàn đồng thời sử dụng lực lượng liên tục mở các chiến dịch bình định (bình định trọng điểm, bình định cấp tốc, bình định nước rút), gây cho quân và dân ta nhiều khó khăn, tổn thất, nhà cửa, mồ mả, làng xóm bị cày lên, lấp xuống không biết bao nhiêu lần, nhiều nơi trở thành vùng trắng đất, trắng dân.

   Như vậy, đế quốc Mỹ đã chịu thất bại, xuống thang chiến tranh, nhưng đặc điểm, tính chất của cuộc chiến tranh ngày càng gay go, quyết liệt.

   Đối với quân và dân Quảng Đà, qua một năm dồn sức tiến công và nổi dậy, giành được nhiều thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, nhưng cũng chịu nhiều hy sinh, tổn thất, lực lượng, vũ khí, trang bị chưa bổ sung kịp, nông thôn, đồng bằng bị tàn phá nặng nề, tiềm lực hậu cần tại chỗ giảm sút, một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang mặt trận Quảng Đà phải giải thể hoặc rút gọn, Trung đoàn 38 của Mặt trận được giải thể, các Tiểu đoàn bộ binh 1 (R20), 2, 3 và đặc công 489 trở về vị trí tác chiến độc lập, phân tán, thay vào đó, BTL Quân khu 5 quyết định tăng cường cho Quảng Đà Trung đoàn bộ binh 38 của Bộ từ chiến trường Trị - Thiên mới vào.

______________________

29. Chiến dịch Phượng Hoàng: Một chiến dịch khét tiếng bởi sự tàn ác của nó mà C.I.A phát động sau tết Mậu Thân 1968 do William Colly – trùm tình báo C.I.A tại miền Nam trực tiếp chỉ hủy.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM