Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:57:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần II)  (Đọc 310357 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #590 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2014, 03:00:59 pm »

 Tôi trở lại tỉ lệ trong đánh giá kết quả. Nói chung, Không quân Mỹ vẫn luôn tự hào là Không quân hiện đại, được đào tạo bài bản, trong khi Không quân Việt Nam lại non trẻ, các phi công rất trẻ, giờ bay lại ít hơn nhiều so với phi công Mỹ, máy bay lại lạc hậu so với máy bay của Mỹ, số lượng phi công lại ít ỏi. Nếu như tỉ lệ trong chiến tranh Triều Tiên là 10/1 và trong chiến tranh ở Trung Đông là 50/1 mà ở chiến tranh Việt Nam là 1/1 thì họ đã không chấp nhận được rồi. Đằng này lại là 2/1 nghiêng về phía Không quân Việt Nam thì họ ấm ức lắm. Tôi nhớ, khi lứa "đoàn bay MiG khóa Ba" của tôi về nước, tôi và nhiều anh em khác mới ở độ tuổi 21 - 22, chưa hề biết thế nào là không chiến thực sự. Nói như ngôn từ của người lính là : chưa hề ngửi thấy mùi thuốc súng. Trong khi đó, các phi công Mỹ tuổi đã gần gấp đôi hoặc gấp đôi chúng tôi, đã từng tham gia nhiều phi vụ, có những phi công đã tham gia ở các cuộc chiến tranh khác, có nhiều giờ bay, nhiều kinh nghiệm bay ... Nói đến bay thì phải nói đến số giờ bay. Số giờ bay càng nhiều, đặc biệt là số giờ bay xuất kích, tham gia trong chiến đấu càng lớn thì càng được kính nể. Những phi công như thế là những phi công dày dặn kinh nghiệm trong trận mạc, những người phong trần, chúng tôi gọi là "những con sói già trên không", còn chúng tôi thì đúng là những "chú cừu non". Vậy mà kết cục thì thế đấy ! "Anh hùng đâu cứ phải mày râu !".
 Trong cuộc chiến tranh Mỹ dùng Không quân đánh phá ra miền Bắc Việt Nam thì có các bạn phi công Triều Tiên sang tham gia chiến đấu cùng với Không quân Việt Nam. Họ đưa các lực lượng từ phi công đến các cấp chỉ huy, các lực lượng đảm bảo hậu cần, kỹ thuật ... sang, đóng quân tại sân bay Kép, cùng xuất kích, cùng vào trận, sát cánh cùng chúng ta chiến đấu. Chúng tôi luôn trân trọng tình cảm của họ, quyết tâm chiến đấu và khí thế chiến đấu của họ. Họ cũng đã lập được những thành tích bắn rơi máy bay Mỹ và cũng đã có những tổn thất trong những cuộc không chiến. Các bạn Triều Tiên đã để lại những kỷ niệm thật đẹp, thật trong sáng trong ký ức của chúng tôi. Hồi đó, còn có cả những bài thơ, bài vè có liên quan đến các bạn ấy. Ví như khi các bạn ấy nhắc máy điện thoại lên thay bằng tiếng "A lô" thì các bạn ấy nói là "Zô ba zô" nên tôi nhớ có một đoạn thế này :

 "Zô ba zô" là anh bạn Zét ( Z )
 Hay tán phét là anh tiêu đồ
 Hay sửng cồ là anh tác chiến
 Hay nói chuyện là cô tổng đài
 Hay nói dài là ông chính trị...

 Các phi công Liên xô thì sang làm nhiệm vụ cố vấn : dạy bay hồi phục kỹ thuật, các bài bay với các động tác nhào lộn phức tạp ở độ cao thấp, độ cao trung, dạy bay đêm ... Vậy thôi. Họ không tham gia chiến đấu. Thực ra, ta không muốn họ tham gia chiến đấu vì ta phải giữ gìn cho họ. Trận không chiến duy nhất mà có liên quan đến phi công Liên xô là trận không chiến bất đắc dĩ. Tôi nói bất đắc dĩ bởi vì hôm đó chuyên gia Liên xô kèm anh Đinh Tôn trên máy bay UMiG-21 (loại 2 buồng lái : học viên ngồi trước, giáo viên ngồi sau), khi bay kết thúc bài bay từ không vực về đến đỉnh sân bay Đa Phúc, chuẩn bị làm hàng tuyến vào hạ cánh thì bất ngờ bọn F-4 xộc đến, lao vào tấn công. Máy bay UMiG-21 khi huấn luyện không đeo vũ khí. Đài chỉ huy ở sân bay hô cho anh Đinh Tôn cơ động tránh tên lửa. Anh kéo máy bay ngoặt gấp tránh các đợt công kích của bọn F-4 và đã có những lần anh bám được vào sau đuôi bọn F-4. Bọn này cũng hoảng sợ, phải kéo gấp máy bay để né tranh, sợ bị tên lửa không đối không của MiG bắn. Trận chiến kéo dài chừng 3 - 4 phút trên đỉnh sân bay bất phân thắng bại. Máy bay UMiG vừa bay ở không vực về, dầu liệu không còn nhiều, lại phải sử dụng tăng lực liên tục để chống trả các đợt công kích của F-4 nên đã hêt dầu. Anh Đinh Tôn đành phải xin phép Sở chỉ huy nhảy dù. Thày trò anh Tôn nhảy dù thành công, tiếp đất an toàn. Sau khi nhảy dù xong, chiếc máy bay không còn người điều khiển, bay thẳng một đoạn và trên đoạn bay ấy, bọn F-4 đã lao vào dùng tên lửa không đối không bắn rơi nó - chiếc máy bay không người lái ấy. Sau khi tiếp đất, được các lực lượng của ta đón thày trò anh Tôn về thì người chuyên gia Liên xô ấy phải thốt lên câu : "Đúng là cậu sinh ra để bay thật !". Đồng chí ấy rất quý anh Đinh Tôn . Sau này anh Đinh Tôn bắn rơi 4 máy bay Mỹ, được nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 Không có bất kỳ một phi công hoặc chuyên gia Trung quốc nào trong Không quân Việt Nam ở giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cả. Thông tin mà chienbinhjeep nhận được là không chính xác đâu !...
Logged
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #591 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2014, 03:35:31 pm »

Thật tuyệt. Nếu không có bác phi công tiêm kích viết bài trên thì duccuong và chắc nhiều cựu binh khác không biết có cả lính Triều tiên tham gia chiến tranh chống Mỹ.
Còn quần áo , gạo Triều tiên viện trợ thì thời bao cấp chống Mỹ ai cũng biết. Hạt gạo Triều tiên to hạt , cơm thơm và dẻo như nếp của ta.
 Thời chính phủ Triều tiên do chủ tịch kim nhật Thành đứng đầu thật gần gũi với nhân dân Việt nam.
Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #592 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2014, 04:22:32 pm »

Trên VMH đã có topic về phi công Triều Tiên trong chiến tranh Việt Nam rồi. Họ có hơn chục người (lâu rồi không nhớ chính xác nữa) và hình như có ít nhất 2 người hy sinh.

Riêng phi công và chuyên gia không quân Trung Quốc thì bây giờ bác phicongtiemkich mới cho biết là không có họ trong chiến tranh VN.

Về phi công và chuyên gia Liên Xô thì hiện đang có cái này http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,23381.0.html
Logged

lamcclpy
Thành viên
*
Bài viết: 29


« Trả lời #593 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2014, 04:33:58 pm »

Phi công Triều Tiên hy sinh 14 người
Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #594 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2014, 06:07:06 pm »

...
 Thời chính phủ Triều tiên do chủ tịch kim nhật Thành đứng đầu thật gần gũi với nhân dân Việt nam.

Thật tiếc, không hẳn là vậy bác Đức Cường ạ!

Những năm 196x, nước bạn Triều Tiên giúp đỡ ta. Điều ấy thật đáng quý, bởi họ cũng chưa khá giả gì. Sau, họ la ta dữ lắm về vụ ta đánh K. Angry

Bác Phicongtiêmkích cho em hỏi...ngu ngơ chút. Đó là khi Mig-21 hạ cánh thì phải triển khai dù hãm. Vậy trường hợp dù hãm không bung ra được thì phải xử lý ra sao? Không quân ta đã gặp trường hợp này chưa ạ?

Những ưu điểm của loại máy bay này các bác phân tích rồi, nhưng em nghe nói nó cũng hay bị sự cố kỹ thuật lắm. Ấn Độ họ sử dụng Mig-21 khá nhiều (bây giờ vẫn đang dùng) và cũng gặp nhiều tai nạn về loại máy bay này.
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #595 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2014, 12:10:44 am »

Vì quân nhân Liên Xô thuộc binh chủng tên lửa phòng không có sang Việt Nam khá nhiều để huấn luyện, chiến đấu trực tiếp trong thời gian đầu chiến tranh phá hoại sau đó chuyển giao lại khí tài cho người Việt Nam tự mình chiến đấu, nên có lẽ người ta hay nhầm thành chuyện phi công. Phi công Liên Xô trực tiếp tham gia không chiến trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 thì có.

Trận không chiến bất đắc dĩ của AH Đinh Tôn cùng phi công-huấn luyện viên Vladimir Kaptsiev với F-4 Mỹ vào khoảng cuối 1972 có được đề cập trong hồi ức của một phi công huấn luyện viên LX là thiếu tá A.B.Vasilev cùng đoàn chuyên gia, lúc ấy đang ở dưới mặt đất và được chứng kiến một phần đầu trận không chiến, phần sau do V.Kaptsiev kể lại.
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,23381.10.html

Trong bảng thành tích của AH Đinh Tôn có một trận thắng ở vùng cán xoong khu 4, được các chuyên gia TLPK LX tận mắt chứng kiến và thuật lại trong hồi ký của mình. Đó là trận ngày 16/6/1968. Các chuyên gia tên lửa PK LX tại trung đoàn TLPK 278 đã chứng kiến từ đầu đến cuối trận đánh này. Trưởng đoàn chuyên gia trung đoàn TLPK 278 là đại tá A.M.Belov đã thuật lại hồi ức của ông về trận không chiến trên trong "Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965-1973". Dĩ nhiên ông A.M.Belov không biết người lái chiếc Mìg-21 bắn rơi chiếc F-4 hôm ấy bằng 1 quả tên lửa không đối không tên là gì, chỉ biết đó là phi công Việt Nam.
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,5571.170.html
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #596 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2014, 03:17:35 pm »

 Về loại máy bay MiG-21 trong giai đoạn chúng tôi bay thì hầu như không có sự cố nào đáng tiếc do chính máy bay gây ra cả. Thường thì các vụ tai nạn, có thể ban đầu là do nguyên nhân trục trặc về máy móc, nhưng nếu phi công phát hiện kịp thời và khắc phục kịp thời thì hậu quả không có gì ghê gớm. Nếu phi công phát hiện muộn hoặc không phát hiện hay lúng túng trong việc xử lí bất trắc thì từ lỗi nhỏ, từ hỏng hóc nhỏ có thể thành lớn. Cái chính vẫn là trình độ của người điều khiển máy bay chứ không đổ tại hoàn toàn ở máy bay. Ngay việc dù giảm tốc mà tuanb5 hỏi cũng vậy. Với MiG-21 ( sau này trong chiến tranh, ta có cải tiến lắp cho cả MiG-17 ) ở phần trên của vành chịu nhiệt của miệng phun, sát dưới đuôi đứng có lắp một "bắp chuối" ( bi chuối ) vì nó trông giống như chiếc hoa chuổi. Đấy chính là bộ phận chứa dù giảm tốc. Khi hạ cánh, tốc độ xả đà dnhor hơn 320 km/h thì phi công ấn nút thả dù giảm tốc. Dù giảm tốc bung ra và máy bay gần như đứng khựng lại, việc sử dụng phanh trong trường hợp này rất ít. Trước khi lăn vào đường lăn phải ấn nút vưt dù giảm tốc thì mới lăn về sân đỗ. Trong những trường hợp ( cái này cũng có xảy ra ) dù giảm tốc bị đứt hoặc bị tuột, nguyên nhân bị đứt là do thả dù ở tốc độ lớn hơn 320 km/h và dù bị tuột là do khi lắp dù, thợ máy khóa chốt không chặt. Trong trường hợp ấy, phi công phải tăng thêm lực bóp phanh, nếu thấy máy bay sắp xông ra đường băng thì tắt ngay công tắc phanh tự động mà bóp phanh bằng tay, nếu cần thì bóp giật cục thật mạnh để làm nổ luôn mấy lốp và máy bay sẽ nhanh chóng dừng chứ không xông ào ào nữa. Nếu không biết cách xử lí thì máy bay xông hết đường bảo hiểm, có khi còn "nhân đà" lao luôn cả xuống ruộng nữa cơ.
 Về chiếc dù giảm tốc này, tôi có một kỷ niệm chẳng biết là vui hay buồn nữa. Hồi đó, tôi ở Sư đoàn, phụ trách công tác huấn luyện của Sư đoàn. Trong một ngày bay huấn luyện ở sân bay Đa Phúc, một phi công khi cất cánh, dù giảm tốc tự bung ra và dưới sức nóng của luồng lửa tăng lực, chiếc dù bốc cháy như ta châm tờ giấy. Chỉ huy bay nhanh chóng ra khẩu lệnh cho phi công ấn nút vứt dù giảm tốc, bay theo hàng tuyến sau đó về hạ cánh bình thường. Tôi chạy ra đầu đường băng, nhặt được chiếc dù giảm tốc cháy quăn queo, chỉ còn to bằng cổ tay, mà hình thù thì không giống bất kể con vật gì trên trái đất này, có lẽ nó thuộc loại ở ngoài hành tinh. Màu sắc thì kỳ dị, hình thù thì quái gở. Tôi cứ cầm ngắm đi ngắm lại rồi bất chợt nảy ra ý nghĩ : ta đem về ngâm rượu gọi là rượu "con giảm tốc" !. Tôi mang về cho vào bình, đổ rượu vào ngâm thật. Rất nhiều anh tò mò hỏi tôi ngâm con gì. Tôi cười : "Ngâm con giảm tốc !". Nói vui vậy mà khối anh đòi uống, nghĩ rằng chắc hay lắm. Chúng tôi vẫn uống, vẫn nhâm nhi... Sau rồi tôi sực nhớ đến việc độc hại, bèn lẳng lặng phi tang. Tôi ngầm theo dõi tất cả những người cùng uống với tôi từ hồi ấy cho tới giờ chưa thấy ai bị ung thư cả. Vậy là tôi cũng yên tâm về cái loại rượu ngâm "con giảm tốc" năm nào !...
Logged
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #597 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2014, 05:07:02 pm »

Trên VMH đã có topic về phi công Triều Tiên trong chiến tranh Việt Nam rồi. Họ có hơn chục người (lâu rồi không nhớ chính xác nữa) và hình như có ít nhất 2 người hy sinh.

Riêng phi công và chuyên gia không quân Trung Quốc thì bây giờ bác phicongtiemkich mới cho biết là không có họ trong chiến tranh VN.

Về phi công và chuyên gia Liên Xô thì hiện đang có cái này http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,23381.0.html
Cảm ơn giangtvx.
duccuong mới tham gia VMH được một năm , một tháng nên chưa thể đọc hết được để hiểu biết đầy đủ các cuộc chiến tranh. Nhưng vấn đề không thể bàn cãi đó là vũ khí trang bị  của Liên Xô ( CCCP ) phục vụ cho công cuộc chống Mỹ gần như tuyệt đối.
trong các trường sỹ quan chỉ học tiếng Nga ( khoảng 300 tiết ) . Chủ yếu từ kỹ thuật để sử dụng trang thiết bị quân sự do Nga viện trợ.
Ngoài ra các nước đồng minh CNXH như đông Đức, Tiệp khắc , Trung quốc vv... cũng giúp đỡ ta rất nhiều .
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2014, 05:30:20 pm gửi bởi Đức Cường » Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #598 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2014, 09:04:36 pm »

 Về anh Đinh Tôn. Anh từng là lính trinh sát thuộc Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 308, Liên khu 5 rồi sang sư đoàn 305. Anh được đi học lái máy bay thể thao bên Tiệp Khắc vào năm 1957. Năm 1961, anh là lái chính máy bay vận tải Li-2. Một chi tiết thú vị mà tôi được biết là vào năm 1962, trong những chuyến bay vận tải chở hàng giúp đỡ các bạn Pa thet Lào, máy bay của anh từng bị bọn B-26 tấn công. Anh đã cơ động, đưa máy bay bay vào mây thoát khỏi các cuộc công kích của bọn B-26. Anh đề nghị trang bị súng máy trên máy bay Li-2 để phòng thủ. Hồi đó, anh Liêm - thợ máy trên không ( mà vẫn gọi là cơ giới trên không ) đã là người đầu tiên dùng súng máy chĩa ra ngoài cửa sổ của máy bay Li-2 để bắn lại bọn B-26. Có lẽ, đấy là người đầu tiên dùng súng bắn máy bay địch ở trên trời. Anh bạn tôi có tư liệu này, khoái trá lắm. Anh ấy định gửi cho chương trình "Ai là triệu phú" hoặc "Đấu trường 100" để làm câu hỏi cho những người tham dự chương trình đấy.
 Năm 1965 thì anh Đinh Tôn là đoàn trưởng đoàn học viên bay của bọn tôi - đoàn bay MiG-21 khóa Ba ấy. Ngay từ năm bay đầu tiên, anh đã tỏ rõ khả năng bay tuyệt vời của mình. Từ máy bay vận tải cánh quạt Li-2, sau khi học lí thuyết bay xong, chỉ cần chuyến đầu tiên bay trên loại máy bay phản lực cấp thấp (dưới tiếng động) được thày dạy bay hướng dẫn bay qua các không vực bay là sau đó anh bay đơn luôn. Sau khi về nước, lúc thành lập Đại đội bay đêm thì anh là Đại đội trưởng và cũng là người lặn lội trong chiến trường khu Bốn để săn lùng B-52 từ những giai đoạn đầu, khi mà B-52 chưa ra hoạt động ngoài khu vực Hà Nội cơ. Anh còn hoạt động cả chiến trường bên Lào. Giai đoạn ấy, trong Đại đội bay đêm của tôi đã có câu : "Biểu Xê-pôn, Tôi đường 9" - nghĩa là anh Hoàng Biểu thì đêm đêm cất cánh vào khu vực Xê-pôn, còn anh Đinh Tôn thì vào khu vực đường 9 Nam Lào. Anh không chỉ đánh đêm mà còn tham gia đánh ngày. Anh đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ và được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 12 năm 1973.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM