Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:50:57 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần II)  (Đọc 310775 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thongtin86
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #370 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2013, 09:54:12 am »


Hỏi thăm bạn thongtin86, bạn có biết ông Nguyễn Xuân Số, nhà ở xã Khải Xuân, Thanh Ba không?. Ông Số nguyên là chiến sĩ văn nghệ trung đoàn 134. Con gái ông Số tên là Phương hiện đang làm ở nhà máy M1 An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.

Đọc lại các bài viết của bạn, được biết bạn là học viên Trường trung cấp kỹ thuật thông tin Sơn tây (nguyên nó là đất của Lữ đoàn 614). Lúc đó thì anh Hoàng Văn Dân, nguyên phó chính trị Lữ đoàn 134 đã về làm chính ủy chưa? Sau bạn lại về Lữ 205 thì anh Trần Đăng Tân, phó chính trị có còn ở đấy không. Tôi cùng nhập ngũ với anh Tân năm 1968. tôi ở E134 cho đến năm 1976 thì ra.


Vâng cám ơn Bác và Bác gọi là em thôi vì kém Bác nhiều tuối lắm đấy.
Chú Số nhà ở Xóm rùm-Xã Khải xuân, khi ở M1 công tác ở PCT, cùng với Ông cụ nhà em. 1/9 vừa rồi em có gặp Chú tại buổi họp mặt các thế hệ văn nghệ BCTT, vẫn vui và nhiệt tình như ngày xưa. Anh Tân thì một thời là chỉ huy trực tiếp của Em, Anh Dân công tác trên Cục chính trị BC. Anh Tân đã nghỉ hưu, hiện ở tại Cầu diễn. Hai Anh chị có năm "máy khâu con bướm" chắc Bác biết rồi. Còn Anh Dân khi từ 134 thì về Trường KT thông tin làm chính ủy (vì thời điểm này trường KT đã chuyển lại về ST). Bây giờ thì em cũng không biết Anh chuyển về đâu công tác.
 Em ra trường từ năm 86, khi đó trường KT còn ở ST, sau thì trường chuyển vào Nam, bây giờ lại chuyển về lại chỗ cũ đúng vị trí tiểu đoàn em trú quân ngày xưa. Sau khi ra trường em nhận công tác tại đây và ở đó 4 năm rồi chuyển về HN, bàn giao lại cho đơn vị khác và đến nay Trường KT tiếp quản. Em cũng chuyển ngành năm 98 nhưng cũng hay gặp lại các chỉ huy và đồng đội cũ thường xuyên Bác ạ.
 Nếu có dịp nào Bác gặp lại các Bác Dân & Tân thì Bác chỉ nói biệt danh "Phong guitar 205" là các Bác ấy biết ngay đấy ạ.
 Chúc Bác Mạnh khỏe, may mắn và luôn có nhiều niềm vui trong cuộc sống!!
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #371 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2013, 09:23:58 pm »

 Phaphai ơi ! Cho tôi gửi lời chia buồn tới gia đình anh Nguyễn Văn Hồng và Phaphai ! Trong năm nay, tôi đã phải đi viếng mấy người rồi !. Có lẽ số phận từng người một đã được "lập trình" sẵn từ khi sinh ra rồi thì phải !. Tôi nhớ, bắt đầu bước vào đời bay của tôi, ai cũng có "số" cả. Tức là, sau một thời gian học lí thuyết rồi qua các môn thi ấy, đạt yêu cầu thì bắt đầu "chuyển giai đoạn" là tập mặt đất. Kết thúc giai đoạn tập mặt đất là đến giai đoạn thực hành bay. Ngày phân chia tổ bay là ngày rất hồi hộp. Ai sũng có tâm trạng như khi bắt đầu bước vào một cấp học mới của thời phổ thông và ngóng chờ xem mình được ngồi với ai vậy. Tổ bay của tôi có 4 anh em : anh Nguyễn Văn Khánh là tổ trưởng vì trước khi vào Không quân, anh đã nhập ngũ, đã là sĩ quan rồi, còn lại 3 người - tôi, anh Nguyễn Văn Giá và Hoàng Thế Thắng thì đều mới rời khỏi cảnh "mài đũng quần trên ghế nhà trường" cả. Rồi chúng tôi được thày dạy bay đọc cho nhận số hiệu bay - tức là số gọi thay cho tên mình khi bay. Anh Nguyễn Văn Khánh số 12, tôi số 13, Hoàng Thế Thắng số 14, Nguyễn Văn Giá số 15.
 Hôm sau, thày đến nói với tôi :
   - Số 13 là số không may mắn ! Tôi sẽ đề nghị đổi số cho cậu !
   - Vậy các số 12, 14, 15 thì sao ạ ? - tôi hỏi.
   - Số 12, 14 thực ra cũng chỉ xoàng xoàng thôi !
 Sau khi báo cáo Phi đội, tôi được đổi "số" . Thày dạy bay nói :
   - Các số khác thì hết rồi. Cậu phải mang số to đấy ! Số 50 ! Cậu đọc số 50 xem nào ?
   - "Pi-át Dzê-xiat!" - tôi đọc ngay
   - Nghe chưa ổn ! Dài và khó phát âm !. Thôi, thế này, cậu cứ thay số 50 bằng "nửa trăm"  ( pôl xốt-nhi ) cho dễ đọc. Tôi sẽ báo cáo lại với Phi đội !.
 Vậy là suốt giai đoạn bay trên loại máy bay phản lực sơ cấp - loại L-29, "số" hiệu đầu đời bay của tôi để rồi sau này trở thành phi công tiêm kích là "nửa trăm" ( pôl xốt-nhi ).
 Những báo cáo, những khẩu lệnh và nhận lệnh với từ "nửa trăm" ( pôl xốt-nhi )vang lên không chỉ một lần trong không gian.
   - "Pôl xốt-nhi" xin mở máy !
   - "Pôl xốt-nhi" chuẩn bị tốt, xin cất cánh ! v.v. và v. v.
 Cuối cùng, khi tốt nghiệp khóa bay trên L-29, anh Khánh và tôi được "tuyển" thẳng lên bay MiG-21, các anh Giá và Thắng chuyển qua bay MiG-17. Rồi về nước thì tôi và anh Khánh ở cùng một Trung đoàn, anh Giá và Thắng ở Trung đoàn khác.
 Giai đoạn gần kết thúc chiến tranh trong cuộc chiến Mỹ dùng Không quân đánh phá ra miền Bắc Việt Nam thì hai anh Khánh và Thắng hy sinh. Anh Khánh hy sinh ngày 18 tháng 12 năm 1971, anh Thắng hy sinh ngày 11 tháng 7 năm 1972. Còn lại bây giờ là tôi và anh Giá - những người trong tổ bay của đời bay đầu tiên của tôi.
 Cứ bảo con người không có số ! Có số đấy chứ !. "Số" đầu tiên trong đời bay của tôi là "nửa trăm" - Pôl xốt-nhi !. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về cái số "nửa trăm" ấy. Tức là chỉ "nửa" thôi ! Được cái, nó là một trong hai phần bằng nhau của một cái gì đó. Mà có biết bao nhiêu câu nói liên quan đến cái từ "nửa" : Nào là nửa nọ nửa kia, nửa nạc nửa mỡ, nửa dơi nửa chuột, nửa úp nửa mở, nửa đùa nửa thật, nửa đời nửa đoạn, nửa đường đứt gánh ... Chẳng biết là cái nào nó vận vào mình ? Tôi đang bay ngày thì chuyển sang bay đêm rồi lại quay về bay ngày ... Cứ chao qua chao lại như thế liệu có liên quan gì đến cái "pôl xốt-nhi" không. Mà như thế thật thì "công cũng chẳng thành, danh cũng chẳng toại" mất. Càng nghĩ thì càng thấy rối tinh rối mù lên. Thôi, ta đã từng sống được "nửa trăm" - "một năm mươi" rồi, qua đủ mọi cửa ải, nếm đủ nỗi gian truân rồi, chắc đến "hai năm mươi" thì sẽ nhàn hạ, ngồi ung dung trên nóc tủ "chén chuối cả nải", luận bàn mà làm chi !
 Vài dòng vui vậy, các đồng đội thông cảm nhé !
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #372 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2013, 09:08:21 pm »

 Vừa rồi, tôi có cơ hội tham gia vào trong nhóm tác giả để tổng hợp lại các trận không chiến từ năm 1965 đến 1975 trong cuộc chiến tranh Việt Nam khi Mỹ sử dụng lực lượng Không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Qua các cuộc không chiến, mới biết rằng ngày 10 tháng 5 năm 1972 là một ngày không chiến khốc liệt nhất. Ngày ấy là ngày có nhiều trận không chiến nhất và kéo dài nhất. Ngày ấy là ngày cả hai phía tổ chức nhiều lần xuất kích nhất, sử dụng nhiều máy bay nhất. Số lượng máy bay bị rơi của cả hai bên cũng nhiều nhất. Nhiều mục tiêu mặt đất bị đánh phá nhất và các lực lượng không quân tiêm kích của Không quân ta cũng tham gia nhiều nhất. Tác giả người Mỹ - Jeffey Ethell và Alfred Price đã gọi ngày 10 tháng 5 năm 1972 là "Một ngày trong cuộc chiến dài lâu".
 Ngày ấy, Hải quân Mỹ đã sử dụng 4 tàu sân bay trên biển Đông để tham dự chiến dịch Linebacker - 1. Đấy là các tàu Constelations, tàu Kitty Hawk, tàu Okinawa và cả chiếc tàu sân bay đã cũ và nhỏ hơn các tàu sân bay kia là chiếc Coral Sea. Đây là trận đầu tiên của chiến dịch nên các biên đội của Hải quân và Không quân Mỹ được tung vào nhiều nhất. Các phi công của Hải quân Mỹ sau một thời gian được huấn luyện nâng cao kỹ chiến thuật để chống lại Không quân miền Bắc Việt Nam theo một chương trình với tên gọi "chương trình Top Gun" cũng muốn được thể hiện, kiểm nghiệm qua thực tiễn, muốn đánh giá kết quả của cuộc huấn luyện theo chương trình Top Gun xem tác dụng và hiệu quả của nó đến đâu. Qua "chương trình Top Gun", các phi công của Hải quân Mỹ có vẻ tự tin hơn, thấy bay chắc tay hơn và tâm trạng cũng có sẻ háo hức hơn.
 Những chiếc máy bay F-4 "Fantom" cũng đã được cải tiến về mặt khí động học cho có tính năng ưu việt hơn. Đó là việc lắp đặt các "cánh tà trước" - Leading Edge ò wings để tăng thêm lực nâng khi lượn vòng trong lúc không chiến. Có những bộ "cánh tà trước", trong không chiến, các máy bay F-4 không bị mất tốc độ một cách đột ngột, lượn vòng ổn định hơn, bán kính lượn vòng sẽ nhỏ hơn, vì vậy sẽ dễ lượn vào phía trong, cắt bán kính để tiếp cận vào các máy bay MiG.
 Vũ khí cũng được cải tiến. Các máy bay đã được trang bị, lắp những quả tên lửa không đối không loại mới với tính năng ưu việt hơn, hiệu quả sát thương tốt hơn và trên một số chiếc F-4 được lắp thêm cả súng Cannon 20 li để giúp cho những trận không chiến gần với lực lượng MiG được tốt hơn, hiệu quả hơn. Những máy bay F-4 làm nhiệm vụ "tìm diệt MIG" ( MIG CAP ) còn được trang bị thêm thiết bị điện tử thuộc hệ thống AXP-90 Combat Tree. Nó có khả năng chen được vào hệ thống đối không - liên lạc trên không và hệ thống "phân biệt địch ta" trên các máy bay MiG. Đồng thời, hệ thống gây nhiễu của F-4 cũng rải ra với cường độ mạnh hơn, gây khó khăn đáng kể cho hệ thống ra-đa phát hiện và thiết bị vô tuyến điện chỉ huy của Không quân Việt Nam.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #373 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2013, 09:08:47 pm »

 Ý định của phía Mỹ là với lực lượng lớn các máy bay của Hải quân và Không quân từ các tàu sân bay ngoài biển Đông và từ các căn cứ Không quân của Thái Lan sẽ tập trung đồng loạt đánh phá vào các mục tiêu ở khu vực Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam như các nhà ga, các sân bay, các cây cầu nằm trên tuyến đường huyết mạch giao thông, đặc biệt là cây cầu Long Biên.
 Tổng cộng, Mỹ đã huy động 22 loại máy bay tham chiến với 414 lần/chiếc xuất kích, trong đó oanh kích miền Bắc Việt Nam là 338 lần.
 Không quân Việt Nam có 64 lần/chiếc gồm 3 loại máy bay tiêm kích của 4 Trung đoàn, trong đó có 46 lần/chiếc trực tiếp tham chiến.
 Đây cũng là ngày có nhiều phi công tham chiến sau này trở thành phi công Ace nhất ( 2 phi công Việt Nam, 2 phi công Mỹ ).
 Chính vì vậy mà ngày 10 tháng 5 năm 1972 được gọi là "Ngày không chiến khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh".
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #374 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2013, 04:45:15 pm »

 Trận ngày mồng 10 tháng 5 hôm đó, anh Cao Sơn Khảo bay số 2 cho tôi đã hy sinh sau khi bắn hạ 1 thằng F-4. Những năm gần đây, năm nào nhân ngày giỗ anh là mấy chúng tôi đều kéo về nhà anh, cùng ra nghĩa trang ở quê anh, thắp nén nhang lên mộ anh và lặng lẽ khóc. Ở cái tuổi đầu đã "trắng nhiều hơn đen" này, không thể khóc thành tiếng được, mà cái sự khóc âm thầm nó mới sâu lắng làm sao.
 Cứ mỗi lần mất đi một người thân quen là lại thấy người mình tái tê, ngây dại mặc dù biết rằng quy luật của cuộc đời là "sống gửi, thác quy". Càng nhiều kỷ niệm với nhau bao nhiêu thì càng sâu nặng bấy nhiêu.
 Những năm 80 thì tôi biết anh Lôi Đình Tiến suốt cả giai đoạn đi học với nhau, sau rồi về Trung đoàn thế nào mà anh lại ở gần. Tôi ở Trung đoàn, còn anh ở Tiểu đoàn căn cứ. Anh phải cái tật là cứ có tí "tửu" là hay bị ngã xe. Thoạt đầu thì tôi chẳng để ý đến chuyện ấy đâu. Một lần, khi gặp nhau, anh giơ tay trái ra bắt tay tôi còn tay phải thì buông thõng xuống. Tôi "cà khịa" :
   - Anh em với nhau mà sao lại bắt tay nhau bằng tay trái thế ? Có gì "giữ miếng" à ?
   - Không phải đâu ! "Miếng" miếc gì đâu mà giữ ! Tớ vừa bị ngã xe đấy - câu sau thì anh ghé tai tôi, nói nhỏ.
 Một thời gian ngắn sau, lúc gặp anh, khi bắt tay lại thấy tay trái của anh buông thõng xuống. Tôi chỉ vào tay trái của anh, hỏi nhỏ :
   - Sao thế ?
   - Đổ xe !
   - Trời đất ơi ! Lần thì ngã xe, lần thì đổ xe. Rồi còn trò gì nữa, hả ông Lôi ?
 Đã có lần, anh lai một anh bạn bằng xe máy đến một nhà quen uống rượu, tới khi về chẳng hiểu anh tránh xe ô-tô thế nào mà cả hai anh "phi" thẳng xuống ao. "Tiếp nước" xong là hai anh thi nhau bơi lấy bơi để. Tìm cách thoát hiểm mà ! Đám trẻ con chăn bò đứng trên bờ thấy vậy thì hét to :
   -  Các chú ơi ! Không cần bơi đâu vì nước nông lắm !
 Hai chú nghe thấy vậy thì đứng lên. Đúng là nước chỉ ngập quá thắt lưng. Lội lên bờ xong thì hai chú mới nhớ đến chiếc bình bịch. Nhìn xuống ao thì ôi thôi ... chiếc xe chỉ còn nhô lên mỗi cái ghi-đông. Thế là hai chú mượn dây thừng, buộc thòng lọng rồi giống hệt như mấy tay chăn bò - cao-bồi ở miền Tây nước Mỹ, tung thòng lọng quàng vào ghi-đông xe hò hét nhau kéo xe lên. Lôi được xe lên bờ là thi nhau đạp nổ nhưng chiếc xe cứ trơ ra. Bấy giờ mới lại chợt nhớ ra rằng nước đã vào chế hòa khí. Vậy là vứt xe lại, tìm cách xin cứu hộ cứu viện.
 Một chiếc Minxk và một chiếc MZ lao đến nơi lâm nạn "tải" cả người và xe về.
 Vài tuần sau khi cái sự cố ấy xảy ra, tôi gặp anh và trêu anh về chuyện ấy, hỏi tay chân anh bây giờ thế nào. Anh tìm cách lảng chuyện :
   - Này, trưa nay có rỗi không, ra nhà tớ uống rượu nhé ! Tớ có cái ao thả đến một nghìn con cá mè, khi kéo vó không cẩn thận, chúng nhảy là có khi bị đâm mù mắt đấy !
   - Nghe ấn tượng quá ! Vậy trưa nay tôi đến !
 Nhà anh ở không xa khu vực đóng quân nên buổi trưa tôi phóng xe máy đến. Anh đón tôi hào hứng lắm. Uống được vài tuần nước thì anh gọi thằng con anh :
   - Dương đâu ?
   - Dạ !
   - Lên bố bảo !
   - Bố bảo gì ạ ? - thằng bé xuất hiện rất nhanh ngoài cửa.
   - Thực hiện nghị quyết sáu lăm !
 Tôi còn đang ngơ ngác chưa biết cái "Nghị quyết sáu lăm" của bố con anh là cái gì thì đã thấy thằng bé cắp chiếc vỏ chai 65 vào nách và hỏi :
   - Vẫn chỗ cũ hả bố ?
   - Vẫn !
 Các câu hỏi và câu trả lời đúng là khẩu khí con nhà lính, ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #375 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2013, 08:10:35 pm »

 Tầm 8 giờ tối qua, tôi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã "mất". Suốt đêm qua, tôi hồi tưởng lại tất cả những lần gặp Đại tướng - từ ngày còn chiến tranh, khi chúng tôi ở trong núi, Đại tướng đến thăm, ngồi làm việc bên chiếc bàn mà chúng tôi lấy từ lỡi cuộn cáp đặt nằm bệt trước hiên nhà. Rồi đến lần kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cùng một nhóm lên sân bay Điện Biên chuẩn bị đảm bảo mọi mặt để đón Đại tướng tại sân bay. Đón Đại tướng xuống sân bay xong là tôi và mấy anh em khác hối hả quay ngay về sân bay Nội Bài để lại đón Đại tướng khi Đại tướng về. Lần gần đây nhất, cách đây dăm năm, tôi đi cùng đoàn các Anh hùng phi công đến thăm, chúc Tết Đại tướng tại nhà ở Hoàng Diệu. Ngày ấy, các bác sĩ chỉ cho phép mỗi đoàn được gặp Đại tướng trong vòng 2 phút thôi, nhưng riêng đoàn các phi công thì Đại tướng ngồi nói chuyện đến 5 phút rồi mới chia tay. Đấy là lần cuối cùng tôi được gặp, được nghe Đại tướng nói chuyện, hỏi han ... Tình cảm của Đại tướng san sẻ cho chúng tôi đúng như người anh cả quan tâm đến các đứa em của mình. Tôi không tìm được đủ ngôn từ để ca ngợi, để nói về Đại tướng, chỉ biết rằng, với tôi, Đại tướng không hề "đi xa" bởi đấy là một con người vĩ đại, một nhân cách lớn, một tấm gương sáng ngời và tôi thấy tôi thật may mắn, thật hạnh phúc khi được làm lính trong đội quân dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng. Bất kể lúc nào, khi nhắm mắt lại là tôi lại thấy được hình bóng của Đại tướng - người được ví là "người anh Cả của quân đội", người được toàn thế giới ngưỡng mộ, kính phục, tin yêu và công nhận là danh tướng của thời đại !.
Logged
Ho MiGia
Thành viên
*
Bài viết: 75


« Trả lời #376 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2013, 08:42:36 pm »

    Đến đây không hỏi, thì chào
   Chủ không bắt buộc, nhưng là cựu binh

   Em kính chào bác Phi công tiêm kích cùng toàn thể các bác

  Thường xuyên đọc các bài viết của các bác trên diễn đàn nhưng chỉ biết cảm nhận, cảm phục chứ còn viết lách thì em chẳng hiểu mô tê gì về mích về su mà tham gia. Chẳng nhẽ các bác đang lơ lửng trên chín tầng mây lại kéo các bác về mặt đất , về với chiến trường K phiền chết Grin. Bác Phi công tiêm kích ơi , bác oách thật đấy, cỡi mây, cỡi gió ngắm trời của ta, đất của ta, còn gì vui hơn phải không bác?

   Hồi nhỏ em cũng rất thích làm phi công, ngày học cấp III các bác sỹ cũng về trường khám sức khỏe, tuyển chọn nhưng em bị loại ngay từ vòng gửi xe nên đành theo nghiệp bộ binh vậy.
  
   Đọc bài viết của bác mới thấy trận đánh ngày 10/5/1972 mới là ngày " Đỉnh" nhất giữa không quân hai bên ta và địch. Trước đây em cứ nghĩ các trận trong mười hai ngày đêm hồi tháng mười hai năm 1972 là khốc liệt nhất, gay go nhất... cám ơn bác đã cho em thông tin bổ ích và lý thú.
    Mong được đọc nhiều bài viết của bác để hiểu thêm về truyền thống anh hùng của quân chủng ta bác nhé.

    Mấy bữa trước vào em thành phố Hồ Chí Minh chơi, em có thăm thằng cháu nó cũng là "Lính nhà trời" thật ra nó cũng chẳng to con lắm, nó bảo chú vô đây chơi có lâu không? có thích ngắm Sài Thành từ trên cao không? hôm nào cháu bố trí cho chú lên máy bay của chúng cháu lượn vài vòng ngắm thành phố. Chẳng biết nó có làm được điều đó không? mặc dù nó cũng là cán bộ "có khơ khớ" nhưng em cười và nói: thôi cứ cho chú no say thế này là OK rồi, chứ máy bay của các cháu bay huấn luyện là những máy bay từ thời thế giới đại chiến lần thứ nhất, ngồi lên sợ vãi linh hồn, lại như cái anh trong nhà máy A43 ở Biên Hòa bay ra đến Nghệ An rơi bịch một phát xuống đất thì tội nghiệp làm mấy chú cháu cùng cười .
  
   Nói đùa vậy thôi chứ không quân Việt Nam ngày nay cũng có mích 29MK2 và su 25 GÌ ĐÓ RẤT HIỆN ĐẠI nhưng chủ yếu là để "làm cảnh" và " Quảng cáo " phải không bác?

  Lần đầu đến thăm nhà bác mà luyên thuyên quá mong bác thông cảm nhé , có gì sai sót bỏ qua cho em nghe.

  Kính chúc bác mạnh khỏe, viết đều tay, em chờ đón bài viết mới của bác, Chào các bác

« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười, 2013, 06:01:29 pm gửi bởi Ho MiGia » Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #377 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2013, 09:05:51 pm »

Xin hỏi bác Phi công tiêm kích là kết quả các trận không chiến ngày 10/5/1972 là thế nào hả bác? Ta có cản được nhiều đợt đánh phá của địch không? Tổn thất của 2 bên là như thế nào?
Logged

xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #378 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2013, 08:43:19 am »

 xuanv338 chào bác phicongtiemkich. chào tất cả các bác đang tham gia toips phicongtiemkich.

   xuanv338 là phụ nữ nhưng cũng hơi nam tính. Ngay từ lúc còn trẻ đôi lúc cảm như có chút hiếu kỳ. Ngày đóng quân gần núi Ngàn Nưa bọn em rất ngưỡng mộ những anh phi công khi mỗi lần ngước lên bầu trời thấy những chiếc máy bay của không quân VN bay lên từ sân bay Sao Vàng. Bọn con gái chúng em chỉ là ngưỡng mộ thôi chứ cả đời làm lính cho mãi về sau này cũng chưa bao giờ được gặp tận mắt được một anh phi công. Đến anh hùng Phạm Tuân là người quê Lúa của mình mà cũng chỉ được gặp anh trên màn hình nhỏ. Bây giờ ở cận u60 xuanv338 lại được gặp một anh phi công cũng mới chỉ qua bài viết trong toips "phicongtiemkich"

    Qua những bài viết theo chiều dài của topis xuanv338 được hiểu thêm nhiều về những gì mình chưa bao giờ được biết cái thật nhất về sự hy sinh gian khổ, chiến đấu có lúc đơn độc đầy nguy hiểm của những anh lính nhà trời. Ngày xưa khi nói đến lính nhà trời, nói đến anh phi ông với mình tưởng như xa vời lắm. Giờ thì thấy họ rất gần. Họ cũng hào hoa, lãng mạn, đăc biệt là tài viết văn và làm thơ.

   Bác tiemkich hãy vui đi nhé! Có bạn trên diễn đàn đã gọi điện cho em đến vài lần khen tài làm thơ và thơ rất sâu, rất hay của bác phicông đấy. xuanv338 nhất trí cao với những nhận xét của các bạn về thơ và các bài viết của anh. Gần đây! Khi đọc bài thơ " Đom đóm ơi!" trên trang LTN của bác. Người đọc không biết nhận xét thế nào được, chỉ biết gửi bác một lời khen rất thật lòng. "Trên cả tuyệt vời". Xúc động lắm! Tâm trạng ấy ai cũng có nhưng sao không thể nói lên được, bài thơ bác đã nói hộ tâm trạng cho nhiều thế hệ đấy chứ!

   xuanv338 (CB) xin kính chúc bác luôn mạnh khoẻ, viết thêm nhiều bài viết hay. Thời gian thì cứ trôi mà cái già thì dừng lại. Grin. CB chào bác.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Mười, 2013, 09:15:48 am gửi bởi xuanv338 » Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #379 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2013, 01:02:40 pm »

            Chào bác Phi công tiêm kích! Chào các bác! Thật vui khi thấy ngôi nhà "Trên Trời" của bác cựu Phi công lúc nào cũng vui vẻ. Cũng như bạn Ho Mi Gia nói anh em thường chỉ vào thăm là chính. Chứ biết đâu được chuyện Trên Trời mà góp chuyện. hi hi Grin

            Hôm vừa rồi Tranphu có dịp gặp lại và nói chuyện cùng một Cựu Đại Tá phi công mic21. Ông Tên là Nguyễn Ngọc... Quê Đông Hưng Thái Bình. Có thể bác chủ cũng biết. Những chuyện ông kể về cuộc chiến trên không những năm đó cũng nhiều. Nhưng có việc mà Tranphu cứ thắc mắc vì thường cứ tưởng là Phi công chiến đấu thường là bắn rơi được 1hoặc 2 chiếc máy bay của đối phương là được phong danh hiệu AHLLVT. Thế mà Ông kể đã bắn rơi 5-6 chiếc của đối phương mà cũng không được phong tặng danh hiệu cao quý đó. Có thể có vấn đề gì đó không thật bình thường chăng? Nếu bác chủ biết thì cho Tranphu biết thêm để tìm hiểu thêm về những việc "Trên Trời cao nhé"  Grin Grin Grin

            Chúc bác chủ cùng đại gia đình luôn có nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui cuộc sống!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM