Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:12:06 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần II)  (Đọc 310370 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thongtin86
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #360 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2013, 11:01:52 am »

 Cảm ơn Việt Trung 51!
 Cho hỏi một chút cá nhân thôi là Việt Trung có phải là "Con em" của nhà máy không, hay cũng là "Hàng xóm" gần gần.. vì các thông tin địa danh, nhân vật rất chính xác.
 Nhà Tôi chung cổng với Bác Song-GĐ hồi nhà máy còn ở trên Thanh Ba, lứa trẻ con thì biết nhau hết kể cả con của Bác cấp dưỡng Hồng-Thìn như Bác kể trên đây.
Trân trọng!!
Logged
lính đường dây
Thành viên
*
Bài viết: 200


« Trả lời #361 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2013, 07:28:47 am »

Hỏi thăm bạn thongtin86, bạn có biết ông Nguyễn Xuân Số, nhà ở xã Khải Xuân, Thanh Ba không?. Ông Số nguyên là chiến sĩ văn nghệ trung đoàn 134. Con gái ông Số tên là Phương hiện đang làm ở nhà máy M1 An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.

Đọc lại các bài viết của bạn, được biết bạn là học viên Trường trung cấp kỹ thuật thông tin Sơn tây (nguyên nó là đất của Lữ đoàn 614). Lúc đó thì anh Hoàng Văn Dân, nguyên phó chính trị Lữ đoàn 134 đã về làm chính ủy chưa? Sau bạn lại về Lữ 205 thì anh Trần Đăng Tân, phó chính trị có còn ở đấy không. Tôi cùng nhập ngũ với anh Tân năm 1968. tôi ở E134 cho đến năm 1976 thì ra.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Chín, 2013, 07:43:52 am gửi bởi lính đường dây » Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #362 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2013, 10:40:58 pm »

 Thanh Ba - hồi tôi còn ở Trung đoàn Không quân đóng tai Đồi Cọ thì Chính ủy Trung đoàn tôi là người của Thanh Ba, tên là Đoàn Văn Sàn. Anh vốn xuất thân từ một thành phần trong tổ bay của máy bay ném bom Il-28, sau rồi "chuyển ngạch" sang làm công tác chính trị, về với Trung đoàn tôi. Anh rất hay nói câu : "Biết thế đếch nào được !" - cái câu mang rất nhiều hàm ý. Tôi đã về quê anh, về nhà anh, ngồi uống rượu với những người dân ở quê anh, ngắm hồ nước ở quê anh trông giống bàn tay xòe ra năm hướng. Người dân ở những làng quê đâu cũng chân chất, mộc mạc như nhau. Tôi vốn xuất thân từ thằng bé chăn bò nên hợp với cảnh ngộ ấy lắm. Tối tối, ba anh em chúng tôi hay ngồi với nhau hàn huyên rồi bàn công việc sẽ triển khai vào những ngày tới. Anh hay mang quà về cho tôi như người anh đi đâu cũng nhớ tới thằng em vậy : khi thì miếng mít, khi thì khúc mía ... Mà ăn mít, nhất là mít mật thì đã có giai thoại "phụp ... phù ..." rồi. Khoản ăn mía thì tôi ăn nhanh hơn anh ấy nhiều : tôi dùng răng tước vỏ, nghe "đốp" một cái là tôi đã cắn được một khẩu, nghe "xịt" là tôi đã nhai, hít hết nước, nhả bã luôn. Anh thấy vậy thì bảo tôi :
 - Cậu làm thế đếch nào mà ăn nhanh thế ? Chỉ nghe thấy mấy tiếng "đốp ... xịt ..." quay lại là đã thấy hết cả cây mía rồi, ăn như voi ăn không bằng !
 - Thì răng tôi khỏe hơn răng anh, với lại không chén nhanh thì để anh chén hết à ?
 - Biết thế đếch nào được ! - anh cười.
Và cũng từ bấy giờ trở đi, anh hay gọi tôi bằng cái biệt danh "đốp, xịt". Ngày anh bị tai biến vì huyết áp cao, chúng tôi đến thăm anh. Anh nằm bất động trên giường với dáng rất mệt mỏi. Thấy có khách, anh gượng ngồi dậy nhưng trông "lơ mơ" lắm. Vợ anh vừa đỡ anh dậy vừa hỏi :
 - Ông có còn nhận ra ai đây không ?
 - Cái lão "đốp, xịt" này thì làm gì mà chẳng nhận ra ! - anh vừa nói một cách khó nhọc, vừa cười với cái cười méo mó của người bị tai biến.
 Sau đấy, tôi còn ghé thăm anh được một lần nữa và thời gian không lâu sau thì anh mất. Chúng tôi đến viếng, thắp cho anh nén nhang vĩnh biệt anh mà buồn bã vô cùng. Tôi cứ ngẩn ngơ cả người, nghẹn ngào chẳng nói nên lời. Mới đấy thôi mà anh đã thành người thiên cổ !.
 Trên trang này, thấy các đồng đội nhắc đến địa danh Thanh Ba, tôi lại nhớ về anh với nỗi nhớ đến cồn cào mà cứ nghèn nghẹn trong lòng !.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #363 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2013, 09:42:58 pm »

 Vùng quê Phú Thọ thì Trung đoàn tôi còn có anh Nguyễn Ngọc Chân. Anh cùng nhập ngũ với tôi vào năm 1965, cùng đi học, có điều, tôi thì học bay còn anh thì học máy ( thợ máy của máy bay ). Khi về nước thì hai anh em cùng ở Trung đoàn 921. Rồi loanh quanh thế nào mà khi thành lập cái Trung đoàn ở Đồi Cọ ấy thì anh em tôi lại cùng nhau về đấy. Anh có một điểm đặc biệt là dù trời nắng hay trời mưa đi đâu anh cũng chỉ đầu trần mặc dù đầu anh hói nhẵn, chỉ còn lơ thơ vài ba sợi tóc cho có vẻ. Ngắm đầu anh, tôi cứ nghĩ đến đầu chú dế mèn trong tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài. Anh thuộc loại khéo tay. Hồi ấy có phong trào làm dát giường bằng cây diễn sôi động lắm. Vào cái thời điểm đó, ai mà có được một bộ dát giường bằng diễn là "oách" lắm rồi. Vậy mà anh cứ cặm cụi sản xuất hêt cho người này lại cho người kia. Rồi anh chế tác ra đủ kiểu làm dát giường, đến bộ cuối cùng anh làm thì tôi phục "lấm mũi" ! Anh vót chau chuốt từng nan, dùi lỗ xâu phẳng phiu, lại còn chọn lựa sắp đặt sao cho những mấu diễn tạo thành những con sóng và cả chữ "Thọ" nữa thì đúng là thực sự phải ngưỡng mộ.
 Tâm sự với tôi, anh nói :
 - Sau này khi về hưu, tôi chỉ có mỗi nhiệm vụ là ngày mài mấy con dao thái phở xong là hết việc, là ngơi cả ngày !
 - Thế thì có mà buồn chết ! - tôi nói.
 - Chẳng việc gì phải buồn cả ! - anh thủng thẳng trả lời.
 Vậy mà con người tài hoa, năng nổ, đầy trách nhiệm trong công việc ấy cũng đã lại "ra đi". Hình ảnh của anh bất chấp mưa gió, nắng nôi ... cứ để đầu trần, hì hục chuẩn bị máy bay cho ban bay huấn luyện, cho máy bay trực chiến, rồi thức thâu đêm suốt sáng bằng mọi cách khôi phục, sửa chữa những hỏng hóc để nâng tỉ lệ máy bay tốt cho Trung đoàn lên cứ in đậm trong tâm trí tôi.
 Ngày tôi cùng với mấy anh em khác vượt chặng đường gồ ghề đầy những ổ trâu, ổ voi trên bờ đê của dòng Lô đến nhà anh thì đã gần trưa. Ngắm di ảnh của anh trên ban thờ mà thương tiếc anh vô hạn. Nỗi buồn cứ xâm chiếm lòng tôi với câu hỏi : "Sao những người tốt lại sớm "ra đi" như thế ? Do định mệnh hay do cái gì nhỉ ? Rồi lại luẩn quẩn với bao câu hỏi khác nữa như anh Chân với anh Sàn có gặp nhau ở "thế giới bên kia" không, có sinh hoạt "Hội đồng hương Phú Thọ" không ? Và rồi đến lượt tôi nay mai "ra đi" thì có còn gặp được các anh hay không hay các anh đã lại sang một thế giới khác rồi ?
Logged
phaphai
Thành viên
*
Bài viết: 330


« Trả lời #364 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2013, 10:00:13 am »

Bác Phicontiemkich có biết ông Ng: Văn Hồng, nguyên phó GĐ cty kỹ thuật bay không?
Có cô con dâu là 1 trong 2 nữ phi công đầu tiên của VN ấy.
Hôm nay em vừa đi đám tang ông ấy!
Logged
Viet Trung 51
Thành viên
*
Bài viết: 142


« Trả lời #365 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2013, 11:50:42 pm »

Chào thongtin86.
Tôi công tác ở PKT nhà máy M1 5 năm từ 78-82. Thời đó còn khó khăn, cơm toàn độn ngô, hay sắn lát hoặc bobo. Độn ngô thì nồi cơm vàng khè, bobo thì đen xì, nhưng khó nhá nhất là sắn lát, ninh thế nào nó vẫn ko chén được, bẻ miếng sắn ra trong vẫn sống nhăn. Bọn tôi toàn xa nhà ở tập thể KT cạnh nhà bếp, cứ đêm xuống là nháy nhau ra đồi nhổ sắn về khui bếp lò luộc, mà đồi sắn bạt ngàn, bộ phận nào cũng phải tăng gia mà. Một cách chống đói nữa là đăng ký làm đêm vì làm đêm có ăn ca: 1 lạng mì sợi + vài miếng thịt/ người. Bao giờ chúng tôi cũng báo tăng người, 4-5 người đi làm thì báo thành 8-9, các đơn vị đều vậy. Sau hậu cần cho người đi điểm danh để chống gian lận. Tuy nhiên cô Nga sếu (nhà bác Dũng - Hiền) rất tháo vát, biến báo nên vẫn lấy dư được. Mì, thịt mang về Nga nấu một nồi mì nước to tướng, mấy anh em xì sụp với nhau. Làm đêm còn rất có lợi là được tính giờ nghỉ bù, có năm ngoài nghỉ phép tôi còn đến hơn tháng nghỉ bù để chuồn về Hanoi.
Hàng chiều thì đá bóng ở sân bóng trước nhà GD Song, cụ Mịch PGD cùng anh Đàm con trai cũng là CN nhà máy rất hay tham gia cùng bọn tôi. Cụ Mịch chuyên chân thủ môn, có lần tụi nó ham bóng, sô đẩy làm cụ Mịch ngã ngửa đập gáy xuống đất, ngất sỉu.
Tuy khó khăn nhà máy vẫn cố gắng chăm lo mọi mặt đời sống cho CNV, có nhà trẻ, nhà ăn, trạm xá. Hàng tối có các lớp học bổ túc cho CN các lớp cấp 2, cấp 3. Mà các chị lớn tuổi đi học chăm lắm nhé, bao giờ cũng có mặt và rồi ngủ gật trên lớp, có chị mấy năm liền vẫn kiên trì học 1 lớp cho chắc ko thèm lên lớp, lý do các chị chăm học là học BT 1 trong những tiêu chuẩn bình xét thi đua năm, bọn thanh niên thì hay chuồn, chúng còn lo đàn đúm nơi khác.
Nhà máy cũng thường mời văn công TCCT, đội văn nghệ binh chủng về phục vụ CNV. Năm 79, khi biên giới phía Bắc còn rất nóng, bọn tôi vẫn thường tham gia các đội sửa chữa cơ động xuống tận các đơn vị tiền tuyến sửa chữa máy móc. Ngày 1-6-79, nhà máy vẫn tổ chức cho các cháu thiếu nhi vui chơi, bạn có thể thấy rõ nụ cười rạng rỡ của các em ở ảnh sau. Có thể bạn nhận được người quen đấy. Ảnh do chuyên gia Liên xô lúc đó công tác ở nhà máy chụp và tặng tôi. Trong ảnh có Hùng (nhà Hải-Nhuận), Đông ( nhà Niêm-Nga)...

http://i826.photobucket.com/albums/zz184/trungnv51/1979LeHangM1.jpg



 
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #366 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2013, 08:53:18 am »

 Cám ơn Phaphai đã cho biết thông tin về anh Nguyễn Văn Hồng ( tục gọi Hồng bạc vì tóc anh bạc phơ ). Tôi có biết anh Hồng bởi cùng hoạt động trong lĩnh vực Công đoàn, tôi cũng quý tính cách của anh ấy. Sau khi anh ấy về hưu, chúng tôi còn có vài lần ngồi nhậu cùng nhau. Rồi lâu lâu bặt tin anh, chỉ biết anh bị bệnh tiểu đường khá nặng. Cũng mãi tối hôm qua tôi mới nhận được tin là anh đã "ra đi" rồi. Biết muộn quá ! Buồn thật ! Anh còn trẻ hơn tôi mà đã "đi" sớm quá ! Đời người đúng là chẳng biết thế nào. "Sống gửi, thác quy" !. Khi mình còn sống thì cố sống cho đến nơi đến chốn, càng làm được nhiều việc tốt càng hay - mình luôn tâm niệm như vậy, Phaphai ạ ! Cố gắng khi nào đó hẹn gặp nhau nhé !

 Viet Trung 51 kể lại những chuyện về bo bo và "bánh sắn" làm tôi lại nhớ lại cái thời ở Trung đoàn tại Đồi Cọ. Ngày ấy, tiêu chuẩn buổi sáng mỗi người được một chiếc bánh bao. Gọi là "bánh bao" vì trông hình thù nó giống bánh bao thôi, chứ thực ra nó được nhào nặn bởi các loại bột : gạo, sắn ... rồi đem luộc lên. Màu sắc của nó thì nhờ nhờ, thâm thâm. Bẻ ra thì còn có cả những chú mọt nằm ở trong đó, mùi bánh thì hôi hôi, vị của nó thì thật khó tả. Được cái, nó thuộc loại cứng rắn - "ném chó chó chết, ném mèo mèo quay". Vậy nhưng các cán bộ, chiến sĩ vẫn phải nhai, cho dù là nhai trệu trạo rồi nuốt. Chính ủy Đoàn Văn Sàn - người Thanh Ba - Phú Thọ là người ngồi đến tận cùng. Trông anh ăn thật khổ sở vì răng của anh yếu, nhưng có mặt anh ở nhà ăn thì đấy là nguồn động viên lớn đối với mọi người. Nếu anh bở thì chắc nhiều người cũng bỏ luôn. Một thời gian nan là thế !
 Vậy mà chúng tôi đã vượt qua được. Có lẽ chính nhờ vào tinh thần lạc quan, không sợ khó sợ khổ, nhích dần từng bước về phía trước mà vượt được cả chặng đường dài đầy chông gai, gian nguy...
Logged
phaphai
Thành viên
*
Bài viết: 330


« Trả lời #367 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2013, 09:23:40 am »

Cám ơn Phaphai đã cho biết thông tin về anh Nguyễn Văn Hồng ( tục gọi Hồng bạc vì tóc anh bạc phơ ). Tôi có biết anh Hồng bởi cùng hoạt động trong lĩnh vực Công đoàn, tôi cũng quý tính cách của anh ấy. Sau khi anh ấy về hưu, chúng tôi còn có vài lần ngồi nhậu cùng nhau. Rồi lâu lâu bặt tin anh, chỉ biết anh bị bệnh tiểu đường khá nặng. Cũng mãi tối hôm qua tôi mới nhận được tin là anh đã "ra đi" rồi. Biết muộn quá ! Buồn thật ! Anh còn trẻ hơn tôi mà đã "đi" sớm quá ! Đời người đúng là chẳng biết thế nào. "Sống gửi, thác quy" !. Khi mình còn sống thì cố sống cho đến nơi đến chốn, càng làm được nhiều việc tốt càng hay - mình luôn tâm niệm như vậy, Phaphai ạ ! Cố gắng khi nào đó hẹn gặp nhau nhé!

Nếu về gia đình em gọi ông Hồng là chú vì là em rể em (lấy cô Yến, con cô ruột em) dù chú ấy hơn tuổi em (bên nhà em bố em có con muộn nhất vì mải đi đánh nhau với tây). Chú ấy mất vì tim, chắc cũng do biến chứng từ tiểu đường, đang định tuần sau mổ. Hôm qua em không đưa chú ấy về Tây Tựu được vì phải đưa 2 cụ già về mà trời mưa to quá các cụ rất già rồi không đi theo được.

Bên nhóm CCB Hà Giang rất muốn mời bác tham gia. Em kể chuyện các bác ấy rất vui khi biết bác!
Logged
thongtin86
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #368 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2013, 09:25:49 am »

 Em biết ngay mà, nghe Anh nói là em đoán chắc Anh cũng công tác tại nhà máy. Em là Phong con Ông Ngữ TK công đoàn đây, nếu anh nói hàng chiều hay đá bóng ở sân thì chắc em cũng gặp và đá cùng Anh nhiều, chỉ có điều chưa biết tên thật. Hồi đó em hay được các anh Sĩ, Quang đen.. PKT lôi vào đã cùng mặc dù đang là tể con mới 12,13 tuổi. Nhà máy thì có phong trào TDTT-VHVN mạnh lắm.. đá bóng, kéo co, bóng chuyền, chạy việt dã hay Văn nghệ, rồi chiếu phim thì tuần một lần, nói chung đời sống tinh thần rất vui và náo nhiệt.
 Chúc Anh Khỏe và hẹn gặp lại!!
Logged
thongtin86
Thành viên
*
Bài viết: 27


« Trả lời #369 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2013, 09:51:06 am »

Hỏi thăm bạn thongtin86, bạn có biết ông Nguyễn Xuân Số, nhà ở xã Khải Xuân, Thanh Ba không?. Ông Số nguyên là chiến sĩ văn nghệ trung đoàn 134. Con gái ông Số tên là Phương hiện đang làm ở nhà máy M1 An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.

Đọc lại các bài viết của bạn, được biết bạn là học viên Trường trung cấp kỹ thuật thông tin Sơn tây (nguyên nó là đất của Lữ đoàn 614). Lúc đó thì anh Hoàng Văn Dân, nguyên phó chính trị Lữ đoàn 134 đã về làm chính ủy chưa? Sau bạn lại về Lữ 205 thì anh Trần Đăng Tân, phó chính trị có còn ở đấy không. Tôi cùng nhập ngũ với anh Tân năm 1968. tôi ở E134 cho đến năm 1976 thì ra.

Vâng cám ơn Bác và Bác gọi là em thôi vì kém Bác nhiều tuối lắm đấy.
Chú Số nhà ở Xóm rùm-Xã Khải xuân, khi ở M1 công tác ở PCT, cùng với Ông cụ nhà em. 1/9 vừa rồi em có gặp Chú tại buổi họp mặt các thế hệ văn nghệ BCTT, vẫn vui và nhiệt tình như ngày xưa. Anh Tân thì một thời là chỉ huy trực tiếp của Em, Anh Dân công tác trên Cục chính trị BC. Anh Tân đã nghỉ hưu, hiện ở tại Cầu diễn. Hai Anh chị có năm "máy khâu con bướm" chắc Bác biết rồi. Còn Anh Dân khi từ 134 thì về Trường KT thông tin làm chính ủy (vì thời điểm này trường KT đã chuyển lại về ST). Bây giờ thì em cũng không biết Anh chuyển về đâu công tác.
 Em ra trường từ năm 86, khi đó trường KT còn ở ST, sau thì trường chuyển vào Nam, bây giờ lại chuyển về lại chỗ cũ đúng vị trí tiểu đoàn em trú quân ngày xưa. Sau khi ra trường em nhận công tác tại đây và ở đó 4 năm rồi chuyển về HN, bàn giao lại cho đơn vị khác và đến nay Trường KT tiếp quản. Em cũng chuyển ngành năm 98 nhưng cũng hay gặp lại các chỉ huy và đồng đội cũ thường xuyên Bác ạ.
 Nếu có dịp nào Bác gặp lại các Bác Dân & Tân thì Bác chỉ nói biệt danh "Phong guitar 205" là các Bác ấy biết ngay đấy ạ.
 Chúc Bác Mạnh khỏe, may mắn và luôn có nhiều niềm vui trong cuộc sống!!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM