Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:05:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần II)  (Đọc 310825 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
huonghn76
Thành viên
*
Bài viết: 1166


WWW
« Trả lời #280 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2013, 10:10:11 am »

            Chào bác phi công tiêm kích .

            Bác là CỰU có khác Grin nói đúng tâm lý của anh em ,ăn uống ,tiệc tùng từ cổ chí kim có thấy người ta không uống rượu bao giờ . Bọn em mà không uống rượu bạn học nó bảo là thằng pê đê ngay . Kể cả khi vui " Tay cầm bầu rượu nắm nem / Mải vui quên hết lời em dặn dò " ...Cũng chưa đến độ đáng chê trách bác nhỉ .

            Em dám đánh cuộc với bác ,ngày trước cũng nhờ rượu một phần mà bác có được cô gái trên đỉnh núi Ba Vì ... Là em dám bảo đảm cái đoạn bác đạp xe leo dốc ,trước khi leo mở bi đông làm ngụm ,cho khí thế . Nó giống cái đoạn bác mở hết cửa dầu lao vào công kích ấy ...Úi dà địch còn chả ngán ,huống hồ sắp làm vợ ta  Grin

               Bác ạ nói về rượu Nguyễn Trãi đã viết " Tướng sĩ một lòng phụ tử / Hòa         nước sông chén rượu ngọt ngào... " Cụ  Nguyễn Du thì có câu " Khi chén rượu ,lúc cuộc cờ / Khi xem hoa nở ,khi chờ trăng lên " hay " Rượu này một chén ,đàn Cầm một dây "
               .Lính mà không rượu kém khí thế ,như cờ vô phong ,phải không bác ?
 .
Ở Miền Tây nhà Hùm xám Thay lông cũng đang rượu tơi bời đó bác ạ ( Hình bóng quê nhà ) .
             Em chúc bác khỏe ,nói rượu lan man sợ anh em phê bình chết .
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Bảy, 2013, 10:35:40 am gửi bởi huonghn76 » Logged
phaphai
Thành viên
*
Bài viết: 330


« Trả lời #281 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2013, 07:41:50 am »

Pha cồn làm rượu thì em cũng thấy mấy ông Cuba!
Rượt rum Habana Club của họ rất nổi tiếng, bán cung khá dễ nhưng họ cũng hay lấy cồn trong phòng thí nghiệm pha làm rượu uống.
Hôm tụi em bay từ Cuba về, vòng lên tận Green Land (Canada). Bay cùng có 1 nhóm chắc là sinh viên về hè, quay lại châu Âu đón năm học mới. Trên máy bay có cả rượu vang, cả rượu mạnh nếu yêu cầu mà các ông ấy vẫn mang lên được 1 chai cồn y tế. Pha với nước xong còn gọi cả tụi em lại chia ra nhắm thử!
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #282 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 05:04:37 pm »

 Về cái chuyện rượu có lẽ lúc nào phải xin phép để mạn đàm lan man một chút không thì bị phê bình chết, bác huonghn và phaphai ạ !. Trở lại việc Trung đoàn tiêm kích 925 bị xóa phiên hiệu vào năm 1979 tức là sau 10 năm thành lập, tôi xứ tiếc ngẩn ngơ. Dù rằng ngay sau đó, vào tháng 9 năm 1979, Trung đoàn không quân tiêm kích mới ra đời và đóng đô đúng vào đất của Trung đoàn 925 xưa - Trung đoàn ấy là Trung đoàn của tôi và tôi cũng là một trong những người có mặt đầu tiên gây dựng Trung đoàn ấy, tôi vẫn cứ nghĩ là kể ra lấy ngay phiên hiệu của Trung đoàn MiG-19 ngày trước cho Trung đoàn MiG-21 sau này thì hay hơn. Nhưng mà thôi, việc đã rồi thì nhắc lại cũng không giải quyết được vấn đề gì.
 Nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, mấy anh em tôi đã đi viếng các nghĩa trang, tưởng nhớ đến các đồng đội đã xếp những đôi cánh của mình trong những trận không chiến mà như thấy lại cả một chặng đường gian nan. May mắn là tôi được gặp phaphai - người chiến sĩ bộ binh từng đánh trên đất Hà Giang khi chúng tôi đến nghĩa trang Phổ Yên. Tôi luôn khâm phục những bàn chân của bộ binh. Mấy tháng trước, ngày tôi đến Lũng Cú, trèo lên đỉnh cột cờ, nhìn khắp nơi chỉ thấy đá là đá thì tôi càng thêm khâm phục những người từng giữ chốt nơi đây, tôi lại càng hiểu trang "Ký ức về Hà Giang" của các đồng đội. Với chúng tôi, tôi có cảm giác chúng tôi chỉ thực sự mạnh mẽ, linh hoạt, vẫy vùng thỏa chí ... khi trong tay có được độ cao và tốc độ. Còn ở dưới đất thì chúng tôi lóng ngóng lắm, thua các anh xa.
Logged
phaphai
Thành viên
*
Bài viết: 330


« Trả lời #283 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2013, 08:08:46 pm »

Cảm ơn bác Phicongtiemkich đã nhắc đến tên em!
Thực ra tụi em rẩt ngưỡng mộ các bác. Dưới đất, dù pháo có bắn nhiều, nhưng tụi em còn có hầm, hào hay chí ít cũng gốc cây, mỏm đá hay khe suối. Trên trời các anh xung quanh không có cái gì để ẩn nấp.  Phải rất quả cảm mới dám loa lên trời giữa đám máy bay Mỹ dầy dặc như vậy. Thỉnh thoàng em có xe những clip ngắn thấy cảnh 1 cái máy bay MIG17 lẻ loi lách giữa các đám mây, xung quanh máy bay Mỹ đông đặc thi nhau bắn tên lửa làm nước mắt em không cầm được.
Hồi bé, khi bố mẹ đi làm vắng, tụi em cũng hay trèo lên cây xem máy bay bắn nhau. Hò hét khi thấy máy bay cháy. Nhưng ở dưới đất cũng chỉ thấy loáng thoáng rồi cả đám máy bay bay vòng tròn cũng bị lấp mất chứ không như những cái clips được quay từ trên trời như vậy!
Logged
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #284 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2013, 01:46:31 pm »

Trở lại việc Trung đoàn tiêm kích 925 bị xóa phiên hiệu vào năm 1979 tức là sau 10 năm thành lập, tôi xứ tiếc ngẩn ngơ. Dù rằng ngay sau đó, vào tháng 9 năm 1979, Trung đoàn không quân tiêm kích mới ra đời và đóng đô đúng vào đất của Trung đoàn 925 xưa - Trung đoàn ấy là Trung đoàn của tôi và tôi cũng là một trong những người có mặt đầu tiên gây dựng Trung đoàn ấy, tôi vẫn cứ nghĩ là kể ra lấy ngay phiên hiệu của Trung đoàn MiG-19 ngày trước cho Trung đoàn MiG-21 sau này thì hay hơn. Nhưng mà thôi, việc đã rồi thì nhắc lại cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Em tìm được thông tin về việc thành lập Trung đoàn Không quân tiêm kích 931 trong cuốn Lịch sử Dẫn đường Không quân:
http://www.otofun.net/threads/378973-lich-su-dan-duong-khong-quan?p=10964722#post10964722

"Ngày 13 tháng 7 năm 1979, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn không quân tiêm kích 931 trực thuộc Sư đoàn Không quân 371. Trung đoàn 931 được trang bị MiG-21 và đóng quân tại Yên Bái. Đại úy Nguyễn Công Huy được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Xuân Tùng làm Chính ủy. Trưởng Tiểu ban Dẫn đường là Trung úy Khổng Vũ Bằng."
Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #285 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2013, 08:51:10 am »

 Chúng tôi luôn cần có độ cao và tốc độ. Giai đoạn chiến tranh thế giới thú hai đã có hẳn một công thức để giành thế ưu việt, đó là : độ cao + tốc độ + hỏa lực. Khi không có độ cao và tốc độ nhỏ rồi thì việc cơ động là rất khó khăn, ví như giai đoạn cất cánh và khi về hạ cánh chẳng hạn và nhất là máy bay lại bị thương nữa thì càng tồi tệ. Chính vì vậy mà bọn Không quân Mỹ sau này đã phong tỏa hai đầu loa cất hạ cánh và "săn" những máy bay ta khi không chiến về vào hạ cánh. Chiến thuật ấy chúng áp dụng nhiều lần thành công. Nó nằm chung trong chiến dịch "quét sạch MiG" hay "tiêu diệt MiG" ( MIG CAP ). Trận của các anh Nguyễn Đức Soát và Nguyễn Thế Đức  vào ngày 18 tháng 7 năm 1972 chẳng hạn : sau khi thoát li ra khỏi không chiến, số 2 Nguyễn Thế Đức nhanh chóng lấy hướng về sân bay Kép để hạ cánh, nhưng lại bay về Hòa Lạc. Chỉ huy sở đã lệnh cho hướng bay để Đức về Gia Lâm, nhưng ngay lúc đó có 2 chiếc F-4D làm nhiệm vụ MIG CAP ở gần sân bay Đa Phúc phục sẵn sau dãy núi Ba Vì bám theo chiếc MiG của Đức và công kích. Đức bị rơi gần Hà Đông và hy sinh...
 Tôi thì gọi cái bọn ấy là "bọn du mục" vì chúng có nhiệm vụ bay lang thang gần các sân bay ở độ cao thấp tránh ra-đa phát hiện, thấy máy bay nào của ta đi lẻ vì mất đội hay bị thương trong chiến trận phải về hạ cánh trước là chúng bâu vào ngay. Chính trận tôi đi với anh Phạm Phú Thái, hai anh em tôi ở trên cao đã phát hiện được mấy "thằng du mục" ấy đã lao xuống và anh Thái đã bắn rơi một thằng ngay trên vùng trời Tuyên Quang.
 Nếu đã không có tốc độ và độ cao thì dù hỏa lực có mạnh cũng khó mà làm nên trò trống gì. Vào tình huống ấy, phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật của phi công và tính năng cơ động của máy bay mới có thể thoát ra khỏi tình trạng bị động được. Chính vì thế mà tôi dùng cái từ "lóng ngóng" khi bọn tôi ở dưới đất là thế, Phaphai ạ !

 Trung đoàn Không quân tiêm kích 931 đúng là đã có quyết định của Bộ Quốc Phòng từ ngày 13 tháng 7 năm 1979, nhưng đến cuối tháng 8 năm ấy mới triển khai được. Và vì vậy mới lấy ngày 2 tháng 9 là ngày thành lập Trung đoàn. Ngày ấy cũng có ý nghĩa trong tâm thức mọi con dân đất Việt là ngày khai sinh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cũng mãi đến ngày 10 tháng 11 năm 2004, Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân mới ký quyết định lấy ngày truyền thống của Trung đoàn 931 thuộc Sư đoàn 371 là ngày 2 tháng 9 năm 1979.
 Vậy là Star hiểu thêm một chút, đúng không ?
 Tôi cũng là người gắn bó với Trung đoàn ngay từ thưở ban đầu, đã từng viết "Về Trung đoàn với anh, em nhé !" :

   Trung đoàn anh đóng quân nơi ấy
   Có sông Hồng như dải lụa chảy qua
   Và đường băng như chiếc trâm ngà
   Cài trên đầu rừng xanh bát ngát
   Cọ xòe tay vẫy chào, múa hát
   Hương quế nồng say, man mác, bồi hồi ...
   Mùi táo Mèo quyến rũ, đọng mãi đầu môi ...
   Bưởi Cát Lem đậm đà vị ngọt

   Về Trung đoàn
   Em sẽ ngẩn ngơ giữa tiếng chim lảnh lót
   Sẽ sững sờ trước màu sắc muôn hoa
   Anh sẽ đưa em thăm thắng cảnh Thác Bà
   Qua Yên Bình, về Nam Cường, lên Cổ Phúc
   Thăm thành phố rộn ràng, đông đúc
   Ngược phía Âu Lâu
   Vượt những nhịp cầu
   Ngang sông Hông, sang Nghĩa Lộ
   Anh sẽ đưa em lên Bắc Hà
   uống rượu ngô, ăn thắng cố
   Nghe tiếng sáo tiếng khèn gọi bạn ... lả lơi

   Về Trung đoàn
   Ngắm những đôi cánh MiG tung hoành
   ngang dọc giữa trời
   Luôn sẵn sàng giữ yên vui Đất Mẹ
   Các bạn anh - những chàng lính trẻ
   Sôi nổi, hồn nhiên ... càng lắng đậm tình người

   Dù anh bay khắp bốn phương trời
   Anh vẫn mang theo dáng hình em nhỏ bé
   Về Trung đoàn với anh, em nhé !
   Anh ngóng trông, thao thiết đợi em về !...

 Và tôi cũng mong, cũng mời tất cả các đồng đội, các bạn hãy về thăm Trung đoàn của tôi - cái Trung đoàn Không quân ở Đồi Cọ ấy ( nay đã rời ra phía xã Nam Cường ) để thấy được tận mắt cảnh sinh hoạt của các "cánh én" giữa vùng núi rừng Hoàng Liên Sơn. Chắc Trung đoàn sẽ mừng lắm đấy !
Logged
Viet Trung 51
Thành viên
*
Bài viết: 142


« Trả lời #286 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2013, 05:50:55 pm »

Xin giới thiệu với mọi người 1 cuốn sách mới của Lê Thành Chơn về KQND Vietnam.
Xuyên Mây
Nxb Hội Nhà Văn
Ngày xuất bản: 6 – 2013
Hình thức bìa: Bìa mềm
Tác giả: Lê Thành Chơn.

Số trang: 672
Kích thước: 14.5 x 20.5
Trọng lượng: 814 gram
Giá bìa: 140.000 VNĐ
Giới thiệu về cuốn sách:
Xuyên Mây
Có thể nói đây là bộ tiểu thuyết hoành tráng nhất về quá trình ra đời, xây dựng và chiến đấu cùng những chiến công rất đỗi hào hùng của Không quân nhân dân Việt Nam, và rộng ra là bộ đội Phòng không - Không quân. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng Sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, bộ đội Không quân đi từ không đến có, càng đánh càng mạnh, trưởng thành vượt bậc như chàng trai Phù Đổng.
Các nhân vật trong bộ tiểu thuyết "Khối Mây Hình Lưỡi Búa" tiếp tục hành trình xong "Xuyên Mây". Họ sống hết mình và sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Những mối tình của họ đẹp và sáng trong, nhưng cao đẹp hơn hết là mối tình thiêng liêng đối với Tổ quốc.
Với tác phẩm "Xuyên Mây" độc giả khám phá ra vẻ đẹp tâm hồn của những người lính bình dị đã lập nên những kỳ tích hào hùng có một không hai trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Với bút lực dồi dào của một người trong cuộc, nhà văn Lê Thành Chơn đã gởi gắm tất cả tâm huyết vào từng trang sách, tạo dựng một bức tranh sinh động về bộ đội Phỏng Không - Không quân trong cuộc chống chiến tranh lần 2 của đế quốc Mỹ. Đặc biệt tác giả khai thác tận cùng chất bi tráng của cuộc chiến, ngợi ca chiến công bất tử của những con người đã góp phần làm nên trận Điện Biên Phủ Trên Không vĩ đại, đánh bại pháo đài B-52 của Mỹ.
*
Lê Thành Chơn. Ông sinh ngày 23 tháng 3 năm 1938, tại xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Nơi ở hiện nay: quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Lê Thành Chơn đã tốt nghiệp đại học Tổng hợp chuyên ngành Vật lý. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1997).
* Xuất thân trong gia đình nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, năm 1952 Lê Thành Chơn nhập ngũ và suốt 31 năm gắn bó với quân đội, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông đã từng là lính bộ binh (sư đoàn 338); sĩ quan hoa tiêu bay tiêm kích của Không quân Nhân dân Việt Nam. Năm 1983, ông chuyển ngành theo học quản lý kinh tế rồi làm chuyên viên Ban tổ chức thành ủy, từ 1989 làm Giám đốc, rồi Chủ tịch Hội đồng Quản trị khách sạn Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh
* Nhà văn đã cho xuất bản các tác phẩm: Đọ cánh (tiểu thuyết, 1990); Anh hùng trên chín tầng mây (truyện ký, 1994); Duyên thơ (thơ, in chung, 1995); Thơ chọn lọc (in chung, 1995); Như muôn vàn người lính (tập truyện ký, in chung, 1996); tham gia viết và dàn dựng một số vở kịch về đề tài người chiến sĩ không quân, trong đó có vở: Bầu trời và mặt đất.
*
Bạn nào quan tâm có thể vào link sau để đặt sách:
http://www.vinabook.com/xuyen-may-m11i54698.html

Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #287 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2013, 06:47:57 pm »

 Cám ơn Viet Trung 51 đã cho biết có cuốn tiểu thuyết mới của anh Lê Thành Chơn. Cứ nhắc đến từ "Xuyên mây" là tôi lại hình dung ra những khó khăn, vất vả của cái mùa khí tượng phức tạp. Khi xuyên mây lên nó có cái khó khăn riêng của nó, mà xuyên mây xuống cũng có những khó khăn riêng của nó. Xuyên mây lên nếu đi một chiếc thì không nói làm gì, nhưng nếu đi biên đội hai chiếc hoặc bốn chiếc thì cũng là cả vấn đề. Phải giãn đội hình ở cự li như thế nào cho phù hợp để lúc xuyên mây không ai đâm vào ai ( bởi trong mây, tất cả đều phải cắm cúi nhìn vào đồng hồ, bay theo đồng hồ, nhìn ra ngoài có thấy gì đâu mà nhìn có khi còn nguy hiểm nữa vì dễ bị cảm giác sai. Mà đã bị cảm giác sai ở trong mây thì thôi rồi, chẳng biết cái gì sẽ đến đâu ). Sau khẩu lệnh : "Dãn ra, xuyên lên !" là phải tách đội với góc độ quy định, bay với thời gian quy định rôi lấy hướng trở lại đúng hướng cũ sau đó mới xuyên lên theo đúng chế độ định sẵn. Bạn tôi không dùng khẩu lệnh : "dãn ra" mà lại hô : "Banh ra !" thế là cũng bị phê bình, nhắc nhở "tới số" đấy.
 Sau khi ra khỏi mây rồi là mắt trước mắt sau phải tìm đội ngay. Mây mỏng thì còn đỡ chứ mây dày có khi tới sáu bảy cây số thì việc mất đội cũng dễ lắm, mà rồi có trường hợp trước lúc xuyên lên, mình ở bên trái, ra khỏi mây mình lại ở bên phải, thế mới ghê chứ, tức là trong quá trình xuyên mây, có thời điểm đã cắt qua nhau, khi ấy mà cùng độ cao thì đúng là "ăn đòn".
 Những năm đầu của cuộc chiến tranh, ta cũng đã có những trận bị bọn F-4 phục sẵn ở trên mây, khi biên đội xuyên lên là chúng nện luôn. Đã có trận, mình bị rơi cả biên đội 4 chiếc với cái thủ đoạn ấy của bọn Mỹ đấy.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #288 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2013, 07:12:26 pm »

 Ví dụ như trận ngày mồng 2 tháng 1 năm 1967 chẳng hạn, biên đội của các anh Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Đăng Kính và Bùi Đức Nhu xuất kích chiến đấu xuyên lên khỏi mây thì gặp ngay lũ F-4 quây ở trên mây. Với ưu thế về số lượng, về tốc độ và về sự chủ động, bọn F-4 bắn tới tấp về phía các anh. Thực ra, trận không chiến này là trận nằm trong chiến dịch "Bo lo" của Mỹ - chiến dịch tìm kiếm, tiêu diệt MiG để giành quyền làm chủ trên không.
 Ý đồ của chiến dịch là sử dụng gần 60 máy bay F-4 chia thành 2 tốp bay vào từ hai hướng Đông và Tây tạo nên một gọng kìm khóa chặt hướng bay về phía Trung Quốc, khống chế các sân bay của ta, các máy bay F-105 thì đánh phá các trận địa tên lửa, một số tốp F-4 bay giả làm tốp cường kích F-105 để đánh lừa tiêm kích ta. Các phi công của Mỹ tham gia chiến dịch này đều là các phi công kỳ cựu, được tập trung ở căn cứ Không quân U-bon của Thái Lan để chuẩn bị một cách chu đáo. Ngày mở chiến dịch tìm kiếm, tiêu diệt MiG của KQ Mỹ là ngày mồng 2 tháng 1 năm 1967. Vậy là biên đội 4 chiếc của ta đương đầu với một lực lượng thật hùng hậu của KQ Mỹ vào ngày ấy là 56 chiếc F-4, 28 máy bay F-105, 8 chiếc F-104 cùng các máy bay làm nhiệm vụ hỗ trợ khác nữa, tổng cộng trận ấy là gần 100 chiếc máy bay tham chiến với 4 chiếc MiG của ta. Vậy là bốn anh đều bị bắn rơi.
 Xuất kích sau biên đội của các anh Đỉnh, Thuận, Kính, Nhu là biên đội của các anh Nguyễn Ngọc Độ, Đặng Ngọc Ngự, Đồng Văn Đe và Nguyễn Văn Cốc. Các anh cũng bị quây như biên đội đầu và anh Nguyễn Ngọc Độ đã bị bắn.
 Ngày ấy là ngày chúng ta bị rơi mất 5 chiếc.
 Những trận thắng lợi, chúng ta rút ra được những bài học quý giá. Những trận thất bại chúng ta cũng đã rút ra được những bài học đắt giá. Trận ngày mồng 2 tháng 1 ấy đã để lại cho chúng ta bài học lớn và Không quân ta đã kịp thời rút kinh nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng cho các trận đánh tiếp theo.

 Đấy là thời chiến, còn trong thời bình thì khi bay xuyên mây, Trung đoàn Không quân ở Đồi Cọ của tôi cũng đã để mất 1 phi công. Vào năm 1980, sau khi Trung đoàn thành lập chưa được 1 năm thì "vấp" ngay vụ tai nạn cấp 1 ( mất cả phi công và máy bay ). Ngày ấy là ngày sau ông Táo chầu trời một ngày. Trời Yên Bái rất xấu trong vòng cả tháng bỗng hôm ấy lại hửng nắng. Cần chớp thời cơ bay huấn luyện không thì cả Trung đoàn bị giãn cách bay hết. Nói về giãn cách bay thì tôi phải giải thích thêm thế này : trong nghề bay, phụ thuộc vào số lượng giờ bay, phụ thuộc vào trình độ cấp 1,2,3 của phi công, phụ thuộc vào phi công đó có là giáo viên bay hay không ... mà giãn cách bay có thể được từ 15 ngày đến 1 tháng rưỡi. Nghĩa là quá cái thời gian ấy thì bất luận anh giữ chức vụ gì, cương vị gì cũng phải ngồi vào buồng lái trước ( buồng lái dành cho học viên ) để người ngồi sau kèm cho. Đấy là nguyên tắc cứng, không có ngoại lệ nào hết. Vậy là phải tổ chức bay. Phi công Trịnh Văn Hòa cất cánh rồi vòng 1 vòng ở dưới mây để tiêu dầu, chuẩn bị xuyên lên trên mây. Sau vòng 1 rồi sau vòng 2 là Hòa chui vào mây và mất liên lạc luôn. Gọi mãi, liên lạc mãi mà vẫn bặt vô âm tín. Đợi mãi, đợi mãi, gọi mãi, gọi mãi mà vẫn không một tín hiệu trả lời, cũng không thấy Hòa về và không thấy hạ ở một sân bay nào khác cả. Tính toán dầu liệu thì đến lúc này dầu liệu trên máy bay đã cạn, không thấy bóng dáng Hòa. Các hy vọng cứ tắt dần theo thời gian trôi. Khu vực núi Nả, Bằng La, Khe Tú ... đã "giấu kín" tung tích của Trịnh Văn Hòa. Trung đoàn năm ấy không còn Tết nhất gì nữa.
 Sự hy sinh, mất mát đâu chỉ có trong thời chiến mà có cả trong thời bình nữa chứ. Trung đoàn nào trong quá trình xây dựng, trưởng thành cũng đều "vấp" phải cả !.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #289 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2013, 09:41:16 am »

 Khi xuyên mây lên thì chế độ xuyên lên được quy định khá ổn định và đang ở trong mây - trong cái cõi "nhá nhem", mơ mờ, ảo ảo ấy mà thấy bỗng sáng hẳn lên ấy là lúc sắp ra khỏi đỉnh mây, là phải sẵn sàng tinh thần ra khỏi mây một cái là quan sát tới tấp ngay không có thì không kịp xử lí những tình huống ngay trên đỉnh mây. Khi xuyên mây xuống để hạ cánh thì các chế độ xuyên được quy định thay đổi theo từng độ cao. Ví dụ như xuyên xuống đến độ cao 2500 mét thì giữ góc xuống với tốc độ lao xuống là bao nhiêu mét / giây, rồi tiếp đến là từ 2500 mét xuống đến 1000 mét lại chế độ khác, rồi từ 1000 mét xuống lại chế độ khác nữa, không thể xuyên bạt mạng được. Khi nào thấy tối hơn, thậm chí là tối sầm lại là lúc sắp chui ra khỏi mây, sắp thấy mặt đất và phải chuẩn bị tinh thần xác định độ cao thật so với mặt đất, chỉnh hướng với đường băng và chuẩn bị các động tác cho hạ cánh. Các máy bay vận tải thế hệ càng hiện đại thì phi công càng nhàn hạ hơn nữa lại có lái chính và lái phụ. Các máy bay chiến đấu thế hệ sau thì trang thiết bị hiện đại hơn, phi công cũng đỡ vất vả hơn, nhưng với MiG-21 thì tất cả đổ lên một mình phi công hết, độ căng thẳng và cường độ lao động vất hơn các thế hệ khác nhiều
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM