Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:29:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bão thép - Tập 4  (Đọc 70870 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2012, 11:27:03 am »

  

   Tác giả: Nguyễn Khắc Nguyệt
   Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân- 2012
   Số hóa: lixeta

TẬP BỐN

   TRẬN CUỒNG PHONG
   


Con tàu liên vận quốc tế lao băng băng trong màn đêm đặc quánh với tốc độ gần 100 ki- lô- mét một giờ, nó chỉ hơi chạy chậm lại khi qua những quãng đường cong hoặc khi vượt qua một cái ga xép nào đó. Tiếng bánh sắt lăn qua những chỗ nối ray tạo thành những âm thanh đều đều, gấp gáp. Thỉnh thoảng chiếc đầu tầu lại hú lên một hồi còi dài như một mũi khoan xọc về phía trước. Bầu trời đêm phương bắc đen kịt, thỉnh thoảng mới thấy có vài ánh đèn đường vàng vọt nhưng chúng lại nhanh chóng trôi qua bên ngoài kính cửa sổ. Đã mười một ngày đêm đoàn cán bộ Bộ tư lệnh Thiết giáp đi học tại Học viện xe tăng Liên Xô về bó chân trên ba cúp- pê tại toa số Hai của đoàn tàu này.
Hơn một năm trước, sau Hội nghị tổng kết các trận đánh của tăng thiết giáp năm 1972, Binh chủng Thiết giáp đã đề nghị lên Bộ Tổng Tư lệnh tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh được tiếp cận với các loại hình chiến dịch với quy mô lớn hơn nhằm chuẩn bị cho thời cơ mới. Thật không ngờ đề nghị đó đã được chấp thuận một cách nhanh chóng. Đoàn cán bộ cơ quan Bộ tư lệnh Thiết giáp do thượng tá Vũ Huy Đào, phó tư lệnh binh chủng đã được cử sang học tập tại Học viện xe tăng mang tên Nguyên soái Ma- li- nốp- xki.
Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà Bộ đưa ra quyết định ấy. Tận dụng thời cơ con đường chiến lược đã nối thông vào đến tận B2, trong mấy tháng cuối năm 1972 và đầu năm 1973 hàng trăm xe tăng, thiết giáp đã được đưa vào chiến trường. Ở B2 lực lượng tăng thiết giáp đã có gần hai trung đoàn. Tại đó, đoàn M26 được thành lập và có vị trí gần như một Bộ Tư lệnh Thiết giáp của Miền. Trên chiến trường B3 hai tiểu đoàn nữa được đưa vào kết hợp với tiểu đoàn 297 để thành lập trung đoàn H73. Tại B1 trung đoàn N74 cũng đã được thành lập và đã có những chiến thắng đầu tiên khá vang dội. Trung đoàn H03 đã được nâng lên thành lữ đoàn và được chuyển thuộc cho binh đoàn Sông Hương đang trụ vững trên địa bàn trọng điểm Trị Thiên. Đảm nhiệm khu vực nam quân khu Bốn và chiến trường Lào, Bộ đã quyết định thành lập trung đoàn H06. Ngoài ra Bộ cũng đã quyết định thành lập thêm lữ đoàn H15 để cùng H01 làm lực lượng dự bị chiến lược. Sau thời gian củng cố tại Hà Tĩnh, trung đoàn H02 đã được nâng lên thành lữ đoàn và kéo ra Thanh Hóa để tham gia vào đội hình Binh đoàn Quyết Chiến- binh đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của quân đội ta. Vì vậy, việc sử dụng tăng thiết giáp sao cho hiệu quả đòi hỏi cơ quan Bộ Tư lệnh và các đại diện binh chủng ở mặt trận phải đạt đến một tầm cao mới.
Trước tình hình phát triển lực lượng như vậy, tại Hội nghị tất cả các đại biểu đã thống nhất cao quan điểm: “tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ là biện pháp quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị nói riêng cũng như của toàn binh chủng nói chung”. Hội nghị cũng đã thống nhất về những biện pháp để thực hiện quan điểm đó. Cụ thể là: “tranh thủ thời gian, cấp tốc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ các cấp”. Có một điểm thuận lợi là Trường sĩ quan Thiết giáp đã chính thức được thành lập với đầy đủ các phòng nghiệp vụ và các khoa chuyên ngành như Chiến thuật, Pháo súng, Xe máy, Thông tin… nên việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp phân đội khá thuận lợi. Tuy nhiên, đối với cán bộ cấp trung, lữ đoàn và cán bộ cơ quan thì khả năng của nhà trường chưa đáp ứng được. Vì vậy Hội nghị thống nhất đề nghị với Bộ tạo điều kiện giúp đỡ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đối tượng này.    
Như người ta thường nói: “các tư tưởng lớn thường gặp nhau”, dường như trên Bộ cũng đã có ý định như vậy. Có lẽ những bộ óc ở Đại bản doanh đã nhận thấy sở trường, sở đoản đội ngũ cán bộ của mình. Họ đã đi lên từ tầm vông, giáo mác. Sở trường của họ là đánh du kích, đánh quy mô nhỏ. Thế mà trong trận quyết đấu cuối cùng phải đánh tan cả một đội quân hàng triệu người cùng với hàng loạt các loại vũ khí trang bị hiện đại mà quan thày của chúng tới tấp bổ sung thì không thể giở các món võ cũ đó ra được. Đó phải là những chiến dịch quy mô binh đoàn, liên binh đoàn tiêu diệt từng quân đoàn, từng vùng chiến thuật của địch. Nhưng chết nỗi, đó lại chính là sở đoản của cán bộ ta. Vậy thì không còn con đường nào khác là phải đi học. Vì vậy, Bộ đã chỉ thị cho Học viện cấp cao liên tục tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp trung, sư đoàn, đặc biệt chú trọng ưu tiên cho các đơn vị ở phía trước. Đồng thời tổ chức đưa một số cán bộ chỉ huy cấp chiến dịch binh chủng hợp thành và cán bộ cơ quan Bộ tư lệnh các quân binh chủng đi tập huấn nước ngoài. Có lẽ đó là lý do chính mà đề nghị của Bộ tư lệnh Thiết giáp được đáp ứng nhanh đến như vậy.
Gần một năm đánh vật với một chương trình học tập khá nặng đã trôi qua nhanh chóng. Mười một ngày trước họ tạm biệt Mát- xcơ- va lên tàu về nước. Và đêm nay, theo đúng lịch trình họ sẽ có mặt tại biên giới nước nhà.
Trong cúp- pê thứ Nhất chỉ có hai người: phó tư lệnh Vũ Huy Đào và tham mưu trưởng binh chủng Lê Xuân Kiệm. Phó tư lệnh Đào thì cuộn cả tấm chăn làm gối kê cao đầu, mắt đăm đăm nhìn ra cửa sổ mặc dù chả thấy gì ngoài một màu đen. Giường bên kia tham mưu trưởng Kiệm vẫn ngáy đều đều, bất chấp những xóc lắc và tiếng động. Mặc dù đã quá nửa đêm nhưng ông Đào chưa hề thấy buồn ngủ, và có lẽ cả đêm nay ông sẽ không ngủ được. Đêm nay ông và các đồng đội của mình sẽ được trở về Tổ Quốc, trở về cái dải đất hình chữ S thân thương mà họ đã phải tạm xa gần một năm qua. Đúng là khi đang sống trên đất nước mình thì cảm thấy mọi cái bình thường. Chỉ đến khi sống ở nước ngoài mới cảm nhận được nỗi niềm của những người bất đắc dĩ phải sống xa Tổ Quốc. Thật đúng là: “Chiều chiều ra đứng bờ sau; Trông về cố quốc lòng đau chín chiều”. Nhất là khi mảnh đất quê hương ấy còn đang ngùn ngụt lửa chiến tranh, khi người thân của chính mình và hàng triệu đồng bào vẫn ngày đêm thấp thỏm trước cái sống và cái chết.
Nếu tính số lần thì đây là lần xuất ngoại thứ tư của ông Đào. Nhưng nếu tính số nước thì đây mới là nước thứ ba ông đến. Lần đầu tiên ông dẫn hơn trăm cán bộ, chiến sĩ sang Trung Quốc học về xe tăng. Hồi đó hòa bình mới lập lại trên miền Bắc chưa được bao lâu, không ít người vẫn còn hy vọng vào một cuộc hiệp thương nào đó giữa hai miền Nam Bắc. Thế mà cũng đã cách đây gần hai chục năm rồi đấy. Có lẽ cái hăng say của tuổi trẻ cộng với niềm háo hức khi được tiếp cận với các loại trang bị vũ khí hiện đại và phương pháp quản lý, rèn luyện bộ đội chặt chẽ của bạn đã làm cho ông và đồng đội chẳng mấy khi có lúc rảnh rỗi mà nhớ nhà. Hai lần sau đi Lào thì áp lực của công việc, mức độ ác liệt của chiến trường, những trận chiến đấu căng thẳng liên tục cũng làm con người ta quên đi nỗi nhớ. Còn lần này thì khác hẳn.
Lần này ông đã được đặt chân đến đất nước Liên Xô vĩ đại, đất nước của hòa bình, đất nước của niềm tin, chỗ dựa vững chắc không chỉ của đất nước Việt Nam nhỏ bé của ông mà còn của cả phe xã hội chủ nghĩa nữa. Ngày còn ở nhà qua phim ảnh, qua đài báo và các bản tin tham khảo của Thông tấn xã Việt Nam, Tổng cục Chính trị ông đã hình dung ra một Liên Xô tươi đẹp và hùng mạnh. Nhưng khi sang đến đó ông vẫn thấy bất ngờ, thậm chí còn bị “choáng ngợp”. Không chỉ bởi sự khoáng đạt của không gian, không chỉ bởi sự kỳ vĩ của các công trình, không chỉ bởi sự hiện đại của trang thiết bị, máy móc mà còn bởi tấm lòng bao dung và tình cảm chân thật của những con người xô- viết mà ông đã từng gặp, từng tiếp xúc.
Quả thật, ngay từ khi đoàn tàu vượt qua biên giới Trung- Xô ông đã thấy ngợp bởi sự hùng vĩ của đất nước có diện tích rộng nhất thế giới này. Đoàn tàu lao đi với tốc độ hàng trăm ki- lô- mét một giờ mà suốt mấy ngày trời chẳng thấy làng mạc, dân cư, chỉ thấy triền miên những cánh rừng bát ngát xen kẽ với những đầm lầy tưởng như vô tận. Ông chợt nhớ đến một câu nói của nhà bác học nổi tiếng Lô- mô- nô- xốp mà ông đã đọc được ở đâu đó: “Nước Nga sẽ mạnh lên từ Xi- bê- ri”. Có lẽ đúng vậy. Dưới những cánh rừng bát ngát kia, dưới những đầm lầy dầy đặc lau sậy kia là bao tài nguyên còn đang yên ngủ. Khi nó được đánh thức, khi nó được khai phá và sử dụng nó sẽ là nguồn sức mạnh vô tận của đất nước này.
Hồi các ông đi đang là mùa thu. Trong khi những cánh rừng lá kim ở Viễn Đông vẫn còn xanh rì một màu xanh bí ẩn thì những cánh rừng sồi, rừng phong ở sâu trong nội địa đã bắt đầu mùa thay lá. Cả đoàn học viên Việt Nam sững sờ ngắm không chán mắt những thảm vàng kỳ bí in bóng xuống hồ Bai- Can mênh mông. Ông như thấy đâu đó bóng dáng Lê- vi- tan đang đứng bên giá vẽ. Thật là tuyệt vời khi được tận mắt chứng kiến “Mùa thu vàng” ở quê hương của nó.
Một cái nữa làm ông Đào thấy ngợp chính là con đường mà đoàn của ông đang đi. Nhìn hai vệt đường ray thẳng tắp dài tít tắp vượt qua đầm lầy, vượt qua núi cao, vượt qua rừng rậm… ông thật sự khâm phục sức lao động vĩ đại của con người. Có quyết tâm, có lý tưởng con người ta có thể làm được những việc tưởng chừng như không thể. Ông chợt liên tưởng đến những cung đường Trường Sơn hiểm trở ở nhà. Đấy! Có ai ngờ trên dải Trường Sơn hùng vĩ nhường ấy lại chằng chịt một mạng đường chiến lược lên đến hàng chục nghìn ki- lô- mét. Có ai ngờ những chiếc xe tăng nặng hàng vài chục tấn mà nay đã có mặt ở khắp các chiến trường… Mà về cuộc chiến tranh này thì có nhiều điều những người nước ngoài không thể ngờ rằng những con người Việt Nam nhỏ bé, có vẻ rất hiền lành và nhẫn nhục đã làm được. Ngay cả một số thày ở Học viện xe tăng Ma- li- nốp- xki cũng thế.
Nghĩ đến đây ông Đào khẽ nhếch mép cười. Ngày đầu tiên đoàn của ông đến Học viện, vừa kịp nhận phòng, đồ đạc còn bừa bộn chưa kịp sắp xếp thì đích thân giám đốc đến thăm. Mọi người cứ cuống cả lên chẳng biết mời giám đốc ngồi vào đâu, nước nôi thế nào… thì chính giám đốc xua tay: “Không cần phải thế! Biết các đồng chí vừa sang, đường xa chắc là vất vả tôi chỉ xuống thăm sức khỏe các đồng chí một chút thôi. Hôm khác Học viện sẽ tổ chức gặp gỡ các đồng chí sau”. Theo các học viên đã từng theo học ở đây từ trước thì đó là một sự kiện đặc biệt. Từ trước đến nay thượng tướng giám đốc Học viện chưa bao giờ trực tiếp đến vấn an một đoàn học viên nào như thế bất kể họ đến từ quốc gia nào. Mà cái học viện này nào có ít học viên quốc tế. Dễ có đến hơn ba mươi quốc gia có học viên đang học tập ở đây mà trong đó có những ông lớn kếch sù về dầu lửa. Học viên đi học mà mỗi tháng tiêu hàng xấp đô- la. Đã quán triệt với nhau từ ở nhà là dù mình có cấp chức gì đến đó cũng chỉ là học viên nên ông và anh em cũng hơi ngại. Tuy nhiên đến hôm Học viện tổ chức đón tiếp chính thức thì mới vỡ lẽ: sở dĩ có sự kiện đặc biệt đó chính là vì những chiến công vang dội của bộ đội xe tăng Việt Nam trước đối thủ là quân đội Mỹ và đồng minh. Khi đã thân mật hơn đồng chí giám đốc Học viện còn bá vai ông mà tâm sự: “Các đồng chí sang đây để học tập. Trách nhiệm của chúng tôi là dạy các đồng chí. Đúng thế! Nhưng không chỉ có vậy! Chính chúng tôi cũng sẽ học hỏi được ở các đồng chí nhiều điều. Chính các đồng chí chứ không phải ai khác đã sử dụng xe tăng xô- viết để chiến đấu với kẻ thù chung của chúng ta là đế quốc Mỹ và các đồng chí đã thắng. Vì thế chúng tôi cũng phải học các đồng chí để đảm bảo nếu chiến tranh xảy ra chúng tôi cũng sẽ thắng Mỹ”. Có lẽ có sự thống nhất chỉ đạo từ trên như vậy nên trong chương trình học tập của lớp ông bố trí khá nhiều thời gian cho các buổi xê- mi- na. Các giáo viên khi lên lớp cũng không truyền đạt kiểu áp đặt một chiều mà thường nêu vấn đề để học viên phát biểu, tranh luận thoải mái rồi mới kết luận. Nhiều khi các đồng chí đó còn hỏi han rất cặn kẽ: “Trường hợp này nếu ở Việt Nam các đồng chí sẽ xử trí thế nào?”. Ngay cả về các loại trang bị cũng vậy. Các giáo viên kỹ thuật của bạn cứ căn vặn: “Loại xe này sử dụng có thuận lợi không? Có ưu nhược điểm gì?” v.v… Đặc biệt câu chuyện tăng thiết giáp của ta đấu nhau với M48 của Mỹ tại Đông Hà và Cửa Việt được các giáo viên bạn quan tâm nhiều nhất.
Ông lại khẽ bật cười thành tiếng khi nhớ lại giờ lên lớp đầu tiên của thiếu tướng An- tô- nốp dạy môn “Lịch sử quân sự”. Vừa vào lớp thày đã xua tay: “Lịch sử quân sự là môn khoa học nghiên cứu các hoạt động quân sự trong quá khứ, chủ yếu là các quy luật của chiến tranh, của đấu tranh vũ trang nhằm rút ra những bài học thiết thực cho việc tổ chức, tiến hành chiến tranh, xây dựng và sử dụng lực lượng vũ trang. Trong lĩnh vực này thì chính Việt Nam các bạn mới là bậc thầy. Mấy nghìn năm lịch sử của các bạn là lịch sử của các cuộc chiến tranh giành độc lập, bảo vệ nền độc lập với đủ các loại kẻ thù. Thế thì tôi có gì để dạy các bạn bây giờ? Vì vậy, từ nay các giờ học của tôi sẽ là giờ chúng ta nói chuyện phiếm”. Lo lắng về kết quả học tập, sợ không vượt qua được kỳ thi cuối khóa thì thày cười: “Các đồng chí không phải lo lắng gì! Có kỳ sát hạch nào cao hơn những thứ các đồng chí đã trải qua ở chiến trường Việt Nam đâu!”. Có lẽ thày cũng là người hài hước cho nên sau khi nhìn đăm đăm vào mặt ông Đào một lát thày trịnh trọng chào: “Chào điện hạ Tổng tư lệnh!”. Ông Đào giật thót mình lắp bắp bằng thứ tiếng Nga bất cần ngữ pháp: “Không! Tôi chỉ là phó tư lệnh binh chủng Thiết giáp thôi ạ!”. Thày vẫn cười: “Tôi là tôi chào Tổng tư lệnh Cu- tu- dốp cơ”. Chợt nhớ tướng quân Cu- tu- dốp cũng có ngoại hình khá giống mình, nhất là một con mắt hỏng nên ông Đào biết là thày đùa và cũng đỡ ngại.

*
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:48:04 pm gửi bởi ptlinh » Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #1 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2012, 11:29:21 am »

Con tàu giảm tốc độ rồi dừng hẳn. Có tiếng lao xao của khách lên, khách xuống. Chắc là một ga chính nào đó. Ông Đào vẫn nằm yên không nhúc nhích. Mối quan hệ ở tầm cao nhất giữa hai nhà nước đang có những vấn đề tế nhị và phức tạp từ sau cuộc hội đàm cấp cao Trung- Mỹ năm 1972. Vì vậy từ khi tàu vào lãnh thổ Trung Hoa đến giờ ông và anh em trong đoàn chủ yếu ở trong toa riêng của mình, ít khi ra ngoài. Ngay cả việc ăn uống cũng chọn thời điểm toa ăn vắng vẻ nhất, mấy anh em kéo nhau ra ăn ào một tý cho xong rồi lại về phòng chứ không ngồi lâu ở đó. Mặc dù gần như cả đoàn đều nói tốt tiếng Trung nhưng anh em hầu như không nói chuyện với các nhân viên trên tàu cũng như hành khách. Tuy nhiên, bất chấp những quan hệ phức tạp ở trên những người dân Trung Quốc bình thường vẫn rất cởi mở và thân thiện với các ông.
Tàu vừa dừng thì Lê Xuân Kiệm ngồi phắt dạy hỏi giọng tỉnh như sáo:
- Về đến nhà mình chưa anh?
Ông Đào lắc đầu:
- Chưa đâu! Chắc phải gần sáng mới tới- Ông nghiêng cổ tay xem đồng hồ- Bây giờ mới có hơn một giờ thôi.
Kiệm lại ngả mình xuống giường:
- Thế thì lại được giấc nữa!
Vừa dứt lời Kiệm đã lập tức cất tiếng ngáy.
Ông Đào liếc nhìn người bạn đường của mình rồi bật cười thành tiếng. Thật không hổ danh “con người của hành động”. Kiệm là thế: ăn khỏe, ngủ khỏe và như anh em cơ quan bàn tán thì “cái gì cũng khỏe”. Ông nhớ lại cuộc họp thường vụ hồi đầu năm ngoái để lựa chọn người về thay thế vị trí tham mưu trưởng của ông Dương. Chả là hồi đó trên Bộ đã đồng ý về nguyên tắc sẽ nâng cấp Đoàn 10 thành Trường sĩ quan Thiết giáp. Với kinh nghiệm chỉ đạo huấn luyện lâu năm, sức khỏe lại giảm sút nhiều sau ca mổ cắt túi mật nên Bộ Tư lệnh đã nhất trí đưa ông Dương về trường làm hiệu trưởng. Phải nói rằng đó là một quyết định chính xác và cần thiết. Đã từng học ở nước ngoài, lại có kinh nghiệm quản lý chỉ đạo công tác huấn luyện lâu năm chắc chắn ông Dương sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ người chỉ huy vận hành chiếc “máy cái”- nơi đào tạo ra đội ngũ sĩ quan có chất lượng cao cho binh chủng. Vị trí tham mưu trưởng vì vậy trở nên khuyết. Đã công tác với nhau lâu ngày, hiểu tính tình và khả năng của nhau nên ông và ông Thu đã giới thiệu Kiệm. Tuy nhiên, chính ủy Thạch thì kiên quyết phản đối. Lý do mà chính ủy Thạch đưa ra là lối sống của Kiệm có phần “buông thả, sinh hoạt thiếu nghiêm túc”. Lại có tin đồn Kiệm “quan hệ nam nữ bất chính”, “hủ hóa” với nữ chiến sĩ cơ quan… Tư lệnh Lân thì có vẻ như cũng ủng hộ chính ủy Thạch. Hai bên tranh luận kịch liệt, có lúc gay gắt, cuối cùng phải cho biểu quyết thì “phe” ông thắng vì có thêm phiếu của ông Dương.
Thực tình, ông cũng biết Kiệm có những mặt còn hạn chế. Nhưng ông cũng biết “nhân vô thập toàn”. Trong cuộc đời ai mà tròn trịa được cả mười phân vẹn mười. Ngay cả bản thân mình cũng vậy. Tuy nhiên ông cũng hiểu sở trường và khả năng của Kiệm. Đó là một con người xốc vác, năng động, nắm bắt tình hình và thích nghi nhanh. Nói tóm lại, đó là con người của hành động. Bằng chứng ư? Thì từ sau trận Làng Vây đến lúc đó Kiệm chinh chiến hết chiến trường này đến chiến trường khác đấy thôi. Mà ở đâu cũng thắng lợi, cũng hoàn thành nhiệm vụ. Năm 69 chính anh là đoàn trưởng đoàn 195 sang giúp bạn Lào củng cố trang bị và tổ chức cho lực lượng thiết giáp của bạn đánh thắng trận đầu. Năm 71 thì tham gia từ đầu đến cuối chiến dịch phản công Đường Chín- Nam Lào. Đến lúc cần cán bộ vào B3 để chuẩn bị chiến trường đưa xe tăng vào Kiệm lại lên đường, rồi anh ở lại tham gia tổ chức cho xe tăng đánh thắng trận đầu trên mặt trận Tây Nguyên ở Đắc Tô- Tân Cảnh. Nói chung, trong điều kiện xe tăng đã có mặt tại khắp các chiến trường miền Nam và đang chuẩn bị được sử dụng với quy mô lớn thì mẫu người như Kiệm chính là một tham mưu trưởng lý tưởng. Chính vì vậy mà ông đã đề cử Kiệm vào vị trí ấy. Nhưng đúng là kiểu người như Kiệm rất khó lọt vào mắt xanh những người như chính ủy Thạch.
Lại nói về chính ủy Thạch. Từ chiến trường Quảng Trị ra, ông Đào cứ đinh ninh chính ủy binh chủng sẽ là ông Thu. Thì “chắc như cua gạch” rồi còn gì. Học hành bài bản. Kinh nghiệm làm công tác đảng, công tác chính trị ở binh chủng kỹ thuật không dám nói là có dư nhưng cũng đầy mình. Thì đấy, đã từng là chính ủy trung đoàn xe tăng đầu tiên. Từ khi thành lập binh chủng đến nay thì đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm chính trị. Lại được người tiền nhiệm là ông Ngọc giới thiệu nữa. Vậy thì “bỏ cối giã cũng không trật”. Ấy thế mà lại “trật”. Ông Đào ngỡ ngàng khi về cơ quan lại gặp một vị chính ủy “lạ hoắc”. Cái dáng cao lòng khòng, khuôn mặt dài, xương xương đầy vẻ khắc khổ, nước da thì mai mái. Giá như không có bộ quân phục cùng quân hàm, quân hiệu thì ai cũng tưởng ông nông dân nào trong xóm đi cày qua vào xin nước uống. Tìm hiểu kỹ hơn thì mới biết vị chính ủy này thật sự là một bần cố nông chính cống, trình độ văn hóa mới học xong cấp 1 và cũng được trên điều từ chỗ binh chủng cũ của ông Lân sang. Ông Thu chỉ được bổ nhiệm phó chính ủy. Đến nước này thì ông Đào chỉ biết than trời. Đã đành chính ủy là người đứng mũi, chịu sào về  công tác đảng, công tác chính trị thì thành phần xuất thân là rất quan trọng. Nhưng là chính ủy một binh chủng mà mỗi người lính đều là một nhân viên kỹ thuật thì cũng phải có học vấn và có tầm nhận thức như thế nào đó để mà lãnh đạo người ta chứ. Nhớ lại chuyện mình không được bổ nhiệm dạo trước ông Đào lại thấy buồn. Hình như số cán bộ trong binh chủng được đi đào tạo ở nước ngoài về vẫn chưa được cấp trên tin tưởng cao thì phải(?). Hay là ai đó định củng cố bè cánh đây? Mặc dù ông cố gạt bỏ cái ý nghĩ đó đi nhưng nó vẫn cứ thỉnh thoảng lại hiện về trong đầu ông đày nhức nhối.
Giường bên tiếng ngáy của Kiệm lại rộ lên như muốn đua cùng tiếng bánh tàu hỏa. Ông Đào nhìn sang mỉm cười độ lượng. Càng ngày ông càng nhận thấy lối sinh hoạt thoải mái của Kiệm cũng có cái hay của nó. Thì đấy, hồi ở cơ quan cứ ngày nghỉ, giờ nghỉ là phòng của Kiệm ồn ào như cái chợ. Không chỉ có anh em ở tham mưu hay lên mà cán bộ ở các cơ quan khác cũng thích đến chơi với Kiệm. Thế rồi cải thiện, ca cóng… cứ nháo cả lên. Gọi là cải thiện nhưng thực ra cũng có cái gì đâu. Dăm quả trứng, mấy cây xà- lách, vài quả cà chua… đem nấu nướng rồi xì xụp với nhau. Thường thì thế nào cũng có chai “quốc lủi” kèm theo. Hồi Kiệm mới về cơ quan, ông cũng thấy khó chịu về kiểu sinh hoạt ấy. Có một cái gì đó xô bồ, ẩu tả, “trên không ra trên, dưới không ra dưới”. Nhưng rồi càng ngày ông lại càng nhận thấy điều đó cũng có cái hay. Nhất là những khi không có ai tri âm, tri kỷ để mà tâm sự những buồn vui đang đè nặng trong lòng. Chính những lúc đó ông lại thèm được như Kiệm.
Phía bên kia, Kiệm đã ngừng ngáy nhưng miệng lại tóp tép nhai. Ông Đào lắc đầu cười nhẹ: “không biết lại đang mơ thấy được ăn cái gì đây?”. Chợt nhớ đến vẻ mặt tiu nghỉu của Kiệm hôm ông không đồng ý liên hoan mà buồn cười. Chả là tháng trước, thông qua đại sứ quán, ở nhà có thông báo sang là ông và Kiệm đã được thăng quân hàm. Ông được lên cấp đại tá, còn Kiệm được phong thượng tá. Vừa được tin một cái là Kiệm chạy ngay xuống căng- tin xách một chai vốt- ka to tổ bố về phòng ông, miệng thì ngoác ra tận mang tai: “Chuyến này ta phải làm thật trọng thể anh ạ. Chả gì cũng hai sĩ quan cao cấp được lên quân hàm”. Ông biết Kiệm mừng cũng phải, cái cửa ải từ trung tá lên thượng tá từ xưa đến nay đâu phải ai cũng vượt qua được. Đó là bước chuyển từ cán bộ trung cấp lên cán bộ cao cấp cơ mà. Biết bao nhiêu bước xét duyệt, thẩm tra, lại còn phải báo cáo cả Quân ủy trung ương nữa. Kiệm phấn khởi thế là đúng thôi. Ngay bản thân ông cũng vậy, ít nhiều thì những thành quả mình phấn đấu, mình cống hiến cũng được thừa nhận. Tuy nhiên, nghĩ đến cảnh cái hộp quyên góp “Giúp đỡ Việt Nam đánh Mỹ” vẫn để ở hành lang ký túc xá mỗi kỳ lĩnh lương hàng tháng ông kiên quyết lắc đầu: “Tớ biết đây là việc vui mừng. Nhưng theo tớ ta đừng nên làm gì cả. Đất nước còn đang có chiến tranh. Hàng tháng đến kỳ lĩnh lương toàn bộ học viên các nước anh em còn quyên góp để giúp chúng ta chiến đấu. Thế mà mình lại bày vẽ ra thì có phải là mang tiếng đóng cửa đi ăn mày không? Thôi nhé, để về nhà rồi hãy làm!”. Nghe vậy, Kiệm cũng đồng ý nhưng có vẻ vẫn tiếc rẻ. Tính cách của Kiệm là như vậy. Ồn ào, xốc nổi, thích đám đông. Ngay cả trên chuyến tàu này cũng vậy. Tiếng là ở cúp- pê này nhưng thực ra Kiệm chỉ ở đây lúc ngủ. Còn suốt ngày anh la cà ở hai cúp- pê bên cạnh. Hết tú- lơ- khơ đến cờ tướng, nếu không thì tán gẫu và uống rượu. Mà cũng thật là tài. Đã hạn chế đến mức tối thiểu việc tiếp xúc với nhân viên trên tàu nhưng chẳng biết bằng cách nào họ vẫn kiếm được rượu để uống. Mà rượu ngon hẳn hoi chứ. Có những lúc ông cũng định sang đó nhưng rồi lại thôi bởi ông biết vừa thấy cái mặt của mình xuất hiện lập tức không khí ở đó sẽ thay đổi ngay. Thế là ông lại một mình làm bạn với quyển sách.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #2 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2012, 11:29:46 am »

Được cái lần này ông “kiếm” được khá nhiều sách, gần đầy một va- ly chứ ít ỏi gì. Mà trong số đó có rất nhiều sách quý, dẫu có tiền cũng không thể mua ở đâu được. Gọi là “kiếm” bởi vì số sách này được thu gom từ rất nhiều nguồn, rất nhiều cách. Thực ra, trong số sách trên thì sách mua là không đáng kể. Nguồn đáng kể nhất là sách xin. Thư viện sách nghệ thuật quân sự của bạn quản lý thì không chê vào đâu được. Toàn bộ tài liệu, sách vở hàng ngày trực nhật đến thư viện mượn đem lên lớp cho học viên sử dụng, đến cuối giờ phải thu lại và mang đến trả cho thư viện không được thiếu một trang. Với cách quản lý đó mà muốn “kiếm chác” một cuốn không dễ một tý nào. Thế nhưng không hiểu số học viên đào tạo Việt Nam bằng cách nào đó vẫn có được một số cuốn thuộc loại quý hiếm dùng để làm bảo bối. Khi thấy thủ trưởng ngỏ ý “xin” họ cũng nể lắm nhưng vẫn ngần ngừ. Chỉ đến khi ông tuyên bố: “số sách này sẽ đem về thư viện để sử dụng chung” thì họ mới mở hầu bao ra một cách thoải mái. Nguồn thứ hai và cũng là nguồn chủ yếu đó là từ đội ngũ giáo viên của học viện. Có lúc qua phiên dịch, có lúc tự ông vừa nói, vừa viết để bày tỏ nguyện vọng của mình về việc nhờ các thày giúp đỡ tìm cho một số sách. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng nhưng ai cũng hiểu và thông cảm với ông, họ cũng giúp ông rất nhiệt tình trong phạm vi có thể. Trong đó, người giúp đỡ ông và đoàn học viên Việt Nam nhiều nhất là thiếu tướng Va- xi- li- ép, chủ nhiệm khoa chiến thuật của học viện. Là đại đội trưởng xe tăng trong Thế chiến Hai, lại đã từng làm chuyên gia ở Việt Nam, đã hiểu sâu sắc những khó khăn mà Việt Nam gặp phải trong quá trình xây dựng lực lượng tăng thiết giáp nên ông đã hết sức nhiệt tình giúp đỡ đoàn. Ngoài việc tặng toàn bộ số sách vở ông đã thu thập được trong quá trình công tác ông còn hướng dẫn ông Đào làm đơn đề nghị Ban giám đốc Học viện giúp đỡ một số tài liệu. Không biết ông có tác động gì thêm không nhưng trước khi về nước Học viện đã tặng cho đoàn học viên Việt Nam gần ba chục đầu sách quý cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật. Với đống sách ấy, mười một ngày qua ông Đào chỉ đi ra ngoài những lúc không thể đừng được.
Tuy nhiên, ông cũng biết rằng ngoài những loại tài liệu về kỹ thuật thì số còn lại chỉ mang tính chất tham khảo. Thực tế đã chỉ rõ: đặc điểm địa hình, tình hình địch cũng như công tác bảo đảm cho xe tăng, thiết giáp giữa Việt Nam và Liên Xô có nhiều khác biệt dẫn đến cách đánh cũng khác nhau. Ở cấp phân đội nhỏ cách đánh của Việt Nam đã tỏ ra phù hợp và có hiệu quả, đã được kiểm chứng qua hơn 100 trận đánh từ năm 1968 đến đầu năm 1973. Tuy nhiên, việc sử dụng tăng thiết giáp với quy mô lớn thì ta chưa có kinh nghiệm gì. Ngay cả chiến dịch Quảng Trị 1972, tiếng là có hai trung đoàn tham gia nhưng thực tế vẫn là quy mô phân đội. Thì có gì lạ đâu. Hai trung đoàn tham gia chiến dịch nhưng đều bị xé lẻ ra, mỗi tiểu đoàn đi tăng cường cho một sư đoàn bộ binh. Đến lượt mình các tiểu đoàn lại xé nhỏ ra từng đại đội, mỗi đại đội đi phối thuộc với một trung đoàn bộ binh. Như vậy, về thực chất vẫn là tác chiến cấp phân đội. Và lần đi học này cái mà các ông cần nhất chính là điều đó: sử dụng xe tăng thiết giáp quy mô lớn.
Ông Đào bồi hồi nhớ lại hôm đi tham quan cuộc diễn tập hàng năm của quân khu Mát- xcơ- va mà không khỏi chạnh lòng. Đề mục của cuộc diễn tập là sư đoàn bộ binh cơ giới tiến công trong hành tiến, trong đó có tình huống vượt sông bằng sức mạnh để đánh chiếm mục tiêu ở bờ bên kia một con sông. Về mặt địa hình và tình hình địch ông thấy nó nhang nhác như trận Đông Hà hồi đầu tháng Tư năm 1972. Tuy nhiên, về lực lượng sử dụng thì khác nhau “một trời, một vực”. Mở đầu trận đánh cũng là hỏa lực chuẩn bị nhưng ta thì không thể bì được. Không quân cường kích thì ném bom các mục tiêu trong chiều sâu phòng ngự địch. Pháo tầm xa tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly trung bình. Pháo phản lực, pháo bắn thẳng và trực thăng vũ trang thì tiêu diệt các mục tiêu đầu cầu. Suốt gần một tiếng đồng hồ cả khu chiến mù mịt khói bụi với những tiếng nổ nối nhau liên hồi kỳ trận. Trong khi đó các lực lượng được cơ động từ phía sau cách đó hàng chục ki- lô- mét lên. Đi đầu là một phân đội trinh sát trang bị xe thiết giáp ĐM2. Sau khi tiếp cận bờ sông, đánh giá tình hình phân đội này sẽ thông báo về phía sau tình hình địa hình, tình hình địch và mọi thông tin có liên quan đến cuộc tiến công. Tiếp đó là một tiểu đoàn xe tăng hạng nặng. Vừa đến bờ sông, phân đội đi đầu chiếm địa hình có lợi tham gia tiêu diệt các mục tiêu ở bờ sông bên kia để chi viện cho số còn lại chuẩn bị lội ngầm. Ngay sau đó gần chục xe cao xạ tự hành cơ động tới, chúng nhanh chóng triển khai trận địa để bảo vệ bến vượt. Tiếp theo là các đơn vị xe tăng lội nước và xe chiến đấu của bộ binh. Dưới sự yểm hộ của hỏa lực và sự bảo vệ của những giàn pháo phòng không, các đơn vị này vừa đến là lao ngay xuống sông vừa bơi vừa bắn như đổ đạn vào khu vực bến lên. Ngay sau đó lữ đoàn công binh vượt sông có mặt. Hàng mấy chục chiếc xe tải KRAZ chở theo những chiếc phao lớn lần lượt lùi đến sát mép sông thì thả phao xuống. Các chiến sĩ công binh ở dưới nhanh chóng kết nối các phao lại thành một cái cầu. Một chiếc ca- nô cũng được thả xuống từ ô- tô chạy lại kéo đầu kia của cầu phao sang bờ bên kia. Lúc này các phân đội xe tăng bơi và lội ngầm đã tiếp cận được bờ bên kia. Bộ binh được thả xuống ào lên làm chủ đầu cầu. Đầu bên kia của cầu phao vừa được cố định thì phân đội xe tăng hạng nặng ngay lập tức tiến lên. Đằng sau nó là những đoàn xe chở quân, xe kéo pháo, xe tải các loại… ùn ùn kéo tới. Nhìn thì thấy sướng cả mắt nhưng ông cũng biết rằng với khả năng bảo đảm của Việt Nam, binh chủng mình sẽ chưa thể đánh nhau theo cách đó. Có chăng chỉ là rút tỉa từ đó ra những gì thích hợp nhất để vận dụng mà thôi.
Hôm đó, đoàn cán bộ binh chủng hợp thành của thiếu tướng Nguyễn Hữu Ân đang học tại Học viện Bộ Tổng Tham mưu của bạn cũng đến tham quan. Ngồi cạnh ông Đào, tướng Ân cứ xuýt xoa luôn miệng: “Sướng thật đấy! Đánh thế này thì thằng địch nào chịu nổi”. Rồi ông hỏi luôn miệng: “Xe tăng của mình có đánh được thế kia không?”, “để đánh được như thế cần phải có những điều kiện gì?”… Hai người cứ rủ rỉ trò chuyện suốt buổi tham quan. Cuối cùng tướng Ân nắm thật chặt tay ông, giật mạnh: “Hay thật, ông ạ. Có lấy cơ giới làm chủ thế này mới đẩy nhanh được tốc độ tiến công. Các ông phải nghiên cứu và vận dụng vào thực tế của mình cho sát vào. Tôi tin rồi đến lúc sẽ phải đánh như thế này đấy”. Ông Đào mừng thầm. Như thế là nhận thức của những người chỉ huy binh chủng hợp thành về vai trò của binh khí kỹ thuật đã có nhiều chuyển biến. Mà đối với binh chủng của ông thì đó là điều cực kỳ cần thiết.
Ông Đào phấn khởi là phải. Trong cuộc Hội nghị rút kinh nghiệm các chiến dịch năm 1972 của binh chủng các nguyên nhân thành công và thất bại lại một lần nữa được đem ra mổ xẻ kỹ càng. Một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là hiểu biết về xe tăng của người chỉ huy binh chủng hợp thành còn hạn chế. Chính từ nguyên nhân cơ bản đó đã dẫn đến tình trạng sử dụng không đúng nguyên tắc, không phù hợp với tính năng kỹ chiến thuật của xe tăng, không phát huy được những sở trường và hạn chế được những sở đoản của nó. Dẫn chứng thì nhiều, đầy ra đấy. Nào là việc đưa H02 vào chiến trường quá gấp gáp, khi mà anh em mới huấn luyện được nửa chương trình. Đến khi sử dụng cũng vậy, giao nhiệm vụ cho nó đã gấp rồi lại không có lực lượng bảo đảm gì. Hay như ở An Lộc, có mỗi tiểu đoàn thiếu mà hướng nào, mũi nào cũng muốn có xe tăng thành ra lực lượng bị phân tán, không hỗ trợ được cho nhau… Đã đành ở sở chỉ huy cũng có đại diện xe tăng nhưng qua kinh nghiệm bản thân mình ông Đào biết: người chỉ huy binh chủng hợp thành vẫn là người ra quyết định cuối cùng. Vì vậy, khi thấy đoàn cán bộ binh chủng hợp thành được đi học ở Liên Xô đợt này ông mừng lắm, nhất là khi được nghe câu nói trên thốt ra từ chính miệng người đoàn trưởng.

*

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #3 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2012, 11:30:47 am »

Có tiếng gõ cửa. Ông Đào nhổm dậy. Cửa hé mở, một nhân viên nhà tàu xuất hiện nói nhỏ: “Còn mười phút nữa sẽ chuyển tàu. Các đồng chí chuẩn bị hành lý đi là vừa”. Ông Đào gật đầu cảm ơn rồi quay sang định gọi Kiệm dậy thì đã thấy tham mưu trưởng của mình lồm cồm bò dậy, tỉnh như sáo:
- Thế là sắp về đến nhà rồi!- Anh vươn vai mấy cái rồi quay về phía phó tư lệnh, Kiệm hỏi như rất vô tình- Anh có định về thăm nhà mấy ngày không?
Biết tỏng bụng dạ của anh chàng này ông Đào lạnh lùng:
- Ở nhà chắc đang nhiều việc lắm nên có lẽ ta về thẳng đơn vị đã.
Kiệm giãy nảy lên như đỉa phải vôi:
- Không được! Đi đường xa mệt mỏi thế này phải nghỉ ngơi mấy ngày đã chứ, thủ trưởng.
Ông Đào vẫn làm mặt nghiêm:
- Đi trên toa hạng nhất như thế này thì có gì mà vất vả. Đi như thế này thì có mà đi quanh năm cũng được.
Kiệm tiu nghỉu nét mặt:
- Thì gần một năm bơ sữa cộng sản chủ nghĩa thủ trưởng cũng phải cho anh em chúng tôi xả hơi một tý chứ.
Ông Đào cười, con mắt lành lấp lánh đầy tinh quái:
- Thì cứ nói thẳng ra thế có được không, chứ cứ quanh co với lý do lý trấu nghe khó lọt tai lắm.
Kiệm hý hửng:
- Vậy anh định cho chúng tôi nghỉ mấy ngày?
Ông Đào trở lại vẻ nghiêm nghị thường ngày:
- Còn phải xem tình hình ở nhà thế nào đã mới quyết định được.
Chừng như muốn nài nỉ thêm nhưng khi nhìn thấy vẻ mặt sắt đá của đoàn trưởng, Kiệm đành làm thinh. Ông Đào đã đứng dậy lôi chiếc va li trên ngăn hành lý xuống. Thấy Kiệm vẫn ngồi thần ra, ông giục:
- Thu xếp hành lý đi chứ! Còn ngồi ngẩn ra đấy làm gì?
Kiệm cười:
- Thì có bao nhiêu đâu mà thu xếp, thủ trưởng.
Đúng như vậy thật. Với 80 rúp phụ cấp một tháng thì ăn đã gần hết, lấy đâu ra mà mua nhiều đồ. Vì vậy, hành lý của cả đoàn nhìn chung khá gọn nhẹ. Với ông Đào, ngoài cái va ly đoàn 871 cho mượn và gói sách chỉ có thêm một hộp các tông đựng cái máy khâu cũ. Đây là do ông chiều lòng vợ chứ thực ra ông cũng chẳng thiết tha gì. Đã mấy chục năm nay, bà Hạnh nhà ông chỉ ước ao có được cái máy khâu để may vá cho cả nhà. Con thì đông, lại đang tuổi ăn tuổi lớn. Phiếu vải thì có hạn, mỗi năm không đủ may cho mỗi đứa một bộ quần áo mới. Thế là cứ con chị thải ra thì con em dùng. Tuy nhiên, cũng cần phải sửa sang lại cho nó vừa vặn. Với lại khi quần áo bị rách có cái máy khâu miếng vá nó cũng đẹp hơn. Thật là một mơ ước hết sức giản dị và thiết thực. Vì vậy, gần cuối khóa học ông bảo mấy anh em học viên đào tạo đi mua giúp cái máy khâu. Thấy ông đưa ra 60 rúp họ cười: “Thế này thì chỉ có mua hàng “còm”!”. Ông ngơ ngác: “Sao lại hàng còm. Còm là cái gì?”. Đến lúc nghe bọn họ giải thích ông mới biết “còm” là cách anh em mình nói tắt để chỉ cửa hàng đồ cũ “com- mi- xi- on- nưi”. Đó là nơi mà các lưu học sinh Việt Nam hay đến để mua hàng. Chả thế mà trong hội lưu học sinh Việt Nam hồi đó có câu ca: “Ăn nhanh, đi chậm, hay cười. Hay mua đồ cũ là người Việt Nam”. Kể cũng xót xa thật nhưng biết làm sao. Đất nước còn nghèo, lại đang có chiến tranh. Được đi học nước ngoài, ở chỗ an toàn rồi, lại có tiền mua hàng về thì dẫu có là đồ cũ cũng còn hơn chán vạn đồ bên nhà mình, còn kêu ca gì nữa. Thế là ông gật: “Còm cũng được. Miễn là có cái máy khâu cho bà ấy đạp”. Cũng phải đến hai chủ nhật đi lùng sục họ mới khuân về được cho ông một cái máy khâu cũ của Tiệp Khắc. Nhìn chiếc máy khâu sơn màu sữa còn khá mới, có đủ chân máy, phụ tùng và động cơ điện ông thấy vui lắm. Ít nhất lần này ông đã làm cho bà được toại nguyện.
Kiệm cũng đã lôi đồ đoàn của mình ra sắp trên giường. So với phó tư lệnh Đào thì đồ của Kiệm có vẻ lỉnh kỉnh hơn. Một phần là vì anh mua chiếc xe đạp “cuốc” và mấy cái quạt tai voi nên nó khá cồng kềnh. Một phần cũng vì cái tính dễ dãi nên mấy anh em học viên đào tạo nhờ chuyển giùm ít quà về cho gia đình. Kiệm nhận tất nhưng nhắc đùa: “Các cậu gửi cái gì không ăn được ấy!”.

Từ phía đầu tàu một hồi còi dài vọng lại. Thêm một hồi còi nữa. Con tàu giảm dần tốc độ. Đã thấy những bóng đèn vàng vọt phía ngoài cửa sổ. Bên ngoài hành lang toa tàu đã xuất hiện những bước chân bước vội và tiếng líu ríu gọi nhau.
Tàu dừng hẳn. Kiệm hé mở cánh cửa cúp- pê nhưng rồi đóng sập lại ngay. Ngoài cửa, cả đoàn người tay xách, nách mang đang kẹt cứng. Phó tư lệnh Đào an ủi:
- Thôi! Cứ bình tĩnh. Anh em người ta nhiều đồ, để người ta xuống trước một chút cũng được.
Kiệm không nói gì nhưng có vẻ hơi bực bội, anh quay sang bên kia nâng cánh cửa sổ lên thò đầu nhìn ra ngoài. Dưới ánh đèn nê-on vàng đục, nhà ga BT trông khá là khiêm tốn. Trên sân ga người đông nghịt, í ới tiếng gọi nhau, cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt. Một chiếc xe ba gác chở đầy hàng từ phía cuối đoàn tàu phăm phăm tiến lại. Người kéo xe luôn mồm hô lên những tiếng vô nghĩa. Những người đứng trên đường “ke” vội dạt cả ra.
Hai cậu phiên dịch tỏ ra là những người có kinh nghiệm. Để lại đồ đạc trên tàu cả hai đã chen được qua đám người đông đặc trên hành lang để xuống sân ga. Thò đầu vào cửa sổ một cậu bảo:
- Thủ trưởng đưa va- ly đây, em đỡ xuống cho!
Có vẻ như đây là cách làm tiện lợi nhất. Chỉ một loáng sau toàn bộ đồ đạc của cả đoàn đã chất thành một đống tướng dưới sân ga. Bỏ ra hai bao thuốc lá cộng với vài câu thuyết phục bằng cái giọng Bắc Kinh rất chuẩn của mấy anh em, anh xe ba- gác đã vui lòng chở giúp đống đồ về đến đúng dưới cửa sổ toa tàu mới. Không chỉ thế, anh còn nhiệt tình bốc giúp hàng đưa lên toa. Dưới đôi tay vạm vỡ cuồn cuộn cơ bắp của người đánh xe, mấy cái va- ly nặng trịch chỉ còn như một thứ đồ chơi nhẹ bẫng. Cũng như lúc đưa hàng xuống, chỉ vài phút đồ đạc của cả đoàn đã lên hết toa. Tuy nhiên, việc tìm chỗ để cho số hàng hóa này không dễ chút nào. Toa khách của đoàn tàu liên vận Việt Nam vẫn chẳng khác toa khách tàu chợ là bao. Không có cúp- pê riêng, không giường nằm. Vẫn là hai hàng ghế ngồi như tàu chợ, khác chăng chỉ ở chỗ các ghế ngồi được bọc da và phủ vải trắng. Giá để hành lý vừa nhỏ, vừa thấp nên đồ đạc đành phải tống vào gầm ghế và để ở khoảng giữa hai chiếc ghế. Một chân co trên ghế, một chân duỗi đặt hờ trên cái va- ly, tham mưu trưởng Kiệm ngao ngán lắc đầu:
- Thế này thì ngủ làm sao được?
Ông Đào nhấp nháy con mắt lành:
- Gớm! Ngáy thi với tàu suốt đêm rồi lại còn đòi ngủ nữa cơ à- Ông nghiêng cổ tay nhìn đồng hồ- Mà cũng gần sáng rồi còn gì! Cũng may mà bây giờ lại được chạy ban ngày.
Con tàu kéo một hồi còi dài rồi lịch kịch dồn toa. Vài giây sau nó giật mạnh một cái rồi tăng dần tốc độ. Đằng đông, những tia nắng đầu tiên của một ngày mới đã ửng lên.

*
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #4 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2012, 08:30:49 am »

Cũng vào lúc đó một chiếc xe con từ trung đoàn bộ H03 chạy đến sân “chiêu đãi sở” thì dừng lại. Người lái xe tắt máy rồi nhảy xuống kiểm tra một lần nữa tình hình xe cộ. Từ trong chiêu đãi sở Nhã chạy vội ra. Anh bắt tay người lái xe rồi ân cần:
- Anh chờ cho một chút. Gớm, các bà ấy chia tay nhau lâu quá.
Người lái xe cười thông cảm:
- Không sao, anh ạ. Cứ để chị ấy thoải mái. Còn sớm mà.
Nhã lật đật quay vào. Anh định nói gì đó nhưng lại thôi và đứng im nhìn vợ và mấy chị em cùng cảnh tíu tít bên nhau.
“Chiêu đãi sở” của Lữ đoàn H03 là một ngôi nhà sáu gian nằm hẻo lánh ở chân quả đồi đặt sở chỉ huy lữ đoàn. Từ sau khi hiệp định Pa- ri được ký kết, trừ tiểu đoàn 397 đang chốt ở Cửa Việt còn đại bộ phận của lữ đoàn co về khu vực Cam Lộ. Xác định sẽ gắn bó lâu dài với vùng đất Quảng Trị này nên ban chỉ huy lữ đoàn đã tổ chức cho bộ đội lao động xây dựng đầy đủ doanh trại, nhà xe và các công trình phục vụ sinh hoạt của bộ đội. Cũng từ đó các cuộc giao tranh chỉ diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là một vài vụ lấn chiếm mở rộng vùng kiểm soát của hai bên nên không khí chiến trường tương đối bình lặng. Đã có một số cán bộ chiến sĩ được về phép và ngược lại, một số vợ con các cán bộ, chiến sĩ đã lặn lội vượt đường xa vào thăm chồng. Không thể để gia đình cán bộ, chiến sĩ cứ tá túc tạm bợ ngoài nhà dân hoặc ở tạm trong doanh trại, Ban chỉ huy lữ đoàn đã quyết định phải xây dựng nên cái “chiêu đãi sở” này. Tên gọi chính thức của nó là như vậy nhưng đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ thì tếu táo gọi đó là “trận địa cối”. Một số khác thì gọi chệch đi là “chiêu đãi khổ” vì cái sự thiếu thốn và hoang tàn của nó. Tuy vậy, từ ngày xây dựng lên lúc nào nó cũng đông khách. Có những chị vào đây “chốt” luôn ba, bốn tháng với quyết tâm phải có cho bằng được “tý gì” mới chịu về. Hiền cũng là một vị khách như thế. Cô cũng đã ở trong này được hơn ba tháng. Vào được hai tháng thì “có kết quả” nhưng cô quyết định ở lại thêm một tháng nữa cho chắc ăn. Biết sắp tới có xe ra đón lữ đoàn trưởng đi họp về, Nhã đã xin cho vợ đi nhờ xe về nhà. Chính ủy Bùi Văn đồng ý ngay tắp lự, anh lại còn đích thân giao nhiệm vụ cho cậu lái xe: “Phải đưa cô ấy về tận nhà rồi hãy sang đón lữ đoàn trưởng- Anh còn nhấn mạnh- Chạy cẩn thận vào đấy, nhớ là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối”. Vì thế, mới tờ mờ sáng hôm nay chiếc xe con của trung đoàn đã có mặt tại sân “chiêu đãi sở”.
Trong nhà, Hiền đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Cô đang chia tay các gia đình “hàng xóm”. Tứ xứ về đây, ở với nhau chưa được bao lâu nhưng anh chị em đã thân thiết với nhau như ruột thịt. Thì cùng cảnh “đất khách, quê người”, lại cùng có hoàn cảnh na ná như nhau nên dễ thông cảm với nhau cũng là thường. Tuy là sáu gia đình, sáu bếp ăn riêng nhưng có cái gì tươi, ngon một chút là họ lại gọi nhau sang mà lấy về tẩm bổ cho chồng. Với cái nết hay lam, hay làm của người phụ nữ Việt Nam, lại có thời gian nên chị em họ đã mang lại một sức sống mới cho khu nhà “chiêu đãi khổ”. Khu đất hoang dưới chân đồi đã biến thành mấy luống rau lúc nào cũng xanh tốt. Những giàn bí, giàn đậu xanh um, quả lúc lỉu. Mấy cái hòm gỗ ngâm giá đỗ xếp dọc hiên nhà. Một đàn gà đông đúc dễ đến vài chục con lớn, bé cung cấp đủ trứng và một phần thịt cho những bữa ăn. Hàng ngày, trong lúc chồng vào đơn vị mấy chị em vừa chăm bón vườn rau, chăm sóc đàn gà… vừa buôn đủ thứ chuyện. Trong đó câu chuyện được mọi người quan tâm nhất là kinh nghiệm “tẩm bổ” cho chồng và cách thức để có được “tý gì”. Thế mà hôm nay Hiền lại phải chia tay những người chị em thân thiết ấy của mình.
Thực ra Hiền cũng mới chỉ ở “chiêu đãi sở” này được hơn một tháng. Chả là sau Hiệp định Pa- ri một thời gian thì Nhã được đi phép. Chuyến phép tròn một tháng ấy làm cả gia đình chứa chan hy vọng. Nhưng Nhã đi rồi, đến kỳ Hiền vẫn thấy ươn mình. Cô thì cũng không nóng ruột cho lắm nhưng mẹ Nhã thì không thế. Hiệp định đã ký kết từ lâu mà anh con cả vẫn “bặt vô âm tín” nên bà biết chẳng còn hy vọng gì nhiều. Linh cảm của một người mẹ mách bà phải có những biện pháp quyết liệt hơn. Vì vậy, ngay sau khi thu hoạch xong vụ chiêm năm vừa rồi bà gọi người đến bán tất cả lợn, gà trong chuồng được hơn trăm đồng bạc. Hiền còn đang ngạc nhiên không hiểu mẹ chồng mình định làm gì thì bà bảo: “Chị bỏ hết công việc lại đấy cho tôi. Còn chị thu xếp vào với anh ấy đi!”. Bà còn moi từ trong gấu áo ra đôi hoa tai “gia bảo” hai đồng cân đưa cho Hiền: “Muốn đi bao lâu cũng được nhưng lần này về tôi phải có cháu bế”. Vừa may, đợt ấy có anh Cường cùng quê đi phép ra, bà lôi Hiền đến tận nhà anh nhờ anh đưa vào Quảng Trị giúp. Thông cảm nỗi lòng của mẹ chồng, bản thân mình thì cũng đã có lúc nghĩ đến cảnh côi cút sau này nên Hiền hoàn toàn đồng ý với bà. Cô dồn dịch, vay mượn bạn bè được thêm gần hai trăm đồng nữa dằn túi để lên đường.
Khi Hiền vào đến nơi thì Nhã vẫn ở nam Cửa Việt. Trong trận đánh địch lấn chiếm hôm 30 tháng Giêng năm 1973, đại đội của Nhã mặc dù chỉ có một xe sang sông được nhưng đã bắn cháy 3 xe M48 và cùng các đơn vị bạn tiêu diệt gọn ba cụm địch đang co cụm trên bãi biển ở Vĩnh Hòa Phường, đẩy chúng về lại vị trí trước khi hiệp định Pa- ri có hiệu lực. Từ hôm đó, đại đội của Nhã nằm lại luôn ở bờ nam sông Cửa Việt để hỗ trợ cho bộ binh bảo vệ vùng giải phóng. Hai đại đội còn lại vẫn bố trí bên bờ bắc để sẵn sàng chi viện. Nhã được bổ nhiệm tiểu đoàn phó nhưng anh vẫn nằm ở bờ nam cùng đại đội cũ của mình. Sở chỉ huy phía trước của tiểu đoàn đặt ở điểm cao 12. Mọi việc hậu cần nấu nướng thì nhờ nhà mẹ Thảnh, ngôi nhà của người mẹ độc thân ngay đầu thôn Phó Hội. Hoàn cảnh của mẹ cũng khá đặc biệt, có hai đứa con trai thì đứa lớn theo cha tập kết ra Bắc, đứa bé ở nhà với mẹ vừa mới đến tuổi thành niên thì bị bắt đi lính Sài Gòn. Mẹ chẳng biết làm thế nào, chỉ biết suốt ngày đêm cầu trời khấn Phật cho anh em chúng đừng có bắn giết lẫn nhau. Dạo còn đang chiến tranh, mẹ cũng bị lùa vào trại tập trung Gia Đẳng. Khi ta giải phóng Cửa Việt là mẹ về nhà mình ngay. Mẹ bảo: “Phải viền nhà miềng chứ! Có chết cũng phải chết ở đây để các con chúng còn biết chỗ mà tìm?”. Thấy mẹ tuổi đã cao, lại vò võ một mình, Nhã bảo anh em vào đó nấu cơm rồi mời mẹ cùng ăn. Không ngờ chính mẹ lại trở thành người quản lý kiêm tiếp phẩm, kiêm cả nuôi quân hết sức chặt chẽ và hiệu quả cho cái bếp “dê bộ” của anh em Nhã. Thực phẩm hồi này không đến nối thiếu thốn cho lắm. Thịt hộp trên cấp đủ tiêu chuẩn. Cánh đại đội 1 lại cắt cử người đi đánh cá đêm với bà con trong thôn nên hôm nào cũng được chia mấy ký cá tươi, đem chi viện “dê bộ” một, hai con. Chỉ thiếu rau. Nhưng chuyện đó với một bà mẹ nghèo đã từng sống ở mảnh đất này gần suốt cuộc đời thì lại quá ư đơn giản. Ngày mới về mẹ cứ lầm lũi nhặt nhạnh góc vườn, bờ tre, chân tường… một lúc là đủ nồi canh. Sau rồi mẹ bảo mấy cậu lính trẻ vỡ hộ đám đất sau nhà rồi rào dậu lại, chỉ nhãng đi chừng nửa tháng đã thấy có rau ăn. Nhã đưa cho mẹ ít tiền nhờ mẹ mua hộ mấy mái gà. Thế là thỉnh thoảng lại có bữa trứng tráng. Cánh lính trẻ yêu quý mẹ thật sự. Lúc rỗi rãi họ đi nhặt nhạnh tôn, ghi, ống cống và đủ thứ táp nham về củng cố ngôi nhà xiêu vẹo và làm cho mẹ một căn hầm vững chãi vào loại nhất. Có vẻ như sự có mặt của anh em Nhã đã làm mẹ tạm quên đi những đứa con đang xa biền biệt của mình. 
Hiền vào không báo trước nên lúc thấy cô bất ngờ xuất hiện trước mặt mình, Nhã đứng ngây ra như trời trồng. Anh như không tin vào mắt mình nữa, còn trong bụng thì rối tinh cả lên vì không biết sẽ xử trí ra làm sao. Dù sao đây vẫn là chiến trường. Chỉ cần đứng lên đỉnh điểm cao 12 kia là nhìn rõ mồn một những tên lính ngụy, những lá cờ ba sọc và ngôi nhà “hòa hợp” của bọn chúng. Ban ngày thì lính tráng hai bên chiến tuyến nói chuyện với nhau bình thường đấy nhưng có khi đêm đến lại choảng nhau chí tử không biết chừng. Vì vậy, đơn vị lúc nào cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Mấy chiếc xe tăng nằm trong hầm trông hiền lành thế kia nhưng lúc nào đạn cũng lên nòng rồi đấy chứ chơi đâu. Thế mà vợ tiểu đoàn phó- người chỉ huy cao nhất của đơn vị ở bờ nam Cửa Việt lại vào đây thì chỉ huy bộ đội thế nào, rồi ăn ở ra làm sao.
Nhìn cái mặt thộn ra của Nhã, chính trị viên phó tiểu đoàn Cường cười lớn: “Quê cứ yên tâm đi. Trước khi đưa cô ấy xuống đây tớ đã qua lữ đoàn báo cáo các thủ trưởng rồi. Các cụ đã không có ý kiến gì lại còn động viên cô ấy xuống đây cho khỏe. Như là đi nghỉ ở Đồ Sơn rồi còn gì”. Mẹ Thảnh thì nhanh nhảu: “Có mỗi mình mẹ lủi thủi, buồn lắm. Bây chừ có con vô đây thì vui quá trời. Nhà đấy, hai đứa cứ tự nhiên. Mẹ ra hầm ngủ, đêm có động dạng gì đỡ phải chạy”. Cũng chẳng còn cách nào khác, Nhã đành phải chấp nhận như một sự đã rồi.

*
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #5 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2012, 08:31:45 am »

Không biết tại vì “gái phải hơi trai…” hay vì không khí trong lành của miền ven biển, tư tưởng lại thoải mái, ăn uống thì khá đầy đủ lại được sự chăm sóc hết lòng của mẹ Thảnh mà Hiền mỡ màng lên trông thấy. Mới chỉ nửa tháng mà những vệt rám trên má mờ dần đi nhường cho sắc hồng trở lại như có thuốc tiên. Những nếp nhăn ly ty nơi đuôi mắt hình như cũng giãn cả ra. Suối tóc dài có phần xơ xác nay như được hồi sinh trở nên óng ả như hồi còn con gái. Hôm cô lên thăm anh em ở chốt tiền tiêu, bọn ngụy bên kia ranh giới trông thấy cứ gào lên như phát rồ: “Ui chao! Thiên nga Việt Cộng xinh quá! Hôm nay có biểu diễn gì không em?”. Nhưng đúng là “tốt mái, hại sống”. Trong khi Hiền cứ phây phây lên sau từng ngày thì Nhã lại có phần uể oải tợn, lúc nào cũng như người thiếu ngủ.
Hôm chính ủy Văn xuống kiểm tra đơn vị, nhìn thấy Nhã anh lắc đầu. Cuối buổi kiểm tra anh gọi Nhã ra riêng một chỗ ngồi nói chuyện. Vỗ vai Nhã thân mật như với cậu em út, Văn ý nhị: “Cậu chỉ huy đánh trận mãi rồi nhưng hình như quên mất nguyên tắc sử dụng lực lượng của binh chủng mình thì phải. Tớ nhắc cho mà nhớ này: tập trung lực lượng trên hướng chủ yếu, vào mục tiêu chủ yếu và vào thời cơ quyết định”. Lúi húi vẽ viết gì đó vào cuốn sổ tay rồi xé ra một tờ đưa cho Nhã, anh hạ giọng: “Về bảo cô ấy xem cái này rồi tính toán xem hôm nào là thời cơ quyết định. Tớ nhắc lại một lần nữa: hãy tập trung lực lượng vào thời cơ quyết định mới thành công được”. Cầm tờ giấy có vẽ cái vòng tròn và mấy con số Nhã chẳng hiểu gì nhưng cũng cứ đưa cho Hiền. Hiền cầm tờ giấy xem xong mặt cứ đỏ lựng lên rồi mủm mỉm cười: “Tuần này anh cứ lên sở chỉ huy mà trực, em ở nhà với mẹ Thảnh cũng được”. Nhã chẳng hiểu gì, tưởng vợ giận nhưng gặng mãi cô chỉ cười.  Thấy anh bỏ lên điểm cao 12 ngủ, anh em ai cũng thắc mắc. Còn Nhã cứ im như thóc vì cũng chẳng biết giải thích với mọi người thế nào. Ấy thế mà thành công thật. Tháng tiếp theo thì Hiền bị “chậm”. Cô đợi mấy ngày cho chắc chắn mới âu yếm thông báo với chồng: “Lần này có lẽ được rồi, anh ạ!”. Nhã lặng im ghì chặt vợ vào lòng, mãi sau anh mới thốt ra được một câu: “Chúng ta mang ơn mảnh đất này, mang ơn mẹ Thảnh, chính ủy Văn và tất cả mọi người nhiều quá. Sau này, dù là con trai hay con gái em hãy đặt tên con là Việt nhé. Việt là Cửa Việt mà cũng là đất nước Việt Nam này”. Ngay sau hôm đó tiểu đoàn 397 được lệnh rút về khu vực tập trung của lữ đoàn. Hiền quyết định ở lại thêm một tháng nữa cho chắc ăn và thế là cô trở thành cư dân thứ sáu của cái “chiêu đãi sở” này hơn một tháng qua.
Màn chia tay trong nhà đã vãn vãn. Gớm, mới có một tháng mà cứ như chị em ruột thịt trong nhà. Hiền đứng lên bịn rịn chào từ biệt mọi người. Nhưng rồi tất cả cùng kéo nhau ra tận xe để tiễn chân cô. Đồ đạc cũng chẳng có gì nhiều, ngoài cái túi du lịch đựng quần áo chỉ có thêm một bọc cá khô để dành từ hồi còn ở Cửa Việt. Có lẽ những gì vợ chồng cần nói với nhau đã nói hết nên bây giờ cả hai chỉ nói chuyện với mọi người. Chính trị viên phó Cường cũng ra tiễn vợ bạn, anh thật sự vui mừng vì chuyến đi của Hiền đã có kết quả. Nhớ lại ánh mắt mẹ Nhã hôm đưa Hiền lên nhà mình mà anh nôn nao. Chuyến này chắc người vui mừng nhất chính là bà cụ.
Hiền đã ngồi lên chiếc ghế bên phải lái xe. Nhã đóng cửa lại rồi đi vòng qua đầu xe sang bên cạnh đồng chí lái xe, anh đưa cậu ta bao thuốc Điện Biên bao bạc:
- Cầm lấy hút cho tỉnh này. Cho tớ cảm ơn trước nhé!
Đồng chí lái xe tươi cười, nhỏ nhẹ:
- Có gì đâu mà, anh!- Anh hơi cao giọng- Thôi, xin phép mọi người cho chúng tôi lên đường cho sớm.
Người lái xe nổ máy, Hiền vội giật giọng:
- Thỉnh thoảng anh phải xuống thăm mẹ Thảnh đấy! Nhớ chưa?
Nhã cười hiền hậu:
- Nhớ rồi! Thôi, đi đi cho sớm.
Chiếc xe từ từ chuyển bánh. Những cánh tay rối rít vẫy chào. Nhã đứng nhìn theo chiếc xe đang đi xa dần trong ánh ban mai bàng bạc, mắt anh chứa chan niềm hy vọng.

   
*
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #6 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2012, 08:32:39 am »

Vào lúc đó, đoàn tàu liên vận quốc tế BT- Hà Nội đã qua biên giới Trung- Việt. Trời đã sáng hẳn. Mới xa nhà có sáu tháng nhưng cả đoàn cán bộ của binh chủng Thiết giáp ai cũng hào hứng xúm quanh cửa sổ để ngắm nhìn cảnh vật và thi nhau bình phẩm. Đối với họ, tuyến đường sắt này chẳng có gì xa lạ cho lắm. Hầu hết thành viên trong đoàn đã đi học nước ngoài bằng con đường này. Chuyến tàu đầu tiên chở trung đoàn H02 về nước cũng trên con đường này. Thế rồi, suốt những năm chống Mỹ nhiều người trong số họ đã xuôi ngược trên chính con đường này để tiếp nhận hàng viện trợ. Tuy nhiên, có điều khác biệt là hồi ấy chủ yếu đi đêm. Còn hôm nay, họ được đi giữa ban ngày. Không còn nơm nớp lo những trận oanh tạc của máy bay Mỹ dội xuống đầu bất cứ lúc nào. Nhìn những rặng núi trùng điệp trải dài xen lẫn những cánh ruộng bậc thang hai bên đường, chủ nhiệm kỹ thuật Nhẫn cứ xuýt xoa:
- Đẹp quá, các anh nhỉ! Chả bù cho dạo xưa đi nhận xe toàn đi đêm, chỉ thấy hai bên đen kịt.
Trưởng ban tác chiến Phùng thì trầm tư:
- Anh có nhớ hôm anh em mình lên nhận xe đợt đầu năm 67 không. Đúng cái hôm nó đánh sập cái cầu gì ấy. Hôm ấy mà lái tàu không phanh nhanh thì cả đoàn tàu và mấy chục cái xe tăng lao hết xuống sông nhỉ.
Chủ nhiệm Nhẫn gật gù:
- À! Cầu Kỳ Lừa thì phải. May thật- Rồi anh tươi tỉnh- Sắp đến cầu ấy rồi đấy. Mà sao tàu đi chậm thế nhỉ?
Tham mưu trưởng Kiệm vẫn chân co, chân duỗi trên ghế tỏ ra bức xúc:
- Chẳng hiểu các ông đường sắt nhà mình làm ăn kiểu gì? Hòa bình đã được mấy năm rồi mà chẳng chịu củng cố đường sá, nâng cấp toa tàu. Tàu liên vận gì mà cứ như tàu chợ ấy!
Ông Đào hơi cau mặt:
- Các cậu đừng có nói quá lên như vậy. Gọi là hòa bình thôi chứ thực ra đã phải là hòa bình thực sự đâu. Cả nước vẫn phải dồn sức cho miền Nam đấy chứ.
Nói vậy nhưng trong bụng ông cũng thấy bùi ngùi. Nhìn dọc theo cái toa tàu ngổn ngang hàng hóa ông thấy Kiệm nói cũng đúng: tàu liên vận quốc tế mà chẳng khác gì tàu chợ. Cũng hai hàng ghế ngang, tuy được bọc da nhưng đầy vết bẩn và chữ viết linh tinh. Nào là “kỷ niệm xa quê”, nào là “H. yêu T.”. Cũng cái giá hành lý trên đầu hẹp vanh vanh, chỉ để được cái cặp nhỏ. Buồng vệ sinh thì phải đổi tên là buồng “mất vệ sinh” mới đúng. So với những đoàn tàu liên vận quốc tế mà đoàn các ông vừa được đi thì đúng là “một trời, một vực”. Ông chợt nhớ lại cái cảm giác hôm lần đầu tiên được xuống tàu điện ngầm ở Mát- xcơ- va. Thật sự là hôm đó ông đã bị “ngợp”. Ngồi trên tàu suốt mấy tiếng đồng hồ ông đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thật là kỳ vĩ. Thật là đẹp đẽ. Thật là tiện lợi, văn minh. Ông cứ lẩn thẩn tự hỏi không biết có bao nhiêu triệu khối đất đá đã được đào lên và mang đi? Không biết có bao nhiêu triệu mét khối bê tông đã được đổ xuống? Hơn hai trăm ki- lô- mét đường tàu xuyên trong lòng đất, chui qua cả đáy sông đâu phải chuyện nhỏ. Mà sao đẹp thế. Mỗi một ga mê- trô thực sự là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang tính lịch sử và cũng đậm nét văn hóa Nga. Những bức họa khổng lồ trên trần ga, các pho tượng, biểu tượng, hoa văn… đầy tính mỹ thuật, đan xen giữa cổ kính với hiện đại hết sức hài hòa. Đứng trong một ga mê- trô mà cứ có cảm tưởng đang đứng trong một bảo tàng lịch sử hay bảo tàng nghệ thuật. Còn hệ thống cầu thang và các chỉ dẫn cùng hết chỗ chê. Chỉ cần bập bẹ vài từ tiếng Nga là có thể tự mình đi lại được mà không sợ lạc. Từ chỗ ngợp ông đã chuyển sang buồn thật sự với câu hỏi: “Biết bao giờ dân mình mới được như vậy?”.
Tàu đang qua cầu Kỳ Lừa. Cây cầu đã được sửa sang nhưng chắc là chưa thật vững chãi nên con tàu bò qua chậm như sên. Con sông Kỳ Cùng mùa nước cạn trơ ra cái đáy lô nhô đá cuội. Hai bên bờ sông những hố bom chưa kịp lấp vẫn nham nhở như những vết lở loét trên thân thể một con bệnh nặng. Nhiều ngôi nhà đổ vẫn chưa được dựng lại. Đúng là đã có hơn một năm yên hàn nhưng dường như miền Bắc vẫn chưa xây dựng được gì nhiều. Vẫn còn đó một miền  Nam đang kêu gọi giải phóng. Tất cả vẫn phải dành cho tiền tuyến. Chỉ có thống nhất, độc lập rồi mới có hòa bình thực sự, mới có thể nghĩ đến việc xây dựng và làm giàu. Ông lim dim mắt thầm nhẩm lại lời kêu gọi ngày 17 tháng 7 năm 1966 của Hồ Chủ tịch.
Mấy anh em trong đoàn vẫn xúm quanh cửa sổ nhìn ngắm đất trời. Chỉ những hố bom chi chít hai bên đầu cầu chủ nhiệm kỹ thuật Nhẫn khẳng định:
- Này! Hồi xưa bọn Mỹ nó cũng tốn khá nhiều bom đạn với cái cầu này đấy nhỉ.
Chưa ai kịp trả lời thì tham mưu trưởng Kiệm đã lên tiếng:
- Tớ đố các cậu bây giờ mà đi đánh nhau thì sướng nhất là cái gì?
Chủ nhiệm chính trị Bổn cười tít mắt:
- Cái gì mà chả sướng hơn hồi trước hả anh!
Chủ nhiệm kỹ thuật Nhẫn thì trầm tư:
- Đúng là sướng hơn nhiều thật, xe cộ chạy ban ngày, lương thực thực phẩm, vật tư khí tài đầy đủ.
Trưởng ban tác chiến Phùng thì quả quyết:
- Theo tôi sướng nhất là không lo bị máy bay nó “cù” cho nữa!
Ông Đào vẫn phóng tầm mắt ra ngoài ngắm nhìn cảnh vật nhưng tai vẫn lắng nghe câu chuyện. Công nhận ý kiến của cậu Phùng này chính xác. Cứ nhớ lại những trận đánh ở điểm cao 543, trận vượt sông đánh Đông Hà của H02 rồi trận An Lộc ở B2 mà ông đắng cả lòng. Tham mưu trưởng Kiệm thì vỗ tay đen đét: 
- Đúng thế! Bây giờ thì thằng thầy nó cút rồi, còn mỗi thằng tớ lấy đâu ra máy bay mà đánh nhau với mình như trước nữa. Vì vậy đi đánh nhau bây giờ sướng nhất là không lo máy bay nó săn nữa.
Ông Đào nhăn mặt: “đúng thì đúng thật nhưng không được bốc đồng, chủ quan thế này”. Vẫn lim dim mắt ông nói nhỏ:
- Các cậu đừng vội mừng thế. Theo đánh giá của giới quân sự nước ngoài thì thằng ngụy Sài Gòn có lực lượng không quân chiến thuật mạnh thứ ba thế giới đấy.
Kiệm mạnh dạn:
- Thủ trưởng ơi! Nói về số lượng thì đúng thế thật. Còn nếu nói về sức mạnh thì còn nhiều yếu tố khác chi phối lắm. Tôi dám lấy đầu của mình ra mà “cá” là nhất định nó không thể làm chủ bầu trời như trước kia nữa.
Chủ nhiệm chính trị Bổn quay lại góp chuyện:
- Tôi cũng nghĩ vậy. Nhất là bây giờ ta lại đang thành lập các binh đoàn chủ lực, trong đó có đủ các thành phần của lục quân nên chắc chắn khả năng bảo đảm mọi mặt, trong đó có bảo đảm phòng không cũng sẽ tốt hơn.
Chủ nhiệm kỹ thuật Nhẫn thì lo xa:
- Cũng chẳng biết có hơn gì không? Quân đông, trang bị lắm mà chỉ huy không nắm chắc, hiệp đồng không chặt chẽ, bảo đảm không đầy đủ, kịp thời… thì chắc gì đã hơn. Nhất là lại chuyện con đẻ, con nuôi nữa. Người ta có quan tâm đến mình hay không chứ?
Ông Đào định tham gia vào câu chuyện nhưng rồi lại nhắm mắt ngồi yên như đang tham thiền. Chủ trương thành lập các binh đoàn chủ lực của trên ông đã biết từ lâu và cấp trên đã bắt đầu thực hiện. Ngay sau khi các ông đi học chừng hai tháng thì Bộ đã ra quyết định thành lập Binh đoàn Quyết Chiến. Tiếp đó là nâng cấp trung đoàn bộ binh cơ giới H02 thành lữ đoàn tăng thiết giáp H02 và điều chuyển về trực thuộc binh đoàn này. Rồi mới đây binh đoàn Sông Hương đã được thành lập, trong đó có lữ đoàn xe tăng H03. Ngay tại chiến trường miền Đông đầy khó khăn, gian khổ binh đoàn Mê Kông cũng đã ra đời. Tất nhiên, lúc ban đầu sẽ có những khó khăn như Nhẫn vừa nói song có thể nói đó là một chủ trương đúng đắn và hết sức cấp bách trong điều kiện hiện nay. Thế và lực của ta cũng như địch đều đã đổi khác. Để đi đến thắng lợi cuối cùng cần có những đòn đánh quyết định với quy mô lớn, tiêu diệt gọn từng mảng cỡ quân khu, quân đoàn, vùng chiến thuật của địch. Vì vậy sự ra đời của các binh đoàn chủ lực là một tất yếu. Nhưng đúng là khối anh em các binh chủng sẽ có tư tưởng không “thoải mái”. Họ cho rằng mình còn ở với binh chủng thì là “con đẻ”, còn nhập vào với các binh đoàn thì kiểu gì cũng chỉ là “con nuôi”. Mà thói thường, ai lại quan tâm đến “con nuôi” hơn “con đẻ” được. Ông cho rằng một mặt cần đả thông tư tưởng cho anh em. Mặt khác cũng phải có cơ chế làm việc thế nào đó để tình trạng “con nuôi”, “con đẻ” không xảy ra. Tốt nhất là phải xây dựng cơ quan chủ nhiệm tăng thiết giáp tại đó đủ mạnh, đủ tầm. Có như vậy họ mới đủ khả năng vừa làm tham mưu tốt cho thủ trưởng binh đoàn về sử dụng xe tăng, vừa làm cầu nối liên kết giữa binh đoàn với binh chủng.

   
*
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #7 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2012, 08:33:25 am »

Cái chuyện “con đẻ, con nuôi” thì chắc chỉ có các thủ trưởng cấp trên quan tâm, chứ như cánh cán bộ cấp đại đội của mấy anh em Hòa đen thì họ chẳng để ý gì đến. Có chăng thì chỉ thấy vất vả hơn mà thôi. Thì đấy! Từ Quảng Trị ra Kỳ Anh, tiếng là ra an dưỡng và củng cố nhưng rồi thằng nào thằng nấy phải cày thật lực. Thôi thì đủ thứ việc: vừa sửa chữa xe pháo, vừa xây dựng doanh trại, lại vừa phải tiếp nhận và huấn luyện quân mới bổ sung… Doanh trại vừa đâu vào đấy, chưa kịp nằm thử cái nhà của mình làm ra xem cảm giác thế nào thì nâng cấp lên lữ đoàn rồi được chuyển về binh đoàn Quyết Chiến. Thày trò lại một phen cơ động ra Thanh Hóa cho gần với đội hình binh đoàn. Thế là mọi thứ lại phải làm lại từ đầu. Mà sao cái xứ này nghèo đến thế không biết, chỉ thấy cát là nhiều. Miền đất mà chính người dân ở đây đã tự trào: “Khu Bốn đẩy ra, Khu Ba đẩy vào, Bàn giao cho Lào thì Lào không nhận…” là đây. Bên đông đường Một thì cát ngút ngát tầm mắt ra tận biển, chẳng thấy trồng cấy được gì. Sang tây đường Một thì cũng lại cát nhưng còn có ít đất trồng lúa, trồng khoai. Nhưng cũng chỉ leo pheo một tý đó thôi đã thấy vào đến chân núi rồi. Mà núi thì cũng trọc lông lốc toàn đá là đá chứ cũng chẳng thấy có cây cối gì. Giữa cái vùng toàn đá với cát ấy mà lại quy định trong vòng hai tháng phải hoàn chỉnh doanh trại trong khi không có một đồng kinh phí rót xuống thì có bằng đánh đố nhau. Ấy! Kêu thì cứ kêu nhưng rồi làm thì vẫn phải làm. Lại vẫn là cách từ xưa truyền lại thôi: dựa vào dân. Nhưng khổ một nỗi là dân ở đây nghèo quá nên có muốn dựa cũng khó.
Túng thì phải tính. Thôi thì đủ kiểu. Cái lợp thì chịu khó đi bộ mãi sâu vào phía sau những dãy núi cũng cắt được cỏ tranh. Cứ hai ngày cả đi lẫn về mỗi người được một gánh, dỡ ra tuốt lại đánh cũng được dăm phên. Khó nhất là cái khoản cột, kèo rồi đòn tay các loại. Gỗ thì chịu hẳn rồi vì trong bán kính mấy chục cây số chẳng thấy có rừng. Còn tre thì cũng xơ xác lắm, hàng bao nhiêu đơn vị bộ đội đã “càn đi, quét lại” còn gì. Thế là “võ” các loại được dở ra. Nào là cho bộ đội cắt gạo buổi trưa, đem vào dân nấu nhờ rồi vừa làm giúp, vừa xin xỏ. Rồi thì chỉ đạo chi đoàn tổ chức kết nghĩa với đoàn thanh niên địa phương. Rồi thì đơn vị kết nghĩa với các trường học. Rồi thì ban chỉ huy đại đội trực tiếp làm việc với ban chủ nhiệm hợp tác xã, đổi công lấy vật liệu v.v… Tất cả không nằm ngoài cái mục tiêu hoàn thành doanh trại sau hai tháng.
Thế mà rồi cũng xong. Đẹp thì không đẹp cho lắm nhưng cũng đủ cả kèo cột, vách nhứng … và vững chãi ra phết. Thế mới biết lính mình tài thật! Bây giờ thì đã đến lúc tập trung cho việc huấn luyện. Toàn trung đoàn lại vừa nhận một đợt lính mới nhập ngũ cuối năm 73. Nghe nói ngoài việc thành lập Trường sĩ quan Thiết giáp thì Bộ cũng đã cho phép chuyển trung đoàn H07 thành một trung tâm đào tạo thành viên kíp xe. Ai cũng hy vọng từ nay chất lượng thành viên kíp xe sẽ tốt hơn.
Doanh trại xây dựng xong cũng là lúc Hòa đen chính thức được bổ nhiệm chức vụ đại đội trưởng. Được lên chức Hòa cũng chỉ cười nhẹ vì thực ra thì anh đã thực sự làm đại đội trưởng từ hàng năm nay rồi. Kinh nghiệm huấn luyện đã có, bộ đội được đào tạo cơ bản ở nhà trường, lại được một số anh em cũ như lái xe Thu, pháo thủ Dịp… làm nòng cốt nên công tác huấn luyện cũng khá thuận lợi. Sau ba tháng tổ chức huấn luyện đại đội của Hòa dẫn đầu lữ đoàn về tất cả các chỉ tiêu. Có vẻ như mọi cái đều rất khả quan. Ấy thế mà khuôn mặt người đại đội trưởng trẻ tuổi này lúc nào cũng có vẻ suy tư, buồn buồn trái hẳn với bản tính trẻ trung, sôi nổi của anh. Đã ở với nhau khá lâu nên lái xe Thu rất hiểu tính nết người chỉ huy của mình nên cậu ta hỏi thẳng:
- Em thấy mọi cái đều đâu vào đấy mà sao “anh quê” cứ buồn buồn vậy?
Hòa định lảng, nhưng nhìn ánh mắt thân thiết của Thu anh cười buồn:
- Chuyện riêng thôi- Anh nhìn quanh không thấy ai mới hạ giọng- Ông chú mình mới gửi thư lên bắt mình về cưới vợ.
Mấy năm trời ở với nhau, chả giấu nhau chuyện gì nên Thu, Dịp đều đã biết về cái lời nguyền “không đến với bất kỳ người phụ nữ nào trước khi chiến tranh kết thúc” của Hòa. Trong thâm tâm Thu cũng ủng hộ cách nghĩ của đại đội trưởng nên thẳng băng:
- Kệ ông ấy, lấy hay không là do mình chứ!
Hòa lắc đầu buồn bã:
- Chú mày không biết hoàn cảnh nhà anh. Chi họ Mạc nhà anh ở quê hiếm người lắm. Đền đời ông nội anh cũng là con một, được bố anh và ông chú. Bố anh thì chỉ được mình anh rồi hy sinh. Ông chú thì cố mãi nhưng tòi ra toàn “thị mẹt”. Bây giờ cả họ có mỗi mình anh là con trai thôi. Vì vậy ông chú anh viết thư lên hết lá này đến lá khác bắt anh về lấy vợ để có con nối dõi tông đường. Mình thì cứ lần lữa mãi nên ông ấy dọa sẽ lên tận đây bắt về. Mà chú thím thì nuôi mình từ nhỏ…
Đã đến nước này thì Thu cũng chẳng biết an ủi người chỉ huy của mình thế nào. Đúng lúc ấy có tiếng pháo thủ Dịp oang oang từ ngoài vọng vào:
- Đại trưởng có khách nhé!
Hai anh em vội đứng lên đã thấy Dịp dẫn một ông già đầy vẻ khắc khổ đi vào. Thì ra ông chú Hòa viết thư mãi không thấy cháu về hôm nay đã lặn lội lên tận đây. Hòa chưa kịp chào ông đã vỗ mặt:
- Anh giỏi lắm! Anh đừng tưởng anh là cán bộ rồi mà tôi bảo không nghe. Hôm nay tôi lên đây xem anh bận cái gì mà không thu xếp về được mấy ngày?
Sợ tình hình căng thẳng Hòa tìm cách hoãn binh:
- Thì chú cứ vào đây nghỉ ngơi, uống nước cho đỡ mệt đi đã rồi từ từ cháu nói chuyện.
Ông chú vẫn đứng như trời trồng:
- Tôi không mệt! Tôi không cần nước nôi gì cả. Tôi chỉ cần biết anh có chịu về không?
Hòa lúng túng chưa biết xử trí thế nào. Thật may, chính trị viên Hiển nghe Dịp báo đã kịp thời chạy sang cứu nguy:
- Xin chú cứ bình tĩnh. Quả thật vừa rồi chúng con quá bận nên anh Hòa chưa thu xếp đi phép được- Hiển nhẹ nhàng đến bên ông già và đưa cả hai tay ôm ngang lưng dìu ông già vào bộ bàn ghế tiếp khách, anh ấn ông ngồi xuống rồi tiếp tục- Bọn con đã thống nhất với nhau rồi, dăm bữa nửa tháng nữa mọi việc vãn vãn sẽ đề nghị lữ đoàn cho anh em thay nhau đi phép. Chú cứ yên tâm đi mà.
Nhìn đôi quân hàm thiếu úy đỏ chói trên ve áo và vẻ mặt nghiêm túc của người chính trị viên ông già có vẻ yên tâm hơn nên dịu đi phần nào:
- Anh nói thế thì tôi tin. Nhưng tôi cũng xin tuyên bố là tôi sẽ ở lại đây đợi đến khi nào anh Hòa đi phép thì chú cháu tôi cùng về luôn.
Nhìn vẻ mặt của ông, nghe cách nói của ông Hòa hiểu quyết tâm của chú mình cao đến thế nào. Anh đành nhờ Dịp đưa ông vào nhà quen nghỉ tạm, còn mình và Hiển thì lên báo cáo tiểu đoàn. Biết chuyện, chính ủy Phúc xuống tận nơi thăm ông chú, sau khi chuyện trò có vẻ rất tâm đắc với ông anh động viên Hòa: “Hậu phương vững chắc là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của mỗi người lính trên chiến trường. Thôi thì cậu chiều ông cụ một tý cũng được”. Nhân thể, chương trình huấn luyện trong năm cũng đã gần kết thúc, lữ đoàn quyết định cho Hòa về nghỉ phép nửa tháng để giải quyết chuyện gia đình. Cầm giấy phép rồi Hòa vẫn nuôi ý định sẽ tìm mọi cách để giữ lời nguyền của mình. Mấy hôm nay, qua trò chuyện chú Hòa cho biết đã nhắm cho anh một cô ở gần nhà nhưng ông vẫn bí mật chưa cho biết tên. Hoà định bụng khi biết đó là ai thì sẽ tìm gặp riêng và nói hết mọi chuyện của mình, động viên cô ta phản đối thì chắc chắn kế hoạch của ông chú sẽ thất bại.
Vì vậy, khi mà đoàn tàu liên vận chở đoàn cán bộ cơ quan binh chủng đi học về đang đi sâu vào nội địa thì chú cháu Hòa cũng bước lên chuyến tàu chợ Vinh- Hà Nội để về quê. Thấy nguyện vọng của mình được đáp ứng nhanh chóng ông chú phấn khởi lắm. Còn Hòa tin rằng kế hoạch của mình sẽ thành công nên anh cũng tỏ ra rất vui khi được về phép. Vì vậy, câu chuyện của hai chú cháu trên tàu cứ nổ như ngô rang.

*
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #8 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2012, 08:34:15 am »

Trong khi Hòa đang vất vả chống lại kế hoạch lấy vợ cho anh của ông chú thì Cân nhận được lá thư chia tay đầy nước mắt của Thư. Cô hoa khôi trường huyện ngày nào viết không dài, chỉ một mực mong Cân tha lỗi “đã không chờ đợi được anh cho đến ngày chiến thắng như lời nguyện ước”. Thư của Tường, một thằng bạn thân thì cho biết cụ thể hơn: “Tuấn voi đã trở về từ Liên Xô và trước sức tấn công mãnh liệt của hắn Thư đã không đứng vững được”. Cân buồn nhưng không trách Thư. Có lẽ những năm tháng lăn lộn ở chiến trường đã làm cho anh trở nên vị tha hơn, dễ thông cảm với mọi người hơn thì phải. Đời người con gái như hoa nở một lần, mà chiến tranh thì chưa biết bao giờ mới kết thúc. Và kể cả khi ngày đó đến liệu anh có còn được trở về ? Thực ra, anh biết Tuấn voi đã theo đuổi Thư ngay từ hồi còn học phổ thông. Ngày đó, trên bầu trời cái trường cấp 3 Tản Viên đó Cân và Tuấn nổi lên như hai ngôi sao sáng. Cả hai đều đẹp trai, học giỏi nhưng cũng có nhiều cái trái ngược nhau. Tuấn thì to cao nhưng có phần ngờ nghệch, trong khi đó Cân thì tầm thước nhưng sâu sắc hơn. Tuấn học giỏi về tự nhiên, còn Cân lại thiên về xã hội. Cả hai đều có cảm tình với Thư, cô hoa khôi của nhà trường. Sau khi tốt nghiệp phổ thông Tuấn được chọn đi học nước ngoài, còn Cân thì vào bộ đội nhưng cả hai vẫn tiếp tục theo đuổi Thư. Và có lẽ tâm hồn đầy lãng mạn của một cô giáo trẻ đã bị cái vẻ hào hoa nhuốm bụi chiến trường cùng những vần thơ da diết của Cân chinh phục. Cô đã chính thức nhận lời yêu Cân lần cô đến Trường sĩ quan Thiết giáp thăm anh. Buổi sáng hè trên triền núi Tam Đảo hôm đó đã trở thành một kỷ niệm đẹp trong tâm hồn hai người. Nhưng có lẽ tình yêu đó chưa đủ lớn để vượt qua những thử thách của cuộc sống. Cân nhớ có ai đó đã từng nói đại ý: “tình yêu thì như ngọn lửa, còn sự xa cách thì như ngọn gió. Nếu đó là một tình yêu lớn thì ngọn gió xa cách chỉ làm cho nó bùng cháy to hơn. Còn nếu đó chỉ là ngọn lửa rơm thì chắc chắn nó sẽ bị ngọn gió xa cách làm cho lụi tắt”. “Có lẽ chuyện của mình và Thư là như vậy”- Cân nghĩ thế.
Tuy nhiên, Cân cũng chẳng có nhiều thời gian để gặm nhấm nỗi buồn. Anh vừa mới được bổ nhiệm chức vụ chính trị viên đại đội. Trước mắt anh còn hàng đống công việc phải làm mà gay go nhất là chống đói.
Có lẽ không ai ngờ Hiệp định Pa- ri ký kết đã được hơn năm, cuộc sống nơi hậu cứ có vẻ đã yên hàn trở lại mà bộ đội lại bị đói quay, đói quắt. Cũng chẳng biết nguyên nhân cụ thể vì sao nhưng có lẽ con đường tiếp vận lương thực cho chiến trường này từ trước đến nay chủ yếu qua một cảng của nước bạn nay gặp trở ngại gì đó. Trong khi đó hình như lượng viện trợ từ các nước anh em cũng giảm nhiều nên hàng hóa từ phía bắc chuyển vào cũng rất nhỏ giọt. Tiêu chuẩn ăn từ sáu lạng rút xuống còn bốn lạng một ngày. Thôi thì chẳng còn cách nào hơn là tự mình cứu mình. Thế là mọi công việc xây dựng doanh trại, củng cố trang bị và huấn luyện bổ sung tạm gác lại. Cả mặt trận, từ lính đến quan cứ trần lưng ra mà phát rẫy và trồng trỉa. Thôi thì đủ thứ: lúa, ngô, sắn, bí,… cứ cái gì chống đói được là trồng tất. Khổ cái đang là cao điểm mùa khô nên cây nào cây nấy cứ còi rí còi rị. Lính tráng còng lưng gánh nước tưới mà trông vào những cái rẫy vẫn chẳng thấy cái màu xanh mát mắt như trong mùa mưa. Chỉ được mấy cái rẫy ngô là tương đối tốt có lẽ vì chúng là loại chịu được hạn. Đúng là  “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Chỉ mấy tháng sau công sức lao động của bộ đội đã được đền bù. Bữa ăn hàng ngày được cải thiện trông thấy.
Bị cuốn vào những công việc bộn bề của một người “anh cả” trong đơn vị, Cân dường như quên hẳn đi nỗi buồn riêng của mình. Ngoài cái đó ra, từ ngày được trở về trực tiếp chỉ huy một chiếc xe tăng Cân thật sự vui. Là một người lính xe tăng “nòi”, từ lúc vào bộ đội đã gắn bó với chiếc xe tăng. Vì vậy từ ngày lên làm chính trị viên phó, mặc dù cũng rất nhiều việc nhưng lúc nào anh cũng cảm thấy mình như người thừa trong đơn vị. Khi đơn vị hành quân, anh em phải đánh vật với những cung đường phức tạp, với máy bay địch ngăn chặn suốt ngày đêm thì phải tách ra đi tiền trạm. Lúc ở hậu cứ thì loanh quanh với công tác hậu cần, tăng gia sản xuất và vài hoạt động bề nổi của đơn vị. Khi anh em đi đánh nhau thì lại rúc ở phía sau. Xong trận đánh rồi mới đi làm công tác thương binh, tử sỹ. Tất nhiên là cũng ác liệt, gian khổ như mọi người nhưng dù sao được trực tiếp ngồi trên một chiếc xe tăng mà lao vào đồn thù vẫn sướng hơn, vẫn vẻ vang hơn chứ. Với ai không biết chứ với Cân thì được về sống với kíp xe, được cùng ăn, cùng ở với anh em, được khoác bộ quần áo công tác lấm lem dầu mỡ, được hít cái mùi hăng hắc của khói dầu anh như được tiếp thêm sức mạnh.
Đại đội mà Cân về làm chính trị viên là đơn vị mới hành quân vào hồi cuối năm 1972. Vừa vào đến chiến trường thì đã ký hiệp định Pa- ri nên họ chưa có dịp thử sức trong chiến đấu. Bộ đội thì khỏe mạnh, trang bị đủ theo biên chế và còn khá tốt, ý chí quyết tâm thì luôn sôi sùng sục. Tuy nhiên, Cân biết cái họ thiếu chính là kinh nghiệm chiến đấu. Cân hy vọng rằng những gì mình thu lượm được qua các trận đánh của chiến dịch Nguyễn Huệ sẽ giúp ích được phần nào cho anh em. Điều phấn khởi nhất đối với Cân là không khí đoàn kết trong đơn vị. Ngay từ những ngày đầu về đơn vị Cân đã nhanh chóng hòa đồng vào tập thể và được tất cả anh em từ ban chỉ huy đến từng chiến sĩ trong đại đội quý mến. Đại đội trưởng Sáu Thanh, vốn dân 18 thôn Vườn Trầu theo cha ra Bắc tập kết. Hồi học “trường Trỗi” đã từng nổi tiếng khắp vùng Chí Linh, Đông Triều về những trò nghịch ngợm, quậy phá. Nhưng khi nhập ngũ thì đánh nhau cũng ra trò nên được chọn đi học sĩ quan. Sau khi tốt nghiệp sĩ quan Lục quân thì được điều về binh chủng Thiết giáp. Học xong chương trình chuyển binh chủng Thanh được giữ lại làm giáo viên nhưng anh nằng nặc đòi về đơn vị chiến đấu. Thấy nhà trường không giải quyết anh lần mò ra tận Bộ Tư lệnh đòi gặp thủ trưởng. Cuối cùng nguyện vọng của anh đã được đáp ứng. Thanh sống tình cảm, phóng khoáng đúng phong cách “anh Hai” nên luôn được anh em yêu mến, nể vì. Hôm Cân về đơn vị, vừa hạ ba lô xuống đã thấy một mâm cơm khá thịnh soạn được dọn ra. Nói là thịnh soạn vì ngoài những món ăn nhà bếp còn có thêm một đĩa thịt gà và một chai rượu đế. Thanh thì hồ hởi: “May quá! Tôi đang bí rì rì. Ông về đây với tôi là tốt lắm rồi. Còn bây giờ, ngồi xuống đây nhậu đã”.  Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày về đơn vị Cân nhận thấy rằng để xây dựng một đơn vị chính quy, nề nếp thì như thế vẫn chưa đủ. Nhưng anh cũng tin rằng mình sẽ giúp Thanh nhanh chóng khắc phục được những điểm yếu đó.
Về sống với anh em kíp xe 475 Cân có cảm giác như mình được sống lại ở kíp xe 567 ngày nào. Pháo thủ Quang, nguyên sinh viên Đại học Tổng hợp Toán năm thứ hai, tuổi chưa phải là nhiều nhưng đã có cái chín chắn của một người biết nhiều, hiểu rộng. Đặc biệt Quang bắn rất giỏi nên có uy tín khá cao với anh em trong kíp xe cũng như trong đại đội. Cũng cái dáng cao lêu nghêu, lòng khòng nên giá như có cái răng vàng thì Quang giống hệt với trưởng xe Nhã của anh. Pháo hai Đạt trẻ nhất trong kíp xe, vừa huấn luyện được hai tháng là hành quân vào trong này. Đạt hồn nhiên, tồ tệch y như Thắng ngày nào. Còn lái xe Đoàn thì Cân lại thấy bóng dáng Hòa trong đó. Đoàn lém lỉnh, tháo vát, làm cái gì cũng nhanh, mỗi tội không đen như Hòa. Ở với nhau đã lâu, luyện tập cùng nhau đã nhiều nên họ ăn ý với nhau lắm, kể cả trong sinh hoạt cũng như trong huấn luyện. Hôm vừa rồi đoàn kiểm tra của Bộ tư lệnh Thiết giáp vào nắm tình hình, thành tích bắn của kíp xe 475 lại cao nhất đại đội. Ba thằng, mỗi thằng một quê nhưng cứ một điều “quê”, hai điều  “quê” ngọt lịm.
Lại nói về từ “quê”. Cân nghe thấy cái từ này lần đầu tiên khi đến thăm mấy đơn vị hành quân vào hồi cuối năm 1972. Lúc đầu, anh cứ ngỡ cả đơn vị này cùng quê hay sao ấy. Nhưng rồi dần dần anh hiểu ra đấy chỉ là một cách gọi thân mật của anh em. Chẳng biết xuất xứ của nó từ đâu nhưng dần dần nó lan ra toàn đoàn và trở thành món “đặc sản” của lính xe tăng. Chỉ cần nghe gọi “Quê ơi” là biết ngay đấy là lính M26. Với ai không biết chứ với Cân thì cái từ “quê” ấy thật thân thương, gần gũi. Chỉ một từ thôi những nó bao hàm trong đó tất cả tình đồng chí, đồng đội, đồng hương, tình anh em ruột thịt. Vì vậy, anh cũng dùng nó thường xuyên để gọi anh em, đồng đội của mình. Hôm về với kíp xe, khi thấy anh em còn đang ngần ngừ chưa biết xưng hô thế nào anh đã nháy mắt vui vẻ: “Cứ anh quê mà gọi”.
Sống trong tình thân ái của kíp xe, của anh em trong đơn vị Cân thật sự đã quên nỗi buồn riêng của mình. Anh thấy mình như trẻ lại vài tuổi. Trái tim tưởng như đã chai sạn vì mối tình đầu bị lỡ dở lại rung lên. Cuốn sổ thơ đã bị bỏ bẵng mấy tháng nay lại có dịp mở ra. Đêm hôm qua, sau khi ngồi tán gẫu với kíp xe về hầm, Cân không ngủ được. Anh nằm miên man nghĩ về những tình cảm mà người lính xe tăng dành cho nhau. Cái từ “quê” cứ trở đi, trở lại trong óc anh. Một tứ thơ vụt đến, Cân bật dậy ghi liền một mạch những ý nghĩ đang tuôn trào trong đầu mình:

                Chúng tôi sinh mỗi đứa một quê
      Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng, Vĩnh Phú …
      Đi đánh giặc tất cả thành đồng chí
      Tất cả gọi nhau bằng một tiếng “QUÊ”

      Nghe bâng khuâng như ngọn gió trưa Hè
      Nghe ngọt ngào như vườn đày trái chín
      Nghe thân thương như đồng quê lúa mượt
      Đã thương rồi, nghe gọi thấy thương hơn.

      Thức chung nhau bao đêm dài Trường Sơn
      Hứng chung nhau bao trận bom rải thảm.
      Đêm mưa rừng nằm ôm nhau thấy ấm
      Như ngày nào cuộn giữa ổ rơm

      Quê ơi Quê! Còn gì thương hơn
      Một điếu thuốc lào chia nhau chồng sái
      Cơn sốt rét rừng đang lên tê tái
      Bỗng ấm lòng: “Dậy ăn cháo đi Quê!”

      Bốn thằng Quê chung nhau một xe
      Người ta bảo chúng nó yêu nhau lắm
      Gắn bó với nhau nên ngày xuất trận
      Bốn đứa mình lại chung một chiến công

      Chúng tôi sinh mỗi đứa một phương
      Đi đánh giặc tất cả thành đồng chí
      Tất cả gọi nhau bằng tiếng “QUÊ” giản dị
           Có phải vì- ĐẤT VIỆT- MỘT QUÊ CHUNG

Sáng nay dậy, đang định khoe với Sáu Thanh và mấy anh em trong ban chỉ huy thì chuông điện thoại trong hầm “xê bộ” đổ một hồi dài. Thanh cầm máy à, ừ một chập rồi quay ra, mặt tươi hơn hớn:
- Có việc rồi đây. Tiểu đoàn gọi tôi với hai “bê” trưởng đi chuẩn bị chiến trường. Các ông ở nhà cho bộ đội củng cố xe cộ, huấn luyện bổ sung và chuẩn bị sẵn sàng nhé.
Cân hơi bất ngờ vì mấy hôm trước đã được nghe phổ biến tình hình trên đoàn bộ. Các thủ trưởng cho biết sẽ hết sức hạn chế sử dụng xe tăng và pháo lớn trong những trận đánh nhỏ lẻ mở rộng vùng giải phóng. Như thế này chắc là sắp đánh lớn đây. Anh cố vớt vát:
- Anh có hỏi đi chuẩn bị chiến trường ở đâu không?
Thanh cười lớn:
- Mấy ổng kín như bưng ấy. Hỏi mãi chỉ bảo cứ lên đây rồi biết. Nhưng cứ được đi đánh nhau là sướng rồi. Nằm mãi ở đây nẫu cả người rồi đây nè- Anh hồ hởi gọi cậu liên lạc- Xuống báo cho hai trung đội trưởng chuẩn bị tư trang đi công tác nửa tháng. Nhớ bảo mang theo AK và lương thực. Đúng 15 phút nữa có mặt tại đây. Nghe rõ chưa?
Cậu chiến sĩ liên lạc chạy vụt đi. Thanh quày quả chui vào hầm chuẩn bị. Cân ngồi đấy mường tượng về cuộc chiến đấu sắp tới. Chắc chắn đó sẽ là những trận đánh cuối cùng của cuộc chiến này.

*
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #9 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2012, 08:35:17 am »

Đối với Thắng, ngày hôm nay là một ngày hết sức quan trọng. Hôm nay, các anh sẽ tổ chức bắn thử cho chiếc 923. Nếu thành công, trong đội hình sẵn sàng chiến đấu của trung đoàn H73 sẽ có thêm một con voi thép. Còn nếu thất bại thì chỉ còn cách “thịt” nó ra để lấy khí tài sửa chữa cho các xe khác.
Không đến nỗi khó khăn như ở chỗ Hòa và Cân, đối với trung đoàn H73 của Thắng thì việc làm nhà ở, lán xe và tăng gia sản xuất cải thiện đời sống tương đối thuận lợi. Đứng chân trong vùng rừng già Bắc Tây Nguyên nên rừng còn khá dày. Rừng ở ngay cạnh. Gỗ đấy, lồ ô đấy, tranh đấy, song mây đấy… cần bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Mà cũng lạ cho cái giống lồ ô. Bom đạn, chất độc hóa học tàn phá, đến lượt lính ta cây chặt đằng cây, măng đào đằng măng thế mà nó vẫn cứ lên tầng tầng, lớp lớp dường như bên dưới gốc của nó là một sức sống đến vô tận. Về tập kết ở đây chỉ mấy tháng toàn bộ hệ thống nhà ở, nhà ăn, hội trường, lán xe của trung đoàn đã được xây dựng xong. Hình như có một cuộc thi đua ngầm giữa các đơn vị thì phải nên những ngôi nhà làm sau thế nào cũng phải có nét gì đó độc đáo, đẹp hơn những cái làm trước. Không chỉ có thế, trung đoàn còn cho tổ chức xây dựng được một thao trường khá chính quy, có thể huấn luyện được cả kỹ thuật và chiến thuật. Đất đai Tây Nguyên mênh mông, không quân ngụy đã hết thời nên chẳng có gì phải quá giữ gìn như trước. Nề nếp sinh hoạt trong đơn vị đã ít nhiều mang dáng dấp thời bình. Sáng dậy tập thể dục hô váng cả rừng. Đi ăn cơm, đi huấn luyện cũng xếp hàng đi đều. Chiều về chơi thể thao. Đại đội nào cũng có sân bóng chuyền và mấy bộ xà đơn, xà kép. Số còn lại thì tăng gia. Mà đất Tây Nguyên tốt thật, cây gì cắm xuống cũng lớn như thổi. Thôi thì đủ cả: sắn, khoai, lúa nếp, bầu bí, rau dưa… Bà con dân tộc Ba Na mấy bản quanh đó cứ tấm tắc khen bộ đội xe tăng “trồng cây gì cũng lớn như thổi”. Ấy thế nhưng khi vào tham quan thì họ chịu không học theo được bởi các chú bộ đội “bón cái phân gì mà thúi quá vậy”. Cái ăn, cái ở không còn là nỗi ám ảnh dai dẳng lính xe tăng B3 như mấy năm trước nữa. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất đối với H73 là công tác bảo đảm kỹ thuật.
Mặc dù không phải là chiến trường xa nhất song số xe bị hư hỏng trên đường hành quân cũng như trong quá trình chiến đấu khá cao, trong khi đó lượng khí tài dự bị bổ sung vào cũng không được dồi dào cho lắm. Đại đội sửa chữa đã được thành lập nhưng chưa thật đồng bộ vì toàn là thợ đi cùng các tiểu đoàn trước đây ghép lại. Dụng cụ thì cũng chỉ dựa vào mấy cái xe công trình nên gặp những hư hỏng lớn cứ lúng túng như gà mắc tóc. Ban kỹ thuật trung đoàn cũng đã được thành lập nhưng thực ra chỉ có hai người. Trưởng ban được điều từ Phòng kỹ thuật mặt trận xuống, là kỹ sư nhưng không chuyên về tăng thiết giáp nên hầu như mọi việc đều đổ lên đầu trợ lý kỹ thuật Thắng. Cũng may cho anh là một lái xe lâu năm, lại chịu khó học hỏi và đặc biệt là khối kinh nghiệm đã tích lũy được sau mấy năm làm kỹ thuật viên nên mọi việc vẫn chạy đều. Tiếng là trợ lý cơ quan nhưng Thắng hầu như chỉ có mặt ở đại đội sửa chữa. Trong cái khó ló ra cái khôn, rất nhiều sáng kiến được đưa ra và sau hơn một năm phấn đấu hầu hết số xe bị hư hỏng trên đường hành quân cũng như trong các trận đánh năm 72, 73 đã được kéo về và khôi phục đưa vào danh sách xe sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, nói cho công bằng thì số xe đó cũng mới chỉ là “tương đối”. Trung đoàn cũng mới chỉ khắc phục được những hư hỏng chính về phần xe máy và vũ khí chính để có thể chiến đấu được, còn những hư hỏng phức tạp hơn như điện đài, máy ổn định, khí tài quan sát… thì cũng đành bó tay vì lực lượng thợ cũng như dụng cụ chưa đủ. Những khó khăn ấy Thắng đã báo cáo hết với đoàn kiểm tra của binh chủng vừa mới vào và đã được ghi nhận. Cho đến lúc ấy Thắng chỉ còn đau đầu với cái xe 923. Nếu giải quyết xong cái này có thể nói 100 phần trăm xe của trung đoàn có tình trạng kỹ thuật khá, có thể tham gia chiến đấu được.
Sở dĩ Thắng phải mất nhiều thời gian suy nghĩ về chiếc 923 này vì nó bị hỏng pháo nhưng máy móc và các bộ phận khác thì vẫn còn tốt. Trong trận đánh vào thị xã Công Tum năm 1972, khi xung phong qua một con suối nòng pháo của nó bị thúc vào bờ suối. Chắc là có một ít đất cát bị lọt vào nòng pháo mà anh em không biết nên khi bắn nòng pháo bị chẻ ra như hoa muống. Ngay sau đó kíp xe vẫn tham gia chiến đấu bằng cao xạ 12 ly 7 và đại liên. Tuy nhiên, trận đánh đó không thành công, ta phải rút ra. Xe 923 bị trúng đạn, lái xe hy sinh, số còn lại đều bị thương nên phải thoát ly xe đưa nhau về. Chính Thắng đã đánh chiếc xe dắt của mình vào kéo và chật vật lắm mới đưa được nó về hậu cứ. Tuy nhiên, từ đó nó bị coi như mất sức chiến đấu vì có mỗi thứ vũ khí chính là khẩu pháo 100 ly lại không dùng được.
Vì việc thay nòng pháo đòi hỏi những thiết bị hạng nặng ngoài khả năng của đơn vị nên trung đoàn đã báo cáo ra Bộ tư lệnh xin giúp đỡ. Nhưng chắc vì quá xa, lại chỉ có một khẩu pháo hỏng không bõ đưa thiết bị vào nên ở ngoài ấy đã điện vào tùy trung đoàn xử lý. Trưởng ban kỹ thuật thì đề xuất: “thịt nó lấy khí tài bổ sung cho các xe khác”. Ban chỉ huy trung đoàn thì phân vân, khí tài thì cần thật đấy nhưng phải “thịt” nó thì cũng xót. Đúng là “bỏ thì thương, vương thì tội”. Thắng thì không đồng ý như vậy. Anh nhớ lại hôm vào kéo xe này phải gỡ mãi mới đưa được lái xe Thưởng ra khỏi buồng lái. Anh chết rồi mà hai tay vẫn ghì chặt cần lái. Đưa được Thưởng ra rồi, anh và cả tổ thợ đã phải rất vất vả mới đưa được xe về hậu cứ nên Thắng phản đối quyết liệt. Thắng gân cổ: “Đưa được một cái xe tăng vào đây đâu phải chuyện dễ dàng, cứ động một tý lại “thịt” thì lấy đâu ra xe mà chiến đấu”. Tuy nhiên khi mọi người hỏi phải làm thế nào thì anh lại bí và khất lần. Cảm tính thì phát biểu thế thôi chứ đã nghĩ ra cách gì đâu. Thành ra cái nòng pháo chẻ hoa muống đó vẫn chình ình ra đó. Bây giờ hầu hết xe cộ trong trung đoàn đã tương đối ngon lành rồi anh mới có dịp toàn tâm, toàn ý suy nghĩ về nó.
Trong số những người ủng hộ Thắng thì nhiệt thành nhất là Độ thợ cơ. Cậu ta cũng để tâm suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Vốn dân miền rừng Tuyên Quang, từ bé đã theo cha săn bắn trong rừng cậu ta bảo: “cái khẩu súng kíp của người dân tộc người ta tự làm lấy còn bắn được, huống gì khẩu pháo này. Cứ cắt mẹ nó cái chỗ tỏe hoa muống đi là lại bắn được thôi mà”. Thắng nghe cũng thấy có lý. Anh xuống xem xét lại thật kỹ và báo cáo với ban chỉ huy trung đoàn. May cho Thắng, trung đoàn trưởng Lê Ngộ vốn là một cán bộ có kiến thức về xạ kích khá sâu sắc. Nghe Thắng báo cáo xong hai thày trò xuống tận nơi nghiên cứu, đo đạc rồi Ngộ gật gù: “Chắc chắn là bắn được tuy không chính xác như trước vì tầm bắn sẽ giảm đi”. Suy nghĩ thêm một lúc anh bảo: “Nhưng cũng sẽ có cách giải quyết. Lẽ ra khoảng cách 1000 thì lắp thước ngắm 10, bây giờ hụt tầm ta lắp thước ngắm 12, 13 thì bắn vẫn trúng”. Ngay hôm đó trung đoàn đồng ý cho Thắng cưa nòng pháo nhưng sau đó phải tổ chức bắn thử để xây dựng quy tắc bắn riêng cho xe này. Được lời như cởi tấm lòng, Thắng cho anh em thợ cưa phần nòng pháo vỡ đi. Như vậy nòng pháo sẽ ngắn hơn trước khoảng gần một mét. Quay pháo thấy nặng hơn vì mất đi một đoạn nòng, Thắng cho hàn vào đó một cái mắt xích. Thế là pháo được cân bằng, quay lên quay xuống lại êm như ru. Vậy là khá ổn. Chỉ còn buổi bắn thử hôm nay nữa mà trúng được mục tiêu là xong.
Mặc dù suốt đêm cứ thao thức hoài nhưng ngay từ sáng sớm Thắng đã có mặt tại thao trường của trung đoàn. Buổi sáng cao nguyên se se lạnh, những đám sương mù mỏng mảnh đang bảng lảng bay. Đây vốn là một đồi cỏ tranh xen lẫn với những bụi cây lúp xúp đã được trung đoàn cải tạo thành một thao trường huấn luyện tổng hợp sau ngày ký Hiệp định Pa- ri. Tuy không thật chính quy như ở Rừng Cam nhưng cũng đủ để huấn luyện các khoa mục bắn súng, lái xe và tập chiến thuật đến cấp trung đội.
Xe 923 đã được kíp xe đưa ra đấy từ trước. Khẩu pháo bị cưa ngắn nòng mất gần một mét làm giảm mất phần nào cái dáng đường bệ của chiếc T54, trông hơi buồn cười. Kíp xe đang hiệu chỉnh sơ bộ và hoàn tất những công việc chuẩn bị cuối cùng. Ai cũng phấn khởi nhưng vẻ mặt vẫn có một cái gì đó rất căng thẳng. Để đánh giá thật chính xác kết quả bắn Thắng đã cho dựng tại khoảng cách đúng 1000 mét ở đầu kia của thao trường một tấm bia hình chữ nhật bằng khung tre, trên đó căng mấy mét vải xô chuyên dùng lau nòng pháo. Anh dự định sẽ cho bắn thử mấy phát bằng cả đạn xuyên lẫn đạn nổ theo những thước ngắm khác nhau. Tuy chưa biết thế nào nhưng trong thâm tâm anh tin rằng kết quả sẽ tốt đẹp.
Công việc chuẩn bị gần xong thì cả ban chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn có mặt. Vừa ở trên xe nhảy xuống chưa kịp chào hỏi gì trung đoàn trưởng Lê Ngộ đã bước tới bắt chặt tay Thắng và niềm nở:
- Tình hình chuẩn bị đến đâu rồi?
Thắng chào hết lượt mọi người rồi mới trả lời:
- Báo cáo các thủ trưởng, mọi việc chuẩn bị đã xong.
Trung đoàn trưởng Ngộ nhìn quanh một lượt, anh gật gù ra vẻ hài lòng và hỏi:
- Cậu báo cáo kế hoạch bắn thử xem nào.
Có vẻ như chuyện thuyết minh kế hoạch không phải là sở trường của Thắng nên anh  gãi đầu một lát rồi mới ấp úng:
- Dạ! Tôi định cho bắn thử đạn xuyên trước rồi mới bắn đạn nổ sau. Phát đầu tiên sẽ cho bắn theo thước ngắm 10 để xem nó sai lệch thế nào rồi mới quyết định thước ngắm phát sau. Đại khái là như vậy!
Trưởng ban kỹ thuật gắt nhẹ:
- Thế cái kế hoạch bắn thử tôi ký hôm trước đâu sao không đem ra mà báo cáo. Cứ ấp a, ấp úng như gà mắc tóc thế thì ai hiểu được.
Trung đoàn trưởng Ngộ dàn hòa:
- Thôi, không cần đâu. Bọn tớ hiểu rồi- Anh khoát mạnh tay- Nếu chuẩn bị xong rồi thì cho bắn đi!
Thắng mời các thủ trưởng lên đài chỉ huy. Gọi thế cho oai chứ thực ra đó chỉ là một mô đất được đắp cao ở ngay sau xe 923, còn anh trèo lên đứng ngay sau tháp pháo để chỉ huy. Ngó vào trong xe thấy ai đã vào chỗ nấy ở tư thế sẵn sàng, Thắng hô nhỏ:
- Đạn xuyên đầu nhọn, thước ngắm 1000, ngắm chính giữa bia. Chuẩn bị!
Pháo hai Thành nhanh chóng gỡ quả đạn xuyên trên giá xuống và lao vào buồng nòng. Khóa nòng pháo đóng nghe đánh “phập. Pháo thủ Hiên loay hoay lấy thước ngắm thật cẩn thận rồi quay tầm hướng đưa pháo vào mục tiêu. Trưởng xe Hào ngẩng lên:
- Báo cáo, xong!
Thắng quay sang phía đài chỉ huy cao giọng:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi bắn đây ạ!
Trung đoàn trưởng Ngộ đưa ống nhòm lên mắt và phẩy tay:
- Bắn đi!
Thắng cúi xuống cửa trưởng xe:
- Chú ý quan sát kết quả nhé. Bắn!
Một chớp lửa sáng lòa bùng lên phía đầu nòng. Một tiếng nổ trầm đục vang lên. Chiếc xe giật mạnh một cái làm  Thắng suýt ngã. Anh vội đứng thẳng dậy và vẫn kịp nhìn thấy cái chấm sáng đỏ rực lao vút vào sát mép dưới chân bia. Khói trong buồng chiến đấu mù mịt. Tiếng trưởng xe Hào vang lên:
- Đạn thấp một thân. Mà sao khói thế này?- Vừa nói Hào vừa đưa tay bật quạt gió.
Thấy khói bốc lên nghi ngút từ cửa xe mấy cán bộ chỉ huy trung đoàn nhốn nháo hỏi:
- Sao thế? Sao lại khói mù mịt thế kia?
Trung đoàn trưởng Ngộ vẫn bình thản:
- Các cậu cưa mất cái bọng hút khói của nó thì khói bị dồn vào buồng chiến đấu nhiều hơn chứ sao. Không việc gì đâu, bật quạt gió lên một tý lại thoáng ngay đấy mà- Anh đưa ống nhòm lên quan sát thêm giây lát rồi gật đầu- Đúng như dự đoán, đạn bị hụt tầm khoảng 200 mét. Bây giờ bắn thế nào?
Thấy tình hình có vẻ ổn, Thắng nhanh nhảu:
- Báo cáo thủ trưởng, giờ chúng tôi sẽ tăng lên thước ngắm 12 ạ.
Trung đoàn trưởng Ngộ vẫy tay:
- Thế thì bắn đi!
Sau tiếng nổ thứ hai, quả đạn xuyên vạch đường đỏ lừ trúng giữa mục tiêu. Tất cả những người có mặt vỗ tay rào rào. Thắng định cho bắn đạn nổ thì Ngộ bảo:
- Cậu cho anh em bắn một phát đạn xuyên nữa theo đúng phần tử phát vừa rồi- Quay sang mấy cán bộ cùng đi anh nói như giải thích- Để kiểm tra xem độ tản mát của nó thế nào.
Phát đạn thứ ba cũng trúng gần như vào giữa bia. Ngộ gật đầu:
- Tốt lắm! Độ tản mát không đáng kể- Anh cao giọng- Thắng, cho anh em chuyển sang bắn đạn nổ đi. Nhớ nhắc để ở nổ chậm và không tháo “chóp gió” nhé!
Đến bây giờ thì Thắng đã thấy tự tin hẳn lên, anh nhắc kíp xe:
- Đạn nổ liều nguyên, chế độ nổ chậm, không tháo chóp gió. Thước ngắm 10, chuẩn bị!
Trung đoàn trưởng Ngộ đang nói chuyện gì với mấy người đứng cạnh vội hét lớn:
- Sao lại bắn thước ngắm 10?
Thắng vội quay sang trả lời:
- Vừa nãy mình vẫn bắn thế mà, thủ trưởng.
Trung đoàn trưởng Ngộ vội xua tay:
- Không được! Nếu bắn thước ngắm 10, đạn gần nổ trước bia thì nó bay mất luôn còn thử sao được nữa. Cho lấy thước ngắm 12 đi.
Thắng cười bẽn lẽn:
- Vâng ạ! Có thế mà em cũng không nghĩ ra- Anh cúi người nhắc kíp xe- Thước ngắm 12 nhé! Chuẩn bị! Bắn!
Phát đạn trúng ngay giữa bia. Phát tiếp theo cũng vậy. Trung đoàn trưởng Ngộ tươi cười bắt tay Thắng và kíp xe:
- Thế là được rồi. Từ nay các cậu cứ tăng thước ngắm lên 200 cho tôi. Ngoài ra còn phải căn cứ vào quan sát kết quả bắn mà chỉnh cho chính xác- Anh quay lại phía mấy cán bộ cùng đi- Thôi, ta về để anh em họ còn thu dọn.
Chờ đoàn cán bộ đi khỏi Thắng phân công anh em thu dọn đồ nghề. Anh lần lại phía đầu xe, vỗ vỗ vào cái nòng pháo cụt ngủn giọng đầy âu yếm như đang nói với một người bạn:
- Thế mà suýt nữa mày bị người ta “thịt” mất đấy nhé!
   
*
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM