Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:15:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quá trình tham gia chiến đấu của Mig-21 ở Việt Nam  (Đọc 75413 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #30 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2013, 11:24:15 pm »

Chẳng bên nào có đủ thời gian xả hơi sau những cuộc không chiến ngày 10-05. Chỉ chưa đầy 24 giờ sau, các phi công của Trung đoàn 927 lại tiếp tục xuất kích chặn đánh một đội hình 24 chiếc máy bay của Không quân Mĩ vào tập kích sân bay Bạch Mai vào hồi 14 giờ 30 phút. Tám chiếc cường kích Mĩ tách đội hình lao vào bắn phá các trận địa tên lửa phòng không bảo vệ sân bay, trong khi đó 2 tốp với mỗi tốp 4 chiếc được phái đi phong tỏa các sân bay Nội Bài, Ba Vì và Hòa Lạc.   

Biên đội Ngô Văn Phú – Ngô Duy Thư cất cánh từ sân bay Nội Bài, tới độ cao 500 mét thì vòng về phía nam để chặn kích đội hình máy bay địch đang bay vào Hà Nội. Vào phút bay thứ 3, phi công Ngô Duy Thư phát hiện một chiếc máy bay Mĩ đang bay đơn ở cự li 5 km. Sở chỉ huy lệnh cho vứt thùng dầu phụ. Trong khi tốp Mig-21 tăng tốc độ, số 1 đã phát hiện được một biên đội 4 chiếc máy bay Mĩ khác đang bay ở độ cao 7000 mét và cự li 15 km. Tốp tiêm kích Bắc Việt bám sát nhau vòng sang phải để vào tiếp cận tốp máy bay Mĩ mà lúc này được xác định là loại “Thần sấm”. Phi công Ngô Duy Thư phóng tên lửa từ cự li 1500 mét bắn rơi chiếc F-105G có số đuôi 62-4424 thuộc Phi đội chế áp ra đa 17 Liên đội không quân chiến thuật số 388.

Viên thiếu tá phi công William H. Talley lái chiếc “Thần sấm” này nhớ lại:
- Tôi đang bay vòng theo hướng tây nam tới cách Hà Nội khoảng 25 dặm thì bị trúng tên lửa do phi công Mig-21 phóng. Tôi nhảy dù xuống một sườn núi và nằm chờ phân đội tìm cứu tới cứu. Do phân đội này chỉ hoạt động khi trời sáng trong khi tôi lại nhảy dù tiếp đất vào buổi tối, nên khi họ tới hiện trường nơi chiếc “Thần sấm” bị bắn rơi thì tôi đã bị bắt làm tù binh. Trực thăng tìm cứu vào bốc được viên sĩ quan điều khiển vũ khí của tôi, nhưng rối tới lượt nó lại bị MiG bắn rơi. Viên sĩ quan điều khiển vũ khí bị bắt lại rồi sau này được trao trả cùng chúng tôi vào ngày 28-03-1973.

Khi thoát li, Ngô Duy Thư lại bắt ngay được vào sau phía trên bên phải một chiếc “Thần sấm” khác, nhưng do cự li quá gần (dưới 600 mét) nên không phóng được tên lửa. Sở chỉ huy lệnh cho Ngô Duy Thư thoát li không chiến và quay về sân bay Nội Bài hạ cánh.

F-4D số đuôi 66-0230

Trong khi đó số 1 Ngô Văn Phú đang vào công kích tốp “Con ma” thuộc Phi đội 555 Liên đội không quân chiến thuật số 432 làm nhiệm vụ bay hộ tống cho đám cường kích “Thần sấm”. Phú phóng loạt cả 2 tên lửa từ cự li 1500 mét trúng chiếc F-4D có số đuôi 66-0230. Tổ bay của chiếc “Con ma” nhảy dù và bị bắt ngay khi tiếp đất. Viên trung tá phi công Joseph W. Kittinger lái chiếc “Con ma” này trước đó đã từng hạ được 1 Mig-21 vào ngày 01-03-1972.

Ba chiếc “Con ma” còn lại lao vào xâu xé chiếc MiG đơn độc khiến nó không còn cơ hội tránh né tên lửa và đã trúng đạn. Chiếc MiG bị bắn hạ cuối cùng đã chẳng được ghi công cụ thể cho chiếc “Con ma” nào trong đám trên, vì việc định rõ quả tên lửa trúng đích được phóng đi từ chiếc “Con ma” nào là điều không thể khi cả ba chiếc đều cùng lúc phóng tên lửa túi bụi vào mục tiêu.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #31 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2013, 12:54:49 am »

Quá trình giảng bình bay các trận không chiến diễn ra từ ngày mùng 8 tới ngày 11-05 kết hợp với việc khai thác tù binh địch đã cho phép Bộ tư lệnh PKKQ Bắc Việt đi đến kết luận rằng phía Mĩ đang cố gắng đè bẹp lực lượng không quân tiêm kích miền Bắc. Máy bay Mĩ luôn tìm cách phong tỏa các sân bay và bắn hạ máy bay tiêm kích Bắc Việt ngay khi vừa tách đất. Lí do tổn thất còn xuất phát từ việc hiệp đồng kém giữa các phi công và công tác dẫn đường mặt đất. Ngoài ra, rất nhiều phi công Mig-21 mới lần đầu được xuất kích chiến đấu. Và mặc dù có tới 2 trung đoàn Mig-21, nhưng sự hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị này trong thực tế hầu như không có gì ngoài việc để họ tự độc lập tác chiến trong khu vực được phân công. 

Các hội nghị rút kinh nghiệm về nguyên nhân gây tổn thất nặng còn diễn ra cả ở cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là sự hiệp đồng thiếu đồng bộ giữa các máy bay tiêm kích với lực lượng dẫn đường mặt đất, các đài ra đa cảnh giới và bộ đội phòng không.

Tới giữa năm 1972, các đơn vị chủ lực của lực lượng không quân tiêm kích Bắc Việt vẫn chỉ hoạt động ở phía bắc vĩ tuyến 20. Nhằm bảo toàn lực lượng chiến đấu, số lượng máy bay tiêm kích trực ban sẵn sàng chiến đấu cũng được rút gọn từ 32 tới 34 chiếc xuống còn 12 tới 16 chiếc.

Những hội nghị rút kinh nghiệm của cấp trên không vì thế mà làm gián đoạn các trận không chiến. Ngày 18-05, có tới 4 chiếc Mig-17 của Trung đoàn 923, 2 chiếc Mig-19 của Trung đoàn 925 và 2 chiếc Mig-21 của Trung đoàn 927 đã được lệnh xuất kích để đẩy lui trận bắn phá sân bay Kép của máy bay Mĩ. Số 1 của tốp Mig-21 là phi công Nguyễn Hồng Nhị đã bắn rơi một chiếc F-4 trên bầu trời Kép. Đây là chiến công thứ 8 và cũng là thành tích không chiến cuối cùng của phi công Nhị. Phía Mĩ không công nhận bị bắn rơi máy bay trong trận này.

Hai ngày sau, một tốp Mig-21 khác của Trung đoàn 921 xuất kích từ sân bay Nội Bài để chặn kích đội hình 12 chiếc F-4D của Phi đội 555 Liên đội 432 Không quân Mĩ. Số 2 Đỗ Văn Lanh đã phóng 2 tên lửa bắn hạ chiếc “Con ma” có số đuôi 65-0600. Tổ bay của chiếc F-4D này, trong đó có viên thượng úy phi công John D. Markle từng bắn rơi 1 chiếc Mig-21 trong ngày 10-05, đã nhảy dù khỏi máy bay. 

Ngày 23-05, cả 2 trung đoàn không quân tiêm kích được trang bị Mig-21 đều tham gia vào các trận không chiến. Trong khi phi công của Trung đoàn 921 báo cáo bắn rơi 1 chiếc “Con ma”, thì Không quân Mĩ lại cho rằng họ bị mất chiếc F-4D do trúng tên lửa phòng không. Tổ bay trên 1 chiếc F-4E của Phi đội 35 thuộc Liên đội 366 cũng thấy báo cáo bắn rơi 1 chiếc Mig-21. Phi công hạng át Nguyễn Đức Soát vừa được điều sang Trung đoàn 927 thông báo bắn hạ 1 chiếc cường kích A-7B. Nhưng rồi cũng như bên Không quân, Hải quân Mĩ chỉ ghi sổ 1 chiếc A-7D số đuôi 154405 của Phi đội cường kích hải quân VA-93 thuộc Liên đội không quân trên tầu sân bay “Midway” bị tên lửa phòng không bắn rơi.

Các phi công tiêm kích của Trung đoàn 921 đã tiếp tục xuất kích chiến đấu 2 tốp ngay trong ngày hôm sau. Một tốp bay theo hướng tây bắc đi Thái Nguyên và khi gặp địch, do thiếu kinh nghiệm nên hai phi công đã phóng toàn bộ số tên lửa mang theo nhưng đều bị trượt mục tiêu. Tốp kia bay theo hướng nam đi Vụ Bản. Khi gặp địch, số 1 vào công kích non tay nên phóng cả 2 đạn đều “đi tìm chim”. Trên đường thoát li, máy bay số 2 bị hết dầu. Phi công Đỗ Văn Lanh đã nỗ lực bảo toàn chiếc MiG quí giá bằng cách cho chiếc máy bay đã tắt động cơ lướt hơn 45 km về tiếp đất thành công trên đường băng sân bay Nội Bài.   

Trong ngày hôm đó, dù phía Quân chủng PKKQ Bắc Việt không ghi nhận được thành tích bắn rơi máy bay địch nào, nhưng phía Hải quân Mĩ lại thông báo 1 chiếc máy bay tiêm kích F-8J có số đuôi 150311 thuộc Phi đội tiêm kích hải quân VF-24 trên tầu sân bay “Hancock” của họ bị MiG bắn rơi.

Ngày cuối cùng của tháng 5-1972, 2 tổ bay F-4D và F-4E của Liên đội không quân 432 đã bắn hạ được mỗi tổ bay 1 chiếc Mig-21. Trong số những người thắng trận hôm đó có đại úy phi công Steve Ritchie thuộc Phi đội tiêm kích 555 là người hạ được chiếc MiG thứ hai của mình.

Do tổn thất trong giai đoạn này vẫn không được kéo giảm nên tới cuối tháng 5, Bộ tư lệnh PKKQ Bắc Việt đã triệu tập hội nghị rút kinh nghiệm cho thủ trưởng các trung đoàn không quân tiêm kích được trang bị máy bay Mig-21. Hai tuần sau hội nghị, một bản báo cáo đánh giá về các chiến thuật hiện thời của máy bay tiêm kích Mĩ và những động tác cơ động chiến thuật thường được phi công “Con ma” áp dụng trong không chiến, đồng thời đề xuất phương án ứng phó với các chiến thuật đó cho lực lượng tiêm kích Bắc Việt. Nội dung của bản báo cáo này lập tức được phổ biến xuống các đơn vị không quân tiêm kích. Nhưng, tổn thất của 2 trung đoàn Mig-21 trong không chiến với máy bay Mĩ ở nửa cuối năm 1972 thậm chí còn nặng nề hơn.   
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #32 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2013, 12:11:50 am »

Tháng 6 được khởi đầu một cách thành công với các phi công trung đoàn 921: 1 tốp Mig-21 đã chặn đánh những 12 chiếc “Con ma” ở khu vực giữa Suối Rút và Việt Trì. Biên đội trưởng Phạm Phú Thái tiến hành động tác truy đuổi đột ngột đã “đẩy” ngay máy bay vào mức tải gia trọng trên 9,5G, trong khi ngưỡng tải gia trọng cho phép của máy bay tối đa chỉ là 7G. Không những không rụng lấy 1 chiếc đinh vít mà chiếc tiêm kích của Phạm Phú Thái còn hạ gục 1 chiếc “Con ma” và quay về hạ cánh an toàn. Phía Mĩ lại tính chiếc F-4 này bị tên lửa phòng không bắn rơi.

Ngày 10-06, một biên đội 2 chiếc Mig-21 đã bắn rơi 1 chiếc máy bay không rõ kiểu loại, nhưng phía Mĩ phủ nhận trường hợp này. Sau đó 3 ngày đã diễn ra trận không chiến trên bầu trời Vĩnh Phú giữa một biên đội 4 chiếc Mig-21 của Trung đoàn 921 với đội hình “Con ma” của Phi đội 308 Liên đội 432. Biên đội trưởng tài ba Phạm Phú Thái đã diệt được 1 chiếc F-4 có số đuôi 77-0365 cùng 2 thành viên tổ bay của nó. Số 1 của tốp Mig-21 bay sau trong biên đội này cũng lập công, nhưng phía Mĩ chỉ thừa nhận họ bị tổn thất duy nhất một chiếc máy bay trong ngày hôm đó.   

Ngày 21-06, phi công Đỗ Văn Lanh bay số 1 chỉ huy biên đội 2 chiếc MiG của Trung đoàn 921 đã hạ được chiếc F-4E số đuôi 69-0282 của Phi đội 334 Liên đội tiêm kích chiến thuật số 8. Trong 2 trận không chiến tiếp theo diễn ra cũng trong ngày 21-06, phía Bắc Việt còn bắn hạ thêm được 2 chiếc “Con ma”: 1 chiếc F-4E của Phi đội 469 Liên đội tiêm kích chiến thuật 388 KQ Mĩ và 1 chiếc F-4J của Phi đội tiêm kích hải quân VF-31 Liên đội không quân trên tầu sân bay CVA-60 “Saratoga”.   

Các phi công Mig-21 đã lập công lớn trong ngày 24-06. Một đôi bay của Trung đoàn 927 được lệnh xuất kích chặn đánh đội hình máy bay địch bay vào Thanh Sơn từ hướng tây bắc. Do nhận lệnh xuất kích muộn nên chỉ sau vài phút đôi bay này đã gặp đám “Con ma”. Số 1 của đôi bay này mất liên lạc đối không với số 2 nên quyết định một mình vào công kích “Con ma” nhưng bắn trượt.

Đài ra đa cảnh giới phát hiện nhiều tốp máy bay Mĩ tiếp tục ồ ạt kéo tới bắn phá khu công nghiệp Thái Nguyên và các mục tiêu trên tuyến đường số 1 giữa Hà Nội và Lạng Sơn. Bộ tư lệnh QC quyết định cho các biên đội Mig-21MF của Trung đoàn 927 xuất kích tăng cường. Vào hồi 15 giờ 12 phút, đôi bay Nguyễn Đức Nhu và Hạ Vĩnh Thành được lệnh cất cánh.

Khi đội hình tập kích của máy bay Mĩ tiến tới Phú Thọ, một biên đội 2 chiếc “Con ma” đã tách ra để đi săn lùng đôi Mig kia. Lúc này, biên đội Nguyễn Đức Soát và Ngô Duy Thư đang tham gia tuần tiễu trực ban trên không. Phi công Nguyễn Đức Soát đã kịp ra tay trước đám thợ săn MiG: chỉ bằng 1 quả tên lửa đã hạ chiếc F-4E số đuôi 68-0315 của Phi đội 421 Liên đội tiêm kích chiến thuật số 366. Đây là chiến công thứ 2 trong tổng thành tích hạ 6 máy bay địch của anh.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #33 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2013, 12:12:52 am »

Phi công Bắc Việt cố tiếp cận công kích chiếc “Con ma” bay đầu, nhưng máy bay địch lọt vào tầm quá gần dưới cự li tối thiểu cho phép phóng tên lửa. Viên phi công “Con ma” liền vừa thu tay ga giảm tốc độ, vừa ngoặt phải nhằm dụ chiếc MiG vào không chiến trong mặt phẳng ngang. Nguyễn Đức Soát rất tỉnh táo không mắc mưu thủ đoạn chiến thuật này, nên anh đã thoát li không chiến về hạ cánh an toàn tại Nội Bài ít phút sau đó.   

Trong khi đó, Ngô Duy Thư lao vào công kích và hạ được một chiếc “Con ma” ở tốp khác, nhưng phía Mĩ  không ghi nhận tổn thất máy bay trong trường hợp này. Trong khi kéo cao thoát li công kích, phi công Bắc Việt lại rơi vào thế phản công của chiếc “Con ma” dẫn đầu đội hình máy bay Mĩ. Do tốc độ và góc công kích lớn làm quá tải bám sát của đầu tự dẫn khiến tên lửa địch bắn hụt, máy bay của phi công Ngô Duy Thư đã thoát về Nội Bài hạ cánh an toàn.

Hồi 15 giờ 42 phút, đôi bay Nguyễn Văn Nghĩa và Nguyễn Văn Toàn được lệnh xuất kích và cũng lại gặp đám “Con ma” địch ngay sau khi cất cánh. Toàn vào phóng tên lửa nhưng trượt mục tiêu, trong khi đó Nghĩa công kích may mắn hơn với 1 đạn hạ 1 chiếc F-4D số đuôi 66-7636 của Phi đội 25 Liên đội tiêm kích chiến thuật số 8.

Trận tập kích kế tiếp nhắm tới nhiều mục tiêu ở khu vực Hà Nội, trong đó có 2 sân bay Gia Lâm và Nội Bài, do đội hình 44 chiếc máy bay của Không quân Mĩ thực hiện vào hôm 27-06. Có 12 chiếc “Con ma” trong đội hình này được giao nhiệm vụ chặn đánh MiG để yểm hộ cho những chiếc “Thần sấm” mang theo tên lửa chế áp các trạm ra đa dẫn đường cho tiêm kích và ra đa cảnh giới của các phân đội tên lửa phòng không.       

Đôi bay Mig-21 xuất kích đầu tiên là Nguyễn Đức Nhu và Hạ Vĩnh Thành đã bắn rơi 1 chiếc F-4E (nhưng phía Mĩ lại cho rằng nó bị pháo cao xạ bắn rơi). Vài phút sau, trong không vực này xuất hiện lực lượng tiêm kích Mĩ tăng viện bay thành các tốp 2 và 4 chiếc ở độ cao 5000m-6000m. Sau khi phát hiện các tốp máy bay địch bay vào, đôi bay Mig-21 Nguyễn Đức Soát và Ngô Duy Thư được lệnh cất cánh.

Trên vùng trời khu vực tỉnh Hòa Bình, biên đội Soát-Thư phát hiện 1 tốp 4 chiếc “Con ma” của địch ở ngay trước mặt và 1 biên đội F-4 khác đang kéo tới từ phía Lào ở hướng Tây. Đôi bay này quyết định không đụng tới tốp “nhử mồi” mà tăng lực kéo cao lên độ cao 5000m để công kích tốp “Con ma” bay sau ở độ cao 3000m.

Từ cự li 1500m, phi công Nguyễn Đức Soát phóng tên lửa trúng chiếc máy bay tiêm kích bom F-4E số đuôi 67-0248 của Phi đội 308 Liên đội tiêm kích chiến thuật số 432. Thấy chiếc F-4E này xì ra đuôi khói đen nhưng chưa bốc cháy, phi công Soát liền phóng bồi tiếp quả tên lửa thứ hai khiến nó cháy rụi. Sau khi tiêu thụ hết đạn, phi công Bắc Việt đã quay về hạ cánh luôn.

Đáng chú ý là trường hợp của Ngô Duy Thư. Khi tiếp cận tốp 2 chiếc “Con ma” bay sát nhau, anh đã phóng cùng lúc 2 quả tên lửa vào 1 trong số chúng. Theo báo cáo của phi công Ngô Duy Thư, chiếc F-4 đã bị bắn rơi, nhưng ở phía bên kia người Mĩ lại báo rằng chiếc “Con ma” đó đã trở về căn cứ sân bay hạ cánh. Trong khi hừng hực lâm chiến, Ngô Duy Thư không để ý tới lượng tiêu thụ dầu liệu, nên để cứu máy bay, anh đã phải lết chiếc MiG đã cạn khô dầu về hạ cánh tại sân bay Hòa Lạc.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #34 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2013, 12:09:29 am »



Bản đồ phân bố toàn bộ các sân bay chính mà các máy bay tiêm kích Mig-21 hoạt động ở đó trong giai đoạn xung đột vũ trang ở Đông Dương.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #35 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2013, 12:21:28 am »



Ảnh trên: Không quân VNDCCH đã nhận được các máy bay tiêm kích Mig-21 đầu tiên từ Liên Xô vào cuối năm 1965. Các máy bay gia nhập biên chế Trung đoàn không quân tiêm kích 921 “Sao Đỏ” – nơi có các phi công nhiều kinh nghiệm.

Ảnh dưới: Trung đoàn trưởng trung đoàn 921 Trần Hanh (bên trái) đang hướng dẫn các phi công trẻ trước khi bay. Tất cả các phi công đều mặc quần áo kháng áp cao và mũ bảo hiểm GS-4. Quần áo có màu xanh lá cây. Đằng sau – máy bay tiêm kích Mig-21PF với số hiệu “4320”, Trung đoàn tiêm kích 921 “Sao Đỏ”.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Sáu, 2013, 01:06:22 am gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #36 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2013, 09:13:32 pm »



Giảng viên và học viên đang thảo luận vấn đề cất cánh trên máy bay tiêm kích Mig-21, ảnh chụp ở căn cứ trên sân bay Nội Bài.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #37 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2013, 12:06:17 pm »



Mùng 4 và 5 tháng 3 năm 1966, các máy bay tiêm kích Mig-21 thuộc Trung đoàn tiêm kích 921, bằng các tên lửa K-13 đã bắn rơi 1 máy bay do thám không người lái của Mỹ “Firebee”. Các mảnh vỡ của máy bay do thám, vào thời điểm này, đang được trưng bày ở bảo tàng tại Hà Nội.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #38 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2013, 12:16:31 am »



Phi công Nguyễn Văn Minh (bên trái) đang mô tả lại bằng cách nào đã bắn rơi máy bay tiêm kích bom F-4B số đuôi 152093 thuộc phi đội VF-154 trên tàu sân bay “Coral Sea”. Tổ bay “Con ma” sau khi nhảy dù đã bị bắt làm tù binh. Sau khi được phóng thích, phi công và hoa tiêu vũ khí đã tuyên bố rằng máy bay của họ bị pháo phòng không bắn rơi. F-4B số đuôi 152093 được ghi nhận trong tổn thất của Không quân Mỹ là do pháo phòng không.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #39 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2013, 12:07:39 am »



Phi công Nguyễn Ngọc Xíu (ở giữa) và phi công Đồng Văn Đe đã bắn rơi 2 máy bay tiêm kích bom F-105D “Thần Sấm” ngày 14 tháng 12 năm 1966, nhưng các tài liệu của Mỹ chỉ khẳng định tổn thất 1 máy bay (F-105D số đuôi 60-0505, đại úy phi công Robert Culi, phi đội 357, liên đội không quân tiêm kích chiến thuật 355).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM