Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:44:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quá trình tham gia chiến đấu của Mig-21 ở Việt Nam  (Đọc 75414 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #20 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2013, 02:40:19 am »

Biên đội Nguyễn Đăng Kính và Đồng Văn Song đã hạ được chiếc máy bay tác chiến điện tử EB-66 thứ hai trong bảng thành tích chiến đấu của Trung đoàn 921. Lần này người Mĩ đã phải tâm phục khẩu phục công nhận bị tổn thất một chiếc EB-66 có số đuôi 55-0388 thuộc Phi đội tác chiến điện tử 41 Liên đội không quân chiến thuật số 355 vào tay Mig-21. Còn có thêm một chiếc EB-66 thứ ba bị biên đội Nguyễn Đăng Kính và Nguyễn Đức Thuận bắn rơi trong ngày 03-03 nhưng không được phía Mĩ công nhận.

Ngoài máy bay tác chiến điện tử, Không quân Mĩ còn bị Mig-21 loại khỏi vòng chiến 1 chiếc máy bay cường kích F-105D số đuôi 60-0489 thuộc Phi đội 469 Liên đội không quân chiến thuật số 388 vào ngày 14-01. Thế nhưng các phi công Bắc Việt đã không đứng ra nhận thành tích bắn rơi chiếc “Thần sấm” này. Tiếp đến ngày 18-01, người Mĩ đã dâng lên tới 2 chiếc F-4D số đuôi 66-8720 và 66-7581 thuộc Phi đội 435 Liên đội không quân chiến thuật số 8 cho bảng thành tích chiến đấu của Trung đoàn không quân tiêm kích 921. Nhưng điều đáng nói là một lần nữa, cấp chỉ huy của Trung đoàn 921 lại chẳng hề hay biết gì về những thành tích này. Những vụ việc tương tự cũng diễn ra với chiếc F-105D số đuôi 60-5384 thuộc Phi đội 34 Liên đội không quân chiến thuật số 388 bị bắn rơi ngày 04-02, chiếc F-4D số đuôi 66-8725 thuộc Phi đội 497 Liên đội không quân chiến thuật số 8 bị bắn rơi ngày 21-02. Trong khi phía Mĩ cho rằng chúng bị các phi công Mig-21 bắn rơi, thì phía Quân chủng PKKQ Bắc Việt lại không ghi nhận những chiến công đó.       

Trong ngày 03-02 đã diễn ra một trận không chiến hy hữu khi phi công Nguyễn Văn Cốc bắn hạ 1 chiếc máy bay tiêm kích thuộc vào loại vô dụng nhất trên chiến trường Đông Dương – máy bay tiêm kích đánh chặn F-102A “Cánh đuôi lao” số đuôi 56-1166 thuộc Phi đội 509 Liên đội tiêm kích đánh chặn số 405 do thượng úy phi công W.L. Wiggins điều khiển. Đây là chiếc máy bay thứ 7 bị phi công Át Nguyễn Văn Cốc bắn rơi và trường hợp tổn thất của nó được cả hai phía ghi nhận.

Trong tháng 2, phi công Mĩ thuộc các Liên đội không quân chiến thuật số 8 và Liên đội trinh sát chiến thuật số 432 đã gỡ gạc lại được một số trận diễn ra trong các ngày mùng 5, mùng 6, 12 và 21, mỗi trận đều hạ được 1 chiếc Mig-21.   

Thay cho bầu không khí chiến đấu nhộn nhịp như hồi đầu năm, tình hình chiến đấu trong tháng 3, tháng 4 diễn ra khá trầm lắng và lực lượng không quân tiêm kích Bắc Việt đã không giành thêm được thành tích nào cho tới tận ngày 07-5. Trong trận không chiến ngày 07-5, Không quân Bắc Việt đã cho xuất kích cả thảy 03 biên đội Mig-21 từ sân bay Thọ Xuân. Phi công Nguyễn Văn Cốc là một trong các phi công xuất kích ngày hôm đó kể lại:

- Biên đội trưởng Đặng Ngọc Ngự và tôi xuất kích từ sân bay Thọ Xuân dưới sự yểm hộ của biên đội Nguyễn Đăng Kính và Nguyễn Văn Lung. Vì hiệp đồng không tốt với bên phòng không nên chúng tôi bị pháo cao xạ bắn nhầm do bị tưởng là máy bay Mĩ. Rắc rối không chỉ xảy ra với pháo cao xạ, mà lần này chính anh Đặng Ngọc Ngự bay số 1 phía trước chúng tôi lại nhận nhầm biên đội Mig-21 thứ ba là máy bay Mĩ, rồi vứt thùng dầu phụ suýt nữa thì xông vào công kích “địch”.

- Sau khi làm 3 vòng chờ trên bầu trời Đô Lương, chúng tôi được thông báo có máy bay địch đang bay vào từ hướng biển – lần này thì đích thị là máy bay Mĩ rồi. Anh Ngự phát hiện ngay 1 tốp 2 chiếc “Con ma” từ cự li 5 km. Do vướng mây dầy nên anh Ngự đã không chiếm được vị trí phóng tên lửa. Tôi định bám theo yểm hộ anh Ngự nhưng đành thôi vì thấy không còn đủ dầu. Trên đường về Thọ Xuân hạ cánh, tôi phát hiện 1 chiếc “Con ma” bay ở độ cao 2500 mét. Sau khi chuyển vào thế khóa đuôi ở cự li 1500 mét, tôi phóng liền 2 đạn về phía chiếc “Con ma” khiến nó nổ tung và văng xác xuống biển.     

Thành tích thứ 7 này của phi công Nguyễn Văn Cốc là chiếc máy bay cường kích F-4B số đuôi 15-1485 thuộc Phi đội tiêm kích hải quân VF-82 Liên đội không quân trên tầu sân bay CVAN-65 “Enterprise”. Tổ bay của chiếc “Con ma” đoản mệnh đã được trực thăng tìm cứu của Hải quân Mĩ giải cứu thành công.

F-4B đang hạ cánh trên tàu sân bay CV-65 USS "Enterprise"

Trong tháng 5, Không quân Mĩ bắt đầu tiến hành thường xuyên các phi vụ không kích vào các sân bay căn cứ ở Vinh và Đồng Hới của lực lượng không quân tiêm kích Bắc Việt. Còn trên hướng vịnh Bắc Bộ, các tầu hải quân Mĩ được phân công nhiệm vụ trực ban cảnh giới tạo thành trường ra đa khép kín quản chặt không phận từ Vĩnh Linh tới Ninh Bình. Mỗi khi biết Mig xuất kích, các tầu này lại lùi xa bờ và di chuyển về phía các tầu sân bay để nhận được sự hỗ trợ phòng không hùng hậu từ các cụm tầu sân bay chiến đấu này. Từ ngày 07-05, có 5 lần chiếc máy bay Bắc Việt đã tìm cách công kích các tầu chiến Mĩ nhưng không những bất thành, mà còn bị tổn thất tới 2 chiếc máy bay tiêm kích.

Một trong số các máy bay Bắc Việt tham gia công kích đội tầu hải quân Mĩ đã bị chiếc máy bay tiêm kích F-4B thuộc Phi đội tiêm kích hải quân VF-96 sử dụng tên lửa đối không tầm trung AIM-7 “Chim sẻ” phóng từ ngoài tầm nhìn bắn rơi hôm 09-05.

Một cuộc đụng độ khác giữa Mig-21 và đám ‘Con ma” hải quân đã diễn ra vào hôm 16-06. Hôm đó, một biên đội 2 chiếc Mig-21 xuất kích từ sân bay Thọ Xuân bay dọc theo Đường 15 ở độ cao 250 – 300 mét và tốc độ 800 km/giờ tới trên Nghĩa Đàn thì được sở chỉ huy thông báo có máy bay Mĩ xuất hiện trên vùng trời Đô Lương. Sau vài phút, biên đội trưởng Đinh Tôn đã phát hiện 1 biên đội 4 chiếc F-4J. Anh vứt thùng dầu phụ rồi đẩy tay ga hết cỡ để tăng lực động cơ và lao vào công kích. Trong phút chốc, khi máy bay hai bên dường như sắp đâm sầm vào nhau thì chiếc F-4J chỉ huy biên đội đã dẫn theo chiếc số 2 vội bổ xuống sát đất tháo chạy. Không để lỡ dịp truy kích ngay cả khi địch đã tháo chạy ra biển, Đinh Tôn cùng với số 2 là phi công mới xuất kích trận đầu Nguyễn Tiến Sâm (về sau phi công này cũng trở thành Át của Không quân Bắc Việt) đã theo sát tốp máy bay cường kích địch ở cự li 300 mét. Và rồi người chiến binh bầu trời kì cựu Đinh Tôn đã cho chàng “tân binh” bay cặp với mình được thưởng thức bài học trực quan về không chiến: quả đạn K-13 rời bệ phóng ở cự li gần đã biến chiếc “Con ma” F-4J số đuôi 155548 thuộc Phi đội tiêm kích hải quân VF-102 Liên đội không quân trên tầu sân bay CVA-66 “Châu Mĩ” thành một quả cầu lửa, chỉ mỗi mình viên phi công trong tổ bay của chiếc “Con ma” này là kịp phóng dù thoát ra ngoài. Khi biên đội Mig-21 quay về hạ cánh, dù Sở chỉ huy bay Thọ Xuân đã thông báo tới tất cả các đơn vị pháo cao xạ lân cận về việc biên đội Mig-21 đang trở về hạ cánh, nhưng máy bay của 2 phi công Tôn và Sâm vẫn suýt nữa bị trúng đạn cao xạ bắn nhầm.   
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #21 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2013, 05:54:32 pm »

Mọi cuộc chiến đều có vẻ giống như một chiếc cân, với cán cân lúc thì nghiêng bên này, lúc lại lệch phía kia. Ngày 26-06 đã đem đến vận may cho người Mĩ khi viên phi công lái chiếc máy bay tiêm kích F-8H “Thập tự quân” thuộc Phi đội tiêm kích hải quân VF-33 Liên đội không quân trên tầu sân bay CVA-31 “Ri sác tốt bụng” hạ được 1 Mig-21. Chiếc Mig-21 thứ 2 bị biên đội 2 chiếc “Con ma” thuộc Phi đội tiêm kích hải quân VF-33 Liên đội không quân trên tầu sân bay CVA-66 “Châu Mĩ” bắn rơi ngày 10-07 trong trận không chiến với 1 biên đội 3 chiếc Mig-21 của Bắc Việt. Những tổn thất vừa nêu của Không quân Bắc Việt được cho là do chiến thuật kém và công tác huấn luyện chiến đấu cho phi công mới không được tốt.

Ngày 01-08 đã diễn ra 1 trận không chiến khác giữa biên đội 3 chiếc Mig-21 của các phi công Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Mạo, Nguyễn Đăng Kính với đám “Thập tự quân” thuộc Phi đội tiêm kích hải quân VF-111 của tầu sân bay “Gan dạ” tại một điểm chặn kích cách sân bay căn cứ của Mig khoảng 15 km. Phi công Nguyễn Đăng Kính vào phóng tên lửa công kích trước nhưng không trúng mục tiêu. Tới lượt phi công Nguyễn Hồng Nhị vào công kích máy bay địch bằng tên lửa K-13 từ cự li 1000 mét, nhưng phi công Mĩ đã kịp cơ động tránh quả đạn này bằng thao tác ngoặt gấp với độ nghiêng 45 độ làm đầu tự dẫn của tên lửa mất bám sát mục tiêu. Tới khi quả đạn thứ 2 của Nhị được phóng đi thì chiếc máy bay Mĩ đã hết đường thoát. Phi công Nguyễn Hồng Nhị đã báo cáo bắn rơi được 1 chiếc máy bay địch, nhưng phía Hải quân Mĩ không thừa nhận bị tổn thất một chiếc “Thập tự quân” nào trong ngày đó cả.    

Thế trận bỗng chốc xoay vần từ người đi săn thành con mồi khi máy bay của Nguyễn Hồng Nhị bị một chiếc “Thập tự quân” khóa đuôi. Nguyễn Hồng Nhị nỗ lực chịu quá tải khi bật tăng lực ngoặt gấp nhưng rồi lại thôi do mức quá tải của động tác này vượt ngưỡng chịu đựng của máy bay. Chiếc “Thập tự quân” xả từng loạt điểm xạ ngắn đạn pháo về phía chiếc Mig của Nhị từ vị trí khóa đuôi cách 300 mét. Nguyễn Hồng Nhị lại lấy vòng lượn và tới lần lượn thứ ba anh đã bám được vào đuôi 1 chiếc “Thập tự quân”. Chiếc máy bay Mĩ đã nằm gọn trong máy ngắm, việc còn lại chỉ là nhấn nút bắn và người phi công Bắc Việt đã làm như vậy. Thế nhưng khẩu pháo trên máy bay đã không nhả đạn do bị hỏng cò điện, còn 2 quả tên lửa mang theo cũng đã tiêu thụ hết. Đúng lúc đó tình thế bỗng trở nên ngặt nghèo khi có thêm 1 tốp 2 chiếc “Thập tự quân” từ đâu tới nhập trận. Phi công Nguyễn Hồng Nhị cho máy bay lật xuống thoát li nhưng chưa kịp bắt tốc độ thì đã trúng 1 trong 2 quả tên lửa AIM-9 “Rắn đuôi kêu” nhắm tới. Nguyễn Hồng Nhị kịp nhảy dù và chỉ 3 ngày sau đã lại sẵn sàng xuất kích giáng trả các cuộc tập kích đường không của bè lũ đế quốc xâm lược.    

Anh hùng - phi công át Nguyễn Hồng Nhị bên máy bay Mig-21

Trong trận không chiến ngày 19-09 lại xảy ra việc trục trặc hệ thống vũ khí khi số 1 của biên đội 2 chiếc Mig-21 nhấn nút phóng mà đạn không rời bệ. Số 2 đã vào công kích thay số 1 và bắn hạ được chiếc “Thập tự quân” đó. Phía Mĩ không những bác bỏ việc để tổn thất chiếc “Thập tự quân”, mà còn công bố chiến tích bắn rơi 1 chiếc Mig-21 của đại úy phi công hải quân J. Nargi thuộc Phi đội tiêm kích hải quân VF-111. Ngày 26-10, Trung đoàn không quân tiêm kích 921 hạ được 1 “Con ma”, nhưng phía Mĩ đã lờ tịt vụ này đi.

Mặc dù Chính phủ Hoa Kì tuyên bố ngừng ném bom Bắc Việt từ ngày 01-10-1968, nhưng họ vẫn tiếp tục tiến hành các chuyến bay trinh sát Miền Bắc, đồng thời không hề giảm số lượng phi vụ ném bom trên đất Lào và Nam Việt Nam.

Việc Mĩ ngừng ném bom Bắc Việt đã làm giảm mạnh số lượng các trận không chiến. Nếu không tính tới hoạt động săn đuổi loại máy bay trinh sát không người lái “Ong lửa”, thì trong cả năm 1969 chỉ diễn ra đúng 1 trận không chiến liên quan tới Mig-21 trong ngày 09-02 khi 1 biên đội 2 chiếc Mig-21 bị tấn công trong khi bay chuyển trường từ Nội Bài vào Vinh. Trận này người Mĩ tuy có trở về tay không, nhưng phía Không quân Bắc Việt cũng vẫn bị mất 1 chiếc Mig-21 do phi công phải nhảy dù bỏ lại chiếc máy bay đã hết dầu.  

Do hoạt động không kích của Mĩ ở Lào không chỉ được tiến hành một cách thường xuyên, mà còn gia tăng về cường độ, nên Bộ tư lệnh Quân chủng PKKQ Bắc Việt đã quyết định điều động một số lượng lớn máy bay tiêm kích Mig-17 và Mig-21 vào các sân bay Vinh và Anh Sơn thuộc Khu 4. Các phi công tới nhận nhiệm vụ chiến đấu ở hai sân bay này đã được huấn luyện chiến đấu tăng cường. Đại đội tiêm kích bố trí tại sân bay Anh Sơn bắt đầu tham gia trực ban sẵn sàng chiến đấu từ ngày 06-04 với 10 phi công lái Mig-17 được chuyển loại sang lái Mig-21MF để chuẩn bị chiến đấu tại chiến trường phía Nam, trong số đó có 5 phi công chuyên bay chiến đấu trong điều kiện khí tượng phức tạp và 5 phi công còn lại chuyên xuất kích đánh đêm.
Logged
meo-u
Thành viên
*
Bài viết: 89


« Trả lời #22 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2013, 11:47:51 am »

Theo em được biết, máy bay từ đời Mig17 đã có camera quay phim chụp ảnh lại mục tiêu khi nổ súng hoặc phóng tên lửa. Người ta ghi nhận chiến công của phi công thông qua các thước phim đó. Về mặt kỹ thuật, không thể có chuyện công nhận thành tích nhầm.
Về chính trị:
- Với Việt Nam theo em là rất chính xác. Bằng chứng là bác Rạng đã bắn trúng B52 nhưng ...quên không bật máy quay. Không có căn cứ gì nên không được công nhận chiến công.
- Với Mỹ. Có rất nhiều ví dụ lịch sử cho thấy rằng Mỹ đã sửa lại bảng danh sách chiến công của 2 bên theo hướng có lợi cho Mỹ. Điển hình như chiến tranh Triều Tiên.

Vậy em đề nghị các bác tìm được nguồn nào có cả các thước phim ghi lại các thành tích của cả 2 bên tham chiến thì tốt hơn. Chứ viết kiểu phi công Hà Văn Chúc tự thưởng cho mình thành tích hạ 1 máy bay khi bắn tên lửa ở tầm xa 3.5km nghe văn học quá.

Đây chỉ là đề xuất thêm của em để tìm hiểu kỹ hơn lịch sử không chiến giữa Việt Nam và Mỹ.

Cám ơn bác Daibangden nhiều về cuốn sách này. Hy vọng bác đăng toàn bộ vào một ngày gần nhất.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #23 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2013, 10:47:32 pm »

Máy bay ném bom chiến lược B-52 được Mĩ sử dụng rộng rãi trong các trận không kích mục tiêu trên đất Lào và Nam Việt Nam, nên các phi công Mig đã được huấn luyện để công kích loại “Pháo đài bay chiến lược” này. Ngày 22-04, tốp 2 chiếc Mig-21 đầu tiên đã tới sân bay Vinh và đây cũng là sân bay của Bắc Việt gần với biên giới Lào nhất. Những chiếc máy bay này không được sơn ngụy trang nên chúng đã bị máy bay trinh sát của Mĩ phát hiện ngay khi vừa hạ cánh. Và trận không kích liền sau đó đã biến những chiếc máy bay tiêm kích nằm phơi mình lấp lánh dưới ánh mặt trời tại sân bay Vinh thành những đống kim loại cháy rụi. 

Thành tích chiến đấu chỉ tới với đơn vị này vài tháng sau đó khi một biên đội 2 chiếc Mig-21 (gồm số 1 Phạm Đình Tuân và số 2 Vũ Ngọc Đỉnh) xuất kích từ sân bay Vinh, tới gần khu vực đường 12 thì được đài ra đa cảnh giới thông báo phát hiện tốp máy bay tìm cứu phi công của Không quân Mĩ, gồm trực thăng và các máy bay tiêm kích hộ tống, đang hướng sang Lào để giải cứu tổ bay của chiếc F-105G bị bắn rơi bên đó. Phi công Phạm Đình Tuân vào công kích và đã bắn rơi 1 chiếc “Con ma”, nhưng tổn thất này không được phía Mĩ công nhận. Số 2 của biên đội Mig-21 đã phóng tên lửa diệt được 1 chiếc trực thăng tìm cứu phi công HH-53B có số đuôi 66-14430 thuộc Phi đội tìm cứu phi công số 40. Đây là trận đầu không quân tiêm kích Bắc Việt xuất kích tiến hành không chiến trên đất Lào, và chiếc HH-53B cũng là chiếc trực thăng Mĩ duy nhất bị tên lửa đối không bắn rơi trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến tranh ở Đông Dương. 

HH-53B đang tiếp liệu trên vùng trời Bắc Việt

Khi về hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu ở sân bay Vinh, chiếc Mig-21 của phi công Phạm Đình Tuân va phải núi khiến phi công hi sinh. Đáp lại sự xuất hiện của Mig ở nam phần Bắc Việt, máy bay cường kích Mĩ đã tiến hành không kích sân bay Mường Xén trong ngày 28-03. Điều kiện thời tiết xấu đã không cho phép các máy bay tiêm kích Bắc Việt đóng tại sân bay Thọ Xuân cất cánh chặn kích các máy bay Mĩ tham gia trận không kích. Một biên đội 4 chiếc Mig-21 được lệnh xuất kích từ sân bay Kiến An. Trong số 2 phi công Mig-21 lần đầu xông trận của biên đội này, một người đã ra đi vĩnh viễn khi chiếc Mig-21 của anh bị trúng tên lửa đối không phóng đi từ 1 chiếc F-4J thuộc Phi đội tiêm kích hải quân VF-142 Liên đội không quân trên tầu sân bay “Chòm sao”.

Trong mùa khô năm 1971, việc tiếp vận qua đường 9 thuộc trách nhiệm của Đoàn 559 Quân đội Bắc Việt bị sụt giảm mạnh do thường xuyên bị máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay cường kích AC-130 “Pháo hạm” ném bom bắn phá. Bộ tư lệnh Quân chủng PKKQ đã được giao nhiệm vụ phòng không bảo vệ tuyến đường trọng yếu đối với hoạt động tiếp tế cho các đơn vị quân chủ lực chính qui Bắc Việt đang ém quân ở phía Nam. Đối với các phi công tiêm kích Mig-21, nhiệm vụ được giao cho họ lần này rất khó khăn do không thông thuộc địa hình địa vật và hệ thống dẫn đường chỉ huy chiến đấu mặt đất cho hoạt động chiến đấu của máy bay tiêm kích hầu như không có.

Trong số các phi công Mig-21 được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường 9, Đinh Tôn là phi công kì cựu rất có kinh nghiệm khi bay bằng khí tài khi đối phó với đám “Pháo hạm” chuyên rình mò ban đêm hay trong điều kiện tầm nhìn hạn chế. Chuyến xuất kích chiến đấu đầu tiên trên khu vực đường 9 là do phi công Đinh Tôn thực hiện. Cất cánh từ sân bay Nội Bài vào hồi 17 giờ, Đinh Tôn tới sân bay Đồng Hới tiếp dầu vào lúc 19 giờ, rồi lại xuất kích nhằm hướng tới khu vực tuần tiễu nhưng không phát hiện được đám AC-130 quỷ quyệt. Người Mĩ chắc đánh hơi thấy máy bay tiêm kích của đối phương xuất hiện nên đã điều đám “Pháo hạm” của mình ra khỏi khu vực nguy hiểm. Thực tình mà nói thì đây cũng là kết quả mà cấp chỉ huy quân đội Bắc Việt trông đợi.

Hoạt động chặn kích máy bay B-52 của Không quân tiêm kích Bắc Việt trong nửa đầu năm 1971 không khả quan chủ yếu là do thiếu hệ thống đài ra đa cảnh giới. Tới tháng 9, các đài ra đa cảnh giới đã được bố trí tại Ba Đồn và Vĩnh Linh (đều thuộc tỉnh Quảng Bình) để kíp trắc thủ tập trung vào nhiệm vụ phát hiện những chiếc máy bay ném bom chiến lược.         

Ngày 04-10, Ban chỉ huy Trung đoàn không quân tiêm kích 921 đã điều phi công quen thuộc Đinh Tôn vào sân bay Đồng Hới để bắt đầu triển khai nhiệm vụ chặn kích B-52. Hôm đó Đinh Tôn xuất kích sau lúc mặt trời lặn và không mở máy vô tuyến liên lạc với mặt đất nhằm tránh bị hệ thống chế áp điện tử của phía Mĩ gây nhiễu. Anh đã phát hiện được 1 tốp 2 chiếc “Pháo đài bay chiến lược”, nhưng do không tiếp cận chiếm được cự li phóng tên lửa thích hợp nên phải quay về Thọ Xuân hạ cánh.

Ngày 20-11 có thêm 2 chiếc Mig-21 nữa được chuyển sân vào Vinh, từ đó 1 chiếc Mig-21 đi tiếp xuống sân bay Anh Sơn ngay trong ngày. Khoảng 8 giờ tối ngày hôm đó, đài ra đa cảnh giới phát hiện được 1 tốp B-52 ở cách Sầm Nưa 60 km về phía bắc. Hồi  20 giờ 46 phút, phi công Vũ Đình Rạng được lệnh xuất kích đánh chặn tốp B-52 này. Sau khi được đài dẫn đường mặt đất thông báo có 3 mục tiêu bay cách mình khoảng 100 km, Rạng đã vứt thùng dầu phụ rồi kéo lên chiếm độ cao 10000 mét và tiếp cận địch theo hướng bay được trực ban dẫn đường mặt đất cập nhật liên tục. Phi công Rạng bật ra đa ngắm bắn của Mig-21 ở cự li 15 km và khi vào tới 8 km thì phóng tên lửa vào 1 chiếc trong tốp máy bay ném bom. Lúc đang thoát li công kích, Rạng lại túm ngay được vào chiếc B-52 thứ hai và kịp phóng tên lửa về phía nó. Về hạ cánh tại sân bay Anh Sơn vào hồi 21 giờ 15 phút, phi công đã báo cáo rằng quả tên lửa đầu tiên đã bắn bị thương chiếc “Pháo đài bay chiến lược” và khiến nó phải cuống cuồng đáp xuống bên đất Thái Lan. 

Những cuộc chặn kích máy bay B-52 kết hợp với quá trình tập kết lực lượng chiến đấu ngày càng tăng của Bắc Việt ở miền Nam đã buộc Oa sinh tơn phải điều chỉnh sách lược ném bom bắn phá miền Bắc. Từ tháng 12-1971, phía Mĩ đã ném bom miền Bắc trở lại và kéo theo các trận không chiến ở đây. Ngày 18-12, phi công Lê Thanh Đạo và Võ Sĩ Giáp mỗi người đã bắn hạ được 1 chiếc F-4D (1 chiếc có số đuôi 66-0241 và chiếc còn lại có số đuôi 65-0799) thuộc Liên đội trinh sát chiến thuật.

Và kể từ đó, cuộc chiến tranh đường không trên bầu trời Bắc Việt đã bước vào giai đoạn cao trào.   
Logged
pvnaf
Thành viên
*
Bài viết: 23


« Trả lời #24 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2013, 11:23:56 am »

Cuốn bác đang dịch có phải cuốn Mig-21 Units of Vietnam War của Itsvan Toperczer không bac? Em thấy cuốn của bác istvan cũng có kết hợp cả tài liệu Mỹ và tài liệu Vn (lích sử sư đoàn 371 và lịch sử dẫn đường không quân)...

Nhân tiện có topic về quá trình chiến đấu của Mig-21 ở Việt Nam, em muốn tìm hiểu về số Mig-21bis nhận về đầu tiên (24 chiếc) từ tháng 7-8 năm 1979 giao cho sư đoàn 371 có một lô máy bay rằn ri màu xanh. Em tìm hiểu về kiểu camo này thì được biết đây là các máy bay của Cuba, e đoán là Liên Xô chuyển giao cho VN từ lô hàng của CUBA. Vậy em xin nhờ các bác giải đáp giúp em... có đúng những chiếc Mig-21Bis đầu tiên là của Cuba?  có bao nhiêu chiếc trong đợt 24 chiếc này có màu camo như vậy?

Trên mạng có một loạt ảnh về máy bay rằn ri này, và có ảnh của chiếc 5205, 5206 và 5210... ngoài ra em có ảnh chụp ở bảo tàng B52 có thêm chiếc 5209... Như vậy em thấy đây là 1 lô gồm khá nhiều máy bay rằn ri, và có khả năng là từ chiếc 5201-5210 đã là mầu như vậy.

Tuy nhiên, em lại có một số ảnh những chiếc mig-21Bis lô đầu tiên đầu tiên (520x) lại có màu bạc. Lúc đầu em nghĩ nghĩ là chỉ có vài chiếc là sơn rằn ri, vài chiếc bạc. Tuy nhiên, xem kỹ thì thấy ảnh này chụp vào thời điểm kỷ niệm 50 năm không quân việt nam upload năm 2007, tức là gần đây máy bay đã có thể bị sơn lại thành màu xám bạc như các máy bay hiện thời lên trên lớp camo cũ.

Do vậy, kính mong các bác có thể trả lời giúp em xem có bao nhiêu chiếc rằn ri, và nó sơn rằn ri đến năm nào thì bị sơn lại...

Em xin lỗi nếu câu hỏi không thích hợp ở đây? Mong các bác chỉ chỗ thích hợp cho em hỏi cầu hỏi băn khoăn này...









Ảnh chụp tại bảo tàng B52 chiếc 5209, cũng là màu rằn ri


Ảnh chụp ít nhất 4 chiếc rằn ri


Sau này 1 hãng mô hình có làm decal chiếc 5212


Màu sơn đã bị chuyển thành sơn bạc....trong phim tài liệu 50 năm KQNDVN, trong đó có chiếc 5201, 5207, 5208, 5209... và 5212






5214







« Sửa lần cuối: 05 Tháng Hai, 2013, 11:31:28 am gửi bởi pvnaf » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #25 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2013, 09:37:32 pm »

Cao trào

Cho tới đầu năm 1972, hầu hết các phi công của Trung đoàn không quân tiêm kích 921 đã được chuyển loại sang lái loại Mig-21MF (mẫu máy bay 96) hiện đại hơn, trong số đó có thêm nhiều phi công có khả năng xuất kích chiến đấu trong điều kiện thời tiết xấu và cả ban đêm. Sở chỉ huy của đơn vị này đã được chuyển về sân bay Bạch Mai, còn lực lượng máy bay thì được bố trí ở sân bay Chương Mĩ (sân bay Hòa Lạc) của tỉnh Hà Tây. Thời đó, trung đoàn không quân tiêm kích của Bắc Việt nào cũng đều có một sở chỉ huy dự bị đủ khả năng thường trực tiếp nhận công tác chỉ huy chiến đấu trên không từ sở chỉ huy chính.

Năm 1972 đã trở thành giai đoạn trải nghiệm đầy căng thẳng của lực lượng không quân tiêm kích Bắc Việt khi họ phải tham gia hầu như tất cả các trận không chiến trong suốt chiến dịch chặn kích cuộc tập kích đường không Lainơ Bếchcơ II vào loại qui mô nhất kể từ sau Thế chiến II của Không quân Mĩ.              

Khi các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Bắc Việt nhận thấy đã tới thời khắc ra đòn quyết định để cắm ngọn cờ hồng của hòa bình và Chủ nghĩa xã hội lên sào huyệt của chế độ ngụy Sài gòn nhằm thực hiện ước nguyện thống nhất đất nước và đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa, thì khối lượng vận chuyển hàng dự trữ chiến đấu phục vụ kế hoạch chiến dịch mùa Khô của Quân đội miền Bắc trên cung đường Hồ Chí Minh trong năm này đã tăng vọt.

Quá trình chuẩn bị chiến dịch của quân đội miền Bắc đã khó lòng thoát khỏi tai mắt nhòm ngó của các máy bay do thám Mĩ. Việc người Mĩ tăng tần suất các phi vụ bay do thám đã kéo theo các chuyến xuất kích đánh đuổi của Mig-21. Từ đó người Mĩ phải tổ chức các chuyến bay do thám có máy bay tiêm kích hộ tống, và chính yếu tố này làm tần suất các cuộc không chiến giữa máy bay tiêm kích hộ tống do thám với Mig đánh chặn tăng lên.

Ngày 12-01-1972, đại úy phi công hải quân (đồng thời là Át tương lai duy nhất của Mĩ trong thời Chiến tranh Việt Nam) Randy Cunningham cùng đại úy sĩ quan điều khiển vũ khí Willie Driscoll là tổ bay đầu tiên đã hạ được Mig-21 tính từ tháng 03-1970 tới thời điểm đó. Trong các trận không chiến diễn ra trong các ngày 21-02, mùng 1 và 30-3, ngày 16-4, các tổ bay “Con ma” còn hạ thêm được tới 6 chiếc Mig-21.

Trong giai đoạn này, vùng giữa khu Phi quân sự và Vĩ tuyến 20 luôn hiện diện ít nhất là 30 chiếc Mig (gồm 10 chiếc Mig-21, 6 chiếc Mig-19 và 14 chiếc Mig-17) và chúng chỉ được phép xuất kích chiến đấu dưới sự chỉ huy giám sát của các đài ra đa cảnh giới và trạm dẫn đường mặt đất. Toàn bộ lực lượng máy bay tiêm kích của Trung đoàn 921 được giao đảm nhiệm phòng không trên vùng Khu 4, nhưng cũng có thể được điều về bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng khi cần.        

Diễn biến leo thang của cuộc chiến tranh đường không đã xuất hiện cùng thời điểm với việc thành lập trung đoàn không quân tiêm kích thứ hai được trang bị máy bay Mig-21 của Bộ đội không quân Bắc Việt – Trung đoàn không quân tiêm kích 927 “Lam Sơn”. Trung đoàn này được trang bị phiên bản Mig-21PFM (mẫu máy bay 94) và có nhiệm vụ hiệp đồng chiến đấu với Trung đoàn không quân tiêm kích 921 ở phía bắc Vĩ tuyến 20. Phi công Nguyễn Hồng Nhị với thành tích bắn rơi 8 máy bay Mĩ được giao chỉ huy Trung đoàn không quân tiêm kích 927.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Hai, 2013, 01:10:01 pm gửi bởi daibangden » Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #26 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2013, 09:16:55 pm »

Nhờ sử dụng loại “Con ma” phiên bản mới và thay đổi chiến thuật, các phi công Không quân Mĩ đã bắn hạ được tới 7 chiếc Mig-21 mà không hề bị tổn thất chiếc “Con ma” nào trong 4 tháng đầu năm 1972. Thế nhưng tình thế đã thay đổi kể từ hôm 27-04.

Hôm đó hai phi công Hoàng Quốc Dũng và Cao Sơn Khảo xuất kích từ sân bay Nội Bài theo hướng đi Vụ Bản. Ngay khi vừa tách đất, họ đã phát hiện 1 cặp F-4B bay đối mặt ở cự li 6 km. Hai phi công MiG nhanh chóng rút ngắn cự li xuống còn 3 km để Hoàng Quốc Dũng vào phóng đạn diệt 1 chiếc F-4B “Con ma” có số đuôi 153025 của Phi đội tiêm kích hải quân VF-51 Liên đội không quân trên tàu sân bay “Biển San hô”. Một thành viên tổ bay trên chiếc F-4B bị bắn rơi hôm đó là sĩ quan điều khiển vũ khí – thiếu tá hải quân James B. Souder kể lại:

- Tôi bị bắn rơi khi đang thực hiện phi vụ thứ 335 trên bầu trời Việt Nam và cũng là chuyến sang phục vụ chiến đấu lần thứ 3 ở chiến trường Đông Dương. Khi đó tôi vừa bước sang tuổi 31 và giữ lon thiếu tá hải quân với trên 1000 giờ bay trên loại máy bay F-4. Cùng tổ bay với tôi hôm đó là một viên phi công “mới toe” – đại úy phi công hải quân Al Molinare.

- Chúng tôi bay số 2 trong biên đội 2 chiếc có nhiệm vụ vào không kích mục tiêu gần Hà Nội. Nhưng hôm đó trên bầu trời thủ đô Bắc Việt và xuôi về phía nam khoảng 100 km phủ đầy mây, nên chúng tôi đành chuyển sang đánh mục tiêu dự phòng là một cây cầu nằm ở phía bắc thành Vinh. Mỗi chiếc “Con ma” chuyến đó được gắn 4 thùng bom chùm cũng như các tên lửa đối không loại “Rắn đuôi kêu” và “Chim sẻ”. Trên đường tới mục tiêu mới, chúng tôi đã phát hiện và lao vào không kích một đoàn xe tải đang chạy trên Đường số 1.

- Vài phút sau trận không kích đoàn xe vận tải, ra đa cảnh giới của chúng tôi phát hiện được một chiếc Mig-21 vừa cất cánh từ sân bay Phúc Yên, nên viên sĩ quan dẫn đường trên không thông báo mục tiêu cho biên đội chúng tôi “Hướng 360. Cự li 85” . Biên đội trưởng của chúng tôi đáp lại bằng mật ngữ rằng đã nghe rõ tọa độ và chấp hành lệnh dẫn đường.

- Tôi phán đoán rằng chiếc MiG có thể ở đâu đó giữa các đám mây dày đang trôi lơ lửng ở độ cao 900 mét, nhưng mãi vẫn chưa tìm ra nó. Nhác thấy thứ gì đó ánh lên qua kính buồng lái, tôi gọi phi công: “Cậu có cho rằng “chú thỏ non” ở phía chân trời kia là 1 chiếc máy bay tiêm kích không hả Al?” 
 
- Viên phi công trả lời: “Có vẻ đúng là máy bay tiêm kích. Nó ở bên phải ta”. Tôi đã từng trải qua tình huống kiểu này trước đấy khoảng 5 tháng, nhưng khi đó máy bay thì quá chuẩn, trời quang mây tạnh, còn phía dưới địa hình cũng rất ổn. Mọi việc vì thế diễn ra trôi chảy. Còn lần này chúng tôi lại đang bay trên một chiếc F-4B – loại máy bay không có ra đa xung đốp lơ giúp phát hiện mục tiêu bay trên nền địa hình.
   
- Trên tai nghe lại vang lên thông báo của sĩ quan dẫn đường: “Hướng 360. Cự li 75”, rồi “Hướng 360. Cự li 70”. Chiếc MiG đang tiếp cận.

- “Hướng 360. Cự li  65”. Lúc này trực giác mách bảo tôi rằng dường như sẽ có 1 chiếc “Con ma” không thể quay trở về tầu sân bay “Biển San hô” được nữa. Máy bay địch vẫn còn ở quá xa so với tầm với của ra đa trên máy bay chúng tôi. Tôi vẫn còn chút đỉnh thời giờ để nghĩ xem liệu mình có đủ thời gian thoát ra phía ngoài biển nơi có trực thăng tìm cứu hay không. 

- “Hướng 360. Cự li 60”. Tôi vẫn nhớ lời biên đội trưởng nhắc chúng tôi rằng máy bay tiêm kích Bắc Việt sẽ nắm lợi thế khi công kích F-4B từ phía dưới mây theo chỉ thị mục tiêu từ đài ra đa dẫn đường mặt đất như chiến thuật họ thường áp dụng trong không chiến từ hồi những năm 1966-1967.

- “Hướng 360. Cự li 45”, rồi “Hướng 360. Cự li 40. Tốc độ 360”. Tôi hoang mang khi cố đoán xem kẻ ngồi trong buồng lái chiếc MiG kia là một phi công tay mơ hay lại là một tay lái lão luyện, vì chỉ có kẻ thậm ngốc hoặc một phi công Át đầy kinh nghiệm mới đơn thương độc mã vào công kích cả một bầy “Con ma” mà thôi. Ngoài ra cũng cần phải tính tới việc anh ta đang bay trên mảnh đất quê hương mình, giữa trời mây đất nước mình, được đồng chí đồng đội dưới đất và cả bầu trời của mình nâng cánh bay nữa.

- “Hướng 360. Cự li 30”. Đã tới lúc bật ra đa tìm kiếm chiếc Mig-21 nhỏ xíu trên màn hiện sóng. Lúc này máy bay của chúng tôi đang bay ở độ cao 2400 mét.

- “Hướng 360. Cự li 25”. Tôi nhắc phi công cho máy bay giảm độ cao 330 mét.

- Chúng tôi cho máy bay lập lại đội hình bay chiến đấu thông thường với giãn cách 1 dặm lui về phía sau bên trái chiếc F-4B số 1. Tôi vẫn chưa thấy chiếc Mig-21 trên màn hiện sóng ra đa. Chiếc “Con ma” của biên đội trưởng chúng tôi vẫn đang bay ở độ cao 2400 mét, tốc độ 680 km/giờ và kéo theo phía sau đuôi nó là cả luồng khí thải động cơ dài dặc như một đoàn tàu. Tôi rất muốn cho máy bay mình đảo trái lượn phải, nhưng với nhiệm vụ của số 2 là phải bám sát theo sau số 1 nên đã không thể tùy tiện làm thế.

- “Hướng 360. Cự li 20”. Tôi dẫu đã căng mắt nhưng vẫn không thấy chấm sáng của chiếc Mig-21 hiện trên màn hiện sóng đâu.

- “Hướng 360. Cự li 15”. Hồi còn ở khóa huấn luyện bay, chúng tôi đã luôn được nhắc phải hạn chế để lại vệt khí thải động cơ. Lúc này tôi thấy mình như còn ở năm 1962 với chiếc máy bay xả khí thải hệt như chiếc đầu máy đang gò lưng kéo cả đoàn tàu. Phi công MiG có thể phát hiện ra vệt khí thải kéo dài tới 5 km này không mấy khó khăn, nhất là khi anh ta đã đưa được chúng tôi vào trong vòng ngắm. Có thể giảm vệt khí thải này bằng cách chuyển chế độ vận hành động cơ từ đốt hành trình sang đốt có tăng lực nhẹ.
   
- Cần phải chuyển động cơ sang chế độ đốt có tăng lực nhẹ, nhưng ngặt nỗi máy bay chúng tôi đâu còn nhiều nhiên liệu! Lúc này tốp chúng tôi đã ở ngay phía đông sân bay Bái Thượng là nơi đặt căn cứ của Mig-21. 

- “Hướng 360. Cự li 10”. Tôi cố tìm xem có thứ gì đó qua các đám mây hay không, nhưng biết là vô vọng khi tìm kiếm mục tiêu trong tầm nhìn chỉ chưa tới ba phần tư dặm.

- “Hướng 360. Cự li 4”. Ở cự li dưới mức li giác tối thiểu 5 dặm trên màn hiện sóng của ra đa chiếu xạ như thế này, tôi đã tắt chiếc ra đa vô dụng đi. Giờ chỉ còn trông chờ vào mắt thường thôi. Tôi đảo mắt về bán cầu sau của chiếc máy bay số 1 để chỉ làm mỗi việc là cảnh giới khoảng không giãn cách giữa 2 chiếc “Con ma”.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #27 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2013, 02:25:52 am »

- Tôi có thể chắc một điều rằng Al đã bảo với tôi là: “Hướng 6 giờ ổn”. Có lẽ phi công đã cho rằng dường như chẳng có kẻ nào đang bám đuôi chúng tôi. Đúng lúc tôi đang ngoái lại để kiểm tra phía sau thì nhận ngay được thông báo trên tai nghe: “Các cậu ngủ gật à? Kiểm tra ngay hướng 220, cự li 4”.

- Tôi vội quay sang hướng 7 giờ thì ôi thôi! Không phải là MiG nữa, mà là nguyên một quả tên lửa từ MiG đang lao tới. Chiếc “Con ma” từ từ cắm xuống do bị quả tên lửa phá hỏng cả hai động cơ. Trong khi nắm sẵn dây khởi động ghế phóng chờ cho tốc độ máy bay giảm dưới 1 Mách, tôi tranh thủ báo cáo cho biên đội trưởng qua máy đối không về việc máy bay mình bị bắn rơi. 

- Tôi sẽ nhảy thứ hai. Khi nào điều kiện cho phép chúng ta sẽ nhảy dù.

- Tôi lại ngó quanh nhưng vẫn chẳng thấy máy bay địch đâu. Khi ngoái sang phải thì lạy Chúa tôi – một luồng sáng ánh bạc chắc của tên lửa đối không đang bay vút về hướng chiếc máy bay số 1 của biên đội chúng tôi.

- Tôi vẫn chẳng hề nhìn thấy máy bay địch đâu. Đầu óc tôi mụ đi với ý nghĩ rốt cuộc với 334 phi vụ đi về an toàn, thì nay cũng đã tới lúc mình nộp mạng cho MiG rồi.

- Tôi gào lên với phi công: “Al bẻ lái sang trái về hướng mấy ngọn núi kia. Động cơ sao rồi?”. Al đáp lại: “Động cơ trái chỉ đạt 30%, tay ga kẹt rồi! Còn động cơ phải tịt ngóm, tay ga thì đang rung bần bật. Chắc có thứ gì đó bị bung ra rồi”.

- Loại “Con ma” của chúng tôi được gắn mấy cái gương chiếu hậu vào vách nắp buồng lái ngay trước mặt tôi. Tôi từng thắc mắc rằng chúng được gắn vào buồng lái để làm quái gì nhỉ, nhất là nó chẳng thể giúp nhìn thấy thứ gì đó bay phía sau máy bay chúng tôi. Thế nhưng lần này chúng lại phát huy tác dụng giúp tôi nắm được điều gì đang diễn ra đối với chiếc máy bay của mình. Toàn bộ phần đuôi chiếc máy bay của chúng tôi đang bốc cháy.

- “Al ơi, chúng ta đang bốc cháy như ở trong hỏa ngục rồi, nhưng giờ vẫn còn đủ thời gian!”. Tôi hay đọc mấy cái báo cáo “Con ma” bị bắn rơi nên cũng biết dù máy bay có bén lửa nhưng hiếm khi phát nổ ngay và việc máy bay phát nổ chỉ vì bị trúng một quả tên lửa lại càng hiếm hơn. Vì thế chúng tôi cần cố lết càng xa càng tốt. Al đồng ý với tôi ở điểm này.

- Al bẻ lái cho máy bay ngoặt đổi hướng, nhưng lại ngoặt về bên phải. Tôi nhắc Al phải cho máy bay ngoặt trái về hướng rặng núi vì ở đó sẽ an toàn hơn so với chỗ đồng không mông quạnh trong khi chờ trực thăng tới cứu.

- “Al, cậu giở trò gì thế?” Al đáp: “Tôi đang cố thoát ra hướng biển thôi”.

- Máy bay nghiêng phải 30 độ. “Áp suất dầu đỏ thế nào?”. “Mất áp suất”. Giờ nếu mà Al bẻ cần lái cho máy bay ngoặt từ phải qua trái thì số dầu đỏ còn sót lại sẽ đi hết, làm cho máy bay sẽ mất điều khiển hoàn toàn. Lúc này việc nhảy dù cần phải được thực hiện ngay khi có thể chứ không thể cứ cho máy bay cố lết tới nơi đã chọn được nữa.

- Máy bay vẫn đang vòng phải và hơi dạt một chút. Tôi đã sẵn sàng kéo ghế dù thì đúng lúc đó Al hô: “Nó kia rồi – chiếc MiG đấy”

- “Nó đâu?”. Tôi vội bật ra đa. “Quân chết tiệt này vừa bắn hạ chúng ta, nhưng chúng ta sẽ cố chơi lại nó. Đâu nó đâu?”. Tôi chuyển ra đa sang chế độ sục sạo góc rộng, nhưng khi ngó trên màn hiện sóng vẫn chẳng thấy gì. Al đề xuất: “Chiếc MiG ở hướng 3 giờ ngoài góc sục sạo của ăng ten ra đa chúng ta. Chiếc MiG Bắc Việt đang hướng lên phía Bắc”.

- Tôi vừa ngó khắp bầu trời vừa để mắt tới màn hiện sóng ra đa nhưng vẫn chẳng thấy chiếc MiG đâu. Tôi tắt ra đa đi vì biết rằng sẽ chẳng còn mấy cơ hội để túm được chiếc MiG “sung sức” vừa mới bắn hạ “Con ma” nữa.

- Chiếc “Con ma” dù bị trúng đạn tơi tả nhưng động cơ của nó vẫn hoạt động đủ để cấp nguồn cho hệ thống điều khiển vũ khí. Giá như chiếc MiG “lọt” vào cánh sóng ra đa thì chúng tôi sẽ cố dùng nốt chút dầu đỏ sót lại để điều khiển chiếc “Con ma” ngóc đầu lên và phóng tên lửa.

- Chúng tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc phải nhảy dù. Số tôi rất may mắn trong lần nhảy dù này. Dù của tôi mở ở độ cao 1500 phít (480 mét), trời lại lặng gió. Nhìn quanh, tôi thấy chiếc “Con ma” đang bùng cháy ở phía dưới, còn bên trái là Al đang lủng lẳng trong mớ dây dù. Trong suốt 11 tháng ròng nằm tù tôi đã nhiều lần tự hỏi: “Tại sao gã lái MiG đó lại công kích chiếc “Con ma” của tôi mà không phải là chiếc số 1 nhỉ?”   
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #28 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2013, 07:01:20 pm »

Quân đội Bắc Việt phát động Chiến dịch xuân hè 1972 từ ngày 30-03. Đáp lại, Không quân Mĩ đã thực hiện chiến dịch không kích “Chuyến tàu tự do”, với khu vực mục tiêu ném bom ban đầu nằm ở phía nam Vĩ tuyến 19. Nhưng từ mùng 10-05 về sau, phía Mĩ đã tiến hành chiến dịch không kích “Hậu vệ I” và mở rộng khu vực đánh phá lên phía trên Vĩ tuyến 20 với các mục tiêu nằm trên toàn bộ lãnh thổ Bắc Việt.    

Thời gian này, lực lượng máy bay tiêm kích MiG-21 của Không quân Bắc Việt được tập trung về các sân bay Kép, Yên Bái và Hòa Lạc, còn số lượng MiG trước đó được bố trí ở sân bay Anh Sơn đang được chuyển trường về sân bay Miếu Môn. Đội ngũ kĩ thuật viên ở các sân bay Vinh và Anh Sơn phục vụ chiến đấu cho các máy bay tiêm kích của cả hai Trung đoàn không quân tiêm kích 921 và 927. Về tình báo, Đại đội ra đa 45 cung cấp tình báo cho Trung đoàn 921, Đại đội ra đa 43 cung cấp tình báo cho Trung đoàn 927, còn Đại đội ra đa 26 mới được thành lập thì phục vụ chung cho sở chỉ huy của cả hai trung đoàn không quân tiêm kích trên.

Bốn ngày trước khi phát động chiến dịch “Hậu vệ I”, một tốp 2 chiếc “Con ma” thuộc Phi đội tiêm kích hải quân VF-114 Liên đội không quân trên tầu sân bay Kítty Hốc CVA 63 đã hạ được 2 chiếc MiG-21.

Ngày 08-05, các phi công của Trung đoàn 927 đã xông trận không chiến ngay trên đỉnh sân bay Yên Bái. Biên đội MiG-21 của Phạm Phú Thái và Võ Sĩ Giáp được lệnh xuất kích chặn đánh tốp “Con ma” F-4D của Liên đội không quân chiến thuật số 432 đang tới vùng trời Tuyên Quang. Trong trận không chiến này, máy bay của phi công Giáp đã bị trúng tên lửa của chiếc F-4D số đuôi 65-0784 thuộc Phi đội 555 do tổ bay của thiếu tá phi công Robert Lodge và đại úy hoa tiêu vũ khí Robert Locher điều khiển. Tổ bay Lodge-Locher này đã từng hạ 1 chiếc Mig-21 vào ngày 21-02-1972, rồi chính họ lại bị MiG-19 bắn rơi vào ngày 10-05 ngay sau khi vừa hạ được 1 chiếc MiG vài phút trước đó. Locher kịp nhảy dù và được cứu, còn Lodge thiệt mạng.

Trở lại trận không chiến ngày 08-05, phi công Võ Sĩ Giáp có thể nhảy dù, nhưng anh đã không kéo ghế phóng vì ngay phía dưới là khu đông dân cư. Anh đã quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống một bãi đáp phù hợp gần thị trấn Thượng Trưng. Giây phút cuối trước khi tiếp đất, phi công chợt thấy máy bay mình đang hướng thẳng tới một ngôi trường có rất đông học sinh đang hoảng loạn, nên đã bẻ lái. Phi công Võ Sĩ Giáp đã hy sinh cùng máy bay.

F-4D số đuôi 65-0784 đã phóng tên lửa vào máy bay của liệt sĩ Võ Sĩ Giáp trong trận không chiến ngày 08-05-1972

Ngày hôm sau, lực lượng MiG của các Trung đoàn 921 và 927 được giao nhiệm vụ bảo vệ các cây cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – Lạng Sơn và hai cây cầu Lai Vu, Phú Lương trên Đường 5.  

Từ đầu năm 1972, Bộ tư lệnh PKKQ Bắc Việt nắm được việc đối phương đã cho tìm hiểu cặn kẽ về những ưu nhược điểm của MiG-21 để hoàn thiện các chiến thuật không chiến với các loại máy bay tiêm kích do Liên xô thiết kế. Ví dụ, trước đấy loại “Con ma” cố gắng dụ MiG-21 vào không chiến quần vòng và tránh bị lôi kéo vào không chiến trên mặt phẳng đứng với MiG-21. Thế nhưng thực tế cho thấy “Con ma” chỉ chiếm ưu thế cơ động mặt phẳng ngang so với MiG-21 khi không chiến ở độ cao thấp, chứ còn ở độ cao trung bình trở lên thì ưu thế lại nghiêng về MiG. Các phi công “Con ma” được hướng dẫn cách đối phó khi bị MiG công kích là trước hết phải bổ xuống sát đất, rồi kế đến mới ngoặt gấp. Giãn cách giữa hai số khi bay biên đội được nới rộng ra 900 mét để giúp các tổ bay quản lí tốt hơn tình huống trên không quanh máy bay của mình. Các phi công Hải quân Mĩ đã hoàn toàn bị thuyết phục về tính hữu hiệu của chiến thuật mới so với chiến thuật cũ trong trận không chiến ngày 10-05-1972.

Sáng ngày 10-5, máy bay Mĩ bắn phá các mục tiêu ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Phả Lại, Sơn Động và Lục Ngạn, còn Tứ Kì và Ninh Giang đã thoát được trận không kích nhờ có máy bay MiG tuần tiễu ngay phía trên hai thị trấn này. Biên đội MiG-21 của Đặng Ngọc Ngự và Nguyễn Văn Ngãi được lệnh cất cánh từ sân bay Kép lên chặn kích máy bay Mĩ. Bị đám “Con ma” của Liên đội 432 tấn công ngay khi vừa tách đất, số 2 Nguyễn Văn Ngãi bị bắn rơi, còn số 1 dày dạn Đặng Ngọc Ngự (phi công Ngự lập được tổng cộng 7 thành tích trong không chiến) đã tránh được tên lửa, rồi kéo máy bay lên độ cao 1000 mét, đồng thời cấp báo nguy hiểm cho biên đội Lê Thanh Đạo và Vũ Đức Hợp đang trên đường lăn. Chiếc MiG-21 bám theo chiếc “Con ma” bay sau. Khi đầu tự dẫn tên lửa K-13 bắt được mục tiêu từ cự li 1200 mét, phi công Ngự ấn nút phóng đạn bắn hạ chiếc F-4E số đuôi 67-0386 của Phi đội 58 Liên đội không quân chiến thuật số 432. Hai phi công tổ bay của chiếc máy bay này đều tử nạn. Bắn hạ được 1 chiếc “Con ma” vẫn chưa thấy hả dạ, người phi công ấy còn định quay lại làm cú đúp. Tổ bay của chiếc “Con ma” còn lại đúng là phải cảm ơn số phận vì quả tên lửa thứ hai trên máy bay của phi công Ngự bị hỏng nên đã không rời bệ phóng. Người phi công kì cựu đó đã quay về hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào lúc 9 giờ 12 phút sáng.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #29 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2013, 11:07:23 pm »

Trong lúc đám máy bay cường kích đang bắn phá các mục tiêu nằm ở phía bắc Hà Nội, thì các biên đội “Con ma” làm nhiệm vụ phong tỏa tiến hành “sục sạo” các sân bay có MiG như Nội Bài, Hòa Lạc và Kép. Lúc này, biên đội 2 chiếc Mig-21 của Trung đoàn 921 đã xuất kích một cách cảm tử từ sân bay Nội Bài để chặn kích một tốp 6 chiếc “Con ma” đang bay thành từng cặp trên vùng trời Tuyên Quang. Chiếc Mig-21 số 2 đã vào công kích và hạ được 1 chiếc “Con ma”, nhưng sau đó lại bị tên lửa phòng không bắn nhầm. Phía Mĩ không nhận bị bắn rơi F-4 trong trận này. Còn chiếc Mig-21 số 1 bị trúng loạt 16 viên đạn 20mm bắn đi từ khẩu pháo 6 nòng “Vulcan” trên một chiếc F-4E. Phi công MiG đã thể hiện sự nỗ lực và trình độ bay điêu luyện khi đưa chiếc Mig-21 bị thương vượt qua dãy núi về Nội Bài hạ cánh an toàn.

Trong ngày 10-05, các phi công của Trung đoàn 927 lần đầu tiên hưởng thành quả sau đợt huấn luyện chuyển loại sang lái loại Mig-21PFM. Sở chỉ huy thông báo cho biên đội Lê Thanh Đạo và Vũ Đức Hợp về việc máy bay địch xuất hiện ở độ cao 3500 mét cách Hải Dương 35 km về phía tây. Phi công Lê Thanh Đạo lệnh cho biên đội vứt thùng dầu và bật tăng lực. Một phút sau, các phi công Bắc Việt đã nhìn thấy dải khói phát ra từ động cơ đám “Con ma”.

Như lệ thường khi bị MiG truy kích, cặp F-4J đã tách tốp: một chiếc ngoặt trái ngay trước mũi máy bay của Đạo, chiếc còn lại kéo cao. Biên đội MiG liền bám theo chiếc “Con ma” số 2. Phi công Vũ Đức Hợp đã phóng quả tên lửa thứ nhất từ cự li 1500 mét và phóng quả tên lửa thứ hai sau đó vài giây vào máy bay địch. Sau khi quan sát thấy 2 đạn đều trúng mục tiêu, Hợp hô qua đối không “Trúng rồi” khi cho máy bay ngoặt sang trái.    

Chiếc “Con ma” số 1 lọt vào màn hỏa lực mãnh liệt của pháo phòng không. Hợp quan sát các đồng đội cao xạ đang chiến đấu với một cảm giác đan xen: Cao xạ bắn hạ “Con ma” thì cũng tuyệt đấy, nhưng những thứ bắn rơi được “Con ma” đó không khéo lại hạ luôn cả chiếc Mig-21 của mình. Anh đã gọi về sở chỉ huy Kép để nhờ họ nhắc các pháo thủ kiềm chế sự hăm hở thái quá này.  


Máy bay Mig-21 PFM số 5040, Trung đoàn tiêm kích 927 "Lam Sơn", tháng 5 năm 1972

Trong khi đó, phi công Lê Thanh Đạo đang cùng với pháo cao xạ săn đuổi chiếc “Con ma” chưa bị bắn rơi. Sau khi phóng tên lửa  từ cự li 1500 mét biến chiếc F-4 lạc bầy thành quả cầu lửa, Đạo cùng Hợp đã quay trở về hạ cánh an toàn. Những nạn nhân của cặp phi công Bắc Việt vừa rồi là tốp F-4J thuộc Phi đội tiêm kích hải quân VF-96 Liên đội không quân trên tầu sân bay “Chòm sao”. Đạo đã bắn hạ phi công Át mới toanh của lực lượng tiêm kích hải quân Mĩ là Randy Cunningham trong trận này. Thế nhưng người Mĩ không chỉ vào sổ nguyên nhân bị bắn hạ của cặp “Con ma” với một chiếc là do pháo cao xạ, chiếc còn lại do tên lửa phòng không, mà còn cho rằng chính một tổ bay F-4 của họ đã hạ được một chiếc Mig-21.

Mùng 10-05 có lẽ là ngày đã diễn ra những trận không chiến ác liệt nhất trong toàn bộ cuộc chiến. Trong ngày này, các tổ bay của Không quân Mĩ báo cáo bắn rơi được tổng cộng 3 chiếc Mig-21, còn các tổ bay của Hải quân Mĩ báo cáo bắn hạ tới 7 chiếc Mig-17 và 1 chiếc Mig-21. Về phần mình, các phi công Mig-21 cũng báo cáo bắn rơi được 4 chiếc “Con ma”. Trong khi đó, người Mĩ chỉ nhận tổn thất 2 chiếc trong không chiến: 1 chiếc F-4D bị Mig-19 bắn rơi và 1 chiếc F-4E bị tên lửa từ Mig-21 bắn rơi.

Ứng phó với chiến thuật không chiến mới của máy bay tiêm kích Mĩ, Bộ tư lệnh PKKQ Bắc Việt đã ban hành đội hình chiến thuật đánh tốp 2 chiếc mới cho Mig-21. Khi xuất kích chiến đấu sẽ sử dụng đồng thời 2 tốp 2 chiếc Mig-21 theo dẫn đường từ sở chỉ huy: tốp đánh chính sẽ bay với tốc độ 900 km/giờ ở độ cao từ 300 tới 800 mét, còn tốp yểm trợ sẽ bay với tốc độ 1100 km/giờ ở độ cao từ 8000 tới 10000 mét, giãn cách giữa 2 tốp từ 10 tới 15 km.
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Ba, 2013, 11:28:40 pm gửi bởi daibangden » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM