Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:51:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Về người phi công Anh hùng Vũ Xuân Thiều  (Đọc 21934 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #10 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2012, 04:11:39 pm »

 Những ngày đầu tiên trên đất Nga này cũng đã có những kỷ niệm khó quên. Sáng Chủ nhật 14 tháng 7 năm 1965, Thiều rủ Nhuận đi phố Pri-mô Akh-ta-ri sưu tầm tem chơi để gửi về cho em. Với trình độ 3 năm tiếng Nga học ở Đại học Bách khoa mà hai chàng chẳng thể nào diễn đạt được ý muốn mua các bộ tem chơi đã đóng dấu ( vì ở đây toàn tem mới ) cho cô bưu điện xinh đẹp hiểu. Bí quá, hai chàng vừa nói, vừa chỉ trỏ, ra hiệu. "Chúng tôi muốn...", "Chúng tôi muốn"... rồi tay phải nắm lại, đấm bôm bốp vào lòng bàn tay trái. Thế là cô gái trố mắt, kêu toáng lên chạy vào gọi sếp. Một phụ nữ đứng tuổi đi ra, nhìn chằm chằm 2 chàng trai người Châu Á. Hai chàng này cũng khá nhạy cảm, biết rằng ra hiệu như ban nãy có gì đó không ổn, bèn lấy giấy bút ra vẽ một con tem có đóng dấu, bên cạnh đặt một dấu hỏi. Bà ta hiểu ngay và chỉ về cuối phố, nơi có ki-ôt bán các loại tem đó. Đồng thời bà cũng không quên dặn rằng đừng bao giờ ra hiệu như ban nãy với bất kỳ cô gái nào nữa vì nó có ý bậy bạ, không tốt. Về nhà, hai chàng mới biết và tái mặt vì ra hiệu như thế là có ý muốn gạ gẫm tục tĩu.
 Vài ngày sau là cả đoàn bước vào học lí thuyết luôn. Vừa học lí thuyết, vừa học tiếng Nga. Đoàn được nhà trường cho phép vào học cùng với đoàn các anh sang trước ( có 11 người ) gồm :
   Phạm Đình Tuân
   Hoàng Cống
   Ngô Văn Phú
   Nguyễn Cát A
   Phạm Văn Mạo
   Trần Cung
   Lê Văn Trạng
   Lương Văn Luân
   Phan Công Ưởng
   Bùi Thanh Tiền
   Nguyễn Kim Viên
 Thời gian học lí thuyết ( của loại máy bay Iak-18a ) là 3 tháng. Đầu tháng 10 bắt đầu bước vào thực hành bay. Tổ bay không phân chia cố định mà xáo trộn theo thời gian thực hành bay, chia đi chia lại nhiều lần.
 Hôm đầu tiên bay chuyến bay cảm giác, Xuân Thiều bay trước và sau là đến lượt Trần Ngọc Nhuận. Phải nói rằng chuyến bay cảm giác là chuyến bay đáng nhớ nhất trong đời bay vì lần đầu tiên anh được mở máy, được cùng thày cất cánh lên không trung, lần đầu tiên được chiếm lĩnh độ cao, lần đầu tiên thấy mình  giữa mây trời hoàn toàn chủ động. Có thể cách nhìn nhận của mỗi người về một góc độ có  khác nhau một chút, nhưng tâm lí chung thì hầu như không khác nhau là mấy. Sau này rồi còn nhiều chuyến bay đáng nhớ nữa như chuyến bay đơn đầu tiên, chuyến bay nhào lộn với các động tác phức tạp đầu tiên, chuyến bay chặn kích đầu tiên, chuyến bay bắn đạn thật đầu tiên, chuyến bay kiểm tra phê chuẩn tốt nghiệp v. v. nhưng với chuyến bay cảm giác - chuyến bay thực sự đầu tiên của một con người chưa hề biết gì về bầu trời mà lại lên trời thì không bao giờ quên được. Các thày dạy bay mỗi người mỗi tính, mỗi nết. Có thày thì chỉ bảo cho rất cặn kẽ, từng li từng tí một, lại nói năng nhẹ nhàng, nhất là các động tác ở chuyến bay đầu tiên để cho học viên biết cảm giác thế nào là bay, thế nào là máy bay ... không hề kéo giật đột ngột, mạnh mẽ.  Cũng có thày thì ngay sau khi cất cánh là làm các động tác đột ngột, nhào lộn với quá tải lớn ngay theo kiểu ... "dằn mặt", cốt để cho học viên phải biết sợ ngay từ đầu, biết thế nào là sự lễ độ, là sự răn đe ...
 Chuyến bay đầu tiên của Vũ Xuân Thiều có lẽ đã được "phủ đầu" như thế. Vốn tạng người không thật khỏe, chỉ mới sơ qua vài lần "kéo đẩy" của thày thôi là là Thiều đã "mặt xanh nanh vàng" ra rồi. Khi về hạ cánh, thày dạy bay ra khỏi buồng lái một lúc rồi mà Thiều vẫn ngồi im trong đó. Đến lượt mình tiếp thu máy bay để bay chuyến tiếp theo, Nhuận chạy ra xem cơ sự thế nào. Bấy giờ mới thấy Thiều đứng dậy, tay bịt mồm, cố leo xuống máy bay, chạy vội ra xa một đoạn rồi cúi xuống, nôn ồng ộc. Trước đó thì Thiều đã nôn trong buồng lái rồi. Thày giáo bắt Nhuận phải đi xách nước, lấy giẻ, chiu vào buồng lái để lau dọn "sản phẩm" của Thiều. Mùi của các chất nôn mửa bốc lên làm Nhuận cũng suýt nôn đến mấy lần. Thiều vẫy Nhuận ra, nói nhỏ :
   - Mày bảo ông ấy ( là ông thày dạy bay ) kéo vừa thôi, đừng làm các động tác nhào lộn nữa
     kẻo mày cũng cóc chịu được đâu ! Mà có lẽ, tao chẳng bay được đâu mày ạ !
 Và Nhuận đã chủ động đề nghị với thày :
   -  Đây là chuyến bay cảm giác. Đề nghị thày chỉ dẫn cho tôi bay bình thường chứ đừng làm
      động tác nhào lộn nhé !
 Ông thày gật đầu. Có lẽ thày cũng đã cảm thấy ân hận với chuyến bay vừa rồi với Thiều, và thực ra cũng không chịu được mùi nôn mửa bốc lên trong buồng lái. Nếu lần này mà Nhuận cũng nôn nữa thì chắc gì thày đã kìm chế được, mà cũng theo đà ... nôn theo trò !
 Tuy thày làm các động tác có vẻ nhẹ nhàng, không giật, không tạo quá tải lớn như khi bay với Thiều, nhưng đến lúc xuống đất thì Nhuận cũng vẫn chẳng chịu nổi, vẫn bị nôn như thường.
 Nhân đây phải nói đến vấn đề "quá tải". Có lúc, có người gọi là "gia trọng". Thực chất thì đấy là lực tác động lên phi công. Khi bay trên trời, nếu trạng thái máy bay bay bằng thì phi công chịu một lực đè ( quá tải ) bằng đúng trọng lượng của mình - tức là : nếu bạn cân nặng 60 kg thì lúc ấy bạn phải chịu một lực đè lên người bạn là 60 kg. Khi bay nhào lộn với các động tác phức tạp thì quá tải sẽ tăng lên có thể bằng 4, 5, 6,7, 8 ... Ví như, nếu quá tải bằng 4 thì lực đè lên bạn sẽ bằng 4 lần trọng lượng cơ thể bạn. Khi kéo với quá tải lớn, máu trên đầu sẽ bị dồn hết xuống dưới cơ thể bạn. Mắt bạn tối sầm lại ( vì máu ở não có ít ). chân tay bỗng nặng trịch, không thể nhấc lên được. Chính vì vậy, người ta phải chế ra "bộ quần áo kháng áp" mặc vào để bó chặt chân, chặt bụng, cho máu không dồn xuống quá nhiều, để số lượng máu còn đủ nuôi não, không bị xây sẩm mặt mày, không bị ngất ở trên trời.
 Không phải phi công nào cũng chịu được mọi quá tải ngay một lúc. Cái chính là phải rèn luyện để thích ứng dần. Và cũng không phải máy bay nào cũng chịu được mọi quá tải vì nếu quá đi thì chính máy bay cũng bị phá vỡ. Ví dụ như với máy bay MiG-21- quá tải tạo ra sự phá vỡ máy bay là bằng 12. Lúc ấy thì kết cấu của máy bay không còn bền vững nữa, cánh sẽ rời ra, các bộ phận khác cũng rạn vỡ ...
 Vậy mà trong chiến đấu, đã có những phi công kéo quá tải đến 9, 10, 11. Ví dụ, anh Hoàng Quốc Dũng khi làm động tác "lộn xuống" để đuổi theo bắn thằng F-4, anh đã kéo đến quá tải bằng 11, nhưng sau rồi anh cũng phải đi nằm viện. Anh bị chảy máu tai vì quá tải lớn quá. Hoặc như anh Nguyễn Văn Lung, khi đi chiến đấu về, thấy trạng thái anh có vẻ "ngơ ngơ", đồng đội đã "thử" anh bằng cách giơ quả khế ra trước mặt anh và hỏi :
     - Ăn kẹo không ?
     - Chua lắm ! - anh trả lời
 Vậy là rõ rồi. Mời anh đi quân y để khám. Và rồi anh cũng phải nằm viện. Cũng giống hệt anh Hoàng Quốc Dũng, anh đã bị chảy máu tai.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #11 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2012, 09:42:13 pm »

 Tôi xin tạm dừng chương 1 ở đây vi vào lúc 20 giờ ngày 18 tháng 12 cách đây 40 năm, "chiến dịch 12 ngày đêm" đã mở màn. Tôi chuyển chương cuối vào đây để đuổi kịp "chiến dịch". Phần tiếp của chương 1, tôi sẽ chuyển tải sau.

   Ngôi sao không tắt.

 Anh Hoàng Biểu nhớ lại, khoảng chiều ngày 23 hoặc 24 gì đó, Vũ Xuân Thiều cơ động vào sân bay Cẩm Thủy. Ngay sau đó, sân bay bị địch đánh nát, nhưng máy bay của ta vẫn nguyên vẹn, không bị sao cả vì ta đã kịp thời kéo đi sơ tán. Lực lượng sửa chữa gấp sân bay làm việc cật lực mấy ngày liền mới san lấp xong các hố bom, lu nèn lại đường cất hạ cánh, nhanh chóng tổ chức Trực ban chiến đấu. Mấy ngày đợi sửa gấp sân bay là mấy ngày anh Hoàng Biểu và Vũ Xuân Thiều phải ở trong chiếc lều bạt căng phía cuối vườn của một nhà bác người dân tộc Mường. Mấy ngày ấy là mấy ngày hai anh em tâm sự với nhau rất nhiều chuyện, từ chuyệnchung đến chuyện riêng, từ chuyện buồn đến chuyện vui ... đều được chia sẻ với nhau.
 Những lúc nghe đài, vẳng tiếng hát của bài "Đôi bờ" hoặc "Cây thùy dương", hay một làn điệu dân ca Nga ... cũng như vào những giờ phút tĩnh lặng hiếm hoi giữa những đợt đánh phá, nhất là vào lúc chiều tà, khi ánh sáng cứ mờ nhạt dần và những làn sương giăng mỏng manh nhẹ như những làn khói bay bảng lảng, bồng bênh, vấn vương với cái lạnh se se thì Thiều lại cảm thấy bâng khuâng ... rồi nỗi nhớ nhà, nhớ những người thân yêu lại trỗi dậy. Nỗi nhớ thoạt đầu tựa như sợi gió vô tình thoảng qua, dịu ngọt, êm ái, tiếp đến là sự cồn cào, ào ạt như những đợt sóng bạc đầu xô vào bờ cát. Nỗi nhớ Mẹ, nhớ những người chị gái, những người em gái, nhớ bạn gái đang ở tít phương trời xa xôi ... sao mà da diết. Nỗi nhớ không thể lấy gì đo đếm được. Nó làm ta day dứt, bồn chồn ...
 Nỗi nhớ càng tăng gấp bội khi lâu lâu mới nhận được thư. Không nhớ nhung sao được khi mường tượng lại cảnh mình đã gặp gỡ cô bạn gái xinh đẹp, nhí nhảnh mà cũng nghịch ngợm một cách dễ thương ...
lần đầu tiên trên khu nghỉ mát Tam Đảo thế nào, rồi hồi hộp khi mỗi lần nhận thư, đọc thư của bạn gái ra sao ... Từ đất Nga xa vời kia em có nhớ anh da diết như anh đang nhớ em thế này không ...
 Hồi đó, Xuân Thiều và Thông Hào thường để chung quần áo và đồ đạc vào trong chiếc thùng đựng đầu tên lửa vì không có đủ cho mỗi người một chiếc. Thi thoảng Xuân Thiều lại soạn thư từ, soạn lại ảnh của người yêu, đưa cho Thông Hào xem ảnh rồi lại cất vào một hộp riêng, và rồi nỗi nhớ thương lại ào đến, lại xao xuyến, bâng khuâng ... Nỗi nhớ niềm thương ngày càng chất dầy, chất nặng theo năm tháng cách xa.
     Mây bay mây chẳng chia trời
     Cách xa đâu phải riêng đôi chúng mình
     (Giờ còn gian khổ hy sinh
     Hết đêm anh sẽ đến bình minh em !)
     Bầu trời ngày đấy hay đêm
     Cứ xanh như mắt bên thềm trông mây
     Thương em những lúc chia tay
     Anh đi, nghe đất vần xoay phập phồng
     Rồi xa tít tắp tầng không
     Vẫn nuôi khát vọng, ước mong xum vầy
     Bầu trời có lúc không mây
     Còn anh - chưa vợi lại đầy nhớ em !
 Nỗi nhớ thật dịu êm, thật da diết. Dám chắc rằng, ở nơi xa xôi kia cũng có một người con gái nhớ về Thiều cũng cồn cào, xốn xang chẳng kém gì Thiều nhớ về người con gái ấy.
 Những người yêu nhau bao giờ chẳng nhớ về nhau như vậy. Hình bóng thân thương, ánh mắt, tiếng cười ... luôn vẫn như đâu đây thôi, không thể xa mờ.
 Em sẽ là nguồn động viên lớn lao khi anh bước vào trận đánh. Anh sẽ thấy không bao giờ lẻ loi khi bay một mình trong bầu trời đêm vì anh biết rằng vẫn có một người luôn nhớ đến anh và anh cũng nhớ thương người ấy với nỗi nhớ thương cháy bỏng...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #12 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2012, 08:55:54 pm »

 Nỗi nhớ thương đằm thắm dần lắng lại. Không khí sửa chữa gấp đường băng chuẩn bị cho chiến đấu kéo ta về với hiện tại và sự háo hức chờ cho sửa xong đường băng, chờ xuất kích chiến đấu lại ùa đến ...
 Đêm 28 tháng 12, Xuân Thiều vào trực chiến và xuất kích chiến đấu từ sân bay Cẩm Thủy. Sở chỉ huy của sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa chịu trách nhiệm dẫn Xuân Thiều giai đoạn đầu  sau cất cánh rồi sẽ bàn giao cho Sở chỉ huy ở Mộc Châu. Bấy giờ, kíp trực dẫn đường tại Sở chỉ huy ở Thọ Xuân - Thanh Hóa gồm dẫn chính là Trần Đức Tụ, dẫn phụ là Trần Xuân Mão. Nhiệm vụ dẫn Xuân Thiều tiếp cận mục tiêu giao cho Sở chỉ huy tại Mộc Châu.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #13 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2012, 10:34:19 am »

 Sở chỉ huy của Mộc Châu dẫn Thiều đến cách mục tiêu 40 km thì không dẫn được nữa vì bị nhiễu nặng, không tìm được tín hiệu. Lúc đó, Sở chỉ huy tại Thọ Xuân - Thanh Hóa lại phát hiện được mục tiêu và tiếp tục dẫn Xuân Thiều. Đại đội trưởng Đại đội bay đêm Hoàng Biểu - người chỉ huy cất hạ cánh tại sân bay Cẩm Thủy cho hay : khi chuyển cấp, mở máy để chuẩn bị cất cánh, anh có nhắc Thiều :
     -  Máy bay chạy đà đến khi nào cần phải cho tách đất thì tôi sẽ ra khẩu lệnh "Cho tách đất !". Bấy giờ phải cố kéo máy bay lên vì đường băng ngắn lắm.
 Xuân Thiều đã lăn ra, cất cánh, tách đất ổn định. Dẫn vào lần thứ nhất, không phát hiện được. Sở chỉ huy cho vòng lại, dẫn lần hai và thông báo vị trí mục tiêu liên tục. Không thấy Thiều nói gì, đến cự li 5 km, thấy im một tí rồi nghe tiếng Thiều :
     -  Tôi thấy rồi !
 Tất cả hồi hộp chờ đợi, nhưng rồi là cả một sự im lặng vĩnh viễn...
 Về trận đánh của Vũ Xuân Thiều, có nhiều bài báo đề cập đến, nhưng có lẽ để chi tiết hơn cả, xin được trích bài viết của Thượng tá Trần Xuân Mão, người từng là sĩ quan dẫn đường trực ở Sở chỉ huy tại sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa và đêm 28 tháng 12 ấy, anh trực phụ cho anh Trần Đức Tụ :
 "Đêm 18 tháng 12 năm 1972, Mỹ mở chiến dịch tiến công đường không chủ yếu bằng máy bay chiến lược B-52 vào Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng nhằm cứu vãn những thất bại trên chiến trường miền Nam và tạo thế mạnh trên bán đàm phán ở Pa-ri. Trong chiến dịch này, Mỹ huy động 193 máy bay chiến lược B-52, gần 1000 máy bay chiến thuật hiện đại như F-4, F-111 cất cánh từ các sân bay trên đất Thái Lan, Gu-Am, trên các tàu sân bay của Hạm đội 7.
 Để bảo vệ đội hình của máy bay B-52, Mỹ dùng các thủ đoạn tác chiến điện tử với cường độ cao, trên một diện rộng, tiến hành gây nhiễu trong đội hình và sử dụng các máy bay EB-66 gây nhiễu ngoài đội hình, thả nhiễu tiêu cực vói cường độ lớn, sử dụng máy bay tiêm kích làm nhiệm vụ yểm hộ trong và ngoài đội hình của B-52, sử dụng máy bay cường kích đánh phá các trận địa ra-đa, tên lửa, các sân bay của ta.
 Trong thời gian từ 18 đến 27 tháng 12 năm 1972, không quân ta đã cất cánh nhiều lần nhưng không tiếp cận được đội hình của B-52. Đêm 27 tháng 12, đồng chí phi công Phạm Tuân mới bắn rơi được 1 chiếc B-52. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị không quân ta bắn rơi trong chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972 và cũng là chiếc B-52 đầu tiên bị không quân ta bắn rơi kể từ khi chúng ra đánh phá miền Bắc.
 Thắng lợi lớn này đã làm tăng thêm niềm tin vào khả năng bắn rơi máy bay B-52 bằng máy bay tiêm kích MiG-21.
 Ngày 28 tháng 12 năm 1972, tại Sở chỉ huy tiền phương ( K-12 ) Quân chủng tổ chức rút kinh nghiệm trận đánh do đồng chí Lê Văn Tri và đồng chí Chính ủy Hoàng Phương chủ trì. Tại đây, toàn thể cán bộ có mặt đã được vinh dự đón đồng chí Đại tướng - Bộ trưởng Bộ quốc phòng xuống dự. Đồng chí Võ Nguyên Giáp khên ngợi cán bộ, chiến sĩ không quân đã mưu trí dũng cảm bắn rơi pháo đài bay B-52 của Mỹ và chỉ thị cho không quân phải tích cực nghiên cứu, nắm chắc các thủ đoạn mới của địch, tổ chức nhiều trận đánh thành công hơn nữa. Sau đó, các cán bộ Phòng tham mưu, chính trị họp bàn xây dựng quyết tâm chiến đấu trong những đêm tới. Ta nhận định : sau thất bại đêm 27 tháng 12, không quân Mỹ sẽ tăng cường đánh phá ác liệt hơn, đặc biệt đánh phá các sân bay xung quanh Hà Nội như Đa Phúc, Gia Lâm, Kép, Hòa Lạc, Miếu Môn, Yên Bái. Do đó, tổ chức chiến đấu cất cánh từ các sân bay đó sẽ vô cùng khó khăn. Để tạo được yếu tố bắt ngờ và đánh địch từ xa, phải tổ chức cất cánh từ các sân bay vòng ngoài. Sân bay được chọn là sân bay Cẩm Thủy. Đây là một sân bay dã chiến, thuộc địa phận của nông trường 26 tháng 3 ( thuộc huyện Thạch Thành - Thanh Hóa ). Sân bay đất, có kích thước hẹp ( dài 1600 mét, rộng 30 mét ). Sân bay nằm trong vùng núi, tĩnh không hạn chế, chỉ cho phép cất, hạ cánh ở một đầu đường băng. Sân bay cũng mới bị B-52 ném bom làm đường băng hỏng nặng, đã được Tiểu đoàn công binh và dân quân địa phương sửa gấp và đang được ngụy trang cẩn thận. Sở chỉ huy ở Thọ Xuân - Thanh Hóa ( B1 ) được tăng cường lực lượng, phương tiện từ Quân chủng vào, được giao nhiệm vụ tổ chức, chỉ huy chiến đấu ở vòng ngoài. Sở chỉ huy phải chuẩn bị phương án, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, đặc biệt với Đại đôi ra-đa dẫn đường 26 đóng quân tại Vĩnh Lộc - Thanh Hóa để phát hiện địch từ xa, dẫn máy bay ta cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy lên đánh địch. Bộ tư lệnh Binh chủng quyết định chọn phi công Vũ Xuân Thiều của Đại đội đánh đêm thuộc Trung đoàn 927 chuyển sân vào sân bay Cẩm Thủy trực chiến. ( Đồng chí Vũ Xuân Thiều thuộc quân số Trung đoàn 927 mới được chuyển về Đại đội đánh đêm của Trung đoàn 921 )
 15 giờ 30 phút, mọi công việc đã được chuẩn bị xong. Đồng chí Trần Mạnh báo về Sở chỉ huy Binh chủng đề nghị cho máy bay cất cánh. Đồng chí Trần Hanh nắm lại tình hình thời tiết, tình hình hoạt động của địch hiện tại rồi ra lệnh cho Sở chỉ huy Trung đoàn 927 chuyển sân. Để giữ được bí mật tuyệt đối cho trận đánh, Sở chỉ huy quy định sau khi cất cánh ở sân bay Đa Phúc, phi công bay ở độ cao thấp 200 mét và bay dọc theo đường quốc lộ 1A đến thị xã Ninh Bình, sau đó vòng về sân bay hạ cánh. Quá trình bay chuyển sân không liên lạc vô tuyến.
 Sau khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Cẩm Thủy, Sở chỉ huy B1 tăng cường trực ban để thường xuyên nắm địch, chuẩn bị cho trận đánh.
 Theo tin tình báo chiến lược, từ 21 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút đêm 28 tháng 12, có 60 lần chiếc B-52 hoạt động.
 21 giờ, đồng chí Trần Hanh ra lệnh cho mở ra-đa C-26 và C-22 ( C-26 đóng ở Vĩnh Lộc - Thanh Hóa, C-22 đóng ở Mộc Châu ) để theo dõi, phát hiện địch từ xa.
 22 giờ 22 phút, ra-đa đo cao của Đại đội 26 phát hiện 3 máy bay B-52 ở Nam sông Mê Công ( Đông Nam Pạc-Xan 65 km ) độ cao 12000 mét.
 21 giờ 28 phút, phát hiện tốp B-52 thứ hai ( 02 ) ở Đông Nam Pạc-Xan 90 km, tiếp đó là tốp B-52 thứ ba ( 03 ). Đồng chí Trần Mạnh chăm chú theo dõi từng mũi chì xanh đánh dấu đường bay B-52 trên bản đồ. Đồng chí nói :
     -  Đây là các tốp B-52 đánh vào Hà Nội !.
 Đồng chí chỉ thị cho sĩ quan quân báo, dẫn đường theo dõi chặt các tốp này. Ba tốp B-52 từ Nam sông Mê Công ( Thái Lan ) đang bay về phía Bắc, dọc theo phía Tây biên giới Việt - Lào. Đại đội ra-đa báo về ở hướng Tây Nam có hai rải quạt nhiễu tích cực, cường độ hai, đồng thời xuất hiện một số tốp tiêm kích địch ở khu vực Sầm Nưa. Đồng chí sĩ quan dẫn đường tính toán xong và đề nghị cho máy bay cất cánh. Đồng chí Trần Mạnh đồng ý và lệnh cho phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh.
 Theo phương án chiến đấu đã được sĩ quan dẫn đường hiệp đồng từ trước, sau khi máy bay cất cánh lấy được độ cao 200 mét, phi công Vũ Xuân Thiều bóp ống nói 3 lần báo cho Sở chỉ huy.
 Sĩ quan dẫn đường lệnh cho đồng chí Thiều vòng phải, hướng bay 290 độ, độ cao 5000 mét, tốc độ 900 km / h. Trên bảng tiêu đồ, vị trí máy bay ta được chiến sĩ tiêu đồ đánh dấu bằng đường chì màu đỏ, đang hướng về phía biên giới Việt-Lào. Kíp trực ban dẫn đường bận rộn hơn bao giờ hết : người thường xuyên liên lạc với sĩ quan chỉ huy Đại đội ra-đa, người ghi thời gian, người tính toán đường bay của máy bay ta, địch trên bảng tiêu đồ. Bỗng chiến sĩ tiêu đồ nói to lên :
     -  Báo cáo, xuất hiện hai tốp mục tiêu mới, mỗi tốp 4 chiếc, độ cao 7500 mét ở trước mũi đường bay của máy bay ta !
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #14 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2012, 03:57:14 pm »

 Đồng chí Trần Mạnh nói đây là hai tốp tiêm kích vào dọn đường và chỉ thị cho sĩ quan dẫn đường dẫn máy bay ta bay tránh, đồng thời lấy độ cao cao hơn độ cao của tiêm kích địch. Đồng chí Trần Đức Tụ dẫn máy bay ta vòng trái, hướng bay 270 độ, tăng lực lấy độ cao 12.500 mét. Sĩ quan chỉ huy ra-đa báo về : cường độ nhiễu ở hướng Tây rất nặng, máy bay B-52 đang bay vào khu vực có nhiễu sóng địa vật nên không phát hiện được tín hiệu của B-52.
 Đồng chí Trần Mạnh chỉ thị cho sĩ quan dẫn đường sơ bộ xác định vị trí của B-52 theo từng thời gian. Ta nhận định đội hình B-52 bay từ Nam sông Mê Công ( Thái Lan ) lên, khi đến Sầm Nưa sẽ vòng lên Mộc Châu, tiến vào đánh Thủ đô Hà Nội. Đồng chí dẫn đường đề nghị dẫn tiêm kích ta vào chặn đánh B-52 sau điểm vòng.
 21 giờ 52 phút 30 giây, Sở chỉ huy B1 ( Thọ Xuân ) lệnh cho đồng chí Thiều vòng phải, hướng bay 360 độ, tốc độ 1200 km / h, độ cao 12.500 mét. Tiếp đó, Sở chỉ huy thông báo cho đồng chí Thiều vị trí mục tiêu ở bên trái 50 độ, 15 km rồi 30 độ, 10 km. Đồng chí Thiều vẫn chưa phát hiện được B-52. Sở chỉ huy dẫn Thiều thay đổi hướng bay 320 độ rồi 270 độ để đề phòng địch thay đổi đường bay.
 21 giờ 57 phút, đồng chí Trần Xuân Mão, sĩ quan dẫn đường trên hiện sóng ra-đa phát hiện một tín hiệu lạ trên nền nhiễu trắng đục. Bằng kinh nghiệm của mình, anh khẳng định đó là B-52, anh lập tức lệnh cho đồng chí Thiều vòng phải gấp, hướng bay 90 độ. Trên bảng tiêu đồ, vị trí B-52 đã được chiến sĩ tiêu đồ đanh dấu. Sĩ quan dẫn đường báo cáo với đồng chí Mạnh là địch đã thay đổi đường bay, có khả năng B-52 sẽ bay ngược lên Sơn La, sau vòng xuống đánh Hà Nội để tránh tiêm kích ta.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #15 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2012, 10:45:50 pm »

 21 giờ 58 phút, sau khi đạt được hướng bay 90 độ, đồng chí Thiều phát hiện bên trái, phía trước một dãy đèn nhấp nháy, đang bay vào, đó là đèn tín hiệu của B-52. Anh báo cáo :
     -  046 phát hiện quạ đen bên trái 90 độ, 10 km !
Và anh ép độ nghiêng lao về phía địch.
 Ta chủ trương : khi phi công tiếp cận, ngắm bắn không mở ra-đa trên máy bay để B-52 không phát hiện được MiG bám đuôi. Đồng chí Thiều bám sát và xác định cự li phóng tên lửa bằng quan sát mắt theo đèn tín hiệu của B-52.
 Nhận được báo cáo của đồng chí Thiều, cả Sở chỉ huy ai nấy đều cảm thấy phấn khởi. Đồng chí Trần Mạnh nhắc Thiều :
     -  046 , bật công tắc bắn loạt, kiên quyết tiêu diệt địch !
     -  Nghe rõ ! - Thiều trả lời.
 Một phút sau, Sở chỉ huy B1 hỏi đồng chí Thiều :
     -  046 công tác tốt không ?
 Không nghe Thiều trả lời. Sở chỉ huy lại gọi tiếp :
     -  Sông Mã gọi 046 ! Sông Mã gọi 046 !
 Nhưng đều không liên lạc được. Mọi cán bộ, chiến sĩ tại Sở chỉ huy tim như ngừng đập. Đồng chí Trần Mạnh nét mặt trầm lại. Với kinh nghiệm của người đã từng chỉ huy gần trăm trận đánh, ông hiểu điều gì đó đã có thể xảy ra. Ông chỉ thị cho ra-đa tăng cường sục sạo phát hiện máy bay ta và lệnh cho sĩ quan tác chiến báo về Sở chỉ huy Binh chủng.
 Tại Sở chỉ huy Binh chủng, đồng chí Trần Hanh chỉ thị cho các đơn vị mở ra-đa theo dõi, nhưng đều không thấy. Đồng chí Trần Hanh nói chuyện với đồng chí Trần Mạnh và thống nhất nhận định rằng phi công Vũ Xuân Thiều đã bắn B-52 ở cự li gần, do tốc độ quá lớn không kịp thoát li, anh đã lao thẳng vào đội hình B-52 và anh dũng hi sinh !".
 Trận chiến giữa trời đêm diễn ra thật nhanh, thật ngắn ngủi và Vũ Xuân Thiều đã làm nên điều phi thường, đã là tấm gương sáng ngời của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng.
Logged
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM