Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 04:58:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên môt thời để nhớ  (Đọc 53349 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #20 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2012, 09:49:57 pm »

                                          
                                                LÊN ĐƯỜNG
                                                                     ký sự

    Buổi chiều hôm ấy là buổi chiều đáng nhớ,tôi không thể nào quên giờ phút chia tay lên đường nhập ngũ,ngày 25.10.1995
   Sau khi từ Hà Nội trở về,mặc dù không theo đuổi con đường học hành nữa,nhưng tôi vẫn rất vui và chờ giấy gọi nhập ngũ. Thế rồi cái ngày đó cũng đến,trước ngày lên đường vào nam, mẹ tôi bảo rằng: “con đi cố gắng học tập huấn luyện cho tốt,nếu tết được về sum họp thì hay,còn không ở lại đơn vị mẹ cũng rất mừng”.
 Đêm 23.10 anh em chú bác,bà con láng giềng đến chơi nhà tôi rất vui. Tôi chỉ tiếc rằng trước lúc xa quê mà không có một đứa bạn thân nào bên cạnh bởi chúng nó cũng đi mỗi đứa một con đường.Có mấy đứa con gái tới chơi tặng mấy cuốn sổ làm kỷ niệm.
    Sáng 24.10 tôi đi chợ mua mấy thứ linh tinh. Mẹ tôi làm bữa cơm sum họp gia đình. 3h chiều hôm ấy, tôi, Thành (con chú tôi) ra bờ sông tập trung để qua đò lên huyện. Bầu trời hôm đó như lưu luyến với chúng tôi,mưa rơi lác đác.Chuyến đò sang sông chật níc người. Có lúc nào như lúc này đây,không biết đã bao nhiêu lần tôi đi qua đò Rộ quê hương, mà sao lần này buồn da diết thế,có cái gì đó dâng lên trong cổ họng và nghẹn ngào không nói nên lời.Thế là tôi đã phải xa sông Lam bến Rộ này rồi thật sao?xin tạm biệt gia đình, anh em,làng xóm bạn bè,tôi nhìn toàn cảnh quê hương lần nữa,vẫy tay chào trước buổi chia li. Qua sông, chị em tôi và anh em Thành chở nhau đi trong mưa. Chiếc áo trắng tôi mặc dính vào người và quần bò ướt sũng.
   Ở lại trên huyện một ngày,chúng tôi tìm nhà người quen ngủ,sáng hôm sau ngày 25.10 (2.9al) huyện đội giao quân tại sân vận động Thanh Chương. Đơn vị họ phát ngay quân trang(1 bộ quần áo ,1 cái ni lông).Lần đàu tiên cởi bỏ thường phục mặc lên mình bộ pê-cô nâu sẫm,bọn tôi chẳng nhận ra nhau. Đứa nào cũng thấy là lạ,một chút thích thú và một chút ngượng ngùng. Trong bộ quần áo mới ,chúng tôi tham gia lễ tiễn quân tại nhà hát thị trấn.  
Khoảng 3h chiều chúng tôi lên xe, chuyến xe lăn bánh về Vinh. Tôi chứng kiến một cảnh rất cảm độngchưa thấy khi nhỏ tới giờ. Anh em chúng tôi ngồi trên xe,bà con và người ở lại vẫy tay chào,chúc tụng dặn dò. Tôi thấy nhiều người đã khóc,có lẽ đó là người thân hay người yêu của ai đó lên đường. Chị gái tôi cũng khóc. Tôi cố dằn lại trong lòng.
  Hôm nay ,giữa bạn bè đông đúc,tôi có một tâm trạng duy nhất là buồn nhớ quê hương ,gia đình,bởi vì tôi chưa hề có một mảnh tình vắt vai. Tốt nghiệp trung học,lên đường nhập ngũ,tôi chưa hề biết yêu đương. 19 tuổi phải nói là tôi ngây thơ lắm. Tôi chỉ lo học chứ bạn bè trai gái gì đâu. Tình bạn học trò đã chắp cho tôi biết bao sức mạnh.
   Chuyến xe lăn bánh rồi dừng lại,người đông quá phải dẹp lối đi, mấy lần dẹp lối đi như thế, xe mới qua nổi đám đông. Xe chạy qua Thanh Nam tôi cố gắng vươn cổ ra ngoài nhìn lần nữa sông Lam bến Rộ và bãi ngô quê nhà. Chiều tối xe tới Vinh và trút quân tại ga Vinh.Chúng tôi được phát bánh mì để ăn,lần đầu tiên chúng tôi ăn bánh mì trừ bữa. Khoảng 2h sáng tối hôm đó tàu Vinh – Quy Nhơn chuyển bánh vào nam. Đây là lần thứ 2 tôi đi tàu ( lần đầu đi Hà Nội nhập học),bạn bè ngồi bên nhau nói đủ thứ chuyện trên đời.
Tàu đi qua Hà Tĩnh ,Quảng Bình, Quảng Trị ,Thừa thiên – những vùng đất tôi chưa bao giờ đặt chân tới. Hai bên đường ray, những rừng bạch đàn nghi ngút,những đồi đá cheo leo trơ trụi,những dòng sông đỏ ngầu ,những nghĩa trang đầy rẫy mộ chí.v.v. Tàu qua Quảng Trị màn đêm buông xuống,trong toa nhìn ra những núi đá dựng đứng kỳ vỹ,rùng rợn hãi hùng. Mưa bắt đầu tạnh ,tàu đi vào những núi đá tối như bưng. Khoảng 7h tôi ngày 26 tàu dừng tại ga Huế . Màn đêm dày đặc,con mắt không thể nhìn thấy vẻ đẹp nên thơ của cố đô- kinh đô của bao triều vua Nguyễn. Người bán hàng rong ập đến. Điều đập vào mắt tôi đầu tiên là kẹo mè xửng. Rất nhiều đứa mua một vài gói để ăn.
  Ăn cơm tối trong toa,chúng tôi lăn ra ngủ. Con tàu vẫn chình chịch phá màn đêm lao về phía trước. Tàu tới Hải Vân ,qua Đà Nẵng ,Quảng Ngãi lúc nào không hay. Sáng mai tỉnh dậy tàu đã dừng tại ga Diêu Trì ( Bình Định).Ra khỏi tàu chúng tôi dắt nhau đi rửa mặt ,ăn sáng. Ăn uống xong thì xe đơn vị đến,chúng tôi lên xe theo lệnh của chỉ huy. Xe ca quân đội lại theo đường 19 vượt đèo An Khê, Mang Giang tới Gia Lai. Khoảng 11h trưa là tới Plâycu. Xe tiếp tục chuyển hướng theo đường 14 ngược lên phía bắc,cách thị xã Kon Tum 7 cây thì dừng lại,rẽ vào doanh trại bộ đội gần đường – đó là đơn vị mà chúng tôi phải đến :trung đoàn 28 sư 10 quân đoàn 3.
   Như vậy là trưa ngày 27 .10.1995(4.9al) chúng tôi đã vào đơn vị một cách an toàn, chỉ “ mất” vài ba bánh mỳ bỏ quên trên xe không lấy. Chuyến hành trình lên đường kết thúc.
      Hôm nay sau ngày luyện tập thao trường,ngồi nghĩ lại chuyến đi vừa qua lại thấy hay hay. Một ngày mai năm tháng có qua đi,bụi thời gian có bào mòn bao buồn vui của cuộc đời,nhưng trong tâm trí tôi ,chuyến đi này mãi mãi là 1 kỷ niệm đẹp cuả thời trai trẻ, mãi mãi còn đây với các đồng hương ,đồng chí của tôi.

                                              KonTum:10.12.1995
                                                      
                                                 Huy Thư
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Mười, 2012, 01:07:58 pm gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #21 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2012, 02:57:23 pm »

                                    
                                     DU LỊCH Y A LY
                                                             ký sự

      Bước vào huấn luyện được hơn một tháng thì trung đoàn tổ chức cho chiến sĩ tân binh đi thăm thác Yaly.Mỗi trung đội một chiến sĩ, lần này tôi cũng được đi vì qua 1 tháng tân binh tôi tỏ ra rất ngon lành.

    Vào một buổi sáng giữa tháng 12.1995,xe khách đỗ ở sân trung đoàn,sau khi tập trung ,điểm danh rồi lên xe,tôi ngồi cuối xe. Xe chạy khoảng 9h 30 phút là tới nơi. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là một công trường hoạt động tấp nập,ở đây đủ các loại xe :xe ủi ,xe tải , xe xúc, nào là các loại máy: máy khoan ,máy cán đá , máy nhồi bê tông, và rất nhiều loại máy tôi không thể biết. Người rất ít chỉ thấy toàn là xe là máy,thỉnh thoảng mới có một công nhân qua lại. Giữa trưa nắng hừng hực, bụi bay mù trời,tôi thầm nghĩ:với không khí như thế này có thể dời núi lấp sông cũng được,và quả thật là như thế!
   Vừa xuống xe ,bí thư đoàn đi trước dẫn chúng tôi theo con đường ngoằn nghoèo lên xuống mấy cái dốc rồi tới thác Yaly – địa điểm cần đến. Nhìn quang cảnh trước mắt tôi biết thác Yaly không còn là thác tự nhiên nữa. Dòng thác đã bị chặn,những lớp đá nhô lên trơ trụi. Người ta khoan qua 1 ngọn đồi ,cho nước chảy vào đấy và đổ ra dòng thác cũ,kiểu nước chảy tắt dây cung.
   Chúng tôi dắt nhau đi xuống chân thác. Đứng dưới nhìn lên,từ trong núi một cột nước tuôn ra khổng lồ, đổ xuống suối với chiều cao khoảng gần 30m Cảnh tượng thật hùng vĩ và nên thơ. Từ chỗ trống của đường vòng cột nước, hai bên gió thổi vù vù,không khí bị hút vào đó. Đứng hai bên cột nước mát như trong phòng lạnh. Có một đồng chí đưa mũ ke-bi ra thử sức gió,tưởng đùa cho vui nào ngờ bị nước hút luôn,thế là mất.
  Dưới lòng suối nước đổ ào ào, bọt trắng xóa,hơi nước lan tỏa khắp cây cối, một vùng không khí mát lạnh. Do ánh nắng mặt trời xuyên qua hơi nước,nên đứng trên nhìn xuống thấy rất nhiều cầu vồng đủ màu sắc. Sự kết hợp giữa dòng chảy, hơi nước và mặt trời,tạo nên một khung cảnh hào hùng rất đẹp mắt. Có nhiều người chụp ảnh,chúng tôi cũng muốn có tấm hình làm kỷ niệm nhưng do sạch túi “lính mà ai”.
   Khoảng 12h là lên xe về, chúng tôi ăn trưa tại rừng cao su,4 đứa 1 hộp sữa và 8 bánh mỳ . Tôi ngồi ăn cùng hai đồng hương là Hiền và Thắng( cùng 1 đại đội ). Hơn 1h chiều là chúng tôi có mặt tại trung đoàn.
Đây là chuyến thăm thác Yaly đầu tiên trong đời vì từ lâu tôi chỉ thấy qua ti vi và tôi nghĩ rằng cũng hiếm có dịp đến đó một lần nữa.
                                              Đơn vị 12.1995
                                                 huy thư
   
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười, 2012, 04:19:44 pm gửi bởi huythu » Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #22 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2012, 03:09:40 pm »

   Bạn Huythu viết hay quá ! Có lẽ khi ra quân mình nghĩ bạn chắc cũng làm bên ngành nào đó liên quan đến năng khiếu của mình ( giống đồng chí future hiện làm nhà báo ). qua con mắt của bạn cuộc sống người lính trở lên lãng mạn và vui vẻ biết bao nhiêu. Tây nguyên thật là đẹp , hy vọng còn được biết nhiều nữa qua các bài viết của bạn. Nhanh tay lên nhé đồng đội !
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #23 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2012, 04:43:41 pm »

         THÁNG TƯ MÙA NHỚ
                                      Huy Thư


Hạ về rồi ve kêu rả rích
Mưa sườn cao và nắng đốt màu da
Bữa cơm trưa nghe lòng nhớ quê nhà
Hôm đọc báo mắt con nhòa dòng lệ

Chiều nay bến sông quê có còn vang tiếng hát
Con đò xưa vẫn chở khách sang sông
Nhớ làm sao hương lúa nội đồng
Mùa lạc nổi và những ngày gặt hái

Mẹ ơi !con chưa về bên mẹ được
Để cùng san sẻ buồn vui
Để tắm trong bao đau khổ cuộc đời
Gặt lúa phơi rơm
Mồ hôi hòa theo nước mắt
Sớm trưa nhưng vẫn vui cười.

Xuân trôi qua, hạ đến rồi
Phượng đã nở các em có còn đi học
Anh đã một thời cắp sách
Đường xưa áo trắng tung bay
Nay “áo xanh” vùng xa xứ
Ve kêu anh tiếc một thời

Mẹ ơi! gió Lào thổi chưa hở mẹ?
Đồng ta lúa nếp vàng ươm
Con mơ lại ngày thơ trẻ
Sống trong những tiếng ru hời
Chợ trưa có còn kẹo nữa
Mẹ về con khóc mất thôi .

Hạ về trên Tây Nguyên nhớ !
Con nhớ nhà nhiều lắm nhớ xa xôi
Một mai đây “tung cánh” giữa cuộc đời
Con sẽ về thăm bến sông quê
Và không còn tháng tư mùa nhớ.

                  Ngày dân vận,tháng 5.1996
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Mười, 2012, 01:02:30 pm gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #24 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2012, 10:16:54 am »

                                  

                                    BẾP LỬA ĐỒNG BÀO
                                                                  Ký sự


                “Có thể nào quên chiêng cồng bếp lửa
                 Tay cầm tay múa hát với đồng bào”
Đó là những ngày đi dân vận trên vùng xa Kon Tum,nơi biên giới Việt – Lào,với bao kỷ niệm tươi đẹp,tôi không thể nào quên.
   Ngày 27.4.1996 lực lượng phòng không trung đoàn 28 lên đường đi Đắc Lây. Khoảng 2h chiều,xe chúng tôi đã vượt qua bao ghềnh thác cheo leo tới địa điểm cần đến- đó là xã Đắc Long. Chuyến đi này tôi rất vui vì có nhiều đồng hương,không chỉ ở trong đại đội mà ở các tiểu đoàn nữa đi cùng.
   Vừa đặt chân đến chúng tôi được sắp xếp chỗ ăn ngủ,song ngày đầu rất chật vật,chế độ cũng như ở đơn vị,cái ngán nhất là đi rửa mặt buổi sáng,đi tắm , đi ăn, đi làm đều lên đèo xuống động.
   Công việc hàng ngày là cuốc đất hoặc đi tổng vệ sinh cho đồng bào, giúp đồng bào gieo lúa. Thời gian làm buổi sáng còn buổi chiều nghỉ đi câu cá, nướng sắn, nằm ngủ, đọc sách báo hoặc vui chơi. Tối đến đi tập văn nghệ cho thanh thiếu niên bản làng.
   Lần đầu tiên tôi tận mắt tiếp chuyện người dân tộc thiểu số. Đây là dân tộc Chré, dân số ít, đời sống còn khó khăn ,văn hóa thấp kém. Tôi rất bàng hoàng khi nghe tin họ theo đạo.
   Quang cảnh núi rừng thì thơ mộng,trữ tình, và không kém phần hùng vĩ, Những dãy núi sừng sững, những dòng suối lượn lờ như dải lụa mềm mại, những đồi sắn bạt ngàn. Ôi !thật là đẹp mắt.
      Đi dân vận chuyến này tôi được đơn vị cử làm nhiệm vụ lấy rau,cải thiện bữa ăn cho anh em, mỗi buổi sáng phải lấy 10 kg rau. Trên rừng có đủ thứ rau,rau dún, rau tàu bay, rau sam, có hôm đang đi tìm rau ,vô tình phát hiện ra bên bờ suối bạt ngàn rau sam, cứ xách bì tới đó hái 1 bì đầy là ok.Thời gian còn lại tôi đi chơi. Tôi có làm quen với mấy đứa trẻ dân tộc , chúng nó dạy tôi tiếng dân tộc ,tôi thích lắm.(Bộ đội chiu pi kích – bộ đội đi rẫy, bộ đội chiu chơ roong – bộ đội đi ăn cơm). Buổi tối đi tập văn nghệ, tôi còn nhớ như in hôm vào thôn Bin Blong,cả thôn đốt một đống lửa to, dân làng vây xung quanh,ở giữa bộ đội và trai gái dân tộc cầm tay nhau nhảy múa. Ôi ! vui quá, lần đầu tiên tôi được cầm tay thanh niên dân tộc hát những bài ca đoàn kết. Đồng chí đại trưởng giới thiệu tôi ra hát đơn ca,tôi hát bài “mẹ Việt Nam”,Hải k3 hát bài “miền trung nhớ Bác”. Sau đó đi nhiều thôn nữa ,tôi cùng Hải – y tá (Hà Tĩnh) thường hát bài “trông cây ta lại nhớ Người”. Hôm 19.5, xã Đắc Long tổ chức kỷ niệm 106 năm ngày sinh nhật Bác rất long trọng,thể thao văn nghệ sôi nổi tưng bừng. Đơn vị tôi đại diện cho cả sư 10 cũng tham dự. Các môn thể thao đều thua , chỉ có văn nghệ được giải. Trong đợt thi này đã có bạn gái dân tộc cho tôi …2 bắp ngô cùng mấy quả xoài, coi bộ mến bộ đội lắm.
    Người dân ở đây còn lạc hậu, đời sống kham khổ, ăn uống và học hành thiếu thốn. Thường ngày họ ăn sắn hoặc cơm với lá sắn luộc. Cả xã chỉ có mấy lớp cấp 2. Đường sá đi lại khó khăn.
    Điều tôi nhớ mãi là lần đầu tiên được uống rượu cần. Hôm đó đơn vị đến giúp một nhà dân san nền nhà, chủ nhà đưa một can rượu cần ra đãi. Họ rót rượu ra bát mời bộ đội ,màu rượu vàng nhạt như mật ong ,uống vào thấy ngon hơn cả bia. Hôm sau, trên đường đi làm về, thấy bộ đội,mấy bác người dân tộc mời bọn tôi vô chơi uống rượu. Tôi quan sát kỹ,mỗi vò rượu có nhiều cái vòi xung quanh, rượu làm từ sắn và lá cây rừng. Uống hết rượu trong vò lại đổ nước lã vào, rượu sau khi đổ nước lã ,vị nhạt ,hơi tanh. Nể lời mời của đồng bào nên tôi uống 2 bữa , sau đó mời tôi cũng không uống nữa, tôi kinh cái vòi quá! Bao nhiêu miệng ngậm, đen thui.
    Ở đây hoa quả, chỉ có xoài là nhiều. Có bận tôi đi chơi về ,Hiếu k3(thanh Tùng) đã hái ở đâu để dành cho tôi 2 quả bự, hai thằng ngồi ăn ghê cả răng.
      Mới lên chưa làm quen được nhiều, đã phải chia tay về đơn vị, ngày 1 tháng 6 xe chở chúng tôi lăn bánh rời Đắc Long – Đắc Lây,chào tạm biệt đồng bào với bao lưu luyến.

                                             Đơn vị tháng 12.1996
                                              Huy thư


« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười Một, 2012, 06:53:43 am gửi bởi huythu » Logged
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #25 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2012, 11:26:26 am »

Ngày anh Thư chắc sư đoàn chưa bắt phải học tiếng dân tộc đâu nhỉ ? Em đi học dưới Bình Định nên không phải học, nhưng một số tiểu đội trưởng, cán bộ chính trị phải học để đi dân vận.Tết đến, các bố sổ tiếng dân tộc ra chúc rượu nhau vui phết.

Em cũng từng ghé qua làng của đồng bào dân tộc khu vực Đăck Tô, tuy không đến nỗi hẻo lánh lắm nhưng cũng thấy đồng bào khá lạc hậu. Vào nhà chẳng thấy có gì, không bàn thờ gia tiên vì họ theo đạo. Không biết họ theo từ bao giờ.

Đồng bào Tây Nguyên, màu da đen khét nắng, họ thích múa hát và uống rượu, sống khá thật thà.
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #26 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2012, 07:06:17 pm »

Hồi anh đi, ở đơn vị anh cũng chưa nghe nói đến việc cán bộ chiến sĩ học tiếng dân tộc, vì đi dân vận thời gian ngắn,các đơn vị thay nhau luân phiên làm nhiệm vụ.Trên sư đoàn cán bộ chính trị chắc cũng có học- phương tiện hữu hiệu cho công tác dân vận mà.
  Ngày đó anh viết “tôi rất bàng hoàng khi nghe tin họ theo đạo” vì anh thấy nơi đây xa lắc xa lơ,ngã ba Đông Dương, biên giới Việt  - Lào, thiếu thốn cả cái ăn lẫn cái chữ, mà Thiên chúa giáo và Tin lành đã len lỏi khắp nơi, chứ chưa hiểu cặn kẽ sâu sắc về vấn đề tôn giáo như bây giờ, chưa hiểu đằng sau đó là cái gì mà nhanh chóng vậy. Sự “bàng hoàng” đó vẫn còn tính thời sự mà em.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười Một, 2012, 06:51:51 am gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #27 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2012, 09:14:48 am »


              GÁC ĐÊM
                                huythư

Ánh đèn vụt tắt
Bóng tối ập vào
Hàng cây lao xao
Trời sao nhấp nháy

          Muỗi đốt sau gáy
          Tay vỗ tay xua
          Đập tan giấc mơ
          Người thương người nhớ

Nhìn sang đằng nớ
Động tĩnh gì không
Chân bước như bông
Xử ngay tình huống

          Trời có mưa xuống
          Ghê lạnh run người
          Anh vẫn mỉm cười
          Nhìn trời tổ quốc

Cầm súng đứng gác
Bảo vệ quê hương
Bao nỗi nhớ thương
Nằm trong tay súng.


                kho trung đoàn
                    9.1996
Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #28 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2012, 09:40:44 am »


Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường
                                              B .M. Q
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Mười Một, 2012, 05:29:59 pm gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #29 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2012, 08:03:04 am »

                  

                       HƯƠNG MÍT TÂY NGUYÊN
                                                          Tùy bút


Từ mảnh đất bắc miền trung vào Tây Nguyên làm nhiệm vụ,ngồi trên chuyến xe tốc hành nhìn xuống,điều ngạc nhiên đập vào mắt tôi đầu tiên về cây cối là những vườn mít bao la.

Mít là cây chịu đựng tốt, sống được khắp mọi miền đất nước,song chưa ở đâu như ở đây, quê tôi cũng có mít nhưng thưa thớt rải rác, còn Tây Nguyên này ư !bạt ngàn những rừng mít. Mít mọc xum xuê hai bên đường, mọc um tùm trong vườn nhà dân,mọc ra cả thao trường nương rẫy. Phải chăng Tây Nguyên về mùa khô nắng cháy, mà mít là loài cây chịu đựng tốt khí hậu này nên mới sinh trưởng và phát triển mạnh và nhiều như thế.
      Mít xanh tốt ,gốc to nhất bằng mấy người ôm. Bóng mát cho người dân ở đây phần nhiều là nhờ vào cây mít.nếu ai đó đi trong vườn mít vào mùa chín quả thì không thể không khịt mũi và náo nức thèm ăn bởi mùi hương của mít.

       Mít Tây Nguyên nhìn chung ra quả quanh năm,nhưng chủ yếu vào tháng 5 tháng 6 – đó là mùa chín rộ. Người dân ở đây chẳng thèm hái quả, mít có thể treo lủng lẳng trên cây hoặc rơi xuống đất. Người nào thích thì bán cho nhà buôn đi thị, nếu không thì cho bò ăn. Những ngày thứ 7 đi rừng hoặc chủ nhật đi chơi vào dân là có thể ăn một bụng mít no nê mà không ăn cơm cũng được. Đi đường vỗ quả nào chín là hái ăn vô tư quả đó,người dân không quan tâm chuyện này lắm,phần vì mít nhiều, phần thì họ cũng dễ cũng vui , nếu thấy người nhà thì chỉ cần một câu vuông vắn “cho con xin trái mít” . Ăn xong bỏ hạt khắp đường . Dân ở đây không buồn nhặt hạt để phơi hay luộc như người ngoài bắc và có lẽ vì thế mà mít lại mọc lên nhiều hơn, dày đặc hơn.

     Bên cạnh đơn vị có mấy cây mít to mọc giữa vạt sắn, quả nhiều như lợn con đang bú,mỗi mùa chín rộ , giữa trưa tôi thường lẻn ra khỏi đơn vị hái mít ăn và ngủ trên cây luôn. Có hôm ăn mít xong , đang thiu thiu trên cây, ngửa mặt nhìn lên thì thấy thằng bạn cùng đơn vị đã ở tít trên ngọn từ khi nào. Nó cười khà khà !Hóa ra nó đang giữ bí mật vì không muốn cho ai biết chuyện “vượt rào” buổi trưa.
 
      Ngày mai tôi và đồng đội ra quân, chia tay Tây Nguyên, hương mít nơi đây vẫn còn vương vấn. Dù đi đến nơi đâu, tôi vẫn không thể nào quên những kỷ niệm về hương mít Tây Nguyên.
 
                                                       Đơn vị 30.5.1997
                                                             Huy Thư

                                      

« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười Một, 2012, 08:18:02 am gửi bởi huythu » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM