Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:35:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên môt thời để nhớ  (Đọc 53363 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vuotdaiduongtimtriki
Thành viên

Bài viết: 1



WWW
« Trả lời #80 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2013, 06:10:24 pm »

Chào mấy bác cựu quân nhân f 10. Em là thế hệ kế tiếp của f10 đây. Em nhập ngũ ở e66, xin phép được cùng các bác ôn lại chặng đường lịch sử.
Logged

Trai không đi lính trai bất tài <br />Gái không yêu lính phí hoài tuổi Xuân.
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #81 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2013, 09:57:11 am »

Chào vuotdaiduongtimtriki

Rất vui khi bạn ghé thăm "Tây Nguyên một thời để nhớ". Hi vọng bạn sẽ góp thêm nhiều ki niệm về đời lính để chúng ta cùng nhau chia sẻ buồn vui của những ngày lính tráng đã qua. Chúc bạn vui khỏe và hạnh phúc.

                                                                                      
Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #82 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2013, 10:18:17 am »

 
              Những cuộc đời gắn với xe lăn




 


       (Thanh tra - điện tử) Trong nắng vàng tháng 7 miền trung, chúng tôi tìm về trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An (xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc)– nơi có những con người đã một thời từng cống hiến tuổi trẻ, máu xương cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.


Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An được thành lập ngày 19 .11.1974. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trung tâm là nơi tập trung đông thương bệnh binh, thời điểm lúc đông nhất có hơn 700 người. Thời gian đã lùi xa, cũng như những thay đổi trong chính sách của nhà nước, hiện trung tâm đang quản lý 73 thương bệnh binh, trong đó có 7 phụ nữ, con số có mặt thường xuyên tại trung tâm là 36. Người cao tuổi nhất là bác Phan Huy Phác 83 tuổi – thương binh trong kháng chiến chống Pháp. Người thấp tuổi nhất là 40 tuổi. Trung tâm hiện có 28 thương bệnh binh, đã và đang gắn liền cuộc đời với những chiếc xe lăn, quê quán chủ yếu ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, gặp trực tiếp các bác các cô tại đây, trong những ngày này thật là xúc động.


          Ra đi vì lí tưởng

 Từ những miền quê khác nhau, bước vào tuổi trưởng thành là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, các bác các cô đã lên đường tòng quân, vì sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế cao cả.

 Với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do” những thế hệ thanh niên học sinh Việt Nam như các bác các cô ngày đó ra đi vì lý tưởng của Đảng, của dân tộc. Có người đã học xong phổ thông, trung cấp nghề, có người bỏ dở cả bút nghiên, khai thêm tuổi để được nhập ngũ. Ra đi, chiến đấu trên các chiến trường, bị thương họ trở về gặp nhau trong các trại thương binh.

 Tiếp chuyện chúng tôi trong những căn phòng riêng của mỗi người, các bác các cô thương binh, bồi hồi nhớ lại những ngày tuổi trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

  Bác Trần Quốc Tế 62 tuổi, thương binh hạng 1/4, quê Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh vốn là chiến sĩ trinh sát. Bác nhập ngũ tháng 4.1970, huấn luyện tại tiểu đoàn đặc công D31, biên chế qua nhiều đơn vị, thuộc sư 341- quân khu 4. Bác từng tham gia nhiều trận đánh ở Chơn Thành, Định Quán, La Ngà, Xuân Lộc, cùng đồng đội đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy sáng ngaỳ 30.4,1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau đó làm nhiệm vụ quân quản, chiến đấu bảo vệ biên giới tây nam, tham gia truy quét lực lượng Pôn Pốt ở Cam Pu Chia và bị trọng thương trong lúc đi trinh sát địa bàn tại tỉnh Công Pông Chpư ngày 20.3.1979.

 
                                   Thương binh Trần Quốc Tế

 Bác Đặng Đình Hồng 57 tuổi – thương binh hạng 1/4, quê Hà Trung, Thạch Hà, Hà Tĩnh với tính cách điềm đạm, cẩn thận của một người đã từng là chiến sĩ thông tin. Bác nhập ngũ tháng 12.1974, huấn luyện xong được biên chế về sư 341, đã từng tham gia tiến đánh Xuân Lộc, Biên Hòa, Đồng Nai, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam Pu Chia và bị thương trong lúc đi trinh sát đặt đài quan sát tại tỉnh Công Pông Chnăng tháng 4. 1980.

 Bác Nguyễn Thị Lượng 63 tuổi – thương binh hạng 1/4, quê Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An, vẫn nhiệt huyết như thời thanh niên trong từng kỷ niệm. Tốt nghiệp trung cấp y , đầu 1971, bác tình nguyện đi chiến trường B, đầu quân cho ban dân y khu 5, phòng hậu cần 773 – đoàn xây dựng kinh tế, đã từng ra bắc học thêm và vượt tây Trường Sơn để trở lại đơn vị. Do tình hình nhiệm vụ, đơn vị di chuyển thường xuyên, bác đã bị tai nạn chấn thương cột sống trên đường đi công tác từ Gia Lai về Đắc Tô – Tân Cảnh tháng 6.1976. Hiện bác là 1 trong 2 nữ thương binh đi xe lăn không lập gia đình…..


                                      Thương binh Nguyễn Thị Lượng

 Mỗi thương binh có những hoàn cảnh dẫn đến thương tật khác nhau. Từ các chiến trường miền nam trong kháng chiến chống Mỹ, trong chiến tranh biên giới tây nam,  biên giới phia bắc, chiến trường Lào, Cam Pu Chia, thuyên chuyển qua nhiều bệnh xá, bệnh viện, đoàn an dưỡng khác nhau, cuối cùng các bác các cô được đưa về trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An.

 Phần lớn các thương binh dùng xe lăn ở đây, bị trúng thương bom đạn hoặc ngoại lực tác động gây chấn thương vùng cột sống, dẫn đến tê liệt nửa thân phần dưới, không thể đi lại được bằng đôi chân của mình.

 Những năm đầu sau khi bị thương, do điều kiện lúc bấy giờ cũng như tình hình thương tật chưa ổn định, thương binh như các bác phải nằm một chỗ, sau này mới có xe lăn và từ đó cuộc đời của các bác gắn liền với những chiếc xe lăn. Bác Tế cho biết: “ hai năm sau mình mới có xe lăn”. Đôi tay đã thay đôi chân, ngoài những công việc đời thường, đôi tay của các bác còn phải điều khiển xe lăn để di chuyển bản thân trong quá trình sinh hoạt.

 Những thương binh phải dùng xe lăn thì việc sinh hoạt thật là khó khăn. Đơn cử như việc di chuyển từ xe lăn lên giường hoặc ngược lại, đã rất vất vả. Sau khi trườn được phần thân trên lên giường, các bác phải dùng hai tay nâng phần dưới lên, rồi khiêng từng chiếc chân một. Việc vệ sinh cá nhân lại càng khó khăn hơn. Bác Hồng tâm sự: “mặc dù tất cả còn nguyên vẹn nhưng không cử động được, nó trở nên nặng nề cho cơ thể”. Cũng có bác vừa bị liệt vừa bị cụt chân. Bác Hồng cho biết thêm: “nhà tắm, nhà vệ sinh của các bác cũng thiết kế khác thường, để phù hợp với những thương bệnh binh nửa thân dưới không vận động được”. “Do phức tạp trong việc vệ sinh cá nhân nên chuyện ăn uống cũng phải kiêng khem, thận trọng, nhiều lúc vì công việc phải ra ngoài, đi xa, chứ không thuận tiện. Những khi lễ tết, giỗ trạp, về thăm nhà ít ngày rồi lại đến trung tâm, chứ ở nhà cũng làm phiền mọi người”.

 Ra đi vì nhiệm vụ từ những năm đầu tuổi trẻ, có người đã kịp lập gia đình, nhưng có người cũng chưa biết yêu đương. Sau khi bị thương, một số bác không còn nghĩ đến chuyện lập gia đình nữa. Hiện tại trong 28 thương bệnh binh đang dùng xe lăn, có 8 người không lập gia đình, trong đó có 2 phụ nữ. “Thỉnh thoảng, anh em con cháu đến thăm, như vậy cũng vui rồi, chứ sau khi bị thương thì không nghĩ chuyện hạnh phúc lâu dài ” – bác Lượng tâm sự. Trên dưới 30 năm, các bác các cô đã sống những tháng ngày như thế.



Sáng mãi phẩm chất người lính cụ Hồ

 Mặc dù rất khó khăn trong sinh hoạt cá nhân, chứ chưa nói đến những khi trái gió trở trời, nhưng các bác vẫn giữ vững phẩm chất người lính cụ Hồ, vui vẻ lạc quan, vượt lên số phận.

 Qua tìm hiểu được biết, hồi trung tâm còn đông thương bệnh binh thì 3 đến 4 người ở 1 phòng, sinh hoạt chật vật và phức tạp. Nay quân số ít, gần như mỗi người một phòng nên mọi thứ cũng thoải mái hơn. Mỗi người được cấp giường, tủ, bàn ghế, quạt điện, còn các tiện nghi khác, ai thích thì tự mua sắm thêm như tivi, tủ lạnh, bếp ga… Nhìn căn phòng của bác Hồng thật ấm cúng, mọi thứ được sắp xếp gọn gàng. Huy hiệu, bằng khen, ảnh Bác Hồ được bài trí một cách trang trọng…

 Thường ngày, các bác vẫn làm việc đều đặn: tắm rửa, giặt giũ, nấu ăn, kể cả việc đi chọn mua thức ăn tại cổng phụ trung tâm… Bác Hồng cho biết: “ trung tâm có bếp ăn nhưng chủ yếu phục vụ những người nằm liệt giường, còn các bác làm việc được thì tự nấu ăn cho hợp khẩu vị của từng người, cũng như tăng cường vận động cho cơ thể khỏe mạnh. Chỉ khi nào ốm đau, mới hoàn toàn nhờ vào anh chị cấp dưỡng”.

 Chi bộ thương binh có 4 đảng viên là thương binh đi xe lăn, với hơn 30 – 40 năm tuổi đảng, các bác vẫn tham gia công tác tập thể nhiệt tình. Bác Tế hiện là phó bí thư chi bộ, chủ tịch hội đồng thương binh của trung tâm. Trong những ngày lễ, các bác cũng khởi hành đi xa ,tham dự kỷ niệm thành lập đơn vị, dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi đồng đội cũ…

 Gặp nhau trong cảnh thương tật, nay về sống dưới mái nhà chung, mọi người sống tình cảm, đoàn kết, vui buồn sớm tối có nhau. Khi nói chuyện quá khứ, ai cũng nhiệt tình sôi nổi với những kỷ niệm hành quân chiến đấu của những ngày mười tám đôi mươi. Trong câu chuyện, qua giọng nói, ánh mắt của các bác vẫn bừng sáng tinh thần lạc quan cách mạng, sự nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ “dậy mà đi” giữa Trường Sơn đại ngàn. Bác Lượng san sẻ: “ những ngày đầu cũng buồn vì mình phải nằm trên giường bệnh, nhưng sau rồi quen dần . Bác có nghĩ rằng mình sống được đến hôm nay đâu. Cứ vui lên để sống như những tháng năm vượt núi băng rừng cháu ạ”.

 Chiến tranh đã đi qua, vết thương thể xác và vết thương lòng đang còn hiện hữu trong những con người, trên mọi miền tổ quốc chúng ta. Chia tay trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An, nhưng hình ảnh các bác các cô thương binh vẫn còn đọng mãi trong lòng chúng tôi với bao điều nhắn nhủ về lịch sử và cuộc sống ./.


                                         Huy Thư – Bảo Anh
 

« Sửa lần cuối: 09 Tháng Tám, 2013, 07:31:06 am gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #83 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2013, 10:01:06 am »



    
           NGÀY VUI
                 Huy Thư

Cùng mẹ về quê Bác chiều nay
Vẫn nhà xưa đó những hàng cây
Dòng người đi nữa còn chưa nghỉ
Bâng khuâng hồn non nước chốn này

                    ngày quốc khánh 2.9
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Chín, 2013, 12:19:44 pm gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #84 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2013, 12:11:50 pm »

                                                                                
                                                   
                                               AYUN PA
                                                         
                                                            Ký sự



  Không biết có xui xẻo gì không, đã sắp sửa ra quân giã từ vũ khí, cởi lại rằn ri, thì đơn vị có sự thay đổi. Nhà máy đường Gia Lai hoạt động với công suất lớn, đang khát nguồn nguyên liệu và cần nhiều nhân công chặt mía phục vụ cho nhà máy, vì vậy họ đã liên hệ với quân đoàn. Sau thời gian chuẩn bị ngắn, sáng ngày 13. 6. 1997 đơn vị tôi đã lên xe đi làm nhiệm vụ mới. Buổi trưa cùng ngày xe dừng tại địa điểm cần đến, đó là A Zun Pa – Gia Lai.

  Nơi đây địa hình tương đối bằng phẳng, những đồng mía bạt ngàn. Dân cư là dân tộc thiểu số. Quân đoàn huy động một lực lượng lớn bộ đội về làm nhiệm vụ tại đây. Công binh bắc cầu phao qua sông, ô tô vận chuyển lính đổ về đông như diễn tập. Khung cảnh thật là tấp nập.

   Đơn vị tôi tới nơi, nghỉ ngơi xong, ăn cơm trưa là cơm vắt đã làm sẵn ở tiểu đoàn, mỗi người một cục cơm như quả cam cùng với cá khô. Không ngờ lính thời nay cũng ăn cơm vắt. Ai cũng cố gắng nhấm nháp cho xong. Buổi chiều làm nhà lợp tranh bằng lá mía, đơn vị phân công nhiệm vụ cho từng tiểu đội, người chặt nứa làm hom, người chặt ngọn mía, người đan kẹp thành tranh. Sau nửa ngày cố gắng vì tất cả chưa ai quen việc, rồi những căn nhà lợp tranh cũng đã hoàn thành, giống như những cái lều chăn vịt. Ngày sau đơn vị tiếp tục củng cố doanh trại và bắt tay vào công việc chính.

   Đơn vị chia thành nhiều tổ, mỗi tổ 5 người làm 2 tấn. Mía chặt xong, cột thành bó, mỗi bó khoảng 10 cây, dây cột là ngọn mía luôn. Cán bộ kiểm tra xong, bốc lên xe. Làm cả ngày chủ nhật. Công việc vất vả kết hợp với khí hậu khô khan nóng bức nên rất mệt. Chỉ sướng cái là ăn mía cả ngày, uống mật vô tư. Mía đỏ, mềm và ngọt. Mỗi anh lính, mỗi ngày có thể ăn hết 8 đến 10 cây mía. Tính ra lính của quân đoàn cũng ăn hết hàng chục, hàng trăm tấn mía.

  Trên ruộng mía thỉnh thoảng có dăm ba nhà dân tự khai thác, nấu mật làm đường. Mật họ nấu đặc lắm, sền sệt như hắc ín. Bên cạnh những ruộng mía là bát ngát những thửa đậu xanh sai quả. Bộ đội mới nghĩ ra chuyện đi xin mật, về hái đậu nấu chè ăn. Chén và ca nhựa múc mật xong là vứt luôn vì mật dẻo quéo không thể rửa nổi. Nhớ hôm mới đến, gặp ong rừng đóng trên những cây to giữa đồng mía, mật treo lủng lẳng. Đơn vị quán triệt không cho đốt lửa, sợ cháy rừng. Nhìn những tổ ong như những chiếc chiếu lượn lờ, đầy mật, thèm quá ! Tôi nghĩ ra cách ăn mật ong kiểu mới. Chặt một cây nứa to dài, vát xiết trên ngọn, đứng dưới chọc lên, khi nào nhiều mật thì hạ xuống rót vào chén, tha hồ uống. Lính bắt chước một cách nhanh chóng. Ăn mật kiểu này không vi phạm kỷ luật, vừa không bị ong châm. Sướng!

   Dân cư nơi đây còn nhiều tập tục lạc hậu. Họ mến bộ đội và rất thích quân trang của lính. Đổi chác rẻ. Họ có thể đổi một con gà to để lấy một chiếc ni lông. Cứ như vây, ni lông của lính và gà của dân thi nhau hoán đổi vị trí. Những bữa gà luộc, gà xào của lính giữa rừng mía lại bắt đầu. Thật vui !

   Buổi sáng, dậy sớm để đi làm. Trưa về, ăn uống xong, dưới gốc cây, trong những nhà lợp mía, lính trải chiếu xuống đất, bất chấp bụi đỏ mù mịt, ngả lưng nằm dưới phản. Nơi nào cũng nóng như nhau, không khí ngột ngạt hừng hực. May mà gần bờ sông nên tắm rửa thuận tiện. Những buổi chiều sau khi đi làm về, lính rủ nhau ra sông tắm rửa, đùa chơi, phơi mình trên đá.

   Đêm đến ở nhà nằm ngủ, hoặc vào dân chơi. Nếu ở nhà thì chưa hẳn đã ngủ mà tìm cách vui chơi. Ngô xung quanh đơn vị nhiều vô kể, lính lại nghĩ đến chuyện luộc ngô, nấu chè, hay ra bờ sông hóng mát, tâm sự.

   Trông đợi từng ngày rồi những gì đến cũng sẽ đến, làm khoảng 15 ngày thì mía trên ruộng đã gần hết. Tiểu đoàn tôi được lệnh rút quân. Mừng ! Ngày 27 tháng 6, bộ đội lên xe về đơn vị, buồn vui lẫn lộn, mệt nhoài người. Tới sân tiểu đoàn, chính thức nhận được tin sắp ra quân. Thế là lần kinh tế cuối cùng của đời lính đã chấm dứt.


                                                                                                                                             Tiểu đoàn 1
                                                                                                                                               28.6.1997
                                                                                                                                                 Huy Thư
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Chín, 2013, 07:46:23 pm gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #85 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2013, 05:45:00 pm »

 
 CON MUỐN
   (Tặng đơn vị thân yêu )
                      

Xuân của Huế mai vàng rực rỡ
Nhớ Tây Nguyên, xuân đến cũng mai vàng
Đơn vị nhỏ chẩn bị nồi bánh tét
Lá dong xanh, nếp trắng tấm lòng xanh

Xuân của Huế mai vàng rực rỡ
Nhớ quê hương, đào mận nở mừng xuân
Con chỉ một, mà tình thì hơn một
Biết chia sao cho nhân nghĩa vuông tròn

Con muốn biến thành thơ
Để đến được muôn nơi
Con muốn biến thành hoa
Để thơm mãi cho đời
Và đất cát…..
In chân người chiến sĩ . /.

                     Viết từ ĐHSP Huế: 16.1. 2005
                           Huy Thư
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Chín, 2013, 08:36:35 am gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #86 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2013, 02:10:07 pm »

                                  

 




                                                       VĨNH BIỆT NGƯỜI



Nghe tin bác mất, thấy lòng quặn đau . Thế là Người đã ra đi về chốn vĩnh hằng, không thể ở lại cùng cháu con thêm nữa. Hơn một thế kỷ qua, từ tuổi thiếu niên cho đến giờ phút cuối cùng, Người đã sống cho nhân dân, cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
 

Tên tuổi của đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử Việt Nam hiện đại, gắn liền với những cuộc trường chinh cứu nước oanh liệt và chiến thắng của dân tộc ta , vượt qua thời gian, băng qua không gian và đi vào lòng nhân loại.


Người ra đi, để lại muôn vàn tình thương cho quân đội, cho nhân dân, cho dân tộc và bạn bè khắp năm châu yêu chuộng lẽ phải, độc lập, hòa bình. Non sông đất nước Việt Nam mãi khắc ghi công lao và tên tuổi của Người. Đạo đức, tài năng và sự nghiệp của Người mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho con cháu Lạc Hồng noi theo.


Trong giờ phút đau thương, xin thắp nén nhang tâm gửi đến Người bằng cả tấm lòng kính yêu và ngưỡng mộ, một con người vĩ đại, một vị tướng anh hùng đã đi vào huyền thoại của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới.

 
Người đã ra đi, nhưng trong sâu thẳm trái tim và khối óc của nhân dân, Người vẫn còn sống mãi cùng non sông đất nước.
Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp muôn năm !./.


                                          5.10.2013
                                         An Nam - Huy Thư

« Sửa lần cuối: 06 Tháng Mười, 2013, 12:29:11 pm gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #87 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2013, 02:26:12 pm »

              

                           Tình người Thanh Xuân với vị Đại tướng hiếu nghĩa




(Baonghean) - Trong những ngày này không chỉ ở quê nhà Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, hay ở tư dinh 30 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, mà ngay cả ở quê hương phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người người vẫn tìm về thắp hương tưởng nhớ…

 
                                                   Bàn thờ cố GS Đặng Thai Mai tại nhà lưu niệm


  Thanh Xuân - một xã miền núi phía nam huyện Thanh Chương, nơi người dân vất vả quanh năm với đồng chiêm mùa trũng, lũ lụt thường xuyên, nhưng tự hào là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Thanh Xuân đã ghi danh những con người đã đi vào lịch sử như: Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng, Đặng Thúc Hứa, Đặng Thai Mai… Gia đình cố Giáo sư Đặng Thai Mai có 6 người con là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Năm 1946, bà Đặng Bích Hà – con gái đầu của ông, xe duyên cùng vị Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam. Võ Nguyên Giáp. Tướng Giáp trở thành người con rể vĩ đại trong một gia đình, dòng họ nổi tiếng xứ Nghệ.

 
  Mấy chục năm qua, người dân Thanh Xuân vẫn nhớ như in ngày Đại tướng về thăm quê vợ, đó là vào mùa lụt năm 1986. Theo các cụ cao niên ở đây cho biết: “Đoàn xe của Đại tướng qua phà Rộ, rồi theo đường cái bụi đỏ về Thanh Xuân”. Cán bộ nhân dân địa phương nghe tin Đại tướng về thăm vô cùng phấn khởi, khẩn trương tu sửa đường sá. Nhưng do lụt mới xong, khi Đại tướng về, đường quê vẫn còn lầy lội. Bà con xa gần không kể già trẻ gái trai tập trung rất đông. Ai cũng mong được gặp, được nhìn thấy tận mắt người con rể của họ Đặng, của làng – vị tướng tài ba nổi tiếng. Sau khi thắp hương tại nhà thờ, Đại tướng đứng trước sân nhà cố giáo sư, vui mừng tâm sự chuyện trò với bà con.

 

  Đại tướng căn dặn nhân dân Thanh Xuân phải tự thân vận động, lợi dụng tự nhiên, đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển vườn rừng, trồng cây phủ trống đồi trọc; trồng mít lấy lá nuôi dê, lấy quả để ăn, để làm nhút, lấy thân làm gỗ; đôn đốc cháu con học tập, phát huy truyền thống cách mạng, hiếu học của quê hương. Ông Đặng Bá Hương (cháu họ của cụ Đặng Thai Mai, gọi Đại tướng bằng anh) nhớ lại: “Về đến làng, anh Văn thăm hỏi cụ già, chuyện trò cùng con trẻ, vui vẻ cùng mọi người. Sau khi thắp hương ở nhà thờ, Anh Văn mới mời anh em họ tộc bên ngoại cùng nói chuyện chân tình về tình hình họ tộc, quê hương. Anh Văn đề nghị anh em trong dòng tộc phải năng động, sáng tạo, tích cực học tập để tự thân vận động phát triển, vươn lên trong sự nghiệp...

 

  Sự ra đời của nhà lưu niệm Đặng Thai Mai cũng xuất phát từ ý tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vợ là bà Đặng Bích Hà. Trong quá trình xây dựng nhà lưu niệm cụ Đặng Thai Mai, Đại tướng quyết định tập trung anh em lại cho sửa sang, tôn tạo nhà thờ họ, xây thêm nhà lưu niệm cho cụ bà Hồ Thị Toan (vợ cụ Mai), đưa các loại vật dụng gia đình xưa như chum, vại vào trong để cháu con tưởng nhớ. Năm 2002, hai nhà lưu niệm này hoàn thành...”.


 
                                                                                      Ông Đặng Bá Hương



  Do điều kiện về thời gian và nhiệm vụ, không thể ở lại lâu hơn, Đại tướng đã phải chia tay bà con quê vợ trong sự luyến lưu của mọi người. 27 năm rồi, kỷ niệm về Đại tướng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người chứng kiến.

 

  Anh Nguyễn Văn Thắng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Xuân kể về chuyến cán bộ địa phương ra thăm, chúc thọ Đại tướng vào năm 2004. Nói chuyện cùng cán bộ địa phương, Đại tướng nói chuyện tâm tư tình cảm, tình hình quê hương, nhắc nhở anh em cán bộ hoàn thành việm vụ gánh vác trách nhiệm đưa đời sống nhân dân địa phương đi lên. Và dịp đó, Đại tướng đã tặng Thư viện Trường THCS Đặng Thai Mai hơn 400 đầu sách... Năm 2006, nói chuyện cùng đoàn cán bộ huyện Thanh Chương ra thăm, sau khi hỏi tình hình của huyện, Đại tướng nhắn nhủ: “Dân quê ta (Thanh Chương - PV) rất cần cù, cách mạng và hiếu học. Đất nước đổi mới đã mang lại những thời cơ và thuận lợi mới. Thanh Chương còn nhiều khó khăn nhưng phải biết tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để vươn lên. Cán bộ phải đoàn kết, phải luôn luôn biết gần dân, tôn trọng dân, học dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân, phải biết phát huy truyền thống vẻ vang trong kháng chiến vào cuộc chiến thoát khỏi nghèo nàn, tụt hậu”.

 

  Trong căn nhà 7 gian khói hương nghi ngút của cố GS Đặng Thai Mai, mọi người thành kính trước anh linh cố giáo sư và tưởng nhớ về người con rể vĩ đại của ông. Anh Nguyễn Quang Tuấn - Bí thư Chi bộ thôn Xuân Liên, đồng thời là thành viên Ban Quản lý Khu di tích nhà thờ họ Đặng và nhà lưu niệm Đặng Thai Mai cho biết: “Sau khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, các ban ngành, đoàn thể huyện Thanh Chương, xã Thanh Xuân, giáo viên, học sinh các trường học tại địa phương, anh em, bà con xa gần đã tới đây thắp hương tưởng nhớ. Từ khi Đạị tướng mất, di tích ngày nào cũng có người đến thăm viếng”.

 

  Theo lời căn dặn của Đại tướng, nhân dân Thanh Xuân đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Cây cối đã phủ xanh đồi trọc, đập Quảng Không đã tắm mát các cánh đồng, những con đường nhựa, đường bê tông đã về ngõ xóm, nhà nhà trồng mít nuôi dê, nhiều gia đình có các con đi vào đại học… Cuộc sống nơi đây đã thay da đổi thịt nhưng Người sẽ không về thăm nữa. Người đã đi xa, trong sâu thẳm trái tim và khối óc của người dân Thanh Xuân, cũng như đồng bào cả nước, Đại tướng vẫn còn sống mãi.

 

Huy Thư - Thành Chung
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Mười, 2013, 06:51:38 pm gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #88 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2014, 04:01:10 pm »



Hương vị nghìn năm


 





Mận chũm chĩm, đào nở tràn trước ngõ
Xuân đến rồi gói bánh tết nhanh lên
Lá dong xanh , nếp trắng, đậu nồng thơm
Xin gói cả tấm lòng dâng tổ tiên thành kính.

Ta gói bánh chưng , bánh tày hai loại.
Trời tròn đất vuông trong truyện cổ Lang Liêu
Dẫu máu binh đao thấm đẫm nhiễu điều
Vẫn nền nã ngọt ngào hương vị Việt

Vẫn bình dị chân quê mà da diết
Từ ngàn xưa cho tới cả hôm mai
Nghĩa nhân văn, thuần mỹ chẳng nào phai
Cùng xuân – tết, rộn ràng muôn sắc Việt


Ta đi giữa những mạch nguồn tha thiết
Sóng nghìn năm đang vỗ bến tương lai
Dẫu muôn phương, hồn Việt vẫn thương hoài
Ôi tổ quốc Lạc – Hồng, máu trong tim ta đó.

                          Huy Thư
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Hai, 2014, 04:32:01 pm gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #89 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2014, 12:41:30 pm »

NƠI CÁC ANH NẰM - CAO ĐIỂM 384

Trên con đường 19, Bình Định – Gia Lai, chúng ta vẫn thường đi qua, nhưng đâu phải ai cũng biết nơi đây tại cao điểm 384, đã từng diễn ra những ngày chiến đấu vô cùng ác liệt của bộ đội ta với Mỹ - ngụy - chư hầu, tháng 4 năm 1972.

Năm ấy, thực hiện chủ trương của trung ương, quân ta đẩy mạnh tấn công địch trên các hướng Trị Thiên Huế, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Trung đoàn 12 – sư 3 Sao Vàng có nhiệm vụ đóng giữ các điểm cao 638, 384, cống Hang Dơi, khống chế  đường 19, không cho địch tiếp ứng lẫn nhau giữa Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tạo điều kiện cho quân ta giải phóng Đắc Tô – Tân Cảnh và bắc Bình Định.

 Đại đội 62 tiểu đoàn 6 chốt giữ điểm cao 384. Tại đây, từ ngày 9 đến ngày 18 tháng 4, trong 10 ngày đêm đã điễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt giữa các chiến sĩ của ta đóng trên đỉnh đồi với tiểu đoàn Mãnh Hổ - lính Hàn Quốc. 12 chiến sĩ C62 đã quyết chiến đến người cuối cùng để giữ chốt. 3 chiến sĩ bị thương phải rời trận địa. 8 chiến sĩ hi sinh : Nguyễn Tiến Liễu, Đồng Văn Soạn, Nông Văn Thu, Nguyễn Văn Du, Kiều Minh Toán, Hà Văn Bình, Đào Duy Hiển, Trần Văn Chính. Trận chiến tại cao điểm 384 là một trong những trận chiến nổi tiếng của trung đoàn 12 đã đi vào lịch sử.

42 năm trôi qua, hôm nay đọc nhật ký của Dương Văn Minh (người chiến đấu cuối cùng tại 384) , chúng ta như được sống lại những ngày đánh Mỹ đau thương mà oanh liệt . “Nhật ký cao điểm 384”, gây xúc động mạnh trong lòng người đọc: khâm phục, tự hào, yêu quý, và căm thù mãnh liệt trào dâng. Dưới ngòi bút của Dương Văn Minh, cuộc chiến đấu trên chốt 10 ngày đêm của 12 cán bộ chiến sĩ đại đội 62, tiểu đoàn 6, trung đoàn 12 sư đoàn 3 thật sống động , dữ dội và ác liệt . Trong mưa bom bão đạn, giữa sự sống và cái chết, đã sáng ngời những tấm gương kiên trung bất khuất, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, hi sinh đến giọt máu cuối cùng vì nhiệm vụ.

  Các anh ra đi, thân xác hòa trong đất cát quê hương. Không có ngôn ngữ nào diễn tả hết sự cảm kích, ngưỡng mộ trước những cái chết vinh quang, hiên ngang và cao thượng đó. Các anh là đại diện, là hiện thân của dân tộc anh hùng. Cao điểm 384 – một chiến trận thể hiện bản lĩnh của chủ nghĩa anh hùng cách mang Việt Nam, là bản anh hùng ca bất tử, được viết nên bằng xương máu của những người chiến sĩ.
 
  “Nhật ký cao điểm 384” không chỉ là kỷ vật thiêng liêng vô giá của gia đình, của thân nhân các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ trên điểm cao năm ấy, mà còn là tư liệu qúy có giá trị lịch sử, giá trị giáo dục to lớn đối với các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau.
 
Những dòng này, xin thay cho nén tâm nhang, thành kính gửi đến anh linh của các bác, các anh đã hi sinh trên điểm cao 384. Trong số đó có nhiều người chưa về xuôi được, xương thịt các anh đã hóa thân thành đất cát nơi chiến trường xưa. Các anh mãi nằm lại những tuổi 20 nơi điểm cao năm ấy vì sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Cuộc trường chinh cứu quốc biết bao người con trung hiếu đã hóa thân vào sông núi quê hương. Dẫu các anh không thể về với nghĩa trang, về với gia đình, nhưng tên tuổi các anh đã ở trong lòng Tổ Quốc.

Hi vọng trong một ngày không xa, khi chúng ta về thăm cao điểm 384 trên đường 19, sẽ được thắp hương trước tượng đài và nhà bia tưởng niệm các anh – những người con bất tử của quê hương, những chiến sĩ của trung đoàn 12, sư 3 - Sao Vàng anh dũng.

                                   Huy Thư
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM