Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:46:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên môt thời để nhớ  (Đọc 53271 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #70 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2012, 02:56:26 pm »



Xuân với người lính trẻ
                                Huy Thư


  Đông tàn xuân mới về đây
Cành đâm chồi biếc hoa đầy sắc hương
  Gió vờn màu nắng biên cương
Lòng người lính trẻ nhớ thương quê nhà
  Tây Nguyên ngàn dặm trùng xa
Nhưng mùa xuân đến hóa ra rất gần
  Đẹp thay màu áo tuyệt trần
Xanh miền rừng núi tình dân đặm đà
  Xuân này con phải ở xa
Bánh chưng mẹ luộc quê nhà dành con
  Dẫu rằng che khuất núi non
Mà con vẫn thấy mẹ còn ngóng trông
  Như bao người lính phòng không
Con nay ở lại vui cùng anh em
  Đón xuân của lính mẹ xem
Trà hoa, kẹo bánh, lại còn hát ca
  Đồng hương đồng chí xa nhà
Đơn sơ ấm cúng mặn mà sắt son

                                    Đơn vị
                        Tháng 12 Bính Tý (1996)
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười Hai, 2012, 05:56:27 pm gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #71 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2013, 06:48:26 pm »

                                            
                                                                      
                                                                 Xuân Tây Nguyên
                                                                                                         tùy bút

   Thế là một năm nữa đã đi qua, mùa xuân 97 lại quay về, gõ cửa từng nhà, đến khắp các phố phường đô thị, thôn xóm bản làng. Ôi! Vui làm sao ta được sống giữa ngày xuân đất nước thanh bình đổi mới. Trên Tây Nguyên hôm nay trong tâm hồn tôi bỗng nhiên rạo rực, phải chăng đất trời đã đổi mùa. Tôi bâng khuâng nhớ quê hương, nhớ gia đình, bè bạn, mỗi lúc nhìn lên nhành mai nở rộ, nỗi nhớ ấy lại nhân lên gấp bội. Nhưng con tim của tôi đã tự nhủ rằng “ hãy vui vẻ lên đi” và tôi đã làm theo lời trái tim mách bảo.

   Mùa xuân đến với Tây Nguyên rất muộn mằn và ra đi cực sớm, bởi ở đây suốt mùa khô toàn là những đồi cỏ cháy vàng hoe, nắng đốt thiêu người. Chỉ khi nào nhìn thấy những nhành mai nở rộ thì khi ấy mới biết mùa xuân đến. Hoa mai là loài hoa duy nhất , đặc biệt ở Tây Nguyên, tượng tưng và biểu thị của mùa xuân. Không như hoa đào ngoài bắc, đỏ thắm hồng tươi, hoa mai màu vàng. Chính vì thế mà trẻ em miền bắc gọi nhầm là “ đào vàng”.Nếu ai đó được đi qua miền đất Tây Nguyên trong những ngày giáp tết thì sẽ ngạc nhiên bởi màu vàng của bạt ngàn những “trời” mai.
Nhưng tiếc thay cái xứ sở này rất là khắc nghiệt, màu của đồi núi cũng gần như màu của hoa mai. Mùa khô thiếu nước, đồi núi bao la cũng vàng hoe cỏ úa.
   Thiên nhiên với con người ở đây đã hòa vào nhau trong màu vàng của hoa mai. Đó là những con người “cốt cách mai”.
Mùa xuân Tây Nguyên không như mùa xuân miền bắc. nếu ai đó đã từng lớn lên ở ngoài bắc, mà vào đây gặp phải một mùa xuân, thì cũng hơi buồn. Trước hết xuân Tây Nguyên không có mưa phùn, không có hoa đào, hoa bưởi, và vô vàn những loài hoa khác. Sau nữa là khô khan quá! Ở đây người ta có cảm tưởng như đang sống giữa mùa hạ cực kỳ nóng bức.

              “Xuân đang đến, xuân rộn ràng bay nhảy
               Xuân tung tăng, xuân múa xuân cười”

Đó chỉ là mùa xuân trong tâm hồn và trái tim của những người lính trẻ đang làm nhiệm vụ trên cao nguyên mà thôi.
  Từ nhỏ tới giờ tôi đã quen với mùa xuân miền bắc, nay nhập ngũ “gặp phải” xuân Tây Nguyên, dù sao đi nữa cũng phải vui lên để cùng anh em trong đơn vị đón xuân tha hương đầu tiên này.

  Xuân đến, đơn vị tôi cũng náo nức đón xuân, làm báo tường, lập bàn thờ, gói bánh chưng và đặc biệt là kiếm được vài nhành mai để trang trí ngày tết- hái hoa dân chủ.
Anh em trong đơn vị là người của mọi miền quê: Nghệ An, Huế, Quảng Nam- Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên.v.v, cùng chung nhiệm vụ, cùng chung niềm vui và những nỗi buồn. Chính vì cái “cùng chung” đó, đơn sơ đã hóa thành đầm ấm, mặn mà.

  Đây là mùa xuân đầu tiên tôi xa quê hương ăn tết cùng bạn bè đồng chí. Đứng trước nhành mai, tôi thầm chúc cho anh em đồng đội của mình, năm mới Đinh Sửu dồi dào sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Xuân Tây Nguyên, mãi mãi ở trong tôi.
 
             “Xuân của ta, xuân của của bạn bè đồng chí
                Xuân thiên nhiên, xuân đến khắp mọi nhà”

                                             Ngày tất niên
                                          Đơn vị 29.12 al (xuân 1997)

 
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Hai, 2013, 06:58:03 pm gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #72 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2013, 04:25:08 pm »

                                          

                                                                   Đêm giao thừa xa quê
                                                                                                     Tùy bút



Đêm nay là đêm cuối cùng của năm Bính Tý, tôi cầm bút tranh thủ những giây phút thiêng liêng để ghi lại đôi dòng lưu niệm buổi giao thừa tại Tây Nguyên.

 Vào giờ này đây chỉ còn một khoảng thời gian nhỏ bé nữa thôi là năm Bính Tý sẽ trôi qua và một năm mới sẽ tới. Tôi hồi hộp, tôi bâng khuâng, tôi dạt dào như có gì thôi thúc. Đôi lúc tôi thấy rất vui và nhiều khi tôi cũng thấy buồn, phải chăng tôi vui vì được đón xuân cùng anh em, đồng hương, đồng chí, và buồn vì nhớ nhà, nhớ quê hương trong lúc sang canh. Vâng ! có lẽ tất cả đã hòa nhập vào tôi như những dòng sông gặp nhau vào mùa nước lũ.

  Trước lúc giao thừa này tôi đã đi các đơn vị gặp gỡ bạn bè đồng hương, gọi là buổi gặp cuối cùng của năm cũ. Khoảng 20 h là tôi đã có mặt ở đơn vị của mình, chẩn bị cây hoa mai gắn câu hỏi để anh em hái hoa dân chủ. 21h đúng, đại đội tập trung trước bàn thờ tổ quốc có chữ “chúc mừng năm mới” và nhành mai to tướng. Đồng chí đại phó - bí thư đoàn đọc lời chào mừng năm mới, chia tay năm cũ. Sau đó tất cả anh em cùng nâng ly rượu vào xuân, chân thành gửi gắm cho nhau những lời chúc đẹp nhất.

   Chương trình văn nghệ hái hoa dân chủ bắt đầu. Đồng chí đại trưởng hái hoa đầu tiên, tiếp đó là anh em trong đơn vị. cứ người nọ giới thiệu người kia, ai chưa khi nào hát cũng phải hát, không biết nói hay cũng phải nói, và chưa hôn ai bao giờ cũng phải hôn đồng chí của mình. Khi đồng đội nói , đồng đội hát, tôi nghe và cổ vũ nhiệt tình. Rồi đến lượt tôi, tôi cầm micro nói như chưa bao giờ được nói. Tôi nói với niềm say mê rạo rực của mùa xuân. Vâng! Trong buổi vui tối nay tôi đã hát bài “mùa xuân nho nhỏ” để đón chào xuân mới, cho dù không hay nhưng tôi đã hát với cả tấm lòng.

   Buổi vui nào cũng đến giờ kết thúc. Đúng 23 h ngày 29. 12 âm lịch (tháng thiếu) chương trình văn nghệ tạm dừng, chuyển sang chương trình mới, tất cả anh em tập trung xem truyền hình trung ương. Đây là giờ phút tôi nhớ nhà nhiều nhất. Đặc biệt là lúc văn nghệ, đồng chí Hòa (Phú Yên), hôn tôi một cái, theo bắt buộc trong câu hỏi, tôi lại nhớ tới bạn bè thân thích của mình.

   Từ nhỏ tới ngày nhập ngũ, xuân nào mà tôi không quây quần bên cha mẹ, anh em. Chắc vào giờ này gia đình tôi đã sum họp bên nhau, mẹ nấu chè, làm gà , làm xôi, cha dâng hương khấn vái với tổ tiên rằng “năm cũ đã qua, mùa xuân đã tới….”. Bỗng nhiên tôi nhớ bánh chưng bánh tét, không biết năm nay tôi không có nhà, cha có đùm được bánh không hay là nhờ người khác. Nếu mà ở nhà thì giờ này, tôi cũng đã đứng trước bàn thờ tổ tiên, để cúng tế giao thừa, và ngày mai anh chị em tôi sẽ xách rượu đi chúc tết anh em bà con nội ngoại.v.v..
Nghĩ miên man, tôi giật mình, đang ngồi cạnh anh em đồng chí.
  
   Giờ phút giao thừa đã tới, chúng tôi vỗ tay nhiệt liệt, nghe lời chúc mừng năm mới của chủ tịch nước gửi đến toàn dân, toàn quân. Đứa đánh đàn, đứa hát, và bật máy catset, chúng tôi ùa ra sân nhảy những điệu nhảy “tổng hợp- sáng tạo” để mừng xuân và quên đi nỗi nhớ nhà. Sau đó chúng tôi đi chúc tết các đồng hương đồng chí ở các đơn vị bạn. Mong năm mới, sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ, vạn sự tốt lành đâm chồi nảy lộc.

  Tối nay tôi chưa hề chợp mắt, và có lẽ tới sáng luôn.

                                                       Đơn vị, đêm giao thừa
                                             29.12 – 3h mồng1 tết Đinh Sửu(1997)

 



« Sửa lần cuối: 16 Tháng Hai, 2013, 08:01:24 pm gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #73 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2013, 09:51:50 am »

  
         Xuân Đinh Sửu
            (1997)
                           huythu


Đến rồi ư ! xuân lại đến rồi
Xuân Đinh Sửu rộn ràng  múa nhảy
Xuân đất nước hơn mười năm đổi mới
Xuân Đảng ta sáu mươi bảy mùa hoa.
 
Đi khắp nơi xuân đi khắp mọi nhà
Mang hứa hẹn tràn đầy nhựa sống
Sức vùng lên ngày càng thêm no ấm
Dân giàu hơn theo bước Đảng mà đi.

Đi khắp nơi xuân đi khắp mọi miền
Đưa lời chúc đầu năm hạnh phúc
Cả thủ đô miền nam miền bắc
Nhớ Bác nhiều đất nước mạnh giàu lên

Vui làm sao được đi giữa ngày xuân
Xuân 97 năm gần cùng thế kỷ
Việt Nam ơi! Thân yêu biết mấy !
Trước mắt kìa ! thế kỷ mới chờ ta.

                         Đơn vị 16.12 Bính Tý
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Ba, 2013, 08:25:24 am gửi bởi huythu » Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #74 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2013, 09:56:32 am »

Bạn huythu đang có những bài tùy bút rất thấm đẫm tình người.
Tiếp tuc đi bác nhé, hãy để chúng ta sống lại một thời sôi nổi, đẹp tươi trẻ, để làm điểm tựa cho cuộc sống hôm nay.
Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #75 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2013, 06:14:18 pm »

Chào bác Baoleo
Cảm ơn bác Baoleo đã động viên huythu !

Mười mấy năm qua, dù chỉ được sống gần 2 năm trong quân ngũ nhưng những ngày lính tráng ấy đối với huythu thật ý nghĩa, thật sâu sắc, dù cuộc sống còn nhiều buồn vui nhưng chưa khi nào vơi quên chất lính, cứ ngỡ như mới hôm qua thôi bác ạ. Tình cờ gặp VMH huythu muốn được nói thật nhiều, song thời gian cũng không cho phép.

 Những ngày qua huythu chỉ đánh máy những bài lưu bút đã từng viết hồi còn tại ngũ thôi. Những trang lưu bút thời 20 ấy của 1 thanh niên mới rời ghế nhà trường, vô tư, trong sáng không có gì là gọt dũa, nhưng lại thấy yêu ghê. Đêm qua còn mơ thấy đang đi diễn văn nghệ ở sư đoàn bác ạ. Ngồi viết những dòng này mà muốn trở lại  thời tân binh quá

. Không biết tại sao kỷ niệm quân nhân lại da diết  thế. Cảm ơn những ngày lính tráng ấy đã cho huythu chất “ thép” để cứng cáp rắn rỏi hơn giữa cuộc sống đời thường . Viết về một thời đã qua để sống với những ngày trong quân ngũ và cũng là để làm điểm tựa cho cuộc sống hôm nay. Vâng ! đúng như vậy ạ.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Ba, 2013, 08:43:07 am gửi bởi huythu » Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #76 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2013, 04:11:45 am »

                        

                                   Nhớ về anh - tiểu đội trưởng thời tân binh

                                                                                                        Hồi ức


 Xa đơn vị mười mấy năm rồi, chưa lúc nào nghĩ về Tây Nguyên, nghĩ về thời lính mà không nhớ đến anh – tiểu đội trưởng đầu tiên của tôi trong thời quân ngũ.

 Buổi trưa hôm ấy ngày 27.10.1995, xe đơn vị chở chúng tôi từ Diêu Trì về dừng ở sân tiểu đoàn 1 trung đoàn 28 sư 10. Năm đó, tiểu đoàn 1, chỉ có đại đội 3 làm nhiệm vụ huấn luyện tân binh. Lính mới, xuống xe, tập trung, điểm danh và biên chế đơn vị luôn. Tôi thuộc tiểu đội 4 (a4) - trung đội 1 (b1), do anh Quyết làm tiểu đội trưởng(a trưởng) và anh Dương Thế Quỳnh làm trung đội trưởng.

 Sau những phút ngỡ ngàng ban đầu của một thanh niên mới bước vào quân ngũ, tôi nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới. Anh Quyết dẫn chúng tôi về phòng trung đội, bố trí giường ngủ cho từng người, chỉ vẽ nơi tắm rửa vệ sinh... Lính mới sau khi rửa ráy xong được khao một chầu mì tôm. Anh bưng lên một nồi mỳ đang bốc khói và nói: “của tiểu đội ta đây”, sau đó ôm một chồng bát đũa phát cho từng người. Ngồi nhìn chúng tôi ăn, chứ anh không ăn, tôi mời, anh nói: “phần của bọn em đó”.
Tôi có ấn tượng về tiểu đội trưởng từ những phút ban đầu như thế đấy.

 Ngày đầu tiên tới đơn vị được nghỉ ngơi, nhận quân trang, những ngày tiếp theo bắt đầu bước vào học tập. A trưởng là người tận tay trực tiếp chỉ bảo tất cả mọi thứ thuộc về tiểu đội, từ sinh hoạt hàng ngày cho tới học tập, vui chơi, canh gác… Nhớ lắm chuyện anh dạy gấp nội vụ làm sao cho đúng, nhanh và đẹp, để khỏi phải ra phơi nắng khi đơn vị đang ngủ trưa.

 Anh Quyết , quê Hà Tĩnh, hơn tôi mấy tuổi, người cân đối, da ngăm đen, nói tiếng to, cười tươi, lúc cười anh hay nheo nheo đôi mắt. Ngày đó, lúc ở đơn vị thường thấy anh mặc bộ đồ màu xanh đã bạc loang lổ, nhiều chỗ đứt chỉ, lúc ra thao trường lại thấy anh mặc bộ rằn ry bùng nhùng mềm nhũn, dính người. Tôi nói đùa : “ đổi cho em cái”. Anh cười: “rồi bon em sẽ giống anh thôi”. Anh vui tính mà cũng nóng. Những lúc ai đó nói không nghe lời, tức lên, anh cũng nạt nộ, thật ra anh không muốn bị trung đội và đại đội nhắc nhở.

 Tôi có một người anh trai lúc ấy cũng là bộ đội ở sư 309. Anh đi từ khi tôi còn học lớp 1. Sống với anh Quyết, tôi có cảm giác như anh trai. Anh mến tôi vì tôi vui tính, thư sinh, học tập tiếp thu nhanh, kỷ luật tốt. Sau một thời gian ngắn tôi được cử làm a phó. Anh nói: “khi nào anh có việc đi vắng thì em thay anh nhé”. Vì vậy mà anh em ngày càng thân thiết hơn. Lúc chưa vào lính tôi thường nghe người ta nói “lính sớm mai cai lính buổi chiều” nhưng sống với anh, tôi chưa bao giờ có cảm giác đó, chỉ thấy quý anh như anh trai của mình thôi.

 Nhớ có hôm anh dẫn tôi và một chiến sĩ nữa đi cắt chổi, mấy anh em ngồi uống nước bên vệ đường 14 ngắm mưa rơi. Lại có hôm anh dẫn đơn vị vào rừng lấy củi,  chiến sĩ đi sâu vào rừng , anh ngồi chờ ở bìa rừng . Lần đầu tiên vào rừng Tây Nguyên, bọn tôi lấy củi xong, thấy con suối uốn lượn trong veo, rủ nhau cởi hết quần áo, tắm thỏa thuê, phơi hàng như chốn không người, sung sướng quên a trưởng đang nóng ruột ngồi đợi ở ngoài kia. Những hôm học bắn ở thao trường, anh nói “đừng nằm sấp lắm mà không muốn dậy nha” thanh niên là vậy đó. Vui! Những đêm tập hát tưng bừng, không lúc nào mà anh không gọi tôi đứng dậy hát một bài nào đó. Hi! Anh cũng tếu lắm. Hôm học ném lựu đạn, một chiến sĩ bỏ quên lựu đạn ngoài thao trường, anh gọi về hỏi “ đồng chí có nhớ mang của quý về không” tiểu đội ngơ ngác. Tôi biết anh nhắc tới 2 trái lưu đạn giả được phát lúc đi thao trường, vì nó cũng quý như 2 trái kia. Ha ha! Những lúc đi ăn cơm, mấy anh a trưởng thường rủ “ăn cùng bọn anh” nhưng tôi ngại nên cứ đi ăn với bạn bè luôn à.

 Có một lần đi học bắn đêm, tôi bị choáng vì cảm, anh Quyết đưa về, xoa đầu, bắt gió rất lâu. Lần đầu tiên tôi được bắt gió và biết đến khái niệm trúng gió ở Tây Nguyên.

 Đêm đêm anh thường tới giường tôi để ngủ, những đêm đầu thì tôi không biết, vì anh ngủ muộn và dậy sớm. Tôi thì khát ngủ, nằm phát là ngủ như mê. Một lần thức gác tôi trở mình thì nhận ra anh vì anh mặc chiếc quần đùi trắng, anh bẹo tôi một cái vào bụng “anh chứ ai mà nhìn”. Sau này tôi mới hiểu, tiểu đội có 12 chiến sĩ mới, được phân 6 cái giường tầng, đâu có chỗ cho a trưởng nằm. Nghĩ thế mà thương anh!

 Buổi chiều hàng ngày, trong giờ bảo quản vũ khí hay giờ tăng gia, anh nhiệt tình đôn đốc mọi người. hoàn thành nhiệm vụ. Anh thường dặn tôi “ em chú ý mấy thứ vật chất của tiểu đội ta, đừng để mất nhé”. Tôi cũng luôn nhớ lời anh dặn.

 Trong trung đội có anh Phương- tiểu đội trưởng, anh Quỳnh – trung đội trưởng, cũng đều là người Hà Tĩnh . Với ai thì tôi không rõ, chứ với tôi, các anh sống thật hay, thật vui và tình cảm.

 Thấm thoắt mà thời tân binh đã qua hơn tháng, tưởng chừng anh em sẽ được sống với nhau thật lâu, nào ngờ đùng một cái, giữa tháng 12. 1995, nghe tin anh sắp ra quân. Chiều nay anh bảo “ anh sắp ra quân”. Tối anh đi uống rượu với bạn bè, anh em không gặp được nhau. Sớm mai anh đã xách ba lô rời trung đội với cái vẫy tay và lời chào từ biệt “chào các đồng chí nhé”. Anh theo đồng đội lên trung đoàn tập trung, tôi đứng nhìn anh cho đến khi khuất bóng mà không nói được câu gì. Tôi cũng không nghĩ rằng anh ra quân chóng thế vì anh đang huấn luyện tân binh. Lính mới chưa biết chuyện ra quân và không nghĩ rằng khó hẹn ngày tái ngộ. Anh đã chia tay đơn vị, mà lúc ấy tôi cứ nghĩ anh đi phép rồi trở lại. Thật khờ khạo, những ngày bên anh mà không biết hỏi thăm về gia đình, chỉ biết quê anh là Hà Tĩnh thôi, chứ không biết ở huyện nào? xã nào? Bao nhiêu buổi kiểm tra quân số, bao nhiêu đêm chủ nhật điểm danh nhưng bây giờ vẫn không nhớ nổi họ tên đầy đủ của anh. Hình như anh là Lê Văn Quyết hay Nguyễn Văn Quyết ở Hương Sơn, Hương Khê, hay Cẩm Xuyên gì đó. Buồn thật! Mười mấy năm qua tôi vẫn hối hận vì chuyện này. Ngay hôm sau, ngày anh ra quân, đại đội cử tôi làm a trưởng kiêm chức thay anh và một thời gian nữa thì có a trưởng mới về. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, bởi lúc nào cũng nghĩ về anh, và làm theo những gì mà anh đã dạy.

 Tân binh xong tôi được biên chế về bệnh xá trung đoàn rồi đi một đơn vị khác, mặc dù vậy, tâm hồn tôi vẫn cứ ở đại đội 3 (c3), tiểu đoàn 1(d1). Nhớ có lần, bằng một lá thư tay,tôi nhờ anh Quỳnh xin quân lực cho tôi về lại đại đội 3. Anh Quỳnh rất quý tôi vì tôi từng là chiến sĩ cưng của anh. Anh chuyển lời nhắn qua một người bạn rằng “em ở đó cũng được, nơi nào cũng là lính, cũng là nhiệm vụ cả”. Lúc ấy anh Quỳnh cũng không còn ở c3 nữa, nên tôi cũng đành yên tâm công tác.

 Bẵng đi một thời gian, học tập, huấn luyện, văn nghệ, dân vận….tôi quên về thăm c3. Tuy nhiên hơn nửa năm còn lại của đời lính, tôi lại được chuyển về đơn vị cũ – nơi tôi đã từng ra đi ngày biên chế. Về lại chốn xưa, người quen thời tân binh là đại trưởng Phan Trọng Quân và 2 b trưởng khác, nỗi nhớ về anh Quyết lại xuất hiện.

 Ra quân, mười mấy năm qua, lăn lộn trên những nẻo đường cuộc sống, nhưng mỗi lúc nhớ về Tây Nguyên, nhớ về đơn vị là không thể không nhớ đến anh. Bởi anh là người tiểu đội trưởng đầu tiên trong đời quân ngũ của tôi, đã đem lại cho tôi những hiểu biết và cảm nhận đầu tiên về lính. Không lăn lộn chiến hào, không kinh qua trận mạc, thời gian sống với nhau chỉ hơn một tháng, nhưng tình cảm anh em thì vẫn đong đầy.
 
 Có lẽ giờ đây anh đang sống vui tươi cùng gia đình trên vùng quê nào đó của quê hương Hà Tĩnh. Hi vọng qua QUANSUVN.NET và bạn bè quen biết, có một ngày sẽ được đến thăm anh, để chung vui cùng anh trong ngày hội ngộ và nói với anh rằng “em vẫn nhớ và quý mến anh như ngày xưa, anh Quyết ạ!” Không biết anh có còn nhớ thằng em đã một thời là chiến sĩ được anh huấn luyện ở Hòa Bình – Kon Tum  này nữa hay không?./.


                                                                                                                               Thanh Chương- Nghệ An: 5.4.2013


 
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Tư, 2013, 04:37:22 am gửi bởi huythu » Logged
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #77 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2013, 08:54:39 pm »

Bác Huy thu thật may mắn có người tiểu đội trưởng gương mẫu, chả bù cho thằng at' đồng hương của em. Em chỉ tiếc khi học at' ở Bình Định về không được về đơn vị cũ để gặp lại chúng nó.
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
hong c9d3e866
Thành viên
*
Bài viết: 703


« Trả lời #78 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2013, 04:00:32 pm »

 Thanh Chương- Nghệ An: 5.4.2013 Huythu
  Hóa ra bác Huythu ở Thanh chương. Tôi có anh bạn cùng đơn vị cũ ở huyện Thanh chương, hôm 9/4  đứa con trai của anh tham gia tập dân quân tự vệ. Trong mục tập ném lựu đạn, chẳng biết vì lý do gì mà nó lại nổ, khi nổ lại nhiều mảnh nhỏ, cả người nó thủng lỗ như cái sàng, vết thương không sâu và  nhỏ ly ti. Tuy không mất mạng nhưng lại tàn phế, hôm nay theo hẹn của bác sĩ vợ chồng nó lại dắt díu nhau ra Hà nội kiểm tra vết thương. Bác có biết đó là loại gì không? Khi tôi còn trong quân ngũ cũng chứng kiến lựu đạn nổ, nhưng không thấy có loại nào lại toàn mảnh nhỏ như thế, thấy lạ 
Logged
huythu
Thành viên
*
Bài viết: 95



« Trả lời #79 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2013, 10:49:54 am »



Chào bác hongc9d3!
Huythu cũng không rõ đó là loại lựu đạn gì bác ạ. Vì lâu rồi có được tiếp xúc với bom đạn gì đâu, bác nào biết thì trả lời giúp huythu với. xin lỗi bác Hồng nha!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM