Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:45:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khu VIII - Trung Nam Bộ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)  (Đọc 94463 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #160 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2014, 06:50:09 pm »

Có phương châm phương thức hoạt động thích hợp, sau không đầy hai tháng ta đã hình thành thế bám trụ liên hoàn giữa các lõm căn cứ. Kênh Bùi có căn cứ Hào Theo của Ban cán sự, cụm này là đầu cầu và hành lang tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ từ biên giới xuống, cũng là nơi dừng chân của cán bộ từ chiến trường về Khu. Trên kênh Bằng Lăng có cụm căn cứ Út Một, Chín Hậu, Út Xe, Hai Thế. Cụm Hai Thế cách đồn dân vệ 700 mét. Đồn này đã trung lập hóa. Trên kênh Bích có căn cứ Y3 của X12A liên hoàn với cụm Tư Do, Sáu Liên, Chín Hùng. Kênh Giữa có cụm Ba Láng. Bộ đội vùng phân tán làm nòng cốt trong các cụm. Các xã Nhơn Ninh, Tân Hòa cũng đã xây dựng căn cứ bám trụ trên các con kênh Phụng Thớt, Trại Lòn, Cá Nhíp, đường nước Tân Hoà.

Thế đứng đã vững, vùng 4 bắt đầu tiến công địch bằng ba mũi. Ban cán sự cơ động lúc ở căn cứ này, lúc qua căn cứ khác để chỉ đạo. Ngoài ruộng, nước đã ngập nhiều, điên điển dọc các con kênh đã trổ bông, gáo, sậy đã lên cao, bờ kênh không ngập. Bọn bảo an đồn Nhơn Ninh quen thói, đi càn dọc kênh Phụng Thớt, đốt chòi, đuổi dân về ở gần đồn. Bộ đội vùng và du kích Nhơn Ninh tập trung được 30 tay súng phục kích trên kênh Phụng Thớt, ém quân ngụy trang rất kỹ. Bọn bảo an vừa ra khỏi đồn 700 mét đã lọt vào ổ phục kích. Ta diệt gần hết đại đội, thu súng, lựu đạn. Du kích Nhơn Ninh rút nhanh về căn cứ của xã, bộ đội vùng thì rút về căn cứ kênh Giữa. Mười lăm phút sau, pháo địch ở Kiến Bình mới lên tiếng, trực thăng tới bắn vu vơ.

Trận thứ hai, ta đánh diệt 1 đại đội bảo an tại kênh Năm Ngàn giáp đồn kênh Tè rồi cũng rút nhanh về căn cứ kênh Bích, kênh Bằng Lăng an toàn.

Đến giữa tháng lại diễn ra mộ trận đánh lớn. Trận đánh này địch có đủ không quân, pháo binh, bộ binh. Còn bên ta là du kích và 2 chiến sĩ thông tin. Hai đồng chí chiến sĩ ở lõm căn cứ, thấy đã trưa, tình hình êm nên rủ nhau ra chòi của dân ngoài bờ chướng nhắn gia đình. Bất ngờ, một tốp trực thăng ập đến, đổ quân. Hai đồng chí lợi dụng bờ chuối rút về căn cứ. Trực thăng phát hiện, đảo theo bắn. Hai chiến sĩ bắn trả. Một chiếc trực thăng trúng đạn bốc cháy chúi đầu xuống ruộng. Mấy chiếc còn lại quần đảo bắn vãi đạn xuống chung quanh, bảo vệ chiếc bị rơi. Không đầy 10 phút sau, từ Kiến Tường một tốp 5 chiếc trực thăng bay tới. Du kích kênh Bùi, kênh Bằng Lăng, kênh Bích bắn lên. Bọn trực thăng đảo tránh đạn, đâm vào nhau bị rơi thêm 2 chiếc. Pháo từ Mỹ An, kênh Quận, Thiên Hộ bắn dữ dội vào các kênh Bích, Bằng Lăng, kênh Bùi, Năm Ngàn, bao bọc 3 chiếc trực thăng nằm dưới ruộng, đổ xuống nằm phục ngoài ruộng để bảo vệ ba chiếc trực thăng bị rơi. Đến đêm, Dakôta thường trực trên không, liên tục thả pháo sáng rực một góc trời vùng 4. Sáng hôm sau, địch đưa trực thăng cẩu đến cẩu 3 chiếc trực thăng bị rơi về Mỹ Tho, sau đó bốc bọn bộ binh về Kiến Tường.

Đồng bào bung về ruộng vườn cũ ngày càng đông. Khó khăn của ta là thiếu lựu đạn, mìn. Du kích mật, cơ sở binh vận và các em nhỏ tổ chức lấy đạn, lựu đạn của địch. Công trường và các tổ vũ khí ngày đêm theo dõi bom lép, pháo lép để lấy về tháo ngòi, cưa lấy thuốc, thu gom lon sữa bò, hộp cá mòi, xin kíp nổ ngoài kế hoạch của kho vũ khí của Khu để làm đạp lôi, bộc phá, lựu đạn, bảo vệ căn cứ, đánh địch.

Pin dùng cho máy liên lạc PRC25, đánh mìn có rất nhiều trong các tiệm tạp hóa của cơ sở ở vùng địch. Nhắn tin là có ngay. Dân đi làm ruộng mang theo mỗi người vài cục, đông người góp lại thành hàng trăm cục. Bộ đội dùng đủ còn gửi cho căn cứ Y3, X12A phục vụ giải phẫu.

Lúa thì có sẵn, dân xay ra nộp cho vùng. Đồng bào Nhơn Hòa Lập hiến kế lập một nhà máy hợp pháp để xay lúa gạo đưa vào căn cứ cho dân và bộ đội.

Ta hoạt động rộng ra kênh Dương Văn Dương, kênh 12, diệt nhiều tên ác ôn. Các hoạt động được dân hết sức che chở, hỗ trợ. Đồng chí Tư Bốn và 3 chiến sĩ ém quân trong đám tràm được dân đem cơm nước, chỉ đường để đến đêm đột nhập ấp chiến lược, diệt ác ôn. Rút về căn cứ Tân Hòa không kịp, các đồng chí vào hầm bí mật trong nhà dân ở. Đồng chí Tư Khương cùng tổ đặc công đi nghiên cứu trên lộ 12, gần sáng về trụ lại nhà vợ đồng chí Thảo, xã đội trưởng. Bất thần, trực thăng đến, mấy trái mìn còn nằm phơi lưng dưới xuồng chưa kịp giấu. Chị Thảo bảo đồng chí Tư Khương và anh em cứ vào hầm. Chị xách cờ ba que ra sân, ôm mấy bao lúa chất xuống xuồng che mấy trái mìn. Trực thăng đảo tới chị lấy nón lá quơ chào, nó đảo sang chỗ khác. Đêm đêm các đồng chí ra cánh đồng Cà Nhíp thăm hỏi dân và bàn cách đối phó với địch càn quét. Đây là cụm dân bung về khá đông, nằm giữa 2 đồn Năm Ngàn và Cà Nhíp, cách đồn không quá 1.000 mét. Các đồn này trung lập, ban đêm không ra, khi có chủ lực bảo an hành quân thì đi theo can thiệp cho dân được ở lại làm ruộng. Mỗi nhà dân đều có hầm trú ẩn. Cán bộ đến, bà con bảo con cháu đi canh gác. Khi được ta phát động đúng mức thì bà con tiến công địch bằng chính trị, binh vận rất khôn khéo để bám trụ sản xuất, giúp đỡ chi bộ, du kích, bộ đội. Từ người lớn đến trẻ em đều rất rõ quy luật hoạt động của địch, thuộc cả giờ địch bắn pháo.

Bộ đội Khu về triển khai kế hoạch tác chiến ở hướng Mỹ An. Ban chỉ huy nhờ bà con vùng 4 mua giúp 50 giạ gạo và 20 cái hòm để chôn xã tử sĩ. Ban cán sự vùng 4 nhận lãnh. Cán bộ ra bàn với dân, các chị Sáu Lan, Hai Đại, Ba Đèo, Bảy Mẫn ở cụm dân kênh Bùi khi nghe anh nói đã vui vẻ, nhiệt tình nhận giúp và ngay chiều hôm sau các chị đã hoàn thành công việc.

Đến cuối năm 1971, thế phong trào của ta đã lên, địch giảm dần hoạt động. Ta đã bao vây, tấn công bằng ba mũi gỡ được một số đồn bốt nhỏ của dân vệ ở Tân Hòa, kênh Giữa, Bằng Lăng, kênh Bùi. Hàng trăm người dân về dựng chòi làm ruộng. Phân ban Tỉnh ủy còn gọi máy cày vào cày trên 140 mẫu đất, giao cho dân sạ lúa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #161 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2014, 06:51:01 pm »

Kiến Phong bám trụ

Đồng Tháp Mười là vùng đồng cỏ ngập lụt, 8 tháng đọng nước, sình lầy. Mùa khô thì nắng cháy, mùa nước lũ thì nước mênh mông, khi gió to có sóng lớn như biển, rất gian nan trong ăn ở, đi lại và chiến đấu, nhất là đối với nhưng đơn vị quân y, binh công xưởng, kho tàng…

Bước sang năm 1970, địch ở Kiến Phong đẩy mạnh hoạt động bình định, đánh phá ác liệt hơn so với năm 1969. Ngoài Tiểu đoàn biệt động 41, từng lúc có Sư đoàn 9, Sư đoàn 7 ngụy càn quét cấp tiểu đoàn, trung đoàn, kéo dài 6 - 7 ngày, lấn chiếm sâu vào vùng giải phóng. Chúng phát huy ưu thế của các phương tiện chiến tranh hiện địa trên vùng đồng cỏ trống trải, cho phi cơ, hạm đội nhỏ, thuyền bay kết hợp với bom, pháo đánh phá liên tục.

Căn cứ của ta bị bóp bẹp và bị chia cắt thành nhiều lõm. Nhiều lõm căn cứ không còn dân. Ở các vùng Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông đồng trống, mùa nước chỉ dựa vào lùm bụi, cụm cây chơi với trên đồng nước. Cơ quan Tỉnh ủy bám suốt ở căn cứ huyện Kiến Văn, điểm trụ chủ yếu là Xéo Quýt, một cụm cây trên cánh đồng cỏ đưng, mùa nước lũ như một động đất nổi giữa hồ nước trong vòng vây của hệ thống đồn bốt địch trên các kênh xáng số 1, kênh Hội đồng Tường, kênh Nguyễn Văn Tiếp B. Nơi gần đồn địch nhất là kênh Hội đồng Tường, súng bộ binh có thể bắn tới nơi, nói chuyện lớn tiếng có thể nghe thấy. Cơ quan tỉnh đội phải phân tán ở thành nhiều cụm. Các cuộc hội họp đều phải tiến hành vào ban đêm. Du kích bao vây đồn bằng rào, mìn, chông và lựu đạn. Bố trí hư hư thực thực kết hợp với binh vận để trung lập hóa các đồn bốt. Du kích Thanh Mỹ chỉ có 7 đồng chí nhưng bằng cách đó đã cùng một lúc bao vây 3 đồn trong năm 1970, diệt trên 100 tên địch, góp phần bảo vệ căn cứ của tỉnh. Tiểu đoàn 502 của tỉnh và các đơn vị biệt động, quân địa phương trụ bám không những giữ được địa bàn căn cứ mà còn bung ra đánh địch nhiều trận, diệt được nhiều địch, hỗ trợ cho phong trào.

Tháng 3 năm 1970, Tiểu đoàn 502 tập kích, diệt gọn đại đội bản an dân vệ trung tâm huấn luyện Trần Quốc Toản ở xã Tân An huyện Cao Lãnh. Tháng 4 năm 1970, biệt động thị xã đánh mìn 2 trận ở nội ô, giết và làm bị thương trên 70 tên sĩ quan và hạ sĩ quan ngụy. Tháng 7 năm 1970, bọn địch ở đồn Thống Linh bung ra tập kích ban đêm trên cánh đồng giáp giới các xã Mỹ Ngãi, Phong Mỹ, Phương Thịnh, Thiện Mỹ, Nhị Mỹ, Mỹ Thọ, Mỹ Quý, cắt đứt đường dây từ Khu xuống xuyên qua kênh Kỳ Sơn, kênh Tây Xếp. Khu chỉ thị cho Kiến Phong bằng mọi giá phải giữ cho được đường dây này. Tỉnh điều Đại đội 1 Tiểu đoàn 502 là đại đội mạnh và có quân số cao nhất tiểu đoàn (30 người), dưới sự chỉ huy của đồng chí Ba Nghĩa - Tỉnh đội phó đến đóng chốt tại các kênh Kỳ Sơn, Tây Xếp, hỗ trợ cho du kích hai xã Thiện Mỹ, Nhị Mỹ cùng 2 tiểu đội công an vũ trang bao vây bốt Thống Linh. Vùng này nước ngập sâu tới 2 mét, xung quanh là đồng lúa nổi, dọc bờ 2 con kênh lưa thưa ít chòm tràm, gáo. Để xây dựng trận địa phải đắp công sự bằng đất khối cao hơn mặt nước và phải đi xa gần 10 kilômét đem những cây tràm cao từ 3 đến 6 mét về trồng ngụy trang công sự và ô chiến đấu. Các chốt gác, tiền tiêu thì cắm trụ ngầm, gác chéo cây để canh gác hoặc trầm mình dưới nước đánh địch. Suốt mùa nước, bọn Liên đội 63 bảo an đã 3 lần đánh vào chốt nhưng đều phải tháo lui. Lần thứ nhất chúng bị diệt 1 trung đội. Lần cuối, chúng bị ta truy kích đến gần kênh Nguyễn Văn Tiếp. Địch phải bỏ cuộc. Đồn Thống Linh không dám bung ra.



Tiểu đoàn 502 phục kích đánh địch tại kinh Nguyễn Văn Tiếp A

Tháng 10 năm 1970, trung đội quân địa phương huyện Thanh Bình trú quân tại vùng giáp ranh 3 xã Bình Thành, Phong Mỹ và Phương Thịnh, bố trí phòng ngự trong các cụm tràm của dân trồng, nước còn ngập sâu. Trung đội dùng xuồng lập úp làm công sự, cắm chông sào bằng cây tràm để cản thuyền tay, sào gài lẫn lộn trong các đám rau muống, lục bình, giăng dây gài lựu đạn trên những ngọn cây tràm lưa thưa ngoài đồng, làm giá ngồi trụ trên cọc ngắm, đã dũng cảm đánh lui 2 đại đội bảo an có 10 thuyền bay và 5 trực thăng vũ trang yểm trợ, đánh chìm nhiều xuồng, đánh hỏng 1 thuyền bay, đánh bị thương 1 trực thăng buộc địch phải rút lui. Bọn thuyền bay bị đánh dạt đến Phương Thịnh bị chốt tiền tiêu của Đại đội 1 Tiểu đoàn 502 bắn hỏng 1 chiếc. Từ sau trận này, địch không còn dùng thuyền bay ở Kiến Phong nữa.

Sang năm 1971, được Khu chi viện lực lượng, Kiến Phong đã diệt được nhiều địch hơn. Lực lượng vũ trang và phong trào chiến tranh du kích phát triển. Các đại đội du kích ở các xã Đồng Tháp Mười từ chỗ bao vây đồn bốt bằng nghi binh và vũ khí thô sơ đã đánh được địch bung ra, đánh bọn bình định, có nơi diệt hàng tiểu đội địch, như du kích Thanh Mỹ trong 1 tháng diệt hàng trăm tên địch, bằng số địch bị diệt cả năm 1970. Du kích Bình Thạnh dựa vào xã chiến đấu quần nhau với bọn địch càn lớn có lính chủ lực, thủy quân lục chiến, tàu chiến, trực thăng, phi pháo, làm cho địch cuối cùng phải bỏ cuộc mang theo 40 tên chết và bị thương. Phong trào đấu tranh chính trị, binh vận được phôi phục dần, thế tiến công ba mũi được củng cố và phát triển.

Bến Tre cũng đang hình thành thế bám trụ ở các địa bàn Giồng Trôm, Mỏ Cày, Châu Thành. An Giang thì đang giằng co ác liệt với địch ở vùng Bảy Núi để giữ căn cứ hành lang nối liền với Khu IX. Có thể nói trong những năm 1969 - 1971, Khu VIII đã hình thành tế đứng mới, bám trụ chiến đấu trong tình thế ác liệt, cả mùa khô rồi mùa nước nổi, từng bước xây dựng lại thế mới, lực mới…
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:56:53 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #162 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2014, 06:51:51 pm »

II - ĐẨY MẠNH THẾ TIẾN CÔNG, ĐÁNH THẮNG TỪNG BƯỚC CHIẾN LƯỢC
“VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ

1. Đánh tiêu diệt, làm tan rã lực lượng biệt kích Mỹ, bảo đảm hành lang tiếp vận thông suốt

Một nhiệm vụ cấp bách mà Hội nghị tháng 2 năm 1969 của Khu đã đề ra là phải bằng mọi cách tập trung mọi nỗ lực đánh thông các đường hành lang từ Khu xuống các chiến trường.

Hành lang đường bộ nối liền từ Khu xuống chiến trường đi dọc theo biên giới Campuchia rồi xuyên qua tỉnh Kiến Tường bằng 2 trục: Trục đường 1A từ Ba Thu (Campuchia) vào đất Long An (thuộc Sài Gòn - Chợ Lớn) rẽ qua Vàm Cỏ Tây, xuống Hưng Thanh - Mỹ Phước qua kênh Nguyễn Văn Tiếp, vượt lộ 4 xuống Chợ Gạo - Gò Công. Từ Hưng Thạnh – Mỹ Phước, một nhánh khác của trục 1A băng qua lộ 4 đến vùng 20/7 Cai Lậy Nam, vượt sông Tiền Giang sang Bến Tre và từ Bến Tre qua Trà Vinh (Khu IX).

Trục đường 1B xuyên qua vùng 8, qua kênh Dương Văn Dương, kênh Nguyễn Văn Tiếp xuống mảng ba Cai Lậy Bắc, mở vào trục 1A đi Bến Tre, Gò Công. Một nhánh của 1B từ vùng 8 Kiến Tường vượt kênh Phước Xuyên, kênh An Long xuống Bắc Cao Lãnh, xuống Kiến Văn, vượt sông Tiền qua Vĩnh Long.

Và còn một trục đường bộ đi dọc biên giới Kiến Tường, Kiến Phong, vượt sông Cửu Long sang Bảy Núi - An Giang.

Riêng trên sông Cửu Long, hình thành một hành lang vận chuyển bằng đường thủy rồi biến hóa linh hoạt, thành nhiều nhánh, nhiều hướng từ căn cứ hậu cần Khu chuyên chơ vũ khí, đạn dược đến đầu mối các tỉnh.

Địch biết rõ các trục hành lang đường bộ của Khu, tỉnh. Chúng triển khai một kế hoạch kết hợp giữa hành quân càn quét lấn chiếm, bình định, thu hẹp các địa bàn quan trọng của Mỹ Tho, Kiến Tường, Kiến Phong, đồng thời khóa chặt biên giới, tăng cường kiểm soát trên các tuyến, ngăn chặn và đánh phá ác liệt dọc theo các trục hành lang. Đây là một kiểu đánh đạt hai mục tiêu: vừa bình định vừa bóp nghẹt. Chúng tổ chức biệt khu 44 đóng tại thị xã Cao Lãnh, Kiến Phong, có bộ chỉ huy hành quân đặt tại thị xã Mộc Hóa, thống nhất chỉ huy các lực lượng biệt kích và biệt động quân biên phòng đề thực hiện kế hoạch này.

Kiến Tường là vùng đất rộng, dân ít và nghèo. Biệt kích đóng thành cụm đại đội ở những chốt xung yếu: căn cứ Gò Măng Đa, xã Bình Thành Thôn hoạt động trên vùng 8, cụm ngã ba Bình Châu và Tuyên Bình, cụm Thạnh Trị, xã Bình Hiệp hoạt động ở tuyến giáp biên giới từ Tuyên Bình đến Bình Hiệp vùng 2, cụm Bún Bà Của và cụm kênh Quận hoạt động trên vùng nam bắc kênh Dương Văn Dương và dọc sông Vàm Cỏ Tây.

Phía Mỹ Tho chúng bố trí 15 đại đội biệt kích trong 2 cụm Mỹ Phước Tây và Sáu Ẩu Hưng Thạnh, hoạt động ở phía bắc kênh Nguyên Văn Tiếp, đánh sâu vào vùng 4 Kiến Tường, kênh Nguyễn Văn Tiếp A và cánh đồng xã Tân Hòa Đông. Ngoài ra chúng cho máy bay ngày đêm thả mìn, bom từ trường, bom bướm, bom bi, máy thu tiếng độc dọc theo biên giới và các hành lang.

Phía Kiến Phong, địch đưa bọn biệt kích “trâu len” đóng chốt hành quân suốt ngày trên đông.

Ngoài lực lượng mặt đất, là những phi đội trực thăng bất ngờ đổ chụp đánh điểm hoặc nằm yên “đón lõng”. Bọn này rất cơ động, mỗi ngày chúng có thể đánh 3 - 4 điểm. Sáng đánh vùng 4, trưa đánh vùng 8, chiều đánh vùng 2, vùng 6 hoặc cánh đồng Tân Hòa Đông. Đêm chúng bay ở độ cao 300 mét soi đèn, bắn phá các trục giao thông thủy. Bọn biệt kích bộ thì kết hợp với chỉ điểm, đêm đêm lần mò đột kích các cơ quan, kho tàng, binh công xưởng, bệnh xá, hành lang. Chúng đánh liên tục, các tuyến 1A, 1B đi ngả nào cũng đụng, đêm nào cũng đụng, không nơi này thì nơi khác.

Đơn vị X16 vận tải của hậu cần khu và các trạm giao liên dẫn đường đưa đón khách gặp rất nhiều khó khăn và bị nhiều thiệt hại. Trong căn chòi đơn sơ, đồng chí Xích Điểu - Tỉnh đội trưởng và đồng chí Mười Bộ - Chính trị viên tỉnh đội Kiến Tường nghiên cứu ý kiến của Tỉnh ủy về việc thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy, cân nhắc kế hoạch đánh dập đầu bọn biệt kích ác ôn nhất. Diệt được bọn ác ôn thì bọn khách sẽ hoảng sợ thun đầu. Quy luật xưa nay là như vậy. Vừa qua, địch đánh mấy trận ở Ba Gò, Bình Phong Thạnh, Thủy Đông, kênh Bùi, chúng sử dụng lực lượng không lớn, bí mật tiếp cận, bất ngờ nổ súng rồi nhanh chóng rút. Chúng có bọn đầu hàng dẫn đường, băng đồng hành quân đêm, nằm đường. Muốn đánh được bọn này, trinh sát mặt đất, trinh sát kỹ thuật của ta phải bám sát nắm chắc quy luật hành quân, điểm xuất phát, mục tiêu chúng định tấn công. Bộ đội phải án ngữ từ xa, chặn đường, phản phục kích, diệt chúng rồi nhanh chóng quay về điểm phòng ngự, sẵn sàng đánh quân tiếp viện, chống càn quét. Các đồng chí quyết định đối tượng số 1 phải bố trí diệt cho bằng được là đơn vị biệt kích của tên thượng sĩ Phương. Tên này hung ác khét tiếng. Hắn đã từng giết hàng chục cán bộ và dân ở vùng 2, ăn gan, lấy mật. Tiếp theo là phải đánh diệt căn cứ biệt kích Măng Đa, đây là đầu mối xuất phát của bọn địch liên tục đánh đoàn vận tải X16 của Khu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #163 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2014, 06:53:20 pm »

Kế hoạch diệt tên Phương được triển khai thực hiện. Tờ mờ sáng ngày 13 thang 2 năm 1969, tên Phương dẫn biệt kích đánh vào Gò Mây Bắc, xã Bình Hòa là căn cứ của thị xã Kiến Tường. Nắm được tin qua trinh sát kỹ thuật, Đội biệt động 917 của thị xã lập tức phối hợp với du kích hai xã Bình Hòa và Bình Hiệp phục kích chặn đường, tiêu diệt gần hết trung đội. Tên Phương bị thương, chạy thoát. Hắn lại dẫn biệt kích mò vào căn cứ xã Tuyên Bình. Tại đây, hắn đã bị chết vì sa vào bãi lựu đạn gài sẵn. Tên Phương chết, bọn biệt kích các cụm Thạnh Trị, Bình Châu hoảng sợ co lại.

Sau trận ra quân thắng lợi, Kiến Tường đánh tiếp vào đầu não và những toán biệt kích ác ôn khác. Đêm 23 tháng 3 năm 1969, Đại đội 82 của tỉnh và pháo chốt thị xã pháo kích trại Mê Phốt là sở chỉ huy biệt kích Mỹ trong thị xã Mộc Hóa. Cùng lúc, ta pháo kích chi khu quân sự Long Khốt và trại biệt kích Bún Bà Của, xã Thủy Đông. Đêm 30 tháng 3 năm 1969, Tiểu đoàn 504 phục kích đánh chìm 3 tàu chở biệt kích trên sông Vàm Cỏ Tây. Địch chết 20 tên, nhiều tên bị thương nặng, trong đó có 2 cố vấn Mỹ. Ngày 23 tháng 6 năm 1969, bọn biệt kích Bún Bà Của đột kích vào xã Thủy Đông, bộ đội địa phương vùng 6 và du kích diệt 2 tiểu đội, bắn rơi 2 trực thăng. Ngày 12 tháng 7 năm 1969, bọn biệt kích từ đồn Thạnh Trị, xã Bình Hiệp đánh vào Trường quân chính Khu và Trường dân quân tỉnh ở sát biên giới vùng 6, bị lực lượng bảo vệ trường phối hợp với du kích xã chủ động chặn đánh, diệt một trung đội, 2 cố vấn Mỹ, bắn rơi 2 trực thăng, bắn bị thương 2 chiếc khác, thu 12 khẩu súng, 5 máy thông tin. Ngày 20 tháng 7 năm 1969, đặc công và du kích xã Tuyên Bình bắn chìm 2 tàu, diệt 2 trung đội. Ngày 11 tháng 8 năm 1969, địch dùng thuyền bay từ căn cứ Măng Đa qua sông Vàm Cỏ Tây đánh lên Tà Nu Phố, xã Hưng Điền, bị Tiểu đoàn 504 và du kích chặn đánh, bắn chìm và cháy 6 chiếc, diệt 1 trung đội địch.



Nữ pháo binh Long An bảo dưỡng súng cối (1969)

Đến ngày 20 tháng 10 năm 1969, được tin bọn biệt kích Măng Đa tổ chức cuộc họp lớn, có nhiều sĩ quan biệt kích và cố vấn Mỹ đến dự, Ban chỉ huy Tỉnh đội hạ lệnh cho Tiểu đoàn 504, Đại đội pháo cối, DKZ, bộ đội địa phương vùng 8 cấp tốc hành quân đánh địch, đến 21 giờ đêm ngày 23 tháng 10 năm 1969, trong lúc địch hỉ hả, ăn nhậu, ta bất ngờ tập trung toàn bộ hỏa lực bắn cấp tập vào căn cứ. Kho đạn bốc cháy, nổ dữ dội, ta rút lui an toàn. Địch chết 28 tên, trong đó có 4 cố vấn Mỹ, hầm pháo 105 ly bị phá hủy. Giữa tháng 11 năm 1969, Trung đoàn 88 chủ lực của Miền được tăng cường cho Khu. Trong thời gian dừng lại ở biên giới Cămpuchia để huấn luyện kỹ, chiến thuật tác chiến thích hợp với chiến trường đồng bằng, trung đoàn tổ chức cùng với tỉnh đội Kiến Tường nghiên cứu đánh chi khu quân sự Long Khốt để hỗ trợ cho tỉnh trong nhiệm vụ chống đột kích bảo vệ hành lang. Chi khu quân sự Long Khốt nằm sát biên giới Campuchia, phía tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây, là một cứ điểm mạnh ở phía tây bắc của tỉnh Kiến Tường. Trước đây, đã hai lần chi khu bị diệt: một lần do Tiểu đoàn 261 của Khu, một lần do Tiểu đoàn 504; cả hai lần đều đánh theo lối kết hợp đặc công và bộ binh. Trung đoàn 88 quen đánh công kiến chế áp địch bằng hỏa lực mạnh, mở đột phá khẩu, bộ binh xung phong. Đêm 2 rạng ngày 3 tháng 12 năm 1969, Trung đoàn 88, Tiểu đoàn 504, du kích xã Thái Bình Trung nổ súng tấn công Long Khốt. Địch bị thiệt hại nhiều, Trung đoàn 88 thương vong nhiều nhưng không chiếm được chi khu.

Ở Mỹ Tho, từ lâu, 15 đại đội biệt kích ở 2 căn cứ Mỹ Phước Tây và Sáu Ẩu, xã Hưng Thạnh hoành hành gây căng thẳng trên lộ suốt tuyến hành lang nam bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp từ Thiên Hộ - Cái Bè xuống đến Hưng Thạnh, Châu Thành, Mỹ Tho. Dọc theo tuyến này thuộc vùng 4 Kiến Tường và mảng 3 Cai Lậy Bắc là địa bàn của các đơn vị, cơ quan, bệnh viện, xưởng quân giới, kho tàng của tỉnh Mỹ Tho và của Khu. Chúng đã làm trở ngại không nhỏ cho việc ăn ở, đi lại của những cơ quan, đơn vị trên. Dân ở dọc phía bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp hầu hết đều bị xiêu dạt, cảnh vườn không nhà trống rất bất lợi cho việc theo dõi nắm được hoạt động của địch. Những cán bộ quân sự dày dạn kinh nghiệm thuộ các đơn vị ở chiến trường Mỹ Tho mỗi lần về Khu đều thấy e ngại khi phải đi qua vùng này.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy là bằng mọi giá phải bảo vệ hành lang tiếp vận, Tỉnh ủy Mỹ Tho hạ quyết tâm đánh rã 15 đại đội biệt kích này.

Bọn biệt kích này đều do các tên cố vấn Mỹ đích thân lựa chọn từ các đại đội bảo an và trực tiếp huấn luyện, trang bị, chỉ huy. Chúng chưa thuộc thành phần lâu đời như bọn biệt kích ở Kiến Tường.

Đồng chí Lê Quang Công, Anh hùng quân đội, một cán bộ rất dũng cảm, sáng tạo, linh hoạt, giỏi hoạt động phối hợp ba mũi giáp công được tỉnh giao chỉ huy Đại đội 4 Tiểu đoàn 514C, có 40 cán bộ chiến sĩ để làm nhiệm vụ này. Sau hơn một tháng cùng cán bộ huyện đội Cai Lậy Bắc, xã đội Thạnh Phú, Mỹ Phước Tây, Tân Bình, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Hạnh Đông lặn lội khắp các đường quanh ngõ tắt, con rạch, bờ kênh nghiên cứu địa hình và lắng nghe ý kiến của quần chúng chí cốt còn bám lại ngoài đồng, kết hợp với tình hình địch do cơ sở mật trong khu Mỹ Phước Tây báo ra, đồng chí cùng với một số cán bộ tỉnh triển khai một vành đai chống biệt kích bằng thế chiến tranh nhân dân, lấy Đại đội 4 Tiểu đoàn 514C và bộ binh địa phương huyện, du kích các xã làm nòng cốt, đòn xeo, phối hợp với đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng đã có tổ chức sẵn. Cơ sở binh vận trong khu Mỹ Phước Tây được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng cảm tình với cách mạng trong các đội biệt kích, theo dõi, nắm, báo những tin tức cần thiết cho tác chiến, hướng biệt kích, đường hành quân, mục tiêu, thời gian hành quân… tin tức được chuyển theo hộp thư mật ở thị trấn Cai Lậy, trường hợp khẩn cấp thì dùng ám hiệu báo ra cho trinh sát bám chung quanh khu. Nhân dân thấy có bóng dáng bộ đội, lần lần trở về bám lại ngoài đồng ngày càng nhiều hơn.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:57:26 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #164 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2014, 06:53:52 pm »

Một đêm đầu tháng 9 năm 1969, mưa dầm, nước lũ tràn về. Nước ở các sông, rạch dâng lên, thuận tiện cho các đơn vị vận tải của Khu chuyển vũ khí từ ngọn rạch Ban Dầy, xã Thạnh Phú qua kênh lộ 12 để đưa xuống mảng 3 Cai Lậy Bắc.

Đây cũng là lúc bọn biệt kích hoạt động. Chúng cho một đại đội mò ra phục ở chỗ lộ đứt kênh 12. Đồng chí Lê Quang Công được tin báo, cấp tốc đưa người chặn đoàn xuồng vận tải của Khu dừng lại trong ngọn rạch giữa xóm giáp Ban Cầy, đồng thời cho Đại đội 4 và du kích Mỹ Phước Tây mang theo 4 quả mìn định hướng nhanh chóng luồn lách qua các khu vườn, mương, rạch, trước 20 giờ đêm chiếm địa hình phía nam thánh thất Cao Đài, bố trí mìn phía bên kia lộ đứt. Trận này, bọn biệt kích chụp hụt đoàn vận tải, lọt vào ổ phục kích của Đại đội 4, chúng bị diệt tại chỗ 40 tên, ta thu được 10 khẩu súng, nhiều mìn và lựu đạn.

Cuối tháng 9 năm 1969, nước tràn ngập cánh đồng các xã vành đai khu Mỹ Phước Tây, chỉ còn có ít bờ vườn và bờ kênh 12 là chưa bị ngập. Sau trận đánh đầu tháng, đường thông ta qua lại 3 - 4 chuyến được an toàn. Bọn biệt kích đánh hơi đoàn vận tải hoạt động, chúng tổ chức đánh đường hành lang bờ phía đông kênh 12. Chúng nhận định là đoạn đường từ kênh La Cua qua Láng Biến ta dễ chủ quan vì cho là còn xa chỗ nguy hiểm, đánh nơi đó sẽ đạt được thế bất ngờ. Kế hoạch của chúng được cơ sở mật báo cho ban chỉ huy vành đai. Đồng chí Lê Quang Công giao nhiệm vụ phục kích đánh cánh quân này cho bộ đội địa phương Cai Lậy và du kích xã Mỹ Hạnh Trung, còn Đại đội 4 Tiểu đoàn 514C thì giữ lại trên hướng lộ 12 để đề phòng chúng tung tin giả lừa ta. Bọn biệt kích tung 1 đại đội, lần mò trong đêm. Chúng vừa đến khu vực định phục kích thì thình lình mìn nổ, súng bắn dồn dập. Chúng tháo chạy, bỏ lại hơn 20 xác chết, hơn 10 khẩu súng và ngổn ngang đạn, lựu đạn.

Bước sang tháng 10 năm 1969, ở mảng 3, mảng 4 Cai Lậy Bắc và vành đai Mỹ Phước Tây, nước đã ngập cả ngoài đồng và trong vườn. Sau 2 trận thất bại trong tháng 9, địch cay cú nên chúng dùng một lực lượng lớn, cùng một lúc bung ra nhiều hướng “luồn tìm” dọc theo các liếp vườn dừa, phục chặn đánh trên nhiều khu vực hai bên bờ kênh và lộ 12. Để đối phó lại, bộ đội địa phương và du kích bố trí nhiều bãi lựu đạn ở các nơi chưa bị ngập và phân tán từng tổ đón ở các trục đường mà địch có thể ra, đánh bằng súng và lựu đạn. Đại đội 4 Tiểu đoàn 514C ở phía tây lộ 12, cũng đánh theo hướng trên.

Một đêm giữa tháng, cả hai bên bờ đông và tây kênh 12, bọn biệt kích lọt vào ổ phục kích và các bãi mìn, lựu đạn của ta. Chúng rối loạn tháo lui, hơn 100 tên chết và bị thương.

Thừa dịp, Huyện ủy Cai Lậy Bắc chỉ đạo cho xã Tân Bình và thị trấn huy động lực lượng đội quân tóc dài đấu tranh chính trị ở khu Mỹ Phước Tây đòi xác chồng, con, đòi bồi thường nhân mạng, đánh bồi thêm một đòn cân não vào tinh thần bọn biệt kích. Chỉ trong 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1969, mũi tấn công của đội quân tóc dài kết hợp với lực lượng vũ trang ở vành đai Mỹ Phước Tây đã liên tiếp giành thắng lợi, diệt và làm rã ngũ hơn 1.000 tên biệt kích. Địch buộc phải chuyển 15 đại đội biệt kích trở lại bảo an.

Cùng với Kiến Tường và Mỹ Tho, Kiến Phong cũng đã tích cực góp phần bảo vệ được hành lang thông suốt, đặc biệt trong mùa nước lên, việc hành quân, trú quân gặp khó khăn, địch tăng cường đánh điểm. Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1969, Kiến Phong đã đánh địch những trận sau:

Ngày 10 tháng 9, chốt bảo vệ đường dây ở xã Mỹ Hòa đánh địch liên tiếp 4 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 60 tên địch, bắn rơi 3 trực thăng, bắn hỏng 1 chiếc.

Vùng kênh 3 xã Mỹ Hòa là nơi đường dây của đơn vị X16 hậu cần Khu xuyên qua. Địch đánh hơi thấy, liền tổ chức đánh phá liên tục. Mùa nước nổi, đồng làng chỉ còn lúp xúp một số cây ở bờ bao. Tỉnh chỉ thị Mỹ An đưa trung đội địa phương đến đóng chốt tại bờ bao để chờ địch. Sáu giờ sáng ngày 9 tháng 9 năm 1969, 3 chiếc trực thăng sà xuống bắn phá. Ngay loạt súng đầu, ta bắn rơi tại trận 2 chiếc và 5 phút sau bắn rơi chiếc còn lại. Đến 8 giờ, địch cho 10 trực thăng đến phóng hỏa tiễn và đổ ngoài đồng một đại đội bảo an, chia thành 3 mũi đánh vào. Vừa tầm, ta nổ súng. Địch chạy tán loạn, sa vào bãi lựu đạn chết 10 tên, bị thương 18 tên. Địch lại đổ thêm 1 đại đội bảo an, tiến vào, chúng lại bị vướng lựu đạn, chết và bị thương 16 tên. Chúng bị ghìm ngoài đồng nước. Đến 4 giờ chiều, chúng đổ thêm đại đội thứ ba cách xa trận địa, lò dò vào bờ bao gặp thùng đạn luộc đã gài mìn, bu lại mờ ra xem bị nổ chết và bị thương 16 tên, 1 chiếc trực thăng sà xuống lấy xác đồng bọn, vướng lựu đạn bị hỏng nặng. Chỉ với 10 chiến sĩ, ta đã đánh thiệt hại nặng 3 đại đội địch có phi pháo yểm trợ, bẻ gãy kế hoạch hành quân của chúng.

Tháng 12 năm 1969, Tiểu đoàn 502 diệt 1 đại đội biệt kích “trâu len” hoạt động thường xuyên ở vùng Cả Cái, xã Thông Bình và xã Tân Thành huyện Hồng Ngự.

Như vậy, chỉ trong năm 1969, trong điều kiện hết sức khó khăn, ác liệt, địch quyết tâm bằng mọi cách, sử dụng mọi phương tiện, mọi binh chủng đánh phá Đồng Tháp Mười, quyết phá hủy các căn cứ, ngăn chặn hành lang tiếp vận của ta, các tỉnh Kiến Tường, Mỹ Tho và Kiến Phong, bằng lực lượng bản thân là chính, đã thực hiện được nhiệm vụ vô cùng quan trọng là vô hiệu hóa âm mưu của địch, đánh thông được hành lang, bảo vệ an toàn căn cứ, đã góp phần rất lớn cho việc tạo thế phát triển của các chiến trường trọng điểm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #165 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2014, 08:08:32 pm »

2. Trận đánh dài ngày tại đồi Tức Dụp, An Giang

Vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả ta và địch. Đây là vùng núi duy nhất của miền Trung Nam Bộ, nằm giáp vùng biên giới Campuchia (đoạn Tàkeo - Cambốt), là vùng có đông đảo đồng bào Khơme. Từ xưa những sĩ phu yêu nước đã về đây tập hợp lực lượng, dựng cờ khởi nghĩa đánh Pháp. Và nơi đây là căn cứ của Tỉnh ủy Long Xuyên, Châu Đốc, An Giang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây còn là mắt xích quan trọng của hành lang chiến lược nối miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Do đó, trong quá trình kháng chiến ta và địch đều tranh chấp quyết liệt vùng Bảy Núi.

Đồng bào ở đây, với hơn 70.000 người Khơme, đã sát cánh cùng người Việt theo cách mạng, theo Đảng để chiến đấu giành độc lập, tự do và ruộng đất. Nhiều người Khơme đã trở thành đảng viên, cán bộ xã, huyện, tỉnh. Thanh niên Khơme cũng hăng hái tham gia lực lượng vũ trang, vào du kích, bộ đội giải phóng để chiến đấu chống địch, nhiều người trở thành cán bộ chỉ huy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, đồng bào Khơme cùng với nhân dân vùng Bảy Núi đã chủ động giữ thế công khai hợp pháp cách mạng, đấu tranh với địch bằng ba mũi: chính trị, binh vận, vũ trang, v.v. có du kích và đội quân tóc dài làm nòng cốt, đã liên tục tấn công và nổi dậy diệt ác, phá kìm, làm cuộc Đồng khởi, và phá các khu trù mật, dinh điền, phá ấp chiến lược giành thắng lợi trong “chiến tranh đặc biệt” và tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968.

Trong vùng Bảy Núi, có núi Cô Tô nằm ở vách phía nam của dãy Thất Sơn là quan trọng nhất, xưa gọi là Phụng Hoàng Sơn, có nhiều khe suối và hang sâu có sức chứa hàng trăm người, là căn cứ tốt và là đầu cầu vận tải quan trọng từ Miền xuống Khu IX.

Thị trấn Tri Tôn ở phía đông bắc là chi khu quân sự của địch. Chung quanh chân núi là vườn cây ăn trái đủ loại chen lẫn với những chòm cây thốt nốt, rậm rạp.

Về phía tây và tây nam, đông và đông nam là các cánh đồng rộng và rừng tràm kéo dài về phía Hà Tiên, Ba Thê, Thoại Sơn, xa tít tầm mắt là dãy cây xanh mờ của các xóm làng phía Rạch Giá, Châu Thành, Long Xuyên. Bộ đội và các đội vận tải phải đi từ lúc mặt trời lặn cho đến hừng sáng mà nhiều khi vẫn chưa đến được chỗ trú ẩn. Sau khi vượt biên giới Campuchia và kênh Vĩnh Tế, các đoàn cán bộ, bộ đội, các đoàn vận tải phải trú lại đây, chờ đến đêm mới băng qua rừng tràm xuống lộ Cái Sắn về U Minh.

Cuối năm 1968, đầu năm 1969, địch đưa lực lượng lớn cấp sư đoàn ồ ạt thực hiện chương trình “bình định cấp tốc” để chiếm vùng Bảy Núi. Trọng điểm của chúng là huyện Tri Tôn, trong đó điểm then chốt phải công phá cho kỳ được là núi Cô Tô.

Trong tổng công kích - tổng khởi nghĩa Xuân 1968, lực lượng giải phóng tỉnh An Giang tập trung đánh vào thị xã Châu Đốc, còn huyện Bảy Núi thì bộ đội địa phương và dân quân, du kích tập trung lại được hơn 1 tiểu đoàn cùng lực lượng chính trị, binh vận tiến công quận lỵ Tri Tôn. Cuộc tiến công không thành. Các lực lượng được lệnh bám trụ bao vây quận lỵ. Tháng 6 năm 1968, địch đưa 1 trung đoàn của Sư 9 ngụy đến cùng bảo an, dân vệ phản kích. Bom, pháo của chúng đánh trơ trụi cả xóm làng. Bộ đội và du kích bị tiêu hao sau các đợt, không còn đủ lực lượng chống lại các cuộc càn quét lớn của địch. Dân bị lùa ra ở gần các đồn Cô Tô, An Tức, Ô Lâm, Băng Trạo và thị trấn. Cuộc chiến đấu kéo dài cho đến tháng 9 năm 1968. Tỉnh ủy và lực lượng tập trung của tỉnh phải rút về Núi Dài Lớn.

Huyện ủy Tri Tôn quyết định cho lực lượng còn lại lui về bám giữ căn cứ dự bị của huyện là hang Tức Dụp. Đầu tháng 111 năm 1968, mọi việc thu xếp xong, 32 cán bộ, chiến sĩ, già trẻ, nam nữ rút vào hang. Lúc đầu, khi được biết sẽ rút vào hang, mọi người lo sẽ không có cái ăn, không có nguồn đạn dược để chiến đấu và nếu trường hợp địch lấp cửa hang thì làm sao? Đồng chí Mười Ly - Bí thư Huyện ủy đã trấn an anh chị em: “Tôi đã sống và ra vào trong suốt những năm 1954 - 1960, địch có bao vây chặt mấy, ban đêm lúc nào muốn ra cũng được. Vì hang có nhiều ngõ ngách, ngay miệng hang cũng có nhiều ngõ ngách, nhiêu bậc giống như một pháo đài tự nhiên, rất kiên cố và bí hiểm. Chỉ khi ta khoanh tay ngồi yên chúng mới vào được, mới bịt hết các ngõ ngách được. Còn cái ăn thì đồng bào chẳng để ta đói. Các đồng chí ta bám lại trong dân ngoài ấy đâu nằm yên. Súng đạn thì ta lấy của địch đánh địch. Trường hợp cấp thiết thì có hậu cần và binh công xưởng nằm ngay trong núi này. Ta lùi vào đây là để dựa vào thế núi bảo toàn lực lượng và lừa dịp tiến công, phá bình định, khôi phục phong trào chớ đâu phải co thủ mà tìm chỗ trốn”.

Tức Dụp là hang đá ăn sâu vào trong lòng núi Cô Tô. Miệng hang nằm ở lưng chừng núi, phía tây bắc. Mỏm đồi Tức Dụp rộng khoảng 2 kilômét vuông, cao khoảng 200 mét, có hình một yên ngựa, thoai thoải từ thấp lên cao nối liền với núi mẹ. Từng lớp, từng lớp phiến đá to nối chồng lên nhau từ chân núi đến đỉnh núi, cỏ dại phủ xanh sườn núi, thỉnh thoảng có các cây to như cây đa, cây me dương, cây dự, cây soài rừng. Có các con suối: Tức Dụp, Thân Mơ, Đầm Rây, Công Táp Stân, Mười Xem từ trong lòng núi chảy ra các cánh đồng Ô Lâm, An Tức, cỏ cây che kín. Đồi núi nối liền với xóm làng vườn tược của đồng bào Khơme.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #166 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2014, 08:08:49 pm »

Đêm 16 rạng 17 tháng 11 năm 1968, trong lòng hang Tức Dụp, đồng chí Mười Ly - Bí thư Huyện ủy và đồng chí Ba Thành - Phó bí thư triệu tập cuộc họp Huyện ủy mở rộng, có đồng chí Hai Cư - Huyện đội phó và các cán bộ quân sự, chính trị, an ninh tham dự, để bàn bạc kế hoạch đánh địch tấn công Tức Dụp. Các đồng chí Mười Ly, Ba Thành, Hai Cư là cán bộ lãnh đạo kiên cường đánh địch, rất được anh em tin tưởng. Các đồng chí phân tích tình thế địch - ta và bàn tỉ mỉ cách bố trí phòng thủ ở miệng hang, cách phối hợp giữa lực lượng bên trong hang và ngoài dân, vành đai chính trị, binh vận sẽ đánh từ trong lòng, từ sau lưng chúng như thế nào.

Cũng trong đêm 16 rạng ngày 17 tháng 11 năm 1968, vào khoảng 1 - 2 giờ, trận tấn công lớn của địch bắt đầu. Lúc đầu không ai lượng được mức độ ác liệt, quy mô cũng như thời gian dài ngày của trận tấn công này. Các chiến sĩ đã xác định quyết tâm đánh địch, giữ vững trận địa đến cùng. Lực lượng rất nhỏ của huyện Tri Tôn nhưng đã chiến đấu với hơn 18.000 quân Mỹ - ngụy, chư hầu suốt từ tháng 11 năm 1968 đến giữa tháng 3 năm 1969 mới chấm dứt bằng cuộc rút lui an toàn của ta và gây cho địch nhiều thiệt hại. Địch cho B52 ném bom rải thảm, cứ 30 phút một đợt, trùm lên sườn núi phía tây Cô Tô, lên toàn bộ đội Tức Dụp và các xóm dưới chân đồi. Đến 5 giờ sáng, vừa dứt B52 thì 75 khẩu 105, 155 ly của 13 trận địa pháo ở Ô Lâm, phum Chè Đây, Băng Trạo, Nam Quy, Tri Tôn, cả pháo mặt đất và pháo của Sư đoàn 9 ngụy nhất tề bắn như dội lửa vào đồi và chung quanh hang Tức Dụp, kéo dài hơn 30 phút. Lực lượng của địch gồm Sư đoàn 9, 1 liên đoàn biệt động, 2 thiết đoàn 12 và 16 với trên 100 chiếc. Một tiểu đoàn pháo 105 của Sư đoàn 9 ngụy kéo đến triển khai dọc theo con lộ đất vòng quanh núi Cô Tô ngay chính điện đồi Tức Dụp, cách hang chưa tới 1.000 mét.

Gần 6 giờ sáng, pháo binh dứt tiếng, từ đài quan sát bí mật trong hốc đá gần đỉnh đồi, trinh sát ta báo cáo rất đông bộ binh địch từ ngoài lộ băng qua đám ruộng dưới chân đồi đang qua suối, dàn hàng ngang tiến quân lên phía miệng hang và hai bên sườn. Mấy chục chiếc xe M113 cũng dàn hàng ngang từ những đám ruộng, dùng DKZ và trọng liên 12,7 ly bắn vào miệng hang yểm trợ cho bộ binh. Tiểu đoàn bộ binh ngụy, tốp nhảy từ phiến đá này sang phiến đá khác, tốp núp sát sau những phiến đá to, tiến lên. Địch cách cửa hang chừng 100 mét, bất thần toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trong hang tiến ra, chiếm lĩnh các công sự chiến đấu đã chuẩn bị sẵn ở các hốc đá. Vừa đúng tầm lựu đạn, đạn, đồng chí Hai Cư ra lệnh “đánh”. Từng loạt lựu đạn, thủ pháo ném ra, nhằm thẳng đầu thù, hàng loạt tiếng nổ chát chúa. Địch chết chồng lên nhau thành lớp, rơi xuống kẽ đá, lớp lăn lông lốc trên các phiến đá, lớp bị thương rên la vội bò lết xuống chân đồi. Lập tức AK, CKC, trung liên từng đợt bắn nã theo, nhắm vào lưng chúng, hạ từng tên, B40, B41 bắn cháy 4 chiếc xe M113. Địch tháo chạy xuống chân núi, hạ nòng pháo 105 và DKZ bắn thẳng lên miệng hang. Các tay súng của ta nhanh chóng rời ụ chiến đấu lùi vào hang ẩn nấp.

Đạn pháo vừa dứt, địch lại bò lên, ta lại đánh ra, cứ thế diễn ra cho đến xế chiều. Sau trận đọ sức đầu tiên, địch bị thiệt hại nặng nề, hơn 100 tên bị diệt, 4 xe M113 bị cháy, hơn 30 khẩu súng, nhiều đạn và đồ hộp rơi vào tay quân ta.

Ngày thứ 2 rồi thứ 3, thứ 4, địch cũng theo bài bản cũ. Các đợt bom tạ rồi pháo 105, 155 ly cấp tập bắn phá kéo dài cả tiếng đồng hồ. Khi địch ném bom, bắn pháo thì ta lùi vào hang, dứt bom pháo lại ra chiếm lĩnh các ổ chiến đấu. Chưa có trái bom, quả pháo nào rớt trúng cửa hang. Địch xung phong lên gần, ta ném lựu đạn, thủ pháo, địch rút lui, ta bắn tỉa. Xế chiều địch rút, kiểm lại ta diệt được thêm 50 - 70 - 100 tên mỗi ngày, thu được thêm nhiều súng đạn, đồ hộp.

Mấy ngày sau, địch đổ thêm lữ đoàn dù xuống Yên Ngựa ở gần núi mẹ Cô Tô, cách mỏm đồi Tức Dụp 1.000 mét, thiết lập Sở chỉ huy hành quân, có một tên Thiếu tướng Mỹ; Sư đoàn 9 rút, thay vào đó là Sư đoàn 21 ngụy, tăng thêm 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy, 1 tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên, 1 tiểu đoàn lính Thái Lan, 1 tiểu đoàn biệt động quân. Trên kênh Vĩnh Tế còn xuất hiện 2 đội thuyền bay 24 chiếc, lướt sóng dọc kênh để thị uy và ngăn chặn. Liên tiếp mấy ngày liền, nhiều phi độ B52 rải bom cắt dọc hai bên sườn đồi Tức Dụp từ bắc xuống nam, rồi cắt ngang từ đông sang tây, tập trung vào mỏm đồi Tức Dụp. Dứt B52 lại đến lượt các phi đội F4, F105, A37 ném bom tấn, bom tạ, bom napan, đủ các loại kỹ thuật: nổ chậm lăn xuống khe, xuống hang mới nổ hoặc nổ sau một thời gian. Dứt máy bay thì tới pháo bầy, dứt pháo bầy thì tới hạ nòng pháo bắn thẳng, DKZ từ các xe M113 của địch cũng bắn lên hướng cửa hang yểm trợ cho bộ binh từ phía chân đồi bò lên. Ta chờ cho địch lên cách cửa hang 50 mét mới tiến ra, tung lựu đạn, thủ pháo, bắn tỉa. Cứ mỗi tiếng nổ chắc chắn ít nhất một tên ngã đập xuống. Xác địch chết trước, chết sau nằm ngổn ngang dưới sườn đồi. Cuộc chiến đấu cứ thế tiếp tục ngày nay sang ngày khác.

Trong một đêm cuối tháng 11 năm 1968, sau nhiều lần trinh sát nắm chắc cách phòng thủ của sở chỉ huy địch ở Yên Ngựa gần núi Mẹ, cách chiến sĩ nữ đưa khẩu cối 60 ly lên đánh địch. Các đồng chí lần theo con đường quen thuộc từ khe đá này sang kế hoạch đá khác, bí mật tiếp cận, bắn gấp 5 quả đạn vào đúng nhà dù trong sở chỉ huy hành quân. Tiếng đạn nổ bất thần như sét, qua ánh chớp lửa đạn thấy nhà dù tan tành. Nửa tiếng sau, chị em đã trở về hang an toàn. Qua làn sóng điện, các đồng chí Mười Ly và Hai Cư nghe được địch hốt hoảng gọi nhau báo tin tên Thiếu tướng Mỹ bị thương và nhiều tên khác mất mạng.

Đến hết tháng 11 năm 1969, bằng cách đánh thông thường, ta đã khiến hàng ngàn tên địch bỏ xác ở đồi Tức Dụp. Vào một đêm ta quyết định phải luồn ra ngoài đánh địch. Tám giờ tối hôm đó, trời tối như mực, một tổ 4 người trang bị AK, B40, mìn, DH10, lựu đạn, bí mật ra ngoài hang. Các anh lách qua kẽ hở giữa các cụm địch, men theo bờ ruộng, bò sát lại phía sau lưng trận địa pháo. Địch ngủ la liệt chung quanh. Anh em tiếp cận, vừa tầm, bất ngờ tung lựu đạn, nhả đạn về phía địch. Chúng thiệt hại năng, phản ứng yếu ớt.

Cùng lúc, một tổ khác ra điểm hẹn mang gạo, trà, thuốc, khô, muối về. Các bà má và mấy chị em người Khơme mang hàng tiếp tế rưng rưng nước mắt, nắm tay các chiến sĩ bảo nhắn với Mười Ly treo cờ giải phóng lên đồi Tức Dụp cho bà con ngoài này nhìn thấy biết là anh em còn sống.

Sáng hôm sau, địch dội bão lửa nặng nề hơn những ngày khác. Lần này, có trực thăng vũ trang quần đảo, bắn rốc két vào hang. Sườn núi bị bom, pháo nát vụn, tơi tả.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #167 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2014, 08:09:13 pm »

Sau trận bão lửa đó, mấy ngày sau, địch dùng pháo 105 ly và cối 106,7 ly bắn đạn hơi cay và chất CS vào cửa hang. Bộ phận cảnh giới bị bất ngờ, một chiến sĩ hy sinh, hai đồng chí còn lại mắt cay xè, nín thở tuột vào hang kêu báo động hóa học. Anh em lập tức mang mặt nạ phòng độc tự chế, cầm súng, lựu đạn tiến ra cửa hàng ngoài. Vừa qua khởi cửa hang thứ nhất đã thấy hơn 1 trung đội địch mang mặt nạ phòng độc lố nhố tiến vào. Các đồng chí lập tức lợi dụng các phiến đá che khuất phản kích tiêu diệt gần hết trung đội địch, những tên còn sống sót hoảng hốt chạy thục mạng ra ngoài cửa hang xuống chân đồi. ta chiếm lại cửa hang ngoài, khiêng đồng chí hy sinh vào trong hang, thu nhiều mặt nạ phòng độc hiện đại và 20 quả lựu đạn CS.

Địch đổ 1 đại đội biệt kích xuống chỗ khe suối cạn, ý định là đánh từ sau lưng xuống cửa hang. Các đồng chí gom số đạn CS, gói lại thành khối xen 1 bánh TNT và kíp nổ để đánh bọn này. Hai cán bộ trung đội có kinh nghiệm đánh đặc công được chọn thi hành nhiệm vụ. Nửa đêm, hai đồng chí tiếp cận chúng không một tiếng động. Chùm trái CS được nhẹ nhàng thả xuống một phiến đá cạnh vách khe suối trên cao, kéo dây tuột chốt an toàn. Một tiếng nổ bung hất gọn khối CS bay xuống khe. Nửa giờ sau, hai đồng chí bò trở lại chỗ vách núi quan sát, thấy cả đại đội biệt kích bị tiêu diệt.

Bị thất bại trong mưu đồ đánh lén, địch vẫn không chừa. Chúng lợi dụng đêm tối vòng lên đỉnh núi bò dần xuống. Các đồng chí an ninh cảnh giới trên đỉnh đồi phát hiện được, nằm im chờ. Đúng tầm, AK, lựu đạn, thủ pháo bất ngờ bắn vào chúng. Chúng hốt hoảng chạy ngược lên đỉnh, bỏ lại những tên chết và bọn bị thương.

Cuộc chiến đấu kéo dài hơn hai tháng. Địch lại nghĩ ra cách đánh bằng thuốc độc. Chúng cho biệt kích ném hàng tấn chất độc xuống tất cả các suối. Anh em quân y phát hiện nước có mùi lạ, liền đề nghị cấm uống nước suối, chỉ dùng nước dự trữ trong bọc nilông. Ngày hôm sau, nước hết mùi ta nấu thật sôi để bốc hết hơi rồi uống thử thấy không bị làm sao. Hóa ra nước trong lòng núi chảy ra đã tống hết nước bị nhiễm độc xuống đồng ruộng.

Trong hơn hai tháng bám trụ chiến đấu, có lần anh em lập mưu “treo cờ giải phóng” dụ trực thăng đến nhổ cờ và cũng để báo cho đồng bào và cơ sở biết là bộ đội và các đồng chí ở Huyện ủy vẫn còn sống và chiến đấu tại Tức Dụp. Đúng kế hoạch, trực thăng địch đến cướp cờ, bị ta bắn rơi. Lá cờ ấy trải qua bao lần bị bom, pháo không còn nữa. Nhưng bà con vẫn biết Đảng và bộ đội vẫn còn trong hang vì tiếng bom, pháo, súng lớn, súng nhỏ, lựu đạn vẫn nổ rền vang hằng ngày và cả ban đêm. Đồng chí Mười Ly nhận được báo cáo của cơ sở bên ngoài gởi vào, đọc cho tất cả anh em cùng nghe: “Đồng bào có nhiều cuộc biểu tình trực diện đấu tranh với Quận trưởng quận Tri Tôn đòi trở về phum sóc, phản đối ném bom, bắn pháo vào xóm làng, ruộng lúa. Đồng bào ở ấp Tà Nu thuyết phục được bọn bảo an, dân vệ không gom bà con về Tà Nu mới. Sóc Chon giằng co với bọn bảo an không cho chúng đốt nhà, phá dỡ nhà về Đầm Rầy. Phum Cơ Rang không chịu về phum Preyveng B. Địch buộc phải đóng đồn kiểm soát tại chỗ, phải cho dân đi lại làm ruộng, đặt lọp, bắt cá. Bảo an dân vệ, cả lính Sư đoàn 9, Sư đoàn 21, biệt động quân được vận động, đào ngũ. Lính Khơme, lính Việt đào ngũ hàng trăm. Bà con cho quần áo giả dân, cho tiền bạc, chỉ đường đi. Chỉ riêng má Chuôi vận được được cả trăm lính đào ngũ.

Sau hai tháng chiến đấu, nguồn tiếp tế trong hang vẫn được duy trì. Ban ngày, đứng trong hang nhìn ra, nơi nào thấy có áo trắng, nón trắng của đồng bào đi lại, nhìn kỹ sẽ thấy ám hiệu, đêm ra nơi đó sẽ có gạo, muối, khô, mắm để sẵn. Các bà, các mẹ đêm đêm dẫn đường cho anh em tới chỗ lấy hàng. Anh Cờ Lưa căm thù giặc giết hại người thân, vào núi theo binh công xưởng sản xuất vũ khí giết giặc trả thù. Chị Út Công đêm đêm gánh gạo vượt qua vòng vây vào hang. Địch bắt được, đánh đập tra khảo, chị không khai còn đấu lại, buộc chúng phải thả, chị lại tiếp tục đi tiếp tế. Giữa lúc chuộc chiến đấu ác liệt, má Tám Lương gởi đứa con trai duy nhất vào hang cho đồng chí Mười Ly. Thơ má dặn dò: “Tao giao nó cho Đảng để chiến đấu giữ Tức Dụp”. Đọc thư, đồng chí Mười Ly và anh em thật xúc động. Các đồng chí xác định: đâu phải chỉ có ba mươi anh em trong hang đánh nhau với giặc, mà cả 70.000 đồng bào, cả huyện Tri Tôn đang cùng đánh giặc. Dầu khó khăn, ác liệt mấy, ta cũng phải đánh thắng bọn địch.

Địch lại thay đổi cách đánh. Lần này, chúng dùng xăng đặc, xăng lỏng. Máy bay mang bom napan lắp ngòi nổ chậm, hạ độ cao, cố ném bom và các phuy xăng xuống các khe đá ở cửa hang và các khe suối cạn. Mỗi phi vụ, chúng thả đến 100 quả bom và phuy xăng liên tiếp nhiều ngày, mỗi ngày 3 - 4 phi vụ. Các quả bom, phuy xăng lăn xuống khe đá, hốc núi, cửa hang mới nổ. Xăng đặc, xăng nước bung ra chảy xuống miệng hang. Trực thăng quần đảo bắn rốc két cho cháy bùng lên. Xăng chảy tới đâu lửa cháy tới đó. Lần đầu bị bất ngờ, một số đồng chí bị bỏng. Không khí trong hang nóng rực lên, khó thở. Nhưng gió trong hang lùa không khí nóng ra ngoài. Các đồng chí dùng cát lấy ở suối dập tắt những đám cháy. Các bao bố, quần áo rách, tấm đắp được xẻ ra, bịt các kẽ hở. Chuối cây được đem ghép be bờ không cho xăng chảy lan ra.

Đồng chí Hai Cư theo dõi quy luật hoạt động của máy bay địch. Hễ máy bay lên thì pháo ngừng bắn. Đồng chí đưa mấy khẩu trung liên lên đỉnh núi bất ngờ bắn vào máy bay. Bằng cách đánh này các đồng chí đã hạ được 4 chiếc trực thăng và 3 chiếc A37.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #168 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2014, 08:10:12 pm »

Ngày chiến đấu thứ 127 ở hang Tức Dụp. Địch chia làm 6 mũi, từ trên đỉnh núi đánh xuống, có 30 xe M113 và các cụm pháo yểm trợ từ chân núi đánh lên hang. Trận đánh kéo dài tới 12 giờ trưa. Đồng chí Mười Ly ra lệnh để một ngách dụ cho địch vào. Đến chiều, chúng vào 10 tên. Ta vẫn bám sát. Sáng ngày 128, chúng vào thêm 40 tên, đồng chí Mười Ly ra lệnh đánh. Chỉ có vài tên chạy thoát sang hang hội trường, tại đây chúng bị diệt nốt.

Cuộc chiến đấu kéo dài hơn 4 tháng. Tỉnh theo dõi thấy đã đến lúc phải cho lực lượng rút ra, phân tán sang các hang nhỏ đánh du kích, hỗ trợ phá bình định, phát động quần chúng đấu tranh. Đến đêm hôm đó, trời tối đen như mực. Toàn bộ lực lượng ta, gồm cả thương binh và em bé sơ sinh được sinh ra trong những ngày ở hang, bí mật luồn qua vòng vây của địch ra ngoài.

Sáng hôm sau, sau những đợt bom, pháo dữ dội, địch lò dò lên núi. Không gặp sức chống trả, chúng vào được hang. Tên Tư lệnh cuộc hành quân cho bắn quả pháo tượng trưng thứ 400.000, chấm dứt cuộc hành quân.

Đây là cuộc chiến đấu dài ngày nhất trong lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Khu VIII. Mọi bài bản, vũ khí hiện đại, tướng A. Bram đều cho đem ra dùng với một vùng đồi núi nhỏ hẹp và một đội quân cách mạng nhỏ bé, quân số ít hơn chúng đến 600 lần. Chúng còn đưa cả bọn thành viên hạ nghị viên của ngụy quyền Sài Gòn đến nhiều lần để động viên binh sĩ. Chúng sử dụng vào trận đánh hơn 100 thiết giáp, hơn 100 khẩu pháo, hàng trăm phi vụ, hàng trăm tấn bom nổ, xăng đặc, vũ khí hóa học, 400.000 quả đạn pháo. Trận đánh dài ngày này đã gây cho chúng thương vong nặng nề, hơn 2.000 tên bị diệt, hàng chục tên bị bắt sống, hơn trăm tên bỏ ngũ. Ta bắn rơi 3 máy bay phản lực, nhiều trực thăng, bắn cháy 11 xe M113, phá hủy một trận địa pháo 105, thu hàng trăm khẩu súng các loại, rất nhiều đạn và lựu đạn. Ở nhiều ấp trong khu vực, đồng bào đấu tranh thắng lợi, bám được ruộng vườn.

Trong thời gian diễn ra cuộc chiến đấu ở đồi Tức Dụp, đường hành lang chiến lược từ Miền về khu IX đã kịp thời chuyển xuống ngả Hà Tiên.

Đến giữa năm 1969, Sư đoàn 1 bộ binh của Miền trên đường hành quân về Khu IX đã được một phần lực lượng cùng với bộ đội huyện tri Tôn đánh chiếm lại một số khu vực ở núi Cô Tô và đồi Tức Dụp, cùng với lực lượng ở Tri Tôn, Tịnh Biên tập kích căn cứ Chi Lăng; phục kích ở khu vực núi Bà Đội Om, diệt 17 xe quân sự, phá hủy 4 pháo, hạ 1 máy bay, diệt gần hết 1 tiểu đoàn địch. Cũng tại khu vực núi Bà Đội Om, ta đánh trận giao thông thứ 2, diệt 4 xe, diệt tên trung tá Đỏm, Tiểu đoàn trưởng bảo an, ác ôn. Sau đó, diệt căn cứ biệt kích Ba Xoài. Sau đó, địch lại dùng lực lượng lớn tiến công ác liệt, can quét dài ngày, chiếm lại vùng Bảy Núi. Tỉnh ủy và Tỉnh đội An Giang rút về căn cứ B2 ở Vạt Lài biên giới Campuchia.

Hơn 4 tháng chiến đấu, tranh chấp ác liệt với địch ở đồi Tức Dụp, được sự hỗ trợ của nhân dân, bộ phận nhỏ lực lượng vũ trang huyện Tri Tôn đã thu hút, kìm chân gần hai vạn lượt quân địch, tiêu hao, tiêu diệt nhiều địch, tạo điều kiện cho vùng nông thôn đánh phá bình định, giữ được cầu hành lang, căn cứ, tạo điều kiện chuyển hành lang xuống Hà Tiên để đưa hàng cho Khu IX.



Một góc đồi Tức Dụp ở vùng Bảy Núi huyền thoại - đồi trọc và phiên hiệu quân Mỹ
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:58:12 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #169 vào lúc: 24 Tháng Năm, 2014, 08:10:54 pm »

3. Cuộc hành quân vũ trang tuyên truyền vào vùng tôn giáo Hòa Hảo ở Phú Tân và Chợ Mới

Vùng Phú Tân và Chợ Mới là vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Đây là vùng đông dân, nhiều của, phần lớn đồng bào theo đạo Hòa Hảo. Phú Tân là trung tâm chính trị của đạo Hòa Hảo, có Tổ Đình và gia đình giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, có cả trụ sở của Trung ương giáo hội. Đây là vùng địch chiếm đóng lâu đời, cơ sở Đảng, chính trị, binh vận còn yếu. Muốn tiến xuống vùng Phú Tân (Chữ O), bộ đội An Giang phải vượt qua vành đai phong tỏa của kênh xáng Tân An, vùng kiểm soát dày dặc của hệ thống đồn bốt trên lộ đá Châu Đốc - Tân Châu. Xuống vùng Chữ O là lọt vào vòng vây của địch, tiến hoặc rút lui chỉ có một đường. Tuy hết sức khó khăn, nhưng bộ đội An Giang đã có mấy lần xuống được vùng Chữ O, có lần tiến sát Tổ Đình. Còn từ Kiến Phong sang Chợ Mới rồi trở về cũng chỉ có một hướng từ Thanh Bình vượt sông Tiền, khi trở về cũng phải theo hướng ấy.

An Giang và Kiến Phong thực hiện nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền tiến vào vùng Chữ O và Chợ Mới trong tình thế năm 1969 thật hết sức khó khăn, phức tạp. Các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy và lực lượng vũ trang của An Giang, đang từ các căn cứ B1, B2, B3 hoạt động về. Còn Kiến Phong thì cơ quan Tỉnh ủy, Tỉnh đội còn bám trụ trên địa bàn Xẻo Quít, kênh 1, bờ bao Ông Kiệu, cơ động qua các lõm căn cứ vùng Kiến Văn. Bộ đội tỉnh, du kích, cấp ủy xã, huyện còn bám trụ được trên đại bàn Kiến Văn, bắc Cao Lãnh, bắc Thanh Bình, bắc Hồng Ngự nhưng phải hoạt động trong tình thế hết sức khó khăn.

Vào đầu tháng 5 năm 1969, hai tỉnh An Giang và Kiến Phong nhận được chỉ thị của Khu đưa bộ đội cùng với Ban Hòa Hảo vận và các cán bộ dân vận tiến xuống vùng Chữ O và qua Chợ Mới. Hai tỉnh được lệnh hợp đồng tiến công cùng lúc vào vùng xung yếu, vũ trang tuyên truyền phát động đồng bào tín đồ Hòa Hảo hướng về cách mạng. Cuộc hành quân mang danh nghĩa “bộ đội Huỳnh Sư Thúc” về thăm tín đồ, tuyên truyền đồng bào đoàn kết chống Mỹ - ngụy, bộ đội không đánh đồn bốt, chỉ đánh trả những lực lượng tiến công để bảo tồn lực lượng, giữ trung lập với ban quan quân của Lương Trọng Tường và vận động ban trị sự và nhân dân tự vệ giao súng cho cách mạng.

Huỳnh Sư Thúc, tức sư thúc Huỳnh Văn Trí, thường gọi là ông Mười Trí là anh em kết nghĩa với giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ. Trong kháng chiến chống Pháp. Ông là Chỉ huy trưởng chi đội 4 liên quân Bình Xuyên. Ông tập kết ra Bắc, là Thượng tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Trở về Nam, ông được đưa về khu VIII tham gia trong Ban Hòa Hảo vận cùng với các đồng chí Tư An - Khu ủy viên, Ba Giảng, Tám Vị, Tư Râu, Mười Tôn, Bảy Tỉnh. Trong số này có những người vốn là tín đồ, cán bộ quân sự Hòa Hảo theo cách mạng. Các đồng chí tổ chức tại căn cứ B1 Phú Hữu của An Giang, một địa điểm thật trang trọng để Sư Thúc gặp đại diện Tổ Đình, các ban trị sự đạo, các tín đồ cao nhiên của đạo dặn dò việc đạo, việc nước. Thư của Huỳnh Sư Thúc được chuyển tới cô Năm Biên, em gái giáo chủ Huỳnh Phú Sổ ở Tổ Đình và đến nhiều vị cao niên, chức sắc của đạo. Lần lượt, các vị này đến thăm viếng Huỳnh Sư Thúc ở căn cứ B1. Tại đây, Sư Thúc nhắc nhở các tín đồ nhớ lời thầy tu tại gia, đoàn kết lương giáo, không nghe những lời sai trái, không cầm súng đi lính cho giặc, không làm việc xấu, hại đến con đường chân tu của đạo. Các vị chức sắc, tín đồ cao niên tiếp thu ý kiến của Sư Thúc một cách thành kính. Ai cũng hứa sẽ vận động bà con tín đồ làm theo. Từ những cuộc gặp gỡ ấy lan ra, trong lòng nhiều tín đồ Hòa Hảo đã có sự chuyển hóa gần gũi, hiểu biết cách mạng hơn. Huỳnh Sư Thúc đi theo cách mạng, kháng chiến chống Pháp và đi tập kết, ai cũng biết. Như vậy thì cách mạng và người kháng chiến không đối lập với đạo, cách mạng đâu phải là kẻ thù như lời tuyên truyền xuyên tạc của bọn địch và bọn cầm đầu phản động trong đạo. Những cuộc gặp có ý nghĩa ấy đã giúp cán bộ cách mạng dần dần trở lại bám được trong dân, xây dựng được nhiều cơ sở chính trị, binh vận trong đồng bào tín đồ nhiều xã ở tỉnh An Giang và huyện Chợ Mới, tỉnh Kiến Phong.

Tổng kết những đợt đưa bộ đội công tác vũ trang tuyên truyền ở vùng có đông đảo tín đồ Hòa Hảo. Đồng chí Nguyễn Minh Đường - Bí thư Khu ủy đã phát biểu, trình bày rõ nội dung chỉ đạo trong Nghị quyết của Thường vụ Khu ủy về công tác vận động cách mạng trong đồng bào tín đồ Hòa Hảo với các Tỉnh ủy An Giang và Kiến Phong như sau:

Ở khu ta, ngoài Đồng Tháp Mười đất rộng người thưa và những nơi dân cư đông đúc, quần chúng đã qua nhiều lần nổi dậy làm chủ xã, ấp còn có một số khu vực có hàng triệu đồng bào tôn giáo và dân tộc mà đa số là nông dân cũng bị áp bức, đau khổ như nông dân nơi khác. Họ có khả năng nổi dậy đánh đổ đế quốc và tay sai để giải phóng đất nước và tự cứu lấy mình.

Ở nhiều vùng trong ba tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc đại đa số đồng bào là tín đồ đạo Hòa Hảo, quần chúng ở những nơi đây bị hai hệ thống áp bức và kìm kẹp là đế quốc Pháp, Mỹ và bọn đứng đầu tôn giảo, phản động, làm tay sai cho địch. Mỹ - ngụy xem đây là vùng bình định quốc gia tương đối an toàn, chiến tranh không về tới. Sự áp bức bóc lột, kìm kẹp khắc nghiệt là của bọn côn đồ lưu manh thuộc lực lượng võ trang và ban trị sự các loại của các phe phái thuộc hai đảng Dân xã Ba Sao và Dân xã Chữ Vạn. Lực lượng vũ trang của Năm Lửa, Ba Cụt, Hai Ngoán, Nguyễn Giác Ngộ được bọn xâm lược Pháp dựng lên cát cứ từng vùng, thực hiện chia rẽ lương, giáo quyết liệt chống Việt Mai. Đồng bào bị khủng bố, cướp bóc, vơ vét, đôn quân bắt lính phục vụ chiến tranh xâm lược.

Lâu nay, tín đồ Hòa Hảo đa số là nông dân, bị đầu độc tư tưởng chống cộng, thù hận Việt Minh bằng sự kiện “Đức Thầy thọ nạn”. Họ cũng căm thù đế quốc, phong kiến, địa chủ ác bá, cường hào như nông dân ở các nơi khác. Họ cũng có tinh thần yêu nước, chống ách thống trị, áp bức của đế quốc, phong kiến đã gây đau khổ cho họ và cũng muốn nổi dậy đánh đổ bọn chúng để đổi đời.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, những nơi này là vùng trắng, không có cơ sở Đảng và nòng cốt cách mạng. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, một số đảng viên hồi cư đã về vùng này lãnh đạo quần chúng nổi dậy đấu tranh.

Từ năm 1955-1959, do Mỹ - Diệm thực hiện chính sách khủng bố, tàn sát, bắt bớ, tù đày tín đồ và chức sắc Hòa Hảo, gây căm thù sâu sắc trong đạo Hòa Hảo, nên khi có cao trào Đồng khởi, tấn công và nổi dậy toàn Khu (1960), đồng bào tín đồ Hòa Hảo đã cùng với các tầng lớp nhân dân nổi dậy tấn công địch để làm chủ, diệt, làm tan rã địch ở nhiều xã, ấp. Nhưng do lãnh đạo Đảng bộ địa phương lúc ấy chưa chú trọng đúng mức đến việc đi sâu tổ chức vận động quần chúng tín đồ nổi dậy cầm súng và tiến công địch, giữ vững quyết tâm ở cơ sở mà ỷ lại vào lực lượng vũ trang bên ngoài, cho nên khi địch đưa lực lượng đến càn quét, khủng bố, đàn áp, lực lượng vũ trang rút đi thì đồng bào lại bị kìm kẹp trở lại.

Cuộc đấu tranh cách mạng để giải phóng miền Nam phải có sự đóng góp của đồng bào tín đồ Hòa Hảo, làm cho đồng bào hiểu rõ và tự giác đi theo Đảng, tự mình đứng lên làm cuộc cách mạng để giành thắng lợi từng bước, đánh đổ địch từng phần, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Mục tiêu trước mắt cần giành được phải là chính đồng bào tín đồ Hỏa Hảo tự đứng lên diệt ác ôn và làm tan rã địch ở cơ sở xã, ấp để giành quyền làm chủ, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, tấn công ba mặt quân sự, chính trị, binh vận, diệt và làm tan rã địch ở các nơi khác đã làm.

Nhiệm vụ hiện nay là phải tổ chức được càng nhiều cán bộ bí mật cùng ăn ở, làm việc với đồng bào tại chỗ để xây dựng cơ sở, bắt rễ trong quần chúng. Đồng thời có kế hoạch đưa lực lượng vũ trang tuyên truyền vào để tạo cơ hội cho quần chúng tiếp cận được với cách mạng, hỗ trợ cho công tác xây dựng cơ sở Đảng tại chỗ. Vì thế, lực lượng vũ trang tiến vào vùng Hòa Hỏa lần này dứt khoát không phải là một hành động quân sự tác chiến diệt địch đơn thuần mà phải có mục đích chính trị rõ rệt. Từ hoạt động của bộ đội cho đến hành động của cán bộ, đảng viên đều phải nắm vững mục đích đó và xuất phát từ tình hình thực tế ta, địch tại chỗ mà triển khai kế hoạch cho thích hợp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM