Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 05:16:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khu VIII - Trung Nam Bộ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)  (Đọc 94729 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #130 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2014, 08:57:36 pm »

IV - TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968

1. Tình hình trước tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968

Sau hai cuộc phản công chiến lược của địch (1965-1966 và 1966-1967) thực tế chiến trường miền Nam nổi lên tình hình: mọi cố gắng của đế quốc Mỹ trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” đã đến đỉnh cao nhưng địch đã thất bại về nhiều mặt, trên cả phạm vi chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, cả quân sự, chính trị và ngoại giao (đầu năm 1967 ta mở mặt trận ngoại giao). Đó là thất bại của giai đoạn đầu, rất quan trọng trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.

Do bị thất bại nặng nề trên chiến trường Việt Nam và trước dư luận rộng rãi trên thế giới ngày càng lên án, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam phát triển ngày càng rộng lớn ngay trong lòng nước Mỹ. Giới cầm quyền Mỹ bắt đầu dao động, lúng túng, nhưng vẫn ngoan cố tiếp tục tăng quân, chuẩn bị kế hoạch mở cuộc phản công chiến lược lần thứ ba với 120 vạn quân, trong đó có 50 vạn quân Mỹ.

Tình hình trên chiến trường lúc này rất phức tạp. Mĩ đã thua to nhưng vẫn chưa từ bỏ âm mưu tiếp tục chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ta đã thắng lớn nhưng chưa làm chuyển biến cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Tình hình đó đòi hỏi ta phải có quyết sách mới.

Các Hội nghị Bộ Chính trị nửa cuối năm 1967, nhất là Hội nghị tháng 12 năm 1967 đã ra Nghị quyết về Tổng công kích - tổng khởi nghĩa, sau đó được Hội nghị Trung ương 14 (tháng 1 năm 1968) nhất trí thông qua đều chỉ rõ: Cuộc kháng chiến của ta lúc này cần phải và có thể tạo một bước chuyển lớn giữa đế quốc Mỹ đang ở thế ngập ngừng về chiến lược, giới cầm quyền Mỹ đã dao động và trong thời điểm rất nhạy cảm của năm bầu cử tổng thống Mỹ, để chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định; phải tạo được một bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh và dùng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.

Muốn đạt được yêu cầu đó, Trung ương nhận thấy ta không thể tiến từng bước, tuần tự… như những năm trước, và cũng không thể đánh theo cách cũ như Đông Xuân trước,… vì như vậy thì cuộc chiến tranh sẽ kéo dài. Ta phải tạo một bước nhảy vọt bằng chọn hướng chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới. Đó là cách đánh chưa từng diễn tra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - tính đến thời điểm này, khiến cho Mỹ - ngụy không hề nghĩ tới và cũng không thể nghĩ tới. Những điểm mới trong cuộc tiến công lần này là:

- Hướng tiến công chủ yếu không phải là rừng núi và nông thôn, mà là đô thị, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, nơi địch đang sơ hở, cũng là nơi dễ nhạy cảm và tạo sôi động lớn.

- Mục tiêu tiến công chủ yếu không phải là các tập đoàn quân chủ lực địch mà nhằm vào các cơ quan đầu não chiến tranh của Mĩ - ngụy, các trung tâm chỉ huy, các hậu cứ, vừa tiêu diệt sinh lực, vừa phá hủy phương tiện chiến tranh của địch. Đây là chỗ hiểm yếu, dễ chấn động nhất.

- Không gian tiến công không phải chỉ một vài vùng, mà toàn Miền, tiến hành đồng loạt trên quy mô rộng lớn nhất từ trước đến nay.

- Thời gian tiến công không vào các thời điểm thông thường thường mà vào giữa đêm giao thừa Tết nguyên đán, lúc bất ngờ nhất.

- Phương châm đánh địch vẫn là kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng nhưng trên diện rộng ở cả ba vùng chiến lược trong toàn miền, thực hiện kết hợp tổng công kích và tổng khởi nghĩa,v.v.

Tất cả các mặt trên đây đều nhằm một mục tiêu: giáng cho địch một đòn mạnh và hiểm, bất ngờ và đồng loạt, làm cho Mĩ phải lung lay ý chí xâm lược, tạo nên sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh, có lợi cho ta.

Ở khu VIII - Trung Nam Bộ, cuối năm 1967, Thường vụ Khu ủy nhận được Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về tiến hành cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Trước ngày nổ ra cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa một tháng, đồng chí Nguyễn Minh Đường - Bí thư Khu ủy được triệu tập đến Trung ương Cục và Quân ủy Miền nhận nhiệm vụ. Khi trở về, đồng chí Bí thư Khu ủy đã chủ trương triệu tập và chủ trì Hội nghị Thường vụ Khu để quán triệt quyết tâm chiến lược của Trung ương, sự chỉ đạo của Trung ương Cục và Quân ủy Miền đối với chiến trường Khu VIII - Trung Nam Bộ. Khi giao nhận nhiệm vụ ở Trung ương Cục, phổ biến về dự kiến khả năng, đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền chỉ thị cho Khu VIII chỉ được phổ biến khả năng thứ nhất: làm dứt điểm các đô thị, thị xã, thị trấn để các nơi nắm vững quyết tâm chiến lược, tập trung cao cho khả năng thứ nhất. Khi nào cần phải chuyển qua khả năng thứ hai thì bám trụ vùng ven. Khả năng thứ ba là chuyển ra giải phóng nông thôn thì phải có quyết định của Trung ương Cục mới được thi hành.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #131 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2014, 08:58:20 pm »

Hội nghị Thường vụ Khu ủy đã nhất trí cao với quyết tâm chiến lược của Trung ương, tuy có băn khoăn trong đánh giá tương quan địch - ta ở chiến trường Khu VIII - Trung Nam Bộ là nơi tuy có phong trào mạnh, nhưng khả năng dứt điểm các thị xã, thị trấn theo khả năng thứ nhất thì còn nhiều hạn chế do lực lượng quân sự và thế cách mạng quẩn chúng tiến công của thị xã, thị trấn tại chỗ chưa đủ sức. Tuy có băn khoăn, lo lắng nhưng Khu vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trên giao và đã khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị với những nỗ lực và cố gắng cao nhất.

Về tổ chức chiến trường:

Thị xã Mỹ Tho được xác định là trọng điểm số 1 của Khu. Do vậy, Trung ương Cục ra quyết định nâng cấp từ thị xã lên thành phố ngang cấp tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thanh Hà - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho được giao nhiệm vụ Bí thư Thành ủy.

Hai huyện Gò Công Đông và Hòa Đồng tách khỏi tỉnh Mỹ Tho, trở thành tỉnh Gò Công, do nữ đồng chí Ngọc Việt - Khu ủy viên làm Bí thư Tỉnh ủy; là trọng điểm thứ hai của Khu nằm ven Sài Gòn.

Tỉnh Long An tách khỏi Khu VIII, được giao về trực thuộc Miền. Cùng với việc bàn giao toàn bộ lực lượng của tỉnh Long An, Khu VIII giao về Miền 3 tiểu đoàn bộ binh chủ lực mạnh của Khu là các tiểu đoàn 265, 267 và 269 với đầy đủ quân số, vũ khí, cán bộ chỉ huy có năng lực và có kinh nghiệm tác chiến.

Để chỉ đạo tấn công nổi dậy ở trọng điểm 1, Thường vụ Khu ủy quyết định thành lập Phân ban Khu ủy, do đồng chí Nguyễn Văn Chim - Phó bí thư Khu ủy là Trưởng phân ban, và Quân khu thành lập Bộ tư lệnh tiền phương, do đồng chí Nguyễn Văn Sĩ - Tư lệnh phó, Tham mưu trưởng Quân khu làm Tư lệnh và đồng chí Bùi Thanh Khiết - Khu ủy viên, Phó chính ủy Quân khu làm Chính ủy.



Đồng chí Nguyễn Văn Sĩ
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:46:05 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #132 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2014, 08:58:58 pm »

Về xây dựng lực lượng cho tổng công kích - tổng khởi nghĩa, Khu ủy chỉ đạo cấp ủy địa phương gấp rút tuyển mộ tân binh, đôn du kích, bổ sung đầy đủ quân số cho các đơn vị vũ trang của khu, tỉnh, huyện và phát triển mạnh du kích. Riêng đối với bộ đội chủ lực của Khu, sau khi đưa quân cho Miền chỉ trong vòng một tháng, Khu đã xây dựng mới 3 tiểu đoàn 261B, 265B, 267B và lấy của Mỹ Tho một tiểu đoàn 514A, cộng với 2 tiểu đoàn hiện có là 261A, 263B tổ chức thành 2 chiến đoàn. Phần các tỉnh thì sau khi đưa quân cho Khu, tỉnh ít nhất như Kiến Tường cũng xây dựng được 1 tiểu đoàn (thiếu), tỉnh nhiều nhất như Bến Tre xây dựng được 4 tiểu đoàn. Các huyện thì cấp huyện xây dựng được ít nhất 1 đại đội, nhiều thì 3 đại đội. Xã mạnh có từ 1 đến 2 trung đội hoặc đại đội du kích. Ấp có từ 1 tổ đến 1 - 2 tiểu đội du kích. Thị xã, thị trấn có từ 1 - 3 phân đội biệt động. Riêng thành phố Mỹ Tho có 3 đại đội. Bộ đội được khẩn trương huấn luyện cách đánh vào thành phố, thị xã. Khẩn trương trinh sát thực địa, bố phòng của địch, rà lại các cơ sở nội tuyến, gấp rút tổ chức vận chuyển đạn dược, phương tiện xuống các trọng điểm.

Chỉ trong một tháng, trong điều kiện phải giữ bí mật tuyệt đối, Khu đã phát triển lực lượng lên gấp đôi. Tất cả đảng viên trẻ đều cầm súng chiến đấu trong lực lượng vũ trang tập trung. Đảng viên lớn tuổi ở địa phương thì vào du kích. Quân số các đơn vị, các thứ quân đều tăng. Điều đáng lo là dù có quyết tâm cao nhưng vì thời gian xây dựng gấp rút, nên việc huấn luyện không sao tiến hành chu đáo được và chưa qua thử thách nên chất lượng chiến đấu còn non yếu.

Các kế hoạch đấu tranh chính trị, binh vận, đánh phá giao thông cũng được chuẩn bị gấp rút, mặc dù không đủ thời gian giải quyết chất lượng, nhất là tổ chức lực lượng ba mũi chính trị, binh vận, vũ trang tại cơ sở nội đô.

Mũi tấn công chính trị, binh vận vùng ven đã sẵn sàng, khi có lệnh thì tuần hành thị uy, cùng mũi quân sự, binh vận bao vây, bức hàng đồn bốt, quần chúng vùng ven cùng quần chúng bên trong thị xã, thị trấn, thành phố nổi dậy truy lùng tề điệp, ác ôn, phá sạch bộ máy kìm kẹp của địch.

Tập trung giác ngộ các gia đình binh sĩ để họ vận động chồng, con em buông súng làm tan rã lớn lực lượng địch.

Sẵn sàng đánh, cắt các đường giao thông, nhất là lộ 4, phá lộ, phá cầu.

Tinh thần chung là làm một cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa với khí thế và quy mô lớn hơn tất cả các cuộc tấn công nổi dậy trước đây. Nhưng có nhược điểm là các lực lượng chưa có kinh nghiệm và chưa chuẩn bị kĩ cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy trong thành phố, thị xã, thị trấn. Đa số lực lượng tấn công là quần chúng quen chiến đấu ở nông thôn hoặc ở vùng ven, còn lực lượng ba mũi tại chỗ trong nội ô thì quá mỏng.

Trung ương Cục và Quân ủy Miền quy định việc giữ bí mật rất nghiêm ngặt “các bí thư tỉnh ủy và các tỉnh đội trưởng chỉ được biết việc tổng công kích - tổng khởi nghĩa trước một tháng, bí thư huyện ủy, huyện đội trưởng được biết trước nửa tháng, cấp xã chỉ biết khi cuộc tấn công nổ ra”. Riêng về ngày N giờ G thì tất cả các cấp từ Khu trở xuống chỉ được phổ biến vào giờ chót. Quy định gắt gao này giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ đối với địch, nhưng cũng trở ngại cho việc điều lực lượng và tổ chức hiệp đồng của ta không ít. Trong thời gian ta chuẩn bị tổng công kích - tổng khởi nghĩa ở chiến trường Mỹ Tho, địch đánh phá, bình định rất quyết liệt, liên tục đánh phá suốt ngày đêm trên trục lộ 4, đánh phá ngăn chặn các tuyến hành lang, gây khó khăn lớn cho việc chuyển vũ khí, đạn dược xuống các trọng điểm. Ngoài ra, ở hai huyện Châu Thành và Cai Lậy, địch liên tục mở các cuộc hành quân càn quét, ban đêm chúng bắn pháo bầy, B52 ném bom. Do đó, tiền phương Quân khu phải cho 2 chiến đoàn di chuyển lên phía bắc huyện Cái Bè, xa trọng điểm Mỹ Tho gần 50 kilômét.

Gần vào đợt, đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục triệu tập đồng chí Bí thư Khu ủy lên báo cáo và nhận mệnh lệnh nổ súng. Ngày N giờ G được phổ biến trong lúc đồng chí Bí thư Khu ủy đang ở tại căn cứ Miền. Đường về Khu đi nhanh nhất cũng phải mất 3 ngày. Ở Khu, đồng chí Lê Quốc Sản - Tư lệnh Quân khu đi kiểm tra đầu cầu tiếp vận ở Tăng Lèo, đồng chí Huỳnh Châu Sổ - Thường trực Khu ủy nhận được lệnh có ghi rõ: “Chỉ có Bí thư Khu ủy và Tư lệnh Quân khu mới được triển khai”. Do vậy, khi Bí thư Khu ủy về đến nhà thì thời gian đã cận kề, cán bộ phải rất khẩn trương để tổ chức thực hiện, bảo đảm tấn công vào các đô thị, thị xã, thị trấn đúng ngày N giờ G trên quy định.

Theo chỉ thị của Miền, Khu ban hành lệnh tiến công đồng loạt toàn Khu vào đêm 31 tháng 1 năm 1968.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #133 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2014, 08:59:48 pm »

2. Trọng điểm và diễn biến của tổng tiến công và nổi dậy đợt 1

Trọng điểm 1 - thành phố Mỹ Tho:

Tại đây, bộ binh địch có 1 tiểu đoàn của Sư đoàn 7 ngụy, 1 tiểu đoàn biệt động quân ngụy, 1 lữ đoàn Mỹ; binh chủng ngụy có 1 giang đoàn, 1 thiết đoàn, 2 tiểu đoàn pháo, cối, thiết giáp và hải quân Mỹ ở căn cứ Đồng Tâm.

Trong nội ô các đại đội bảo an chiếm giữ các vị trí quan trọng, chốt tại các ngã ba, ngã tư, bố trí đại liên, trung liên, cối trên các nhà cao tầng, tháp nước. Ngày 31 tháng 1 năm 1968, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu về Mỹ Tho ăn tết, địch tăng cường phòng thủ. Tiểu đoàn 32 biệt động quân được điều đến đóng dã chiến từ bắc cầu Thạnh Trị đến cầu Vĩ, xã Mỹ Phong. Tăng thêm 3 đại đội thám sát của Sư đoàn 7 ngụy vào nội ô. Lực lượng thiết giáp được đưa lên Giếng Nước.

Lực lượng chung của địch trong toàn tỉnh Mỹ Tho là 20.954 tên, trong đó có 14 tiểu đoàn bộ binh chủ lực Mỹ - ngụy. Ngoài ra là các binh chủng và bảo an, dân vệ, công an, cảnh sát.

Lực lượng của khu đánh vào trọng điểm 1 gồm 2 chiến đoàn: 6 tiểu đoàn bộ binh; Chiến đoàn 1 có các tiểu đoàn 261A, 261B và 514A; Chiến đoàn 2 có các tiểu đoàn 263B, 265B, 267B. Một đại đội cối 120 và trung đội cối 82 phối thuộc đóng ở các xã ven thành phố Mỹ Tho và ở Phú Túc bên kia bờ sông Tiền thuộc đất Bến Tre.

Thành đội có 3 đại đội bộ binh, 3 phân đội biệt động và 1 đại đội cối 82.

Ở 4 quận, mỗi quận có 1 tiểu đội du kích mật.

Ở 4 xã vùng ven, mỗi xã có từ 1 tiểu đội đến trung đội du kích.

Cơ sở Đảng trong nội ô có 4 chi bộ, 20 đảng viên, 50 nòng cốt và một số quần chúng cảm tình.

Ở các xã vùng ven, mỗi chi bộ xã có từ 10 đến 25 đảng viên, từ 10 đến 30 thanh niên lao động.

Lực lượng qch được ta huy động tổ chức thành đội ngũ đông đảo. để đảm bảo lương thực cho bộ đội, ở các xã vùng ven, mỗi gia đình dân chuẩn bị 20 giạ gạo. Các nhà máy xay trong nội ô mỗi nhà máy chuẩn bị 1.500 đến 3.000 giạ gạo.

Phương án tấn công là vào 0 giờ 31 tháng 1 năm 1968, pháo ta sẽ bắn 1.200 quả đạn trong 20 phút vào một số mục tiêu. Chiến đoàn 1 và 2 từ hai hướng đông bắc và tây bắc sẽ tiến vào đánh chiếm 4 mục tiêu chủ yếu là Bộ tư lệnh Sư đoàn 7, tiểu khu, nơi làm việc của cố vấn Mỹ, tỉnh đoàn bảo an và khống chế ngã ba Trung Lương chặn địch từ Sài Gòn xuống. Sau khi giải quyết các mục tiêu chính, các mũi tiếp tục phát triển kết hợp với lực lượng khởi nghĩa mở toàn bộ khu 1, 2 và các nơi khác.

Đêm giao thừa Tết Mậu Thân, đồng bào cả nước lắng nghe thư chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

      Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
      Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
      Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
      Tiến lên!
      Toàn thắng ắt về ta!


Đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam đó là mệnh lệnh, là Hịch tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Đêm 31 tháng 1 năm 1968 toàn Khu đã đồng loạt nổ súng tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Diễn biến cụ thể như sau: Chỉ có Chiến đoàn 1 và 1 tiểu đoàn 265B của Chiến đoàn 2 đến điểm tập kết đúng giờ quy định. Vì Chiến đoàn 2 đến chưa đủ nên Tiểu đoàn 514A của Chiến đoàn 1 được mệnh lệnh chuyển nhiệm vụ sang tập kích Tiểu đoàn biệt động quân 32 để mở cửa cho 2 tiểu đoàn 261A và 261B đánh vào thành phố. Như vậy, khi bắt đầu nổ súng tiến công trọng điểm 1, ta chỉ có hai phần ba lực lượng đội hình đưa vào tiến công so với dự kiến.

Một điều nữa đã gây trở ngại không ít cho tiến công là do địch ngăn chặn nên dân công không đưa kịp đạn pháo cho các cụm pháo. Vì vậy, thay vì phải bắn 1.200 quả pháo vào lúc 0 giờ, thì mãi đến 1 giờ ta mới bắn được 20 quả cối 82 do các đơn vị mang theo vào các mục tiêu tiến công. Biệt động thành phố nhanh chóng diệt đồn cảnh sát Quay, làm chủ và phát triển sang đường Trưng Trắc, chiếm cửa Khám Đường. Giằng co 15 phút chưa mở được cửa khám, địch cho 2 xe V100 và 1 xe Jeép từ chợ Cũ lên phản kích. Ta bắn cháy 1 xe V100 1 Jeep, diệt 10 tên cảnh sát và quân cảnh. Đến gần sáng, lực lượng biệt động hi sinh và bị thương phải rút ra hướng Mỹ Phong, đại bộ phận rút an toàn, 2 chiến sĩ bị thương được giấu dưới thuyền để sáng đưa ra, bị tàu giang cảnh ngụy xét hỏi, hai đồng chí chiến đấu và hi sinh. Tiểu đoàn 514A tập kích Tiểu đoàn 32 biệt động quân. Địch chống trả quyết liệt, ta không mở được cửa đột phá Thạnh Trị. Hai tiểu đoàn 261A, 261B và 2 đại đội của thành đội phải bơi qua sông Bảo Định. Sang được sông, ngay trong đêm, 2 tiểu đoàn chia làm ba mũi: mũi thứ nhất từ đường Alexandre De Rhôdes đánh vào đại lộ Hùng Vương, chiếm trường La San; mũi thứ hai theo đường Nguyễn Tri Phương đánh xuống Giếng Nước đến bùng binh; mũi thứ ba từ bến xe thọc sang chiếm bờ tây Giếng Nước và sân bay trực thăng. Tiểu đoàn 265B được tăng cường Đại đội 1 của thành đội và 2 đại đội đặc công 312 và 314 từ Trung An đánh chiếm đường Lý Thường Kiệt rồi chia làm hai mũi theo hình gọng kìm: một mũi tiến theo đường Lý Thường Kiệt xuống đường Pasteur; một mũi chiếm cây xăng Năm Nồi phát triển tiến đánh bốt số 8 và đường Pasteur. Địch cho xe M113 ra chặn tại ngã tư Jersin - Lý Thường Kiệt nối dài và tại ngã tư Hùng Vương - Nguyễn Trãi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #134 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2014, 09:04:14 pm »

Đến sáng ngày 1 tháng 2 năm 1968, bộ phận còn lại của Chiến đoàn 2 gồm 2 tiểu đoàn 263B, 267B mới đến. Địch đã tổ chức phòng thủ rất chặt nên 2 tiểu đoàn không đánh được căn cứ thiết đoàn 6 và trung tâm huấn luyện Hùng Vương.

Cũng sáng ngày 1 tháng 2 năm 1968, trực thăng đáp xuống khu vực đông Giếng Nước đón Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu về Sài Gòn.

Ngày 2 tháng 2 năm 1968, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 11 Sư đoàn 7 ngụy từ căn cứ Hùng Vương kéo vào nội ô bị tiểu đoàn 265B đánh bật ra. Các tiểu đoàn 261A, 261B tiến vào đường Châu Văn Tiếp. Tiểu đoàn 514A tiến lên khu 4 nhưng trong đêm vẫn không sao vào được trung tâm thành phố.

Sáng ngày 3 tháng 2 năm 1968, Lữ đoàn 3 Sư đoàn 9 Mỹ, toàn bộ trung đoàn 11 Sư đoàn 7 ngụy, có thiết giáp và bom pháo yểm trợ mạnh tiến vào nội ô. Ta chặn đánh quyết liệt. Một tiểu đoàn Mỹ và 1 tiểu đoàn ngụy bị tiêu hao nặng, 20 xe M113 bị diệt, ta gấp rút chuẩn bị đến tối sẽ tấn công Bộ tư lệnh Sư đoàn 7. Nhưng đến 16 giờ, địch tập trung pháo hạm và máy bay bắn phá ném bom hủy diệt, trực thăng rải xăng đặc đốt sạch từ Giếng Nước đến ngã ba Trung Lương là khu vực ta đang chiếm giữ, làm cháy trên 100 căn nhà làm gần 300 người chết, 1.000 người bị thương. Các tiểu đoàn của ta bị thiệt hại nặng phải rút ra vùng ven.

Song song với mũi quân sự, mũi tiến công chính trị diễn ra khá sôi nổi. Quần chúng nổi dậy hơn 500 người bao vây và bức hàng đồn Mỹ An, xã Mỹ Phong, tiếp đó, bao vây hậu cứ của Tiểu đoàn 72 pháo binh kêu gọi quân súng trở về với nhân dân. Bọn này bắn ra làm chết 1 người, bị thương 2 người, quần chúng vẫn không nao núng. Hơn 3.000 người nữa kéo tới hỗ trợ, bao vây, kêu gọi. Bọn chúng phải ngừng bắn và hứa nếu dinh tỉnh trưởng bị chiếm thì chúng đầu hàng. Tiểu đoàn này không chi viện được cho mặt trận nội ô. Một đại đội bảo an đóng ở sân bóng cạnh Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 đã sẵn sàng đầu hàng.

Quần chúng khu 2 thành phố cùng lực lượng vũ trang diệt 120 tên công an, tề ác ôn. Quần chúng xã Trung An vây 6 đồn, bức hàng 1, diệt 2, bức rút 3, thu 23 khẩu súng, phá sạch hệ thống “ấp tân sinh”.

Quần chúng ở các khu 1, 4, Đạo Thạnh, Tân Mỹ Chánh nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang quét sạch hệ thống “ấp tân sinh”, giải phóng 2 xã Đạo Thạnh và Mỹ Phong.

Phối hợp với lực lượng tiến công và nổi dậy trong thành phố Mỹ Tho, các huyện của tỉnh Mỹ Tho đã huy động hàng ngàn quần chúng cùng dân quân, du kích và công binh quân khu phá lộ 4 từ Cái Bè đến Châu Thành, đánh sập các cầu An Hữu, Bà Tồn, Đông Hòa, Dưỡng Điềm, cầu Rượu, cắt đứt giao thông trên lộ từ ngày 1 đến ngày 16 tháng 8 năm 1968.

Chiến đoàn 1 và 2 sau khi rút ra khỏi nội ô thành phố Mỹ Tho được lệnh đứng chân trên các xã ven thành phố, vừa chuẩn bị cho cao điểm, vừa đánh địch phản kích.

Sáng ngày 5 tháng 2 năm 1968, bọn Mỹ đánh vào xã Long An. Tiểu đoàn 263B và Đại đội đặc công 512 bắn cháy 4 xe M113, chúng hoảng hốt rút chạy, bỏ lại 7 xe. Chúng đổ tiếp 1 tiểu đoàn, ta bắn rơi 7 trực thăng.



Quân giải phóng chiếm xe tăng địch giữa lòng thành phố Mỹ Tho
trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:46:56 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #135 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2014, 09:04:41 pm »

Trong thời gian này, tỉnh Mỹ Tho thành lập Tiểu đoàn 514C phụ trách trọng điểm của tỉnh là thị trấn Cai Lậy.

Ngày 10 tháng 2 năm 1968, Tiểu đoàn 514C đánh 1 tiểu đoàn của Sư đoàn 7 ngụy càn vào Tân Hội gần Cai Lậy diệt 100 tên, phá hủy 5 xe M113.

Đến đây, cao điểm 1 Mỹ Tho kết thúc. Trong cao điểm 1, bộ đội và quần chúng đã tiến công địch rất anh dũng, diệt được nhiều Mỹ - ngụy, chiếm được một phần thành phố Mỹ Tho trong một thời gian, phát động được quần chúng nổi dậy ở một số nơi. Nhưng không đạt yêu cầu đặt ra trong kế hoạch.

Sau cao điểm 1, Thường vụ Khu ủy được Trung ương Cục và Quân ủy Miền chấp thuận cho thành lập 2 trung đoàn 1 và 2 trên cơ sở các đơn vị của 2 chiến đoàn. Trung đoàn 1 gồm các tiểu đoàn 261A, 261B, 265B. Trung đoàn 2 gồm các tiểu đoàn 263B, 267B, 514A.

Vào cao điểm 2, kế hoạch của ta là tấn công tiếp vào thành phố Mỹ Tho. Nhưng đến giờ chót phải bỏ kế hoạch vì địch tăng cường phòng thủ rất chặt. Đêm 17 tháng 2 năm 1968, một bộ phận của Tiểu đoàn 514A thọc sâu vào tuyến phòng thủ hướng đông thành phố diệt lô cốt cầu Quay, bắn cháy 1 xe M113, bắn cháy một tàu trên sông Bảo Định và đánh sập một góc nhà máy điện thành phố. Cùng đêm, ở Cai Lậy, Tiểu đoàn 514 C tiến công chi khu, chiếm được một số khu vực nhưng rồi cũng phải rút ra. Công binh, du kích và quần chúng đắp mô, đặt chướng ngại tiếp tục cắt đứt giao thông trên lộ 4 cho đến ngày 21 tháng 2 năm 1968.

Từ ngày 19 đến 29 tháng 2 năm 1968, địch phản kích vào các xã Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Thanh Bình, Mỹ Tịnh An ven thành phố Mỹ Tho. Trung đoàn 1 và 2 đánh diệt 300 tên, 35 xe M113.

Địch chốt nhà dân, giết người trong thành phố Mỹ Tho đã gây xúc động mạnh trong đồng bào, công chức, binh sĩ ngụy và trong tín đồ các tôn giáo.

Đồng chí Nguyễn Văn Chim - Trưởng phân ban Khu ủy chỉ đạo Thành ủy Mỹ Tho vận động nhân dân giúp đỡ nạn nhân, đấu tranh tố cáo, đòi địch bồi thường.

Lực lượng tấn công chính trị của đội quân tóc dài gồm hơn 5.0900 người từ các vùng ven kết hợp với quần chúng trong nội ô kéo đến dinh tỉnh trưởng và Bộ tư lệnh Sư đoàn 7 ngụy đấu tranh trực diện, đòi địch không được bắn pháo. Quần chúng mang theo cả mảnh pháo để làm bằng chứng. Nhân dân trong nội ô đấu tranh chống khám xét, chống lo tiền để nhận phiếu cứu trợ “nạn nhân chiến cuộc”.

Tại các vùng nông thôn Mỹ Tho, cuộc tấn công và nổi dậy đã diễn ra ở nhiều nơi thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành. Trong thời gian 20 ngày của tháng 2 năm 1968, quân địa phương huyện và du kích xã đã hỗ trợ quần chúng san bằng 94 đồn, giải phóng hoàn toàn 12 xã. Hơn một nửa binh sĩ bỏ súng về nhà.

Đêm 3 tháng 3 năm 1968, ý định của ta là công đồn, diệt viện ở trọng điểm 1 và cao điểm 3. Ta đánh thiệt hại 2 đồn ở Đạo Thạnh. Trung đoàn 2 tổ chức phục kích từ Đạo Thạnh đến Phú Kiết để tiêu diệt 1 tiểu đoàn và từ 1 đến 2 chi đoàn xe M113 địch đến chi viện. Nhưng địch không ra. Đến tối, Tiểu đoàn 514A thọc sâu vào khu 2 đánh Ty Chiêu hồi, lô cốt cầu Quay, diệt 30 tên. Biệt động thành phố đánh căn cứ Mỹ Châu, Phúc Liêm, Ty Cảnh sát, diệt hàng chục tên địch.

Đêm 7 tháng 3 năm 1968, 2 tiểu đoàn của Sư đoàn 7 ngụy và tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy đánh vào xã Mỹ Tịnh An. Tiểu đoàn 514A bắn rơi 1 trực thăng và diệt 50 tên địch. Sáng ngày 8 tháng 3 năm 1968, địch dùng trực thăng đổ 1 tiểu đoàn quân ngụy xuống xã Long Bình Điền - Chợ Gạo trước đội hình đóng quân của Trung đoàn 2 và trung đội an ninh vũ trang của Khu. Ta bắn rơi tại chỗ 9 trực thăng, 2 chiếc bị thương bay về Mỹ Tho bị rớt dọc đường. Địch chết, bị thương hàng trăm tên. Các cụm pháo địch (kể cả pháo hạm Mỹ) bắn vào trận địa khoảng 6.000 trái pháo, sáng ngày hôm sau mới rút. Vào lúc 21 giờ ngày 8 tháng 3, khẩu đội cối 82 của thành đội Mỹ Tho bắn ra pháo hạm Mỹ đang đậu tại vàm Kỳ Hôn - Chợ Gạo trong lúc giàn pháo trên hạm đang bắn vào trận địa ở Long Bình Điền. Đạn cối rớt trúng pháo Mỹ trên hạm, đạn nổ dữ dội suốt đêm ngày 8 tháng 9 tháng 3, hủy diệt toàn bộ quân Mỹ cùng với súng đạn, phương tiện chiến tranh trên pháo hạm. Ba chiếc tàu nhỏ đậu chung quanh bảo vệ pháo hạm cũng bị hỏng nặng, chúng phải rút chạy. Sáng ra, đồng bào các xã Xuân Đông, Hòa Tịnh - Chợ Gạo bơi xuồng ra chiến hạm để thu chiến lợi phẩm, địch đã bị diệt sạch, chiếc pháo hạm đã bị đạn pháo nổ phá hủy nhưng chưa chìm. Hai trận này ta thắng lớn.

Đến đây chấm dứt cao điểm 3, cũng là chất dứt đợt 1 ở trọng điểm 1.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #136 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2014, 09:05:04 pm »

Trọng điểm 2 - thị xã Gò Công

Để chuẩn bị cho trận tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Khu ủy chỉ định hai Khu ủy viên (Ngọc Việt và Võ Văn Thanh) và một số tỉnh ủy viên của Mỹ Tho thành lập Phân ban Tỉnh ủy Gò Công kiêm Ban chỉ đạo. Tháng 10-1967, đoàn đã đứng chân tại xã Bình Xuân, cách thị xã 3 kilômét. Quyết tâm của Ban chỉ đạo và Huyện ủy Gò Công Đông, Huyện ủy Hòa Đồng, Thị ủy là tập trung xây dựng Tiểu đoàn 514B, đơn vị 207 (biệt động thị xã); bổ sung cho 2 đại đội 206, 305 quân địa phương hai huyện đủ quân số và trang bị mạnh. Du kích xã từ 2A đến 1B, tiến hành nghiên cứu các mục tiêu quân sự sẽ đánh chiếm, đối tượng của khởi nghĩa tiêu diệt ác ôn tại thị xã và hai thị trấn và cả các đồn và lô cốt trục lộ giao thông 24 và số 5. Tích cực vận chuyển vũ khí và đạn dược. Vận động tài chính gây “quỹ tổng tiến công”. Khẩu hiệu động viên quần chúng là: “Cơ hội ngàn năm có một”. Khí thế cách mạng sôi sục trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã tạo nên kết quả hai tháng đầu: quân số đủ, tài chính có hàng triệu đồng. Nhưng đến giờ chót, rà lại các mục tiêu để xác định quyết tâm tấn công thì các mục tiêu khởi nghĩa không bám được. Thực tế cho thấy khả năng 1: tiêu diệt cơ quan đầu não của địch và đánh chiếm thị xã không đạt được. Quyết tâm của trọng điểm 2 là: đánh thiệt hại nặng tiểu khu, tỉnh đoàn bảo an, dinh tỉnh trưởng, phá khám Gò Công giải thoát anh em tù chính trị và đồng bào, cắt điện một số giờ để gây hoang mang cho địch; cắt giao thông, diệt đồn, phá cầu lộ 24 và số 5; chặn đánh chi viện cho Mỹ Tho và Sài Gòn; tạo thế vây ép thị xã, đánh quân phản kích ra vùng ven để tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Ở hai thị trấn Hòa Đồng và Tân Tây thì pháo kích vào cơ quan đầu não quận, diệt ác ôn bên trong.

Diễn biến tiến công ngày N giờ G:

Gò Công nhận được lệnh hồi 12 giờ trưa ba mươi Tết. Lệnh nổ súng tấn công vào 2 giờ sáng mồng 2 Tết. Do lực lượng đánh vào thị xã, nhất là Tiểu đoàn 514B không kịp về nên ngày mồng 2 chỉ có các thị trấn, thị tứ, các xã đồng loạt tấn công vào mục tiêu. Tiểu đoàn 514B đang đóng quân ở Vĩnh Hựu, tấn công vào Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 12 bộ binh của địch đóng ở bến đò Cá Chốt (xã Long Hựu) diệt 40 tên giặc, sau đó chuyển quân về tập kết để đánh vào thị xã Gò Công. Ngày mồng 6 Tết, toàn bộ lực lượng từ Bình Xuân tấn công vào thị xã.

Theo kế hoạch, cánh quân thứ nhất, gồm Tiểu đoàn 514B, các Đại đội 206, 207, công an vũ trang, đặc công, chia làm 3 mũi. Mũi thứ nhất, cặp lộ 5 đánh bốt cảnh sát, tiến vào phía sau dinh tỉnh trưởng. Mũi thứ hai, vào hướng nhà thờ, tấn công phá khám lớn, đánh Tiểu khu, đồng thời tiến công phía trước dinh tỉnh trưởng. Mũi thứ ba, án ngữ sân bay và chặn đánh Đại đội bảo an 882 của địch. Cánh quân mũi thứ hai là đơn vị 305, tấn công ấp chiến lược Long Mỹ, sang kho dầu, căng kéo địch, tạo điều kiện cho mũi thứ nhất tấn công dinh tỉnh trưởng.

Vào lúc 22 giờ, mũi tấn công thứ nhất của ta bắn cối đồng loạt vào các mục tiêu tiểu khu, dinh tỉnh trưởng. bi ta bám sát mục tiêu, dùng B40 diệt các ổ đề kháng. Địch co cụm cố thủ. Đại đội bảo an 882 bỏ chạy. Cảnh sát dã chiến và xe bọc thép tập trung hỏa lực mạnh bảo vệ dinh tỉnh trưởng. Ta không chuyển kịp đạn B41 vào để đánh xe bọc thép nên bộ binh ta không vào được dinh tỉnh trưởng (tên tỉnh trưởng đêm ấy phải chạy sang bệnh viện, đóng giả làm bệnh nhân). Mũi thứ hai tấn công khám lớn, tiêu diệt bọn lính gác. Dùng súng AK bắn vỡ ổ khóa, tung xiềng, mở cửa giải thoát tất cả 200 tù chính trị. Một số anh em tù chính trị gia nhập các đơn vị vũ trang. Số còn lại đưa về căn cứ Bình Xuân an toàn. Tiếp đó mũi thứ hai đánh vào kho dầu, hoàn thành nhiệm vụ.

Từ 1 giờ đến 3 giờ sáng, các mũi tiến công của ta đều chiến đấu giằng co với địch. Ba giờ sáng, sở chỉ huy ra lệnh rút về xóm Non, xã Tân Trung sẵn sàng đánh quân giặc phản kích.

Cùng đêm, tại Hòa Đồng, ta pháo kích các mục tiêu đầu não thị trấn: biệt động đánh vào ấp Thượng diệt tên chủ ấp ác ôn.

Mười một giờ sáng mồng 7 Tết, Liên đoàn bảo an Gò Công, được sự yểm trợ xe bọc thép, các cụm pháo Tân Tây, Tăng Hòa, Hòa Đồng, phản kích bộ đội ta tại xóm Non. Ta chống phản kích, diệt hàng trăm tên địch, trong đó có tên Thiếu tá, Phó tỉnh trưởng phụ trách an ninh.

Sau khi cắt giao thông, Tiểu đoàn 514B đánh địch tại cầu Long Chánh (lộ 24), Đại đội 206 đánh đồn Sơn Quy (lộ 5), vì không diệt gọn bốt, nên ta không phá được cầu Sơn Quy.

Vào cao điểm 2 đợt A, đơn vị cối 82 thị trấn Hòa Đồng pháo kích, diệt tên quận trưởng Nguyễn Văn Tiên.

Ngày 22 và 23 tháng 4 năm 1968, Tiểu đoàn 514A và an ninh vũ trang tỉnh đánh phản kích 2 tiểu đoàn bộ binh địch có xe M113 yểm trợ thọc sâu vào cứ điểm của Phân ban Tỉnh ủy và Ban chỉ huy quân sự tại hai xã Thành Công và Bình Xuân. Kết quả ta bẻ gãy cuộc phản kích, tiêu diệt 2 đại đội địch, bắn cháy 1 xe M113.

Ngày 24 tháng 4 năm 1968, đơn vị 206 Gò Công đánh địch càn quét tại xã Bình Ân và Tân Bình Điền, tiêu diệt 1 trung đội bảo an địch.

Ngày 25 tháng 4 năm 1968, đơn vị 207 thị xã Gò Công đánh đoàn bình định địch ở ấp Bà Phó.

Ta kết thúc đợt A.

Đợt B, ta đã có kế hoạch điều tra nghiên cứu kĩ một số mục tiêu trong thị xã, nhưng không tấn công được, vì lực lượng Tiểu đoàn 514B bị giảm sức chiến đấu, đang phải củng cố và phải tập trung đối phó với bọn địch đang triển khai bình định trọng điểm theo chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở Gò Công khẩn cấp.

Đánh giá về tổng tiến công Xuân Mậu Thân ở trọng điểm 2: Trọng điểm 2 đã thực hiện quyết tâm chiến lược rất chính xác, phù hợp thực tế và khả năng chiến trường. Tuy tấn công chậm mấy ngày, yếu tốt bất ngờ không còn, nhưng Phân ban Tỉnh ủy nhận định về thời cơ đúng, kiên quyết và quyết tâm tiến công địch cao, giành thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ của Khu ủy giao.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #137 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2014, 09:06:28 pm »

Ở Bến Tre, tại thị xã địch có 4 tiểu đoàn của Trung đoàn 10 thuộc Sư đoàn 7 ngụy, 9 đại đội bảo an và 1 tiểu đoàn pháo binh, dưới sông có tàu tuần giang. Địch bố trí phòng thủ thị xã chặt chẽ. Trong toàn tỉnh Bến Tre, địch có 13.118 tên, có 4 tiểu đoàn bộ binh chủ lực ngụy, ngoài ra là lực lượng bảo an dân vệ, công an, cảnh sát…

Về phía ta, lực lượng tấn công thị xã có 4 tiểu đoàn bộ binh: 516, 2, 3, 4, và đại đội binh chủng của tỉnh, tổ chức thành 1 trung đoàn. Thị xã có 1 đại đội bộ binh và 1 trung đội biệt động. Ngoài ra, tỉnh còn đưa vào thị xã 7 tiểu đoàn quân du kích và lực lượng nổi dậy 10.000 người tổ chức thành nhiều trung đoàn. ở các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, mỗi huyện có 1 tiểu đoàn bộ binh (thiếu). Các huyện khác có đại đội. Mỗi huyện lại có tiểu đoàn quân du kích, riêng huyện Mỏ Cày có 2 tiểu đoàn quân du kích và 1 đại đội liên quân du kích.

Tính chung trong toàn tỉnh, lực lượng quần chúng của đội quân tóc dài được huy động là 22.000 người, tổ chức thành 6 trung đoàn.

Thường vụ Khu ủy phân công đồng chí Nguyễn Văn Khước - Khu ủy viên đôn đốc, chỉ đạo tiến công thị xã Bến Tre.



Đồng chí Nguyễn Văn Khước

Hướng tiến công chính vào thị xã Bến Tre là hướng nam. Hướng này có con sông Bến Tre ngăn cách nhưng đảm bảo được yếu tố bí mật, bất ngờ. Khi vượt được sông thì đã tiếp cận được mục tiêu chủ yếu là dinh tỉnh trưởng.

Đêm 28 rạng ngày 29 tháng 1 năm 1968, các đơn vị của Bến Tre được lệnh hành quân đến địa điểm tập kết. Lực lượng của hướng chủ yếu gồm Tiểu đoàn 516, 1 đại đội đặc công bộ, 2 trung đội đặc công nước, 1 cối 120, 2 cối 82, 2 DK75, 3 pháo 70; tất cả đều có mặt tại xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, cách thị xã 7 kilômét về hướng nam. Lực lượng hướng thứ yếu 1 gồm có: Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 4 và 1 đại đội đặc công bộ; đóng tại Hữu Định, huyện Châu Thành, cách thị xã 5 kilômét về hướng đông. Lực lượng hướng thứ yếu 2 gồm có; Tiểu đoàn 2 bộ binh, 1 đại đội đặc công; đóng tại các xã Tam Phước, Tường Đa, huyện Châu Thành, cách thị xã 8 kilômét về hướng tây bắc.

Trong lúc bộ đội ta áp sát thị xã thì 15 giờ ngày 31 tháng 1 năm 1968, Tỉnh trưởng Kiến Hòa được thông báo của bọn ngụy ở Sài Gòn cho biết Việt cộng đã tràn ngập từ Buôn Ma Thuột trở ra Quảng Trị nên phải đề phòng.

Hai mươi hai giờ đêm 31 tháng 1 năm 1968, các lực lượng ta chiếm lĩnh vị trí chiến đấu.

Đúng 1 giờ ngày 1 tháng 2 năm 1968, cùng lúc với Mỹ Tho, cụm hỏa lực ở hướng chủ yếu bắn vào trung tâm sở chỉ huy hành quân của Trung đoàn 10 Sư đoàn 7 ngụy và Tỉnh đoàn bảo an. Trung đội đặc công nước ém quân sẵn tại bờ bắc sông Bến Tre nhanh chóng đánh chiếm trại Đinh Tiên Hoàng (bãi quân xa), diệt 6 xe thiết giáp và giữ đầu cầu cho Tiểu đoàn 516 vượt sông.

Tiểu đoàn 516 có nhiệm vụ đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, sang sông bằng 70 chiếc ghe. Mũi thứ nhất vượt sông cách Bến Lở 100 mét. Ta vừa đánh tàu địch, vừa vượt sông. Chiếm được bờ bắc, Tiểu đoàn tiến theo đường Hùng Vương đến Bến Lở. Địch trong dinh tỉnh trưởng bắn ra ác liệt. Mũi thứ hai vượt sông, tiến theo đường Nguyễn Huệ diệt 1 số bốt, lô cốt, đánh thiệt hại nặng Đại đội bảo an 289 và trung đội dân vệ tại cầu Cá Lóc. Quân địch chiếm các cao điểm trên đường Phan Thanh Giản, dùng trọng liên, đại liên, cối 60 bắn chặn ta. Các đại đội của Tiểu đoàn 516 phải phân tán thành trung đội, tiểu đội, lợi dụng từng dãy nhà, góc phố chiến đấu với địch. Như vậy là Tiểu đoàn đã không đánh chiếm được mục tiêu chủ yếu là dinh tỉnh trưởng vì đã mất yếu tố tấn công bất ngờ.

Các đơn vị ở hướng thứ yếu 2 do một tổ nữ vũ trang dẫn đường từ Bình Phú vào thị xã, có nhiệm vụ hợp đồng chiến đấu với Tiểu đoàn 516. Vào gần tới nội ô, tổ dẫn đường hi sinh hết. Tiểu đoàn 2 bị lạc hướng. Cùng lúc, ở hướng thứ yếu 1, Tiểu đoàn 3 và 2 trung đội đặc công bộ chia thành 2 mũi, một mũi đánh tiêu hao nặng Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 10 Sư đoàn 7 ngụy tại sân bóng đá cùng với trận địa pháo; mũi còn lại đánh chiếm được một góc sở chỉ huy Trung đoàn 10 sư đoàn 7 ngụy và đánh hỏng đài phát thanh. Tiểu đoàn 4 bí mật tiếp cận bao vây, đánh tiêu hao nặng 1 đại đội của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 10 Sư đoàn 7 ngụy tại vườn ươm cầu Bà Mụ. Hai trung đội đặc công tập kích sân bay Tân Thành, phá hủy 4 máy bay, diệt trận địa pháo.

5 giờ sáng ngày 1 tháng 2 năm 1968, tất cả các cánh, các mũi đồng loạt nổ súng. Đại đội đặc công đánh chiếm hoàn toàn sở chỉ huy Trung đoàn 10 Sư đoàn 7 ngụy, giết chết tên trung tá Trung đoàn trưởng, phá hủy 3 xe quân sự. Ta truy lùng, bắt sống được tên trung tá công binh. Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 10 Sư đoàn 7 ngụy từ Mỹ Hóa đánh vào thị xã để giải vây cho dinh tỉnh trưởng, bị chặn đánh tại cầu Cái Cá. Trận đánh rất ác liệt. Chúng xông lên hàng chục đợt đều bị đẩy lùi. Đêm đến, ta làm chủ hầu hết thị xã, bao vây chặt dinh tỉnh trưởng.

Ngày 2 tháng 2 năm 1968, pháo hạm Mỹ đậu trên sông Hàm Luông và pháo từ căn cứ Bình Đức - Mỹ Tho bắn vào nội ô thị xã, các loại máy bay ném bom và trực thăng bắn phá, hủy diệt khu chợ Bến Tre làm cho hơn 300 đồng bào chết và bị thương. Cũng ngày đó Tiểu đoàn 516 diệt 1 đại đội bảo an từ cầu Rạch Vông rút chạy về thị xã.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:49:12 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #138 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2014, 09:08:59 pm »

Ngày 3 tháng 2 năm 1968, lực lượng ta vẫn bám các khu vực trong thị xã. Công an vũ trang, tự vệ mật, cán bộ cơ sở lùng quét bộ máy kìm kẹp của chúng. Buổi chiều, Tiểu đoàn 516 đánh chiếm tỉnh đoàn bảo an, phá hủy kho súng trên 1.000 khẩu. Địch tiếp tục dùng máy bay, pháo bắn hủy diệt hầu hết các khu phố. Trực thăng chở một tiểu đoàn Mỹ từ Mỹ Tho sang, định đổ xuống sân bóng. Bộ đội phòng không ta bắn bị thương 1 chiếc, chúng phải quay lên sây bay Tân Thành. Tin trinh sát kỹ thuật cho biết, chúng sẽ đưa thêm 1 tiểu đoàn Mỹ nữa đến. Lúc này ta chưa có khả năng chiếm ngay dinh tỉnh trưởng. Ban chỉ huy chiến dịch quyết định rút các tiểu đoàn bộ binh và các đại đội binh chủng ra ngoại ô lập trận địa đánh quân Mỹ, chỉ để lại nội ô một bộ phận gọn nhẹ kìm chân địch.

Bảy giờ sáng ngày 4 tháng 2 năm 1968, trực thăng chở 1 tiểu đoàn Mỹ từ Mỹ Tho sang đổ quân đánh xuống cánh đồng Cây Đa, xã Phú Hưng. Tiểu đoàn Mỹ từ sân bay Tân Thành chia thành nhiều mũi tiến xuống thị xã. Chúng bị bộ đội đặc công và du kích đánh chặn dọc đường, tới 11 giờ chúng mới đến được nội ô. Sau đó, chúng chia thành nhiều mũi, hành quân qua cầu Cá Lóc trên tỉnh lộ 26. Khi đến cách cầu Gò Đàng 500 mét, 1 đại đội Mỹ lọt vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 516, bị diệt gọn. 16 giờ, Tiểu đoàn Mỹ từ Phú Hưng hành quân lên thị xã. Đến cầu Cá Lóc, chúng bị Tiểu đoàn 516 và 1 trung đội của Tiểu đoàn 4 đánh thiệt hại nặng.



Đồng bào thị xã Bến Tre chuyển chiến lợi phẩm ra vùng giải phóng (năm 1968)

Tại vùng ven thị xã và huyện Châu Thành, bộ đội kết hợp với lực lượng chính trị, binh vận và du kích bức hàng, bức rút các đồn Phú Tự, Cây Đa, Chợ Giữa, Thầy Cai, Sơn Đông, Bình Phú, Mỹ Thành, Vàm Cái Sơn. Ta làm chủ một đoạn dài trên lộ 27 từ Thành Triệu đến xã Sơn Đông. Du kích và đặc công diệt đồn cống số 2, cống số 3, cắt đứt liên tỉnh lộ 6A từ thị xã Bến Tre đi Mỹ Tho.

Tại thị trấn Mỏ Cày, trong đêm 31 tháng 1 rạng ngày 1 tháng 2 năm 1968, đại đội địa phương và trung đội đặc công huyện diệt đồn Việt Hoa. Dân vệ đồn Cầu Chợ bỏ chạy. Ta chiếm Trường trung học Hàm Luông, chọc thủng tuyến phòng ngự ngoài chi khu. 7 giờ sáng, đại đội bảo an do tên quận trưởng Mỏ Cày chỉ huy bung ra phản kích, bị chặn đánh tại ngã ba Thom, tên quận trưởng và 1 trung đội bị diệt, số còn lại tháo chạy. Ta tiến vào chiếm công sở ở Đa Phước Hội và làm chủ chợ Mỏ Cày. Địch bị dồn vào chi khu. Quần chúng, du kích rào đường, đắp ụ trên các trục giao thông vào chi khu. Buổi chiều ngày 2 tháng 2 năm 1968, 200 quần chúng họp mít tinh mừng chiến thắng tại chợ Mỏ Cày.

Ngày 3 tháng 2 năm 1968, Đại đội liên quân du kích chuyển thành Đại đội 2 cùng 2 tiểu đoàn quân du kích đào chiến hào dài 1 kilômét từ ngã ba Thom qua Giồng Giữa để ép địch. Sáng ngày 4 tháng 7 năm 1968, ta diệt đại đội bảo an chi khu bung ra phản kích. Trong trận này, bom pháo địch rất ác liệt, đã làm cho hơn 50 đồng bào chết và bị thương. Bộ đội ta đã bám trụ, liên tục chiến đấu, làm chủ thị trấn trong 7 ngày đêm.

Huyện Chợ Lách nằm trên chót mỏm cù lao Minh. Phần lớn dân là tín đồ các tôn giáo Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo. Đồn bốt địch dày đặc, mỗi xã chúng lập tới 3 - 4 “ấp tân sinh”. Lực lượng địch có tới 1.000 tên, gồm bảo an, dân vệ, biệt kích là người địa phương. Quần chúng bị địch kìm kẹp. Lực lượng cơ sở của ta yếu. Để chuẩn bị cho tổng công kích, huyện đã tích cực nối lại các cơ sở và tổ chức lực lượng vũ trang. Huyện đưa được về tỉnh 1 đại đội bộ binh, 1 trung đội đặc công, ngoài ra còn xây dựng cho huyện được 1 trung đội bộ binh, 1 tiểu đội trinh sát đặc công. Các xã trong huyện, mỗi xã đã xây dựng được từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội du kích.

Đồn Cái Mít thuộc xã Sơn Định được chọn làm trọng điểm của cuộc tiến công. Đồn này cách thị trấn 600 mét, trong đồn ta có 2 nội tuyến. 7 giờ sáng ngày 1 tháng 2 năm 1968, ta tổ chức dụ tên đồn trưởng ra ngoài ăn tiệc và bắn chết. Tiểu đội vũ trang nổ súng vào đồn. Quần chúng, có cả gia đình binh sĩ, nổi trống mõ áp đảo, bao vây đồn. Sau 2 giờ bao vây, địch đầu hàng. Chúng nộp 14 khẩu súng. Đến 1 giờ chiều, cũng bằng cách đó, quân và dân ta buộc địch ở đồn Phú Thuận và Phú Hiệp phải đầu hàng. Đồn thuộc khu vực công sở, do dân vệ đóng, đang hoảng sợ thì em Cam (15 tuổi) đưa gia đình binh sĩ vào đồn giải thích chính sách của Mặt trận, kết hợp với bên ngoài kêu gọi, toàn bộ 15 tên ra hàng. Bọn ở các đồn Cây Bàng, Cây Đa, Đình Thiếc bỏ chạy.

Đêm 3 tháng 2 năm 1968, 100 quần chúng và gia đình binh sĩ kết hợp với du kích và 1 tiểu đội quân địa phương bao vây công sở xã Phú Phụng, bắn chết tên cảnh sát ác ôn. Tề, dân vệ ra hàng, nộp 23 khẩu súng. Xã Phú Phụng được giải phóng.

Ngày 3, 4 tháng 2 năm 1968, các đồn thuộc công sở Vĩnh Bình, Hưng Nhơn, Bình Thạnh, Hòa Thanh, Cây Cuôi, Vàm Cống, Tân Bường, Tân An, Thới Lộ, Song Lân bị bức hàng, bức rút. Tề và dân vệ xã Hòa Bình Phước rút chạy sang cù lao Tân Phong trên sông Tiền. Cơ sở binh vận, quần chúng, gia đình binh sĩ bám sát kêu gọi. Chúng quay về, nộp 80 khẩu súng. Ở xã Đồng Phú, bọn dân vệ tập trung ở công sở tới 76 tên, ta tấn công hai lần không diệt được. Nữ đồng chí Tám Phụng - Huyện ủy viên, Bí thư xã trực tiếp vận động vợ 3 tên ác ôn chỉ huy nhóm dân vệ cùng 30 gia đình binh sĩ vào đồn kêu gọi chúng. Một tiểu đội vũ trang và 200 quần chúng bên ngoài tổ chức nghi binh hù dọa. Sau 7 ngày đêm bị bao vây, chúng ra hàng. Xã Đồng Phú được giải phóng.

Trong 10 ngày đêm tiến công, nổi dậy, huyện Chợ Lách đã giải phóng hoàn toàn 4 xã, 25 ấp; bức rút, bức hàng 70 đồn bốt, công sở; giết và làm bị thương 19 tên, trong đó có 2 tên Mỹ, gọi hàng 335 tên; thu được 143 khẩu súng. Kể từ năm 1954, đây là cuộc tiến công, nổi dậy đầu tiên của huyện Chợ Lách. Kinh nghiệm của huyện Chợ Lách đã làm phong phú thêm bài học về phương thức tiến công bàng ba mũi giáp công ở vùng sâu.

Kết thúc đợt 1, Bến Tre chưa dứt điểm được việc giải phóng thị xã nhưng đã tiêu hao được nhiều sinh lực địch, giải phóng vành đai, hình thành thế bao vây thị xã, làm tan rã phần lớn bộ máy kìm kẹp từ tỉnh đến xã, ấp, mở rộng vùng giải phóng, làm chủ nhiều đoạn giao thông thủy, bộ.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:49:49 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #139 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2014, 09:09:33 pm »

Tại Kiến Tường địch có 1 tiểu đoàn bộ binh của Sư đoàn 7 ngụy, 9 đại đội bảo an, 25 trung đội dân vệ, 2 trung đội biệt kích, 1 trung đội trinh sát, 1 đại đội cơ giới, 3 trung đội pháo và 1 đại đội tuần giang.

Nhiệm vụ của Kiến Tường trong tổng công kích - tổng khởi nghĩa là dứt điểm thị xã Mộc Hóa, giải phóng phần lớn nông thôn, bảo đảm hành lang vận chuyển từ Khu xuống các tỉnh và ngược lại. Để chuẩn bị, tỉnh đã củng cố, bổ sung đủ quân số cho Tiểu đoàn 504, các đại đội của các vùng, 3 đại đội đặc công, trung đội công binh, trung đội biệt động thường xuyên, trung đội thông tin…

Tỉnh đang gấp rút triển khai các mặt công tác, vì chỉ còn 48 tiếng đồng hồ nữa là đến giờ nổ súng thì có lệnh của quân khu điều Tiểu đoàn 504 đi làm lực lượng dự bị cho Khu. Tỉnh phải tổ chức một lực lượng mới. Tiểu đoàn 504B được gấp rút thành lập, rút từ bộ đội các vùng, du kích xã và chỉ gồm 2 đại đội bộ binh. Ở những vùng phải rút bớt lực lượng để thành lập Tiểu đoàn 504B, tỉnh chỉ đạo rút du kích lập lại đại đội bộ binh. Các vùng được phép sử dụng hết các cơ sở nội tuyến, cơ sở chính trị hợp pháp cho trận đánh quyết định, không còn mai phục như trước nữa. Các xã Bình Hòa, Bình Phong Thạnh, Hưng Điền được chỉ đạo tổ chức lực lượng tấn công chính trị của đội quân tóc dài 1.500 người, tập kết sẵn sàng ở phía đông thị xã.

Ngày 31 tháng 1 năm 1968, các đơn vị tỉnh cùng hàng nghìn quần chúng hành quân đến các điểm tập kết. Do hành quân xa trên 10 kilômét và phải bơi qua sông Vàm Cỏ Tây nên đến 5 giờ sáng ngày 1 tháng 2 năm 1968, các lực lượng hướng chủ yếu ở phía đông thị xã vẫn chưa tiếp cận được mục tiêu, phải quay lại. Trong khi đó, các lực lượng phía tây đã bám được mục tiêu nhưng vì phía đông đã rút nên cũng phải rút. Trên đường về Bắc Chan, các đồng chí phải dừng lại đánh phản kích suốt ngày và bị tiêu hao.

Bốn giờ sáng ngày 2 tháng 2 năm 1968, ta tiếp tục tiến công thị xã, lực lượng cánh đông đã tiếp cận được và nổ súng. Các đồng chí vượt qua cửa đông, đại đội đặc công lướt qua nhà lao đến dinh tỉnh trưởng và tòa hành chính. Tuy đã phòng bị nhưng địch không chống cự nổi, phải tháo chạy về cầu Cá Rô. Một số địch đầu hàng. Nhưng, ngược lại với ngày hôm trước, cánh phía tây của ta lại chưa vào được. Đến sáng rõ, địch nắm được tình hình, tổ chức phản kích. Chúng có xe thiết giáp yểm trợ nên đã từng bước đẩy lùi lực lượng của ta ở cánh phía đông. Ta không còn đạn đánh xe thiết giáp nên chống phản kích kém hiệu quả. Đến 10 giờ sáng, ta phải rút lui. Đại đội đặc công hi sinh và bị bắt gần hết. Bộ binh cũng bị thương vong nặng.

Cánh phía tây mãi đến 5 giờ sáng mới vào được đến cầu Cá Rô. Thoạt đầu địch bỏ chạy. Khi thấy cánh đông của ta bị tê liệt, chúng tổ chức phản kích, ta phải rút lui. Cộng cả 2 cánh, địch chết và bị thương hơn 100 tên, nhưng ta bị thương vong 80 cán bộ, chiến sĩ.

Do tấn công quân sự không thắng lợi nên mũi chính trị, binh vận hoạt động không kết quả. Ta cho lực lượng rút về Băng Chăng.

Ở thị trấn Kiến Bình, ta pháo kích vào chi khu và đánh giao thông trên lộ 29. Ở Long Khốt, ta pháo kích vào dinh quận, phá trụ sở 3 ấp. Ở Tuyên Nhơn, ta nổ súng tiến công vào thị trấn nhưng không vào được nên phải rút lui. Ở các vùng 4, 6, 8, ta nổ súng tiến công diệt được một số địch.

Cao điểm 1 của đợt 1 ở Kiến Tường hoạt động chưa có hiệu quả, lực lượng vũ trang bị thiệt hại nặng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM