Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:31:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khu VIII - Trung Nam Bộ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)  (Đọc 94480 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #70 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2013, 09:20:37 am »

9 giờ 30, một đoàn trực thăng 10 chiếc H21 từ hướng sân bay Thân Cửu Nghĩa, bay dọc theo phía bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp ngoặt về hướng nam đến Ấp Bắc, bay trước tiền duyên đại đội. Trực thăng hạ cánh ngay trước công sự tiền duyên, cách khoảng 150 đến 200 mét. Đại đội trưởng Bảy Đen ra lệnh toàn đại đội nhằm vào trực thăng sẵn sàng nhả đạn. Đại liên nổ lệnh, đạn bị lép, phải thông nòng mới nổ giòn, chậm mất 3 giây. Cả đại đội tập trung hỏa lực mạnh vào 6 trực thăng đáp xuống sau. Cả 6 chiếc đều trúng đạn, 3 chiếc cháy tại chỗ, hai chiếc cố bay lên rồi rơi ở Cà Dâm và Bầu Rô. Số còn lại không dám hạ xuống đổ quân mà bay đảo trước trận địa, rồi chuồn thẳng. Ba chiếc xuống trước vừa kịp đổ, lúc đại liên bị kẹt đạn cũng vội vã cất cánh tẩu thoát.

Trừ số chết và bị thương trong trực thăng, số còn lại của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 11 Sư đoàn 7 ngụy vừa đỗ xuống, nhảy ra, chạy tán loạn về phía sau hợp với số đổ sau, xa hơn ở khoảng ruộng lúa ngập nước, nằm mọp xuống sau những bờ mẫu. Pháo binh địch bắn tới tấp như mưa, đại đội của ta không xuất kích được, chỉ đứng trong công sự bắn đuổi theo và cho cối 60 bắn vào những tên còn núp sau những chiếc trực thăng bị hạ. Đợt này, chúng bị đòn đau. Hai máy bay L19 quan sát chỉ điểm cho 3 khu trục và 5 trực thăng vũ trang HU1A thả bom và bắn hỏa tiễn vào trận địa. Khi trực thăng chúi xuống phóng hỏa tiễn, súng của ta bắn lên, 1 chiếc trúng đạn, rơi xuống nằm dọc theo những chiếc trực thăng rơi trước. Pháo cối từ Long Định, lộ Quẹo Nhị Bình, căn cứ Thẻ 33 - Tân Hội lại rót đạn và trận địa Đại đội 1 Tiểu đoàn 261. Bom nổ rền trời. Trong lúc pháo bắn, địch củng cố hàng ngũ, chiếm địa hình có lợi, cách tiền duyên đại đội 400-500 mét, bắn trả để giữ mấy chiếc trực thăng bị hạ. Nhưng cuộc phản kích bằng bom và pháo vẫn không giải tỏa được áp lực đang đè lên các phi hành đoàn và đám nhảy dù đang mắc kẹt trên đám ruộng.



Trực thăng Mỹ bị bắn rơi trong trận Ấp Bắc (ngày 2 tháng 1 năm 1963)

Tại căn cứ Hưng Thạnh, dự đoán trận đánh càn đã diễn ra ở Ấp Bắc, Ban chỉ huy thống nhất tỉnh liền ra lệnh cho trung đội của Đại đội 2 Tiểu đoàn 514 đang giữ căn cứ, tiến ra uy hiếp trường bia Tân Hiệp và khu di cư Long Định, lệnh cho lực lượng trinh sát của tỉnh khống chế sân bay Thân Cửu Nghĩa, Đại đội 211 giữ ngã ba chùa Phật Đá, sẵn sàng chi viện cho mặt trận, công binh thủy bám đánh tàu giặc, kiên quyết không cho chúng thọc sâu và kênh Nguyễn Tấn Thành.

Các huyện và thị xã được lệnh cho bộ đội địa phương và du kích tấn công vào các mục tiêu đã chuẩn bị sẵn trên lộ, trong ấp chiến lược, trong thị trấn, thị xã và triển khai các mũi chính trị, binh vận của đội quân tóc dài tấn công địch trên đường hành quân và ngay địa phương mình để chia lửa với Ấp Bắc.

Nhận lệnh, ngay 12 giờ trưa, Đại đội 2 Tiểu đoàn 514 tấn công vào quận lỵ Tân Hiệp trên lộ 4, khu phố Củ Chi và khu di cư Long Định. Tại Tân Hiệp, đơn vị tiếp cận trường bia, diệt một số tên đóng bên ngoài, bao vây các đồn Chùa Ông, Bến Lội, ấp chiến lược xóm Trầu. Trong khi đó, 300 người của đội quân tóc dài tràn vào chợ Tân Hiệp tung tin “Việt cộng về đông lắm, có súng to, súng nhỏ đủ thứ, đang chuẩn bị lấy quận”. Tên quận trưởng vội vã ra lệnh rút đại đội bảo an đang đi càn ở Hòa Tịnh về cố thủ quận và cấp báo về tỉnh xin tiếp viện.

Trinh sát bí mật vào sân bay Thân Cửu Nghĩa đánh mìn phá hủy 1 máy bay trực thăng đang đậu. Hai chiếc khác từ trận địa về bị bắn rơi.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:26:08 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #71 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2013, 09:20:57 am »

Trên lộ 4, du kích các xã hai bên lộ từ Cái Bè đến Châu Thành tiến ra đón bắn các xe quân sự. Bọn bảo an các chi khu phải phân tán ra giữ lộ. Du kích và hơn 20.000 người thuộc lực lượng đội quân tóc dài đã bao vây hơn 30 đồn bốt trên lộ, phá banh 22 ấp chiến lược.

Ở Cai Lậy, du kích các xã Mỹ Hạnh Đông, Tân Hội, Nhị Mỹ, Mỹ Hạnh Trung bao vây các đồn bốt ở xã. Bộ đội địa phương cùng du kích các xã Long Tiên, Tam Bình, Long Trung, Cẩm Sơn, Phú An… tiến công các đồn bốt và bọn bảo an đang đóng ở đó, buộc chúng phải bị động đối phó. Như vậy là ngày 2 tháng 1 năm 1963, chiến sự diễn ra trong toàn huyện Cai Lậy chứ không phải chỉ riêng ở Tân Phú. Trận đánh càn ở Ấp Bắc nổ ra có sự hợp đồng tuyệt đẹp vì nó nằm trong đợt tấn công nổi dậy của toàn tỉnh Mỹ Tho và của toàn Khu.

Nhân dân hai xã Điềm Hy, Tân Phú đấu tranh quyết liệt với đám lính xe thiết giáp không cho chạy vào ruộng lúa, vào trận địa. Bà con tranh thủ cầm chân bọn bộ binh và cơ giới, tổ chức mời chúng uống nước, ăn cơm, uống rượu, nhân đó hù dọa làm cho tinh thần chúng dao động trước khi bước vào trận đánh. Ở căn cứ Thẻ 33 trên lộ 4, đồng bào bao vây, níu kéo bọn xạ thủ pháo binh không cho bắn pháo vào trong xóm. Phần lớn các khẩu pháo ở đây bắn không đúng tọa độ, mục tiêu lại gây thương vong cho bộ binh của chúng. Ở khu trù mật Mỹ Phước Tây, hơn 700 quần chúng thuộc các xã Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây bao quanh các cụm pháo, bịt nòng không cho chúng bắn vào trận địa ta.

Tên chỉ huy pháo binh không sao dẹp nổi, tức tổi nói:

- Việt cộng bắn tụi này ở trong đó, sao mấy bà không vô đó đấu tranh với họ, lại ra đây đấu tranh?

Một chị trong đoàn đấu tranh đáp lại ngay:

- Ông nói lãng nhách! Việt cộng bắn mấy ông chớ bắn tụi tôi đâu mà tụi tôi đấu tranh? Mấy ông bắn pháo cháy nhà, hư hao ruộng, vườn, đồ đạc của bà con, nên chúng tôi phải đấu tranh chớ?

Tên sĩ quan đuối lý, hầm hừ bỏ đi.

Tại thị xã Mỹ Tho, trưa ngày 2 tháng 1 năm 1963, đội biệt động thị xã đột nhập ấp chiến lược ở khu 4 diệt 1 lô cốt. Ở các xã ven lộ 24 Chợ Gạo, ngay ban ngày, du kích, nhân dân cũng nổi dậy tấn công bao vây đồn bốt, đột nhập ấp chiến lược. Hơn 200 gia đình binh sĩ cả thật và giả ùn ùn kéo vào thị xã, bao vây Bộ tư lệnh Sư đoàn 7, tỉnh đoàn bảo an, xông vào bệnh viện dã chiến, các trại lính kêu khóc, đòi gặp mặt chồng, con bị thương từ mặt trận đưa về, làm náo loạn thị xã, khiến bọn sĩ quan, binh lính, công chức ngụy quyền hết sức hoang mang.

Trên lộ 4, mấy ngày chiến sĩ đội quân tóc dài các xã tràn vào quận lỵ Cai Lậy, vào sở chỉ huy hành quân ở Thuộc Nhiêu kêu khóc, níu kéo, phản đối càn quét làm cho chúng lúng túng không sao giải quyết được.

Trong lúc đó, Tiểu đoàn B bảo an theo sau xe M113 đi qua xã Tân Hội, từ phía tây tiến về Ấp Bắc. Nghe tiếng súng nổ dữ dội bên xóm Hội đồng Vàng, bọn xe M113 dừng lại, do dự. Những người dân ở gần đó mang nước ra cho binh lính uống, rồi tỏ vẻ lo ngại nói: “Từ sáng tới giờ súng to, súng nhỏ nổ rền trời. Anh em đi qua đó sợ nguy quá!”. Những tên lính trên xe M113 nghe vậy, nhụt tinh thần chiến đấu, uể oải tản ra tìm chỗ mát ngồi.

Ở phía ấp Tân Thới, từ 5 giờ sáng, trực thăng đã đổ 1 đại đội của Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 11 Sư đoàn 7 ngụy ngoài đồng. Do sương mù chúng phải hoãn việc đổ tiếp đại đội còn lại. Bọn trụ lại giữa đồng trống lo lắng cảnh giới từ mọi phía, sốt ruột chờ đồng đội.

Mặt trời lên, sương mù tan dần. Trực thăng đến đổ tiếp Đại đội 2 của Tiểu đoàn 2 xuống phía bắc, cách ngã tư Miễu Hội 700 mét. Chúng chấn chỉnh đội hình rồi dàn hàng ngang, chậm chạp tiến vào Miễu Hội, trên đường đi bị du kích và trinh sát của Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 chặn đánh từng đoạn.

Địch vào cách tiền duyên 70 mét, Đại đội trưởng Mười Diệp lệnh cho Trung đội 1 đồng loạt nổ súng, diệt gần hết tốp đi đầu. Bọn sau dồn tới, bị chặn lại ngoài đồng trống. Mười Diệp cho 2 tiểu đội bí mật vận động theo bờ trâm bầu của rạch Ấp Bắc, bất ngờ đánh tạt ngang sườn làm chúng rối loạn hàng ngũ. Chúng gọi pháo chi viện và rút về Miễu Hội cố thủ. Nơi đây cách tiền duyên của đại đội tới 500 mét, đồng trống nên ta không tiện xuất kích.

Đốc thúc mãi mà xe M113 vẫn chưa đến để hợp đồng tấn công cứu bọn bị thương ở chỗ cụm trực thăng rơi, bọn chỉ huy hành quân liều mạng cho 1 chiếc trực thăng đáp xuống. Nhưng chưa tới đất, chiếc trực thăng đã bị bắn rơi cách đó vài trăm mét.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #72 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2013, 09:21:19 am »

Mãi đến 12 giờ 30, chi đoàn xe M113 và tiểu đoàn bảo an mới tới trận địa Ấp Bắc, tiếp cận với mấy xác trực thăng. Bốn máy bay khu trục, 3 trực thăng HU1A thi nhau trút đạn xuống trận địa Đại đội 1 Tiểu đoàn 261. Các cụm pháo 105 ly trên lộ 4 cùng tất cả hỏa lực trên xe M113 trút đạn như mưa xuống đơn vị. Xe M113 dẫn bộ binh xông vào. Các chiến sĩ chờ chúng đến thật gần mới nhằm bắn chính xác, bọn xạ thủ đại liên trên xe lần lượt bị chết gục bên súng. Những tên còn lại không dám ngóc đầu dậy mà thụt xuống với tay lên bóp cò, đạn túa lên trời. Tên xạ thủ đại liên giỏi nhất trong xe chỉ huy cũng bị bắn chết.

13 giờ 30, chúng thả nhiều bom cháy xuống trận địa Trung đội 2 Đại đội 1 Tiểu đoàn 261. Lửa cháy ngút trời, nóng rát tới cả chỗ bọn lính đang ở ngoài đồng trống. Pháo, hỏa tiễn xối xuống trận địa. M113 lại tiến vào cách 70 mét, lại bị đánh bật ra. Tiếp theo, đại liên bắn bị thương 1 máy bay khu trục. Nó xịt khói lảo đảo bay đi. M113 lại tấn công. Lần này, chúng dùng súng phun lửa, định đốt cháy chốt tiền tiêu của Tiểu đội 3 Trung đội 1 Đại đội 1 Tiểu đoàn 261. Nhưng vì chúng không dám đến gần nên lửa tắt ngấm trước khi đến mục tiêu. Đợt tiến công tiếp nữa của chúng lại thất bại và xả thủ bắn kiểu với tay, đạn bay lên trời. Phi cơ đến ném nhiều bom tạ khoét đất trên trận địa thành những hố sâu hoắm, quăng những tảng đất to tướng lên làm đổ cây cối, nhà cửa, phủ lên các công sự, hầm hố. Mặt đất thay đổi hẳn, không khí khét lẹt, nóng bỏng, sặc mùi bom đạn.

Tên đại úy chỉ huy chi đoàn thiết giáp quyết định một cú liều mạng. Hắn đích thân ngồi trên chiếc M113 đi đầu, dẫn theo hai chiếc khác, lợi dụng bờ cây che khuất, đột phá vào đội hình Tiểu đội 3. Chúng đã tiền sát, xe sắp chồm lên bờ đập, trận địa có nguy cơ bị chọc thủng. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đừng cho hỏa lực bắn kiềm chế, anh cùng hai đồng đội là Hùng và Công bí mật rời khỏi công sự, bò sát bờ mương rồi bất ngờ bật dậy, nhảy lên chiếc M113 đi đầu, tung thủ pháo vào trong xe. Tiếng thủ pháo nổ inh tai, chiếc xe khựng lại, bốc cháy. Hai chiếc sau hốt hoảng thụt lùi. Trên đường trở lại công sự các anh đã hy sinh.

Địch còn tổ chức hai đợt tấn công bằng xe M113 nữa, nhưng đều bị đẩy lùi. Lúc đó là 4 giờ 30 chiều. Tính từ lúc có xe M113 đến, chúng đã tấn công 5 đợt.

Địch cho máy bay oanh tạc dữ dội vào khu vực Ấp Bắc và ấp Tân Thới. Nhiều nhà cửa sập đổ, cháy rụi, nắp hầm trơ ra. Xuồng của bộ đội giấu dưới mương cũng bị trúng mảnh. Bộ đội vừa chiến đấu vừa cứu đồng bào. Trong lửa đạn, các má, các chị vẫn nấu cơm, đem đến từng công sự. Thương binh được đưa vào hầm chăm sóc.

Đợt oanh tạc vừa dứt, từ hướng đông, 6 chiếc máy bay thả dù tiếp tế, lượn vòng rồi xếp hàng kiểu xỉa tiền, tung dù trên cách đồng phía ấp Tân Thới. Đại đội trưởng Mười Diệp phát lệnh:

- Đánh ngay khi chúng còn lơ lửng trên không!

Thay vì rơi xuống phái sau bọn bộ binh và xe MM3, cách tiền duyên Trung đội 3 Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 khoảng 200 mét, phần lớn dù lại rơi xuống ấp, ngay trên trận địa của đại đội. Đã chờ sẵn, toàn đại đội giương thẳng súng lên mà bắn. Nhiều tên chết trước khi chạm đất. Nhiều chiếc dù bị vướng trên ngọn cây, trở thành mục tiêu sống. Tên chỉ huy tiểu đoàn bị bắn chết, rơi ngay trên công sự của Ban chỉ huy Đại đội 1 Tiểu đoàn 514. Bốn tên lính dù rơi trên nóc nhà chị Út Mừng, bà mẹ chị chỉ cho bộ đội bắt sống. Một tên trung úy và một tên lính trốn trong chuồng heo bị chị phát hiện chỉ cho bộ đội tiêu diệt. Má Trần Thị Hy chỉ cho bộ đội tiêu diệt những tên bị kẹt trên máng xối nhà. Bọn sống sót tập hợp lại thành từng tốp chống cự quyết liệt. Bộ đội và lính dù quần nhau xen kẽ từng bờ mương, liếp chuối.

Trước tiền duyên hai trận địa Ấp Bắc và Tân Thới, quân dù, quân bộ, xe M113 vẫn chập chờn. Nắm được tinh thần bạc nhược của chúng, Đại đội trưởng Bảy Đen cho hỏa lực kiềm chế, đồng thời cho cối, đại liên vận động đến địa điểm mộ ông Lân, ông Tiến đánh lướt sườn bọn chúng trước tiền duyên Đại đội 1 Tiểu đoàn 514, thu hút hỏa lực của chúng về phía Đại đội 1 Tiểu đoàn 261 để Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 rảnh tay diệt địch.

Bọn lính dù rơi ngoài đồng chỉnh đốn hàng ngũ, tấn công vào trận địa Đại đội 1 Tiểu đoàn 514. Cánh lướt sườn của Đại đội 1 Tiểu đoàn 261 vừa nổ súng thì trung liên bị kẹt. Trong lúc cấp bách, đồng chí Bảy To, Trung đội trưởng dùng răng cắn chặt khoen sắt, dốc toàn lực hai tay kéo dãn lò xo, cây thông nòng đủ độ dài, thông cho trung liên. Trung liên nổ giòn, đẩy lùi đợt xung phong của địch.

Đồng chí Ba Danh, Trung đội phó lệnh cho các chiến sĩ chờ địch vượt qua bờ mẫu trước mặt đến gần mới nổ súng. Chúng chạy lùi trở lại, nhiều tên chết gục mặt xuống bờ ruộng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #73 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2013, 09:22:05 am »

Đến gần tối, bọn lính dù lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng bò vào sát công sự định đánh úp. Hai khẩu súng trung liên, tất cả tiểu liên, súng trường đồng loạt tạo thành lưới lửa đẩy lùi chúng tán loạn rút lui, bỏ lại những xác chết nằm tại chỗ. Đó là đợt xung phong cuối cùng, của địch.

Sau gần hai giờ chiến đấu với quân dù, Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 đã diệt hầu hết các đại đội dù của địch rơi xuống trận địa. Những tên thoát chết chạy về hướng đông, lội qua con rạch nhỏ, rối rít kêu tiếp viện.

Tàn quân địch ở tất cả các hướng đều mệt mỏi, chán ngán, co lại từng cụm ngoài đồng, lo sợ bị tấn công ban đêm. Chúng xin cấp trên cho tải thương, nhưng bọn trực thăng không dám xuống. Chúng chửi rủa, kêu khóc om sòm.

9 giờ đêm, tại nhà bà Mười Sử, sau khi kiểm điểm lại toàn bộ thiệt hại của đơn vị và của đồng bào, đồng chí Hai Hoàng và các đồng chí trong Ban chỉ huy Đại đội 1 Tiểu đoàn 261, Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 và Trung đội quân địa phương Châu Thành bàn với chi ủy xã và xã đội Tân Phú kế hoạch rút quân, thu dọn chiến trường và đối phó với địch ngày hôm sau.

Đồng bào Ấp Bắc, Tân Thới tập trung xuồng ghe đưa bộ đội rời chiến trường qua ngả chùa Phật Đá về căn cứ Hưng Thạnh - Mỹ Phước. Tại đây Đại đội 211 và du kích vẫn còn chốt tại ngã ba chùa Phật Đá, khống chế bốt, giữ đường cho bộ đội đi qua. Tại căn cứ, hậu cần tỉnh đã lo sẵn cơm nước, đón nhận thương binh, bổ sung cơ số đạn ngay cho bộ đội.

Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ của tỉnh đội được cử đến Ấp Bắc cùng du kích và địa phương thu dọn chiến trường.

Các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội đến thăm bộ đội. Cán bộ, chiến sĩ đang ăn cơm ngon lành. Anh em cười nói:

- Mải mê lo đánh, quên cả đói!

Hỏi tình hình đạn dược, hầu hết anh em đều nói:

- Nhờ bắn tiết kiệm vì không biết còn phải đánh với bao nhiêu đợt tấn công nên mới chỉ hết 2/3 cơ số đạn.

Tại Ấp Bắc, chi ủy, xã đội, du kích giúp đồng bào dọn dẹp nhà cửa, chôn cất người chết, chuẩn bị đưa người bị thương ra quận lỵ Cai Lậy và xuống thị xã Mỹ Tho để đấu tranh với địch, đòi cứu chữa, đồng thời đòi bồi thường nhà cửa bị cháy, bị sập, tài sản hư háo và thống nhất kế hoạch với mũi đấu tranh chính trị, binh vận của đội quân tóc dài đấu tranh trực diện tại chỗ với địch ngày hôm sau.

Sáng ngày 3 tháng 1 năm 1963, pháo địch bắn cấp tập vào hai ấp. Hai tiểu đoàn của Sư đoàn 7 ngụy được xây dựng đưa tới trên lộ 4 từ sáng sớm, theo đường từ thẻ 24, 25 tiến quân dè dặt, vừa đi vừa thăm dò, mãi tới trưa mới tới hai ấp. Du kích được lệnh bám sát theo dõi, không đánh.

Chúng vào ấp. Nhà nào cũng còn người ở, toàn ông già, bà già, phụ nữ có con nhỏ. Bà con làm cơm mời chúng và tỏ vẻ thông cảm:

- Thấy anh em cực nhọc, chết chóc tội quá! Cầu trời cho đừng có đụng độ như ngày hôm qua nữa!

Ông Sáu Chua tổ chức nhậu với bọn lính, nhân lúc nhậu cởi mở, ông nói thẳng với chúng:

- Đời lính khổ quá! Tụi bây đừng đi nữa, rủi chết, vợ con bỏ lại ai nuôi?

Bọn lính cúi đầu nhìn nhau. Số thương vong hôm qua quá lớn còn trước mắt, chúng không suy nghĩ sao được.

Chúng đóng lại tại hai ấp suốt 3 ngày để thu dọn chiến trường, tải thương và chữa trực thăng. Bốn tên Mỹ mang dụng cụ đến chữa. Có chiếc bay lên được, có chiếc vừa bay lên đã rơi xuống, hỏng nặng hơn, chúng đành phải tháo thành từng mảng, chất lên chiếc khác rồi mang đi. Chiếc cuối cùng chữa mãi không được, đến ngày 5 tháng 1 năm 1963, chúng cho trực thăng để cẩu chở về Sài Gòn. Khi bay ngang qua Long Định, bị du kích bắn rơi cả hai. Chúng phải tổ chức hành quân suốt cả ngày để lấy xác 2 chiếc trực thăng này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #74 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2013, 09:22:38 am »

Trận Ấp Bắc là trận tác chiến thắng lợi điển hình của cuộc tiến công và nổi dậy hai chân ba mũi của nhân dân Khu VIII. Trận đánh không chỉ riêng của quân chủ lực Khu mà còn có cả quân địa phương, quân du kích, không phải chỉ có bộ binh, mà có cả công binh, đặc công, không phải chỉ với người cầm súng với tinh thần anh dũng tuyệt với và phương thức kỹ, chiến thuật tác chiến mới, điêu luyện mà của cả đông đảo những người dân bình thường, của lực lượng tấn công chính trị, đội quân tóc dài, không phải chỉ đánh bằng súng đạn mà còn đánh bằng chính trị, binh vận vào lòng binh lính ngụy. Trận đánh không phải chỉ diễn ra ở hai ấp của xã Tân Phú mà còn mở rộng trong toàn tỉnh Mỹ Tho với hình thức đánh đồn bốt, đánh giao thông, bắn máy bay, kiềm chân và thu hút làm phân tán lực lượng địch. Trước một thế trận tác chiến tổng hợp của lực lượng cách mạng như vậy nên địch dù có quân số áp đảo, phương tiện trang bị kỹ thuật tối tân, vẫn bị cột chặt tay chân, lúng túng, bị động, không thể hợp đồng tổ chức được, mọi mũi không cùng một lúc khép chặt, mọi hỏa lực, phương tiện không cùng một lúc phát huy được tác dụng. Do đó, chúng đông mà hóa ít, mạnh mà hóa yếu, để cuối cùng bị đánh đau, thua đậm. Từ lúng túng và bị động đã dẫn đến chỗ bọn cố vấn Mỹ và bọn chỉ huy ngụy mâu thuẫn, lục đục với nhau, làm cho nội bộ chúng càng thêm lục đục, bị động, làm hạn chế và bộc lộ thêm nhược điểm. Đây chính là điểm mấu chốt, là nguyên nhân thắng lợi của một lực lượng vũ trang cách mạng tuy nhỏ bé, ở vào một địa hình trống trải, trước một lực lượng đông đảo ngụy quân, trang bị tối tân gấp nhiều lần, mà ngay bọn cầm quyền, tướng tá Mỹ - ngụy sau khi rút kinh nghiệm về thất bại Ấp Bắc đã không chỉ ra được.

Thắng lợi lớn nhất của trận Ấp Bắc là lần đầu tiên bộ đội đã trụ lại được cả ngày để đánh nhau với một lực lượng địch hơn hẳn cả về quân số lẫn hỏa lực, địch đã áp dụng đủ hết các bài bản chiến thuật: “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, “bủa lưới phóng lao”; đủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại, dốc hết lực lượng tổng trù bị, hỏa lực tối đa mà vẫn không giành được thắng lợi. Bộ đội ta không những thương vong ít mà còn gây được cho địch thương vong nặng nề. Toàn trận địch chết và bị thương 450 tên, trong đó có 11 cố vấn Mỹ, 16 trực thăng bị bắn rơi, bắn hỏng, 3 xe M113 bị cháy, 2 tàu bị bắn hỏng và chìm.

Thắng lợi Ấp Bắc đã làm cho chiến thuật tân kỳ “bủa lưới phóng lao” của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” mất tác dụng. Từ thất bại của địch ở Ấp Bắc có thể khái quát thành thế thua của địch ở toàn miền Nam.

Tháng 4 năm 1963, Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trong toàn miền Nam. Khẩu hiệu: “VÀO SÂU, ĐỨNG LẠI, ĐÁNH CÀN, GIẢI PHÓNG NÔNG THÔN” của các Tiểu đoàn 261 và 514 được phổ biến khắp các đơn vị toàn Miền.

Thất bại của Mỹ - ngụy trong trận Ấp Bắc làm cho chúng hoang mang, dao động.

Trong thư của đồng chí Lê Duẩn gửi đồng chí Nguyễn Chí Thanh, tháng 2 năm 1965, lúc ấy đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang là phái viên của Bộ Chính trị ở Trung ương Cục miền Nam, có viết: “Kể từ Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta…”. Cũng từ sau trận Ấp Bắc, số phận của chính quyền Ngô Đình Diệm đã được quyết định.



Tiểu đoàn 261 - thắng trận Ấp Bắc, được tặng danh hiệu của CuBa: “Tiểu đoàn Hy-rôn”
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:26:42 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #75 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2013, 06:42:24 am »

IV - ĐỢT TIẾN CÔNG TỔNG HỢP MỞ VÙNG 20-7,
LÀM THẤT BẠI QUỐC SÁCH “ẤP CHIẾN LƯỢC” CỦA MỸ DIỆM

1. Đợt tiến công tổng hợp mở vùng 20-7

Đánh bại quốc sách “ấp chiến lược” là mục tiêu hàng đầu trong việc làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Diệm. Nhất là ở Khu VIII, nơi chiến trường đông dân, nhiều của, giành và giữ dân là mục tiêu xuyên suốt cuộc chiến tranh của cả hai bên thì trận Ấp Bắc đã làm sáng tỏ nhận định: chính cuộc tấn công sâu rộng của quần chúng cách mạng đã hình thành nên thế chiến lược hai chân, ba mũi, đã tạo ra sức mạnh tổng họp mà lực lượng vũ trang cách mạng và bộ đội tập trung có thể tồn tại và chủ động tấn công hay phòng ngự ở một vùng đồng bằng trống trải, có khả năng đánh bại các cuộc càn quét với phương tiện kỹ thuật hiện đại, có sự hỗ trợ của cố vấn quân sự Mỹ, với sự yểm trợ hỏa lực, hậu cần hùng hậu của Mỹ.

Trận Ấp Bắc đã mở đường cho việc giải quyết có hiệu quả nhiệm vụ chiến lược: đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” mà xương sống là quốc sách “ấp chiến lược” của Mỹ - Diệm.


Ngay từ năm 1962, qua kinh nghiệm ở các nơi trong Khu, sau gần một năm đấu tranh phá quốc sách “ấp chiến lược” của Mỹ - Diệm, Thường vụ Khu ủy đã đúc kết:

Địch gom dân lập ấp chiến lược chủ yếu là gom quần chúng đã từng nổi dậy. Do vậy, phá quốc sách “ấp chiến lược” phải chính là cuộc nổi dậy của quần chúng bằng hai chân chính trị, vũ trang và ba mũi quân sự, chính trị, binh vận, kết hợp giáp công và tấn công của quần chúng tự động đứng lên đánh địch, phá sạch bộ máy kìm kẹp, bờ thành, hàng rào, trở về ruộng vườn cũ sinh sống nhưng đồng thời bộ đội và du kích cũng phải tấn công tiêu diệt và làm tan rã địch có hiệu quả, chặn đứng được các cuộc càn quét vào vùng giải phóng, đánh được bọn đi phản kích thì đồng bào mới nổi dậy được. Quá trình địch gom dân vào ấp chiến lược là quá trình ta chuyển cuộc chiến đấu theo dân vào ấp chiến lược, biến ấp chiến lược thành ấp chiến đấu, bao gồm lực lượng có tổ chức bí mật từ ngay trong lòng người dân, làm lỏng dần thế kìm kẹp và khi có thời cơ bộ đội tiến công diệt địch thì dân đứng dậy phá dứt điểm, bao bức đồn bốt, diệt và làm tan rã địch, biến thành xã, ấp giải phóng.

Bước vào năm 1953, sau thất bại ở Ấp Bắc địch càng quyết tâm thực hiện cho kỳ được kế hoạch bình định, cào nhà, gom dân, lập ấp chiến lược. Thể hiện quyết tâm đó, tháng 1 năm 1963, Ủy ban liên bộ đặc trách chương trình “ấp chiến lược” của Mỹ - Diệm chỉ thị cho các vùng chiến thuật trong năm 1963 phải hoàn tất việc lập ấp chiến lược trên toàn miền Nam.

Để thực hiện mục tiêu này, chúng chỉ thị triển khai tất cả chủ lực, bảo an, dân vệ, cảnh sát liên tục mở những cuộc hành quân càn quét quy mô vừa và nhỏ trên các địa bàn xung yếu. Ở Khu VIII, chúng tập trung nỗ lực vào tất cả các tỉnh Long An, Bến Tre, Mỹ Tho, Kiến Tường, Kiến Phong, An Giang. Tình hình hết sức căng thẳng, tốc độ gom dân, phát triển ấp chiến lược tăng vọt.

Ở Mỹ Tho, tháng 3 năm 1963, địch tập trung 3 tiểu đoàn của Sư đoàn 7, 1 tiểu đoàn biệt động quân, 10 đại đội bảo an, 40 xe M113 đánh vào 7 xã vùng Ấp Bắc và các xã thuộc mảng 3 Cai Lậy Bắc, bắt dân dỡ nhà, gom vào ấp chiến lược. Ai không chịu dỡ nhà thì chúng cho xe M113 ủi sập, xúc lúa, bắt heo mang đi.

Trước tình hình này, đồng chí Lê Quốc Sản - Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Tư lệnh quân khu họp với Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội Mỹ Tho bàn cách phá kế hoạch của địch. Các đồng chí đã quyết định:



Thiếu tướng Lê Quốc Sản - nguyên Tư lệnh Quân khu VIII (1961-1972 - 1974-1975)

Tiểu đoàn 261 của Khu, quân địa phương huyện Cai Lậy và du kích các xã phải tìm cách đánh tiêu diệt, tiêu hao lực lượng nòng cốt của cuộc gom dân của địch, buộc chúng phải chùn lại, không dám xông xáo, đàn áp, tạo thế cho quần chúng nổi dậy đấu tranh.

Tiểu đoàn 514 của tỉnh luồn ra phía nam lộ 4 thuộc khu vực hai huyện Châu Thành và Cai Lậy, cùng với lực lượng tại chỗ phá ấp chiến lược. Các huyện Gò Công, Chợ Gạo, Hòa Đồng, thừa cơ địch đang vướng chân ở Bắc Cai Lậy, đồng loạt nổi dậy phá ấp chiến lược.

Phát động quần chúng vùng 7 xã Ấp Bắc và mảng 3 Cai Lậy Bắc kiên quyết đấu tranh chống cào nhà, gom dân. Thực hiện khẩu hiệu: “Dân bám đất, cán bộ bám dân, bộ đội, du kích bám địch”.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:27:10 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #76 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2013, 06:42:52 am »

Thực hiện quyết định này, Tiểu đoàn 261 đã phục kích tại xã Tân Hội diệt 1 đại đội biệt động quân và bắn cháy 2 xe M113. Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 thọc xuống nam lộ 4 hỗ trợ quần chúng phá ấp chiến lược ở Long Tiên, Long Trung - Cai Lậy. Đại đội 2 Tiểu đoàn 514 đột nhập ấp chiến lược đồng bào di cư ở Long Định, trụ lại trong ấp, diệt dân vệ, vây chặt đồn, hỗ trợ đồng bào nổi dậy, phá ấp chiến lược. Sau đó, đại đội luồn xuống phía nam lộ 4, diệt 1 trung đội dân vệ ở Long Hưng, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược ở 3 xã Kim Sơn, Song Thuận, Vĩnh Kim. Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 phá xong ấp chiến lược ở Cai Lậy, tiến xuống Hòa Đồng hỗ trợ cho 3 mũi cơ sở nổi dậy phá ấp chiến lược Thạnh Trị. Ở Gò Công, quân địa phương huyện đột nhập vào ấp chiến lược An Hòa, diệt dân vệ, làm tan rã thanh niên chiến đấu, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược.

Sau 45 ngày chiến đấu quyết liệt, kết hợp hai lực lượng, ba thứ quân và ba mũi ở cơ sở, ta đã liên tục tiêu hao, tiêu diệt tan rã địch. Mỹ Tho đã đánh bại cuộc hành quân càn quét, khủng bố, gom dân vào ấp chiến lược ở mảng 3 Cai Lậy Bắc. Địch phải bỏ chạy.

Qua tình hình thực tế cho thấy, nếu ta cứ cho từng đại đội của khu, tỉnh vào phá từng ấp chiến lược thì khó có thể phá cả hệ thống của chúng. Chúng đang tập trung hết mọi khả năng thực hiện trên quy mô lớn, ta phá được 1 thì chúng làm lại gấp 20 lần, Kinh nghiệm hoạt động của Tiểu đoàn 261 Khu cho thấy đầu năm 1962, Tiểu đoàn xuống Gò Công diệt 3 đại đội địch rồi cùng bộ đội địa phương, du kích và quần chúng nổi dậy bao vây, diệt bức rút đồn bốt, phá tan hệ thống ấp chiến lược, giải phóng hoàn toàn ba xã. Và trong tháng 5 năm 1963, Tiểu đoàn 514 của tỉnh cùng quần chúng nổi dậy tấn công ba mặt, bao vây, đánh dứt điểm đồn Cẩm Sơn, phá tan ấp chiến lược, giải phóng hai xã Cẩm Sơn, Xuân Sơn.

Từ những kinh nghiệm trên, mở ra khả năng muốn giải phóng được nhiều xã, phá dứt điểm được nhiều ấp chiến lược thì phải tập trung ba thứ quân bám trụ tại chỗ, mở từng khu vực với phương thức đánh điểm, kéo địch ra để diệt viện. Sau đó, dùng ba lực lượng chính trị, vũ trang, binh vận tại chỗ bao vây, tiêu diệt, bức rút, bức hàng đồn bốt, tạo thời cơ cho quần chúng bị kìm kẹp nổi dậy phá tan ấp chiến lược.

Trên cơ sở những nhận định ấy, bước sang tháng 7 năm 1963, Quân khu ủy Quân khu VIII đề nghị, Thường vụ Khu ủy quyết định mở đợt kỷ niệm ngày 20-7, tấn công nổi dậy thống nhất đồng loạt đánh phá ấp chiến lược trong toàn Khu. Vùng nam lộ 4, gồm 14 xã thuộc hai huyện Cai Lậy và Châu Thành được chọn làm trọng điểm của khu và của tỉnh Mỹ Tho.

Đây là hoạt động mang tính chất thí điểm của Khu nên được tổ chức chỉ đạo rất tỉ mỉ, chu đáo. Trong kế hoạch vạch ra có tính toán mọi trắc trở mà địch có thể gây ra.

Mô hình phá ấp chiến lược bằng cách phá mảng, phá lỏng, phá banh, phá dứt điểm ấp chiến lược ở một vùng xung yếu là một điển hình rất quan trọng về mặt tư tưởng và phương pháp đánh phá ấp chiến lược, vì ở đây địch xem như là núm ruột của chúng, lại ở lọt giữa vòng vây bảo vệ chặt chẽ của chúng mà chúng phải chịu thua thì thử hỏi nơi nào khác ta lại không thể có hành động tương tự như thế.

Khu vực này, phía bắc là lộ 4 chiến lược của địch, luôn luôn được phòng giữ hết sức nghiêm ngặt; phía nam là sông Tiền rộng mênh, trên đó tàu địch kiểm soát thường xuyên; phía đông là thị xã Mỹ Tho, nơi tập trung cơ quan đầu não của khu chiến thuật Tiền Giang của địch; phía tây là các cứ điểm nằm trong tầm pháo diện địa của các căn cứ quân sự địch ở chung quanh.

Đây là nơi đông dân, nhiều của, kinh tế trù phú vào bậc nhất của tỉnh Mỹ Tho. Nếu xét về mục tiêu giành dân và giữ dân thì nơi đây chính là nơi quan trọng bậc nhất.

Lực lượng tiến công ở hướng chủ yếu gồm có Tiểu đoàn 261 của Khu, Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 bộ đội địa phương Châu Thành, Cai Lậy, dân quân, du kích 14 xã và lực lượng tấn công chính trị, binh vận các xã trong mảng trọng điểm. Sử dụng Đại đội 2 Tiểu đoàn 514 ở hướng Chợ Gạo để căng kéo địch.

Về mặt quân sự, tổ chức Ban chỉ huy thống nhất gồm các đồng chí Châu Kim Sơn - Phó tham mưu trưởng quân khu làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Mười Hà - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên tỉnh đội làm Chính trị viên, đồng chí Sáu Danh - Tỉnh đội trưởng và đồng chí Hai Hoàng - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261, làm Chỉ huy phó.

Đêm 15 tháng 7 năm 1963, toàn Khu vào đợt.

Ở hướng chủ yếu, một bộ phận của Tiểu đoàn 261 và Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 bao vây đồn chợ cầu Cái Mít, xã Long Tiên, dụ địch giải tỏa để phục kích tiêu diệt một tiểu đoàn của Sư đoàn 7. Địch đoán được ý đồ của ta nên chúng án binh trên lộ 4 và lộ Ba Dừa. Đồn chợ cầu Cái Mít rút chạy, ta phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược nhưng cũng chưa dứt điểm. Ban chỉ huy thống nhất quyết định đánh điểm then chốt. Đêm 20 tháng 7 năm 1963, Tiểu đoàn 261 đánh chiếm yếu khu Vĩnh Kim, Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 cùng bộ đội địa phương huyện Châu Thành, Cai Lậy và du kích đồng loạt tiến công bức hàng 7 đồn, bức rút 8 đồn khác. Quần chúng nổi dậy phá banh, phá dứt điểm hầu hết các ấp chiến lược trong mảng 14 xã, giải phóng một vùng rộng từ lộ Đông Hòa đến lộ Ba Dừa. Vùng này từ đó được mang tên là vùng 20-7.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #77 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2013, 06:43:12 am »

Ở hướng Chợ Gạo, Đại đội 2 Tiểu đoàn 514 tiến công ấp chiến lược Trung Hòa, đánh thiệt hại nặng 1 trung đội địch. Phát hiện có lực lượng của ta thọc xuống Chợ Gạo, sáng ngày 16 tháng 7 năm 1963, khu chiến thuật Tiền Giang của địch tập trung một lực lượng lớn gồm 5 tiểu đoàn bộ binh và biệt động quân, đánh vào xã Mỹ Tịnh An. Đại đội 2 đánh diệt trên 100 tên, bắn rơi 1 máy bay khu trục.



Đồng bào và du kích xã Hòa Định (Chợ Gạo) tập trung phá ấp chiến lược

Quyết tâm diệt Đại đội 2 của ta, ngày 21 tháng 7 năm 1963, địch tăng cường thêm lực lượng, đưa Trung đoàn 11 Sư đoàn 7 và Tiểu đoàn biệt động quân có 48 xe M113 và 27 tàu yểm trợ, do đích thân tướng Trần Thiện Khiêm từ Bộ tổng tham mưu ngụy ở Sài Gòn xuống chỉ huy đánh tiếp vào vùng Chợ Gạo, tiến hành bao vây lực lượng ta ở xã Quơn Long. Đại đội 2 đánh lui nhiều đợt tiến quân của địch, giữ vững trận địa suốt ngày, đến tối rút lui an toàn, diệt trên 100 tên địch, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, 1 máy bay trinh sát L19, bắn hỏng 5 xe M113, hoàn thành được nhiệm vụ thu hút, căng kéo địch. Cùng tham gia chiến đấu với bộ đội tỉnh, đội du kích Thanh Bình đánh nhỏ lẻ đã diệt được 50 tên địch. Đợt hoạt động mở vùng 20-7 kết thúc thắng lợi.

Đợt hoạt động tấn công nổi dậy tháng 7 năm 1963 tại vùng trọng điểm nam lộ 4 đã tổ chức và hình thành như một chiến dịch tổng hợp tấn công ba mũi chính trị, vũ trang, binh vận phá ấp chiến lược bằng sức mạnh của ba thứ quân, ba mũi, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy của quần chúng. Hình thành hai hướng: hướng chính ta đánh chiếm yếu khu, đồn bốt, kéo địch đi giải tỏa để tiêu diệt lớn, gây thối động, tạo thế cho quần chúng nổi dậy đồng loạt ở nhiều xã. Hướng phối hợp thì thọc sâu phá ấp chiến lược, thu hút địch để cho hướng chính giành thắng lợi lớn.

Sau trận Ấp Bắc, đây là trận thắng mang ý nghĩa rất lớn để tiến tới đánh bại hoàn toàn quốc sách “ấp chiến lược” trên địa bàn toàn Khu. Từ mô hình của đợt hoạt động này đã cho kinh nghiệm tổ chức các chiến dịch tổng hợp vừa và nhỏ ở các cấp trong Khu cho đến quy mô lớn có sự tham gia của binh đoàn chủ lực cấp trên ở các chiến trường đông dân sau này.

Được báo cáo của Thường vụ Khu ủy Trung Nam Bộ về đợt tấn công nổi dậy đồng loạt toàn Khu ngày 20 tháng 7 năm 1963, đặc biệt là kết quả đã giành được thắng lợi ở trọng điểm, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã điện vào khen ngợi và đánh giá: Đây là bài học có tính quy luật mới. Tuy địch ở miền Nam còn mạnh hơn ta gấp bội nhưng bị căng kéo, lực lượng bị kẹt chân ở các chiến trường phải đóng quân phân tán để giữ đất, nếu ta dám tổng hợp sức mạnh tập trung lực lượng các mặt, bám trụ ở một vùng nhất định, kiên quyết tấn công nổi dậy, dám bám trụ tại chỗ đánh mạnh, đánh liên tục thì vẫn có khả năng mở ra một vùng giải phóng rộng lớn ở khu vực đó.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:28:13 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #78 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2013, 06:44:13 am »

2. Làm thất bại quốc sách “ấp chiến lược”

Từ tháng 7 năm 1963, Khu Trung Nam Bộ bắt đầu nhận được vũ khí do Trung ương chi viện. Khu đã nhanh chóng tổ chức phân phối, cải tiến trang bị cho các đơn vị trực thuộc và các tỉnh. Đây chính là một trong những yếu tố hết sức quan trọng giúp Khu nhanh chóng xây dựng lực lượng và đẩy nhanh nhịp độ tấn công địch giành những thắng lợi mới trên chiến trường.

Sau thắng lợi mở vùng 20-7, Thường vụ Khu ủy chỉ đạo chiến trường Mỹ Tho chuyển hướng mở vùng yếu Gò Công.

Đêm mùng 9 tháng 9 năm 1963, Tiểu đoàn 261 của Khu diệt đồn Tân Niên Tây, phục kích diệt 1 đại đội biệt kích ác ôn của chi khu Gò Công, tiếp đó chặn đánh 1 tiểu đoàn của Sư đoàn 7 và 1 chi đoàn xe M113 hành quân giải tỏa, diệt 10 xe M113, bắn rơi 3 máy bay. Đại đội 2 Tiểu đoàn 514 và Trung đội địa phương cùng quần chúng nổi dậy tấn công ba mũi, bao vây bức rút, bức hàng đồn bốt, phá banh các ấp chiến lược, giải phóng 2 xã Kiển Phước và Tân Thành.



Bà mẹ dùng máy phóng thanh của đội Thanh niên xung kích để kêu gọi con và binh sĩ
của đồn Tân Niên Tây (Gò Công) trở về với cách mạng

Được sự chỉ đạo của Trung ương Cục tận dụng thời cơ Ngô Đình Diệm có thể bị đảo chính (tuy chưa biết xảy ra vào ngày nào nhưng tình hình Sài Gòn đang sôi động), đồng chí Sáu Đường, Bí thư Khu ủy, quyết định lấy ngày 5 tháng 11 năm 1963 làm ngày nổi dậy tấn công thống nhất toàn Khu để chớp thời cơ. Nhưng đến ngày 1 tháng 11 năm 1963, cuộc đảo chính Diệm đã nổ ra ở Sài Gòn. Lúc này Tiểu đoàn 514 Mỹ Tho đang chuẩn bị vào đợt ở yếu khu Ba Dừa, được lệnh Khu bàn giao lại cho Tiểu đoàn 261, nhanh chóng chuyển sang tấn công vào khu vực Phú Mỹ - Củ Chi. Sáng ngày 3 tháng 11 năm 1963, Tiểu đoàn 514 diệt đồn đại đội của tên Huề. Ngày 4 tháng 11 năm 1963, tiểu đoàn đánh chiếm yếu khu Phú Mỹ và đồn Tân Hòa Thành, giải phóng 2 xã Phú Mỹ, Tân Hòa Thành; đánh Sư đoàn 7 phản kích ở lộ Quẹo; phá ấp chiến lược Tân Lý Đông ở sát lộ 4, diệt 5 xe M113 và hàng trăm tên địch. Củ Chi - Phú Mỹ là vùng tập trung đồng bào tín đồ đạo Cao Đài Tây Ninh, bị địch chiếm đóng đã lâu ngày nay đã được giải phóng. Vùng Phú Mỹ - Củ Chi được giải phóng, ta mở thông được hành lang từ Đồng Tháp Mười xuống Chợ Gạo.

Ở hướng chính, ngày 2 tháng 11 năm 1963, Tiểu đoàn 261 cùng quần chúng nổi dậy bao vây, tấn công yếu khu Ba Dừa. Sau 4 ngày đêm bao vây, đánh lấn, địch đầu hàng, ta bắt được 62 tù binh. Ba Dừa thất thủ đã gây thối động mạnh trong hàng ngũ địch, nhất là trong các đồn bốt chung quanh. Du kích và nhân dân 7 xã Long Tiên, Long Trung, Long Khánh, Tam Bình, Cẩm Sơn, Xuân Sơn, Hội Sơn chung quanh Ba Dừa bao vây, hù dọa, bức rút, bức hàng toàn bộ đồn bốt. Tiểu đoàn chuyển xuống hỗ trợ quần chúng nổi dậy bao vây chi khu Vĩnh Kim, giải phóng xã Đông Hòa, sau đó chuyển lên Cai Lậy giải phóng xã Hiệp Đức. Vùng giải phóng 20-7 được mở rộng từ sông Ba Rài - Cai Lậy đến kênh Nguyễn Tấn Thành - Châu Thành, từ lộ 4 đến giáp mé sông Tiền, nối liền với vùng giải phóng của Bến Tre.

Sau thắng lợi lớn ở Củ Chi, tỉnh chuyển Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 lên Cái Bè hỗ trợ cho xã, ấp bức rút 3 đồn xã Hòa Khánh. Bộ đội huyện, du kích và quần chúng bao vây bức hàng các đồn bốt khu vực Cái Nứa và khu trù mật Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, giải phóng một vùng rộng lớn trong mảng 6 xã phía bắc huyện, từ kênh Nguyễn Văn Tiếp ra đến giáp quốc lộ 4, đến Rạch Ruộng xã Thanh Hưng, giáp Kiến Phong.

Đại đội 2 và Đại đội 3 Tiểu đoàn 514 chuyển xuống Chợ Gạo, Gò Công, Hòa Đồng, kết hợp với bộ đội huyện, du kích và lực lượng tấn công chính trị, binh vận tại chỗ, diệt các đồn ở xã Mỹ Tịnh An, Thanh Bình, Phú Kiết, ngã ba Chị Cúc - Chợ Gạo. Địch phản kích nhưng bị đánh và bị diệt nhiều tên ở An Thạnh Thủy.

Ở Gò Công, đại đội bộ đội huyện hỗ trợ quần chúng nổi dậy và bức rút toàn bộ đồn bốt trong huyện, chỉ còn lại thị trấn. Ở Hòa Đồng lực lượng ba mũi của huyện đã giải phóng 3 xã Phú Thạnh Đông, Bình Tân, Vĩnh Hữu, phá banh 5 ấp chiến lược trên lộ 24 thuộc các xã Thạnh Trị, Bình Phục Nhứt, Thạnh Nhựt. Vùng giải phóng được mở rộng từ Cửa Tiểu lên giáp kênh Chợ Gạo.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:29:33 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #79 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2013, 06:45:02 am »

Chỉ trong tháng 11 năm 1963, trong toàn tỉnh Mỹ Tho, ta đã diệt và bức rút 162 đồn bốt, giải phóng 20 xã. Đến cuối năm 1963, toàn tỉnh Mỹ Tho chỉ còn 10 ấp chiến lược ở các thị xã, thị trấn nhưng các ấp chiến lược này cũng chỉ là hình thức. Kế hoạch lập ấp chiến lược của địch ở Mỹ Tho đã bị phá sản. Hoạt động của lực lượng du kích các loại và quần chúng tấn công chính trị, binh vận đã tạo thành một mạng lưới chiến tranh nhân dân nổi dậy hai chân ba mũi rộng khắp. Du kích có mặt ở khắp nơi, trong mọi tình huống, phối hợp với bộ đội chủ lực, địa phương đánh càn quét, bao vây đồn bốt, trinh sát bám địch, độc lập tác chiến. Du kích Hậu Mỹ, Mỹ Trung, Mỹ Lợi - Cái Bè và một số xã của Gò Công, với vũ khí thô sơ do tổ vũ khí xã sản xuất, đã giết và làm bị thương nhiều địch trong các trận càn. Du kích công binh phục kích trên các đường giao thông, phá hủy và đánh hỏng hàng chục xe quân sự, hàng chục tàu. Ở xã Thanh Hòa - Cai Lậy, du kích mật đánh xe Jeep chở sĩ quan ngay sát thị trấn. Du kích Thạnh Phú kết hợp binh vận lấy đồn dân vệ. Du kích Thới Sơn bắn cháy 1 tàu, diệt 1 trung đội địch. Du kích Thân Cửu Nghĩa đánh sân bay, phá hỏng 1 máy bay L19. Du kích Mỹ Thiện dùng ong vò vẽ kết hợp đắp mô, gài mìn trên lộ 4, làm ngưng trệ giao thông suốt ngày. Địch ra gỡ mìn đem về đồn, bọn lính đồn xúm lại xem, mìn nổ làm chết cả chục tên. Các đoạn Cây Me Tơ, Cầu Rượu, Cả Chác, Quẹo Bình Phú, Thẻ 23, Đồng Lớn, Co Cò là những điểm săn xe và phá lộ của du kích và đồng bào trên lộ 4. Nhiều cách đánh địch rất mưu trí, sáng tạo, đơn sơ, dễ làm cho địch rất sợ và không biết phá bằng cách nào để khỏi bị tổn thất về sinh mạng và phương tiện của chúng. Thí dụ như đắp mô đất sình, gài mìn có cắm chà chôm.

Trong các ấp chiến lược, du kích và quần chúng đã trừng trị 86 tên, cảnh cáo 1.726 tên và chặn đánh bọn bung ra. Du kích Hậu Mỹ tiêu diệt tiểu đội dân vệ, thu 11 khẩu súng. Du kích Đông Hòa Hiệp tập kích địch giữa ban ngày, chiếm lô cốt, thu 6 khẩu súng. Du kích Hậu Thành phục kích diệt 3 tên địch, thu 3 khẩu súng. Du kích các xã Gò Công bám sát ấp chiến lược, lộ giao thông đánh thường xuyên.

Tính chung ở Mỹ Tho trong năm 1963, du kích và quần chúng đã đánh 3.595 trận, diệt 3.286 tên, bắn rơi 14 máy bay, phá hủy và làm hỏng 23 xe quân sự, trong đó có 20 xe M113, 12 chiếc tàu, thu 1.200 khẩu súng, nhiều mìn, đạn dược và 15 máy thông tin.

Ở chiến trường Long An, trong năm 1962 địch yếu thế nhưng sang năm 1963 chúng triển khai kế hoạch “tổng tiến công” lập ấp chiến lược rất ác liệt. Chúng tăng cường và điều chỉnh binh lực. Riêng ở bắc lộ 4, chúng bố trí Trung đoàn 46 Sư đoàn 25 ở Đức Hòa, Trung đoàn 10 Sư đoàn 7 ở Thủ Thừa và tăng cường thêm một trận địa pháo ở Bến Lức. Nếu tính cả chiến đoàn biệt động quân và chiến đoàn thủy quân lục chiến bố trí ở Cần Giuộc, Cần Đước thì tổng số lực lượng địch ở Long An từ 13.700 tên năm 1962, đã tăng lên đến 40.000 tên năm 1963. Ngoài ra, chúng còn gom được vào thanh niên chiến đấu 21.000 người, trong đó có 6.000 người được trang bị vũ khí. Từng chiến đoàn địch kết hợp với phi pháo, xe M113 đánh phá từng vùng 2 - 3 xã hoặc 5 - 6 xã; đánh cả ngày lẫn đêm, đánh đến đâu gom dân lập ấp chiến lược, hình thành bộ máy kìm kẹp đến đó, làm dứt điểm từng vùng rồi chuyển sang vùng khác theo kiểu vết dầu loang. Trong một thời gian ngắn, chúng đã lập được 273 ấp chiến lược ở 88 xã, trong đó có 17 xã ở Bến Lức, Thủ Thừa và 12 xã ở Đức Hòa. Ở Đức Huệ, chúng chỉ lập được 1 ấp chiến lược tại quận lỵ cũ.

Trước đây địch càn quét ban ngày, cán bộ, đảng viên tản ra các căn cứ lõm hoặc xuống hầm bí mật, ban đêm lại trở về gặp gỡ quần chúng. Nay với kiểu đánh mới, dân bị gom và ấp, bị kìm kẹp chặt, cơ sở chính trị bị xáo trộn, các tổ chức quần chúng bị tan rã hầu hết. Cán bộ, đảng viên không bám được. Các vùng căn cứ lõm cũng không ổn định.

Để khắc phục, tỉnh đưa lực lượng vũ trang thọc sâu vào ấp, đánh và trụ lại, phát động quần chúng phá rào, đấu tranh dỡ nhà bung về nơi ở cũ. Nhưng ta cũng không trụ lại được dài ngày. Khi lực lượng vũ trang rút đi, địch bắt quần chúng làm lại. Chúng còn bắt những gia đình có con đi kháng chiến đóng tiền bồi thường. Cứ giằng co như vậy cho đến tháng 10 năm 1963, Long An không phá dứt điểm được một ấp chiến lược nào. Tình hình trở nên hết sức căng thẳng. Điển hình như Mỹ Hạnh, Đức Hòa là xã mạnh, có 2.379 hộ dân thì có đến 2.328 ộ bị gom, chỉ có 51 hộ trụ lại được. Nhiều đội du kích xã tan rã, quân số bộ đội địa phương bị giảm sút, bộ đội tỉnh mất chỗ đứng, suốt 6 tháng không đánh được trận nào mà còn bị tiêu hao.

Địch triển khai được ấp chiến lược ở Long An là do chúng đã thay đổi tương quan lực lượng hai bên, đồng thời sử dụng các phương tiện hiện đại, vận dụng các thủ đoạn mới có hiệu quả hơn. Trong lúc đó, lực lượng vũ trang cách mạng chưa phát triển kịp theo yêu cầu của tình hình, vận dụng phương châm, phương thức tấn công chưa phù hợp, chưa đánh được đồn cấp trung đội và chưa diệt được quân tiếp viện.

Thường vụ Khu ủy chỉ đạo tỉnh Long An kiểm điểm và xác định đối tượng tác chiến là đồn bốt, lực lượng bảo vệ và quân chi viện. Tỉnh phải có những trận đánh tiêu diệt then chốt, gây thối động để tạo đà đẩy mạnh hai chân, ba mũi tấn công.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM