Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 25 Tháng Tư, 2024, 08:02:36 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khu VIII - Trung Nam Bộ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)  (Đọc 94822 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2012, 09:58:07 am »

Từ những suy nghĩ này, đồng chí Bí thư tham khảo ý kiến các đồng chí lãnh đạo khu, các đồng chí cũng tán thành cách suy nghĩ đó, nên khẳng định: “Ta không thể ngăn cản đồng bào chạy ra chợ và cũng không nên ngăn cản đồng bào chạy ra chợ vì hiện nay đó là con đường sống duy nhất của bà con, nhưng ta phải biến những cuộc “tản cư ngược” này thành những cuộc tấn công chính trị trực diện. Đòi địch phải rút quân thì dân mới trở về. Các đồng chí ở Bến Tre nhận được sự chỉ đạo của Khu đã tích cực thực hiện. Bây giờ không phải đồng bào tự động tản cư mà Khu chỉ đạo tổ chức cho đồng bào kéo ra tấn công. Không những đồng bào ở ba xã điểm đang bị khủng bố mà đồng bào trong những vùng đã nổi dậy trong toàn huyện, toàn tỉnh Bến Tre cùng đấu tranh. Hàng ngàn, hàng vạn người đi, có sự lãnh đạo nhưng là lãnh đạo bí mật để giữ thế công khai hợp pháp cho đồng bào mạnh dạn đấu tranh với địch. Không những chỉ ra thị trấn Mỏ Cày mà còn đổ ra cả tỉnh lỵ Bến Tre. Đồng bào nói với quận trưởng, tỉnh trưởng rằng: Chúng tôi là dân “quốc gia”. Nay Việt cộng đánh với “quốc gia” thế nào không biết nhưng lính “quốc gia” giết chóc, hãm hiếp dân thì các ông phải bảo vệ dân. Các ông kêu với Tổng thống cho rút quân để dân trở về yên tâm làm ăn. Đồng bào kiên quyết đấu tranh buộc địch phải rút quân càn quét mới trở về. Hàng ngàn, hàng vạn đồng bào chiếm lĩnh ở thị xã Bến Tre và thị trấn Mỏ Cày, ngay cả trong các trụ sở cơ quan địch, trên đường phố và chợ làm rối trật tự, không khí bất bình, sôi sục. Áp lực của dân mạnh, làm cho ngụy quyền thấy cứ tiếp tục để quân càn quét, khủng bố, đàn áp thì sẽ mất lòng dân, dân sẽ không còn tin là chính phủ quốc gia bảo vệ họ nữa, sẽ ngả theo Việt cộng. Không phải chỉ bọn quận trưởng, tỉnh trưởng Bến Tre nghĩ như vậy mà bọn cầm quyền tối cao là Ngô Đình Diệm và cố vấn Mỹ cũng phải suy nghĩ, cân nhắc, không dám khủng bố mạnh nữa. Quận trưởng Mỏ Cày, Tỉnh trưởng Bến Tre phải nhận đơn của dân, phải kêu Diệm cho người xuống tận nơi để xem xét. Về mặt quân sự, cuộc hành quân của 11 tiểu đoàn địch ở ba xã Mỏ Cày không tiến triển được. Quân ta đánh kiểu du kích, nay bắn chết một tên, mai vài tên, có trận tiêu diệt hàng chục tên. Bọn lính Nùng, bọn thủy quân lục chiến vốn rất hung hăng mà cũng phải nản. Bọn quận trưởng, tỉnh trưởng rất lo lắng ăn không ngon, ngủ không yên. Cuối cùng, địch phải rút quân ra khỏi ba xã, bỏ lại mấy cái đồn chơ vơ, không lập lại được bộ máy kìm kẹp. Quần chúng trở về. Thiệt hại của quần chúng tuy lớn nhưng thắng lợi của phong trào cách mạng rất trọn vẹn và thắng lợi này còn được nhân lên trong toàn tỉnh, toàn khu. Địch đã thất bại trong việc khủng bố trắng.

Việc biến tản cư ngược thành đấu tranh chính trị trực diện, dùng lực lượng chính trị của quần chúng tiến hành cuộc phản công lớn, cùng với mũi quân sự buộc 11 tiểu đoàn của địch phải rút quân ra khỏi ba xã điểm của Bến Tre đã đem lại nhiều kinh nghiệm về tác dụng thiết thực của mũi tấn công chính trị trực diện vào đầu não địch trong phối hợp tấn công ba mũi với địch. Khu Trung Nam Bộ chỉ đạo tổ chức những cuộc tấn công chính trị này thành một mũi tiến công chiến lược, giống như mũi quân sự, có tổ chức lực lượng nòng cốt như một đơn vị quân sự, có chỉ huy lãnh đạo, có bộ phận hậu cần lo cho những người đi đấu tranh yên tâm về việc nhà, có lực lượng chủ công trực diện, có lực lượng dự bị sẵn sàng tiếp viện. Bây giờ không phải chỉ khi những quyền lợi về dân sinh, dân chủ, an ninh, sinh mạng của quần chúng thực sự bị xâm phạm thì quần chúng mới đấu tranh chính trị mà là những cuộc tấn công chủ động với những cái cớ về dân sinh, dân chủ hợp pháp của người dân dưới chính thể quốc gia bị đụng chạm. Những cuộc tấn công này tiến hành độc lập hoặc được gắn chặt với cuộc tấn công ba mũi quân sự, chính trị, binh vận để buộc địch như bị trói tay, không thể hành động như ý được, làm cho tinh thần của sĩ quan, binh lính, ngụy quyền càng hoang mang, tan rã.

Những người tham gia vào mũi tấn công của đội quân chính trị này không phải là những thanh niên trai tráng mà là những phụ nữ, những người già, trong đó chủ yếu là phụ nữ. Đội quân này còn có tên gọi là: “đội quân đầu tóc” là vì thế. Về sau, khi những cuộc tấn công này trở thành phổ biến không những ở các nơi trong toàn tỉnh Bến Tre mà còn ở nhiều nơi khác trong Khu Trung Nam Bộ và trong toàn miền Nam, Bác Hồ đã gọi đội quân này bằng một cái tên đẹp và thân thương hơn: “đội quân tóc dài”.

Mũi tấn công chính trị của đội quân tóc dài đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Những kinh nghiệm tấn công chính trị ban đầu được đem ra áp dụng, rồi từ những tình huống phải xử lý trong thực tiễn đấu tranh, nội dung các cuộc đấu tranh ngày càng phong phú, các phương pháp đem ra vận dụng ngày càng sắc sảo hơn.

Như trong cuộc đấu tranh ở thị trấn Mỏ Cày đòi địch rút quân khỏi ba xã điểm: trong khi bà con đang đòi quận trưởng ra nhận đơn của họ thì có một tên lính khiêu khích nói là mấy người bị Việt cộng xúi giục kéo ra đây làm loạn… Hơn mười chị xông vào đánh hắn, đè hắn xuống. Tên lính gác trên mirađo trông thấy, nó bắn mấy loạt súng làm ba chị chết và bị thương.

Từ vụ này, lan ra trong quần chúng tư tưởng thất bại hoang mang: thằng địch nó có súng, mình làm sao đấu lại với nó được?

Đồng chí Sáu Đường, Bí thư Liên tỉnh ủy được báo cáo về chuyện này, vội có thư uốn nán: Đã là tấn công chính trị thì tuyệt đối không được dùng vũ lực, thậm chí cũng không cãi lộn với địch mà phải biết tranh thủ sự đồng tình của binh sĩ, sĩ quan, nhân viên ngụy quyền để ủng hộ mình, ủng hộ những yêu cầu thiết thân nhưng rất hợp lý của mình. Đưa đơn, nếu địch đã nhận đơn thì rút về không ở lại nữa. Về tới xã, ấp thì bọn ở đồn bốt thấy rằng cấp trên của nó đã chấp thuận đòi hỏi của những người dân rồi chúng không đàn áp họ nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2012, 09:58:26 am »

Đồng chí Bí thư còn nhắc nhở nhấn mạnh thêm: Bí quyết của tấn công chính trị là phải tuyệt đối mềm dẻo, tuyệt đối không được để quần chúng có hành động gì có thể sa vào thế bất hợp pháp. Bởi vì sa vào thế bất hợp pháp là mất ngay sức mạnh tiến công chính trị, là thua. Đồng chí nói: “Nếu ai muốn đánh nhau với địch thì mời về tham gia du kích đánh nhau với tụi đi càn, còn ở đây mà đánh nhau là tự mình làm cho mình bị thua và thất bại”. Đấu tranh chính trị mà muốn có kết quả thì phải có lý, có lợi và phải biết kết thúc đúng lúc. Trước Cách mạng Tháng Tám, trong thời gian có Mặt trận Bình Dân những người hoạt động cách mạng lúc đó đã quen với cách làm này khi cùng với quần chúng đưa yêu sách đối với bọn cầm quyền Pháp, trong vòng vây của lưỡi lê và matrắc, hơi cay của tụi cảnh sát đàn áp. Bây giờ cũng như vậy thôi, tuy ở trong một thời điểm khác của lịch sử. Bọn địch hung ác nhưng chúng vẫn không thể hoàn toàn lột bỏ cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa của nó. Vả lại trong hàng ngũ địch, cũng không thiếu những người có lương tri, vì hoàn cảnh nào đó mà họ phải chấp nhận làm tay sai cho địch. Cái lý, cái lợi của quần chúng trong lúc đấu tranh, vận động sẽ thuyết phục họ, khiến họ đồng tình với ta, tiêu cực trong việc thực hiện mệnh lệnh của bọn chỉ huy cấp trên, thậm chí có thể ngầm ủng hộ ta. Trong nhiều cuộc đấu tranh chính trị trực diện của quần chúng, bọn địch cuối cùng phải nhượng bộ, tỏ rõ sự bất lực.

Tiến lên một bước nữa, để phát huy thế mạnh của tấn công chính trị trực diện, các đồng chí ở Bến Tre đã vận động các gia đình binh sĩ cùng đi. Chính sách của cách mạng không phân biệt đối xử đối với những gia đình này, họ được hưởng mọi quyền lợi như những người dân khác. Ở nông thôn, họ cũng là những người nông dân lao động, cũng có nhu cầu về ruộng đất canh tác. Do đó, họ cũng hưởng ứng chính sách ruộng đất của cách mạng. Với cách mạng, họ là những gia đình đau khổ, đau khổ vì chồng, con em họ bị địch cưỡng ép, dụ dỗ đi vào con đường phản lại nhân dân, vào chỗ chết chóc, không được đoàn tụ với gia đình. Trong đấu tranh chính trị, những gia đình binh sĩ trở thành lực lượng của cách mạng, vì ngoài thế công khai hợp pháp là dân “quốc gia”, họ còn có cái thế là gia đình binh sĩ, hạn chế được bọn địch đàn áp.

Khi xây dựng được lực lượng tấn công chính trị thành nề nếp, thì quần chúng thấy đấu tranh chính trị không phải cái gì căng thẳng, ghê gớm lắm. Họ thấy đấu tranh kiểu này được thì họ tham gia vừa được lợi mà không sợ địch khủng bố. Vì địch chẳng có lý do gì mà khủng bố họ - những người dân “quốc gia”.

Từ thực tế đấu tranh chính trị ở thị trấn Mỏ Cày, Liên tỉnh ủy tổng kết thành kinh nghiệm. Phân biệt rõ thế nào là đấu tranh chính trị trực diện, đấu tranh chính trị không trực diện và thế nào là đấu tranh vũ trang; mỗi hình thức có yêu cầu, mục đích, phương pháp và lý lẽ, khẩu hiệu khác nhau. Sự phân biệt này rất cần thiết vì nếu ta đấu tranh vũ trang, cướp đồn bốt thì địch đối phó bằng bạo lực vũ trang; còn nếu ta tấn công chính trị có khẩu hiệu, đưa đơn, nêu yêu sách thì chúng nhận đơn. Còn mít tinh, biểu tỉnh, xuống đường đấu tranh là để phát động quần chúng vạch rõ tội ác của kẻ địch.

Rất nhiều cách nói để đấu tranh nhưng đặc sắc nhất là vận động được gia đình binh sĩ cùng đi hoặc đóng giả là gia đình binh sĩ. Họ nói là gia đình họ cũng có con em đi lính, ở tỉnh này, tỉnh nọ, tên sư đoàn là, trung đoàn là… Nhưng cũng bị đàn áp. Vậy họ cũng đấu tranh cho quyền lợi của gia đình… Đấu tranh như vậy đã mang tính chất binh vận, từ đưa yêu sách để buộc bọn cầm quyền ngụy phải chùn bước đã tiến tới yếu tố vận động binh sĩ, giáo dục họ ủng hộ nguyện vọng của quần chúng, cũng là yêu cầu của cách mạng. Đấu tranh chính trị kiểu mới này là phải được đa số binh lính, sĩ quan đồng tình để hạn chế sự đàn áp của địch. Muốn đạt được như vậy thì, như trên đã nói, phải có lý, có lợi và phải biết kết thúc đúng lúc. Có lý là khi bị địch khủng bố hoặc rõ ràng trước sau gì chúng cũng sẽ đến khủng bố ở vùng mình. Có lợi là nếu kịp thời đấu tranh để ngăn chặn địch thì nhân mạng, tài sản của dân ít bị thiệt hại. Kết thúc đúng lúc là phải nhận định được đến mức nào thì địch chấp nhận, đến mức nào thì ta dừng.

Nghệ thuật đấu tranh chính trị là như vậy. Nhưng trong hoàn cảnh có đấu tranh vũ trang thì phải tổ chức cho quần chúng đấu tranh đấu tranh như thế nào để địch không thể vu cho quần chúng bị Việt cộng xúi giục, rồi chúng quay ra khủng bố, tìm bắt những người nòng cốt.

Khi quần chúng đã được giải thích, thấm nhuần ý nghĩa của cuộc đấu tranh chính trị trực diện thì sẽ nảy ra nhiều sáng kiến hay. Ví dụ, trong đấu tranh phải biết làm công tác binh vận. Như đấu tranh với tỉnh trưởng thì phải tranh thủ được bọn chỉ huy đồn bốt và binh lính đồng tình. Đấu tranh với ác ôn ở cơ sở thì phải tranh thủ được quần chúng, tỉnh trưởng đồng tình. Tóm lại, đấu tranh với bọn bên trên thì phải biết tranh thủ được sự đồng tình của bọn bên dưới. Đấu tranh với bọn địch bên dưới thì phải tranh thủ được sự đồng tình của bên trên. Sự đồng tình đó càng nhiều thì khả năng thắng lợi càng lớn.

Ta phát động quần chúng đấu tranh chính trị nhưng cũng đồng thời phát động đấu tranh vũ trang nên địch không biết được lúc nào thì người dân tấn công bằng cách đưa yêu sách, lúc nào là lực lượng vũ trang ta giả dạng để đánh đồn. Đồn bốt địch hầu hết đóng theo các trục đường. Địch thấy đông đảo dân kéo nhau đi trên đường, chúng không biết đoàn này đi làm gì. Từ thực tế này, các nhà “tham mưu nhân dân” nghĩ ra cách như sau: họ cử một nhóm tiền tiêu. Trước khi đoàn biểu tình đi tới thì có hai, ba người đi trước, nói với lính gác rằng hôm nay bà con đi đấu tranh, đi ngang đồn, xin cho mượn đường đi. Mình cũng trung thành với lời nói, giữ chữ tín. Vậy là nó yên tâm. Như vậy là mình tìm sự đồng tình của binh lính…

Từ phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, Khu tổng kết được nhiều kinh nghiệm sáng tạo.

Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre là đỉnh cao của quá trình nhân dân Bến Tre nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng, với những sức mạnh to lớn, và có nhiều sáng tạo trong phương thức đấu tranh, đánh bại chiến lược đầu tiên trong âm mưu chiến lược thực dân mới của Mỹ, góp phần chuyển cách mạng miền Nam sang chiến lược tiến công tổng hợp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2012, 09:58:49 am »

DIỄN BIẾN ĐỒNG KHỞI ĐỢT I
(Từ ngày 17 tháng 1 đến 23 tháng 3 năm 1960


« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:08:52 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2012, 02:26:06 pm »

2. Đồng khởi lan rộng toàn Khu

Sau thắng lợi Đồng khởi của Bến Tre tháng 4-1960, Liên tỉnh ủy mở hội nghị để tổng kết nhân rộng ra và chỉ đạo ba mũi giáp công. Đồng thời cũng nhấn mạnh ý nghĩa việc quần chúng tay không nổi dậy của Bến Tre. Mô hình này có tác dụng rất lớn. Nó giải quyết được sự bế tắc là sau khi Đồng Tháp Mười đã nổi dậy, làm sao có thể đưa được các vùng ngoài Đồng Tháp Mười và các vùng bị địch bình định nổi dậy trong khi ta chưa có đủ lực lượng vũ trang để hỗ trợ. Tóm lại, đây là tiền đề cho cuộc nổi dậy mang tính chất quần chúng cao trong khắp các tỉnh ở Trung Nam Bộ.

Hội nghị bàn rất sôi nổi về ba mũi giáp công: chính trị, quân sự và binh vận. Đồng chí Hai Thủy, Tỉnh ủy viên Bến Tre có tham gia chỉ đạo nổi dậy ở ba xã điểm của Mỏ Cày được Khu rút lên làm cán bộ quân sự của Khu. Đồng chí được Khu phân công trình bày các khẩu hiệu, về ba mũi giáp công về mặt chiến lược, trong chiến dịch, chiến thuật và chiến đấu; ba mũi giáp công trong tấn công địch và trong phòng ngự chống càn quét, trong bao vây tiêu diệt và làm tan rã địch ở các đồn bốt. Sử dụng ba mũi để dứt điểm một đơn vị vũ trang địch và làm chủ xã, ấp. Ba mũi tấn công có tác dụng, có yêu cầu mục đích, có vị trí quyết định riêng của mỗi mũi. Ba mũi giáp công là một sức mạnh tổng hợp để tấn công vào một mục tiêu, một vùng trọng điểm và một đối tượng cụ thể.

Trên cơ sở đó, Khu đúc kết, phổ biến toàn Khu về kinh nghiệm tạo thế công khai hợp pháp của quần chúng trong tiến hành ba mũi tấn công và giáp công.

Hội nghị Khu đang họp thì nhận được điện của Mỹ Tho: quần chúng ở Mỹ Trung, Mỹ Lợi huyện Cái Bè nổi dậy tổ chức mít tinh, biểu tình hàng ngàn người, phá kìm kẹp, diệt ác ôn, bức hàng đồn bốt. Quần chúng ở Mỹ Thiện, Hậu Mỹ, Hậu Thành nổi dậy mít tinh, biểu tình lớn. Tại ngã sáu Mỹ Chung 15.000 người trang bị gậy gộc, dao mác diễu hành thị uy trên một tuyến dài 15 kilômét đòi Ngô Đình Diệm phải từ chức, Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Các đồn bốt dân vệ và bảo an biệt kích đóng ở những nơi này phải rút chạy. Tại Cai Lậy, quần chúng nổi dậy biểu tình ở mảng bốn và phối hợp với Trung đội 514 của tỉnh đang đánh địch ở Cặp Rằng Núi biến thành cuộc diễu hành với 9.000 người từ Ban Dầy, Chà Là, kênh Mười, Xoài Tư tiến về chợ Ngã Năm giương cao cờ đỏ sao vàng, hô khẩu hiệu kêu gọi nhân dân nổi dậy, diệt ác, phá kìm, phá khu trù mật, đòi quyền làm chủ ruộng đất.

Tin đồng bào Mỹ Tho nổi dậy theo mô hình của Bến Tre phát động phong trào Đồng khởi ở các xã thuộc vùng yếu, vùng trắng không còn cơ sở Đảng làm cho ai nấy đều hết sức vui mừng.

Mỹ Tho là tỉnh mạnh thời kháng chiến chống Pháp. Khi tập kết còn trên 3.000 đảng viên. Chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - Diệm làm tan rã phần lớn Đảng bộ cơ sở. Nhiều vùng ở Chợ Gạo, Gò Công, Hòa Đồng, vùng ngoài lộ 4 ở Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè không có chi bộ, đảng viên và cơ sở nòng cốt của cách mạng. Đồng bào bị địch bắt ép vào các đoàn thể phản động phải trang bị dây, roi, đánh trống mõ rượt bắt cán bộ, đảng viên xâm nhập vào xóm ấp. Ai không thi hành thì bị chúng đánh đập, bắt giam. Người dân bị kìm kẹp rất căm thù Mỹ - Diệm, đang trông chờ cách mạng về. Ở xã cù lao Thới Sơn trên sông Tiền, ngang thị xã Mỹ Tho, các anh Tư Thanh, Quốc Vũ, Cường, Ba Nhỏ,… là thanh niên của địa phương trong khi chưa có sự chỉ đạo của Huyện ủy Châu Thành nghe tin bên An Khánh, Bến Tre nổi dậy đã sang học tập, chép lại khẩu hiệu đem về bí mật cắt băng, viết khẩu hiệu, phát động quần chúng ở xã mình.

Mỹ Tho chấp hành chỉ đạo của Liên tỉnh ủy Khu Trung Nam Bộ tiến hành phát động quần chúng nổi dậy trong toàn tỉnh đợt II, hướng chính là vùng yếu không có cơ sở Đảng. Mười lăm ngày đầu đợt sẽ đưa quần chúng ở nam, bắc quốc lộ 4 của các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè nổi dậy; trọng điểm là các xã của Châu Thành, Cai Lậy từ Vĩnh Kim đến sát thị trấn Cái Bè. Trung đội 514 phụ trách vùng Châu Thành, trung đội của Kiến Tường do Khu điều động chi viện phụ trách vùng Cai Lậy, biệt động thị xã phụ trách vùng ven. Chợ Gạo nổi dậy từ kênh Chợ Gạo trở lên. Riêng hai huyện dưới là Gò Công và Hòa Đồng, sau khi mở được Chợ Gạo sẽ có kế hoạch tiếp theo.

Đêm 24 tháng 9 năm 1960, đồng chí Ba Thanh - Bí thư Huyện ủy Châu Thành, đồng chí Sáu Danh - Phó ban Quân sự tỉnh cùng Trung đội 514 vượt quốc lộ 4 đến đóng quân trong nhà quần chúng tốt ở ấp Phú Nhuận, xã Phú Phong. Sáng ra, có người nhận ra đồng chí Ba Thanh và đồng chí Sáu Danh, nhiều đồng bào liền đến thăm, đem heo, gà, vịt tiếp tế. Từ xã Phú Phong tình hình này loang ra tám xã trong vùng suốt mấy ngày. Đồng chí Ba Thanh, đồng chí Sáu Danh và cán bộ chiến sĩ tiếp xúc với đồng bào, phát động nổi dậy, đồng thời phái đồng chí Ba Vũ đưa một tổ vũ trang đột nhập ấp Phú Quới. Ấp này gần bốt Rau Răm, buổi chiều hôm đó 1 trung đội dân vệ của địch đã vào ấp rêu rao: “phiến quân Việt cộng đang về quấy rối xóm làng, đồng bào phải sẵn sàng cây, dây, roi để bắt Việt cộng”. Chúng vừa rút đi thì tổ của các đồng chí Ba Vũ đến. Các đồng chí đi từng nhà kêu gọi dân ra tập trung. Trời tối, đèn măng xông thắp sáng choang tại địa điểm tập trung. Khi đã đông đủ, đồng chí Ba Vũ bước lên tuyên bố: “Chúng tôi là bộ đội giải phóng từ Đồng Tháp Mười về đây thăm đồng bào”. Mọi người xôn xao, đồng chí Ba Vũ kêu gọi đồng bào tố cáo tội ác Mỹ - Diệm, nổi dậy diệt ác, giải tán bộ máy chủ ấp, liên gia, vạch mặt những tên chủ ấp, cảnh sát, liên gia trưởng đã kìm kẹp, áp chế đồng bào.

Đồng chí Ba Vũ còn giải thích chính sách của cách mạng và kêu gọi đồng bào tham gia các tổ chức Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, tự vệ để làm chủ xóm ấp. Mọi người sốt sắng ghi tên vào các đoàn thể, nhiều thanh niên xin đi bộ đội. Nhân dân bầu Ban cán sự ấp gồm ba người để lãnh đạo mọi việc trong ấp. Cuộc tập trung kéo dài đến nửa đêm, sau đó mọi người kéo đi biểu tình, hô khẩu hiệu rầm trời qua ấp kế cận, lôi kéo đồng bào nơi đây nổi dậy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2012, 02:26:53 pm »

Cứ như vậy, liên tiếp qua 4 ngày, tám xã Phú Phong, Bàn Long, Kim Sơn, Vĩnh Kim, Hữu Đạo, Dưỡng Điềm, Bình Trưng, Điềm Hy đều nổi dậy. Từ ấp đến xã đều hình thành ban cán sự. Các đoàn thể du kích, tự vệ được tổ chức, quần chúng rào, sửa đường làm xã chiến đấu, phòng thông tin, cổng chào…

Ở các vùng của Cai Lậy, Cái Bè, ven thị xã Mỹ Tho, Chợ Gạo đồng bào cũng nổi dậy sôi nổi suốt 15 ngày. Trống, mõ, thùng thiếc, đánh hồi một, liên tục suốt ngày, đêm. Lính ngụy ở trong các đồn sợ hãi không dám ra. Mãi đến ngày 14 tháng 10 năm 1960, hai đại đội bảo an mới dám lò dò tiến vào các xã Bàn Long, Phú Phong, Cẩm Sơn, Phú An. Tại những nơi này chúng bị Trung đội 514 và Trung đội Kiến Tường diệt mấy chục tên, bọn còn lại sợ chạy ra lộ 4. Nhân dân càng phấn khởi nổi dậy, mít tinh, biểu tình, tham gia mọi công tác cách mạng, đóng góp tài chính. Có nông dân đóng 10 giạ lúa. Má Hai ở Phú Phong đi vận động mọi người, má nói: “anh em cực khổ quá, bây giờ có đóng góp nuôi anh em hết nhà cũng được”. Trong những ngày nổi dậy, nhà má nuôi bộ đội và đồng bào tới thăm.

Cuộc nổi dậy diễn ra được 5 ngày thì mũi tấn công chính trị của đội quân tóc dài ra quân. Vào lúc 8 giờ sáng ngày 29 tháng 9 năm 1960, 7.000 người thuộc các xã vùng ven thị xã Mỹ Tho, Cai Lậy, Cái Bè, do 3 cán bộ nữ của Châu Thành làm nòng cốt, tập trung trước dinh tỉnh trưởng Mỹ Tho. Tỉnh trưởng báo động cho cảnh sát và cho người ra hạch hỏi. Đồng bào một mực đòi gặp tỉnh trưởng. Giằng co mãi, hắn mới ló mặt ra, giở giọng hăm dọa là đồng bào nghe lời Việt cộng xúi giục làm loạn, rồi hỏi ai là người đại diện và muốn yêu cầu việc gì. Đồng bào, từng người một đưa đơn đòi trả chồng, con bi bắt, đòi hoãn quân dịch cho con, em, đòi trả ruộng đất bị cướp, đòi không được khủng bố, miễn giảm thuế,… Tên thư ký phải thu tới 2.000 lá đơn. Thấy đồng bào đứng đông nghẹt cả đoạn đường trước dinh và bao quanh dinh, tên tỉnh trưởng không dám giở trò, phải xoa dịu, hứa xem xét, giải quyết và xin đồng bào giải tán.

Cùng ngày, hơn 40.000 đồng bào thuộc lực lượng đội quân tóc dài xuống đường, kéo ra các điểm An Hữu, ngã tư Văn Cang, lộ quẹo Bình Phú, chợ Cai Lậy, Thẻ 23, Thuộc Nhiêu, Long Định, ngã tư Chợ Đưng trên quốc lộ 4 và thị trấn Chợ Gạo, mỗi nơi từ 2.000 - 3.000 người đấu tranh chống khủng bố. Bọn lính bốt và quận trưởng phải xuống nước, năn nỉ đồng bào trở về nhà, hứa không khủng bố nữa.

Trong 15 ngày, ở Mỹ Tho quần chúng đã thật sự nổi dậy làm chủ vùng nông thôn của ba huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và một phần huyện Chợ Gạo. Trong 50 xã, hơn 100.000 quần chúng nổi dậy biểu tình, mít tinh và tập hợp đội ngũ trong đội quân tóc dài kéo ra đấu tranh trực diện với các cấp đầu não địch.

Tình hình nổi dậy thắng lợi của Mỹ Tho cho thấy rõ quần chúng bị kèm kẹp hết sức căm thù Mỹ - Diệm và bọn tay sai, nếu phát động đúng mức và có phương pháp thích hợp họ sẵn sàng vùng lên. Và điều rút ra là lãnh đạo phát động quần chúng nổi dậy phải hết sức kiên trì, lực lượng vũ trang và cán bộ, đảng viên không được làm thay, mà phải để cho quần chúng ra quyết định xử lý, diệt ác ôn thì quần chúng mới xác định được quyền làm chủ cuộc nổi dậy của mình. Phải có chính sách khoan hồng với những người bị ép buộc làm tay sai, có khả năng hối cải. Nổi dậy từ ấp này loang ra ấp khác, xã này loang ra xã khác bằng khí thế phong trào quần chúng biểu tình, mít tinh hô khẩu hiệu liên tục, kết hợp với tập hợp quần chúng chủ động kéo ra thành đội quân tóc dài gồm cả gia đình binh sĩ đấu tranh trực diện với bọn đầu não ở các thị xã, thị trấn để bắt buộc chúng bảo vệ sinh mạng, tài sản của người dân, không được khủng bố trả thù, bắn giết bừa bãi vào xóm làng, đồng thời phải khéo léo tranh thủ, phân hóa cô lập bọn ác ôn để hạn chế sự phản kích, đàn áp, khủng bố của địch.

Từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 11 năm 1960, phong trào đấu tranh ở Mỹ Tho mở rộng ra đến 90 xã. Hơn 200.000 người nổi dậy biểu tình, mít tinh. Hơn 100.000 người được tập hợp vào đội quân tóc dài chủ động tấn công trực diện với tề xã, quận trưởng, tỉnh trưởng để kìm chế các cuộc càn quét, đánh bằng bom pháo vào xóm làng.

Sau đợt này là đợt từ ngày 25 tháng 12 năm 1960 đến ngày 10 tháng 1 năm 1961, với trên 300.000 lượt người dân của 121 xã ở Mỹ Tho nổi dậy. Hơn 100.000 người xuống đường tập hợp vào đội quân tóc dài đấu tranh trực diện với địch. Đợt này, lực lượng nổi dậy kết hợp ba mũi quân sự, chính trị, binh vận bao vây bức hàng, bức rút trên 30 đồn bốt, thu trên 100 khẩu súng.

Tháng 2 năm 1961, Mỹ Tho mở tiếp đợt đấu tranh thống nhất trong toàn tỉnh vào 3 ngày đầu tháng. Hướng chính là hai huyện Gò Công, Hòa Đồng. Các huyện vùng trên tiếp tục nổi dậy bao vây ba mặt bức rút, bức hàng đồn bốt. Hơn 100.000 người của 123 xã nổi dậy biểu tình, mít tinh, hơn 80.000 người tập hợp vào đội quân tóc dài kéo ra đấu tranh trực diện với tỉnh, quận, xã. Có cuộc tập trung tới 10.000 người tại thị trấn Cai Lậy, 5.000 người tại Long Định và thị trấn huyện Châu Thành.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2012, 02:27:14 pm »

Từ ngày 20 tháng 2 năm 1961, đến ngày 3 tháng 3 năm 1961, tỉnh thống nhất nổi dậy, biểu tình, mít tinh, nghi binh, nghi trang bao vây đồn bốt bằng ba mũi, kêu gọi binh lính quay súng chống Mỹ - Diệm. Trên 10.000 người đã cùng lực lượng vũ trang Cái Bè bao vây làm hai đại đội bảo an khu trù mật Hậu Mỹ rút chạy, thiêu hủy hai xe thiết giáp, phá hủy khu trù mật, thu 30 khẩu súng. Đợt này, hơn 30 đồn bốt bị lực lượng ba mũi bức rút, bức hàng, thu hơn 100 khẩu súng. Lực lượng vũ trang tỉnh đánh diệt một đại đội bảo an ở xóm Cò Long Định, thu 20 khẩu súng.

Gò Công cũng nổi dậy mạnh. Hai mươi ngàn đồng bào nổi dậy tấn công ba mũi như mô hình ở Mỹ Tho, diệt 21 ác ôn, phá lộ Cầu Nổi, lộ Kiểng Phước suốt 3 ngày.

Tính chung các đợt tấn công nổi dậy trong năm 1960 đến đầu năm 1961, Mỹ Tho đã có 350.000 lượt quần chúng nổi dậy, bằng ba mũi giáp công quét sạch đồn bốt địch trên 32 xã; hơn 20 xã nhân dân làm chủ cả ngày đêm, đội quân tóc dài đấu tranh trực diện kéo ra tấn công liên tục. Tỉnh trưởng bị 4 cuộc đấu tranh từ 3.000 đến 20.000 người. Các quận trưởng Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Hòa Đồng, Gò Công, tên nào cũng bị 5 - 6 cuộc đấu tranh. Quận Châu Thành phải thay quận trưởng 4 lần.

Phong trào quần chúng chủ động đấu tranh trực diện với bọn đầu não ở thị xã, thị trấn bằng lực lượng đội quân tóc dài đã đi vào nề nếp. Hễ lực lượng vũ trang nổ súng thì quần chúng xuống đường tản cư ngược, đấu tranh trực diện với tỉnh trưởng, quận trưởng đòi không được bắn phá, phản kích càn quét, khủng bố. Ban đêm quần chúng đánh mõ nổi dậy trong xóm ấp, ban ngày xuống đường biểu tình đấu tranh trực diện để giữ thế công khai hợp pháp, nổi dậy chủ động tấn công liên tục, không ngại gian khổ, nguy hiểm. Có cuộc địch chỉ nhận đơn, có cuộc chúng đàn áp nhưng quần chúng vẫn hăng hái đấu tranh. Điển hình là cuộc đấu tranh trực diện của đồng bào 8 xã khu vực quốc lộ 4 từ Phú Phong, Bàn Long đến Bình Trưng, tại ngã ba Chim Chim trên quốc lộ 4. Đêm hôm đó địch bắn 50 trái pháo vào ấp Phú Quới, xã Phú Phong làm chết hai người. Sáng ra hàng ngàn người kéo đến bốt hội tề đòi chấm dứt bắn pháo, đòi bồi thường thiệt hại. Ngày hôm sau, 1.000 người kéo thành đội ngũ có băng rôn, khẩu hiệu diễu hành dọc lộ 4 từ Nhị Bình tiến xuống Long Định. Đoàn đến ngã ba Chim Chim thì địch cho xe thiết giáp chặn lại. Đồng bào cương quyết kéo nhau đi. Chúng nổ súng, chị cầm băng đi đầu ngã gục, một chị khác nhảy lên thay, chúng bắn chết, một chị nữa lên thay cũng bị bắn chết, 10 người khác bị thương, đồng bào vẫn không lùi. Một chị bị thương rất nặng miệng vẫn hô: tiến lên, đả đảo! Đàn áp không được, tỉnh trưởng Mỹ Tho và quận trưởng Châu Thành phải xuống nước, nhận yêu sách, hứa bồi thường thiệt hại và trừng trị kẻ giết người.

Đến tháng 3 năm 1961, Mỹ Tho căn bản đã hoàn thành nổi dậy làm chủ nông thôn từ biển Gò Công lên đến Cái Bè. Mỹ Tho nổi dậy đều khắp là nhờ học tập kinh nghiệm của Bến Tre và áp dụng các mô hình nổi dậy đầu tiên ở Cái Bè và Cai Lậy Bắc.

Nữ đồng chí Ngọc Việt - Tỉnh ủy viên, phụ trách huyện Cái Bè và sau đó sang Cai Lậy đã cương quyết cùng Huyện ủy bố trí cán bộ có tư tưởng tiến công đi phát động quần chúng. Đó là bài học, vì Đảng chỉ đạo Đồng khởi và phương pháp lãnh đạo tư tưởng nội bộ thực hiện nghị quyết.

Sau khi hai đồng chí Tám Chữ và Bảy Đấu đi dự hội nghị sơ kết ở Liên tỉnh ủy về, Bến Tre tiếp tục đồng khởi đợt II.

Từng huyện trong tỉnh chỉ đạo đấu tranh ở những xã còn lại hoặc mở những đợt đấu tranh tiếp theo. Hướng chính là huyện Giồng Trôm, hướng phụ là huyện Mỏ Cày. Điểm chỉ đạo riêng của tỉnh là năm xã Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Phú, Châu Hòa, Châu Bình thuộc huyện Giồng Trôm.

Sau đợt I, địch tăng cường phòng thủ nên Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động ở thị xã trước khi vào đợt để kéo lực lượng chúng trở về phòng thủ, tạo điều kiện cho trọng điểm giành thắng lợi. Lúc này, tỉnh Bến Tre đã có lực lượng vũ trang tương đối mạnh, nên dễ nghi trang, nghi binh.

Ngày 21, 22 tháng 9 năm 1960, hàng vạn quần chúng đổ vào thị xã mua lương thực, thực phẩm dự trữ và tung tin Quân giải phóng về rất đông, sắp có đánh lớn. Thị xã trong những ngày này tràn ngập người đi lại, giá cả tăng vọt. Nhưng sang ngày 23 tháng 9 năm 1960, tình hình hoàn toàn ngược lại, ngoài đường người đi lại thưa thớt, các tiệm đóng cửa, thị xã vắng tanh. Ngụy quyền hoảng hốt báo động.

Trưa ngày 23 tháng 9 năm 1960, Đại đội 261 của tỉnh phục kích diệt gọn một trung đội bảo an trên đường Tân Thạch đi thị xã. Cùng ngày, Trung đội vũ trang huyện Giồng Trôm cũng diệt 1 trung đội bảo an địch trên đường Giồng Trôm - thị xã. Đến đêm, tự vệ thị xã diệt đồn dân vệ cầu nhà thương, tước vũ khí đồn dân vệ Cái Cối, nổ súng ở ngoại ô. Cho rằng thị xã sẽ bị tấn công, sáng ngày 24 tháng 9 năm 1960, Tỉnh trưởng Bến Tre cấp tốc gọi hai tiểu đoàn bảo an từ Giồng Trôm về thị xã. Cùng lúc, nhân dân các xã Lương Hòa, Long Mỹ, Bình Hòa thuộc huyện Giồng Trôm thả bè dừa phá sập cầu Bình Chánh - cây cầu lớn, quan trọng trên tỉnh lộ 26, nối thị xã Bến Tre với Giồng Trôm, Ba Tri. Đây là kết quả của một sáng kiến tuyệt vời của đồng bào Bến Tre, vì trên cầu có lính canh phòng cẩn mật, chị em đi chợ đã đếm bước chân mình để đo chiều ngang giữa hai trụ cầu chính và một ông lão dùng ghe có cột buồm đi ngang qua đụng cầu để biết chiều cao mặt nước. Sau đó hàng ngàn người tập họp lại kết bè, xác định kích thước chiều dài, chiều rộng, chiều cao cần thiết để lợi dụng sức nước đẩy sập cầu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2012, 02:27:36 pm »

Vào lúc 15 giờ tại đồn Châu Phú, Giồng Trôm, anh Chống là nội tuyến, Đại đội trưởng đại đội nghĩa binh công giáo, ra lệnh cho lính gom súng lại để kiểm tra tạo điều kiện cho một tiểu đội của Đại đội 261 đóng giả bảo an đột nhập, bức hàng đại đội nghĩa binh, thu toàn bộ vũ khí. Nhân dân phá tan đồn. Từ đồn Châu Phú, các đồng chí đóng giả là lính nghĩa binh cùng anh Chống lên xe lam vào chiếm bốt nhà thờ. Nội tuyến ở đây đã nổi dậy trước, bọn lính nhanh chóng đầu hàng.

Chiếm xong nhà thờ, lực lượng vũ trang cách mạng cùng nội tuyến kéo thẳng đến đồn Châu Thới. Lính ngụy trong đồn chưa kịp chống cự, cửa đồn đã bị phá tung. Toàn bộ lính trong đồn đầu hàng. Như vậy là vừa mở đầu đợt, ta đã liên tiếp chiếm 3 đồn, thu được hơn 100 khẩu súng. Quần chúng hết sức phấn khởi, san bằng đồn bốt.

Cũng trong thời gian đó, nhân dân các xã Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Bình, Châu Hòa phối hợp với tiểu đội vũ trang huyện, nội tuyến và gia đình binh sĩ bao vây bức hàng, bức rút, san bằng hệ thống đồn bốt dọc sông Ba Lai, bắt hơn 100 tù binh, thu nhiều súng.

Đêm đến, nhân dân năm xã tổ chức mít tinh mừng chiến thắng.

Phát huy thắng lợi, sáng ngày 25 tháng 9 năm 1960, hơn 5.000 người kéo vào thị trấn Giồng Trôm và nhà thờ La Mã, Hiệp Hưng, loan tin đại đội nghĩa binh công giáo đã theo cách mạng, đòi chính quyền phải đảm bảo tính mạng, tài sản của dân, không khủng bố dân, đòi bồi thường cho lính bị chết, mất tích. Địch hoang mang, lúng túng, năn nỉ, xoa dịu.

Sau khi tuyên truyền chính nghĩa của cách mạng, chính sách của quân giải phóng, một số tù binh vừa bị bắt được phóng thích: 30 tên được thả tại thị xã Bến Tre, 10 tên khác cho về với gia đình. Việc thả tù binh đã nêu cao chính sách khoan hồng, nhân đạo của cách mạng, được gia đình binh lính và quần chúng loan truyền, gây ảnh hưởng rộng rãi.

Cùng với năm xã điểm, đêm 24 tháng 9 năm 1960, hàng chục vạn quần chúng các xã trong toàn tỉnh nổi dậy đánh trống mõ diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp, đốt đuốc xuống đường biểu tình thị uy, bao vây đồn bốt, kêu gọi binh lính đầu hàng. Hai chục đồn ở Giồng Trôm nộp súng, hàng chục đồn ở Châu Thành, Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri bị diệt, hàng chục xã quần chúng giành quyền làm chủ. Ngày 23 tháng 10 năm 1960, tỉnh điều Đại đội 261 sang tăng cường hỗ trợ quần chúng các xã của huyện Mỏ Cày tiếp tục nổi dậy bằng ba mũi giáp công bức hàng, bức rút đồn bốt địch.

Đồng khởi Bến Tre lần này nổ ra quy mô toàn tỉnh với khí thế mới, dùng ba mũi giáp công bao vây, tiến công, bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bốt. Phong trào lính đầu hàng, nộp súng, rã ngũ về với nhân dân chưa từng thấy. Sau hai mươi ngày cao điểm, cuộc Đồng khởi tiếp tục kéo dài đến hết năm 1960. Trong toàn tỉnh, đã có 51 xã trên 115 xã hoàn toàn giải phóng, 21 xã còn đồn tua nhưng nhân dân làm chủ.

Tháng 7 năm 1960, cùng với toàn Khu, Long An bước vào đợt II. Mở đầu, Đại đội công binh tỉnh tấn công chi khu Đức Hòa. Trận đánh bắt đầu từ việc ta vây đồn Hựu Thạnh. Địch cho 1 trung đội bảo an quận đến giải tỏa, bị ta tiêu diệt. Sau đó ta đánh thẳng vào quận lỵ. Sau 30 phút đại đội bảo an phòng thủ bị đánh tan, ta làm chủ quận lỵ. Cờ cách mạng được kéo lên trên nóc dinh quận. Nhân dân các xã xung quanh nổi dậy phá lộ, đốn cây, làm chướng ngại vật, cắt đứt đường vào thị trấn. Ngày hôm sau địch phải đưa tiểu đoàn dù từ Sài Gòn đến để giải vây.

Kết hợp với tấn công nổi dậy ở Đức Hòa, 1 trung đội vũ trang cùng quần chúng ba mũi tấn công nổi dậy diệt ác ôn, phá tề ấp, tề xã ở Bình Lợi, Bình Thuận, đông đảo nhân dân họp mít tinh bắt chúng trả chức không làm việc nữa. Bộ máy kìm kẹp bị đập tan.

Đại đội cơ động tỉnh chuyển xuống phía nam lộ 4 phối hợp với quần chúng tấn công nổi dậy ở xã Long Trì, huyện Châu Thành, diệt 1 trung đội bảo an, dân vệ, bắt sống tên ủy viên cảnh sát.

Lực lượng vũ trang của tỉnh còn kết hợp với quần chúng tấn công nổi dậy tiêu diệt một loạt các bốt Đông Thạnh, Long Phụng, Tân Lập, Long Khê, Long Cang. Tề ấp, liên gia tan rã.

Ở Cần Đước, 1.000 người biểu tình vào chợ Núi. Binh lính ngụy phải làm ngơ, không dám đàn áp.



Đả đảo luật 10/59 - Long An
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:10:03 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2012, 02:28:06 pm »

Vào đợt này, lực lượng vũ trang Long An vừa tác chiến, vừa làm nhiệm vụ diệt ác, bắt bọn tề xã, ấp cam kết không làm việc cho Mỹ - Diệm, không ủng hộ địa chủ cướp ruộng. Hoạt động vũ trang có hiệu quả về mặt đánh địch, diệt ác, phá kìm kẹp, được nhân dân đồng tình. Nhưng quần chúng chưa nổi dậy bùng lên, ỷ lại vào lực lượng vũ trang.

Đến tháng 9 năm 1960, vùng giải phóng ở Long An đã tương đối rộng. Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Giuộc, Bến Lức đã có 12 xã không còn đồn bốt, 67 xã khác chỉ còn 1 đồn ta làm chủ.

Được báo cáo diễn biến tình hình ở Long An, đồng chí Bí thư Liên tỉnh ủy chỉ đạo cho Thường vụ Tỉnh ủy chú ý đi sâu chỉ đạo các cấp ủy và cán bộ, đảng viên đề cao tinh thần tự lực nổi dậy của quần chúng đúng mức hơn nữa, nhắc nhở các đồng chí là chỉ có phát động được khí thế cách mạng của quần chúng để quần chúng tự lực đứng lên, bằng ba mũi giáp công diệt và làm tam rã địch, làm chủ xã, ấp và kéo ra đấu tranh trực diện với cơ quan đầu não địch ở thị xã, thị trấn, chống khủng bố như Bến Tre và Mỹ Tho đã làm, thì mới lập được quyền làm chủ vững chắc của nhân dân.

Từ cuối năm 1960 đến quý I năm 1961, Tỉnh ủy Long An kiên quyết chỉ đạo phát động quần chúng hai huyện dưới nổi dậy tấn công địch, làm chủ thật sự như ở Bến Tre, Mỹ Tho. Tổ chức nhiều cuộc biểu tình có từ 5 đến 7.000 người tham gia, kéo dài nhiều ngày. Ở Bến Lức, trên 8.000 người kéo ra lộ 4 làm tắc nghẽn giao thông, tạo thành dư luận cách mạng tấn công lớn vào các vùng đô thị, thị xã, thị trấn. Ở Đức Hòa, 10.000 người kéo ra thị trấn và lên lộ. Ở Châu Thành 13.000 người kéo vào thị trấn Tầm Vu và thị xã Tân An. Ở Cần Đước, 17.000 người biểu tình, hình thành đội quân tóc dài đấu tranh chính trị trực diện với cơ quan đầu não của địch, có nhiều lý lẽ chống khủng bố, kêu gọi anh em binh sĩ đồng tình ủng hộ, quay súng trở về với cách mạng.

Tinh thần binh lính ngụy hoang mang, nhiều tên đào ngũ. Tổng đoàn dân vệ Bầu Trai được nội tuyến hướng dẫn nổi dậy giết chết cai tổng Oai, một tên ác ôn, rồi mang toàn bộ vũ khí theo cách mạng.

Đến đầu năm 1961, nhân dân Long An mới thực sự đứng lên bằng ba mũi giáp công tiến công địch làm chủ theo mô hình Bến Tre, Mỹ Tho; đã kết hợp lực lượng vũ trang và ba mũi giáp công của quần chúng, mở ra nhiều vùng làm chủ của nhân dân. Điển hình là ở Đức Huệ và Châu Thành. Ở Đức Huệ nhân dân phán tan khu trù mật Giồng Bún, xã Mỹ Quý Tây, cùng với lực lượng vũ trang chống địch phản kích hai trận ở Mỹ Thạnh Đông và Giồng Nhỏ, diệt hai trung đội và đồn Bình Thành, giải phóng hầu hết huyện.



Ở Châu Thành - Tân Trụ, lực lượng vũ trang mới thành lập kết hợp với cơ sở nội tuyến đồn Nhật Tảo diệt tên chỉ huy ác ôn, giáo dục rồi tha 30 dân vệ, thu nhiều súng. Lực lượng vũ trang đóng giả lính ngụy, kết hợp với nội tuyến, diệt đồn giữa ban ngày, thu súng, giải phóng xã Phước Vân. Nhân dân các xã nổi dậy biểu tình, mít tinh, có nhiều cuộc có tới 6 đến 7.000 người tham gia. Hàng chục cuộc đấu tranh trực diện với quận trưởng Bình Phước - Tân Trụ có từ 3 đến 4.000 người tham gia.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:10:56 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2012, 02:28:36 pm »

Tỉnh Kiến Tường vào đợt II của Đồng khởi vào giữa mùa nước. Cả tỉnh là một biển nước, có nơi ngập sâu đến 2-3 mét, mọi sinh hoạt đi lại, làm ăn đều dựa vào xuồng, ghe. Bộ đội, du kích bám địa phương bằng xuồng, lênh đênh trên nước, trong rừng tràm, lau sậy,… Tỉnh ủy vừa lo việc ăn ở cho cơ quan, vừa lo ổn định đời sống của dân, vừa chỉ đạo nổi dậy tấn công. Các đồng chí đánh giá: nước nổi khiến cả ta và địch đều gặp khó khăn. Nếu ta quyết tâm vượt khó khăn thì sẽ thắng. Địch ở trong đồn bị nước bao vây tứ phía nếu bị đánh sẽ khó chi viện. Phải có kế hoạch đánh bức đồn. Tỉnh ủy chỉ đạo bộ đội xây dựng kế hoạch tấn công. Anh em có sáng kiến dùng bè chuối kẹp hai bên xuồng rồi chất bao trấu lên làm công sự. Lợi dụng trời tối, ta bí mật áp sát xuồng vào hàng rào đồn, dùng mã tấu chặt đứt rào, mở cửa, xông vào chiếm đồn. Bằng cách này, trong mùa nước tháng 9 và tháng 10 năm 1960, lực lượng vũ trang Kiến Tường cùng nhân dân đã chiếm 47 đồn bốt, thu được 102 khẩu súng, mở rộng vùng giải phóng.

Kết hợp với lực lượng vũ trang tấn công, đồng bào ven thị xã Mộc Hóa nổi dậy, mỗi cuộc có từ 500 đến 1.000 người tham gia. Đội quân tóc dài thường xuyên kéo vào đấu tranh trực diện với cơ quan đầu não của địch, đòi không được bắn phá, khủng bố.

Tỉnh Kiến Tường ít dân, phần lớn dân tập trung ở thị xã, thị trấn nhưng Tỉnh ủy vẫn chỉ đạo các Đảng bộ lãnh đạo quần chúng giữ thế công khai hợp pháp đấu tranh và tạo được sự đồng tình hưởng ứng; đồng bào sống rải rác trong kênh rạch, bưng trắp thì dùng hình thức mít tinh, biểu tình, vạch mặt địch, treo băng rôn, khẩu hiệu, cờ khắp mọi nơi, trống mõ, thùng thiếc đánh vang dội. Những cuộc xuống đường, kéo ra thị trấn đấu tranh trực diện với địch ở Kiến Tường tuy ít người tham gia (vì tỉnh ít dân hơn các tỉnh vùng ngoài) nhưng đồng bào rất sáng tạo trong chiến đấu kết hợp thế công khai hợp pháp và vận dụng phương châm hai chân, ba mũi tấn công địch khi địch càn, nên đã giành được quyền làm chủ trên diện rộng.

Đến tháng 3 năm 1961, Kiến Tường đã căn bản đạt yêu cầu của đợt nổi dậy. Vùng giải phóng hình thành. Thế quần chúng làm chủ bằng chính quyền tự quản rộng khắp.

Tỉnh Kiến Phong lấy ngày 14 tháng 9 năm 1960 làm ngày mở đầu đợt II Đồng Khởi và thống nhất cho toàn tỉnh. Đêm 13 rạng ngày 14 tháng 9 năm 1960, quần chúng các xã nổi dậy đồng loạt đánh trống, mõ, truy lùng ác ôn, phá thế kìm kẹp ở những vùng yếu. Lực lượng vũ trang tiếp tục tấn công đánh đồn bốt, mở rộng thêm nhiều vùng giải phóng.

Đặc điểm của Kiến Phong là tỉnh nằm ở giữa Đồng Tháp Mười, có lực lượng vũ trang mạnh, từ trước đến nay hoạt động theo phương thức lực lượng vũ trang tập trung kết hợp với ba mũi quần chúng nổi dậy tại chỗ làm chủ xã, ấp, xây dựng xã chiến đấu, xây dựng thế du kích chiến tranh.



Lực lượng vũ trang tỉnh Kiến Phong những ngày mới thành lập
với một số ít súng trường và mã tấu
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:12:29 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2012, 02:29:04 pm »

Đến đợt II này, vùng giải phóng đã được mở trên diện rộng, nhưng thế đấu tranh chính trị trực diện với cơ quan đầu não của địch còn yếu. Theo chỉ đạo của Liên tỉnh ủy, các tỉnh đều phải thực hiện đưa quần chúng tấn công chính trị trực diện vào cơ quan đầu não của địch ở thị xã, thị trấn và trên các trục giao thông chiến lược. Tỉnh ủy Kiến Phong quyết tâm khắc phục điểm yếu này để thực hiện tốt sự chỉ đạo của Liên tỉnh ủy.

Ngày 4 tháng 10 năm 1960, 4.000 người thuộc lực lượng đội quân tóc dài kéo vào thị xã Cao Lãnh. Địch vừa bắt bớ, hăm dọa vừa xoa dịu, nhưng đồng bào kiên trì đấu tranh, chúng phải thả những người bị bắt.

Bước sang đầu năm 1961, tỉnh tiếp tục nâng cao quyết tâm phát động phong trào quần chúng đấu tranh chính trị trực diện, phải có nhiều cuộc đấu tranh lớn để đưa khí thế cách mạng quần chúng lên, làm suy yếu, phân hóa kẻ địch, hạn chế sự phản kích bằng càn quét, bom, pháo ác liệt.

Ngày mồng 3 Tết âm lịch năm 1961, tỉnh tổ chức một cuộc mít tinh với 5.000 người tham dự tại kênh Thầy Thông, xã Mỹ Hội, Cao Lãnh, phát động đấu tranh đòi địch không được bắn pháo để nông dân tự do làm đồng, chống bắt bớ, khủng bố, chống bắt thanh niên đi lính.

Đầu tháng 3 năm 1961, tỉnh tổ chức một cuộc mít tinh tại kênh Xáng Xéo, xã Mỹ Hội có 10.000 đồng bào các xã của huyện Cao Lãnh và huyện Mỹ An tham gia, mừng Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Kiến Phong vừa thành lập. Cuộc mít tinh kêu gọi đồng bào hưởng ứng các cuộc đấu tranh sắp tới.

Ngày 5 tháng 3 năm 1961, tỉnh tổ chức cuộc đấu tranh lớn trong toàn tỉnh. Dự kiến đấu tranh ở ba cấp: xã, huyện, tỉnh. Riêng tại thị xã Cao Lãnh, dự kiến lực lượng đấu tranh đến một vạn người. Trừ Hồng Ngự đấu tranh tại huyện, mỗi huyện còn lại đưa vào thị xã từ 1.000 đến 3.000 người. Trời chưa sáng, lực lượng đấu tranh từ huyện Mỹ An đã kéo lên thị xã. 1.000 người đi nườm nượp trên bờ, dưới sông gây náo loạn, trong đoàn có cả thanh niên cầm vũ khí thô sơ. Trước đó ta vừa đánh một trận tập kích sát thị xã nên địch hốt hoảng tưởng Việt cộng tấn công, chúng bắn xả vào đoàn người, làm 2 người bị chết, 7 người bị thương; đồng thời chúng báo động toàn thị xã. Lực lượng đấu tranh của thị xã Cao Lãnh tập trung ở Hòa An, lúc 5 giờ sáng kéo qua nhưng đến Cầu Đúc thì bị địch chặn lại không qua được. Lực lượng huyện Thanh Bình gồm 1.000 người lúc rạng sáng theo đường Mỹ Ngãi tới đồn cũng bị địch chặn, bắn chết 1 người, làm bị thương 2 người và bắt một số người đưa về sân vận động thị xã tra tấn. Lực lượng cánh dưới Cao Lãnh kéo qua kênh Thầy Cừ cũng bị địch chặn lại, ném hơi cay và bắn xả vào đoàn người. Cuộc đấu tranh kéo dài 2, 3 ngày, giằng co quyết liệt. Cuối cùng, địch phải xoa dịu, nhận đơn, thả hết những người bị bắt.

Ở các quận, có nơi quận trưởng cho lính đàn áp, có nơi chúng nhận đơn rồi yêu cầu quần chúng giải tán.

Cuộc đấu tranh trực diện ngày 5 tháng 3 năm 1961 với quy mô toàn tỉnh Kiến Phong tuy có giành thắng lợi, địch xuống nước xoa dịu nhưng bị thiệt hại đáng tiếc. Tỉnh tổ chức kiểm thảo rút kinh nghiệm là đã áp dụng kinh nghiệm của Bến Tre một cách rập khuôn máy móc không phù hợp với điều kiện ở một thị xã nhỏ như Cao Lãnh; lại tổ chức quy mô lớn, quá công khai lộ liễu, không giữ được bí mật bất ngờ, nên đã làm mất thế hợp pháp, dẫn đến bị địch đàn áp làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng vào hiệu quả đấu tranh chính trị trực diện. Sáu tháng sau, sau nhiều bước kiểm thảo rút kinh nghiệm của Tỉnh ủy, tỉnh mới tổ chức đấu tranh chính trị trực diện trở lại, nhưng với số người tham gia ít hơn, có gia đình binh sĩ làm lực lượng xung kích, đấu lý lẽ thích hợp giành quyền lợi thiết thân.

Đến đầu năm 1961, tỉnh Kiến Phong cũng đã căn bản hoàn thành thắng lợi cuộc tấn công nổi dậy bằng ba mũi giáp công.

Ở An Giang vào đợt I, đầu năm 1960, quần chúng nổi dậy còn lẻ tẻ, diện chưa rộng nên giành quyền làm chủ có mức độ. Tuy trong tháng 7 và tháng 9, Tiểu đoàn 510 có tổ chức đánh một số trận ở xã Tân An, huyện Tân Châu, kết hợp với nội tuyến đánh đồn Tam Giác và đánh phục kích ở Cỏ Găng, diệt được lực lượng địch, thu vũ khí, nhưng bộ máy kìm kẹp và lực lượng vũ trang của địch vẫn còn mạnh. Đặc biệt, ta chưa phá được tổ chức mật vụ của địch còn bám chặt trong quần chúng nên chúng phát hiện được ta khi đang chuẩn bị đợt mới, liền tăng cường đánh phá.

Đêm 17 rạng 18 tháng 9 năm 1960, tại khu trù mật Tân Châu và khu vực Khánh Hòa, Châu Phú, địch bắt 13 cán bộ, trong đó có hai huyện ủy viên.

Chiều ngày 22 tháng 9 năm 1960, bọn bảo an Tân Châu đột kích vào ấp Tân Phước, xã Tân An vây bắt Huyện ủy đang họp. Chánh văn phòng Huyện ủy và hai cán bộ bị bắt cùng hàng ngàn truyền đơn và một máy phóng thanh.

Ngày 30 tháng 9 năm 1960, cán bộ giao liên của Thị ủy Long Xuyên bị địch bắt. Chúng khai thác, bắt thêm được đồng chí Trần Thúy Liễu - Tỉnh ủy viên, đồng chí Phan Thanh Liêm - Bí thư Thị ủy và một số đồng chí ở cơ sở.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM