Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 06:33:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khu VIII - Trung Nam Bộ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)  (Đọc 94693 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #120 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2014, 09:46:15 pm »

Đễ hỗ trợ cho Ba Tri chống bình định, bộ đội tỉnh, quân địa phương huyện và du kích mở đợt đánh vào các đồn bốt trên các lộ 6, 26 trong các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Mỏ Cày. Cầu Chẹt Sập bị đánh sập, 1 đại đội bảo an bị diệt gọn trong khu phố Mỹ Lồng. Nhưng địch vẫn chưa từ bỏ kế hoạch bình định Ba Tri.

Tình hình diễn ra ở Ba Tri được Khu ủy hết sức quan tâm. Đồng chí Bùi Thanh Khiết - Khu ủy viên, Phó chính ủy Quân khu được Thường vụ Khu ủy phân công cùng đi với Tiểu đoàn 261 và một đại đội pháo của Khu đến hỗ trợ cho Bến Tre.

Theo chỉ đạo đợt Đông Xuân 1966-1967 của Thường vụ Khu ủy, đảng bộ Bến Tre tích cực chuẩn bị mở chiến dịch Bình Đại - Ba Tri.

Đêm 2 tháng 10 năm 1966, 2 đại đội của Tiểu đoàn 516 san bằng 2 đồn ở xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú giáp ranh huyện Mỏ Cày. Ngày hôm sau, ta chặn đánh bọn đi cứu viện trên sông Hàm Luông, bắn chìm và cháy 4 tàu, tiêu hao nặng Tiểu đoàn 41 biệt động quân. Trung đoàn 10 Sư đoàn 7 ngụy càn vào hai xã Bình Khánh, Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày, bị diệt 130 tên, hỏng 1 xe M113.

Những tháng cuối năm 1966, tình hình ở Ba Tri đã được cải thiện một bước. Cơ sở các xã đã được phục hồi. Tiểu đoàn 516 luồn sâu diệt được 2 đại đội bảo an ở xã Vĩnh Hòa. Quần chúng phấn khởi, bọn tề co lại. Nhiều thanh niên bị bắt vào phòng vệ dân sự bỏ trốn. Ta bắn cối 60 ly vào chi khu Ba Tri. Trong khi đó, du kích các xã cũng diệt được nhiều địch. Du kích hai xã Phước Tuy, An Bình Tây đánh địch bằng lựu đạn gài. Du kích xã Tân Xuân diệt địch giữa ban ngày. Du kích xã Phú Ngãi đặt mìn định hướng trên cây, diệt được 20 tên. Dù địch cắm lại đây 2 tiểu đoàn chủ lực, 8 đại đội bảo an dài ngày, chúng vẫn không sao ổn định được tình hình.

Đêm 4 tháng 1 năm 1967, chiến dịch Bình Đại - Ba Tri chính thức mở màn. Phân đội đặc công của Tiểu đoàn 261 của Khu diệt đồn dân vệ Châu Hưng. Một bộ phận của Tiểu đoàn 516 tỉnh đánh thiệt hại nặng đồn Giồng Quéo. Quân địa phương huyện Ba Tri và du kích diệt một trung đội “tuyên văn”. Bọn dân vệ và tề các xã chung quanh Châu Hưng đều bỏ chạy. Địch đưa Tiểu đoàn biệt động quân số 32 của khu chiến thuật Tiền Giang, Đại đội bảo an 843 của huyện Bình Đại và Liên đoàn dân vệ Thới Lai tái chiếm Châu Hưng. Đêm 6 tháng 1 năm 1967, 2 tiểu đoàn 261 và 516 vượt sông Ba Lai tiến công Tiểu đoàn biệt động quân 32, tiêu diệt gần hết 2 đại đội và tiêu hao 1 đại đội. Địch lại đưa thêm Đại đội bảo an 994 từ chi khu An Hóa đến. Đêm 8 tháng 1 năm 1967, ta tấn công tiêu diệt số còn lại của Tiểu đoàn biệt động quân 32, đánh tiêu hao nặng Đại đội bảo an. Địch chết và bị thương 300 tên. Ta thu 50 khẩu súng, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng, bắn bị thương 1 máy bay Đakôta. Như vậy là trong 5 đêm liền, ta đã ba lần diệt địch tại các xã thuộc các huyện Bình Đại, Ba Tri, Châu Thành. Bọn địch ở các đồn bốt trong vùng rất hoang mang. Bộ đội địa phương, du kích vây ép kết hợp với nội tuyến lấy đồn Vang Quới, bức rút 11 đồn khác, giải phóng hoàn toàn bốn xã Thạnh Tân, Phước Thuận, Thới Lai và Châu Hưng. Phòng vệ dân sự mang nộp hàng chục súng. Chủ ấp, liên gia ra thú tội.

Trong chiến dịch Bình Đại - Ba Tri ta đã tiêu diệt một số lượng khá lớn địch, giải phóng một số xã nhưng chưa thực hiện được mục tiêu kéo bọn chủ lực, bảo an rút ra khỏi trọng điểm bình định tại Ba Tri. Sức tiến công của ta chưa đủ mạnh để buộc địch phải rút lực lượng đang bình định đi ứng cứu. Bộ đội ta lại chưa diệt được địch tại Ba Tri. Quân và dân Ba Tri tuy chưa đánh bại được hoàn toàn âm mưu bình định nhưng cũng cầm chân được một lực lượng lớn của địch, làm cho chúng sa lầy, để các nơi khác có điều kiện diệt địch và phá bình định.

Để thực hiện việc lấn chiếm, tiếp tục bình định các huyện ven biển, triệt phá kho tàng, đầu cầu tiếp vận hàng quân sự của ta từ miền Bắc chuyện vào mà ngụy đã không làm được, Mỹ phải đổ quân vào huyện Thạnh Phú. Chúng chuẩn bị từ hai tháng trước. Chúng cho máy bay trinh sát chụp ảnh, cho tàu nhỏ thọc sâu vào các cửa sông, bãi biển, thăm dò, đo đạc, cài cắm do thám, gián điệp nắm tình hình. Để nghi binh, đồng thời dọn đường trước cho Mỹ chính thức hành động, quân ngụy mở cuộc càn nhỏ do lực lượng của tiểu khu Bến Tre thực hiện, đánh vào các xã An Thạnh, Thạnh Phú, An Quy, lấy tên là “Cửu Long 1”.

Ngày 1 tháng 6 năm 1967, quân Mỹ nhảy vào cuộc với lực lượng gồm 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến, một số tiểu đoàn dù, 1 tiểu đoàn Nam Triều Tiên cộng với Trung đoàn 10 Sư đoàn 7 ngụy, bảo an, biệt kích ngụy, tất cả hơn 4.000 tên, có 12 xe M113, 57 tàu chiến của Hạm đội 7, 152 máy bay và hàng trăm khẩu pháo trên Hạm đội 7, đánh vào sáu xã Thạnh Phong, Giao Thạnh, Thạnh Phú, An Quy, An Nhơn, An Thạnh, chính thức mở cuộc càn lấy tên là “Song Thần 5”. Trước khi đổ quân, chúng cho B52 đánh 3 đợt vào xã Thạnh Phong. Lính bộ binh của chúng rất đông, cơ giới, phi pháo tập trung rất cao để chỉ đánh vào một khu vực nhỏ, dân số chưa tới 30.000 người. Tính ra cứ 6 người dân trong vùng bị càn, phải đương đầu với một tên lính Mỹ hoặc ngụy.

Về phía ta, lực lượng ứng chiến có Tiểu đoàn 518 và dân quân, du kích bảo vệ căn cứ. Trước khi địch đổ quân, các đồng chí huyện Thạnh Phú đã chuẩn bị kế hoạch đối phó. Đã có kinh nghiệm của tỉnh Long An nên các đồng chí rất tin tưởng sẽ đánh được Mỹ. Các chi bộ Đảng, du kích và nhân dân ở Thạnh Phú đã qua thử thách trong chiến tranh du kích và đấu tranh chính trị. Tư tưởng ngại đấu tranh chính trị trực diện với Mỹ đã được kinh nghiệm của Long An, Mỹ Tho giải quyết. Xã chiến đấu được củng cố, các bãi mìn, lựu đạn, hầm núp, hầm chông được sửa sang lại kỹ lưỡng. Ở mỗi xã, có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích được trang bị khá đầy đủ. Ở mỗi ấp, đều có tổ hay tiểu đội du kích ấp, một số được huấn luyện chuyên đánh mìn và lựu đạn. Nhân dân được hướng dẫn cách củng cố hầm trú ẩn để tránh phi pháo và chuẩn bị cùng với đội quân tóc dài đấu tranh chính trị và làm binh vận với Mỹ.

Ngay khi cánh quân Mỹ vừa đặt chân đến Hồ Cỏ, xã Giao Thạnh, chúng đã bị chặn đánh. Hàng chục tên bị diệt, 1 trực thăng, 1 máy bay ném bom bị bắn rơi, 2 tàu bị cháy và chìm. Chị em thuộc đội quân tóc dài kéo ra chặn lính Mỹ, đấu tranh ngăn chặn không cho chúng ném bom, bắn pháo, phá hầm trú ẩn của dân. Trong ngày hôm đó, đội quân tóc dài đã chặn chúng lại 4 lần, làm chúng tiến quân rất chậm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #121 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2014, 09:46:34 pm »

Ngày 8 tháng 1 năm 1967, trực thăng đổ quân Mỹ xuống An Nhơn, bị ta bắn cháy 4 chiếc, chúng loay hoay lo cho bọn chết và bị thương nên không đổ tiếp xuống được. Tại xã Giao Thạnh, tổ chiến đấu của công trường huyện dùng bom lép chữa lại đánh tan 1 trung đội Mỹ. Tại cầu Lớn, Khâu Băng, Cồn Chim, Cồn Điệp, Giồng Rao, du kích dựa vào xã chiến đấu kết hợp mìn, lựu đạn, bắn tỉa, bám sát lính Mỹ. Chúng đến đâu cũng bị bắn tỉa, sụp hầm chông, trúng mìn và lựu đạn. Quân Mỹ chẳng biết bộ đội ta ở đâu mà đánh. Khi một tên chết hoặc bị thương là cả bọn xúm lại khóc lóc. Hễ bọn Mỹ khóc thì chị em đội quân tóc dài kích động làm cho lính Mỹ càng khóc nhiều hơn. Các bà, các chị ra dấu hoặc nhờ phiên dịch nói cho lính Mỹ biết là nơi nào cũng có chông, mìn, lựu đạn, bảo chúng cứ ở tại chỗ đừng đi đâu hết. Tại Cồn Tra, 80 chị em đội quân tóc dài chặn bọn Mỹ lại, chúng bị kìm chân tại chỗ cả ngày. Ở Thạnh Phong, 1 tiểu đội Mỹ không chịu hành quân, bọn chỉ huy Mỹ phải xúc chúng lên trực thăng chở đi…

Đến ngày 15 tháng 1 năm 1967, quân Mỹ phải rút khỏi cuộc càn mà không đạt được mục tiêu đã vạch ra. Bộ đội và đồng bào 6 xã đã diệt và làm bị thương 265 tên, trong đó 2 phần 3 là lính Mỹ và có một tên đại tá ngụy, bắn cháy và bắn chìm 3 tàu, bắn rơi và bắn hỏng 14 máy bay, thu nhiều súng đạn. Nhân dân và đội quân tóc dài nổi tiếng của Bến Tre đã đấu tranh bảo vệ tính mạng, tài sản, ngăn chặn cuộc càn và làm sa sút tinh thần lính Mỹ. Đây là lần đầu tiên, quân dân Bến Tre đương đầu với quân Mỹ, cả một lữ đoàn thủy quân lục chiến và nhiều tiểu đoàn lính dù Mỹ, cả lính Nam Triều Tiên và đã thắng lợi.

Từ khi quân Mỹ triển khai ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng đã bố trí một lực lượng hành quân đông đảo trên các con sông lớn của Bến Tre. Để đáp ứng nhiệm vụ đánh Mỹ, Bến Tre đã được Khu chỉ đạp gấp rút xây dựng lực lượng tác chiến trên sông.

Cuối tháng 3 năm 1967, lực lượng đặc công thủy của Bến Tre ra quân trận đầu, tập kích căn cứ hạm đội nhỏ trên sông Hàm Luông diệt gần 100 tên Mỹ.

Những tháng cuối năm 1967, lực lượng hành quân Mỹ ở Bến Tre lại bị hai đòn choáng váng: Tại vàm Bến Tre, Mỹ bố trí một tàu sửa chữa cơ động mang số hiệu 833. Nó là một binh công xưởng nổi lớn, có nhiệm vụ sửa chữa các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh cho cả Mỹ lẫn ngụy ở vùng 4 chiến thuật. Tàu dài 110 mét, rộng 25 mét. Nơi đây địch canh phòng rất cẩn mật, cứ 5 phút, chúng ném xuống quanh tàu một loạt lựu đạn, mìn hơi. Ít phút, chúng lại cho một dòng điện cực mạnh phóng xuống nước. Trên bờ sông, có bốt Giồng Xoài do một đại đội bảo an đóng giữ, cùng công an, mật vụ theo dõi bảo vệ. Trên trời là trực thăng quần đảo, chung quanh là các tàu tuần tiễu. Khác với đoạn sông Tiền ở ngang căn cứ Đồng Tâm, sông ở nói đây nhỏ hơn, nước chảy mạnh hơn nên dễ tiếp cận.

Đêm 23 tháng 11 năm 1967, các chiến sĩ đặc công đưa hai khối thuốc nổ 200 kilôgam ra sông cặp vào hai bên sườn tàu. Đến 2 giờ đêm, một tiếng nổ lớn dội vào thị xã Bến Tre. Một cột nước cao ngất vọt lên không. Hai bên sườn tàu bị khoét sâu, thành tàu bị đánh vỡ, tàu chìm xuống đáy sông. 300 lính Mỹ, Úc, Tân Tây Lân bị chết, 12 khẩu pháo bị chìm theo tàu. Cho đến mấy ngày sau, đồng bào thị xã Bến Tre và các xã chung quanh không ngớt bàn tán, khâm phục các chiến sĩ giải phóng. Đồng bào tỏa ra mé sông đứng nhìn thỏa thích. Một không khí nặng nè bao trùm các công sử địch. Bọn ác ôn xuống giọng, có tên nói: “Mấy ông ghê quá, tàu Mỹ có máy móc tối tân bảo vệ, có lính gác suốt ngày đêm mà còn bị đánh chìm!”.

Trong lúc dư luận về vụ chiếc tàu sửa chữa của Mỹ bị đánh chìm tại vàm Bến Tre chưa hết thì cụm tàu Mỹ ở vàm Thủ Cửu lại bị đánh. Tại vàm Thủ Cửu, xã Phước Long, trên sông Hàm Luông,có một cụm tàu hải quân của Mỹ, trong đó có 1 tàu lớn mang số 821, dài 110 mét, có 2 khẩu pháo, 6 xe M113 và hàng chục tàu nhỏ bảo vệ, ngày đêm nhả đạn liên tục vào các xã ven sông thuộc hai huyện Mỏ Cày và Giồng Trôm. Máy bay trinh sát liên tục quần đảo trên không. Hôbo gầm rú đe dọa, xé nát mặt nước Hàm Luông. Lựu đạn cứ 5 phút lại nổ ầm ầm dưới sông. Thỉnh thoảng, có chiếc xuồng nào của dân chạy ngang thì hàng chục nòng đại liên lại chĩa thẳng, rà theo, lăm lăm chực nổ súng. Trực thăng thường bất ngờ đổ quân xuống đánh vào các ấp ven sông, hy vọng sẽ chộp được các chiến sĩ đặc công chuyên đánh tàu Mỹ thường xuyên ám ảnh làm cho bọn chỉ huy và binh lính Mỹ mất ăn, mất ngủ.

Trong khi đó, ở xã Phước Long, mặc bom đạn càn quét ác liệt hàng ngày, sự chuẩn bị âm thầm của các chiến sĩ đặc công và của nhân dân vẫn tiến tới. Chị Năm, ông bà Bảy, bà Chín ngày nào cũng đi chợ Bến Tre. Ai tò mò hỏi thì ông Bảy trả lời:

- Đi mua ván về đóng máng cho heo ăn.

Hỏi thì để hỏi, chớ đồng bào ai cũng biết nhưng không ai xì xầm với nhau để giữ bí mật kế hoạch. Người ta chỉ nhìn ông Bảy với ánh mắt thân thương gởi gắm. Cứ vậy, mọi vật dụng khác được mua về. Tại nhà của ông Tư và ông Tám là hai anh em ruột, ở sát nhau, đêm đêm các chiến sĩ đánh tàu làm mọi công việc chuẩn bị một cách khẩn trương.

Đêm 29 tháng 12 năm 1967, sau một tiếng nổ dữ dội, căn cứ nổ dữ dội, căn cứ nổi của quân Mỹ trên sông Hàm Luông tại vàm Thủ Cửu đã chìm nghỉm dưới đáy sông, kéo theo các tàu nhỏ và các phương tiện chiến tranh, xe pháo và 200 lính Mỹ. Các chiến sĩ đặc công sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã trở về căn cứ an toàn.

Liền sau trận đánh, chi bộ xã Phước Long tổ chức lực lượng tấn công chính trị và binh vận. Đội quân tóc dài của xã đã kéo ra thị trấn Giồng Trôm, thị xã Bến Tre loan báo tin chiến thắng và đấu tranh ngăn chặn địch càn quét, khủng bố trả thù.

Sáng hôm sau, 30 tháng 12 năm 1967, sau khi lực lượng đấu tranh chính trị của đội quân tóc dài đã lên đường ra thị trấn và thị xã thì 1 đại đội bảo an được trực thăng chở tới để truy tìm đặc công đã đánh tàu. Chúng bị bà con hù dọa, giữ chân ở ngoài ruộng đến ngày thứ ba. Khi bọn Mỹ vớt hết xác lính chết và trục vớt chiếc tàu bị đắm lên, được lệnh rút, chúng kéo nhau lên trực thăng chuồn thẳng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #122 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2014, 09:47:02 pm »

2. Kiến Tường đập tan các kế hoạch của quân Mỹ, bảo vệ hành lang tiếp vận thông suốt

Bước vào chống chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, Kiến Tường có nhiệm vụ giữ vững, củng cố và mở rộng hành lang chiến lược - căn cứ để giải quyết các nhu cầu cho chiến trường trọng điểm của Khu nên càng trở nên cực kỳ quan trọng. Trong khi đó, bàng mọi cách, với lực lượng lớn hơn hẳn trước, địch càng quyết tâm đánh phá hành lang và căn cứ Kiến Tường. Để làm được việc đó, chúng tung lực lượng ra chốt chặn dọc theo biên giới Campuchia, sông Vàm Cỏ Tây, kênh Dương Văn Dương, lộ 29, vùng 4… Chúng ra sức gom dân, lập vành đai trắng, tăng cường độ bom pháo, rải chất độc hóa học, tung biệt kích, sử dụng hạm đội nhỏ, thuyền bay hoạt động liên tục trên các tuyến kênh rạch và trên đồng nước.

Theo chủ trương của Khu ủy, một trong những việc lớn mà các cấp ủy Đảng Kiến Tường phải làm là chống lập vành đai trắng, tiếp tục giữ thế hợp pháp đấu tranh của dân. Ở Bến Tre, Mỹ Tho, Long An, đồng bào tránh bom pháo ác liệt bằng cách tản ra đồng dựng nhà, đào hàng vạn công sự, hầm trú ẩn chống phi pháo để bám trụ lại. Còn ở Đồng Tháp Mười, vùng địch tự do oanh kích, quần chúng bị địch coi là cộng sản, bị phân biệt đối xử thì phải óc phương châm, phương thức đấu tranh khác. Theo quy định của chính quyền ngụy, nơi đây dân chúng đi giăng câu, cày, gieo gặt lúa trên đồng đều phải được phép của tề và phải cắm cờ ngụy.

Khu gom dân ở Gãy Cờ Đen có trên 100 ngôi nhà dựng dọc kênh Dương Văn Dương, kênh Tư Mới và kênh 6 tháng 1. Từ bốt địch ra ngôi nhà xa nhất là 1 kilômét. Nhà cất đơn sơ, nhà này cách nhà kia cả trăm mét. Bà con cố ý dựng nhà thưa. Địch dồn ép dân co vào ở sát đồn, dân đấu tranh: Phải ở thưa ra để còn có chỗ nuôi heo, nuôi gà; có chỗ làm hầm trú ẩn. Nhưng thật ra, đồng bào dựng nhà thưa để xa tầm quan sát của đồn, phá thế lập vành đai trắng, vùng oanh kích tự do để du kích, bộ đội bám vào. Địch ép dân vào liên gia, phòng vệ dân sự và phát súng cho dân. Súng đó lại nằm trong tay đảng viên, quần chúng nòng cốt, quần chúng cảm tình với cách mạng canh gác, bảo vệ cán bộ, du kích, bộ đội và diệt gián điệp giữ thế làm chủ.

Lúc dân mới bị gom vào, địch quản lý rất chặt, không ai được đi đâu hết. Bà con đấu tranh, buộc địch phải cho bung ra làm ăm, giăng câu, giăng lưới. Bọn dân vệ, bảo an cũng muốn bà con đi bắt cá bán cho chúng để cải thiện bữa ăn. Xã ủy lãnh đạo dân không đem cá đến báo cho lính, làm cho chúng phải ăn mắm muối, tương, chao suốt khiến chúng càng bất mãn. Cuối cùng, địch phải nới lỏng cho dân bung ra giăng câu cả ngày lẫn đêm. Như vậy là vành đai trắng bị xóa.

Tới mùa khô, bà con cũng làm như thế để cắt lúa và gieo sạ. Người vùng ngoài thấy làm ăn được, mua máy cày loại lớn vào cày mướn. Máy cày trở thành phương tiện vận tải hậu cần, chở vũ khí từ Khu đi ngang qua Đồng Tháp Mười xuống các chiến trường Long An - Mỹ Tho.

Kiến Tường là tỉnh nằm giữa Đồng Tháp Mười, có diện tích là 271.500 hécta. Kiến Tường rất thưa dân, cho đến năm 1966, dân số Kiến Tường chỉ có hơn 4 vạn người. Sông Vàm Cỏ Tây bắt nguồn từ Campuchia chảy qua thị xã Mộc Hóa, đổ vào tỉnh Long An ra biển Đông. Sông rộng 300 mét, rất thuận tiện cho tàu bè cỡ vừa đi lại.

Đến năm 1965, quân số của địch ở đây đã lên đến 7.000 tên, gồm 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 10, Sư đoàn 7, 1 tiểu đoàn biệt động quân biên phòng, 1.755 bảo an, 1.805 dân vệ, 625 thanh niên chiến đấu và hàng chục đại đội biệt kích. Với hệ thống trung tâm biệt kích Cà Vàng Đông Phục - Bản Đô - Đốc Binh Kiều ở Kiến Phong; Mỹ Phước Tây ở Mỹ Tho; Măng Đa, Thái Trị, Nồi Gọ, kênh Bà Của, kênh Quận, Nhơn Xuyên ở Kiến Tường; Hiệp Hòa, Quéo Ba ở Long An địch đã hình thành mạng lưới dày đặc biệt kích giăng kín khắp Đồng Tháp Mười và án ngữ tuyến biên giới Campuchia. Một con chủ bài rất lợi hại nữa được chúng tung ra là thuyền bay và hạm đội nhỏ để khống chế trên sông rạch và trên đồng nước. Chúng có hai căn cứ thuyền bay: một ở thị xã Cao Lãnh - Kiến Phong, một ở thị xã Mộc Hóa - Kiến Tường. Tổng số có đến hàng trăm chiếc. Còn căn cứ hạm đội nhỏ (giang thuyền) thì đặt ở Nhơn Xuyên trên sông Vàm Cỏ Tây và Thạnh Lợi ở trên kênh xáng An Long cách Gãy Cờ Đen hơn 1 kilômét. Thuyền bay có gắn 2 máy phản lực nên có thể chạy lượt như bay trên đồng nước với tốc độ đến 50-70 km/giờ. Trên mỗi thuyền bay có gắn súng đại liên ở mũi thuyền, có thể xoay trở dễ dàng. Trừ tên lái và tên bắn đại liên, 4 tên còn lại trang bị vũ khí bộ binh.

Về phía ta, ngoài Tiểu đoàn 504 bộ binh của tỉnh và các binh chủng, các đại đội vùng và lực lượng du kích mạnh ở xã, ấp, còn có Chiến đoàn 1 gồm 3 tiểu đoàn của Khu hoạt động ở khu vực lộ 4, trong đó có vùng 4 Kiến Tường và 2 tiểu đoàn 267, 269 hoạt động ở khu vực phía bắc lộ 4 Long An và phía đông Kiến Tường.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #123 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2014, 09:48:11 pm »

Cuối năm 1965, địch tăng cường độ đánh phá. Chúng liên tục đánh phá các tuyến hành lang, cướp vũ khí, đạn dược, hàng hóa của ta. Chúng đánh sâu vào các căn cứ Thạnh Phước, Bình Hòa, Bình Phong Thạnh và tiến vào chiếm căn cứ Tà Lọt, Trắp Tre. Tại vùng 8, chúng đóng quân từ gò Ông Lẹt đến Cái Sắn, đánh lên Sông Trăng, ngăn chặn và kiểm soát khu vực biên giới. Tại vùng 4, chúng tăng cường lực lượng ngăn chặn tuyến kênh Dương Văn Dương. Ngoài ra, chúng còn dùng bom napan, chất độc hóa học hủy diệt rừng tràm, làm cho toàn tỉnh không còn khoảnh rừng nào nguyên vẹn đến 1 hécta.

Hoạt động ngày càng gia tăng của lực lượng biệt kích cùng với mật độ và cường độ đánh dữ dội của không quân, pháo binh địch đã gây cho ta nhiều khó khăn. Đặc biệt là gây trở ngại lớn cho việc chuyển vũ khí, đạn dược từ các kho hậu cần của Khu từ biên giới đi ngang qua Đồng Tháp Mười xuống chiến trường. Vấn đề đặt ra là các lực lượng của ta phải bám lại được, bẻ gãy các mũi đánh phá lấn chiếm, biệt kích của địch, không để cho chúng tự do tung hoành, đồng thời diệt cho được bọn bình định.

Để thực hiện thắng lợi, Khu tăng cường cho tỉnh Tiểu đoàn 267 cùng với lực lượng tỉnh thực hiện việc đánh các điểm then chốt, đẩy lùi các mũi tiến công của địch.

Đêm 13 tháng 11 năm 1965, sau một thời gian kỳ công theo dõi, nghiên cứu, Đại đội 1 Tiểu đoàn 504 và đơn vị 408 vùng 8 diệt đại đội biệt kích địch đóng ở gò Ông Lẹt, xã Vĩnh Thạnh (bọn này được đưa ra đóng dã ngoại để bảo vệ căn cứ Măng Đa và đánh vào hành lang của ta. Chúng hoạt động rất tích cực, đã gây cho ta nhiều tổn thất. Chúng có 80 tên, 4 cố vấn Mỹ, nơi trú quân có công sự và hàng rào bảo vệ, được pháo binh của căn cứ Măng Đa yểm trợ). Địch chết và bị thương 70 tên, ta thu 41 súng, có 2 súng cối. Đây là trận thắng lớn đầu tiên của ta đối với lực lượng biệt kích do Mỹ huấn luyện, trang bị và chỉ huy ở Kiến Tường.

Đêm 19 tháng 12 năm 1965, Tiểu đoàn 267 và Đại đội 1 Tiểu đoàn 504 diệt đồn Thạnh Phước do 1 đại đội tăng cường của địch đóng giữ. Đây là căn cứ yểm trợ hành quân mạnh, hết sức quan trọng đối với địch trên một dãy biên giới vùng 6. Do đó, địch cố hết sức giữ và ta cố diệt cho kỳ được. Địch bố trí ở đây 3 khẩu pháo. Hàng trăm gia đình dân bị gom về ở quanh đồn làm hàng rào và bị bọn tề điệp khống chế chặt chẽ. Chúng chết và bị thương 120 tên. Đêm 29 tháng 1 năm 1966, cùng với lực lượng trên ta diệt đồn Thạnh Phước lần thứ 2. Lần này, chúng chết và bị thương 125 tên. Ngày 19 tháng 3 năm 1966, căn cứ này bị Tiểu đoàn 267 và lực lượng tỉnh diệt lần thứ 3. Sau lần này địch mới chịu bỏ căn cứ.

Ngày 13 tháng 2 năm 1966, Đại đội 1 Tiểu đoàn 504 cùng du kích đánh đồn bảo an Tân Lập, diệt 1 trung đội địch. Sau đó, ta tiến công đồn bảo an Tuyên Thạnh, diệt 2 tiểu đội.

Ngày 13 tháng 2 năm 1966, Đại đội 1 Tiểu đoàn 504 cùng du kích đánh đồn bảo an Tân Lập, diệt 1 trung đội địch. Sau đó, ta tiến công đồn bảo an Tuyên Thạnh, diệt 2 tiểu đội.

Tháng 3 năm 1965, du kích xã Thạnh Phước chặn đánh một bộ phận quân Mỹ đang hành quân trinh sát khu vực này, chúng bị thiệt hại nặng.

Tóm lại, trong mùa khô năm 1966, lực lượng của tỉnh, vùng và du kích, có sự hỗ trợ của lực lượng Khu, liên tục diệt biệt kích và đánh vào căn cứ yểm trợ hành quân của chúng. Các xã và các cơ quan tích cực củng cố xã chiến đấu, tăng cường công sự, hầm hố chông mìn, lựu đạn. Du kích các xã chia ra từng tổ, từng tiểu đội đeo bám, đánh địch. Lần nào cũng bung ra đi biệt kích, lùng sục cũng có tên bị chết, bị thương. Tinh thần của chúng suy sụp dần. Sang năm 1967, tinh thần bọn biệt kích ngày càng sa sút. Nhiều trung đội biệt kích khi phải đi càn chỉ ra khỏi căn cứ, tìm chỗ nằm im rồi về báo cáo láo với bọn chỉ huy và cố vấn Mỹ.

Song song với sử dụng biệt kích, địch đưa thuyền bay vào hoạt động. Nhưng chiến thắng này nhanh chóng bị vô hiệu hóa. Mùa nước năm 1965, nhiều lần thuyền bay của chúng đánh vào vùng giải phóng vùng 8 sát biên giới Campuchia. Chúng chia làm 2 mũi. Mỗi mũi 5-6 chiếc. Mũi từ Vàm Đồn lên, mũi từ Sông Trăng xuống, theo sông Cái Cỏ. Nhược điểm của thuyền bay là vỏ thuyền làm bằng chất dẻo nên dễ bị bắn thủng, chòng chành dễ lật. Lính địch trong thuyền phơi từ lưng trở lên làm mồi cho đạn bắn, tiếng máy chạy lại vang rất xa, cách 3-4 kilômét đã nghe thấy, nên mất yếu tố bất ngờ. Lần đầu tiên đến, chúng chạy như bay giữa sông. Đơn vị 408 và du kích nổ súng. Chiếc đi đầu bỏ chạy luôn, 4 chiếc đi sau 3 chiếc bị chìm, không kịp bắn trả, chiếc còn lại rướn lên bờ lăn quay, bọn lính nhảy xuống sông, bị ta diệt sạch. Ta chiếm được 1 chiếc nguyên vẹn, thu toàn bộ vũ khí.



Thuyền bay của địch trên sông Mê Kông 1965
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:44:17 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #124 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2014, 09:49:19 pm »

Sau thất bại này, thuyền bay chỉ dám chạy giữa đồng trống, không dám xáp vào những rặng cây hoặc chạy vào các con sông nữa.

Năm 1966 nước lũ dâng cao hơn mọi năm. Bộ đội tỉnh và vùng phân tán từng trung đội, cùng du kích bám trong dân để đánh địch. Lợi dụng nước cao, bọn thuyền bay lại bung ra, du kích lại có dịp lập công. Trong mùa nước này, ta diệt và chiếm được 20 chiếc, phần lớn là do du kích trực tiếp thực hiện. Du kích Bình Phong Thạnh diệt 3 chiếc, bắt sống 1 chiếc. Trận đánh ở kênh Bích, xã Tân Ninh, ta diệt 3 chiếc, bắt sống 1 chiếc. Gần như trận nào ta cũng chiếm được 1 chiếc còn nguyên vẹn vì bọn lính nghe tiếng súng hoảng quả dồn về một phía, thuyền bị lật chìm.

Quân Mỹ hoạt động ở Kiến Tường bàng lực lượng hạm đội nhỏ. Hải quân của chúng hoạt động rất tích cực trên kênh Dương Văn Dương, kênh xáng An Long và sông Vàm Cỏ Tây, ngăn chặn hành lang tiếp vận của ta và yểm trợ cho các cuộc hành quân của ngụy đánh vào các xã giải phóng ở vùng 4, dọc theo trục lộ 29 và nam bắc kênh Dương Văn Dương.

Mùa nước lũ năm 1966, lực lượng ba thứ quân của Kiến Tường đã diệt 35 đồn địch, thu hàng trăm súng. Nhiều đồn địch phải bỏ chạy khi nước rút.

Cuối năm 1966 đầu năm 1967, quân Mỹ trực tiếp đến Rạch Kiến - Long An và Đồng Tâm - Mỹ Tho. Thường vụ Khu ủy đặt niềm tin vào Kiến Tường. Hướng Gò Công có thể bị địch tái chiếm nhưng ảnh hưởng không lớn đến lực lượng của Khu và của hai tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre. Nhưng nếu địch chiếm được Kiến Tường, các đường tiếp vận hành lang bị trở ngại thì sức chiến đấu trên chiến trường trọng điểm của Khu và hai tỉnh sẽ bị suy giảm.

Sau khi khắc phục nhiều khó khăn do địch gây ra trong năm 1966, bước vào năm 1967, Kiến Tường vươn lên đánh địch dồn dập.

Mở đầu mùa khô, Đại đội 1 của tỉnh cùng với đặc công, du kích tập kích diệt 2 trung đội địch đóng dã ngoại ở Cả Quảng Cụt và Xẻo Cỏ thuộc xã Tân Lập. Bọn này án ngữ phía đông và tây thị xã Mộc Hóa. Đây là trận đánh táo bạo ở vùng ven, được đồng bào và cơ sở tích cực hỗ trợ. Sau trận đánh, bọn chỉ huy địch ở Kiến Tường cũng như bọn tề, chủ ấp, liên gia đều rất hoang mang. Còn quần chúng nhân dân thì rất phấn khởi.

Từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1967, Tiểu đoàn 267 của Khu và các lực lượng của tỉnh, của vùng và du kích liên tục diệt địch. Nhiều đồn địch bị diệt, như: Bình Châu, Chùa Nổi, Cả Đôi, vàm Bắc Chan, Cả Sậy, Cả Cốc, Cả Quảng Dài, Cả Rưng, Bắc Hòa, Cà Nhíp, Nhà Thờ Lá, Kinh Cò, Cống Biện Minh, Rạch Chùa. Trong đó có đồn bị diệt 4 lần như đồn tam giác thuộc cấp tiểu đoàn Bình Châu; bị diệt hai lần như các đồn Chùa Nổi, Cái Đôi. Cùng với thắng lợi quân sự, mũi đấu tranh chính trị của đội quân tóc dài và mũi binh vận hoạt động tích cực. Hàng trăm lính địch được đồng bào vận động đào ngũ, đưa đi bằng xuồng băng đồng nước ra lộ 4 trở về với gia đình. Nhiều gia đình binh lính kéo ra thị xã Mộc Hóa đòi chồng, con. Không khí binh sĩ hoang mang bao trùm thị xã.

Cuối năm 1967, lực lượng vũ trang ta áp sát thị xã. Ngày 2 tháng 11 năm 1967, Đại đội 1 Tiểu đoàn 504 cùng với phân đội đặc công, biệt động vùng 2 và du kích Bình Hiệp đánh đoàn bình định và trung đội cảnh sát dã chiến ở Gò Dưa bắc thị xã, diệt 59 tên, thu 41 khẩu súng.

Sáng ngày 29 tháng 11 năm 1967, phân đội công binh, đặc công vùng 2 đột nhập vào khu pháo binh địch, đặt chất nổ phá hủy một pháo 105, đánh sập nhà tên chỉ huy và 2 bốt, làm 19 tên chết và bị thương. Cùng đêm, dinh tỉnh trưởng bị pháo kích, nhiều tên bị chết. Tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng sợ quá, đêm không dám ngủ ở nhà. Bọn tề điệp tan rã, nhiều lính đào ngũ.

Ở vùng 4, địch không bình định được, Sư đoàn 7 ngụy bị căng kéo dọc lộ 4. Đồn bốt bị vây bằng mìn, lựu đạn, đồng bào trở về bám ruộng vườn. Lộ 29 nối Mộc Hóa xuống lộ 4 qua Cai Lậy cũng bị cắt cùng với lộ 4. Địch phải đưa một tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên càn giải tỏa. Ở dọc kênh Dương Văn Dương, du kích làm chủ suốt ngày đêm.

Tháng 12 năm 1967, Đại đội 1 Tiểu đoàn 504 tập kích căn cứ Mỹ ở Nhơn Xuyên. Địch bị thiệt hại nặng. Căn cứ này đã nhiều lần bị tập kích bằng Đạn DKZ75, lần nào cũng bị thiệt hại. Sau lần tập kích này thì bọn Mỹ bỏ luôn căn cứ này. Ta mở thêm các căn cứ lõm ở khu vực Thuận Nghĩa Hòa.

Như vậy là, trong hai cuộc phản công chiến lược của Mỹ, mặc dù với lực lượng ít hơn hẳn so với địch, lực lượng vũ trang tập trung của Kiến Tường cùng với ba mũi ở cơ sở, với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng Khu đã đánh tê liệt các mũi biệt kích, thuyền bay và hạm đội nhỏ trên sông của Mỹ-ngụy, đánh bại các cuộc càn quét, giữ được hành lang căn cứ, bảo đảm nhiệm vụ của Khu giao.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #125 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2014, 09:50:55 pm »

3. Kiến Phong đánh thắng cuộc phản công chiến lược của Mỹ - ngụy, giữ vững hành lang Đông Tây

Kiến Phong nằm hai bên bờ sông Tiền, có biên giới giáp Campuchia, dài 52 kilômét. Trong cuộc chiến đấu giữa ta và quân Mỹ ở đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1965 - 1968, Kiến Phong nằm bên cảnh phải của trận đồ đánh bại các mũi phản công chiến lược của Mỹ, đồng thời được Khu giao nhiệm vụ bảo vệ hành lang Đông Tây. Kiến Phong có diện tích 3.440km2 gồm 6 huyện, trong đó có 5 huyện nằm ở bờ bắc sông Tiền thuộc Đồng Tháp Mười. Dân số có nửa triệu người, trong đó một phần năm là đồng bào theo đạo Hòa Hảo, tập trung ở huyện Chợ Mới, nam sông Tiền.

Năm 1965, địch tăng thêm cố vấn Mỹ và nhiều cụm pháo binh đến chi khu. Ngoài pháo trong tỉnh, địch còn có pháo ở Cái Bè và pháo cơ động của căn cứ Bình Đức ở Mỹ Tho cũng đánh vào đất Kiến Phong. Địch còn tăng thêm căn cứ hạm đội nhỏ trên sông ở Thạnh Lợi, trên kênh xáng An Long, lập căn cứ thuyền bay ở thị xã Cao Lãnh, đánh phá gom dân vào các khu dọc theo các kênh Nguyễn Văn Tiếp A, Nguyễn Văn Tiếp B. Chúng lập thêm các căn cứ biệt kích ở Đốc Binh Kiều, Cá Vàng, Thầy Hai Tiểu. Túc trực thường xuyên ở thị xã Cao Lãnh là 1 trung đoàn của Sư đoàn 9 ngụy. Ở huyện Chợ Mới là vùng địch khống chế chặt chẽ, chúng lập phòng vệ dân sự, mỗi xã hàng trăm người. Thanh niên, phụ lão (tuổi 60) đều bị bắt vào phòng vệ dân sự. Mỗi ấp, xóm đều có xây nhà phát thanh tuyên truyền giáo lý đạo Hòa Hảo.

Đặc điểm của chiến trường Kiến Phong là ta đánh nhỏ liên tục. Địch chiếm đóng không sâu vào Đồng Tháp Mười mà chỉ dọc theo các con sông Sở Thượng, Sở Hạ, cặp biên giới Campuchia, dọc kênh xáng An Long, kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh 4 mới, dọc lộ 30 và ven sông Cửu Long.

Trong năm 1966, tuy chiến trường Kiến Phong chưa có quân bộ binh Mỹ hoạt động nhưng cường độ chiến tranh đã tăng gấp bội. Địch mở nhiều cuộc phản kích đánh mạnh vào vùng giải phóng, nhiều cuộc càn dài ngày cấp trung đoàn, có máy bay B52 ném bom rải thảm, máy bay rải chất độc hóa học hủy diệt địa hình…

Ngày 5 tháng 4 năm 1966, Đại đội 1 Tiểu đoàn 502 diệt 1 đoàn biệt kích công dân vụ ở rạch Cái Tre, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, diệt 18 tên địch, bắt sống 3 tên, thu 10 khẩu súng.

Ngày 18 tháng 7 năm 1966, đặc công tỉnh cùng một bộ phận của Tiểu đoàn 502 vượt sông Cái Sao Thượng và sông Cao Lãnh đánh sân bay Tân Tịch, phá hủy 2 máy bay L19, diệt 30 tên địch, thu 20 khẩu súng, trong đó có 3 trung liên.

Ngày 4 tháng 9 năm 1966, Tiểu đoàn 502 và đặc công nước diệt đồn cấp trung đội Hai Lúa ỏ cánh đồng xã Phong Mỹ, thu toàn bộ vũ khí.

Cũng trong tháng 9 năm 1966, nhân dịp nước lên cao, Tiểu đoàn 502 cùng trung đội quân địa phương huyện Thanh Bình và đặc công nước đánh đồn Láng Thượng, tiêu hao địch nặng, nhưng chưa dứt điểm được. Sang tháng 10 năm 1966, đồn bị ngập nước, sụt lở, ta dùng hỏa lực cường tập đánh lần thứ hai, diệt gọn.

Trong năm 1966, Kiến Phong đánh tất cả 584 trận, hạ nhiều đồn, địch chết và bị thương 2.300 tên, trong đó có 54 tên Mỹ; 6 xe quân sự, 6 xe M113; bắn cháy 7 tàu; bắn rơi 20 máy bay.

Bước sang năm 1967, hai huyện Mỹ An, Kiến Văn nằm trong mặt trận lộ 4, các tiểu đoàn của Khu thường xuyên có mặt. Cường độ chiến tranh ở đây tăng lên hết sức ác liệt. Nhiều cuộc càn quét của địch với lực lượng 1-2 trung đoàn, sử dụng cơ giới với mức cao; có lúc chúng huy động tới 40 xe M113, 20 thuyền bay, 100 tàu, 30 lượt máy bay ném bom trong một ngày; rải chất độc hóa học, chà đi xát lại dài ngày.

Ngày 29 tháng 3 năm 1967, một trung đoàn của Sư đoàn 9 ngụy càn vào xã Đốc Binh Kiều thuộc huyện Mỹ An yểm trợ cho việc đóng căn cứ biệt kích, cách thị trấn Mỹ An 4 kilômét. Bọn biệt kích này rất hung hăng, đánh liên miên vào vùng giải phóng của ta ở hai huyện Mỹ An và Kiến Văn, đánh tới cả Cao Lãnh, Thanh Bình. Hoạt động của chúng nằm trong kế hoạch bình định kênh Nguyễn Văn Tiếp để chia cắt các lực lượng vũ trang của Khu ở chiến trường trọng điểm với hậu phương, đồng thời bảo vệ an toàn từ xa cho lộ 4. Đốc Binh Kiều vốn là vùng có phong trào du kích mạnh và là địa bàn căn cứ của các lực lượng vũ trang Khu, nên khi vào chiếm, địch rất tàn bạo. Chúng chặt hết cây cối, khủng bố bắt dân dỡ hết nhà gom dân vào gần đồn để lập vành đai trắng. Chi bộ Đảng địa phương theo dõi, biết trong số lính địch và cả trong bọn chỉ huy của chúng, có những tên có gia đình ở ngay trong xã và xã lân cận. Các đồng chí mời các gia đình đó đến khuyên họ đi thuyết phục chồng, con em mình đừng bắt bớ, làm khó dễ dân. Một chị bị địch bắt dẫn về đồn. Nhiều chị em vợ lính kéo đến đòi thả về cho bằng được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #126 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2014, 09:52:35 pm »

Bà con liên tục kéo đến quận Mỹ An đấu tranh đòi được tự do bung ra làm ăn. Đồng bào làm chòi trên ruộng đất của mình. Cuối cùng không còn vành đai trắng.

Căn cứ biệt kích này không duy trì được 4 tháng. Đêm 13 tháng 7 năm 1967, Tiểu đoàn 261 của Khu, Tiểu đoàn 502, quân địa phương huyện Mỹ An đã mở trận đánh tiêu diệt căn cứ. Liên tiếp trong hai tháng 7 và 8 năm 1967, lực lượng Kiến Phong tổ chức đánh sau lưng địch những đòn choáng váng.

Đêm 3 tháng 7 năm 1967, Tiểu đoàn 502, đặc công biệt động thị xã Cao Lãnh đánh căn cứ thuyền bay, cách cầu đúc Hòa An 500 mét, diệt 60 tên, trong đó có 20 tên Mỹ, 20 thuyền bay bị phá hủy.

Đêm 13 tháng 8 năm 1967, Tiểu đoàn 502, bộ đội đặc công tỉnh và biệt động thị xã diệt căn cứ hành chính tiếp vận tiểu khu do hơn một đại đội bảo an đóng giữ. Địch chết và bị thương 157 tên, ta thu 53 khẩu súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng.

Tiếp đó, 20 chiến sĩ biệt động thị xã Cao Lãnh, đánh một trận xuất sắc, tập kích 1 đại đội của Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 15 Sư đoàn 9 ngụy đóng dã ngoại, diệt 73 tên, bắt sống 22 tên, thu 34 khẩu súng, 4 máy thông tin. Địch tổ chức truy kích nhưng bị mũi chính trị của đội quân tóc dài của ta ngăn trở. Các chiến sĩ rút lui an toàn.

Tháng 8 năm 1967, địch đưa về căn cứ Bản Đô, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, gần biên giới Campuchia 1 đại đội thuyền bay 12 chiếc, do một tên Đại úy Mỹ chỉ huy. Mục tiêu đánh phá của chúng là vùng căn cứ của Khu, nằm cách bờ sông Sở Thượng 5 kilômét. Phía Việt Nam, vẫn còn đồng bào ở dọc theo sông, phía Campuchia đồng bào Việt ở đông đúc. Địch đánh vào mùa nước lên, bờ sông bị ngập, chỉ còn ít gò và nền nhà cao có thể làm công sự. Trong khoảng dài 5 kilômét, dọc theo sông có 7 con rạch đổ ra đồng, thuyền bay có thể chạy được. Từ căn cứ của chúng vào sông Sở Thượng, địch phải qua một cánh đồng nước sâu, rộng 10 kilômét.

Từ khi đội thuyền bay đến Thường Thới Tiền, ta đã có kế hoạch đánh chúng. Lực lượng tác chiến là bộ phận quân địa phương và du kích xã, ấp của 4 xã căn cứ, tổng cộng là 40 tay súng.

Tám giờ sáng ngày 11 tháng 9 năm 1967, địch chia làm 2 mũi đánh vào. Mũi chính 8 chiếc, chạy vào mương Ba Nguyên nhưng bị vướng cản và bị bắn rát, phải quay lại rạch Vọp. Tám giờ 45 phút, chúng ra được sông Sở Thượng, chạy về phía nam, vừa chạy vừa bắn dữ dội vào hai bên bờ. Bộ đội địa phương nổ súng. Hai chiếc bị bắn hỏng. Chúng quay trở lại, khi qua rạch Cái Sách chạy được ra đồng thì 1 chiếc nữa bị bắn hỏng. Chúng phải bỏ lại 3 chiếc. Mũi thứ hai loay hoay ngoài đồng, nhập với số còn lại của mũi thứ nhất chạy về căn cứ.

Toàn trận, địch chết và bị thương 15 tên, trong đó có 1 tên cố vấn Mỹ. Ta thu toàn bộ trang bị trên 3 chiếc chúng bỏ lại, trong đó 2 chiếc gần như còn nguyên vẹn. Những chiếc chạy thoát của mũi một đều bị trúng đạn. Xem như mũi chính bị ta đánh tan tác. Sau trận này, đội thuyền bay chỉ dám chạy ngoài đồng trống, xem như mất tác dụng. Du kích, quân địa phương và vũ khí nhẹ cũng diệt được chúng.

Sau những thất bại trên lộ 4 ở Mỹ Tho trong năm 1967, bọn chỉ huy Mỹ - ngụy thực hiện ý đồ mới nhằm lấn sâu vào Đồng Tháp Mười bằng cách đánh thọc sườn.

Ngày 4 tháng 12 năm 1967, lực lượng vũ trang Kiến Phong đã đánh thắng một trận oanh liệt, vang dội, bẻ gãy cả một mũi bao gồm cả thủy lục không quân lớn, cấp lữ đoàn của Mỹ, giáng cho chúng một đòn choáng váng. Một giang đoàn Mỹ gồm 80 tàu chiến lớn nhỏ chở một lữ đoàn của Sư đoàn 9 Mỹ và bọn bình định ngụy tiến vào Rạch Ruộng và kênh Nguyễn Văn Tiếp B. Cả lính ngụy và Mỹ trên tàu có đến 3.000 tên. Chúng chuẩn bị đủ súng đạn, lương thực, thuốc men, các phương tiện khí tài quân sự cho một cuộc đánh phá dài ngày và chiếm đóng một vùng rộng lớn. Đây là một quyết tâm lớn của chúng mà cũng là một hành động hết sức liều lĩnh. Chúng đã sử dụng cả một hạm đội đi sâu vào kênh rạch nhỏ.

Từ nhiều năm trước, Tiểu đoàn 502, các đội du kích và cán bộ cơ sở, quần chúng đã chuẩn bị sẵn sàng khi bắt được dấu hiệu chúng thọc vào căn cứ. Vũ khí đánh tàu được bổ sung. Hai đại đội của Tiểu đoàn 502, trung đội vệ binh tỉnh và một tổ B41 được bố trí trên một tuyến dài 2.000 mét dọc bờ kênh huyện Mỹ An, tỉnh Kiến Phong, bên kia là xã Thanh Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Đại đội 3 Tiểu đoàn 502 bố trí sau cánh đồng để đánh bọn đổ quân. Quyết tâm của ta là chặn không cho chúng tiến vào Ngã Sáu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #127 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2014, 09:55:04 pm »

Mặt trời vừa mọc, chiếc OV10 trinh sát tọa độ xiết vòng quanh, một trận pháo dữ dội dọn đường cho tàu địch tiến vào. Nước đang lớn nên tàu chạy rất nhanh. Nước dưới kênh nổi sóng tràn lên bờ, nước lọt vào công sự của các chiến sĩ. Mặt trời mới lên, không khí còn dịu mát nhưng tiếng pháo, tiếng máy tàu gầm rú, tiếng súng nổ liên hồi, tiếng phi cơ trinh sát, trực thăng quần đảo sát như nung núng có một vùng. Những dàn đại liên bắn như vãi trấu, đạn cắm phùm phụp vào bờ. Những tên lính mặt đỏ gay, mắt láo liên, tay lăm lăm súng AR15. Tuy ta im lặng, nhưng chúng biết đã vào vùng nguy hiểm.

Hai mươi chiếc đã vượt qua khóa đầu vào trận địa. Những chiếc tàu to tướng, lù lù chạy qua trước mắt các chiến sĩ.

Mười giờ 30, phần lớn đội hình địch đã lọt vào ổ phục kích. Súng lệnh nổ, những viên đạn DKZ, B40, B41 tới tập vọt ra khỏi nòng, bắn cháy những chiếc tàu xám xịt, tua tủa họng súng và chở đầy lính Mỹ và ngụy. Trên đoạn dài 2.000 mét, lửa bốc ngùn ngụt khắp mặt sông, khói đen mù mịt. Tiếng súng lớn nhỏ nổ rát rạt, DKZ, B40, B41, AK tấn công xen lẫn đại bác, đại liên, AR15, M79 chống trả.

Một đoàn trực thăng đổ quân xuống cánh đồng Cai Lân, cứu viện cho quân Mỹ đang bị bao vây. Nhưng Tiểu đoàn 41 biệt động quân và một tiểu đoàn của Sư đoàn 7 ngụy từ máy bay đổ xuống chỉ nằm tại chỗ, không dám tiến khi lực lượng chặn viện của ta nổ súng.

Trận đánh hết sức quyết liệt. Tàu địch vẫn ngoan cố tiến vào dù đã hàng chục chiếc bị bắn cháy và chìm. Cho mãi đến khi một chiếc tàu chở quân lớn bị bắn quay ngang, chìm chặt bít con kênh Nguyễn Văn Tiếp B thì bọn Mỹ mới chịu thua. Chúng dừng lại, xin lệnh bọn cấp trên cho điều tàu trục vớt tới cấp cứu và rút lui. Mãi ba ngày sau, chúng mới tạm thu dọn xong hậu quả. Trong trận chiến đấu này, có đồng chí Nguyễn Minh Trí, chiến sĩ B41 của ta đã bắn 9 quả đạn, hạ gục 8 chiếc tàu, trong đó có chiếc bị bắn chìm nằm cản ngang kênh làm chúng bị nghẽn không tới lui được. Đồng chí đã hy sinh. Trận đánh đã đem lại tổn thất lớn cho địch: 37 chiếc tàu bị bắn cháy và chìm, 1.400 tên trên tàu bị diệt. Ngoài ra, bọn đi cứu viện cũng bị diệt 200 tên. Đây là trận thắng lớn nhất, có hiệu quả cao nhất về đánh phá cơ giới, phương tiện và tiêu diệt sinh lực địch. Điều quan trọng là ta đã đánh bại địch trong lúc chúng đang hành quân và làm cho chúng phải bỏ cuộc giữa chừng.

Trong năm 1967, Kiến Phong đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.058 tên địch, trong đó có 1.013 tên Mỹ và Nam Triều Tiên; đánh hỏng, cháy, chìm 39 tàu, 40 thuyền bay; bắn rơi và hỏng 17 máy bay; đánh hỏng và phá hủy 28 xe quân sự; san bằng, bức rút 13 đồn; phá hủy một kho 150 khẩu súng, làm cháy 3 kho xăng chứa 200.000 lít; thu 300 khẩu súng. Kết quả này gần gấp 3 lần năm 1966.



Nhân dân Đồng Tháp Mười dùng xe trâu chuyển vũ khí phục vụ cho chiến trường Quân khu VIII trong kháng chiến chống Mỹ
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2017, 09:45:16 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #128 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2014, 09:56:03 pm »

4. An Giang giữ vững hành lang chiến lược, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc và tôn giáo

An Giang có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi duy nhất có vùng Bảy Núi, lại nằm trên biên giới Việt Nam - Campuchia là nơi diễn ra sự tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch để duy trì và mở rộng hành lang tiếp vận từ Miền về Khu IX, bảo vệ hành lang từ Khu xuống tỉnh để giữ vững địa bàn căn cứ của tỉnh và nơi đứng chân của lực lượng lớn làm bàn đạp tiến xuống Khu IX. An Giang đã bẻ gãy các mũi tiến công lấn chiếm bình định của địch ở khu vực Châu Đốc và đẩy mạnh mũi tấn công chính trị trực diện với địch, vận động đồng bào dân tộc Khơme và đồng bào tôn giáo ở những vùng sâu.

Cuối năm 1965, Khu mở Hội nghị chiến tranh du kích tại căn cứ B1 Tân Châu, do đồng chí Lê Quốc Sản - Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Tư lệnh Quân khu chủ trì. Với An Giang, yêu cầu của Hội nghị là rút kinh nghiệm cuộc chiến đấu vừa qua của ba thứ quân và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho phong trào chiến tranh du kích của tỉnh sắp tới để đối phó với “chiến tranh cục bộ” của địch, trong đó việc xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang và xây dựng đường hành lang của An Giang là những nhiệm vụ chủ yếu.

Trong năm 1965, trên địa bàn Châu Đốc, địch đã mở 6 cuộc hành quân cấp sư đoàn, 15 cuộc cấp tiểu đoàn và 375 cuộc đánh phá cấp đại đội. Qua năm 1966, địch tiến hành 377 cuộc hành quân, trong đó có nhiều cuộc cấp sư đoàn. So với năm 1965 thì số cuộc hành quân không nhiều hơn, nhưng bom đạn ác liệt hơn. Trong năm 1966, địch đã thực hiện hàng trăm phi vụ ném bom sát thương và rải chất độc hóa học ở nhiều vùng.

Vượt qua ác liệt, lực lượng vũ trang An Giang đánh địch ở cả ba vùng, tiêu hao, tiêu diệt nhiều địch, giữ vững các địa bàn hành lang và duy trì phát triển chiến tranh du kích trong vùng yếu và ven thị xã, thị trấn. Theo tài liệu của địch, chúng thừa nhận năm 1965, hoạt động của ta nhiều hơn năm 1964 là 218 lần và ta kiểm soát chi phối 21/57 xã ở Châu Đốc; có đến 50% dân huyện Huệ Đức, Long Xuyên do Mặt trận dân tộc giải phóng kiểm soát.

Trong ba năm, từ năm 1965 đến năm 1967, quân và dân An Giang đã tấn công và nổi dậy đánh hàng trăm trận lớn nhỏ ở vùng căn cứ Bảy Núi và ở vùng đồng bằng, làm địch bị thất bại trong âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng và các vùng khác, giữ vững cơ sở cách mạng trên 40 xã. Tiêu biểu là các trận:

Tháng 1 năm 1965, ta diệt một trung đội bảo an ở cao điểm Núi Tượng - Ba Chúc.

Ngày 15 tháng 10 năm 1965, ta diệt Đại đội bảo an 685 ở dốc núi Bà Đắt - Thới Sơn.

Ngày 26 tháng 3 năm 1966, ta phá hủy đồn Đầm Chích, Vĩnh Điền, Tịnh Biên, diệt 1 trung đội địch.

Ngày 7 tháng 8 năm 1966, ta phục kích diệt tên Thiếu tá Long - Chi khu trưởng Tri Tôn tại dốc núi Bà Đội.

Cùng thời gian này, ta đánh bại nhiều cuộc càn quét dài ngày cấp sư đoàn của địch vào căn cứ Bảy Núi, như: Cuộc càn quét từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 6 tháng 10 năm 1966 vào núi Dài và Núi Tô, do tướng Lâm Quang Thi - Tư lệnh khu 41 chiến thuật chỉ huy; cuộc càn quét kéo dài liên tục trong 24 ngày đêm trong tháng 4 năm 1967 của 2 sư đoàn 9 và 21 ngụy cũng vào những vị trí trên. Quân ta bám Núi Dài đánh trả địch, chiếm lại vùng giải phóng Lương Phi, diệt hàng trăm tên, bắn cháy 4 xe M113.

Ở vùng nông thôn đồng bằng, chiến sự cũng diễn ra quyết liệt. Quân ta, với số lượng không đông nhưng dũng cảm và mưu trí đã làm cho địch thiệt hại nặng. Tiêu biểu là những trận:

Ngày 10 tháng 1 năm 1965, quân địa phương Châu Thành, Huệ Đức cùng biệt động thị xã Long Xuyên đánh càn trên kênh Hai Trân, bắn chìm 2 tàu, diệt 27 tên địch.

Ngày 20 tháng 5 năm 1965, hai chiến sĩ biệt động thị xã Long Xuyên và một chiến sĩ du kích xâm nhập vào nơi đóng quân của 2 đại đội chủ lực, diệt 2 cố vấn Mỹ và làm bị thương 7 lính ngụy.

Đêm 7 rạng ngày 8 tháng 9 năm 1966, quân địa phương Châu Thành, Huệ Đức và du kích Bình Hòa phá cầu Mặc Cần Dưng và phục kích bọn đi tiếp viện. Ta bắn chết tên Đại úy quận trưởng và 10 lính ngụy, giải tán và thu súng của một toán thanh niên chiến đấu.

Nhưng trong thắng lợi chung, cũng có một số trận ta bị thiệt hại, như trận đầu bờ Núi Sam, do nắm không vững thực địa nên ta không diệt được đồn, lại bị hy sinh 13 người, bị thương 17 người, bị bắt 1 người. tối 29 tháng 8 năm 1965, đặc công và trinh sát đi điều tra nghiên cứu chi khu Tân Châu, sáng không rút ra kịp, địch phát hiện, 8 người hy sinh, trong đó có 1 chính trị viên đại đội. Mùa khô năm 1966, Khu đưa Tiểu đoàn 267 đến An Giang tăng cường cho lực lượng của tỉnh bảo vệ hành lang. Tháng 4 năm 1967, Tiểu đoàn 267 cùng bộ đội tỉnh mở chiến dịch Xuân Hè, đánh địch ở Vĩnh Xương, Khánh Bình, Khánh An, Phú Hội… Trận cầu số 5 (Phú Hội), Tiểu đoàn bị thương vong nặng, phải rút về Khu.

Trong thời gian này có sự kiện quan trọng là Đại đội 52 tân binh ngụy đang huấn luyện ở căn cứ Chi Lăng khởi nghĩa. Trong đại đội này ta có 20 cơ sở, trong đó có 5 đảng viên do binh vận Mỹ Tho đưa lên. Chiều ngày 6 tháng 7 năm 1966, các binh sĩ khởi nghĩa bắn chết tên sĩ quan huấn luyện và kéo ra căn cứ Núi Cấm, tất cả 175 người và 40 khẩu súng. Trước khi khởi nghĩa, các đồng chí đã vận động được 600 tân binh đang huấn luyện tại Chi Lăng đào ngũ.

Từ năm 1965, An Giang có nét nổi bật là đấu tranh chính trị ngày càng mạnh. Phong trào mạnh ở cả nông thôn và đô thị, nhất là trong học sinh và công nhân lao động. Ngoài đấu tranh lẻ, có những cuộc đấu tranh tập trung của lực lượng chính trị thuộc đội quân tóc dài đông đến hàng trăm, hàng ngàn người, kéo ra đấu tranh trực diện với đồn bốt, với quận, có cả đồng bào Việt, Khơme, cả sư sãi, đồng bào lương, tín đồ Hòa Hảo, Hiếu Nghĩa, Công giáo, gia đình binh sĩ và cả binh sĩ cùng đồng tình.

Những cuộc đấu tranh tiêu biểu từ năm 1965 đến 1967 là:

- Ngày 15 tháng 10 năm 1964, 200 đồng bào Việt, Khơme cùng 20 sư sải và A cha xã Văn Giáo khiêng ba em bé bị thương do pháo địch bắn, kéo ra căn cứ núi Đất Tịnh Biên tố cáo địch. Địch phải đưa các em đi chữa trị.

- Ngày 29 tháng 4 năm 1965, 400 đồng bào Khơme ở Ô Lâm, An Tức - Tri Tôn kéo ra quận đấu tranh chống ném bom, bắn pháo, đòi bồi thường sinh mạng và tài sản, đòi chấm dứt càn quét.

- Ngày 8 tháng 10 năm 1965, hàng trăm đồng bào Ba Chúc - Tịnh Biên khiêng xác người bị pháo bắn chết ra đồi núi Tượng đòi bồi thường. Sau đó, lại tiếp kéo kéo ra bốt cầu sắt Vĩnh Thông. Tại đây viên xếp bốt phải cho xe chở đồng bào ra quận đấu tranh.

- Tháng 4 năm 1966, 32 nông dân xã Định Mỹ - Huệ Đức đấu tranh chống lại một số người dựa thân thế ngụy quyền cướp đất. Lính đồn đồng tình, bắt số cướp đất giải về tỉnh.

- Ngày 30 tháng 5 năm 1966, 1.200 đồng bào Việt và Khơme kéo ra quận Tri Tôn đấu tranh chống rải chất độc hóa học, chống bắn pháo vào xóm làng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #129 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2014, 09:56:45 pm »

Ở thị xã Long Xuyên, Châu Đốc và các thị trấn có những cuộc đấu tranh tiêu biểu là:

- Đêm rạng 18 ngày 19 tháng 1 năm 1965, học sinh trường Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên rải truyền đơn, căng 6 bích chương lớn trên 2 dãy nhà nêu khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Mỹ và tai sai đàn áp học sinh”, “Tinh thần Trần Văn Ơn bất diệt!”, “Đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam!” và một số khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ. Sáng hôm sau, có gần 4.000 học sinh và đồng bào tụ tập thành cuộc mít tinh lớn.

- Ngày 9 tháng 3 năm 1965, 100 công nhân xây dựng bệnh viện Long Xuyên đấu tranh chống chủ thầu Mỹ đuổi 6 công nhân, buộc tỉnh trưởng phải hứa can thiệp nhập lại.

- Ngày 7 tháng 7 năm 1965, bọn địch ở Tân Châu bắt anh Bảo - thợ mộc, tra tấn đến chết và liệng xác xuống sông. 3.000 đồng bào thuộc đủ các tầng lớp, có cả công chức, binh lính, khiêng xác anh đến quận, đòi bồi thường nhân mạng, biến thành cuộc tuần hành vòng quanh thị trấn. Đến chi cục cảnh sát, đồng bào tràn vào đập phá. Địch đưa lính đến đàn áp. Đồng bào càng căm thù chúng, đấu tranh quyết liệt hơn.

- Tháng 1 năm 1966, học sinh trường Thoại Ngọc Hầu bãi khóa, lên án hiệu trưởng khủng bố học sinh.

- Tháng 9 năm 1966, địch lấy đất của dân làm căn cứ quân sự ở thị xã Long Xuyên, 3.000 đồng bào làm đơn phản đối, buộc địch phải bỏ kế hoạch này. Cũng trong tháng 9 năm 1966, địch đuổi đồng bào khỏi nhà ở khu vực Trần Minh. Đồng bào chống lại. Địch tổ chức đốt. Đồng bào đấu tranh buộc chúng phải bồi thường.

- Trong hai tháng 10 và 11 năm 1967, hàng ngàn học sinh các trường trong thị xã Châu Đốc xuống đường đấu tranh chống bắt lính, chống khủng bố.

Qua hai năm (1966-1967) đối phó với “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, Khu VIII - Trung Nam Bộ trực tiếp chiến đấu với Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ, một sư đoàn chính quy, hiện đại được huấn luyện kỹ, được trang bị những phương tiện chiến tranh hiện đại và khổng lồ của một đội quân tự cho là mạnh nhất thế giới, chưa từng bị thua trong chiến tranh. Sư đoàn 9 Mỹ vào cùng với quân ngụy ở chiến trường Khu VIII làm cho tương quan lực lượng về quân sự của ta và địch có sự chênh lệch lớn, nhất là chúng có ưu thế tuyệt đối về phương tiện chiến tranh. Cường độ, tính chất ác liệt của chiến tranh được đẩy lên mức cao, làm cho cuộc sống và chiến đấu của nhân dân và các lực lượng vũ trang gặp rất nhiều khó khăn. Địch có gây cho ta những thiệt hại về người và của. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, của Trung ương Cục miền Nam và của Khu ủy Khu VIII, quân và dân Khu VIII đã phát huy thế chủ động chiến trường được tạo ra trong cuộc Đồng khởi và trong “chiến tranh đặc biệt”, đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, nắm vững tư tưởng tiến công, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ nên đã mưu trí, sáng tạo trong tiêu diệt quân Mỹ và làm tan rã quân ngụy. Từ chỗ đẩy mạnh diệt ngụy làm suy yếu thêm chỗ dựa trước khi Sư đoàn 9 Mỹ vào, đã chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng đánh Mỹ với quyết tâm và khí thế rất cao. Khu ủy Khu VIII còn tăng cường cán bộ, đảng viên trung kiên, dũng cảm đến những địa bàn khó khăn, ác liệt nhất, củng cố, nâng sức chiến đấu và lãnh đạo của các chi bộ, tổ chức và bố trí lực lượng thích hợp, thiết lập các vành dai bao vây, tiêu hao, tiêu diệt quân Mỹ; tạo thế ăn ở công khai, hợp pháp cho nhân dân, để tiếp tục tiến công địch bằng ba mũi quân sự, chính trị và binh vận bằng những phương pháp thích hợp; đã tỉm ra cách đánh quân Mỹ phù hợp thực tế chiến trường đồng bằng, sông nước.

Do có sự chuẩn bị kỹ về các mặt tư tưởng, tổ chức cho nhân dân và các lực lượng vũ trang, chuẩn bị cách đánh của bộ đội và du kích; với phương thức tiến công quân sự, chính trị, binh vận theo tinh thần chủ động, tích cực tấn công quân Mỹ, tìm ra cách đánh Mỹ thích hợp, bám sát Mỹ mà đánh nên đã hạn chế được thương vong vì bom đạn của Mỹ. Do đó, ta đã giành được thắng lợi bước đầu quan trọng và có ý nghĩa trong đánh quân Mỹ ở chiến trường đồng bằng Khu VIII.

Về tiến công quân sự, ta phát huy sức chiến đấu của các thứ quân: du kích, bộ đội địa phương, bộ đội tập trung tỉnh, chủ lực Khu và các binh chủng công binh, đặc công (bao gồm cả lực lượng đánh dưới nước), pháo binh tổ chức thành những pháo chốt và cụm pháo… có du kích (bao gồm cả du kích mật), có biệt động trong thị xã, thị trấn và nhân dân tham gia chiến đấu vũ trang… Vì vậy, ta đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch (cả Mỹ lẫn ngụy), phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, kho tàng của Mỹ, làm thất bại chiến thuật “hạm đội nhỏ” và “thuyền bay” của Mỹ. Ta đã chủ động đánh địch trong căn cứ, tổ chức đánh liên tục trên lộ 4 kéo quân Mỹ, ngụy ra để tiêu hao, tiêu diệt sinh lực chúng và thu hút, kiềm chân địch trên lộ 4 để hỗ trợ cho đánh phá bình định. Từ chỗ tiêu hao, tiêu diệt lẻ tẻ, đến tiêu diệt từng đại đội và tiểu đoàn quân Mỹ khi chúng hành quân hoặc đóng dã ngoại.

Về đấu tranh chính trị, từ chỗ bỡ ngỡ ban đầu, từ đấu tranh lẻ tẻ, ta đã tập hợp được đông đảo chị em phụ nữ dũng cảm chặn xe thiết giáp Mỹ, ngăn chặn pháo không cho chúng bắn phá hủy hoại hoa màu, ruộng vườn, xóm làng. Nhân dân, bộ đội và du kích bám trụ sản xuất và chiến đấu, phá kế hoạch lập vành đai trắng của Mỹ. Từ chỗ ra tranh thủ, tuyên truyền đến việc tự học tiếng Anh để đấu tranh trực diện với Mỹ, hạn chế sự tàn bạo của lính Mỹ; tranh thủ lôi kéo chỉ huy ngụy quân, ngụy quyền đồng tình đấu tranh với Mỹ để bảo vệ quyền lợi của dân. Hình thức đấu tranh chính trị trực diện với quân Mỹ phát triển từ thấp đến cao và ngày càng có hiệu quả tấn công quân sự.
 
Về công tác binh vận, ta đã làm cho lính Mỹ lo sợ, hoang mang, nhớ nhà, từng bước nhận ra sự phi lý của việc Mỹ đến gây chiến tranh ở Việt Nam, nên từ chỗ làm cho lính Mỹ tiêu cực trong hành quân càn quét, hạn chế lùng sục, từ chỗ phản chiến lẻ tẻ, đến chỗ phản chiến tập thể không chịu lên máy bay đi bắn phá… Đặc biệt là đồng bào đã khoét sâu mâu thuẫn giữa lính Mỹ với lính ngụy, đẩy mạnh công tác binh vận đối với quân ngụy, vận động được nhiều binh lính đào, rã ngũ và kéo từng tiểu đội, trung đội, đại đội ngụy trở về với cách mạng.
 
Như vậy là trong giai đoạn Mỹ - ngụy tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” quân và dân Khu VIII đã tiếp tục phát triển thế tấn công địch trên cả ba mặt quân sự, chính trị và binh vận để giành thắng lợi có hiệu quả, làm thất bại các mục tiêu “tìm diệt” và “bình định” của Mỹ - ngụy ở chiến trường Khu VIII, góp phần cùng toàn Miền đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của địch, tạo ra thế mới, tạo điều kiện mới để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn trong giai đoạn sau.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM