Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:51:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bảo Đại - Hay là những ngày cuối cùng của vương triều An Nam  (Đọc 57408 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trần Anh
Thành viên
*
Bài viết: 318



« Trả lời #120 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2012, 09:06:42 am »

Một thời gian, Bảo Đại phải bớt đến tiệm nhảy Paramount và những sòng bạc khác. Cuộc sống vợ chồng mới gặp lại nhau được đặt lên hàng đầu. Lý Lệ Hà, Mộng Điệp và các cô gái trẻ khác tạm lánh mặt, ít nhất trong một thời gian. Không bao lâu sau đó bà Nam Phương và các con rời Hongkong sang Pháp. Một chuyến đi vất vả gian nan. Phải tạm dừng lại ở Bangkok chờ khắc phục những trục trặc kỹ thuật của chiếc thuỷ phi cơ. Do không đề phòng trước những hỏng hóc, nên sau nhiều ngày, mọi người đều phải chuyền sang đi tàu thuỷ cùng với hành lý. Tới Pháp, trong thời gian đầu, mẹ con bà Nam Phương về Cannes, nơi có toà lâu đài Thorenc tráng lệ được dành cho cả gia đình. Từ nay trên đất Pháp bà Nam Phương chỉ có thể biết qua loa tình hình trong nước nhờ những lá thư của bà chị ruột là bà bá tước Didelot ở lại Sài Gòn kể những chuyện lặt vặt cho bà.


****

Anh rể bà, bá tước Didelot ở lại Đà Lạt. Trong một bức thư viết cho con gái - lá thư bị Sở kiểm duyệt giữ lại - ông nói về Bảo Đại: "Cha tin vào ông chú của con - chỉ Bảo Đại - ông ta không phải là một vĩ nhân cũng không phải là một thằng ngốc nhưng nếu được biết rõ tình hình, ông ta sẽ có thể nhận định đúng đắn. Ông ta hay bị một số người có đầu óc vụ lợi phỉnh phờ và chịu ảnh hưởng của họ. Trước đây một số người ủng hộ ông thoái vị và hợp tác với Hồ Chí Minh cũng là để cứu vãn vị thế của họ. Bây giờ ở Hà Nội (... Việt Minh đã rút đi, Pháp đã trở lại) có những biểu ngữ, truyền đơn dán trên tường yêu cầu Bảo Đại trở về nước nắm quyền bính...".
Cựu hoàng khác nào một kẻ đang đánh bạc trong khi những người ngồi chầu rìa và những tay đứng ngoài cá cược với nhau về cơ may được, thua. Mọi người chung quanh từ vợ, anh rể, địch thủ, hay thẩn dân hình như ai cũng biết rõ những chủ bài cũng như những điểm yếu của ông. Ông là con người thông minh có nhận thức nhanh nhưng lại ham thích ăn chơi. Liệu ông có biết chơi canh bạc cuộc đời nầy không hay trái lại để cho người Pháp hay Việt Minh chinh phục.
Bảo Đại có vẻ như tự tin, ông đánh giá quá cao về vị thế "ông vua cuối cùng triều Nguyễn" của mình. Trong Hồi ký Con rồng An Nam ông viết:
"Riêng tôi, tôi cảm thấy rất thoải mái, thời đó người ta hay nói: trong tay tôi chẳng có gì nhiều, ngay cả tính đại diện của tôi cũng còn phải bàn cãi. Nói như thế là coi nhẹ một yếu tố chủ yếu, ở chỗ tôi là đại diện chính thông cho một triều đại, tôi là đấng Thiên tử, là Con Trời, được Trời giao sứ mệnh trị vì thần dân. Có lẽ chỉ có mình tôi nhận thấy tính đại diện chính thông nầy. Nó không thể được xem như một luận cứ trong một cuộc đàm phán ngoại giao, cũng không thể viện ra ngay từ đầu. Tuy nhiên nó vẫn hiện hữu, mạnh mẽ hơn mọi luận cứ chông lại tôi. Chắc chắn là những ai không phải là dân Việt Nam thì không cảm nhận được điều đó mà tôi cũng không thể thuyết phục được họ. Khi tôi phản ứng hay tỏ thái độ, những người đôl thoại với tôi không thể hiểu được, họ chỉ đưa lý lẽ giữa con người với nhau, ngang tầm với họ, hợp với trình độ của họ...".
Một điều chắc chắn là phải thương lượng, chấm dứt mọi mưu mô. Từ tháng 12 năm 1946, chiến tranh lan rộng khắp cả nước với mức độ ngày càng khốc liệt. Việt Minh vẫn thi hành chính sách vườn không nhà trống ở những vùng họ tạm rút đi. Thời gian ngày càng thôi thúc. Quân Pháp chỉ chiếm được các thành phố, thị trấn, còn vùng nông thôn mênh mông vùng rừng núi hiểm trở vẫn nằm trong tay Việt Minh. Người Mỹ gia tăng áp lực. William Bullit, cựu Đại sứ Mỹ tại Pháp ủng hộ giải pháp Bảo Đại. Nhân danh chính phủ Mỹ, ông ta vừa khuyên Pháp nhượng bộ thêm nữa trước đòi hỏi của Bảo Đại, vừa khẩn khoản yêu cầu Bảo Đại phải đương đẩu với Pháp, tóm lại là đòi cho được độc lập(9).
Tại Hongkong, Bảo Đại hình như đã thoát khỏi cảnh cùng quẫn. Ông trở lại cuộc sống xa hoa giàu có. Nơi ông ở là một toà nhà rất đẹp theo phong cách kiến trúc Anh, gần bờ biển cách Hongkong độ hai mươi cây số ông có một ban thư ký riêng giúp việc. Ông sống ở Stanley Beach nhưng thường hay tiếp các đoàn trong nước ra ở Causeway Bay, cho họ nghỉ tại Hongkong Hotel hoặc ở Paramount hay Saint-Francis. Sau khi bán tài sản riêng ở Hongkong cộng với đồ đạc và ôtô, ông được một khoản tiền tươi đến một triệu đồng Đông Dương.
Logged

As long as you love me. We could be starving, we could be homeless, we could be broke.
As long as you love me. I'll be your platinum, I'll be your silver, I'll be your gold...
 
Trần Anh
Thành viên
*
Bài viết: 318



« Trả lời #121 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2012, 09:07:48 am »

Ông đi châu Âu, sau sáu năm xa cách. Đầu tiên ông đến Anh để chữa mắt rồi về Cannes nơi Nam Phương và các con đang đợi ông.
Gián tiếp và trực tiếp người Pháp đã giúp ông trở lại cuộc sống sung túc. Các phe nhóm đảng phái "quốc gia" tâng bốc ông, tạo vốn chính trị hào nhoáng bên ngoài cho ông trước hết vì quyền lợi của chính họ. Có lẽ ông cũng biết ông chẳng có hậu thuẫn gì đáng kể ở trong nước, càng không đủ sức chống lại kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo nhưng đã ngập sâu trong cuộc sống phù phiếm hưởng lạc, ông không thể lùi được nữa. Phải ký kết. Tháng 1 năm 1948, ông đi gặp cao uỷ Pháp ở Genève. Tại sao ông lại chọn Thuỵ Sĩ, một nước trung lập truyền thống, mà Genève là một địa điểm lý tưởng cho các cuộc mặc cả ngoại giao, giúp ông có được có một khoảng cách với những người đối thoại. Lần nầy ông chọn đường đến Cannes trên một chiếc xe hơi đặc biệt, đó là chiếc Gordini, từ khi trở lại giàu có, ông tài trợ cho nhãn xe nầy. Chiếc xe có tốc độ nhanh, xài xăng pha octane với tỷ lệ cao, không bán ngoài thị trường tự do, nên phải lập riêng một hệ thống kho xăng dọc đường từ Cannes đến Genève.
Mặc dù tình hình lúc nầy nghiêm trọng, nhưng trong lúc chiến tranh đang tiếp diễn ác liệt mà lại đi đàm phán để chấm dứt chiến cuộc thì đâu phải là một việc tầm thường. Ông cũng biết phải đi những nước cờ cao.
Báo chí cánh tả một lần nữa đưa ra hình ảnh về ông như một kẻ trác táng ích kỷ. Đặc phái viên của tờ Combat (Chiến đấu) viết: Những cuộc thương thuyết với ông Bollaert chẳng đi đến đâu, nhưng ông Bảo Đại cũng không bỏ lỡ dịp ở Genève để sắm thêm nhiều bộ cánh mới. Tôi đã dự một bữa điểm tâm rất sang của ông. Tóc uốn, tay đút vào túi chiếc áo choàng màu nâu nhạt, ông sải bước bên cạnh bà hoàng rất trẻ đẹp, có phong thái rất "Paris".
Những cuộc thương thuyết kéo dài bất tận, mỗi lẩn lại đánh dấu bằng những tuyên bố lạc quan nhưng không có hiệu quả gì. Bảo Đại ra vẻ một con người kỳ cục chưa từng thấy bao giờ. Phải cầu khẩn van nài, phải lấy lòng bằng những cái cười nụ, cười nhoẻn dỗ dành. Phải trải thảm đỏ để ông lên máy bay về Sài Gòn. Mỗi lần tưởng như ông chắc chắn nhận lời, thì ông lại lần khân, tránh né, im lặng. Báo chí phẫn nộ, các nhà chức trách điên đầu. Bên kia đại dương chiến tranh ngày càng dữ dội. Còn ông Hoàng đế nầy cứ làm cao, nâng giá lên mãi, mà không quyết định vào cuộc.
Thời gian thúc bách lắm rồi. Bằng mọi giá phải dựng lên một chính phủ để chiêu hồi tất cả những phần tử "quốc gia" chống cộng sản. Nhưng không. Con Trời Bảo Đại luôn muốn đứng trên mọi cuộc xung đột đảng phái, không muốn dấn thân vào thực địa. Có lẽ ông chả thèm muốn gì hơn vị thế hiện nay của ông, với ngôi biệt thự đẹp đẽ ở Hongkong, toà lâu đài xinh xắn ở Cannes. Tuy nhiên cuộc đấu tranh của ông không vô ích. Mỗi lần thương lượng lại được thêm một chút nới rộng quyền tự trị cho Việt Nam ngay cả từ "độc lập" cũng không còn là điều cấm kỵ nữa.
Đầu năm 1949, dường như Bảo Đại nghe theo lập luận của những người thân cận đang bu quanh ông, công bố một "tạm ước" (modus vivendi) theo cách của ông. Chưa giải quyết được gì cả, nhưng cả hai bên Pháp và Việt phải cố cùng sống chung với nhau, trong khi chờ đợi tình hình được cải thiện. Và thế là ra đời một chính phủ tàm tạm có quyền lực cả nước dưới quyền của thủ tướng Nguyễn Văn Xuân, một sĩ quan do Pháp đào tạo, leo lên cấp thiếu tướng, người của Bảo Đại.
Như một trò phù phép. Báo chí không tiếc lời ca ngợi thoả thuận đạt được công nhận Việt Nam độc lập trên giấy trắng mực đen. Nhưng là độc lập trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Đó là quy chế cuối cùng dành cho Việt Nam. Một lần nữa, cảnh quan hùng vĩ của vịnh Hạ Long được chọn làm địa điểm lễ ký kết. Nhưng lần nầy, thủ tướng Xuân là một bên ký kết dù chỉ là ký tắt hiệp ước, có sự chứng kiến của Bảo Đại. Lần nầy ông chỉ làm công việc giám sát từ xa những hành động đầu tiên của cái chính phủ do ông vừa dựng nên.
Logged

As long as you love me. We could be starving, we could be homeless, we could be broke.
As long as you love me. I'll be your platinum, I'll be your silver, I'll be your gold...
 
Trần Anh
Thành viên
*
Bài viết: 318



« Trả lời #122 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2012, 09:08:13 am »

Nhưng lại một lần nữa, thoả ước mới chẳng thay đổi được bao nhiêu tình hình đang diễn ra. Việt Minh vẫn trụ vững ở các vùng nông thôn. Mặt khác quân Pháp không có ý định giữ trọn quyền lực của mình. Tại Nam Kỳ, nghị viện cũ của thuộc địa tẩy chay chính phủ Nguyễn Văn Xuân. Tóm lại là chính phủ trung ương của tướng Xuân chẳng cai trị gì hết. Người ta nhanh chóng thấy rang duy chỉ có cựu hoàng Bảo Đại là có thể khẳng định quyền lực của mình và chỉ có ông mới là lực đối trọng của Hồ Chí Minh.
Bảo Đại còn muốn người Pháp phải van nài hơn nữa. Ông đòi thêm các điều bảo đảm mới nhất là thu hồi được Nam Kỳ (10) (Nam Kỳ phải trở vè lãnh thổ Việt Nam). Bên Trung Hoa, quân cộng sản của Mao Trạch Đông đang thắng như chẻ tre, tạo một sức cổ vũ mạnh mẽ cho kháng chiến Việt Nam. Tình hình nhanh chóng chứng tỏ rằng chỉ có cựu hoàng Bảo Đại mới có thể khẳng định được quyền lực của mình và chỉ có ông mới có thể đối chọi được với Hồ Chí Minh. Người Mỹ càng sốt ruột. Cuối cùng Tổng thống Cộng hoà Pháp Vincent Auriol và Bảo Đại ký thoả ước 8 tháng 3 năm 1949, Cựu hoàng sẽ trở về nước, bổ nhiệm các thủ hiến cai trị ba "kỳ". Các dân tộc miền núi được hưởng tự trị nhưng đặt dưới quyền trực tiếp của Bảo Đại, gọi là "Hoàng triều cương thổ". Nhưng không lập lại nền quân chủ. Bảo Đại sẽ không trở lại làm Vua mà là Quốc trưởng Việt Nam. Sau nầy khi hoà bình được lập lại, nhân dân sẽ bỏ phiếu lựa chọn chế độ chính trị cho mình. Nhưng trong khi chờ dợi, Bảo Đại vẫn cho phép và còn mong muốn được mọi người "tâu Hoàng thượng" hoặc "tâu Bệ Hạ". Sau nầy khi về nước, Văn phòng Quốc trưởng vẫn đóng ở Đà Lạt vì người Pháp dùng dằng không chịu giao dinh Norodom, tượng trưng cho quyền lực của Toàn quyền Đông Dương cũ cho Quốc trưởng Việt Nam.
Còn thái độ của chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh?
Ngày 25 tháng 1 năm 1949, trả lời các nhà báo, Hồ Chí Minh nói: "Ông Vĩnh Thuỵ đã thề trung thành với Tổ Quốc, với nhân dân và Chính phủ. Nếu ông ấy cam tâm buôn dân, bán nước thì ông ấy sẽ bị tội phản quốc như những kẻ phản quốc khác"(11).
Ngày 2 tháng 2 năm 1949, trả lời phóng viên hãng thông tấn Anh Reuter hỏi về ông Vĩnh Thuỵ có còn được coi là cố vấn tối cao trong chính phủ nữa không, Hồ Chí Minh khẳng định: "Ông ta đã tự cách chức ấy rồi"(12). Hai tháng sau, bình luận về bản ký kết 8 tháng 3 giữa Bảo Đại và Pháp, Hồ Chí Minh tuyên bố. "Bản ký kết 8 tháng 3 đối với nhân dân Việt Nam chỉ là tờ giấy lộn. Thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy chẳng lừa bịp được ai... Vĩnh Thuỵ trở về với 10.000 viễn binh Pháp để giết hại thêm đồng bào Việt Nam. Vĩnh Thuỵ cam tâm bán nước. Đó là sự thật... Vĩnh Thuỵ làm tay sai cho thực dân là một tên phản quốc... Chính phủ Việt Nam sẽ thẳng tay trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ đã bán nước buôn dân…" (13). Đầu tháng 10 năm 1949, trả lời nhà báo Mỹ A. Steele, báo New Herald Tribune, Hồ Chí Minh tuyên bố dứt khoát: "Chúng tôi không cần gì đến bọn bù nhìn... Chỉ có bù nhìn và phản quốc mới ủng hộ Bảo Đại"(14). Cũng vào thời gian nầy, tại căn cứ kháng chiến của Liên Khu III, hữu ngạn sông Hồng, một phiên toà đặc biệt của Toà án quân sự đã tuyên án tử hình vắng mặt Vĩnh Thuỵ về tội phản quốc. Chủ trương xử công khai tội bán nước của Bảo Đại phản ánh thái độ của chính phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo thể hiện qua một loạt các bài báo và tuyên bố chính thức của Hồ Chí Minh lên án Bảo Đại bán nước, hại dân và làm tay sai cho Pháp, chống lại kháng chiến.

Chú thích:
(1) Hồ sơ lưu trữ bộ Ngoại giao Pháp - Vụ Á - Đông Dương, tập 15.
(2) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại - Sở Mật thám. SPCE 376.
(3) Paris Presse, 2/4/1947.
(4) Bảo Đại, Le Dragon dAnnam (Con Rồng Annam) Nhà xuất bản Plon, Paris.
(5) Philippe Franchini: Les Guerres d Indochine (Các cuộc chiến tranh Đông Dương), Nhà xuất bản Pygmalion,1988.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1995, trang 220.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1995, trang 310.
( 8 ) CAOM, Hồ sơ lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại - Tập Cố vấn chính trị số 2, Nhà nước - 285.
(9) CAOM, Hồ sơ lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại, SPCE (Service Presse Corps Expéditionnaire - Phòng báo chí quân đội viễn chinh) - Hồ sơ 376.
(10) Ông đòi họp Hội đồng quản hạt Nam Kỳ biểu quyết đòi trở về với Việt Nam, sau đó Nghị viện Pháp sẽ hợp pháp hoá yêu cầu đó
(11), (12) (13) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1995, tập 5, tr. 562.
(14) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1995, tr. 581, 694.
Logged

As long as you love me. We could be starving, we could be homeless, we could be broke.
As long as you love me. I'll be your platinum, I'll be your silver, I'll be your gold...
 
Trần Anh
Thành viên
*
Bài viết: 318



« Trả lời #123 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2012, 09:10:07 am »

Chương 25

  Từ lâu đài Thorenc nhìn ra cảnh quan trải rộng dưới mắt Bảo Long giống như Nha Trang, một thắng cảnh trên bờ biển miền Trung nước Việt. Ở đó, trên đỉnh đồi chìa ra biển sừng sững một dinh cơ đồ sộ mang tên "biệt điện Bảo Đại", còn ở đây một toà biệt thự nguy nga không kém, có vị trí tương tự như trên bờ biển Nha Trang, được gọi kín đáo hơn là "lâu đài Thorenc". Khác chăng là nổi bật trên màu xanh lam của vịnh Cannes, rải rác những cánh buồm trắng, những canô máy, những chiếc du thuyền yatch mảnh mai, quý phái, được cậu bé chăm chú theo dõi. An ninh ở Cannes được bảo đảm, cổng ra vào toà biệt thự uy nghi, chắc chắn với đôi sư tử đá trang trí trên cột trụ hai bên...
Bảo Long đã sang tuổi mười ba. Lùi dần vào dĩ vãng : những kỷ niệm không mấy êm đềm về những ngày lánh nạn sống trong trường dòng chúa Cứu thế ở Huế cùng những lễ hành xác của các thầy tu, hay những đêm ngủ dưới tầng hẩm nhà băng Đông Dương, nơm nớp lo sợ trong tiếng rít của đạn trái phá vút mái nhà. Bây giờ cậu bé chỉ còn chờ ngày tựu trường. Trên đất nước thanh bình như nước Pháp năm 1948, ngày trở lại trường học không phải là một sự kiện bất ngờ, gia đình nào cũng có thể biết trước. Nhưng lựa chọn trường nào cho thích hợp không phải là chuyện đơn giản, vì ba năm qua, trong tình thế đầy biến động ở quê nhà việc học tập của mấy anh em Bảo Long cũng bị đảo lộn, dở dang. Hai năm học ở Huế hoàn toàn theo chương trình giáo dục Việt Nam lúc đầu là của chính phủ Trần Trọng Kim, sau đó là dưới chế độ dân chủ cộng hoà, và năm tiếp theo, bỏ hẳn sách vở vì chiến sự, vì di chuyển, hết Đà Lạt lại Hongkong.
Cuối cùng, Nam Phương quyết định cho con vào học trường Roches. Tại sao lại học trường Roches? Đây là một trường đứng đắn, kỷ luật rất nghiêm khắc, được Nhà thờ Công giáo bảo trợ, mặc dầu tại Masslacq, gần Pau, đó chỉ là cơ sở tản cư thời chiến của trường chính ở Verneuil-sur-Avre. Chiến tranh kết thúc được bốn năm rồi nhưng số con em các gia đình ở lại vẫn đông nên trường vẫn tồn tại. Bà Nam Phương rất hiểu tính nết bướng bỉnh khó bảo của con trai đầu lòng nên bà hy vọng học trường nầy con bà sẽ trở nên thuần thục hơn.
Đầu tháng 1 năm 1948, Bảo Long theo một người cậu, em của Nam Phương, rời toà biệt thự ở Cannes, xuyên qua miền nam nước Pháp còn đầy dấu tích chiến tranh để đến Pau nhập học.
Cũng may là nhà trường có đầu óc thoáng, áp dụng những phương pháp giảng dạy hiện đại, theo hệ thống giáo dục Anh, nghĩa là cho phép học sinh phát huy tính chủ động tự quản trong cuộc sống tập thể ở ký túc xá dành cho con cái gia đình giàu có tại miền tây-nam nước Pháp. Phương pháp giảng dạy và giáo dục của nhà trường rất được tín nhiệm đến mức sau nầy có nhiều gia đình quyền quý Việt Nam gửi con đến theo học. Bảo Long hoà nhập được ngay với các bạn tuy cùng lớp nhưng nhỏ tuổi hơn mình. Điểm nổi bật cuối cùng của nhà trường là mặc dù trường nầy không thuộc giáo hội quản lý, nhưng trong ban triết học - sau nầy Bảo Long cũng theo ban nầy - có sáu học sinh thì bốn người khi ra trường trở thành tu sĩ.
Bảo Long cố gắng khép mình vào kỷ luật học đường, song tước vị hoàng tử kế nghiệp cũng cho cậu được hưởng một số đặc quyền: Mỗi buổi sáng cậu ta được tắm nước nóng trong khi các bạn cùng lớp phải tắm nước lạnh. Khẩu phần bữa tối cũng được ưu tiên: được chia nhiều thức ăn hơn, nhiều chocolatte hơn. Cậu ta còn đem chia bớt cho các bạn. Người ta giải thích lý do những biệt đãi ấy: Bảo Long là người từ xứ nhiệt đới đến, không quen khí hậu khá khắc nghiệt của vùng núi Pyrénées, không quen tắm nước lạnh, cần được ăn nhiều của ngọt hơn.
Được cái cậu ta thông minh, sáng dạ, nhanh chóng hoà nhập với tập thể, giỏi văn chương, ngôn ngữ, cả tử ngữ như tiếng Hy Lạp cổ. Ngược lại về toán và các khoa học tự nhiên thì kết quả bình thường, tuy nhiên nhiều lần đứng hàng đầu trong bảng tổng xếp hạng.
Logged

As long as you love me. We could be starving, we could be homeless, we could be broke.
As long as you love me. I'll be your platinum, I'll be your silver, I'll be your gold...
 
Trần Anh
Thành viên
*
Bài viết: 318



« Trả lời #124 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2012, 09:10:28 am »

Giống như ở Đà Lạt, quanh các đỉnh núi đồi ở vùng tây-nam nước Pháp đều ngợp bóng thông reo. Cảnh trí ở đây gần như vùng Alpes, hơi buồn, êm ả và thanh bình. Bảo Long cảm thấy cô độc. Nhớ nhà, nhớ các em đang sống ở Cannes với mẹ. Giống phần đông các thanh niên học sinh thời đó thường hay ưu thời mẫn thế như một căn bệnh thời đại, Bảo Long luôn luôn có cảm giác phiền muộn trong lòng. Các bạn thân trong lớp kể lại rằng tâm trí Bảo Long luôn bị ám ảnh xót xa mỗi khi nhớ lại những cảnh hoàng cung ở Huế ngùn ngụt cháy rụi trong khói lửa bom đạn.
Thời gian đầu các thầy cô giáo và bạn học lúng túng không biết xưng hô thế nào cho phải với tước vị cao quý của Bảo Long? Không lẽ mỗi lần lại xưng hô Hoàng tử Bảo Long, một cách trịnh trọng, e không hợp với khung cảnh học đường dưới chế độ cộng hoà đã gần hai trăm năm tuổi ở Pháp trong khi về danh nghĩa chế độ quân chủ nhà Nguyễn ở Việt Nam cũng đã cáo chung được gần bốn năm rồi. Nên chăng chỉ gọi là Nguyễn? Ở Việt Nam các vua thuộc triều đại cuối cùng cũng như có nhiều người dân thuộc dòng họ Nguyễn. Cuối cùng ông hiệu trưởng chọn tên... Philippe để đặt cho cậu ta. Philippe có nguồn gốc Hy Lạp "hyppos", có nghĩa là ngựa. Bảo Long vốn mê cưỡi ngựa. Được hỏi ý kiến, Bảo Long về hỏi lại mẹ, cuối cùng cả hai đều đồng ý, duy chỉ băn khoăn một nỗi là cái tên Philippe có vẻ công giáo quá. Không sao.
Bảo Long rất lơ mơ về đời sống tôn giáo. Sau nầy ông kể lại: tham dự các nghi lễ tôn giáo cũng tựa như đi xem hát. Một ý nghĩ hơi kỳ quặc nhưng không có gì ác ý.
Bảo Long vốn là con người có tính lạnh lùng, lặng lẽ, ít kết giao với bạn bè, không ưa lối xưng hô mày, tao, cậu, tớ như thường thấy trong bạn học với nhau trong trường. Bảo Long chỉ có ba người thật sự gọi là thân thiết(1). Anh thích thể thao, biết chơi nhiều môn. Đây cũng là đặc thù của nhà trường. Phần lớn các buổi chiều đều dành cho hoạt động thể thao. Sinh hoạt lớp có trưởng lớp điều khiển, được gọi là "đội trưởng" - Bảo Long được lòng bạn bè nên từ lớp đệ nhị bậc trung học anh được chỉ định làm trưởng lớp.
Ngày 4 tháng 3 năm 1950, xảy ra một sự kiện khiến tên tuổi Bảo Long được nêu lên trang đầu các báo. Tất cả các tờ báo ở Pháp đều đưa tin giật gân: thái tử Bảo Long bị đe doạ bắt cóc. Thế là mọi người Pháp đều biết hoàng tử kế nghiệp của Triều đình An Nam đang tị nạn chiến tranh ở Pháp. Thị trấn nhỏ bé Masslacq sôi sục không khí cảnh giới. Cảnh binh sục sạo khắp nơi kể cả những bụi rậm để tìm dấu vết kẻ tình nghi. Tin mật báo từ một bức điện tín nặc danh cho cảnh sát biết có một nhóm người Việt cực đoan âm mưu bắt cóc con trai của cựu Hoàng đế Bảo Đại. Tên chỉ điểm nói rõ ngày giờ sẽ tiến hành vụ bắt cóc, chỉ không chỉ đích danh tổ chức nào chủ mưu nhưng ai cũng biết trên chính trường Pháp thời đó chỉ có thể là "cộng sản", lực lượng đang tích cực ủng hộ "Việt Minh" chống lại cuộc chiến tranh tái chiếm Đông Dương. Tờ Aurore (Rạng đông) ra ngày 4 tháng 3 năm 1950 viết: "... Những phần tử thân Việt Minh âm mưu bắt cóc hoàng thái tử để làm con tin. Chúng đến từ Cannes trên một chiếc xe ôtô có biển đăng ký đã bị cảnh sát phát hiện...".
Một đội cảnh binh trang bị tiểu liên được cử đến trường Roches túc trực. Các cảnh binh thay phiên nhau bám sát Bảo Long, không rời một bước. Tan học, Bảo Long theo đơn vị bảo vệ đến ở một địa điểm bí mật, qua đêm ở đó, hôm sau lại được hộ tống đến trường.
Báo chí ra sức khai thác tin giật gân nầy. Ảnh của Bảo Long trương ở khắp nơi. Một thiếu niên mới 14 tuổi nhưng chững chạc, tóc chải mượt, cổ đeo cà vạt, mặc quần soóc ngắn, cặp mắt thông minh. Báo nào cũng nói đến đặc điểm rụt rè, trầm tĩnh. Một số tờ báo còn nói Bảo Long sùng đạo, làm cho cậu ta bực mình.
Logged

As long as you love me. We could be starving, we could be homeless, we could be broke.
As long as you love me. I'll be your platinum, I'll be your silver, I'll be your gold...
 
Trần Anh
Thành viên
*
Bài viết: 318



« Trả lời #125 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2012, 09:10:53 am »

Mấy ngày sau báo chí lại thay đổi giọng điệu. Một tờ báo cộng sản - tờ Le Soir (Buổi chiều) - khẳng định: tất cả chỉ là mưu toan đánh lạc hướng chú ý của quần chúng lao động đang đấu tranh đòi cải thiện đời sống xã hội. Tờ Le Soir còn điều tra và khẳng định Sở cảnh sát Cannes chẳng biết gì về chuyện nầy. Chẳng có ai chỉ điểm cũng không có sự đe doạ thật sự nào. Chỉ có người cộng sản là không tin có âm mưu bắt cóc. Các báo khác vẫn tiếp tục luận điệu của họ.
Hai ngày sau có một nhân chứng nói: một nông dân có tuổi xác nhận có những hiện tượng bất thường xung quanh trường học. Ông già kể rằng đã thấy hai người, một người cầm chiếc đèn tín hiệu màu đỏ, người kia cầm đèn tín hiệu màu xanh. Họ đã đánh tín hiệu trong đêm, trong lúc có tiếng động cơ của một chiếc xe đến gần. Tóm lại, đã xảy ra chuyện gì đó. Nhưng không khớp với thời điểm và khác với loại xe mà cảnh sát đã tiên đoán. Nhưng không ai nghi ngờ sự thật về một âm mưu bắt cóc. Được con trai hỏi ý kiến, Bảo Đại nói đến giả thuyết phổ biến nhất, về một mưu toan có sự dính líu của đảng Cộng sản Pháp. Cuộc bắt cóc sẽ gây áp lực buộc cựu hoàng phải rút lui khỏi sân khấu chính trị. Còn ngày nay, khi kể lại chuyện cũ Bảo Long vẫn cho rằng đây đơn giản chỉ là một vụ việc dân sự thông thường của bọn lưu manh nhằm đòi một món tiền chuộc.
Sự việc không có nhưng cũng có những hậu quả nặng nề về sau. Bảo Long đã trải qua một thời niên thiếu đầy biến động, thường là cô đơn, trừ một giai đoạn ngắn được mọi người kính nể khi cha anh, ông Vĩnh Thuỵ, với tư cách cố vấn tối cao trong chính phủ, sống ở Hà Nội, hàng ngày tham dự cuộc họp với các ông bộ trưởng trong chính phủ hoặc tháp tùng Cụ Hồ trong các buổi tiếp tân. Thời kỳ học trường Roches là bước đầu của một thời thơ ấu "bình thường" với các bạn học, tham dự các trò chơi trên sân trường hay trên sân vận động và cũng như chúng bạn anh bắt đầu có cuộc sống ít nhiều thoát khỏi những mưu toan chính trị tối tăm hoặc liên quan đến cuộc sống cung cấm. Vậy mà, một âm mưu bắt cóc, dù không xảy ra hay chỉ là bịa đặt, lại ném anh trở về với những quy chế kỳ quặc của con trai nối nghiệp một vị Hoàng đế có tương lai không chắc chắn.
Một chiếc xe có ôtô cảnh sát hộ tống đưa Bảo Long đi khỏi Masslacq một cách tuyệt mật. Anh được đưa đến chủng viện dòng Benoit ở Madiran thuộc Pyrénées- Hạ. Một lần nữa, lại phải sống với các thầy tu. Phản xạ của bà Nam Phương lần nầy chẳng khác gì thời ở Huế dưới bom đạn mấy năm trước. Con trai bà không tìm đâu được sự an toàn bằng giữa những nhà tu hành.
Lần nầy không kỳ cục bằng trường dòng chúa Cứu thế ở Huế năm nào. Ở vùng Pyrénées-Hạ, dĩ nhiên là không có chiến tranh, cuộc sống ở đây ít sôi động hơn, quá yên tĩnh là khác. Bảo Long buộc phải ở một mình như đi trốn. Rất ít người biết nơi ở của anh. Một cảnh binh luôn luôn đi theo để bảo vệ. Suốt ngày đêm, anh không ra khỏi phòng. Một căn buồng kín đáo chung quanh trang trí toàn màu đỏ của chính Đức giám mục nhường cho anh, ăn thông với buồng bên cạnh lúc nào cũng có mặt viên cảnh binh, súng tiểu liên trong tay, luôn ở tư thế sẵn sàng.
Anh ở đấy hai tháng, cách biệt với thế giới bên ngoài, hầu như không liên hệ gì với người xunh quanh. Ngồi trong buồng nhìn ra, thấy các tu sĩ trẻ đang chơi bóng pơ-lốt rất muốn chạy ra nhập bọn cũng không được. Anh viết hàng chục lá thư cho bố, cho mẹ van xin được trở về cuộc sống bình thường như mọi người nhưng không ai trả lời. Hàng ngày anh chơi cờ "đam" (cờ vua) hoặc nghịch ngợm tập tháo ra, lắp vào khẩu súng tiểu liên của người cảnh binh. Anh đọc sách, tất nhiên chỉ là những sách sùng đạo, chán ngắt. Một hôm, một chàng thanh niên mới đi tu lén đưa anh đọc mấy tập thơ tình của Claudel. Đây là sách hầu như bị cấm trong tu viện. Quả thật là liều?
Logged

As long as you love me. We could be starving, we could be homeless, we could be broke.
As long as you love me. I'll be your platinum, I'll be your silver, I'll be your gold...
 
Trần Anh
Thành viên
*
Bài viết: 318



« Trả lời #126 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2012, 09:11:21 am »

Sau hai tháng, thời gian câu lưu kết thúc, anh được đưa về Masslacq, tìm về trường cũ, cũng vẫn là cơ sở của trường Roches, nhưng ở Normandie, miền bắc nước Pháp.
Cuộc sống đầy biến động như thế nhưng kết quả học tập vẫn xuất sắc. Mười bảy tuổi, đỗ tú tài triết học, nhưng vẫn luôn luôn có cảnh binh đi kèm.
Nếu không kể sự có mặt của người bảo vệ nầy, Bảo Long sống như cô độc. Không bạn bè, ít giải trí, chỉ có sách. Trái ngược hẳn với cha, anh ít giao thiệp với phụ nữ. Vả lại, luôn luôn có thanh tra cảnh sát bên cạnh, chàng trai mới lớn nầy muốn mơ tưởng những chuyện diễm tình cũng khó trở thành hiện thực. Tính tình anh trở nên quá điềm tĩnh, quá lặng lẽ, và quá nghiêm trang so với tuổi. Anh phải cố chịu đựng những biện pháp che chở thái quá của cha mẹ từ bé, nhưng tuồng như không ham vui chơi đàn đúm. Anh trở nên ý tứ, dè dặt, kiên nhẫn, lạnh lùng... Lắm lúc về Cannes, anh bực bội vì không thể tham gia vào cuộc sống vui vẻ, ăn chơi của bố.
Sau nầy Bảo Long kể lại: "Tôi phải sống ngăn cách với thế giới xung quanh, có cảnh binh bảo vệ, mặc dù ở Cannes là cả một thế giới ăn chơi, có ôtô sang trọng, có máy bay riêng, có gia nhân đầy tớ. Tóm lại tôi không biểu sao người ta lại bắt tôi sống trong ký túc xá trường trung học Roches, kỷ luật khắt khe, thiếu thốn mọi thứ. Sau nầy tôi mới hiểu, chính mẹ tôi muốn tránh cho tôi khỏi bị nuông chiều quá, tránh cuộc sống phóng đãng như cha tôi, một lối sống đã gây cho bà nhiều đau khổ".
Dù sao, anh cũng được bố tặng một chiếc ôtô làm quà sinh nhật tuy còn thiếu nửa năm nữa mới đến tuổi cầm tay lái. Trên chiếc thuyền y-át cha anh mới mua, neo ở Monte-Carlo, ở đó một thanh tra cảnh sát đã chuẩn bị sẵn chờ anh đến là trao anh giấy phép đặc cách, dành cho con trai Hoàng đế An Nam do nước cộng hoà Pháp bảo trợ. Dẫu vậy, anh vẫn phải qua một cuộc sát hạch. Người thanh tra cảnh sát cho anh lên xe công vụ chạy đến đầu cảng và chỉ đặt ra một câu hỏi duy nhất: "Khi hai chiếc xe chạy cùng chiều trên đường, đến một giao điểm thì chiếc xe nào được ưu tiên?" Bảo Long trả lời luôn: "chiếc đi bên phải!". Thế là xong.
Khỏi cần thử tay lái và những câu hỏi khác. Bảo Long đã có giấy phép lái xe làm sẵn, được cảnh sát trao tận tay, dưới thuyền y-át.
Đó là một chiếc xe đẹp và dài. Một chiếc xe kiểu Anh, nổi tiếng thanh lịch với công suất động cơ mang nhãn hiệu Jaguar XK 120. Tại sao lại 120? Vì đó là chiếc xe đầu tiên của xê-ri có thể vượt quá vận tốc tối đa một trăm hai mươi dặm/giờ (tức hai trăm cây số/giờ). Đó là ước mơ của Bảo Long. Không may là viên sĩ quan hầu cận được giao nhiệm vụ đi mua xe lại nhầm.
Chiếc xe đang nằm ở cửa bến to lớn, oai vệ, sang trọng nhưng chẳng phải là xe thể thao. Đúng là mác Jaguar nhưng là Mark VII. Nặng ba tấn, da và gỗ đánh vecni vô ích. Bảo Long tức giận đòi phải mang đổi ngay.
Logged

As long as you love me. We could be starving, we could be homeless, we could be broke.
As long as you love me. I'll be your platinum, I'll be your silver, I'll be your gold...
 
Trần Anh
Thành viên
*
Bài viết: 318



« Trả lời #127 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2012, 09:12:13 am »

Chiếc XK 120 được đưa ngay đến, anh mở cửa xe, ngồi ngay sau tay lái quá rộng với khổ người, anh lái một chiếc xe nhỏ hơn là vừa. Anh nổ máy cho xe chạy. Vừa ra khỏi cảng, xe đã đâm vào sườn một chiếc xe đi ngược chiều. May là không thiệt hại lớn. Anh đã biết lái đâu, chưa qua một lớp học lái, chỉ trông vào thực hành.
Trong hai năm anh gây ra mười hai vụ tai nạn. May là không nghiêm trọng cho cả hai bên. Nhờ có xe, mỗi kỳ nghỉ anh đi về đều đặn từ Normandie về Cannes. Gia đình chưa có nhà ở Paris. Mỗi lần cầm tay lái chiếc xe tốc độ cao, anh phải cố kiềm chế để xe đi với vận tốc trung bình. Đám cảnh sát hò hét hết hơi để chạy theo nhiều khi phải mượn chiếc xe 203 của cha anh mới đuổi kịp. Sau vụ âm mưu bắt cóc, tuy không xảy ra, cảnh sát vẫn giám sát chặt chẽ hành trạng của Bảo Long.
Một hôm, trên quãng đường gần Aix-en-Provence, xe bị hỏng khi vượt qua một chỗ ngoặt. Như mọi lần anh bỏ xa xe cảnh sát hộ tống đến vài tiếng đồng hồ. Khi anh đang lúi húi chữa xe để đi tiếp, thì chiếc xe cảnh sát bám theo, trên xe có hai người cứ vun vút chạy miết về phía trước nên không nhận ra chiếc xe Jaguar đang hỏng máy nằm bên lề đường. Vì thế, khi cảnh sát đến Cannes trước thì được nhân viên của lâu đài Thorenc cho biết thái tử vẫn chưa về đến nơi. Thế là họ phải lái xe 100 km quay trở lại mới gặp Bảo Long đang rong ruổi trên đường về như không có chuyện gì quan trọng xảy ra.
Thường chỉ có một nhân viên được phân công luôn luôn kèm sát thái tử để bảo vệ. Đó là thanh tra Tổng nha tình báo Chabrier. Ông ngủ luôn ở phòng liền kề, thông với phòng ngủ của Bảo Long, có thể nhanh chóng can thiệp khi có chuyện. Hàng ngày ông theo Bảo Long đến trường, chiếm một chỗ ngồi cuối lớp nhưng không phải để nghe giảng bài mà chỉ chăm chăm theo dõi nhất cử nhất động của thái tử. Ban đầu, các bạn học ngạc nhiên thấy hôm nào cũng có một người lớn tuổi có mặt trong lớp nhưng cũng quen dần. Mỗi khi Bảo Long ra ngoài, dù trên máy bay hay xe lửa, Chabrier luôn luôn đi bên cạnh. Những hôm Bảo Long lái xe đi chơi xa, người ta thấy ông ghì chặt tay lái chiếc xe 203 bám theo xe của Bảo Long. Nhưng khi anh về nghỉ với gia đình ở Paris, Cannes hay Valberg, thì lập tức đã có cảnh sát địa phương thay thế.
Thanh tra Chabner đã từng làm phận sự theo Bảo Long ở miền nam, vùng núi Pyrénées, nay phải theo Bảo Long lên Normandie, ở miền bắc Pháp. Trong ngày nghỉ cuối tuần, ông thường tranh thủ đưa gia đình lên chỗ làm phận sự. Trong chiếc xe 203 của Bảo Đại, người ta thấy gia đình Chabrier ngồi bên cạnh thái tử đi thăm các khu rừng trong vùng. Vốn ham săn bắn, nhiều lần ông Chabrier rủ cả Bảo Long cùng đi săn với đám bạn bè mới làm quen được từ khi đến đây làm nhiệm vụ.
Tháng 8, tháng nghỉ hè, Bảo Long về nghỉ với gia đình ở Cannes, Chabrier cũng phải theo về. Làm công tác bảo vệ như ông thì làm gì có nghỉ hè. Cả Bảo Long cũng vậy, suốt từ khi học lớp đệ ngũ đến khi học hết đệ nhất trung học rồi đỗ tú tài triết học, cũng không có nghỉ hè. Trong năm năm qua, Bảo Long học vượt cấp, bỏ qua năm đệ tam. Sau đó lại có một đội bảo vệ khác đến thay thế cho đến khi học hết bậc trung học. Đội nầy thường dùng một chiếc ôtô tốc độ cao, đôi khi phải mượn chiếc Talbot trong số các xe của cựu hoàng để làm nhiệm vụ hộ tống. Bảo Đại cũng hay lái một chiếc Ferrari vun vút đi trước, xe cảnh sát lao theo. Những con đường từ Cannes đi ngược lên tuy nhỏ hẹp nhưng ít xe qua lại, cả xe cảnh sát đi hộ tống lẫn xe của cha con cựu hoàng đều chạy với tốc độ cao, chẳng khác nào một cuộc đua ôtô, các nhân viên Tổng nha tình báo chẳng mấy chốc cũng trở thành những tay lái xe đua cừ khôi.
Bảo Long, tính tình vẫn trầm lặng, kín đáo nhưng xem ra lại rất thích thú với cuộc sống ở Cannes. Nhất là những lúc có mặt cha anh. Anh cũng ham thích bơi thuyền và lái ôtô thể thao như cha. Mỗi khi Bảo Long ra bờ biển đổi gió, bao giờ cũng đi hai xe ôtô, xe của anh và xe của cảnh sát, còn thêm chị hầu phòng trẻ tuổi và bà quản gia. Từ xa, mọi người đã nhận ra, đám đông xì xào khi đoàn xe đi qua. Xe đi rồi có người còn ngoái cổ lại để xem hoàng tử, công chúa nào mà tuỳ tùng đông thế... Chàng thanh niên Bảo Long ưa chuộng thể thao còn khám phá những niềm vui mới như chơi lướt ván, mặc dù mới làm quen cũng đã lướt rất cừ. Nhưng cũng là những môn thể thao cá nhân chứ không phải chơi theo đội hình có đấu pháp hợp đồng, luật chơi chặt chẽ như bóng đá, bóng rổ hay bóng chuyền.
Logged

As long as you love me. We could be starving, we could be homeless, we could be broke.
As long as you love me. I'll be your platinum, I'll be your silver, I'll be your gold...
 
Trần Anh
Thành viên
*
Bài viết: 318



« Trả lời #128 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2012, 09:12:55 am »

Những ngày sống ở La Riviera vui thú nhường vậy! Trên chiến trường Đông Dương xa xôi, cuộc xung đột đẫm máu diễn ra hàng ngày, hàng ngàn người mỗi bên tham chiến theo nhau bỏ mạng, nhưng hầu như chẳng mảy may ảnh hưởng đến cuộc sống vô cùng xa hoa của gia đình cựu hoàng. Bảo Long tính từng ngày phải trở lại trường học.
Một lần Bảo Đại đến thăm con tại ký túc xá vào đúng giữa quý. Như thế là một năm bốn lần, vào ngày chủ nhật, trong lúc phần lớn các bạn học cuối tuần về gia đình, còn Bảo Long ngồi một mình trong toà nhà rộng lớn chờ bố đến. Cựu hoàng một mình tự lái xe đến.
Đó là một chiếc Ferrari hay Bentley giản dị, mà không phải là những chiếc Rolls sang trọng của giới thượng lưu ăn chơi. Ông cựu hoàng bao giờ cũng đường bệ, bảnh bao, chuẩn bị đồ nghề mọi thứ để leo núi hay câu cá dưới chân các thác nước Pyrénées. Chàng thanh niên không biết rằng trong lúc đang đi chơi cùng với bố ở các vùng thôn dã như thế thì tên tuổi anh càng được các báo nói đến như để chuẩn bị thay thế vua cha nắm quyền bính. Tuy nhiên, khi gặp nhau, hai cha con không ai nhắc đến chuyện tương lai.
Đỗ tú tài xong, Bảo Long ghi tên học dự thính cả hai trường một lúc: trường Hành chính và trường Luật.
Anh vẫn đam mê ôtô như trước. Lần nầy anh lái chiếc Alfa Romeo hay chiếc Siatia, một chiếc ôtô mui trần hai chỗ ngồi lắp động cơ Fiat. Anh thường lái xe đi xuyên ngang Paris luôn luôn có chiếc xe cảnh sát hộ tống. Lúc nào cũng có hai cảnh sát hộ vệ, một người kiêm lái xe được phân công ở lại bên ngoài trông xe còn người kia theo chân Bảo Long vào giảng đường, chiếm một chỗ ngồi bên cạnh, cũng giả bộ chăm chú nghe các bài giảng về lịch sử, về kinh tế mà chắc là chẳng hiểu gì hết. Còn các giáo sư chỉ cắm đầu giảng cũng chẳng ai buồn biết đến danh tính của chàng thanh niên châu Á hay vắng mặt trong các buổi thực hành, coi thường môn luật học. Cũng không một ai chú ý đến sự có mặt của người cảnh sát mặc thường phục lúc nào cũng lẵng nhẵng bám theo anh.
Bảo Long nghe chừng thông cảm với những người đi theo anh làm nhiệm vụ bảo vệ. Anh gần gũi và tỏ thái độ thân tình với họ. Có hôm anh bỏ chiếc xe Alfa hay chiếc xe khác của mình để leo lên chiếc Citroen cổ lỗ dẫn động bánh trước của cảnh sát cùng về căn nhà rộng sáu trăm mét vuông mà bà Nam Phương vừa mới tậu ở Neuilly. Các buổi tối, mỗi lần Bảo Long ra ngoài hay đi xem phim ngoài rạp cũng vẫn có một cảnh sát kín đáo theo anh vào phòng chiếu ngồi cách xa vài mét.
Những chuyện đi theo như vậy quá bình thường đến mức trong gia đình chẳng ai buồn để ý đến những hình bóng quen thuộc và cũng chẳng ai nhớ đến tên tuổi tính tình của các chàng cảnh sát mẫn cán đó.
Thế rồi đột nhiên người ta thấy chàng hoàng tử muốn từ bỏ cuộc sống được chiều chuộng quá mức, có nhiều xe ôtô sang trọng, kể cả các thanh tra Tổng nha tình báo chăm chú bảo vệ mình để xin đứng vào hàng ngũ chiến đấu. Hình như anh cảm thấy bứt rứt trong lòng khi thấy mình vắng mặt trong đội quân quốc gia mới thành lập theo hiệp định mà cha anh mới ký kết với tổng thống Pháp Auriol, trong lúc hàng ngàn thanh niên trạc tuổi anh đang tham dự cuộc chiến. Anh cho cha anh biết ý định từ bỏ vai trò kế vị ngôi báu mà người ta giao cho anh từ khi chào đời và muốn trở về nước, theo học trường võ bị Đà Lạt mới thành lập để trở thành sĩ quan quân đội quốc gia trẻ tuổi.
Bất ngờ trước ý định của con trai, cựu hoàng Bảo Đại ban đầu chối từ, chắc hẳn ông không muốn con trai ông làm vật hy sinh. Thấy Bảo Long tha thiết theo đuổi binh nghiệp hơn là làm chính trị, ông chiều ý con nhưng cho con vào học trường võ bị Saint-Cyr, có tiếng hơn, và... an toàn hơn. Tốt nghiệp xong trường nầy chưa chắc Bảo Long đã phải ra trận ở Đông Dương.
Trong thâm tâm ông chẳng tin gì trường võ bị Đà Lạt, chẳng tin gì cuộc chiến tranh ông đang theo đuổi và cũng chẳng tin gì giải pháp mang tên ông. Ngoài ra ông thường nói: "Làm gì có giải pháp Bảo Đại mà chỉ có một giải pháp của người Pháp mà thôi!"
Trong lòng bực bội nhưng Bảo Long tuân lệnh cha, không trở lại Việt Nam.

Chú thích:
(1) Francois du Haut de Bérenc, hoạ sĩ trang trí ở Bangkok, Phoenix và Kim d Estainville, chết ở Algérie.
Logged

As long as you love me. We could be starving, we could be homeless, we could be broke.
As long as you love me. I'll be your platinum, I'll be your silver, I'll be your gold...
 
Trần Anh
Thành viên
*
Bài viết: 318



« Trả lời #129 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2012, 09:15:05 am »

Chương 26


  Sau hiệp định ký với Auriol, Bảo Đại chuẩn bị rời Cannes để trở về nước. Lại một lần nữa, Việt Nam chuẩn bị đón cựu hoàng Bảo Đại hồi loan. Giống như năm 1932, người Pháp phải nghĩ cách làm sao cho lần trở về nầy thật rầm rộ có đông đảo dân chúng đón tiếp với đủ cờ quạt kèn trống... Có khác tình hình năm 1932 là lần nầy đối thủ của ông mạnh mẽ hơn nhiều. Đó là cuộc kháng chiến của cả một dân tộc đi theo ngọn cờ cứu nước của Việt Minh.
Tại Sài Gòn, khi mặt trời lên cao quang canh đường Catinat mới thức giấc bắt đầu cuộc sống nhộn nhịp thường lệ. Các sân thượng còn vắng khách. Phần lớn ghế ngồi đêm trước còn ngổn ngang trên mặt đường, giờ nầy còn chất đống trong các tiệm cà phê có nhiều lớp rào thép bao quanh. Xa xa, trên sân thượng khách sạn Continental, mấy anh nhà báo đang dùng bữa điểm tâm. Còn ở đây ngay trên đường nhựa, đám ăn mày đang mơ màng ngủ gà ngủ gật.
Thoạt đầu một tờ truyền đơn từ trên cao rơi xuống bên cạnh một người ăn mày. Rồi nhiều tờ khác bay là là rơi xuống ban công các nhà hai bên đường phố.
Nhiều tờ khác màu xám như những con chim hay lá cây lướt nhẹ rơi xuống các góc phố ở trung tâm. Những người đi đường nhặt lên, bắt đầu đọc, và vứt vội đi như không muốn đọc hết.
Cách tán phát truyền đơn của Việt Minh khá tài tình. Truyền đơn được nhúng ướt rồi đặt trên nóc nhà hay mui xe ôtô vào ban đêm. Sáng ra, chúng được những tia nắng ban mai sấy khô từng tờ một, gió thổi bay khắp nơi theo từng đợt. Rải rác trong ngày, khắp thủ phủ của Nam Bộ người ta nhận được lời lên án sau đây của kháng chiến:
"Hỏi rằng: ai đã long trọng thề trước dân chúng: "Thà làm công dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ".
- Đó chính là Bảo Đại!
Ai đã nhận nhiệm vụ làm cố vấn tối cao cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà rồi trôn ra nước ngoài, ăn chơi trác táng?
- Đó chính là Bảo Đại!
Ai đã xin tiền của Pháp, Mỹ để sống xa hoa, đàng điếm và đế trả ơn quan thầy, đã quỳ gối ký các hiệp định Vịnh Hạ Long và hiệp ước Auriol?
- Đó chính là Bảo Đại!
Nối nghiệp bán nước của cha ông trong dòng họ, một tên vua chỉ biết sông truỵ lạc trong bùn nhơ, nay lại nhận tiền của kẻ thù, làm tay sai cho chúng, tàn sát đồng bào, còn tự xưng là cứu tinh của Tổ quốc.
Tên vua đó phải bị toàn dân Việt Nam nghiêm trị!
Đả đảo tên phản bội Bảo Đại!
Đả đảo Bảo Đại bán nước!
Đả đảo Bảo Đại mất gốc!
Đả đảo Bảo Đại rước voi về dày mả tổ!
Logged

As long as you love me. We could be starving, we could be homeless, we could be broke.
As long as you love me. I'll be your platinum, I'll be your silver, I'll be your gold...
 
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM