Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:13:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Địa danh lịch sử tỉnh Cao Bằng- thời kỳ phong kiến  (Đọc 13844 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2008, 03:52:31 pm »

Nghiêu Lĩnh Sơn- Căn cứ địa kháng chiến chống giặc Minh của nhân dân Cao Bằng thế kỷ XV

Nhà Trần suy vong. Hồ Quý Ly cướp ngôi vua, lập ra nhà Hồ. Quý Ly có nhiều chính sách cải cách đất nước không hợp với lòng dân. Lòng dân đã ly tán, nay ly tán thêm. Phong kiến phương Bắc, nhà Minh lợi dụng điều đó cướp nước ta. Chúng đặt ách đô hộ tàn bạo. Chúng tiến chiếm Cao Bằng, đến đâu cướp phá tàn bạo, giết người, cướp của; nhân dân cả nước phẫn nộ, nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.

Ở Cao Bằng có 2 hào trưởng đó là Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái kết bạn từ lâu - đứng ra tụ tập dân chúng trong miền đánh giặc. Nông Đắc Thái giỏi việc cung nỏ, có đội quân hàng trăm người, bắn trăm phát trăm trúng. Bế Khắc Thiệu giỏi việc quân, được tôn làm chủ tướng, bàn và chọn dãy núi Nghiêu Sơn Lĩnh làm nơi đóng quân, luyện quân đánh giặc; chọn vùng Phúc Tăng - Kỳ Chỉ làm hậu phương sản xuất lương thực nuôi quân và là nơi dấu quân. Hàng nghìn trai tráng theo cờ khởi nghĩa đánh giặc.

Nghiêu Sơn Linh thuở đó cây cối âm u rậm rạp, là một dải núi nằm bên bờ hữu ngạn sông Bằng Giang. Có 2 ngọn núi cao là Khau Thước ở phía đông, Khau Khiêu ở phía tây. Chen giữa 2 ngọn núi là những khe sâu, có dải đồi trải rộng đến thành Nà Lữ, địa thế rất hiểm trở. Bế Khắc Thiệu cho san ngọn núi Khau Thước - mặt núi trở nên bằng phẳng có chiều dài gần 500 m, chiều rộng gần 100 m để dựng nhà kiên cố làm nơi trú quân, luyện quân. Ngày nay còn di tích, có 2 đường lũy chính chạy dài hai phía quanh núi, chân thành rộng 15 m, thành cao 5 m. Ngọn Khau Khiêu cao ngất làm tiền tiêu quan sát giặc thù. Lại cho dân chúng và nghĩa binh khai phá đất đai vùng Phúc Tăng, Kỳ Chỉ thành ruộng rẫy cấy lúa, trồng ngô, lấy lương thực nuôi quân, dân.

Bế Khắc Thiệu nhiều lần đem quân vây thành Nà Lữ. Quân Minh nao núng, trốn hết về đóng ở Mộc Mã (thị xã Cao Bằng ngày nay). Nhiều lần, quân Minh đến vây thành Khau Thước, bị đội quân cung nỏ của Nông Đắc Thái bắn diệt nên chúng rất sợ hãi. Quân giặc thiếu lương ăn đã cướp thóc lúa, trâu bò, lợn của dân chúng. Nghĩa binh, dân chúng hợp lực đánh chặn lại. Chúng bỏ chạy, Bế Khắc Thiệu cho lập các ''dẻ'' như làng chiến đấu làm nơi giấu lương thực, trâu bò, tránh ẩn cho phụ nữ, người già, trẻ em, có dân quân bảo vệ phòng khi kẻ thù kéo đến cướp phá.

Giặc Minh lại cho tăng quân đến một vệ (50.000 người) đóng khắp nơi, trở lại chiếm thành Nà Lữ. Quân giặc càng đông, càng thiếu lương thực. Chúng khốn đốn, xin đến đàm phán với Bế Khắc Thiệu nhưng bị từ chối. Một đêm cuối thu năm Bính Ngọ (1426), tướng giặc Trình Dương đem đại quân, có kẻ gian dẫn đường, từ thành Nà Lữ, vượt qua Kẻ Chẵng, Roỏng Nguổc men theo chân núi phía tây của ngọn núi Khau Khiêu, tiến vào thung lũng Nà Khuổi, có ý định đánh tập hậu vào doanh trại nghĩa quân ở Khau Thước. Nghĩa quân phát hiện, báo cáo lên chủ tướng, Bế Khắc Thiệu cho quân mai phục dầy đặc hai ven núi thung lũng Nà Khuổi. Khi quân địch lọt vào trận địa, Bế Khắc Thiệu phát lệnh tấn công, quân thù không kịp trở tay chết như rạ, kêu la thất thanh, tiếng khóc vang động cả khe thung lũng Nà Khuổi. Tướng Trình Dương rất sợ tay cung nỏ của Nông Đắc Thái, mặc áo giáp, đeo mặt na chỉ còn hở ra 2 con mắt, lọt vào trận địa, Nông Đắc Thái phát hiện, bật dây cung, một mũi tên xuyên thẳng vào mắt phải của Trình Dương, quân Minh dìu Trình Dương ra khỏi trận địa... Trời sáng, nghĩa quân thu dọn chiến trường, mới biết kẻ thù bị giết đến 4.000 tên. Xác giặc ngổn ngang, máu giặc chảy đỏ cả dòng suối Nà Khuổi. Nghĩa quân truy giặc đến thành Nà Lữ... Thành đã bỏ ngỏ, quân giặc đã trốn hết. Nhiều tin túc đưa về, quân địch đã trốn hết về nước. Cuối mùa thu năm 1426, Cao Bằng đã sạch bóng quân thù, hoàn toàn giải phóng.

Bế Khắc Thiệu xưng làm Châu Mục cai quản miền đất Cao Bằng; Nông Đắc Thái được coi việc quân. Nhớ công lao của Bế Khắc Thiệu, dân chúng đổi tên Khau Thước thành tên Khau Khắc Thiệu. Nay ngọn núi này trong dải núi Nghiêu Sơn Linh nằm sừng sưng giữa lòng máng sông Bằng Giang. Là giao điểm của ba xã: Hồng Việt, Hoàng Tung, Bế Triều. Nghiêu Sơn Linh là một thắng cảnh, một di tích lịch sử đáng ghi nhớ./.

( Báo Cao Bằng)
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Bảy, 2008, 10:03:27 am gửi bởi satthat » Logged
caytrevietnam
Trung tá
*
Bài viết: 471


Trồng sen trong biển lửa


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2008, 07:37:57 pm »

Về 2 nhân vật này, sách sử và dã sử có những nhận định và thông tin khác nhau. Các giai thoại dân gian và dã sử chủ yếu là ở địa phương thêu dệt những huyền kỳ có liên quan, ví như Nông Đắc Thái được thần cho nỏ đồng và tênv.v.v.

Ban đầu 2 ông từng tham gia hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chống giặc Minh xâm lược, được phong tước. Nhưng ko rõ về sau vì nguyên nhân gì mà bị nhà Lê diệt, theo sách ĐVSKTT thì do 2 ông tranh quyền, đánh nhau nên vua Lê Thái Tổ phải đích thân đi đánh dẹp. Kết cục của họ cũng ko rõ ràng, ĐVSKTT cho biết vua Lê bắt được 2 ông đưa về kinh, theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì Nông Đắc Thái bị bắt, Bế Khắc Thiệu chạy được nhưng sau ốm chết...
Logged

SỐNG VỮNG CHÃI 4000 NĂM SỪNG SỮNG
LƯNG ĐEO GƯƠM TAY MỀM MẠI BÚT HOA
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #2 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2008, 10:06:35 am »

Thành Mục Mã thời xưa
Nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, trải qua 3 đời vua: Mạc Kính Cung (1593-1625), Mạc Kính Khoan (1625-1638), Mạc Kính Vũ (1638-1677), đến năm Vĩnh Trị đời vua Lê Hy Tông (1677) nhà Mạc bị nhà Lê đánh bại. Lên Cao Bằng, nhà Mạc lo tu sửa thành Nà Lữ để đóng đô ở vương phủ Cao Bằng, đồng thời lập các đồn ngoại vi là Đại đồn Mục Mã, Đại đồn Khai Cút, Đại đồn Háng Quang (Hoà mục Sôi Hồng) để chặn đường quân Lê Trịnh từ Lạng Sơn lên, từ Nà Rị, Bạch Thông, từ Bảo Lạc đánh xuống.

           
Thành Mục Mã nằm trên địa phận xã Gia Cung (nay là pháp đài thị xã Cao Bằng) có núi đất cao liền với Mục Mã, là thế đất rất hiểm yếu, thành đắp bằng đất, bên ngoài có hàng rào bằng gỗ kết lại. Đến cuối năm Đinh Mão, sau khi dẹp xong nhà Mạc, triều đình thấy binh sỹ ở đất Cao Bình quá đông, mất vệ sinh, sinh ra dịch bệnh nên đã giao cho tướng Hoàng Triều Hoa dời trấn lỵ từ Cao Bình về Mục Mã là nơi chăn ngựa của nhà Mạc, nơi có 3 sông vây bọc, 4 núi chầu quanh. Tam giang, tứ trụ là đất vượng khí hun đúc nên. Tướng Hoàng Triều Ninh giữ chức thống lĩnh quân cơ từ thành Nà Lữ chuyển về thành Mục Mã giao cho Quỳ Quận Công đốc xuất một vạn quân xây lại thành. Cổng thành là một thành đất liên hoàn với phố Lương Mã và dựng một văn miếu ở đấy. Đến năm Tân Dậu niên hiệu Cảnh Hưng thời Tây Sơn, trấn thủ là Hội Vũ Hầu dựng thêm một đồn trước thành. Đến năm Quý Hợi niên hiệu Gia Long thứ hai (1804), trấn thủ là Tiến Ngọc Hầu lệnh cho xây thành cao lên tam cấp. Đốc chấn Nguyên Duy Nhị thời Lê Cảnh Hưng đặt là phố Đông Tân, đầu năm Giáp Thìn thời Tây Sơn, trấn thủ Hào Quang Hầu mới gọi là phố Lương Mã (phố cũ). Sách Khâm Định Đại Nam hội diễn sử lê và sách Đại Nam nhất thống trí nói về sửa sang thành Mục Mã chu vi 180 trượng (720m) cao 8 thước năm tấc (3,4m), hào rộng 2 trượng (8m) sâu 7 thước (2,8m), mặt trước xây gạch, mặt phải, mặt trái, mặt sau đắp đất, có 3 cổng, một kỳ đài đắp, năm Minh Mạng thứ 5 (1824) trong thành còn xây 3 kho thóc, vào năm Thiên Trị thứ 3 (1843), xây thêm kho thuốc súng, vào năm Thiên Trị thứ 6 (1846) xây kho binh khí, kho đạn.


Từ thời Lê Mạc phân tranh, phân quyền cát cứ, thời Tây Sơn, thời Nguyễn, thành Mục Mã luôn luôn biến loạn. Đời vua Minh Mạng giặc dã nổi lên cướp phá thành. Có một trận được ghi vào sử sách, có thơ, ký, câu đối, văn tế… còn lưu lại trong cuốn “Cao Bằng ký lược” của tác giả Cao Phiên Phạm An Phủ soạn.

           
Thời vua Minh Mạng, nbày mùng 2 tháng 7 năm Quý Tỵ (1833) tri châu Bảo Lạc Nông Văn Nân khởi nghĩa ở Vân Trung chống lại triều đình hà khắc. Quân Nông Văn Nân đánh chiếm Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Ngày 02/10/1833, tướng của Nông Văn Vân là Nguyễn Hữu Giám, Nguyễn Hữu Cận, Nguyễn Hữu Mão, Quang Ngọc đánh chiếm thành Mục Mã. Thành bị vây 1 tháng, hết lương thực, thuôc súng, viện binh bị chặn đánh không ứng cứu được; 3 quan đầu tỉnh là Bố tránh Bùi Tăng Huy, An sát Phạm Bá Trạc, Lãnh binh Phạm Văn Lưu bàn với nhau cùng đều tự vẫn để tỏ lòng chung với vua Phạm Bá Trạc tự chôn sống mình, Bùi Tăng Huy và Phạm Văn Lưu thắt cổ tự tử ngay trong thành Mục Mã. Vua Minh Mạng cho lập đền thờ gọi là đền Tam Trung (phường Sông Bằng). Có nhiều câu đối thơ, trong đó có câu:

                        Tuyệt bút một chương trung lẫn hiếu

                        Hy sinh ba vị chết vẫn còn.

( báo Cao Bằng)
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #3 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2008, 10:07:45 am »

Thành Nà Lữ và Thành Phục Hoà xây dựng từ bao giờ?
Thành Nà Lữ đang được ngành văn hoá – thông tin khảo sát, tìm hiểu để đề nghị Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử của Quốc gia.

Hiện nay, ta thường gọi thành Nà Lữ là thành nhà Mạc và đền vua Lê. Thực ra nhà Mạc khi chạy lên Cao Bằng (1594-1677), trong 83 năm, ba đời vua Mạc đóng đô ở Cao Bình đã cho tu sửa, xây thành cao lên, có cổng thành kiên cố để phòng thủ, đề phòng triều đình vua Lê – chúa Trịnh lên thôn tính. Vì thành này là thành cũ; thời nhà Lê khi Lê Thái Tổ, niên hiệu Thuận Thiên năm thứ ba (1431) thân chinh lên Cao Bằng diệt Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái xưng vương chống lại triều đình. Vua Lê tu sửa thành, nhân dân xây đền vua Lê gọi là “sinh từ” trong thành, nên gọi là thành nhà Lê - đền vua Lê.

Vậy nên gọi theo sử cũ là thành Nà Lữ, dựa vào các cuốn sử ở Cao Bằng để có cơ sở xác định thành này ban đầu xây dựng từ bao giờ?

Theo cuốn sử “Cao Bằng thực lục”, tác giả Bế Hữu Cung, dân tộc Tày, quê làng Bắc Khê, châu Thạch Lâm, làm quan triều Lê giữ chức Ngự sử Đốc trấn Cao Bằng. Sách viết năm 1810, trang 32 có viết: Thành Nà Lữ và thành Phục Hoà mở đầu từ đời Đường Y Tông năm Giáp Thân, niên hiệu Hàm Thông thứ năm. Nhà Đường giao cho Kiêu Vệ tướng quân Cao Biền làm đô hộ An Nam, kiêm chức Tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ. Năm Bính Tuất niên hiệu Hàm Thông thứ bảy, nhà Đường ban cho Cao Biền chức Tỉnh Hải quân tiết trấn, kiêm Thư đạo hành doanh chiêu thảo sứ. Tháng 11 cho xây thành Đại La (Hà Nội), lại lệnh cho xây hai thành Nà Lữ và thành Phục Hoà. Dựa vào hiện vật biết nói để bổ sung cho tài liệu trên có ghi chép của các bậc phụ lão, lại điều tra núi đất gần thành Phục Hoà có nhiều mộ cổ, có gạch xây, có đá khắc ghi bia mộ tên, địa chỉ, quê quán, có ghi hiệu Hàm Thông đặt trên mộ. Mộ cổ ấy là những người phu dịch xây thành chết ở đây, nên khẳng định hai thành này xây từ đời Đường.

Sách “Cao Bằng sự tích” viết năm 1890, tác giả Nguyễn Đức Nhã, làm quan thời Pháp ở Cao Bằng. Trang 25 có ghi: Trong hạt có hai thành (trừ thành Lạng Sơn) một là thành Phục Hoà ở địa phận xã Phục Hoà, xây dựng khoảng năm Hàm Thông đời Đường Y Tông, lúc Cao Biền làm An phủ sứ đô hộ, đến triều Lê giữ thành để phòng ngự, vì thế gọi là thành nhà Lê.

Sách “Cao Bằng ký lược” tác giả ghi hiệu là Phạm An Phú, làm bố chánh tỉnh Cao Bằng viết năm 1845 ghi chép sơ lược địa lý Cao Bằng có đoạn viết: Thời sơ khai xứ Cao Bằng chưa khảo sát được, chỉ có hai thành cũ đã đổ nát thành hoang phế, một là thành Nà Lữ, châu Thạch Lâm, một ở Phục Hoà cũng ở châu Thạch Lâm. Niên đại chưa ghi chép được, chỉ nghe người bản xứ truyền miệng rằng: Trong đống đổ nát hoang phế ấy có viên gạch ghi niên hiệu Hàm Thông, đó là đô hộ sứ Cao Biền dựng nên.

Ngày nay trong thành Nà Lữ còn đền vua Lê. Bát hương thờ vua Lê bằng đá trắng vân đỏ, cao 0.40cm, đường kính 30cm trông rất đẹp. Bát hương có khắc chìm 4 chữ Hán là “Phục Ba tướng quân”. Bát hương được giữ lại để thờ vua Lê, bốn chữ “Phục Ba tướng quân” được quay vào phía trong. Năm 1979, trước khi có chiến sự xẩy ra, bát hương được đưa về kho bảo quản hiện vật ở Ty đỉnh núi sau nhà máy nước, (Công ty cấp nước) đem về Hà Nội để xác minh, một thượng uý cảnh vệ biết việc này, hứa dẫn đến người giữ bát hương để chuộc lại. Nhưng không may, đồng chí thượng uý qua đời nên chưa biết tên người giữ bát hương còn hay mất. Đây là hiện vật biết nói, có giá trị chứng minh lịch sử để xác minh thành Nà Lữ và thành Phục Hoà được xây dựng từ đời nhà Đường trong những năm 618-802.

( báo Cao Bằng)
Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM