Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:15:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tranphu341 - Đoàn bb Sông Lam - Nhiệm vụ Quốc Tế ( Phần 4 )  (Đọc 234645 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #390 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2013, 07:58:55 am »


              Một trai, một gái Thái Bình
     Thay nhau kể những chuỵện tình thật hay. Grin

              Chào bác vanthng341ht! Chào các bác! Bác vanthang có đôi câu thơ vui thật hay mà thật hóm hỉnh. Ngày đầu xuân Tranphu341 rất trân trọng và gửi tới bác cùng gia đình lời chúc sức khỏe đầu năm mới với những gì tốt đẹp nhất.

             Tranphu chợt nghĩ thế này:

                                                       Bác vanthang thật là hay
                                                    Hai câu thơ ngắn mà tày lòng ai?
Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #391 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2013, 05:23:22 pm »

Chào bác Tranphu341 và các bác!

Là 1 người lính có mặt trên chiến trường K thời kỳ 78-79, nhưng do đăc điểm của đơn vị, nên giữa năm 79 tôi cùng đơn vị không còn ở K nữa. Biết bác, bác vanthang và nhiều bác khác ở lại K lâu hơn, tôi muốn nhờ các bác giải thích hộ 1 điều tôi băn khoăn từ lâu.

Hồi đầu 79, khi đơn vị tác chiến ở battambang. Có lần tôi và 1 số anh em gặp ngôi chùa khá cổ kính đổ nát bởi chiến tranh. Tôi chú ý đến 1 chiếc rương nhỏ được đóng khá cầu kỳ. Bên trong chứa đầy những chiếc lá thốt nốt dài chừng 40cm. Trên đó là những hàng chữ Khmer ngay hàng thẳng lối (có thể là kinh, kệ gì chăng?)

Điều tôi tò mò là những chữ đó được viết bằng cách xăm thủng qua lá thốt nốt. Vết xăm rất ngọt. Tựa như vết ăn của mối mọt qua cuốn tiểu thuyết vậy. Cách viết khác hẳn với mộc bản của dân tộc ta.
Các bác ở bên đó lâu, có gặp cách viết đó không? Họ viết như thế nào? Bác nào biết cho tôi rõ với ạ.
Người ta nói rất nhiều về nền văn hóa Angco, những đền tháp...Nhưng tôi chưa thấy ai nói về kiểu viết hết sức độc đáo này, nên rất muốn hiểu thêm đôi chút.
Chúc bác viết được nhiều những kỷ niệm 1 thời trên đất K.
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #392 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2013, 03:43:03 pm »

                Chào bạn tuanb5 cùng các bạn! Tranphu341 rất cảm ơn các bạn đã ghé thăm nhà Tranphu.

                Riêng chuyện bạn Tuanb5 hỏi về những cái lá Thốt nốt có xâm chữ thì đúng là Tranphu cũng chưa được nhìn thấy bao giờ. Chúc mừng Bạn đã may mắn thấy được. Có thể đó là một loại chữ cổ của Dân Tộc Khơme. Giá như bạn hoặc ai đó lưu giữ được thì quý hiếm giá trị quá.

                Dịp Tranphu cùng đoàn sang CPC. Bên đó họ vẫn còn thờ một ông sáng tác phát minh ra chữ Khơ Me bây giờ. Ông này dựa trên kiểu chữ của Ấn độ và chế ra chữ của Khome bây giờ. Chuyện kể là sau đó bị người Ấn độ kiện phạt vì đã bắt chước chữ của họ. Vì nhìn hai lại chữ thật giống nhau. Bên Ấn độ đòi bắt phạt. Bên phía Ông sáng tác ra chữ bèn nghĩ ra là viết một bài văn và yêu cầu bên Ấn độ đọc xem nghĩa và nội dung bài văn là gì. Bên Ấn độ không thể đọc được. Nên bị đuối lý không đòi phạt người Khơme nữa.

               Chuyện sơ bộ như vậy. Tranphu341 cũng không hiểu gì hơn. Chúc bạn tuanb5 cùng các bạn luôn có nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui hạnh phúc!

 
Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #393 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2013, 04:24:29 pm »

Chào bác Tranphu341 và các bác!

Là 1 người lính có mặt trên chiến trường K thời kỳ 78-79, nhưng do đăc điểm của đơn vị, nên giữa năm 79 tôi cùng đơn vị không còn ở K nữa. Biết bác, bác vanthang và nhiều bác khác ở lại K lâu hơn, tôi muốn nhờ các bác giải thích hộ 1 điều tôi băn khoăn từ lâu.

Hồi đầu 79, khi đơn vị tác chiến ở battambang. Có lần tôi và 1 số anh em gặp ngôi chùa khá cổ kính đổ nát bởi chiến tranh. Tôi chú ý đến 1 chiếc rương nhỏ được đóng khá cầu kỳ. Bên trong chứa đầy những chiếc lá thốt nốt dài chừng 40cm. Trên đó là những hàng chữ Khmer ngay hàng thẳng lối (có thể là kinh, kệ gì chăng?)

Điều tôi tò mò là những chữ đó được viết bằng cách xăm thủng qua lá thốt nốt. Vết xăm rất ngọt. Tựa như vết ăn của mối mọt qua cuốn tiểu thuyết vậy. Cách viết khác hẳn với mộc bản của dân tộc ta.
Các bác ở bên đó lâu, có gặp cách viết đó không? Họ viết như thế nào? Bác nào biết cho tôi rõ với ạ.
Người ta nói rất nhiều về nền văn hóa Angco, những đền tháp...Nhưng tôi chưa thấy ai nói về kiểu viết hết sức độc đáo này, nên rất muốn hiểu thêm đôi chút.
Chúc bác viết được nhiều những kỷ niệm 1 thời trên đất K.


     Chào bạn tuanb5.
     Bạn hỏi mà vanthang không thưa thì thất lễ quá nhưng người ta hay nói: "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe".
     Thực tình tôi sống và chiến đấu ở KPC từ nửa năm 1977 đến cuối năm 1980. Trong thời gia ấy có hai năm 1977 và 1978 nửa sống bên ta nửa sống bên K.Thời kỳ này đánh nhau túi bụi suôt ngày đêm còn đâu thời gian mà tìm hiểu lịch sử văn hoá K. Vả lại có sống với chị em đội công tác thì họ còn trẻ quá chẳng hiểu mô tê gì về văn hoá đất nước mình. hai năm 1979, 1980 cũng chủ yếu là đánh nhau khắp vùng rừng núi phía Tây các tỉnh Congpongspue, Puasat, Battambong thế nhưng cũng có nghe kể.
     Rằng khoảng thế kỷ thứ X, XI? sau công nguyên các sư sãi ở chùa dùng phương pháp truyền đạo cho tín đồ, phật tử bằng cách dùng lá Thốt Nốt thay giấy để viết chữ. Họ làm như sau: dùng loại lá Thốt Nốt non, phơi héo, ép phẳng qua lửa như dân VN ta làm lá nón, sau đó dùng bút thép sắc, tròn đầu ( đầu tròn to, nhỏ theo ý người viết) đặt lá Thốt Nốt lên tấm gỗ dùng bút đó xuyên qua lá như người mù viết chữ BRai. Lá Thốt Nốt sau khi viết xong họ còn đóng thành những quyển sách như kiểu chúng ta đóng quyển lịch bàn bây giờ.
     Tôi nghe kể vậy chứ chưa thấy nó bao giờ. Chắc vetran-anhtho hiểu rõ hơn, nếu có xem trang này xin vetran-Anhtho giải thích thêm.
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #394 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2013, 05:14:24 pm »


Trước hết, thành thực cám ơn bác tranphu, bác vanthang đã có lòng với băn khoăn của tôi. Quả thật, chiến tranh tàn khốc không có chỗ cho những điều thiếu thực tế. Địch ta, thắng thua, no đói...vv là những cặp phạm trù luôn chủ đạo cho cuộc sống trên chiến trường. Chiến thắng và tồn tại mới là điều quan trọng phải không các bác!

Bản thân tôi cũng theo đơn vị chiến đấu từ Congpongcham đến Siemriep, Battambang. Nếm trải những vị mặn chiến trường. Nhưng cũng như câu nói của người xưa " Đánh chết, nết không chừa" bản tính ưa tò mò, thích tìm hiểu không rời bỏ tôi. Mỗi khi đặt chân đến vùng đất mới, hoặc khi thấy hiện tượng khác lạ là tôi không đừng được thói quen đó. Và những chiếc lá thốt nốt có dòng chữ lạ là 1 ví dụ như vậy, các bác ạ. Grin

Đúng như bác tranphu nói, giá như tôi giữ lại 1 vài lá thốt nốt thì hay biết bao. ( Chắc thủ trưởng chính trị vanthang không kỷ luật vì tội vi phạm kỷ luật chiến trường đâu nhỉ. Grin)
Rất vui cho tôi là 2 bác cũng cho biết 1 vài thông tin thú vị về lai lịch cũng như cách chế tác ra các siêu phẩm này. Hy vọng sẽ còn nhiều thông tin từ các bác cựu khác nữa.
Chúc 2 bác luôn mạnh khỏe, viết được nhiều kỷ niệm hay về thời khoác áo lính.
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
anhtho
Thành viên
*
Bài viết: 1282


Một thời để nhớ !


« Trả lời #395 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2013, 07:58:36 pm »

Em chào anh chủ tranphu341 và anh Tuanb5. Có lẽ mấy ngày nay anh Tranphu bận công việc, chưa kịp trả lời thắc mắc của anh Tuanb5. Em tranh thủ xin ti toe một tý theo bài đọc của báo Người Lao Động về khía cạnh này, nhưng những thông tin này thuộc về cộng đồng Khơ Me Nam bộ Việt Nam, còn các hiện vật anh Tuấn b5 chứng kiến lại trong nội địa Căm Pu chia, vật kiệu lá thốt nốt và lá buông có giống nhau không và cách "viết" có khác biệt gì không? Em xin coppy để các anh tham khảo và có ý kiến trao đổi từ anh Tranphu và vanthang  là đàn anh có nhiều tiếp xúc với xã hội và nhân dân Căm Pu Chia thời kì giúp bạn xây dựng chính quyền mới. Qua đó cho chúng ta cùng sáng tỏ một kỉ niệm từ quá khứ

Người cuối cùng biết tạo ra "báu vật" Kinh lá
Ngày đăng tin: 18/02/2013
Kinh lá là loại kinh Phật của Phật giáo Nam tông Khơ-me chỉ có ở vùng Bảy Núi (An Giang), được những bậc tiền bối đạo hạnh cao thâm và tài hoa viết bằng chữ Khmer trên lá cây buông.
Truyền nhân cuối cùng của Kinh lá. Đó là hòa thượng Chau Ty, tuổi đã ngoài 60, trụ trì chùa Soài So thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông là truyền nhân đời thứ 9 và cũng là người cuối cùng ở Bảy Núi có thể viết được kinh trên lá buông - báu vật thiêng liêng của người Khơ-me Nam Bộ. Chúng tôi tìm tới ông vào một buổi chiều mưa nặng hạt. Tiếng mưa rả rích đưa chúng tôi vào không gian viết kinh Phật trên lá buông thêm màu hoài niệm.


Hòa thượng Chau Ty hướng dẫn PV cách viết Kinh lá
 
Theo lời hòa thượng Chau Ty, đây là loại kinh của Phật giáo Nam tông Khơ-me, được những bậc tiền bối đạo hạnh cao thâm và rất đỗi tài hoa viết bằng chữ Khơ-me trên lá cây buông qua nhiều thế hệ rồi được truyền giữ nên giá trị tinh thần văn hóa là vô giá. Tiếng Khơ-me gọi kinh lá là slấc-rich (một kiểu viết như in ấn, khắc họa trên lá Sa-Tra - cây buông).
 
Đây là loại cây trước đây mọc nhiều ở vùng núi Cấm nhưng hiện nay gần như không còn. Theo lời truyền lại của các sư sãi, kinh lá ra đời cách đây hàng trăm năm. "Ban đầu, kinh lá xuất hiện một phần do điều kiện thiếu giấy mực, các sư ở chùa nghĩ ra cách dùng lá để ghi chép, nhằm thuyết pháp và lưu truyền cho thế hệ con cháu. Vì thế họ nghĩ mọi cách để tìm ra phương pháp lưu truyền những bài kinh của dân tộc mình", trụ trì chùa Soài So cho biết.
 
Ban đầu, các vị tiền bối đạo hạnh tìm một số lá cây trên rừng về viết thử nhưng chẳng loại nào lưu giữ được quá 6 tháng. Hòa thượng Chau Ty cho biết: "Sau đó nhiều năm, họ tìm ra lá buông, một loại lá cùng họ với thốt nốt, có nguồn gốc từ Campuchia đã từng mọc trên núi Cấm, chiều dài của lá gần gấp đôi lá thốt nốt.
 
Đặc biệt, sau nhiều lần xử lí với mục đích viết chữ trên lá, lá buông cho kết quả khả quan hơn những lá khác vì sức dẻo dai lại và độ mịn vượt trội hơn. Tuy nhiên, để có được những tấm lá cho việc viết kinh, các nhà sư phải tốn rất nhiều công sức và chuẩn bị hết sức công phu. Theo đó họ cũng phải rèn luyện cách viết chữ (Kinh) trên lá rất tinh vi và tỉ mỉ".


Kinh lá trong chùa Xà Tón (Thị Trấn Tri Tôn - An Giang)
Công phu chế tác báu vật độc đáo

 
Theo lời hòa thượng Chau Ty, việc viết chữ trên lá buông cần có công phu sáng tạo độc đáo bởi nó không giống như cách viết trên giấy thông thường. Người viết phải tập luyện, rèn giũa nét chữ rất kỳ công.
 
Thuở xưa, các vị cao nhân còn phải tập khắc chữ trên đá trước, vì viết trên đá để cho nét chữ cứng cỏi, lâu ngày quen tay rồi mới viết trên lá thì chữ mới thanh thoát được. Kinh lá được viết bằng loại bút có ngòi sắt được giũa nhọn gọi là Đék-cha, thân bút bằng gỗ được bào tiện trau chuốt cho vừa tay người cầm, gần cuối ngòi bút có đoạn thép được đính chắc chắn vào thân gỗ để giữ cho thân bút bền và đẹp hơn.
 
Nói về công phu chế tác báu vật, hòa thượng Chau Ty cho hay: "Khi viết Kinh trên lá buông, tay phải người viết cầm bút còn tay trái giữ lá, đồng thời đầu bút phải tựa lên ngón cái của bàn tay trái giữ lá ấy để làm điểm tựa cho nét chữ không bị nguệch ngoạc. Khi viết, ngón tay cái sẽ điều khiển đầu bút. Cái khó nhất là sự kết hợp nhịp nhàng, đều đặn giữa hai tay và nét viết phải có cùng một độ sâu. Nói là viết chứ thực ra chẳng khác gì khắc họa, song không đơn giản như viết chữ trên giấy".
 
Theo hòa thượng Chau Ty: "Chỉ cần viết sai một chữ hoặc khi viết làm nguệch ngoạc nét chữ cũng coi như vứt bỏ cả trang. Do trước đó các bậc cao nhân đi trước có răn dạy rằng viết kinh Phật phải chu toàn, sạch sẽ, phải tỉ mỉ từng li, từng nét một. Người viết kinh Phật phải là người đức hạnh cao thâm".
 
Viết chữ trên lá xong, công đoạn tiếp theo để hoàn thành một trang kinh là tẩm mực lên lá để mực thấm vào nét chữ đã viết. Mực có thể được làm bằng than hoặc trái mặc nưa có màu xanh đen. Sau đó mang trang kinh đã tẩm mực ra phơi nắng, chờ cho mực khô, lau sạch tất cả mực tẩm trên trang kinh đi thì hiện lên những chữ đã viết (khắc) vì mực tẩm đã khô và chìm cùng nét chữ. Vậy là hoàn thành một trang kinh. Nhiều trang kinh như vậy được kết nối lại với nhau bằng xương lá buông (đã chế tác thành dây để buộc đồ) thì tạo thành bộ kinh sách.
 
Bởi vậy, nghệ thuật viết kinh trên lá không phải ai cũng làm được mà đòi hỏi người thực hiện phải có tấm lòng kiên trì thể hiện câu từ hết sức xúc tích, cô đọng. Thông thường, mỗi kinh lá chỉ viết được 5 dòng, mỗi dòng viết khoảng 20 từ (tiếng Khơ-me). Vì thế, một nội dung của Kinh lá có thể được viết từ 5, 7 đến 10 tấm lá.
 
Từ xưa tới nay, người giỏi nhất cũng chỉ viết được 5, 6 trang kinh một ngày. "Ngày trước, thông thường tôi viết một cuốn kinh lá mất khoảng một tuần mới xong, việc này còn tùy thuộc vào nội dung của bài kinh muốn viết", hòa thượng Chau Ty cho biết.
 
Sau khi hoàn thành các công đoạn này, việc kết lá kinh thành quyển phải tuân thủ qui tắc riêng để khi mở kinh ra đọc, nội dung không bị xáo trộn. Hoặc các trang viết phải được đánh số thứ tự trên góc hay giữa lá kinh để sắp xếp nội dung cho liên tục, tránh nhầm lẫn. Theo hòa thượng Chau Ty, nội dung trong kinh lá là những điều răn dạy, giáo lý nhà Phật dạy con người biết tu tâm, dưỡng tánh, sống hiền lành, luôn yêu thương đồng loại; những câu chuyện ngụ ngôn dạy người đời lòng thương người, cách sống tốt đời, đẹp đạo.
 
Nguy cơ thất truyền cách thức viết kinh trên lá
 
Kinh lá đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính kiên trì cao nên việc truyền dạy từ đời này qua đời khác gặp không ít khó khăn. Cho đến nay, trụ trì chùa Soài So vẫn chưa tìm ra được người chân truyền. Trong khi đó, đã 41 năm nay (từ năm 1972) ông cũng không tìm ra được lá buông để phục vụ việc bảo tồn truyền thống viết kinh trên lá, mặc dù đã hỏi và đặt mua cả bên Campuchia.
 
Không giấu được nỗi buồn, hòa thượng Chau Ty tâm sự: "Tôi đã hơn 40 năm viết kinh lá và có niềm đam mê kỳ lạ với loại hình nghệ thuật này. Vậy mà hơn chục năm nay, tôi cố tìm một đệ tử để truyền nghề mà mãi vẫn không được. Buồn quá nên đã lâu lắm rồi tôi không còn viết kinh lá nữa, phần vì lá buông bây giờ cũng hiếm song cái chính là người trẻ bây giờ không muốn học, nguy cơ thất truyền là khó tránh khỏi".
 
Mặt khác, theo các nhà sư cao tuổi ở Bảy Núi, xưa kia vị sư tổ khai sinh ra kinh lá chỉ thu nhận có 9 đệ tử. Vì viết kinh lá quá khó nên tổ sư chỉ chọn ra một đệ tử nổi trội nhất trong số 9 đồ đệ ấy. Mỗi đời như thế, người được chân truyền cũng chỉ truyền dạy lại loại nghệ thuật này cho một đệ tử tâm phúc có đủ đức độ nhất. Chính vì việc tốn quá nhiều công sức, công đoạn mới có thể cho ra một quyển kinh lá nên cũng có rất ít người biết viết hoặc đam mê với công việc này.
 
Nói về việc này, thượng tọa Chau Sóc Pholly, Sãi cả chùa Xà Tón (Soai Tong) ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, An Giang, khẳng định hiện nay, hòa thượng Chau Ty là truyền nhân đời thứ 9 và cũng là người cuối cùng và duy nhất  ở Bảy Núi biết viết kinh trên lá buông bằng chữ Khmer.
 
Đối với cộng đồng người Khơ-me, kinh lá là một báu vật thiêng liêng không gì thay thế được. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, đồng bào Khơ-me vùng Bảy Núi từng ngày sống hòa nhập với cộng đồng người Kinh, tiếp nhận và giao lưu văn hóa với cộng đồng dân tộc anh em nên suy nghĩ của tuổi trẻ bây giờ cũng đổi mới.
 
"Do bận đi học hoặc phải đi làm việc ở xa, nhiều thanh niên Khơ-me bây giờ chỉ vào chùa tu một thời gian ngắn là xuất thế. Chủ yếu là tấm lòng họ muốn tu báo hiếu mẹ cha mà thôi. Vì thế, luật tục cũng phải thay đổi chút ít để cho phù hợp. Dù vậy, người Khơ-me nào cũng đều hết lòng tôn kính và quý trọng những bộ kinh lá này", hòa thượng Chau Ty thổ lộ.
 
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Hai, 2013, 05:26:57 am gửi bởi anhtho » Logged

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #396 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2013, 11:25:17 pm »


Cám ơn anhtho cho tôi và mọi người biết thêm 1 kiểu viết cũng rất độc đáo cuả người Khmer theo Phật giáo Nam tông. Đó là kinh lá, viết trên  lá buông.
Tiếc rằng đây không phải là kiểu viết mà tôi đang tìm hiểu, anhtho à. Grin Không phải vì khác nhau giữa lá buông và lá thốt nốt. Mà cơ bản khác nhau là cách viết cơ.
Kinh lá là dạng điêu khắc, khắc cho chữ chìm xuống rồi cho mực phủ lên trên chữ (như kiểu quân cờ tướng ta thường chơi vậy)
Còn trên lá thốt nốt tôi đã xem xét rất kỹ, họ châm thủng lá bằng những vết châm liên tiếp (nhỏ hơn đầu tăm) để tạo thành chữ, vết châm tròn vo, sắc nét. Đặc biệt 2 mặt lá đẹp như nhau, vết châm rất ngọt, không có vết sờn via gì cả. Thật là tài tình.

Không biết bác vetran có biết về thứ này không nhỉ? Tôi nhờ anhtho hỏi giúp xem nhé!
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #397 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2013, 07:49:47 am »

           Chào các bác! Hôm qua được chứng kiến tình cảm của một CCB đã cao tuổi tại nhà hàng của Tranphu mà thất đẹp thấy cảm động quá. Tranphu xin phép được pots bức ảnh này vào trang.

                  

                    Ông bảy năm, Bà sáu năm
                    Tặng nhau một đóa hoa hồng đẹp sao
                    Ghé tai nhau ông thì thào:
                    Anh yêu em lắm! Như thời hai năm!
                    
Logged
huonghn76
Thành viên
*
Bài viết: 1166


WWW
« Trả lời #398 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2013, 08:20:17 am »

 

                Chào bác chủ .Mời bác kể tiếp chuyện ở CPC đi ,nhất là phong tục tập quán ăn tết của họ có giống đón tết ở mình hay không .
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Hai, 2013, 11:55:52 am gửi bởi huonghn76 » Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #399 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2013, 10:02:17 am »

          Chào bác vanthang341ht, bạn tuanb5, bạn anhtho! Tranphu341 rất cảm ơn các bạn đã đến thăm nhà và đàm đạo về chữ viết cổ cùng các kỹ thuật viết trên lá thốt nốt, lá buông của người KhơMe.

         Cảm ơn bác vanthang cùng anh tho đã nói kỹ và nói rõ thêm về các kỹ thuật viết chữ này. Tranphu341 xin được chúc các bác có nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui cuộc sống.

         Tranphu341 xin được tiếp mạch chuyện làm nhiệm vụ Quốc Tế của Sư đoàn 341 những ngày tháng năm 1980.


                     Sau khi đã giải tán đội công tác Bạn. Ban chính Trị thật vắng vẻ. Tôi cũng đã nhàn nhã hơn trong công việc. Vì không phải họp hành, không phải quản lý đội bạn nữa.

                      Nhưng chính vì sự nhàn rỗi như vậy mà tôi cũng thấy buồn. Có những lúc cứ nghĩ họ như đang còn ở đây. Tôi đi sang khu vực lán của đội công tác. Lán trại hoang tàn, tôi giật mình bật cười một mình. Rồi tôi lại điểm mặt từng người, từng người và điểm lại những ngày tháng họ cùng tôi, cùng Trung đoàn chiến đấu và làm nhiệm vụ tuyên truyền dân, xây dựng chính quyền trong những ngày qua. Không biết giờ đây họ đang sống tại quê hương thế nào. Qua thời kỳ diệt chủng, gia đình họ có bị ly tán, chết chóc nhiều không? Tôi cũng thật có lỗi khi mà không dặn họ sau khi về nhà thì viết thư cho tôi biết. Nhưng lúc này CPC đâu đã có hệ thống bưu chính mà thư với từ..

                    Trong khi tình hình ở Huyện Muông Rư Xây đã rất ổn định. Thì trong khu vực giáp biên giới Thái Lan, Tà xanh - Săm Lốp do Trung đoàn 266 và 270 Đảm nhiệm thì tình hình lại vẫn còn rất phức tạp căng thẳng. Do thổ nhưỡng, do khí hậu khắc nghiệt, bệnh sốt rét hoành hành làm bộ đội ta bị mất sức chiến đấu nhiều. Mùa mưa thì lại càng khổ. Việc tiếp tế lương thực, vận chuyển thương bệnh binh về phía sau vô cùng khó khăn. Rừng núi hiểm trở, nên việc truy quét tàn quân Pốt và các lực lượng quân đội khác càng diễn biến phức tạp, Trong khi Bọn Pốt đã phần nào gượng được vì được các thế lực Bành Trướng và Thái Lan giúp đỡ. Chúng vẫn được cung cấp súng đạn, lương thực, nhất là mìn thì nhiều vô kể. Đây cũng là loại vũ khí làm bộ đội ta bị thương vong rất cao. Hơn nữa là làm cho tinh thần của mọi người cũng bị chùng xuống, e ngại trong lúc đi truy lùng các căn cứ của chúng trong rừng sâu. Bọn Pốt lại sử dụng kỹ thuật, nghi binh trong đánh du kích bằng mìn cũng quá giỏi.
 
                   Khoảng cuối tháng 6/1980, Trung đoàn 266 được báo cách Tiểu đoàn 4 khoảng 20 km. Bọn Pốt mới thành lập một căn cứ khoảng vài chục tên. Trung đoàn giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 4 phải tổ chức đi điều nghiên, truy quét tiêu diệt và phá căn cứ của Pốt. Giai đoạn này, quân số của các đơn vị và Tiểu đoàn 4 rất mỏng. Gần như là anh em bị sốt, bị ốm yếu gần hết. Chấp hành nhiệm vụ, Tiểu đoàn Trưởng Nguyễn văn Dần động viên được 40 tay súng, toàn là Đảng viên và Sỹ Quan, có nhiều người vẫn trong tình trạng sốt rét như trường hợp của Trung đội Trưởng Vũ Văn Dĩnh là lớp lính tháng 7 năm 77 quê Thái bình. Đại đội Trưởng Đại đội 3 Nguyễn văn Sinh. Đội hình lên đường lúc chập tối. Tới một con suối cách Phun được báo là có căn cứ của Pốt. Mọi người dừng lại tổ chức nấu cơm ăn và để lại 10 đ/c tại đây. Đến 5h sáng thì bắt đầu hành quân tiền nhập vào Phum.  Khoảng 8 h thì đội hình vào tới Phum. Phát hiện đúng là có dấu vết căn cứ của Pốt. Nhưng chúng phát hiện ra bộ đội mình nên đã chạy dạt ra khu rừng xung quanh lẩn trốn.

                       Tiểu đoàn Trưởng Dần cho bộ đội phát tiển tiếp mấy Km nữa nhưng cũng không gặp phải sự kháng cự của chúng. Anh cho bộ đội quay về vị trí bờ suối. Khi đi qua Phum cũng không gặp được tên Pốt nào. Đội hình truy quét sinh ra chủ quan, hành quân theo đội hình hàng dọc. Khi còn cách bờ suối khoảng gần một km thì ùng oàng, ùng oàng rồi ầm- ầm- ầm.. Pốt phục kích. Chúng bắn hai qủa B40 vào đội hình, cũng lúc hàng chục quả mìn định hướng phát nổ thổi vào đội hình truy quét của Tiểu đoàn 4. Tiếng B40, tiếng mìn nổ cùng tiếng la hét của anh em mình bị thương vang về tận bờ suối. Ngoài tiếng B40, tiếng nổ của mìn. Không có một tiếng súng nào khác. Trung đội Trưởng Dĩnh linh tính thấy sự không lành, liền điện báo ngay về cho Trung Đoàn và tổ chức toàn bộ anh em đến ứng cứu. Đi được khoảng mấy trăm mét thì gặp được Tiểu đoàn Trưởng Dần, một tay đang dìu một thương binh. Một tay đang nắm chặt khẩu K59. Hai người đầy máu me và nét mặt thật hoảng loạn. Gặp anh em, Tiểu đoàn Trưởng khóc òa lên thành tiếng rồi nghẹn lời nói:” Anh em bị cả rồi! Anh em bị cả rồi!” Dứt lời anh cũng gục xuống lịm đi.

                 Nhận được điện, Trung đoàn Trưởng Lê Hải Anh điều gấp đại đội Trinh sát cùng với các lực lượng đi tiếp ứng. Khi mọi người tới được nơi bị phục kích thì thật đau lòng không còn một ai sống sót. Nhiều anh em thân hình te tua vì bị rất nhiều mảnh của mìn định hướng. Tất cả đã bị hy sinh do mìn và Đạn B40 của Pốt. Bọn Pốt thật ma mãnh. Khi chúng phát hiện được lực lượng của ta truy quét, thì chúng nhanh chân chay trốn và bí mật theo dõi ta. Chúng theo dõi, tổ chức đón lõng, mai phục lại ta gần khu vực tập kết ở bờ suối. Trong lúc bộ đội mình rất mệt mỏi, sinh ra chủ quan mất cảnh giác nhất.

                      Như vậy đội hình đi truy quét 40 người. Khi trở về còn 12 đồng chí, trong đó có 2 thương binh. Hai mươi tám người là Sỹ quan là Đảng viên đã hy sinh. Một tổn thất to lớn. Thật vô cùng đau sót. Đây là một bài học thật lớn trả giá cho sự chủ quan coi thường địch của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 trong những ngày tháng làm nhiệm vụ Quốc Tế trên đất Ăng Co năm1980.

              
    
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Hai, 2013, 08:02:41 am gửi bởi tranphu341 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM