Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:25:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Gia đình má Bảy  (Đọc 36391 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #60 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2012, 04:14:21 pm »

21

   Chiếc M.113 vừa rên vừa khóc, chạy giật lùi. Sâm chạy theo, hét: “Đưa súng đây tao!”. Thằng Mỹ thò cổ lắc đầu: “Lạy chị Út, chị đừng đánh em”. Mũi nó to bằng quả đấm, phì khói. Ra nó cũng cháy. Nó lắc mãi, đầu phình to bằng cái thúng. Nó nhăn răng cười: “Chưa biết rút chốt mà đòi đánh xe”. Sâm tức lắm, thúc cho nó một báng súng giữa mặt. Cái đầu Mỹ nổ ùng một tiếng. Nó là trái mìn. Chà, đau ghê. Sâm thấy hai tay mình đứt lìa. Khói mù mịt không thở được. Sâm quẫy, kêu thét.

   Sâm mở mắt.

   Sâm đang nằm nghiêng trên nền nhà, hai khuỷu tay bị trói quặt ra sau, hai bàn tay lại bị trói giằng ra trước bụng. Tức ngực quá. Sâm thở hổn hển.

   Bức tường đen trước mặt vừa toác ra một lỗ hổng chữ nhật. Bóng đen đứng giữa khung sáng bước tới:

   - Cô Út mệt lắm hả?

   Sâm giật mình, tỉnh hẳn. Thằng Rân cúi xuống:

   - Tôi mở trói nghe?

   Sâm gật đầu. Rân chỉ mở dây trói khuỷu tay. Dễ chịu rồi. Rân đỡ Sâm ngồi dậy, đưa chai côca côla gần miệng Sâm. Sâm ngậm cái ống giấy hút mạnh. Chất nước ngọt có tăm vào đến đâu, những thớ thịt tê sống dậy đến đấy. Sâm uống cạn chai nước.

   - Họ đánh Sâm dữ lắm hả?

   Sâm gật. Rân moi xắc cất lấy chai dầu khuynh diệp:

   - Tôi bóp chỗ đau cho Sâm.

   Sâm lắc đầu. Vẫn không nói.

   Bọn lực lượng đặc biệt mặc “áo beo” đánh Sâm một trận báng súng. Sâm cứ ngậm miệng vì chưa kịp nghĩ gì hết. Nằm còng queo trên sàn xe M.113 ngập bùn, Sâm tính lui tính tới. Chửi giặc một mẻ cho chúng nóng mũi bắn luôn, khỏi bị tra tấn... Gọn đấy nhưng không ổn. Phải sống tiếp, đánh nữa. Hay giả vờ hàng nó, khai bậy một số anh em bất hợp pháp đã lánh ra ngoài làng? Dứt khoát không được. Hèn lắm, mà nó cũng chẳng tin nào. Có thể đối đáp quanh co, đánh lạc hướng địch chăng? Bắt ngay tại trận còn quanh với lạc cái gì...

   Sâm không chọn được cách nào cả. Xe xóc quá, thân thể đau nhừ thêm, óc cứ mụ đi. Địch ném Sâm vào nhà giam - phòng giáo viên trong trường tiểu học - và Sâm nhắm mắt lịm ngay. Bị Rân vào đánh thức, Sâm vẫn chưa nghĩ ra. Thôi, cứ ngậm miệng chịu đòn như trong lớp “tố cộng” hồi xưa.

   Rân ngắm Sâm đăm đăm:

   - Tôi không ngờ Sâm... đến nỗi này. Quân đội giao Sâm cho hội đồng, biểu khai thác cho được danh sách nòng cốt Việt cộng và du kích nằm chìm trong xã. Lát nữa ông Châu tới chủ trì khán cung. Làm sao bây giờ?

   Khuôn mặt thường trắng xanh của Rân lúc này nhợt hẳn. Hắn đi quanh vài bước, lại ngồi xuống đất trên cái khăn mùi soa mà hắn trải cẩn thận bên Sâm:

   - Sâm chưa biết ông Châu. Ăn gan người rau ráu. Quan thầy thằng Phổ đó, đủ biết ác tới đâu. Sâm bị mệnh hệ nào, tôi... tôi sống sao nổi.

   Sâm không hiểu mệnh hệ là gì. Chắc là một thứ đòn nặng. Rân có vẻ xót xa thật. Không chừng hắn ngả về phía ta, hay muốn lấy lòng ta như lão Hạnh. Cũng tốt, nhưng phải coi chừng mắc bẫy.

   - Làm sao bây giờ, Sâm?

   - Tôi làm tôi chịu, vậy thôi.

   Mới lặng im vài giờ mà Sâm nghe giọng nói mình khác hẳn. Giống chị Năm Tân. Không, giống con Ngọ, khoan thai chín chắn có vẻ chị cả... Sâm cắn môi thật đau. Không được nghĩ đến Ngọ, khóc bây giờ. Nhưng mắt Sâm đã nhòa. Sâm bực với mình hết sức.

   Rân cũng chớp mắt:

   - Sâm chưa hiểu tôi. Trước sau tôi vẫn... vẫn yêu Sâm đắm đuối. Tôi tôn thờ Sâm. Bây giờ tôi phải cứu Sâm thoát cái bước này...

   Hắn ghé lại gần, nhìn thẳng vào mặt Sâm. Sâm cũng chăm chú nhìn hắn. Bởi chỉ coi những lời ve vãn của hắn như trò đùa nên Sâm không hề thẹn trước luồng mắt hắn, chỉ thấy khó chịu hoặc dửng dưng. Lúc này Sâm tò mò muốn biết hắn định cứu Sâm cách nào.

   - Sâm đừng đợi ông Châu khai thác. Sâm khai trước đi. Tôi nắm danh sách chạy lên báo cáo, xin bảo lãnh luôn cho Sâm được phóng thích. Chánh sách chiêu hồi bây giờ khác rồi. Hễ khai là hết tội, không phải như trước hễ càng dày hồ sơ càng bị tù lâu.

   Sâm suýt cười phì. Ra nó hót mãi cái điệu cũ. Chính sách chiêu hồi nữa chứ. “Mại vô, rẻ rồi, đại hạ giá!”. Sâm bắt đầu thấy nhện bò trong tai, trong mũi.

   - Tôi biết gì mà khai.

   - Khổ lắm, đừng bướng nữa Sâm ơi. Tụi thằng Dõng thằng Bê không trả thù Sâm được đâu. Tôi đưa Sâm về thị xã hay ra Đà Nẵng, đón luôn má Sâm theo... Hay là vầy nè, Sâm có ai là bà con, bạn bè vô cơ sở Mặt trận thì cứ giấu. Chỉ cần khai đứa nào Sâm không ưa, vài cái tên là đủ. Tôi ghi đây. Mau lên, ông Châu sắp về rồi.

   Sâm cố nín cười. “Ăn hết chén cơm đi, ông kẹ vô đó!”. Câu dọa trẻ con đem nói với người lớn.

   - Cách mạng miền Nam, ai làm nấy biết. Tôi chẳng nghe ai tự xưng là cơ sở hết.

   - Sâm!

   - Đề nghị bế mạc.

   Rân đứng dậy, ngẩn một chút rồi ra cửa. Hắn cố tìm một câu thật đau thấm như xát muối vào vết thương để Sâm phải khóc nấc lên. Nhưng hắn chỉ xát muối trên da.

   Rân sờ nắm cửa, quay lại. Sâm ngồi dựa lưng vào tường nhắm mắt, đầu hơi nghiêng, hai tay vẫn bị trói. Một chùm tóc sổ uốn quanh cái má đầy, chạm khóe môi đỏ tươi lúc nào cũng muốn cười. Tất cả sắc đẹp rạng rỡ ấy sắp biến thành đống thịt lộn tóc nát nhừ. Hắn bật run. Hắn mê và giận Sâm đến phát cuồng.

   Từ bé, cha mẹ hắn chưa hề dám mắng khi hắn trèo lên bàn thờ bẻ nải chuối sắp cúng. Tụi bạn ăn chơi nịnh hắn “đẹp dzai, nhà dzầu, học dzỏi” và lèo thêm “tán gái thành thần”. Các ả rạc rài khoét tiền hắn đã đành, vài cô nữ sinh mơ mộng cũng đã sa vào tay hắn. Nhưng hắn chưa thèm khát ai như Sâm. Nếu Sâm nghe hắn, có lẽ hắn chỉ chơi bời ít lâu, hễ có chửa là đá phăng. Nhưng Sâm không chịu. Hắn phải thua con nhỏ ăn đói mặc rách, mẹ cấy thuê anh ở mướn này ư?

   Một vầng lửa cháy bùng trong ngực Rân, thốc lên mặt. Hắn chồm tới, nắm hai vai Sâm lắc mạnh. Hắn vừa có một quyết định điên rồ:

   - Thôi, không khai báo gì nữa hết!

   Sâm mở mắt trừng trừng. Rân nói hổn hển:

   - Em đi với anh. Bỏ hết. Dẹp hết. Anh đưa em vô Phan Thiết, vô Sài Gòn, đi thiệt xa. Anh giấu em biệt tăm biệt tích, hai đứa ở với nhau...

   - Buông tôi ra!

   - Nàng tiên của anh... Anh đưa em đi trốn ngay bây giờ. Đi em!

   Hắn xốc bừa Sâm đứng lên. Rồi không cầm nổi, hắn ôm ghì Sâm, hôn trên môi, nắn ngực. Sâm vùng hai vai thật mạnh, lảo đảo bước lùi, thét:

   - Thả ra!

   - Em điên à?

   - Có buông không?

   Rân đưa tay bịt miệng Sâm. Sâm co chân đạp trúng bụng hắn. Hắn ngã ngồi. Há miệng một lúc hắn mới lắp bắp thành tiếng:

   - À, à, vậy đó...

   Hắn quờ quờ trước ngực. Rồi hắn gầm:

   - Tao giết mày!

   Hắn nhào tới. Sâm vẫn đứng yên. Hắn đấm, đạp, tát. Tay chân hắn lún vào thịt mềm, hắn hả quá. Hắn rít răng:

   - Gan, cho mày gan!

   Chỉ cần một giọt nước mắt, một tiếng xuýt xoa, một cái gì đó đủ tỏ rằng Sâm biết đau, hắn sẽ ngừng. Không có gì hết. Đôi mắt hạt huyền cứ ngó hắn như ngó một con chó ghẻ qua đường. Hắn túm tóc quật nhào Sâm xuống nền nhà, đá vào ngực, vào bụng để tránh đôi mắt kinh khủng ấy.

   - Cho mày lì! Lì nè! Lì nữa nè!

   Cánh cửa bật ra. Lố nhố mấy người ùa vào. Một giọng ồm ồm lạ tai:

   - Đ. mẹ, đứng tránh tao coi. Ê, Rân, biểu mày xê ra!

   Rân thở hồng hộc. Hắn buông tóc Sâm, gạt mồ hôi trên cằm.

   - Nó khai không?

   Rân lắc đầu. Hắn đánh Sâm chưa được bao nhiêu, nhưng mệt vì thuốc phiện trắng và những xúc động cuồng loạn thoắt đến thoắt đi.

   - Bộ mày hiếp nó sao mà xuống gối dữ vậy? Đỡ nó ngồi dậy. Mở cửa sổ tao coi giai nhơn thử. Tụi áo beo trầm trồ hoài con nhỏ thơm thịt lắm.

   Sâm thoáng thấy dưới mí mắt sưng một thằng đeo kính râm, mặc áo len dài tay, trán hói và bụng to. Chắc là thằng Châu, chi trưởng công an quận. Nghe nói hắn là ty trưởng công an tỉnh, mới bị bọn ghen ăn đá xuống cấp dưới.

   Trung sĩ Huỳnh bé choắt chen tới, bỗng kêu:

   - Mẹ cha, bắt trúng đằng mình rồi!

   - Ủa...

   Huỳnh giẫm chân:

   - Con nhỏ cộng tác viên của tôi đó hể. Nó đưa tin mấy lần trúng bóc hết.

   - Cộng tác viên sao lại ném lựu đạn, cõng du kích?

   - Mấy ông lực lượng đặc biệt đó gặp ai bắt nấy, trời đánh trật búa xưa nay. May không tiêu mất em út.

   - Hừ, tụi nó bắt tại trận kia mà, Huỳnh!

   - Thì anh Hai hỏi cung cả ngàn đứa bắt tại trận rồi đó! Việt cộng rút tới núi xanh núi đỏ, các ổng mới ngóc đầu dậy, mò vô xóm nắm đầu một mớ đàn bà con nít, đem về làm lễ chiến thắng. Đâu có sáng suốt như ngành công an, anh Hai!

   - Thằng khéo nịnh mày... mà cũng đúng!

   Huỳnh chống nẹ hai tay, sừng sộ:

   - Anh Rân, ai cho anh vô đây khai thác hể. Anh dám qua mặt anh Hai là sao? Anh biết cảnh sát trưởng xã này là thằng nào không?

   Rân ấp úng: “Nó nhận rồi...”. Huỳnh càng to tiếng:

   - Mới nói nó không khai, bây giờ kêu nó nhận. Anh gạt ai chớ đòi gạt cả anh Hai...

   Thằng Châu bật cười ồ ồ:

   - Nó vô kiếm chác chớ khai thác gì. Em không cho chơi hả, em gì... Sâm, à Út Sâm? Coi ngọt nước quá ta! Điệu như em, mỗi lần cho mần phải hai ngàn đếm đủ. Mẽo thì năm ghim cứng cựa, nhớ chưa? Nè Huỳnh, để hỏi lại bọn thiết xa trên Đồng Dừa đã, đừng thả bậy. Thiếu gì đứa cộng tác viên manhxờlam.

   Châu đi ra, lắc vai như con gấu.

   Huỳnh và Rân nhìn nhau một loáng bằng tia mắt  nhọn hoắt, cùng theo ra. Huỳnh gọi lính:

   - Bay dọn chỗ cho anh Hai tắm nước nóng chưa? Dặn mụ Lành đánh tiết canh đủ hai vịt, còn so kè thì tao cho mồi lửa vô quán.

   Chừng mươi phút sau, Huỳnh kẹp nách một chiếc chiếu, xách ấm nước lộp cộp đi vào, nói to:

   - Sâm, mày nằm đợi đây hể. Đâu còn có đó, anh Hai đang cứu xét...

   Huỳnh cúi xuống rỉ tai Sâm:

   - Tôi gặp bác rồi. Cô rán chịu tới nửa đêm hể. Thằng Châu đánh ác lắm, không chết cũng què. Tôi cố trì hoãn một lát... Đừng nhận gì hết nghe cô Út, chối bay hết, nói họ bắt bậy nghe chưa?

   Sâm ngồi im, làm như không nghe gì. Thằng Rân đổi lốt lia lịa thì lão Huỳnh cũng có thể phản phúc lắm chứ. Huỳnh cũng không đợi Sâm trả lời, đi ra bóp ổ khóa một tiếng rắc, dặn tên lính gác:

   - Đứa nào tới đòi chấm mút, mày cứ bắn bỏ cho tao.

   Sâm tưởng thằng Rân đóng kịch. Sâm đi mãi ngoài nắng mà chưa luyện cho con mắt mình nhìn vào các hang rắn. Con rắn độc ham mê theo kiểu của nó.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #61 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2012, 04:19:41 pm »

*
*    *

   Hai tên Mỹ đội bêrê màu xanh rắn lục một bên cụp một bên vểnh, đeo phù hiệu SF (Special Forces - Lực lượng đặc biệt), súng ngắn ngang lưng còn thêm các bin trên tay, đã kéo ghế ngồi. Thằng Châu hất hàm:

   - Rân, hỏi các chả muốn coi kiểu nào.

   Rân uốn lưỡi cho đúng giọng, dịch thành một câu văn hoa: “Quí ngài muốn xem một vở kịch như thế nào ạ?” Hắn nói tiếng Anh khá trơn tru. Hắn không học thứ Anh văn cổ lỗ sĩ ở nhà trường đâu nhé. Hắn học ở lớp hội thoại của Hội Việt - Mỹ, sau đó còn học ở lớp riêng dành cho tình báo viên nữa. Chơi mấy thì chơi, cũng phải có tí nghề tiến thân chứ. Các bạn học khinh hắn “bám đít Mẽo”, hắn cũng khinh lại họ là ngốc, không biết theo thời.

   Một tên Mỹ cười. Kiểu cười trông lạ mắt: mặt nó bỗng nứt ra để lóe răng vàng, đóng sập lại, rồi tiếng cười bật ra khịt khịt qua cái mũi lõ.

   - Các ổng nói tùy ý, nhưng cần làm gấp.

   Châu mới thử Rân mà đã không vừa ý. Cái bọn con nít ranh võ vẽ tiếng Anh hay mê làm tình báo riêng của CIA. lắm. Một sự cạnh tranh nguy hiểm. Ngốc nghếch như thằng Huỳnh lại dễ sai khiến. Châu quay sang Huỳnh, hỏi lè nhè:

   - Mấy giờ rồi mày?

   - Dạ chín giờ. Anh Hai đi cả ngày mệt, hay để em lấy cung, mai trình lên anh Hai duyệt...

   - Đâu được. Tụi quân báo ôm máy PRC.10 đợi trên đó. Hễ số cơ sở nằm chìm trốn hết thì tụi nó úp nồi cơm. Với lại khai thác con gái vui lắm. Hơn coi nhảy bí bớp cởi truồng. Nè mấy cậu Amêricơn, phải vầy không: Bí bớp này côm tu mí, ý này mai là bé bí. Huých, chổng hai chân lên trời! Ha ha... Kéo lên mày!

   Lần này cả hai tên Mỹ cùng cười.

   Cái ròng rọc lắp trên xà nhà nghiến răng. Sợi dây thít hai cổ tay Sâm chập vào nhau, lôi Sâm lên lủng lẳng. Thằng Châu bước tới, túm cổ áo phin trắng của Sâm giật mạnh. Hắn xé ba lần hết cái áo. Hắn ném cái quần cho tên nhân viên công an:

   - Cho mày, còn mới đó. Cái xi líp nữa. Không cần mặc lại đâu.

   Hơi rượu của hắn xốc vào mặt Sâm. Đầu Sâm bị hai cánh tay treo chèn ngửa ra sau. Sâm ngoái cổ nhìn má lần nữa rồi nhắm mắt, vẫn thấy má bên trong mí mắt.

   Má bị trói tay vào chân bàn, ngồi trong góc kia. Trước sau má chỉ trả lời thằng Châu ráo hoảnh: “Con tôi không tội tình gì hết... Tôi à? Tôi có tội sao còn đến đây?”. Má ngó Sâm đăm đăm. Sâm hiểu má muốn nói gì. Phải chịu nhục chịu đau mà giết tụi nó. Nhận đòn, trả đạn. Con sẽ chịu hết như má đã từng hai lần chịu roi xé thịt, má ơi! Con chỉ sợ các ảnh ập vào lúc này. Con chỉ mắc cỡ với người, chứ không thèm xấu hổ với đồ chó dại!

   - Chà, gấp quá không anh em mình giải trí chút đỉnh. Nè, du lai cờ? Du oan? Gút gút (45)! Cái co tuyệt chưa. Coi vú nó nè, còn trinh rõ ràng. Tụi áo beo cho ăn báng súng bầm tím con nhỏ. Bị thương ở chân nữa. Tội em quá, trầy vi tróc vảy hết. Bước một bắt đầu, “tẩm quất ơ!”

   Tên công an bước tới cái ghế dài trên đặt bó roi tre vót bốn cạnh, cái lò đất đầy than chưa nhen, cái chậu thau nhôm với con dao găm mới mài. Khi tra những người sắp thủ tiêu, hắn chỉ đi gọn ba bước: đánh bằng roi, đóng dấu nướng đỏ, cắt tiết moi gan.

   Thằng Châu đưa một chén rượu. Tên công an uống cạn, rút hai cây roi cầm hai tay. Không nói rằng, hắn liếm mép, quất roi đầu tiên rất mạnh vào lưng Sâm. Một cây kim xóc thẳng lên óc Sâm. Tất cả các đường gân trên người Sâm cùng giật. Một roi nữa. Roi nữa. Sâm quằn quại. Thân thể Sâm treo trên dây từ từ xoay tròn, lần lượt hứng roi không sót chỗ nào.

   Tên công an đánh đều tay. Hắn không gào thét, chỉ thở gấp dần. Lâu lắm hắn mới hỏi lấy lệ: “Khai không?”, tay vẫn quất. Hắn quen xem tướng người bị đánh, biết Sâm không phải hạng dễ bắt khai. Tất cả bọn công an dưới trướng thằng Châu đều học kiểu giết người máu lạnh.

   Bọn Mỹ gật gù, ghé tai nhau nói gì.

   Cảnh sát trưởng Huỳnh hết co lại duỗi hai chân dưới ghế, cười ngờ nghệch khi thằng chi trưởng công an pha trò. Khi ngà ngà say, thằng Châu thường vui tính với đàn em, biến những buổi tra tấn thành trò chơi chấm dứt bằng bữa tiệc rượu lậu nhắm gan người. Hắn cấm tay chân không được đấm đá vào bụng “đương sự”, sợ giập mật, gan mất ngon. Hắn cười khành khạch:

   - Sao hằm hằm vậy Rân? Thèm con nhỏ chảy nước miếng hả? Còn mày, già đầu mà ngu như heo Huỳnh à. Làm tao cũng xấu lây. Ai lại bắt phạm nhơn giao công an rồi mà tụi Mỹ phải đích thân tới nhận mặt lần nữa, tụi nó cười là phải.

   - Dạ, anh Hai thổi sơ một phát.

   Huỳnh lại ấn cốc rượu đầy vào tay Châu. Châu uống. Hắn xúc một thìa lòng vịt xào, nhai, kêu mặn, uống nữa. Chai rượu Mỹ hiệu “Đen và trắng” đã cạn một nửa mà hắn còn tỉnh, Huỳnh rót mời hai tên Mỹ. Chúng lắc đầu. Một thằng moi túi áo trong lấy ra một chai dẹt như bình nước hoa, mở nút vặn, ngậm miệng chai, dốc ngược lên bú một hớp và buông xuống, rất nhanh. Kiểu uống cũng lạ như kiểu cười.

   - Coi đó Huỳnh. Bọn cộng tác viên ăn tiền nói láo đâu có lì đòn như con nhỏ này. Bất kể quốc gia hay cộng sản, hễ chĩa súng trước mặt là tụi nó són đái, miệng khai tay lạy. Đánh rớt thịt không thèm kêu mới thiệt cộng sản nguyên chất... Nè mụ kia, biểu nó khai tào lao gì cho xong đi. Để dành con mà gả lấy của chớ.

   Từ chỗ góc nhà vẳng lại tiếng nói hằn học của má Bảy:

   - Nó biết gì mà khai.

   - Coi bộ mụ còn chai sạn hơn con nữa. Đúng là cộng sản có nòi... Ừ coi như bắt lầm đi. Lầm cũng chết. Tụi này giết lầm hơn bỏ sót, mụ biết rồi. Con mụ chết là tại mụ đó.

   Huỳnh đưa mắt nhìn má Bảy, phân trần, van vỉ. Má ngó lơ kẻo địch nghi. Huỳnh lại cười ngớ ngẩn, nhấp nhổm hai chân, chìa cái cốc đầy vào tay thằng chi trưởng mạnh rượu đã bắt đầu ngấm say nhưng vẫn chưa đổ.


---------------------------------------------------------
45.Các ông thích? Các ông muốn? Tốt, tốt!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #62 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2012, 04:26:13 pm »

   Những ngọn roi đầu tiên đánh vào Sâm làm giật bắn cả người má Bảy, như núm nhau vẫn còn nối liền con với má. Má mím miệng nuốt một tiếng rên nhức nhối. Rồi má đỡ buốt dần. Má tỉnh lại. Đánh bằng roi chỉ đau chứ không chết. Má dồn sức vào ý nghĩ báo thù để an ủi con, an ủi mình. Sâm lủng lẳng dưới xà nhà, má bị trói vào chân bàn, mà hai má con vững như những cây trời trồng giữa rừng với dây leo chằng chịt nối ra chung quanh, hàng ngàn cây giăng tay níu nhau chống bão. Hai má con sẽ sống. Còn chúng nó hùng hổ vậy đó, nhưng bàn tay của Cách mạng đã thò đến tận gáy chúng nó rồi, chỉ có má trông thấy... Ý nghĩ ấy bốc men giữ má ấm, khỏe. Má ngồi không nhúc nhích, trông như người sợ sắp ngất, nhưng ánh mắt má xuyên qua cặp roi vụt tới tấp đến quấn lấy con, vuốt ve dỗ dành con, dặn con cố chịu, hẹn với con sắp được trả thù.

   Huỳnh không chịu được nữa, bước lại níu tay tên công an:

   - Thì để nó khai thử coi?

   - Bất tỉnh nhơn sự rồi, khai gì.

   - Biết vậy sao còn đánh?

   - À, đánh trổ tài, đánh biểu diễn cho bà con coi chơi.

   Tên công an vất cặp roi đã thay lần thứ ba. Hắn lấy tay xoay người Sâm, đưa mặt trước, mặt sau và hai bên ra ánh đèn măng sông:

   - Anh Hai coi nè. Tôi đánh như gió cả hai tay mà đố ai tìm ra hai dấu roi trùng một chỗ. Bảnh chưa?

   Trên da thịt trắng muốt đã in sẵn những dấu bầm của báng súng, giờ phủ thêm một tấm lưới những vết roi dệt chéo rất đều, chen những sợi máu chảy dọc đang loang trên mồ hôi.

   - Thằng khá, khá. Con hơn cha nhà có phước. Thả xuống, đổ nước cho tỉnh. Coi bộ con này nộp đơn xuống mả bay ơi. Du xi? Đét, đét (46).

   Rân dịch lời một thằng Mỹ:

   - Nhân viên của ông là một người có tài. Nhưng chúng tôi thấy cần lấy tài liệu gấp hơn nữa. Chúng tôi yêu cầu làm thẳng tay hơn nữa.

   Thằng Châu gắt:

   - Đ. mẹ, biểu tụi nó đào mả cha lên mà lấy tài liệu... Mụ kia, bỏ con chết hả? Khai thác là vậy đó, không khai thì thác. Mụ biết gì khai thay cho nó. Nó chết rồi tới lượt mụ, liệu hồn.

   - Tôi không biết gì hết.

   Vẫn giọng nói lạnh lùng như cũ đáp lại hắn.

   Thằng Châu uống, lại uống. Mặt hắn sạm như màu chì. Mười lăm phút sau, hắn say đến cái độ mở mắt nói mê, nhưng vẫn không lăn ra để cuộc tra tấn đứt đoạn. Bọn Mỹ lắc đầu, bĩu môi, nhún vai.

   Rân bốc hai viên thuốc trong hộp, vỗ vào miệng. Hắn lừ lừ đứng dậy, xắn tay áo, cầm con dấu sắt chọc vào lò than, vẫy một người lính bảo an gác cạnh cửa:

   - Quạt lò!

   Người kia không nhúc nhích. Tên công an vò một tờ báo nhen lửa, lấy cái chậu thau nhôm quạt đụng đất côm cốp.

   - Rút nó lên!

   Lần này Sâm lách đầu ra phía trước. Sâm cần nhìn những đứa sắp giết mình. Cần nhớ mặt chúng nó. Đây thằng Rân. Bộ mặt thường ngày bảnh trai bây giờ trở nên ma quái. Mép hắn chằng ra, một góc lông mày rướn lên giật giật. Hắn ghé sát mặt Sâm. Sâm thấy đồng tử hắn nở chật tròng đen. Hắn rít qua kẽ răng:

   - Sâm, muốn sống hay muốn chết?

   Loang loáng trong đầu Sâm những trang giấy thơm lật nhanh. “Hình bóng của nàng vĩnh viễn ngự trị trong đời ta... Ôi, lẽ nào em nỡ tàn nhẫn với con người quì gối dâng em những giọt máu của tâm hồn quằn quại đắm say...”. Những xấp khăn voan Nhật. Những bình nước hoa Pháp. Những tấm ảnh mặc vét tông đeo ca vát ôm sách, mặc cao bồi bên môtô, mặc áo quần lính dù trước cái phông vẽ “chiều hành quân”, tất cả đều đề tặng “nàng tiên của anh”. Nàng tiên bị treo đây, máu ứa đầy mình. Con người si mê đang túm cái cán gỗ, nhấc lên một con dấu nung đỏ. Hắn đấy. Cũng một đứa đấy. Không chiếm được, hắn cắn, xé, giết. Một cái gì gớm ghiếc ộc lên cổ Sâm. Sâm muốn nôn ngay vào mặt hắn.

   - Sâm! Mày để cộng sản ở đâu? Trong bụng hả?

   Hắn thúc con dấu vào dưới rốn Sâm. Con dấu bốc khói. Mỡ cháy xèo. Sâm rú một tiếng ngạt thở khi bó kim thuốn vào ruột, phóng lên óc:

   - Má ơi!

   Sâm không định gọi má, nhưng câu nói đầu tiên của mọi đứa trẻ bỗng bật ra. Má ở đâu đấy đáp ngay, cũng bằng câu đầu tiên của người mẹ trả lời con:

   - Má đây con!

   Giọng má run lẩy bẩy. Nhưng má không khóc, không van, cũng không chửi.

   - Con... con chết má ơi!

   - Tầm bậy, chết sao được.

   Giọng má đanh lại, nghiêm khắc.

   Huỳnh chồm lên, lại từ từ ngồi xuống. Rân nhấc con dấu ra, vùi vào lò. Mùi mỡ cháy bay khét tanh. Trên da bụng Sâm hằn hai chữ VC đen, lõm vào, bắt đầu rỉ nước đỏ. Đó là con dấu riêng của thằng Châu để in vào người hay vào mặt những cán bộ, du kích bị bắt. “Coi là biết ngay Việt cộng có tiền án, khỏi mất công đọc hồ sơ”. Hắn tính vậy, nhưng thường giết luôn sau khi đóng dấu.

   Sâm nhắm mắt, thoi thóp. Má vẫn không cho Sâm liều mạng với nó. Thôi được, bay cứ xé nát mình tao. Để cho tao hàm răng. Tao cắn cổ. Tao cắn cổ...

   Rân thò tay lôi con dấu nướng trắng. Cũng lúc ấy Sâm vụt nhớ Bê. Cơn nhớ nổ dữ dội như sét, bằng nhiều năm yêu thương đúc lại. Cả thân thể Sâm rung lên trong tiếng kêu thầm. Anh Bê của em đâu? Đồng chí bí thư của em đâu? Em chỉ cần thấy anh một giây, một chớp loáng. Đến với em đi, anh ơi, đến với em...

   Rân vung con dấu:

   - Mày giấu cộng sản đâu nữa? Đảng nằm trong tim hả? Nè tim!

   Hắn ấn con dấu cho lún sâu vào vú bên trái Sâm. Hắn ghì thật lâu cho thịt cháy hết mức. Bó kim lại thuốn vào ngực, chạy lên óc khi Sâm vừa thấy Bê hiện trước mắt, tha thiết và rụt rè. Sâm thở hắt một tiếng, mang người yêu theo mình vào mê loạn. Đầu Sâm gục xuống ngực. Mái tóc dài, nặng và hơi uốn sóng đổ xuống, chạm sắt nóng cháy rèn rẹt.. Mùi tóc lẫn mùi mỡ nướng bốc nồng nặc trong phòng. Hai tên Mỹ vẩy lọ nước hoa vào khăn, bịt mũi. Khi đi càn, đứa nào cũng mang theo nước hoa để rảy lên mình các cô gái chúng hiếp.

   Má Bảy cứ tỉnh.

   Má quen chịu tra hơn Sâm. Má cưỡng lại cơn lịm từ chân tay tê dại chực lan lên đầu. Má rướn nửa người tới trước, mắt trừng không chớp, thay con đếm tội ác. Phải tỉnh mà nhớ thù. Bọn quỉ sẽ thay nhau hiếp con má, cắn đầu vú hút máu, rạch bụng, vất trả má cái xác sổ ruột, xào buồng gan trong cái chậu nhôm đặt trên bếp, nhai, cười sặc. Má phải thấy hết, kể lại hết. Nhớ thù. Nhớ thù. Nhớ thù. Tim má chỉ còn đập hai tiếng ấy, như cái đồng hồ đang gõ trên bàn đưa kim nhích tới số 12, như súng sắp nổ cắc bụp nhịp đôi. Nhớ thù. Không được ngất. Nhớ thù.

   Thằng Châu đã bị chai rượu mạnh quật nhào. Hắn úp nghiêng mặt xuống bàn, ngáy phì phò. Huỳnh xem đồng hồ, lay Châu mấy cái, định đưa thêm cốc rượu nữa. Châu vẫn ngáy.

   Con dấu lại dần dần đỏ. Rân rút nó ra:

   - Đây, tao cho mày hai chữ Việt cộng giữa mặt, để tụi nó dễ nhận đồng chí!

   Huỳnh ra ngoài vừa trở vào, giật con dấu vất vào góc nhà, cười gằn:

   - Anh tính giết nó để bịt đầu mối, không cho nó khai hể?

   - Anh bênh nó...

   - Coi bộ anh tra tôi biết liền. Cha con anh lâu nay thì thọt với Việt cộng, con này làm liên lạc cho anh phải không?

   - Việt cộng là anh đây nè!

   Gằn hắt một hồi, cả hai bắt đầu to tiếng. Bọn Mỹ đứng lên, sừng sộ đòi có ngay danh sách “Việt cộng nằm vùng”, đòi trừng trị “con du kích đã giết hàng loạt người Mỹ”. Rân chồm tới dựng thằng Châu dậy. Huỳnh và Rân cùng hét vào tai hắn. Mất đến nửa giờ, thằng Châu mới dẹp xong đám cãi nhau.

   Thêm hai lính bảo an nữa bước vào phòng. Bốn người lính thì thầm, lại im. Mặt họ tối sầm, mắt long lanh liếc qua lại, cử chỉ có cái gì giật khớp, trông rất lạ. Cũng lạ như điệu bộ loay hoay của Huỳnh, như cái đêm nay vắng hẳn tiếng súng và tiếng loa của du kích.

   Rân để ý ngay những cái khác ấy. Hắn thấy rợn. Huỳnh nóng máu có thể khử hắn. Chỉ cần một viên đạn nổ cướp. Lão chi trưởng không ưa hắn, bao che cho Huỳnh...

   Để mặc tên công an quạt lò côm cốp, Rân lẳng lặng bước lùi ra sau lưng Sâm, nép vào bóng Sâm, đứng sát cửa ngang, kéo chốt cửa thật nhẹ. Huỳnh rời bàn bước ra cạnh cửa chính, quay mặt vào trong, mắt gườm gườm. Tay Huỳnh kín đáo đặt hờ trên chuôi súng rulô. Rân lạnh toát người, nhấc cánh cửa từng tí một.

   Một hồi còi xe lam nổi bên ngoài. Khóa nòng tiểu liên nhảy rắc rắc. Bọn Mỹ chồm dậy. Hai cây Tomxơn chĩa vào chúng, cùng nổ một lần váng óc trong phòng kín. Huỳnh quát:

   - Thằng Rân! Còn thằng Rân nữa hể!

   Không ai thấy Rân đâu cả. Cánh cửa ngang còn rung.


--------------------------------------------------------
46. Các ông thấy? Chết, chết.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #63 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2012, 04:30:55 pm »

*
*    *

   Trời vụt sáng trắng và đất nẩy bật lên khi luồng sét bộc phá đầu tiên đánh vào “ấp chiến lược” Đồng Trầu đang xây dở. Vài giây lặng ngắt, rồi súng các kiểu cùng gầm một lần.

   Ta đánh. Trận đánh của ta bao giờ cũng gắt mà chừng chạc.

   Đạn lửa lằng nhằng xoắn nhau đấu gươm. Súng không giật thổi từng đường chớp và cục lửa đỏ lừ, đếm nhịp đôi “pình rầm”. Pháo hiệu dựng lên trời những cần câu đỏ xanh vàng. Trong lửa trắng của bộc phá, những súc gỗ tảng đá bị quả trước ném lên chợt hiện chợt biến lơ lửng trên không. Đèn dù xòe sáng trong mây thấp, soi trên những bụi cây phụt khói, những bóng đen vọt, nằm, chạy. Tiếng loa binh vận luồn qua các đường đạn, xoáy vào các lô cốt dã chiến đang vỡ toác trong cơn động đất.

   Sâm tỉnh dậy.

   Đất dưới lưng Sâm rùng mình liên tiếp. Trần hầm cựa quậy. “Nó bắn pháo... hay thả bom...”. Ngọn đèn dầu lửa chao qua lại. Một người mặt chìm trong tối đang xoa bụng Sâm. “Chúng nó lại làm gì mình?”. Sâm quẫy mạnh, “hự” một tiếng trong mũi.

   Mại reo:

   - Tỉnh rồi bác ơi!

   Sâm đang nằm trong một lô cốt của lính bảo an đắp ở góc sân trường học. Chị y tá đã băng ngực băng bụng cho Sâm. Má và Mại xoa dầu khuynh diệp trên các vết roi, dấu trói. Mại khóc thút thít, má chỉ chảy nước mắt.

   - Bộ đội mình đánh đó Sâm. Nổ sướng chưa. Đánh cả Đồng Trầu, Đồng Mè, hốt hết trơn. Tơi bời khói lửa!

   Sâm khỏe lại rất nhanh. Lâu nay vẫn thế, vừa ốm lăn lóc hay mệt đứt hơi đấy, ngoảnh đi ngoảnh lại Sâm đã tươi rói như cũ. Sâm níu cây chống sườn hầm, định ngồi dậy. Hai bàn tay sưng trượt trên gỗ nhám.

   - Má... cho con coi chút.

   Sâm vịn vai Mại và má, đi ra con hào.

   Một cơn đông sấm chớp đang đổ xuống xóm Đình. Bộ đội mình về. Những anh bộ đội Sâm quen chắc có mặt đấy cả. Anh Tư xóc lưỡi lê các bin, trợn mắt hét dữ. Chị Ơn gọi đồng đội lanh lảnh, luôn tay bóp cò cây súng trường Mỹ rất nặng nhưng sẵn đạn. Anh Bê đánh dưới Đồng Mè. Tỉnh như không, anh đang nhảy qua các gốc dừa, đưa cái còi toe toe rất buồn cười lên miệng thổi, hay gọi loa giữa hai loạt tiểu liên.

   Sâm ghé miệng sát tai Mại, hỏi ngập ngừng:

   - Hồi mình đang bị... hồi chưa mở trói... các ảnh có vô chỗ mình không?

   - Có anh Tư với tụi mình thôi. Con Trấu đuổi anh Tư lập tức.

   Sâm thở ra, nhẹ người.

   Chị em đủ cả. Chỉ thiếu Ngọ... Bây giờ nhớ Ngọ được rồi. Một cặp chân ứ máu tím dính vào một đống lùng nhùng những thịt, da, tóc nhào với bùn xám, từng chỗ nhô lên vài cái đầu xương trắng như tròng mắt long nhìn giặc. Sâm nấc nhẹ nhưng không khóc. Tức giận vừa phải còn khóc được. Khi căm thù đã hiện thành đống xương thịt của người bạn thương nhất. Khi căm thù ngấm theo lằn roi và dấu lửa vào khắp thân thể, Sâm không khóc nữa, cũng không nghĩ nhiều đến những mối thù phải trả. Người ta không cần khóc hay nghĩ khi đưa mũi dép chà con bò cạp chạy qua đường.

   Chiếc đèn dù cuối cùng nhểu những giọt lửa hàn xì, lụi hẳn. Không có quả khác lên thay: súng cối địch câm họng hết. Đại bác địch ở quận không thấy bắn về. Chắc đấy cũng bị ta đánh. Chỉ có pháo hiệu kéo đuôi chấm chấm rướn lên kêu cứu. Sâm nhìn theo một đốm xanh bay cao hơn, bỗng thấy trăng mười sáu nở tươi tắn giữa mây như một nụ cười.

   Trên sân trường, trung đội bảo an khiêng vác rất nặng đang kéo hàng một ra cổng, thả rơi lại những tiếng cười nở phổi và tiếng hể của trung sĩ Huỳnh. Còn mươi thùng đạn để giữa sân đợi chuyến sau. Cô Trấu chạy lăng xăng như ngốt của, đợi vắng mới xách ba cây các bin đến đưa xuống hào:

   - Giấu đi Mại. Đợi chia phần tụi con gái còn khuya! Băng đây. Đạn muốn mấy có nấy.

   - Đâu đạn đâu?

   - Lên khuân với tao. Ông Sỏi giao một mình tao gác. Thợ may ăn giẻ, mày biết rồi đó.

   Sâm gọi Trấu lại, hỏi tin thằng Rân. Vẫn chưa bắt được nó. Sâm giẫm chân:

   - Hồi nó vọt ra chị em mình ở đâu?

   - Đang chạy qua cổng. Chắc nó leo qua hàng rào.

   - Không! Rào kẽm gai ba lớp, gài mìn lu bù, nó dốt quân sự đâu dám bò qua mìn... Kéo tao lên! Má vô lô cốt nằm nghỉ đi má!

   Má Bảy biết lúc này không thể cản Sâm hay làm Sâm vướng vì dặn dò nhiều. Má giữ cho con sống được rồi, còn sống để làm gì thì con tự lo. Sâm cắt Trấu gác cổng. Má theo Trấu leo lên nóc cái lô cốt gạch bên cổng, đứng xem đánh.

   Đến bây giờ Sâm mới nhận ra Mại bôi mặt, mang súng, hết nói nhõng nhẽo. Sâm không thấy lạ. Nước lên ắt bèo nổi.

   - Đeo súng gì đó Mại?

   - Trấu... à, Kim Hương... mới đưa hồi tối. Nó nói súng của Sâm. Mại chưa biết bắn.

   - Hay quá, đưa đây tao. Săn thú ban đêm phải bắn súng săn.

   Cây súng quen cầm gọn tay quá. Sâm luồn ngón tay vào ổ đạn. Đầy. Một viên đã lên nòng. Sáu phát, năm mươi bốn hòn chì. Chỉ cần một hòn trúng đích.

   Sâm kẹp súng đi tập tễnh. Mại soi đèn pin, sục vào các phòng học lổng chổng những bàn bị hất ra lấy chỗ kê ghế nằm. Từng lúc, một viên đạn lạc bay đến chém ngói vỡ rổn rảng, hay cắm vào tường thành tiếng “chốc” của chim sẻ bị chụp. Tiếng súng thưa dần. Bộ đội hô xung phong ở xa nghe rất trầm. Còn một cây đại liên rú dài như thằng giặc nào đấy đã chết với ngón tay vẫn ghì cò.

   Vải áo cọ vào da ngực và bụng Sâm rát dựng tóc, Sâm cứ phải túm áo nhấc khỏi da bằng tay trái. Vết thương ở chân bị roi quất sưng tấy. Cây súng nhẹ là thế đè trên tay Sâm như cái chày gỗ chò. Nhưng tìm mãi, tìm mãi, Sâm hết mỏi, rát, nhức. Trước mắt Sâm chỉ còn thằng Rân, cũng như hồi sáng đánh xe Sâm chỉ thấy trái thủ pháo quên rút chốt.

   Mại rụt rè:

   - Chắc nó luồn ra đồng rồi. Sâm mệt không?

   - Soát nữa!

   Quanh ra nhà xí cũng không có. Mại oẹ luôn mấy cái, vẫn cố theo Sâm. Ngón tay chỉ trỏ của đèn pin vàng đi. Sâm bỗng kêu “à!”. Mé sau trường có một khúc hào tránh máy bay từ kháng chiến trước còn lại. Sâm với các bạn hay chơi ú tim ở đấy. Lớp anh Sỏi và Rân cũng chơi ở đấy.

   - Tắt đèn, đi nhẹ chân.

   Một quả núi mây đen đang tới. Sâm đợi trăng khuất hẳn mới đi. Cũng may đèn dù và chớp lửa đã hết, chỉ có lũ dế thính tai ngừng kêu dưới chân Sâm rón rén.

   Có tiếng động trước mặt. Sâm kéo Mại ngồi thật thấp tránh đạn. Một cái gì tròn từ từ nhô lên khỏi đường chân trời, xoay chậm.

   - Đèn!

   Luồng sáng chụp vào Rân đứng dưới hào đang vươn cổ dòm. Hắn quay lại, thụp xuống, ngã luôn thành tiếng nặng và mềm. Bốn hòn chì trong phát súng của Sâm đã cắm vào trán hắn.

   Về sau, lâu lắm, Sâm còn nhớ bộ mặt thằng Rân phơi ngửa dưới hào. Mép chằng, lông mày rướn, giống hệt khi hắn thúc khối sắt trắng vào ngực Sâm. Tại sao khi giết người và bị người giết, hắn đều mang trên mặt con dấu của cái chết? Sâm không hiểu nổi, chỉ biết rằng mình đứng trước gương mà tập cả tháng cũng không nặn ra được một bộ mặt quỉ quái như vậy.

   Nghe súng nổ, Trấu chạy ào ra sau trường. Má Bảy sợ con bắn hụt, vẫn đứng gác trên nóc lô cốt. Chỗ này cao, thấy được tận biển, nhưng mắt má kém nhìn cứ mờ mờ thế nào.

   Địch ở Đồng Trầu đã ngừng lồng lộn. Phía Đồng Mè ta còn đánh gắt. Mây che trăng khiến mặt đất đen lại, và mảng đen ấy nẻ toác trước mặt má, rơi vỡ từng mảng ầm ầm, làm tóe những bó lửa những búng lửa nhiều màu. Xa hơn nữa cũng chi chít lửa. Ai đó vừa đá cái lò đốt con má ban nãy, những hòn than hồng bay ra châm lửa khắp vùng. Bốn chung quanh má, đến ngút tầm mắt, đồng bằng miền Trung đang cháy rừng rực trong đợt đồng khởi thứ hai.

   Sâm kêu to đằng sau, rất vui:

   - Má ơi, kiếm dây đi trói tù binh má! Bà con thắp đuốc như soi ếch rồi kia má!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #64 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2012, 04:33:58 pm »

22

   - Tao lạy mày!

   - Ngó coi kỳ chưa? Mặt nó cắt không ra giọt máu, Tết nhứt tao đánh cho chút má hồng mà nó làm như tao lột da!

   - Người ta cười chết...

   - Các chị văn công đánh phấn thoa son người ta cũng cười à? Mất lập trường à? Phản động à?

   - Du kích khác, văn công khác...

   - Thôi mặc kệ. Mày kiêng son phấn thì cứ bôi lọ nồi đen thui, mặc bộ đồ xanh rách vai rách đít của ông Sỏi đó, đi cà nhúc cà nhắc lên sân khấu: “Thưa bà con cô bác, cầm quân đàn bà đánh giặc là tôi đây ạ!”.

   Các cô vây quanh Sâm cười lăn lộn trong khi Trấu vẫn hùng hổ giơ mảnh giấy bao hương đỏ thấm nước, đòi xoa lên mặt Sâm.

   Đội múa đang tập ngoài sân đập phên gọi chõ vào:

   - Khép bớt mấy cái loa binh vận lại, để người ta sửa soạn lên sân khấu!

   - Đây cũng sắp lên sân khấu như ai!

   Sâm đã chịu ngồi yên để Trấu vẽ mặt. Được thể, các cô xúm vào như cùng dán một cái đầu lân chơi Tết:

   - Bôi môi nữa mày.

   - Lấy than kẻ lông mày dài ra mới xinh.

   - Đứa nào có bông tai? Bông nở, không thì bông búp cũng được.

   - Trời ơi đất hỡi, ngày Tết mà nó cứ đánh cái áo vá! Mày có cởi ra lập tức không Sâm?... Khép cửa cho nó chút bay.

   Sâm bị giằng co xô đẩy, nhấc cằm, kéo tai, lột áo, trong khi Mại cứ nhẩn nha bôi dầu thơm chải tóc cho Sâm, tết hai cái đuôi sam thật đều, buộc hai nơ lụa trắng. Trấu chạy ra sân: “Cho mượn cái gương”. Miệng nói tay giật, Trấu nhảy vào nhà giữa tiếng phản đối í ới.

   - Mày coi vừa bụng chưa?

   Sâm nhìn vào gương, bỗng muốn quay đầu xem ai soi trong ấy. Sâm thật rồi. Nhưng, chết chưa, sao mà... đẹp hẳn lên vậy? Sao Sâm giống các chị văn công vậy? Trống ngực Sâm đập vội. Sâm hồi hộp mỉm cười trong gương, muốn ngắm mình một tí nữa nhưng lại sợ các bạn giễu. Còn Trấu chỉ ngại Sâm chê:

   - Ưng sửa chỗ nào tao sửa luôn.

   - Không, không...

   Sâm biết gì mà sửa. Ngay tóc của Sâm, không có má mắng hằng ngày là ổ quạ, Sâm cũng quên gỡ chải. Hễ xốc lọt được mười ngón tay coi như đạt yêu cầu. Lần đầu làm đỏm, Sâm lo bà con cười, lo anh Bê nghĩ Sâm ưa tô vẽ, lo đủ thứ. Thà quen diện như Mại người ta lại ít để ý.

   Mại reo: “Cô dâu xinh như mộng”. Mại ghé môi định hôn Sâm, bị Trấu túm tóc giữ lại: “Đừng làm lem nhem của tao”. Như Trấu vừa sơn xong cánh cửa, cấm trẻ em mó vào.

   - Sao rầu rầu vậy Sâm! Người ta đi học vài tháng chớ đâu xa mà buồn?

   Sâm chỉ cãi yếu ớt:

   - Bậy. Tao đang sợ lên mâm đây nè.

   - Mày đứng đây diễn thuyết tụi tao nghe thử. “Thưa toàn thể đồng bào!”. Giơ trái đấm vầy nè.

   - Chịu. Cứng lưỡi lắm. Phải chi còn con Ngọ...

   Sâm cắn môi. Lỡ rồi. Chị em im bặt cả. Thù đã trả nhưng vết thương chưa thành sẹo. Trấu tránh không quay ra đèn, nói nghèn nghẹn:

   - Mất nó... thì mày phải nói hay như nó. Thôi để con Sâm nghĩ, tụi mình ra dượt lại lần nữa. Con Mại phát loa kêu thiếu nhi là vừa.

   Các cô kéo ra sân. Sâm thắt nịt đạn và đeo súng vào người, đứng vào góc nhà tối, tập nói: “Kính thưa các vị đại biểu, kính thưa hết thảy bà con cô bác...”. Sao cứ mụ đi thế này. Không sợ địch mà lại sợ ta!

   Sâm ngẩn ra một lúc, rồi cầm đèn vào buồng, móc cái gương con trong bao đạn ra soi lại. Cô gái trong gương đẹp thật, nhưng cứ sao sao ấy. Sâm lấy khăn lau bớt má hồng, mày đen, môi đỏ, cởi đôi bông tai bỏ túi, nhoẻn cười với mình. Đúng Sâm đây rồi, hết ngờ ngợ. Tối nay, mồng hai Tết, Sâm sẽ lên trước mít tinh toàn xã, thay mặt xã đội lãnh phần thưởng chống càn và hứa hẹn đôi điều.

   Lâu nay Hai Ngọ thường được chị em cử lên nói trước đồng bào. Bây giờ Sâm phải thay Ngọ...

   Mìn của Ngọ nổ, rồi Ngọ trúng đạn ngắc ngoải. Tưởng chừng Ngọ đã đánh xong phần mình. Nhưng bọn địch quá dại còn hành hạ thân Ngọ. Chiếc M.113 kéo lê đống xương thịt của Ngọ và vạch một đường dây máu băng qua đất Kỳ Bường, đã kéo về sở chỉ huy sư đoàn một quả mìn lớn còn nguyên sợi dây giật. Chạy nhanh hơn xe là cái tin cô gái rất hiền ấy bị giặc giết rất ác. Đồng bào và chiến sĩ khóc Ngọ không lâu: nước mắt càng nóng càng khô nhanh. Trong đợt tiến công đêm ấy và mấy ngày tiếp sau, có những đơn vị quân “áo beo” đáng lẽ chưa bị đánh cũng phải ăn đạn nhào lăn, có những tên Mỹ chân dài có thể chạy thoát vẫn bị dao phay dao chuối của các má bủa vào đầu. Tắt thở lâu rồi, Ngọ còn giết thêm giặc.

   Những xác rằn ri chất đống và những gánh súng giúp chị em du kích khuây đau xót. Họ bớt nghĩ đến cái chết của Ngọ để nhớ nhiều đến Ngọ khi còn sống.

   Cô gái hai mươi tuổi ấy không có gì nổi bật để được người ta chú ý từ phút mới gặp. Thế nhưng giữa chị em, Ngọ cứ tự nhiên được xem như người chị cả, bởi Ngọ sớm biết chăm lo cho bầy em nhỏ, cho các bạn, cho đoàn thể mà không hề nghĩ đến mình. Đời Ngọ giản dị và ấm người như một tấm vải ta, dệt bằng sợi ngang của những hi sinh nho nhỏ hằng ngày ghép vào sợi dọc của sức vươn lên ngày mai. Ngọ đi rồi, các đồng chí chung quanh mới thấy hết những gì Ngọ để lại. Trong mỗi thành tích lớn nhỏ của tuổi trẻ Kỳ Bường đều có dấu tay vun đắp của Ngọ. Cô bạn thân nhất trao lại cho Sâm cái nết chín chắn của con chim đầu đàn. Sỏi - người Ngọ chớm yêu - đã nhận nhiều lời khuyên dịu hiền. Và tất cả chị em sẽ không quên những câu dặn ghé tai bỗng từ nay biến thành trăng trối.

   Sâm biết Ngọ không thích ai buồn vì mình. Phải ngừng sống giữa tuổi đôi mươi, từ khung ảnh trên bàn thờ, Ngọ vẫn ngửng đôi mắt tươi tỉnh nhìn các đồng chí đến thăm, ngắm cuộc sống đang lên dào dạt. Ngọ không già nữa: Ngọ cứ trẻ vui thế mãi. Mỗi lần thắp nén hương trước ảnh Ngọ, Sâm hay nhủ thầm: “Mày biết không, tao làm đúng như mày dặn, chỉ sửa một chút vầy nè...”. Sau phút nao nao, Sâm lại mỉm cười với ảnh bạn. Còn mối thù phải trả tiếp cho Ngọ, Sâm đã đúc nó thành một viên đạn nằm gọn trong tim, không để nó chảy tràn theo nước mắt nữa. Những người đã hi sinh muốn chúng ta cười để thắng giặc, và cùng cười với chúng ta trong chiến thắng.

   Đợt đồng khởi và đánh lớn của tỉnh đã nện gãy xương sống trận càn. Như kiến tránh lụt, quân địch ùn ùn chạy về giữ quận giữ tỉnh, bỏ xác M.113 và trực thăng, bỏ cả các “ấp chiến lược” điển hình và không điển hình đang xây dở. Vùng giải phóng mở rộng thênh thang, có mấy nơi từ biên giới Lào tỏa đến biển Đông. Kỳ Bường đã ăn một cái Tết vui chưa từng thấy.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #65 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2012, 04:36:22 pm »

   Chị em nữ thanh niên đến cất cho má Bảy một ngôi nhà mới hai gian hai chái trên nền cũ. Má gạt đi: “Thời buổi này cái nhà coi như nắm tro bón ruộng!”. Các cô cãi hết hơi. Rằng làm luôn cái trụ sở để chị em đến họp. Rằng nhà má ở cận đường. Rằng nay mai con Sâm lấy chồng nó ở ngoài bụi à. Rằng má nặng về tiêu cực. Gì gì nữa. Mạnh cô nào cô ấy nói dựng đứng lên, chẳng có cái cớ nào đứng thật vững cả, nhưng cái nhà cứ mọc lên chắc chân hơn mọi lý lẽ của má và các cô gái Đồng Dừa. Má sợ phiền chị em nên nói vậy, chứ má cũng thích có nhà rộng một chút để anh em bộ đội ghé thăm má có chỗ ăn ngủ cho vui. Trên cái nền cũ sém đen, ngôi nhà hiện lên như một lời thách thức ném vào mặt kẻ thù.

   Sâm được kết nạp vào Đảng giữa đêm giao thừa.

   Chi bộ bận việc rối mù, đến mười một giờ đêm mới họp lại làm lễ được, nhân tiện cùng nhau đón xuân luôn. Anh Dõng phó bí thư huyện ủy về dự. Ngọ được truy nhận đảng viên. Rồi đến Sâm, Chuân, Sỏi, và hai đồng chí nữa lần lượt lên trước cờ.

   Anh Bê đọc bản nhận xét của chi bộ về mỗi người. Sâm rối ruột chỉ nghe lõm bõm, hình như phần Sâm không có lỗi gì nặng. Cái đầu óc chim sẻ suýt nữa làm hỏng hết. Sâm đã học đi nhẩm lại lời thề chẳng biết bao nhiêu lần, đến khi đứng dậy bỗng quên sạch ráo, may quá mươi giây sau Sâm nhớ lại được cả. Kể ra không kịp nhớ Sâm cũng nói được, bởi lâu nay Sâm không nghĩ và làm gì ngoài những điều muốn hứa hẹn, nhưng nói vậy chắc lủng củng lắm, các anh chị cười chết. Lại thêm vết thương ở ngực Sâm phá quấy. Sâm đã băng cẩn thận, vào họp một lúc nó chơi ác ngấm ra ướt áo cánh trắng. Sâm xấu hổ cứ phải ngồi chỗ khuất và cầm mũ che ngực. Lúc bước lên Sâm đành bỏ cái mũ ra.

   Trước lá cờ búa liềm thấm máu người anh ruột, giữa những đôi mắt rưng rưng, cô du kích bần nông đã nói lời thề thiêng liêng nhất trong đời với một mảng máu loang đỏ trên trái tim, dâng lên Đảng lòng trung thành được tôi trong nhiều thứ lửa. Cô về chỗ mình giữa hàng đồng chí. Cô thở một hơi thật dài sau nhũng phút không thở, bỗng thấy vỗ trong lồng ngực mười chín tuổi những đôi cánh én lâng lâng của mùa xuân vừa bước tới. Rộn ràng tiếng pháo Hà Nội mừng cô lớn lên thành người cộng sản.

   Chi bộ ngừng họp, vây quanh máy thu thanh nghe Bác chúc Tết. Sâm cười ngẩn ngơ, tưởng Bác dặn riêng mình. Sâm nắn nót chép thơ Bác vào trang trắng chừa sẵn trên đầu cuốn sổ thơ đã đầy sáu chục trang. Nghĩ một lát, Sâm đề thêm dưới góc trang: “Kỷ niệm ngày sanh thứ hai”. Sâm ngửng lên, bắt gặp anh Bê đang nhìn Sâm tủm tỉm, khẽ gật đầu.

   Sau buổi lễ, anh Dõng đọc mấy nghị quyết về cán bộ. Tư Sỏi được về tiểu đoàn của tỉnh cùng với bốn mươi thanh niên tòng quân trong đợt ba. (Sỏi cười một cái cười đến mang tai. Năn nỉ mãi!). Sâm và Chuân cùng lên xã đội phó. (Cả hai cùng giật thót. Làm ăn sao đây...) Ủy ban Mặt trận tỉnh điều chị Ơn về làm công tác tôn giáo. (Chị Năm Tân gãi mũi, lo thiếu người thay chị Ơn trong Ủy ban Mặt trận xã). Cuối cùng là bức thư hỏa tốc của tỉnh ủy vừa đến cách nửa giờ, rút đồng chí Bê đi nhận công tác mới, rất gấp. Cả chi bộ đều sững sờ.

   Anh Dõng gãi mái tóc bàn chải mới cắt để “ăn nói với bà con thị xã”, tần ngần thêm:

   - Đồng chí Bê đi đâu, chi bộ ta không cần biết làm gì. Có điều nên đi thiệt êm. Các đồng chí cứ nói là lên học trên khu để bà con đỡ tiễn đưa. Qua vài tháng sẽ đưa tin cấp trên lấy luôn, công tác vùng núi. Về sau, thỉnh thoảng đồng chí ấy sẽ gửi thơ nhờ chi bộ ta giúp đỡ một số việc à, ví dụ như... đưa người về đây mở lớp huấn luyện, đặt nơi liên lạc, lấy cơ sở hợp pháp đi đây đi đó... Các đồng chí phải hết sức giúp, đừng đợi ý kiến của huyện mà trễ...

   Các đồng chí mỉm cười, nhìn Bê thương thương. Họ đoán ra Bê sắp nhận việc gì. Đồng chí bí thư trẻ tuổi đã gắn với chi bộ và nhân dân đến cái mức nhiều người ngạc nhiên khi nghe nhắc rằng Bê mới về Kỳ Bường chưa đầy một mùa đông, lại chưa từng ở Kỳ Bường bao giờ. Lòng mến phục đã tạo cho Bê thời gian và máu mủ.

   Bê phải đi ngay sau cuộc họp, chiều mồng hai Tết mới trở lại để bàn giao, kiểm điểm. Bị vây giữa những tiếng xuýt xoa thăm hỏi, Bê chỉ kịp rỉ vội vào tai Sâm: “Đợi anh tối mồng hai”.

   Trong hai ngày Tết, Sâm bận tíu tít, nhưng từng lúc cái ý nghĩ “anh Bê đi xa”, chợt nhói lên, và Sâm ngây người ra mất một hồi. Rồi hai cái ngày chống chếnh cầu treo ấy cũng qua. Sâm vừa dự họp gấp với chi bộ để góp ý với anh Bê. Nghe anh tự phê mà Sâm phát bực, cái gì cũng thiếu sót cả, y như bài kinh của chị Ơn “lỗi tại tôi mọi bề”. Chị Năm ghi biên bản, phải dồn cho “ông ấy” gần hai trang ưu điểm nữa để ông ấy chừa cái tật công người tội ta...

   Ngoài ngõ, chị Năm chợt gọi vào giữa lúc Sâm đứng trong buồng diễn thuyết với muỗi và chị em tập múa ngoài sân:

   - Vô coi được không các ả?

   Tiếng Trấu rất oai:

   - Chị vô được. Đàn ông cấm vô.

   - Ghê chưa! Đàn ông như bác Chín vô được không, a đồng chí Kim Hương?

   Trấu đã bớt oai:

   - Bác Chín nào chị?

   Chị Năm cười:

   - Tụi nó quên anh rồi. Thôi đi trớt, anh Chín.

   - Chết cha... dạ thưa bác!

   Các cô ùa ra ngõ đón bác Chín Chuyền, kẻo bác vào: “Bọn cháu múa bác coi, hễ sai bác bày”. Bác cười khà: “Tao chỉ biết múa đũa hai đầu thôi... Nhà đi đâu hết?”. Sâm vội tập tễnh chạy ra sân, chen tới:

   - Má cháu đi thăm bộ đội, anh Tư ở với du kích, một mình cháu thường trực đây.

   Tất cả kéo nhau xuống chợ Đồng Trầu dự liên hoan.

   Gió bấc thổi thông thốc trên đường ôtô. Các cô mặc áo mỏng để thay áo quần múa cho nhanh, co ro kêu lạnh. Bác Chín khuyên các cô chạy một hơi cho ấm, để Sâm đi sau với bác.

   - Tao bây giờ phải đợi trực thăng đậu trên lưng tao mới chạy được. Chuẩn bị nè, hai, ba!

   Các cô bay vù như chim sẻ, cười vang đường, trong khi đại bác ở quận bắt đầu bắn. Mỗi loạt bốn phát, “brù-ù-ùm”. Đạn chớp trên đường Một. Địch cố giữ mấy cái cầu còn sót, cũng muốn phá Tết của đồng bào luôn thể. Có tin chúng đang rút quân các nơi để càn Kỳ Bường sau Tết, lần này sẽ đóng đồn trên dãy gò Chà Là.

   Sâm níu tay bác Chín, cố đi không nhúc nhắc. Bác hỏi rất kỹ chuyện Sâm đánh xe, cứu Ngọ và bị bắt. Ban đầu Sâm sợ bác hỏi đố để trêu chơi nên cứ lựa lời. Sau Sâm hăng lên, kể thả cửa. Khi bác buột miệng nói: “Anh hùng lắm!”, Sâm giật mình nín tắp. Khoe với ai còn được, lại dám khoe với bác Chín, người mà ai cũng gọi là “hột gạo trên sàng của miền Nam”!

   Mảng sáng hình quả trứng của đèn pin lăn qua lăn lại. Bác bỗng chiếu đèn xuống chân Sâm:

   - Dép cháu đâu?

   - Dạ, xe ăn mất chưa kịp mua.

   - Áo ai mà rộng vậy?

   Bị soi gần, Sâm vội né đầu để bác khỏi thấy những chỗ tô vẽ trên mặt chưa lau hết:

   - Áo con Mại. Nó cứ bắt cháu thay...

   - Áo cháu đâu? Một áo đen, hai áo trắng?

   Sâm nghĩ: “Tài nhớ như bác Chín mới làm cách mạng được chớ, có đâu tệ như mình...”. Sâm lại nói như các anh bộ đội:

   - Dạ, một cái dính máu, một cái lửa ăn, một cái thằng Châu ăn.

   - Cuốn vở chép thơ của cháu còn không, hay cái gì ăn?

   Sâm cười:

   - Dạ còn. Cháu cưng nó nhứt mà. Cháu mới chép thơ Bác Hồ, mà tay cháu còn cứng, chữ xấu bằng nhau con gà bới. Bác có tập thơ nào cho cháu mượn nghe bác. Cháu gần thuộc cái kịch thơ rồi, ra giêng cháu đóng cô chèo đò bác coi. Bậy cái cháu hay quên lắm. Có hai trăm câu mà cứ học đầu quên đuôi hoài.

   Bác Chín nắm bàn tay Sâm chặt hơn:

   - Để bác gửi cho cháu. Cháu cần gì nữa nói bác kiếm.

   - Dạ không.

   - Cháu đừng ngại. Cháu đánh giỏi, ủy ban tỉnh muốn thưởng mà chưa biết cháu ưng thứ gì, biểu bác hỏi cháu. Nghĩ thử coi.

   - À cái thứ lựu đạn lửa đánh xe thiệt sướng. Bọn cháu tìm miết không ra. Bác hỏi đâu có, bác xin giùm cháu ít trái. Hay là đổi đạn trăm lẻ năm, bọn cháu đào được cả chục...

   Sâm không giấu được thèm thuồng trong giọng nói.

   Một lần nữa, nỗi khát khao ngày nào lại đến với anh cán bộ tóc trắng. “Phải chi mình có một đứa con như thế này... Nó đi công tác với mình. Nó cặm cụi viết thư với dòng mở đầu “Thưa ba của con”, kèm ba cái dấu than tô đậm. Rồi nó sẽ thay mình, vượt xa mình, bày thêm cho mình bao nhiêu cái mới mà đôi mắt già không kịp nhìn thấy...”.

   Anh Chín lơ đãng bóp mạnh cổ tay Sâm. Anh không biết tay Sâm còn đau, càng không biết lúc này Sâm đang mỉm cười vì một ý nghĩ mà Sâm thấy là lẩn thẩn nhưng thú vị: “Mình có ba đây nè. Mình đang đi chơi với ba mình, thích không!”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #66 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2012, 04:39:37 pm »

*
*    *

   Thằng Túc rướn lên xem. Cây súng tre bắn hạt bời lời đeo bên hông nó chọc vào vai má Bảy. Má gỡ súng cầm hộ nó.

   Anh Đa ngồi bên vợ ngỡ ngàng nhìn quanh. Anh mới trốn về được tối hôm qua, mang theo một súng Garăng mới tinh. Màu sơmi trắng làm da mặt anh nổi đen thêm, trông dữ dữ. Suốt ngày nay, ngoài lúc chào hỏi và cảm ơn bà con đến mừng, anh chỉ lo dỗ thằng Túc để nó chịu nhận ba nó. Nó không ưa lính ngụy. Cầm kẹo xong nó bỏ chạy ra sân dòm lấp ló. Bây giờ trong đám đông nó vẫn tránh anh, luồn sang ngồi giữa má Bảy và má nó. Chị Đa an ủi chồng: “ Tại nó còn lạ”. Nhưng chị biết hễ gặp bộ đội giải phóng là nó sán vào mu tay kéo áo, chẳng kể lạ quen.

   Anh Đa thì thào hỏi vợ:

   - Bà Năm... là đại diện xã phải không?

   Túc ngứa miệng bật nói:

   - Hứ, chủ tịch chớ đại diện!

   Chị Đa phát nó một cái: “Con nhà vô phép!”. Nó vùng vằng:

   - Con biết con mới nói chớ. Đại diện là tề điệp ác ôn, ngụy quyền Sài Gòn, tay sai...

   - Thôi, thôi, con nói đúng, con giỏi.

   Anh Đa nhận lỗi nó mới chịu im.

   Sau một lát, anh lại hỏi vợ nhỏ hơn:

   - Cô Út Sâm làm gì mà lên vậy?

   - Chỉ huy du kích xã. Gan số một đó.

   Túc thấy cần chừa cho má nó, tuy biết nhưng chưa thạo cho lắm:

   - Xã đội phó. Anh Tư đi, chị Út với anh Chuân thay. Thiếu nhi bây giờ chị Mại phụ trách. Chị Mại tiến bộ hơn hồi xưa.

   Nó không chịu gọi chú Tư, cô Út, bởi trong thiếu nhi không ai gọi thế cả. Chị Đa không dám chỉnh, sợ nó cãi ồn.

   Trên sân khấu, Sâm đang nhận giấy khen của tỉnh gửi cho Kỳ Bường và cây trung liên đen bóng, giải thưởng chống càn. Túc thấy ba nó chịu nghe lời nên qua ngồi giữa ba má. Nó giảng: “Hễ đâm băng dưới bụng, để nằm đầu ngoẹo một bên là trung liên Barờ của Mỹ. Tụi ngụy đi ăn cướp gà heo hay vác thứ đó”. Anh Đa nín thít. Chị Đa đưa tay vuốt tóc con, mỉm cười.

   Má Bảy bằng lòng khi nhận ra Sâm chải chuốt hơn mọi ngày. Má vốn kỹ tính, Sâm lại quá xuềnh xoàng. Má mắng con, nhưng cũng biết cái thời nhìn người qua áo không còn nữa.

   Đội nữ du kích hôm qua đến đập đất (47) nhà má, bàn luôn với Sâm: “Phải đấu ông Sỏi một trận thất kinh, cho bớt ăn hiếp em gái”. Má Bảy ngồi dưới bếp, nghe Sâm can: “Chi bộ và du kích nói gắt, ảnh biết sai rồi. Thanh niên mà không hề ăn chơi, thương má thương em như ảnh cũng ít có. Hễ thương không phải cách thì tụi mình khuyên nhủ, đừng làm quá mà tội nghiệp ảnh. Không gì ảnh cũng dẫn đầu giết giặc trong xã mình. Bà con tin ảnh lắm...”. Một lần nữa má lại tự hỏi: mới biết Cách mạng có vài tháng, sao Sâm đã khôn đều mọi mặt như vậy?
   Sâm nói trên kia, tiếng trong và to nghe quân sự ra dáng:

   - Kính thưa các vị đại biểu, kính thưa hết thảy bà con cô bác. Phần thưởng của tỉnh hôm nay là thưởng chung cho cả xã Kỳ Bường ta chống càn giỏi, diệt địch nhiều. Anh chị em du kích chúng tôi...

   Một bà ngồi bên, từ Kỳ Hải lên chơi, bỗng quay lại hỏi má Bảy:

   - Con nhà ai vậy bác?

   Má đáp vội để nghe Sâm nói:

   - Đâu trên chiến khu mới về.

   - Hèn gì. Kỳ Bường mới khởi trước tụi tôi chẳng bao lâu, làm gì đã tiến bộ mau vậy. Nghe đồn một mình chị đó dám rượt cả bầy thiết xa, đánh hơn cả tiểu đoàn áo beo...

   Tiếng vỗ tay ran ran tiễn Sâm đi vào. Một cậu nào hét đùa như xem văn công: “Yêu cầu làm lại!” Đồng bào cười ồ. Má tiếc không được nghe con nói hết, lại vui vui khi đón tiếng tốt về con từ xa đến. Má ít ưa những người bô bô khoe của khoe con, nhưng má vẫn thích nghe người khác khen con má. Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.

   Đến Huỳnh, Bính và số anh em binh biến nội ứng bước ra sân khấu. Những tiếng hể chối tai đầu chợ ngày nào nay lại thấy dễ mến. Trong chiến công của họ, tên má Bảy phải giữ kín để má còn tìm gặp những Huỳnh và Bính khác nữa. Anh Đa ghé tai vợ nói gì rất hăng.
   Rồi đến Tư Sỏi và anh em tòng quân. Sỏi ném ra trước từng câu chắc nịch, ném cả cái đầu theo. Hoan hô, hoan hô. Mươi ngày nữa anh em lên đường. Hết giặc gần đến giặc xa, đi tìm mà đánh.

   Con má đấy...

   Má là gốc tạo nên hoa nên trái. Má còn là củi tự đốt mình để các con bốc thành ngọn lửa. Hai Son đi rồi, đến lượt Tư Sỏi. Út Sâm cũng vắng nhà nhiều hơn. Con má lần lượt rời má. Đi đi các con. Má đã ủ các con dưới cánh lâu rồi, bây giờ được gió các con cứ bay. Càng đi xa các con càng biết thương má, càng gần má. Và tới đâu các con cũng sống trong nhà mình, bởi cái gia đình nhỏ của má mở rộng theo đường đời của mỗi đứa con - con đẻ, con nuôi, cả những con bộ đội không biết tên đã ghé qua thăm má, mang theo của má một nắm cơm và ít nhiều thương nhớ.

   Sỏi và Sâm thức một đêm, hỏi má đủ thứ để làm lý lịch. Má phải khai với con cả một cuộc đời. Con má ghi từng khúc một. Tên cha: Trần Sành. Tên mẹ: Nguyễn Thị Lượm.

   Tên mẹ: Nguyễn Thị Lượm...

   Tiếng xôn xao chung quanh lặng dần. ánh đèn lùi xa thành chấm sao nhấp nháy. Trời đêm lừ lừ sa xuống. cô Lượm, người bạn gái xấu số, đến trước mặt má. Đôi mắt rầu, cái bóng nhỏ run rẩy.

   Không hiểu vì sao má cứ nhớ Lượm như nhớ một cô bạn gái rất thân. Ngót bốn mươi năm nay bà con gọi má là chị Sành, rồi bà Bảy Son. Tên má chìm dưới tên chồng, tên con đầu. Thời con gái rất ngắn của má tự nhiên tách rời khỏi má, dạt bềnh bồng như một cụm bèo xa bờ, mang theo bông hoa độc nhất bị gãy cuống.

   Cô Bảy Lượm, thợ cấy xứ chợ Đồng Trầu, có bộ mặt rất giống Út Sâm nhưng hiền hơn, rám nắng hơn, răng đen nhức. Cô mặc cái áo dài vải ta nhuộm chàm, đổi vai nối tay, hai tà vén giắt thắt lưng cùng với khăn ăn trầu. Mắt cô quanh năm nhìn xuống đôi chân xéo lấm. Ai hỏi cô mới nói, không bao giờ dám nói to bằng người hỏi.

   Một câu hát ghẹo bay qua nước bạc:

Đói lòng ăn một thúng sim
Uống đôi thùng nước đi tìm người thương.


   Anh Hai Mận. Những lời ướm lòng êm như bàn tay vuốt má. Tình yêu đến trong tiếng chày và tiếng hát đẫm trăng. Cô thợ cấy đi ở mướn cười thổn thức trong giấc ngủ ngắn hai canh. Hạnh phúc sủi lên trong chiêm bao, bay óng ánh như bọt xà phòng rồi vỡ nhanh với tiếng gà gáy, không đủ gây vui nhưng có thừa để lưu lại trọn một ngày nuối tiếc.

   Rồi cha thằng Phổ hiếp cô. Mẹ thằng Phổ đánh cô một trận đòn ghen. Cha cô đánh cô một trận giữ tiếng với hàng xóm. Cô nhảy xuống giếng, người ta vớt lên. Tỉnh lại, cô thấy mình là vợ anh Sành cày ruộng và làm mộc. Thỉnh thoảng anh đánh cô một trận để chiều ông cậu bà thím nào đó. Cô chỉ khóc khi vắng người. Nước mắt ban ngày rơi xuống bùn, ban đêm gieo chấm sẫm trên thành khung cửi.

   Chị Sành ăn ở trọn đạo với người chồng nghèo. Chỉ một năm sau, với đứa con đầu lòng, chị biến thành chị Son. Ôm con trên tay, cười với chồng, có lúc chị tưởng cuộc đời đã chịu làm lành với chị.

   - Chà, chà, anh em bộ đội diễn cái kịch nông dân thiệt là thấm tới ruột gan! Coi kìa bác!

   Một bầy con vây quanh chị Son, há miệng khóc đói. Thằng Hai Son lên chín, chơi ròng, nghe ai bày về nói với chị: “Ai biểu má nhà nghèo ăn tro mò trấu mà rán đẻ cho nhiều?”. Nó nói, nó cười rồi nó quên. Chị Son rợn người dựng tóc, nghĩ đến ma quái nhập vào con chửi chị, báo oán chị. Chị nhịn trầu cau để dành xu chia cho các bà lão ăn mày ngoài cổng chợ, thắp hương ở miếu âm hồn, vái bốn phương xin cho con đừng bỏ chị. Nhưng con chị vẫn đi. Chưa lớn chúng đã đi. Con Ba Sắt khóc ngằn ngặt một đêm rồi chết, nó chê nghèo không ở. Chị sẩy thai đứa em thằng Sỏi. Nó không chịu ra đời trong năm mất mùa.

   - Con lên đây má. Chị Mại dặn hễ múa Tây Nguyên xong bọn con tới đầu nhà kia.

   - Múa hát gì mà lùi xùi quá vậy con?

   - Con làm đồng bào ở ấp chiến lược. Ở với tụi nó đâu có mặc lành. Bà cầm cây súng nghe bà.

   - Ờ, bà cầm.

   Cái mông dính đất của thằng Túc loáng qua trước mặt má Bảy. Má ngửng lên, ngắm sáu cô Tây Nguyên khỏe đẹp đang trỉa rẫy, đuổi chim, gài bẫy thỏ, bắn súng. Thép súng, giấy vàng bạc dán váy và mắt các cô cùng thi lóng lánh.

   Rồi dòng nhớ lại trôi chậm dưới trán má, sẫm dần, đắng dần. Trong đêm đặc quánh như hồ, chị Son để mả chồng nằm lại phía sau, thất thểu gánh một gánh con đi qua truông vắng. Chị đói, mệt, sợ run. Có lúc chị ngửa cổ thét một tiếng kêu trời. Trong tiếng vang, trời chỉ biết nhắc lại nỗi khổ của chị vài lần rồi im. Chị lại kéo lê cuộc đời gánh nặng đi đêm giữa hai hàng bóng đen giơ vuốt.

   Chị Son đâm liều. Chị làm cái việc không bao giờ dám nghĩ tới: chị xách dao phay đi lấy huyện. Trong cái ngày cờ đỏ mọc trên ngọn tre như những mặt trời nhìn không chói mắt, bà con đều liều như chị. Người đàn bà góa cúi đầu nói khẽ ấy giơ nắm tay ngang tai chào cờ, hát “Tiến quân ca”, vung dao phay hét: “Việt Minh muôn năm!”. Mở mắt tỉnh ra, chị bỗng thấy mình hết tê dại, bạn mình đông, đời còn vui, và những cái bóng lông lá đã lùi xa. Những ngày tiếp sau đó níu tay nhau hiện ra trước mắt chị thêm sáng. Có ánh sáng mặt trời và còn cả chớp sáng của súng bom. Nhưng gì thì gì, đêm đen cũng bị xé nát.

   - Ngó coi bác, đóng thằng Mỹ dễ kinh chưa! Khiếp!

   - Đừng sợ. Đừng sợ gì hết.

   Má Bảy không biết mình nghĩ thầm hay nói thành tiếng. Mấy năm gần đây má bắt đầu mắc cái tật nói một mình của các bà lão, cùng một lần với cái răng đầu tiên rụng trong chén cơm và câu má giỡn để con khỏi lo: “Già còn răng, ăn hết con hết cháu. Tao trông nó rụng cho hết, để sót ba cái răng long cứ phải nhai mớm mớm, bực ghê”. Má nói với các con đây. Dân mình khổ mãi vì các thứ giặc nước giặc làng rồi. Đừng sợ tụi nó. Má đã từng sợ nhiều, má biết. Mình cúi lưng thì nó cưỡi, thẳng lưng lên thì nó nhào, nhớ vậy mà ở đời các con ạ. Má uống cạn bình cay đắng mới học được bấy nhiêu dặn các con. Phải truyền kiếp cho nhau cái bài học ấy như dòng thép nấu lỏng pha vào sữa mẹ nuôi con, khiến mỗi đứa trẻ lớn lên đều biết cầm súng đạn để được sống cho nên thân người.

   Bà con cười rầm một loạt.

   Trên sân khấu, một thằng đeo cái mũi giấy to bằng bắp chuối đang giãy cái chân xóc chông và vái cô du kích, khóc như xe nổ máy. Má bật cười. Cái kịch ấy mười mấy năm qua má đã xem nhiều lần trên mặt ván cũng như trên mặt đất, sắp tới còn được xem vô khối, lần nào cũng vui mắt cả.

----------------------------------------------------------
47. Xông đất.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #67 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2012, 04:41:38 pm »

*
*    *

   Út Sâm bước xuống đất mé sau sân khấu. Chị em du kích xúm lại đọc cái giấy khen. Năm sáu cô tóc quăn áo dài kéo đến, đòi gặp “chị chỉ huy mặt trận” để xin nhập ngũ. Một anh bộ đội hớt hải chen vào, tần ngần nhìn Sâm rồi tiu nghỉu lảng đi mất: lại một anh xa nhà lâu đang tìm em gái hoặc cô hàng xóm năm xưa.

   Chị Năm kéo tay Sâm, nháy mắt ra hiệu, nói to:

   - Đồng chí Sâm ra ngoài kia có việc gấp. Xin lỗi bà con nghe.

   Sâm luống cuống đi theo chị Năm. Còn việc gì nữa. Anh Bê lên đường ngay đêm nay, đang đợi gặp Sâm. Chia tay. Dặn dò. Hứa hẹn. Hứa với anh sao đây? Cái khăn thêu định tặng anh đâu rồi? Sâm rối ruột quá.

   Bên ngoài đám đông hình vòng cung vây quanh sân khấu, có những nhóm năm ba bóng đen tách ra ngồi trên bãi cỏ, nói rì rầm, cười khúc khích. Nhiều cặp giống nhau bởi cùng có một nòng súng nhô bên mũ tai bèo và một nón lá đặt ngửa trắng mờ. Mẹ con, anh em, nhiều nhất là vợ chồng và người yêu đến tìm nhau ở cái cửa khẩu này của vùng giải phóng, gieo trên đất Kỳ Bường vào xuân không biết bao nhiêu giọt nước mắt và nụ cười.

   Đến ven bãi đá bóng, chị Năm và Sâm ngồi xuống cạnh một gốc dừa to lỗ chỗ vết đạn. ánh đèn măng sông tỏa đến đây biến thành ánh trăng xanh nhạt, chỉ đủ tô màu chứ không soi sáng. Sâm không dám ngó chị Năm. Chung quanh cái gì cũng yên, cũng vui. Đêm thở nhẹ. Các vì sao liếc nháy nhau. Giun dế mở hội hát đối đáp. Lá dừa giao những ngón tay thân thiết. Sâm ngồi im, phập phồng đợi một tiếng chân bước lại.

   Chị Năm nói khẽ:

   - Anh Bê đi rồi.

   Sâm ngớ ngẩn gật đầu. Rồi Sâm vụt hiểu. Mặt đất từ từ đưa võng. Sâm phải vịn tay vào gốc dừa, nhắm mắt cho đỡ chóng mặt.

   - Ảnh ngồi đây đợi em miết. Sau cậu giao liên tới thúc, ảnh phải đi. Anh gửi tặng em cái này.

   Sâm giơ tay hú họa, cầm một gói gì mềm. Đi rồi à? Nghĩa là từ nay Sâm đi họp sẽ không thấy anh, Sâm không còn gặp anh trong những quãng hào ngập khói, Sâm không thể nhắn anh về lấy cái áo vá xong... Sao lại thế được nhỉ? Sâm chưa tin anh Bê có thể biến đi gọn gàng như vậy.

   - ...Các đồng chí cứ than thở hoài. Hồi khó nhứt thì ảnh về đây đắp đập be bờ, tới nay đỡ đỡ một chút lại phải đi xa. Anh có tâm sự với chị. Chuyện em. Anh nói vầy nè: “Chẳng biết Sâm nghĩ sao, chớ phần tôi thì còn một hơi thở tôi còn thương Sâm, nhớ Sâm”.

   Sâm tức quá. Nước mắt vòng quanh mi bỗng trào xuống má nóng hổi. “Chẳng biết Sâm nghĩ sao”. Nói vậy mà nghe được! Không nghĩ mà mấy lần em đi tìm anh, mà em để anh cầm tay! Ừ, em chưa ngỏ với anh một lời nào gắn bó. Nhưng anh phải tự hiểu chớ. Hay anh còn đợi nhũng lời thương yêu có ghi biên bản?... Không, lỗi tại em cả. Anh nghi là phải. Đừng giận em nghe anh. Em dại, em mắc cỡ, em chỉ trêu anh mà không dám nói yêu anh, để bây giờ anh đi mà còn băn khoăn. Tội nghiệp chưa!

   Chị Năm an ủi Sâm. Sâm lặng thinh nghe chị. Cuộc đời chị là lời an ủi thấm thía nhất. Chị lấy chồng đã hơn mười năm, chỉ được ở với chồng trong hai lần anh ghé thăm nhà, chín ngày tất cả. Chưa ai thấy chị buồn bao giờ... Sâm len lén đưa khăn thấm nước mắt.

   Anh Bính, anh Bê rút vào bóng tối. Sắp hiện ra anh Nhung thợ nguội trong một thành phố nào đó ngập lính giặc. Anh về với bà con công nhân, những người nhào nặn sắt thép trong đôi bàn tay cứng hơn sắt thép, bấy nhiêu năm nay đánh giặc trong ruột chúng. Anh sẽ làm lại từ đầu những việc anh làm tại Kỳ Bường. Công việc của người thợ xây nhà. Anh khuân từng hòn đá đắp nền. Anh xây tường lợp mái, nâng niu quét vôi tươi, sơn màu thắm. Đến một tối nào đó, anh sẽ nhìn qua cửa sổ những khuôn mặt vui xúm quanh mâm cơm mừng nhà mới, và lặng lẽ ra đi một lần nữa như đêm nay anh ra đi giữa đám hội tưng bừng của Kỳ Bường giải phóng.

   Chị Năm vẫn kể:

   - Ảnh nói: “Nhắm chừng còn lâu tôi mới gặp lại Sâm. Hễ Sâm tưởng tới tôi, chờ tôi, thì coi như lần này tôi đi tiền trạm”...

   Sâm mỉm cười, chớp vội đôi mắt còn ướt. Phải đấy, anh đi tiền trạm cho chúng mình. Anh dẫn em theo Cách mạng lâu nay. Bây giờ em đi một mình được rồi, anh rời em, vượt lên trước. Sau một ngày mang nặng leo dốc, có phút nào ấm người bằng lúc gặp lại anh tiền trạm tươi cười ra đón? Anh sẽ đón em giữa thành phố giải phóng. Sâm và Nhung gặp nhau khi hai nửa nước đoàn tụ. Vợ chồng chị Năm sum họp. Anh Tùy về thăm má, các em. cả nước chúng ta đạp xác giặc mà đến với nhau. Em cũng đang cầm súng, mở đường mà đến với anh đây.

   Chị Năm trêu:

   - Còn chút nước mắt nào, khóc hết cho nhẹ. Hồi xưa tôi cũng như cô, hỏi đến thì nguýt thì nguẩy, người ta đi mất mới hoảng tam tinh. Thôi lau mặt đi. Ngồi một chút cho bớt đỏ con mắt rồi vô.

   Sâm xấu hổ, cúi xuống mở cái gói chị Năm đưa. Tấm dù ngụy trang vá nhiều chỗ bọc lấy cái còi xe lam mạ kền. Sâm bật cười khẽ. Ảnh nhắc Sâm nhớ anh Bê dù hồi bí mật, anh Bê còi cùng chống càn với Sâm đây mà. Anh chàng tinh lắm... Sâm táy máy quấn tấm dù quanh cổ, đưa cái còi lên miệng, và không hiểu vì sao một tiếng toe bật ra. Chị Năm giật mình:

   - Ý, đừng! Bà con tưởng báo động tàu bay, tắt hết đèn bây giờ. Ta vô hè.

   Đi mấy bước, chị Năm dừng lại, nhìn thẳng vào mắt Sâm:

   - Em buồn không?

   Sâm lắc đầu. Thật Sâm không buồn nữa, chỉ thấy tràn ngập thương yêu, tự hào, hi vọng.

   - Chị hỏi thiệt: em có thương ảnh không?

   Sâm sững người. Thì ra từ nãy đến giờ Sâm chỉ nghĩ miên man mà chưa hề thốt ra một tiếng, trừ tiếng còi thổi nghịch! Chị Năm còn không hiểu, làm sao anh Bê biết Sâm là của anh trọn vẹn?

   Sâm nói nghiêm trang:

   - Dạ, em thương ảnh. Hễ em còn nghĩ đến Đảng là em còn chờ ảnh.

   Đối với Sâm, đó là lời hứa cao nhất của tình yêu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #68 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2012, 04:43:33 pm »

*
*    *

   Trong cái đêm mồng hai rạng mồng ba Tết này, chưng hửng nhất hẳn là các chú gà trống. Dậy gáy nửa đêm đã thấy trong nhà ấm lửa đỏ đèn, đến khi gáy đầu vẫn thấy đỏ đèn ấm lửa! Lại còn ồn ào gấp mấy đêm giao thừa nữa. Ấy là bởi sau cuộc vui các cánh quân chính trị sửa soạn lên đường ngay để kịp đến thị xã lúc bảy giờ sáng, và tất cả bà con ở nhà sẽ “nổi trống địa đạo”, kéo nhau đi bổ những nhát cuốc đầu tiên xây dựng làng hầm. Rễ có ăn sâu xuống đất, cành mới vươn được xa ngoài rào.

   Má Bảy đang xới cơm vào cái mo lột nhúng nước để nắm mang theo, chợt trông thấy cái quai xoong mà Bê tán lại rất chắc. Má lại ngửng lên nhìn cái ống lương khô mà Bê tự gò bằng đura máy bay. Hai cân thịt nạc, bốn chai nước mắm ngon, má nén đầy một ống lương khô để Bê mang về núi ăn trong mấy tháng học. Bê đi gấp, không kịp ghé lấy. Má thở dài. Má thương Bê và bực với Sâm.

   Mười hai bà mụ nặn lầm con gái má thành đàn ông hay sao ấy. Sâm không ưng Bê làm con rể má thì thôi, nó còn không chịu Bê làm con nuôi má. Vắng mặt Bê nó nhắc nó khen luôn, mà động gặp Bê nó lại châm chọc không kịp thở. Nghĩ thương thằng nhỏ, hễ có Sâm ở đấy thì từ lúa cấy đến lúa gặt không dám mở miệng. Lớp trẻ bây giờ kỳ lắm. Hồi má còn con gái, bị cấm trăm đường mà thợ cày thợ cấy vẫn mượn tiếng hát chèo đò, câu hò giã gạo để hiểu bụng nhau. Thời buổi này thật khác. Sâm và Bê không biết qua một lời ví von đối đáp, cứ cãi lý với nhau cả ngày như bửa củi, thủ hỏi làm sao chúng nó mến nhau cho được!

   Gần đây, chị em đến nhà má hay giỡn xa gần:

   - Bác nuôi heo cho Út Sâm chưa bác?

   - Nó báo cáo rồi: ngắn sáu hai, dài sáu ba.

   - Cùng lắm thì non sáu ba, già sáu tư.

   - Ảnh không thưa với bác à? Tại con Sâm nó “bưng kín miệng bình” đó bác. Nó cầm duyên người ta, thiệt ác.

   Má thấy Sâm chỉ cười xòa, không bỏ chạy hoặc đấm bạn thùm thụp. Vậy là không có gì. Trẻ thương con, già thương cháu. Má cần một đứa cháu dễ ghét như con chó để bồng cho sướng cái tuổi già. Coi bộ Tư Sỏi còn bay nhảy nhiều, má chờ đợi đứa cháu ngoại trước. Ước gì má được một thằng tròn đầu tròn đít, mang khuôn mặt của Bê và Sâm đúc chung lại, bò lổm ngổm theo má: “A bà, a bà bà bà...”.

   Chị Đa hoa cây củi than đỏ, tất tả bước vào.

   - Kêu bà con xong rồi bác. Bác đưa các thứ tôi xách.

   Má Bảy xếp mo cơm và chai nước vào giỏ của chị Đa, cùng gói bông băng và ve dầu khuynh diệp:

   - Chị bữa nay khỏi đem con đi gửi, mặc sức xông xáo hè.

   - Dạ. Ảnh nói nhỏ với tôi: “Mình đi vắng, con nó mới chịu theo tôi”. Thương lắm bác ạ.

   Chị Đa hớn hở ra mặt.

   Chị được cử làm tổ phó một tổ đấu tranh chính trị. Chị làm công tác với cái sốt sắng hơi rối rít của những người lần đầu lãnh việc lớn. Rồi chồng chị về. Qua những lúc thủ thỉ với chồng, chị sửng sốt khi thấy mình hiểu Cách mạng hơn chồng nhiều quá, phải giảng cho chồng nhiều quá. Ngày trước anh hay đánh chị, chửi chị là ngu, đần, ăn hại. Bây giờ ấy à, cho vàng anh cũng không dám nói nặng một câu làm thuốc! Qua một mùa đồng khởi, chẳng những nhà chị thêm ruộng, thêm trâu, mà riêng chị cũng khôn lớn hẳn tuy chị không tự biết. Người ngồi trên thuyền chỉ biết mình đi xa khi nhìn lại tảng đá trên bờ. Chị chia lòng biết ơn nồng nàn của chị ra hai phần: phần lớn giành cho Cách mạng, còn phần kia để riêng cho má Bảy. Má không nhận mặc má, chị cứ nhất định đền ơn má bằng trăm nghìn sự săn đón nho nhỏ của con đối với mẹ.

   Má vùi lửa, tắt đèn, ra sân. Má không cần đuốc, cũng không cần ngửng đầu, nhìn khoảng trời sao kẹp giữa hai hàng bóng tre để nhận ra lối đi trong các ngõ xóm đen kịt. Má quen đất quen làng đến cái mức có thể nhắm mắt bước thuộc lòng, chỉ ngửi mùi cũng phân biệt từng gốc cây. Con tắc kè trên ngọn dừa vội chậc chậc lưỡi, rồi buông dõng dạc sau lưng má: “Cắc... kè!”. Tiếng nó vang to như loa gọi ra quân, mỗi lúc một gấp, và chấm dứt bằng một chuỗi cười giòn giã. Nó chào tiễn má. Bom đạn đến mấy nó vẫn cứ sống. Nó có cái sức sống kỳ lạ của đất Kỳ Bường đang kéo da non trên những hố bom đỏ loét.

   Xuống đến Đồng Trầu, má rẽ vào đưa cho Sâm mấy thang thuốc nam chữa đòn của ông Nhâm biếu. Ông thường khoe: “Cả họ nhà tôi mắc cái tật hay đánh lộn với lính tuần, không mất giống cũng nhờ mấy bài thuốc gia truyền này đó bà”. Sâm uống thử một thang, thấy hay. Ông vừa cắt thêm ba thang nữa, mất cả một buổi đi tìm cho đủ các vị thuốc.

   Cán bộ xã đang họp ở nhà anh Trưng, soát lại lần nữa cái kế hoạch bước một “toàn dân làm địa đạo”. Má Bảy dòm qua cửa, vừa lúc Sâm bắt đầu nói. Sâm cầm một viên đạn Garăng, chỉ cái đầu đạn nhọn như bút chì vào tấm bản đồ trải trên bàn, trầm giọng:

   - Ý anh Trưng nên đào qua gần cây đa âm hồn, khỏi lo đụng mạch nước. Tôi e phía đó đánh địch không lợi. Đề nghị cho bà con Đồng Dừa đào xéo qua phía bến sông hay hơn. Đánh xe xong ta rút rất dễ, mà đón đánh trực thăng đổ bộ bãi sông cũng tiện. Cứ như mấy trận vừa rồi...

   Những cặp mắt chung quanh chăm chăm nhìn theo viên đạn trên tay Sâm. Anh Chín Chuyền gật gù. Tư Sỏi thì thào với Chuân. Anh Dõng bóp trán nghĩ lung lắm. Má Bảy biết Sâm đang nói những điều hay, quan trọng, được mọi người chú ý. Má chỉ tiếc kiểu ngồi của con gái má chưa thật ngay ngắn, cái mũ tai bèo đính vải dù trên đầu Sâm lại cụp vành xuống che lấp một bên tai, trông hơi bướng.

   Má xuống bếp gửi mấy thang thuốc gói lá chuối tươi cho chị Trưng. Ra đến ngõ, má quay nhìn vào, chợt mỉm cười ánh đèn chiếu trên tấm phên tre chưa trát đất làm nổi lên một rừng lá tre vàng óng, xếp đều đặn. Bóng Sâm in giữa nền lá tre ấy. Má nhận ra ngay mái tóc hơi lượn sóng tự nhiên, cái mũi dọc dừa, cái cằm búp sen, những nét ưa nhìn của má truyền lại cho con. Đầu và vai Sâm nổi lung linh rất to, chật cả tấm phên, như khoe rằng con má đã lớn lên với cái sức lớn một ngày bằng hai mươi năm của Cách mạng.

   Cánh quân chính trị của Đồng Dừa kéo đến xóm Ga lúc trời mới hửng.

   Thỉnh thoảng má Bảy lại bảo cô Mại truyền lên trước giục đi nhanh. Má sợ bà con chậm hơn đồng bào Kỳ Minh đã thách thi đua với Kỳ Bường và nhiều lần vượt Kỳ Bường. Với lại sau một đêm thức trắng má thấy ngấm mệt. Má trông mau đến đường Một để họp chung cả ba thôn, xếp hàng tư, căng biểu ngữ kéo về thị xã, nơi những cái đèn dù cuối cùng đang lấc láo dòm quanh. Má sẽ khỏe lại khi chung quanh má dội tiếng chân rầm rập, tiếng loa, tiếng hô khẩu hiệu. Khi cuộc giao chiến bắt đầu, đạn bay qua tai và gậy quất trên nón sẽ làm cho má bừng bừng sung sức.

   Qua một cửa sổ sáng đèn, má gọi Mại hỏi giờ. Mại đưa cái đồng hồ nhỏ xíu lên soi:

   - Năm giờ kém mười. Còn sớm chán bác à.

   - Vậy chớ các bà Kỳ Minh sắp sửa vô thị xã rồi đó.

   Ông Nhâm từ mé sau tới, chen một câu ngang phè:

   - Lật đật cũng tới bến giang, lang thang cũng tới bến đò. Bà này bước chân ra là như đi chữa cháy!

   Ông nói vậy nhưng hối hả vượt lên trên. Bởi chưa quên mình là anh Hai Mận ngày xưa, nên ông thích nói ngang để má Bảy cãi cho vui. Má không kịp cãi, chỉ cởi khăn trùm đầu ra buộc lại theo kiểu đã hẹn để báo tin “bắt đầu tấn công”.

   Gà gáy nhì, đánh thức nốt mấy nhà còn ngủ. Sáng rồi. Nhiều chấm máy bay ló ra ù ù phía Kỳ Ân. Pháo bầy bắt đầu tuôn từng loạt đạn như súng máy. Trước mặt má Bảy, người người nối nhau kéo về hướng Đông đang nối mây mào gà. Từ tuổi mười hai má luôn dậy sớm nấu cơm nên thạo xem trời. Má đoán hôm nay sẽ nắng ráo. Má không nghĩ gì thêm về những buổi sáng đã đến trong nửa thế kỷ của đời má. Khi tiếng gà đầu tiên gọi vang vang trên xóm, những người nghèo khổ như má Bảy thức tỉnh trước hết, tự tay đốt lên từng ngọn lửa nhỏ trong đêm đen; rồi những chấm sáng rải rác ấy họp lại làm nên ánh rạng đông đỏ chói, mở đầu cho ngày nắng đẹp trên trái đất và trong mỗi cuộc đời.

3-1963 - 5-1968



Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM