Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:30:39 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Gia đình má Bảy  (Đọc 36468 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 10:46:39 am »



GIA ĐÌNH MÁ BẢY
(Tiểu thuyết)

Tác giả : Phan Tứ

Rút trong tập “PHAN TỨ - Tác phẩm văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh”
Nhà xuất bản Văn học 2007
(Theo bản in lần thứ ba - 1975 - của NXB Văn học)

Số hóa: hoi_ls



PHẦN MỘT

1

   Trời trắng đục nhả mưa không ngớt. Làn nước tuôn xuống bị gió bấc cuốn tròn lại thành những chiếc chiếu bạc dựng đứng, vặn lưng nghiêng ngả, nối nhau lướt qua xóm.

   Mỗi lần một cột mưa như thế giẫm ngàn chân ràn rạt trên mái nhà bếp, má Bảy lại ngửng đầu xem nó đi đâu. Nó múa tròn trên cái sân nhão ngập một lớp nước rỗ hoa, hất nhào lộn những tàu lá chuối rách, túm lấy tấm bảng khẩu hiệu bằng tôn đã long đinh mà đập thình thình vào cái cổng chào gỗ. Nó quét đuôi qua rặng tre cuối vườn, chạy hun hút về phía dãy đồi hoang ven sông Nhỡn. Hình như mưa gió cố ý tuôn về phía ấy.

   Má Bảy thở nhẹ một cái, bồn chồn và thoáng mừng. Rồi má cúi xuống cạy nốt những hạt dầu lai đã đập nứt vỏ. Dưới mũi dao xoi, lớp nhân màu ngà rã vụn, rơi xuống đĩa. Một cột mưa khác kéo qua, má lại nhìn, và những cảm giác đã mòn lại đến rồi đi.

   Một bóng người mang tơi đội nón tùm hụp bước vào ngõ, đầu chúi tới trước như húc mưa, hai tay túm giữ chùm dây treo của đôi bầu (1) lủng lẳng đầu đòn gánh. Chị Đa hàng xóm đi tỉnh về. Chồng chị bị gọi đi tái đăng quân dịch, mới gửi cho chị cái ngân phiếu ba trăm bạc cách đây mươi hôm.

   Chị bước lên thềm, lật nón. Mặt chị hàng ngày vàng bủng bây giờ xám lại. Mấy ngón tay tê lóng ngóng mãi mới cởi được sợi dây buộc tơi lá ở cổ. Má Bảy chậm chạp cầm ống thổi lửa, thổi đống trấu rấm cho lửa bén chập chờn trên mặt trấu, đẩy mấy khúc củi tàn vào bếp. Trong cử chỉ của má có cái vẻ gì vừa ân cần vừa dè dặt. Chị Đa cúi mặt xuống gần lửa, còn hơ nóng hai bàn tay rồi xát chung quanh miệng. Hồi lâu chị mới bật ra nói, hổn hển vì nín thở:

   - Chết... ông trời làm tội...

   Má Bảy đặt ngửa cái vung đất trên ba ông táo, bỏ nắm dầu lai vụn vào rang quèn quẹt. Người ta bảo ăn muối dầu lai nhiều thì mất máu, rụng răng rụng tóc. Rụng cũng phải ăn. Trong nhà má lâu nay vắng thịt cá, đến chút dầu chút mắm cũng hết sạch. Ban tố cộng cấm các gia đình loại A và B không được ra khỏi thôn trong chiến dịch “toàn dân sát cộng”. Chị Đa thuộc loại C “thiện chí quốc gia” được đi chợ, nhưng má cũng không có đồng nào gửi chị mua mắm về ăn.

   Chị Đa bớt cóng. Chị nói hồ hởi:

   - Qua miếu âm hồn, tôi mệt quá muốn nằm lăn ra gốc đa, sau khấn âm hồn mấy câu mới khỏe lại, về tới nơi đó bác. Cái miếu rách mà linh hết sức!

   Má Bảy khẽ nhếch miệng, nửa đùa nửa thật:

   - Thờ Chúa sao lại khấn ma?

   Chị cười xòa:

   - Ối, sẵn đâu xâu đó. Vô nhà thờ cầu Chúa, qua chùa khấn Phật, tới miếu vái âm hồn, trúng cửa nào tôi nhờ cửa nấy... Con tôi khóc hung không bác?

   - Khóc chán rồi ngủ lăn ra kia nè.

   Chị Đa đến cạnh chõng. Hai đứa con chị ôm nhau ngủ. Con mắt người mẹ nhận ngay ra cái chăn xếp đôi đắp trên mình con được tém góc thật gọn, mẻ than hồng đặt dưới chõng còn bốc hơi ấm, cặp áo quần con Thừa giặt sạch hong khô xếp trên đầu giường. Chị vuốt tóc con, nghẹn ngào. Chị biết ơn.

   Thằng Túc quẫy mình, thúc đầu gối vào chân em. Con Thừa bật khóc, kêu: “Bà, bà ơi!”. Chị Đa vội xốc con lên: “Má đây con”. Con Thừa áp mặt vào cổ chị, hỏi ngay: “Bà âu?”. Nó vẫn đòi bà. Con chưa lên hai đã gần quên hơi mẹ. Hôm nào hai đứa cũng dắt nhau sang bà, không gặp bà thì chơi với cô Út. Hễ nhà bà vắng cả, chúng nhẩn nha xếp đình xếp chùa ngoài sân bà chứ không chịu về.

   Cảnh chị tay bồng tay dắt, quanh năm chạy ăn tất tưởi như nợ đuổi sau lưng, đã buộc chị nhiều lần nhờ vả má Bảy. Chị cần cái gì má giúp nấy, từ một buổi cấy đến một ngày trông con, nhưng má luôn luôn giữ cái vẻ không muốn làm thân. Má lạnh mặt với chị như bà mẹ chồng với nàng dâu muốn đi bước nữa, không bằng lòng mà chẳng tiện nói ra. Chị biết má túng thiếu. Hôm nay chị mua một chai nước mắm ngon còn để trong bầu kia, nhưng chưa dám lấy ra biếu má vì sợ vấp một câu đau lòng: “Tôi có giữ con thuê cho chị đâu”. Má sợ mang tiếng cầu cạnh kẻ có tiền, hay má không ưa gia đình kẻ đi lính, lại vào công giáo chẳng thờ ông bà? Chưa lần nào chị dám hỏi thẳng má.

   Chị Đa vốn bộc tuệch, dễ quên. Chị nghĩ bấy nhiêu đã thấy rối óc. Chị ôm con sà vào bếp, rất mừng khi má Bảy bắt chuyện bâng quơ:

   - Cả xã kéo đi xăm hầm trên gò Chà Là, được gì không mà chưa thấy con tôi về...

   - Được nước với bùn như trâu lăn chớ được gì đâu bác. Tôi gặp anh dân vệ dưới chợ nói vậy đó. Có mấy ông bà già lạnh rút gân, nằm lăn giữa đất mà ông Phổ cấm không cho khiêng về, nói giả bộ chớ hồi nào đi tiếp tế Việt cộng sao không sợ lạnh... À, dưới quận chộn rộn lắm bác ơi. Đám lính quen tôi, họ kể lu bù những chuyện động núi, cọp về, nghe dựng tóc gáy.

   Má Bảy vẫn giã cối muối dầu lai, đủng đỉnh:

   - Dưới đó núi non đâu mà sợ cọp?

   - Người ta nói cộng sản chớ. Cộng sản làm lễ ly sơn rồi, kéo lần lần xuống đồng bằng. Họ ít quân mà đánh dữ lắm. Ông cảnh sát trưởng Kỳ Sơn bị cộng giết hôm kia, bác biết chưa? Nói cho công bằng, ổng chết cũng đáng đời. Chẳng kể cộng hay dân, hễ ổng muốn giành vợ giựt ruộng của ai thì người đó không chết cũng tù...

   Thấy má Bảy chịu chuyện, chị Đa xoay nồi cơm vần cạnh bếp, kể tiếp:

   - Bà con Kỳ Sơn thấy một chị cộng nữ đẹp như tiên, đeo bốn súng lục, hút điếu thuốc rồi ném lên trời, rút súng bắn theo đứt đôi điếu thuốc. Y như trong tuồng xilama (2) vậy đó. Tôi nghe một hồi loạn óc, chân tay bắt run, vậy mà cứ muốn nghe hoài. Người ta nói ông Dõng chết rồi... Chà, mưa dữ ác!

   Má Bảy quay phắt lại. Chị Đa đang bồng con đến bên giường, không trông thấy. Chị đặt con Thừa nằm như cũ:

   - Bác cho gởi một lát nữa nghe bác. Tôi về nấu cơm, ngớt mưa tôi qua ẵm.

   - Cứ để đó. Chị nói anh Dõng biệt kích quận chết hả?

   - Anh Sáu Dõng con bà Tài dưới Đồng Trầu chớ. Việt cộng nằm vùng, gan hết chỗ gan. Hội đồng xã nói ảnh trúng phục kích trên Kỳ Sơn.

   - Lấy được xác không?

   - Không. Lạy trời lạy Chúa, đừng làm cái trò phơi xác giữa chợ như năm xưa nữa, nhớ lại còn ớn lạnh...

   Chị len lén lấy chai nước mắm ra khỏi bầu, để nép vào góc cột. Mang tơi đội nón và quẩy gánh lên vai xong, chị mới nói vội:

   - Gặp nước mắm rẻ mà ăn được, tôi mua phần bác một chai đó.

   Chị đi ngay để tránh bị hỏi vặn, còn mừng khi không nghe má Bảy gọi lại trả quà. Từ nhà xuống tỉnh lãnh ngân phiếu, tính cả tiền vé xe, tiền diêm thuốc cho xã cho quận để lấy giấy, hai ngày công chầu chực năn nỉ hết cửa này đến bàn khác, chị đã mất hơn trăm rưởi bạc. Chung quy hai đấm cũng bằng một đạp. Cái nhà chị vẫn xiêu vẹo, trống hoác giữa mùa đông, khiến hai đứa con chị chỉ muốn lẩn quẩn sang nhà má Bảy.

   Má Bảy ngồi nhìn mãi cái cối sành đựng dầu lai mà không trông thấy nó.

   Suốt ngày nay, má thương hai con bị bắt đi xăm hầm dưới mưa to, nhưng mưa càng to má càng mừng. Má biết chỉ có vài thằng ác ôn thua bạc cố sục hầm kiếm thưởng, chứ bọn lính quèn nhất định căng lều ngồi co ro, còn đồng bào lại được dịp kêu ầm ĩ đòi về. Kiểu đó làm gì tìm được anh em mình... Má yên bụng một đằng, lại đâm lo phía khác khi nghe tin anh Dõng bị phục kích. Đã đành trước đây chúng nó kêu giết được anh Dõng hai lần rồi, nhưng biết đâu...

   Ngoài trời, mưa dịu dần lại. Tiếng còi sừng trâu giục chó săn trên đổi đã tắt khá lâu, giờ lại nổi lên “hút hooo, hút hooo”. Chúng nó bắt phường săn gánh lưới gọi chó theo “ráp cộng”. Má áng chừng lúc này mới ba giờ chiều. Bọn thằng Phổ còn đẩy lính, lính còn đẩy đồng bào đi mãi đến tối. Tám trăm người dàn hàng ngang, vừa đi vừa chọc cây thuốn sắt thình thịch. Chỉ cần một tiếng “cộc”... Nhưng má sốt ruột không lâu. Ông trời rùng mình một cái, trút nước xuống ào ào. Gió túm từng bó hạt mưa quất xuống trắng xóa, và những cột mưa lại quằn quại nối nhau chạy ra gò Chà Là.
----------------------------------------------------------
1. Một loại bồ nhỏ quang dầu.
2. Chiếu bóng.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:45:21 pm gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 10:50:46 am »

*
*    *

   Mãi sau khi chuyến xe lửa lúc sáu giờ qua ga Đồng Mè rít một hồi còi the thé và chị Đa đã trở lại ẵm con về nhà mình, Út Sâm mới lóp ngóp từ trong mưa ngoi ra. Má ngạc nhiên khi thấy Sâm quấn tấm choàng nhựa kín người đến gối nhưng lại phơi đầu dưới mưa, cái mũ bê rê bánh ếch của “thanh niên cộng hòa” dán trên tóc. Má rùng mình, vội rút củi chụm thêm vào bếp.

   - Sao không trùm đầu hả con?

   Sâm há mồm định nói, nhưng hai hàm răng va luôn vào nhau một hồi lốp cốp. Khi Sâm vất cây súng gỗ tập trận và giật tung tấm choàng ra, má Bảy mới hiểu. Ban tố cộng bắt thanh niên cộng hòa mặc “đồng phục biểu diễn” để chụp ảnh. Sâm phải mặc bộ áo quần ni lông trắng, góp hai trăm tám cho xã mua dạo mùa hè. Áo không tay hở nách, hở ngực đến chấn thủy, lại ngắn cũn cỡn để lộ một khoanh bụng trắng như cái thắt lưng to của lính. Quần chật bó đùi bó mông. Vải mỏng dính, đếm được từng cái nốt ruồi trên người. Suốt ngày dầm mưa, áo quần bết vào da, các cô gái đã lạnh thấu xương lại phải phơi thân thể gần như lõa lồ để cho bọn lính du côn nhìn hau háu như cú dòm nhà bệnh, ghẹo tục tĩu.

   Sâm hất đầu mạnh. Cái mũ bê rê rơi xuống đất. Hai tay ôm ngực, Sâm đi thẳng lên nhà trên. Đôi giày vải nhả bùn òng ọc trên mỗi dấu chân. Má Bảy cúi lượm tấm choàng và cái mũ, chép miệng:

   - Tội nghiệp con tôi!

   Tư Sỏi cũng về đến nơi. Sỏi nhường tấm choàng cho em, chịu ngấm mưa suốt ngày nay. Sỏi dựng cây súng săn một nòng vào phên, sà ngay vào bếp, hơ hai bàn tay nổi da gà với những ngón trắng nhợt, nhăn nhúm. Má giục:

   - Thay đồ đi con, cảm bây giờ.

   Giọng Sỏi khao khao và méo mó vì miệng còn tê:

   - Tối nay... phải đi nữa...

   Trông Sỏi rũ rượi như con gà vớt trong chum ra. Nước chảy thành vũng to chung quanh đòn ngồi. Bộ đồng phục vải chéo xanh nhả khói trắng mỗi lúc một đặc. Sỏi móc túi lấy gói thuốc rê ướt nhoẹt ra hong, rồi trút trong bao đạn ra mười viên đạn calíp 12 gói trong mảnh nhựa. Má Bảy chợt nhận thấy một điều khác thường: mọi hôm đi phục kích hay “ráp cộng” xong Sỏi phải trả súng cho xã và về tay không, tối nay Sỏi mang súng về nhà. Má chưa hỏi ngay, chỉ thổi lửa to cho con sưởi, rồi quay ra dọn cơm.

   Lũ chó con đang dúi đầu vào bụng nhau nằm ấm trong góc bếp, nghe soạn chén đĩa vội chạy ra, chực sà vào mâm cơm giữa đất ăn hỗn. Má lấy cái giỏ to lừa lừa úp chúng nhốt lại. Nồi cơm nhà má bao giờ cũng một phần cơm, ba bốn phần khoai. Má hớt lớp khoai sém trên cùng cho bầy chó ủng oẳng, xới chén đầu toàn khoai phần mình, chén nhì cho út Sâm, chén ba nhiều cơm hơn để cạnh bếp cho Sỏi vừa ăn vừa sưởi.

   Út Sâm từ nhà trên xuống, trùm đầu kín mít bằng cái khăn vuông của má. Bộ bà ba đen may năm ngoái đã chật và ngắn. Sâm lớn nhanh quá. Con gái mười tám có khác. Mới đánh đàn mồm đấy, bây giờ Sâm lại tỉnh như thường, má ưng ửng và môi đỏ tươi. Sâm thò đũa khều muối dầu lai, cười:

   - Muối dài lâu với khoai trường kỳ, để tiền đóng thuế cử tri cho nhiều. Ông trên mặc sức ăn tiêu...

   Ấy là một trong những bài vè truyền miệng không biết từ đâu ra. Má cắt ngang:

   - Im, miệng với mồm! Người ta rình rập hoài tao ngán lắm.

   Sâm vẫn cười. Nuốt vội miếng cơm, Sâm kể tíu tít:

   - Con xung phong ở tù mà... Hồi sáng họ bắt con trai đi xăm hầm trước, con gái xếp hàng trên gò đón quận trưởng má à. Tụi con kêu lạnh, đòi về thay quần áo. Lão Phổ giơ roi dọa đánh. Tụi con làm rầm rầm, lão lại xuống nước năn nỉ: “Chịu khó đợi ông quận trưởng tới, ổng ngó một cái, chụp sơ một tấm hình là xong thôi mà!”. Lão bắt cô nào đẹp đứng ra trước. Tụi con đẩy chị Ba Thống lên đầu. Ai lại chị Ba có chửa bảy tháng mà xã không cho ở nhà. Chị nổi khùng, cứ mặc bộ đồng phục để lòi rốn với một gang bụng vầy nè, vác cái trống chầu đi nghễu nghện, người ta cười lăn ra. Vậy mà lão Phổ đuổi về, chị không chịu về má à. Chị nói: “Để tôi chụp hình với ông tỉnh ông quận đã!”.

   Sâm cười rũ một hồi. Má Bảy cũng cười lặng lẽ. Những cái lố lăng ngang ngược của địch, Sâm mới lớn lên chưa gặp bao nhiêu, chứ má phải thấy quá nhiều rồi.

   Út Sâm tránh né mãi, đến giữa năm nay mới bị bắt vào thanh niên cộng hòa. Sâm thường đá móc bọn xã đoàn nhiều câu rất đau, nhưng chúng khó trị vì chị em xúm bênh, cũng vì thằng Rân con lão phó đại diện mê Sâm lăn lóc, gửi thư và quà về luôn.

   Đầu năm ngoái Sâm còn là một con bé gầy gò, da nâu và tóc sém nắng. Mới ăn ba mùa lúa Sâm đã lớn vụt lên mặc vừa áo má, thành con gái lúc nào không kịp thấy, da trắng hồng và dáng đi ong óng, mỗi bên má đã lúm một đồng tiền tròn xoay ở giữa lại còn thêm một đồng tiền hình dấu phẩy ở khóe môi khi cười.

   Đám con trai ăn chơi, bọn lính, cả mấy tên sĩ quan nữa kiếm cớ lân la đến nhà má ngày càng nhiều. Hễ chúng buông câu chọc ghẹo là bị ngay “cú đá hậu” của Sâm. Nhiều lần má phải can Sâm đừng quá lời mà chúng nó thù. Sâm nhịn được vài hôm rồi đâu lại vào đấy. Càng lớn lên Sâm càng xinh, lanh lợi, chịu khó, nhưng càng chửi địch bạo mồm. Mối lo của má cũng lớn theo con. Thời buổi này để con gái trong nhà như treo mìn trên giàn bếp. Gặp nhà tử tế đến hỏi, má dỗ Sâm nhận trầu cau phứt đi để đỡ bị dòm ngó, nhưng Sâm không chịu, dọa nếu bị ép thì cạo đầu đi tu ngay như mấy cô ở chợ Đồng Trầu.

   Suốt bữa cơm Tư Sỏi cứ lì lì. Sỏi và ba miếng hết chén cơm, chống đũa đánh rốp xuống mâm gỗ, đưa chén má xới. Đến chén thứ tư má mới hỏi:

   - Bây giờ họ bắt mang súng về nhà hả con?

   Sỏi ngừng nhai, ngửng đầu. Ngọn đèn treo trên cột soi chéo xuống bộ mặt gầy và nhọn, đen như than. Đôi lông mày cau lại che hai hố mắt tối sầm. Mái tóc chừa dài kiểu đít vịt đổ một chùm tóc trớt xuống gò má. Sỏi đáp, vẫn với giọng khàn khàn:

   - Tôi nhận súng rồi.

   - Sao?

   - Tôi vô dân vệ.

   Má sững người:

   - Cái thằng... Sao mày nói với tao mày không dại gì lãnh súng?

   Sỏi ăn hết chén cơm, ném đũa. Uống cạn bát nước Sỏi mới nói đủng đỉnh:

   - Không vô dân vệ thì đi quân dịch mãn đời. Hai đằng phải lựa một.

   - Mới lãnh tạm hay lãnh luôn?

   - Ký giấy rồi. Tuyên thệ hồi sáng ở xã.

   Út Sâm đang ngó anh chăm chăm, bỗng bật nói gay gắt:

   - Đó rồi anh Cả xách súng về, anh với em bắn lộn nhau cho coi.

   - Hừ, anh Cả nào?

   - Anh Tùy chớ ai. Lâu nay bọn quận bọn xã kêu om sòm là bộ đội ngoài Bắc kéo về mấy chục ngàn, anh còn nhớ gì đâu. Chín trăm bạc lương, to ghê!

   Tính Sỏi ít nói mà hay khùng. Tuy thương em, nhưng hễ Sâm cãi một lát là Sỏi thò tay lên mái nhà rút roi cày, quất luôn. Má dòm chừng Sỏi, sợ nó nổi hung lên Sâm chạy không kịp. Nhưng Sỏi chỉ thắt nịt đạn vào người, quờ tay lấy súng, ngắt cái cộng lá dừa trên mái xỉa răng. Giọng Sỏi dịu xuống:

   - Thôi, nói chi chuyện đâu đâu. Má để sẵn dây khoai, ngớt mưa tôi về trồng. Trồng đất ướt sùng ăn hết.

   - Ở nhà ngủ một giấc đã...

   - Bỏ trực một đêm gác bù ba đêm. Để sẩy cộng ở tù thay cộng. Mất súng đền mười ngàn đồng, tù năm năm. Vác súng theo cộng thì tử hình vắng mặt, tịch thu tài sản, cả nhà đi di dân. Họ bắt học thuộc lòng rồi thề vậy đó. Sướng chưa? Hì!

   Sỏi cười một tiếng khô khốc, đẩy cửa bước ra sân. Một búng gió thốc vào, cũng lạnh buốt gần như tiếng Sỏi cười gằn. Má rùng mình, vơ tấm choàng nhựa chạy theo đưa cho con trùm ngoài quần áo ướt.

   Má ngồi xuống bưng chén cơm, nhưng không ăn được. Út Sâm ngước mắt nhìn má:

   - Bây giờ làm sao, má?

   - Sao là sao?

   Môi Sâm bật run:

   - Cái hôm ảnh thi bắn được giải nhất hai trăm, con đã nghi nghi, không chừng rồi ảnh ham tiền chạy theo cây súng đó. Ảnh ký giấy, tuyên thệ mà giấu cả nhà, thiệt hết chỗ nói. Bây giờ ảnh mặc sức đi phục kích, giết cán bộ lấy thưởng, theo lão Phổ mà mổ bụng ăn gan...

   - Út!

   Má giật mình kêu hơi to, như một mũi dao vừa khía vào bụng má. Đôi đũa trên tay má rơi tuột xuống. Má đặt chén, nhìn Sâm trừng trừng. Nó vừa nói gì vậy? Chao ôi, thằng con trai má có thể... đến thế hay sao?

   Sâm dọn mâm xong, má mới ngập ngừng:.

   - Cái thế buộc nó phải lãnh súng, chớ thằng Tư đâu phải đứa ham tiền. Nó cũng nát ruột nát gan...

   Sâm nói rất đanh:

   - Không đi quân dịch, không vô dân vệ, chịu ở tù như hai anh dưới Đồng Mè cũng được chớ. Mới bữa trước, ảnh còn nói mang súng là mang cái chết trong mình, má nhớ không? Để đó má coi, có ngày anh Tùy với ảnh đụng nhau...

   - Thôi Út!

   Má nói khẽ, van con đừng gở miệng.

   Má đón bát nước Sâm bưng tới, uống một hơi, lập cập đến ngồi cạnh bếp ăn trầu. Sâm rửa chén xong lúc nào má không để ý. Khi quay lại không thấy con, má mới nhớ có nghe Sâm nói qua nhà Hai Ngọ, cô bạn thân.

   Trong căn bếp vắng, khối đêm đen trộn tiếng dế khóc ri rỉ tỏa ra bao kín lấy má. Gió bấc luồn theo cái bóng co ro đến bò trên lưng má. Má thổi lửa, đón hơi ấm tỏa vào mặt, và chợt thấy mừng lạ lùng khi nghe tiếng trẻ con khóc to bên nhà chị Đa, một tiếng sống dội lên giữa không khí chết lặng. Nhưng rồi đứa trẻ thôi khóc. Trong cái xóm bị giới nghiêm, chỉ còn những bóng thù địch cầm súng đi rình bên ngoài các nhà tranh nín thở nhắm mắt.

   - Cắc... kè!

   Trên ngọn dừa cao nhất sau nhà, con cắc kè bắt đầu đếm tuổi. Đêm nào cũng vậy, nó đợi đến khi trong nhà thật im mới cất giọng, và giọng nó nặng, sâu, ngạt thở, rè rè như xé rách họng mà ra. Nó kêu sáu tiếng rời, rồi kéo một tràng “kè kè kè” nhỏ dần như bị bóp cổ. Người ta nói nó lên sáu tuổi. Sinh vào năm ta đi địch tới, nằm trên ngọn dừa ấy, nó đã thấy bao nhiêu người đi xuống mả mà tiếng nó biến thành tiếng nấc?

   Ánh đèn đang lụn soi nghiêng trên tóc má Bảy, làm chìm những sợi còn đen và nổi trắng hẳn phần tóc hoa râm. Mái tóc má ngả trắng như bông. Má buồn đến bạc tóc.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 10:53:35 am »

2

   Các cụ già đang hồi xuống sức luôn luôn thấy mùa đông năm nay lạnh hơn hẳn các mùa đông trước. Má Bảy cũng nghĩ như thế. Nhưng vì má nhớ rất rõ những năm trời giá rét mà người má ấm, nên má vẫn tin rằng sẽ có những mùa đông sau đỡ lạnh hơn bây giờ.

   Ngồi thu hình bên bếp lửa tàn, má nhớ thằng Tùy, thằng Son. Một đứa con nuôi đi xa. Một đứa con đẻ đã mất. Hai đứa dần dần trở về trước mắt má, chập chờn rồi sắc nét. Đêm tối lùi xa. Căn bếp thu nhỏ lại, vừa đựng đầy ánh đèn sáng bốc lên. Má thấy mình đứng dậy, mở to hai mắt, kêu:

   - Tùy, con về đó hả con?

   Thằng Tùy nở cái miệng rộng đến mang tai, nói giọng Bắc pha Nam trọ trẹ:

   - Dạ, con đây má!

   Hồi đầu tiếng súng đánh Tây, má Bảy vào hội mẹ chị binh sĩ giữa cái tuổi dở dang, “gọi chị thì nhẹ, gọi mẹ thì nặng”. Bộ đội về đóng Đồng Dừa, nhiều người gọi má bằng chị, sau thấy Hai Son con má đã lớn mới đổi gọi bằng mẹ, cứ lúng túng tức cười lạ.

   Trong đại đội đầu tiên về đây có Tùy, một chiến sĩ trẻ, béo lùn, nhanh miệng lại nhanh cả chân tay, quê ở Phú Thọ, hay khoe “Phú Thọ lắm cọ lắm chè”. Tùy theo bộ đội Nam tiến, mới đánh trận đầu đã bị thương ở vai. Má nâng giấc nó hơn một tháng mới lành, được thêm một đứa con nuôi bộ đội. Ba con má quấn lấy anh cả Tùy, nhất con Sâm hết nhại giọng Bắc lại đòi cõng đi tắm sông, hễ anh đi vắng là nó ngẩn người ra chê cơm.

   Khi Tùy trở về đơn vị, thằng Hai Son mới mười sáu tuổi cứ xách gói áo quần đi liều theo anh nó. Má khóc nhưng không giữ con. May sao Son được nhận vào bộ đội làm liên lạc, đội mũ sắt trông như cái nấm. Đại đội lớn lên, đánh Đông dẹp Bắc, ngày càng xa cái làng nhỏ Đồng Dừa. Hai đứa con gửi thư và giấy khen về cho má, ba bốn tháng một lần. Thằng Son đánh mấy trận lớn trên Tây Nguyên, hi sinh khi lấy đồn Tây. Anh em trong đơn vị ghé thăm má đều tấm tắc: “Ảnh đánh giặc gan số một mà tánh nết quý hóa lạ. Mồ mả của ảnh đồng bào Thượng giữ kỹ lắm, không để mọc một ngọn cỏ. Trước họ cúng thì khấn ma, bây giờ cứ anh Son mà khấn”. Má nghe vậy cũng đỡ nhớ con, và mừng cho nó nhắm mắt đi còn để lại tiếng thơm về sau.

   Rồi Tùy cũng về, mang theo tấm huân chương sao bạc có cuống xanh của Son. Hồi đó mặt trận đã tràn đến Đồng Mè. Pháp đóng đồn bên cái ga phá sập, bắn súng cối túi bụi lên xóm má ở. Đơn vị của Tùy được phái về chống càn và xây dựng du kích ở đây. Sau một đêm kể chuyện về Hai Son, sáng ra Tùy gói tất cả huân chương và giấy khen của Son đem chôn giấu, rủ anh em dỡ nhà má đem vùi ao bùn.

   Đợt thu đông ấy đạn bay lẫn trong mưa và bom nổ chen tiếng sấm, nhưng má Bảy và các con thấy ấm vui quá. Bộ đội không chê nghèo chật, đến ngủ đầy gian lều nhỏ của má. Đêm nào đem con Sâm đi đái khuya, má cũng phải bế xốc nó, tìm chỗ đặt chân giữa súng mìn và người trải tơi lá nằm la liệt. Tư Sỏi tập bắn từ dạo ấy, nó bắn các bin rất khá. Sáng sáng nó chống bè đi học bên kia sông Nhỡn, hễ được điểm cao thì anh Tùy thưởng nó một viên đạn các bin, cho đi theo bắn tỉa đồn Tây dưới Đồng Mè. Má Bảy gánh cơm cho anh em đánh càn, đạn xẹt qua cằm hớt mất chút thịt, bây giờ còn cái sẹo trắng bằng đầu đũa. Đã thế má còn bị Tùy cự nự: “Thiếu gì trai tráng mà má giành phần tiếp tế? Má ra chỗ súng đạn, anh em thêm lo cho má, phải trông chừng má không đánh giặc được”. Má biết nó kiếm cớ thế thôi, lần sau má cứ đi Tùy đành chịu. Chẳng biết có phải lây tính của con nuôi không mà má đi nhanh, cười to, nói vội, má trẻ cả người lẫn nết. Mỗi lần bộ đội mở liên hoan mừng thắng trận, má cũng lên hò mấy câu văn nghệ như ai.

   Rồi một mùa đông khác đến. Cũng vào lúc bụi tre bắt đầu đưa võng trong gió bấc, đại đội của Tùy lại kéo qua Đồng Dừa. Anh em từ trên Tây Nguyên về, sắp xuống tàu đi tập kết. Tùy nói:

   - Chúng con dỡ nhà của má, bây giờ phải dựng đền.

   Má can không nổi. Tùy và mươi anh em xoay trần, lội ao vớt cột kèo lên, dựng lại cái nhà gỗ của má. Tùy còn mua lá dừa nước về đánh, lợp mái nhà thật dày. Tùy ngồi vắt vẻo trên nóc nhà, bó lạt gài thắt lưng, tay buộc mà miệng cứ bô bô:

   - Chà, xem cái nhà biết tay thợ khéo. Gỗ xoàng thôi, cơ mà đường bào nét đục cứ sắc như dao cạo, các cậu thấy không? Hồi mồ ma ông cụ là thợ cả đấy nhé. Cái anh lá dừa nước này ngoài Bắc chả có đâu. Vừa bền vừa khó bén lửa, đắt hơn tranh một tẹo cơ mà rẻ hơn ngói... Chúng con lợp dày, sau này con về cưới vợ không phải lợp lại, nhé má nhé. Đang tuyên bố hứa hẹn, mái nhà nó chơi ác nó đái trên đầu cô dâu chú rể, chán ơi là chán...

   Tùy cố đùa cho má vui. Má cố cười để con khỏi buồn.

   Các má dặn nhau khi tiễn đưa phải nén nước mắt. Sỏi đi học vắng. Má đem Sâm đi gửi nhà hàng xóm kẻo nó khóc lăn ra không dỗ được. Má nói với anh em những lời khuyến khích, và tự hẹn chia tay xong sẽ khóc cho thỏa. Thế nhưng, sau khi bóng áo xita xám cuối cùng đi khuất, má chỉ lặng lẽ ngồi xuống gốc đa, không khóc. Má nhìn những dấu dép cao su đủ cỡ in trên đường lầy và nghĩ, bằng tất cả sức mạnh của ý nghĩ, rằng phải có một ngày các dấu dép ấy quay ngược chiều, trở về với má. Những xoáy lốc trong má đã dịu lúc nào má không rõ. Giữa những trận chống càn, lúc nguy hiểm đến gần nhất là lúc má vụt trở nên gan góc nhất, tỉnh nhất. Tám năm đánh giặc đã luyện cho má cái thói quen vùng lên chống cự để cứu con, cứu mình.

   Giặc sắp đến.

   Má đợi chúng đến với cái bình tĩnh của Tùy và Son khi hai con má rủ nhau xuống chặn đánh bọn Tây trắng Tây đen từ Đồng Mè càn lên. Má với bà con không có súng, nhưng có sức mạnh của bốn ngàn người thù giặc, theo Đảng.

   Trên bót Đồng Mè lại treo hai lá cờ Pháp và ba que. Ít lâu sau cờ Pháp kéo xuống, cờ ba que để nguyên. Hình Bảo Đại rớt xuống, hình Diệm ngoi lên. Khắp nơi hiện ra những hình vẽ hai bàn tay túm nhau trên cái nền đầy sọc như áo tù của cờ Mỹ, nhũng mũi tên đỏ in hằn hai chữ đen “Bắc tiến!”.

   Trong cái năm đầu địch còn bối rối, cảnh sống ở Thạch Bường chưa thay đổi bao nhiêu. Bọn quận về lựa người bất mãn với kháng chiến để lập hội đồng hương chính xã. Lạ nước lạ cái, chúng đơm trúng những người chẳng thơm thảo gì với chúng cả. Lão Hạnh làm đại diện hội đồng sợ nông dân một phép. Bà con đều biết anh Sảo là cái anh giả vờ chứ không bất mãn bất mèo gì, làm cảnh sát trưởng cho địch mà lại đứng ra kêu gọi dân làng ký kiến nghị đòi hiệp thương giữa hai miền. Cái tên Thạch Bường của kháng chiến bị buộc phải đổi, hội đồng xã giằng co mãi rồi đổi nó thành Kỳ Bường.

   Dẹp xong các phe phái tranh ăn, Mỹ - Diệm rảnh tay bắt đầu làm dữ. Sau cuộc biểu tình hơn hai ngàn người lên tỉnh đòi hiệp thương, chúng bắt ngay hội đồng xã. Lão Hạnh mới thấy người khác bị đòn đã khai tan hoang. Lão càng khai càng bị đánh, càng bị đánh càng khai lung tung, giá hỏi cụ tổ tám đời có theo cộng sản không, chắc lão cũng nhận rằng có. Anh Sảo chửi địch sa sả trước khi bị cắt tiết giữa chợ. Địch bắt hơn hai trăm người trong xã, nhét chật cái trường học và mấy nhà ngói quanh chợ. Bọn công an quận đánh như bổ củi suốt nửa tháng chưa khắp mỗi người một lượt. Má Bảy chỉ bị tra một trận nhẹ: mười lăm phút treo ngón tay, đánh bằng roi ba cạnh. Chúng thả má vì không đủ chỗ giam hết những người “can tội ký hiệp thương”.

   Má về nhà buổi sáng thì chập choạng tối anh Sáu Dõng đến thăm. Dõng là thầy học lớp bốn của Sỏi rồi của Sâm. Anh đánh tiếng từ ngoài ngõ:

   - Bà này kỳ quá, có mấy chục bạc học phí mà để người ta cưỡi ngựa tàu cau đi đòi phát ngán!

   Nghe má Bảy kể một lát, anh hỏi ỡm ờ:

   - Chín năm đi học, hai năm đi thi, bây giờ má thi nữa hay thôi?

   Má “hứ” một tiếng, đáp ngay:

   - Anh còn dạy học, tôi còn dám thi. Một chữ cũng thi, hai chữ cũng thi. Trường nhứt không đậu thì trường nhì trường ba!

   Sau đó, Dõng thỉnh thoảng đưa một người “bà con” đến gửi ở hầm bí mật nhà má, đào hồi kháng chiến chưa lộ. Bác Hai Công, anh Sáu, chị Liên, anh Thắng, toàn người lạ. Họ ở nhà má năm bảy ngày, đi nơi khác và không thấy trở lại. Riêng bác Hai Công về sau có tin bị bắt. Địch làm lễ chiến thắng to lắm, nói bác là tỉnh ủy viên “Việt cộng nằm vùng”. Thằng Phổ tự tay mổ bụng bác, đem về phơi xác một tuần giữa chợ quận. Má khóc suốt mấy đêm, mỗi bữa xới một chén cơm để lên bàn thờ quải cơm cho bác. Có lúc anh Dõng đi Sài Gòn, Đà Nẵng, má lại chặt lá chuối để trên bờ rào làm ám hiệu cho anh chị em trở lại với má. Chặt gần trụi mấy bụi chuối vẫn không thấy ai về.

   Ngày hẹn tổng tuyển cử sắp đến. Rải rác nhiều nơi đã hiện ra truyền đơn, biểu ngữ của ta. Dõng đang sửa soạn một đợt đấu tranh lớn thì một cơ sở bị đánh dữ đã khai ra anh. Dõng kịp chạy thoát lên núi. Địch xăm nhà anh suốt bốn ngày, đào được rất nhiều cờ may tay, biểu ngữ và áp phích với nhiều nét chữ khác nhau. Chúng biết trong xã còn nhiều cơ sở ta, quyết đánh một trận cho trốc gốc. Cuộc khủng bố ấy ghê gớm gấp trăm lần dạo “bể hiệp thương” .

   Công an, công dân vụ, cán bộ tố cộng, lính bảo an và dân vệ về đóng chật Kỳ Bường. Ngoài đường và ở chợ Đồng Trầu chỉ còn thấy lính và trẻ em. Trẻ em xách cơm cho người lớn bị bắt. Trẻ em đi mua rượu, đường, thuốc “trật đả hoàn” về đổ cho cha mẹ anh chị bị tra. Rồi cũng các em ấy tự đi mua vải trắng về bịt ngang trán, đi theo quan tài ra bãi tha ma đã đầy những mả mới đất đỏ. Dưới vành khăn tang, những đôi mắt tròn hạt nhãn đã sớm biết tự giữ cho khô để nhìn cho hết, nhớ cho hết.

   Từ đó, đến quãng tháng sáu âm lịch, có đến ngót năm mươi gia đình trong xã cùng làm giỗ trong vòng bốn năm ngày. Các cụ già ở Kỳ Bường nhớ từ khi quy dân lập ấp đến nay chưa có cái giỗ chung nào to như vậy.

   Má Bảy và Tư Sỏi bị bắt. Roi ba cạnh, bình điện, rồi nước vôi, nước ớt, nước xà phòng. Hai má con không khai gì hết. Thiếu chứng cớ, địch vẫn giam má mười một tháng ở quận. Chúng chỉ thả má khi nhà giam quá chật. Gia đình má bị xếp vào “tình nghi can cứu loại A”, phải quản thúc tại thôn.

   Chỉ chưa đầy một năm tù không án mà tóc má Bảy đang đen đã trở bạc màu tiêu muối. Răng má rụng bốn cái. Lưng má còng xuống. Mắt má vốn sắc nay ngả đục lờ. Các ông bà mắt kém gặp lại má đã lầm với người khác. Má già đi nhanh quá.

   Một tấm bảng gỗ đề chữ đen “gia đình cô lập” được treo trước ngõ để đón má. Hai con vừa cười vừa khóc, thì thào kể đủ chuyện. Sau “cải cách điền địa”, số ruộng trâu má được tạm cấp hồi kháng chiến về tay thằng Phổ cảnh sát trưởng hết. Hắn thấy con má cày cấy được nên để cho cấy rẽ, nuôi rẽ, còn kể ơn mãi. Hễ nghe troốg mõ báo động, các gia đình loại A phải chạy ra vây bắt cán bộ trước tiên, ai chậm sẽ bị đòn tại chỗ. Lại thêm hai gia đình nữa bị bắt vì tội “tiếp tế Việt cộng”. Nghe nói anh Dõng thường về ban đêm.

   Má Bảy ngồi chụm lửa nồi cám heo, nghe con nói. Đến cái tin cuối cùng, má chớp mắt, nghĩ: “Anh em mình vẫn hoạt động...”. Nhưng ý nghĩ ấy chỉ lóe thành chấm sáng yếu ớt chứ không bốc nóng trong má nữa.

   Tư Sỏi hỏi:

   - Làm sao liên lạc được với các ảnh, má?

   Má lặng im một lúc. Mắt không nhìn con, má khẽ lắc đầu, ngập ngừng:

   - Để vắng vắng đã. Tụi nó làm quá tay...

   Má thấy ngấm mệt rồi. Má tưởng sẽ được yên lành nếu má ngừng làm cách mạng ít lâu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 10:55:31 am »

*
*    *

   Ba năm qua.

   Bốn năm. Năm năm. Sáu năm...

   Những tháng đầu tiên dưới roi đòn Mỹ - Diệm đi qua rất chậm, đầy tiếng thét tiếng rít, như chiếc xe gỗ mới đóng vừa bò vừa nghiến trục. Rồi thời gian trôi nhanh dần. Chiếc xe trơn bánh cứ bị đẩy xuống dốc. Thỉnh thoảng nó chồm lên, vật mình chống cự, lại bị xô đi tiếp.

   Ai đã qua Kỳ Bường hồi kháng chiến, trở lại đây sau sáu năm ngừng bắn, sẽ khó đoán được dân Kỳ Bường sướng hay khổ hơn xưa.

   Thoạt nhìn, xóm làng có vẻ giàu đẹp hẳn ra. Quốc lộ số 1, rồi đường sắt Xuyên Việt được nối lại, xe lửa sớm chiều hú gọi khách nghe vui tai. Con đường tỉnh chạy về phía Tây Nguyên, băng qua cả ba thôn của Kỳ Bường, được mở rộng, rải đá, xây cầu mới. Những thứ hàng Mỹ, Pháp, Nhật, hồi trước không bói đâu ra, nay kìn kìn đổ về chợ Đồng Trầu, bán rẻ như cá ươn. Đồng Trầu phình ra khá nhanh, thành một thị trấn nhỏ với những mái ngói mới san sát. Trụ sở hội đồng, chợ, trường học, nhà y tế, nhà thờ Thiên chúa giáo, chùa Phật giáo, đền miếu, quán rượu, tiệm tạp hóa, tất cả chen chỗ nhau mọc lên đỏ tươi, trắng lốp. Khi lập khu trù mật, hội đồng xã chỉ cần cho khoanh hai lớp rào kẽm gai và dựng một chuỗi tháp canh là xong việc.

   Nhiều gia đình giàu bốc lên: địa chủ được lấy lại ruộng và tăng tô, nhà buôn phất năm bảy chuyến hàng ngoại, bọn tề vét bổng lộc trong các “chiến dịch tố cộng” và các vụ thuế. Số này đua nhau làm giàu thêm. Bỏ vốn mua máy xát gạo, máy dập ngói, xe lam  hay thuyền máy chở hàng, chỉ một năm sau đã trả xong tiền mua máy khấu dần và thu lãi bộn bề. Chung quanh khu trù mật, ôtô suốt ngày toe toe giành đường với xe đạp gắn máy, mùi xăng không lấn nổi mùi nước hoa từ những áo quần nilông lòe loẹt bốc lên. Xã Kỳ Bường thường được bọn tỉnh, quận đưa khách về thăm. Chúng dạo một vòng quanh chợ, khen là xã xuất sắc “diệt cộng kiến quốc”, thưởng thêm cho cái giấy khen treo giữa trụ sở. Mỗi năm một lần, hội đồng xã cộng tất cả các khoản tiệc tùng, bổ xuống đầu mỗi cử tri thêm bốn năm chục bạc thuế.

   Đi sâu vào các ngõ xóm, khách sẽ thấy cảnh giàu sang ấy vắng hơn, nhưng đường sá nhà cửa vẫn gọn sạch, ưa nhìn.

   Ngôi nhà gỗ lợp lá dừa nước của má Bảy được sửa sang luôn, mỗi năm quét vôi trắng hai lượt vào dịp Tết nguyên đán và “Tết cộng hòa” 26 tháng 10. Trước nhà dựng một cổng chào gỗ mang tấm bảng tôn to kẻ khẩu hiệu “diệt cộng là yêu nước”, giá chợ 25 đồng, hội đồng mua giúp với giá bốn chục. Với dãy chè tàu xén vuông đằng trước và dãy dừa cao nghiêng đầu che mát mé sau, trông cơ ngơi nhà má cũng ra chiều dư dật.

   Vào trong nhà, khách mới ngờ ngợ thấy hình như gia đình này có vỏ không ruột. Ba gian nhà rỗng tuếch, chỉ kê một cái án thư què làm bàn thờ và một bộ phản nứt nẻ. Cột kèo mọt nát, nhả bụi trắng đầy đất. Các thứ cờ ba sọc, ảnh “Ngô tổng thống”, nhãn thuốc ghẻ ông Tiên, bìa lịch in hình “bà Nhu” thăm dân nghèo, những tranh con gái hở hang cắt trong báo ảnh “Thế giới tự do”, tất cả gieo nhiều mảng màu vui mắt nhưng không che được hết những chỗ rách rưới trong nhà. Mấy cái áo quần dài và đồ lót phụ nữ bằng nilông màu, được treo ở một góc nhà có vẻ kín đáo nhưng khách ngồi chơi dễ trông thấy, cãi nhau rõ rệt với cái bồ bị chuột cắn rách đáy mà không đổ nắm thóc nào ra đất. Nếu xuống bếp lật vung nồi cơm ra xem, khách sẽ thấy toàn khoai khô mốc xỉn, trên hấp một chén mắm lạo xạo muối trắng. Khách chỉ còn biết chê gia đình này nhịn ăn mà mặc, mà ở.

   Đúng như vậy thật.

   Hơn ai hết, má Bảy biết những cái lố lăng rởm đời trong ngôi nhà còn đượm hơi tay người chồng nghèo và đứa con nuôi bộ đội. Má xấu hổ không muốn nhìn nhà mình nữa. Má chỉ ra vào dưới bếp cho đỡ ngứa mắt.

   Cũng như số đông bà con Kỳ Bường, gia đình má Bảy tựa hồ đã vào khuôn vào phép, yên phận làm ăn dưới chế độ mới. Hễ hàng xóm đánh mõ la làng má cũng đánh mõ la làng, con má xách gậy, dây, đèn gió ra khua hờ các bụi cây. Má tập cho con giữ miệng: không hát nghêu ngao những bài kháng chiến, gọi bọn tề bằng ông, vào lớp tố cộng thì “thủ khẩu như bình”. Trăm thứ đóng góp má chạy tiền nộp đủ, không để bị lôi đi học “lớp ù lì”. Má sắm đủ đồng phục, súng gỗ, huy hiệu cho con đi tập trận hàng tháng với thanh niên cộng hòa.

   Bọn cộng tác viên công an theo rình mãi không thấy nhà má có gì đáng ngờ. Tấm bảng gỗ “gia đình cô lập” được thu lại sau khi má chịu quyên một ngàn đồng vào quỹ nuôi dân vệ. Gia đình má xuống loại B: không phải đi ngủ tập trung buổi tối, được phép đi lại trong phạm vi xã, xâu thuế và học tố cộng giảm bớt chút ít. Má thở phào một cái, ngỡ rằng từ nay sẽ dễ sống hơn.

   Thế nhưng má Bảy vẫn cứ nghèo thêm, cực thêm. Má không mở miệng than nghèo, vì thằng Ba Phổ nói như dao chém đá:

   - Kêu túng thiếu thì lên dinh điền Cao nguyên mặc sức làm giàu, đừng ở đây phơi đói phơi rách ra mà xấu mặt quốc gia. Không muốn đi cũng trói giải đi. Con đau không chịu uống thuốc, cha mẹ phải cạy răng mà đổ.

   Nhờ khéo giấu cảnh nghèo nên má Bảy không phải đi di dân như bốn mươi ba gia đình bần cố nông khác trong xã. Cái nghèo đè trên gia đình má đã nặng, má càng che đậy sơn phết nó càng đè nặng thêm, như người cõng cái cối đá sụn vai mà phải gượng đi thẳng lưng, không dám thở mạnh.

   Tiếng loa ngày nào báo tin thắng trận, nay hết gọi học tố cộng lại thúc đi xâu, nộp thuế. Quanh năm suốt tháng nó xoi xói vào tai những lời hung ác: “... sẽ bị trừng trị nghiêm khắc... sẽ bị xử theo luật 10/59... sẽ bị coi như phản quốc...”. Cả nhà má đổ đi làm xâu, đóng thuế. Khi xây trụ sở xã, má bán heo nộp ba trăm bạc, Tư Sỏi đi làm nửa tháng công, để rồi cả hai má con đến cái trụ sở ấy quỳ “sám hối” và chịu đòn, chịu chửi. Cái chợ và con đường tỉnh cũng có bàn tay của ba má con xây đắp mất mấy tháng. Sau đó má gánh củi đi bán phải mất thêm hai đồng thuế chợ, một đồng thuế cầu đường, cộng với cái nạn bị ôtô nhà binh tưới bùn trên người hoặc thốc bụi vào mặt. Má góp công của dựng trường học, nhà y tế. Con má không đủ tiền trả học phí phải chịu dốt. Má chưa bao giờ xin được một viên thuốc ở nhà y tế, nơi chỉ chữa cho bọn cầm quyền và cầm súng để chúng khỏe hơn, đánh người được dài hơi hơn. Má bán lưng cho trời xây nên cảnh giàu sang, nhưng cái khối sang giàu kia không tới phần má hưởng, lại chồng chất ngày thêm nặng trên đầu má. Thế đứng của giặc càng vững, chúng càng tham, càng hung hãn.

   Số trẻ mới lớn lên có đôi đứa lầm, chứ những người như má không lầm. Trong cái chế độ mạnh vì gạo bạo vì tiền này không chút gì là của má cả. Ruộng trâu má chúng cướp gần hết. Chúng làm cho má cùng kiệt nhưng cấm má không được lộ cảnh đói rách. Cái nhà quét vôi mới, mấy bộ quần áo trơn láng, những mâm giỗ chồng ba lớp đĩa mời từ đại diện xã đến liên gia trưởng tới ăn, tất cả đều không phải của má, mà của cái bọn bắt má chưng diện đãi đằng như vậy mới tha cho má khỏi bị đày biệt xứ. Rồi đến hai đứa con. “Còn nhỏ là con cha mẹ, lớn lên là con chánh phủ”, hội đồng nói vậy. Cái chính phủ ấy đang lăm le bắt nghiến hai giọt máu của má, một đứa sẽ cầm súng, một đứa làm nhà thổ. Má ước sao có thể ghìm con cái lại như người ta hãm cây chanh lùn, không cho chúng lớn lên để khỏi mất dần từng đứa. Đến chút của riêng cuối cùng là cái mạng má cũng không còn thuộc về má nữa. Giặc muốn đánh giết má lúc nào cũng được. Chúng chỉ để má sống vì cần tá điền.

   Má đã mất tất cả.

   Sau nhiều lần bị địch vùi dập, má muốn được yên thân một tí để nuôi con. Má già rồi. Hai con lớn lên sẽ làm cách mạng thay má, trả thù cho má. Trăm ngàn cái khổ hằng ngày trút trên đôi vai yếu dần, má đều cắn răng chịu, đưa vai ra che đỡ cho con. Má ăn củ khoai dính vài hạt cơm, làm hùng hục như trâu lăn, tranh cấy rẽ từng thước ruộng nhà giàu bỏ chó ỉa, giành giật từng xu để trút ra mua những ngày sống tạm cho con.

   Đùng một cái, đất sụt dưới chân má. Tư Sỏi tuyên thệ, lãnh súng. Dù vì tiền hay vì ép buộc, nó cũng mang cái nhục vào gia đình má, nó sẽ bắn lại anh em mình.

   Nếu trong nhà má lâu nay có tiếng nói và hơi thở của Đảng, chắc chắn Sỏi không làm như vậy. Nó sẽ thoát ly theo anh Dõng hoặc làm công tác anh giao. Nhưng má đã ngăn con khi nó muốn tìm Cách mạng. Chao ôi, tại sao má lại tưởng sẽ được yên lành khi vắng cán bộ trong nhà?

   Má không kịp nghĩ nhiều, chỉ choáng váng như bị đấm vào trán. Hai bả vai và xương sống nổi đau nhức.

   Lâu nay má thường có những cơn buồn u uất khiến má mau già và đổi nết đi. Má không cười nữa. Những nét buồn hằn mãi trên mặt má thành một loạt nếp nhăn mới. Dáng đi của má trở nên chậm, mệt, rầu rĩ như chim sẻ mồ côi. Mỗi khi giật mình, má hay kêu líu lưỡi: “Ớ ông trùm ông xã, ông xã ông trùm!”. Con cháu hay ghẹo má vì cái tật ấy, chúng nhớ hồi trước má không mấy khi nói nhịu.

   Với cái tin dữ vừa nghe, một cơn buồn mới lại đến, nó làm cho má mụ người hẳn.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 10:57:18 am »

*
*    *

   Út Sâm chạy lúp xúp về nhà. Sâm không chạy nhanh, sợ cây đèn gió bị tắt và bọn lính đi tuần bắn ẩu. Sâm có một cái thú riêng từ hồi nhỏ. Đang chăn trâu ngoài đồng, Sâm gửi trâu cho bạn, chạy ù một hơi về nhà với cái thấp thỏm rất dễ chịu: “Có má hay không có má?”. Thường là có má, vì Sâm chọn lúc tàn buổi cấy để chơi cái trò ấy. Má biết Sâm về chỉ để trông thấy má, nhưng vẫn hỏi: “Đói rồi hả con?”. Má lấy đũa xóc cho Sâm một củ khoai hấp tươm mật trên nồi cơm. Sâm vừa thổi vừa gậm củ khoai, tung tăng trở ra đồng. Không có củ khoai cũng cứ vui. Đến bây giờ, Sâm vẫn thích chạy nhanh về khi có má ở nhà và tự đánh cuộc với mình xem má đang làm gì.

   Sâm bước vội qua cửa, giơ cây đèn lên quá đầu cho đỡ chói, hỏi theo điều mình đoán:

   - Má ngủ rồi hả má?

   Hỏi xong, Sâm cũng vừa trông thấy má ngồi cạnh bếp, không động đậy Mấy cái bã trầu nằm như trám rụng bên chân má. Sâm nghĩ ngay: “Làm sao cho má khuây một lát, má mới ngủ được”. Sâm kéo cái đòn ngồi xuống cạnh má:

   - Có chuyện hay lắm, má ơi!

   Má từ từ quay đầu lại, chớp đôi mắt đục của người ngái ngủ:

   - Gì đó Út?

   - Ly kỳ, gay cấn. Má cười con mới nói. Cười đi má!

   Sâm kê cằm trên vai má, cầm đuôi tóc mình xoi vào cổ má, cù cho má cười. Má không cười, nhưng tỉnh ra hẳn.

   Khuôn mặt trắng hồng của con sáng rực. Trăng rằm vừa mọc bên má. Như mọi lần Sâm làm nũng, má lần tay gỡ mấy sợi tóc rối trên trán con, nhân đấy nựng mặt con một chút và ngắm con cười với mình. Cũng thành thói quen, má tìm một câu nào đấy dặn dò con, để Sâm và mọi người biết rằng má lo dạy bảo chứ không phải nuôi con chả chớt với con:

   - Lấy khăn quấn cổ đi Út. Dầm mưa cả ngày rồi.

   Sâm biết không cần để ý đến những lời dặn lấy lệ ấy. Sâm ghé tai má, thì thào:

   - Thầy Dõng về, má ơi!

   - Đâu, ảnh ở đâu?

   - Là thầy về trên Kỳ Sơn kia. Bác Nhâm lên đó mua tre, nghe đủ hết. Chính thầy bắn chết thằng cảnh sát trưởng Kỳ Sơn, rồi đứng nói trong mít tinh. Ai cũng nói thầy mập trắng ra, coi còn trẻ hơn hồi ở nhà nữa.

   - Có bộ đội mình về không?

   - Nghe nói thầy đi với hai ba người nữa, mang súng hết. Mai con đi thăm thầy, nghe má?

   Sâm định hễ má không ừ thì hờn luôn. Nghe tin ở đâu có Cách mạng về, Sâm cũng nao nức muốn chạy đi tìm, nhưng lần nào má cũng gạt đi: “Mày con nít biết gì. Đi rồi bị đòn lại khai bậy, chết lây hàng xóm”. Tháng trước Sâm lén má đi với hai cô bạn lên Kỳ Lâm xem cờ Cách mạng, lên đến nơi cờ đã bị gỡ mất, về còn bị má mắng.

   Má nhai giập miếng trầu mới hỏi:

   - Đi với ai?

   - Với con Ngọ. Bác Nhâm dặn con Ngọ lên tìm họ hàng trên đó, người ta chỉ chỗ thầy Dõng cho... Để con mượn cái bao bố, cái cân, con giả hỏi mua chè khô, à mà con mua chè luôn chớ sao lại giả. Con qua chị Đa mượn bao nghe má. Lấy xe đạp con Mại, hai đứa đèo nhau...

   Sâm nhổm lên chực chạy. Má níu tay Sâm:

   - Làm gì như kiến đốt đít vậy. Con đi thì đi, mà phải nghe lời con Ngọ, ăn nói ý tứ như nó mới được. Bàn trước với con Ngọ thiệt kỹ, hễ tụi nó chặn bắt thì đối đáp cho khớp nhau. Cộng tác viên mới tố giác nhà mình một lần nữa đó. Nay mai không chừng nó bắt má đi tố cộng lớp A trên quận...

   Má nhìn thẳng vào mắt Sâm. Bàn tay má tự dưng bóp cánh tay Sâm rất mạnh, hơi run. Má nói thong thả:

   - Có điều anh con nó đã... như vậy, con phải rán tìm được anh Dõng cho má. Tụi nó đồn ảnh chết, má chưa tin mà sao cứ nóng ruột hoài. Con mời ảnh về thăm má một chút, má trông lắm. Con nói bấy nhiêu thôi, đừng hở ra chuyện anh Tư lãnh súng, nhớ chưa?

   - Dạ nhớ.

   Sâm hối hả chạy sang nhà chị Đa.

   Má Bảy lên giường nằm, đợi con về ngủ chung cho ấm. Đầu óc má trở lại êm ả. Còn Cách mạng, còn anh Dõng, Tư Sỏi không thể sa ngã theo giặc được.

   Nhưng đến khi Sâm nằm bên má, chơi nghịch lùa hai bàn tay lạnh vào người má, má bỗng thấy xốn xang thế nào. Nhất trưởng nam nhì gái út, má cũng có thương riêng Út Sâm hơn một chút. Mười tám năm qua má che cho con, chưa một mảnh bom hay ngọn roi nào rơi trên da thịt mơn mởn của Sâm. Hôm nay má phải giao cho con một việc nguy hiểm. Sâm đi không ai để ý. Còn má muốn ra khỏi xã phải làm đơn xin hội đồng, đút thêm trăm bạc, còn bị chúng nó ghi vào hồ sơ...

   Má thì thầm:

   - Út ơi, ngủ chưa?

   Sâm nói như đang nhai bột:

   - Ngủ đi má.

   Sâm gác chân lên chân má, ngáy đều. Má chép miệng: “Thôi đành!”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 02:04:58 pm »

3

   Chị y tá từ trong bếp bước ra, mặt hồng hơi lửa, cầm đũa bếp gõ vào cái máng tre ba tiếng như đánh mõ báo động:

   - Bớ Việt cộng, xuống ăn cơm!

   Tiếng cười nói nổi lên râm ran trong các lán và dưới các tấm tăng nhựa đủ màu:

   - Hoan hô chị nuôi! Đói thấy mụ xã rồi đây!

   - Bớ ba quân, ăn mau rồi cao phi viễn tẩu!

   - Tao nhớ kèn cơm của bộ đội mình quá. Vầy nề: cơm, cơm cơm cơm cơm, cơm cơm cà, cơm cơm muối, cơm nước suối cùng là cà chua.

   - Thằng Bê dù giỏi nhớ ghê ta.

   - Tai nó to, nó nghe rõ hơn tụi mình. Ai nói gì cũng lọt tai nó trước... Ủa, buông không? Thằng Bê ác ôn đây bớ làng xóm!

   - Hàng sống, chống chết!

   - Tao... ối... chịu thua. Tay đập sắt cứng gớm.

   Bê buông tay cậu bạn, moi trên mái nhà rút một nắm đũa:

   - Đương sự nào thiếu đũa? Mở kho năm phút.

   Bốn năm bàn tay cùng chìa ra:

   - Tao một đôi!

   - Nè Bê dù, chỗ anh em nối khố...

   - Nhỏ kia, nộp thuế nhập lâm đây mày!

   Bê biết tính các bạn. Ăn xong là vất đũa đâu mất, đến bữa lại chạy nháo đi bẻ cành cây, để nguyên đầu cây xơ như thế mà lùa cơm vào miệng. Giờ nghỉ trưa hôm qua Bê đi cắt lá mây về sửa mái lán, tìm ra một bụi tre. Bê đẵn luôn một cây to vác về, chặt khúc ra chẻ làm máng đựng thức ăn, nhân tiện vót luôn mớ đũa chia cho anh chị em.

   Trong cái lán nhỏ dựng hơi tách ra một góc, huyện ủy đang họp với anh Chín Chuyền, phó bí thư tỉnh ủy. Họ đã bàn xong kế hoạch đồng khởi. Trên cái bàn nứa trải một tấm bản đồ cũ nát, lưng bồi vải, sáu người ngồi chung quanh bàn không mấy khi nhìn vào đó, họ thuộc từng xóm, từng đường ngang lối tắt trong huyện. Chỉ có rải rác mấy con vắt bị nướng cháy đầu cháy đuôi nằm còng queo trên mặt giấy như những dấu hỏi. Trong rừng già tối om, ban ngày muốn đọc tài liệu cũng phải thắp đèn, và các đồng chí vừa họp vừa táy máy gỡ những con vắt bò lên chân, dí vào ngọn đèn treo làm bằng ve rượu bạc hà.

   Nghe tiếng ồn ào, anh Chín quay nhìn ra ngoài. Hơn hai chục cán bộ các đội võ trang công tác đang quây quần chung quanh những rổ sắn luộc, cười rộ từng lúc. Anh Chín mỉm cười theo. Khuôn mặt rỗ hoa đột ngột trẻ lại. Sáu Dõng nhắc một câu đã nói đôi lần với anh Chín:

   - Anh em nằm hầm nói thầm miết, về núi mới được cười to một chút xả hơi đó anh.

   Anh Chín cười:

   - Việc gì ông phân bua hoài vậy... Ta nghỉ hè.

   Anh gấp sổ tay cho vào cái túi dết lúc nào cũng đeo bên sườn, với tay xách cái thắt lưng súng ngắn, đi xuống suối. Các đồng chí huyện ủy nháy nhau. Họ biết anh cán bộ tóc trắng ấy rất thích chơi với lớp cán bộ trẻ.

   - Mời các anh vô. Quí khách dùng phở, mì, hay bún bò?

   - Lương khô cá ngừ đây, chánh hiệu con nai vàng, nhãn hiệu trình tòa đề phòng giả mạo!

   - Mâm này có nước mắm cô anh ơi!

   - Anh Chín qua đây anh Chín! Đừng ăn nước mắm Mũi Né của nó, né mũi không kịp...

   Anh chị em mang gạo và lương khô về nhiều, nhưng nhường gần hết cho bệnh xá tỉnh đang bị đói. Cán bộ len lỏi ở xã được dân nuôi rất tươi, cấp huyện thiếu thốn hơn một chút nhưng còn khá, đến cấp tỉnh cấp khu thì ăn uống “khô như ngói” bởi cơ quan to phải ở núi cao. Đến đợt đồng khởi này, cơ quan nào cũng tấp tểnh đòi kéo xuống đồng bằng cả.

   Anh Chín ngồi xổm xuống cạnh Bê, bẻ một củ sắn luộc. Chị y tá thò tay rút mất củ sắn anh đang cầm, đặt trước mặt anh một đĩa nhôm đựng cơm ghế khoai lang, nói rất nghiêm:

   - Thầy thuốc cấm anh không được ăn sắn. Bệnh đường ruột.

   Anh Chín biết nếu cãi hay từ chối phần cơm dành riêng cho anh, tất cả các đồng chí sẽ rất không bằng lòng. Anh xới cơm ăn tự nhiên, đùa lại chị y tá:

   - Cô cộng nữ bốn súng lục ra lệnh, xin phục tùng. Người ta còn đồn cô đẹp như tiên...

   Chị y tá đâm đầu chạy giữa tiếng cười ồ. Hôm đi công tác với đội anh Dõng xuống Kỳ Sơn, chị mượn bốn cái ống lương khô rỗng đeo vào thắt lưng, định mua gà rang mặn đem về cho các đồng chí ốm. Khi lên ca bài chòi trước mít tinh, chị vô ý đeo đủ cả bốn cái ống tre trên mình. Trong khi đồn thổi những chuyện về Cách mạng, đồng bào vẫn thích tô vẽ thêm thắt ít nhiều để bà con mừng và thằng địch sợ.

   Anh Chín lại gợi chuyện đồng khởi. Qua những câu bông lơn, anh dễ thấy khí sắc của cán bộ hơn trong hội nghị.

   - Mình về đây, ăn gì cũng là ăn tạm thôi. Tháng sau các ông phải cho mình ăn mì Quảng ở chợ Đồng Trầu kia. Ông Dõng dám hứa chắc không?

   Dõng gật ngay cái đầu hớt bàn chải:

   - Ngay bây giờ, tôi dẫn anh xuống Đồng Trầu. Muốn gì có nấy.

   - Chống gậy ăn đêm, mình đâu phải nhờ tới ông!

   - À... hễ tối nay có lệnh khởi, sáng mai tôi mời anh vô quán bà Lành ăn mì, uống bia cam đàng hoàng.

   Bê chen vào:

   - Anh Chín về Kỳ Hải ăn cá thu nữa.

   - Cá thu đóng hộp, nhét trong gánh tro bón ruộng hả?

   - Dạ không. Cá tươi, cá một lửa hẳn hoi chớ.

   Anh Chín cứ tỉnh khô:

   - Ờ, hiểu rồi. Cậu đẩy mình vô trong buồng, ông bác bà thím gì đó bưng vô một tô cơm một đĩa cá, năn nỉ mình ăn mau đi mau để đánh mõ la làng. Đúng chưa?

   Cả mâm cơm cười rầm. Mọi người đều gặp những cảnh cay cực như vậy. Con về thăm má, má khóc lóc hôn hít một hồi, nhét áo quần tiền bạc đày bao, rồi đẩy con ra cửa: “Đi con, để má đánh mõ la làng”. Nghĩ mà tức thằng địch ói máu, nhưng rồi anh em quen dần, đem chuyện ấy ra pha trò với nhau.

   Anh Chín ngắm những nụ cười tươi chung quanh mình. Một lần nữa, anh mừng thầm khi thấy ánh lửa long lanh trong những đôi mắt đói ngủ. Anh thường “bắt mạch phong trào” bằng cách xem tướng cán bộ. Ở đâu cán bộ hăng, xốc xáo, ở đấy phong trào quần chúng có cái sôi động của tuổi trẻ. Ngược lại, khi thấy cán bộ rụt rè, co thủ, anh biết nhân dân trong vùng ít dám quyết liệt với giặc. Anh đoán không mấy khi sai.

   Ai cũng biết anh Chín rất yêu lớp trẻ, nhưng không mấy người hiểu đúng vì sao. Số đông thấy anh đi sát cấp dưới là điều tất nhiên, người cán bộ tốt phải vậy. Những đồng chí biết rõ đời riêng của anh cho rằng hai đứa con lớn của anh đã hi sinh, một trong kháng chiến và một sau đình chiến, nên anh tìm đến thanh niên với nỗi thương nhớ của người cha mất con. Anh cũng cười nhận như vậy, như người ta nhận hút thuốc là một tật xấu. Nhưng có một lẽ lớn hơn là anh muốn mình trẻ lại, anh muốn cái chất sống bồng bột của tuổi trẻ thấm vào anh. Sau ngót ba mươi năm làm cách mạng, anh có cái vững vàng chắc chắn của người cán bộ đã lái phong trào của quê mình - từ xã đến tỉnh - qua hầu hết những bước chìm nổi. Tuy vậy, anh luôn luôn lo mình không thấy ngay cái mới, không theo kịp cái mới, nhìn cái mới bằng đôi mắt cũ, đánh giá cái mới bằng thước đo của những kinh nghiệm cũ. Chính mối lo ấy thúc giục anh đi nhiều, nghĩ nhiều, học nhiều. Và anh tìm thấy cái mới rõ nét nhất ở các đồng chí đang lớn lên.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 02:09:02 pm »

*
*    *

   Uống xong bát nước chè núi rất đặc, anh Chín thắt súng ngắn vào lưng, gọi:

   - Ra dòm trời đất một chút, Dõng ơi.

   Bê vội xách tiểu liên chạy theo. Anh Chín kéo ống quần bà ba rộng, lội dọc theo con suối đá trơn, nhanh đến nỗi Dõng và Bê theo anh cứ trượt sấp ngửa. Cơ quan huyện nằm giữa rừng già, gần hai làng dân tộc Co. Đồng bào vùng này đâm trâu ăn thề, đứt đầu cũng quyết nuôi cán bộ. Đường vào cơ quan là con suối nhỏ không có tên trên bản đồ, tự xóa các dấu chân qua lại.

   Lội chừng nửa cây số, ba người ra khỏi rừng. Đến một đám rẫy cũ chằng chịt những gai mâm xôi, anh Chín gỡ mấy con vắt bám chân, trèo lên một tảng đá đen. Một mỏm núi thấp hiện ra như đầu ngựa trước mặt người cưỡi. Dưới kia, ruộng đồng trải rộng. Rồi đến biển xanh ngút tầm mắt, tỏa ánh xanh tạo nên bầu trời.

   Đó, đồng bằng miền Trung.

   Biển và núi hẹn nhau chỉ nhường cho người một rẻo đất phẳng làm cái cầu nối hai vựa thóc của Tổ quốc. Một dải đồng bằng mảnh mai, len lỏi, mới phình ra được như cái bánh quai vạc đã lập tức bị bóp lại còn bằng sợi bún, vay xong lập tức phải trả. Dọc xương sống vốn không nhiều thịt. Trên hàng ngàn cây số của cái hành lang mở nước, người Việt chỉ thấy biển đằng Đông, núi đằng Tây, và dưới chân sỏi cát nhiều hơn đất dẻo.

   Các tỉnh đồng bằng miền Trung chia nhau từng khúc đường vào Nam. Chia rất công bằng: tất cả đều có núi, đồng, sông, biển. Các huyện nữa cũng thích kiểu nằm bậc thang, gối đầu lên núi và duỗi chân đến biển. Một số tỉnh họp lại được gọi là khu Năm. Một con số hẹn nhau mà gọi. Một con số khi mới đặt ra không gợi lên cái gì rõ rệt. Lửa kháng chiến đã khắc con số ấy bằng dao nung đỏ vào lịch sử dân tộc. Con số ấy biến thành tên của quê hương, nằm sâu trong tim của mấy triệu đồng bào đồng chí. Đau xót, thương nhớ, vui mừng, kiêu hãnh được gửi đến khu Năm: tình người làm con số ấy sống như người.

   Trong những năm khó khăn nhất, một số cán bộ vùng xuôi khu Năm phải lánh lên núi. Đồng bào Thượng đã nuôi và giữ nguyên vẹn cái vốn quí ấy của miền Nam. Lịch sử sẽ đời đời ghi công ơn của những người con đóng khố cởi trần đã giữ vừng miền núi khi ta chưa nổ súng. Giặc chỉ chiếm được đồng bằng...

   Nhưng, giặc đã chiếm đồng bằng.

   Các đồng chí người Kinh ngày phát rẫy, đêm nằm vây quanh đống lứa rừng. Họ nhớ đồng bằng, nhớ tỉnh nhà.

   Kể cũng lạ. Thế đất chẳng khác nhau mấy, nhưng mỗi tỉnh đồng bằng khu Năm lại có một giọng nói, một nguồn giàu có, một truyền thống cách mạng riêng hẳn. Các tỉnh anh em ruột rất giống và rất khác nhau ấy cùng dàn hàng ngang đánh giặc cả mặt trước lẫn mặt sau, bồi đắp cho nhau như các màu họp lại thành bức tranh đẹp, vẽ bằng lời trong đêm thao thức.

   Chỉ cần một đồng chí nhắc đến con gái Phú Yên cưỡi ngựa trên Đồng Bò, lập tức người khác nhớ con gái Bình Định “múa roi đi quyền”, con gái Quảng Ngãi chém lốp xe Nhật, con gái Quảng Nam quật đòn gánh diệt Tây. Bữa cơm thiếu muối gợi nhớ miếng cùi dừa và tấm đường phổi, bát canh mít non nấu với cá chuồn, đĩa chuối chát chấm mắm nêm, những chút hương riêng của xóm nghèo. Rồi vui miệng họ nhại nhau từ “mô tê răng rứa” đến “bộ đậu ăn ẩu”. Rồi những kỷ niệm chung quanh đoạn đường sắt độc nhất của nước Việt Nam kháng chiến, với những đầu máy rách và cầu sửa cheo leo. Rồi hát. Ca bài chòi, hò giã gạo, hát chèo đò. Một cánh buồm phồng trắng gió Tây lừ lừ trôi trên một dòng sông nào đó rất trong - Thu Bồn hay Đà Rằng thì cũng một chiều nước chảy, một lòng cát mịn - với cô gái tóc chải dầu dừa đung đưa bàn chân phải theo nhịp chèo, ghé những bến không giống nhau dọc đường từ nguồn xuống biển, đi dần vào im lặng...

   Lửa tàn. Tất cả lặng im như không ngủ. Mỗi người đang sống tiếp với quê hương những phút cuối cùng trong ngày. Quê ta nằm giữa tiền rừng bạc biển mà nghèo đói. Cha ta cần cù khắc khổ, tưới mồ hôi cho mềm đá kiếm ăn. Mẹ ta rọc lá trầu héo làm ba, bửa cau làm sáu. Con ta chỉ được ăn cơm trắng mỗi năm mấy ngày giỗ tết. Nghe chuyện làm chơi ăn thật trong Nam Bộ mà thèm nhưng đi thì chẳng muốn đi. Đất của ta uống nhiều mồ hôi, ngấm nhiều máu, đã thành một phần thân thể ta, sẽ có ngày đất trả ơn người.

   Thế rồi dòng nhớ lại đẩy một mũi gai xoay ngược trong lồng ngực.

   Ôi quê hương! Quê ta nằm dưới kia, ngay trước mắt, tưởng như kêu to một tiếng thì vợ ta nghe thấy, duỗi tay ra có thể xoa được tóc con. Quê ta nằm bên ta đó, nhưng nằm trong tay giặc. Nhà ta chúng đốt rồi. Vợ con ta bị đày rồi. Đồng chí ta liên tiếp bị chặt đầu mổ bụng. Bốn tỉnh tự do cũ của ta bị băm vằm, cắn xé. Dẻo cát ven biển Đông thêm trắng với khăn tang của những người vợ tìm xác chồng, cuốc hú họa mỗi nơi có dấu mới đào. Miền Nam đang chảy máu qua tất cả các lỗ chân lông. Sao ta còn phải nằm đây?

   Những người lên núi lần lượt xuống đồng bằng. Họ chọc thủng những hàng rào gai và đạn, xuyên về vùng sâu bám dân, quần với địch, nhen nhóm lại phong trào. Mạng lưới cơ sở bị cắt phá chỗ này, lại lan rộng phía khác. Các đồng chí trẻ lớn lên, thay thế lớp cán bộ đi trước thưa dần trong những trận đánh không súng đạn...

   Nền mây trắng đục từ từ hé. Những luồng nắng đẫm hơi nước xòe xuống nhiều ngón tay hồng vuốt trên các xóm dừa cau. Mặt sông động lung linh, ruộng nước dát vàng, biển xa cuốn và trải lớp bọt viền trắng bạc. Đồng bằng đẹp dần lên như biết có người thân đang ngắm. Cho đến hòn đảo ngoài khơi, chân chìm trong mù, cũng nhô cao đầu để nhắc rằng đất còn ra tận đây. Trong tiếng lao xao của lá núi có một chút rì rầm của biển vỗ gửi về. Thật thế chăng, hay vì đôi tai của người miền Trung quen nghe cả gió ngàn lẫn sóng biển gọi từ hai bên?

   Anh Chín đứng im trên mỏm đá. Gió thổi ngược từ chân núi lùa lên, gạt những sợi tóc trắng trên cái trán hói nhiều vì suy nghĩ.

   Sáu năm qua anh Chín bám chắc đồng bằng. Anh chỉ thỉnh thoảng về núi họp, lại trở xuống ngay. Các đồng chí trong tỉnh ủy gọi anh là “chuyên gia đồng bằng”. Số chuyên gia ấy không nhiều. Không còn nhiều. Mỗi sơ hở nhỏ lấy đi vài đồng chí. Anh còn sống vì anh không mắc những sơ hở đó. Những kinh nghiệm lâu năm và lặp đi lặp lại đã biến thành thói quen, thành bản năng, thành một thứ linh tính khó nói ra, nó giữ anh sống và giúp anh làm được việc. Một dạo anh để râu dài, kiếm đủ giấy tờ, sống hẳn trong vùng địch. Về sau bị lộ, anh lại ngày nằm hầm, đêm công tác. Qua kẽ phên liếp, nắp hầm mở hé, lỗ chuột khoét mái nhà, anh nhìn những chuỗi người ôm chiếu xách nồi đi “tố cộng”. Tiếng rú của đồng bào bị đánh vẳng xuống hầm anh cùng với tiếng xăm đất thình thịch. Anh nghe những lời căm giận, rầu rĩ, trách móc nữa từ miệng các cơ sở gặp anh trong đêm không trăng. Và cũng như tất cả những người Việt Nam, tất cả những người trên trái đất yêu Việt Nam, anh Chín nghĩ: làm sao giành lại chính quyền?

   Anh đã trình bày trước tỉnh ủy ba kế hoạch khác nhau nhằm giật lại đồng bằng từ tay giặc. Mỗi tháng mỗi năm qua, các kế hoạch ấy lớn lên, thêm da thịt. Hễ được lệnh, tỉnh ủy có thể kéo quần chúng nổi dậy ngay. Tỉnh ủy đã reo vỡ nhà - đồng chí bí thư ôm anh Chín mà vật - khi nhận được chỉ thị đồng khởi cùng với những kinh nghiệm vàng ngọc của Bến Tre. Các đồng chí càng mừng khi thấy mình nghĩ đúng hướng: kế hoạch của trên không khác mấy so với bản kế hoạch số một của tỉnh ủy. Và hôm nay, những kế hoạch ấy sắp hiện lên thành cuộc sống.

   Dõng đứng bên anh Chín cũng nhìn không chớp mắt, nhưng anh chỉ xem kỹ vùng mình phụ trách. Đó là bốn xã nằm dọc con đường ôtô từ chân núi xuống biển, mang những cái tên dễ nhớ: Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, Kỳ Bường, Kỳ Hải. Núi, rừng, đất bằng, đến biển ngay.

   Anh Chín hỏi đột ngột:

   - Cơ sở Kỳ Bường ra sao?

   - Bị bể liên tiếp mấy cú nặng, bây giờ yếu hơn Kỳ Lâm, Kỳ Hải.

   - Được bao nhiêu?

   - Đồng Trầu chín, Đồng Mè bảy, Đồng Dừa ba. Sáu đảng viên tất cả.

   - Đồng Dừa còn ba thôi à? Hồi hiệp thương, Đồng Dừa có hơn chục gia đình đào hầm nuôi cán bộ, dẫn đầu toàn xã kia mà. Mình nằm hầm ở đó hai mươi ngày. Cậu đưa mình tới chị Năm Tân, rồi nhà bà gì gần sông Nhỡn... à bà Son, bà Bảy Son.

   - Chị Năm Tân vững. Bà Bảy ở tù một năm, coi bộ cầu an hung rồi anh à.

   Anh Chín cau mày:

   - Sao cậu biết?

   - Tôi cho chị Năm móc thử, bà nói để tụi nó bớt rình đã.

   - Rồi sao nữa?

   - Chị Năm thôi luôn...

   Anh Chín không muốn làm cho Dõng lúng túng thêm vì trót hạ hai tiếng “cầu an”. Anh mở đường cho Dõng nói chữa:

   - Bây giờ cậu tính sao đó?

   - Dạ, để móc mấu lại. Nắm được nhà đó, qua sông dễ lắm.

   - Không có con sông, cậu cũng nên tìm gặp bà ấy. Hồi khó khăn nhất bà đã liều chết nuôi anh em mình... Đồng Dừa còn nhiều khả năng lớn đấy.

   Dõng hiểu câu trách khéo, và một lần nữa phục anh Chín. Dõng mới nhìn riêng một chỗ qua sông. Anh Chín thấy cả một cuộc đời gắn bó với Đảng, nhắc Dõng phải ăn ở có thủy có chung với quần chúng.

   Dõng lựa lúc này để năn nỉ:

   - Anh cho tôi xin thằng Bê, nghe anh.

   - Chà, gay lắm. Rút thanh niên lên mà rèn chớ.

   - Hết ngày tháng rồi, đào tạo sao cho kịp. Đội tôi hi sinh hai, đau nặng một, còn lại mấy đồng chí non quá không nắm nổi một xã. Hay anh cho tôi mượn, sau đồng khởi tôi trả.

   Anh Chín bật cười. Kiểu cười của anh trẻ không ngờ. Anh đấm lưng Dõng:

   - Ông tướng khôn gớm. Thôi được, tôi uống mật gấu (3) thử một lần, tôi gả nó về với ông. Cơ quan tỉnh mất người lại la trời la đất cho coi.

   Dõng mừng rơn. Anh tụt xuống chân tảng đá, đi vội đến bờ suối, nơi Bê đang đứng gác:

   - Ừ rồi, cho rồi. Mày sẵn sàng chưa?

   Bê cười lặng lẽ:

   - Đi ngay bây giờ cũng được. Có điều... ai bảo vệ anh Chín?

   - Cái đó tụi tao lo.

   - Các anh kiếm đồng chí nào vững vững...

   - Bảo đảm. Cứ yên chí lớn!

   Bê được kết nạp vào Đảng tại Đà Nẵng, trong một chi bộ công nhân. Ít lâu sau bị lộ, Bê được rút lên căn cứ, về cơ quan tỉnh. Ba năm nay Bê làm thư ký đánh máy, kiêm li tô, kiêm giao liên, kiêm chiến sĩ bảo vệ, kiêm cấp dưỡng, kiêm cứu thương. Một loại nhân viên “đa-giê- năng” thường gặp ở các cơ quan miền Nam. Bê liên tiếp được bầu vào chi ủy cơ quan, gần đây làm phó bí thư chi bộ. Bê có một nét riêng dễ thấy: Bê ham học một cách kỳ lạ, gì cũng muốn học, ở đâu và lúc nào cũng học được, và học đến đâu dùng được đến đấy, từ việc mò cá dưới suối, chế mực li tô, đến những tài liệu chính trị dày cộp mà anh em trẻ thường ngán. Có ai hỏi đến, Bê nói như phân trần: “ở với tụi nó không được học, tôi cứ thèm...”. Bê làm được việc đến nỗi khi anh Chín định cho Bê về công tác cơ sở ít lâu để hiểu phong trào hơn, đồng chí chánh văn phòng cứ nhất định giữ riệt lại.

   Bê còn nổi tiếng gan lì. Hồi ta chưa nổ súng, Bê đã một lần nhặt đá ném túi bụi vào quân địch phục kích, hô xung phong, dồn chúng lại để anh Chín chạy thoát. Từ đó giữa anh Chín và Bê có cái gì gắn bó sâu đậm hơn mức thường. Cả hai đều không để lộ điều ấy. Anh Chín không muốn tỏ ra yêu riêng một ai, còn Bê cũng tránh cái tiếng thân riêng với cấp trên.

   Anh Chín ngắm lại cảnh đồng bằng đóng khung giữa hai sườn núi, như vẽ trên một cái ly thủy tinh. Đây là lần cuối các sườn núi còn che một phần đồng bằng trước mắt anh. Sắp tới, anh sẽ đứng giữa đồng bằng thênh thang, dưới nắng ban ngày, phóng hết tầm nhìn đến những chân trời mở rộng. Anh vui với những ý nghĩ ấy trong khi lội suối trở về cơ quan.

   Gần đến nhà, anh để Dõng đi trước, dừng lại đợi. Bê vẫn đi sau anh mươi bước, tiểu liên treo ngang dưới nách, nòng chĩa tới trước. Nhìn mặt đồng chí bảo vệ trẻ, anh biết Bê đang băn khoăn vì phải giao anh cho một đồng chí khác giữ gìn.

   - Bê nè!

   - Dạ.

   - Cứ yên tâm mà đi. Mình về đối đáp với cơ quan, cũng xuôi thôi. Mình còn lui tới chỗ cậu nhiều. Để phần cá ngừ một lửa cho mình với nghe.

   Bê chỉ đáp được một tiếng “dạ”. Anh Chín đặt hai tay trên vai Bê. Anh đứng im một giây, rồi lắc vai Bê một cái thật mạnh:

   - Làm ăn cho bảnh, nghe không Bình?

   Anh dùng tên thật của Bê để thay tiếng “con” mà anh rất muốn gọi.

----------------------------------------------------------
3. Liều, bốc đồng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 02:11:37 pm »

*
*    *

   Chung quanh cái lán nhỏ lợp lá mây, trông rất thưa nhưng không hề dột, tất cả tăng và võng treo giữa các gốc cây đã biến hết. Mọi người sẵn sàng lên đường sau buổi họp cuối cùng. Những bao bột mì nhuộm than pin xám nhem nhuốc, quai đeo làm bằng ruột tượng rách hay cờ ba que xé dọc khâu nối, đã phồng to lên và treo lủng lẳng trên các cành cây gần mái lán, bên cạnh những cây súng bóng dầu.

   Súng đủ kiểu đủ cỡ. Súng trường “sào vịt” dài như một ngày không cơm, mang niên hiệu 1886 - 1893. Súng săn một nòng, hai nòng, nghe nói của tụi Anh bên Mã Lai đùn cho Mỹ. Súng trường Mát chôn giấu sáu năm mới đào lên, nòng gỉ lỗ chỗ như cóc gặm, báng gỗ bị mối khoét có hang hốc. Tiểu liên Xítten mà nòng, báng và băng đều cựa quậy mỗi cái một đường, nổ vài phát lại im, nòng rộng đến nỗi đầu đạn rơi cách súng chỉ mươi thước. Có súng, không đạn. Có đạn, bắn không nổ. Bắn nổ, còn cái nạn vỏ đạn toác trong súng, giật khóa nòng không ra. Tốt nhất là bọc sẵn một hòn đá trong túi, bắn xong thì rút đá đập choang choang để giật vỏ đạn, lắp viên khác. Quí nhất ở đây có ba súng ngắn, hai cây các bin mới lấy được của ác ôn, và cây tiểu liên Tuyn mà anh Chín vừa cho phép Bê mang theo đội của Dõng. Toàn huyện đã thu góp được mười bốn cây súng làm cái vốn đầu tiên cho đồng khởi. Kho vũ khí của ta còn do địch giữ.

   Anh Chín ngồi trong góc lán, nghe các đội trưởng đội võ trang công tác nối nhau lên đọc thư quyết tâm.

   Cuộc chiến đấu sẽ dữ dội bởi rất chênh lệch. Địch có năm ngàn quân chính quy, chín ngàn dân vệ và “thanh niên diệt cộng”, chưa kể các thứ giặc nổi giặc chìm không cầm súng. Phía ta, từ huyện ủy trở xuống, bảy mươi ba cán bộ và chiến sĩ sẽ đi đánh chúng. Họ phải giành lại ít nhất bốn vạn dân, giải phóng một nửa số thôn xã đồng bằng trong đợt đầu. Họ sẽ thắng nếu quyết tiến công giặc không ngừng, nếu biết làm cho quần chúng vùng dậy.

   Anh chị em đã thật quyết chưa, thật biết chưa?

   Trong buổi đầu, cả lớp học cùng bật lên một tiếng “ồ” khi nghe anh Chín nói trịnh trọng: “Đã đến lúc chúng ta giành lại nông thôn đồng bằng!”. Những gò má sốt rét vàng như nghệ chợt hồng lên. Nhũng đôi môi thâm mím lại để giữ vẻ nghiêm chỉnh vẫn không ngăn nổi nụ cười cứ nở ra. Uất lắm rồi. Thù đến cái mức nghiến răng không thốt nên lời. Chỉ cần một tiếng hô, anh chị em sẽ nhào tới đập đầu giặc. Anh Chín lặng im một lát để nghe những câu xì xào:

   - Hùm mọc cánh rồi bà con ơi.

   - Ao ước hoài, bây giờ nghe mới thiệt ngọt lỗ tai.

   - Xuống núi có vấp cũng không té. Chân có bén đất đâu mà té.

   - Mình cho ông tấm tăng được rồi. Đứa nào cần cái ănggô của tao, giơ tay coi?

   Nhưng bên cạnh cái hồ hởi chung đó, dần dần hiện ra những cái gút tư tưởng.

   - Thằng địch chỗ tôi nó ác đặc biệt anh ơi. Đồng bào hơi động đậy là nó giết hết.

   - Xã mình sông vây bốn mặt, đào một thép mai đã gặp nước, dựng làng chiến đấu sao được!

   - Đề nghị cấp trên nghiên cứu lại. Quần chúng trung gian chưa ngả về phía cách mạng, tình thế cách mạng chưa hình thành, đồng khởi bây giờ e rằng chưa ăn chắc...

   Một đồng chí trong huyện ủy nổi cơn “phẫn nộ chính đáng” trước những băn khoăn ấy. Anh muốn đập một trận, qui một mớ bệnh, chặt gút để khỏi cởi gút. Anh Chín phải can. Những đồng chí thích suy nghĩ đơn giản và muốn bắt mọi người cũng đơn giản như mình, thường là những người nói bậy và làm ẩu khi xảy ra trắc trở.

   Anh Chín chỉ chợp mắt mỗi đêm chừng ba tiếng. Anh hỏi từng đồng chí, ghi từng thắc mắc, bàn với huyện ủy từng câu trả lời, và giao cho huyện ủy đứng ra giải đáp.

   Tỉnh ủy ở xa đã trao cho anh quyền quyết định mọi mặt trong đợt đồng khởi này. Anh biết cái uy tín của anh rất cần trong công tác nhưng cũng có chỗ không lợi: các đồng chí dễ nghe lời anh mà chẳng bàn cãi, bởi tin rằng anh hiểu hết, tính hết cho họ rồi. Vì thế anh cố gợi cho mỗi đồng chí tự nghĩ bằng bộ óc của mình để sau này tự làm bằng hai bàn tay mình. Anh cố ý thu hình trong cái tập thể do anh tạo nên và nhào nặn.

   Anh sẽ nói tiếng nói quyết định vào những phút quyết định. Lúc ấy, anh biến thành người đánh bộc phá. Tiếng anh là tiếng nổ chẻ đôi lô cốt giặc trước đội xung kích bị ùn. Tình thương đồng chí hiện lên thành những lệnh đánh mạnh, đánh gấp hơn nữa. Càng yêu đồng bào, anh càng cuốn bà con nhào tới vật lộn với địch. Lao mình trên chỗ mũi nhọn, anh sẽ vừa chỉ huy vừa dẫn đầu cuộc tiến công, ném tất cả khôn ngoan và táo bạo của mình vào làm lệch cán cân đang còn do dự. Sau đó, giữa tiếng reo thắng trận, anh chậm rãi đeo kính lên mắt, đọc bản báo cáo chung trong đó người ta thấy anh như chỉ đứng ngoài mà nhìn, được cái còn biết khen chê một cách công bằng.

   Sau bốn ngày đêm, anh Chín cùng với huyện ủy đã xây dựng xong đội quân phát động, cái lõi của đợt đồng khởi. Sự bốc đồng đầu tiên, cũng như những lo lắng ngược dòng, đã dần dần nhường chỗ cho thép cứng trong lửa nóng, hiểu biết cộng với mê say. Cái quyết tâm ấy truyền vào quần chúng, chập vào khối căm thù ghê gớm đã dồn ứ bấy nhiêu năm, sẽ tạo nên những vụ nổ dây chuyền hất tung quyền giặc. Giờ đây, anh Chín phập phồng uống những lời hứa lập công. Trước khi bấm nút đồng khởi, anh đã biết sẽ không có anh hùng tuyệt vọng, mà chỉ có anh hùng chiến thắng trong những đồng chí đang đọc thư bằng giọng hơi rung vì xúc động.

   Một chú giao liên trẻ từ dưới suối đi lên. Mặt, tay và hai đùi bị gai cào chồng chéo, bôi thuốc đỏ kín da. Lại bị phục kích! Dõng bước ra nhận mấy lá thư hỏa tốc từ các đội gửi về. Có một cái đề tên Dõng, anh bóc xem luôn.

   Chị Năm Tân, dưới tên mật là 105, báo tin chiến dịch “toàn dân sát cộng” đã vào đợt hai, địch bắt hú họa tám mươi người treo đánh rất dữ. Chị thêm: “ông Nhâm với bà Bảy Son cho con là Hai Ngọ với Út Sâm lên Kỳ Sơn tìm anh mà không đụng. Mấy bữa nay bà Bảy hay tới gặp tôi, hỏi tin anh. Theo anh dặn, tôi cứ nói không biết chi hết. Tư Sỏi con bà Bảy vô dân vệ, chắc lẽ để tránh quân dịch thôi. Bà con ở đây xôn xao lắm, muốn bùng nổ hung lắm...”.

   Dõng mỉm cười. Nhớ câu chuyện ban nãy trên tảng đá, anh thấy ngường ngượng.

   Trong nhà, đồng chí bí thư huyện ủy gỡ kính, đứng dậy:

   - Mời anh Chín lên cho ý kiến.

   Dõng đi vội vào chỗ ngồi. Phòng họp im đến nỗi bước chân Dõng vang rõ. Mọi người đăm đăm nhìn anh phó bí thư tỉnh ủy mà cuộc đời là mẫu mực cho những đồng chí đi sau. Anh là khối kim cương từ than đen mà ra, đón ánh nắng của Đảng để tỏa sáng rực rỡ chung quanh mình. Ai cũng biết anh sẽ nói những điều đơn giản như chân lý, nhưng vẫn nao nức đợi nghe anh, bởi lời nói của anh có ngót ba mươi năm đánh giặc và thắng giặc để làm chứng cho nó.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 02:16:57 pm »

4

   - Thằng Rân mới gửi cho con lá thơ nữa. Nó viết tràn văn chương má ơi. Giấy hồng thơm ghê, con đốt cứ tiếc tờ giấy hoài.

   - Mày lại kêu bạn bè tới đọc chung hả?

   - Có bốn đứa. Chao, tụi con cười lăn cười lộn!

   Út Sâm dúi đầu vào nách má, rúc rích. Má khẽ cốc vào trán con:

   - Không ưng thì thôi, đừng làm vậy nó thù.

   - Sợ gì thằng công tử bột. Để con viết thơ chửi nó một trận líp ba ga (4).

   - Mày cứ chanh chua sanh chuyện...

   Cánh cửa bỗng nẩy đánh thình. Cái then gỗ rung lách cách. Tiếng quát tiếp ngay: “Mở cửa! Mở cửa mau!”. Má giật mình kêu: “Ớ ông trùm ông xã!”. Nhiều luồng đèn pin quét loang loáng lọt qua kẽ phên, cả mé trước nhà và mé sau chuồng heo. Bầy chó con sủa nhức tai. Sâm đánh bật lửa thắp đèn. Má Bảy vừa kéo then, cánh cửa bị xô mạnh đã gạt má lạng người. Bọn lính ùa vào nhà, súng lố nhố.

   - Soát nhà, mau!

   Mấy tên cảnh sát cầm thuốn sắt và đèn pin tuôn lên nhà trên. Mũi thuốn bắt đầu chọc thình thịch. Thằng Phổ cảnh sát trưởng vẩy súng ngắn chỉ vào góc cột, hét:

   - Ngồi xuống đó. Khai mau: người mới nói chuyện đâu rồi? Nói!

   Đôi mắt lồi của hắn nhìn xói vào mặt má Bảy. Hắn thích hành động theo kiểu xinê trinh thám, đánh những đòn chặn ngọn. Nếu “đương sự” lộ vẻ hốt hoảng, hắn bắt ngay.

   Má Bảy đáp chậm rãi:

   - Má con nằm nói với nhau thôi.

   - Sao có giọng đàn ông? Giấu Việt cộng đâu?

   - Thằng Tư Sỏi đi gác đêm, làm gì có đàn ông.

   - Bướng nữa à? Khai thác đi bay!

   Hai tên cảnh sát tháo cuộn dây to, ném một đầu vòng qua xà nhà, cho rơi xuống một cái thòng lọng buộc sẵn. Một thằng soát đến chuồng heo. Tiếng gà mái kêu oác. Sâm không nhịn được nữa:

   - Con gà đẻ cả thảy tám trứng, tôi đếm rồi đó.

   - Đứa nào đâm hông?

   - Tôi. Các ông ăn cơm đồng bào mòn cả tấc răng...

   Má Bảy bóp tay Sâm một cái, chặn ngang:

   - Con trai tôi cầm súng cho các ông, mà đêm hôm các ông tới đào nhà phá cửa, thất nhơn tâm lắm ông ơi.

   Thằng Phổ chống cánh tay xăm chàm vào sườn. Hắn phân vân một loáng, chưa biết nên làm dữ hay chuyến thành trò đùa. Rồi hắn đút súng vào bao, cười phá lên nghe cũng khá tự nhiên:

   - Bác ơi, tôi cho anh em thực tập vây bắt cộng sản chút thôi. Bác tưởng thiệt hả? Biết là nhà Tư Sỏi, tụi tôi mới giỡn chơi chớ. Ngó coi tội chưa, em út còn xanh mặt đây nè. Bác bỏ qua nghe bác!

   Hắn đưa tay vuốt má Sâm. Sâm né đầu, dấm dẳn:

   - Việc gì xanh mặt? Cây ngay không sợ chết đứng.

   - Giỏi, cả hai mẹ con ăn nói cứng cựa thiệt, tôi chịu giỏi. Ta đi hè.

   Ra đến sân, Phổ còn cười khà khà, khen mình đóng kịch tài. Nhưng một tên dân vệ quen ra sau cùng quay nhìn má Bảy, kín đáo khoằm một ngón tay chỉ ra sau nhà. Chúng còn cho người rình nữa.

   Tiếng chó sủa trong xóm lan dần về phía đường ôtô, rồi im. Chúng lại đi phục kích đọc sông Nhỡn. Má và Sâm tắt đèn, đi nằm. Sâm trở mình liên tiếp mấy cái, bật nói ấm ức:

   - Má cứ cấm không cho con mở miệng...

   Má đặt tay lên miệng Sâm. Sâm kéo tay má ra, gắt:

   - Họ ngang ngược vậy, con phải chửi rát mặt họ mới chừa. Đánh thì đánh, tù thì tù, bất quá thì họ bắn chém là cùng. Con thí mạng đó.

   - Thôi con ơi!

   Sâm nín lặng. Sâm biết má khổ lắm. Một lần bị roi đòn không đau bằng trăm ngàn cái nhục không tên cứ hằng ngày đổ mãi lên đầu má. Những việc như vừa rồi còn dễ hiểu: chúng rình Cách mạng. Nhưng còn bao nhiêu câu chửi cái tát khác không ai hiểu nổi vì sao. Chúng ác để mà ác, để tỏ ra chúng có quyền ác, vậy thôi.

   Vừa giận xong, Sâm lại thấy thương má quá đỗi. Sâm lật người lại ôm má, hít mùi trầu trong hơi thở của má, nghĩ một chuyện gì vui để kể má nghe cho khuây. Nhưng Sâm bỗng thấy đầu mình rất nặng và mí mắt không mở được. Sâm định nhấc thử cái tay. Tay Sâm biến đâu mất. Sâm ngủ say lập tức.

   Má Bảy gỡ tay con, thì thầm:

   - Con với cái, nói buông miệng là ngáy.

   Má không bực khi Sâm cãi má, đòi chửi ác ôn. Má kìm con ngựa non, và sung sướng khi thấy nó giằng tay má chứ không đờ đẫn đứng im.

   Má vất miếng bã trầu, kéo chiếu trùm đầu, thiu thiu ngủ. Ngoài trời mưa lại bay êm không thành tiếng, chỉ có những giọt to từ ngọn tre rơi xuống lá chuối như những ngón tay mổ đều đều.

   Một tiếng kẹt cửa nhẹ và kéo dài luồn vào giấc ngủ của má. Con chó con nằm khoanh đầu giường khịt mũi gừ gừ. Một ngọn lửa xòe sáng. Má nghển đầu, thấy một người hiện trong ánh lửa từ dưới hắt lên, cằm bạnh rất to miệng và mắt là những hố đen ngòm, má kêu líu lưỡi: “Ớ ông trùm ông xã, ông xã ông trùm!”.

   Người mới đến khẽ cười:

   - Má Bảy ơi, tôi đây, Dõng đây mà.

   Má vẫn thấy thằng Phổ, bọn cảnh sát. Chúng rình chán lại vào thử má. Hàng trăm người mắc bẫy của chúng đã bị đòn bị tù. Phải báo động, đánh mõ la làng... Dõng lại cười:

   - Sao ngơ ngác vậy má? Dõng đây, không phải mật vụ giả Cách mạng đâu. La chó chút má, để sủa ồn.

   Anh giơ cao cái bật lửa, tìm đèn. Anh châm cái đèn vịt bằng thiếc, đặt xuống đất cạnh bếp, dáng thành thạo như về nhà mình. Những cái hố đen trên mặt anh biến mất, trông anh lại hiền và tươi chẳng khác ngày trước.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 02:23:24 pm »

Má Bảy tỉnh hẳn. Đúng anh Dõng. Cách mạng về nhà má rồi... Má không kịp mừng nhiều. Luồng máu ấm vừa từ tim trào lên mặt, bỗng rút ngay trở về tim. Mặt má nóng một loáng lại lạnh buốt, nổi gai rân rân. Má nhớ ngón tay khoằm của tên dân vệ chỉ ra sau nhà. Chúng nó rình. Chúng vây nhà, đơm súng, sắp đạp cửa ập vào. Thằng Phổ chĩa họng súng ngắn tròn xoe... Nguy mất. Anh Dõng điên rồi. Sao anh về giữa lúc này?

   Má đẩy vai Dõng, hổn hển:

   - Ra đi anh. Chạy mau!

   - Kìa má...

   - Họ rình. Trời ơi, anh ra đi!

   - Má làm gì kỳ vậy?

   Má ngồi thụp, nắm cổ con chó ấn xuống đất cho nó im, nói thầm cuống quít:

   - Anh lánh ra một lát. Họ mới soát nhà, còn người núp ngoài kia. Mai kia vắng bớt, anh trở lại, tôi để dấu như hồi xưa, anh biết anh vô, anh vô...

   Những lời rên rỉ của má Bảy như kim lạnh xóc liên tiếp vào ngực Dõng. Anh ngồi xuống cái đòn bên bếp, nhìn mái tóc bạc nhiều của bà má đã nuôi không biết bao nhiêu cán bộ, bộ đội, trong bom đạn cũng như dưới đòn vọt. Má cho con đi tìm anh, sao bây giờ hốt hoảng quá vậy?

   Dõng chợt thấy những vết thuốn sắt còn mới nguyên trên nền nhà, chưa có dấu chân nào giẫm lên. Đống tro góc bếp bị xốc xới. Mấy cái vò, hũ bị dời chỗ hoặc hất đổ nghiêng. Bọn ác ôn vừa đi qua nhà này. Suốt mấy năm anh hoạt động trong vùng mà không đến gặp má, còn quân thù lại ngày đêm có mặt - một bộ mặt quỉ dữ luôn luôn đổi hình. Gầm gào, lẩn lút, lừa đầu chặn đuôi, chúng rình một chút hớ hênh để nuốt gia đình má Bảy. Ba má con vẫn sống, vẫn không đầu hàng, vẫn nhớ Cách mạng... Một câu chửi giặc thật độc địa và một tiếng thổn thức cùng một lần ứ trong họng anh.

   Thế nhưng Dõng biết lúc này không nên vội nói những lời thương cảm hay căm thù. Anh rướn đôi mày rậm như ngạc nhiên, rồi nheo mắt chế giễu một cách thân mật. Anh lấy cái giọng ngang ngang, nửa đùa nửa thật ngày xưa để cắt gọn cơn sợ của má:

   - Má ơi, nhắn tôi tới nhà rồi lại đuổi tôi, chơi vậy không ngon mà.

   - Tôi đâu dám đuổi...

   - Bộ đội Giải phóng gác hết đường làng ngõ xóm, má đừng lo.

   - Soát sau nhà chưa?

   - Coi kỹ hết. Tụi nó trốn xuống Đồng Trầu rồi. Tiếc quá, anh em đang muốn nắm đầu thằng Phổ, xẻ cho bà con làm giỗ đây.

   Dõng cười khà, lắc lư cái đầu tóc bàn chải. Tất cả người anh toát ra cái vẻ ung dung chững chạc khiến má hốt hoảng. Má đi vòng ra sau hè, nghe ngóng một lát mới yên bụng hẳn. Dõng vẫn ngồi đợi bên đèn, chăm chú nhả khói thuốc thành những vòng tròn lồng vào nhau.

   Má thở dài:

   - Anh đi rồi, tụi nó hành thân hạ thể bà con quá chừng. Đánh chết mấy chục người, đem chôn còn thấy thịt lộn xương, xương lộn thịt. Thằng Phổ mới ập vô xăm nhà tôi. Nó bước ra đã thấy anh vô, tôi thất kinh hồn vía. Anh đừng để bụng mà tội...

   Nỗi mừng tủi dồn lên khiến má nghẹn lời. Má nuốt nước bọt:

   - Biết anh hay về thăm bà con, tôi tìm hỏi luôn mà không gặp. Con Sâm nghe nói ở đâu có truyền đơn biểu ngừ cũng chạy tới. Cá móng đâu buông câu đó, chẳng ăn thua gì... Nghe nói bây giờ ta đánh lại nó, phải không anh?

   - Dạ, đánh gắt chớ.

   - Ví thử nó rượt anh em mình, ta bắn hay là “hỡi anh em binh sĩ”?

   - Vừa bắn, vừa “hỡi”. Mà bây giờ đến lượt mình rượt nó, diệt nó, nổi dậy giành chánh quyền nữa kia.

   Má nhìn Dõng trân trân:

   - Thiệt không, hay lại phỉnh bà già?

   - Thiệt chở má. Tôi về kêu gọi bà con khởi nghĩa đây.

   - Như năm Ất Dậu hả?

   - Như Ất Dậu. Xây dựng ủy ban, bộ đội, du kích, làm làng chiến đấu, giống hồi kháng chiến chín năm vậy đó. “Tây đi xanh mắt, Tây về xanh xương, danh tiếng đồn vang du kích Thạnh Bường”. Má ưng không?

   - À...

   Một vầng sáng lòe lên trước mắt má, như ai giội xăng vào ngọn đèn. Đúng rồi. Điều má nghe phong thanh bấy lâu đã thành sự thật. Không lẽ cứ để nó giết mình thả sức như vậy sao?

   - Dạ thưa thầy!

   Út Sâm dậy lúc nào không rõ, cất tiếng chào Dõng ngay sau lưng má, tay còn vén tóc xõa xuống mặt. Dõng nheo mắt cười:

   - Thầy bà gì nữa. Chao, con nhỏ mau lớn khiếp. Hồi đi học mới đứng tới mặt bàn, bây giờ thành cái cô rồi. Mười bảy hả Sâm?

   - Dạ, em mười tám, sắp lên mười chín. Họ thu thuế cử tri trăm hai bạc rồi đó.

   Sâm ngồi xuống cạnh đèn, tự nhiên như nói tiếp câu chuyện bỏ dở:

   - Bọn em phải bỏ học hết. Học phí nặng, lại phải lo đem cơm tù, chạy tiền thuế. Nội xã ta có một mình anh Rân đủ tiền theo tới giờ. Anh học ban tú tài dưới thị xã, nghe nói ăn chơi phá của ghê lắm.

   - Thằng Rân con lão Hạnh học dốt như bò, tao nhớ. Nó gửi thơ cả lô, Sâm trả lời chưa?

   Sâm ngớ ra, vụt đỏ ửng hai má:

   - Em đốt hết. Thầy đừng nghe họ đồn tầm bậy. Ai nói thầy biết?

   - Đất có thổ công sông có hà bá, tao không biết còn ai biết nữa. Hôm tụi bay dầm mưa đi xăm hầm trên gò Chà Là, tao thấy ướt run lập cập, thương quá.

   Sâm reo to:

   - Thầy ở đó à? Sao thầy không bắn vài phát cho bọn em chạy?

   Má Bảy đập tay con, chỉ sang nhà chị Đa rồi nói lớn:

   - Im đi Út, cãi lẫy gì để sáng mai, ban đêm đừng om sòm lên.

   Sâm cười, hạ giọng:

   - Đi tìm hầm mà cứ lo đụng hầm. Bọn em bàn nhau hễ có súng nổ là tẩu một hơi về nhà, đầu xe lửa kéo cổ cũng không đi ráp nữa.

   Cánh của hé ra, Sâm ngửng lên, thấy một mớ tóc quăn nhô vào. Dõng vẫy tay:

   - Vô luôn đây Bê. Đồng chí Bê về phụ trách xã ta đó má. Má với Sâm nhớ mặt, hễ cậu ta tới thì miễn cho cái vụ đánh mõ la làng.

   Với đôi mắt rất tinh của các cô gái ưa nhận xét con trai, Sâm thấy ngay Bê có cái đầu nhỏ không cân với đôi vai rộng, thêm mái tóc quăn và hai tai rất to. Dễ nhớ lắm. Khi thấy Bê khép nép ngồi xuống cạnh Dõng, chỉ chào má mà không nhìn thẳng Sâm, Sâm đoán anh cán bộ trẻ này chưa vợ, tính hiền lành mà hay mắc cỡ.

   Còn má Bảy thì để ý xem cây tiểu liên Bê cầm tay. Má nhìn lại Dõng. Lúc này má mới thấy anh đeo súng ngắn cạnh sườn. Cán bộ ta mang súng cả rồi, hay lắm. Nhân xem súng, má nhận ra Dõng và Bê đều mang bao trên lưng, nhưng cái bao nào cũng lép kẹp. Má nhớ ngay công việc của bà mẹ chiến sĩ ngày xưa. Má đứng dậy:

   - Thầy trò nói chuyện với nhau, tôi lo cơm nước nghe. Nãy giờ hỏi thăm sa đà quên cả bữa cơm.

   Dõng lắc đầu:

   - Má để lần khác. Bây giờ có gạo, khoai, sắn gì đó má cho xin một ít, đem về cho anh chị em ở nhà.

   Má Bảy cầm rá lên nhà trên, mở nắp thạp gạo. Còn nửa ang (4) gạo mới giã xong, má chừa lại hai lon nấu sáng, còn mười lon đong hết cho Dõng. Khoai khô sẵn hơn. Để gọi Bê lên trút đầy bao mang về. Má đang dỡ bồ khoai bỗng rùng mình một cái, đứng lặng trong tối... Thằng Phổ chống cánh tay xăm chàm vào hông, gườm gườm con mắt lồi: “Một chén gạo cho cộng sản là một chén máu, một chén máu!”. Cái hình ảnh quỉ quái ấy ăn sâu mấy năm nay vẫn chưa rời má... Như trẻ con sợ ma chạy tìm ánh đèn, má bước nhanh tới cửa ngang xuống bếp.

   Má dừng tại đấy.

   Dõng đang chăm chú nghe Sâm nói nhỏ. Vẫn mái tóc bàn chải, đôi mày rất rậm như xưa, nhưng anh xanh đi, râu nhiều hơn. Hồi đánh Tây anh là xã đội phó, đánh giặc rất gan. Sau khi bị thương mất sức, anh được cấp trên cho đi học chữ hai năm, trở về dạy tiểu học. Bây giờ anh vẫn đi trong mưa đông gió bấc, nhen nhóm lại ngọn lửa cách mạng. Cái bao rỗng dán vào lưng anh. Má không rời mắt khỏi nó được. Má không thể để cán bộ hụt bữa, dù đưa một chén gạo phải mất kèm một chén máu, mười chén máu.

   Má gọi:

   - Bê ơi, lên đây con!

   Má trút hết gạo vào bao, trút thêm khoai khô, lắc mãi cho đựng được nhiều. Má bắt Bê lấy bao của Dõng, cũng trút đầy khoai. Má hốt sạch ổ trứng gà gói vào mo cau, gửi cho anh chị em đau yếu. Bê không nhận, má gắt: “Cái này phần người khác, có phải của hai đứa bay đâu mà đòi trả lại”. Tay má làm thoăn thoắt, óc má nghĩ hằn học và thích thú: “Đây Phổ nè, tao tiếp tế Cộng sản đây nè. Không cho chén gạo nào, mày cũng hút hết máu má con tao. Đã vậy tao ủng hộ Cộng sản tận bờ sát góc cho mày biết mặt. Cách mạng về, mày chết Phổ ơi, mày chết tới đít rồi..!”.

   Đôi mắt má long lanh, giọng má chắc đanh, chân tay má nhanh nhẹn không ngờ. Bê cảm động, nhưng chỉ biết má thương anh em mà không hiểu má đang vùng vẫy, đánh trả ngọn đòn đầu tiên vào mặt kẻ thù sau mấy năm chịu đựng.

   - Gì nữa hè? À muối, để má gói muối. Còn chai nước mắm người ta mới cho. Mua bằng tiền lương lính đó.

   Má cố lèn chai nước mắm vào cái bao đầy căng. Hết chỗ nhét, má buộc gói muối vào dây quai.

   - Con để má làm. Hồi chín năm đánh Tây, tao cột ba lô cho cả trăm anh em, đố có rớt thứ gì.

   Má đậy nắp thạp gạo, bồ khoai. Má quét tấp những hạt gạo vãi vào góc cột, rồi lại xoi ra, hất vung dưới phản cho chuột lượm mau sạch dấu. Khi soi đèn tìm những dấu vết cuối cùng, má chợt trông thấy lá cờ ba que treo đứng trên ảnh thằng Diệm. Chà, bao giờ được cầm mảnh vỏ thị rụng in hình ba chấn song sắt nhuộm màu ấy mà xé một cái rẹt, sướng tay biết mấy! Còn cái thằng mặt như mông heo đang lấc láo dòm nghiêng kia, cho mày cứ coi thử nhà tao còn cái gì đáng cướp nữa không. Mày nấp sau chấn song, tay mày níu tay Mỹ trên hình viện trợ, để coi mày sống dai hơn tao hay tao chôn mày trước!

   Khi má xuống bếp, Dõng và Bê đã sửa soạn đi. Dõng tháo tấm dù quàng cổ ra trùm kín người. Sâm sửa vạt sau cho anh, cười:

   - Thầy giả làm cọp thiệt giống, hèn gì tụi dân vệ đồn rum là động núi, cọp về.

   - Bậy. Tụi tao mặc đồ đen, đi bãi cát dễ thấy, phải ngụy trang.

   - Đây làm gì có bãi cát?

   - Bộ một mình Đồng Dừa làm cách mạng thôi à. Dưới biển trên nguồn, đâu tụi tao cũng đi. Thôi cảm ơn má, hôm sau tôi trở lại.

   Má lặng lẽ nắm cánh tay Dõng và Bê, cười qua nước mắt. Đến lúc này má bỗng cồn cào cả người. Làm sao giữ anh em lại một lát nữa thôi, để cái vắng lạnh đừng ập vào nhà má gấp quá. Má vừa được sống một giờ thật sự của má, nói những điều má nghĩ với những người má thương. Dõng và Bê đi rồi, má sẽ trở lại cảnh sống che giấu, vay mượn, cười gượng nói quanh.

   - Hai anh em đi cho khéo, về cho đủ má mừng...

   Má buông tay. Dõng tần ngần nhìn má, chớp mắt. Anh chào vội một lần nữa, lách qua cửa. Bê bước theo. Hai người chìm ngay vào trong đêm, không một tiếng động.

   Cái mõ treo trên con sẻ đầu cột vẫn phơi cái sườn bung nhiều xơ tre. Cây dùi từ trong mõ nhô lên một khúc đầu như sốt ruột hỏi: “Sao không đánh?”. Sâm nhìn cái mõ, nháy mắt:

   - Tối nay cho mày câm họng. Mấy năm nay không có Việt cộng, tao mặc sức đánh mày. Việt cộng về mày được nghỉ, sướng chưa?

   Lần thứ ba trong đêm nay, hai má con đi nằm.

   - Má buồn ngủ chưa?

   - Chưa.

   - Con cũng không ngủ được. Vui quá má ơi!

   - Các ảnh dặn gì con không?

   - Thầy Dõng dặn nhiều, con không nhớ hết. Phải để ý coi ban đêm thằng Phổ ngủ nhà nào nè. Sắp tới thầy giao con mua vải may cờ nè. Phải kêu gọi lính địch nữa nè...

   Má giật mình. Sao anh Dõng lại giao những việc to tát ấy cho con má? Nó non quá, khờ quá, nói trước quên sau. Má muốn chặn lại: “Khoan nhận đã con”. Nhưng mà không nói được. Nói, Sâm cũng chẳng nghe nào.

   - Thầy muốn gặp anh Tư nữa má. Thầy dặn má với con phải khuyên nhủ ảnh thiệt nhiều.

   - Anh Dõng biết thằng Tư lãnh súng không?

   - Gì thầy cũng biết hết. Thầy nói anh Tư không phải xấu bụng. Lỡ lãnh súng rồi thì quay súng theo Cách mạng cũng tốt... à, má thấy anh Bê ra sao? Hiền ghê, y như con gái vậy đó. Con mới giỡn một câu mà ảnh mắc cỡ ngồi im xo.

   Sâm trở mình, khúc khích, rồi thở đều.

   Hai mắt mở chong trong đêm, má Bảy cảm thấy từng đường gân dãn ra. Mối tơ vò trong lòng má đã bung hết với những lời anh Dõng nói về Tư Sỏi. Má sẽ giao hai con cho Cách mạng giữ giùm, dạy nên người.

   Dõng và Bê chắc đã đi xa lắm. Trong xóm tịnh không có tiếng chó sủa hay trống mõ. Tiếng sóng biển  ầm rất xa bây giờ nổi rõ hơn, đến gần. Hai người quàng dù bước trên cát trắng. Chỉ có hai cái bóng lẻ loi đi trong đêm mưa nhưng dưới chân họ dội lên tiếng trầm mênh mông của biển động mà kẻ thù sảng sốt nghe như cọp gầm còn má Bảy nhận ra tiếng hàng vạn đôi chân ùa lên theo hai anh cán bộ.

------------------------------------------------------------
4. Một ang bằng 24 lon (ống sữa bò).
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM