macbupda
Trung tá

Bài viết: 11970
Lính của PTL
|
 |
« Trả lời #131 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2013, 03:54:23 pm » |
|
Tình thế đòi hỏi phải sớm hình thành một bộ máy chỉ đạo chỉ huy để giúp Bộ thống soái điều hành toàn quân chuẩn bị chuyển sang thời chiến; lực lượng vũ trang đang chuẩn bị đối mặt với quân thù đòi hỏi một sự dẫn dắt đúng đắn kịp thời; sự có mặt của đội quân viễn chinh Pháp, với ưu thế về binh lực và kinh nghiệm chiến trường đã có mặt trên cả hai miền đất nước, đòi hỏi một cơ quan đầu não quân sự đủ sức mạnh để cản phá âm mưu xâm lược của chúng… Tất cả thực tế đó thúc bách từng thành viên trong Bộ Tổng tham mưu ngay từ những ngày đầu phải vượt lên chính mình, phải khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn, từ kiến thức tham mưu đến cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng bằng được những yêu cầu khách quan của tình thế nước sôi lửa bỏng. Khi bước vào mấy năm đầu kháng chiến toàn quốc, cái rét thấu xương của mùa đông 1947 ở Chiến khu Việt Bắc, những bữa thiếu ăn trong ngày giáp hạt năm 1949, những hoạt động quân sự thể hiện sự ưu thế về binh lực và thủ đoạn thâm độc của địch…, tất cả đều là những thử thách quyết liệt đối với các anh.
Cuộc kháng chiến càng phát triển, yêu cầu của quân đội và của chiến trường càng cao, âm mưu và thủ đoạn của Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp càng thâm độc, càng đòi hỏi Bộ Tổng tham mưu phải tiến sao cho kịp, cho xứng với tầm vóc và vị thế của một cơ quan chỉ đạo, chỉ huy chiến lược. Từng thành viên và tập thể nhỏ bé ban đầu đó đã đứng vững là lớn lên từng ngày và mỗi bước trưởng thành đều thể hiện bản lĩnh cách mạng, xứng đáng với lòng tin cậy của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Mỗi bước lớn lên về chính trị và chuyên môn của từng cán bộ, mỗi chặng đường trưởng thành về tổ chức và nghiệp vụ của toàn cơ quan, đều mang dấu ấn của Tổng Tham mưu trưởng. Với chức năng một cán bộ quân sự, một cán bộ tham mưu, nhưng trong Hoàng Văn Thái, con người chính trị đi trước con người quân sự. Trước hết, anh quan tâm đến sự thống nhất về tinh thần và ý chí, đến tinh thần đoàn kết nội bộ cơ quan, coi đó là những điều kiện quan trọng hàng đầu để cùng nhau chung lưng đấu cật hoàn thành mọi nhiệm vụ. Anh không chỉ quan tâm nâng dần trình độ chuyên môn của ừng cán bộ, của từng phòng nghiệp vụ, mà còn rất chú trọng công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị. Từ một tổ Đảng chỉ có 3 đảng viên ngày cơ quan mới thành lập, khi “thiên đô” lên Việt Bắc, số đảng viên trong Chi bộ đã phát triển lên gấp 10 lần, đạt tỷ lệ lãnh đạo 1/3. Đó là một trong những công lao đầu tiên của Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái trong việc xây dựng cơ quan. Những năm đầu kháng chiến, việc học tập chính trị chưa thành nền nếp, tài liệu chính trị chưa được soạn thảo thống nhất nhưng anh đã biết phát huy tác dụng của tổ học tập, biết dựa vào những bài báo của Tổng Bí thư Trường Chinh để giúp anh em hiểu những điều cơ bản về đường lối kháng chiến. Về nghiệp vụ tham mưu, những ấu trĩ ban đầu là tất yếu, dễ hiểu, nhưng quá trình mò mẫm cũng là quá trình kịp thời rút kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, học hỏi cả những cách làm của địch để tiến từng bước vững chắc, thiết thực. Tổng Tham mưu trưởng luôn khẳng định: để tồn tại những yếu kém của ngành nào đó trong công tác tham mưu của các trung đoàn và các khu là trách nhiệm của Bộ Tổng tham mưu. Cơ quan tham mưu Tổng hành dinh phải vươn lên, xứng đáng là đầu tàu cho tham mưu toàn quân, cùng tham mưu toàn quân hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chỉ đạo, chỉ huy các cấp, các chiến trường. Bản thân Tổng Tham mưu trưởng là một mẫu mực của tinh thần và thái độ “không giấu dốt”. Anh tranh thủ mọi điều kiện hoàn cảnh để học, từ một chữ tắt về phiên hiệu của địch đến một văn kiện lý luận về chiến lược quân sự của Đảng và đặc biệt là những kinh nghiệm cụ thể rút ra qua từng mặt công tác, từng bước công tác, từng giai đoạn chiến lược.
Lịch sử Bộ Tổng tham mưu những năm chiến đấu trong vòng vây là lịch sử những sự kiện về công tác tham mưu diễn ra xen kẽ giữa những bước mò mẫm tìm tòi với những kiến thức sơ đẳng “chưa thành văn”, dẫn đến những kết quả nhờ tinh thần cách mạng và bản lĩnh chính trị nhiều hơn là lý luận cơ bản về nghiệp vụ công tác tham mưu. Do đó, thành công và trưởng thành là cơ bản và vấp váp thiếu sót cũng không phải là không có. Trải qua 6 năm (1945-1950), vào thời điểm khai thông biên giới, tức là khi bắt đầu có điều kiện học hỏi kinh nghiệm của bạn bè quốc tế, cũng là thời điểm Bộ Tổng tham mưu đã đứng vững trên đôi chân của chính mình, đã vượt qua những bước thử thách quyết liệt và đã có đủ điều kiện chủ quan để tiếp thu kinh nghiệm nghiệp vụ tham mưu của bạn. Mấy năm sau đó, khi tổ chức quyết định anh Hoàng Văn Thái bàn giao chức danh Tổng Tham mưu trưởng cho anh Văn Tiến Dũng, cũng là lúc Bộ Tổng tham mưu đã “đủ lông đủ cánh”, đã là một cơ quan tham mưu chiến lược với bề dày kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân lớn mạnh và bề dày kinh nghiệm trực tiếp giúp trên điều hành gần một chục chiến dịch quy mô nhiều đại đoàn sau chiến dịch Biên giới. Vào thời điểm bàn giao đó (11-1953), với trình độ trưởng thành về mọi mặt, từ hành chỉnh về cơ cấu tổ chức đến bảnh lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, Bộ Tổng tham mưu đang chuẩn bị bước vào cuộc đọ sức quyết liệt nhất (cũng là cuộc đọ sức cuối cùng) với bộ máy chỉ đạo, chỉ huy quân viễn chinh Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ (mà Hoàng Văn Thái là Tham mưu trưởng chiến dịch) và cuối cùng, toàn ngành tham mưu đã góp phần quan trọng cùng toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu”.
Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và những năm xây dựng trong hòa bình, là lịch sử cơ quan tham mưu chiến lược kế thừa và phát huy truyền thống và kinh nghiệm của lớp cán bộ tham mưu đi trước mà con chim đầu đàn là Hoàng Văn Thái, vị Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên mà tên tuổi đã ghi đậm nét trong sổ vàng lịch sử tham mưu quân đội cách mạng Việt Nam.
|