Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:40:37 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng tham mưu những năm chiến đấu trong vòng vây  (Đọc 68708 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #100 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2013, 07:34:35 am »

Thời gian chuẩn bị rất gấp, nhưng yêu cầu đề ra với phái viên tham mưu là làm sao cùng đơn vị hoạt động khẩn trương để hoàn thành bằng được nhiệm vụ đột xuất. Điều quan trọng không chỉ là chuẩn bị về mặt vũ khí trang bị mà phải làm cho bộ đội quán triệt nhiệm vụ, quán triệt tinh thần quốc tế “giúp bạn như giúp mình”. Đầu tháng 6, bộ đội xuất phát theo hai hướng: Long Châu (Biên khu Điền Quế) và Khâm Châu (Biên khu Việt Quế). Tổ chiến sự thuộc Phòng Tác chiến mở thêm một hướng theo dõi diễn biến trên mặt trận đột xuất này. Chiến trường xa, rừng núi trùng điệp, liên lạc vô tuyến điện hạn chế. Phòng Tác chiến phải cùng Phòng Thông tin vượt qua mọi trở ngại để theo sát được bước đi của bộ đội trên đất bạn. Cơ quan tham mưu sớm nắm được những khó khăn sớm xuất hiện ngay khi bộ đội vượt sang bên kia biên giới: chiến trường lạ, ngôn ngữ bất đồng, đối tượng tác chiến mới…

Giữa lúc Cơ quan tác chiến bám sát bước đi của bộ đội trên chiến trường Thập vạn đại sơn thì Cục Tình báo báo cáo anh Thái tin tức về tướng Rơve (George Revers - Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp) sắp từ Pháp sang thanh tra chiến trường. Lại có tin Bảo Đại sắp về nước. Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chỉ thị Phòng Tình báo và Phòng Tác chiến phối hợp theo dõi sát động tĩnh của địch trước hai sự kiện này, các phòng Nhân sự và Trang bị - Cấp dưỡng tập trung theo dõi việc chuẩn bị thành lập đại đội chủ lực.



Tướng George Revers

Từ mùa hè năm 1949, việc chuẩn bị thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ là một công việc liên quan đến nhiệm vụ của nhiều phòng trong Bộ Tổng tham mưu. Nhớ lại việc thành lập đại đoàn độc lập đã được đề ra từ giữa năm 1947, nhưng không những khi ấy điều kiện chưa cho phép mà còn do cuộc tiến công thu đông của địch lên Việt Bắc. Hai năm đã qua, tình hình thay đổi. Đã đến lúc có thể tập trung bộ đội, chuẩn bị đánh lớn hơn, theo tinh thần “đẩy mạnh vận động chiến tiến tới’”. Bộ Tổng tham mưu được chỉ thị khẩn trương xúc tiến mọi công tác chuẩn bị cần thiết để đại đoàn có thể được thành lập vào mùa thu năm nay. Đó là thời điểm các thành viên tương lai của đại đoàn đã được tôi luyện thêm trong chiến dịch xuân hè sắp mở trên hướng Lao Cai - Hà Giang (Lao - Hà) và sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Bắc Kạn.

Từ trung tuần tháng 4, hai tiểu đoàn 11 và 54 đã lên đường chuẩn bị tham gia chiến dịch sông Thao (Sơn La - Yên Bái). Tiểu đoàn 11 được củng cố sau trận Phủ Thông. Tiểu đoàn 54 (Trung đoàn Thủ đô) đã được củng cố và thu gọn biên chế từ sau mùa khô 1947.

Đầu tháng 5, Phòng Tác chiến đang theo dõi bước đi của bộ đội lên hướng Yên Bái thì được tin địch nhảy dù xuống Phú Lạc (Phú Thọ), rồi Đoan Hùng, sau đó chúng ngược dòng sông Lô lên Tuyên Quang. Đài Con nhạn của quân viễn chinh Pháp rêu rao “bước tiến quân mau lẹ” của cuộc hành binh lên hướng Phú Thọ - Tuyên Quang. Tổng Tham mưu trưởng nêu lên để các phòng Tình báo và Tác chiến trao đổi ý kiến. Ý đồ chiến lược của địch là gì? Quấy rối hậu phương ta? Thu hút lực lượng của ta trên hướng Tây Bắc về? Gây thanh thế trước việc tướng Rơve sang thanh tra và việc “cựu hoàng Bảo Đại hồi loan”? Các anh thống nhất nhận định: Dù chúng lên Tuyên Quang với mục đích gì, tình thế không cho phép địch đứng chân lâu ở thị xã này. Rõ ràng là cả hai hướng Đông Bắc và Tây Bắc đã và đang tạo nên sức ép quá nặng đối với chúng. Rồi đây, phòng tuyến sông Thao bị hiếp, địch sẽ buộc phải rút quân về đối phó.

Hai tiểu đoàn 11 và 54 tiếp tục hành quân lên hướng sông Thao theo kế hoạch. Trong khi đó, theo mệnh lệnh ngày 9 và 16-5 của Bộ, Ban Chỉ huy chiến dịch sông Lô được thành lập, gồm các đồng chí Bằng Giang, Vương Thừa Vũ và Lâm Kính. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 6 tiểu đoàn chủ lực của Bộ và 3 tiểu đoàn thuộc Liên khu 10. Phòng Tác chiến bớt hẳn nỗi lo âu khi thấy 3 tiểu đoàn vừa hoàn thành nhiệm vụ trên hướng Đông Bắc đã hành quân về kịp theo kế hoạch tác chiến mới.

Từ tháng 5, trên cả hai hướng sông Thao và sông Lô, các đơn vị thi đua lập công mừng thọ Bác Hồ và cũng là để có thêm thành tích trước khi đứng vào đội hình đại đoàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #101 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2013, 07:35:02 am »

Tin Tiểu đoàn 54 diệt đồn Đại Bục sớm bay về Bộ Tổng tham mưu. Tiếp ngay sau đó là tin Tiểu đoàn 11 diệt đồn Đại Phác. Rồi liên tiếp thêm những vị trí to nhỏ, từ Phố Ràng đến Khe Phìa, Ngòi Mác, lần lượt bị tiêu diệt. Toàn bộ tiểu khu Phố Ràng thuộc phân khu Lao Cai của địch (được thành lập từ mùa khô 1947) bị san bằng. Một mảng quan trọng trên phòng tuyến sông Thao của địch bị vỡ trên chiều dài 30 kilômét từ Bảo Hà đến Bắc Cuông. Đến tháng 7, khi chiến dịch sông Thao kết thúc, phòng tuyến của địch bị vỡ thêm một mảng lớn, đến tận Ba Khe.

Lúc này, Phòng Tác chiến đã biết cuộc hành binh của địch trên hướng sông Lô (Phú Thọ - Đoan Hùng - Tuyên Quang) mang tên Pômôn (Pomone). Đài Con nhạn của quân viễn chinh Pháp không ngừng lớn tiếng ca tụng chiến tích của quân đội viễn chinh Pháp trong cuộc hành binh này.

Đúng như ta dự đoán, quân địch chỉ dừng chân ở thị xã Tuyên Quang được ba tuần. Ngày 24-5, chúng rút khỏi thị xã. Trận truy kích diễn ra trên hai bờ sông Lô, nhất là bên hữu ngạn. Có đơn vị đuổi kịp và đánh tốt ở Tràng Sắc, Lệ Mỹ, Tiên Du. Nhưng rồi vất đề chỉ huy ngày càng gặp khó khăn, chủ yếu vì thiếu phương tiện thông tin vô tuyến để điều quân trước yêu cầu khẩn trương của chiến dịch truy kích. Trận đánh then chốt quyết định theo kế hoạch đã không diễn ra. Từ đánh công đồn quy mô nhỏ chuyển lên đánh tập trung vận động lớn, rất nhiều vấn đề về tổ chức, trang bị và chỉ huy đặt ra với bộ đội ta. Các đồng chí chỉ huy chiến dịch sông Lô đã thấy rõ điều đó. Trao đổi với phái viên Bộ Tổng tham mưu, đồng chí Vương Thừa Vũ nói:

- Vừa qua ở sông Lô, ta chưa đánh được trận nào lớn. Nhưng từ ưu khuyết điểm về tổ chức chỉ huy, về thông tin liên lạc, ta có thể rút ra những bài học quý báu, từ đó mà tiến lên vững chắc.

Khi chỉ thị cho cơ quan tác chiến chuẩn bị hội nghị tổng kết hai chiến dịch sông Lô và đường số 4, Tổng Tham mưu trưởng lưu ý anh em những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai chiến dịch và phải từ những điểm giống nhau và khác nhau đó rút ra những bài học về chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch và chiến đấu:

- Chiến dịch đường số 4 (Cao - Bắc - Lạng - tức mặt trận 7) là chiến dịch được ta chuẩn bị chu đáo trong một thời gian dài để chủ động tiến công địch, còn chiến dịch sông Lô là chiến dịch đánh lại quân địch tiến công vào căn cứ địa của ta.

- Chiến dịch đường số 4 giúp ta rút ra những kinh nghiệm để chuẩn bị cho những chiến dịch tiến công mới, ở chiến trường rừng núi, xa hậu phương, còn kinh nghiệm của chiến dịch sông Lô là làm thế nào để điều động binh lực nhanh chóng để đối phó với một cuộc hành binh đã được chuẩn bị của địch tiến công vào vùng tự do của ta.

- Kinh nghiệm của chiến dịch đường số 4 là kinh nghiệm những trận đánh đồn và phục kích, trái lại trong chiến dịch sông Lô (trừ trận phục kích quân địch ở Phủ Đoan), không có trận đánh đồn hay phục kích nào như trận Lũng Phầy hay Thất Khê trên đường số 4…

Trước khi lên đường đi dự hội nghị tổng kết chiến dịch sông Lô và đường số 4, Tổng Tham mưu trưởng làm việc với Cục 2, trao đổi có kết luận và mục đích cuộc kinh lý của tướng Pháp Rơve. Sau chuyến tranh tra này, liệu ý đồ chiến lược của địch có thay đổi? Cần tìm hiểu để nắm được nội dung kế hoạch chiến lược mới của địch. Liều sắp tới địch sẽ tập trung nỗ lực vào đồng bằng hay miền núi? Sức ép sắp tới của Giải phóng quân Trung Quốc và hoạt động mạnh của ta trên hướng Đông Bắc có ảnh hướng đến chủ trương chiến lược sắp tới của địch không?

Ngay lúc đó, những câu hỏi tương tự được đặt ra nhưng chưa có lời đáp. Chỉ biết ngay sau khi Rơve về nước, mấy cuộc hành binh của địch liên tiếp diễn ra. Bắt đầu là vì trận càn lớn vào Đồng Tháp Mười (6-1949), tiếp đến là hai trận tấn công lên Bắc Bắc (7-1949) và Vĩnh Phúc (8-1949). Một sự kiện quan trọng cũng diễn ra trong tháng 8, đó là quân Pháp rút khỏi thị xã Bắc Kạn. Nhiều đơn vị chủ lực của Bộ trên mặt trận 1 bis, được giao nhiệm vụ chuẩn bị tiến công Bắc Kạn, coi như mất mục tiêu. Thật vậy, ý định tiến công giải phóng Bắc Kạn lấy thành tích mừng ngày thành lập đại đoàn đã không có thời cơ để thực hiện.

Một đoàn cán bộ tác chiến, tình báo, dân quân và công binh, do các anh Lý Thủy Tho và Tuấn Kiệt dẫn đầu, được cử lên ngay Bắc Kạn với nhiệm vụ nghiên cứu các vị trí địch và quy luật hoạt động của chúng trên suốt dọc đường số 3, từ Bắc Kạn lên Cao Bằng. Chúng ta còn hiểu biết quá ít về cách bố trí của địch ở những vị trí lớn như Bắc Kạn. Tổng Tham mưu trưởng dặn các anh ghi chép, vẽ sơ đồ thật đầy đủ để Bộ có tài liệu nghiên cứu kỹ hơn về địch, chuẩn bị cho các trận đánh lớn sắp tới.

Đoàn cán bộ khẩn trương lên đường. Một công việc thích thú, hấp dẫn đang chờ các anh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #102 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2013, 07:36:04 am »

IV

Cuối cùng, Bộ Tổng tham mưu cũng nắm được nội dung bản báo cáo của tướng Rơve sau cuộc kinh lý Đông Dương. Từ bản báo cáo, viên tướng được lệnh viết thành bản kế hoạch chiến lược mang tên ông ta - kế hoạch Rơve. Cùng với việc thảo chỉ định của Tổng Tư lệnh gửi mặt trận 3 (Trung du) đánh địch hành binh lên Bắc Bắc, Vĩnh Phúc và đề phòng địch lên Thái Nguyên, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái tổ chức một nhóm nhỏ nghiên cứu bản kế hoạch Rơve. Qua nghiên cứu, các anh rút ra mấy nội dung chính sau đây: Sau khi chứng minh thế và lực ngày càng bất lợi của quân đội viễn chinh Pháp suốt một năm qua trên chiến trường Đông Dương, viên Tổng Tham mưu trưởng Pháp đề đạt một kế hoạch chiến lược gồm mấy điểm: 1- Đưa cuộc chiến tranh Đông Dương và khuôn khổ chiến lược của Mỹ, câu kết với Mỹ để có điều kiện tăng cường và hiện đại hóa trang bị của quân đội viễn chinh Pháp; 2- Tổ chức chính quyền tay sai ở cả ba miền, nhân nhượng cho Bảo Đại một số quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển quân bản xứ với sự giúp đỡ của Mỹ cả về trang bị quân sự và tài chính; 3- Xin thêm viện binh, đưa một số tướng tá có năng lực cả về quân sự và chính trị sang để điều hành cuộc chiến tranh; 4- Tập trung nỗ lực vào miền Bắc Đông Dương, biến Bắc Kỳ “thực sự thành một pháo đài”. Muốn vậy, phải: 1- Rút ngắn phòng tuyến biên giới phía bắc, tăng cường phòng thủ từ Lạng Sơn đến Móng Cải; 2- Tổ chức tuyến đề kháng tại trung du và trung châu; 3- Càn quét, tiến tới diệt các ổ đề kháng trong vùng quân Pháp kiểm soát ở đồng bằng sông Hồng.

Điểm mới trong kế hoạch Rơve là gì? Là công khai chính thức xin viện trợ của Mỹ, mở đường cho Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương.

Tin tức cho biết, trong nội bộ tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương có người không ủng hộ kế hoạch Rơve, nhất là không tán thành chủ trương rút ngắn phòng tuyến Đông Bắc (Zône Frontière Nord-Est - ZENE), phản đối việc rút khỏi Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, chỉ giữ từ Lạng Sơn trở xuống. Viên tướng chống đối mạnh nhất chủ trương rút ngắn phòng tuyến đường số 4 là Alếchxanđri (Alecssandri), Chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ. Mặc dù vậy, trong lúc thảo luận, các thành viên của nhóm nghiên cứu của Bộ Tổng tham mưu đều thống nhất nhận định rằng kế hoạch Rơve thâm độc và đầy tham vọng, mặc dù viên tướng đã phải thừa nhận một thực tế là thế và lực của quân viễn chinh Pháp đã suy yếu. Có đồng chí nêu lên một nhận xét:

- Vô tình đang hình thành một cuộc “chạy đua ngắn” giữa ta và địch. Quân Pháp dựa vào kế hoạch Rơve, mong sự tiếp tay của Mỹ hòng lật ngược thế cờ. Còn ta thực hiện kế hoạch chuẩn bị tổng phản công, tạo thế mới, lực mới, tiến lên đánh lớn, giành thắng lợi quyết định.

Suốt mùa hè, cơ quan tham mưu dồn sức vào việc xây dựng lực lượng mà trước hết là chuẩn bị thành lập đại đoàn chủ lực của Bộ. Tháng 4, Chính phủ ra sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương. Lần đầu tiên, với sự ra đời chính thức của bộ đội địa phương, lực lượng vũ trang của ta đã hình thành hoàn chỉnh ba thứ quân ở sáu cấp: bộ đội chủ lực của Bộ và của liên khu, bộ đội địa phương của tỉnh và huyện, dân quân du kích ở xã và thôn. Ba thứ quân, quan hệ gắn bó trong tác chiến và trong xây dựng, trên cơ sở vị trí chiến lược, chức năng nhiệm vụ được xác định rõ ràng cho từng thứ quân. Chiến tranh du kích đã trưởng thành ở nhiều địa phương. Ở nhiều tỉnh và huyện, bộ đội địa phương đã trở thành nòng cốt của chiến tranh du kích, tạo điều kiện cho việc rút phần lớn các đại đội độc lập về xây dựng bộ đội chủ lực của khu và của Bộ. Đã qua rồi những ngày bộ đội chủ lực phải phân tán về các địa phương để hỗ trợ và làm nòng cốt cho phong trào dân quân du kích. Giờ đây, việc đánh địch bảo vệ làng bản do lực lượng vũ trang tại chỗ, gồm bộ đội địa phương và dân quân du kích đã trưởng thành đảm nhiệm. Bộ đội chủ lực lớn mạnh xứng đáng với chức năng tác chiến quy mô lớn và vai trò cơ động chiến lược của nó mà không còn phải gắn với một địa bàn cụ thể nào.

Đã gần đến ngày tổ chức lễ thành lập đại đoàn chủ lực. Nghị định đã được ký từ tháng 4. Việc bổ nhiệm cán bộ chỉ huy đại đoàn đã được quyết định từ tháng 6. Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy là đồng chí Vương Thừa Vũ, người mà cơ quan Tổng Tham mưu rất quen biết và quý mến. Chỉ huy phó là đồng chí Cao Văn Khánh, mới từ Liên khu 5 xa xôi ra Bắc đầu mùa hè. Trước mắt, đại đoàn chỉ mới bao gồm hai trung đoàn bộ binh 88 và 102, một số đơn vị pháo binh trợ chiến. Trung đoàn 36 vẫn “bám” chiến trường Bắc Ninh - Bắc Giang.

Ngày 28-8, một số cán bộ tham mưu đi theo Tổng Tham mưu trưởng dự lễ thành lập Đại đoàn 308 ở thị trấn Đồn Du, huyện lỵ Phú Lương, sát đường 3, bên trên thị xã Thái Nguyên chừng 20 kilômét. Dọc đường các anh trao đổi những suy nghĩ về đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội, về cái tên Quân Tiên phong mà trên quyết định đặt cho đại đoàn. Đúng là con chim đầu đàn của lực lượng vũ trang cả nước, mà chức năng, nhiệm vụ đã được trên xác định là “đi tiên phong trên con đường tiêu diệt sinh lực địch, con đường chính quy hóa”. Dù là cán bộ tham mưu tác chiến, nhân sự (quân lực) hay trang bị cấp dưỡng, các anh đều tự hào đã được theo dõi bước trưởng thành của đại đoàn từ những ngày nó còn là những đơn vị nhỏ bé của một quân đội mà Bác Hồ gọi là “thơ ấu”. Các anh tin rằng, rồi đây, trên tấm bản đồ chiến sự của Bộ Tổng tham mưu, ký hiệu của Đại đoàn 308 xuất hiện ở đâu là cục diện chiến trường nơi đó chuyển biến có lợi cho ta, không lợi cho địch. Và để tạo thế mới, lực mới, đón thời cơ chiến lược, trước yêu cầu tác chiến quy mô ngày càng lớn trong giai đoạn phản công chiến lược, trong tay Bộ thống soái phải có một lực lượng dự bị mạnh, gồm nhiều đại đoàn. Đó là yêu cầu tất yếu khách quan của chiến trường trên bước đường tiến lên của cuộc kháng chiến.

Về mùa thu năm 1949 này, ngoài Đại đoàn 308, Bộ còn có hai trung đoàn chủ lực: Trung đoàn sông Lô (209) và Trung đoàn Cao Lạng (174). Các khu 7, 8, 9 của Nam Bộ và các liên khu từ Nam Trung Bộ trở ra đều đã xây dựng được những đơn vị chủ lực của mình(1). Các binh chủng pháo binh, công binh, thông tin, tuy trang bị còn thiếu thốn nhưng đã có được những cơ sở ban đầu, đang từng bước trưởng thành trong thực tế chiến đấu, từng bước được bổ sung và cải tiến trang bị kỹ thuật, do ta sản xuất và nhất là do nguồn chiến lợi phẩm. Lực lượng bổ sung và phối hợp chiến đấu với khối chủ lực lớn mạnh này là cả mạng lưới bộ đội địa phương và dân quân du kích rộng khắp cả nước.


(1) Ở Đông Bắc: Trung đoàn 98; ở trung du: Trung đoàn 36 (Bắc Bắc, sau sẽ về đội hình Đại đoàn 308); Liên khu 4: các trung đoàn 9 và 57; Liên khu 10: các trung đoàn 165 và 148; Liên khu 3: các trung đoàn 66 và 42; Liên khu 5: các trung đoàn 803 và 108; Nam Bộ có nhiều tiểu đoàn mạnh, mà đầu đàn là Tiểu đoàn 307.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #103 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2013, 07:36:50 am »

Sau khi dự lễ thành lập Đại đoàn 308, từ Đồn Du trở về địa điểm cơ quan ở Đồng Đau, Tổng Tham mưu trưởng cùng một số trưởng phòng nghiệp vụ nghe báo cáo tổng hợp tình hình chiến trường Thập vạn đại sơn trên đất bạn.

Trung tuần tháng 6 bộ đội hướng Long Châu nổ súng, diệt 2 vị trí Thủy Khẩu và Hạ Đống, trong khi một lực lượng khác phối hợp tiến công địch từ Bằng Tường xuống Nam Quan. Địch co về, biến Long Châu thành cụm cứ điểm mạnh. Phòng Tác chiến truyền lệnh của Bộ: Chuyển sang vây hãm Long Châu, đánh viện, chặn đường tiếp tế, tiến công Ninh Minh và Thượng Kim, phối hợp với bạn mở rộng và củng cố vùng mới giải phóng quanh Long Châu.

Qua theo dõi bước đi của bộ đội, Phòng Tác chiến thấy rất rõ hướng ở Việt Quế khó khăn hơn. Thập vạn đại sơn, đúng như tên của nó, là một vùng rừng núi trùng điệp, địa hình hiểm trở, chạy gần như song song với biên giới Đông Bắc của ta. Bộ đội phải qua gần một tháng hành quân, trèo đèo lội suối, dưới nắng hè gay gắt. Được tin bộ đội Việt Nam đến, quân Tưởng rút bỏ nhiều vị trí, co về các thị trấn lớn như Nà Lường, Phòng Thành, Đông Hưng. Mãi đến đầu tháng 7, quân ta mới nổ súng trận đầu, tiến công Trúc Sơn, một thị trấn lớn ở gần Đông Hưng do 4 đại đội quân Tưởng đóng giữ. Địch từ Trúc Sơn, Nà Lường tiếp tục co về Phòng Thành, Đông Hưng. Bộ đội ta phối hợp với bạn củng cố vùng giải phóng đã mở rất rộng ở khu vực Thập vạn đại sơn, đánh địch càn quét, tiễu phỉ ở vùng Khâu Châu.

Đến tháng 10, khi lực lượng vũ trang của bạn ở hai biên khu Điền Quế và Việt Quế đã liên lạc được với địa quân đang trên đường Nam hạ, bộ đội ta nhận được lệnh về nước. Trung tuần tháng 10, trong báo cáo gửi về Bộ Tổng tư lệnh, Chỉ huy trưởng Lê Quảng Ba nhận xét về kết quả hoạt động của bộ đội những ngày trên đất bạn như sau: “Thắng lợi về quân sự đã quan trọng, nhưng thắng lợi về chính trị còn to lớn hơn nhiều”.

Một ngày trung tuần tháng 10, Tổng Tham mưu trưởng nhận được điện của bên Văn phòng Trung ương mời sang làm việc. Tới nơi, anh Thái được các anh Trần Đăng Ninh và Lê Văn Lương cho biết: Trung ương giao cho Bộ Tổng tham mưu nhiệm vụ tổ chức chuyến đi của Bác ra nước ngoài. Cán bộ được giao nhiệm vụ này trước hết phải là đồng chí tin cậy, không những biết tiếng nước ngoài mà còn phải biết phong tục tập quán của bạn, bảo đảm chuyến đi bí mật an toàn. Anh Thái nghĩ ngay đến anh Lý Thủy Thọ. Anh báo cáo và được anh Ninh, anh Lương chấp nhận. Được biết anh Thọ đang đi nghiên cứu về địch ở hướng Bắc Kạn - Cao Bằng, các anh nói cho gọi về ngay để kịp nhận nhiệm vụ và chuẩn bị.

Lúc này, đoàn cán bộ do các anh Lý Thủy Thọ và Tuấn Kiệt phụ trách đang nghiên cứu các vị trí địch trên vùng núi Thanh Minh - Cốc Thuộc. Đoàn đang dự tính tiếp tục nghiên cứu một số vị trí địch trên đường số 4 thì nhận được điện gọi anh Thọ “về ngay để nhận nhiệm vụ mới”.

Vài ngày sau, anh Thọ đã về đến cơ quan. Dọc đường anh không khỏi suy nghĩ “nhiệm vụ mới” là gì? Không lẽ lại mở thêm lớp sĩ quan tham mưu mới khi mà khóa 2 (do Lý Thủy Thọ và Trần Trọng Trung phụ trách) vừa bế mạc cách đây vài tháng? Vừa về tới Đồng Đau, để nguyên quần áo đầy bụi đường, anh Thọ sang gặp Tổng Tham mưu trưởng. Vừa thấy Lý Thủy Thọ, anh Thái vui vẻ hỏi ngay:

- Anh nhận được điện lâu chưa?

- Báo cáo anh, nhận được điện hôm trước thì hôm sau tôi họp anh em, thống nhất nhận định tình hình công việc, sau đó bàn giao lại cho anh Tuấn Kiệt rồi về đây ngay.

Tổng Tham mưu trưởng nhận tập tài liệu mà anh Thọ trao cho, đọc lướt bản sơ kết công tác của đoàn rồi nói với anh Thọ:

- Tôi sẽ giao toàn bộ tập tài liệu này cho anh em các phòng Tác chiến và Tình báo nghiên cứu. Những bản vẽ và thuyết minh sẽ rất có ích trong việc nghiên cứu cách đánh cứ điểm mà anh em đang tiến hành. Bây giờ nói với anh nhiệm vụ mới. Anh sang ngay Văn phòng Trung ương, gặp các anh Trần Đăng Ninh và Lê Văn Lương, các anh sẽ nói rõ nhiệm vụ. Anh lưu ý: Đây là nhiệm vụ đặc biệt, phải được hết sức giữ bí mật, không nói lộ ra với bất cứ ai…

Ngay sau đó, anh Thọ sang Văn phòng Trung ương. Vừa trông thấy anh, An Trần Đăng Ninh đã nói vui:

- Lại gặp “nhà tình báo đại tài” của mặt trận Trung du đây rồi.

Lý Thủy Thọ thoáng chột dạ. Anh nhớ lại vụ “H.122” năm trước. Được biết anh Trần Đăng Ninh đã phát hiện và “gỡ” vụ này. Nghe nói hồi đó anh Ninh có ý định đưa một số người ra tòa án binh, trong đó có Lý Thủy Thọ và Thọ Sơn. Vậy mà bây giờ chính anh Ninh lại là người giao “nhiệm vụ đặc biệt” cho mình. Anh Thọ chăm chú nghe.

- Trung ương Đảng giao cho Bộ Tổng tham mưu tổ chức việc liên lạc với các đồng chí Trung Quốc ở vùng biên giới Phục Hòa - Thủy Khẩu để chuẩn bị cho phái đoàn của Trung ương do Bác làm trưởng đoàn sang thăm và làm việc ở Trung Quốc và một vài nước anh em. Đây là chuyến đi đầu tiên của Bác ra nước ngoài sau ngày kháng chiến toàn quốc. Bộ Tổng tham mưu cử anh làm việc này. Tôi đã báo cáo và Bác đã đồng ý. Anh cần làm gấp hộ chiếu và lên ngay gặp Tỉnh ủy Cao Bằng bàn kế hoạch tiến hành…

Mọi thứ giấy tờ được hoàn thành chóng vánh. Trước khi anh Thọ lên đường, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp căn dặn; Phải bằng mọi cách bảo đảm bí mật, an toàn cho chuyến đi của Bác. Nhân chuyến đi này, anh Văn còn giao cho anh Thọ làm mấy việc: nghiên cứu kế hoạch xin viện trợ của Bộ và tìm hiểu khả năng giúp đỡ của bạn về vũ khí; kiếm một số sách quân sự của nước ngoài mà ta có thể nghiên cứu, tham khảo…

Anh Thọ khẩn trương chuẩn bị lên đường, mang theo nỗi lo về nhiệm vụ nặng nề, nhưng lại phấn khởi trước một chuyến đi xa với bao điều mới lạ mà anh chưa thể hình dung(1).

Có điều mà Lý Thủy Thọ không thể ngờ tới lừ chuyến đi xa lần này lại trở thành bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của mình. Từ ngành tình báo, anh được chuyển sang làm công tác đối ngoại, cụ thể là công việc tiếp xúc với người nước ngoài, mà hồi đó ta thường gọi là công tác giao tế.


(1) Chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc và Liên Xô diễn ra từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 4-1950.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #104 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2013, 06:12:47 pm »

V

Theo tin tức từ báo chí nước ngoài thì kế hoạch Rơve đã bị lộ. Tổng Tham mưu trưởng G. Rơve - tác giả của kế hoạch - bị thải hồi. Báo chí Pháp nói rõ: đây là kết quả cuộc đấu đá nội bộ giới tướng lĩnh ở Pari. Nhưng vấn đề đặt ra đối với hai cơ quan Tác chiến và Tình báo của ta là vì sao trên thực tế hoạt động của địch trên chiến trường cho thấy nhiều nội dung cơ bản của kế hoạch Rơve vẫn được địch ra sức thực hiện.

Phòng Tình báo chú ý đến một cụm từ lượm được trong những bản tin mật của địch. Đó là chương trình “vo tròn vùng đồng bằng có ích” (arrondir le delta utile). Địch sẽ làm gì ở vùng châu thổ sông Hồng? Còn vùng rừng núi thì sao, trước hết là vùng biên giới Đông Bắc, vào thời điểm mà Giải phóng quân Trung Quốc đang tiến ngày càng gần xuống những vùng đất cuối cùng của Hoa Nam? Một chủ đề “hấp dẫn” thường được anh em tác chiến và tình báo trao đổi ý kiến, đó là: liệu địch có rút ngắn phòng tuyến đường số 4 như Rơve trù liệu không?

Đúng là hoạt động của Trung đoàn 174 và các tiểu đoàn địa phương cũng như chiến tranh du kích phát triển mạnh trên chiến trường đường số 4 đã gây rất nhiều khó khăn cho địch. Nhiều đồn bốt bị dân quân du kích uy hiếp, từ Bông Lau, Lũng Phầy đến Chè Cáng, Bình Nhi. Du kích bám đường, đánh mìn, bắn tỉa, phá cầu, nhất là trên quãng đường Na Sầm - Thất Khê. Trong khi đó những trận phục kích của bộ đội chủ lực, điển hình là trận Lũng Phầy hồi tháng 4, buộc địch phải tăng cường việc bảo vệ các đoàn xe tiếp tế đi trên đường số 4 - “con đường lửa”. Thực tế cho thấy, trên con đường Lạng Sơn - Cao Bằng dài chừng 135 kilômét, một đoàn xe đi về phải khoảng nửa tháng, tốn kém và không có gì bảo đảm an toàn. Nhưng liệu địch có dám bỏ Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, khi mà chúng muốn ngăn chặn chúng ta liên lạc với thế giới dân chủ? Và nếu rút Cao Bằng thì liệu địch có đánh chiếm Thái Nguyên như dự kiến của Rơve hay không?

Không ít ý kiến dẫn ra thực tế để chứng minh địch sẽ thực hiện rút khỏi Cao Bằng và để “bù lại”, chúng sẽ xây dựng phòng tuyến trung du như tướng Rơve đã từng trù tính. Viên tướng này vừa về nước thì địch tiến hành hai cuộc hành binh BastillesCanigou, đánh chiếm Bắc Bắc và Vĩnh Phúc. Thế là 4 trong 6 tỉnh trung du có địch, chỉ còn lại Phú Thọ và Thái Nguyên, mà việc đánh chiếm Thái Nguyên đã được Rơve đề cập trong kế hoạch. Chúng lập đồn bốt và càn quét liên tiếp 4 tỉnh trung du để bắt lính cho Bảo Đại. Còn phía dưới đồng bằng thì tháng 10 vừa qua, bằng cuộc hành binh Arthracite, chúng chiếm vùng Công giáo Bùi Chu, Phát Diệm, rồi lại càn quét, bắt lính, lập vệ sĩ cho Lê Hữu Từ. Chẳng phải tất cả các thủ đoạn đó đều nhằm phục vụ mục đích chiến lược “vo tròn đồng bằng” sao?

Hai ý kiến đối lập nhau trong lúc tranh luận (địch rút hay giữ Cao Bằng) chỉ dừng lại ở đó. Sau tranh luận, ai cũng thấy cần có thêm thực tế để khẳng định lập luận của mình. Ngay trong các chỉ lệnh gửi các địa phương và đơn vị biên giới, kể cả bức thư Quân ủy gửi Tỉnh ủy Cao Bằng cũng như mệnh lệnh gửi Đại đoàn 308 và Trung đoàn 174 Bộ thống soái cũng để ngỏ, không khẳng định địch rút hay không rút khỏi Cao Bằng. Bộ Chỉ thị phải có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động theo cả hai khả năng, nhưng nhấn mạnh khả năng địch có thể bỏ Cao Bằng (và Lao Cai) và khả năng quân Tưởng tràn qua biên giới. Còn Tổng tham mưu trưởng thì luôn nhắc anh em đi sâu nghiên cứu, theo dõi địch thực hiện kế hoạch Rơve như thế nào trong thu đông này.

Đúng là có những việc địch nhanh chân hơn ta. Việc rút khỏi Bắc Kạn là một ví dụ. Bộ đội vừa từ hướng sông Thao về, đang diễn tập theo phương án tiến công địch trong thị xã Bắc Kạn. Một vài hàng binh từ thị xã ra cho biết từ tháng 7, bọn địch trong đó rất nao núng. Điều đó giải thích vì sao Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị đánh Bắc Kạn cáng sớm càng tốt. Anh Vương Thừa Vũ đang ráo riết chuẩn bị trận đánh, lập thành tích trước ngày đại đoàn ra mắt, thì địch rút khỏi Bắc Kạn. Đối với Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp, đó là việc cực chẳng đã. Vì là một vị trí ở ngay trung tâm căn cứ địa của ta, nên Bắc Kạn quá cô lập. Tiếp tế cho Cao Bằng đã khó, cho Bắc Kạn lại càng khó hơn. Trong khi đó, càng mở rộng vùng kiểm soát ra trung du và đồng bằng, nạn thiếu quân càng trầm trọng. Tháng 8, cố gắng lắm Pari mới quyết định tăng thêm hai vạn quân sang Đông Dương. Nói “cố gắng lắm” là theo cách nói của tờ báo Pháp France d’abord. Hồi tháng 7, tờ báo này phản ánh một sự thật: Sau khi Rơve về, Chính phủ Pháp đã dùng những biện pháp gay gắt nhất để bắt lính sang Việt Nam. Bất cứ ai, đến lượt là phải đi, người trẻ đi trước. Sĩ quan, nhất là cấp đại úy, một số lớn đã bị chỉ định sang Đông Dương. Việt Nam đã trở thành khâu chính trong chiến lược chung Mỹ - Pháp ở Á Đông.

Để chuẩn bị cho bộ đội chủ lực bước vào mùa khô này, Tổng Tham mưu trưởng nhắc các phòng nghiệp vụ không quên theo dõi phong trào chiến tranh du kích. Phần lớn các đại đội độc lập đã rút khỏi các địa phương. Địch đang có âm mưu chiến lược mới ở vùng đồng bằng. Nếu lực lượng vũ trang tại chỗ không đủ sức tiêu hao và căng kéo địch, bảo vệ địa phương thì chủ lực sẽ khó rảnh tay cơ động đánh tập trung trong thu đông này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #105 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2013, 06:13:14 pm »

Anh Hoàng Văn Thái và anh Lê Liêm đã cùng anh em nghiên cứu bản Chỉ thị ngày 18-8 vừa qua của Thường vụ Trung ương. Đó là bản chỉ thị về xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân trong giai đoạn chiến lược mới. Bản chỉ thị đã khẳng định lại vai trò chiến lược của lực lượng vũ trang địa phương trong giai đoạn được gọi là “tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công” này. Tầm quan trọng của lực lượng vũ trang tại chỗ không chỉ là bảo vệ địa phương, mà còn chức năng quan trọng nữa là “lực lượng hậu bị trực tiếp của quân chủ lực”. Thường vụ đã chỉ ra những khuyết điểm chính của các địa phương, do chưa nhận rõ vai trò quan trọng đó, cho nên chưa có kế hoạch cụ thể và chưa tập trung lãnh đạo xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân. Bản chỉ thị đã nêu rõ các cấp bộ đảng và chính quyền, trong và ngoài quân đội cần làm gì và làm thế nào để phát huy vai trò chiến lược của lực lượng vũ trang địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Anh Thái và anh Liêm nhắc hai cơ quan Tác chiến và Dân quân cần đặc biệt theo dõi sự phát triển và những kinh nghiệm của phong trào dân quân du kích trung du. Từ kết quả tiêu diệt sinh lực địch khi chúng đánh lên Phúc Yên, Bắc Bắc, trung du đã nổi lên về sức mạnh toàn dân đánh giặc, nổi lên kết quả của sự phối hợp giữa lực lượng vũ trang của tỉnh, huyện và xã. Phụ nữ và phụ lão của làng chiến đấu Võng La, đội nữ du kích tập trung ở Phủ Lỗ, Đại Tân, Cổ Loa, Chi Đống, Đình Bảng,… đã đánh hàng trăm trận, với các hình thức khác nhau. Xuống nghiên cứu tình hình chiến đấu thực tế của Phúc Yên và Bắc Ninh, cán bộ Bộ Tổng tham mưu và Cục Dân quân đã rút ra được những kinh nghiệm hay, rất bổ ích, đối với việc chỉ đạo phong trào chung. Thực tế cho thấy, muốn vũ trang nhân dân, phát động toàn dân đánh giặc, lãnh đạo hai tỉnh đã thực sự quan tâm đến quyền lợi của dân (vận động sản xuất, tự túc, chống đói, thực hiện giảm tô, mở rộng dân chủ trong làng xóm). Trong chỉ đạo xây dựng lực lượng, đã biết kịp thời đưa đội du kích tập trung lên làm nhiệm vụ bộ đội địa phương, đưa bộ đội địa phương tỉnh và huyện lên bổ sung cho chủ lực khu. Do bảo vệ được dân, bảo vệ được mùa màng, lực lượng vũ trang địa phương được nhân dân nuôi, cùng bà con xóm làng đánh giặc. Trên cơ sở dựa vào dân mà phối hợp giữa ba thứ quân ở ngay trong địa phương, cả trong xây dựng và trong chiến đấu.

Vào dịp này, sự chỉ đạo phong trào dân quân du kích Nam Bộ cũng có nhiều nét mới. Từ cuối năm trước, phái đoàn anh Lê Đức Thọ đã vào Nam, mang theo những tài liệu về đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, về phương châm và phương pháp xây dựng ba thứ quân. Mùa xuân năm nay, phái đoàn anh Trần Văn Trà đã trở về Nam Bộ. Trong những ngày lưu lại Việt Bắc, anh Trà đã dành nhiều thời gian nghiên cứu việc xây dựng lực lượng vũ trang trong quá trình vận dụng phương châm “du kích chiến là căn bản, vận động chiến là phụ trợ”. Sự có mặt của hai phái đoàn Lê Đức Thọ và Trần Văn Trà đã góp phần vào bản báo cáo của đồng chí Lê Duẩn trong cuộc họp Xứ ủy tháng 9 vừa qua. Tham mưu đã nhận được điện từ Nam Bộ cho biết nội dung tóm tắt cuộc họp quan trọng này.

Bản báo cáo của Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn trong hội nghị đã đề cập nhiều vấn đề có tầm chiến lược quan trọng đối với chiến trường Nam Bộ. Sau khi phân tích mối quan hệ tác động giữa chiến trường miền Bắc với Nam Bộ trước và sau chiến dịch Việt Bắc, bản báo cáo lược lại những nét chính về cục diện chiến trường từ đầu năm 1948 đến hè 1949.

Hơn một năm qua, địch kiểm soát chặt chẽ được một số vùng và chế ngự được một phần các đường giao thông tiếp tế của ta bằng “chiến thuật mạng nhện” (hệ thống bốt dày đặc của tướng Pháp Đờla Tua). Đều đó giải thích vì sao Pháp dám trao cho quân đội tay sai đóng giữ tới 60% đồn bốt (324/580). Về phần ta, mặc dù đã có một số ít trận đánh vận động quy mô nhỏ, đại đa số những trận đánh còn lại đều mang tính chất thuần túy du kích. Điều đáng chú ý là những trận du kích đó, đáng ra phải do du kích đảm nhiệm thì lại do Vệ quốc đoàn tiến hành.

Từ thực tế đó, bản báo cáo của anh Ba Duẩn rút ra kết luận: 1- Chiến trường Nam Bộ lúc này vẫn trong tình trạng một chiến trường chiến tranh du kích thuần túy; 2- Ta đã có điều kiện đưa vận động chiến lên, nhưng Vệ quốc đoàn “bám” lấy nhiệm vụ của du kích địa phương, đi vào “chủ nghĩa du kích” một cách vô ý thức. Thực tế đó lý giải vì sao bộ đội địa phương không trưởng thành, chiến tranh du kích không phát triển mà Vệ quốc đoàn cũng không đánh được trận vận động nào có ý nghĩa tiêu diệt chiến.

Đã một thời thấy cần thiết phải đưa các đại đội độc lập xuống các địa phương, nhưng chưa nhận thức rõ là về địa phương để hỗ trợ cho chiến tranh du kích phát triển, rồi du kích phải thay thế bộ đội độc lập bảo vệ địa phương để cho các đại đội độc lập trở lại thành chủ lực. Thế nhưng vẫn còn không ít đại đội độc lập cứ nằm lại địa phương, đóng vai trò bộ đội địa phương, khiến cho bộ đội địa phương không thực sự phát huy vai trò địa phương của nó, còn các đại đội Vệ quốc đoàn cũng không phát triển để làm đúng chức năng của chủ lực. Mà đã không có chủ lực mạnh để đánh vận động, đánh tiêu diệt thì mãi mãi chiến trường Nam Bộ chỉ dừng lại là chiến trường du kích, không có chủ lực lớn mạnh, đủ sức quyết định chiến trường. Và bản báo cáo kết luận: “Không ngần ngại gì nữa, chúng ta phỉ tổ chức ba thứ quân theo nhu cầu chiến lược, chiến thuật của từng địa phương, từng khu và toàn Nam Bộ. đã đến lúc phải kiện toàn bộ máy chỉ huy, làm sao cho tư tưởng thống nhất, trình độ quân sự và chuyên môn ngang hàng với chức trách nhiệm vụ; các cơ quan chỉ huy, nhất là tình báo và thông tin liên lạc phải được kiện toàn, phải tinh thông nghiệp vụ”.

Đánh giá phong trào dân quân du kích trước khi bước vào mùa khô, Bộ Tổng tham mưu và Cục Dân quân thống nhất nhận định: Nhìn chung lại, sau khi phần lớn các đại đội độc lập (từ Khu 5 trở ra) rút khỏi địa phương, tuy chiến tranh du kích trong cả nước còn phát triển chưa đều, nhưng phong trào dân quân du kích đã đi đúng hướng cả trong tác chiến và xây dựng, theo tinh thần chỉ đạo của Thường vụ Trung ương, nhằm tạo thế mới, lực mới, đón thời cơ chiến lược.

Điều quan tâm của Bộ Tổng tham mưu lúc này là triển khai kế hoạch tác chiến của chủ lực trong thu đông 1949.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #106 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2013, 06:13:43 pm »

VI

Sau một buổi làm việc ở chỗ Bộ Tổng Tư lệnh, anh Thái mang về cơ quan một tập tài liệu nhan đề Ba giai đoạn chiến lược. Mấy anh trong tổ học tập được triệu tập đến và được biết đây là bản dự thảo một tài liệu do anh Văn viết. Anh Văn chỉ thị cơ quan tham mưu tổ chức cho anh em nghiên cứu trước, vừa để nắm được hướng chiến lược sắp tới của Tổng hành dinh vừa góp ý kiến bổ sung để anh Văn hoàn chỉnh trước khi công bố. Anh Thái nói thêm: Đây là một tài liệu cơ mật về chủ trương chiến lược nên việc tổ chức học tập trước hết nên làm hẹp trong các cán bộ chủ chốt của cơ quan. Chúng ta đang trong những ngày chuyển tiếp giữa giai đoạn 2 và giai đoạn 3 và những nội dung nói về giai đoạn 3 tuy chỉ mới là dự kiến nhưng là những vấn đề cơ mật. Tuy nghiên cứu và thảo luận toàn bộ tài liệu nhưng việc học tập nên tập trung vào giai đoạn 3 để phục vụ cho nhiệm vụ sắp tới.

Việc nghiên cứu được triển khai ngay vài hôm sau và do Phó Tổng tham mưu trưởng Đào Văn Trường điều khiển.

Về nội dung giai đoạn thứ nhất (hồi đó gọi là giai đoạn phòng ngự) được mọi người nhất trí trên một số vấn đề cơ bản:

1. Về mốc thời gian, giai đoạn 1 bắt đầu từ Nam Bộ kháng chiến và kết thúc với chiến dịch Việt Bắc.

2. Trong giai đoạn 1, ta đã thành công trong việc tiêu hao lực lượng địch đi đôi với bảo toàn được lực lượng của ta và cố gắng ngăn chặn chiến sự lan rộng.

3. Chính vì ta bảo toàn được lực lượng, kiên trì cuộc kháng chiến lâu dài nên tuy địch chiếm được một phần đất đai, các đô thị và đường giao thông quan trọng nhưng chúng thất bại trong chủ trương chiến lược đánh nhanh giải quyết nhanh - chiến lược bắt đầu ở miền Nam và kết thúc ở miền Bắc.

4. Mấy bài học thành công trong giai đoạn 1 là:

- Trước âm mưu xâm lược của địch, đấu tranh vũ trang là con đường sống còn duy nhất của các dân tộc nhược tiểu.

- Chủ trương Hòa để tiến và ký Hiệp định sơ bộ là đúng nhưng đến ngày 19-12, trước mưu đồ mở rộng chiến tranh xâm lược toàn cục của địch, quyết tâm phát động kháng chiến toàn quốc là đúng.

- Đối với một nước nhỏ yếu, khi bắt đầu chiến tranh, nhiệm vụ bảo toàn lực lượng là một nhiệm vụ căn bản. Có giữ được lực lượng mới duy trì được kháng chiến, cho nên dù có mất đất cũng không ngại. Mất đất nhưng không mất dân - nhân dân vùng tạm bị chiếm vẫn hướng về cách mạng, về kháng chiến.

- Tinh thần nhân dân là một yếu tố vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy, tinh thần nhân dân Nam Bộ là yếu tố quyết định việc gây dựng lại lực lượng vũ trang và cứu vãn tình hình Nam Bộ sau thời kỳ khó khăn thử thách ban đầu.

5. Tổ học tập nhất trí với bốn kinh nghiệm và bài học không thành công của ta trong giai đoạn 1, đó là:

- Ngoài chiến lược đúng, phải có hình thức tác chiến đúng, nhất là trong điều kiện ban đầu so sánh lực lượng giữa ta và địch rất chênh lệch.

- Tư tưởng trận địa chiến đã dẫn đến nhiều trận thất bại. Đối với một quân đội nhỏ yếu, trang bị kém hơn địch, tư tưởng trận địa chiến là “một tư tưởng vô dụng, nguy hiểm”.

- Bài học những ngày đầu kháng chiến của Nam Bộ cho thấy, xây dựng lực lượng vũ trang phải theo đúng tư tưởng và đường lối chiến lược, chiến thuật của chiến tranh nhân dân mới bảo đảm thắng lợi trong chiến tranh.

- Trong chỉ đạo chiến tranh phải hiểu rõ âm mưu toàn cục của địch. Do thiếu quan điểm Đông Dương là một chiến trường ngay từ đầu nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện chung.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #107 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2013, 06:14:12 pm »

Về giai đoạn thứ hai (hồi đó gọi là giai đoạn cầm cự), tổ học tập tập trung thảo luận những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Giai đoạn hai bắt đầu sau chiến thắng Việt Bắc và hiện còn đang tiếp diễn. Chiến thắng Việt Bắc đánh dấu thất bại của địch trong chủ trương chiến lược “bắt đầu từ Nam - kết thúc ở Bắc”.

2. Năm 1948 là năm địch chuyển hướng mạnh về chiến lược (thế phòng ngự ngày càng rõ); còn ta thực hiện phương châm tiến mạnh sang giai đoạn mới. Năm 1949, địch phải cố gắng vượt bậc để đối phó với sự trưởng thành của ta trong khi ta chủ trương tích cực chuẩn bị tổng phản công. Trong năm 1949, ngày càng thấy rõ tình hình thế giới thuận lợi cho ta, bất lợi cho địch.

3. Mục đích của ta trong giai đoạn thứ hai là làm cho lực lượng của ta lớn mạnh dần lên, làm cho lực lượng của địch ngày càng suy yếu, làm cho tương quan lực lượng giữa ta và địch thay đổi có lợi cho ta, để tiến tới giai đoạn thứ ba. Để đạt mục đích ấy, ta đề ra phương châm du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ với chủ trương đại đội độc lập - tiểu đoàn tập trung, phát triển dân quân và kiện toàn bộ đội địa phương, xây dựng bộ đội chủ lực.

4. Giai đoạn thứ hai đang tiếp diễn nhưng đã thấy rõ hai kinh nghiệm thành công của ta là:

- Phát động chiến tranh du kích. Bài học quan trọng là ở chỗ: có chủ trương đúng nhưng phải có phương châm đúng và biện pháp cụ thể. Chủ trương “biến hậu phương địch thành tiền phương của ta” thành công là nhờ quyết tâm triển khai phương châm đại đội độc lập trên một phạm vi rộng và trong một thời gian ngắn.

- Quan niệm đúng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, thể hiện trong sự liên hệ giữa xây dựng bộ đội chủ lực với kiện toàn bộ đội địa phương và phát triển dân quân.

5. Hai kinh nghiệm và cũng là bài học không thành công trong giai đoạn hai là:

- Vận động chiến phát triển chậm. Nguyên nhân là chủ trương đúng nhưng phương châm tổ chức bộ đội, phương châm tác chiến chưa được nghiên cứu tỉ mỉ và quán triệt cụ thể cho bộ đội.

- Công tác vận động ngụy binh còn kém. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa đứng trên quan điểm chiến tranh nhân dân, chưa huy động được lực lượng nhân dân để triển khai công tác ngụy vận.

Thời gian tổ học tập dành cho việc nghiên cứu thảo luận giai đoạn chiến lược thứ ba dài bằng nửa tổng số thời gian học tập dự kiến, tức là một ngày rưỡi.

Một trong những nội dung thảo luận sôi nổi đầu tiên là tên gọi giai đoạn thứ ba: giai đoạn phản công hay giai đoạn tổng phản công. Ai cũng có lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Cuối cùng, dù có ý kiến bảo lưu nhưng số đông vẫn tán thành ý kiến viết trong dự thảo của Tổng Tư lệnh. Ông viết:

Chúng ta dùng danh từ với ý nghĩa nhìn suốt giai đoạn mà nói. “Tổng” là chỉ công cuộc phản công trong cả giai đoạn cho đến thắng lợi hoàn toàn. Tổng phản công không có nghĩa là cuộc phản công của ta sẽ tiến hành một lúc khắp các mặt trận…, lại càng không có nghĩa là tiến hành một lúc như Cách mạng Tháng Tám. Trái lại, vì nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, giai đoạn tổng phản công của ta có thể rất khó khăn, có thể kéo dài và sẽ tiến hành từng đợt, giải quyết từng chiến trường, cho đến khi kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của giặc, thắng lợi hoàn toàn của ta.

Mọi người dễ thống nhất về mục đích chiến lượcđiều kiện để chuyển sang giai đoạn thứ ba. Tuy nhiên, về chi tiết cũng không khỏi có những tranh luận. Ví dụ:

- Về mục đích tiêu diệt sinh lực địch. Đồng ý mục đích tiêu diệt là đúng về chiến lược mà nói, nhưng liệu có thể và có nhất thiết phải tiêu diệt toàn bộ lực lượng của địch mới kết thúc chiến tranh hay không?

- Về điều kiện ưu thế quân sự, thế nào là ưu thế quân sự? Có nhất thiết là phải có một binh lực mạnh tuyệt đối so với binh lực của Pháp mới là ưu thế quân sự để tổng phản công hay không?

- Về điều kiện viện trợ quốc tế, thế nào là chủ quan, ỷ lại. Anh em đồng tình với tài liệu: dựa vào sự giúp đỡ của nước ngoài là chủ quan, ỷ lại nhưng chối cãi sự quan trọng của viện trợ quốc tế lại là không đúng.

- Về những khó khăn của ta, anh em thảo luận nhiêu và cuối cùng nhất trí với bản dự thảo của Tổng Tư lệnh nói rằng phản động quốc tế có thể giúp Pháp tích cực hơn. Chúng ta cần đề phòng, không nên chủ quan. Vì sự can thiệp của Mỹ có thể tăng thêm sức mạnh cho quân đội Pháp. Do đó giai đoạn tổng phản công có thể kéo dài, thậm chí phải chia thành hai thời kỳ lớn: một thời kỳ giải quyết chiến trường miền Bắc và một thời kỳ giải quyết chiến trường miền Nam.

Về yếu tố lãnh đạo chỉ đạo, anh em trao đổi và phân tích cụ thể nội dung được viết trong bản dự thảo: chúng ta cần nhận thấy tầm quan trọng của sự chỉ đạo và sự cố gắng chủ quan. Sự chỉ đạo cần sáng suốt, sát thực tế, khai thác hết khả năng, mạnh bạo, kịp thời. Sự cố gắng cần phải vượt bực, không chỉ lúc mới chuyển sang tổng phản công mà suốt cả giai đoạn tổng phản công cho đến thắng lợi hoàn toàn…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #108 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2013, 06:14:34 pm »

Do tình hình khẩn trương và gần cuối năm công việc của từng bộ phận rất nhiều nên đợt học tập kết thúc sau ba ngày. Nguyễn Đình Chuẩn (Phòng Tác chiến) được phân công tổng họp ý kiến anh em và báo cáo Tổng Tư lệnh. Vì kết quả thảo luận không để lại nhiều ý kiến cần giải đáp ngay, nên anh Văn dặn sẽ gắn những ý kiến “bảo lưu” của anh em để nói chuyện trong một dịp thuận tiện sẽ bố trí sau. Anh còn dặn thêm: nên tranh thủ thời gian cuối năm để sớm mở rộng diện nghiên cứu tới những cán bộ thuộc bộ phận nghiệp vụ trực tiếp liên quan đến chỉ đạo của tham mưu.

Khoảng giữa tháng 9-1949, Phòng Tình báo nhận được tin tướng Cácpăngchiê (Michel Carpentier) sang thay Bledô (Henri Blaizot) làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Địch tổ chức ra Khu vực hành quân Bắc Kỳ (Zone opérationnelle du Tonkin - ZOT) do tướng Alétxăngđơri phụ trách. Rõ ràng Bắc Bộ đối với địch ngày càng trở thành chiến trường trọng yếu. Hành lang đông tây (nối Móng Cái - Tiên Yên - Đình Lập - An Châu - Lục Nam qua Bắc Bắc - Phủ Lỗ - Vĩnh Phúc - Việt Trì) xuống Hòa Bình) được củng cố. Địch muốn cắt chiến trường Bắc Bộ ra làm đôi. Những cuộc hành quân càn quét tiếp diễn ở đồng bằng sông Hồng. Càn quét đi đôi với lập chính quyền tay sai các cấp và bắt lính. Các cứ điểm được ken dày thêm dọc các đường giao thông lớn. Ở miền núi, kể cả ở Cao Bằng, địch rút thêm nhiều cứ điểm nhỏ, co về củng cố những vị trí lớn. Về binh lực, nhìn toàn cục, lực lượng cơ động chiến lược của địch không tăng, vẫn trên dưới 10% tổng quân số.

Tình hình bên Hoa Nam chuyển biến nhanh. Khoảng trung tuần tháng 8, Giải phóng quân Trung Quốc chỉ còn cách Quảng Châu chừng 100 kilômét. Theo phán đoán, sang tháng 9 hoặc chậm lắm là tháng 10, Giải phóng quân Trung Quốc sẽ tiến gần biên giới Việt - Trung. Ta không loại trừ khả năng tàn quân Tưởng có thể tràn vào đường số 4, từ Cao Bằng đến Tiên Yên.

Sau hai trận phục kích lớn trên các đoạn đường Bông Lau - Lũng Phầy và Bố Củng - Lũng Vài, một câu hỏi lớn vẫn chưa có lời đáp trong các phòng nghiệp vụ Bộ Tổng tham mưu: Địch có rút khỏi Cao Bằng không? Bởi vậy, trong nhận định và chủ trương tác chiến của Bộ cũng như trong việc chuẩn bị chiến trường của các đơn vị đều dự kiến hai khả năng: Một là nếu địch không rút khỏi Cao Bằng, ta mở chiến dịch đường số 4, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, hoặc địch rút khỏi Cao Bằng, Cao Bằng giải phóng, ta có điều kiện khai thông và mở rộng biên giới. Hai là nếu địch rút khỏi Cao Bằng và đánh thông đường số 1, thì các đơn vị phối hợp tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, ngăn chặn và làm chậm bước rút quân của chúng, buộc chúng phải bỏ lại vũ khí trang bị trên đường rút lui; tiếp đó, ta mở chiến dịch Đông Bắc, tiêu diệt sinh lực địch, bao vây, cô lập và buộc địch rút khỏi Lạng Sơn.

Trên hướng trung du, tin tức cho biết sau khi chiếm đóng Vĩnh Yên và Phúc Yên, nối liền đường Phúc Yên - Vĩnh Yên - Phủ Lỗ và đường Phúc Yên - Châu Phan, địch củng cố các vị trí trong hai thị xã Vĩnh Yên và Phúc Yên và những vị trí chính trên hai trục đường đó. Chúng ta thấy cần đề phòng địch có thể phối hợp thủy - lục - không quân, tiến công chiếm đóng tây nam Phú Thọ, nối Phú Thọ - Việt Trì - Vĩnh Yên. Đồng thời cũng cần đề phòng chúng tiến quân lên hướng Tuyên Quang. Bởi vậy, trong mệnh lệnh trung tuần tháng 9 gửi Trung đoàn sông Lô (209) Bộ quy định: nhiệm vụ chính của trung đoàn là tham gia chuẩn bị chiến dịch Lê Lợi (trên địa bàn Chợ Bờ - Hòa Bình), nhiệm vụ phụ là chuẩn bị đánh địch khu chúng lên Phú Thọ - Tuyên Quang.

Việc chuẩn bị mở chiến dịch Lê Lợi được đề ra từ đầu trung tuần tháng 9. Tiếp đó, trong mệnh lệnh đề ngày 13-9, gửi các bộ tư lệnh các liên khu 3, 10 và 4 và Ban Chỉ huy Trung đoàn 209, sau khi khái quát những diễn biến chính trên chiến trường Bắc Bộ, Bộ thống soái nhận định; Giải phóng quân Trung Quốc sẽ tiến vào địa giới Quảng Đông, Quảng Tây, quân địa phương đã nổi dậy chiếm Côn Minh. Trong khi đó, phản động quốc tế đang tìm cách câu kết để đối phó với tình hình ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Chủ trương mở chiến dịch Lê Lợi nhằm mở ra một cục diện mới, tạo điều kiện phối hợp với Giải phóng quân Trung Quốc. Chiến dịch Lê Lợi là chiến dịch có nhiều bộ đội chủ lực tham gia đông nhất từ tước đến nay. Chỉ huy chiến dịch là các đồng chí Hoàng Sâm, Lê Quang Hòa, Lê Trọng Tấn. Bộ Tư lệnh Liên khu 3 được giao nhiệm vụ triệu tập hội nghị thảo luận kế hoạch tác chiến. Bộ quy định đến cuối tháng 10, mọi công tác chuẩn bị phải xong.

Tiếp theo mệnh lệnh ngày 13-9 là những chỉ lệnh bổ sung của Bộ Tổng tham mưu về công tác phá hoại đường 5, về phối hợp của các liên khu 10, 3, 4 trong quá trình đánh địch.

Chừng hai tuần trước khi mở màn chiến dịch Lê Lợi, cùng với nhận định “tình hình Giải phóng quân Trung Quốc đã đến Quảng Đông - Quảng Tây và trong một thời gian sẽ tiến sát biên giới Trung - Việt”, ngày 10-11-1949 Tổng Quân ủy ra một chỉ thị quan trọng về tình hình và nhiệm vụ trên toàn chiến trường Biên giới, từ Tây Bắc đến Đông Bắc. Sau khi nêu lên phương hướng “ứng xử” với quân Pháp, với bọn thổ ty, bản chỉ thị nhấn mạnh những công việc cần kíp: Ráo riết củng cố biên giới; chuẩn bị kế hoạch đối phó với tàn quân Quốc dân Đảng (nếu chúng vượt qua biên giới vào đất ta), chuẩn bị phối hợp với Giải phóng quân Trung Quốc, chuẩn bị chiến trường để chủ lực lên tác chiến.

Chiến dịch Lê Lợi mở màn chậm chừng ba tuần so với kế hoạch. Trên hướng đường số 6, ta tiêu diệt hai vị trí Đồn Bến và Đầm Huống nhưng không thành công trong việc tiêu diệt vị trí Mát. Trên hướng sông Đà, ta tiêu diệt hai vị trí Mỏ Hẻm, Suối Rút, bao vây Chợ Bờ và đánh địch tăng viện cho Chợ Bờ. Trên hướng đường 12, do hoạt động muộn hơn nên mất yếu tố bất ngờ. Sau khi hai vị trí Tử Nê và Đồi Bóng bị tiêu diệt, địch rút bỏ nhiều vị trí nhỏ, co về giữ các vị trí lớn và xung yếu.

Ngày 27-12, nhận thấy bộ đội đã mệt mỏi sau một thời gian tác chiến, Bộ quyết định kết thúc chiến dịch Lê Lợi và ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Liên khu 3 và Ban Chỉ huy Trung đoàn 209 tiếp tục chuẩn bị chiến trường trên hướng Hòa Bình, tạo điều kiện hoạt động vào trung tuần tháng 1-1950.

Trước tình hình chiến dịch Lê Lợi không đạt kết quả mong đợi, Phòng Tác chiến được Tổng Tham mưu trưởng giao nhiệm vụ nghiên cứu và kết luận về bài học rút ra từ chiến dịch này: chọn hướng chiến dịch, lực lượng huy động, phối hợp về thời gian và lực lượng giữa các hướng để tạo nên sự uy hiếp chung, hạn chế khả năng địch tập trung đối phó.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #109 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2013, 06:15:05 pm »

VII

Trong những ngày trung tuần tháng 2, giáp Tết Canh Dần, Tổng Tham mưu trưởng triệu tập cuộc họp các cán bộ đầu ngày để kiểm điểm công tác năm 1949 và bàn kế hoạch năm 1950 nhằm triển khai chủ trương chiến lược mới.

Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng vừa họp từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2-1950 và đề ra chủ trương hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công. Chính phủ cũng đã ra sắc lệnh tổng động viên. Bộ máy kháng chiến các cấp tăng nhịp độ hoạt động theo khẩu hiệu được đề ra trong hội nghị toàn quốc là “Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để chiến thắng”.

Trong cuộc họp cán bộ đầu năm 1950 này, Tổng Tham mưu trưởng và anh em đều thấy: để tiếp tục thế mới, lực mới, chuẩn bị đối thời cơ, tiến tới tổng phản công chiến lược, theo tinh thần nghị quyết hội nghị toàn quốc, còn quá nhiều việc phải khẩn trương triển khai ngay từ đầu năm.

Mở đầu cuộc họp, anh Thái cùng các cán bộ phụ trách Phòng rà soát lại hoạt động của địch trên từng chiến trường trong năm qua để thống nhất đánh giá làm cơ sở phán đoán âm mưu chiến lược sắp tới của địch.

Trên chiến trường thượng du với trung du miền Bắc, địch đã củng cố biên giới và vùng Đông Bắc; mở rộng phạm vi chiếm đóng lên trung du; câu kết với Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch, tổ chức cho chúng rút lui vào biên giới và thu dung được một số tàn quân Tưởng để khuếch trương quân số. Nhưng địch đã buộc phải rút lui khỏi Bắc Kạn và nhiều địa bàn quanh các thị xã Cao Bằng, Hòa Bình, Yên Bái. Cần khẳng định rằng việc rút lui khỏi Bắc Kạn là một thất bại lớn của địch. Nó nói lên sự phá sản về chiến lược chiếm đóng của địch nhằm tạo thế uy hiếp trung tâm căn cứ địa Việt Bắc.

Trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, địch chủ trương mở rộng phạm vi chiếm đóng, củng cố hành lang đông tây, củng cố khu chữ nhật lệch (Hà Nội - Lạng Sơn - Mỏng Cái - Hải Phòng); ra sức vơ vét sức người sức của của ta, nhất là lợi dụng đồng bào Công giáo (từ sau cuộc hành binh Anthractie - 10-1949). Mâu thuẫn không tránh khỏi của địch trong vùng đồng bằng sông Hồng là càng mở rộng chiếm đóng thì càng gặp khó khăn trong việc xây dựng khối lực lượng cơ động.

Trên chiến trường Bình - Trị - Thiên, địch buộc phải rút khỏi nhiều vị trí nhưng chúng vẫn cố gắng củng cố vùng tạm chiếm, giữ vững đường liên lạc Đà Nẵng - Huế - Lào.

Tại Nam Trung Bộ, địch càn quét vùng tự do của ta và thực hiện được một phần quan trọng kế hoạch củng cố Tây Nguyên và vùng cực nam. Nhưng do khủng hoảng binh lực, chúng buộc phải thu hẹp phạm vi chiếm đóng ở Quảng Nam, Bình Thuận.

Trên chiến trường Nam Bộ, địch tiếp tục củng cố vùng tạm chiếm bằng kế hoạch Đờla Tua, nhất là vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, vùng gạo, vùng cao su và các đường giao thông lớn; đánh phá thu hẹp căn cứ Đồng Tháp Mười và mở nhiều cuộc càn quét vào các khu du kích của ta, đặc biệt là ở miền Đông; ra sức cắt đường giao thông liên lạc của ta giữa các khu và tăng cường phong tỏa biên giới Campuchia - Việt Nam; ra sức nắm khối ngụy binh Cao Đài, Hòa Hảo và tích cực phát triển ngụy binh người Khmer và Công giáo.

Trên chiến trường Lào và Campuchia, về cơ bản, tình hình địch ít biến chuyển. Địch chưa vượt ra khỏi mấy khó khăn lớn: binh lực thiếu, đa số là quân ngụy, bố trí sơ hở. Riêng tại Lào, địch còn gặp thêm khó khăn về tiếp tế.

Cuộc họp chuyển sang thảo luận về âm mưu mới của địch. Trong năm mới, chúng sẽ làm gì?

Pháp đã chính thức yêu cầu Mỹ viện trợ, khả năng chuyến vũ khí đầu tiên sẽ đến Việt Nam vào mùa hè này. Điều đáng chú ý là, từ khi Bảo Đại về nước và từ khi tướng Rơve đề nghị đặt vấn đề chiến tranh Đông Dương vào khuôn khổ chiến lược Hoa Kỳ thì mâu thuẫn giữa Pháp và Bảo Đại, giữa Pháp và Mỹ, giữa hai loại tay sai của Pháp và của Mỹ, đã sớm nảy sinh. Nhất định các loại mâu thuẫn đó sẽ tác động lẫn nhau và ngày càng sâu sắc.

Về quân sự, địch sẽ cố gắng bắt lính nhằm phát triển binh lực, nhưng do phạm vi chiếm đóng mở rộng nên lực lượng cơ động chiến lược sẽ chỉ dừng lại trong phạm vi 10% tổng quân số. Thành phần quân ngụy (hiện xấp xỉ 50% tổng số binh lực của địch) sẽ tiếp tục tăng lên hơn nữa. Chiến trường Bắc Bộ vẫn là chiến trường chủ yếu của địch. Mọi nỗ lực của địch sẽ dồn vào kế hoạch mở rộng phạm vi chiếm đóng vùng đồng bằng sông Hồng, nối Hà Nội - Nam Định, chiếm Ninh Bình, chia cắt chiến trường Liên khu 3 và Liên khu 4 của ta. Chúng sẽ củng cố vùng tạm chiếm ở trung châu Bắc Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ (mà trọng tâm là vùng Khu 7), củng cố các đô thị, các đường giao thông quan trọng. Riêng đối với miền Nam Đông Dương, địch sẽ tăng cường đánh phá vùng tự do Liên khu 5, tăng cường chính sách chia rẽ dân tộc, nhất là ở Lào và Campuchia; sẽ tăng cường phong tỏa biên giới Campuchia - Nam Bộ.

Một vấn đề cũ lại được đặt ra để thảo luận: Địch có rút ngắn phòng tuyên biên giới Đông Bắc hay không? Còn có một vài ý kiến về khả năng địch rút khỏi Cao Bằng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng địch sẽ củng cố thế phòng thủ trên đường số 4. Giải phóng quân Trung Quốc sẽ dừng lại bên kia biên giới, do đó sức ép của họ không còn là mối lo đối với Bộ Chỉ huy Pháp như hồi cuối năm 1949.

Sau khi thảo luận và đi đến nhất trí nhận định và phán đoán về ý đồ chiến lược sắp tới của địch, Tổng Tham mưu trưởng phổ biến chủ trương chiến lược chung và trên từng chiến trường. Như anh Thái nói, mọi cán bộ đầu ngành nghiệp vụ phải nhớ và quán triệt vào nhiệm vụ cơ bản của mình trong năm 1950 này, năm được coi là chuyển mạnh sang tổng phản công.

Tổng Tham mưu trưởng nhắc lại những nhiệm vụ chiến lược có liên quan trực tiếp đến chức năng chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan tham mưu chiến lược.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM