Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:02:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng tham mưu những năm chiến đấu trong vòng vây  (Đọc 68702 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2012, 08:56:05 am »

Sau này, mọi người mới biết, chính vào những ngày nóng bỏng đó tại làng Vạn Phúc gần thị xã Hà Đông, Thường vụ Trung ương đã họp và hạ quyết tâm là: phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Đường lối kháng chiến thế nào, phương châm kháng chiến ra sao, những ngày đó mấy ai trong cơ quan tham mưu đã được nghe phổ biến và quán triệt. Chỉ mãi đến sau khi được nghe Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nghiên cứu Chỉ thị toàn dân kháng chiến của Thường vụ Trung ương và thông qua những hoạt động thực tiễn trong cơ quan tham mưu chiến lược, nhiều vấn đề về chủ trương, đường lối mới dần dần được sáng ra đối với từng người. Tuy nhiên, có một văn kiện lịch sử mà hồi cuối năm 1946 cũng như suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, anh em cán bộ Bộ Tổng tham mưu không được biết. Chỉ sau ngày hòa bình lập lại, đọc các tài liệu lịch sử Đảng hoặc tham quan Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, mọi người mới được biết bút tích của Bác Hồ viết chừng nửa tháng sau khi Người trở về nước sau chuyến đi thăm nước Pháp và đàm phán với giới cầm quyền ở Pari. Văn kiện mang một cái tên mộc mạc: Công việc khẩn cấp bây giờ. Thì ra, sau thất bại của Hội nghị Phôngtenơblô, với việc ký bản Tạm ước 14-9, Người đã thấy chiến tranh trước sau cũng nổ ra. Ngày 5-11-1946, chỉ bằng mấy dòng ngắn gọn, Bác đã chỉ rõ kẻ thù xâm lược ngoan cố như thế nào, cuộc kháng chiến sẽ rất gay go cực khổ, nhưng thế ta đã vững hơn trước và ngày càng vững hơn, lực ta đã đông hơn trước và ngày càng đông hơn và kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi. Bác đã chỉ ra những việc cần làm để đi đến thắng lợi đó: Ta phải có và phải làm cho dân ta có tín tâm và quyết tâm. Phải phá hoại để ngăn địch, kiến thiết để đánh địch. Phải tổ chức du kích khắp nơi, tăng gia sản xuất khắp nơi và cuối cùng là một hình ảnh nói lên triển vọng tươi sáng của cuộc kháng chiến được Bác phác ra vô cùng rõ nét: Cố rán sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo thì sẽ gặp được mùa xuân.

Vào những năm sau này, trong cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm ngày thành lập cơ quan Bộ Tổng tham mưu, đọc lại cho nhau nghe, nhớ lại và suy nghĩ, anh em cán bộ tham mưu càng thấm thía rằng lời tiên đoán kỳ diệu của lãnh tụ đã được thực tế lịch sử chứng minh qua hai mùa xuân đại thắng: Xuân 1954 với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng nửa nước, rồi 21 năm sau: Xuân 1975, với chiến dịch mang tên Người, Xuân thắng lợi trọn vẹn.

Đó là những gì diễn ra mấy chục năm sau. Còn giờ đây, vào cái ngày 19-12 đáng ghi nhớ này, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra trong cơ quan tham mưu chiến lược ở ấp Thái Hà.

Sáng hôm đó, hai nhân viên mật mã Lương Dân và Hoàng Văn Đôn được lệnh mang hết tài liệu và đồ đạc cá nhân đến một phòng nhỏ (cùng ở trong khu ấp Thái Hà) sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Hai người ăn nghỉ tại chỗ. Bên ngoài cửa, có hai chiến sĩ bảo vệ. Vào khoảng 8 giờ, đồng chí Hồ Tôn Vinh (mà sau này anh em thường gọi đùa là “chính ủy” của Phòng Mật mã) đến trao cho hai người một bức điện, có chữ Tổng Tham mưu trưởng ghi bên lề bên trái “Cần gửi đi ngay”. Bức điện được mã địch với tốc độ nhanh nhất và chuyển ngay đến đài thông tin vô tuyến ở gần đấy.

Mãi sau này, lục trong tập hồ sơ lưu trữ của Cục Cơ yếu, mới biết nội dung bức điện như sau:

“Gửi các mặt trận và các khu,

Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ và công an ta. Chính phủ đã bác bức tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: “Tất cả hãy sẵn sàng”.


Ngày 19-12-1946
                                                                                                                   
Ban Thường vụ Trung ương”

Tiếp sau đó, bức điện thứ hai, chỉ gửi cho các khu 1, 2, 3, 4, 11 và Đà Nẵng, mà nội dung sau này mới được tiết lộ:

“Chuyến hàng sẽ đến lúc 18 giờ ngày 21-12-1946. Hàng mang mã hiệu A+2 và B-2. Chú ý theo dõi đón hàng đúng giờ”.

Bức điện không có người ký tên. Mọi điều quy ước đã được thống nhất giữa Tổng Tham mưu trưởng với chỉ huy trưởng các chiến khu trong cuộc họp ngày 13 vừa qua. Theo quy ước đó thì A là giờ, B là ngày. A+2 tức là 18 giờ + 2 = 20 giờ. B-2 tức là ngày 21 - 2 tức là ngày 19. Như vậy, theo bức điện, lệnh nổ súng vào 20 giờ ngày 19-12-1946. Giờ đó, ngày đó đã đi vào lịch sử của dân tộc, đánh dấu bước ngoặt từ tạm thời hoài hoãn chuyển sang kháng chiến lâu dài.

Xong nhiệm vụ dịch và chuyển điện, hai bộ phận mật mã và thông tin ở nguyên tại chỗ. Người và phương tiện chỉ lên đường hành quân rời ấp Thái Hà đến một làng cạnh đê Mai Lĩnh đêm hôm đó khi có pháo lệnh phát đi từ pháo đài Láng, mở màn cuộc kháng chiến toàn quốc.

Cũng đêm đó, một đêm thứ năm, cuối tháng 11 âm lịch, trời không trăng sao, tối và rét, toàn cơ quan tham mưu rời khu Gò Đống Đa lên đường kháng chiến. Trừ một số anh em theo xe cùng với tài liệu, thuốc men, quân trang, tất cả hành quân bộ về phía tây nam thị xã Hà Đông. Đây là chặng đường đầu tiên lên căn cứ địa Việt Bắc, cũng là chặng đường đầu tiên của 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2012, 06:24:14 am »

CHƯƠNG IV

NHỮNG BÀI HỌC VỠ LÒNG

I

Chiếc xe của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng chạy đến đầu dốc phía nam cầu Mai Lĩnh thì dừng lại. Nơi dừng xe là điểm hẹn cuối cùng nhận báo cáo về tình hình hành quân của cơ quan đêm nay. Qua báo cáo của đội công tác(1) gặp dọc đường từ Ngã Tư Sở về Hà Đông, anh Thái đã nắm được tình hình các phòng, ban đang di chuyển về hướng tây nam thị xã.

Nghe báo cáo của đội công tác xong, anh Thái trao đổi ý kiến với chị Hán, cán bộ phụ vận của tỉnh Hà Đông, để tim hiểu thêm về địa điểm trú quân. Sau đó, anh lên xe, tựa lưng vào đệm, nhắm mắt lại. Các đồng chí lái xe và thư ký cùng đi biết rằng Tổng Tham mưu trưởng cần chợp mắt ít phút sau một ngày làm việc căng thẳng, không nghỉ. Cũng có thể anh đang suy nghĩ về công việc của cơ quan trong điều kiện cuộc kháng chiến vừa mới bắt đầu.

Nhưng chỉ mấy phút sau, anh mở cửa bước ra khỏi xe, hướng về phía Hà Nội, nhìn những chớp lửa vừa lóe lên, kèm theo những tiếng tiếng nổ vang không ngớt. Đây chính là thời điểm chờ đợi của Tổng Tham mưu trưởng. Nhưng thật khó mà phân biệt pháo địch hay pháo ta, cũng khó mà phân biết pháo từ Xuân Canh, Xuân Tảo hay từ Láng, Thủ Khôi bắn vào trong thành. Từ cuối tháng 11, bốn “pháo đài” đã được tổ chức thống nhất thành một đại đội, dưới quyền chỉ huy của Đại đội trưởng Phạm Văn Đôn.

Mấy ngày trước đây, đến kiểm tra tình hình chuẩn bị chiến đấu của bộ đội pháo binh trẻ tuổi, Tổng Tham mưu trưởng đã được nghe anh em pháo thủ ở mấy “pháo đài” suy tôn Láng là “pháo đài anh cả”. Chẳng là, bốn khẩu pháo cao xạ 75 ly ở đây đã được dồn lắp lại thành hai khẩu pháo hoàn chỉnh, có máy đo độ cao, máy tính cự ly và phát hỏa bằng pin. Cái khó không bó cái khôn. Dưới bàn tay của các thợ pháo Việt Nam trẻ tuổi, mấy khẩu “pháo trời” của Pháp trước đây đã trở thành “pháo đất” để bắn vào các mục tiêu trong thành. Anh em tin tưởng vào vai trò của “pháo đài anh cả”, nhất là sau khi được biết Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp vừa đến thăm và kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của trận địa pháo ở Láng.

Hôm đó, 5 ngày trước kháng chiến toàn quốc, là một ngày rét đậm. Đồng chí Tổng Chỉ huy ra tận trận địa, xem xét từng khẩu pháo, từng lô đạn, kiểm tra cả nơi ăn ở của đơn vị, hỏi các chiến sĩ ai đã có, ai chưa có áo trấn thủ, rồi đồng chí căn dặn: Các đồng chí cần cố gắng nghiên cứu, sáng tạo nhiều hơn nữa. Khi cần thiết, phải hạ thấp nòng pháo, bắn thẳng vào quân địch…

Giờ đây, chính hai khẩu pháo của “pháo đài anh cả” đang cùng các trận địa pháo bạn nã từng quả trái pháo vào vị trí quân Pháp trong thành phố Hà Nội.

Chiếc xe con quay đầu, đưa đồng chí Tổng tham mưu trưởng trở lại thị xã Hà Đông. Dọc đường, dưới trời mưa phùn và rét, từng đoàn người tản cư từ Thủ đô, từ thị xã Hà Đông ra, kéo nhau về hướng nam, hướng Ba La - Bông Đỏ. Hầu hết là đi bộ, người gánh, người đội, người đẩy xe thồ, người đi xe gác. Nhiều bà mẹ gánh một bên là mấy túi quần áo, cái chăn chiên cuộn tròn, đầu đòn bên kia là cái thúng, một em nhỏ ngồi lọt thỏm bên trong, dưới cái chiếu gập bốn khum làm mái che mưa. Mấy đứa lớn hơn, chạy gần theo bước chân mẹ. Phía sau lưng họ, không ngớt tiếng nổ và ánh chớp đạn pháo.

Chiếc xe của Tổng Tham mưu trưởng dừng trước Sở Địa chính ở trung tâm thị xã Hà Đông. Gặp anh Bùi Công Trừng ở cổng, anh Thái được biết các thành viên của Chính phủ vừa được nghe phổ biến Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những điều căn dặn của Người.

Tổng Tham mưu trưởng đến chỗ đặt máy điện thoại thường trực của Bộ Tổng tham mưu gọi đến Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội. Anh nghe ràng rọt tiếng anh Vương Thừa Vũ ở đầy dây đằng kia. Từ Sở Chỉ huy mặt trận đặt gần sân bay Bạch Mai, anh Vũ báo cáo tóm tắt tình hình những giờ phút chiến đấu đầu tiên.

- Pháo bắn có chính xác không? Tổng Tham mưu trưởng hỏi.

- Báo cáo anh, khá chính xác. Lúc đầu, có một vài trái phá rơi lạc ra Cửa Đông và Cửa Bắc. Ngay sau đó, đạn đã được hiệu chỉnh lại. Anh Trân đang đến thăm và động viên chiến sĩ ở pháo đài Láng…

Về tình hình chiến đấu trong mấy giờ đầu tiên, anh Vũ cho biết chiến thuật “cài then cửa” đã phát huy hiệu lực, trước hết là ở phố Hàng Đậu. Mấy hôm chuẩn bị kế hoạch tác chiến, ta đã dự kiến đúng: khi chiến sự nổ ra ở Thủ đô, thế nào địch cũng tung một lực lượng lớn ra chiếm phố này để làm chỗ đứng chân, kiểm soát cầu Long Biên. Đội tự vệ Hàng Đậu đã đã bí mật chuẩn bị sẵn một số xe bò, chất đầy gỗ, sắt gỉ, bao cát giấu ở các phố ngang, ngõ hẻm. Vừa có lệnh chiến đấu, tự vệ đã đẩy các “xe chướng ngại vật” đồng thời hạ cây và cột đèn ngổn ngang trên mặt đường, rồi bố trí những tay súng phục sẵn trong các căn nhà gần đó. Một đoàn xe địch từ trong thành, qua Cửa Bắc, định tiến ra hướng cầu Long Biên, đã buộc phải dừng lại trước “cái cửa đã cài then”. Hai chiếc xe tăng đi đầu bắn phá dọn đường, rồi cố bò lách đến giữa phố. Một trái mìn nổ, hai chiếc xe tăng chết dí, trở thành hai ụ sắt - hai cái vật cản bổ sung cho chiếc “then cài” thêm chắc. Từ những xe sau, bọn lính mũ đỏ nhảy xuống. Giờ phút chờ đợi đã đến. Từ các vị trí ẩn nấp, các chiến sĩ tự vệ bất thình lình lao ra. Trận đánh diễn ra trong vòng ba phút. Cuối cùng, địch phải rút chạy vào trong thành…


(1) Đội công tác là tên gọi một tổ chức lâm thời, gồm những người tin cậy, tháo vát, có kinh nghiệm giao tiếp với chính quyền và đoàn thể các địa phương, biết làm công tác vận động quần chúng, được cử đi làm tiền tạm, chuẩn bị nơi dừng chân cho cơ quan sau từng chặng đường hành quân trong quá trình di chuyển từ Hà Nội lên Việt Bắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2012, 06:25:50 am »

Anh Vũ cho biết thêm, Bộ Chỉ huy vừa trao đổi ý kiến, nhất trí nhận định: Ta đã giành được chủ động, bất ngờ tiến công địch. Qua mấy giờ chiến đấu đầu tiên, các anh dự kiến có thể thực hiện được ý định và quyết tâm của trên, tiêu hao và kìm chân địch trong thành phố một thời gian.

Tổng Tham mưu trưởng thống nhất với Chỉ huy trưởng mặt trận: cứ hai giờ báo cáo một lần về tổng đài thường trực của Bộ ở thị xã Hà Đông. Đêm nay, anh Thái sẽ cùng một số cán bộ tham mưu túc trực ở đây để nắm tình hình chiến sự ở Thủ đô. Trước khi đặt máy, anh báo cho anh Vũ biết: sáng mai anh Văn sẽ ra cùng Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội đi thăm bộ đội, thị sát chiến trường.

Mờ sáng 20-12, chiếc xe đưa Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp, phái viên Trung ương Trần Quốc Hoàn và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đến Sở Chỉ huy thì anh Vương Thừa Vũ đã chờ sẵn. Khu trưởng cũng vừa qua một đêm hầu như thức trắng. Anh muốn báo cáo tình hình chiến đấu đêm qua, nhưng Tổng chỉ huy cho biết cả anh và anh Hoàn đã được nghe anh Thái báo cáo đầu đủ. Các anh muốn đến thăm bộ đội ngay. Ngồi trên xe sẽ báo cáo thêm.

Xe đưa các anh trở lại Ngã Tư Sở rồi lên hướng Khâm Thiên. Một xe khác đưa Tổng Tham mưu trưởng lên hướng pháo đài Láng.

Sau khi thăm hỏi và kiểm tra tình hình chuẩn bị chiến đấu của mấy đơn vị dọc đường Khâm Thiên, đến quan sát vị trí địch ở khu Nhà dầu Sen, anh Văn cùng anh Hoàn, anh Vũ quay về thăm đơn vị bộ đội đang chuẩn bị chiến đấu ở phố Hàng Bột. Không khí lạc quan tin tưởng của các chiến sĩ trẻ biểu thị quyết tâm chiến đấu khiến các anh yên tâm.

Mãi gần trưa, các anh mới trở về đến Sở Chỉ huy mặt trận.

Trao đổi ý kiến với anh Nguyễn Văn Trân và anh Trần Độ về tình hình chiến đấu ở các khu vực khác trong thành phố, các anh tỏ ra hài lòng về tình hình bộ đội và tự vệ, hài lòng về hiệu suất chiến đấu trong ngày đầu tiên. Ta đã chọn được cách đánh linh hoạt, phù hợp với thế bố trí xen kẽ trong lòng Thủ đô, phù hợp với lực lượng so sánh, buộc địch phải đối phó một cách bị động. Các anh dự kiến quân ta còn có thể kéo dài trận chiến đấu bên ngoài một vài ngày, trước khi chủ động rút vào Liên khu 1.

Mãi sau này, chúng ta mới có điều kiện đọc những lời thú nhận của tướng lĩnh Pháp về cảnh bị động đối phó trước đòn tiến công bất ngờ và đồng loạt của quân ta đêm 19-12-1946. Hai mươi lăm năm sau, trong tập Hồi ký xuất bản năm 1971, tướng Pháp Raun Salăng (Raoul Salan) còn nhắc lại tình hình quân Pháp đã trải qua “một nỗi kinh hoàng bao trùm toàn thành phố” đêm đó, khi mà “việc chi viện của cơ giới và thiết giáp trở nên khó khăn” không thể ứng cứu kịp thời cho quân Pháp ở những nơi cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra, khiến cho mỗi vị trí, mỗi đơn vị, mỗi căn nhà đều bị cô lập trong nhiều giờ, không có sự chỉ huy của cấp trên. Điều đó giải thích vì sao, mới chỉ qua một đêm chiến đấu, sáng ngày 20, tại đại bản doanh ở Sài Gòn, Tổng Chỉ huy Pháp Valuy đã phải tung ra một bản nhật lệnh, kêu gọi quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương hãy “cùng nhau nghiến răng chịu đựng trước cuộc xung đột đang diễn ra ác liệt”.

Tổng Tham mưu trưởng đến pháo đài Láng thì trời đã sáng hẳn. Sau khi báo cáo tình hình chiến đấu đêm qua, Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia nói với anh Thái:

- Báo cáo anh, thật quý giá vô cùng tấm bản đồ 1/25.000 mà Bộ đã kịp thời gửi cho chúng tôi. Nếu không có nó thì… Tổng Tham mưu trưởng nói ngay:

- Đó là nhờ tinh thần làm việc của anh em đồ bản trên Cục Giao thông công binh, lại nhờ sáng kiến của bác Hoàng Đạo Thúy. Được tin anh em pháo binh không có bản đồ, các anh ấy sục đi tìm, chỉ được một bản “nguyên đồ” thành Hà Nội. Có người nghĩ rằng muốn vẽ và in lại, phải mất mấy tháng. Bác Thúy cho cắt ra làm 16 mảnh, chia cho mỗi người sao lại một mảnh, hẹn ngày giờ phải xong. Anh em làm không nghỉ, cuối cùng khớp lại rồi cho in ngay mới kịp gửi cho các đồng chí. Bộ phận đồ bản đã góp công đầu vào thành tích chiến đấu của pháo binh đêm qua.

Sau khi kiểm tra tình hình các khẩu đội, Tổng Tham mưu trưởng căn dặn Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia và các pháo thủ:

- Đêm đầu tiên, địch bị bất ngờ đến đối phó chệch choạc. Nhưng những ngày sắp tới, nhất định chúng sẽ bắn phá dữ dội. Cuộc chiến đấu sẽ gay go, ác liệt. Để thực hiện được chủ trương của trên giam chân địch dài ngày trong thành phố, các đồng chí phải tích cực đề phòng, phải giữ được người, bảo vệ được pháo, để đánh lâu dài, đánh tốt.

Anh Thái chỉ ra những việc cần làm ngay, như ngụy trang trận địa pháo, đào thêm công sự. Anh hướng dẫn anh em làm trận địa giả, bện bù nhìn rơm để nghi binh, lừa địch…

Tổng Tham mưu trưởng trở về khu vực đứng chân của cơ quan tham mưu ở bên kia cầu Mai Lĩnh thì trời đã gần tối. Những bộ phận cuối cùng của cơ quan cũng đã từ Đại Mỗ, Tây Mỗ di chuyển đến địa bàn huyện Chương Mỹ. Nghe xong báo cáo về tình hình di chuyển cơ quan đêm qua, anh nói với đội công tác và anh Vũ Văn Hà, phụ trách công tác chính trị:

- Các bộ phận không nên phân tán quá xa nhau, nhất là các phòng, ban có liên quan đến việc chỉ đạo, chỉ huy. Ví dụ bộ phận mật mã quá xa nơi ăn ở của Tổng Tham mưu trưởng là chuyện bất tiện, nhất là khi cơ quan đang quá trình di chuyển, mạng điện thoại nội bộ cũng không đủ dây để triển khai. Hai là vấn đề giữ bí mật. Đồng bào vừa cảnh giác, vừa có lý khi đặt vấn đề nghi vấn là bộ đội gì lại không có súng mà anh nào anh nấy đều trắng trẻo như thư sinh cả? Anh Hà cần bàn thêm với đội công tác và trao đổi thêm với các đồng chí địa phương về bảo đảm bí mật. Như đồng chí nào đó công nhận một cách dễ dàng mình là người “phóng văn lình”(1), cũng tức là tự nhận ràng mình thuộc cơ quan chỉ huy cấp này cấp kia rồi đấy…

Trước khi chia tay, anh Thái nói riêng với anh Hà: Cơ quan sẽ dừng lại ở vùng Chúc Sơn ít ngày, rồi sẽ lên đường, có thể trước Tết. Mọi việc chuẩn bị nơi ăn ở và làm việc hiện nay cũng như ở địa điểm sắp tới cần tiến hành chu đáo, tránh tạm bợ. Cần bàn với anh Trang, quản lý, bảo đảm cho anh em vừa làm việc vừa ăn cái Tết kháng chiến đầu tiên được an toàn, vui vẻ. Với rất nhiều anh em, đây là cái Tết đầu tiên xa nhà. Mặt khác, cần chú ý làm tốt công tác dân vận, vừa đảm bảo bí mật cơ quan, vừa xây dựng tốt mối quan hệ quân dân đoàn kết…


(1) Lính văn phòng (nói lái).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2012, 06:28:04 am »

II

Cuộc hội ý giữa tổng Tham mưu trưởng với các trưởng phòng tối 20-12 là cuộc họp đầu tiên của cơ quan tham mưu, một ngày sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Anh Thái thông báo tình hình đã nắm được về cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô. Ngay từ đầu, các đơn vị chiến đấu tốt. Liên lạc bảo đảm giữa các đơn vị trong nội thành, chủ yếu là liên lạc chạy bộ. Các cháu thiếu niên quen thuộc đường ngang ngõ tắt trong thành phố đã đóng vai trò quan trọng trong việc này. Ta dự kiến kéo dài cuộc chiến đấu ở bên ngoài một số ngày, sau đó sẽ đưa lực lượng vào Liên khu 1 theo kế hoạch đã định để thu hút binh lực địch, thực hiện trong đánh ngoài vây, kìm chân quân địch dài ngày trong thành phố. Qua điện thoại, Tiểu đoàn trưởng 101 đã nhận được chỉ thị bổ sung cần thiết cả về tác chiến và xây dựng lực lượng chiến đấu và bảo toàn lực lượng, bảo vệ nhân dân, tiết kiệm đạn dược, sẵn sàng đưa đơn vị vào chiến đấu trong Liên khu 1 khi có lệnh. Phòng Tình báo cần kiểm tra lại việc nắm địch của các cơ sở cài lại trong thành phố, đề phòng đứt mối tin tức. Phòng Tác chiến cần thông báo kịp thời tình hình ở các thành phố khác cũng như trên các chiến trường toàn quốc, chuyển đạt lệnh của Bộ đôn đốc các nơi đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Hà Nội, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, không cho chúng tiếp viện cho Hà Nội. Phòng Nhân sự và Phòng Tác chiến cần dự kiến đề đạt thêm lực lượng bổ sung để tăng cường sức ép, phối hợp với Tiểu đoàn Liên khu 1, thực hiện trong ngoài cùng đánh.

Trả lời Tổng Tham mưu trưởng về trận tập kích sân bay Gia Lâm do Ban Tình báo Gia Lâm chuẩn bị, anh Bùi Huy Bê cho biết: Phòng 2 chưa nhận được tin tức nhưng trận đánh đã không diễn ra đêm qua, chưa rõ lý do vì sao(1). Theo chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng, cùng với việc ổn định nơi ăn ở và làm việc tại Chúc Sơn, các phòng nhanh chóng tập trung vào theo dõi tình hình chiến sự trong cả nước, đã nắm được diễn biến trên các chiến trường, trước hết là mặt trận Hà Nội.

Sau năm ngày chiến đấu, các đồng chí Nguyễn Văn Trân, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Khu 11, Vương Thừa Vũ, Khu trưởng và Trần Độ, Chính trị viên mặt trận Hà Nội, được triệu tập về Vạn Phúc để báo cáo và nhận chỉ thị mới. Cùng dự họp, còn có đồng chí Đỗ Đức Kiên mới được điều về tăng cường cho mặt trận Hà Nội.

Sau khi báo cáo tình hình chiến đấu của quân, dân Thủ đô mấy ngày qua, trong đó nổi lên là các trận đánh ở Bắc Bộ phủ, trên đường Ngọc Hà, trên dọc đê Thanh Nhàn, đồng chí Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ nói:

- Trải qua mấy ngày chiến đấu đầu tiên, chúng ta đã thực hiện tốt yêu cầu kìm chân địch trong thành phố. Đến đêm 23, chúng ta đã hoàn thành thế trận mà chúng tôi gọi là “trùng độc chiến”. Các lực lượng thuộc Liên khu 1 cụm lại trong trung tâm thành phố, nằm gọn trong lòng địch để thu hút và tiêu hao lực lượng của chúng. Lực lượng các Liên khu 2 và 3 đã nới dần ra các cửa ô, tiến công và ngăn chặn địch không cho chúng nhanh chóng đánh rộng ra. Phía Hàng Bột, Khâm Thiên, đê Đại La là Tiểu đoàn 523; phía Cầu Dền, Thanh Nhàn là Tiểu đoàn 77; phía Đông Mác, Vĩnh Tuy là Tiểu đoàn 56 (mới được bổ sung); phía Kim Mã, Quần Ngựa, Yên Phụ là Tiểu đoàn 145. Tiểu đoàn 212 là đội dự bị của mặt trận, đứng chân ở khu vực Hàn Lâm, Quỳnh Mai. Các tiểu đoàn 56 và 145 đã được lệnh phái một bộ phận bí mật vào nội thành hoạt động thu hút lực lượng địch, hỗ trợ cho Tiểu đoàn 101 trong Liên khu 1.

Đồng chí Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp nhắc lại nhiệm vụ chiến đấu của Mặt trận Hà Nội trong giai đoạn 2(2), nhằm tiếp tục tiêu hao và giam chân quân địch trong thành phố. Sau đó, đồng chí công bố quyết định về tổ chức chỉ huy trong tình hình mới. Để thống nhất chỉ huy và tăng thêm sức mạnh chiến đấu của quân dân Thủ đô, Bộ quyết định sáp nhập Khu 11 vào Khu 2. Mặt trận Hà Nội (cùng với Hà Đông, Sơn Tây) trở thành tiền phương của Khu 2. Đồng chí Vương Thừa Vũ được chỉ định làm Khu phó Khu 2 kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận tiền phương. Đồng chí Trần Độ làm Phó Chính trị ủy viên Khu 2. Đồng chí Đỗ Đức Kiên làm Chính trị ủy viên mặt trận tiền phương.

Anh Thái hỏi ngay các anh trong Bộ Chỉ huy Hà Nội:

- Tổ chức lại như thế, các anh thấy thế nào?

Anh Nguyễn Văn Trân trả lời ngay:

- Rất tán thành! Hoàn toàn nhất trí!

Theo phong cách riêng, “rất Trần Độ”, anh Độ vui vẻ tiếp lời:

- Phấn khởi lắm! Tôi xin biểu quyết cả hai tay1

Tổng Tham mưu trưởng quay sang anh Vũ:

- Còn anh, anh cũng nhất trí chứ?

Anh Vũ gật gật cái đầu húi “cua”, nói:

- Vâng, vâng! Nhất trí như anh Trân, anh Độ…


(1) Sau này, qua hồi ký của đồng chí Lê Minh Nghĩa (viết cho ban Tổng kết và viết sử Bộ Tổng tham mưu) và qua bài viết của đồng chí Đặng Viết Châu (báo Quân đội nhân dân, ngày 4-12-1984), được biết: đêm 19-12-1946, trận đánh sân bay Gia Lâm không thực hiện được vì không chuẩn bị kịp. Khi tiếng súng bên Hà Nội nổ, địch ở Gia Lâm tăng cường tuần tiễu, yếu tố bất ngờ không còn, ta phải rút lực lượng ra. Mãi đến trước Tết Đinh Hợi (22-1-1947) ta mới thực hiện được trận tập kích đầu tiên vào sân bay Gia Lâm, phá được hai máy bay địch.
(2) Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày Tiểu đoàn 101 chuyển vào chiến đấu thu hút địch trong Liên khu 1, các lực lượng ở các Liên khu 2 và 3 dãn dần ra phía các cửa ô, thực hiện chủ trương “trong đánh ngoài vây”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2012, 06:29:31 am »

Sau này anh Vũ cho biết: Thực tế chiến đấu cho thấy thống nhất chỉ huy là một quyết định sáng suốt, phù hợp với tình hình mới. Nhờ tổ chức chỉ huy mới này mà mặt trận Hà Nội không những có đủ lực lượng trực tiếp chiến đấu mà còn có một địa bàn rộng lớn làm hậu phương, để xoay xở, có thêm lực lượng dự bị hùng hậu của các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Hà Nam. Nói cách khác, những đơn vị chủ lực của toàn Khu 2 có thể luân phiên nhau vào tham gia chiến đấu ở các cửa ô Hà Nội và vùng ngoại vi. Rõ ràng là thế của ta thêm vững, lực của ta thêm mạnh, ta có thêm khả năng chiến đấu giam chân địch dài ngày trong thành phố.

Mười ngày chiến đấu qua đi khá nhanh. Quân ta đã vượt quá yêu cầu về thời gian mà Bác Hồ chỉ thị cho cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô.

Tối 27-12, anh Thái được anh Văn gọi sang để cùng nhau nhận định tình hình, chuẩn bị cho cuộc họp với Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội, dự kiến vào ngày hôm sau.

Đánh giá tình hình chiến sự ở Thủ đô, hai anh nhận thấy: Trải qua 10 ngày, quân ta vẫn ghìm được địch trong nội thành. Chúng chưa bén mảng được đến các cửa ô. Trận địa trụ bám trong Liên khu 1 đã tỏ ra vững chắc. Một tuần lễ qua, địch không mở được cuộc tiến công nào vào Liên khu 1 mà chỉ hình thành thế bao vây bằng cách rải quân ra đóng thêm một số vị trí bên ngoài liên khu. Nhưng vành đai của địch quanh Tiểu đoàn 101 cũng không vững chắc vì vừa bị đánh phía trước, vừa bị các đơn vị của Liên khu 2 và 3 đêm đêm đánh thúc sau lưng, khiến chúng phải bị động đối phó trên nhiều hướng. Thế trận giằng co đó có lợi cho ta, nó tạo điều kiện thuận lợi để quân ta thực hiện chủ trương giam chân địch trong thành phố càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, đồng chí Tổng Chỉ huy dự kiến tình hình sẽ thay đổi. Địch sẽ cố gắng tăng viện cho Hà Nội để quân Pháp ở đây thoát khỏi thế bất lợi, tránh được tình thế phải đối phó lúng túng như hiện nay. Đồng chí nhắc cơ quan tham mưu cố nắm tình hình ở các thành phố khác. Tin tức vừa ít vừa không cụ thể khiến cho việc phán đoán và chỉ đạo chung trở nên khó khăn.

Cuộc họp với các anh Vương Thừa Vũ và Đỗ Đức Kiên diễn ra ngắn gọn buổi sáng hôm sau, 28-12. Sau khi thống nhất nhận định tình hình và dự kiến chiến sự phát triển trong những ngày sắp tới, đồng chí Tổng Chỉ huy căn dặn các đồng chí chỉ huy Mặt trận Hà Nội:

- Để bao vây và khống chế Liên khu 1 có hiệu quả, rồi đây có khả năng địch sẽ mở những cuộc tiến công lớn ra ngoại ô. Yêu cầu đặt ra với quân ta là vừa phải tiêu hao thật nhiều địch trong và ngoài Liên khu 1, vừa phải chuẩn bị kế hoạch và lực lượng để mở rộng mặt trận, vừa ngăn chặn địch có hiệu quả nhất khi chúng đánh rộng ra, vừa phải bảo toàn và phát triển lực lượng để chiến đấu lâu dài.

Sau đó, Tổng Chỉ huy và Tổng Tham mưu trưởng cùng anh Vũ, anh Kiên bàn những biện pháp cụ thể để bộ đội có thể tiếp tục bám trụ trong thành phố và nhất là dự kiến thời điểm có thể kết thúc trận chiến đấu trong nội thành, lui quân lên phía bắc.

Qua cuộc họp, điều băn khoăn đối với Tổng Tham mưu trưởng và các cơ quan nghiệp vụ là tin tức các chiến trường trong cả nước nhận được không đều và chậm. Nửa tháng đã trôi qua, vậy mà những bức điện gửi đi và nhận được vẫn chưa giúp cho cơ quan tác chiến tổng hợp được diễn biến chính của chiến sự tại các chiến trường trong cả nước.

Qua điện báo của các nơi, một điều khiến cơ quan tham mưu chú ý là thời điểm các nơi nhận được lệnh và bắt đầu nổ súng không được thống nhất như dự kiến(1). Điều đó nói lên những khó khăn và ấu trĩ của ta trong công tác thông tin liên lạc và tổ chức chỉ huy nhằm đảm bảo cho bộ đội có thể đồng loạt nổ súng tiến công đúng thời gian quy định trong mệnh lệnh ngày 19-12. Rõ ràng là ở nhiều nơi, thông tin liên lạc chậm chạp và tổ chức chỉ huy có điểm không hợp lý, bộ đội không được chuẩn bị và sửa soạn đầy đủ từ trước.

Mặc dù vậy, trên nhiều chiến trường, quân ta đã thực hiện được yêu cầu đánh trước, đã giữ được trận địa và uy hiếp định trong một thời gian trên khắp các mặt trận, nổi lên là Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và Vinh.

Tại Hải Dương, sau ba ngày chiến đấu trong thành phố và dọc đường 5, địch mới chiếm được thị xã và nối liền trục đường Hải Phòng - Hải Dương. Quân Pháp buộc phải đầu hàng ta ở Vinh, phải bỏ hai thị xã Bắc Ninh, Bắc Giang, chạy về Hà Nội. Tại Nam Định, không những quân ta liên tục tiến công địch trên bộ và trên sông, đánh bại nhiều cuộc phản kích của chúng, giữ được nhiều vị trí xung yếu trong thành phố, mà còn làm thất bại cuộc hành quân giải tỏa quy mô lớn của quân dù và nhiều thủy đội xung kích (dinassaut) của địch ngược sông Hồng kéo đến hòng giải vây cho đồng bọn trong thành phố.

Qua nghe báo cáo tổng hợp bước đầu về thành tích và những thiếu sót của các nơi qua máy tuần chiến đấu, Tổng Tham mưu trưởng cùng các đồng chí trưởng phòng Tác chiến và Tình báo thống nhất nhận định rằng: vừa qua, bộ đội trên cả nước không hoàn toàn giành được bất ngờ và chủ động đồng loạt tiến công địch theo đúng kế hoạch của trên. Có thể kế hoạch thiếu tỷ mỉ, cán bộ chỉ huy chưa nghiên cứu quán triệt đầy đủ, việc hướng dẫn thực hành chiến đấu chưa cụ thể, thông tin không bảo đảm thông suốt để các phân đội cơ sở sẵn sàng nổ súng khi có lệnh.

Đối với cơ quan tham mưu chiến lược, đó là những bài học vỡ lòng rút ra từ cuộc Tổng giao chiến(2).


(1) Mà ít ngày sau cơ quan tham mưu mới biết thời gian nổ súng của các địa phương như sau: Hải Dương: khoảng 22 giờ ngày 19-12; Nam Định: 0 giờ 30 ngày 20-12; Vinh: 01 giờ ngày 20-12; Huế: 2 giờ 30 ngày 20-12; Bắc Ninh, Bắc Giang: 03 giờ ngày 20-12; Hải Phòng, Đà Nẵng và Nam Bộ: trong ngày 20-12.
(2) “Tổng giao chiến” là cụm từ mà sau này đồng chí Võ Nguyên Giáp dùng khi viết hồi ký. Còn hồi đó, cơ quan tham mưu thường gọi là cuộc chiến đấu trong thành phố và thị xã.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2012, 06:30:05 am »

III

Trung tuần tháng 1-1947, Thường vụ Trung ương chỉ đạo Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy triệu tập hội nghị quân sự toàn quốc tại Chúc Sơn, huyện lỵ Chương Mỹ. Đây là lần đầu tiên Bộ Tổng tham mưu được giao nhiệm vụ tổ chức một hội nghị lớn trong điều kiện thời chiến, ngay trên một địa bàn cách xa địch không đầy 20 kilômét đường chim bay. Mối quan tâm hàng đầu mà trên nhấn mạnh khi giao nhiệm vụ cho anh Thái và các đồng chí Văn phòng Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy là làm sao bảo đảm bí mật và an toàn cho hội nghị, nhất là về phòng không.

Tham gia hội nghị quan trọng này gồm có cán bộ chỉ huy cấp khu và một số cán bộ trung đoàn tại Khu 4 trở ra, một số cán bộ thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy, trong đó có nhiều cán bộ cấp phòng thuộc Bộ Tổng tham mưu. Hội nghị họp trong 5 ngày (12-16 - 1-1947). Hồi đó cán bộ tham mưu chúng tôi thường gọi là Hội nghị Chúc Sơn, còn văn bản sau này gọi là Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ nhất. Tầm quan trọng của hội nghị không phải chỉ là rút những bài học đầu tiên về chỉ đạo tác chiến sau ba tuần đầu của cuộc Tổng giao chiến mà còn quyết định nhiều vấn đề ở tầm chiến lược trong quá trình chuyển gấp đất nước từ thời bình sang thời chiến, cả về chiến đấu và xây dựng trên các mặt quân sự, chính trị và cung cấp; kháng chiến và quả trị hành chính; quân sự và dân sự…

Trong báo cáo đọc tại hội nghị, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp nêu lên những thành tích mà quân và dân ta đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược trong gần một tháng chiến đấu vừa qua và vạch ra những mặt yếu kém cần khắc phục về mặt tổ chức chỉ huy, về cách đánh của bộ đội. Đồng chí dự kiến: sau khi được tăng viện, quân địch sẽ đẩy mạnh hoạt động quân sự, phản công và tiến công ta, đi đôi với những âm mưu chính trị và chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Bộ đội ta phải nắm vững nguyên tắc chỉ đạo tác chiến nhằm đánh bại chủ trương chiến lược của địch trong thời gian tới. Cụ thể là: “Tránh mũi dùi của chủ lực địch để bảo toàn chủ lực của ta và duy trì sức chiến đấu của bộ đội; phát động chiến tranh du kích, phối hợp trận địa chiến với du kích chiến, phong tỏa không cho địch phát triển vị trí và tiến quân mau lẹ; tập trung lực lượng, tiêu diệt từng toán quân lẻ tẻ của địch, tiêu hao lực lượng của chúng để luôn luôn chiếm giữ phần thắng lợi, nhằm động viên quân dân cả nước duy trì cuộc kháng chiến lâu dài cho tới khi giành được phần thắng lợi cuối cùng”.

Riêng về mặt quân sự, với những kinh nghiệm đầu tiên rút ra từ mấy tuần chiến đấu vừa qua, hội nghị tập trung thảo luận về tổ chức và biện pháp nắm địch, tổ chức chỉ huy, công tác chính trị, huấn luyện bộ đội, công tác cán bộ, các mặt bảo đảm vật chất chiến đấu, công tác phá hoại giao thông và viện hoàn thiện chuẩn bị cho nhân dân chuyển hẳn vào thời chiến.

Trong hội nghị này, đại biểu các địa phương và đơn vị đặc biệt theo dõi kinh nghiệm chiến đấu của Hà Nội, những kinh nghiệm vừa tác chiến vừa xây dựng và phát triển lực lượng ngay trong lòng địch, dưới tầm súng các cỡ của chúng. Với thành tích và kinh nghiệm của mình, bộ đội Vệ quốc đoàn và tự vệ thành Hà Nội được Tổng chỉ huy biểu dương khi đồng chí công nhận Trung đoàn Liên khu 1 (vừa được thành lập ngày 7-1-1947) và tặng trung đoàn danh hiệu “Trung đoàn Thủ đô”.

Tổng Tham mưu trưởng nói:

- Hội nghị đã yêu cầu, đề nghị anh Vũ cứ nói lại những kinh nghiệm chiến đấu gần đây nhất cho anh em nghe…

Bằng một giọng trầm trầm, khi chậm rãi, khi sôi nổi hào hứng, đồng chí Vương Thừa Vũ nói đến những khởi nghĩa mà anh cho là tâm đắc nhất, rút ra từ các trận Khâm Thiên, Hàng Bột, Kim Mã cuối tháng 12-1946, các trận Thụy Khê, Liễu Giai, Thanh Nhàn, Vĩnh Tuy, Giảng Võ, đầu tháng 1-1947. Đó là những điển hình thành công và không thành công của mặt trận Hà Nội mà anh phân tích rõ nguyên nhân, với tinh thần tự phê bình của người chỉ huy cao nhất trước những yếu kém và thiếu sót của mình. Cuối cùng anh nhận xét:

- Trải qua hơn ba tuần chiến đấu, từ đêm nổ súng đến khi Trung đoàn Thủ đô ra đời, bộ đội và tự vệ Liên khu 1 và Hà Nội nói chung, đã trưởng thành rõ rệt. Từ phòng ngự đơn giản, rải quân trong các hố chiến đấu riêng lẻ, anh em đã tiến tới có chiến hào, giao thông hào, liên kết với nhau để cơ động. Từ chỗ chỉ biết phòng ngự phía trước mặt, anh em đã biết đề phòng bên sườn, phía sau, đã biết tổ chức và sử dụng lực lượng dự bị. Qua các trận chiến đấu, anh em đã biết vận dụng nhiều cách nhử địch, nghi binh, lừa địch và tìm ra cách đánh thích hợp với nhiệm vụ ngăn chặn, phù hợp với trình độ tác chiến của ta. Địch tiến đánh ta, anh em kiên quyết đánh chặn từng bước, đánh trước mặt và đánh tạt sườn, làm cho chúng mệt mỏi và bị tiêu hao từng ngày… Chúng tôi đã cùng các cán bộ nhiều lần họp bàn cách bố trí thế trận mới, nhằm thực hiện chỉ thị của Bộ là đánh tốt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giam chân chúng thêm một thời gian nữa mà ta vẫn bảo toàn và phát triển được lực lượng để kháng chiến lâu dài…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2012, 06:32:02 am »

Ngừng một lát, anh Vũ nói tiếp:

- Việc thành lập trung đoàn, chúng tôi trong Bộ Chỉ huy đã bàn bạc rất thận trọng, cân nhắc mọi mặt. Cuối cùng, nhận thấy chỉ có thống nhất lực lượng mới thống nhất chỉ huy, mới tăng thêm được sức mạnh để giam chân địch dài ngày. Chúng tôi báo cáo lên trên và được Bộ chấp nhận cho thành lập trung đoàn tuần trước, trước khi chúng tôi về dự hội nghị này. Chúng tôi vừa nhận được báo cáo cho biết sau khi nghe cấp trên tặng danh hiệu Trung đoàn Thủ đô cho bộ đội Liên khu 1, cả mặt trận Hà Nội rất phấn khởi. Tôi thầm nghĩ: trên đã khéo chọn danh hiệu cao quý ấy để tặng cho Trung đoàn Liên khu 1. Thật khó tìm được cái tên nào xứng đáng hơn. Ngày may, 14-1, đội cảm tử của trung đoàn sẽ được thành lập và làm lễ tuyên thệ. Thực tế cho thấy, phương châm chỉ đạo của trên “vừa tác chiến vừa xây dựng và phát triển lực lượng” để càng đánh càng mạnh thật là sáng suốt…

Trong giờ giải lao, nhiều đại biểu đến hỏi thăm anh Vũ những chi tiết về Trung đoàn Thủ đô. Anh cho biết ngoài lực lượng nòng cốt là tự vệ công nhân, những người đã lớn lên từ những ngày Tổng khởi nghĩa và những ngày đầu bảo vệ chính quyền non trẻ, trung đoàn còn bao gồm nhiều thành phần khác nhau: nam có, nữ có, rồi nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh và cả cầu thủ bóng đá. Tuổi trung bình 22 - 25, nhưng cũng có khá nhiều em thiếu niên như Trần Xuân Tám, Nguyễn Văn Phúc, Trang Công Lũy, Phụng “còi”, Sơn “con”. Những chú bé 10 -15 tuổi ấy đã gắn bó với đơn vị từ những ngày đầu. Trong chiến đấu ác liệt, chính nhờ những “con sóc” ấy mà đường dây liên lạc chỉ huy không bao giờ đứt…

Trở lại hội nghị, một vấn đề được thảo luận sôi nổi là vũ khí. Mọi người đểu nhất trí với chủ trương của Bộ là cần tổ chức ở mỗi khu một ty quân giới để chuyên lo tìm nguyên liệu và sản xuất vũ khí, lo việc điều chỉnh dần dần các loại súng giống nhau tập trung vào một đơn vị. Mọi người cùng nhất trí phải coi trọng chế tạo vũ khí thô sơ, gồm cả cung tên, đại đao, súng kíp. Nhưng điều khiến hội nghị quan tâm là làm sao có một loại súng nào đó để đánh xe tăng, cơ giới địch.

Chủ tọa hội nghị, đồng chí Võ Nguyên Giáp, mời anh Trần Đại Nghĩa lên phát biểu về vấn đề này. Nhà khoa học đứng lên, vẻ như mất tự nhiên. Anh xa Tổ quốc đã lâu ngày, mới về được mấy tháng thì chiến tranh bùng nổ. Nhiều từ ngữ khoa học - kỹ thuật anh diễn đạt bằng tiếng Việt rất khó khăn. Vì vậy anh rất ngại phát biểu trước đông người, nhất là trong một hội nghị mà số đông là cán bộ chỉ huy hay chưa hề quen biết. Nhưng rồi được hội nghị vỗ tay khích lệ, anh mạnh dạn nói lên những điều suy nghĩ của mình về công việc của Cục Quân giới trong thời gian qua.

Anh cho biết, vừa được chính thức giao chức Cục trưởng Quân giới chừng hai tuần (cụ thể là từ ngày 5-12) thì cả nước bước vào cuộc kháng chiến. Việc thí nghiệm bazôca chưa thành công là điều khiến anh canh cánh trong lòng. Nhưng trước mắt, phải chỉ đạo và đôn đốc việc di chuyển các nhà máy lên chiến khu, tổ chức các xưởng quân giới theo yêu cầu nhiệm vụ mới, phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho sản xuất vũ khí lâu dài. Bước đầu, để bộ đội có thứ vũ khí đánh được xe tăng, cơ giới địch, ngay khi về cục, anh đã cho sản xuất và hướng dẫn cách dùng “chai cháy Môlôtốp”, còn gọi là chai xăngcrếp, xung quanh có bọc Cloratkali. Đây là một thứ vũ khí thô sơ đánh chiến xa có hiệu quả nhất định trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Để đánh xe tăng trong thành phố, người chiến binh từ trên tầng cao ném chai xăngcrếp xuống xe địch. Chất hỗn hợp bám dính trên vỏ thép và bốc cháy. Nhiệt độ trong xe tăng lên rất cao, khiến cho lính địch ở trong không chịu nổi phải mở nắp chui ra, đó là cơ hội tốt để tiêu diệt chúng bằng súng bộ binh. Cách đánh này đã được áp dụng trong các trận chiến đấu ở Thủ đô vừa qua. Nhân dân phố Hàng Da và Hà Trung đã ủng hộ nguyên vật liệu để Cục Quân giới chế tạo loại vũ khí này. Nhờ vậy mà chỉ trong ít ngày trung tuần tháng 12 vừa qua, trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hàng ngàn chai xăngcrếp đã được đưa về cho các đơn vị.

Bộ đội có vũ khí thô sơ để đánh xe tăng rồi - tuy số lượng chưa nhiều, nhưng lúc này đạn bazôca của ta sản xuất vẫn chưa thành công khiến Cục trưởng Quân giới vẫn day dứt khôn nguôi. Anh Trần Đại Nghĩa nhớ và kể lại, vào một ngày cuối tháng 12, anh gặp một chiến sĩ Vệ quốc quân từ mặt trận Hà Nội ra. Được biết anh là Cục trưởng Quân giới, anh lính trẻ nói một hơi không nghỉ, vẻ tiếc nuối:

- Lẽ ra chúng em đã cho thằng Moóclie(1) đi đời rồi. Hắn vừa từ nhà riêng ở phố Hàng Trống đi ra, một cậu bắn tỉa nổ súng, súng bị tắc. Chúng em ném tiếp mấy quả lựu đạn, không quả nào nổ. Một cậu tức quá, bất chấp nguy hiểm, lao ra đường, ném thêm quả lựu đạn thứ năm. Lựu đạn nổ nhưng chiếc xe bọc thép của hắn đã chạy quá tầm. Thật là uống. Nếu có súng tốt, lựu đạn tốt, nhất là có một loại súng nào đó bắn được xe tăng, xe bọc thép địch ở cự ly dăm chục mét thì cơ giới của chúng không thể nghênh ngang trên phố được mà anh em cũng đỡ đổ xương máu hơn.


(1) Tướng Moóclie, chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2012, 06:33:09 am »

Kể đến đây, giọng người kỹ sư như nghẹn lại. Cả hội trường im phăng phắc. Rồi anh nói tiếp, giọng xúc động:

- Nghe người chiến sĩ kể chuyện, suốt đêm hôm đó tôi không tài nào ngủ được. Hình ảnh người chiến sĩ ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch để rồi vĩnh viễn nằm xuống đường phố Thủ đô cứ hiện lên trước mắt tôi. Và câu chuyện của người chiến sĩ trẻ đã thôi thúc tôi thức dậy chong đèn, đọc lại lý thuyết, kiểm tra lại quá trình tính toán về đạn bazôca. Tất cả đều đúng. Vậy thì tại sao qua bắn thử, kể cả bắn thử gần đây nhất ở huyện Ứng Hòa, sức công phá, cụ thể là sức xuyên của đạn, chưa đạt yêu cầu? Chúng tôi đang tập trung vào giải đáp điều nghi vấn về vai trò gợi nổ của “đềtô” (détomateur - hạt nổ, kíp nổ - T.G). Phải làm sao cho thuốc nổ trong viên đạn cháy hết để tạo nên một nhiệt độ và một áp suất cần tiết, tạo được uy lực vừa phá, vừa xuyên… Xin hứa với anh Giáp, anh Bửu và các anh chỉ huy: chúng tôi quyết hoàn chỉnh viên đạn bazôca và trong vòng một tháng nữa có thể sản xuất hàng loạt…

Cả hội trường vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Đồng chí Tổng Chỉ huy đứng dậy, đến bắt tay và ôm hôn đồng chí Cục trưởng Trần Đại Nghĩa(1).

Một vấn đề quan trọng khác được hội nghị quân sự toàn quốc lần này thảo luận sôi nổi là công tác phá hoại đường sá, cầu cống và ngăn sông. Qua thảo luận, mọi người đều nói lên tính cấp bách của việc cản bước tiến của xe tăng, cơ giới địch khi chúng đánh rộng ra ngoài các thành phố, trong điều kiện ta chưa có súng lớn đánh địch có hiệu quả. Hội nghị nhất trí cho rằng, mỗi khu và mỗi địa phương, đơn vị đều phải có kế hoạch cụ thể, định rõ cần phá đường nào, giữ đường nào, huy động lực lượng nào, vào lúc nào… Kế hoạch đó phải được bàn bạc, nhất trí giữa chỉ huy quân sự và Ủy ban kháng chiến từng cấp. Đây là vấn đề cấp bách cần tiến hành mà không cần đợi lệnh của Bộ.

Bác Hoàng Đạo Thúy mới về nhận chức Cục trưởng Giao thông công binh từ đầu tháng 12-1946. Trong hội nghị này bác Thúy báo cáo rằng, hai trung đoàn công binh đã hình thành nhưng kỹ thuật chuyên môn, kinh nghiệm về công tác phá hoại cầu đường cũng như phương tiện vật chất đều rất thiếu thốn. Chẳng hạn như thuốc nổ. Có lệnh của Bộ là phải phá tất cả các cầu trên đường số 1, kể cả cầu Long Biên. Cục đã cho đi sưu tầm được hồ sơ một số cầu trên miền Bắc. Theo hồ sơ thì ở cột 16 của cầu Long Biên đã có một hố xây sẵn để đặt chừng 650 kilôgam thuốc nổ. trong tay công binh chỉ có 10 kilôgam, nghĩa là chỉ đủ để phá một nửa cầu Đơ (thị xã Hà Đông).

Một mâu thuẫn cần giải quyết là làm sao điều hòa được yêu cầu phá đường, ngăn sông với yêu cầu vận tải của Quốc phòng. Một ví dụ gần đây nhất là kè trên sông Nhuệ vừa làm xong thì đoàn thuyền chở muối của ông Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng - T.G) lên. Thế là phải dỡ kè cho thuyền muối qua…

Trước yêu cầu làm chậm bước tiến của cơ giới địch, hội nghị nhận thấy, cần tiếp tục xúc tiến gấp công tác phá hoại đường sá, cầu cống và các nhà kiên cố đi đôi với làm vật cản trên sông. Cục Giao thông công binh cử người về các địa phương và đơn vị để giúp đỡ, hướng dẫn. Cần cắt đứt từng đoạn đường dài kết hợp với đắp những ụ chướng ngại trên các trục giao thông lớn từ Hà Nội tỏa ra, như đường số 1, số 5, số 6, dùng lượng thuốc nổ có thể có, kết hợp với sức người là chính, đánh sập các cầu trên các hướng cơ giới địch có thể đi qua, chọn vị trí thích hợp và lợi hại, dựng kè trên sông, kể cả sông Hồng, sông Đuống. trên nhưng trục đường có tàu hỏa, dùng cách gỡ đường ray, dựng thành hàng rào cánh sẻ, chắn ngang đường, phía sau là những thanh tàvẹt cắm xiên thành những bãi cọc sắt kéo dài chừng 30 mét trên mặt đường…

Đến lúc này, chưa ai khẳng định được rằng việc phá đường, phá cầu, đắp ụ, dựng kè, lập hàng rào chướng ngại, có hiệu quả ngăn cơ giới địch tới mức nào. Nhưng như đồng chí Tổng Chỉ huy đã luận, chúng ta chưa có loại vũ khí nào có đủ hiệu lực diệt cơ giới địch, chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm phá hoại giao thông, nhưng dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân, chúng ta cứ làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Địa phương nào, đơn vị nào có kinh nghiệm hay, báo cáo về Bộ để phổ biến rộng rãi cho các nơi khác.

Trải qua thực tế một tháng chiến đấu, hội nghị nhận thấy công tác tổ chức tình báo và chỉ đạo nắm địch đã sớm bộc lộ sự yếu kém, không đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy. Nhưng do tình hình khẩn trương, hội nghị quân sự lúc này chưa có điều kiện bàn sâu. Mọi người nhất trí với quyết định của đồng chí Tổng Chỉ huy giao cho Bộ Tổng tham mưu sớm tổ chức hội nghị chuyên ngành, nhằm rút kinh nghiệm và chấn chỉnh cả về tư tưởng, tổ chức và nghiệp vụ trinh sát - tình báo trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới.

Hội nghị quân sự toàn quốc kết thúc sau 5 ngày làm việc. Năm ngày được coi là thời gian dài giữa lúc cuộc chiến đấu đang diễn ra khẩn trương đòi hỏi sự có mặt của người lãnh đạo chỉ huy ở phía trước. Năm ngày, với những tin tức địch tập trung lực lượng cố nống ra phía nam thành phố Hà Nội; tin địch tập trung quân từ Tây Nguyên ra, từ Lào sang, hòng giải vây Huế và Đà Nẵng… Nhưng chính trong 5 ngày ấy, hàng loạt công việc lớn lao và cấp bách đã được hội nghị thảo luận đi tới nhất trí để triển khai gấp. Ai cũng thấy, kể từ sau cuộc họp của cán bộ cấp khu ngày 13 tháng trước, trải qua những ngày chiến đấu đầu tiên, thực tế đã giúp cho từng người lớn lên nhưng đồng thời cũng biết bao công việc mới mẻ với những thử thách đang chờ ở phía trước.


(1) Hơn một tháng sau, lời hứa của nhà khoa học đã trở thành hiện thực. Cuối tháng 2-1947, hai khẩu bazôca và mười viên đạn hoàn chỉnh về kỹ thuật đã được giao cho bộ đội Khu 2. Và tin chiến công đầu của bộ đội dùng loại vũ khí này đã nhanh chóng bay về cơ quan tham mưu Tổng hành dinh: ngày 5-3-1947, hai chiếc xe tăng địch bị súng bazôca bắn cháy ở chùa Trầm khi quân Pháp đánh ra hướng Quốc Oai.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2012, 06:33:55 am »

IV

Cùng Tổng Tham mưu trưởng đi dự hội nghị quân sự toàn quốc về, các đồng chí trưởng phòng đều thấy nhiệm vụ nặng nề của cơ quan mình trong những ngày sắp tới. Nhưng, như sau này anh Bùi Huy Bê kể lại, lo lắng nhất có lẽ là anh Hoàng Minh Đạo và các đồng chí phụ trách Phòng Tình báo. Qua những ý kiến phát biểu trong hội nghị vừa rồi, điều thấm thía đối với các anh là sự yếu kém của công tác tình báo quân sự, cả về tổ chức và nghiệp vụ, từ phòng đến cơ sở. Trao đổi ý kiến với nhau, các anh thấy có những nguyên nhân về tư tưởng và tinh thần trách nhiệm, đồng thời có những nguyên nhân về tổ chức và trình độ nghiệp vụ nắm địch, về thông tin liên lạc. Cũng không loại trừ nguyên nhân về quan hệ cá nhân, như nội bộ tổ chức tình báo Hà Nội. Về phía lãnh đạo của phòng, đã không dự kiến hết tình hình khó khăn phức tạp trong chỉ đạo nghiệp vụ thời chiến nên thiếu biện pháp cần thiết để chủ động khắc phục, bảo đảm công tác nắm địch và báo cáo tình hình được thường xuyên, chính xác, kịp thời hơn. Do đó, từ khi chiến sự nổ ra cũng như suốt một tháng qua, từ Phòng Tình báo của Bộ đến các địa phương đều lúng túng, nhất là khi liên lạc bị đứt vì không còn dựa được vào đường dây thông tin qua bưu điện. Có nơi, tổ chức nắm địch ở cơ sở bị tan vỡ, một số nhân viên theo gia đình đi tản cư, một số khác lẩn tránh nhiệm vụ, trong đó có một số người trong Ban Tình báo Hà Nội. Tổ chức cơ sở như vậy, nên không có gì là khó hiểu nếu Phòng Tình báo của Bộ đuối sức trước yêu cầu nắm tình hình địch kịp thời để phục vụ cho chỉ đạo, chỉ huy.

Sau hội nghị quân sự toàn quốc, Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy đã cử anh Lê Trọng Nghĩa sang cùng các anh Hoàng Minh Đạo và Bùi Huy Bê cải tiến việc chỉ đạo hệ thống nắm địch. Anh Thái cũng cùng các anh Nghĩa, Đạo và Bê làm việc chuẩn bị cho hội nghị chuyên ngành. Dự kiến triệu tập vào cuối tháng 1-1947 tại Chúc Sơn. Chiến sự đang khẩn trương, nhưng đây là một yếu kém cần có biện pháp khắc phục ngay. Yêu cầu đặt ra với hội nghị là cùng nhau thấy được những yếu kém thời gian qua về công tác nắm địch và tìm ra biện pháp thiết thực để khắc phục.

Đến ngày họp, trừ hai cán bộ ở Huế và Vinh, vì lý do giao thông không ra kịp, còn cán bộ phụ trách tình báo các tỉnh phía Bắc - nhất là những địa bàn đang có chiến sự - đều có mặt đầy đủ.

Hội nghị diễn ra trong những ngày giáp Tết, nhưng vì băn khoăn trước nhiệm vụ chưa hoàn thành, không mấy anh em còn tâm trí nghĩ đến chuẩn bị vui xuân. Thông cảm với nỗi băn khoăn lo lắng của anh em, Tổng Tham mưu trưởng đã chỉ thị cho Phòng Tình báo và Phòng Quản lý quan tâm đến nơi ăn chốn ở, điều kiện làm việc và sinh hoạt của anh em. Anh Thái đã cùng anh Đạo dành nhiều thời gian bàn bạc dân chủ, động viên anh em mạnh dạn đề đạt phương hướng khắc phục những khó khăn, thiếu sót vừa qua. Các anh hỏi về tình hình địa phương, về tổ chức các cơ sở nắm địch của ta, phương pháp làm việc và cả những bài học cụ thể về hoạt động tình báo ở các địa phương. Chính nhờ những khêu gợi và nắm được những vấn đề mấu chốt cần giải quyết mà các anh thấy được phương hướng khắc phục cả về tư tưởng, tổ chức và biện pháp nghiệp vụ. Thực tế sau đó chỉ rõ, bằng sự quan tâm chăm sóc, bằng thái độ chân tình, cởi mở, động viên nhiều hơn là chê trách, Tổng Tham mưu trưởng đã làm cho anh em thấy rõ những thành tích đã đạt được, nhưng yếu kém cần và có thể vượt qua. Anh em đã thấy rõ nguyên nhân thiếu sót đồng thời cũng thấy phương hướng khắc phục như thế nào… Qua những buổi gặp gỡ và làm việc, cả trong và ngoài hội nghị, anh em thấy thoải mái và tự tin vì đã hiểu cần làm gì và làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới. Những ý kiến và đề nghị cụ thể của anh em, như về tư tưởng, cần giáo dục khắc phục lối “làm ăn tài tử, phiêu lưu mạo hiểm cá nhân như thường thấy trong tiểu thuyết trinh thám”, đồng thời khắc phục “tư tưởng tự do, dễ làm khó bỏ”. Phòng cần quan tâm hướng dẫn về nghiệp vụ hoạt động trinh sát quân sự hơn nữa, nên sáp nhập thống nhất khi tổ chức nắm địch ở Bắc và Nam sông Hồng; nên thay người phụ trách tình báo ở Hà Nội; nên mở lớp huấn luyện cơ bản về nghiệp vụ trinh sát, v.v. Tất cả mọi ý kiến đều được Tổng Tham mưu trưởng và các đồng chí phụ trách phòng quan tâm nghiên cứu, cùng anh em thảo luận giải quyết.

Chính nhờ phương pháp làm việc dân chủ, đề cập nhiều vấn đề cụ thể nhưng thiết thực nên cán bộ phụ trách tình báo các địa phương hoàn toàn nhất trí với nội dung bản báo cáo tổng kết hội nghị của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng. Bản báo cáo đã phản ánh được mặt mạnh, mặt yếu hiện nay của ngành tình báo quân sự, đã chỉ ra hướng di trong thời gian sắp tới của ngành, cả về tư tưởng, tổ chức và nghiệp vụ.

Với kết quả của hội nghị, anh em tin tưởng vào triển vọng của công tác, mặc dù biết rằng còn phải đương đầu với nhiều khó khăn do âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, một kẻ thù dày dạn kinh nghiệm trong nghề tình báo quân sự xâm lược.

Tinh thần thoải mái, anh em chia tay nhau về các địa phương, đúng vào dịp xuân sang. Trong khi đó, Tổng Tham mưu trưởng bàn với các đồng chí phụ trách phòng nên tổ chức ngành tình báo của Bộ như thế nào, phương pháp chỉ đạo sắp tới nên như thế nào và trước hết là việc chuẩn bị nội dung và tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trinh sát mà các anh đều thấy là cần mở sớm, ngay vào dịp tết này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2012, 06:35:02 am »

Cơ quan Bộ Tổng tham mưu rời đất Chương Mỹ sang địa phận Quốc Oai - Thạch Thất đúng vào dịp xuân Đinh Hợi đang về.

Tết đến, cái Tết kháng chiến đầu tiên đem lại cho mỗi chàng sĩ quan tham mưu những suy nghĩ khác nhau. Thực ra không phải đối với mọi người Tết này là Tết đầu tiên xa nhà, vì trong số anh em, có mấy chiến sĩ Giải phóng quân đã từng sống ở chiến khu và mấy cựu binh sĩ đã từng đón xuân trong cảnh tha hương khi còn ở trong quân đội Pháp trước đây. Nhớ lại năm ngoái, xuân độc lập đầu tiên, một số anh người Hà Nội còn cùng gia đình đón giao thừa giữa Thủ đô hoặc ít nhất cũng được tạt qua nhà ít ngày nếu gia đình ở gần Hà Nội. Năm nay, mọi người sống trong không khí cái Tết kháng chiến đầu tiên giữa những người đồng chí, trong tình thương yêu, chăm sóc của đồng bào. Riêng một vài anh chị em không khỏi lo lắng vì gia đình còn ở lại trong nội thành hoặc đã đi sơ tán mà không có tin tức, nhất là khi nghe tin địch đang cố đánh rộng ra ngoại vi Hà Nội. Cũng có người thoáng qua một câu hỏi trong đầu: Liệu kháng chiến kéo dài mấy năm? Liêu bao giờ được đón xuân trong không khí đoàn tụ gia đình?

Nhân dân mấy xã Ngọc Thân, Sài Sơn, Thôn Bùng thuộc Quốc Oai, huyện địa đầu phía nam của tỉnh Sơn Tây, đón các phòng, ban của Bộ Tổng tham mưu về nhà ăn Tết như đón người thân quen. Ngay khi anh em vào nhà, có thể nhà chủ thoáng nghĩ rằng đây là một đơn vị bộ đội “không bình thường”. Vũ khí không có, lẻ tẻ một vài người đeo súng ngắn. Có người lại cưỡi ngựa. “Chắc đây là cấp chỉ huy cao nhất”. Rồi tiếp đến là những hòm sắt tây đựng tài liệu, những máy chữ, máy điện thoại… Ban quản lý còn lỉnh kỉnh khiêng từ những chiếc xe bò mấy cái hòm nặng trịch…

Trong một gia đình nọ, nhà cửa khá rộng, chủ nhà thấy anh chị em xin phép được căng lên mấy bức vải màu nâu, màu xanh, “quây kín như buồng bà đẻ”. Rồi sớm cũng như chiều, dưới ánh đèn dầu, từ trong vọng ra những tiếng lạ tai: Paxiphi, Glôri, Xeka, Đôngrogép(1). Ở vài nhà khác quanh đấy, chốc chốc lại vang lên tiếng chuông điện thoại, tiếng máy chữ lách cách, tiếng máy phát điện kêu ro ro, tiếng manip gõ tạch tè. Bà con địa phương có thể ngầm hiểu: nếu không phải là một cơ quan văn phòng thì cũng là một đơn vị bộ đội đặc biệt nào đó, gồm những anh những chị không có gì là dày dạn phong sương. Họ nói năng lễ độ với người già, có phong cách chững chạc trước chị em phụ nữ địa phương, nhưng lại rất vui nhộn với trẻ nhỏ. Từ khi các anh, các chị về đây, sân nhà lúc nào cũng sạch, chum nước lúc nào cũng đầy. Chiều chiều, trên những thửa ruộng mới gặt chỉ còn trơ gốc rạ, các anh giúp nam nữ dân quân luyện tập quân sự. Tối tối, chỗ này vang lên tiếng trẻ em học hát, xen lẫn tiếng đập lúa thình thịch; chỗ kia, các anh các chị tập kịch hay ôn lại bài hát đồng ca, chuẩn bị ra mắt đồng bào vào dịp Tết. Gọi là chuẩn bị văn nghệ đón xuân, nhưng nhìn chung lại, học hát nhiều hơn tập kịch, kịch “cương” nhiều hơn là kịch có kịch bản đàng hoàng.

Trong những ngày này, không khí xóm làng nhộn nhịp hẳn lên, không chỉ vì nhà nhà chuẩn bị đón xuân mà còn vì cuộc sống vui tươi yêu đời của các anh, các chị đã sớm hòa nhịp với từng gia đình, nhất là với nam nữ thanh niên, các em thiếu nhi và các đội dân quân du kích địa phương. Ngày ngày, chủ nhà thấy các anh các chị cặm cụi làm việc trên những chiếc bàn, những tấm phản, trên những cái chõng tre, thậm chí trên những tấm cửa gỗ được hạ xuống. Thỉnh thoảng, thoáng nghe những ý kiến trao đổi, với những từ mới lạ mà chủ nhà không hiểu biết nội dung. Tinh thần làm việc miệt mài, thái độ kính già yêu trẻ và phong cách chững chạc của các anh, các chị đã làm cho nhân dân địa phương sớm quên đi những thắc mắc ban đầu về nhưng “anh bộ đội không có súng”. Chính với tình cảm sớm gắn bó ấy mà bà con lo chuẩn bị Tết, công khai bộc lộ niềm phấn khởi rằng Tết này nhà mình sẽ đông vui hơn…

Ban quản lý nội bộ đã khéo lo liệu cho từng phòng vài bữa ăn tươi, gồm bánh chưng, kẹo mứt, thuốc lá và cả rượu. Mấy ngày giáp Tết, Tổng Tham mưu trưởng thường vắng mặt ở cơ quan. Anh tập trung chỉ đạo hội nghị của ngành tình báo. Trong một lần hội ý, anh lưu ý các trưởng phòng nhắc nhở anh em trong từng nhà giúp gia đình quét dọn, trang trí nhà cửa, chú ý tôn trọng phong tục ngày tết của địa phương. Sáng mồng một, chú ý đi chúc thọ người già, mừng tuổi trẻ em, kể cả những nhà không có bộ phận nào trú quân. Nếu chủ nhà mời, có thể liên hoan chung cùng gia đình mừng xuân, nhưng cần tránh gây phiền hà cho gia đình nhất là đừng để say rượu. Điều quan trọng là từng phòng ban phải có người thường trực, phải thường xuyên nắm vững thông tin chỉ huy, duy trì chế độ báo cáo diễn biến chiến sự, nhất là ở Hà Nội.

Nhờ có sự dặn dò của Tổng Tham mưu trưởng cho nên ngày mồng một, trong lúc số đông anh chị em đi chúc Tết nhân dân, tổ chức liên hoan văn nghệ thì guồng máy thường trực chỉ đạo, chỉ huy vẫn bám sát tình hình chiến sự, sôi nổi nhất vẫn là tin tức trong nội thành.


(1) Những từ chuyên môn của anh chị em mật mã (cơ yếu) thường đọc khi mã dịch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM