Tặng các đồng đội miền Đông Nam bộ
Chiến dịch phòng ngự trên đường 13 năm 1972
CHỐT CHẶN KẾT HỢP VẬN ĐỘNG TIẾN CÔNG
QĐND - Thứ Bẩy, 08/09/2012, 19:37 (GMT+7)QĐND - Năm 1972, cùng với các chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, Quân Giải phóng đã mở chiến dịch tiến công địch ở khu vực Bình Long, Phước Long, Tây Ninh nhằm tiêu diệt và làm tan rã phần lớn lực lượng địa phương quân, bộ máy kìm kẹp của địch, phá vỡ tuyến phòng thủ biên giới ở phía bắc Sài Gòn, mở rộng vùng giải phóng và thường xuyên uy hiếp Sài Gòn.
Bộ chỉ huy Quân Giải phóng sử dụng Sư đoàn 5 đánh chiếm chi khu và quận lỵ Lộc Ninh, sau đó cùng Sư đoàn 9 công kích thị xã An Lộc. Sư đoàn 7 có nhiệm vụ đánh quân tiếp viện của địch từ Sài Gòn lên nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị bạn tiến công các mục tiêu trên. Khu vực chốt chặn của Sư đoàn 7 chủ yếu ở đoạn đường 13, từ suối Tàu Ô đến Xóm Ruộng (phía bắc Chơn Thành 3km).
Đêm 4-4-1972, quân ta đồng loạt tiến công vào các mục tiêu chủ yếu trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch trên dọc đường 13. Đêm 6-4-1972, Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) bao vây, kiềm chế chiến đoàn 52 của Quân đội Sài Gòn ở ngã ba Đồng Tâm và chiến đoàn địch ở Phú Lỗ. Sáng ngày 7-4-1972, chiến đoàn 52 rút chạy, bị Trung đoàn 209 và đơn vị bạn truy kích, bắt hơn 300 tù binh, thu được cả xe bọc thép của địch. Cũng thời điểm đó, Trung đoàn 141 và 165 Quân Giải phóng thọc xuống phía nam Hớn Quản, tiêu diệt, bức rút hàng loạt đồn bốt địch, giải phóng một vùng rộng lớn từ Minh Hòa, Minh Thanh, Sở Tư, Sa Cát, Tân Khai đến Đức Vinh, Cần Đâm, Xa Trạch, làm chủ đoạn đường 13 từ Hớn Quản (An Lộc) đến Chơn Thành. Như vậy là thị xã An Lộc bị Quân Giải phóng bao vây xung quanh, không còn đường vào, ra, phải tiếp vận bằng đường hàng không.
Một tổ chiến đấu của Sư đoàn 7 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bố trí bên đường 13 ở công sở xã Thanh Lương, quận An Lộc.
Trên đoạn đường 13 này, Sư đoàn 7 đã tổ chức xây dựng, hình thành tuyến chốt chặn chiến đấu kết hợp với vận động tiến công địch, mỗi đại đội là một cụm chốt, có thể cơ động hỗ trợ cho nhau, mỗi tiểu đoàn là một vùng chốt có nhiều tầng, lớp liên hoàn ở hai bên đường 13. Mỗi trung đoàn chiếm lĩnh trận địa theo kế hoạch, sẵn sàng chiến đấu cơ động, hỗ trợ cho đơn vị bạn. Toàn Sư đoàn 7 Quân Giải phóng nêu cao quyết tâm kiên quyết ngăn chặn không cho quân địch đến giải vây An Lộc và không cho địch ở An Lộc rút chạy khỏi vòng vây của Quân Giải phóng.
Từ ngày 11-4-1972, địch cho lữ đoàn dù số 1 hành quân giải tỏa đường 13, nhưng chúng bị đơn vị chốt của ta đánh thiệt hại nặng, phải chạy về Chơn Thành. Hôm sau, địch lại cho trực thăng đổ lữ đoàn dù này xuống Núi Gió (An Lộc) cũng bị quân ta đánh tiếp.
Để tăng thêm lực lượng đánh chiếm đoạn đường 13 này, giải vây cho thị xã An Lộc, địch điều cả sư đoàn 21 ở vùng 4 chiến thuật và lữ đoàn dù số 3 từ Tây Nguyên đến tham chiến.
Liên tiếp hai ngày 11 và 12-5-1972, địch cho 2 chiến đoàn bộ binh, 1 trung đoàn thiết giáp, có máy bay ném bom và các loại pháo bắn yểm trợ tổ chức tiến công, mở thông đường 13, giải vây cho An Lộc.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 Quân Giải phóng đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, kiên cường; đập tan các mũi tiến công của địch, giữ vững trận địa chốt từ suối Tàu Ô đến ngã ba Xóm Ruộng. Sau hơn 2 tháng liên tục chiến đấu, sư đoàn 21 Sài Gòn dùng mọi thủ đoạn chiến đấu, có ngày tổ chức đánh phá các trận địa chốt của quân ta 11 lần, vẫn không đạt được ý muốn. Thấy vậy, cuối tháng 6-1972, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn quyết định thay quân. Địch điều động sư đoàn 18 thay sư đoàn 5; đưa sư đoàn 25 thay sư đoàn 21 làm nhiệm vụ giải tỏa đoạn đường 13, ứng cứu An Lộc. Đồng thời địch sử dụng sư đoàn 25 thực hiện kế hoạch giải tỏa đoạn đường từ suối Tàu Ô đến ngã ba Xóm Ruộng. Theo kế hoạch, những ngày đầu, địch sử dụng các phi vụ B-52 trút bom và pháo 105mm, 155mm bắn xuống tất cả khu vực chốt của quân ta. Địch cho rằng, các trận địa chốt của ta sẽ bị phá hủy và quân ta sẽ thương vong 80%. Những ngày sau, địch sẽ dùng bộ binh có xe bọc thép dẫn đường vào chiếm tất cả các chốt, mở thông đường 13 vào An Lộc.
Tháng 7 và 8 đã vào mùa mưa. Đất lầy lội, công sự ngập nước. Hố bom, hố pháo chi chít quanh các trận địa chốt. Hằng ngày, địch vẫn ném bom các loại và bắn pháo bầy, pháo chụp, pháo xuyên vào trận địa quân ta. Các chiến sĩ ta vẫn vừa củng cố công sự, vừa đánh các mũi tiến công của sư đoàn 25 địch.
Có lúc địch thay đổi chiến thuật: Ban ngày tiến công, không chiếm được chốt của ta, chúng không rút quân về Chơn Thành mà cho lính đào công sự, bố trí xen kẽ ở gần chốt của ta để hôm sau chờ quân tiếp viện lên. Trước tình hình đó, các đơn vị quân ta tổ chức ban đêm tập kích tiêu diệt quân địch trụ lại, khiến chúng phải rút về.
Trước việc sư đoàn 25 địch không đánh chiếm được các trận địa chốt chặn trên đường 13, lại bị tiêu hao nhiều, Quân đoàn 3 Sài Gòn lệnh cho sư đoàn này triệt thoái khỏi đoạn đường Tàu Ô-Xóm Ruộng về ứng cứu phía sau vì Quân Giải phóng đang tiến công vào Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 của chúng ở Lai Khê. Thế là địch đã bỏ chạy.
Thị xã An Lộc vẫn bị bao vây, cô lập. Đoạn đường 13 sau 150 ngày đêm Sư đoàn 7 Quân Giải phóng chốt chặn vẫn được giữ vững. Cả một vùng giải phóng rộng ở phía bắc Sài Gòn đã góp phần chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 để giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Bài và ảnh: TRẦN NGỌC
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/205850/Default.aspx