Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:35:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một đời chinh chiến  (Đọc 60678 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #60 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 09:52:31 am »

NGƯỢC TRƯỜNG SƠN RA BẮC

Tháng 5 năm 1974, trong lúc Sư đoàn đang sôi nổi xây dựng lực lượng huấn luyện, ngày đi họp, đi huấn luyện chiều tối tôi mới về ẵm con, ăn cơm với vợ. Con gái út tôi được năm tháng, rất kháu khỉnh. Trong chiến tranh gian khổ, từ khi cưới nhau đến đứa con thứ ba tôi mới có hạnh phúc đầm ấm này. Hai đứa đầu, vợ tôi sinh, tự lo nuôi rồi gửi về bà ngoại. Đến lần này tôi mới có hạnh phúc được lo cho vợ con, hy vọng bù lại hai lần trước vợ tôi sinh vắng chồng, lại trong chiến tranh ác liệt.

Thời gian chăm lo cho vợ con không được bao lâu. Tháng 7, cấp trên quyết định gửi tôi ra miền Bắc học bổ túc cao cấp quân sự khóa 1. Nhận quyết định, về ẵm con, nói với vợ mà tôi chưa hết bần thần. Nhưng, với tinh thần đảng viên và trách nhiệm của cán bộ, tôi không thể thoái thác, phải nói cho vợ tôi biết.

Tuyết cũng là một đảng viên nên rất vững vàng, an ủi tôi:

- Anh yên tâm đi học. Em ở đây có tập thể đơn vị. Các anh ở đây sẽ giúp em lúc khó khăn. Bây giờ đã sướng hơn hai lần sinh trước nhiều.

Tháng 7, tôi lên đường ngược Trường Sơn ra Bắc. Lần vượt Trường Sơn này nhanh và không gian khổ như lần trước. Tôi lên xe tải từ đầu trong của đường Hồ Chí Minh tại Lộc Ninh vừa giải phóng, chạy liên tục 12 ngày đêm tới Hà Nội.
Đường rừng bụi mịt mù, có bom đánh phá, song vẫn sướng hơn trăm lần lúc tôi lội bộ từ Bắc vào Nam năm 1961.

Trở lại Hà Nội sau 13 năm. Tôi có thời gian đi thăm lại cảnh cũ. Đến hồ Hoàn Kiếm, ra Hồ Tây, lên hồ Bảy Mẫu, nay đã trở thành công viên Thống Nhất, đi tản bộ trên các phố phường. Hà Nội mới trải qua cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, phố Khâm Thiên bị bom B52, cảnh tàn phá vẫn còn dấu tích. Hà Nội xem ra vẫn khắc khổ, chưa có xây dựng gì mới so với trước khi tôi về Nam.

Tôi cũng có cơ hội đến thăm lại các anh lớn như anh Năm Hà (em trai Thiếu tướng Dương Văn Dương, hy sinh hồi chống Pháp); anh Tám Lầu (nguyên Trưởng ban quân nhu tài chính Trung đoàn 397), gia đình ông Tám Mạnh (một gia đình lớn, tất cả con trai con gái và dâu, rể đều là dân kháng chiến - ở 3 Phùng Hưng, anh Hoàng Kim Chung (người đứng ra kết nạp tôi vào Đảng thời đánh Pháp) cùng vợ con anh (tại 35 Hàng Nón), chị Tư Điểm (chị kết nghĩa của tôi thời còn liên chi Bình Xuyên), nay công tác ở Viện quân y 108)...

Các anh chị đều mừng cho tôi. Tình cảm các anh chị dành cho tôi vẫn đầy ắp. Ngày ra đi rời khỏi miền Bắc, tôi là một thanh niên mang quân hàm trung úy mới 26 tuổi, nay trở ra đã là một trung tá 40 tuổi. Đối với các anh chị, tôi vẫn như đứa trẻ năm nào. Nghĩa tình ấy làm tôi thêm ấm lòng.

Trò chuyện với các anh chị mới thấy hết sự can trường của đồng bào miền Bắc, hậu phương lớn của cả nước. Qua cuộc sống của các anh chị lại càng rõ. Các anh chị vẫn sống đạm bạc bằng tem phiếu bao cấp. Có phiếu mà có lúc vẫn không mua được gì vì phải xếp hàng quá dài, đến lượt mình thì hàng đã hết...

Từ tháng 8, tôi bắt đầu học. Tôi vốn hiếu học nên rất cố gắng. trong các kì sát hạch, kiểm tra đều đạt điểm cao. Tôi cũng có thời gian rảnh rỗi để viết thư về Nam cho vợ. Những lá thư ấy đến giờ vợ tôi vẫn còn giữ.

Đó là một chút tình cảm riêng tư của tôi.

Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #61 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 10:02:43 am »

TRỞ VỀ, THAM GIA CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH.

Đến tháng Giêng, tháng Hai năm 1975, tình hình chiến sự miền Nam diễn ra khẩn trương. Tháng Ba, ta mở chiến dịch Tây Nguyên. Tôi và một số đồng chí đang học suy đoán: Có thể diễn ra đánh lớn. Có thể đây là trận cuối cùng đánh cho ngụy nhào vì Mỹ đã rút rồi, khó trở lại.

Chúng tôi không yên tâm nổi để học tập nữa. Tôi và một số đồng chí muốn xin về song không dám báo cáo.

Hằng đêm, chúng tôi phân công nhau ra trạm khách Bộ Quốc phòng mong được gặp các đồng chí Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam ra để đề đạt nguyện vọng.

May quá, khoảng cuối tháng 3-1975, anh Tư Chi (Thượng tướng Trần Văn Trà) đến trạm khách để làm việc trong Quân ủy, tôi tranh thủ xin gặp anh. Mới thấy tôi vào, anh hồ hởi hỏi ngay:

- Năm Hưng làm gì ở đây?

Tôi trình bày với anh rằng số anh em đang học bổ túc quân sự nôn nóng quá, xin về.

Anh nói liền:

- Học gì nữa! Tôi báo cáo Bộ Quốc phòng xin cho các đồng chí về phụ với anh em...

Ngay lúc đó, anh điện xin Quân ủy và được trả lời ngay:

- Đồng ý cho các đổng chí ở Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9 về.

Anh Tư Chi vui vẻ báo tin cho tôi

- Quân ủy đồng ý rồi. Năm Hưng về báo với anh em chuẩn bị đi ngay trong đêm nay.

Tôi mừng như mở cờ trong bụng, xách xe đạp chạy thẳng về Học viện. Trước hết, tôi chạy lại phòng anh Út Thới. Báo tin xong, qua phòng Năm Tích. Thấy Năm Tích đang mặc quần cụt áo thun, tôi nói:

- Chuẩn bị đồ đạc, xuống hành chính thanh toán, về Nam.

Năm Tích ở Sư đoàn 9 là người nôn nóng về Nam nhất, nhưng anh lại sợ tôi nói chơi, trả lời xuôi xị:

- Tôi không thèm về Nam, tôi ở học.

Tôi bỏ về phòng lo chuẩn bị đồ đạc. Chỉ lát sau, Năm Tích chạy qua, thấy tôi đang chuẩn bị tư trang thật, anh bàng hoàng hỏi:

- Thật hả Năm Hưng?

- Không thật thì giả sao! về chuẩn bị đi, 23 giờ lên Phòng tài vụ thanh toán.

Lúc đó anh mới chạy về chuẩn bị.

Cùng trong đêm ấy, Văn phòng Quân ủy điện cho Học viện Quân sự danh sách cho về Nam ngay. Trong danh sách đó có tôi, anh Út Thới (Nguyễn Thới Bưng, sau là Trung tướng, Thứ trưởng, Bộ Quốc phòng), anh Năm Tích (Sư đoàn 9), anh Hai Phê... còn phần lớn phải ở lại học...

23 giờ, những người có tên trong danh sách được trở về Nam lên phòng tài vụ thanh toán. Anh nào tâm trạng cũng phấn khởi, hồ hởi. Cả đêm, chúng tôi không ai ngủ được. Người được đi thì vui vẻ. Những đồng chí phải ở lại buồn ra mặt.

Sáng sớm, chúng tôi đã tập trung ở trạm 66 Bộ Quốc phòng. Toàn bộ trang bị thay đổi hết: quần áo gọn nhẹ, lương khô, dao găm, súng ngắn, võng, tăng...

11 giờ, chúng tôi được đưa sang sân bay Gia Lâm, lên máy bay cánh quạt, bay vào sân bay Đồng Hới, sang máy bay trực thăng đưa lên đường Trường Sơn, đáp xuống trạm nào đó tới nay tôi không còn nhớ.

Đêm hôm đó, đoàn tôi có 12 người do anh Út Thới làm Trưởng đoàn. Sáng hôm sau, ngày 5 hay 6 tháng 4 gì đó, đoàn được cấp ba xe U oát làm phương tiện. Trên đường về Nam gặp quân ta đang hành quân rầm rập. Xe chúng tôi nhỏ, chạy nhanh, cũng thần tốc len lỏi vượt cả bộ binh, pháo binh, xe tăng mà chạy. Chúng tôi chạy ngày, có đêm nghỉ, đêm không, do cung đường quyết định. Khó nhất là chen lấn với pháo binh và xe tăng để vượt lên đi trước.

Ngồi trên xe tôi thầm tính, mình vượt Trường Sơn lần này là lần thứ tư. Lần đầu vào năm 1952 gian khổ từ Nam ra Bắc. Lần thứ hai năm 1961, vừa gian khổ vừa khó khăn từ Bắc vào Nam; Lần thứ ba năm 1973, đi nhanh nhưng ác liệt từ Nam ra Bắc. Và lần này... ít gian khố, ít ác liệt mà đầy niềm vui chiến thắng...

Sáng 12 tháng 4, chúng tôi đến Lộc Ninh. Anh Út Thới vào liên hệ với Bộ chỉ huy Miền, ở đây, chúng tôi chia tay. Anh Út Thới về làm Trưởng phòng tác chiến Bộ Tham mưu Miền, Năm Tích về làm Sư đoàn phó Sư đoàn 9. Tôi nhận quyết định về làm Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 5.

Các đơn vị đều đã triển khai các hướng chuẩn bị tấn công Sài Gòn. Tôi mừng quá, chỉ chút nữa là mình không có mặt ở trận quyết chiến chiến lược này nếu như không gặp anh Tư Chi. Khởi đầu chống xâm lược mình có mặt. Nay kết thúc chiến tranh vẫn có mặt, dù có hy sinh trong trận này cũng hả dạ!

Sáng ngày 13, Bộ chỉ huy Miền điều một xe U oát khác cấp tốc đưa tôi về Sở chỉ huy Sư đoàn bộ binh 5 Từ Lộc Ninh, xe chạy theo đường quân sự làm gấp qua một phà trên sông Vàm Cỏ, chạy băng đồng Bàu Oét về biên giới Việt Nam - Campuchia. Chập tối thì xe đến hậu cứ Sư đoàn do anh Tư Bường (Tham mưu phó) phụ trách. Hậu cứ Sư đoàn 5 đêm qua mới bị bọn phản động Pôn Pốt ném lựu đạn, mọi người đang căng thẳng canh phòng và đều ở gần công sự, sẵn sàng chiến đấu. Xe tôi bật đèn pha chạy thẳng vào chỗ anh Tư Bường. Mọi người thấy tôi về đều ngỡ ngàng, mừng rỡ vì nghĩ tôi còn phải học một năm nữa. Câu đầu tiên, Tư Bường chào tôi:

- Chị Năm cũng ở đây.

Vợ tôi cũng bất ngờ và vui mừng không tả xiết.

Tôi điện báo ngay cho Sở chỉ huy Sư đoàn biết tôi đã về. Và ngày mai, tôi sẽ có mặt ở Sở chỉ huy.

Ngày 14, anh Tư Bường tổ chức liên lạc và vệ binh đưa tôi băng đồng Long An, đi suốt ngày, chỗ lội bưng, chỗ đi xuồng. Năm giờ chiều, tôi tới Sở chỉ huy ở rừng tràm Tà Yến, cách thị xã Tân An bốn kilômét.

Sau khi trao đổi tình hình nhiệm vụ với Ban chỉ huy Sư đoàn (Năm Thược - Sư đoàn trưởng, Tám Hòa - Chính ủy, Ba Đối - Sư đoàn phó), tôi gặp anh Hai Hiệu (cơ quan tác chiến), anh Sáu Tấn (quân báo) và anh Năm Hưng (thông tin - trùng tên với tôi).

Tất cả Sở chỉ huy rất mừng khi thấy tôi về vì anh em đã quen với tôi từ nếp nghĩ đến tác phong làm việc. 11 giờ đêm, tôi điện xuống các trung đoàn để chào, cũng để nắm tình hình. Các trung đoàn trưởng Tám Nỷ (Trung đoàn 1), Quân (Trung đoàn 2), Tám Luông (Trung đoàn 3) đều mừng rỡ làm tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.

Từ ngày 15, tôi bắt tay vào cùng chỉ huy với Ban chỉ huy Sư đoàn.

Nằm trong đội hình của Đoàn 232 (tương đương cấp quân đoàn), Sư đoàn 5 được tăng cường một trung đội pháo 105 ly với 2 khẩu và một đại đội xe tăng lội nước (12 xe), có nhiệm vụ bóc gỡ hết đồn bốt vòng ngoài của tỉnh Long An, áp sát vào đường 4, chia cắt chiến dịch trên đường 4, đoạn Bến Lức - Long An và đoạn Long An - ngã ba Trung Lương, không cho địch từ Sài Gòn chạy về miền Tây và không cho địch từ miền Tây kéo về chi viện cho Sài Gòn. Khi có lệnh, lập tức tấn công tiêu diệt chi khu Bến Lức và tiểu khu Long An, giải phóng toàn tỉnh Long An.

Cùng trong ngày 15 tháng 4, chúng tôi nhận được thông báo của Bộ Chỉ huy Đoàn 232: “Bộ Chính trị đã thông qua chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Một đợt thông báo công tác tư tưởng của Sư đoàn xuống các đơn vị, đơn vị động viên quyết tâm đánh trận quyết định giải phóng Long An, góp sức vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Toàn đơn vị phấn khởi, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Ngày 20 tháng 4, sau nhiều ngày tác chiến ác liệt, Trung đoàn 3 đã gỡ bỏ hết 6 đồn bốt lẻ dọc theo sông Vàm Cỏ, Tắc Gừa rồi vượt sông ém gần đường 4. Trung đoàn 2 đã đến rừng tràm sát sân bay Long An. Trung đoàn 1 cũng đã vào vị trí tập kết tại ngã ba Trung Lương. Gian khổ khó khăn là vấn đề 2 khẩu pháo 105 ly, anh em đã tháo rời ra để chở đi bằng xuồng, song còn một bộ phận nặng nhất khoảng 600 kg không tháo được phải... khiêng để lên ghe chuyển dần xuống. Xe thiết giáp vẫn ở biên giới Campuchia - Việt Nam.

Ngày 26 tháng 4, Bộ chỉ huy Sư đoàn ra lệnh Trung đoàn 3 tấn công chi khu Bến Lức, chiếm đường 4. Tôi dặn anh Tám Luông:

- Bất kỳ giá nào cũng phải chiếm được đường 4 nghe Tám Luông.

- Anh yên chí. Tác phong Tám Luông là vậy.

Tôi nói với Tám Nỷ, Trung đoàn 1:

- Ngã ba Trung Lương địch sẽ dồn nhiều. Anh Tám tổ chức kỹ, đánh chắc, anh Tám à!

- Sư đoàn yên tâm. Tôi đã cho trinh sát bám rồi.

Tôi nói với Quân, Trung đoàn 2:

- Anh cho cán bộ và trinh sát bám tiểu khu Long An, tổ chức chiến đấu chu đáo, chờ pháo binh, khi có lệnh Sư đoàn thì tấn công.

Quân trả lời:

- Trung đoàn đã cho bám kỹ. Một bộ phận đã vượt đường sang phía đối diện rồi.

Tôi đôn đốc Tạ Điển (Chủ nhiệm pháo) kiểm tra xem 2 khẩu pháo và 100 viên đạn tới đâu. Và ra lệnh cho đại đội xe tăng lội nước tiến về hướng sông Vàm Cỏ.

Đêm 27 tháng 4, 2 khẩu pháo 105 ly với đầy đủ cơ số đạn đã chiếm lĩnh trận địa gần sân bay Long An. 11 giờ đêm, xe tăng đến sông Vàm Cỏ, đang qua sông gặp tình huống bất ngờ. Một đoàn tàu chiến của căn cứ hải quân Bến Lức từ phía trên chạy về căn cứ Bến Lức trong lúc xe tăng lội nước của ta đã lội cặp sông.

Tôi đoán, có thể tàu địch đã phát hiện được quân ta nhưng hoảng quá vì thấy quân ta đông, lại có xe tăng nên chúng chạy thẳng. Khi xe tăng lên bờ, tôi ra lệnh xe tăng chạy cặp bờ bắn chặn đoàn tàu và bộ binh Trung đoàn 3 đã bắt hết quân lính của 3 tàu chiến địch trong đêm.

Rạng sáng 28, Sư đoàn ra lệnh cho Trung đoàn 3 vây chặt và tấn công căn cứ Bến Lức, chiếm đường 4. Trung đoàn 1 chiếm ngã ba Trung Lương. Pháo binh bắn vào tiểu khu Tân An. Xe tăng phối thuộc Trung đoàn 2 tấn công tiểu khu.

Sức tấn công như vũ bão của quân ta trên các hướng tạo điều kiện thuận lợi cho Sư đoàn. Trong ngày 28, Sư đoàn đã chia cắt đường 4. Hết ngày 29, Trung đoàn 2 đánh chiếm và làm chủ tiểu khu Long An. Sáng 30, Sở chỉ huy Sư đoàn 5 đã di chuyển về căn cứ hải quân Bến Lức của quân ngụy Sài Gòn.

Sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ chia cắt chiến trường trên đường 4, chặn đứng và cắt đứt đường 4, tiêu diệt chi khu Bến Lức và tiểu khu Long An. Cùng với lực lượng tại chỗ, Sư đoàn đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Long An.

Gần 30 năm theo cách mạng, gắn bó với cách mạng, lần này là lần tôi vui mừng tột đỉnh, nhưng cũng không khỏi chạnh lòng thoảng qua một nỗi buồn man mác. Để có ngày nay, bao nhiêu đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Nước mắt tôi tràn mi, rơi xuống, không biết là buồn hay vui nữa !
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười, 2012, 02:53:38 pm gửi bởi macbupda » Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #62 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 10:12:06 am »

TẠI BỘ THAM MƯU QUÂN KHU 7

Ngày 6 tháng 5 năm 1975, Sư đoàn 5 đã ổn định đội hình đóng quân dọc đường 4 từ Bến Lức xuống ngã ba Trung Lương. Tôi dùng xe Honda 90 chở vợ tôi và 2 xe chở 4 chiến sĩ trinh sát đi về làng An Phú Tây, quê tôi. Len lỏi trong rừng người đổ xuống đường mừng chiến thắng, đến ngã ba đầu cầu Bình Điền, giữa đám đông đồng bào, tôi hỏi lớn:

- Ở đây, có ai ở làng An Phú Tây không?

Một anh trạc tuổi tôi chen đến đứng sát tôi:

- Có phải anh là anh Trịnh?

Tôi ngạc nhiên:

- Sao anh hỏi vậy?

Anh trả lời:

- Tôi đã kiểm người An Phú Tây hết rồi. Ai đi bên nào, ai còn, ai mất, tôi biết hết. Chỉ còn thiếu mỗi mình anh, không biết ra sao. Nay thấy anh hỏi người làng An Phú Tây, mừng quá, tôi đoán chắc là anh Trịnh...

- Đúng tôi rồi. Anh là ai?

- Tôi, Mười Bộ đây. Nhớ chưa?

Té ra là anh Mười, bạn của anh ba tôi và tôi hồi nhỏ. Tôi và anh ôm nhau rất cảm động. Sau đó, anh cho địa chỉ cậu Sáu (là em mẹ tôi) và cha tôi.

Tôi len lỏi trong rừng người xuống ngã ba Rạch Cát, qua đò, lên chỗ tiệm nước chú Hùng cũ, nơi đây đã thay đổi quá nhiều. Tôi hỏi đến nhà cậu Sáu. Vừa thấy tôi ông đã nhận ra ngay, mừng rơi nước mắt ông nói:

- Con còn sống về thăm cậu là quý rồi.

Sau khi hỏi thăm bà con thân tộc, tôi dồn ba em trinh sát đi một xe, còn một xe chở cậu dẫn đường ra cầu Nhị Thiên Đường để gặp cha tôi.

Nhà cha tôi ở gần cầu Mật, sát bờ sông. Nhà thì một nửa trên bờ, nửa trên sông, lợp tôn. Khi cậu đưa tôi vào nhà mọi người ngơ ngác, không ai nhận ra ai. Cậu Sáu dắt tôi đến trước một ông già:

- Đây là cha mày !

Lúc tôi đi, ông 42 tuổi, nay ông đã 72 tuổi. Đầu ông cạo trọc, người gầy ốm, trông già khọm. Và cậu Sáu chỉ vào tôi: “Đây là con anh, thằng Trịnh đó !"

Ông nhìn tôi, tôi nhìn ông, không ai khóc. Có lẽ sau một thời gian dài, cuộc chiến tranh dài đến mức cha con khi gặp nhau không còn nhận ra nhau nữa.

Trở về đơn vị, các anh trong Ban chỉ huy Sư đoàn cũng tranh thủ thời gian về thăm gia đình. Anh Năm Thược về Bắc, anh Tám Hòa về Bến Tre, anh Ba Đối về Quảng Nam. Thường trực Sư đoàn chỉ còn tôi nên không thể về thăm cha mẹ vợ và các con tôi được. Tôi nói vợ tôi đi trước nhưng Tuyết không chịu, nhất quyết chờ tôi.

Sau hơn nửa tháng, gần cuối tháng 5 vợ chồng tôi mới về xã Hòa Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa thăm mẹ và các con.

Xe chạy vào đến cửa nhà, mọi người đều mừng rỡ. Mẹ vợ tôi mắng yêu:

- Dữ ác không ! Chúng nó không nhớ con nó, nay mới chịu về !

Tôi phải thanh minh để gia đình thông cảm. Lúc này, các con tôi đứa lớn đã sáu tuổi, đứa kế bốn tuổi và bé Hà hai tuổi vừa biết đi. Bà ngoại gọi chúng lại:

- Đây là ba má các con đó.

Vợ chồng tôi đến ẵm các con, chúng chạy hết. Hùng và Hải chạy ra vườn, đứng ngó vào trân trân. Hà chạy lại, ôm chặt bà ngoại.

Từ lâu, nhằm che mắt địch, các con tôi đều gọi dì năm chúng là mẹ. Vì còn quá nhỏ, chúng đâu có biết tôi và Tuyết mới đích thực là cha mẹ chúng. Tôi thương các con quá và nghĩ đến tuổi thơ của mình. Còn Tuyết tủi thân quá, đôi mắt người mẹ lặng lẽ nhòa đi trong dòng lệ.

*
*   *

Tháng 10 năm 1975. tôi nhận quyết định về làm Trưởng phòng tác chiến Bộ Tham mưu Quân khu 7. Từ lâu, toàn ở đơn vị tác chiến, nay về cơ quan mới, hầu hết là những sĩ quan “đầu có sạn” từ tác chiến Miền trong đánh Mỹ vẫn còn đây, tôi lường trước những khó khăn sẽ gặp.

Tôi về Bộ Tham mưu, các anh vốn biết tôi là Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 5 nhưng vẫn thầm xem “giò cẳng anh này ra sao”.

Trong lúc đó, hưởng ứng phong trào xây dựng sau hòa bình, trong cơ quan và dọc các đường nội bộ Bộ tham mưu la liệt khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất”. Ngay hội trường Phòng tác chiến cũng căng khẩu hiệu ấy ở chỗ trang trọng nhất.

Sau khi nắm tình hình Phòng, tôi bắt đầu chấn chỉnh tổ chức các ban: Chiến trường, Tổng hợp, Văn thư, Đồ bản, và củng cố nghiêm ngặt chế độ trực ban. Tôi đả thông tư tưởng các sĩ quan của Phòng:

- Ta đã chiến thắng, giải phóng miền Nam nhưng tàn quân ngụy vẫn còn lén lút hoạt động quấy rối, phá hoại nhiều nơi, nhất là vùng La Ngà. Pôn Pốt đã xâm phạm biên giới Tây Ninh, xâm phạm đảo Phú Quốc, Thổ Chu giết hại đồng bào ta. Nhiệm vụ của Phòng tác chiến là theo dõi sát mọi hoạt động của địch, đề đạt phương án diệt địch. Không phải nhiệm vụ trọng tâm là sản xuất. Tất cả khẩu hiệu về sản xuất trong Phòng tác chiến đều phải dẹp hết.

Tôi cho gỡ hết khẩu hiệu sản xuất và thay bằng một khẩu hiệu hướng dẫn tác phong công tác của người sĩ quan tác chiến: Khẩn trương - Thận trọng – Tỉ mỉ - Chuẩn xác - Dám Nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm.

Tôi cho vẽ luôn bằng sơn và căng khẩu hiệu mới này lên chỗ trang trọng nhất của hội trường Phòng tác chiến.

Đây là cái “sốc” đầu tiên của Đảng ủy Bộ tham mưu đối với tôi. Anh Năm Bích rất hiểu và thương tôi. Là Phó Bí thư Đảng ủy, anh xuống Phòng tác chiến gặp tôi và hỏi:

- Tất cả cho sản xuất là chủ trương lúc này, sao Năm Hưng cho dẹp hết khẩu hiệu ấy?

Tôi báo cáo với anh:

- Tình hình còn phức tạp. Trên biên giới, Pôn Pốt đã giết hại đồng bào ta. Chưa biết tình hình rồi sẽ dẫn tới đâu. Nhiệm vụ trung tâm của Phòng tác chiến là theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động của địch, đề nghị phương án tác chiến đúng và phù hợp chứ không có sản xuất. Anh cho phép tôi chịu trách nhiệm trước Đảng ủy.

Anh im lặng ra về. Khi Chi bộ Phòng tác chiến bầu cấp ủy, tôi rớt. Tôi không nao núng và báo cáo với chi bộ:

- Lãnh đạo là quyền của cấp ủy. Nhưng việc của chính quyền, của Phòng tác chiến, mọi sĩ quan phải chấp hành theo nhiệm vụ tôi phân công.

Không khí nội bộ cơ quan có hơi căng thẳng, song diễn biến nhiệm vụ lại phù hợp với ý định của tôi. Từ cuối tháng 12, tàn quân địch ở ven sông La Ngà nổi dậy quấy rối. Ta phải dùng trực thăng đổ quân xuống các cù lao tiêu diệt chúng. Pôn Pốt không chỉ xâm phạm biên giới Tây Ninh liên tục mà còn mở rộng lên biên giới Sông Bé, kéo dài xuống Long An. Sĩ quan tác chiến bù đầu bù cổ, chạy bở hơi tai.

Hai tháng sau, Chi ủy đề nghị bổ sung tôi vào cấp ủy phòng và Bộ tham mưu. Tập thể đã thừa nhận tôi đúng.

Từ năm 1976 đến đầu năm 1977, Phòng tác chiến Quân khu là đầu mối tổng hợp tin tức, hoạt động rất tất bật. Pôn Pốt xâm phạm biên giới, đánh cả đồn biên phòng Xa Mát, đồn biên phòng Bến Cầu, giết hại đồng bào ta ở Tân Biên. Lực lượng Sư đoàn 5, Quân đoàn 4 phải lên “be bờ” ở biên giới Sông Bé và Tây Ninh.

Phòng tác chiến phân công cán bộ đi khắp nơi để nắm tình hình và chuyển mệnh lệnh. Tại cơ quan phòng, đèn sáng thâu đêm. Cán bộ chiến trường với cây bút chì xanh đỏ đánh dấu trên bản đồ theo dõi diễn biến tình hình. Trực ban nhận tin khắp các tỉnh trong Quân khu, đọc điện cơ yếu, ghi nhật ký tình hình tác chiến và tổn thất của ta... Sĩ quan tổng hợp, từ 3 giờ sáng phải ngồi tổng hợp tình hình trong 24 giờ, đến 5 giờ phải giao bản tổng hợp cho tôi để tôi xem lại. 7 giờ sáng, tôi báo cáo trong giao ban với Bộ Tư lệnh Quân khu.

Để hoàn thành nhiệm vụ, không đêm nào tôi ngủ đủ giấc. Mọi báo cáo về trực ban tôi xem hết, các điện cơ yếu đều phải đọc hết, tra bản đồ và xác định vị trí bên ta, bên đất Campuchia.. Khi sĩ quan tổng hợp đưa báo cáo tổng hợp tình hình 24 giờ qua, tôi đọc qua đã biết đúng sai. Có hôm đọc xong, không còn thời gian sửa chữa, lên họp giao ban Bộ Tư lệnh, tay cầm báo cáo nhưng tôi thuộc lòng tình hình nên đã thêm vào những cái không có trong báo cáo.

Thời đó, tác phong công tác của Tư lệnh Quân khu Thượng tướng Trần Văn Trà (anh Tư Chi) rất nghiêm trình bày vấn đề cực kỳ chuẩn xác, chỉ bản đồ cũng thật chính xác. Anh không dùng gậy quay tròn khu vực trên bản đồ. Tôi thích người chỉ huy như vậy, giúp cho cấp dưới rèn luyện tác phong chuẩn xác của mình.

Thời gian tôi làm Trưởng phòng Tác chiến Quân khu là thời gian để lại trong tôi nhiều điều đáng nhớ. Tôi đã xây dựng được sự đoàn kết trong cơ quan, vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa được anh em tin tưởng, xóa đi cái “xem xem” của anh em khi tôi mới về Phòng.

« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười, 2012, 02:54:34 pm gửi bởi macbupda » Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #63 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 10:19:50 am »

SƯ ĐOÀN 303 ĐÁNH PÔN PỐT

Tháng 8 năm 1977, Thượng tướng Trần Văn Trà được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, anh Lê Đức Anh làm Tư lệnh Quân khu.

Ngày 19 tháng 8 năm 1978, Quân khu quyết định thành lập Sư đoàn 303 gồm các đơn vị đang sản xuất ở Phước Long tập hợp lại. Sáng hôm ấy, giao ban Bộ Tư lệnh bàn việc củng cố gấp Sư đoàn 303 để nhanh chóng đưa vào chiến đấu trên hướng Mimốt, anh Lê Đức Anh hỏi Phòng cán bộ Cục Chính trị:

- Sư đoàn trưởng là ai?

- Báo cáo chưa có. Phòng cán bộ trả lời.

Anh Lê Đức Anh nói luôn:

- Sư đoàn mới không có Sư đoàn trưởng không được. Đồng chí Năm Hưng bàn giao Phòng tác chiến để ra làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 303. Phòng cán bộ làm bản đề nghị gửi Cục cán bộ và Ban Bí thư Trung ương rồi đưa tôi ký!

Lúc này, cán bộ cấp sư đoàn do Ban Bí thư quản lý, việc quyết định bổ nhiệm Sư đoàn trưởng do Thủ tướng Chính phủ ký. Quyết định Sư đoàn trưởng của tôi do Thủ tướng ký.

Sau giao ban, buổi chiều về Phòng tác chiến, tôi bàn giao công việc cho anh Bảy Răng (Phó phòng). Tôi báo anh Nguyễn Thanh Hùng (Bảy Hùng) - Trưởng phòng Quân lực cho tôi xin một xe Jeep và hai vệ binh. Ngày 20, tôi lên Đồng Nai liên hệ chọn địa điểm ở Long Bình để tập hợp Sư đoàn bộ và triển khai các địa điểm ở Vũng Tàu tập kết Trung đoàn 33, Trung đoàn 316 và Sông Bé tập kết Trung đoàn 1 (155).

Ngày 20 tháng 8 năm 1978, tôi chính thức nhận nhiệm vụ Sư đoàn trưởng. Ban chỉ huy Sư đoàn có anh Bảy Dũng làm Chính ủy; anh Phương làm Sư đoàn phó, anh Kiểm làm Tham mưu trưởng. Toàn anh em quen biết nhau từ trước nên việc triển khai công tác tập kết Sư đoàn từ Phước Long về, việc củng cố, bổ sung trang bị vũ khí cũng như việc nhanh chóng hoàn thành sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn đã diễn ra suôn sẻ, vì anh em dễ thông cảm nhau, ai cũng chung lo.

Về việc củng cố Sư đoàn, tôi vừa suy ngẫm, sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã say sưa, thỏa mãn với thắng lợi và cho ra quân ồ ạt. Không chỉ mất cảnh giác từ chiến lược đến chiến dịch mà còn ảnh hưởng tới chiến thuật và chiến đấu xộc xệch. Tư tưởng hòa bình chủ nghĩa tệ hại. Thế nhưng, bây giờ nói với ai, than với ai? Đành phải sửa sai bằng cách dồn hết mọi nỗ lực để nhanh chóng củng cố Sư đoàn đưa vào chiến đấu.

Rạng ngày 22, Sư đoàn nhận lệnh tấn công chiếm đường 7, Mimốt, Trung đoàn 316 đánh chiếm bắc Kàchay lên dốc ba cầu, đường đi Snoul.

Ngày 25, Sư đoàn đã ổn định đội hình đứng ở nam - bắc đường 7 từ Mimốt đến bắc Kàchay, bắt đầu có kế hoạch từng đơn vị đánh bung ra diệt Pôn pốt, giải phóng và cứu đói nhân dân Campuchia.

Tháng 9 năm 1978, Sư đoàn 303 cùng Sư đoàn 5 đánh chiếm Snoul. Sư đoàn 303 phát triển phía tây Snoul và Sư đoàn 5 phía đông Snoul, thực hiện truy lùng Pôn Pốt, giải phóng và cứu đói nhân dân Campuchia trên một vùng rộng lớn tỉnh Congpongcham.

Ngày 21 tháng 12 năm 1978, Sư đoàn nhận nhiệm vụ tấn công sông Mê Kông, giải phóng tỉnh Kratié, đánh cặp theo sông Mê Kông xuống Salon, quét địch ở Chầm Ka An Đông, vượt sông Mê Kông phát triển về hướng Congpongthom. Toàn Sư đoàn đã vượt sông Mê Kông đứng từ Congpongcham lên ngã ba Congpongthom.

Từ đây, Sư đoàn đảm nhận đánh địch trên tỉnh Congpongcham, đi sâu vào căn cứ của Pôn Pốt ở Nui Chi, sông Chi Nít.

Cuộc chiến đấu lùng sục, tiêu hao, tiêu diệt bộ phận địch đầy gian khổ và hy sinh. Trước kia, ta bám đánh du kích, đánh nhỏ với Mỹ. Nay, Pôn Pốt cũng bám đánh du kích, đánh nhỏ với ta, không ngày nào và không đơn vị nào trong ngày không nổ súng với địch. Trang bị quân Pôn Pốt khá đầy đủ. Đánh nhỏ, song chúng có cả súng cối. B40, B41 bắn cháy xe tăng ta. Đồng chí Nhỏ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 316, đi xe Jeep có xe tăng đi đầu bị quân Pôn Pốt dùng B40 bắn du kích, hy sinh gần Congpongthom. Đi trên các tuyến đường phải an ninh lộ trình rồi mới cho xe chạy.

Sư đoàn chỉ đạo, hàng ngày các trung đoàn đánh liên tục vào rừng căn cứ của Pôn Pốt và cứu đói cho nhân dân Campuchia tại các nơi trung đoàn đứng chân.

Ngày 12 tháng Giêng năm 1979 cùng toàn chiến trường Campuchia, Sư đoàn 303 đã góp phần vào giải phóng đất nước Campuchia.

Ở sát biên giới, nhưng nhân dân Campuchia bị bọn Pôn Pốt sát hại thảm khốc mà lúc đầu ta không hay biết. Chúng gom dân lập từng công xã, đàn ông ở theo đàn ông, đàn bà ở theo đàn bà, đi sản xuất tập thể có lính Pốn Pốt gác, mặc quần áo chỉ một màu đen, phụ nữ cắt tóc ngắn tới vai, không có chợ, không xài tiền, ăn tập thể, không ai được đốt lửa riêng, cãi lại giết ngay, giết bằng đập đầu... Một cảnh diệt chủng thảm khốc hãi hùng chỉ khi quân ta sang Campuchia giúp bạn, ta mới dần dần tường tận.

*

Qua nắm tình hình, thấy nhân dân Campuchia vẫn rất sùng bái Xihanúc. Bị đàn áp tồi tệ như vậy nhưng nhân dân Campuchia vẫn giữ hình Xihanúc bỏ vào chai chôn xuống đất giấu. Lòng tin của dân Campuchia đối với Xihanúc như nhân dân Việt Nam tin tưởng và quý trọng Bác Hồ. Nhân dân Campuchia rất căm thù Pôn Pốt.

Tháng 4 năm 1979, đại diện Trung ương ở phía Nam - anh Lê Đức Thọ - mở cuộc họp các chỉ huy chiến trường từ cấp sư đoàn trở lên nhằm tổng hợp, quán triệt tình hình, giải quyết khó khăn và phổ biến nhiệm vụ sắp tới tại T78 thành phố Hồ Chí Minh.

Nhân nghỉ giải lao ra hành lang hội trường, tôi đến gặp anh Sáu Thọ, chân thành phát biểu nhận thức của mình về tình hình Campuchia:

- Thưa chú Sáu! Qua nắm tình hình bên Campuchia tôi thấy có vấn đề này cần lưu tâm. Nhân dân Campuchia rất căm thù Pôn Pốt và càng ngưỡng mộ, tin tưởng, tôn sùng Xihanúc. Không khác gì nhân dân Việt Nam ta tôn kính Bác Hồ. Đề nghị chú nghiên cứu sử dụng Xihanúc làm Chủ tịch Mặt trận gì đó ở Campuchia thì rất có lợi cho cách mạng Campuchia...

Anh Sáu Thọ tạt cho tôi một gáo nước lạnh:

- Lúc này mà đồng chí còn có tư tưởng sử dụng Xihanúc?

Khi vào hội nghị, không chỉ đích danh tôi nhưng anh phân tích ý kiến của tôi là mất lập trường.

Tôi đau lắm. Mình sống chính con người mình, nghĩ rằng đề xuất ấy là sự mềm dẻo chính trị, là sách lược và sách lược ấy phù hợp với tình hình phát triển cách mạng Campuchia nên mới có ý kiến thế. Không ngờ cái miệng nó kiện cái thân mình!

Tuy bị phê phán, song tôi vẫn nghĩ ý kiến đề xuất của mình là chỉ có lợi cho cách mạng Campuchia. Tôi nhớ lại thuở ban đầu dựng nước, Bác Hồ với chính sách đại đoàn kết dân tộc đã thu hút bao nhiêu nhân sĩ, trí thức những Bùi Bằng Đoàn, Vi Văn Định, những Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Huyên... Sai, đúng của tôi thế nào, thời gian sẽ trả lời...

Và thực tế sau này đã chứng minh gợi ý của tôi với anh Sáu Thọ về sử dụng Xihanúc, gợi ý ấy chẳng những đã không bị gạt bỏ mà còn trở thành chủ trương của Trung ương. Đề xuất ấy của tôi rõ ràng không phải là vô bổ.

Chủ trương sử dụng Xihanúc của Trung ương vô hình chung lại minh oan cho việc “mất lập trường” của tôi như anh Sáu Thọ đã phân tích!

Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #64 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 10:33:21 am »

SƯ ĐOÀN 303 "BẮC TIẾN"

Tháng 10 năm 1979, tôi đang cùng đơn vị hoạt động vùng sâu Congpongcham, dọc theo sông Chi Nít lên Nui Chi, cách căn cứ Sư đoàn ở Cham Ka Lơ trên 30 kilômét trong rừng sâu thì nhận được điện của Bộ Tư lệnh Quân khu về căn cứ Sư đoàn nhận nhiệm vụ.

Không thể ra bằng đường bộ được, tôi đề nghị tiền phương Bộ tổng tham mưu cho trực thăng vào đón. Về đến căn cứ Sư đoàn, tôi thấy có các đồng chí Bộ Tư lệnh Quân khu: đồng chí Bảy Cống (Đồng Văn Cống), Chín Như (Võ Minh Như) và các cơ quan quân khu. Cả đại diện Cục vận tải Tổng cục Hậu cần cũng có mặt. Tôi đoán có thể cơ động lên Siêm Rệp vì phương án này đã có và tôi đã đi trinh sát vùng Ăngco – Siêm Rệp rồi.

Vào họp nhận nhiệm vụ, mọi ý nghĩ ban đầu đều đảo lộn, bất ngờ đến ngỡ ngàng. Sư đoàn 303 được bổ sung đầy đủ xe pháo, tổ chức hành quân cấp sư đoàn từ Congpongcham ra Hà Nam Ninh, Quân khu 3. Sau 15 ngày đến Hà Nam Ninh, phải xây dựng xong phương án đánh quân địch đổ bộ đường biển lên Hải Hậu (Nam Định), cùng Quân đoàn 1 giữ vững giải Tam Điệp. Trước mắt, bắt liên lạc với Quân khu 3 để được giúp đỡ địa bàn đóng quân. Sau khi đứng chân xong sẽ nằm trong đội hình Quân đoàn 9 Bộ Quốc phòng.

Sư đoàn gấp rút thu quân, củng cố tổ chức, tiến hành công tác chính trị, lãnh đạo tư tưởng, tổ chức hành quân.

Bảo đảm vận chuyển từ Congpongcham về Long Bình - Biên Hòa do Trung đoàn vận tải ô tô Quân khu phụ trách Từ Long Bình - Biên Hòa hành quân bằng tàu hỏa ra Nam Định do Cục vận tải Tổng cục Hậu cần phụ trách. Chậm nhất sau một tháng, toàn Sư đoàn phải có mặt ở Hà Nam Ninh.

Nhiệm vụ đột xuất, bất ngờ, mới mẻ - hành quân bằng tàu hỏa - suốt quá trình công tác tôi chưa gặp. Sư đoàn tiến hành mọi công tác tổ chức. Họp Đảng ủy Sư đoàn mở rộng ra nghị quyết lãnh đạo, tiến hành giao nhiệm vụ cho cơ quan và đơn vị, cử tiền trạm về Long Bình và tiền trạm ra Hà Nam Ninh.

Khó khăn nhất là lãnh đạo tư tưởng. Sư đoàn có 7.500 quân thì có 3.500 anh em cán bộ, chiến sĩ phía Nam. Việc đưa quân ra Bắc gặp trở ngại lớn về tư tưởng, phải làm thế nào để anh em thông suốt.

Sư đoàn tiến hành thu quân, chấn chỉnh tổ chức, làm công tác lãnh đạo tư tưởng tại Campuchia, đồng thời cử tiền trạm chuẩn bị hai nơi - Long Bình, Biên Hòa và Hà Nam Ninh đến 15 tháng 11 thì cơ bản hoàn thành.
Ngày 20 tháng 11, Sư đoàn phát lệnh hành quân. Đơn vị tổ chức thành từng khối, mỗi khối 600 quân đi đủ hai vagông xe lửa và bốn vagông chở giường, phản và các phương tiện, dụng cụ vật chất khác. Xe pháo kèm theo đi vagông trần.

Chỉ huy sư đoàn điều hành chỉ huy hành quân ở Long Bình. Bộ phận tiền trạm đặt tại ga Gôi Nam Định tiếp nhận. Hai đầu liên lạc chặt chẽ với nhau.

Ngày 25 tháng 11, tôi về Sở chỉ huy ở Long Bình điều hành công việc. Ở đây, cứ chiều, tôi về nhà là sáng lại đi. Tôi chưa dám nói cho vợ tôi biết tôi phải ra Bắc.

Tuyết thấy tôi sao lần này gần nhà lâu quá, cả hai tuần vẫn chưa thấy lên lại Campuchia bèn hỏi. Tôi trả lời quấy quá:

- Còn công việc ở Quân khu.

Vẫn chưa dám nói thật.

Khoảng năm ngày sau nữa, tôi đành vào Bộ Tư lệnh cứu viện các anh ra nói chuyện với vợ tôi về nhiệm vụ của tôi. Cục chính trị cử anh Mười Ngà, Trưởng phòng Cán bộ, là bạn của vợ chồng tôi. Anh ra, phân trần với vợ tôi:

- Cả sư đoàn ra Bắc, Năm Hưng là Sư đoàn trưởng không đi sao được! Không đi, cán bộ dễ nản lòng, lính hoang mang dao động có thể xảy ra đào ngũ... Chị ở nhà có khó khăn, tập thể và cơ quan không bỏ chị đâu.

Sau khi nghe Mười Ngà nói, vợ tôi nín lặng hồi lâu. Trấn tĩnh trở lại, Tuyết mới trả lời:

- Nhiệm vụ, anh cứ yên tâm mà đi. Em sẽ cố gắng như hồi đánh Mỹ vậy. Cảm ơn anh Mười.

Đã bốn năm sau ngày giải phóng miền Nam, vợ con tôi vẫn chưa thực sự sống có hòa bình như nhiều gia đình bình thường khác. Tôi xót xa thay cho Tuyết, song không thể làm gì hơn được.

Cuối tháng 11 năm 1979, sau gần một tháng Sư đoàn hành quân, Quân khu tổ chức một cuộc họp có quân - dân - chính - Đảng trong Quân khu để tiễn đưa Sư đoàn đi chiến đấu ở phía Bắc. Sư đoàn có Ban chỉ huy Sư đoàn và đại điện các trung đoàn. Cuộc tiễn đưa bí mật làm êm lòng người đi. Lần đầu tiên tôi thấy anh Năm Ngà xúc động, ôm ghì lấy tôi không nói được gì mà nước mắt ròng ròng. Tôi cũng khóc.

Các tỉnh tặng cho Sư đoàn vô số vật chất. Tây Ninh, 15 tấn đường. Long An, 5 tấn muối tiêu ngon. Thành phố Hồ Chí Minh. 40.000 gói mì tôm. Đồng Nai, quần áo và khăn mặt.

Cuốn phim tiễn đưa này còn giữ bí mật đến nay.

Ngày 20 tháng 12, toàn Sư đoàn đã ổn định đội hình ở Hà Nam Ninh. Sư đoàn bộ ở xã Nam Vân, Trung đoàn 33 ở Vụ Bản, Trung đoàn pháo ở Núi Gôi, Trung đoàn 316 ở Nam Ninh.

Trong quá trình hành quân trên 100 người đào ngũ, nhưng sau một tháng lại có mặt đông đủ. Biết ra đây là chuẩn bị chiến đấu bảo vệ đất nước thì không đồng chí nào bỏ cuộc, dù là một chiến sĩ bình thường. Không kịp từ giã gia đình, những đồng chí nhẹ dạ bỏ về thăm nhà vài ngày sau đó đã trở lại với đơn vị.

Sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ hành quân đường dài một cách xuất sắc, không xảy ra một tai nạn nào.

Sư đoàn hành quân ra Bắc là một sư đoàn mạnh; được trang bị xe chỉ huy, xe hậu cần, xe kéo pháo mặt đất, xe kéo cao xạ đầy đủ. Xe con dùng cho chỉ huy đến cấp trung đoàn, trong lúc ngoài Bắc chỉ cấp sư đoàn mới có. Vật chất mang theo đủ dùng trong 3 tháng. Xăng dầu 37.000 lít, bột ngọt ăn 3 tháng, cơ số thuốc cho chiến thương đầy đủ, phản nằm mỗi người một chiếc.

Ra đóng quân nhà dân, song bộ đội ít gặp khó khăn. Chỉ có điều, do thay đổi khí hậu, lạ nước nên bệnh sốt rét tái phát và tăng cao. Cơ quan Quân khu xuống xem Sư đoàn có yêu cầu gì, tôi chỉ đề nghị giúp giải quyết nạn sốt rét.

Sau 15 ngày ổn định đội hình, Sư đoàn báo cáo quyết tâm chống đổ bộ đường biên lên Hải Hậu với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 9.

Gần 20 năm tôi mới trở lại đóng quân trong vùng nông thôn miền Bắc. Lần này khác xa những năm 1960 trở về trước. Đời sống nhân dân no ấm, không còn cảnh ngủ ổ rơm, ăn cơm trong xó bếp với nước cải chua. Bây giờ bữa cơm có thịt, cá; tối ngủ có mùng mền, có nhà có cả nệm. Không còn ai mặc rách, mặc vá.

Tôi mừng cho dân. Bộ đội không phải cứu đói cho trẻ nhỏ như 20 năm về trước.

Nhằm cải thiện đời sống bộ đội - cũng là bản chất của Quân đội nhân dân, là đội quân sản xuất khi chưa có giặc - tôi và cơ quan hậu cần vào Thanh Hóa xin đất thuộc vùng rừng núi Như Xuân đưa bộ đội lên sản xuất.

Cứ như thế: đều đặn học tập, lao động, sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị của Sư đoàn đứng trên địa bàn của mình còn làm tốt công tác dân vận trong quan hệ với dân.

Cuối năm 1982, Trung ương họp đánh giá lại tình hình và có chủ trương đẩy mạnh 3 mũi nhọn kinh tế: dầu khí, trồng cao su và sản xuất lúa.

Quân khu 3 được giao nhiệm vụ đưa từ 3.000 đến 5.000 người vào miền Đông Nam Bộ trồng cao su. Chớp thời cơ, tôi đề nghị với đồng chí Nguyễn Quyết - Tư lệnh Quân khu - cho tôi tổ chức 2 trung đoàn anh em chiến sĩ và cán bộ miền Nam trở lại Phước Long trồng cao su, Sư đoàn sẽ tuyển quân miền Bắc bù vào quân số sư đoàn. Bộ Tư lệnh Quân khu 3 xét thấy đề nghị của tôi là hợp lý hợp tình, hoàn toàn đồng ý. Sư đoàn gom hết cán bộ, chiến sĩ gốc miền Nam tổ chức thành 2 Trung đoàn cho hành quân bằng xe lửa trở lại Phước Long.

Hai trung đoàn đi rồi, Sư đoàn trở nên xộc xệch. Khẩu đội trưởng pháo, y tá, tiểu đội trưởng, lái xe... thiếu nát hết. Tôi động viên cơ quan mở lớp y tá, lớp tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng và gửi đi học lái xe ở Quân khu và Bộ.

Toàn sư đoàn thành trường học. Phải đào tạo cấp tốc để sau Tết 1983, Sư đoàn nhận quân mới có đủ chỉ huy. Tháng 2 năm 1983, Sư đoàn nhận tân binh vào, số cán bộ cơ sở chỉ huy đã đào tạo kịp, Sư đoàn đủ quân số, vẫn sẵn sàng chiến đấu.

Toàn Sư đoàn chỉ còn mình tôi - Sư đoàn trưởng - là người miền Nam. Tháng 4 năm 1983, Bộ Quốc phòng quyết định để tôi bàn giao nhiệm vụ cho Sư đoàn trưởng mới. Tôi nhận nhiệm vụ Tham mưu phó, Trưởng phòng Tác chiến Quân khu 7.

Nhớ lại chuyện nhà. Tôi đi, vợ tôi phải chăn nuôi heo tăng gia để đảm bảo cuộc sống gia đình trong lúc các con tôi còn nhỏ đều đang đi học. Tuyết lại ốm đau luôn vì sức khỏe sa sút, các thứ bệnh có dịp phát ra. Nhưng vợ tôi đầy nghị lực, thư từ không bao giờ kêu khó, không bao giờ than thở. Thư nào cũng nhắc tôi yên tâm với công việc.

Cuối năm 1982, tôi nhận được một bức điện ký tên Phương gọi tôi về ký tên bảo đảm cho vợ mổ. Tôi hơi lúng túng, Sư đoàn đang sẵn sàng chiến đấu làm sao đi? Tôi điện về Bộ Tham mưu Quân khu 7 nhờ anh Năm Bích, Tham mưu phó vào bệnh viện ký thay tôi. Ban cán bộ Sư đoàn báo cáo tình hình vợ tôi lên Phòng cán bộ Quân khu và Quân đoàn 9. Các anh điện xuống cho phép tôi về nuôi vợ mổ.

Tôi đáp máy bay về. Chỉ gặp các con ở nhà. Vào Bệnh viện 7A của Quân khu thì vợ tôi đã chuyển qua Bệnh viện Hùng Vương. Tuyết bị u xơ tử cung, nếu không mổ sớm dễ chuyển thành ung thư.

Thật may, gặp bác sĩ Bình, Viện trưởng cùng là bạn chiến đấu cũ, anh đích thân đứng ra mổ cho Tuyết (bác sĩ Bình khi lập Sư đoàn 5 anh là bác sĩ của Sư đoàn. Sau được đi học chuyên về phụ khoa ở Hunggari và Pháp 8 năm, khi giải phóng Sài Gòn anh tiếp quản và làm Viện trưởng Bệnh viện Hùng Vương. Rủi cho anh năm 1987, anh bị điện giật chết!). Tôi vô cùng cảm ơn anh.

Tôi về, được biết thêm trong thời gian tôi đi vắng, cán bộ các phòng trong Quân khu, các anh thủ trưởng Bộ Tham mưu Quân khu đã hết sức lo lắng, giúp đỡ vợ con tôi.

Tuyết đau, vào Bệnh viện 7A không cần giấy giới thiệu. Nghe nói ngoài miền Trung có người chữa giỏi, các anh cho xe, cho người đưa Tuyết đi.

Các bác sĩ, y tá Bệnh viện 7A đều hết lòng chăm lo cho Tuyết mỗi đợt vào trị bệnh.

Đó là tình cảm ruột liền ruột, xương liền xương của Quân khu 7, quân khu của miền Đông Nam Bộ, vùng đất tôi đã gắn bó như keo sơn từ thuở thiếu thời vào bộ đội...

...Sau hơn 3 năm trở ra Bắc trong hòa bình, tôi trở về làm Tham mưu phó, Trưởng phòng tác chiến Quân khu 7.

Về đây, với cảnh cũ người xưa, với bao nghĩa tình thân thương. Từ Tham mưu trưởng - anh út Liêm (Bùi Thanh Vân), Tham mưu phó - anh Năm Bích, anh út Đặng, anh Năm Đàng... đến các trưởng phòng đều là những đồng chí, những người bạn thân thiết đã quen nhau nếp nghĩ nếp công tác. Mọi công việc không có gì khó khăn. Chỉ có nhịp độ công tác khẩn trương hơn, phạm vi rộng hơn. Quân khu 7 chỉ huy cả 2 mặt trận 479 và 779 lên Campuchia và các tỉnh miền Đông. Khối lượng công việc nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong Bộ Tham mưu mọi việc tiến hành rất ăn ý, rất khớp; do đó đã phục vụ kịp thời cho Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chỉ đạo và chỉ huy hai mặt trận quân tình nguyện và các tỉnh nội địa.

Đêm mồng 2 rạng mồng 3 Tết năm 1984, tôi đang trực trong cơ quan. Ba giờ sáng, vợ tôi báo:

-Anh Năm! Cha đã mất.

Tôi rất tỉnh táo vì mọi hậu sự cho ông, tôi đã chuẩn bị trước hết rồi.

Tôi trả lời Tuyết:

- Em cứ chuẩn bị sẵn ở nhà. Giao ban xong, anh về rước em qua nhà cha.

Tuyết trả lời:

- Anh giao ban xong trưa mất. Sang đến nơi thì đã tẩm liệm rồi, không thấy mặt cha đâu.

Tôi điện cho anh Út Đặng (Tham mưu phó):

- Anh vào giúp tôi trực và giao ban. Cha tôi chết rồi.

Anh Út Đặng mau mắn:

- Năm Hưng đi đi, tôi vào ngay.

Tôi không báo cho cơ quan, cũng không báo cho Bộ Tư lệnh vì sợ phiền các anh phải đi viếng. Nhà cha tôi chật chội, nghèo khổ lắm, tận bên quận 8.

Các anh Năm Ngà (Thượng tướng Nguyễn Minh Châu), Tám Lê Thanh (Trung tướng) hay tin, đi kiếm nhà cha tôi cả buổi sáng. Mãi 11 giờ trưa mới đến. Các anh vào, tôi rất cảm động.

Anh Năm Ngà nói:

- Năm Hưng cứ lo tang xong đã. Công việc tôi nói Út Liêm lo.

Cơ quan Bộ Tham mưu cho xe qua lo chu tất đám tang cha tôi.

Cha tôi mất coi như tôi chẳng còn ai. Các con ông sau này tuy cùng cha nhưng khác mẹ, tình cảm đối với tôi cũng không sâu đậm vì tôi không gần, không biết gì về quá khứ của họ. Còn vì cha tôi đã xóa sổ tôi trong gia đình từ lâu rồi. May là sau 30 tháng 4 năm 1975, nhờ cậu Sáu tôi mà tôi gặp lại ông. Tôi đã cố gắng làm hết phận sự làm con: sống, tôi chăm lo nuôi dưỡng; bây giờ ông mất, tôi lo mai táng. Tôi nhớ mãi và rất buồn, năm 1975 sau giải phóng miền Nam, tôi về thăm mộ mẹ, thấy ngôi mộ hoang tàn, cỏ dại mọc đầy vì không ai chăm sóc. Đến khi cần làm tấm bia cho mộ mẹ, tôi mời ông cùng đi thì đến nay ông không còn nhớ mộ mẹ tôi ở đâu. Tôi hỏi thử, ông chỉ vào ngôi mộ khác, tôi tủi, thương mẹ mà rơi nước mắt!

Còn “phần” sau của ông không gắn tình cảm với tôi lắm. Đến bây giờ vẫn vậy.

Tháng 5 năm 1984, trong giao ban Bộ Tư lệnh, anh Năm Ngà, Tư lệnh Quân khu, chỉ thị bằng miệng cho tôi:

- Đồng chí Năm Hưng bàn giao công việc Bộ Tham mưu, lên Mặt trận 479 Campuchia đảm nhiệm Tư lệnh phó, Tham mưu trưởng.

Tôi về, chuẩn bị mọi việc, đáp máy bay lên Mặt trận 479 quân tình nguyện Campuchia ở Siêm Rệp.

Tôi đang bàn giao công việc, tiếp thu mọi việc của Mặt trận, đi khảo sát chiến trường... thì được điện của Tư lệnh Quân khu: “Năm Hưng về ngay Quân khu".

Tôi ngỡ ngàng chẳng hiểu thế nào. Mới lên, sao lại về? Song, vì tổ chức kỷ luật tôi lại đáp máy bay về, sau một tháng ở Mặt trận 479.

Vào báo cáo với Bộ Tư lệnh, anh Năm Ngà chỉ nói với tôi có một câu:

- Người ta đã có người làm Tư lệnh phó, Tham mưu trưởng rồi. Mình khỏe!

Sau này tôi mới biết Bộ Quốc phòng đã cử Thiếu Anh Lân lên. Tôi cũng đơn giản. Không làm thì thôi, chẳng phải suy nghĩ gì cho mệt.

Tiếp theo, anh Năm Ngà chỉ thị:

- Năm Hưng khoan tiếp nhận công việc tham mưu. Anh đi học bổ túc cao cấp quân sự.
Đầu tháng 8, tôi lại ra Hà Nội học 6 tháng. Hết tháng 1 năm 1985 quay về, lại gặp anh Năm Ngà:

- Năm Hưng về nhà ăn Tết đi. Sau Tết ra Hà Nội học tiếp. Học bổ túc ở Học viện chính trị cho nó xong luôn. Trước sau gì cũng phải học.

Sau Tết tôi lại quay ra Hà Nội.

Đến tận tháng 9 tôi mới trở về đảm nhiệm lại chức vụ Tham mưu phó, tác chiến Quân khu 7.

Vào tháng 12, cũng lại Tư lệnh quân khu gọi điện cho tôi:

- Ngày mai Năm Hưng giao nhiệm vụ lại cho các anh Bộ Tham mưu. Anh lên thay cho anh Chín Như, Tư lệnh phó Mặt trận 779 Đoàn trưởng đoàn quân sự tỉnh Congpongthom Campuchia.

Tôi trả lời:

- Làm sao tôi thay anh Chín Như được anh Năm? Anh Chín là Phó Tư lệnh Quân khu. Tôi chỉ là Tham mưu phó Quân khu.

Anh Năm Ngà biết tôi nói “chọc" ổng:

- Thôi, anh không lên nhanh, anh Chín Như mà chết thì anh ân hận đó. Anh đang bị nổi mụn ở cổ. Bác sĩ nghi ung thư. Anh lên đi!

Ngay ngày hôm sau, tôi lại lên Campuchia.

Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #65 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 10:51:00 am »

DUYÊN NỢ CAMPUCHIA

Congpongthom nằm giữa Siêm Rệp và Congpongcham, tỉnh trọng điểm đánh phá của Pôn Pốt nhằm chia cắt lưu thông giữa hai Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Mặt trận 779 và 479. Ở đây ta bố trí một lực lượng mạnh do một đồng chí Tư lệnh phó Quân khu lãnh đạo, tổ chức chỉ huy.

Trước khi tôi lên mặt trận bảy ngày, Pôn Pốt đã đánh vào Sở chỉ huy của Đoàn quân sự 7701 Congpongthom lúc anh Chín Như đã được đưa về cấp cứu rồi. Hôm đến nhận nhiệm vụ, Sở chỉ huy vẫn còn nguyên cảnh hoang tàn. Nhà bị đốt cháy hết. Đồng chí Chỉ huy phó, Chỉ huy phó chính trị, Tham mưu trưởng... đang nằm nghỉ trưa dưới hầm. Đi vòng cơ quan tôi thấy vẫn chưa thu dọn gì cả. Tôi nghĩ thầm: “Để thế này mất khí thế quân tình nguyện quá!”. Ngay tối hôm đó, tôi họp ban chỉ huy đoàn 7701 bàn những công việc cần kíp trước mắt: phải gấp rút tổng vệ sinh, củng cố lại hệ thống phòng thủ, tăng cường cảnh giới phát hiện địch từ xa, tổ chức đánh sâu vào các vùng nghi là chỗ trú chân của Pôn Pốt, liên hệ với Tỉnh ủy và lực lượng vũ trang bạn phối hợp hoạt động để bạn yên tâm. Pôn Pốt đánh vào Sở chỉ huy quân tình nguyện có thể gây cho bạn hoang mang.

Sáng hôm sau, đồng chí Tham mưu trưởng chỉ huy lực lượng thu dọn. Tôi và đồng chí Chỉ huy phó chính trị, Chỉ huy phó quân sự ra gặp Tỉnh ủy bạn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Congpongthom là đồng chí Suhan. Đồng chí là kỹ sư nông nghiệp thời Xihanúc bị Pôn Pốt bắt tập trung tri thức cải tạo lao động, anh rất giỏi tiếng Việt và tiếng Pháp, có tầm cỡ về năng lực.

Sau khi chào xã giao, giới thiệu tôi thay anh Chín Như, cả Tỉnh ủy hồ hởi, vui vẻ. Tôi bắt đầu đi sâu vào tìm hiểu tình hình.

Là tỉnh trọng điểm đánh phá của Pôn Pốt, việc chúng đánh vào cơ quan quân sự Đoàn quân tình nguyện là chuyện bình thường. Quân tình nguyện có khuyết điểm còn sơ hở trong phòng thủ, không diệt được nhiều địch, lại bị đốt cháy hết nhà, thiệt hại một số cơ sở vật chất. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và khắc phục, không để xảy ra trường hợp tương tự.

Trước sự cởi mở chân thành của tôi, Tỉnh ủy bạn thấy thỏa mãn và thông cảm. Bàn về phương hướng phối hợp hoạt động sắp tới giữa quân tình nguyện và lực lượng bạn, đồng chí Suhan hoàn toàn nhất trí, còn có nhã ý giúp tài chính cho Đoàn bộ Đoàn quân tình nguyện Congpongthom sửa chữa nhà cửa, mua bàn ghế làm việc...

Họp xong, đồng chí Suhan và tôi cùng đi xem xét thiệt hại doanh trại của cơ quan. Đồng chí chỉ thị ngay cho tài chính tỉnh xuất kinh phí cho Đoàn để nhanh chóng khôi phục lại cơ quan Đoàn bộ. Sau 10 ngày, cơ quan Đoàn bộ đoàn Congpongthom đã được sửa chữa lại khang trang.

Nhằm chủ động giữ an ninh, đầu năm 1986, chúng tôi tổ chức Trung đoàn 320 quân tình nguyện phối hợp với lực lượng bạn hành quân sâu vào rừng Săng Đan đánh các căn cứ của Pôn Pốt. Hành quân gian khổ, không ác liệt như thời chống Mỹ, nhưng luôn bị Pôn Pốt bám đánh du kích, chúng tập kích A.T và cối vào ngay đội hình chỉ huy hành quân. Từ thực tế này, cứ một tuần tôi tổ chức rút kinh nghiệm hành quân và đánh phản du kích với địch.

Hơn 20 ngày hành quân liên tục đánh vào vùng sâu, ta diệt nhiều tên, đẩy Pôn Pốt vào sâu trong rừng núi làm cho chúng khốn đốn về lương thực, hoạt động của Pôn Pốt giảm hẳn. Áp lực đối với Congpongthom - Congpong Svay nhẹ dần.

Nhân dân bạn rất phấn khởi, Tỉnh ủy và chính quyền bạn càng tin tưởng vào quân tình nguyện, sau trận bị đánh vào Sở chỉ huy đoàn, quân tình nguyện đã lấy lại được lòng tin của bạn.

Năm 1986 Bộ Tư lệnh 719 (Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia) có chủ trương “Đại đội đứng phum đánh địch, không cho địch về phum bám dân lấy tiếp tế". Phum của Campuchia cách xa nhau, phum này cách phum kia từ 5 đến 7km. Trong lúc đó, quân số quân tình nguyện thiếu, một đại đội chỉ còn 25 đến 35 đồng chí. Nếu đại đội đứng phum thì quân ta hoạt động không bung ra được, có khi tiềm ẩn sự thỏa hiệp với Pôn Pốt. Chúng đã từng bắn tin đến một bộ phận nhỏ của ta: "Anh không đánh tôi, tôi không đánh anh".

Tôi lên kế hoạch quân sự gồm đến tiểu đoàn đứng phum và hoạt động trên một số phum theo quy định được phân công. Như vậy, bắt buộc tiểu đoàn muốn kiểm soát được địa bàn phải luôn luôn di động đánh địch. Cẩn thận hơn, kế hoạch quân sự 1986 tôi thông qua Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Tư lệnh Quân khu đã ký duyệt.

Một sáng tháng ba, tôi đang giao ban ngày thì có tiếng máy bay MI6. Tôi hỏi Tham mưu trưởng:

- Hôm nay có kế hoạch ai đến không?

- Không, không có ai báo lên cả.

Tiếng máy bay lớn dần rồi hạ cánh xuống sân bay trực thăng của đoàn. Tôi đội mũ chạy ra, nói với Ban chỉ huy:

- Vậy là có ông “Cốm” đến đột xuất rồi, chuẩn bị đón đi.

Tôi tới sân đáp máy bay. Đúng! Ông “cốm” Lê Đức Anh - Tư lệnh 719 (Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia) đang bước xuống thang máy bay.

Sau cái bắt tay chào hỏi, tôi nói với đồng chí Ngọc, thư ký Tư lệnh (nguyên là trợ lý tác chiến của Phòng tác chiến Quân khu 7):

- Lên sao không báo trước? May là tôi cho gỡ mìn rồi. Nếu không nó nổ tan máy bay.

- Tôi biết anh không có gài. Ngọc trả lời.

Quá thật tôi không gài mìn.

Từ 8 giờ rưỡi, đồng chí Tư lệnh vào họp luôn với Đoàn 7701 Congpongthom. Tôi báo cáo toàn bộ tình hình: Địch, ta, bạn, kế hoạch hoạt động của Đoàn. Sau khi nghe báo cáo, Tư lệnh đi sâu vào kế hoạch triển khai lực lượng đứng chân của quân tình nguyện tại Congpongthom. Đây là nội dung trọng tâm chuyến đi kiểm tra của đồng chí.

Tôi tiếp tục báo cáo cụ thể kế hoạch đứng chân và hoạt động của quân tình nguyện. Thái độ Tư lệnh có vẻ không hài lòng vì chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện là đại đội đứng ở phum, còn tôi lại bố trí tiểu đoàn đứng ở phum.

Ông đứng dậy đi tới, đi lui. Tôi tiếp tục thuyết trình về những khó khăn khi đại đội đứng phum. Cuối cùng, tôi chốt lại:

- Tôi bố trí lực lượng và hoạt động như vậy nếu phong trào cách mạng ở đây xuống, tôi chịu trách nhiệm trước Đảng nhân dân cách mạng Campuchia, trước Tư lệnh Quân tình nguyện. Nếu Tư lệnh ra lệnh tôi phải rải quân ra từng đại đội chiếm đóng phum, tôi chấp hành.

Đồng chí Tư lệnh cứ đi tới, đi lui thấy khó xử. Tôi cũng đứng dậy, sẵn sàng nhận lệnh. Các trợ lý đi với đồng chí, các đồng chí Ban chỉ huy Đoàn ngồi họp đều căng thẳng, phòng họp im phăng phắc, không một tiếng động.

Một lúc sau, đồng chí Tư lệnh hỏi:

- Kế hoạch này, đồng chí đã thông qua Bộ Tư lệnh Quân khu chưa?

Ít khi Tư lệnh 719 gọi tôi bằng đồng chí bởi ông biết tôi từ thời thiếu sinh quân đến giờ, thường gọi tôi bằng tên hoặc cậu.

Tôi đáp:

- Tôi đã thông qua kế hoạch này với Bộ Tư lệnh Quân khu 7.

Tôi đưa bản kế hoạch có chữ ký của anh Năm Ngà ra. Ông không xem mà chỉ im lặng.

Cuộc họp kéo dài không nghỉ đến 13 giờ mới kết thúc. Tan họp, đi ăn cơm, đồng chí Ngọc đến nói với tôi:

- Tôi chưa thấy Tư lệnh chiến trường nào cãi căng với Tư lệnh 719 như Năm Hưng.

Tôi bảo Ngọc:

- Tôi bảo vệ cái mà tôi cho là đúng thôi, Ngọc à! Nếu Tư lệnh ra lệnh, tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Trước nay, tôi vẫn là một tín đồ ngoan đạo đối với Quân đội nhân dân Việt Nam mà Ngọc!

« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười, 2012, 02:57:06 pm gửi bởi macbupda » Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #66 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 11:10:43 am »

ĐẾN MẶT TRẬN 779

Tháng 6 năm 1986, anh Hai Sỹ - Tư lệnh Mặt trận 779 bị bệnh phải đi điều trị ở Quân y viện. Anh Năm Ngà điện cho tôi: “Năm Hưng về Mặt trận 779 thay anh Hai Sỹ”. Tôi bàn giao cho anh Sáu Tân, Chỉ huy phó chuyên gia quân sự làm Chỉ huy trưởng Congpongthom.

Tôi về thay anh Hai Sỹ, đương nhiên làm Tư lệnh 779, nhưng chưa có quyết định của Bộ Quốc phòng. Tại Đại hội Đảng bộ Mặt trận 779, tôi được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ và Ban chấp hành bầu tôi làm Bí thư Đảng Ủy Mặt trận và Đại biểu đi họp Đại hội Đảng bộ Quân khu.

Trong Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu 7, thay mặt cho Đoàn đại biểu Mặt trận 779, tôi có bài tham luận chặt chẽ đánh giá tình hình địch ở Campuchia sau gần 10 năm hoạt động của quân tình nguyện. Cái chính bản tham luận tôi nhắm đến là tình hình Campuchia thực sự là một cuộc chiến tranh. Tôi đi đến kết luận: “...Tình hình chiến đấu giữa Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia với quân Khơme đỏ là một cuộc chiến tranh giữa một lực lượng chính nghĩa với một tập đoàn người phi nghĩa để giải phóng nhân dân Campuchia. Do quân Pôn Pốt có Đảng phản động lãnh đạo, có chính quyền lưu vong tay sai đóng căn cứ ngay trong lòng Campuchia, có cơ sở phản động trong quần chúng, có thế lực phản động quốc tế ủng hộ tinh thần và vật chất, cho nên ta phải coi cuộc chiến đấu này, phải đối xử với nó như một cuộc chiến tranh. Đảng phải có nghị quyết lãnh đạo, Chính phủ phải triển khai các bộ tham gia, phải thông báo cho toàn dân biết. Không thể để một mình Quân đội âm thầm chiến đấu mãi được”.

Bản tham luận này được đa số đại biểu đồng tình. Khi bầu đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quân, trong 12 tổ đại biểu có 11 tổ giới thiệu tôi vào danh sách đại biểu đi dự. Thế nhưng, kết luận của bản tham luận lại không phù hợp với đánh giá chung lúc bấy giờ: “Pôn Pốt chỉ là giặc cỏ, là tàn quân. Quân tình nguyện đánh nhanh là 2 năm, chậm là 3 năm sẽ giải quyết xong”.

Bộ Tư lệnh Quân khu thấy khó xử. Với tư cách cá nhân, dựa trên tình anh em, anh Năm Ngà gặp riêng tôi:

- Năm Hưng rút đi. Năm Hưng dự bầu sẽ trúng đại biểu. Đại hội đại biểu toàn quân mà Năm Hưng tham luận bài này là chưa phù hợp với nghị quyết.

Tôi trả lời anh:

- Thưa anh Năm! Tối viết bản tham luận ấy chưa phù hợp với nghị quyết Đảng, song theo tôi nó nói lên được thực tiễn chiến trường. Tôi không kể gì đến tiền đồ danh vọng đâu. Tôi vì xương máu của chiến sĩ mình. Tôi không sợ thì anh Năm đừng sợ cho tôi. Hay anh Năm sợ Quân ủy Trung ương đánh giá là Đảng ủy Quân khu không lãnh đạo được tôi?

Anh Năm Ngà tỏ vẻ khó chịu:

- Thôi, Năm Hưng nghe tôi đi.

Tôi đành xuôi theo anh Năm Ngà.

Tôi sống trung thực với chính mình. Tôi luôn ý thức rằng còn sống thì còn phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng rồi trở về làm dân, hy sinh thì trở về với đất. Sự trung thực luôn đòi hỏi bất kể làm việc gì cũng phải nghiêm túc, phải nhìn thẳng vào sự thật, không dối trên lừa dưới. Tôi cũng hiểu thực tế mâu thuẫn phức tạp mà nhược điểm của tôi là không cân bằng được và tôi đã gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, bản chất tôi vốn là người có suy nghĩ độc lập ngay từ nhỏ, từ lúc tôi tự quyết định đi theo kháng chiến, theo cách mạng. Chính cái ưu điểm này của tôi lại khiến một số đồng chí cấp trên cho tôi là “bướng”. Nhưng kiểm lại những đề đạt của tôi, thực tiễn sau này chứng minh là đúng. Như vấn đề vài trò của Xihanúc, hay vấn đề đại đội hay tiểu đoàn đứng chân ở phum ở Campuchia! Và thực tiễn Campuchia có phải là tình thế chiến tranh hay không?

Mười năm sau, vào ngày 13 tháng 12 năm 1996 tại Hội nghị tổng kết cuộc chiến tranh trên biên giới Tây Nam, 10 năm giúp bạn Campuchia, đồng chí Trung tướng Lê Hai, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị đã kết luận, đó là cuộc chiến tranh.

Để đến tổng kết mới kết luận theo tôi là quá chậm, đã đổ mất quá nhiều xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Thất bại trong cuộc đời tôi thì chưa, song có nhiều điều phải suy ngẫm. Bởi tôi có tật không phải “dễ bảo", cũng không có tính gió chiều nào xoay chiều đó. Tôi có ý tưởng riêng, từ sự kiên định sáng tạo của mình tôi thường bị hiểu lầm là kiêu ngạo.

Lúc tôi đang quyền Tư lệnh Mặt trận 779, đồng chí Lê Đức Anh nói với Bộ Tư lệnh Quân khu 7:

- Năm Hưng giữ chức vụ gì, nhiệm vụ gì cũng được, song không nên bố trí cấp trưởng, có vấn đề nó quyết, đỡ không kịp.

Đồng chí đề nghị đưa Sáu Hưng (Đỗ Quang Hưng) làm Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quyết định tôi làm Tự lệnh phó số 1.

Tôi không đặt vấn đề danh vọng là quan trọng. Tôi trả lời rất thoải mái:

- Phó là phó, không có số 1, số 2 gì cả. Cái khó của tôi là chức Bí thư Đảng ủy Mật trận. Tình thế này tôi giữ Bí thư sao được. Bí thư phải là người quyết định hơn Tư lệnh kia mà.

Tôi nghiêm túc họp Ban chấp hành thuyết phục bầu lại Bí thư. Lúc bầu cho đồng chí Sáu Hưng làm Bí thư, trong 13 đồng chí có 6 đồng chí đồng ý, 6 đồng chí không. Tôi bỏ phiếu bên nào là bên đó được. Tôi bỏ cho đồng chí Sáu Hưng. Phiếu tín nhiệm Sáu Hưng là 7/13.

Tôi đã từng nói, quan trọng không phải là ở cái ghế ngồi mà là hiệu quả công việc. Dù quan niệm của tôi có khác thủ trưởng nhưng thủ trưởng quyết thì tôi làm hết mình, chấp hành triệt để. Hiệu quả thấp, rõ ràng quan điểm của thủ trưởng sai, không phải lỗi của tôi.

Vì cái tật đặt vấn đề một cách thẳng thắn ấy, việc phong hàm cấp tướng cho tôi cũng trầy trật.

Lần thứ nhất, tất cả Thường vụ Đảng ủy Quân khu đều đồng ý. Bản nhận xét đề bạt ghi: “Thành phần chính trị cơ bản, quan điểm lập trường vững vàng, năng lực lãnh đạo và chỉ huy sáng tạo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Khuyết điểm: Nhận thức và đánh giá tình hình Campuchia chưa phù hợp với nghị quyết của Đảng".

Một vị tướng mà nhận thức và đánh giá chưa phù hợp với nghị quyết của Đảng thì ai lại đề bạt?

“Rớt” kỳ đó, tôi không có gì để “sốc”. Hai năm sau, năm 1986, lại đề nghị lần nữa. Lần này họp Thường vụ Quân khu có đồng chí Lê Đức Anh dự. Các anh Hai Sỹ, anh Chín Như đề nghị phải để bạt tôi, đến mức các anh nói:

- Nếu lần này, không đề bạt cấp tướng cho Năm Hưng thì thôi đừng xét ai nữa cả.

Tôi cảm ơn sự tín nhiệm của các anh đối với tôi trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy tôi, hiểu biết tôi mà đấu tranh cho tôi.

Riêng tôi, được tôi cũng không mừng, không được tôi cũng chẳng lo. Vì tôi nghĩ: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Thành công của một vị tướng là do bao xương máu của anh em đồng chí đổ xuống anh mới có, mới thành danh, sung sướng gì!

Tôi đang hết sức lao vào nhiệm vụ giúp bạn ở Mặt trận 779 thì vợ con tôi sống khá vất vả trong hòa bình. Các con tôi còn quá nhỏ, đứa 10 tuổi, đứa 8 tuổi, đứa 6 tuổi, cả ba đang đi học. Tuyết, vợ tôi, sau những năm dài chiến tranh bệnh tật nay lại bộc phát: khớp, tim, thần kinh, hai lần mổ phụ khoa và ruột thừa, sức yếu giờ yếu thêm, một năm ít nhất ba lần nằm viện, bỏ con nheo nhóc.

Ở nhà, mẹ con phải ra sức chăn nuôi heo tăng gia. Có lần, tôi về họp Quân khu, tối tranh thủ về nhà, trời mưa như trút nước. Hai con trai tôi nhỏ như vậy mà 21 giờ đêm còn chầu trực ngoài nhà máy cám để nhận cám nuôi heo. Mẹ ở nhà ôm đứa con gái ngóng hai đứa con trai.

Về, thấy cảnh xót xa quá. Tôi chạy ra nhà máy rước hai con về. Tôi nói với các con: “Bỏ hết đi”. Lúc ấy, mấy mẹ con nuôi 16 con heo. Vợ tôi bảo:

- Không làm vậy làm sao sống đủ?... Có sổ gạo mà họ nói có mới có, họ nói không là đói.

Tôi đang quyền Tư lệnh Mặt trận 779 lại được điện Tư lệnh Quân khu 7 “cho phép Nam Hưng về ký tên để vợ mổ”.

Tôi cấp tốc chạy về, vào thẳng Viện quân y 7A của Quân khu. Vợ tôi đang đau quằn quại ở bụng. Chẩn đoán của bệnh viện “Thoát vị ruột thừa phải mổ gấp, nếu không dễ tắc ruột”. Tôi ký tên cho Tuyết mổ lần thứ ba.

Tôi ở lại Viện đến sáng hôm sau. Tuyết còn đang nằm trong phòng hồi sức. Anh Năm Ngà, Tư lệnh Quân khu lại gọi điện vào:

- Năm Hưng lên ngay Phnôm Pênh để ngày mai họp. Có cần gì giúp vợ, tôi nói cơ quan Quân khu lo.

Tôi trả lời anh:

- Tôi chỉ cần ở đây vài ba ngày chờ vợ tôi ổn định.

Anh Năm Ngà nói:

- Chết, chết! Công việc ngày mai là việc của Tư lệnh chiến trường. Tôi không thay anh được, Năm Hưng ráng thu xếp đi đi, tôi cho anh em cơ quan vào ngay Quân y viện giúp Năm Hưng.

Tôi nói vậy, chứ tính tổ chức kỷ luật của tôi Tư lệnh Quân khu thừa biết. Tôi nói:

- Anh báo Bộ Tham mưu cho xe và tổ trinh sát của tôi vào Quân y viện 7A, 12 giờ có mặt. Anh khỏi phải phiền cơ quan giúp tôi. Tôi tự sắp xếp.

Tôi thật bứt rứt, Tuyết lại bị sốc dịch truyền, mới mổ mà sốc, không khéo vết mổ lại bung ra. Anh em bác sĩ bệnh viện rất nhiệt tình, ra sức chống sốc bằng đèn và tiêm Calcium... Tôi chưa dám cho Tuyết hay việc trưa nay tôi phải đi Phnôm Pênh. Tôi nhờ chị Ba Phương, Viện phó 7A, giúp tâm sự với Tuyết.

Chị Ba Phương nghĩa tình như người chị của vợ chồng tôi, chị nói:

- Năm Hưng yên tâm. Để tôi lo cho.

Và chị vào nói chuyện với Tuyết. May quá, một lúc sau có Thoại từ Bà Rịa lên thăm chị. Tôi nhờ Thoại ở lại nuôi Tuyết, cho vợ tôi đỡ tủi thân.

Ai hưởng hòa bình, chăm lo cho gia đình, chứ với tôi... sau gần chín năm giải phóng miền Nam, tôi vẫn là người lính chiến, vẫn xa nhà biền biệt...

Ngày ấy, trên đất Campuchia, Pôn Pốt còn đánh nhỏ, đánh lẻ dọc đường giao thông những chỗ vắng lúc ban ngày. Vào ban đêm, bất kỳ chỗ nào cũng có thể bị phục kích. 12 giờ trưa, tôi xuất phát từ Bệnh viện 7A, lên Mộc Bài, chạy thục mạng đến phà Niếk Lương thì đã 18 giờ, phà bạn đang dẹp nghỉ. Thấy xe tôi tới, bạn tôn trọng la lên: “Lục Thum !” và cho phà đưa qua. Tôi qua sông Mê Kông thì đã tối, khoảng 19 giờ. Từ đây chạy về Phnôm Pênh còn 66 kilômét nữa. Tôi bàn với anh em trinh sát:

- Sẵn sàng chiến đấu, súng quay ra ngoài gặp bất trắc, thì bắn và cứ chạy.

Chín giờ đêm xe tới Phnôm Pênh, tôi thở phào. Lúc gấp rút cũng phải táo bạo, quyết tâm. Dù có hy sinh cũng vì nhiệm vụ mà thôi.
*
  *                       *

Tại Mặt trận 779 Quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn địa bàn 5 tỉnh: Congpongcham, Conpongthom, Svayrieng, Prayveng, Kratié.

Mỗi tỉnh có một đoàn chuyên gia quân sự và một tiểu đoàn bộ binh quân tình nguyện đặt dưới sự chỉ huy của đoàn chuyên gia quân sự để giúp bạn hoạt động đánh Pôn Pốt và phát triển xây dựng lực lượng bạn.

Bộ Tư lệnh Mặt trận 779 biên chế đủ cơ quan: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật và 2 trung đoàn bộ binh cơ động (320 và 159), một tiểu đoàn trinh sát, một tiểu đoàn thông tin, một tiểu đoàn công binh, quân y viện và trường huấn luyện cán bộ của Mặt trận.

Bộ Tư lệnh Mặt trận chịu trách nhiệm trực tiếp giúp bạn xây dựng cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và các lực lượng tập trung của bạn; vừa chỉ đạo, chỉ huy phối hợp lực lượng các tỉnh và lực lượng mặt trận cùng lực lượng của bạn trên chiến trường 5 tỉnh tiêu hao và tiêu diệt lực lượng Pôn Pốt; phát triển lực lượng dân quân du kích, cũng như lực lượng tập trung của bạn bảo vệ nhân dân, cơ sở chính quyền, cơ sở Đảng; giúp bạn phát triển Đảng nhân dân cách mạng Campuchia, sản xuất cải thiện đời sống nhân dân.

Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia đã phát huy đầy đủ bản chất cách mạng, một đội quân chiến đấu, một đội quân sản xuất, một đội quân công tác có nhiều vấn đề mới mẻ như giúp bạn phát triển Đảng nhân dân cách mạng Campuchia, giúp cách điều tra, tuyên truyền, bồi dưỡng, chọn lựa và phương pháp kết nạp để bạn tự làm chứ Quân tình nguyện không làm thay, giúp cách hoạt động của Đảng lãnh đạo chính quyền và nhân dân ở cơ sở.

Quân tình nguyện muốn làm được tốt nhiệm vụ thì trường huấn luyện mặt trận phải phát huy hết công suất huấn luyện. Trước hết là dạy tiếng Campuchia, dạy phương pháp công tác quần chúng, công tác Đảng, công tác xây dựng chính quyền, cách giúp dân sản xuất.

Trong công tác dân vận, Quân tình nguyện không chỉ công tác quần chúng giỏi, vừa công tác vừa giúp bạn phương pháp công tác quần chúng, đồng thời phải giữ nghiêm kỷ luật quần chúng để bạn và nhân dân nước bạn tin tưởng. Nói và làm là một.

Mặt trận 779 được thành lập ngày 18 tháng 7 năm 1981 đã qua nhiều Tư lệnh phụ trách. Năm 1985, tôi về phụ trách Mật trận thì đã có nề nếp, chỉ tiếp tục phát huy cho tốt. Bộ tư lệnh Quân khu 2 và cơ quan bạn rất tín nhiệm Bộ Tư lệnh và cơ quan Mặt trận 779.

Hai Bộ Tư lệnh và cơ quan đóng gần sát nhau. Ta giúp bạn bằng cách cùng tham gia giao ban ngày, tuần. Các cơ quan giúp bạn trong quan hệ nghiệp vụ, chuyên môn, nên bạn tiến bộ khá nhanh.

Tuy nhiên, tôi vẫn chỉ đạo anh em:

- Giúp tận tình, nhưng phải đề cao cảnh giác.

Tôi vẫn lấy hình tượng Phật có bốn mặt ở Campuchia nhắc nhở anh em:

- Đang là bạn đó, nhưng cũng có thể là thù ngay.

Bài học này tôi đã có từ năm 1975. Lúc ta tập trung lực lượng giải phóng miền Nam thì họ đánh chiếm kho tàng ta ở phía sau, gây cho ta không ít thiệt hại.

Nhưng trong mắt nhân dân Campuchia, Quân tình nguyện là người cứu sống họ, rất được thương mến.

Một lần, xe tôi đang chạy trên đường 7 đụng đầu con ngựa, do giật mình quay đầu lại, khiến xe bị lật, con ngựa ngã ra chết, người đánh xe ngựa văng xuống ruộng. Tôi cho dừng xe lại, xem sự thể ra sao, thấy anh đánh xe ngựa vẫn an toàn, tôi mừng quá.

Tôi mời chính quyền đến lập biên bản để đền ngựa cho dân, vì con ngựa là cả cơ nghiệp của người dân nghèo Campuchia. Nhưng người chủ xe chân thành nói:

- Quân tình nguyện đã cứu cả nhà tôi. Tôi làm sao bắt đền quân tình nguyện được?

Chính quyền xã bảo tôi:

- Lục Thum cứ yên tâm đi đi, chính quyền ở đây sẽ lo giúp gia đình này.

Về đến cơ quan, tôi cho tài chính xuống xã và mời chủ xe đến đền bù xứng đáng. Chủ xe rất cảm động, rối rít cám ơn.

Cuối năm 1985, tình hình toàn Mặt trận đã khả quan. Nhân dân Campuchia hồi sinh: Chợ đông người, sản xuất phát triển, dân hết đói...

Đám tàn quân Pôn Pốt ngày càng khốn đốn, phải rút sâu vào rừng. Lực lượng vũ trang bạn hoạt động có hiệu quả, Đảng và chính quyền cơ sở có một bước trường thành, gần dân hơn, nắm chắc dân hơn.

Tuy nhiên, Quân tình nguyện vẫn còn phải làm thay nhiệm vụ chiến đấu rất quan trọng là đánh địch trong rừng sâu.

Việc này bạn chưa đảm đương được.

Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #67 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 11:16:42 am »

RÚT QUẦN VỀ NƯỚC

Đầu năm 1989, Bộ Tư lệnh Mặt trận 779 nhận kế hoạch “tối mật” chuẩn bị rút toàn bộ Quân tình nguyện về nước.

Tư lệnh mặt trận Đỗ Quang Hưng giao cho tôi làm kế hoạch rút Quân tình nguyện Mặt trận 779 để thảo luận trong Bộ Tư lệnh Mặt trận và thông qua Bộ Tư lệnh Quân khu.

Tôi cùng một số đồng chí trong cơ quan tham mưu xác định mục đích kế hoạch: Ta rút quân nhưng bạn phải tiến bộ lên, đảm đương được địa bàn, giữ vững tình hình an ninh trên địa bàn.

Kế hoạch rút quân sẽ chia làm ba bước:

Bước 1: Ta cùng bạn mở một đợt hoạt động đánh sâu vào rừng, những nơi nghi là căn cứ của tàn quân Pôn Pốt, tiêu hao, tiêu diệt bộ phận làm cho địch tan rã không còn khả năng khôi phục hoạt động. Mục tiêu nhằm: Đánh vào căn cứ, kho tàng địch, bóc gỡ địch ngầm trong dân.

Bước 2: Đưa lực lượng bạn đứng sâu trong rừng. Rèn luyện cho bạn đảm đương nhiệm vụ đánh địch là chủ yếu, lực lượng Quân tình nguyện rút ra ven đường, ven thị xã, thị trấn hỗ trợ cho bạn.

Bước 3: Tiến hành an ninh lộ trình cặp ven đường hành quân, rà phá bom mìn và tổ chức đội hình hành quân về nước.

Khi thông qua nội bộ Bộ Tư lệnh Mật trận và thủ trưởng các cơ quan Mặt trận cơ bản nhất trí với kế hoạch. Đồng chí Tư lệnh nêu một vấn đề:

- Bước 2, ta rút ra đường, ven thị xã, thị trấn, bạn làm sao đảm đương nổi vùng sâu? Ta nên giữ trạng thái xen kẽ bạn, ta ở vùng sâu đến giờ chót.

Tôi không đồng ý quan điểm này.

- Như vậy, ta còn ở đây xen kẽ thì yên ổn. Ta không tập cho bạn đương đầu với khó khăn, khi ta rút đi rồi thì bạn làm sao giữ yên được địa bàn?

Bàn nhau gay gắt ở điểm này. Tôi không giữ được bình tĩnh buông ra một câu nặng lời:

- Như vậy là, còn Tư lệnh ở đây thì yên ổn. Tư lệnh rút đi rồi tình hình ra sao không cần biết.

Câu này làm buồn lòng Tư lệnh. Tôi nhận ra thì đã muộn. Lời nói đâu vớt lại được nữa. Đây vẫn là cái tật nói thẳng suy nghĩ của tôi ra, rất dễ bị hiểu lầm là kiêu ngạo. Nhược điểm của tôi là ở đó trong những tình huống “đối chọi” gay gắt. Tôi chỉ còn biết tự an ủi: Tôi đã trung thực với chính mình.

Quân tình nguyện rút về nước. Đã diễn ra cuộc chia tay đầy cảm động giữa Quân tình nguyện và lực lượng vũ trang Campuchia.

Trước khi Quân tình nguyện hành quân về nước, bạn đã triển khai an ninh lộ trình xuống tận phum, sóc. Mọi gia đình đều cắm cờ Campuchia trước nhà. Ngày Quân tình nguyện hành quân, toàn dân đổ ra đường tiễn đưa. Đoạn đường nào thuộc phum nào, sóc nào lực lượng vũ trang và nhân dân phum đó chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn cho Quân tình nguyện, không để Quân tình nguyện bị phục kích, bị gài mìn.

Tất nhiên, ta không ỷ lại việc bảo vệ của bạn, ta có kế hoạch riêng của ta. Nhưng nhìn vào hành động, việc làm của nhân dân bạn, chúng ta cảm động.

Các đoạn đường mà xe Quân tình nguyện đi qua, nhân dân dùng chổi quét sạch lá cây trên mặt đường để kiểm tra có gài mìn không, tổ chức canh gác dày liên tục nhiều ngày. Du kích và lực lượng bạn phân công lùng sục trong rừng, tuần tra trên đường chặt chẽ.

Ngày 20 tháng 9, toàn Mặt trận tổ chức hành quân. Hai bên đường hàng cờ thẳng tắp, chiều cao bằng nhau, kích thước cờ như nhau. Nhân dân đứng chật hai bên đường, không ai lấn ra lề và lòng đường, chỉ có những người đại diện cho dân ra trao quà cho các xe Quân tình nguyện. Quà thường là sản phẩm địa phương như dừa, chuối, đường thốt nốt...

Một không khí tưng bừng song rất trật tự, đầy xúc động. Bộ Tư lệnh Quân khu 2 của bạn và các Ban chỉ huy quân sự bạn theo từng đơn vị đưa tiễn đoàn Quân tình nguyện về tới biên giới Việt Nam - Campuchia, tận cửa khẩu Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

15 giờ ngày 20 tháng 9, toàn đội hình của Mặt trận 779 đã về đến Việt Nam an toàn. Lòng tôi nhẹ nhõm, thầm nể phục kỷ luật và trật tự của lực lượng vũ trang và nhân dân bạn trong tổ chức cuộc tiễn đưa thật thắm thiết suốt chặng đường Quân tình nguyện Mặt trận 779 trở về nước.

Đối với tôi, đến ngày hôm nay mới thực sự kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh của đời mình. Nhân dân ta có hòa bình từ 30-4-1975. Quân tình nguyện Việt Nam, trong đó có tôi, thực sự sống có hòa bình chỉ từ ngày rút quân từ Campuchia về, ngày 20 tháng 9 năm 1989, hơn 14 năm sau ngày miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng.

Mới rút quân khỏi Campuchia, đồng chí Tư lệnh đi nhận nhiệm vụ mới. Mọi việc giải quyết hậu quả của Mặt trận 779 tôi lãnh đủ.

Tổ chức đưa các trung đoàn, tiểu đoàn về địa phương các tỉnh, giải quyết chính sách đề bạt, khen thưởng, xuất ngũ, nghỉ hưu, cấp đất, cấp nhà cho cán bộ (vì Quân khu cho trên 200 suất đất và nhà ở căn cứ Hoàng Hoa Thám), rồi thanh toán tài chính, xăng dầu, cơ sở vật chất với hậu cần, kỹ thuật và tài chính quân khu...

Một khối công việc tồn đọng trên 10 năm từ Campuchia mang về, tôi và các đồng chí các cơ quan Mặt trận phải làm cật lực 3 tháng mới xong.

Trong thời gian đứng chân ở căn cứ Quang Trung giải quyết công việc, có thời gian tôi về thăm gia đình, ổn định tư tưởng cho các con. Tuyết yên lòng hơn, không còn cảnh nơm nớp lo từng ngày như lúc tôi còn trên Mặt trận 779, không biết chồng sống chết ngày nào.

Cuối tháng 12, giải quyết xong hết công việc của Mặt trận 779, tôi về báo cáo với Tư lệnh Quân khu 7, gặp đồng chí Trung tướng Bùi Thanh Vân (Út Liêm), Tư lệnh phó, Tham mưu trưởng Quân khu và các thủ trường cơ quan Quân khu.

Sau khi nghe tôi báo cáo tình hình và ý kiến nhận xét, đánh giá của các cơ quan Quân khu, đồng chí Út Liêm kết luận:

- Mặt trận 779 đã giải quyết tốt mọi công việc của Quân tình nguyện sau khi về nước, từ giải quyết các chính sách đến thanh toán hậu cần, tài chính không còn vướng mắc gì. Đến đây, kết thúc vai trò lịch sử Mặt trận 779, các con dấu nộp lại cho phòng tổ chức, động viên.

Sau cuộc họp chung, đồng chí giữ tôi lại bàn nhiệm vụ của tôi sắp tới. Tôi và đồng chí Út Liêm đã từng sống chung ở Sư đoàn 5, tôi là cán bộ dưới quyền đồng chí từ ngày ấy. Trò chuyện tâm sự với nhau nhiều điều, lúc sau đồng chí Út Liêm nói:

- Năm Hưng giờ có nhiệm vụ, tùy chọn: một, làm Tư lệnh phó Quân khu, kiêm Chỉ huy trưởng quân sự Tây Ninh; hai, nếu về Vũng Tàu — Côn Đảo thì chỉ làm Chỉ huy trưởng quân sự đặc khu.

Trước đây, tôi đã có lần đánh tiếng xin về đặc khu. Lần này, nghe đồng chí nói xong người tôi nóng bừng lên. Tôi phản ứng bằng một động tác đứng dậy rất nhanh.

- Về đặc khu! Về với mảnh đất chó ngồi ló đuôi cho nó khỏe!

Và tôi bỏ ra ngoài.

Tội nghiệp, Út Liêm chạy theo tôi:

- Đó là Cục cán bộ đặt vấn dề. Không phải tôi nói đâu.

- Ai đặt vấn đề tôi không biết. Bây giờ là anh nói. Anh đánh giá tôi quá thấp. Trước nay, anh thừa biết tôi đâu phải là người thích mua quan, bán chức. Khẳng định lại, tôi về đặc khu.

Thật ra, lúc ấy anh chỉ cần nói rằng Quân tình nguyện mới rút, tình hình biên giới vẫn rất phức tạp, tôi về Tây Ninh phụ với Quân khu lo mảng này là tôi bằng lòng về Tây Ninh rồi. Nhưng anh chẳng khéo chút nào, nhưng đó lại là bản chất thật thà của anh, tôi thông cảm anh điều đó.

Song, vô tình anh chạm đến lòng tự trọng của tôi. Tôi đã tự ái, không dằn được, nóng nảy với anh.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười, 2012, 02:59:17 pm gửi bởi macbupda » Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #68 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 01:08:57 pm »

NHIỆM VỤ MỚI TRONG HÒA BÌNH

Tháng giêng 1990, tôi về làm Chỉ huy trưởng quân sự đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, Ủy viên thường vụ Đặc khu ủy, thay đồng chí Năm Ninh ra làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu.

Mọi việc diễn ra thuận lợi có cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cảnh cũ người xưa cả. Ban chỉ huy: Đồng chí Tư Trí (Chỉ huy phó), người Bến Tre cùng trang lứa về tuổi tác, con người cởi mở, thẳng thắn, trung thực, tình cảm, trách nhiệm cao, đoàn kết với mọi người, hiểu biết công việc. Chỉ huy phó chính trị, anh Út Chiến, người Tiền Giang, trước là cán bộ phong trào, chất phác, trách nhiệm... hai đồng chí đã giúp tôi trong quá trình công tác. Công việc không mấy khó khăn. Tôi bắt tay vào củng cố tổ chức, sắp xếp cán bộ, xây dựng lề lối làm việc theo ý mình. Sau 6 tháng, mọi việc đã đi vào nề nếp.

Để tôi có thời gian và điều kiện chăm lo, sớm ổn định gia đình, Ủy ban đặc khu xếp nhà cho tôi đưa vợ con từ thành phố Hồ Chí Minh về Vũng Tàu. Từ năm 1990, tôi mới thực sự sống trong hòa bình và gia đình mới đoàn tụ. Tôi bằng lòng với công việc và cuộc sống.

Sau nhiều năm gian khổ ác liệt với chiến tranh, tiếp tục sống kéo dài trong lo âu cho chồng khi đã có hòa bình, các loại bệnh của vợ tôi trỗi dậy. Ngoài đau khớp, tim, thần kinh, còn dạ dày, tiểu đường, tôi thấy phải quan tâm đến Tuyết nhiều hơn, bù cho những năm xa cách bỏ Tuyết một mình tự bươn chải. Đó là lương tâm, là trách nhiệm của người chồng.

*
*            *

Quan điểm của tôi trong quá trình củng cố đơn vị sắp xếp cán bộ là: Đào tạo cán bộ người địa phương, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, chỉ huy người địa phương là chính.

Có như vậy, cán bộ mới gắn bó với đơn vị, với quê hương. Sức mạnh tổng hợp với đơn vị sẽ được nhân lên nhiều lần.

Tôi chỉ đạo cơ quan làm quy hoạch cán bộ ba êkíp và thông qua Quân khu duyệt. Dựa vào quy hoạch mà cho đi học đào tạo, bố trí luân chuyển trong đơn vị.

Sau hai năm, nguồn cán bộ đã vào nề nếp theo ý định. Tôi coi vấn đề cán bộ là then chốt bảo đảm sức mạnh của đơn vị. Quan điểm này tôi quán triệt sâu sắc trong Đảng ủy quân sự đặc khu. Các đồng chí đều đồng tình.

Có lần, đồng chí Phó Tư lệnh Quân khu mang quyết định một đồng chí do Quân khu bố trí làm Chỉ huy đặc khu xuống, thuyết phục tôi nhận, tôi trả lời dứt khoát:

- Quy hoạch cán bộ Đặc khu đã thông qua Quân khu duyệt. Vậy, cán bộ đặc khu để đặc khu đề nghị bố trí.

Là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban nhân dân, tôi tham gia tích cực trong lãnh đạo toàn diện của tỉnh, cùng chung lưng gánh vác trách nhiệm với Thường vụ Tỉnh ủy.

Suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi đều ở đơn vị chủ lực. Về công tác quân sự địa phương, môi trường hoạt động mới nhưng nhờ quá trình tích lũy quan hệ với địa phương, về đất Bà Rịa lại quen biết các đồng chí từ đánh Mỹ ra, đối với cơ quan Quân khu thì các mối quan hệ đều thân quen, quan hệ công tác với địa phương và Quân khu đều thuận lợi.

Mọi công tác tổ chức, huấn luyện, tuyển quân, xây dựng lực lượng dự bị động viên hàng năm đều hoàn thành tốt. Qua mấy lần diễn tập cơ quan và có thực binh đều được Quân khu đánh giá cao, tạo cho tôi có mối quan hệ ngày càng tốt với địa phương.

Lực lượng vũ trang tỉnh được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng và hết sức quan tâm. Làm công tác quân sự địa phương mà không gắn với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể coi như thất bại. Trong chiến tranh, thực tiễn đã dạy tôi điều này. Trong hòa bình, càng phải chú trọng nhiều hơn.

Tự đặt mình là một người con của địa phương, tôi ra sức học tập về xây dựng kinh tế - xã hội, về xây dựng Đảng, về hoạt động của Mặt trận, không chỉ lo chức trách quân sự của mình.

Trong quy hoạch chung tổng thể của tỉnh, tôi cùng chính quyền đi khảo sát từng con đường, từng cái cầu để lên kế hoạch xây dựng hệ thống đường sá, góp ý xây dựng các công trình lớn theo kiến thức của mình, được tập thể đồng tình.

Vào những năm đầu 90, Thường vụ Tỉnh ủy có sáng kiến đề ra chủ trương “lấy quỹ đất đổi công trình" mà ngòi nổ từ đồng chí Năm Ninh, Chủ tịch đặc khu.

Tham vọng xây dựng tỉnh khang trang to đẹp lại mâu thuẫn với việc “tiền đâu để làm”. Sau nhiều ngày tháng trăn trở, một hôm đồng chí Năm Ninh họp toàn Ủy ban thông báo: “Ta lấy tiền từ dưới đất”.

Từ ý tưởng ấy, đồng chí đưa ra Thường vụ Tỉnh ủy bàn. Sau nhiều lần, nó biến thành chủ trương: Lấy đất đổi công trình.

Tôi là một thành viên trong thường vụ bàn và ủng hộ quyết liệt, Ủy ban nhân dân lên kế hoạch các công trình xây dựng bằng quỹ đất trình Chính phủ. Và Chính phủ đồng ý cho Bà Rịa - Vùng Tàu làm thử.

Tỉnh mừng như mở cờ trong bụng, cho tiến hành khởi công một lúc 40 công trình. Toàn tỉnh như một công trường xây dựng. Chủ trương của Bà Rịa - Vũng Tàu lan tỏa ra. Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh đều làm.

Đến năm 1995, Chính phủ đánh giá: “Việc cho làm thử chủ trương dùng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng ở Vùng Tàu, thời gian qua đã có những bài học kinh nghiệm về tổ chức chỉ đạo, hoàn thiện cơ chế để thực hiện tốt chủ trương này. Kết quả đạt được ở Bà Rịa - Vũng Tàu là đáng khích lệ. Cơ sở hạ tầng, đường sá ở thành phố Vũng Tàu được cải tạo nâng cấp và mở rộng. Việc xây dựng nói chung được tuân thủ theo quy hoạch, có hiệu quả làm cho thành phố Vũng Tàu phát triển nhanh chóng...”

Đánh giá của Chính phủ là như vậy. Nhưng Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh vì chủ trương này lại chịu nhiều cơn sóng dập, gió nhồi, hơn một năm lận đận lao đao. Sau 8 lần thanh tra, kiểm tra của Trung ương Đảng, Ban thường vụ Tỉnh ủy bị kỷ luật cảnh cáo. Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân bị cách chức.

Nhận thức của tôi bấy giờ về việc dùng “quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng” chưa có tiền lệ, chưa có hành lang pháp lý, Chính phủ, các Bộ chưa có một hướng dẫn gì, tỉnh mò mẫm để làm. Với vấn đề mới, làm thế nào để hoàn thiện ngay được. Đề ra chủ trương dùng quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh là một sáng tạo được Trung ương cho phép và làm có hiệu quả mà hiệu quả là chủ yếu. Có thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình điều hành tất nhiên không tránh khỏi song đã được sửa chữa kịp thời. Tôi thấy “chưa tâm phục khẩu phục” trong việc thi hành kỷ luật Ban thường vụ Tỉnh ủy. Việc cách chức Phó Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh và Ủy viên thường vụ, Phó chủ tịch có cái gì đó chưa thật minh bạch.

Trong đời Đảng viên của tôi, lần đầu tôi bị kỷ luật cảnh cáo cùng tập thể Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu. Tôi ấm ức mãi không giải đáp được.

Tháng 6 năm 1996, vào dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II, trước Đại hội tôi phát biểu một bài tham luận về “hiệu quả của việc dùng quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng”. Tôi đã phân tích ưu điểm, hiệu quả, sáng tạo là chủ yếu. Trong quá trình điều hành có thiếu sót nhưng đã kịp thời sửa chữa. Cuối cùng tôi kết luận bài tham luận: “Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trương dùng quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng là một sáng tạo, thực hiện có hiệu quả mà hiệu quả là chủ yếu. Có thiếu sót trong quá trình điều hành nhưng chưa tới mức phải chịu kỷ luật cảnh cáo Thường vụ và Bí thư. Vừa qua, Ban chấp hành Tỉnh đảng bộ đã có nghiên cứu nghiêm túc và ra nghị quyết đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng không kỷ luật Thường vụ và Bí thư trong việc thực hiện chủ trương này. Mong được Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng cứu xét và trả lời trước khi diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII”.

Bài phát biểu của tôi được toàn thể đại biểu Đại hội hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng cho đến nay, Trung ương vẫn chưa trả lời, không giải thích. Tôi chỉ còn biết tự trách mình: vẫn chứng nào tật ấy, thấy việc bất bình không chịu được, không thế bỏ qua.

Tôi chủ động đề nghị với cấp trên xếp thời gian cho tôi nghỉ hưu. Tháng 10 năm 1995, Bộ Quốc phòng thông báo tôi nghỉ, chờ hưu. Bộ triệu tập tất cả các vị tướng được thông báo nghỉ năm đó họp tại tiền phương Bộ ở Tân Sơn Nhất, để nghe các vị tướng đề đạt nguyện vọng trước khi nghỉ.

Nhiều đồng chí nêu nhiều vấn đề xung quanh tác động của cơ chế thị trường ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng quân đội. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta, quân đội ta đánh thắng mọi kẻ thù thì nay vẫn vậy. Lớp này nghỉ, lớp khác thay thế là đương nhiên.

Tôi nêu vắn tắt tâm trạng của mình:

- Ở quân đội lâu năm, rời khỏi quân đội thấy buồn, hụt hẫng. Nhớ đồng đội còn sống và đã mất, chúng tôi còn có ngày hôm nay, bao nhiều đồng chí đã “nghỉ” lâu rồi...

Tôi chỉ đề nghị quân đội công bằng trong giải quyết chính sách, tính đủ năm tôi ở trong quân đội đến ngày về. Tôi có “tội” là vào quân đội lúc mới 14 tuổi. Quân đội đã cắt của tôi hai năm thâm niên lúc tính tuổi quân ở miền Bắc. Bận đánh Mỹ, lâu nay tôi không có ý kiến gì. Nay, nếu không tính đủ năm, tôi không nhận sổ hưu.

Các đồng chí cùng hoàn cảnh như tôi gồm Chín Tùng, Bảy Răng, Tám Lập đều đồng tình hưởng ứng.

Cuối năm 1999, Bộ Quốc phòng giao sổ hưu, tính đủ niên hạn chúng tôi sống trong quân đội.

Chính thức từ tháng 6 năm 1996, tôi trở về cuộc sống đời thường.


...Năm 1996, tôi mãn nguyện với 50 năm trong quân đội và trở về với người thân nhất trong cuộc sống đời thường..
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười, 2012, 03:00:01 pm gửi bởi macbupda » Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #69 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 01:10:45 pm »

CUỘC ĐỜI NHÌN LẠI

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, không miếng đất cắm dùi ở vùng thôn dã ven thành phố Sài Gòn. Cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, phát xít Nhật xâm lược nước ta, rồi thực dân Pháp quay trở lại, gia đình tôi tan nát: ông bà ly tán, cha đi, anh chết.

Là một đứa trẻ mồ côi bơ vơ giữa chợ đời, tôi sớm phải bươn chải làm thuê kiếm sống. Nhờ đó, tôi có sức mạnh tinh thần, không dựa dẫm ai. Tôi cũng sớm tự quyết định đi theo kháng chiến, theo cách mạng. Đó là niềm may mắn nhất đến với tôi, làm thay đổi hẳn cuộc đời tôi.

Đảng và quân đội đã dẫn dắt tôi từ tấm bé đi suốt cuộc hành trình chống xâm lược của dân tộc, đào tạo tôi từ một quân nhân bình thường trở thành một sĩ quan cao cấp.

Gắn bó gần hết đời với quân đội - suốt 50 năm ròng rã, tôi có nhiều điều đáng nhớ.

Điều thứ nhất, tháng 11 năm 1946, mới 14 tuổi tôi tự quyết định đi theo Vệ quốc đoàn. Lúc ấy chưa biết cách mạng là gì. Phải qua một thời gian dài, được Đảng và quân đội giáo dục, rèn luyện, qua thực tiễn hoạt động chiến đấu, tôi mới có lòng yêu nước, biết phân biệt ta, bạn, thù, mới dần dần giác ngộ về giai cấp. Tôi trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ khá sớm, lúc mới 17 tuổi.

Điều thứ hai, hồi trở về Nam, tôi là một trong những người đi đợt đầu, những năm 60, 61.

Tôi mừng muốn khóc vì được Đảng tin cậy. Và tôi đã công tác, chiến đấu, từng bước trưởng thành trong khói lửa chiến tranh để đền đáp lại sự tin cậy ấy.

Điều thứ ba, tháng Giêng 1975, tôi còn đang học ở Hà Nội. Biết miền Nam đang chuẩn bị đánh lớn, lòng tôi như lửa đốt. Sau nhiều lần đề nghị, Bộ Quốc phòng đồng ý cho tôi về. Tôi và một số đồng chí khác mừng rỡ vô cùng. Lần này, chúng tôi “đi bằng đầu” để kịp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Và chúng tôi đã có mặt.

Đến nay, sau gần 10 năm trở về với đời thường và đã ngoài 70 tuổi, khi viết lại hồi ký này, tôi rất bằng lòng với những tháng năm sống trong quân đội. Tôi không có gì để nuối tiếc, trái lại rất tự hào.

Sống nhiều với nội tâm, nhớ nhiều về quá khứ, tôi không khỏi có lúc buồn da diết. Tình đồng chí, tình đồng đội trong chiến tranh, không chỉ nồng ấm mà vô cùng cao cả: giành nhau cái chết, chia nhau từ lon gạo, hạt muối, viên thuốc... vào những lúc gian nan nhất..

Tình người bây giờ khác xưa quá. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc mới 30 năm mà xem ra đã xa lạ với nhiều người...

Tôi sống trung thực, trước hết với chính mình. Tôi không đồng tình với các mối quan hệ tầm thường. Có người khi thăng tiến dễ đánh mất mình, có quyền lực trong tay dễ đổi khác. Cái tâm tôi không hề ác ý với ai. Song tôi không thể là loại người như vậy. Tôi quý sự trung thực, càng không thể cư xử thiếu tình người.

Giờ đây, sống trong khung cảnh hòa bình, ai không thích mình giàu lên. Yêu cầu này là chính đáng sau quá nhiều năm cơ cực. Song, không ít người nghĩ rằng muốn được như vậy thì phải có nhiều tiền. Và họ lao vào kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp giữ gìn nhân cách, giữ gìn đạo đức, giữ gìn phẩm giá. Và tham nhũng trở thành quốc nạn.

Xã hội phân hóa, khoảng cách giàu nghèo trong nhân dân ngày càng rõ. Tôi trăn trở nhiều trước hiện tượng này. Bởi chăng vì nó mà quan hệ giữa người với người bây giờ không còn mặn mà, keo sơn như trước? Tình người nếu như nhạt nhòa thì cái mục tiêu dân giàu nước mạnh bao giờ mới với tới được!.

Ta có nhiều thành tựu những năm gần đây về kinh tế. Tuy nhiên về xã hội có nhiều điều đáng ngại, không thể xem thường. Những biểu hiện suy đồi trong lối sống, cách sống xem ra không thể là của những con người xã hội chủ nghĩa.

Đừng quên, chỉ có những con người giác ngộ vai trò của mình mới làm nên sự nghiệp như đã làm trong chiến tranh. Cần nhìn thẳng vào sự thật. Đi lên chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh cơ hội và thách thức đan xen như hiện nay còn không ít gian truân. Đời con, đời cháu chúng ta rất cần cống hiến nhiều hơn cha anh chúng trong chiến tranh, mới mong đưa nước ta sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển, mới mong vượt qua được nghèo nàn và lạc hậu...

Con đường trước mặt thật mênh mông...

*
*                    *

Cả cuộc đời tôi không có một ngày vui sướng của tuổi trẻ, không có sự ấp ủ trìu mến của gia đình. Đến cuối đời, vợ con là niềm an ủi, nguồn sống tình cảm của tôi. Thành công của tôi trong cuộc đời có phần động viên rất lớn của vợ tôi, Tuyết đối với tôi là người thân nhất.

Cuối đời nhìn lại, tôi mãn nguyện với những gì mình đã làm được cho nhân dân, cho đất nước. Dù nó chỉ như một giọt nước giữa đại dương.

Tuy nhiên, tôi vạn lần biết ơn Đảng và quân đội làm thay đổi cả cuộc đời tôi, đã tạo điều kiện cho tôi được xứng đáng làm NGƯỜI.

« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười, 2012, 03:00:39 pm gửi bởi macbupda » Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM