Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:39:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một đời chinh chiến  (Đọc 60680 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #50 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2012, 02:41:00 pm »

Tôi hạ quyết tâm như vậy, Đảng ủy cũng đồng ý. Anh Bùi Khánh Ngươn nhất trí, thấy thế là hợp lý.

Từ đây, Trung đoàn tổ chức lần lượt “sâu đo”, xuống dần vùng sâu theo phương thức trên, bằng mọi cách liên lạc được với dân, đánh nhỏ, đánh lẻ thường xuyên. Dân phấn khởi vì thấy lực lượng vũ trang mình vẫn còn đây, không phải như địch tuyên truyền “đã tiêu diệt hết Việt cộng”.

Từ những tháng cuối năm 1969 đến cuối năm 1970, tuy vất vả, gian khổ nhưng Trung đoàn vẫn bám được chiến trường, vẫn bám được dân, giải quyết được vấn đề lương thực. Nhờ đó giải quyết tốt tư tưởng của anh em. Cũng trong những ngày này, lần đầu tiên trong đời, tôi nằm hầm bí mật.

Tôi đang ở vùng sâu Vĩnh Tân - Tân Uyên, hằng đêm chỉ đạo cho các tiểu đoàn hoạt động đột ấp chiến lược, diệt bọn tuần tiễu, kìm kẹp nhân dân và vận động giải quyết hậu cần cho Trung đoàn bước đầu có hiệu quả thì nhận được điện vượt cấp của Bộ Chỉ huy Miền "Về R nhận nhiệm vụ”.

Sau khi bàn giao các việc cho Trung đoàn, tôi về Bộ Tư lệnh T1 báo cáo và tìm hiểu Bộ Tư lệnh Miền ở đâu. Anh Hồng Lâm dùng năm đầu ngón tay chúm lại chỉ trên bản đồ:

- Trước tôi đi họp ở đây, Cà Tum. Bây giờ đã đánh mở biên giới Việt Nam - Campuchia, có thể về đây, Đầm Rayphong (tỉnh Kratié). Nếu không có thì sang Congpongthom.

Lúc này địch đánh phá chiến trường dữ dội bằng biệt kích, pháo, B52 hàng ngày. Anh Hồng Lâm có ý kiến:

- Về R, Năm Hưng phải đi vòng lên ngã ba biên giới, cắt về Kratié đã giải phóng mới đến Đầm Rayphong được.

Nhìn bản đồ thấy đường đi trên trăm cây số đường chim bay, phải đi hàng tháng mới đến R. Tôi đề nghị Bộ Tư lệnh T1 điện về Miền, nếu bố trí tôi về đơn vị nào điện xuống cho tôi về thẳng đơn vị đó. Bộ Tư lệnh Miền trả lời: “Cứ về R”, ký tên Năm Ngà. Anh Năm Ngà lúc này là Tham mưu trưởng Miền.

Tôi xin phép Bộ Tư lệnh T1 cho về thăm vợ tôi trước khi đi R. Từ Suối Linh - căn cứ T1 - tôi và hai em liên lạc cắt rừng đi về Tà Lài mất 3 ngày. Vào được căn cứ cửa khẩu Bà Rịa - Long Khánh ở Tà Lài thì mới hay vợ tôi vẫn ở trường quân sự tỉnh, trường đóng tận ngoài Núi Ông, Bình Thuận. Tôi nghĩ bây giờ mà ra ngoài ấy thăm vợ thì lấy gì ăn, một khi không bám vào cửa khẩu. Tôi viết thư gửi Ban chỉ huy Trường nhờ anh em đi lấy gạo đem về cho anh Ba Nam và cho Thanh, Hà đi theo để đưa vợ tôi xuống cửa khẩu. Anh Ba Nam tổ chức đưa vợ tôi đi.

Vợ tôi cho biết đã gửi cháu Nguyễn Nam Hùng về Hòa Long - Bà Rịa ở với bà ngoại rồi. Gặp nhau, mỗi ngày chỉ được 2 bữa cơm với cá hộp, thế cũng đã an ủi cuộc đời nhiều rồi.

Tuyết vẫn rất vững vàng động viên tôi yên tâm mà về R. Và vẫn một giọng điệu: “Có tập thể, em sẽ vượt qua tất cả. Anh khỏi lo!”.

Vợ chồng quyến luyến nhau được mấy ngày lại phải tạm biệt nhau. Lần ấy, Tuyết lại cấn thai con trai thứ của tôi, cháu Nguyễn Nam Hải bây giờ!
Logged

LordOfStorms
Thành viên
*
Bài viết: 13


« Trả lời #51 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2012, 12:40:40 pm »

SANG CAMPUCHIA

Tôi trở về T1 sau khi gặp vợ. Anh Hồng Lâm tổ chức một bữa cơm cá soi được dưới suối chia tay tôi và cho tôi một trăm đô la lên Miền đổi mà tiêu. Tôi báo cáo với anh:

- Tôi không đi đường ngã ba biên giới, lâu lắm, không mang gạo ăn đường nổi. Tôi sẽ đi cắt từ Phú Giáo qua đường 13 quành trên Lai Khê. Anh em Trung đoàn Đồng Nai sẽ đưa tôi qua đường. Từ bên kia đường 13, chúng tôi cắt rừng đi về biên giới Campuchia, sang đất Campuchia tôi sẽ tính.

Anh Hồng Lâm đồng ý, chỉ dặn:

- Nguy hiểm lắm, cẩn thận!

Đêm 17 tháng 1 năm 1971, anh em Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Đồng Nai đưa tôi đến cách đường 13 khoảng 300 mét thì bắt tay từ giã tôi trở về. Tất cả anh em đều cảm động muốn khóc:

- Bỏ anh chơ vơ chỗ này chúng em không đành.

- Anh em yên tâm. Anh sẽ khắc phục được khó khăn. Cứ về đi!

Còn lại ba chúng tôi, vào thêm 200 mét nữa, chui vào một bụi rậm nghỉ, súng luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Trời sáng rõ, tôi lấy góc phương vị đã chuẩn bị sẵn, đưa địa bàn cho Thanh đi đầu, kế đến là Hà, tôi đi sau cùng. Tất cả bước thật nhẹ nhàng, không gây tiếng động. Âm thầm đi đến 10 giờ, Thanh phát hiện có dấu vết căn cứ. Tôi trao đổi với em:

- Vào, coi chừng mìn, lựu đạn. Đề phòng anh em giật mình bắn chết.

Thanh rất giỏi về động tác trinh sát. Em mò vào tận bếp, trở ra Thanh báo cáo bếp còn nóng, có thể của du kích. Tôi bảo em bỏ hết ba lô chỗ tôi, trở vào bếp lần nữa, từ bếp tự nhiên đi đến nơi ở ẩn của anh em. Gặp bất ngờ, anh em không giật mình vì thấy Thanh có một mình. Thanh ra dẫn tôi và Hà vào. Hóa ra anh em Tiểu đoàn 6 đặc công đóng ở đây để nghiên cứu căn cứ Lai Khê. Tôi đưa điện R gọi tôi về, biết tôi là Trung đoàn trưởng, anh em cứ gọi là thủ trưởng. Tôi hỏi đồng chí cán bộ tiểu đoàn:

- Anh em ăn gạo ở đâu?

- Các em ăn gạo Kàchay - Mimốt.

Tôi mừng quá:

- Mấy ngày các em đi lấy gạo một lần?

- Dạ, mười ngày.

- Còn mấy ngày nữa đi?

- Dạ, bảy ngày.

- Khi đi lấy gạo cho anh đi cùng về Kàchay.

Đồng chí cán bộ tiểu đoàn rất nhiệt tình:

- Không! Em sẽ tổ chức một tổ đưa thủ trưởng đi.

Ngày hôm sau, một tổ hai đồng chí đặc công người dân tộc thật thà, chất phác, dũng cảm đưa ba chúng tôi cắt rừng lên Kàchay.
Logged
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #52 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 08:31:19 am »

Đang ở một chiến trường gian khổ, thiếu thốn lên đến Kàchay - Mimốt - vùng ta mới giải phóng bên đất Campuchia - chợ búa, xe cộ đông vui, nhân dân đi lại tấp nập, bộ đội ta nhộn nhịp, tôi nảy ra ý nghĩ: tạm nghỉ xả hơi vài ngày rồi tìm R sau. Gặp các anh Đoàn 84-81 hậu cần Miền, tôi xin quá giang xe tải, ba chúng tôi đi ra Salon, sát sông Mê Kông.

Tôi xuống một nhà bè Việt kiều xin tạm ở dưỡng sức được một ngày đêm.

Sáng ngày 21 tháng 1, từ nhà bè tôi lên tham quan thị trấn Salon, đang thơ thẩn đi dạo chợt thấy một đoàn xe Honda 90 chạy rầm rầm. Thấy tôi, một xe dừng lại.

-   Đi đâu đây?

Tôi quay lại:
-   Anh Út!

Tôi và anh Út Thới (sau là Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) có quan hệ thân tình từ trận chiến thắng Bàu Cá Trê năm 1963:

-   Năm Hưng đi đâu mà đứng đây?

-   Tôi được quyết định về R. Mới tới, chưa biết R ở đâu. Còn tạm nghỉ tại đây.

Anh Út cho cả đoàn xe dừng lại. Anh đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9. Anh bảo:

-   Đi với tôi.

Anh bỏ lại một người, chở tôi theo. Hai em Thanh, Hà cũng ở lại đi sau.

Anh Út đưa tôi thẳng vào Bộ Tư lệnh Miền, gặp anh Năm Ngà, Tham mưu trưởng. Nhìn tôi một lúc anh Năm Ngà nói:

-   Tưởng đâu Năm Hưng to con lắm chớ...

Anh bỏ lửng, không nói thêm.

Những năm chiến tranh, vóc dáng tôi tuy hơi cao nhưng gầy ốm, chỉ trên dưới 50 ký. Chẳng hiểu anh Năm Ngà khen hay chê. Chắc là chê tôi gầy ốm.

Vừa uống nước, anh vừa giao nhiệm vụ:

-   Trong tuần này Năm Hưng ở tại phòng tác chiến. Trong ngày dự ba cuộc giao ban. Giao ban phòng 2, quân báo, chỗ anh Năm Bích. Giao ban phòng 1, tác chiến, chỗ anh Sáu Khâm. Giao ban Bộ Tham mưu Miền. Còn thời gian rảnh xem tài liệu của Sư đoàn 5.
Ngày 01 tháng 2 năm 1971, Bộ Tham mưu Miền tổ chức đưa tôi về nhận nhiệm vụ Tham mưu phó Sư đoàn 5.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #53 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 08:45:00 am »

NHỮNG THÁNG ĐẦU Ở SƯ ĐOÀN 5

Tôi về Sư đoàn 5 đúng lúc quân ngụy mở cuộc hành quân phản công lên biên giới Campuchia mang tên "Toàn thắng 01.71 NB” với quy mô lớn. Hướng chủ yếu ở Suông – Chúp - Đầm Be. Hướng thứ yếu từ Lộc Ninh theo đường 13 lên Snoul. Tôi từ Kratié theo đường 13 xuống Snoul trước, đón Sở chỉ huy Sư đoàn từ đường 14K Bù Đốp hành quân qua bắc Snoul.

Anh Sáu Tấn chủ nhiệm trinh sát Sư đoàn tranh thủ đưa tôi đi xem địa hình Snoul ngày 2 tháng 2 năm 1971. Chiều ngày 3, tôi và trinh sát vào Ban chỉ huy Trung đoàn 1 ở lô cao su 49 để sáng hôm sau tiếp tục đi khảo sát địa hình.

9 giờ sáng ngày 4 tháng 2, trinh sát Trung đoàn 1 báo cáo Chiến đoàn 49 ngụy vượt biên giới Việt Nam - Campuchia và đã chiếm Snoul. Tôi trở về Sở chỉ huy Sư đoàn trình diện và bắt tay vào chiến đấu.

Vì là những cán bộ từng trải trên cùng chiến trường, tôi nhập cuộc Sư đoàn rất nhanh. Cùng với Ban chỉ huy và các cơ quan Sư đoàn chỉ huy quần thảo với địch ở Snoul và xung quanh Snoul ròng rã gần 4 tháng chiến đấu liên tục từ ngày 4 tháng 2 đến 30 tháng 5 năm 1971, Sư đoàn 5 tiêu diệt hoàn toàn căn cứ địch ở Snoul.

Trong mấy tháng quần thảo với địch, có những điều tôi nhớ mãi. Sau thời gian chỉ huy các trung đoàn chiến đấu đánh tiêu hao, tiêu diệt bộ phận địch, cuối cùng địch co cụm phòng thủ công sự tại Snoul với quy mô chiến đoàn có bộ binh, thiết giáp và pháo binh tại chỗ, thêm pháo binh và không quân chi viện. Địch lấy căn cứ Snoul làm bàn đạp để tấn công ra các hướng.

Ngày 17 tháng 3, anh Sáu Tấn (Chủ nhiệm trinh sát) đưa cho tôi một mẩu tin trinh sát kỹ thuật thu từ máy bay trực thăng trinh sát địch trao đổi với nhau: “Trảng này dài, trảng bên tròn, trảng này có hai cái liền nhau”. Qua mẩu tin, tôi và anh em tham mưu, trinh sát tra bản đồ thấy có trảng Phum Xăng cách sở chỉ huy sư đoàn 4 cây số về phía tây bắc và một trảng nhỏ cách sông Salon 2   cây số. Tôi và cơ quan nhận định ban đầu: “Nó đổ biệt kích thăm dò hoặc đổ chụp cấp tiểu đoàn phối hợp với lực lượng Snoul nống ra quấy rối ta phiá sau”.

Trưa ngày 18, tôi lên gặp Sư đoàn trưởng Bùi Thanh Vân (Út Liêm). Tuy tôi mới về, nhưng chúng tôi đã biết nhau qua tiếng tăm chiến đấu, nết làm việc chúng tôi rất ăn ý nhau. Tôi báo tin trinh sát thu được và nhận định của cơ quan. Anh Út nhất trí và có ý kiến:

-   Phải đề phòng nó đổ lớn. Song, nếu điều quân cấp trung đoàn thì phải họp Đảng ủy Sư đoàn. Tin thì chỉ là phán đoán. Mình điều cấp trung đoàn vào mà nó đổ chỉ 1, 2 tiều đội biệt kích thì chỉ huy kẹt. Vậy, Năm Hưng điều một tiểu đoàn của Trung đoàn 1 vào chuẩn bị đánh địch đổ trực thăng ở Phum Xăng, đồng thời báo động cho Tám Nỷ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 – sẵn sàng cơ động vào Phum Xăng khi có lệnh. Như vậy, khỏi họp đảng ủy sư đoàn, không sợ hớ và cũng kín kẽ khi địch đổ lớn.

Trong đêm 17, tôi điều động Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 1 vào Phum Xăng, tăng cường 1 đại đội 12,8 ly cho Tiểu đoàn. Từ Sở chỉ huy Sư đoàn mắc đường dây trực tiếp nói chuyện với anh Tám Luông và anh Ba Thà, Ban chỉ huy Tiểu đoàn. Tôi giao nhiệm vụ: “Phục kích đánh đổ bộ đường không vào sáng mai. Trước khi đổ, địch sẽ dọn bãi. Phục sát bìa trảng, công sự ngụy trang kín sẽ đỡ tổn thất. Khi địch đổ quân vừa chấm đất là nổ súng cả vào máy bay và bộ binh...”

Bảy giờ sáng ngày 18, Sở chỉ huy Sư đoàn được tin trinh sát kỹ thuật địch lên máy bay trực thăng từ Xuân Lộc trong lúc một tốp trực thăng vũ trang và quan sát đang bắn dọn bãi. Từ Sở chỉ huy Sư đoàn tôi cầm máy thông báo cho Tiểu đoàn 1: “Địch đang lên máy bay. Máy bay đã cất cánh. Tất cả 10 chiếc. Máy bay trực thăng đã đến Lộc Ninh. Chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu".

Quyết tâm của ta là sẽ đánh tiêu diệt cấp tiểu đoàn địch, chờ chúng đổ đợt thứ hai tiểu đoàn mới nổ súng. Theo lệnh của Sư đoàn trưởng Bùi Thanh Vân, tôi điều động Trung đoàn 1 còn lại cấp tốc hành quân về Phum Xăng.

9 giờ, địch đổ quân đợt thứ hai xuống. Tiểu đoàn 1 cấp tập bắn đồng loạt vào bãi đổ quân, đồng thời đánh bọn đang còn ngoài trảng. Ngay loạt đạn đầu tiên của Tiểu đoàn 1, hai chiếc trực thăng rơi tại trảng, một chiếc bị thương lượn vòng qua Sở chỉ huy Sư đoàn rồi rơi trong khu vực Sở chỉ huy Sư đoàn, gần chỗ ban pháo của Tạ Điển. Mười một tên ngụy chết hết nhưng sống sót hai tên Mỹ. Một tên ngoan cố, nổ súng vào anh em chiến sĩ ban pháo. Tức quá, anh em bắn chết tại chỗ. Một tên chạy lung tung trong khu vực Sở chỉ huy bị đồng chí Thắng (y sĩ) bắt sống.

Trung đoàn 1 kịp đưa hết đội hình vào chiến đấu.

Địch chết và bị thương kêu la dậy trảng. Số còn lại chạy dạt mở đường máu ra đường 13 về Snoul.

Sau hai giờ chiến đấu, trận Phum Xăng kết thúc. Ta diệt hàng trăm tên, mười ngày sau còn gặp những thây khô trong rừng. Ta bắt sống 23 tên, thu trên 100 súng và 5 máy PRC 25.

Cánh quân mở đường máu chạy ra lộ 13 bị Trung đoàn 3 do anh Tư Bường chỉ huy chặn ở Cát Đai, diệt một số.

Ý định đổ chụp vào vùng bắc Snoul để giải tỏa áp lực cho cụm chốt Snoul của địch bị bẻ gãy, địch ở Snoul sau trận này càng hoang mang.

Sau hơn ba tháng quần thảo tiêu hao, tiêu diệt bộ phận cánh quân thứ yếu của địch, cuối cùng chúng phải co cụm về Snoul. Chiến đoàn 48 ngụy tạo thành 4 cụm chốt liên hoàn, mỗi cụm chốt có một tiểu đoàn bộ binh, một chi đoàn thiết giáp, pháo 105 và cối 106,7 tạo thành một cụm phòng ngự vòng tròn.

Địch tin tưởng với cụm phòng ngự hoàn chỉnh ở Snoul, Việt cộng không thể công phá nổi. Chúng dùng chiến thuật tung lực lượng nhỏ kết hợp pháo, xe thiết giáp đánh phá ta. Nhưng Bộ chỉ huy Miền của ta nhận định: “Sau thời gian đánh vượt biên, tinh thần địch đang suy sụp. Địch co cụm và mong được lệnh rút về nước. Đây là thời cơ cho ta tiêu diệt lớn".

Sư đoàn 5 nhận nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Snoul. Đảng ủy Sư đoàn họp thông qua nhiều phương án khác nhau. Có phương án vây ép, bóp lòi, tiêu diệt địch ngoài công sự tiến đến tiêu diệt toàn bộ trong công sự. Tôi thiên về phương án này.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười, 2012, 09:17:22 am gửi bởi macbupda » Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #54 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 08:50:25 am »

Một phương án khác: “Vây, lấn, tấn, triệt, diệt", ép dần vào, tiến đến tiêu diệt. Tôi phân tích: Phương án này phải phơi mình dưới bom đạn dài ngày, thương vong lớn.

Một đồng chí lãnh đạo có ý kiến:

- Đây là chiến thuật phải đánh để rút kinh nghiệm.

Vốn thẳng tính, tôi buông một câu:

- Nếu nói đánh để rút kinh nghiệm về chiến thuật thì tôi không có ý kiến. Nhưng thâm tâm tôi nghĩ, không người chỉ huy giỏi nào lại phung phí sinh mạng con người để rút kinh nghiệm cả.

Đáng buồn là hầu như cấp trên bao giờ cũng đúng, vẫn chọn thực hành chiến thuật “vây, lấn, tấn, triệt, diệt”.

Thực tế diễn ra các ngày sau đó thành hai chiến thuật kết hợp. Ta tiến hành công sự vây, lấn, tấn... đến ngày thứ 5 thì địch trong cứ điểm Snoul chịu không nổi. Chúng phải mở đường máu tháo chạy về hướng Lộc Ninh song không thoát khỏi, bị Trung đoàn 3 và Sư đoàn 7 tiêu diệt.

Ngày 30 tháng 5, ta quét sạch cụm địch ở Snoul.

*
*        *

Những ngày đầu mới về Sư đoàn 5, qua công tác, phục vụ chiến dịch, tôi được sự tin tưởng và thương mến của anh em cơ quan cũng như các trung đoàn và đơn vị trực thuộc, tình cảm ấy an ủi tôi nhiều lắm.

Anh Bùi Thanh Vân, Sư đoàn trưởng, tính cũng nóng nảy, bộc trực nhưng rất thương yêu đồng chí, đồng đội. Một hôm, anh trao đổi riêng với tôi:

-   Vây, lấn, tấn, triệt, diệt... là chiến thuật ngoài miền Trung làm rồi. Anh Hiền - Tràng vào phổ biến, tôi về phổ biến lại. Năm Hưng nói tôi một câu nặng quá. Về quan điểm con người...

Tôi trả lời anh:

-   Nhưng rồi ta có diệt nó được hết trong công sự đâu anh Út ! Nó cũng lòi ra thôi.

Từ đó về sau, anh và tôi rất ăn ý nhau. Anh tin tôi trong công tác tổ chức cũng như triển khai các nhiệm vụ chiến đâu, về các văn kiện chiến đấu.

Sau trận diệt địch ở Snoul, từ tháng 8 năm 1971, Sư đoàn hoạt động liên tục trên đường 13 và đường 7. Từ sông Salon đi Snoul, Kàchay, Mimốt, Anpúp, tiêu diệt nhiều đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn địch vượt biên giới lấn sang Campuchia.

Về Sư đoàn 5 có một điều sướng nhất là không đói như ở chiến trường trong nước!
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #55 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 08:52:59 am »

THAM GIA CHIẾN DỊCH NGUYỄN HUỆ

Tháng 11 năm 1971, Bộ chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch Nguyễn Huệ. Sư đoàn nhận nhiệm vụ đánh trận then chốt: tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Lộc Ninh, mở đầu cho chiến dịch. Sư đoàn 9 đánh An Lộc và Sư đoàn 7 đánh viện Tàu Ô - Chơn Thành.

Đánh trận Lộc Ninh, sử dụng binh chủng hợp thành cấp sư đoàn có tăng cường, có thể đây là trận đánh lớn nhất ở miền Đông Nam Bộ lúc bấy giờ. Từ bàn đạp Kàchay - Mimốt, tôi tổ chức đoàn cán bộ đi nghiên cứu trên hai hướng chủ yếu, thứ yếu và bộ phận đánh viện. Ròng rã 3 tháng trời, mọi công tác chuẩn bị mới hoàn thành.

Ngày 28 tháng 3 năm 1972, quyết tâm chiến đấu của Sư đoàn được cấp trên phê duyệt. Sư đoàn được tăng cường Trung đoàn 3 của Sư đoàn 9, Trung đoàn 28 pháo mang vác, Trung đoàn 42 pháo xe kéo và một đại đội xe tăng 11 chiếc.

Địch trong chi khu Lộc Ninh có Chiến đoàn 9, Trung đoàn 1 thiết giáp án ngữ ở ngã ba Lộc Tấn, các khu biệt kích 81 và khu tiếp liệu của chúng.

Ngày 30 tháng 3 năm 1972, Sư đoàn xuất phát với 5 cánh quân, khí thế hừng hực với khẩu hiệu “Tiêu diệt gọn Chiến đoàn 9, đánh quỵ Sư đoàn 5 ngụy Sài Gòn, giải phóng Lộc Ninh, giành cờ quyết chiến, quyết thắng của Bộ chỉ huy Miền".
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười, 2012, 09:10:50 am gửi bởi macbupda » Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #56 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 09:09:46 am »

Ngày xuất quân, Sư đoàn trưởng Bùi Thanh Vân lại sốt cao, quân y Sư đoàn bộ phải tổ chức cáng đồng chí hành quân. Âm thầm, bí mật, quyết tâm cao, từ các căn cứ ở biên giới Campuchia các đơn vị hành quân về biên giới Việt Nam, tiếp cận mục tiêu.

Ngày 4 tháng 4, các cánh quân đã vào vị trí tập kết quy định. Trung đoàn 1 ở bắc Lộc Ninh, Trung đoàn 2 ở phía tây, Trung đoàn 3 vượt đường 13 về phía đông mục tiêu, Trung đoàn 3 Sư đoàn 9 đông nam ngã ba Lộc Tấn, đảm nhiệm đánh Trung đoàn 1 thiết giáp địch từ ngã ba Lộc Tấn chạy về chi viện cho Lộc Ninh. Trung đoàn 28 pháo và Trung đoàn 42 pháo cũng đều sẵn sàng ở vị trí tập kết. Thế trận bao vây cụm cứ điểm Lộc Ninh đã hình thành.

Thị trấn Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long là thị trấn cửa ngõ biên giới Việt Nam - Campuchia nằm vị trí giao điểm giữa hai đường 13 và 14 đi Snoul và Bù Đốp, là cứ điểm kiên cố ngăn chặn ta từ biên giới về, là bàn đạp trung tâm chỉ huy đánh phá của địch đánh vào các căn cứ ta bên phía Campuchia. Chi khu Lộc Ninh với quân số 4.500 tên, 16 khẩu đại bác 105 đến 155 ly, có Trung đoàn 1 thiết giáp trực tiếp hỗ trợ, hệ thống công sự kiên cố với chiều dài 800 mét, rộng 200 mét, 7 lớp rào và mìn. Ngoài ra còn hệ thống 16 đồn bảo an trên các xã, lại thường xuyên có Tiểu đoàn 74 biệt động quân ở căn cứ Hoa Lư. Lộc Ninh được quân ngụy Sài Gòn gọi là “bức tường thép" của chúng ở biên giới Việt Nam - Campuchia.

Trong quá trình chúng tôi nghiên cứu mục tiêu, địch phán đoán có sự hiện diện của quân ta, nhưng chúng chủ quan cho rằng Việt cộng nếu có đánh chỉ lẻ tẻ vòng ngoài. Khi phát hiện các hướng đều có Việt cộng bèn tăng cường pháo kích vào các hướng nghi ngờ. Trung đoàn 1 thiết giáp ở ngã ba Lộc Tấn có một bộ phận đã lùng sục và đụng đầu với Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 3 của ta. Nhưng biết ra thì đã quá muộn.

4 giờ 30 sáng ngày 5 tháng 4, thế trận bao vây của Sư đoàn bộ binh 5 đã siết chặt. Tôi báo cáo với Sư đoàn trưởng. Sư đoàn xin phép tiền phương Bộ Chỉ huy Miền cho nổ súng và được chuẩn y.

Qua máy bộ đàm, tôi lệnh cho trận địa pháo Trung đoàn 28 nổ súng nhưng Trung đoàn bị sự cố bất thường ở trận địa không nổ súng được. Tôi bèn lệnh cho trận địa cối của Sư đoàn, đồng thời ra lệnh cho Trung đoàn 2 ép sát công sự vây lấn. Ở hướng đông, Trung đoàn 3 cũng ép sát cách rào 70 mét công sự, Trung đoàn 1 bao vây các đồn ở xã Lộc Bình và Trương Ngọc Hoa.

Sau 15 phút phát lệnh, các trận địa pháo của Trung đoàn 42 và 28 mới khai hỏa. Liên tục 30 phút, hỏa lực cối 160, 120 và 82 ly cùng hỏa tiễn các loại dồn dập bắn vào Sở chỉ huy Chiến đoàn 9 ngụy và các trận địa pháo của chúng. Cùng lúc, các trận địa cối 82, ĐKZ của Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 bắn quyết liệt vào các lô cốt của Chiến đoàn 9 yểm trợ cho các cánh vào mở cửa. Suốt ngày 5 tháng 4, Sở chỉ huy Sư đoàn sôi động chỉ huy các hướng vây ép, giữ cửa mở, tiêu diệt các mục tiêu phát hiện trong cứ điểm.

9 giờ 30 phút, Trung đoàn 1 thiết giáp ngụy từ ngã ba Lộc Tấn kéo vào giải vây cho Chi khu Lộc Ninh, lọt vào trận địa Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9). Với quyết tâm ngăn chặn bảo đảm cho Sư đoàn 5 an toàn đánh Chi khu Lộc Ninh, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9) quần nhau với địch trong các lô cao su từ 11 giờ trưa đến 17 giờ chiều diệt 16 xe M113, buộc địch phải quay về ngã ba Lộc Tấn.

Nhằm bảo đảm cho Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 của Sư đoàn ép sát hàng rào và mở thêm 5 cửa mở mỗi hướng súng ĐKZ của hai trung đoàn diệt 6 lô cốt xung quanh. Trận địa pháo của Trung đoàn 28 và 42 bắn theo yêu cầu của Sư đoàn bắn chính xác vào Sở chỉ huy, các trận địa pháo địch khiến hệ thống pháo của chúng tê liệt.

Ngày 6 tháng 4, Trung đoàn 1 thiết giáp ngụy cùng Tiểu đoàn 74 và một đại đội bảo an từ Hoa Lư tổ chức hành quân về cứu nguy cho Chi khu Lộc Ninh. 8 giờ, tất cả lọt vào trận địa phục kích của Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9). Sau 3 giờ chiến đấu, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9) đã tiêu diệt 2 chi đoàn xe thiết giáp và Tiểu đoàn 74, bắn cháy 56 xe, bắt sống 34 xe, bắt 130 tù binh...

Theo kế hoạch, sau 4 đến 5 ngày vây lấn, ta sẽ thực hành tấn công. Nhưng trước diễn biến chiến dịch thuận lợi, cơ quan tham mưu tổng hợp tình hình, báo cáo Đảng ủy Sư đoàn. Đảng ủy hạ quyết tâm: “Thực hành tấn công tiêu diệt cứ điểm Lộc Ninh sớm hơn dự kiến".

Được cấp trên chấp thuận, vào lúc 3 giờ ngày 7 tháng 4, Sư đoàn bộ binh 5 thực hành tấn công. Đến 14 giờ cùng ngày, Sư đoàn hoàn toàn làm chủ chi khu Lộc Ninh, bắt sống tên đại tá Nguyễn Công Vinh - Chi khu trưởng và nhiều tù binh. Năm ngày sau, ngày 12 tháng 4 năm 1972, tình hình vùng giải phóng Lộc Ninh đã ổn định.

Lần đầu tham gia một trận đánh lớn với quy mô sư đoàn tăng cường có binh chủng hợp thành, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, tổ chức hợp đồng, tham gia chỉ huy hành quân và chỉ huy chiến đấu, có ý kiến chính xác trong những thời điểm quyết định giúp cho Sư đoàn trưởng hạ quyết tâm đúng đắn. Tôi thầm cảm ơn anh em trinh sát bộ binh, trinh sát kỹ thuật rất giỏi. Chủ nhiệm pháo binh Tạ Điển, Chủ nhiệm thông tin Hai Phối tổ chức mạng lưới thông tin tuyệt vời, cảm ơn Chủ nhiệm trinh sát Sáu Tấn và các trợ lý rất thông minh và dạn dày kinh nghiệm trong chiến đấu.

Chợt tôi nhớ câu: Một con én không làm nên mùa xuân.

Sau chiến thắng Lộc Ninh, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 5 cùng bộ phân chủ chốt của cơ quan đi nghiên cứu chiến trường Dầu Tiếng, chuẩn bị cho Sư đoàn về hoạt động trên hướng này. Thường trực ở đơn vị chỉ còn Sư đoàn phó Dũng và tôi, các trung đoàn cũng chỉ còn cấp phó.

Trong lúc đó, Sư đoàn 9 đánh An Lộc chưa dứt điểm. Địch tăng cường lên chiếm nhiều mục tiêu, trong đó có Núi Gió để án ngữ phía đông An Lộc. Lệnh của tiền phương Bộ Tư lệnh Miền: Sư đoàn 5 tổ chức một trung đoàn xuống An Lộc tiêu diệt Núi Gió, bảo đảm an toàn sườn phía đông cho Sư đoàn 9.

Ngày 19 tháng 5, tôi trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn phó Trung đoàn 1 Ba Thà và cùng tổ chức hành quân xuống bắc sân bay Técních, gặp anh Ba Hồng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 9 để nắm tình hình.

Sư đoàn 9 tăng cường cho Trung đoàn 1 bốn xe tăng và số anh em trinh sát bám Núi Gió. Tôi cùng Trung đoàn 1 triển khai nghiên cứu và triển khai lực lượng đi cùng đánh gấp, không để địch kịp xây công sự vững chắc. Ngay trong đêm, các mũi tiếp cận mục tiêu. Rạng sáng hôm sau, ngày 20 tháng 5, Trung đoàn tập kích Núi Gió.

Sau 30 phút cấp tập hỏa lực, xe tăng T54 vượt lên cùng bộ binh các Tiểu đoàn 1 và 3 đánh chiếm tiền duyên thọc nhanh vào trung tâm. Nhưng bọn lính dù ngoan cố chống cự. Xe tăng của ta bị cháy 2 chiếc, phải đánh dằng đai đến 5 giờ sáng vẫn chưa đứt điểm được.

Tôi bàn với Ban chỉ huy Trung đoàn củng cố tổ chức bộ binh, cối và ĐKZ chuyển sang đánh ban ngày, đưa tiểu đoàn 3 tiếp tục vào chiến đấu.

Cối và ĐKZ tiếp tục chế áp.

Ta đồng loạt tiến công nhiều hướng.

Đến 10 giờ, Trung đoàn 1 làm chủ hoàn toàn Núi Gió. Ta thu 6 đại bác 105 ly, 2 khẩu cối, bắt 14 tù binh.

Tuy giành thắng lợi trong trận tấn công Núi Gió, song tôi thấy thời cơ tiêu diệt An Lộc không còn. Đã gần một tháng rưỡi từ sau khi ta giải phóng Lộc Ninh, với An Lộc, Sư đoàn 9 đã để lỡ thời cơ.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười, 2012, 09:25:00 am gửi bởi macbupda » Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #57 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 09:24:38 am »

Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #58 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 09:27:24 am »

XUỐNG ĐỒNG BẰNG

Trải qua hơn một tháng chiến đấu trong chiến dịch Nguyễn Huệ trên địa bàn Bình Long, tôi đã góp phần phục vụ cho Sư đoàn chiến đấu trên 20 trận lớn nhỏ, tiêu diệt Chiến đoàn 9, Trung đoàn 1 thiết giáp ngụy, đánh thiệt hại Tiểu đoàn 74 biệt động quân, 2 tiểu đoàn lính dù... loại khỏi vòng chiến đấu trên 5.000 tên địch, bắt sống trên 1.900 tù binh, thu nhiều xe, pháo và súng đạn. Điều quan trọng hơn cả là giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh, trở thành trung tâm vùng giải phóng Đông Nam Bộ với trên 35.000 dân.

Sau trận Núi Gió, đang ở sân bay Técnich thì tôi nhận được điện của anh Sáu Khâm từ tiền phương Bộ Tư lệnh Miền: “Sẵn ở sân bay Técnich Năm Hưng lấy số bản đồ hướng nam. Ngày thứ tôi, thứ Năm Hưng cộng lại, nhân đôi có mặt tại 301 nhận nhiệm vụ”.

Anh nói mật: thứ tôi (Sáu Khâm) là thứ 6, Năm Hưng là thứ 5, cộng lại là 11, nhân đôi thành 22, tức là ngày 22. Sẵn kho bản đồ của địch ở Técnich tôi lựa hết bản đồ Dầu Tiếng, Nam Bến Cát cho tới Trảng Bàng mang về. Vì tôi tính, hướng nam là hướng này, hơn nữa Sư đoàn trưởng đang đi chuẩn bị chiến trường hướng này.

Về đến Sở chỉ huy tiền phương 301 (Bộ Tư lệnh Miền), suy nghĩ ban đầu của tôi sai hết. Lệnh của Bộ Tư lệnh Miền: “Sư đoàn 5 thọc xuống đồng bằng Kiến Tường, Kiến Phong, Long An, Mỹ Tho... Phải hành quân gấp và bằng mọi phương tiện”.
Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #59 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2012, 09:43:43 am »

Không khỏi ngỡ ngàng! Trong lúc Bộ chỉ huy Sư đoàn còn ở dưới Dầu Tiếng, tôi tổ chức hành quân cấp tốc theo lệnh của Bộ Tư lệnh Miền.
 
Tiểu đoàn trinh sát xuất phát từ Kàchay theo đường 7 trưng dụng xe hơi, xe máy kéo rơmooc và xe hậu cần Miền tăng cường, hành quân suốt ngày đêm xuống Tànu, biên giới giáp tỉnh Svayriêng (Campuchia) tới Mộc Hóa - Kiến Tường, đoạn đường dài trên 200 km. Sau đó, tôi tổ chức cho Trung đoàn 2 và 3 cũng lần lượt hành quân về biên giới Kiến Tường bằng mọi phương tiện: xe lam, xe lôi, xe hơi, xe vận tải, Honda, đến Congpongtrapet, Chiphu tỉnh Svayriêng...

Giữa tháng 6 năm 1972, toàn đội hình chiến đấu của Sư đoàn 5 đã tập kết ở tỉnh Svayriêng sát biên giới Kiến Tường, Kiến Phong, Long An và tiến hành chuẩn bị mọi mặt: về tư tưởng, tổ chức, vật chất, nhất là xuồng để cơ động vì từ tháng 6 đến tháng 8, thọc xuống còn cơ động bộ được nhưng từ tháng 10 trở đi nước ngập, chỉ có thể cơ động nhỏ bằng xuồng. Trong lúc đội hình lớn của Sư đoàn 5 muốn xuống đồng bằng còn phải bao vây và kìm chế các đồn biên phòng của địch như Long Khốt, Gò Măng Đa ở Vĩnh Hưng.

Bước vào đợt thọc sâu xuống đồng bằng từ tháng 6 đến tháng 8, Trung đoàn 2 mở đợt hoạt động biên giới, mở màn đánh Long Khốt, pháo kích Gò Măng  Đa. Đơn vị tên lửa vác vai A72 phục kích bắn máy bay trinh sát ở biên giới. Trung đoàn 3 thọc xuống vùng 4 Kiến Tường. Trung đoàn 1 thọc thẳng xuống nam lộ 1, Vĩnh Kim - Mỹ Tho. Chỉ huy Sư đoàn và Sư đoàn bộ xuống đứng ở vùng 4 Kiến Tường, phối hợp cùng lực lượng địa phương khu 8 mở rộng vùng Cái Bè, mở rộng mảng biên giới Hồng Ngự. Các trận điển hình như diệt đồn Thày Yến, diệt địch đóng ở chùa Phật Đá, kinh Nguyễn Văn Tiếp... Trên tuyến biên giới, Trung đoàn 2 giữ phía sau, đánh bọn Lonnon đạt hiệu suất cao, bảo đảm hậu phương của Sư đoàn.

Từ “anh lính rừng già” làm "lính đồng bằng”, thiếu đạn dược và lương thực, ăn ở đi lại chỉ có đồng lầy trong lúc pháo kết hợp bộ binh địch đánh phá ác liệt, hoàn cảnh mới với không ít khó khăn, gian khổ mới. Tuy nhiên, Trung đoàn 1 cũng như Trung đoàn 3 cùng tiền phương chỉ huy của Sư đoàn vẫn kiên cường bám trụ, cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiến Tường, Mỹ Tho chiến đấu quyết liệt.

Những ngày chiến đấu ở vùng sâu là những ngày Sư đoàn 5 bộ binh bị tổn thất lớn. Trong những ngày này, tôi và các anh trong cơ quan tham mưu Sư đoàn xuống từng đơn vị để tìm ra phương thức chiến đấu tốt nhằm hạn chế tổn thất cho đơn vị.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết. Mỹ cam kết tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu về nước, không can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam.

Được tin Hiệp định ký kết, tôi vẫn bán tín, bán nghi. Mỹ rất xảo quyệt, chúng không dễ dàng bỏ cuộc. Tuy nhiên, Mỹ rút quân là chuyện có thật, chẳng đặng đừng. Nhưng chúng lại tăng cường viện trợ tiền bạc vũ khí cho ngụy để Việt Nam hóa chiến tranh. Ngụy đang hùng hổ hô hào bình định, bung ra hòng chiếm lại các vùng giải phóng của ta, cố sức xóa thế da beo, thế xen kẽ giữa ta và địch.

Tôi đã cùng Bộ chỉ huy Sư đoàn xoay sở chỉ đạo Trung đoàn 3 và Trung đoàn l đánh trả địch trên khắp chiến trường vùng 4 Kiến Tường, chùa Phật Đá, Cai Lậy, kinh Dương Vân Dương, kinh Bà Trần, kinh 12... giữ vững vùng giải phóng.

Sau một năm dừng chân ở đồng bằng, tháng 6 năm 1973, sư đoàn được lệnh Bộ Tư lệnh Miền hành quân về Đồng Pan tỉnh Tây Ninh. Hành quân xuống đồng bằng đã khó, hành quân băng Đổng Tháp Mười ngược về Tây Ninh càng khó hơn.

Với tư cách là cơ quan tham mưu, tôi nêu các vấn đề cần phải giải quyết ngay như:

- Phải hết sức bí mật với địch đã đành, phải bí mật với cả dân nữa.

- Xuống đồng bằng phải hành quân thần tốc 2 đêm: nay về, chỉ được đi trong 1 đêm.

- Xuống, hành quân cấp tiểu đoàn, về phải hành quân cấp sư đoàn thiếu.

- Các mặt bảo đảm phải hết sức chu đáo, chặt chẽ, nhất là bảo đảm phòng không và chặn địch các hướng khi lộ đội hình.

Thật táo bạo, mạo hiểm khi đội hình Sư đoàn băng qua cánh đồng Đồng Tháp Mười từ vùng 4 Kiến Tường về biên giới Campuchia. Nhưng không có cách nào khác hay hơn, tốt hơn.

Bộ chỉ huy Sư đoàn giao cho thủ trưởng và cơ quan tham mưu làm kế hoạch cụ thể và chỉ đạo thực hiện. Việc đầu tiên, để nghi binh, tôi cho một tiểu đoàn của Trung đoàn 3 do Trung đoàn phó Tám Luông chỉ huy vận tải từ biên giới Campuchia xuống khu 8, liên tục như vậy hơn nửa tháng để cho địch thấy là lực lượng vận tải không đáng kể, chúng sẽ không chú ý đến đường đi. Kế đến, hợp đồng với lực lượng địa phương kế hoạch ém hết các đồn bốt. Đúng 21 giờ đêm, đơn vị hành quân phải có mặt ở tất cả mục tiêu, sẵn sàng đánh phá hoại để nghi binh, thu hút địch.

Khi bộ đội ở đồng bằng, cá nhiều, đơn vị nào cũng có hầm cá dự trữ, để nghi binh trong dân. Ngày hành quân, phải gửi hầm cá cho dân, không được cho, không được bán, chỉ nói vài bữa nữa sẽ trở về lấy.

Toàn tiểu đoàn trinh sát bí mật hành quân trước, chốt hết các đầu mối trọng điểm.

Ngày hành quân, toàn bộ lực lượng tên lửa vác vai - loại bắn máy bay trực thăng - đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đi trong đội hình Sư đoàn.

Công tác chuẩn bị chỉ trong vòng hơn 20 ngày, kể cả nghi binh vận tải.

16 giờ ngày 25 tháng 6, toàn Sư đoàn xuất phát. Khoảng chập tối là rời khỏi vị trí đóng quân, từ vùng 4 Kiến Tường băng đồng, hàng ba, hàng tư lội bưng hướng về biên giới Tà Nu (Campuchia), đi liên tục không được nghỉ; đói ăn cơm vắt, khát vừa đi vừa uống; người khỏe mang giúp cho người yếu.

Tất cả đều nỗ lực, cứ như thế Sư đoàn rầm rập hành quân. Sau 16 tiếng đồng hồ hành quân liên tục, khoảng 8 giờ sáng hôm sau, đội hình Sư đoàn đặt chân đến biên giới Campuchia - Việt Nam an toàn.

Đối với người làm công tác tham mưu như tôi, cuộc hành quân này là một kỷ niệm khó quên.

Về Đồng Pan, Tây Ninh, một vùng giải phóng rộng sau chiến dịch Nguyễn Huệ, Sư đoàn như hổ về rừng, bắt tay ngay vào việc củng cố tổ chức, bổ sung quân số, bổ sung trang bị; ổn định tư tưởng đơn vị; tiến hành xây dựng doanh trại; chuẩn bị cho đợt huấn luyện mới.

Cuối năm 1973, Sư đoàn đã có chỗ ăn ở tươm tất, với hơn 70 căn nhà ở, 5 hội trường cấp trung đoàn và sư đoàn, 3 sân bóng đá, 16 sân bóng chuyền, nhiều thao trường chiến thuật và các công trình sinh hoạt khác.

Không khí sư đoàn thật sôi nổi.

...Nhớ lại lúc bất đầu chuẩn bị chiến dịch Nguyễn Huệ, tôi đang họp Đảng ủy ở Kàchay, Mimốt để thông qua kế hoạch tiêu diệt Chi khu Lộc Ninh thì anh Hai Hồng Lâm từ T1 về họp ở Bộ Tư lệnh Miền dẫn vợ tôi theo lên. Anh đưa vợ tôi vào thẳng cơ quan Sở chỉ huy Sư đoàn đang họp. Chào hỏi mọi người xong, anh nói:
- Năm Hưng nay là lính của Miền (R) rồi, khó về lại Quân khu 7 (T1). Tôi đưa vợ Năm Hưng lên. Các đồng chí bố trí công tác cho gần Năm Hưng.

Thật bất ngờ với tôi, và càng thấm thìa nghĩa tình của anh.

Mấy ngày vợ tôi ở lại Sư đoàn, vợ chồng có dịp tâm sự với nhau. Tôi rất thương cảm cho vợ phải gian truân chịu đựng sự ác liệt của bom đạn, đói vì địch phong tỏa, bụng mang thai đứa con thứ 2 của chúng tôi (cháu Nguyễn Nam Hải bây giờ), gạo không có ăn, phải ăn lá bép, măng rừng... thức ăn không có, mang bầu xuống suối bắt được con cua, con nhái, bỏ vào lon sữa bò kho lên với mấy hạt muối (muối cũng hiếm) để ăn dưỡng thai!... Sanh xong, không có một hạt gạo. Anh Tư Mậu (Chính trị viên Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 4) gửi cho 3 lon bột mỳ còn viết thư dặn: "Bột mỳ mốc, chị cho cháu ăn coi chừng phá bụng!...”.

Chiến trường miền Đông gian khổ và ác liệt vậy đó... Nhưng rồi với tính tự trọng hão - đúng hơn vì sĩ diện - tôi gặp anh Út Tùng, trưởng đoàn hậu cần 230 của Miền đề nghị anh nhận vợ tôi về Đoàn hậu cần Miền mà không để công tác ở Sư đoàn, út Tùng, anh Nguyễn Phương Tùng là người anh, người đồng chí dẫn dắt tôi từ buổi ban đầu ở Chi đội 25. Anh hiện nghỉ hưu ở cư xá Bắc Hải, đã ngoài 80 tuổi.
Anh Út Tùng cũng là người đầy nghĩa tình như anh Hồng Lâm. Anh nói:

- Được. Cứ giao anh lo.

Vợ tôi được anh út cử về làm Phó trạm xá của Đoàn. Cũng thời gian này, vợ tôi cấn thai con gái út của chúng tôi bây giờ. Cháu sinh vào tháng 11 năm 1973.

Khi Sư đoàn rút quân từ đồng bằng về Đồng Pan, chỉ đến lúc ấy tôi mới xin cho vợ tôi về Quân y Sư đoàn để dễ bề chăm sóc con nhỏ. Vợ tôi về Quân y Sư đoàn từ đó cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười, 2012, 09:24:16 am gửi bởi macbupda » Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM