Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:57:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một đời chinh chiến  (Đọc 60839 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
LordOfStorms
Thành viên
*
Bài viết: 13


« Trả lời #40 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2012, 02:31:36 pm »

CHUẨN BỊ CHO TẾT MẬU THÂN

Từ khi Sư đoàn 5 rời khỏi chiến trường Bà Rịa - Long Khánh, Trung đoàn 4 đã chủ động phối hợp với lực lượng địa phương liên tục tấn công địch trên đường 15, thọc sâu xuống Phước Thọ, Phước An (Nhem Trạch) đánh cụm Thái Lan làm nức lòng nhân dân vùng nam - bắc lộ 15.

Tháng 11 năm 1967, anh Hai Lực - Bí thư Khu ủy TI (Quân khu 7), anh Hai Nhã (Thiếu tướng Lương Văn Nho) - Phân khu trưởng Phân khu 4 triệu tập Ban chỉ huy Trung đoàn về Suối Cả. Anh Hai Lực giao nhiệm vụ cho Trung đoàn chuẩn bị đánh các mục tiêu: Liên trường Thủ Đức, cầu Đồng Nai, nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, phát triển vào Sài Gòn bắt liên lạc với đơn vị bạn ở ngã tư Hàng Xanh. Sau đó, anh Hai Nhã nói về các mặt bảo đảm cho Trung đoàn.

Với 3 mục tiêu lớn như vậy, các anh chưa gợi cho một phương pháp nghiên cứu nào cụ thể, chỉ hướng dẫn xung quanh vấn đề quan hệ với địa phương Thủ Đức để nắm tình hình, còn nhấn mạnh thời gian nghiên cứu phải nhanh, trong vòng một tháng đã có thể điều quân đánh được. Các anh động viên nhiều nhất là thời cơ. Thời cơ đến, mọi việc sẽ thuận lợi.

Nhận nhiệm vụ xong, Ban chỉ huy Trung đoàn còn ở lại để trao đổi với. Bộ Tư lệnh và cơ quan. Tôi bàn với Út Thắng và Tám Nghi - Chính ủy mấy vấn đề:

- Mục tiêu to, sâu, chưa có một khái niệm hình dáng, lực lượng, bố phòng của mục tiêu cả”

- Phương thức trinh sát phải vừa công khai vừa mật tiếp cận mới bảo đảm thời gian.

- Đường hành quân phải vượt sông Đồng Nai xuống Thủ Đức, khu vực ém quân là đồng bằng 6 xã Thủ Đức là cả một vấn đề nan giải.

Trao đổi trong Ban chỉ huy Trung đoàn suốt buổi tối đêm đó tôi không sao ngủ được. Tôi vắt óc suy nghĩ và quyết định phải tự mình đi công khai để nghiên cứu thôi. Đối với tôi, phương thức này không phải dễ dàng song không còn cách nào khác.

Sáng ra, tôi lên gặp anh Hai Lực trình bày. Sau đó tôi xin phép anh cho tôi đi công khai:

- Tôi không đi công khai thì không làm sao nghiên cứu các mục tiêu được. Đơn vị sẽ không hoàn thành nhiệm vụ.

Anh Hai suy nghĩ rất lâu không trả lời. Tôi biết anh đang rất đắn đo. Để anh yên tâm và thúc đẩy anh đồng ý, tôi quả quyết:

- Anh Hai yên tâm. Tôi đi nghiên cứu công khai chỉ có 2 con đường. Một, hoàn thành nhiệm vụ. Hai, hy sinh. Không có con đường thứ ba, để bị bắt.

Từ lâu nay anh Hai Lực rất tin tôi qua mọi nhiệm vụ chiến đấu. Nhưng trước một nhiệm vụ nặng nề, khó khăn và hết sức phức tạp này anh không thể không cân nhắc.

- Không còn cách nào khác hay hơn đâu, anh Hai à - tôi trình bày rõ hơn. Tối thức trắng đêm bàn nát nước với Út Thắng và Tám Nghi rồi. Chỉ có tôi đi trinh sát công khai rồi về phác họa cho anh em trinh sát đi nghiên cứu bí mật mới kịp thời gian. Chưa biết mục tiêu hình dáng ra sao làm sao bò vào được? Mà có bò vào cũng chỉ biết có một lõm... Cuối cùng anh Hai Lực đồng ý:

- Không phải tôi không tin Năm Hưng. Tôi đang nghĩ Năm Hưng đóng vai gì khi đi công khai. Vai công nhân tự do làm thuê được không?

Anh chỉ thị cho bộ phận kỹ thuật làm giấy căn cước cho tôi. Thẻ căn cước số 051746 do Quận trưởng Thủ Đức ký. Tôi lấy tên anh ruột tôi - Nguyễn Văn Trình - cho dễ nhớ. Giấy, mộc và chữ ký đều là thật, vì mình mua của nó. Từ hôm nay tôi phải bỏ dép râu, đi chân không. Cho lằn quai dép trên bàn chân mất đi, để khi đi công khai không bị lộ.
Logged
Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #41 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2012, 08:55:31 pm »

Chiến trường Thủ Đức nằm sát với Sài Gòn. Vùng căn cứ lõm là cánh đồng bưng 6 xã, đồng ruộng, sông rạch chi chít. Hai bên sông rạch là dừa nước. Chỉ có thể làm công sự nổi. Hệ thống đồn bót hướng xa lộ dày đặc. Ngay Chợ Nhỏ (Tăng Nhơn Phú) là Trường sĩ quan Thủ Đức, mục tiêu phải đánh. Nhà máy nhiệt điện ở phía tây xa lộ. Cầu Đồng Nai nằm trên xa lộ, giáp với Đồng Nai. Nhiều nhà máy dệt như Tô Châu, Liên Phương nằm ven xa lộ trên các xã Tăng Nhơn Phú, An Phú. Mọi hành động ban ngày của vùng căn cứ lõm - bưng 6 xã - đài quan sát Trường sĩ quan Thủ Đức đều thấy.

Một đêm tháng 11, tôi, Ba Nam - Phó Chính ủy, Lập - Chủ nhiệm trinh sát và một tiểu đội trinh sát gạo cội xuất phát từ Suối Cả đi nghiên cứu chiến trường xuống Tam An, Long Thành. Đêm sau, vượt sông Đồng Nai qua Cù lao Long Phước Thôn, vượt luôn vào bưng 6 xã ém nghỉ ở Truông Tre.

Các ngày sau, tôi đã móc nối được với Huyện ủy Thủ Đức: anh Ba Mỹ - Bí thư, anh Năm Lý - Huyện đội trưởng. Có cả anh Ba Cam - Tham mưu phó Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, người địa phương xã An Phú - được trên tăng cường về giúp cho huyện Thủ Đức. Anh Ba Cam với tôi rất quen thân. Sau khi cho ém bộ phận nghiên cứu ổn định, tôi bàn với các anh thực hiện kế hoạch nghiên cứu mục tiêu. Anh Ba Mỹ giao cho tôi một cơ sở ở ngã ba Chợ Nhỏ. Anh này lưng gù, tên Tám, anh rất thông thạo các mục tiêu, rành rẽ đường đi các nơi, đường vào đến ngã tư Hàng Xanh. Tôi bàn với anh Tám đi công khai bằng xe Honda 50, các tình huống có thể xảy ra và cách xử lý. Tôi gút lại với anh Tâm đi xem bao quát vòng ngoài các mục tiêu, phát hiện địch kiểm tra thì tránh, bất ngờ bị chặn lại tôi sẽ bắn, anh tẩu thoát.

Vào một buổi sáng ở căn cứ lõm sát đình Tăng Nhơn Phú tôi chuẩn bị xong, anh Ba Cam gọi em Mười Dung (cháu gọi anh bằng chú) đang phục vụ y tá chỗ anh, đưa tôi vào đình Tăng Nhơn Phú. Em Mười Dung người xã An Phú, nước da đậm, chắc, khỏe, lanh lợi, thạo chèo chống, giỏi bơi lội sông nước. Chuẩn bị xuồng để đưa tôi đi. Tôi vừa xuống xuồng, nhìn tôi, em nói:

- Anh ra đến Chợ Nhỏ bị bắt liền.

Không biết chuyện gì, tôi nói:

- Em đừng nói xui xẻo.

Em nói ngay:

- Sợi dây dù súng của anh lộ bóng sau lưng kìa!

Tôi giật mình. Mình thật là sơ ý. Mặc áo trắng nên sợi dây dù lộ ra, không giấu được.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười, 2012, 09:49:21 pm gửi bởi Khánh mập » Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #42 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2012, 09:41:44 pm »

Hôm đó và mấy ngày sau nữa, tôi cùng anh Tâm đi xem bao quát được cầu Đồng Nai, nhà máy nhiệt điện. Còn Liên trường Thủ Đức chỉ mới biết cổng từ Chợ Nhỏ vào, vòng rộng ba bên chưa đi quan sát được.

Một hôm, tôi móc với anh Bảy Bi, Bí thư xã Long Trường để anh đưa đi vòng quanh căn cứ Trường sĩ quan Thủ Đức. Hôm ấy, anh chở tôi chạy trên đường 33 (phường Long Trường bây giờ) để xem hướng bắc và đông của căn cứ. Chạy ngang phòng thông tin của xã tôi thấy cờ ngụy, khẩu hiệu tan hoang, du kích dán khẩu hiệu và cờ Mặt trận thay vào. Tôi kêu anh Bảy Bi dừng lại xem.Đang xem, một xe gíp chở 4 tên lính từ Liên trường Thủ Đức chạy tới. Xe gíp tới phòng thông tin cũng dừng lại. Tôi và anh Bảy lên xe đi. Anh Bảy vừa sang số 2 thì nghe tiếng lính kêu: "Ê anh, ê anh!". Tôi nói với anh Bảy:

- Đường thẳng lắm. Nó bắn không trật. Dừng lại!

Xe dừng lại, anh Bảy dựng xe. Bọn lính tường chúng tôi sẽ trở lại không chú ý. Tôi hô anh Bảy: Chạy! Chúng tôi chạy cắt vào xóm. Chúng bắn theo. Chạy một đoạn gặp rào dây thép gai của nhà dân cao hơn một mét, tôi nhảy qua không khỏi, thọc chán vào giữa hai sợi dây trên cùng. Sức mạnh khi nhảy quáng cả người tôi vào bên trong. Bắp vế gài vào hai sợi dây thép gai rách ống quần. Kẽm gai móc rách bắp vế dài khoảng một tấc, sâu tới thịt, máu ra quá cỡ. Vào xóm gặp dân, đồng bào bảo:

- Đừng chạy nữa! Nó không dám rượt đâu!

Mãi đến trưa, tôi và anh Bảy Bi mới len lỏi về tới căn cứ gặp các anh Ba Cam và Năm Lý.

- Bị bắn rồi hả? Các anh hỏi.

Tôi báo lại tình hình, đề nghị Năm Lý bố trí cơ sở xem chúng bàn gì, nghĩ gi về chúng tôi. Em Mười Dung mang đồ nghề ra rửa vết thương, băng lại... Do mệt và bị nhiễm trùng nên tôi sốt liên tục mấy ngày, cực em Mười Dung chăm sóc. vết sẹo ở bắp vế giờ vẫn còn. Mấy ngày sau, anh Năm Lý báo: “Địch cho các ông là thanh niên trốn lính”.

Vậy là ổn! Chúng không ngờ đã để “sẩy’’ một Trung đoàn trưởng và một Bí thư xã Việt cộng!

Các đêm sau, tôi triển khai cho trinh sát đi nghiên cứu cụ thể các mục tiêu, vấn đề lớn còn lại: đánh cầu Đồng Nai bằng cách nào?

Trên cử anh Mười Thọ (kỹ sư) xuống bàn. Theo tính toán của anh: đánh sập một chân cầu phải cần 1 tấn thuốc TNT. Làm sao có một tấn TNT? Làm sao đưa vào được chân cầu? Bàn mãi, cuối cùng anh Thọ nói sẽ đổ cho tôi hai quả mìn lòm, mỗi quả 250 ký. Tôi dùng đặc công đưa áp vào hai bên chân cầu.

Cuối tháng 12, đã ra hình dáng một kế hoạch tấn công vùng sâu:
- Đánh Liên trường Thủ Đức với một tiểu đoàn tăng cường
- Đánh sập cầu Đồng Nai bằng trinh sát đặc công với 2 quả mìn lõm.
Logged

LordOfStorms
Thành viên
*
Bài viết: 13


« Trả lời #43 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2012, 05:29:01 pm »

-   Đánh nhà máy nhiệt điện bằng pháo cối và ĐKZ.
-   Đánh trên xa lộ (cả bộ binh và cơ giới cơ động của địch) với lực lượng một tiểu đoàn và một tiểu đoàn thiếu làm dự bị.
Đầu tháng 1 năm 1968, tôi tổ chức đường hành lang chuyển quân từ Thủ Đức về Tam An, Long Thành, từ Long Thành về bắc đường 15 sẵn sàng cơ động lực lượng.

Ngày 15 tháng Giêng, tôi được điện anh Hai Nhã - Tư lệnh Phân khu 4: “Mục tiêu phía anh không thay đổi. Lực lượng chỉ một Tiểu đoàn 2. Út Thắng nắm quân còn lại về đội hình Sư đoàn 5 nhận nhiệm vụ. Anh không phải về báo cáo quyết tâm. Ở đó chờ lệnh và đón Tiểu đoàn 2”.

Một thay đổi kế hoạch lớn. Các mục tiêu giữ nguyên nhưng lực lượng giảm, không đồng ý tôi về báo cáo quyết tâm. Vậy thời gian tấn công đã rất khẩn trương. Tôi bàn với các anh Ba Cam, Ba Nam và các anh Huyện ủy Thủ Đức thay đổi quyết tâm.

- Đánh cầu Đồng Nai như cũ.

- Tập trung cối, ĐKZ pháo kích Liên trường Thủ Đức.

- Tiếu đoàn 2 thọc sâu đánh xa lộ và nhà máy nhiệt điện.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Mười, 2012, 04:05:08 pm gửi bởi macbupda » Logged
LordOfStorms
Thành viên
*
Bài viết: 13


« Trả lời #44 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2012, 12:09:12 pm »

TRONG VÀ SAU TẾT MẬU THÂN

Đêm 30 và rạng 31 tháng 1 năm 1968.

Sân bay Biên Hòa, kho Long Bình, các vùng lân cận súng nổ ran như pháo đón giao thừa. Tôi và các trinh sát đứng ở bìa sông đón Tiểu đoàn 2 mà lòng như lửa đốt!

Tiểu đoàn 2 vượt sông từ Tam An sang. Đến sáng, đội hình mới lên hết bờ. Triển khai đội hình chiếm lĩnh đường 33 sau Liên trường Thủ Đức đụng địch từ Liên trường ra, từ xa lộ vào. Tiểu đoàn 2 quần nhau với địch từ sáng đến chiều.

Địch bị tấn công nhiều nơi nên cũng rối loạn, hoang mang. Bốn giờ chiều, chúng rút ra xa lộ. Ta củng cố lại tiểu đoàn, hy sinh và bị thương trên 20 đồng chí. Xong xuôi, ngay trong đêm, tôi cho cắt đồng ruộng về vùng lõm bưng 6 xã, tản đội hình công sự cặp theo sông rạch.

Theo kế hoạch, trong đêm N, trinh sát đặc công đưa được mìn vào cầu Đồng Nai, xả dây 400 mét xuống phía hạ lưu đánh không nổ (do thả dưới sông gần nửa tháng nên hạt nổ hỏng). Thật là xót!
Từ đây tôi không liên lạc được về T1 vì không dựng được đài và ăng ten.

Hàng đêm, Tiểu đoàn 2 tổ chức đánh địch trên xa lộ. Đêm nào cũng diệt từ 7 đến 10 xe chở lính và chở đạn bom từ kho Long Bình về Sài Gòn. Cứ đêm ra xa lộ, ngày rút xuống bưng 6 xã. Với Liên trường Thủ Đức, pháo kích nhiều lần.

Tiểu đoàn 2 bám trụ được nhờ địa phương Thủ Đức lo và bảo đảm hậu cần. Thương binh thì đưa xuống bưng để lên xuồng đẩy đi và chăm sóc. Đồng bào ven xa lộ, ven đồng bưng, ở các xã Tăng Nhơn Phú, Long Trường, An Phú... ngày tản cư ra xa lộ tránh bom pháo địch, đêm lại về xóm làng đem gạo, thực phẩm, dầu lửa tiếp tế cho quân giải phóng. Tiểu đoàn 2 cứ đêm ra chiến đấu, lấy gạo, lấy dầu lửa, ngày ém trong bưng (ở bưng 6 xã lực lượng vũ trang nấu bếp dầu).

Giữa tháng 2, tôi mới liên lạc và báo cáo tình hình về T1 với đồng chí Tư lệnh Phân khu 4, trong lúc đang quần thảo nhau suốt ngày đêm với địch ở vùng Thủ Đức. Ngày, bộ binh và cơ giới địch càn ven đồng bưng. Pháo, cối, máy bay bắn vào vùng bưng 6 xã, không sót chỗ nào. Lực lượng Tiểu đoàn 2 ém theo rạch, hầm nổi, địch không dám lội xuống. Đêm, địch rút về, ta lại lên đánh địch ở xa lộ, đánh nhà máy nhiệt điện.
Logged
Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #45 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2012, 08:39:51 pm »

Trong lúc căng thẳng, tôi lại đau ruột thừa. Anh Ba Nam - Phó chính ủy định đưa tôi về sau. Tôi nói:

- Tôi không đi về sau. Các anh cố gắng trị cách nào đó hoặc mổ tại đây.

- Anh em quân y cho tôi uống thuốc và tiêm kháng sinh liều cao ém lại, cơn đau hết. Tôi vẫn ở cùng anh em.

Đầu tháng 3, tôi được điện của R: “Bàn giao Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 4 cho Phân khu 4. Anh trở về Trung đoàn”.

Cuộc trở về không đơn giản chút nào. Trên 30 thương binh phải đưa vượt sông Đồng Nai về Long Thành và vượt đường 15 về căn cứ. Trong lúc đó, đêm đêm bo bo phong tỏa đường sông, cặp theo bờ sông, các đầu rạch đều có cây nhiệt đới báo mục tiêu để pháo bắn. Tổ chức bám bến khít khao theo dõi quy luật hoạt động của bo bo mãi đến trung tuần tháng 3 tôi mới về đến đơn vị.

Gặp Út Thắng, Tám Nghi, Tư Quang mừng mừng tủi tủi (Út Thắng - Trung đoàn phó, Tám Nghi - Chính ủy, Tư Quang - Chủ nhiệm chính trị), là những đồng chí cùng trong Ban chỉ huy Trung đoàn thân nhau như ruột thịt phải xa nhau 4, 5 tháng trong điều kiện đơn vị phân tán, chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh - gặp lại làm sao không mừng, tủi). Kiểm lại quân, cả Tiểu đoàn 1 lẫn Tiểu đoàn 3 đều mất sức chiến đấu sau các trận đánh vào sân bay Biên Hòa, vào Tổng kho Long Bình, Tiểu đoàn 2 thương vong cao và để lại chiến trường Thủ Đức.

Chúng tôi được bổ sung quân từ miền Bắc đưa vào. Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 1 còn được giàn cán bộ cũ nên củng cố khá nhanh. Trên bổ sung thêm nguyên một Tiểu đoàn 2 từ Thái Bình vào.

Cuối tháng 3, Trung đoàn củng cố, bổ sung đủ quân số cho 3 tiểu đoàn.

Đầu tháng 4, Ban chỉ huy Sư đoàn tổ chức rút kinh nghiệm chiến đấu, chuẩn bị đợt 2 Mậu Thân. Đến địa điểm hội nghị tôi gặp Xuân Thanh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5. Tay bắt mặt mừng, Xuân Thanh hỏi ngay:

- Năm Hưng vào họp đi, tôi không vào. Đánh theo chiến thuật “a thần phù”, có gì để rút kinh nghiệm.

Tôi khuyên cứ vào và phát biểu quan điểm của mình. Tôi nói với Xuân Thanh:

- Anh thấy Trung đoàn tôi sử đụng phân tán như thế nào. Tiểu đoàn 1 đánh sân bay, Tiểu đoàn 3 đánh kho Long Bình, Tiểu đoàn 2 thọc sâu Thủ Đức. Chỉ huy cũng phân tán, làm sao có sức mạnh?

Vào Hội nghị, tôi và Xuân Thanh đều phát biểu quan điểm này.

« Sửa lần cuối: 22 Tháng Mười, 2012, 04:04:56 pm gửi bởi macbupda » Logged

fantomasft
Thành viên
*
Bài viết: 468


Con nhà lính... Tính nhà binh...


« Trả lời #46 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2012, 02:51:36 pm »

   Sau Hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu, Sư đoàn 5 hành quân về R. Trung đoàn 4 ở lại hoạt động độc lập trên chiến trường Bà Rịa - Long Khánh dưới sự chỉ đạo của T1 và cả của Bộ Chỉ huy Miền.

   Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, nhìn chung ta tiêu hao một lực lượng lớn sinh lực, vũ khí, trang bị chiến tranh của Mỹ - Ngụy. Việc ta là đồng loạt đánh vào Sài Gòn, Huế, vào 99 thành phố, thị xã trên toàn Miền đã gây một tiếng vang lớn trên thế giới, buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari, công nhận vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.

   Nhưng trên chiến trường miền Nam, nhất là Đông Nam Bộ, Mỹ tiếp tục đưa thêm một sư đoàn kỵ binh bay vào, tập trung tối đa không quân chiến lược dùng B52 đánh phá nát rừng miền Đông. Biệt kích Mỹ, biệt kích Úc lùng sục khắp nơi. Có thể hình dung rừng miền Đông, nhất là Bà Rịa - Long Khánh, Biên Hòa, Phước Thành... cứ 1 cây số vuông rừng là có từ một tiểu đội đến trung đội biệt kích. Nơi nào không có biệt kích thì B52 ném bom ban đêm, pháo và phản lực đánh ban ngày. Ngày nào, đơn vị cũng đánh địch, luôn cơ động di chuyển. Không căn cứ nào ở quá 3 ngày. Các cửa khẩu đều bị phong tỏa. Tình hình lương thực rất khó khăn.

   Trung đoàn 4 với giàn cán bộ từ đại đội trở lên rất thông thạo địa hình, rất dũng cảm và có bản lĩnh chỉ huy chiến đấu, lại quan hệ với Đảng bộ, chính quyền, du kích và nhân dân địa phương rất khăng khít, đi tới đâu cũng được tận tình giúp đỡ.

   Cán bộ hậu cần Trung đoàn thời kỳ này do anh Tư Lân làm chủ nhiệm đã cùng du kích Bình Sơn, An Viễn móc ráp với nhân dân vùng Nước Trong quanh căn cứ Sư đoàn Mãng Xà Vương mua gạo. Trong bọn lính Thái Lan có tên là Việt kiều biết tiếng Việt, ham tiền (có chăng bọn này còn một chút tính dân tộc?) nên đã bán gạo cho ta. Xe của lính Thái Lan chở gạo cho ta vào sát bìa sở cao su Bình Sơn theo kế hoạch hậu cần của ta. Có hôm lính ngụy càn vào bìa sở. Xe chạy vào rồi lại chạy ra. Khi lính ngụy ra, chúng lại đưa gạo vào cho ta. Có lẽ sau đó bọn ngụy phát hiện xe Thái Lan chở gạo cho ta nên tiếp tục càn và phục kích bìa sở Bình Sơn - An Viễn.

   Địch tuy bị thất bại nặng nề trong các đợt ta tấn công từ Tết Mậu Thân, chúng vẫn điên cuồng phản kích tái chiếm các vùng ta giải phóng, tiếp tục “bình định cấp tốc”, ra sức cắt hết mọi nguồn lương thực của ta.

   Cấp trên chủ trương mở chiến dịch Xuân Hè 1969 trên toàn miền Đông. Sư đoàn 5 lại trở lại chiến trường Bà Rịa - Long Khánh, có nhiệm vụ tiêu diệt một lực lượng quan trọng của Sư đoàn 18 ngụy ngay trên chiến trường này.

   Tháng 4, bộ phận tiền trạm của Sư đoàn cùng Sư đoàn trưởng Năm Tâm đến Tầm Bung, Long Khánh. Trung đoàn 4 được lệnh phối hợp với Sư đoàn 5 chiến đấu. Tôi và Út Thắng đến gặp anh Năm Tâm. Sau khi phổ biến tình hình, nhiệm vụ của Sư đoàn, anh giao cho Trung đoàn 4 nhiệm vụ đánh mồi nhằm kéo các trung đoàn của Sư đoàn 18 ngụy ra để Sư đoàn tổ chức đánh tiêu diệt.

   Trung đoàn 4 về, nghiên cứu và hạ quyết tâm đánh một trận trên đường 20, đoạn cầu La Ngà về hướng Long Khánh. Sau khi báo cáo quyết tâm với Sư đoàn và hợp đồng với các trung đoàn bạn, ngày 28, Trung đoàn triển khai chiến đấu. Đêm 27, Trung đoàn chiếm lĩnh trận địa xong. Tôi tái phát đau ruột thừa lần hai. Các anh đòi đưa về sau để mổ. Tôi không chịu:

-   Bây giờ mà rời Chỉ huy sở sê không ra gì, ảnh hưởng đến lòng tin và sức chiến đấu của đơn vị. Các anh cứ tiêm và cho uống thuốc kháng sinh liều cao cho tôi.

   Quả nhiên, sau khi tiêm và uống thuốc, khoảng 4 giờ sáng bụng êm, tôi mừng quá.

   7 giờ sáng ngày 28, địch cho an ninh lộ trình có máy bay quan sát. 9 giờ, đoàn xe lọt vào trận địa. Tiểu đoàn 3 chặn đầu, Tiểu đoàn 1 khóa đuôi. Cả hai Tiểu đoàn cùng xung phong chia cắt nhiều đoạn đội hình địch.

   Để đảm bảo đánh chắc thắng, trước đó tôi đã chẻ Tiểu đoàn 2 ra. Tất cả cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn đều từ Thái Bình miền Bắc mới vào còn lạ nước lạ cái. Vừa chưa quen thung thổ, vừa chưa qua chiến đấu. Một đại đội tăng cường cho Tiểu đoàn 1, một cho Tiểu đoàn 3, đại đội còn lại làm dự bị cho Trung đoàn.

   Cả trận địa đánh theo kế hoạch đến 11 giờ mới giải quyết xong chiến trường. Ta tiêu diệt hoàn toàn cả đoàn xe trên 20 chiếc (có 6 xe bọc thép), diệt đại đội bảo an La Ngà an ninh lộ trình và một đại đội của Trung đoàn 43 Sư đoàn 18 ngụy trên xe, bắt 12 tên và thu trên 40 súng.

   Nhưng ta thương vong cao. Nhiều nhất là Tiểu đoàn 2, lính mới toanh, tuy được kèm với Tiểu đoàn 1 và 3, mà bị thương đến 80 và hy sinh 6 đồng chí.

   Trung đoàn 4 đã hoàn thành nhiệm vụ kéo Trung đoàn 43 Sư đoàn 18 ngụy lên suối Rết - Tầm Bung giải tỏa để Sư đoàn 5 tiêu diệt chúng vào các ngày sau đó.


Logged

Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc
Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn.
Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #47 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2012, 11:21:58 pm »

Sau trận chiến đấu trên đường 20, tôi nhận được chỉ thị của anh Hai Lực (Bí thư Khu ủy) phải đi mổ ruột thừa ngay. Quân y đã báo cáo với anh nếu không mổ để đau lần thứ 3, nó bục ra thì không cứu được. Chấp hành chỉ thị, tôi lên K76A ở bắc sông La Ngà mổ ruột thừa.

Lúc này vợ tôi đang học y sĩ ở K76A. Bác sĩ Ba Hòa Chủ nhiệm Quân y Miền được các anh giao mổ cho tôi. Hôm mổ, anh Ba Hòa hỏi tôi:

- Năm Hưng sợ gì không?

- Sợ nhất bị nhiễm trùng, anh Ba!

Và tôi yêu cầu anh đừng cho lớp học y sĩ của anh đến tham quan vì có vợ tôi trong số đó. Anh Ba Hòa đồng ý:

- Tôi đã mổ hơn 200 ca ruột thừa rồi. Mỗi lần mổ, rửa tay tiêu chuẩn hai lần, khỏi lo nhiễm trùng.

8 giờ, anh bắt đầu mổ. Song lại báo cho lớp học là 10 giờ tối. Khi ấy, vợ tôi thế nào cũng đến nhưng ca mổ đã xong.

Mổ ruột thừa đối với anh Ba Hòa là chuyện nhỏ, thế mà lần mổ này cho tôi anh toát mồ hôi. Thông thường ca mổ chỉ từ 15 đến 30 phút là xong, ca mổ cho tôi mất 2 tiếng. Nguyên do sau 2 lần dùng kháng sinh liều cao ruột thừa được mỡ bao bọc đông quánh lại, dính với ruột già. Từ gây tê, anh chuyền sang gây mê để bóc tách. Gây mê hơi sâu, 6 giờ chiều tôi vẫn chưa tỉnh hẳn.

Thời gian nằm dưỡng bệnh ở K76A tôi mới có dịp gần gũi vợ tôi. Từ khi cưới nhau đến giờ, lần này chúng tôi mới được gần nhau trên 10 ngày. Tôi động viên Tuyết học, chép bài dùm em, nói cho em biết tình hình chiến trường ngày càng căng thẳng, vợ chồng không dễ gặp nhau, anh không chăm lo cho em được, em đừng buồn tủi.

Thật ra là lòng tự trọng hão. Cái chính, tôi không muốn vợ tôi ở cùng đơn vị. Sợ anh em, sợ tổ chức cho là có vợ ở gần dễ bị chi phối, có thể giảm ý chí... Do vậy, suốt cuộc chiến tranh không bao giờ tôi đồng ý bố trí vợ tôi công tác cùng đơn vị.

Phần vợ tôi, Tuyết rất vững vàng, xông xáo, dũng cảm, tự lực rất cao. Em khuyên tôi cứ yên tâm lo nhiệm vụ. Dựa vào tập thể, em sẽ vượt qua tất cả và cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trong sự nghiệp của tôi có phần động viên, khích lệ rất lớn của vợ tôi.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười, 2012, 09:02:40 am gửi bởi macbupda » Logged

LordOfStorms
Thành viên
*
Bài viết: 13


« Trả lời #48 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2012, 02:07:37 pm »

ĐẾN VỚI TRUNG ĐOÀN ĐỒNG NAI

Trong lúc chiến trường đang rất ác liệt, tôi nhận được điện của R về T1 nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đồng Nai. Út Thắng thay tôi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 từ tháng 9 năm 1969.

Rời khỏi chiến trường Bà Rịa - Long Khánh, rời khỏi Trung đoàn 4 thân yêu lúc này, tôi không muốn tí nào. Ngoài cái chung còn cái riêng. Vợ tôi đang có thai 6 tháng, tuy không ở cùng đơn vị nhưng thỉnh thoảng tôi còn gặp, còn chăm lo được chút ít. Bây giờ trong lúc ác liệt tôi lại đi xa, bụng bầu ngày một lớn, thật rối!

Gặp vợ tôi ở sông Gia Ui, bắc đường số 1, vợ tôi có thai. Anh Hai Sỹ (Sư đoàn phó Sư đoàn 5) gửi Tuyết lại cơ quan Tỉnh đội Bà Rịa, chỗ anh Út Đặng - Tỉnh đội trưởng. Nhìn vợ bụng to, đi lại khó khăn, tôi quặn lòng.

- Anh có quyết định về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đồng Nai, trên Bình Dương.
- Anh cứ đi. Em ở đây có anh em giúp, lo gì.

Đêm ấy, tôi không tài nào chợp mắt. Tôi bàn với Tuyết mọi tình huống có thể xảy ra và cách giải quyết. Nếu sanh con trai đặt tên Nguyễn Nam Hùng, con gái thi đặt tên Nguyễn Tuyết Hà. Sáng ra, tôi gặp chị út Đặng và mọi người thân quen trong đơn vị gửi gắm Tuyết rồi lên đường về T1với liên lạc của tôi - em Thanh, cùng một trinh sát - em Hà.

Thanh và Hà còn rất trẻ, mới 18 -19 tuổi, đã đi với tôi nhiều năm. Cả hai đều lanh lợi, dũng cảm, tháo vát. Em Thanh quê Trà Vinh, vào bộ đội năm 16 tuổi, đi lên miền Đông với Tiểu đoàn 265 (Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 4). Thấy em nhỏ, tôi lấy em làm liên lạc từ lúc mới về Trung đoàn. Em lanh lẹ, dũng cảm, thương và giúp tôi nhiều việc trong chiến đấu và sinh hoạt. Em Hà là trinh sát của Trung đoàn, quê ở Bến Cát - Bình Dương, là một trinh sát trẻ giỏi. Em Thanh hiện nay là Thương binh 2/4, về quê ở Trà Vinh. Em Hà đã hy sinh ở Chiến trường CPC.

Từ sông Gia Ui, ba người cắt rừng về căn cứ T1 vùng Xà Cót, Mã Đà. Ra đi mà lòng nặng như chì. Sau được tin ngày 31 tháng 12 vợ tôi sanh con trai, do vợ anh Út Đặng đỡ. Sanh trong đêm thứ nhất đến đêm sau, Tuyết phải bồng con lội suối chạy tránh B52. Sau đó, các anh ở tỉnh đội đưa Tuyết về Trường huấn luyện quân sự lúc này có anh Ba Nam - Chính ủy Trung đoàn 4 về phụ trách.

Anh Ba Nam rất lo lắng chăm sóc cho vợ tôi. Trong một lần Trường Quân chính Hành quân từ Gia Ray về Núi Ông (Bình Thuận) phải qua đường số 3 Trà Tân, vợ tôi lưng mang bồng đựng đồ cho con, ngực dùng tấm vải dù đai con đi theo đoàn; khi vượt đường số 3 đạp trái sáng, đoàn chạy dạt vào rừng, con khóc, tình hình rất nguy hiếm. Anh Mai Viết Thiềng, là cán bộ của Trường đến bảo Tuyết: “Chị bóp mũi cho nó chết đi (cháu Hùng con tôi bây giờ), nếu không cả đoàn chết hết! Vợ tôi cứ khóc, không tài nào làm được. May quá, anh Ba Nam nghe thấy, anh đến quát: “Anh có sợ thì tách đoàn đi một mình”. Rồi anh nói với Tuyết: “Em không được giết con..." khi qua sông Đạt Oay, anh bọc cháu Hùng trong tấm nilon đội lên đầu đưa qua sông. Đồng đội, đồng chí tôi là như vậy. Tôi, gia đình
Logged
LordOfStorms
Thành viên
*
Bài viết: 13


« Trả lời #49 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2012, 05:28:53 pm »

Tôi, đặc biệt là cháu Hùng nhớ ơn anh suốt đời! Sau này anh Ba Nam là Đại tá Chỉ huy phó Chính trị tỉnh Bình Dương, nay nghỉ hưu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, anh đã ngoài 80 tuổi.

Út Thắng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 cũng thường cho anh em mang đường, sữa đến cho vợ tôi. Trong lúc gian khổ, đói cơm... nghĩa tình anh em, đồng chí đã làm ấm lòng tôi ở xa nhiều lắm!

Rừng cây miền Đông những năm 60 - 61 là rừng già, cây cao nhiều tán, bây giờ trơ trọi bên trên không lá vì bị chất độc hóa học, bên dưới cây con mới mọc lên lúp xúp như rừng chồi. Bom pháo cày nhiều lắm, cây ngã ngổn ngang xen lẫn với rừng chồi mới mọc rất khó đi, lại phải dò đường tránh biệt kích, ba ngày sau tôi mới về tới T1.

Vào gặp Bộ Tư lệnh. Các anh hai Hồng Lâm, Bùi Khánh Ngươn - Phó Tư lệnh mừng quá đãi cho một bữa cơm no. Có một bữa cơm no lúc này là quý lắm! Sau bữa cơm, anh hai Hồng Lâm bàn luôn công việc:

- Tình hình chung, Năm Hưng đã biết. Riêng Trung đoàn Đồng Nai đang rất khó khăn. Anh Chín Chước (Trung đoàn trưởng) bị địch bắt trong Tết Mậu Thân, tìm mãi chưa có người thay. Bây giờ Năm Hưng về, giữa lúc Trung đoàn đang thiếu đói, phải rút về tận An Long - Phước Sang, Phú Giáo, Trung đoàn bộ thì ở Suối Thôn. Năm Hưng về, cùng anh em nhanh chóng củng cố trung đoàn, tìm cách giải quyết lương thực, sớm mở hoạt động xuống nam - bắc đường 16.

Sáng hôm sau, anh Bùi Khánh Ngươn cùng đi với tôi xuống Trung đoàn. Từ T1 cắt rừng đi phải 2 ngày mới tới. Sáng tới, chiều anh Ngươn họp ngay Đảng ủy Trung đoàn gồm các anh Tư Sâm (Chính ủy), anh Tân (Tham mưu trưởng) và các anh trong Đảng ủy. Họp Đảng ủy ngày thứ nhất mỗi người chỉ được ăn một bát cơm một bữa, ngày thứ hai cả Đảng ủy ăn cháo. Tối đến, hai em Thanh và Hà gặp tôi:

- Anh Năm! Sớm mai hai em đi đào củ mài.

Củ mài các em đào được đủ cho anh em trong Ban Chỉ huy Trung đoàn cùng ăn cả ngày. Về phần nhiệm vụ hoạt động của Trung đoàn rất nhiều bàn cãi. Là chủ lực làm sao thọc sâu? Trụ làm sao? Đánh làm sao? Tôi gút lại:

- Phải vào ấp chiến lược mua gạo. Phải áp sát ấp chiến lược mới liên lạc được với dân. Phải thọc xuống nam đường 16, xuống Vĩnh Tân, Bến Xoài, Chánh Phú Hòa mới đánh được địch và giải quyết được hậu cần.

Và tôi kết luận:

- Bước 1, ép sát ấp chiến lược Bình Mỹ, Bình Cơ ở phía bắc đường 16 liên lạc với dân, đánh địch bung ra và đêm vào ấp chiến lược tải gạo. Đồng thời ở ven rừng này học đào hầm bí mật, tập nằm hầm bí mật.

- Bước 2, tổ chức thành từng tổ 3 người, mỗi trung đội chọn ra 2 đến 3 tổ thọc xuống Vĩnh Tân đào hầm bí mật, ngày ở hầm, dân vào liên lạc, đêm lên thọc vào ấp chiến lược Vĩnh Trường (vùng sâu) đánh và giải quyết hậu cần.

Tình hình quá khó khăn về lương thực mà đơn vị cứ rút sâu vào rừng càng không có lương thực. Anh em sẽ nhụt chí vì không đánh được giặc, lại đói thì đơn vị sẽ suy sụp.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM