Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:24:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một đời chinh chiến  (Đọc 60682 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2012, 08:19:52 pm »

ĐƯỜNG VỀ NAM

Từ trạm đầu tiên này bắt buộc hành quân bằng đường bộ vượt Trường Sơn theo đường mòn đến từng trạm. Trèo núi liên tục, hết núi này sang núi khác, họa hoằn lắm mới có một khoảng rừng bằng phẳng. Có núi dốc đứng, trán người đi sau đụng gót chân người đi trước. Mỗi người đều chặt một đoạn mây rừng uốn cong một đầu làm gậy chống để tăng thêm lực cho đôi chân. Có ngọn núi càng lên cao càng lạnh, đỉnh núi nằm trong mây. Với trọng lượng mang từ 25 đến 30 ký mà phải leo dốc, mọi người đều mồ hôi nhễ nhại. Thỉnh thoảng được tạm nghỉ 10 phút mà gặp khí hậu mát mẻ, người dễ chịu, khỏe lại ngay. Nhờ vậy mà hết ngày này đến ngày khác cứ lên đỉnh lại xuống đèo, mà vẫn vượt qua được.

Bí mật là một yêu cầu cao trong quá trình hành quân. Thông thường, đoàn phải theo dường mòn do liên lạc là một người dân tộc dẫn dường, có đoạn là một em nhỏ cũng người dân tộc, cắt rừng đi mà không được để lại dấu vết. Lương thực dựa vào các rẫy khoai, mì của đồng bào là cơ sở cách mạng trồng, có trạm được tiếp tế ít gạo. Khi có điều kiện nấu ăn thì không được để khói nhiều. Có một lần đoàn được Hà Nội tiếp tế gạo và nhu yếu phẩm bằng máy bay thả bao, rơi tự do xuống đất ở đoạn hành quân sang biên giới Lào. Hàng ngày, đoàn đều phải điện báo cáo với anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) vào 21 giờ.

Khoảng tháng 5, miền núi đã bắt đầu có mưa. Qua sông, suối luôn gặp rất nhiều khó khăn Ba phân đội của đoàn hành quân đi cách nhau hai tiếng để không bị ùn lại khi leo núi hoặc khi qua suối, qua sông. Phân đội 1 của tôi đi đầu đến sông Xêrêpốc gặp nước lớn phải vượt sông bằng bè tre. Chỉ với hơn 30 người vượt sông mà từ sáng sớm đến 9 giờ chúng tôi mới qua hết, giao bè lại cho Phân đội 2. Chúng tôi về đến lán nghỉ thì đã hai giờ chiều. Mọi người đang căng võng nằm nghỉ tạm sau một chặng đường dài hành quân vất vả thì anh Lê Hoàng Lâu, Tham mưu trưởng của đoàn, cùng đi với Phân đội 2 chạy đến lán báo tin: Phân đội 2 sau khi vượt sông Xêrôpốc, hành quân được một đoạn thì bị địch phục kích. Do chủ quan có Phân đội 1 đi trước, cả phân đội cứ thế mà đi, mất cảnh giác nên bị địch đánh bất ngờ, hy sinh 9 đồng chí, bị thương 1 đồng chí.

Lập tức, anh Hồng Lâm ra lệnh tất cả theo anh quay trở lại giúp Phân đội 2, chỉ để lại một tổ giữ đồ đạc.
Đêm đó, Phân đội 1 và Phân đội 2 chôn cất tử sĩ đến sáng mới xong. Cả hai phân đội thay nhau mang đồng chí bị thương đến tận 8 giờ sáng hôm sau mới về tới lán nghỉ.

Việc đầu tiên là điện báo cho Phân đội 3 cắt đường khác mà đi vì đường đi theo kế hoạch đã bị lộ. Lúc này, Phân đội 3 đi sau nghe tiếng súng đã dừng lại. Nhận được điện, Phân đội vòng đường khác, đoàn cũng báo cáo với anh Văn việc bất trắc vừa xảy ra và hạ quyết tâm đi tới. Mãi 10 ngày sau các Phân đội mới gặp lại nhau.

Trước đau thương mất mát của Phân đội 2 và 1 đồng chí bị thương phải để lại trạm, cả đoàn như lặng đi, không tiếng nói cười. Ban chỉ huy đoàn quyết định dừng lại một ngày. Anh Hồng Lâm tổ chức lập bàn thờ, mặc niệm các đồng chí vừa hy sinh. Ngay trước bàn thờ, anh cho họp đoàn lại.

-   Địch đánh Phân đội 2 - anh Hồng Lâm phán đoán có thể là bọn phỉ ở Lào, không phải ngụy Sài Gòn. Vì nếu là ngụy Sài Gòn, lẽ nào chúng đánh ta rồi lủi mất? Nhưng dù thế nào thì hướng hành quân của đoàn đã bị lộ. Từ đây, phải tăng cường cảnh giác. Tổ chức hành quân cần chu đáo, có tiền vệ, đi thưa, đụng địch nằm tại chỗ chiến đấu, phải tổ chức tấn công tới, không chạy lùi, dồn cục nếu không sẽ có thương vong lớn.

Anh Hồng Lâm quyết định nhập hai phân đội thành một đội hình hành quân (vẫn giữ nguyên chỉ huy hai phân đội). Sau đó anh điện chỉ đạo Phân đội 3 cắt rừng đi đường vòng, không đi theo đường Phân đội 1 và 2, rồi anh điện báo cáo với anh Văn đoàn vẫn tiếp tục hành quân.

Chặng đường từ Xêrêpốc đến đường 14 đều an toàn do cảnh giác cao, tổ chức hành quân chặt chẽ dù địch có ra sức chặn đánh. Tổ chức đường dây liên lạc tốt để giữ bí mật hai đầu, có trạm giữa để hai bên bàn giao đoàn rồi quay lại. Có một chặng đoàn bị địch phục kích, địch bắn bị thương đồng chí liên lạc từ phía Nam ra đón. Vị trí liên lạc đều không đến chỗ giao nhận như thỏa thuận được, nên cứ sáng đoàn hành quân, trưa đến điểm hẹn là một gốc cây, hay một cục đá to theo quy ước của trạm - nếu không thấy liên lạc đến đón thì đoàn lại quay về chỗ cũ. Cứ như vậy, hết 10 ngày vẫn chưa bắt được liên lạc, gạo gần hết, khoai mì ở rẫy cũng sắp hết.
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2012, 08:23:38 pm »

Ban chỉ huy họp đoàn đánh giá tình hình: có thể trạm phía Nam đã bị lộ phải dời đi, chưa ổn định nên chưa đến vị trí liên lạc. Cũng có thể tình huống xấu nhất là anh em đã hy sinh. Và đoàn hạ quyết tâm: bất cứ giá nào cũng khắc phục để lên đường, phải về đến miền Nam. Khó khăn chính là vấn đề lương thực, sau đó là tổ chức bắt liên lạc. Chuẩn bị phương án cắt rừng theo góc phương vị. Ra nghị quyết mỗi người phải giữ ba lít gạo không được ăn, đó là lương thực phục vụ cho chặng đường phải cắt rừng sắp tới.

Từ ngày thứ 11 trở đi, cử một tổ đến chỗ hẹn bắt liên lạc. Vấn đề gay go lúc này là hết gạo, gạo dự trữ mỗi người ba lít thì không được đụng đến. Theo kinh nghiệm nhiều năm hoạt động ở rừng miền Đông Nam Bộ thời chống Pháp của anh Hồng Lâm, anh đi tìm một bụi khoai chụp, lấy toàn bộ dây đem về, cắt ra từng đoạn hai tấc, đem chia cho từng người và hướng dẫn cách đào. Toàn đoàn tỏa ra đi tìm và đào củ chụp. Từng tổ hai người thay nhau đào bằng dao găm, bằng cây vạt nhọn, đào liên tục, đủ cho hai người ăn trong ngày và dự trữ cho ngày hôm sau.

Đến ngày thứ 15 cũng chưa bắt được liên lạc với trạm phía Nam. Củ chụp cũng bắt đầu khó kiếm. Không thế nấn ná được nữa, đã đến lúc phải thực hiện phương án cắt rừng.

Sáng sớm hôm sau, toàn đoàn bắt đầu hành quân. Đoạn từ trạm phía Bắc đến điểm giữa thì đi theo đường cũ, có hai liên lạc của trạm cùng đi. 11 giờ, đoàn nghỉ ăn cơm, củng cố quyết tâm, chỉnh lại đội hình, bắt đầu cắt rừng theo góc phương vị.

Một đồng chí đi trước chặt cây dọn đường, đồng chí kế tiếp cầm la bàn hướng dẫn. Đồng chí thứ ba, thứ tư sẵn sàng súng đạn yểm trợ khi cần. Cứ thế, đoàn đi 50 phút lại nghỉ 10 phút. Đến 3 giờ chiều, tổ cắt rừng phát hiện có dấu vết người ở trong một hốc đá.

Nghi ngờ là người của ta, anh Hồng Lâm trao đổi với hai đồng chí liên lạc. Đồng chí liên lạc người dân tộc đưa tay lên miệng hú gọi. Mừng không kể xiết, nghe có tiếng trả lời.

Đồng chí liên lạc dẫn tổ đi đầu đến chỗ có tiếng trả lời mới biết các đồng chí từ trạm phía Nam ra bị địch phát hiện bắn bị thương một người. Các anh dìu nhau trốn vào rừng không đến chỗ hẹn được, cũng không trở về trạm cũ được do đường đi đã bị địch phát hiện. Đồng chí còn khỏe mạnh đào củ, lấy măng ăn tạm qua ngày và chăm sóc cho đồng chí bị thương.

Người dân tộc khi đã giác ngộ cách mạng rất trung thành, rất tận tâm và chung thủy. Khi gặp hoạn nạn không bao giờ bỏ nhau. Có lần, tôi trò chuyện với đồng chí liên lạc còn rất trẻ, mới 17, 18 tuổi, hỏi lúc mở đường đầu tiên trên rừng núi này đồng chí đi bằng cách nào. Đồng chí trả lời:

- Theo hướng mặt trời. Ngày đi, đêm leo lên cây chọn chỗ có chạc hai lấy dây bó vào cây mà ngủ để tránh gặp cọp, voi. Lương thực là măng tre và củ rừng. Cứ vậy một mình đi, có khi đi hàng 7 ngày, 10 ngày...

Gương anh em liên lạc người dân tộc được đoàn đem ra sinh hoạt trong các chi bộ. Chính tấm gương của các đồng chí ấy đã củng cố thêm quyết tâm của toàn đoàn.

Bắt được liên lạc, đoàn tổ chức khiêng đồng chí bị thương đưa về lán trại phía Nam. Từ đây, đoàn không phải cắt rừng theo góc phương vị nữa mà nối vào đường dây đi tiếp.


Càng vào sâu phía Nam, rẫy khoai mì của đồng bào dân tộc càng ít đi, lương thực càng khó khăn. Có đồng chí ăn măng không chịu nổi, ăn vào là ói ra hết, như anh Hai Hương - sau này về T67/Quân khu 7 - phải tranh thủ đào củ mà ăn, anh Tốt, người to như bồ tượng – sau này về Long Đất, Bà Rịa. Đói quá, đêm anh lén lấy gạo (trong số ba lít gạo buộc phải giữ) để nấu ăn. Có đồng chí phát hiện, phản ánh. Tôi là Bí thư buộc phải đưa chi bộ kiểm điểm mà trong lòng xót xa vô cùng. Nếu không vì nhiệm vụ cách mạng, tôi cũng không cam lòng nhìn đồng chí mình vất vả, thiếu thốn. Lòng căm thù giặc càng cao.

Khi đoàn đến trạm bắc đường 14 - Bà Rá, có ý kiến đề xuất: nhân lúc vượt đường, ta tổ chức kiếm lương thực luôn. Ý kiến này bị bác bỏ ngay.

-   Đã giữ bí mật hai phần ba đoạn đường, phải giữ bí mật đến cùng.

-   Đã đói dài còn chịu được, bây giờ phải chịu được.

-   Lúc này hơn lúc nào hết đã tới đích rồi, phải vươn lên tới đích.

Đoàn lại âm thầm, lặng lẽ, bí mật vượt qua đường 14.
Sau hơn 5 tháng, từ tháng 3 đến đầu tháng 9 năm 1961, cuối cùng đoàn cũng đến Căn cứ R tại đồi 300 Bình Long.
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 12:33:07 pm »

Phân đội 1 của tôi cùng anh Hồng Lâm được bổ sung về T1 (Quân khu 7 bây giờ). Đưa nhau về đến Đất Cuốc giữa lúc T1 vừa chiến thắng vang dội trận Phước Thành hôm mùng 9 tháng 9. Khắp vùng, từ Đất Cuốc đến Mỹ Lộc, Thường Long, đâu đâu cũng một không khí hồ hởi, phấn khởi khiến chúng tôi càng náo nức. Toàn phân đội được lệnh đóng quân ở Suối Cái.

Sau mấy tháng đói khát, lần đầu tiên được nấu cơm với bao nhiêu gạo cũng được. Tôi cho ba lon sữa bò gạo vào cái hăng gô vuông, khi sôi lên cạn nước, sợ không chín, tôi đặt hăng gô sát xuống than và trở đi trở lại mấy phía. Sau mấy tháng đói dồn, ai cũng thèm một bữa cơm no.

Trong đời tôi có lẽ bữa cơm hôm ấy là bữa cơm ngon nhất và cũng nhiều nhất. Chỉ ăn với muối tiêu trộn bột ngọt mà tôi ăn một hơi hết ba lon sữa bò gạo.

Một bữa cơm rất ngon lành!
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 12:35:35 pm »

VỀ T1 (QUÂN KHU 7)

Cách mạng miền Nam đã chuyển sang giai đoạn chiến lược mới. Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược Chiến tranh đặc biệt, cuộc chiến tranh bằng quân đội ngụy với tiền của, vũ khí và sự chỉ huy của Mỹ. Thời kỳ đen tối của cách mạng miền Nam đã qua, thời kỳ ta chỉ đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ mà không được vũ trang, còn địch thì tha hồ bắn giết cán bộ, đồng bào yêu nước. Từ sau đồng khởi, quân giải phóng ra đời và nhanh chóng phát triển.
Anh Hồng Lâm về làm Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng T1. Tôi được phân công về làm trợ lý của Phòng tác chiến T1, do anh Út Đặng làm Trưởng phòng. Các anh trong phân đội được phân công về các tỉnh Phước Thành, Biên Hòa, Bình Dương, Bà Rịa, một số về Tiểu đoàn 500 và Tiểu đoàn 700.

Công việc đầu tiên của tôi là làm thư ký cho cuộc họp kiểm điểm rút kinh nghiệm trận đánh Tiểu khu Phước Thành của Tiểu đoàn 500. Anh Hồng Lâm dặn tôi:

-   Mới về, dự họp nghe và ghi, không nên phát biểu, nhất là phê phán ưu khuyết điểm. Tích cực thâm nhập vào cán bộ và chiến sĩ để hiểu rõ anh em.

Tiểu đoàn 500 mới thành lập. Toàn những cán bộ, chiến sĩ là du kích cũ, ý chí quyết tâm cao, có bản lĩnh chiến đấu vừa mới chiến thắng một trận lớn. Đây là trận đầu tiên Quân giải phóng miền Nam diệt một tiểu khu của địch. Lòng tự hào chính đáng của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đang dâng cao. Trong niềm tự hào ấy còn hàm ý: “Để rồi xem “cán bộ mùa thu” đánh đấm như thế nào với địch”.

Thấu hiểu tâm tư của anh em, đồng chí, tôi xác định thái độ tiếp xúc của mình. Phải vui vẻ, khiêm tốn, lắng nghe và học hỏi anh em, ca tụng và biểu dương cái tốt của anh em, tuyệt đối không được khoe khoang những kiến thức quân sự mình đã làm, đã học.

Sau hơn 10 ngày ở Phước Thành để đơn vị kiểm điểm trận đánh, làm lễ biểu dương thắng lợi, có đồng bào Đất Cuốc, Tân Tịch, Thường Lang lên dự, củng cố lại tổ chức tiểu đoàn, điều chỉnh trang bị vũ khí... tôi đã cùng sinh hoạt với Ban chỉ huy Tiểu đoàn, với các đại đội 59 và 80, với đội trinh sát...

Các anh trẻ, vui vẻ và cởi mở. Anh Xứ - Tiểu đoàn trưởng - mới 24 tuổi, nhỏ hơn tôi 4 tuổi. Anh Tư Luông - Chính trị viên Tiểu đoàn. Anh Tư Lòng - Tiểu đoàn phó. Tất cả các anh là những cán bộ phong trào. Anh Sáu Quang tức Sáu Thế từ ngoài Bắc về trước tôi một đợt, cũng là Tiểu đoàn phó.

Các cán bộ đại đội và trung đội như các anh Út Thắng, Út Hiệp, Hai Phê, Thành, Huệ, Bá... đều rất tình cảm. Tôi trạc tuổi các anh, cảm mến các anh thật lòng nên mới nửa tháng sau chúng tôi đã rất thân nhau. Các anh yêu cầu tôi bỏ hết trang bị từ ngoài Bắc vào, quần áo bà ba, ba lô con cóc, thắt lưng, cả súng ngắn P.38 của tôi cũng đổi. Các anh trang bị lại cho tôi quần técrông giặt mau khô, áo sơmi, ba lô Mỹ có gắn tấm bản đồ phía sau, thắt lưng Mỹ, súng côn 12 ly... giống hệt các anh.
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 12:38:34 pm »

Sau lễ mừng chiến thắng ở Phước Thành, Bộ Tư lệnh T1 phân công tôi đi theo Tiểu đoàn để góp sức xây dựng huấn luyện, nghiên cứu chiến trường và tổ chức chiến đấu. Tôi nhủ với lòng: sau bao nhiêu năm được Đảng, quân đội rèn luyện và giáo dục, bây giờ là lúc mình có thời cơ biểu hiện lòng trung thành với Tổ quốc, thể hiện năng lực lãnh đạo và chỉ huy, phát huy bản lĩnh xây dựng và chiến đấu. Chỉ có tinh thần dũng cảm, dám đổ máu, không sợ hy sinh mới chứng minh được sự trung thành, mới thuyết phục được nhân tâm, mới chiếm được tình cảm của anh em Tiểu đoàn.

Tôi cùng ăn, cùng ở, cùng nghiên cứu huấn luyện và chiến đấu, vào sinh ra tử với Tiểu đoàn 500, Tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của T1 (Khu 7) thời ấy. Tôi đã cùng Tiểu đoàn rong ruổi khắp các chiến trường.

Ở Tây Ninh, đánh bót cầu Xe, phá ấp chiến lược suối Bà Tươi, đánh tàu trên sông Sài Gòn, đoạn Dầu Tiếng.

Ở Bình Dương, đánh diệt giao thông trên lộ 13 Mỹ Phước, phá ấp chiến lược Bến Tượng, đánh Lai Khê...

Ở Phước Thành, diệt địch trên đường giao thông, ở Nha Bích, diệt địch tại Bàu Cá Trê, diệt đồn Bà Cẩm, phá các ấp chiến lược Sình, Bà Đã, Ván Hương... giải phóng, vùng nam Sông Bé, mở rộng căn cứ Chiến khu Đ. lên hướng bắc.

Lại cùng Tiểu đoàn xuống Bà Rịa, ra Tánh Linh (Bình Thuận).

Liên tục mấy năm liền, tôi chỉ là cán bộ tác chiến T1 đi với Tiểu đoàn. Song Ban chỉ huy Tiểu đoàn rất tín nhiệm tôi, mọi việc đều hỏi ý kiến tôi, từ huấn luyện, nghiên cứu chiến trường đến tổ chức và thực hành chiến đấu. Anh em cán bộ các đại đội, trung đội và chiến sĩ coi tôi như cán bộ của Tiểu đoàn, lúc nào cũng thân tình chăm sóc, hỏi han. Khi có khó khăn anh em đều xin ý kiến. Tôi cũng coi Tiểu đoàn như ruột thịt của mình, cùng vui khi chiến thắng và cũng không ít lần rơi nước mắt trước cảnh anh em đồng chí mình hy sinh.

Tình đồng chí, đồng đội giữa tôi và anh em cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã gắn bó thật keo sơn. Ý chí chiến dấu, tác phong công tác, cách sử dụng lực lượng và động tác chiến đấu... tôi và anh em Tiểu đoàn rất ăn ý và dễ thống nhất với nhau.

Ngày 5 tháng 10 năm 1964, đồng chí Tư Lòng - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 500 được điều động về làm Chỉ huy trưởng thị xã Biên Hòa, Tiểu đoàn phó vẫn là đồng chí Út Thắng.

Qua anh Hai Sỹ, cán bộ biệt phái của Bộ Tư lệnh T1, tôi biết cấp trên cân nhắc rất nhiều giữa tôi và Út Thắng ai sẽ là Tiểu đoàn trưởng.

Về tài năng, phẩm chất và bản lĩnh thì anh em tôi như nhau. Tôi được đào tạo cơ bản hơn. Cái lo lắng của các anh là liệu tình cảm của anh em Tiểu đoàn có chấp nhận tôi không vì tôi là cán bộ “mùa thu”, Út Thắng lại là cán bộ phong trào, mà cán bộ phong trào lúc này vẫn được nhiều ưu ái. Nhưng cân nhấc tới lui, xét gần ba năm tôi sống và chiến đấu với Tiểu đoàn, cán bộ và chiến sĩ Tiểu đoàn thương yêu tôi như ruột thịt, cuối cùng Bộ Tư lệnh quyết định tôi làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 800 (phiên hiệu mới của Tiểu đoàn 500 cũ) thay anh Tư Lòng.

Từ ngày 5 tháng 10 năm 1964, tôi chính thức chỉ huy Tiểu đoàn 800 của T1 (Khu 7).
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 12:43:18 pm »

TIỂU ĐOÀN 800 TRONG CHIẾN DỊCH BÌNH GIÃ

Năm 1964, chiến tranh cách mạng miền Nam phát triển mạnh đi kèm với nó là các phong trào ngày càng rầm rộ và chính quy hơn, các lực lượng của ta liên tục tiến công địch ở khắp nơi: nông thôn, miền núi và cả ở đô thị. Ta đã phá hỏng trên 5000 ấp chiến lược.

Ở Chiến khu Đ, ta đã phá banh các ấp chiến lược: Sình, Bà Đã, Ván Hương... mở rộng vùng giải phóng chiến khu Đ đến tận đường 16.

Ở Bà Rịa, vùng tam giác giữa các con đường số 1, đường số 2 (cả đông và tây), đường 15 đều giải phóng.

Phong trào chiến tranh du kích được mở rộng, bộ đội địa phương lớn mạnh và tác chiến có hiệu quả.

Cấp trên nhận định: “Ta đã đánh bại một bước quốc sách ấp chiến lược của địch’’. Nhưng đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai vẫn ngoan cố tiếp tục chiến tranh bằng kế hoạch Mắc Namara, với mục tiêu bình định Việt Nam trong 3 năm, đẩy mạnh chiến lược Chiến tranh đặc biệt hòng cứu vãn nguy cơ sụp đổ của chế độ Mỹ - ngụy ở miền Nam.

Chủ trương của ta lúc này là khống chế và thắng địch trong Chiến tranh đặc biệt. Với phương châm chiến lược: “đánh lâu dài, đồng thời tích cực tranh thủ thời cơ để thắng địch trong thời gian tương đối ngắn". Trước mắt, phải ra sức xây dựng lực lượng ba thứ quân, đẩy mạnh tác chiến tập trung trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, diệt một bộ phận sinh lực địch, vừa để rèn luyện bộ đội chủ lực vừa hỗ trợ có hiệu quả cho phong trào đấu tranh chính trị cùa đồng bào.

Sau khi nghiên cứu nhiều mục tiêu trên khắp địa bàn, Bộ Chỉ huy Miền quyết định chọn Bà Rịa - Long Khánh - Biên Hòa và một phần địa bàn Bình Thuận để mở chiến dịch. Với quyết tâm cụ thể, hướng chủ yếu là Bà Rịa - Long Khánh, hướng thứ yếu là Nhơn Trạch - Long Thành. Lực lượng gồm hai trung đoàn chủ lực của Miền Q761, Q762, 4 tiểu đoàn trợ chiến, Tiểu đoàn 800 Quân khu 7 và bộ đội địa phương các tỉnh. Tổng cộng khoảng 7000 quân chủ lực cộng với lực lượng địa phương và du kích cùng tham gia chiến dịch.

Tháng 11 năm 1964, Tiểu đoàn 800 của Quân khu 7 đang đứng chân ở suối Xà Môn, Gia Kốp, huyện Châu Đức thì được anh Hồng Lâm, Chỉ huy phó Chiến dịch Bình Giã, đến giao nhiệm vụ.

Sau khi được nghe phổ biến toàn bộ tình hình địch - ta, đặc điểm địa hình, nhiệm vụ chiến dịch, hướng chủ yếu và thứ yếu, lực lượng tham gia, phương châm, phương thức tác chiến và các mặt bảo đảm, anh giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị: “Tiểu đoàn cùng bộ đội địa phương và du kích hoạt động trên hướng thứ yếu của chiến dịch. Phạm vi hoạt động cả nam và bắc đường 15, thuộc hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành. Tùy theo yêu cầu và thời gian chiến dịch cần dể đánh nghi binh, đánh lạc hướng và thu hút địch, tạo thuận lợi cho hướng chính cơ động và tác chiến. Tiểu đoàn chuẩn bị các mục tiêu trên đường 15 có thể chặn đánh địch trên đường giao thông bất kỳ đoạn nào. Chuẩn bị đánh các đồn bốt hai bên lộ 15, cả An Viễn, Bình Sơn, Nhơn Trạch. Chuẩn bị phương án thọc sâu xuống phía nam lộ 15. Thời gian chuẩn bị cho mục tiêu và thông qua quyết tâm trong tháng 11”.
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2012, 11:37:57 am »

Mới cầm quân, nhận ngay nhiệm vụ chiến đấu với quy mô lớn (ở miền Nam tại thời điểm này với lực lượng chiến dịch như vậy là lớn lắm), tôi vừa phấn khởi vì đây là thời cơ để biểu hiện năng lực và bản lĩnh tổ chức, chỉ huy chiến đấu của mình, vừa lo là nhiệm vụ quá nặng nề, không được đánh tự do mà phải đánh theo yêu cầu và thời gian của chiến dịch. Tuy nhiên, tôi tuyệt đối tin vào trình độ, ý chí quyết tâm và bản lĩnh chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn. Tiểu đoàn phó Út Thắng đã 3 năm cùng chiến đấu bên tôi từ Tiểu đoàn 500 cũ, người trầm tĩnh, dũng cảm, có trình độ tổ chức và chỉ huy chiến đấu. Trong suy nghĩ, đánh giá về địch - ta, trong hành động chiến đấu anh rất hợp với tôi. Các đại đội trưởng Hai Phê - Đại đội 1, Chín Hướng - Đại đội 2, Ba Thành - Đại đội 3, Hai Lô - Đại đội 4 là những đại đội trưởng giỏi, ý chí quyết tâm cao, đoàn kết tốt. Một ưu thế nữa là trinh sát của Tiểu đoàn thuộc loại giỏi lúc bấy giờ. Họ đều là những người không chịu nổi sự áp bức của Mỹ - ngụy nên đã lên đường theo cách mạng, nhập ngũ Tiểu đoàn, có đồng chí từng là du kích ở địa phương, rất gan dạ và có bản lĩnh trong chiến đấu. 

Bắt tay vào chiến dịch, vì phải đánh theo yêu cầu của chiến dịch nên chúng tôi phải chuẩn bị nhiều mục tiêu, tôi chia tiểu đoàn thành 2 bộ phận để chuẩn bị cho chiến trường.

Tôi và một bộ phận trinh sát cùng với trưởng các đại đội đi chuẩn bị đánh giao thông trên đường 15 và các đồn bốt ở nam đường 15 như Phước Thọ, Tam An, huyện Long Thành.

Tiếu đoàn phó Út Thắng cùng một bộ phận trinh sát và cán bộ đại đội cấp phó đi chuẩn bị đánh địch ở Bình Sơn, An Viễn và Dốc 47, bắc đường 15 (đường 51 ngày nay).

Ngày 10 tháng 11, anh Hồng Lâm, Phó Tư lệnh Chiến dịch điện đề ra nhiệm vụ cho tiểu đoàn: “để thu hút địch chú ý đối phó trên đường 15, nghi binh cho chủ lực cơ động xuống chiến trường Bà Rịa, tiểu đoàn tổ chức đánh ngay một trận trên đường 15".

Nhận lệnh, tôi và các cán bộ họp bàn xem các mục tiêu đã chuẩn bị giờ phải chọn đánh mục tiêu nào. Đánh phải chắc thắng, giòn giã, diệt gọn, buộc địch phải dồn lực để đối phó.

Trinh sát báo cáo về, có đoàn xe 12 chiếc với 2 bù lu (bọc thép), 1 xe Jeep và 9 xe GMC chạy từ hướng Vũng Tàu về Sài Gòn.

Chúng tôi thống nhất đánh đoàn xe mà trinh sát đang theo dõi ở đoạn Phước Thái. Rạng ngày 15 tháng 11, toàn Tiểu đoàn hành quân ra phục kích cách đường 15 trên dưới 100m.

Tôi ra lệnh Đại đội 3 chuẩn bị chặn đầu và toàn tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu.

9 giờ, đoàn xe lọt vào trận địa. Đại đội 3 chặn đầu rất hiệu quả. Toàn tiểu đoàn nổ súng và xung phong. Sau 30 phút chiến đấu, tiểu đoàn diệt gọn đoàn xe 12 chiếc, tiêu diệt và làm bị thương 50 tên, thu 52 súng.

Trận đầu nghi binh cho chiến dịch thắng lợi giòn giã. Cả tiểu đoàn ai cũng phấn khởi. Tôi thấy lòng lâng lâng, rất vui vì anh em tỏ ra tin tưởng vào khả năng chỉ huy của mình.
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2012, 11:41:24 am »

Khi chiến dịch Bình Giã chính thức nổ ra, vào giai đoạn gay cấn nhất trên chiến trường, để chia lửa, tiểu đoàn hành quân nghi binh xuống nam đường 15, ép sát phía nam thị trấn Long Thành, thọc qua phía tây đánh tiêu diệt dồn Tam An sát thị trấn. Địch tưởng ta có một cánh quân lớn đang ép sát Sài Gòn - khoảng 20km theo đường chim bay - chúng phải phân tán lực lượng tăng cường đối phó trên đường 15.

Để tiểu đoàn không bị cô lập dưới nam đường 15, không bị ép về một phía, phải gây rối địch mọi hướng, tôi phân công Út Thắng dẫn Đại đội 2 vượt đường 15 về phía bắc, chọn vùng Bình Sơn, An Viễn hoạt động.

Đêm đầu năm 1965, Út Thắng cùng Đại đội 2 vượt qua đường an toàn và bí mật. Từ đó đến ngày 15 tháng giêng năm 1965, Út Thắng tổ chức đánh nhỏ lẻ liên tục làm cho địch phải phân tán đối phó trên bắc lộ 15, giảm bớt sức ép của địch đối với tiểu đoàn ở nam lộ.

Út Thắng chỉ huy đánh một trận sáng tạo, bất ngờ tiêu diệt đồn bảo an Bình Sơn khiến địch hoang mang. Nắm được quy luật, buổi trưa khi xe chở công nhân cạo mủ cao su đi ngang qua đồn bảo an, bọn lính hay túa ra trêu ghẹo chị em công nhân, Út Thắng lợi dụng ngay sơ hở này để “gậy ông đập lưng ông”.

Đại đội 2 vào giờ ấy cũng đi 4 xe như chị em công nhân cạo mủ đi làm về. Xe chạy đến cổng đồn thì bất ngờ từ trên xe, 8 quả cối 60 ly phóng vào đồn. Anh em từ trên xe nhảy xuống, xung phong thẳng vào cửa đồn. Địch không trở tay kịp, ta diệt đồn nhanh gọn, thu hơn 30 súng. Nhân thời cơ này, du kích địa phương nổi dậy phá kìm, phá ấp chiến lược giành thắng lợi lớn.

Tháng 3 năm 1965, tổng kết chiến dịch Bình Giã ở suối Nhung, Chiến khu Đ, Tiểu đoàn 800 được đánh giá là “đã hoạt động tốt và liên tục làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, có một số trận diệt gọn, hiệu suất chiến đấu cao như trận đánh giao thông trên lộ 15, các trận diệt bót Tam An, đồn Bình Sơn... hoàn thành tốt nhiệm vụ nghi binh, thu hút địch, buộc chúng phải phân tán để đối phó tạo thuận lợi cho hướng chủ yếu của chiến dịch".
Qua chiến dịch Bình Giã, tình đồng chí, tình thương yêu trong đơn vị càng gắn bó. Giữa cán bộ, chiến sĩ, giữa đại đội này với đại đội khác, càng tin tưởng nhau hơn trong chiến đấu.

Tôi và anh em đơn vị có dịp gần gũi cán bộ địa phương và du kích nhiều hơn. Anh em chi bộ, anh em du kích không muốn tiểu đoàn đi nơi khác. Chúng tôi cũng rất quý mến anh em. Rõ ràng, chỉ có trong chiến đấu, tình người mới càng đằm thắm. Nhưng tiểu đoàn là đơn vị chủ lực của quân khu. Nó không thể là của riêng của một địa phương nào.
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2012, 08:34:14 pm »

TIỂU ĐOÀN 1 TRUNG ĐOÀN 4 T1 (QUÂN KHU 7)

Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chiến dịch Bình Giã, chiến dịch đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam, bước đầu tôi đã chiếm được niềm tin trong lòng anh em Tiểu đoàn.

Tết Ất Tỵ (1965), Tiểu đoàn đón một cái Tết vui vẻ, hồ hởi, phấn khởi. Sau chiến dịch Bình Giã phong trào đấu tranh chính trị, phá ấp chiến lược, phong trào du kích các tỉnh miền Đông phát triển mạnh. Vùng giải phóng các nơi được mở rộng.

Bộ Tư lệnh Miền chủ trương, tập trung xây dựng các đơn vị chủ lực để đánh những đòn tiêu diệt lớn nhằm tiếp tục mở rộng vùng giải phóng. Bộ Tư lệnh T1 (Quân khu 7) quyết định thành lập trung đoàn đầu tiên của Quân khu tại vùng căn cứ Chiến khu Đ, lấy phiên hiệu là Trung đoàn Đồng Nai, sau đổi là Trung đoàn 4 (Q764) theo phiên hiệu do Bộ Tư lệnh Miền đặt.

Tổ chức ăn Tết cho Tiểu đoàn xong, theo lệnh của Bộ Tư lệnh Tl, tôi tổ chức cho Tiểu đoàn tạm biệt chiến trường Bà Rịa hành quân về Chiến khu Đ.

Khi mới thành lập, trực thuộc Trung đoàn 4 có 2 tiểu đoàn bộ binh, một đại đội trợ chiến, một trung đội trinh sát và cơ quan trung đoàn bộ gồm các ban Tham mưu, Chính trị và Hậu cần. Tiểu đoàn 800 chúng tôi là đơn vị đã kinh qua chiến đấu nhiều năm, đội ngũ cán bộ chiến sĩ được rèn luyện và trưởng thành, lại thông thạo địa hình miền Đông Nam Bộ nên được giao nhiệm vụ là lực lượng chủ công của Trung đoàn với phiên hiệu là Tiểu đoàn 1. Tiểu đoàn 308 (gồm các đơn vị vận tải, sản xuất bảo vệ căn cứ) mới thành lập mang phiên hiệu Tiểu đoàn 3. Ban chỉ huy Trung đoàn gồm đồng chí Trần Minh Tâm - Trung đoàn trưởng, Đặng Kỷ - Chính ủy Trung đoàn, Đặng Ngọc Sĩ - Trung đoàn phó. Tôi làm Tiểu đoàn trường Tiểu đoàn 1, Hồ Văn Nam (Sậm) làm Chính trị viên, Trần Minh Thắng làm Tiểu đoàn phó. Huỳnh Thìn làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Út Minh làm Chính trị viên và Tư Thinh làm Tiểu đoàn phó.

Biên chế ban đầu của trung đoàn còn thiếu, vũ khí trang bị của cấp trung đoàn cũng thiếu. Riêng Tiểu đoàn 1 chúng tôi, quân số trên 500, biên chế có 3 đại đội bộ binh, 1 Đại đội trợ chiến, 1 đại đội trinh sát, 1 trung đội thông tin, 1 trung đội vận tải, 1 trung đội quân y, vũ khí được trang bị rất tốt về chủng loại và rất đầy đủ.
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2012, 08:35:28 pm »

Ngày 31 tháng 1 năm 1965, để chào mừng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư lệnh Quân khu ra chỉ thị cho Trung đoàn tổ chức đánh một trận đánh thắng lợi giòn giã trên khu vực đường 16 Tân Uyên để xây dựng truyền thống Trung đoàn. Thật là một nhiệm vụ rất khó khăn lúc bấy giờ. Vì đơn vị mới thành lập, cán bộ chưa quen tính cách nhau, cơ quan chưa biết ưu thế của đơn vị, đặc biệt là chưa đánh kết hợp lực lượng trung đoàn lần nào...

Trước khó khăn ấy, anh Hai Sỹ  - Trung đoàn phó, người hiểu Tiểu đoàn 1 nhất xuống Tiểu đoàn và bàn với tôi, Út Thắng, Ba Nam về nhiệm vụ được giao. Sau khi cân nhắc kỹ, chúng tôi hạ quyết tâm với anh Hai Sỹ:

-   Tiểu đoàn sẽ làm nòng cốt đánh một trận trên đường 16.

Tôi nói tiếp:

-   Anh Hai báo cáo với anh Năm Tâm để anh yên tâm.

Trung đoàn tổ chức đi nghiên cứu chiến trường, lực lượng tham gia gồm cán bộ Tiểu đoàn 1 và 3, cùng Đại đội 61 của Bình Dương để hình thành phương án đánh phục kích địch trên đường 16, vận động cấp trung đoàn tham gia, vị trí là khu vực ngã ba cổng Xanh.

Ngày 2 tháng 2 năm 1965, Trung đoàn hành quân phục kích gần khu vực ngã ba cổng Xanh đến khu vực Nhà Đỏ trên đường 16 Tân Uyên đi Phú Giáo. Tiểu đoàn 1 được tăng cường thêm Đại đội 61 của Bến Cát (Bình Dương), từ bắc đường 16 trong đêm hành quân xuống nam đường 16, phục kích chặn đầu và đánh từ nam lên bắc đường 16 khi địch lọt vào. Tiểu đoàn 3 phục kích đối diện với Tiểu đoàn 1. Do địa hình trống trải, Tiểu đoàn 3 phải phục cách đường hơi xa, khoảng 700 - 800 mét, nghe Tiểu đoàn 1 nổ súng thì phải nhanh chóng đánh lên mặt đường.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM