Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 04:11:19 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa-Phần 5  (Đọc 204404 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2012, 11:59:26 pm »

Chúc mừng bác ! Chúc mừng " Ký ức một thời hoa lửa" của bác luôn là nơi tụ họp đầm ấm của tất cả các CCB  một thời " Máu và Hoa"
Logged
nguyendoantho
Thành viên
*
Bài viết: 439



« Trả lời #11 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2012, 09:46:29 am »

Xin có lời chúc mừng " Trang Chủ " nhé,mong anh có nhiều đóng góp và thành công hơn nữa.Hôm qua tôi có dự buổi khai mạc triển lãm ảnh "Đại tướng võ nguyên Giáp với Cựu Chiến Binh" tại 93 Đinh tiên hoàng hay lắm.Tuy chưa thể đầy đủ nhưng với 102 bức ảnh (tượng trưng cho 102 tuổi của Đại tướng"cũng làm chúng ta thêm kính yêu " anh Cả" của mình và chúc Đại tướng thêm trường thọ và mãi là niềm tin cho người lính .
Logged
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #12 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2012, 11:55:56 am »

 Theo tin từ báo điện tử Dân trí về sự việc mới xảy ra vào lúc 4h sáng hôm nay.

 http://dantri.com.vn/c20/s20-633015/di-du-le-cau-sieu-xe-cho-45-phat-tu-lao-xuong-vuc.htm

 Chẳng biết bình luận ra sao nữa, nỗi đau của ngày hôm qua thì tất cả chúng ta có thể hiểu được, nhưng nỗi đau hôm nay thì thật là khó hiểu. Lái xe ẩu quá nhất là khi đưa những đoàn người đi làm những việc như thế này.
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #13 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2012, 04:11:42 pm »

Theo tin từ báo điện tử Dân trí về sự việc mới xảy ra vào lúc 4h sáng hôm nay.

 http://dantri.com.vn/c20/s20-633015/di-du-le-cau-sieu-xe-cho-45-phat-tu-lao-xuong-vuc.htm

 Chẳng biết bình luận ra sao nữa, nỗi đau của ngày hôm qua thì tất cả chúng ta có thể hiểu được, nhưng nỗi đau hôm nay thì thật là khó hiểu. Lái xe ẩu quá nhất là khi đưa những đoàn người đi làm những việc như thế này.

Xin chia buồn cùng các nạn nhânn và gia đình. Một tai nạn rủi ro. Tài xế có lỗi khi không kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe chu đáo trước khi lên đường dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Xem thêm về vụ tai nạn: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/08/xe-khach-lon-nhieu-vong-roi-lat-nhao-xuong-vuc/
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #14 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2012, 07:15:45 am »

NGÀY NÀY 40 NĂM VỀ TRƯỚC...

Ngày cuối cùng trên đất Bắc

Xe binh trạm chở chúng tôi rời Lệ Thủy, gần sáng dừng lại ở một vạt rừng thưa nham nhở những hố bom, hố pháo, chúng tôi theo giao liên lần theo vệt đường mòn tới 1 khúc suối cạn tạo thành 1 khe sâu có 1 cây gỗ to thẳng tắp bắc làm cầu dẫn đến 1 khu rừng già đại ngàn với những cây cổ thụ cao vút, dây leo chằng chịt. Dưới tán lá rừng rậm rạp là sự sôi động của 1 trạm giao liên. Sau gần một tháng hành quân khi bằng xe, khi bằng ca-nô và cả đi bộ nữa, chúng tôi đã đến Bãi Hà - trạm giao liên cuối cùng trên đất Bắc. Bãi Hà nằm ở miền Tây Vĩnh Linh, gần thượng nguồn sông Bến Hải. Đây là một khu rừng già thuộc đại ngàn Trường Sơn, những thân cây cổ thụ cao vút với dây leo chằng chịt. Quân ra, quân vào nườm nượp, bộ đội, TNXP gặp nhau cười nói râm ran với đủ chất giọng từ mọi miền quê khác nhau…Tại đây chúng tôi được bổ sung vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm. Chúng tôi đi nhận súng về cứ 3 khẩu 1 bó còn nguyên niêm được bọc mỡ bảo quản. Anh Được, anh Oanh và tôi nhận 1 bó. Phải mất 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới làm sạch mỡ của 3 khẩu AK. Cùng 1 bó nhưng xuất sứ của 3 khẩu lại khác nhau: khẩu của anh Được là của Triều Tiên, anh Oanh là của Trung Quốc có lưỡi lê gập, còn khẩu AK47 của tôi là của Liên Xô sản xuất 1954 và số súng là IAG 4245. Chuyện đi lấy nhu yếu phẩm cũng phải kể ra ở đây: sau khi đi lĩnh quân trang và nhu yếu phẩm về qua một khu vực có những dãy lán nửa nổi nửa chìm trong đó chất đầy những thùng to nhỏ khác nhau toàn chữ Trung Quốc, mấy thằng chúng tôi tạt nhanh vào hy vọng sẽ kiếm chác được những loại đặc chủng như bột trứng, đường ép khô, lương khô cao cấp BA70, BB70 hoặc 702 giành cho sĩ quan và lính đặc công (lính bộ binh chúng tôi chỉ có lương khô Việt Nam hoặc loại không chữ mà chúng tôi gọi là lương khô mù chữ) như lời lính cũ ở các binh trạm chỉ dẫn. Mỗi thằng vơ vài ba thùng, về đến nơi mở ra thì những thùng nhỏ là bột trứng và đường ép khô (quá tuyệt), còn thùng to tôi mang về lại là mắm tôm khô. Cả bọn cười muốn chết và định vứt đi, nhưng anh Được ngăn lại bắt chia nhau mang đi và rồi chính những gói mắm tôm khô này đã giúp chúng tôi rất nhiều trong những bữa ăn kham khổ của những ngày giữ chốt ác liệt sau này.

Lại chia tay, đầu tiên là quân của trường công nhân máy kéo được điều về các đơn vị tăng - thiết giáp, trong tiểu đội có Tú, Xứng và 2 người nữa. Tiếp đến anh Được, anh Oanh, Sơn, Cẩn, Mỹ và nhiều anh em cùng ĐHXD sang e95/f325. Số còn lại quãng hơn 100 người được điều về e101/f325. Sơn trắng, Chiến, Phùng, Tiến, M. và tôi lại được về cùng một tiểu đội.

Dưới tán cây rừng tăng võng mắc san sát, quân ra, quân vào hỏi thăm nhau í ới, có những giây phút cả khu rừng lặng đi khi có những đoàn thương binh đi qua, không ít trong số đó là những võng thương binh nặng. 2 đêm ngủ tại Bãi Hà, trời đất sáng rực vì pháo sáng và âm thanh như muốn vỡ ra vì tiếng rú rít của đủ loại máy bay đang tọa độ khu vực xung quanh tạo nên nhưng cơn rung chuyển như động đất. Chính cái đêm cuối cùng ở đất Bắc ấy tôi đã thao thức không ngủ được vì ngày mai sẽ vào trận, vì phải chia tay nhau mỗi người về một đơn vị và rồi sẽ ra sao khi trận chiến chưa có hồi kết thúc. Nhớ lời anh Được hẹn tới ngày trở về sẽ cùng nhau đi lang thang khắp phố phường Hà Nội để bù cho những chuỗi ngày xa cách và thưởng thức những món ăn do Mẹ làm. Mẹ anh mất sớm nên anh rất thèm được bàn tay người Mẹ chăm sóc. Nhớ tới anh Oanh chăm lo cho mình suốt dọc đường và tất cả những người bạn đã gắn bó với tôi suốt chặng đường hành quân từ Bắc vào. Văng vẳng trong đêm tiếng đài của ai đó đang đưa tin máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá Hà Nội. Gia đình giờ này ra sao, nhà mình gần ga liệu có bị bom không? Bố, mẹ chắc vẫn đang ở nơi sơ tán, các cháu có đi cùng với bà không? Rồi từ đài vang lên bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, chao ôi sao mà da diết đến thế. Cám ơn nhạc sĩ, cám ơn ca sĩ Mỹ Bình đã cho chúng tôi được gặp lại những phố phường thân yêu của mình trước giờ xung trận. Tim tôi thắt lại, nước mắt ứa ra với những kỷ niệm về Hà Nội, với những người thân yêu nhất đang hiện về. Âm thanh và lời ca đó đưa tôi trở về với Hà Nội, về với Mẹ và những ngày xưa ấy. Tạm biệt phố phường thân yêu, tạm biệt những kỷ niệm ngày xưa, hẹn ngày chúng tôi sẽ trở về… Mấy cái võng xung quanh tôi hình như cũng không ngủ, nhiều tiếng giở mình xen lẫn với những tiếng thở dài đầy tâm trạng…  

(Trích Ngược dòng ký ức)

http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,17230.70.html
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2012, 08:39:02 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #15 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2012, 07:25:02 am »

NGÀY NÀY 40 NĂM VỀ TRƯỚC... (tiếp)

23/8/1972, chúng tôi vượt Bến Hải

...Sáng hôm đó chúng tôi rời Bãi Hà theo giao liên ra khỏi rừng, qua những vạt rừng thưa, lúc xuyên qua những trảng lau lách, rồi men theo vệt bánh xe ô-tô tạt vào 1 vạt rừng. Đường dẫn xuống 1 khe suối đi qua mấy ngôi mộ bên đường - đó là nơi yên nghỉ của mấy cô gái TNXP. Chúng tôi vượt sông Bến Hải ở thượng nguồn, hai bên bờ những tán cây rừng xòa xuống mặt nước. Dòng sông như một con suối, nước chỉ ngang đùi. Qua hết sông cô giao liên mới nói: “Đây là sông Bến Hải, từ giờ trở đi các anh đã đặt chân lên đất miền Nam”. Sững người vì câu nói đó chúng tôi quay ngay lại dòng sông: thằng thì trầm mình, thằng thì vục mặt vào dòng nước mát lạnh đó, có thằng quỳ sụp dưới nước đầu hướng về bờ Bắc vái lấy vái để … mỗi thằng một kiểu. Từ Bắc vào đây qua bao sông, bao suối nhưng chỉ có ở đây thôi khi nhớ tới bài học thời ấu thơ về dòng sông giới tuyến như vết dao cứa vào lòng đất nước, đó làm chúng tôi xúc động như vậy

Qua khỏi sông một quãng tôi thấy thầy Khôi dậy Toán của trường đi ngược lại. Thầy trong tốp về e95/f325, nhưng dọc đường được gọi ra nhận nhiệm vụ khác. Mong thầy không phải vào nơi hòn tên mũi đạn và được ở đơn vị nào phù hợp với tuổi tác và trình độ của thầy...

Đến suối La La, chúng tôi gặp tốp anh em về e95, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm rối rít mặc dù mới chia tay nhau hôm qua. Giờ họ lại đi trước, còn chúng tôi nghỉ lại. Trời còn sớm, tranh thủ lúc đợi cơm, tôi và Sơn trắng lần ra khỏi khe suối nơi đơn vị trú quân. Xung quanh là những vạt đồi cỏ tranh mênh mông, cách đấy không xa là một xác xe tăng cháy sém. Trí tò mò khiến hai thằng chúng tôi tiến nhanh về phía đó mặc dù trên đầu là tiếng gầm rú của máy bay địch. Chiếc xe tăng bị đạn vỡ toác bụng, tháp pháo xụp xuống cháy đen. Nhìn hình dáng của nó tôi đã ngờ ngợ đó là tăng của ta, khi chui vào trong xe giữa đống kim loại gỉ sét tôi phát hiện một chiếc nồi quân dụng bằng nhôm và một chiếc rút quai dép - những thứ không thể thiếu được của quân ta… Chúng tôi lặng người đi, không hiểu số phận của kíp xe này như thế nào trước sức công phá khủng khiếp của đạn pháo. Cũng ngay gần đó một khẩu pháo tự hành phòng không 57 li nằm nghiêng bên miệng một hố bom lớn, 2 nòng pháo vẫn vươn lên cao một cách ngạo nghễ…

Đêm đầu tiên tại chiến trường, không thể mắc võng được vì ở đây chỉ toàn những bụi cây xen lẫn những hố bom, hố pháo. Mấy thằng chúng tôi trải võng xuống những hố bom để tranh thủ ngủ sau một ngày hành quân căng thẳng dưới tầm oanh tạc của máy bay địch.

(Trích Ngược dòng ký ức)

http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,17230.70.html
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2012, 08:33:04 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #16 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2012, 07:29:56 am »

NGÀY NÀY 40 NĂM VỂ TRƯỚC...(tiếp)

24/8/1972, Cam Lộ - Đông Hà - Ái Tử

3 giờ sáng chúng tôi rời khe suối La La, trước mắt là những trảng đồi tranh cháy sém vì bom đạn và gió Lào. Khu vực này chính là nơi đã diễn ra những trận đánh ác liệt của đợt 1 chiến dịch hồi tháng 3/1972, thêm nhiều xác xe tăng của cả ta và địch ngổn ngang hai bên đường. Phía chân trời là những vầng lửa khói của B52…phải chăng đó là mặt trận Thị xã qua lời kể của những toán thương binh đi ngược lại.

Trời sáng, chúng tôi lội qua sông Cam Lộ. Quãng sông này nước chỉ tới bụng, nước trong vắt chảy khá xiết nhìn rõ những tảng đá cuội dưới lòng sông.   Qua khỏi sông là thôn Quất Xá, đây là ngôi làng đầu tiên chúng tôi gặp trên đất Quảng Trị. Nhà cửa tan hoang vì bom đạn nhưng không vì thế mà xóa hết vẻ trù phú của nó. Những nếp nhà xây bằng gạch táp-lô (ngoài ta gọi là pa-panh), mái lợp tôn nhôm mỏng, xung quanh là vườn tược với nhiều cây trái. Trước mặt nhà nào cũng có những bồn hoa cây cảnh và cây hương để cúng thần linh. Đường làng rộng rãi vuông vức như bàn cờ, cứ một quãng lại có một giếng thơi trong vắt. Dân làng hầu như đi hết để tránh bom đạn, chỉ lác đác bóng áo xanh bộ đội và mấy cô du kích bám trụ. Tôi tranh thủ lúc nghỉ chạy tạt vào ngôi nhà gần đấy mặc dù đã được cảnh báo về những nguy hiểm do mìn và lựu đạn địch cài lại. Trí tò mò muốn biết những gì khi bước chân vào vào vùng mới giải phóng. Đồ đạc trong nhà gần như còn nguyên vẹn: quần áo, chăn màn, đồ gia dụng, dụng cụ sản xuất, ngoài vườn còn có 1 máy kéo cỡ nhỏ hiệu Kubota chứng tỏ gia chủ là lớp người trung lưu ở nông nhưng cũng chú trọng đến chuyện học hành của con cái qua những đống sách vở còn vương trên nền nhà. Trong đống lộn xộn đó tôi nhặt lên một cuốn không còn bìa, phủi lớp đất bụi, lật nhanh tôi thấy đây là một cuốn sách viết theo những điển tích cổ ngắn gọn đầy tính triết lý, dậy cách cư xử ở đời mà chúng tôi chưa bao giờ được đọc họa chăng chỉ được biết qua các câu chuyện kể của bà nội khi còn ấu thơ.Trang cuối là tên sách: Cổ học tinh hoa và tác giả là Ôn như Nguyễn Văn Ngọc. Tôi nhét vội cuốn sách vào túi cóc và chạy theo đơn vị. Chẳng phải mình tôi mà nhiều thằng cũng đang thu thu giấu giấu những cuốn sách nhặt vội trong những ngôi nhà ven đường.

Ra đến đường 9, đội hình hành quân giãn cách 10-15 mét với cành cây trên đầu để ngụy trang. Bầu trời xanh trong vắt bị rạch nát bởi những vệt khói của B52 và đủ các loại máy bay chiến đấu của địch. Nhưng khó chịu nhất là thằng OV10 như gọng bừa đang vè vè trên đầu, thỉnh thoảng nó lao xuống bắn đạn khói chỉ điểm, vài phút sau lũ phản lực lao đến cắt bom. Nhưng chúng lại không ngờ rằng hơn 100 con người chúng tôi giữa ban ngày đang hành quân bám theo đường 9. Đường 9 trải bê-tông nhựa rất tốt, những hố bom pháo chi chít trên đường. Dọc hai bên đường là những đồn bốt, những khu quân sự tan hoang. Khu vực này ta giải phóng trong đợt 2 chiến dịch vào cuối tháng 4/1972. Gần 1 tháng hành quân từ Bắc vào khi thì đi xe, khi thì đi bộ tưởng rằng đi trên đường nhựa sẽ ngon lành hơn đi đường rừng nào ngờ có mấy cây số thôi mà hai bắp chân đã ê ẩm không buồn nhấc nữa. Cảm giác này khi trên đường Trường Sơn không hề có, phải chăng do nền đường bê-tông cứng nên dội vào hai bắp chân làm cho ta không thể chịu được.  Cứ lết lết đôi chân, thằng nào cũng thế, nhiều thằng lăn ra vệ đường mặc cho những bụi gai xấu hổ đâm vào người. Thế rồi quá trưa chúng tôi cũng đến được Đông Hà. Thị trấn nằm ở ngã ba đường 1 và đường 9 chỉ còn những đống gạch vụn. Trận B52 lúc sớm đã dội vào đây, nhiều chỗ khói bom còn bốc nghi ngút. Ngay ngã ba, một tháp canh cũ của Pháp còn sót lại, bên vệ đường mấy gốc phượng bị bom phạt xác xơ cụt lủn nhưng lạ thay vẫn còn sót lại vài bông phượng đỏ rực  như thách thức bom đạn. Thật kỳ lạ vào mùa này ở đây vẫn còn hoa phượng mà những cánh hoa lại lớn hơn những cánh hoa phượng ở Hà Nội.

Chúng tôi dừng chân tại thôn Điếu Ngao bên cạnh thị trấn nằm sát cảng Đông Hà với đường 1. Tiểu đội tôi tạt vào một căn nhà sập một bên mái, sau khi nấu vội nồi cơm và canh ruốc, tôi và mấy người nữa lại lần mò tìm hiểu xung quanh. Rất nhiều đồ nhựa trong nhà từ rổ rá, bàn ghế cho tới hoa quả trên bàn thờ cũng toàn bằng nhựa. Ngồi xệp ở góc nhà, vừa nhai trệu trạo ca cơm với thịt hộp và canh suông mặn chát vì cho quá nhiều ruốc mặn vừa bới tung đống sách vở báo chí của gia chủ. Chủ nhân của căn nhà này cũng là người ham đọc sách vì có nhiều loại sách báo. Tôi cầm một cuốn sách đã sờn gáy giấy vàng ố, tên cuốn sách là Thương nhớ mười hai của tác giả Vũ Bằng. Qua lời giới thiệu mới biết tác giả là một nhà báo Bắc kỳ di cư vào Nam năm 1954. Lật nhanh từng trang thì đây là những dòng cảm xúc về 12 tháng thương nhớ của một con người lưu lạc xa xứ nhớ về cội nguồn ở phương Bắc xa xôi…Ngay trang đầu: Tháng giêng, mơ về trăng non rét ngọt với cái đau đáu của “mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh…”.  Chao ôi đọc đến đây thôi nước mắt tôi như muốn trào ra: “Mẹ ơi, con của mẹ đây, giờ này con vẫn bình yên, ngày mai con sẽ vào trận. Mẹ đừng khóc nữa, hãy đợi con về nhé. Con nhất định sẽ trở về, và nước mắt của mẹ con ta hãy giành cho ngày ấy…” Tại sao với một niềm nhớ thương da diết như thế mà tác giả nỡ lòng nào rời bỏ quê hương dứt áo ra đi… Cho đến 30 năm sau tôi mới tìm thấy câu trả lời về thân phận của tác giả cuốn sách tuyệt vời ấy - nhà báo Vũ Bằng.

Chiều xuống đơn vị tiếp tục lên đường. Mật độ bom pháo đã dầy đặc hơn, lúc này chúng tôi mới biết thế nào là bị pháo kích nhất là pháo từ hạm đội 7 Mỹ từ biển bắn vào. Đã được phổ biến rồi, nghe “…chíu…chíu…” - cứ đi; “…ú…ú…xoẹt…xoẹt…” - cẩn thận đấy; còn “…xoẹt…xoẹt…” - phải lăn ngay xuống đất vì như thế pháo đã dội ngay trên đầu mình. Đường đi xuyên qua các xóm làng tan hoang vì bom pháo, có đoạn đi dọc theo sông (về sau mới biết đó là sông Hiếu là đoạn cuối của sông Cam Lộ chảy qua Đông Hà và gặp sông Thạch Hãn ở ngã ba Gia Độ), không xa lắm phía trước mặt và xung quanh khói đen mù mịt cùng với những chớp lửa của bom đạn che lấp cả ráng chiều chạng vạng.

Trời tối hẳn nhưng bầu trời sáng rực bởi đèn dù và những chớp lửa của bom pháo, hình như sự dữ dội của bom đạn càng tăng khi màn đêm buông xuống. Lại chuẩn bị vượt sông - đây là điều đáng sợ nhất với tôi. Có lệnh tạm dừng vì mật độ pháo và bom vẫn dầy đặc nơi bến vượt, anh em trong tiểu đội tranh thủ kiếm được mấy cây chuối cho mấy thằng bơi tồi trong đó có tôi… Pháo địch vừa chuyển làn, lệnh xuống trong vòng nửa giờ đơn vị phải qua hết sông. Lúc này các đơn vị trú trong các hầm hào ven sông ùa ra tranh thủ vượt sông dưới ánh sáng ma quái của đèn dù. Con sông này không rộng lắm (sau này mới biết đó là sông Vĩnh Phước) lại có bè chuối nên qua sông được dễ dàng. Chúng tôi tiếp tục đi và cảm thấy hình như khu chiến đang mỗi lúc một gần, xen lẫn tiếng nổ của bom pháo và tiếng rú rít của máy bay địch là những chuỗi dài lục bục. Chúng tôi vểnh tai suy đoán đấy là tiếng đại liên - chắc chắn mặt trận đang ở phía đó. Đường đi bị cầy xới bởi chi chít những hố bom, hố pháo, cây cối ngổn ngang…tất cả đều nát vụn. Đây là đêm thứ hai kể từ lúc vượt Bến Hải. Đây là đâu cũng không biết nữa và chúng tôi được lệnh tản ra tự tìm chỗ trú ẩn qua đêm. Dưới ánh sáng như ban ngày của đèn dù chúng tôi tìm được nơi trú ẩn cũng không đến nỗi khó khăn lắm. Chúng tôi phát hiện một cửa hầm dưới đống gạch vụn của một ngôi nhà khá bề thế, căn hầm khá rộng rãi, sạch sẽ được làm bằng những vòm cống bằng tôn dày mà chúng tôi đã thấy khi ở Cam Lộ. Căn hầm này chứng tỏ đã có người ở đây. Bốn thằng Sơn, Chiến, Phùng và tôi nhai trệu trạo lương khô và ngủ thiếp đi trong cái chao đảo, chớp lòe xung quanh.

(Trích Ngược dòng ký ức)

http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,17230.70.html
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,17230.80.html
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Tám, 2012, 09:10:43 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
nguyendoantho
Thành viên
*
Bài viết: 439



« Trả lời #17 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2012, 09:44:10 am »

Chà,anh Tường ơi ,đoạn vào chiến trường của anh sao giống của tôi vậy,chỉ có thời gian là chúng tôi đến Bãi hà nửa đên ngày 6-8 .Đêm đó trời mưa rất to,xuống xe thì nghe truyền miệng khẩn trương rời khỏi trọng điểm B52 Bãi hà ngay.Đêm tối ,mưa mịt mùng chúng tôi D54-F304B lầm lũi bám nhau đi hơn hi tíng đồng hồ thì được lệnh dừng lại cắm trại tạm nghỉ..Lần đầu tiên mắc võng ngủ trong mưa xối xả nên người ướt sạch vậy mà lên võng ai cũng ngủ ngon lành.Sáng dậy chúng tôi đi ngược sông Bến hải mấy km thì vượt sông bằng cách bám vào sợi song to bằng cổ tay mà lần từng bước .nước sông lên to ,đục ngàu cuồn cuôn kéo ,dìm chúng tôi nhưng hơn 1 tiếng toàn đại đội 3 của tôi gồm sinh viên ĐH Coe Điện,ĐH Công nghiệp nhẹ,Tr C Luyện kim,Tr C Xây Dựng,Tr CN Toa Xe Lương Sơn,TR CN Hóa Chất Việt Trì..qua sông an toàn.(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2012, 10:09:27 pm gửi bởi nguyendoantho » Logged
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #18 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2012, 01:28:48 pm »

Anh ChienC3 ơi, anh vào kể thêm cùng với anh Tường cho câu chuyện thêm sinh động đi anh. Hai anh Sống/Chết năm xưa , nay thì Bia 19C/VMH cùng nhau - Kính hai anh sức khỏe !
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #19 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2012, 03:33:03 pm »

Tôi xin gửi tới các bạn 2 bài báo có đề cập đến công việc của 1 đồng đội của chúng ta: TLT. Chúc TLT thành công trong sự nghiệp để không hổ danh chiến binh Thành cổ QT năm nào.

"Toán học đang thiếu người có trình độ giảng dạy"

Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng các trường đại học đang thiếu tiến sĩ giảng dạy và "dù có phương pháp, có múa may quay cuồng nhưng nếu không hiểu toán cũng không dạy được".

- Lớp học hè của giáo sư được học viên đánh giá rất cao, giáo sư có phương pháp gì giúp học viên dễ dàng tiếp cận với kiến thức khó?

- Ở mỗi lớp, mỗi đề tài có một phương pháp tiếp cận khác nhau. Tôi lấy ví dụ như lớp sinh hoạt Khoa học máy của GS Hồ Tú Bảo, Xuân Long, John Lafferty có học viên là cán bộ, giảng viên nhiều trường đại học kỹ thuật, bách khoa, quốc gia... có quan tâm đến lĩnh vực học máy. Cách tiếp cận rất hiện đại như dùng thống kê và đủ mọi thứ trong tin học, từ việc truyền thống như nhận dạng tiếng nói, chữ viết cho đến ngành mới trong sinh học như y sinh, nghiên cứu phân tử tế bào bằng phương pháp thống kê...

Lớp của tôi là toán lý thuyết. Tôi có tổ chức một lớp gồm mấy chục sinh viên năm cuối đại học ở ĐH Quốc gia, Vinh, TP HCM và khoảng 5-6 em ở bên Mỹ về tham gia với lớp. Dù học viên ở trình độ khác nhau nhưng sinh hoạt rất sôi nổi. Tôi tin vào học chủ động, không phải chỉ đơn giản là thầy giáo giảng bài, học sinh chép. Tôi tổ chức lớp có hai phần, để cho kể cả những em trình độ thấp và cao đều không bị mất phương hướng.

Đó là xen kẽ một buổi học theo cuốn sách cổ điển, chia thành các chương để các em mỗi em được giao đọc, trình bày và viết lại chương đó. Một buổi khác thì tổ chức seminar về vấn đề thời sự trong lý thuyết số.

Đối với các em nghiên cứu sinh, tôi cũng giao cho đọc mỗi người một mảng khác nhau và trình bày lại. Lớp học này đang triển khai và tuần sau có thể xong. Ở Viện Toán, buổi sáng có seminar, chiều các em tự học, tự trao đổi. Sinh viên đại học có chỗ nào chưa hiểu thì có thể hỏi thêm nghiên cứu sinh, những người có hiểu biết sâu rộng. Mặc dù kiến thức rất khó nhưng các học viên vẫn bám được vào rất tốt.

GS Ngô Bảo Châu cho rằng trình độ là quan trọng nhất vì dù phương pháp có hay đến mấy mà không hiểu toán thì cũng không thể dạy được. Ảnh: Hoàng Thùy.

- Toán học cơ bản tương đối trừu tượng và khó thu hút, Viện Toán đã có kế hoạch phát triển toán học ứng dụng như thế nào?

- Toán học ứng dụng đòi hỏi kinh phí nhiều hơn toán cơ bản. Viện sẽ phải đầu tư nhiều về tài chính và công sức để tìm người thực sự có chuyên môn và ảnh hưởng quốc tế lớn dẫn dắt Toán học ứng dụng. Như năm nay, lần đầu tiên Viện tổ chức khóa học máy may mắn đã có GS Hồ Tú Bảo, Xuân Long, Ngô Quang Hưng là ba nhà khoa học người Việt làm việc ở nước ngoài rất có uy tín trong lĩnh vực này về nước giảng dạy.

GS Bảo có thuận lợi là mỗi năm về nước 10-12 lần nên sự gắn kết với anh em đang làm việc tại Việt Nam rất lớn. Buổi đầu tiên giáo sư giảng có 120 người đến dự, những buổi sau chuyên sâu cũng có tới 60-70 người đến dự. Ngoài ra, ông còn mời được GS John Lafferty ở ĐH Chicago - một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực học máy về dạy.

Chương trình này chắc chắn sẽ tiếp tục được giảng dạy ở những năm tới. Tuy nhiên sẽ có sự điều chỉnh như học máy trong lĩnh vực nào đó tập trung hơn như nhận dạng chữ viết, xử lý văn bản, từ điển, làm về y sinh... Và mỗi một lĩnh vực thì ban giám đốc phải tìm được người đầu đàn dẫn dắt, phải có giáo sư người Việt ở nước ngoài, giáo sư ở Việt Nam và giáo sư người nước ngoài giúp đỡ giảng dạy... thì mới có thể thành công.

Trong thời gian tới, Viện cũng chuẩn bị triển khai một số lĩnh vực như toán trong cơ học chất lỏng, toán trong truyền thông, Vật lý vũ trụ học...

- Những hoạt động của Viện toán đã diễn ra như thế nào so với kế hoạch và kỳ vọng đặt ra, thưa giáo sư?

- Mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn so với những gì tôi dự định. Cả về hành chính, quản trị, khoa học... đều thực hiện rất tốt, mọi người tham gia công tác ở Viện đều nhiệt tình và thiện tâm.

Chương trình Khoa học máy do GS Bảo, anh Long đề xuất, Viện hỗ trợ. Mọi công việc giảng dạy cũng do các anh tổ chức, điều hành. Cũng chính các anh đã mời được GS John Lafferty - một trong số những người giỏi nhất về khoa học máy trên thế giới về giảng dạy. Dù John dạy cùng trường với tôi, cũng quen biết sơ sơ nhưng tôi không biết ông ấy xuất sắc về mảng đó cho đến khi anh Bảo, Long nói với tôi.

Sau này các hoạt động khác cũng sẽ như thế. Viện sẽ định hướng về đề tài, còn việc tổ chức là do một số người có chuyên môn, tự đề xướng, tự thực hiện bởi bản thân lãnh đạo Viện không thể tham dự vào việc tổ chức một cách cụ thể như vậy.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm viện Toán cao cấp sáng 9/8 và trò chuyện với những giáo sư đang giảng dạy tại Viện. Ảnh: Hoàng Thùy.

- Các nhà nghiên cứu cho rằng để khuyến khích nhiều người học toán và phát triển toán học trước hết cần mở rộng khoa Toán ở các trường đại học, quan điểm của giáo sư như thế nào?

- Mọi người nói nhiều đến phương pháp nhưng tôi thấy quan trọng nhất là trình độ, bởi trình độ khoa học thực chất là cần thiết. Chúng ta đang thiếu người có trình độ tiến sĩ để giảng dạy toán ở các trường đại học. Có phương pháp, có nhảy múa quay cuồng nhưng nếu không hiểu toán anh cũng không dạy được. Chính vì vậy việc đào tạo nhiều người có trình độ tiến sĩ cho các đại học là rất cần thiết.

Những người giảng ở trường đại học nhỏ không cần thiết phải có công trình nghiên cứu sắc bén nhưng họ phải hiểu kiến thức cơ bản của toán học một cách chắc chắn. Việc tôi và anh Lê Tuấn Hoa phối hợp với bên Pháp gửi giảng viên sang Pháp học tiến sĩ theo chương trình 322 đến nay có hơn 100 em đã được gửi sang học. Chương trình 322 hỗ trợ 1 năm master, sau đó các trường ĐH Pháp cho học bổng để làm tiến sĩ.

Trong vòng 5 năm, hơn một nửa số đó sẽ có bằng tiến sĩ về phục vụ đất nước. Đáng tiếc là chương trình 322 vừa phải dừng lại. Không phải tất cả các giảng viên đi học đều giỏi, xuất sắc nhưng ít nhất là họ được đào tạo, có kiến thức cơ bản, sẽ là đầu tàu, chủ lực trong việc dạy toán ở Việt Nam.

- Vừa công tác ở ĐH Chicago vừa về Việt Nam lãnh đạo Viện Toán cao cấp, khó khăn nhất đối với giáo sư là gì?

- Khó khăn nhất là về vấn đề cuộc sống gia đình. Giáo sư đại học có hai tháng nghỉ hè để đi chơi với con cái, giờ tôi mất hai tháng nghỉ hè đó. Trong năm học thì cũng phải về một hai lần lo những việc cụ thể của Viện.

Trong năm đầu tiên Viện mới ra đời thì có nhiều việc phải làm. Anh Lê Tuấn Hoa đã lo những công việc hàng ngày của Viện, điều hành hệ thống tổ chức hành chính hoạt động đã rất trơn tru và quy củ.

Công việc chính của tôi là làm việc với hội đồng khoa học của Viện, để chọn lọc những hồ sơ những chương trình chuyên biệt đăng ký đến làm việc ở Viện 2-3 tháng, tìm cách xây dựng những chương trình mới cho những năm tiếp theo. Công việc chính có thể trao đổi qua email, tuy nhiên một năm lãnh đạo Viện cũng phải họp 2-3 lần.

- Viện có những định hướng phát triển gì cho những em tham gia lớp học hè ở Viện, thưa giáo sư?

- Năm nay, các lớp học hoạt động tốt hơn tôi mong đợi. Trước khi về nước tôi nhờ các anh trong hội đồng khoa học giới thiệu cho tôi những sinh viên giỏi, có quan tâm đến chuyên môn của tôi. Các anh viết giấy giới thiệu, gửi cho tôi bảng điểm của các em và cuối tháng 5 tôi lên danh sách lớp. Sau đó, bộ phận hành chính gửi giấy mời cho các em, lo những việc về hậu cần.

Tôi thật sự mừng khi những phần tôi giao các em viết lại đều rất mạch lạc, cẩn thận. Đặc biệt hơn, khi tôi hỏi các em "Lớp học có ích cho các em không?", tất cả đều trả lời là "Rất có ích" và nói rằng các em rất quý thời gian ở đây, được trao đổi thêm với các bạn nghiên cứu sinh ở Mỹ về, chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu.

Đối với những em đang học đại học, khi tôi biết các em rõ về các em hơn thì tôi có thể giới thiệu các em đi học nước ngoài. Việc du học hiện nay không phải là quá khó nữa.

Sáng 9/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu Toán cao cấp. Phó Thủ tướng cho biết, Chủ tịch UBND Hà Nội đã gặp lãnh đạo Viện và hứa chọn địa điểm mới cho Viện với khoảng 1 ha trong khu đất 120 ha ở Mễ Trì. Phó Thủ tướng sẽ theo dõi, đốc thúc, hỗ trợ để Viện sớm có trụ sở ổn định.

"Chính phủ sẵn sàng tìm những người đặt hàng cho Viện những bài toán, hoặc khi đã tìm được đối tác để làm bài toán lớn cho Việt Nam. Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ cùng với giáo sư Châu để làm việc đó", Phó Thủ tướng nói.


Hoàng Thùy ghi

http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2012/08/toan-hoc-dang-thieu-nguoi-co-trinh-do-giang-day-1/


  
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2012, 03:40:07 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM