Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:02:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời rừng Sác  (Đọc 75793 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #30 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2008, 09:19:32 pm »

Địch tiếp tục bao vây phản kích quyết liệt sau Mậu Thân,chiến trường căng thẳng ngày đêm, từ người chỉ huy đến chiến sỹ đều phải vác súng đi tuần tra cảnh giới, bám đánh địch ngoài công sự.Hai trận tuyến cách nhau không đầy trăm mét. Một tình huống ác liệt lại xảy ra, A trưởng trinh sát Hiệp vác ĐH10 với cuộn dây điện bám đánh địch, đã nổ một quả tiêu diệt nhiều tên tại Bờ Tràm. Khi di chuyển, Hiệp vấp ngay vào trái mìn clây-mo Mỹ gài sẵn đã nổ tung, tan xác tại Ông Trúc cùng một số anh em khác. Sau khi địch rút, và mãi cho đến bây giờ cũng không tìm được hài cốt, vì vung vãi ra khắp đồi cát mênh mông.
Cuộc đời ba Năm trở nên trầm lặng. Nếp nhăn trên khuôn mặt hằn sâu hơn, nụ cười trên đôi môi già bớt tươi đi.Cái tuổi 70 nó đến, nhưng ba vẫn còn rất khoẻ, dần dần cũng nguôi cơn sầu não, vì tất cả cán bộ chiến sỹ trung đoàn như một gia đình đã trân trọng kính yếu, thân gọi là ba Năm với tất cả tấm lòng thực sự coi như cha ruột của mình. Và ngược lại, ba cũng thương yêu bầy con trẻ như 3 đứa con mình đã hi sinh, nên ba vui vẻ, cởi mở hoà mình với đơn vị, quên cả tổn thất riêng tư.
Tại Sở chỉ huy ba Năm thường cùng Lê Bảy chạy ghe máy đi móc ráp cơ sở hậu cần trong nội thành ra. Nét mặt thật thà chất phác,giọng nói nhẹ nhàng hiền hậu làm cho ông bà cơ sở dễ làm quen, bắt chuyện và kết nghĩa sẵn sàng cho gạo muối tiếp tế cho bộ đội. Còn vì một lẽ khác hơn là ông già vậy mà còn làm được lính giải phóng, động viên người khác tham gia. Họ có niềm tin rằng ba Năm không khi nào phản bội, đầu hàng giặc với ba đứa con hi sinh, vì người dân lúc này tiếp xúc với cách mạng họ không hề sợ giặc, nhưng tâm lý chung là rất sợ bọn đi chiêu hồi khai báo, gây thiệt hại cho bà con bên trong.
Ba là một ngư dân chân lắm tay bùn, quen với sông nước miền duyên hải nên có biệt tài về "lội cua, mò sò huyết", tuy cấp chỉ huy quy định hạn chế ba đi lội rừng, trời giá lạnh nguy hiểm, khổ nỗi ông già không chịu ngồi yên. Ông thường nói : " Một ngày tao không đi rừng lội sình là tao bị bịnh ngay". Trời vừa sáng, còn giá lạnh đã thấy ba cột ngang lưng mấy sợi lạt dừa, tay xách hai cây móc, một dài một ngắn nhẹ nhàng bước xuống sình, ngoảnh lại dặn với thằng con bảo vệ: " Mày nói với thằng Bảy thủ trưởng, tao đi lội cua một lát. Nghe bữa nay tụi nó họp đảng uỷ, cần bồi dưỡng cho bây một bữa". Thật vậy, chỉ vài tiếng đồng hồ đã thấy ba vui vẻ xách xâu cua đủ cỡ hơn năm ký lô và bao sò huyết về, ngồi rửa chân trên sàn, ba ngoảnh đầu cười : " Thằng Tám thủ trưởng đừng phê bình tao. Ba cũng tham gia với tụi bây giờ đánh trận đây".
Bom đạn rền vang, máy bay tàu chiến ầm ĩ, mặc kệ.
Đời ba giờ chỉ có thú vui với điếu thuốc rê quấn bằng giấy nhựt trình, ngồi trên sạp nước mấp mé, nước thuỷ triều dâng lên, nhâm nhi chén rượu đế với con khô đối, bên cạnh chiếc đài bán dẫn Sony nghe tin tức thời sự và lâu lâu, lội xuống rừng cho khoẻ tuổi già.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng được tin đứa con dâu vợ của Hùng gặp nhau trên rừng cũng hi sinh trên rừng giồng. Có lẽ đơn vị cũng không rõ tên tuổi thật của ba vì đâu có khai sanh lý lịch gì. Khi làm quyết định xuất ngũ phục viên, xét công lao thành tích xứng đáng phong cấp hàm thượng sỹ. Cái tên mới thượng sỹ của ba Năm được ghi thêm khi ba về với gian nhà tình nghĩa tại địa phương, do huyện Cần Giờ xây tặng. Lâu lâu thấy nhớ, leo lên xe đò về Nhà Bè thăm đơn vị, đến nhà thằng Bảy, thằng Tám thủ trưởng chơi đôi ngày. Hoặc ngược lại, anh em đi công tác ghé qua thăm hỏi đồng chí thượng sỹ ba Năm Hổ của mình.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Tám, 2008, 09:58:28 pm gửi bởi satthat » Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #31 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2008, 08:27:04 am »

HỘI ANH CHIẾN SỸ
Sáng tinh sương, không khí lành mạnh của màu đông tràn ngập, toả khói mờ mờ trên mặt sông rừng Sác. Lê Bảy, trung đoàn trưởng Đoàn 10 đặc công, khoác ngoài chiếc áo sỹ quan nguỵ cũ mèm, đầu đội nón nỉ đen bạc màu, ngồi trên mui phía sau lái chiếc ghe lắp máy dầu F5, thong chân trái giữ dây ga, chân phải ngoắc ra phía sau kềm đòn tay lái dài đến tận mui, để còn thừa hai cánh tay sử dụng chiếc ống nhòm quân dụng quan sát hải quân địch từ xa, khẩu AK bá xếp kẹp dưới đầu gối phủ lên đoạn lưới nguỵ trang đề phòng trực thăng rà thấp, không tốc lên được. Đàng trước mũi ghe, Đức Inh và Ba Chiến hai chiến sỹ bảo vệ đội nón lá thủ khẩu AK và túi lựu đạn mi ni, họ chạy khắp sông rạch trên sông nước rừng Sác cả ngày lẫn đêm với phương án tác chiến đã chuẩn bị sẵn : “ Nổ máy lướt sóng bình thường dưới tầm quan sát soi mói của trực thăng đầm già vì đã có lá cờ sọc ba que ( cờ nguỵ quyền Sài Gòn) phất phới tỏ vẻ là trung thành với chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Hoặc khi phát hiện tàu hải quân Mỹ-nguỵ thì nhanh chóng luồn rạch vào các tắc, rạch nhỏ chằng chịt, nhưng nếu tao ngộ bất ngờ không còn con đường nào khác, nhứt thiết không thể bỏ ghe nhảy xuống nước hứng hang loạt đạn xối xả hay lựu đạn dồn dập nổ  tung, chỉ còn cách ga-răng- ty từ từ tiến về phía tàu chiến giả như ghe ngư dân chấp nhận xét hỏi, nhanh tay tung lựu đạn hàng loạt qua tàu địch và nai khẩu AK quét trên boong, nhảy qua đánh địch. Họ tự xác định với nhau là sẽ vinh dự đón huân chương chiến công, bảo tồn mình hoặc là cầm chắc trong tay ba bằng liệt sỹ “ Tổ Quốc Ghi công”. Do vậy, họ rất yên tâm bình thản băng băng trên sông nước giữa vòng vây của máy bay tàu chiến địch.
Vừa đến vàm Tắc Hông, gặp ghe máy ông Ba Râu từ ấp chiến lược Tam Thôn Hiệp chạy ra đi đánh cá, họ mừng rỡ ngoắc tay nhau và áp sát hai ghe vào bờ níu tàn bụi mắm.
- Chào chú Ba, sao bữa nay ra sớm vậy? Lê Bảy hỏi trước
- Ờ, các cháu, mấy ngày nay mong gặp anh em quá, giờ mới đụng đầu.
Rồi hai người ngồi trên sạp, ông Ba mặt đỏ rần bất ngờ hỏi vui
- Chú Bảy có coi hát bội không?Vậy chú thấy trên sân khấu, mặt xanh thì trung hay mặt đỏ trung?
- Dạ có chớ. Thông thường mặt đỏ là tôi trung, mặt xanh là nịnh thần, ai cũng biết.
- Vậy chú coi tui là mặt xanh hay mặt đỏ? Tụi tui sống trong sự kềm kẹp của ấp chiến lược nhưng lúc nào cũng trung thành với Cụ Hồ, với quân giải phóng đàng mình.
Còn chú Bảy mày mặt xanh dờn kìa
- Nói thiệt với chú, sang giờ chạy máy sương lạnh quá sao không xanh, tái nữa là đàng khác.
Lê Bảy cười đưa tay đón một chén nhỏ rưọu đế cho chú Ba vừa rót trong can ra, bọt cườm còn đóng vòng quanh miệng, làm cạn một hơi không cần mồi. Người dân làm nghề cua cá trên sông nước ở đây, thông thường có thói quen, bên phải can xăng thì bên trái can rượu nhằm chống chọi với muỗi mòng gió lạnh thâu đêm, vả lại cũng sẵn có mồi cua cá.
Ông Ba nói tiếp:
- Đó thấy chưa, chú mày thiệt là trung chánh hiệu rồi đó. Giờ thì trung nói chuyện với trung, có gì chú cháu mình bàn coi.
- Bữa nay theo ngày hẹn, làm sao triệu tập anh chị em mình họp mặt “ Hội Anh Chiến Sỹ”thường kỳ, địa điểm như cũ khoảng 9 giờ. Với lại lúc này tụi nó vây chặt các cửa khẩu, đơn vị hết gạo nhờ bà con mua giúp cho một ít.
- Cái gì chớ cái đó dễ thôi, tôi quay vô một lát, y hẹn địa điểm cũ nhé.
Nói đoạn, chú giựt máy quay ghe trở vào ấp chiến lược. Lúc sáng ra đi còn ngán tụi ác ôn thám báo theo dõi sát nút, khi có chút hơi men lại thêm gặp anh em đàng mình tiếp hơi, ông già Ba này đậu ghe ngay tại chợ bước lên bờ gặp số bà con cơ sở của mình kề tai thông báo như chuyện công khai: “ 9 giờ sáng này, Ban 2 Nhà Bè có trát đòi gấp không được vắng mặt nghe hôn”. Sự thật đây là mật khẩu cô bác đã ngầm qui ước với nhau: Ban 2 là anh em Đoàn 10, Nhà Bè là địa điểm họp ở Bà Bông, họ khôn ngoan nguỵ trang tránh địch theo dõi. Trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt này ngư dân đi làm ăn phần đông là đàn ông, có ít phụ nữ, nên không thể tổ chức “ Hội mẹ chiến sỹ” như các nơi. Anh em có sáng kiến thành lập “ Hội anh chiến sỹ” để vận động tinh thần yêu nước, ủng hộ chăm sóc trung đoàn đặc công nơi rừng Sác. Mỗi người đi làm đều có giấy chứng nhận giấu theo, có gặp khó khăn, anh em đơn vị giúp đỡ bảo vệ an toàn.
Cách vàm Bà Bông chừng vài trăm thước vào trong ngọn rạch, có một gò đất nhỏ, chất độc hoá học đã làm cho rừng cây khô héo, trơ trụi thân cành, nước vừa lớn ngập tràn chỉ còn độc nhất cây mắm đen có tàn đứng chơ vơ. Dưới gốc cây, quây quần độ hai chục anh chị em bà con cơ sở từ trong ấp chiến lược An Thịt, được báo tin vừa chạy đến bằng đủ loại ghe xuồng, đủ thứ máy móc hơn chục chiếc ghim mũi bào bờ rạch, trên mỗi chiếc đều có cắm cờ ba que rũ rượi trước sự theo dõi của trực thăng, đầm già qua lại trên đầu. Hầu như trong những cuộc họp này ít khi vắng mặt các nhân vật nòng cốt như ông Bảy Cốc phó chủ tịch Hội, Hai Cam, Tư Trong, Hai Ngon, cô bé Bảy Thương... tất cả với nét mặt hớn hở như mở cờ trong bụng, họ chào hỏi nhau tay bắt mặt mừng và cùng im lặng nghe như nuốt lấy từng câu vọng cổ với giọng hát quen thuộc của Ngọc Hoa- Thanh Hùng, đài phát thanh Giải phóng, âm thanh lảnh lót bay bổng trầm nơi rừng tự do mà trong ấp chiến lược nghẹt thở họ rất thèm khát
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #32 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2008, 08:28:29 am »

Tiếp đến, bản tin Đài tiếng nói Việt Nam từ thủ đô Hà Nội thân thương, Lê Bảy tắt máy chiếc đài bán dẫn, vui vẻ nói:
- Xin chào tất cả bà con anh chị em trong ấp vừa mới ra. Sao tình hình giá cả tôm cua con nước này có khá không? Và anh bắt đầu kể lại mấy nét tình hình trong nước, trên thế giới, nào là nhân dân Mỹ ủng hộ ta đấu tranh cho hoà bình, đến chiến thắng Khe Sanh Quảng Trị... động viên bà con tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam còn không xa...
Bà con phấn khởi nghe. Ông Bảy Cốc chen vào:
- Nhân dân mình rất phấn khởi, ta đánh lớn nên bọn ác ôn trong ấp lúc này cũng thun đầu bớt,bà con dễ thở hơn. Bữa nay cô bác gởi ủng hộ anh em Đoàn 10 gần hai tạ gạo, ít thực phẩm và thuốc hút dùng lấy thảơ, đó là tấm lòng của bà con.
Tiếng nói cười râm ran. Họ vừa hút thuốc, ăn trầu nhâm nhi truyền tay nhau ly rượu với mấy con khô, tâm tình cởi mở cùng với mấy anh em chiến sỹ Quân Giải phóng. Thật là một cuộc sống thoải mái, thâm tình trên lõm sông nước tự do.
Đột nhiên nghe tiếng súng nổ phía đối diện bên Gò Cát dưới vàm Bà Bông. Ngang bờ sông chỉ rộng hơn trăm mét, Lê Bảy dùng ống dòm quan sát kỹ, thấy rõ khoảng 10 tên lính chắc là từ bót Vũng Gấm hành quân xuống mép Sác lùng sục, trang bị cả bộ đàm thông tin, M79, đại liên đuôi cá đang chỉ trỏ qua phía bên này. Có lẽ chúng muốn sang kiểm tra là dân hay Việt cộng mà xuồng ghe đông đúc. Xung quanh đều là rừng trống trơn lại nằm trong tầm hoả lực bắn thẳng, nếu chạy vào trong cũng vẫn bị trực thăng phát hiện tác xạ và gọi phi pháo ngay. Đã có vài chị có vẻ hơi nhốn nháo gói mo trầu, đội nón lên đầu bước xuống ghe.
Lê Bảy bình tĩnh nói:
- Bà con yên trí không có gì đâu, cứ sinh hoạt bình thường. Với lại nếu tụi nó có qua thì mình là dân mò cua bắt ốc, làm ăn lương thiện có đủ giấy tờ. Còn chuyện đối phó, để bọn tôi tính.
Anh quay sang hội ý với Đức Inh một chiến sỹ đặc công thuỷ bơi lội giỏi như rái: “ Đồng chí lấy móc, giả người đi bắt cua nhanh chóng tiếp cận bờ sông đón sẵn, nếu bên kia bọn lính đi ghe máy qua làm bộ đón mũi xuồng nhận úp luôn cho tụi nó trôi chìm trên sông Đồng Kho đang chảy xiết, để cô bác kịp thời phân tán”. Đức Inh hiểu ý, nhanh nhẹn dắt dao găm, súng ngắn vào hông, lách mình một cái đã mất hút trong bụi chà là trước mặt.
Và lúc đó trong vàm Bà Bông có một chiếc ghe lắp máy đuôi tôm chở đầy lưới từ từ rẽ nước hướng mũi vào cụm ngư dân đang hội họp. Bọn lính bắn liền 2 phát kêu lại, buộc ghe phải chuyển hướng bên Gò Cát.
Ông Bảy Cốc nói:
- Chết rồi, ghe con Ba Tràu đó, nó đi giăng trong Tắc Chợ Rạch Tràm ra, không biết con nhỏ xử trí sao? Ông có vẻ lo lắng. Trên đầu, máy bay đầm già vẫn liên tục dòm ngó. Không khí im lặng, căng thẳng.
Cô Ba Trầu, cái tên anh em Đoàn 10 đặt cho, thực ra cũng không biết rõ tên thật là gì, một nông dân quê ở Hiệp Phước vùng đám lá tối trời nổi tiếng thời ông Trương Định vị danh tướng triều đình chỉ huy bám trụ đánh Pháp thời thực dân, dốt đặc cán mai một chữ không biết, vẫn chưa có chồng mà lại nghiền trầu nặng lúc nào cũng nhóp nhép. Thường mỗi con nước là cô có mặt đều trên khắp sông rạch rừng Sác này, đặc biệt rất gan dạ, bất cứ nhiệm vụ gì như liên lạc, trinh sát, ém súng đạn dưới lường ghe chở qua sông Lòng Tàu, mua gạo, mua thuốc Tây cho đơn vị, hễ giao đâu làm đó chẳng biết sợ là gì. Có lẽ cũng còn một động cơ nữa về mặt tình cảm, cô đang có người yêu chung thuỷ, trung đội phó Ba Chiến, đại đội 3, Đoàn 10 nên càng gắn bó thân thương sống chết với anh em hơn.
Không còn cách nào khác, cô đã phải ghim mũi ghe vào tốp lính, nhanh tay tắt máy, bọn lính xuống ghe chỉ bảo phải đưa sang đám ngư dân đang tụ tập. Bên này anh em theo dõi hồi hộp chờ đợi, chiếc ghe từ từ dang ra khỏi bờ. Ba Trầu dốc sức giựt dây quay. Năm lần bảy lượt máy vẫn im lìm không nổ. Nước chảy xuôi đua dần tốp lính về đuôi Gò Cát. Cuối cùng tên sỹ quan chỉ huy nổi giận chửi thề: “ Đ.m. Ghe cộ máy móc cái con c.gì, giựt hoài không nổ. Bộ mày muốn cho tụi tao trôi ra Vũng Tàu hả. Ghé vô.” Thế là chúng lại trèo lên bờ, tức mình siết vài băng đạn nổ vang trời, hành quân đi thằng về Vũng Gấm.
Từ phía Tắc Cò lại chiếc ghe khi nãy nổ máy giòn tan chạy ngược lên hướng chỗ bà con đang hội họp. Cột dây mũi xong, cô Ba bước lên tay xách gói thuốc rê, miệng cười toe toét.
- Tui ngu gì chị chết chùm với tụi nó. Nhờ mau tay khoá chặt chốt xăng, giựt đến rằm Tây cũng không nổ. Với lại cái máy tòng tọc con chó ghẻ này thấy phát ớn, tụi nó sợ chìm nên cũng đỡ.
Họ tiếp tục bàn tán râm ran vui vẻ. Anh Tư móc từ trong bóp ra quơ quơ đọc to tờ yết thị: “
Kể từ tháng 9 năm 1966, Nha Cảnh sát Đô thành trân trọng thông báo treo thưởng 10.000 đồng cho nhân viên nào bắt hay giết được 1 tên Việt Cộng có võ trang để bảo vệ cho ngày Quốc khánh 1 tháng 11. Các quân nhân kể cả địa phương quân và nghĩa quân, ngoài giờ hành quân trong đơn vị, nếu bắt được Việt Cộng đặc công trong Thủ Đô cũng lãnh thưởng nói trên. Ngoài ra với tư cách Uỷ ban an ninh hỗn hợp Sài Gòn- Gia Định, Trung tá giám đốc cảnh sát Đô Thành cũng lưu ý đồng bào nào tự tay hạ sát hay chỉ cho cơ quan an ninh bắt được Việt Cộng đặc công, sẽ được tặng thưởng từ 50.000 đến 100.000 đồng.
         Sài Gòn, ngày 18 tháng 10 năm 1966
Giám đốc cảnh sát quốc gia Đô thành Sài Gòn
Trung tá Nguyễn Văn Luận
”.
Rồi anh nói vui:
- Anh chị em thấy không, nó ra giá mua đứt con em đặc công Đoàn 10 của mình cả trăm ngàn đồng tương đương hàng chục lượng vàng đó, lính mình đen đúa vậy mà có giá dữ ha.
Họ đều cười nói vui vẻ rất thân tình như câu chuyện gia đình và sau đó từ giã nhau cùng nổ máy bung ra các sông rạch mỗi người mỗi ngả, mỗi nguời một nghề cua cá. Duy chỉ có anh Bảy Cốc người gốc Bến Tre là dân 9 năm vì tránh né luật 10/59, bỏ xứ trốn đi nhập vào cái cù lao Tam Thôn Hiệp lại này vẫn chưa chịu ra về. Ông nói:
- Thôi tôi ở lại đây chơi với các chú thêm chút nữa, nhậu lai rai vài ly chớ về trỏng nhớ lắm. Lâu lâu mới được gặp mặt.
- Anh còn phải kiếm mớ cua, mớ ốc là nồi gạo cho chị và các cháu ngày hôm nay nữa chớ. Tôi đề nghị thế này, đồng chí Chiến trinh sát, chớ câu cua cũng cừ lắm, lấy ghe bác Bảy chạy đi rập với em nhỏ, chú Bảy ở lại đây anh em mình tâm sự thêm.
Anh chủ tịch và phó chủ tịch “ Hội Anh Chiến sỹ” rừng Sác bàn công việc của Hội, tinh thần đồng bào đồng chí trong ấp, nhất là gút lại tổ chức mạng lưới trinh sát bám sát mục tiêu Đặc khu Nhà Bè, khu kho xăng chuẩn bị cho phương án đánh tiếp, khẩn trương cho nhiệm vụ tổng công kích, tổng khởi nghĩa mà thời cơ đã chín muồi...
Nước lớn vừa ngập rừng thì Chiến và em bé trai đã quay trở lại đưa lên giỏ cua mới rập còn tươi rói chừng năm ký. Thế là họ sắp xếp dụng cụ cua cá để rồi nổ máy ngược dòng sông về Sở chỉ huy ở Tắc Trũng để tiếp tục nhiệm vụ của mình.

Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #33 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2008, 09:41:57 pm »

TÌNH ĐỒNG ĐỘI
Ôm chặt chiếc vô lăng nhả thắng dần dần, Lê Bảy cho chiếc xe Jeep thả dốc trên con đường đất đỏ từ chợ Phú Mỹ xuống đến tận mép rừng Sác trên bờ sông Thị Vải. Anh đang suy nghĩ đến người bạn chiến đấu, người cán bộ chỉ huy dưới quyền của mình năm xưa- Tám Vĩnh, Đại đội trưởng trinh sát của trung đoàn đặc công đã từng vùng vẫy khắp trên sông nước chiến trường, được anh cho phép xây dựng gia đình với cô Út Cưng, một cơ sở giao liên tiếp tế trên sinh sống trong ấp chiến lược An Thịt trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cặp uyên ương này chữ nghĩa thì ít, nhưng thành tích cũng khá nhiều.
Sống với nhau rất đầm ấm. Họ xuất ngũ về địa phương làm ăn đâu tận xứ Trà Vinh sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Không hiểu tại sao lại có tin vợ chồng Tám Vĩnh dắt con cái trôif đầu lên từ vùng vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long để chui vào chỗ nước mặn quanh năm, chỉ toàn cây đước vẹt cằn cỗi, vì hậu quả của chất độc hoá học hồi chiến tranh, không một tấc đất cắm dùi. Sau 13 năm xa cách, người chỉ huy cũ quyết tâm tìm cho bằng được người chiến hữu năm xưa với tất cả tấm long.
Xe vừa dừng ở đoạn cuối đường, đã có mấy đứa nhỏ tuổi xấp xỉ nhau, mình trần trùng trục vây quanh chỉ trỏ. Đằng xa, một anh ngư dân nước da đen bong đầu trần, khăn rằn quấn cổ, một tay cầm cây móc bắt cua đang từ mép Sác lội lên, nheo nheo đôi mắt và hết sức bất ngờ la lên:
- Trời ơi, anh Bảy đi đâu đến đây?
- Đi tìm chú Tám mày chớ đi đâu.
Hai người chạy tới ôm chầm lấy nhau thân thiết mừng rỡ.
- Nhà chú ở đâu, ta về nhà nói chuyện đi. Lê Bảy hỏi
- Mời anh vào đây- Tám Vĩnh chỉ tay trước đầu xe
Nói là nhà, thực ra chưa đúng nghĩa chút nào, cái chòi lợp lá dừa nước thấp lè tè, phải hơi khom đầu để bước qua cửa, vách thì trống trước trống sau. Bàn ghế chỉ là cột lại mấy cây đước dọc ngang thành chỗ ngồi, chiếc chõng tre phía trong được trải manh chiếu cũ thủng nát. Không có nước mời khách, chỉ có gói thuốc rê quán với giấy nhựt trình. Vài cái chai lít cấn cặn đen dựng đứng dưới chân giường, rõ rang cái tật “ ba xị đế của anh chàng này vẫn còn giữ nguyên cùng tập quán của người lính trinh sát hồi xưa. Họ bắt đầu câu chuyện.
- Sao cuộc sống gia đình thế nào chú Tám kể lại nghe coi?
- Xin báo cáo anh Bảy vầy, vợ em là Út Cưng đó, anh còn nhớ không. Giấy quyết định cho phép thành lập gia đình hồi chiến tranh của trung đoàn cấp do anh ký tên, vợ em vẫn còn cất kỹ làm kỷ niệm, coi như tờ hôn thú. Nhà em đang đi bắt ốc len, đào chem chép ngoài rừng, nước lớn chút về giờ. Còn con, thì trời cho cũng kha khá, thằng thứ hai lớn nhất mười ba tuổi, tiếp theo ( Tám Vĩnh xoè năm ngón tay ra) cả thảy năm đứa, mà nhóc nhóc không thôi. Chỉ có đứa lớn biết đi bẫy gà nước, làm mướn kiếm gạo qua ngày, đứa nhỏ nhất mới lên ba.
- Chà, chú phá kế hoạch nhà nước qui định, quá mức ghi vôi rồi đó
- Kệ nó, biết sao giờ anh. Người ta nói “ Trời sinh voi sinh cỏ” sợ chi. Đông con thì có cực thiệt nhưng có đứa giữ em, coi nhà, đứa phụ chạy gạo. Khó bề này dễ bề kia. Với lại, vợ em nó mang bầu liền liền chớ có ai muốn đâu. Cảnh nghèo đèn đuốc không có, chẳng xe cộ đi đâu có lẽ vậy mà ru rú ở nhà riết nên càng đẻ dữ.
Tám Vĩnh cười hồn nhiên, quay ra sau, ngoái cổ ới một tiếng, đúng là mấy ông tướng con bu quanh xe lúc nãy chạy ào ào vào khoanh tay thưa, chào bác Bảy lia lịa. Sắc mặt trẻ tinh khôn nhưng mét mét xanh, rõ rang không phải là bác sỹ, Lê Bảy cũng thấy dấu hiệu của cuộc sống thiếu dinh dưỡng.
- Chú nói thử nghe coi, tại sao lại bỏ quê hương Trà Vinh chạy về đây?
- Giấu gì anh, đi chiến đấu về hai bàn tay trắng, với mấy đồng tiền xuất ngũ thời bao cấp. Đầu tiên chỉ mới có hai con nhỏ, cũng tưởng về xứ sở với sức lao động sẵn có, sợ gì ruộng rẫy, sẽ sống ngon lành. Nhưng cuộc đời lại không đơn giản như chiếc ba lô anh bộ đội, làm ăn càng ngày càng không sống nổi với mấy hột lúa thất mùa, con lại mỗi năm them một đứa. Tính nước cùng, dù sao cũng quen chiến trường cũ chạy về rừng Sác tá túc dù sao còn có con cua con ôc, con tép con tôm, cũng tạm có gạo có cháo qua ngày.
Lê Bảy gợi ý:
- Có một nguyên nhân mà chú chưa thấy rõ, có lẽ vì chú thím qúa đông con, bảy miệng ăn rồi mặc, rồi học hành, rồi ốm đau, đẻ chửa…trăm thứ, trong lúc đồng vốn không có thì làm sao sống nổi, dù cho ở đất nào cũng vậy. Đây rồi còn đẻ dài dài, chớ có chịu thôi đâu.
- Đúng anh nói đúng. Tụi em cũng thấy cái chính là ở chỗ đó.Mà chung qui cũng tại mình cả,chớ tụi nhỏ sin hra có lỗi gì với cái sự nghèo đói này.
Vừa lúc đó, vợ Tám Vĩnh vóc người ốm yếu với năm lần sinh nỏ trong cảnh nghèo đói, đầu đội bao ốc len đang đi lên, rửa chân ngoài ao xong bước vào nhà.Tám Vĩnh thử hỏi vợ:
- Má mày biết ai đây không?
Út Cưng ngờ ngợ khẽ cúi đầu chào.
- Anh Bảy rừng Sác đó, tìm đến thăm tụi mình- Tám Vĩnh cười
Chị vợ mừng quýnh chạy lại nắm tay, hỏi thăm ríu rít. Anh chồng ra “ chỉ thị” cho vợ con, ý như phân công tác chiến khi xưa:
- Thằng Tài chạy qua quán bên mua cho ba một lít rượu ngon. Má mày luộc mau mấy con cua lột, mớ ốc len. Mười ba năm rồi, dứt khoát phải nhậu với anh Bảy mình máy ly nghĩa tình, ôn lại cuộc chinh chiến. Khổ gì thì khổ, có rượu vô sẽ giúp cho mình quên đi hết. Sau rồi tiếp tục khổ nữa cũng được.
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #34 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2008, 09:42:30 pm »

Tám Vĩnh cười khà khà với câu triết lý sặc mùi men đế, mà cũng là tâm trạng thực của người nông dân lâm vào cảnh nghèo túng, đông con. Chuyền tay nhau không phải là ly, mà cái chén sành. Hai người tâm sự hết chuyện chung đến việc riêng, vui vẻ cởi mở. Có chất men vào coi như trên đời này chỉ có riêng họ với nhau bất cần mọi sự.
Nhưng trong đầu óc người chỉ huy cũ- Lê Bảy đang suy tính một nước cờ, vì tỏng lòng anh đang nhức nhối trước cảnh ngộ của Tám Vĩnh, cũng đi chiến đấu gần súôt cả cuộc chiến tranh, công lao cống hiến không phải là nhỏ, mà cuộc sống hiện tại lại quá cơ cực và rồi ngày mai đây, tương lai sẽ ra sao, trong lúc vẫn có số anh em đồng chí khác cũng đi tham gia cách mạng về có điều kiện khách quan thụân lợi nào xe cộ, nhà cửa tiện nghi.. . Nguyên nhân của sự giàu nghèo trong xã hội đua chen thì nhiều, nhưng đối với bầy con Tám Vĩnh thật là bài toán nan giải. Kết thúc buổi gặp gỡ, Lê Bảy mỉm cười đưa tay chỉ vào chòi, nói:
- Bây giờ thế này nhé, anh bàn với chú thím, thôi dẹp bỏ cái lều này đi. Ở chỗ này làm sao mà sống, con ốc con cua cũng ngày càng cạn kiệt, rồi còn việc học hành của con cái nữa. Chú thím sắp xếp ngày chuyển cái “ gánh nát” này về Gò Dầu- Phước Thái, cách đây có mấy cây số, rồi sẽ tạo điều kiện tổ chức lại cuộc sống, có anh có em, có bạn có bè…vẫn hơn.
Nét mặt vợ chồng Tám Vĩnh thoáng chút băn khoăn, sau thì rất phấn khởi vì thấy không còn có con đường nào khác hơn. Với lại vốn sẵn đã có niềm tin ở người chỉ huy cũ của mình.
Tiễn Lê Bảy r axe, Tám Vĩnh bảo hai con:
- Tụi bây đổ vào xe bác Bảy rổ khoai lang gởi bác gái, các anh các chị ăn chơi.\
- Khoai chú trồng ở đâu mà củ coi khá quá vậy? Lê Bảy hỏi khẽ.
- Anh biết không, tụi nhỏ đi đẩy xe ba gác mướn chuyển khoai từ rẫy xuống bến, họ trả công ăn độn đó.
 Lại them một nhức nhối nữa trong long, Lê Bảy móc bóp nhét vào túi mấy đưa nhỏ ít tiền, sự thân không phải trả tiền khoai mà muốn giúp cho nồi gạo buổi chiều nay của các cháu.
Năm sau, vợ chồng Lê Bảy có dịp qua, ghé xe lại Gò Dầu đến thăm Tám Vĩnh, gian nhà lá của họ bây giờ tươm tất hơn, có sạp có giường, có bàn thờ tuy dơn giản cũng tạm gọi là đàng hoàng. Vợ vẫn lội ốc, nhưgn có được chiếc ghe nhỏ chèo bơi khỏi phải đi ghép cùng người khác.Con đã có đứa cắp sách tới trường. Tám Vĩnh giờ là công nhân bảo vệ một xí nghiệp có đồng lương tàm tạm.
Hai người đàn ông ngồi với nhau “sương sương” vài ly, thì cô Út Cưng cũng vừa đi bán ốc về. Đã thấy chị mang them cái bụng khá nặng nề, Lê Bảy hỏi ngay:
- Ủa thím Tám lại chuẩn bị sanh, chừng nào đó?
Tám Vĩnh hơi nhăn nhó trả lời:
- Nói thiệt với anh chị, cũng lỡ sao đó, mẹ nó lại mang bầu, với lại vợ chồng tính với nhau đã có bốn thằng và một con, thôi kệ rang kiếm đứa út gái nữa đời sống vẫn khó khăn, lương em đâu có là bao, gần ngày mà mẹ nó vẫn phải lội ốc lội cua.
Tuyết Vân, vợ Lê Bảy cũng là người bạn chiến đấu cùng đơn vị với Tám Vĩnh ở chiến trường, nhanh miệng hỏi:
- Thím định sanh ở đâu đó, đi kiểm tra thai chưa, và có tính kế hoạch không? Tám Vĩnh đỡ lời vợ:
- Tụi em tính chắc là tuần này,hễ khi nào chuyển bụng, chở xe đạp ra nhà hộ sinh xã gần đây. Với lại mẹ nó sanh lần này là lần thứ sáu chắc là dễ thôi, như gà đẻ chớ gì. Còn cái “ kế hoạch” gì đó có nghe báo chí nói tới nói lui thì biết vậy, chớ anh chị nghĩ coi, tiền bạc đâu mà “đi cắt, đi thiến”
Lê Bảy im lặng suy nghĩ, rồi hội ý qua với vợ, xong anh nói vừa vui vừa nghiêm nghị:
- Bây giờ không còn bàn cãi gì nữa, chú biết tính anh rồi, coi như là lịnh thời chiến đó nghen, chỉ có chấp hành nghiêm chỉnh thôi. Việc sinh nở không thể đơn giản như chú Tám vừa nói, dứt khoát lần này phải đưa về bịnh viện Biên Hoà. Sẵn có xe đây, thím chuẩn bị rồi cùng anh chị lên đường cho kịp. Còn việc thứ hai, phải đi vào “kế hoạch” không thể để cho ông bà tự do nữa rồi. Sáu đứa là quá đủ. Cứ đẻ riết như gà lấy chi mà sống. Rồi đói khổ suốt đời. Nghe anh, kỳ này khoá sổ luôn. Anh nói vậy chú thím thấy sao?
Tám Vĩnh gãi gãi đầu trả lời:
- Kế hoạch của anh vạch ra thì hay, nhưng đơn chiếc quá, đi xa ai trông nom. Với lại chưa chuẩn bị tiền bạc gì. Còn đi lại ăn uống, thiệt là gay go anh Bảy.
- Chú thím yên trí, về trên đó ở nhà anh, sinh nở có chị đây là chuyên viên nuôi đẻ cho con gái, con dâu và cũng là người xung phong triệt sản từ khi sanh thằng Út Long, có kinh nghiệm ít nhiều. Mọi tổn phí anh chị sẽ cố gắng phụ. Chú chỉ ở nhà làm nhiệm vụ gà trống nuôi con, chăm lo mấy đứa nhỏ, đừng bỏ đi nhậu về là bị thím rầy đó (Đoạn anh rút giấy ra ghi vội). Còn điều quan trọng đây, chú phải ký tên vào tờ cam kết này, đồng ý cùng vợ tiến hành phẫu thuật triệt sản, nếu không ở trên đó không ai có thể thay chú được về khoản này.
Thế là chị vợ Tám Vĩnh xếp gọn tờ cam kết vào túi cẩn thận, xách chiếc bọc ny lon chưa có đủ tả lót, vì tưởng là sanh tại gia thì quần áo cũ bỏ ra cũng tạm đủ, từ giã chồng lên xe bắt đầu cuộc du lịch đặc biệt đầy lo âu.
Những ngày sau đó, trong hai mươi bốn giờ liền tại khoa sản bệnh viện Đồng Nai, sản phụ Út Cưng nằm mê man quằn quại, rên rỉ, cào cấu với
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #35 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2008, 09:43:44 pm »

những cơn đau giật liên hồi suốt cả đêm, đã đến lúc kiệt sức nhưng bào thai chưa chịu xổ.
Chị Tuyết Vân súôt đêm trực trắng bên giường sản phụ, chạy tới chạy lui mua dịch chuyền, thuốc kích dục theo toa bác sỹ và động viên an ủi Út Cưng, với tư cách là người thân thay mặt chồng sản phụ.
Sau cùng các bác sỹ phải tiến hành phương án tác động tích cực, gần nửa ngày sau, cháu bé gái nặng ba ký lô hai mới ra đời. Cả khoa sản thở phào nhẹ nhõm. Chị Tuyết Vân mừng ra nước mắt khi thấy vợ con Tám Vĩnh thoát khỏi tai nạn hiểm nghèo. Và theo đơn đề nghị, tới ngày thứ ba khi đã ổn định sức khoẻ, sản phụ được thực hiện tiếp bước phẫu thuật để triệt sản.
Bốn ngày sau, nhờ xe người bạn chở về khi “mẹ tròn con vuông”, cô Út Cưng ẵm đứa con gái xinh xắn, tường thuật lại cả quá trình gian khổ đớn đau nguy hiểm cho chồng nghe và cũng không quên khoe với Tám Vĩnh xếp tiền một trăm ngàn đồng bồi dưỡng theo chế độ nhà nước khuyến khích về triệt sản do bệnh viện cấp.
Lúc này Tám Vĩnh mới tỉnh người, rơm rớm nước mắt, tâm tình với vọ:
- Chà, nếu tụi mình không nghe lời anh chị Bảy đẻ sanh ở nhà, lần này chắc hai mẹ con đi đứt rồi. Giờ thì yên trí cái mục đẻ, chửa. Ráng chăm lo nuôi dạy không lớn sáu đứa là quá đã rồi. Biết ơn anh chị Bảy quá chừng.
Bốn năm sau, vào ngày Tám Vĩn hlàm đám giỗ bà nội sắp nhỏ, vẫn không quên gởi thơ mòi anh Bảy. Vợ chồng Lê Bảy tự lái chiếc xe Citroen đời cổ từ Biên Hoà xuống dự. Xe vừa tắt máy trước nhà, vợ chồng Tám Vĩnh vui vẻ đón mừng, kêu con: “Út Hoà đâu, ba má nuôi mày xuống kìa, chạy ra chào đi con”. Con bé khá xinh gái đã biết đọc chữ, mũm mĩm đến bên Lê Bảy khoanh tay cúi đầu chào. Thật là vui vẻ, cuộc sống gia đình ngày nay đã khác hẳn lúc xưa. Vợ chồng Tám Vĩnh không phải đi bắt ốc nữa, có quán nước bán cho công nhân nên trắng trẻo ra. Thằng Tài đi học nghề thợ tiện. Thằng Lực đi học sửa xe máy. Bốn đứa nhỏ đều đi học trường làng. Bạn bè bữa đó độ chừng vài chục người chuyền tay nhau ly rưọu trong tiếng nhạc của chiếc máy cassette cũ để cạnh chiếc ti vi trắng đen 14inches còn mới.
Có lẽ bây giờ Tám Vĩnh, hơn ai hết mới thấy thấm thía nguyên nhân sâu xa của cái nghèo vì sanh đẻ quá mức. Tuy làm kế hoạch có muộn nhưng vẫn còn kịp để có được ngày hôm nay.
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #36 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2008, 03:53:29 pm »

ĐÁNH TRẢ
Khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam, Đoàn 10 đặc công rừng Sác đã góp phần bằng cuộc đụng độ thử sức đầu tiên với các lữ đoàn lính thuỷ đánh bộ 196, 199 sừng sỏ vừa chân ướt chân ráo vào trận chiến, với chiến tích nhận chìm một tàu đổ bộ LCM chở theo hàng trăm lính Hoa Kỳ ở sông Giàng Xây và đánh tan cuộc phản kích 20 ngày đêm đưa xuống đáy sông Ông Kèo 40 tàu với khoảng hơn 200 lính Mỹ chánh cống. Khi quân Mỹ xuống thang chiến tranh, lại đụng sự chà xát quyết liệt của sư Anh Cả Đỏ, lữ 1 kỵ binh bay tập trung “ lật úp” khu lòng chảo Nhơn Trạch, phát quang địa hình toàn tuyến sông Thị Vải dọc quốc lộ 15, bảo đảm an toàn cho đầu cầu tập kết xuống xe tăng đại bác tại bến Gò Dầu chúng rút quân ra biển Đông, quay về đất mẹ.
Quần nhau mấy tháng trời với địch quanh khu địa đạo Phước An, giếng nước huyện uỷ Nhơn Trạch, Sở chỉ huy trung đoàn tạt xuống phía bắc rồi đến Ông Trúc.., địa hình bị chất độc hoá học khai quang, bom đạn tơi bời không còn chỗ nào có chút cây xanh tạm an toàn để đứng chân, nên Đoàn 10 đành phải đưa nhau về ém quân ngay tại khu Cá Tán, bên cạnh bến Gò Dầu và ấp chiến lược Phước Thái trong tầm cối 60 ly. Ở đây tiếng còi xe chạy trên đường 15 nghe rõ bên tai, ban chỉ huy vẫn triển khai công việc rừng Sác của mình.
Một ngày đầu tháng 6 năm 1971, Đảng uỷ Đoàn vừa họp xong. Tất cả cán bộ chỉ huy tranh thủ ngay trong đêm bí mật lội qua sông Thị Vải quay về các phân đội, thì mờ sáng địch tập trung vây đánh vào lõm cù  lao Cá Tán. Trên thì trực thăng đầm già quần đảo bắn phá, dưới sông bo bo, khinh tốc, tàu há mồm đổ quân vây càn bốn phía. Tình thế cực kỳ nguy hiểm. Toàn bộ nằm trong vòng vây không còn đường nào rút thoát, chỉ gom lại một số công sự cố thủ trên mặt sình lầy, bố trí mìn claymo, ĐH10, hoả lực B40 chuẩn bị đánh trả, ráng kéo dài thời gian cho đến tối mới có thể mở đường máu rút lui.
Lê Bảy trung đoàn trưởng bàn với chính uỷ Tám Lập:
- Chúng ta phải bám công sự đến tối sẽ tổ chức vượt sông, kiên quyết tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giờ tôi còn giữ cho hậu cần 300 ngàn đồng tiền mua gạo, nếu không may có bề gì thì mất hết, đơn vị bị đói. Vậy chia ra trong ban chỉ huy, anh Tư Hương, anh và tôi mỗi người cột ở cổ một trăm ngàn. Anh Tư Hương tranh thủ điều động bộ phận nặng ra bờ sông ém trước.
Trung đoàn phó Tư Hương nét mặt vẫn vui vẻ như ngày thường đang chùi khẩu AK, đề xuất:
- Anh cho tụi tôi tham gia nổ một chập đã, rồi hãy lùi ra
 Trước ý kiến đầy tính chiến đấu của người chỉ huy cấp phó, Lê Bảy không biết nói sao đành làm thinh trở về hầm mình sau một vòn đi kiểm tra trận địa. Trời vừa đứng bóng, tiếng giày lội sình đạp cành cây không từ hướng chính diện đã nghe rõ dần. Quan sát thấy tốp Mỹ da đen tay cầm mã tấu chặt rễ đước cắt rừng dọn đường tiến sát dần vào hầm. Lê Bảy khoát tay ra hiệu chấm điện... ầm...ầm... tiếng ĐH10 gầm lên, tiếng AK, AR15, B40 đại liên đuôi cá của cả hai bên nổ liên hồi, sình lầy tung tóe, cây rừng cành lá xác xơ. Hàng loạt hoả tiễn từ trực thăng loại 40 ly xối xả phóng chặn phía sau, đầm giá ném pháo màu chỉ điểm, bom đìa từ phản lực F5 nện xuống các nơi nghi có hầm trú ẩn. Các trận địa pháo nặng Phước Hoà, Bầu Sen bắn chặn cấp tập vào các hướng rút lui. Cả hai bên đành chịu đựng mấy tiếng đồng hồ nằm im tại chỗ bắn nhau không phía nào tiến lên được. Một đằng chờ phi pháo càn nát công sự để tiến vào. Một phía đánh kéo dài chờ cho trời tối, bám sát địch để hạn chế phi pháo. Đến xế chiều ngơi dần tiếng súng, Lê Bảy cho lịnh từng bộ phận lùi dần, lách ra các hướng tổ chức nhỏ le vây trở lại tiếp tục quần nhau với địch trên cù lao, bám sát bộ binh mà đánh chẳng còn thiết ăn uống gì. Sau hai ngày đêm, cuộc chiến mới giãn ra dần. Địch lui quân sau khi không thực hiện được mục đích đề ra, xuống tàu xuôi dòng về căn cứ hải quân Nhà Bè. Đơn vị thiệt hại mất đồng chí Chỉ huy phó, Tư Hương, bác sỹ Ba, chủ nhiệm quân y mới từ chiến trường Thủ Đức điều động về thay bác sỹ Quang hi sinh,trung đội trưởng Lý, cơ yếu viên Nhàn, chiến sỹ bảo vệ Dạo, Phu... tất cả thương vong hơn chụ người. Điện đài bị bom nổ văng mất, đứt hẳn liên lạc với R và T7 ( Bộ Chỉ huy Miền và Quân khu 7). Một cảnh cảm động nhất là Lê Bảy và Tám Lập chính uỷ mỗi người chỉ còn bám sát mình một chiến sỹ bảo vệ Biên và Thâm. Từ xa đã nhận ra nhau, họ gặp lại trong tư thế khắp cả mình mẩy đầy bùn chỉ còn khẩu súng ngắn cầm tay và đôi mắt sáng. Họ ôm nhau thắm thiết để xác nhận là thực sự còn sống qua cơn khói lửa đạn bom. Cùng phân công nhau đi tìm liên lạc với các bộ phận khác đang như những con cá thòi lòi lăn lộn ngày đêm, chui vào rễ đước, cụm chà là gai, ém dưới lòng lạch, bực sông hiểm trở...
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #37 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2008, 03:55:25 pm »

Đêm đó đơn vị lại cắt rừng, ôm bọc ny-lon vượt sông thả xuôi theo dòng Thị Vải, về khu Tắc Trũng đắp hầm làm sạp với các đơn vị hậu cần trinh sát về phụ Sở chỉ huy cũng vẫn nằm sát lộ 15, cách cụm quân Mỹ Gò Dầu, đường chim bay không đầy năm cây số.
Sau khi rút kinh nghiệm họ lại bàn nhau cách đánh trả thù, Lê Bảy phân tích tình hình, địch tuy vậy không phải mạnh, đang ở thế rút quân, nhịp độ chiến trường các nơi qua tin tức vẫn tiến công đều khắp. Ta phải khắc phục khó khăn, nổ súng sâu vào nội đô để dãn địch ra ở khu vực này. Sau cùng anh quyết định:
- Còn 4 quả ĐKB đang ém ở Rạch Lá, cho bộ phận đặc công nhanh chóng vớt lên hai quả luồn sâu lên sát tuyến Phú Hữu rót ngay vào dinh Độc Lập, tuy mục tiêu này chưa có lịnh nhưng lấy tiếng súng để báo cáo với cấp trên nhanh nhất là Đoàn 10 vẫn còn, Đại đội 5 cho xuất kích bằng trái mìn 100ký thuốc C18, Tư Tiên vừa sản xuất, cặp mạn đánh chìm tại chỗ chiếc tàu vận tải vạn tấn tới Nhà Bè. Phải lấy chiến thắng củng cố tinh thần anh em và bà con cơ sở.
Hai ngày sau, được báo cáo từ tuyến trên về kế hoạch đã được các phân đội thực hiện thắng lợi, đạn rót ngay vào nội thành, tàu dầu chìm tại bến, Sở chỉ huy vui mừng phấn khởi, nhân có ba Năm thượng sỹ già chỉ còn mình ba một tay lội cua nổi tiếng vừa bắt về hơn chục ký cua kình, cua gạch son và ông Năm Mạt Cưa cha đẻ của chiến sỹ Biên- bảo vệ từ Phước Thái ra thăm con đem theo can rượu đế. Thế là quân dân cùng leo lên sạp luộc cua, nâng ly vui vẻ tay bắt mặt mừng với bữa tiệc liên hoan nhẹ nhàng đầy ý nghĩa.
Trong khi đó ở Sở chỉ huy T7 ( quân khu 7) trên rừng lá Mây Tào, tư lịnh Hai Hồng Lâm ngồi bàn bạc với Mười Thà, phó chỉ huy phân khu 4 vừa về họp đã nghe tin qua đài.
- Ai ra lịnh đánh vào Dinh Độc Lập và đơn vị nào đánh đó anh Mười?
- Báo cáo với anh, mấy ngày nay điện đài liên lạc với Đoàn 10 rừng Sác bị đứt hoàn toàn. Tin kỹ thuật cho biết, rừng Sác chống càn quyết liệt, có lẽ máy thông tin không còn sử dụng được, mà đánh hướng Đông Nam vào Sài Gòn chỉ có Lê Bảy, chắc là anh em lấy tiếng súng báo cáo đó, tôi đã cho trinh sát dùi đường đưa máy dự bị xuống từ hai ngày qua.
Bởi lẽ thông thường hễ muốn đánh một quả đạn vào nội đô theo qui định phải có lịnh của từ R hoặc T7, đàng này Đoàn 10 cũng biết là chỉ có đánh sâu như vậy là cách báo động nhanh nhất để cấp trên hiểu rõ mình nên tự động phá rào một lần, sau này chẳng những không bị khiển trách mà còn được cấp trên biểu dương là có quyết tâm đánh trà và sáng tạo.
Sự thực đây chỉ là một trường hợp, một trận càn, một lần đánh của hàng ngàn trận, hàng trăm lần mà cán bộ chiến sỹ trung đoàn đặc công thọc sâu chấp nhận phải đánh trả để bảo tồn mình và chịu đựng tổn thất hy sinh trong muôn vàn khó khăn ác liệt để hoàn thành nhiệm vụ trên giao qua 10 năm bám trụ chết sống nơi mảnh đất rừng Sác thân thương này.
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #38 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2008, 03:58:29 pm »

MỘT ĐÁM GIỖ
Trong ý đồ xuống thang chiến tranh, thực hiện Việt Nam hoá cuộc chiến thay màu da trên xác chết, quân xâm lược Mỹ khẩn trương triển khai kế hoạch kinh tế thời hậu chiến, tổ chức các cuộc hành quân hỗn hợp chà đi xát lại liên tục, tập trung xe ủi đất phá quang địa hình, biến rừng thành rẫy, nhằm đầy lùi lực lượng cách mạng vào sâu bảo vệ hành lang vận chuyển của chúng theo trục quốc lộ 15. Mỹ- nguỵ đã điều động dân cư từ miền Trung vào, từ trong nội đô ra, các tổ chức tôn giáo xây cất nhà thờ, chùa chiền. Trong lúc đó, số anh chị em tri thức lực lượng thứ ba chống Mỹ- Thiệu từ Sài Gòn- Gia Định cũng tranh thủ trà trộn bung ra, kiếm đất cất chòi sản xuất để tự giải toả tình trạng ngột ngạt căng thẳng trong vòng rào kềm kẹp bao năm qua của địch và cũng tìm cách bắt liên lạc móc nối với cách mạng.
Trên đoạn đường quốc lộ 15 từ Gò Dầu, Phước Thái đến Phú Mỹ, Phước Hoà, ven bờ sông Thị Vải bắt đầu hình thành nhiều cụm dân cư đủ mặt các tầng lớp trong xã hội, từ kỹ sư bác sỹ đến lái xe. Đương nhiên chế độ Sài Gòn không quên cài cắm theo bộ máy Phượng Hoàng, mật vụ. Trước tình hình này, anh em lực lượng đặc công trung đoàn 10 cũng bị ủi lấn bàn đạp bám trụ nên đã có chủ trương bám sát dân để tiếp xúc, phát động bà con tham gia góp sức vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, một mặt cũng để tổ chức hàng rào tai mắt bảo vệ mình.
Trời vừa chạng vạng tối, theo lời mời của bà con, Lê Bảy, Tám Lập, Sáu Tao những cán bộ chỉ huy đơn vị cắt rừng từ mép sông Thị Vải đến căn chòi ông Năm thầu khoán, người gốc xứ Huế có vợ người Long An, một gia đình trí thức nằm cách bót bảo an không xa trong vùng chúng kiểm soát ban ngày, đêm thì lực lượng cách mạng vào làm chủ. Đã có đôi lần hai bên đụng độ nhau trong tuần tra phục kích tại đây.
Bước chân vào gian nhà lợp tôn nhựa, đã ngửi thấy mùi khói hương nghi ngút từ trên một bàn thờ. Qua ánh đèn dầu leo lét, nhìn rõ chiếc bàn gỗ bày biện các món ăn, thêm chai rượu cúng. Những người xung quanh đều ăn mặc không sang trọng, chỉnh tề. Một nhà sư trụ trì chùa Hộ Pháp kế cận khoác áo cà sa. Vợ chồng ông Năm với cặp kiếng cận nặng độ làm chủ lễ, bà Tư Kiếng vợ giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, ông Phan Mỹ nhà tư sản công nghiệp yêu nước, ông Sáu xe lam với cái giọng Huế trầm, sẵn sàng đọc một lèo năm bảy bài thơ Đường của các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, ông Sáu Râu một tay anh chị đao búa bị tù Côn Đảo về, giờ cạo trọc đầu, mặc áo vàng theo cách mạng và một số bà con xung quanh, khoảng hơn chục người.
Lê Bảy kề tai nói nhỏ với Sáu Tao:
- Anh cho trinh sát cảnh giới bí mật từ xa hướng lộ 15, có gì báo động rút êm, hết sức tránh chạm súng để bảo vệ cơ sở và bàn đạp. Bữa nay chắc là cô bác mời tụi mình dự đám giỗ đây.
Sau khi tay bắt mặt mừng họ thì thầm thăm hỏi nhau như người ruột thịt lâu ngày mới gặp.
Ông Năm Thầu, xe xe tay nói rõ lý do:
- Thưa các anh Đoàn 10, đêm nay chúng tôi không trở về Sài Gòn, cùng rủ nhau ở lại để được gặp mặt các anh em đàng mình cho thoả mãn lòng mong mỏi lâu nay và có tổ chức bữa cơm cúng chiến sỹ, vì trong Mậu Thân 1968 có một tổ 3 anh Giải phóng Quân hy sinh ngay trước thềm nhà tôi bên cạnh một giếng nước. Không rõ tên họ quê quán ở đâu, cứ hàng năm đến ngày rằm, chúng tôi đều âm thầm tổ chức đám giỗ như thế này. Năm nay rất vui mừng được móc nối với các anh, cùng nhau thắp nén hương để tỏ tấm lòng thành của bà con nội đô.
 Thế rồi không ai bảo ai, mỗi người tự mình thành kính đốt nén nhang thơm và trân trọng cúi đầu cắm vào chiếc bình tạm làm lư hương.
Ông Phan Mỹ nói thêm:
- Thật ra cúng lễ bên cách mạng thế nào không rõ nhưng chúng tôi nghe nói lại, cúng anh em phải có thịt rừng nướng, nên sáng nay qua chợ Long Thành cố tìm mua cho bằng được miếng thịt heo rừng mong anh em chứng giám cho.
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #39 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2008, 04:02:18 pm »

Thật bất ngờ và trong không khí đầy xúc động chẳng ai nói nên lời. Có lẽ trong bóng tối đôi mắt mỗi người đều hoe đỏ rưng rưng dòng lệ chảy quanh tự đáy lòng mình. Hình ảnh 3 chiến sỹ Mậu Thân với những chiến tích anh hùng rực lửa năm xưa lại hiện rõ trong ký ức mỗi người. Một điều thêm xúc cảm là ta càng thấy rõ tấm lòng của người dân nội đô, mặc dù kẻ thù tàn bạo không chế thế nào đi nữa vẫn không thể nào kềm kẹp được lòng yêu nước, tình thương đối với anh bộ đội Cụ Hồ của người dân Sài Gòn- Gia Định. Sau cùng, họ cùng nhau quây quần vui vẻ quanh chiếc bàn nhỏ, cởi mở kể cho nhau nghe bao chuyện bên trong, bên ngoài...
Bà Tư Kiếng phản ánh tình hình:
- Ngày hôm qua lực lượng thứ ba tổ chức cuộc họp do tướng Dương Văn Minh chủ trì tại một khách sạn ở Chợ Lớn kết quả khá tốt, có mặt cả luật sư Ngô Bá Thành, ni sư Huỳnh Liên cùng một số nhân vật nổi tiếng khác, đều thống nhất quan điểm chống Mỹ- Thiệu độc tài, đấu tranh cho hoà bình hoà hợp dân tộc.( Rồi bà lấy từ trong ví ra một bức thư cuộn rất nhỏ trên mảnh giấy po-luya mỏng đưa cho Lê Bảy). Đây là báo cáo của anh Khánh từ trong nhà lao Chí Hoà, cán bộ tham mưu R bị địch bắt vẫn kiên cường bất khuất không hề khai báo, nhờ tôi chuyển ra, hôm với danh nghĩa Đoàn từ thiện đến thăm tù chính trị. Và có tin chính xác giáo sư Lê Quang Vịnh tuy bị kết án tử hình nhưng vẫn còn sống, hiện bị giam cầm cố ở Phòng 22 ngoài Côn Đảo, đề nghị các anh lên tiếng bảo vệ, đòi trao trả.
Bà là một giáo già, thân người nhỏ gọn, lanh lợi, vợ giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ bị trục xuất ra phía Bắc cùng với nhà báo Cao Minh Chiến độ nọ. Bà hoạt động rất nhiệt tình trong phong trào bảo vệ tù chính trị và hiện đang là cán bộ quân báo biệt động thông minh, tháo vát, ra vào thành phố như con thoi, móc nối với Đoàn 10 rừng Sác.
Nhà sư trẻ trụ chì chùa Hộ Pháp kể:
- Hôm tôi đi xe riêng vào thành phố đưa cháu Thành, con một chiến sỹ đặc công gởi vào gia đình nuôi dưỡng, thế mà vừa trở ra đến Hàng Xanh, cảnh sát Sài Gòn chặn lại hỏi ngay: “ Ông chở con Việt cộng xâm nhập, giao đi đâu rồi?”. Tôi trả lời là người tu hành thấy trẻ nhỏ dọc đường, cần giúp đỡ, nên đã cho mẹ con họ xuống chợ Bến Thành rồi. Qua mặt luôn dễ dàng.
Đúng là cô bác đã nguỵ trang làm một đám giỗ tạo điều kiện họp mặt nhau, nhưng lại là đám giỗ thật để truy điệu chiến sỹ Giải phóng quân. Như là đại diện cho nhiều tầng lớp nhân dân đang ngày đêm chiến đấu, cuộc họp mặt bàn việc nước, việc dân trong không khí hết sức đầm ấm của tấm lòng những người Việt Nam yêu nước quyết tâm cùng nhau chống Mỹ. Trước khi chia tay, Lê Bảy nói với ông Phan Mỹ nhờ chuyển lời đến ông Sỹ Tấn, một sỹ quan nguỵ Sài Gòn đang ủi chiếm hàng chục mẫu đất sát đường 15 cách đó chừng vài trăm thước:
- Nhờ anh Ba nói giùm với ngài trung tá nếu ông ta muốn yên ổn trồng tỉa ở địa bàn này thì phải chấp hành mọi qui định của cách mạng, không được ỷ thế ức hiếp dân. Ông ta không thể nào bố trí nổi mỗi gốc mãng cầu, gốc xoài một trái mình clay-mo hay một tên lính thì không nên chống lại Đoàn 10.
Tiếng ghe máy nổ giòn và xa dần trên sông Thị Vải giữa đêm khuya thanh vắng. Cô bác trong bóng đêm chắc vẫn còn luyến tiếc ngoảnh nhìn theo.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM