Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:29:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời rừng Sác  (Đọc 75944 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2008, 10:25:23 pm »

Tôi vừa về thăm lại chiến khu rừng Sác, địa danh gắn với các chiến sỹ đặc công Đoàn 10, chứng kiến một phần nào cuộc sống của các chiến sỹ qua sự tái hiện cũng như lời kể của bác cựu chiến binh đặc công Đoàn 10 Nguyễn Văn Tám tôi rất xúc động và muốn làm một điều gì đó để những chiến công, những sự hi sinh gian khổ của các chiến sỹ đặc công đoàn 10 cùng quân dân rừng Sác được mọi người nhớ đến. Tôi xin gửi đến các bạn hồi ký của Đại tá Lê Bá Ước nguyên Đoàn trưởng đoàn 10 đặc công Rừng Sác - MỘT THỜI RỪNG SÁC.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Giêng, 2021, 04:57:31 pm gửi bởi ptlinh » Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2008, 10:28:00 pm »

LỜI TÁC GIẢ
Là một trong những người chỉ huy đơn vị đặc công đã cùng với quân dân Rừng Sác anh hùng bám trụ, chiến đấu nơi đây suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, vượt qua bao ác liệt hiểm nghèo, lập nên những chiến công đánh phá mục tiêu kho tàng bến cảng như: kho bom Thành Tuy Hạ, kho xăng Nhà Bè, pháo kích Dinh Độc Lập, toà đại sứ Hoa Kỳ nơi sào huyệt của bộ máy chiến tranh xâm lược, đánh cháy, chìm hàng trăm tàu giặc các loại trên sông Lòng Tàu, nơi bến cảng. Trung đoàn 10 đặc công lập được những chiến công làm nức lòng nhân dân Nam Bộ và quân dân cả nước, mãi mãi là nỗi kinh hoàng cho quân xâm lược và đồng bọn. Nhưng những chiến công ấy cũng phải trả giá bằng máu của bao anh chị em, cán bộ chiến sỹ ở khắp mọi miền của Tổ Quốc, họ chấp nhận hy sinh cho độc lập tự do và mãi mãi nằm lại trên mảnh đất sình lầy sông nước này, cho đến bây giờ vẫn còn hơn năm trăm hài cốt liệt sỹ chưa tìm thấy, đã trôi dạt ra biển cả hoặc làm mồi cho cá sấu, cua kình. Tất cả những điều đó đã thôi thúc tôi cầm bút ghi lại đôi dòng về cuộc sống chiến đấu của quân dân rừng Sác.
Hơn hai mươi năm qua có một vài bộ phim, quyển sách, bài báo viết về rừng Sác, nhưng sự thực cũng chưa nói hết được tất cả những gì cần phải nói về một chiến trường mênh mông sông nước quanh năm mặn đắng, vô cùng khó khăn khốc liệt mà người lính phải ngày ngày phơi mình dưới bom đạn, chịu sự chà xát của B52 rải thảm, của chất độc hoá học, về sự dũng cảm tuyệt vời, lòng yêu nước sắt son vô bờ bến của cán bộ chiến sỹ đặc công, của những ông cha, bà má, người chị, em gái nơi mảnh đất vùng ven thân thương này.
Qua tập hồi ký MỘT THỜI RỪNG SÁC , dù không phải là người cầm bút chuyên nghiệp, tôi chỉ xin được ghi lại đôi điều, một số kỷ niệm, sự việc, chiến công của đồng chí, đồng bào. Sức mình có hạn, chắc chắn không thể nào phản ánh được đầy đủ những chiến công, kỷ niệm  sâu sắc của đồng bào đồng chí rừng Sác, những mong anh chị em bè bạn bổ sung cho bản ANH HÙNG CA RỪNG SÁC thêm hoàn chỉnh, để cho các thế hệ mai sau lưu truyền và hình dung được phần nào về một thời cha anh đã đánh giặc. Là một người lính được hưởng cuộc sống và hoà bình, hạnh phúc từ sự hi sinh của đồng đội và nhân dân rừng Sác, tôi xin có mấy vần thơ để nói lên tình cảm của mình:
Bâng khuâng tấc dạ niềm thương nhớ
Lộng gió trên sông đẹp bóng cờ
Mãi mãi hiên ngang Rừng Sác đứng
Mỗi người ngã xuống một bài thơ
LÊ BÁ ƯỚC
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Bảy, 2008, 03:37:22 pm gửi bởi satthat » Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #2 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2008, 10:48:12 pm »

CHIẾN KHU RỪNG SÁC
Địa bàn rừng Sác sình lầy, ngập mặn quanh năm, sông rạch chằng chịt từ sông Soài Rạp vắt ngang qua quốc lộ 15 ( nay là quốc lộ 51), từ Nhà Bè theo con sông Lòng Tàu chảy ra đến của biển Vũng Tàu, với diện tích hơn ngàn cây số vuông toàn là rừng đước, chà là, bần, mắm. Ngoài số ngư dân trong các ấp chiến lược bung ra bằng ghe xuồng làm ăn sinh sống với nghề hạ bạc theo dòng thuỷ triều lên xuống, hầu như không có sự sống của con người. Là một trận địa sát nách Sài Gòn- Gia Định về hướng đông nam, nơi cơ quan đầu não , sào huyệt của bộ máy chiến tranh xâm lược với con sông Lòng Tàu là cổ họng vận chuyển tiếp tế hậu cần cho hàng triệu quân Mỹ- ngụy, mà Đoàn 10 đặc công được Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam phân công làm nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá chiến khu rừng Sác để tiến công liên tục vào kho tàng, bến cảng từ Cát Lở, Rạch Dừa đến Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ, đánh sâu vào nôi đô. Khống chế ngăn chặn con sông chiến lược này, đương nhiên phải chấp nhận đương đầu với 5 tiểu khu quân sự: Gò Công, Long An, Gia Định, Biên Hoà, Phước Tuy và 2 Đặc khu Vũng Tàu, Nhà Bè. Chúng thường xuyên được sự chi viện đắc lực của lực lượng không quân dã chiến 3 Mỹ, sau là Quân đoàn II nguỵ kể cả các trận địa pháo lớn, pháo nòng dài của hạm đội 7 từ ngoài khơi bắn vào, sự phối thuộc của các lực lượng hải quân, các lữ đoàn lính thuỷ đánh bộ thiện chiến hành quân đánh phá. Một cuộc sống và chiến đấu của hàng ngàn chiến sỹ hoàn toàn trên mặt nước sình lầy, phải tự lưc mọi bề, người này ngã xuống, người khác tiếp tục tiến lên, chiến công nối tiếp chiến công làm vang động cả một vùng thời đánh Mỹ. Sau hai mươi năm giải phóng, các đoàn tham quan của lãnh đạo, báo chí, của lớp trẻ khi ngồi trên tàu chạy ngược dòng sông nước mênh mông, nghe kể lại những câu chuyện rừng Sác, anh em đã phải thốt lên một cách chân tình " Thật không hiểu nổi hồi đó các anh, các cô các chú Đoàn 10 sống như thế nào mà đánh thắng địch. Thật là anh hùng".
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Bảy, 2008, 03:37:46 pm gửi bởi satthat » Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2008, 08:34:49 pm »

Tướng Oétmôlen đã viết trong bản tường trình người lính: “ Ở đây (rừng Sác) lính Mỹ đã phải trải qua những điều kiện gay go và khác thường mà chưa một người lính Mỹ nào đã phải trải qua. Vì binh lính Mỹ phải đi tuần tra hàng giờ trong nước nên các đại đội phải thay đổi thường xuyên, luân phiên nhau để tránh các bệnh ở chân và ở da, binh lính ngủ trên các đệm bơm không khí và đặc biệt trong lúc thuỷ triều lên cao, họ phải thức để khỏi bị ngập nước. Những cái sàn bằng gỗ cao hơn mặt nước thuỷ triều dùng làm bãi cho trực thăng đổ bộ, đây là một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ…”. Nói về các lữ đoàn lính thủy đánh bộ, Oétmôlen đã viết:: “ Ba lính, thường mới chọn được một, những tên lính đã lừng danh trong những cuộc đổ bộ ở Thái Bình Dương và châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ hai…”. Và một đoạn nói về Việt Cộng rừng Sác: “ Từ lâu tôi vẫn sợ Việt Cộng đánh chìm những chiếc tàu lớn dọc đoạn đường bốn mươi dặm của sông Sài Gòn nhằm chặn con đuờng thuỷ huyết mạch từ Sài Gòn ra biển. Con đường chính này, chảy qua một vùng rộng 50 dặm vuông gồm toàn đầm hồ, cây sú, cây vẹt và có hàng ngàn phụ lưu, một vùng gọi là rừng Sác, được coi là căn cứ lý tưởng cho Việt Cộng sử dụng đánh tàu bè…”.
   Sau tết Mậu Thân 1968, Mỹ tổ chức phản kích, tập trung lực lượng hải quân với hàng trăm tàu các loại lớn nhỏ từ bo bo, khinh tốc cho đến thập ác hạm tàu chở lữ đoàn 199 đổ quân tiến vào sông Ông Kèo, bao vây diệt Sở chỉ huy Đoàn 10 đóng cách Sài Gòn khoảng 15 cây số đường chim bay. Để đảm bảo an toàn, vào đem tối trước đó bắt đầu từ 19 giờ cho đến 7 giờ sáng tất cả sáu lượt “B” xanh- căng-dơ (B52 theo cách nói của dân Sài Gòn) từ đảo Guam đến rải thảm bom toạ độ dọc từ Ông Kèo xuống Tắc Chợ, Bà Bông đến Ba Voi thành vệt dài trên toàn bộ đội hình của trung đoàn. Thật khủng khiếp, trong nội đô rung rinh tiếng chấn động, cứ khoảng cách hai loạt bom B.52 vừa dứt thì chiếc máy bay hai thân OV10 ì ì trên bầu trời, mở máy phát kêu gọi liên hồi: “Tử thần, tử thần, cán binh Đoàn 10 hãy chiêu hồi, chiêu hồi” kèm theo tiếng đờn cò rên rỉ, tiếng trẻ nhỏ gọi “Ba ơi, Ba ơi”, tiếng vợ kêu thảm thiết “anh ơi, về đi anh ơi…”. Anh chị em đơn vị dưới này vẫn bình thường, vui vẻ coi như được nghe một đoạn hài kịch. Lê Bảy ngồi xem đồng hồ, hễ sắp đến loạt bom, dùng điện thoại thông báo cho tất cả toàn tuyến vào hầm trú ẩn đắp nổi khỏi mặt đất (vì không có chỗ nào cao ráo) sình lầy. Dứt đợt sóng xung kích, lại chui ra ngồi uống trà dưới ngọn đèn dầu leo lét coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Qua trận oanh kích này phía không quân Mỹ với 6 đợt B.52 chỉ làm hy sinh 2 chiến sỹ Ban quân y vì đi bắt cá để cải thiện, về hầm không kịp.

« Sửa lần cuối: 25 Tháng Bảy, 2008, 03:38:00 pm gửi bởi satthat » Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2008, 08:36:05 pm »

Mờ sáng bắt đầu cuộc tiến công vào Ông Kèo, tưởng rằng theo lý thuyết quân sự Hoa Kỳ thì sau khi B.52 rải thảm chỉ cần cử sỹ quan tác chiến mang sổ tay vào ghi chiến tích, nhưng chúng đã lầm to, bị sự chống trả quyết liệt của Đoàn 10 từ trong khói lửa đạn bom vùng dậy. Sau 20 ngày bị vây đánh, đơn vị đã bắn cháy, chìm 40 tàu chiến các loại có chở bộ binh. Tên chuẩn tướng lữ trưởng lữ 199 bị gãy cột sống khi trực thăng hạ cánh trên chiếc tàu thập ác, hứng một loạt đạn B41 của đại đội 12, hàng trăm xác Mỹ chìm sâu xuống dòng sông Ông Kèo làm mồi cho cá sấu đã từng nổi tiếng từ lâu. Bắt đầu với tiền lệ này, cá sấu rừng Sác quen mùi thịt sống, hễ nghe tiếng sung nổ là lao vào tìm mồi. Cá sấu đã quật đuôi nhe hàm răng nhọn, nhai gọn hai Trung đội trưởng đặc công Nguyễn Nghĩa và Trần Khét, những cán bộ dũng cảm bơi lôi như rái cá, và người chỉ huy đơn vị phải ra lệnh cấm chiến sỹ lội qua đoạn sông này để bảo đảm an toàn.
   Rừng Sác một thảm đước xanh tồn tại hàng trăm năm qua với nhiều thân cây rễ chằng chịt, cao vút, tàn lá phủ xanh kín mặt sông đến nỗi hành quân ban ngày bằng ghe xuồng qua các tắc Chảng Hảng, Ông Thọ… phải đốt đuốc lên mới thấy đường. Nhưng sau những thất bại nặng nề trên sông Lòng Tàu, các bến cảng, địch phản kích điên cuồng dùng máy bay rải chất độc hoá học nặng liều xuống toàn bộ khu rừng, mà đài BBC lúc bấy giờ bình luận: “Mỹ sử dụng chất độc nồng độ cao để có thể đến 25 năm sau, cây rừng Sác mới hồi phục…”. Chỉ còn lại cây đứng nguyên hình rụng lá, anh em phải đắp hầm nổi, nguỵ trang bằng màu cây khô để trú ẩn, đến lúc cây mục ngã rụi xuống còn trơ mặt nước mênh mông, thì tìm những chòm cay mới mọc cao đến đâu, đưa công sự lên theo đến đó. Làm sạp trên mặt nước, ăn ở sinh hoạt. Không như sự tính toán của Mỹ, chỉ vài ba năm  thì cây đước đã hiên ngang trồi lên. Màu xanh lại tiếp tục che phủ cho bộ đội chớ không cần chờ đến một phần tử thế kỷ?.

« Sửa lần cuối: 25 Tháng Bảy, 2008, 03:38:23 pm gửi bởi satthat » Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2008, 08:59:48 pm »

Bốn năm phản kích ác liệt từ 1969 đến 1972 địch hòng “trục xuất” lực lượng đặc công Việt Cộng ra khỏi rừng Sác. Với ưu thế máy bay, tàu chiến, trực thăng, đầm già quần đảo oanh kích suốt ngày đêm, hễ phát hiện ra vật gì nổi trên mặt nước, hoặc ban đêm có vệt trắng bọt nước dấu hiệu của xuồng ghe đi qua thì lập tức bắn phá suốt cả tiếng đồng hồ vào một khu vực. Anh em phải nhận chìm ghe cho qua cơn lửa đạn, lại lắc xuồng chèo đi tiếp. Trong mỗi cuộc càn có đến hàng trăm tàu hải quân đủ loại quần nhau khắp sông rạch làm mặt nước nổi bọt như cơm sôi. Đến năm 1970 toàn bộ phương tiện di chuyển của đơn vị bị phá huỷ, tất cả đều phải hành quân bộ trên sình lầy, gặp sông rạch thì bọc ny-lông vượt qua, cả dìu thương binh hàng chục cây số cũng chỉ bằng tấm ny-lông nóc dài hai mét năm, túm hai đầu với hai chiến sỹ bơi lội giỏi kéo về trạm xá cấp cứu. Đơn vị phát động một đợt thi đua bắn máy bay bay thấp, qua một tháng hạ 12 trực thăng, Ong ruồi (OV6) buộc chúng phải nâng tầm bay lục soát lên cao, nhưng ta vẫn phải chấp nhận thương vong hơn 30 đồng chí vì bị phản ứng nơi trận địa sình lầy không đường rút.
   Mỗi khi thuỷ triều lên, để đưa tàu vận tải quân sự hàng vạn tấn lù lù từ Vũng Tàu vào Nhà Bè, thì mờ sáng các loại tàu rà, tàu quét gầm rú ầm ĩ chạy cặp hai bên bờ sông nhằm cắt đứt tất cả dây điện thuỷ lôi của Việt Cộng. Đề phòng bị phục kích, đầm già, trực thăng rà sát yểm trợ cho tàu đổ bộ chốt quân án ngữ các nơi nguy hiểm, rồi pháo bắn dọn đường vào các nơi nghi vấn…ngày nào cũng như ngày nào “ bài ca án ngữ” này vẫn cứ thực hiện đầy tốn kém, thế mà tàu chiến, tàu vận tải vẫn bị chìm liên tục, làm đau đầu Lầu Năm Góc.
   Biết rằng Việt Cộng sẽ phải hành quân từ phía sau lên áp sát Sài Gòn tiến công vào Dinh Độc Lập, toà đại sứ Mỹ nên địch triển khai người nhái, biệt kích, các loại tàu sắt tắt máy thả trôi, ém trước ở các vàm tắc như Rạch Lá, Tắc Hông, Tắc Cò, Bà Bông… gây khó dễ cho anh em rừng Sác và cũng đã làm tổn thất khá nhiều về người, vũ khí. Tỷ lệ thương vong trong hành quân tác chiến thường cao gấp chục lần một trận đánh đặc công vào kho tang, bến cảng.
   Toàn bộ rừng ngập mặn, quanh năm không có nước ngọt ăn uống cũng là bài toán tính bằng xương máu. Anh em phải chèo ghe ban đêm luồn lách tránh biệt kích, máy bay, đột vào các ấp chiến lược Bà Bông, Bảy Giả, vào Cần Thạnh, Lý Nhơn… chở từng can, từng phuy nước giếng. Nếu gạo hết có thể nhịn được năm ba ngày, chớ nước thiếu thì thật gay go. Về sau, địch biết rõ, tiến hành phục kích án ngữ các miệng giếng, bờ ao. Nhiều dòng máu chiến sỹ đã đổ để đổi lấy thùng nước ngọt. Vào thời kỳ căng thăng nhứt không còn cách nào bám đất liền, đơn vị phát huy sáng kiến lấy thùng phuy nấu nước mặn chảy ra từng giọt như kiểu nấu rượu, cứ hai chiến sỹ nấu ngày đêm thì cũng đủ ăn uống cho một trung đội. Phải giữ khói, che lửa đối với máy bay quan sát từ xa, hoặc dùng nồi nhôm nấu cơm lật ngược nắp đậy, bỏ vào trong một cái dĩa nổi nấu nước mặn cũng có thể chống khát được qua ngày cho từng tiểu đội.
   Để bám trụ và đánh được giặc, theo chỉ tiêu trên giao, phải có đủ lương thực nuôi quân, trong lúc Nguyễn Văn Thiệu cứ gào thét “Tử hình, tử hình cho ai đem ra một ký gạo tiếp tế Việt Cộng”. Bọn bình định, phượng hoàng bám sát các cửa ấp, người dân ra rừng đem theo một gô cơm cũng bị làm khó dễ, xét hỏi găt gao. Nếu ở rừng giồng có thể đi đào củ chụp, củ mài, hái lá bép, rau tảu bay như trung đoàn Q4 có lúc nhờ vào rẫy chuối rừng hoang Hưng Nghĩa. Còn ở rừng Sác, duy nhứt chỉ có đọt cây chà là gai là ăn được, dưới sông nhiều tôm cua cá nhưng nấu ngót (toàn cá) không có gạo ăn chỉ ăn chống đói, cao lắm là hai ngày là “chảy re”. Bộ đội phải nhờ vào số bà con cơ sở chí cốt dũng cảm chấp nhận tù đày khi bị lộ, dùng ghe vận chuyển từ Cà Mau, Bến Tre, Châu Đốc… đưa về mỗi lần hàng chục tấn gạo khéo nguỵ trang bằng lá dừa nước đậy khẳm qua mắt địch, tìm con đường đi thuật lợi nhứt, cả bố trí lực lượng yểm trợ tác chiến từ xa. Nhiều lần hậu cần cấp trên rót tiền xuống chậm phải vận đông mượn vàng trong ấp mua gạo nuôi quân, phát động đơn vị thành phong trào “Thi đua bắt cua mua gạo”, được mấy ngày, có một du kích địa phương ra chiêu hồi khai với giặc, lập tức bọn tâm lý chiến chớp thời cơ cho trực thăng bay trên bầu trời phát loa inh ỏi “Hỡi các cán binh Đoàn 10, các bạn bị đói phải bắt cua đổi gạo, hãy ra chiêu hồi Quốc gia…”. Nhờ bám vào dân và khéo tổ chức tuyến hậu cần nên qua thời kỳ ác liệt nhứt chỉ phải ăn cháo đôi ba ngày, đơn vị hầu như chưa khi nào bị đói.
Là đơn vị thọc sâu, việc tiếp tế vật chất khí tài có nhiều khó khăn, phải vượt qua các tuyế án ngữ từ biên giới Campuchia về đến rừng Sác, với khẩu hiệu đề ra CÓ LỊNH LÀ ĐI, HOÀN CẢNH NÀO CŨNG ĐÁNH, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG, dù còn một khẩu sung, một viên đạn cũng tấn công. Trong phương thức tác chiến, đặc công xưởng có máy tiện, máy khoan trên sạp đước sình lầy, khi địch càn, phải dấu dưới sông. Thật vô cùng khó khăn, anh em đã khắc phục sáng tạo sản xuất các loại ĐH10, ĐH5…mỗi trái với 500 viên bi bằng những cây sắt phuy 5 chặt nhỏ xù xì mà Mỹ rất sợ, nguy hiểm hơn nhiều so với mìn clay-mo từ Hoa Kỳ đưa sang. Một hôm có tiểu đội Mỹ da đen hành quân hàng dọc theo con lạch tiến công Sở chỉ huy ta gần Bà Bông (Vũng Gấm) chỉ chấm điện 1 trái ĐH10 diệt gọn gần hết, mấy khẩu AR15 bỏ lại chiến trường bị gãy nát. Hết thuốc TNT, C4, tổ chức tìm bom đạn lép, cũng may chiến trường sình lầy hễ bom lép theo quán tính chúng đều trồi lên trên mặt đất, ta đem về cưa ra, lấy thuốc nổ sản xuất trái. Các loại kíp hẹn giờ M18 Chê-rô Tiệp, cả đồng hồ hẹn giờ Liên Xô hiện đại vẫn chưa bảo đảm đúng thời gian, làm mất an toàn. Người chỉ huy và kỹ sư mày mò, sản xuất thành công loại ngòi phèn chua hẹn giờ mà chiến sỹ đặc công thuỷ rất tin tưởng, không bao giờ xảy ra nguy hiểm khi đánh.
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #6 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2008, 09:01:14 pm »

Mỗi khi ta đánh chìm một tàu, hay pháo kích vào nội đô theo quy luật, địch tập trung phản ứng càn quét ngay tức khắc, nên tất cả đơn vị lúc này phải nấu cơm ăn đêm trước trời sáng, tránh khói lửa, ém nồi niêu chén bát dưới bùn sâu chuẩn bị chống càn cho đến tối mịt.Khi máy bay mỏi cánh về căn cứ, pháo nóng nòng ngưng phần tử, tàu, bộ binh cụm lại và màn đêm buông xuống, anh em mới leo lên sạp, quần áo ướt sũng, dưới đèn dầu, kiểm tra lại chiến tích. Mỗi chiến sỹ đặc công khi xuất kích phải bơi lội dưới nước hàng hai chục cây số, chân không đụng đất, phải ém lại dưới hầm bí mật ngập nước ở các gò ô môi, gò bình bát xã Phú Hữu, Phước Long, chỉ nhờ duy nhất vào túi gạo rang, bình toong nước, bọc ny lông dán bằng dầu muỗi của Mỹ làm phao, cả thân chui vào chống lạnh chịu được từ ba đến năm ngày đêm mới rút về hậu cứ. Trong tay chỉ tự vệ bằng quả lựu đạn, cây dao găm, mấy miếng võ thuật sở trường, cổ đeo lủng lẳng chiếc ống thở để lặn sâu áp sát mục tiêu. Trong tác chiến, nếu có hy sinh là chuyện bình thường, nhưng anh em rất sợ bị thương phải để cho đồng đội mang vác, điều động về tuyến sau trên sông nước, mà cũng không an toàn vì địch đánh phá quyết liệt. Nơi sình lầy, sông nước mênh mông, đã có 4 bác sỹ quân y liên tiếp hy sinh trong mấy năm bám trụ (các BS Răng, Luân, Quang, Ba).
Qua mười năm bám trụ tại chiến khu rừng Sác, trong điều kiện vô cùng khó khăn ác liệt, Đoàn 10 đặc công đã đánh cháy và chìm hơn 500 tàu chiến các loại của hải quân Mỹ-nguỵ, nhận chìm, đánh cháy gần 200 tàu vận tải quân sự từ sáu ngàn đến vạn tấn trên sông Lòng Tàu và các bến cảng, bắn rớt hàng chục trực thăng. Đơn vị pháo đặc công, phóng đạn liên tục vào nơi sào huyệt ở nội đô Sài Gòn-Gia Định, tiêu diệt hơn ngàn tên địch đa số là lính kỹ thuật, phá huỷ 90 phần trăm kho bom thành Tuy Hạ năm 1972, thiêu huỹ hãng SHELL, kho xăng Nhà Bè thiệt hại 250 triệu lít năm 1973. Trung đoàn được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang năm 1973, nhưng cũng phải chấp nhận hy sinh mất mát gần 800 cán bộ chiến sỹ, trong đó có gần 500 đồng chí chỉ còn tên trong danh sách, hài cốt bị chìm sâu dưới lòng sông hoặc trôi ra biển cả. Cho đến bây giờ, hơn hai mươi năm trong hoà bình, qua cuốn phim Bông hoa rừng Sác, một số bài báo và hình ảnh có ghi lại đôi điều, cũng chưa thể nào nói hết được những gian khổ, ác liệt và hy sinh tỏng cuộc chiến đấu trên mặt trận sông nước sình lầy của quân và dân rừng Sác anh hùng.
MỘT CHUYẾN GẠO
   
Tang tảng sáng, nước lớn ngập tràn rừng Sác mênh mông. Tiếng máy đuôi tôm, máy dầu rền vang trên sông nước xen lẫn tiếng gõ be xuồng đều đều của dân vây bắt cá đối ở xa xa.
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #7 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2008, 10:56:31 pm »

Mặt trời vừa ló dạng, ánh nắng ban mai toả xuống trên những thảm rừng đước, chà là gai. Gió mát rượi miền duyên hải. Có tiếng nổ đều của chiếc máy kô-le quen thuộc từ xa vẳng lại. Biên- chiến sỹ trinh sát bảo vệ Sở chỉ huy ngồi hút thuốc rê trên sạp đước nói với trung đoàn trưởng Lê Bảy:
- Đúng là tiếng máy của ông già em, từ Quán Chim ra.
Tiểu đội trinh sát của Đoàn 10 đặc công này hầu như đã quen hơi tiếng của các loại ghe máy đi lại làm ăn trên sông Thị Vải, của ai, ở đâu tới, loại nào F5, F10 đến cônlintông… Hễ khi nghe tiếng máy lạ xuất hiện, lập tức họ phân công nhau nổ máy đuổi theo kiểm tra. Đã có vài lần họ tóm gọn lũ thám báo ác ôn từ các ấp chiến lược An Thị, Lý Nhơn…cải trang thành dân chài trà trộn đột nhập vào “lõm sông nước giải phóng ” này.
   Tiếng máy kô-le nhỏ dần, sau động tác nhấc bổng chân vịt, rụ máy ba lần làm ám hiệu, mũi ghe lường của ông Năm Mạt Cưa đã vào đến tận sạp ngủ của anh em cơ quan chỉ huy. Lê Bảy vui vẻ bước ra nắm dây mũi, cột ghe vào gốc mắm mà máy bay không tài ào thấy được.
-   Chào anh Năm, chị Năm. À, cả cô bé Cát nữa
-   Ờ chào chú Bảy, chú Tám. Chào anh em. Chào các cháu
Ông già nông dân da xạm nắng có nét mặt chất phác, mặc bộ bà ba trắng ngả màu cháo lòng, tay phải cầm chai rượu đế còn đọng bọt cườm trên cổ, tay trái xách bịch thuốc rê to tướng, vừa chào hỏi vừa bước lên rồi ngồi xếp bằng tròn ngay giữa sạp. Chị Năm gọn ghẽ trong chiếc quần lãnh đen, khăn rằn quấn cổ, dáng người nhỏ nhắn, lấy từ giỏ mây ra bọc kẹo đậu phộng, mấy gói Rubi, lạng thuốc rê và vài tập giấy quyển đưa cho Biên- con trai lớn- chiến sỹ ở đây. Còn cô bé Cát mới tuổi 12 đã là giao liên công khai thường mang thơ từ Phước Thái lên một tiệm may giữa chợ Long Thành, đó là trạm đầu cầu của hai nữ chiến sỹ nội tuyến Đoàn 1, Hai Điệp và Chín Tién.
Trên sạp cao cách mặt nước lớn chừng ba mươi phân, quây quần với tiểu đội vệ binh là một gia đình ngư dân chí cốt từ ấp chiến lược nghẹt thở ra, được gặp mặt anh em giải phóng, họ vui như chim sổ lồng.
- Bữa nay rảnh sao mà anh chị Năm ra sớm vậy? Lê Bảy mở đầu câu chuyện.
- Ờ, rảnh rang chi. Có lịnh chú Bảy tụi tui ra liền. Nè chú thấy không? Qua vịnh Cây Trường, đụng bọn cánh dơi biệt kích Long Thành xét ghe, còn hỏi: “Bộ đem rượu ra cho Việt Cộng rừng Sác hả?...”.
- Nhờ tôi lanh tay đem theo ốp nhang nói gạt là đi Bà Bông cúng cơm, qua mặt tụi ác ôn đó gọn hơ.- Chị Năm chen vô
- Mẹ Cát lấy mấy con cua luộc rồi ra nhậu ít ly với mấy chú chớ. Anh Năm nhắc vợ. Rượu vào lời ra, mặt hồng đỏ, họ kể chuyện dân, chuyện địch ngoài ấp, rồi chuyện chài lưới, thông báo tin chiến thắng đường 9 Nam Lào… Nước ròng xuống dần, Biên đã ba lần lùi ghe vì sợ mắc cạn, ông Năm vẫn tiếp tục:
- Uống nữa chú Bảy, không sao đâu, hễ còn nước trong lòng lạch là tui nổ máy chạy được thôi, lâu lâu mới gặp an hem. Thiệt tui không muốn về chút nào.
- Thôi anh em cứ vui tiếp đi. Nước sắp cạn rồi, mời anh Năm bước qua ta bàn chút việc riêng. Lê Bảy nói
Đoạn hai người bước qua sạp ngủ cách đó ba nhịp cầu chà là.
- Tôi biết chú Bảy nhắn ra là có việc cần, tôi sẵn sàng. Có chi chú cứ giao.
- Nói thiệt với anh Năm, gạo ăn cho toàn trung đoàn chỉ còn đôi ba ngày. Trên sông nước mặn này, địch lại bao vây chặt các cửa khẩu, phong toả ngặt nghèo, mỗi ngày vô vài ba chục lít, có khi lính ta bị đói mất . Kỳ này nhờ anh Năm xuất tướng nghen.
- Cái gì chớ công tác thì chú yên trí, cứ giao cho tôi.
Ông Năm chậm rãi hớp ngụm trà đậm, quấn điếu thuốc rê Bàu Hàm bằng ngón tay cái, bật ống quẹt zippo hít hơi dài, nét mặt vẫn bình thản.
- Bữa nay vào ấp anh đi ngay lên Cai Lậy, Mỹ Tho kiếm nhà anh Bảy Dừa Khô nói giùm một câu: “Đúng rằm tháng này lên gặp tôi đi cúng đình Phước Hoà”.
- Có nói thêm gạo thóc chi không?
- Anh chỉ nói gọn vậy là hoàn thành nhiệm vụ. Tuyệt đối không nói chi khác. Dặn ảnh bằng mọi giá không sai hẹn.Tôi mong lắm.
Lê Bảy chấm ngón tay vào chung trà vẽ lên mặt bàn chỉ đường đến Cai Lậy, đi xe ôm tới nhà cơ sở, hướng dẫn xử trí vài tình huống có thể xảy ra dọc đường, rồi họ chia tay nhau. Ông già nông dân không biết đến chữ nhứt, lúc nào cũng cặp nách gói thuốc rê, đã nhiều lần ra vô Sài Gòn với nhiệm vụ mật mà màng lưới công an mật vụ địch dày đặc không hề ngờ tới. Lần này nếu không có 20 tấn gạo đến kho thì toàn bộ chỉ tiêu tác chiến R giao, kể cả nhiệm vụ bám trụ rừng Sác của Đoàn 10 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ngày rằmg tháng 7 công 3 theo qui ước là ngày 18 hôm nay. Lật tờ lịch, Lê Bảy quay lại hỏi chủ nhiệm hậu cần Bảy Biên:
- Anh Bảy đã chuẩn bị người bốc gạo chưa? Định điều tào vào ụ nào?
- Báo cáo anh, sẽ huy động toàn bộ anh chị em hậu cần với quyết tâm và có khả năng giải phóng tàu trước nứoc ròng. Cho tàu vào kho 2 tăc Cây Mắm kín đáo hơn, tuy gần địch nhưng bất ngờ.
- Phải có 20 tấn gạo để chúng mình dóc hết toàn sức lên tuyến 1 bám kho bom Tuy Hạ, kho xăng Nhà Bè, cả các mục tieu như Bộ tư lịnh hải quân nguỵ. Bữa nay nếu cơ sở không đến kịp thì gay go lắm. Thuỷ triều hai ngày nữa là nghịch rồi, mất thời cơ cho đặc công thuỷ bám bàn đạp.
Quay sang tổ điện đài PRC25 do Vui, Hùng phụ trách, Lê Bảy chỉ thị thêm:
- Báo cho các chốt B41 ngã ba Đồng Tranh, Thiềng Liềng, Tắc Hông, Thạch An và trên sông Lòng Tàu, từ giờ cho đến lúc có lịnh mới bám sát tàu tuần tiễu địch, tuyệt đối không được nổ sung. Chờ khi có tín hiệu tàu cơ sở ta vượt qua thì bằng mọi giá phải đánh bật các loại tàu Mỹ- nguỵ ra, bảo vệ cho mục tiêu ta vận chuyển an toàn.
Không khí Sở chỉ huy căng thẳng. Mỗi người một việc đều tập trung theo dõi qua hệ thống điện đài để điều khiển tiếp đón chuyến tàu chở gạo, giống như một trận đánh trên sông Lòng Tàu.
Chiến sỹ thông tin Hùng thổi phù phù vào óng nói điện đài ba lần:
-   Đại bàng, đại bàng nghe rõ trả lời?
- Ngỗng trời xuất hiện đúng kế hoạch. Mặt lộ 15 yên tĩnh- Tiếng đáp đầu kia.
Sông rộng mênh mông. Bằng ống dòm, chốt tiền tiêu đã nhận dạng rõ một tàu vạn chuyển chở khẳm lừ, đang rẽ sóng lao từ cửa biển Vũng Tàu vào hướng sông Thị Vải. Đặc biệt mũi tàu cắm 2 lá cờ ba que mới nguyên, tung bay trước gió, trong lúc tàu hải quân Mỹ- nguỵ dăng dăng dập dìu qua lại, đồn bót tứ bề, trực thăng, đầm già rà qua đảo lại.
Chính uỷ Tám Lập vẻ mặt hiền từ, hội ý chớp nhoáng với trung đoàn trưởng.
 - Anh Bảy theo dõi ở căn cứ, để tôi lao xúông Bàn Thạch đón tàu, có gì xử trí tại chỗ cho chắn ăn.
Chiếc xuồng lường nổ máy rẽ sóng hoà vào tốp thuyển chài xuôi ngược trên sông mặc cho máy bay trinh sát địch trên trời vẫn dòm ngó.
Chiếc tàu mũi quớt cao, đóng đúng kiểu đồng bào di cư với cặp mắt sơn đỏ trông thật dữ dằn, chất lớp lớp ngang dọc toàn lá dừa nước dằn cẩn thận lên trên đống dừa tươi vài trăm trái nằm lăn lóc. Anh Bảy Dừa Khô đội nón nỉ đen, kiếng đen, mặc sơ mí trắng ngồi ngất nghểu trong buồng lái trên mui tàu, hướng thẳng mũi vào Quán Chim- Phước Thái như là đem lá dừa nước vào đổi củi chở về Bến Tre như mọi khi.
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #8 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2008, 11:15:17 am »

Sau khi vượt qua 4 chốt B41 bí mật cảnh giới trên sông Thị Vải, đến vàm Phú Mỹ tàu giảm tốc độ dẫn quay mũi qua phải vào Tắc Trũng. Đi trước là chiếc ghe máy dầu nhỏ máy F5 chở đầy lưới, có ba người ngồi, thoạt nhìn tưởng là dân chài, nhìn kỹ thì ra Mười Chuột cán bộ cửa khẩu ngồi mũi. Ba Bạch Yến phó ban hậu cần cầm lái, Tư Khuê cặp khẩu AK ngồi giữa giống như tàu hải quân nguỵ dẫn đường cho tàu vận tải trên sông Lòng Tàu tiến vào cảng Sài Gòn.
   Quanh qua quanh lại 4 lần vào sâu trong hà lảng, tàu tắt máy từ từ cặp bờ êm ả, chui vào đoạn lạch khuất dưới lùm cây mắm đen. Lập tức hàng chục nam nữ chiến sỹ ào ra vui vẻ, thành thạo, nhanh nhẹn bóc dỡ lớp lá dừa nguỵ trang dày đến cả thước tây. Hai Dân chiến sỹ có cánh tay khoẻ nhứt nói vui với chủ ghe:
   - Chà, lúc rày Bến Tre lá hạ giá hay sao mà anh Bảy chở đầy quá vậy?
   - Vậy mà khi qua bót Bình Đại, thằng lính ác ôn đem chỉa xăm gặp sống lá chen khít khong xuống tới gạo. Chuyến này chở tới 12 tấn, tôi phải mua dừa tươi dằn thêm để qua mắt tụi nó, chớ chở lá sao lại khẳm lù. Anh Bảy Dừa Khô vui vẻ kể lại.
   Từng bao chỉ xanh 100 ký xếp đều, đầy ắp khoang. Các chiến sỹ bốc vác cứ hai người nâng một chuyển sang ghe nhỏ, đầy rồi nổ máy chở đi rất khẩn trương.Trong lúc tai mọi người vẫn nghe tiếng còi  ô tô trên lộ 15, thi thoảng một loạt sung máy nổ rền, bởi kho gạo không xa bót địch là bao, và cũng không có chỗ nào kín hơn nơi vùng ven ác liệt này.
   Bên kia rạch, dưới mái ny-lon của chốt cửa khẩu, Bảy Dừa Khô ngồi trên sạp, phấn khởi uống trà, báo cáo tường tận chuyến đi thắng lợi với ban chỉ huy Đoàn 10. Tuy địch phong toả nguồn tiếp tế quyết liệt, sử dụng cả biện pháp tù đầy thế mà 12 tấn gạo đến được với chiến khu ngập đày sông nước quanh năm mặn đắng trong vòng vây phong toả tứ bề, thật là vô cùng quí giá. Chở gạo cũng coi như ngang với thuốc nổ, bất chấp nguy hiểm tù tội, người dân yêu nước đã góp phần công lao không nhỏ cùng anh em tham gia dánh Mỹ. Đối diện với Bảy Dừa Khô là Lê Bảy, có thêm Bảy Biên, Sáu Sang tham mưu phó điểu khiển cuộc bảo vệ vừa về tới. Người chủ ghe kể rành rọt như thuộc lòng:
   - Xin báo cáo lại anh Bảy và các anh, được ông Năm Mạt Cưa báo tin, chuyển mật khẩu từ Mỹ Tho, tôi tốc liền xuống Bến Tre ghé ăn gạo ở nhà máy xay chị Tư như lần trước.
   - Thái độ chủ nhà máy thế nào? Lê Bảy cắt ngang- Anh Bảy nói rõ lại xem, nhứt là những người chung quanh có quan hệ
   - Theo tôi được biết, chồng chị Tư làm nghề dạy học nhà chỉ có máy xay xát nhỏ. Chị đặt mua lá dừa nguỵ trang giúp tôi. Với lại chắc chắn qua mấy lần ăn gạo, gia đình biết tôi chở cho anh em đàng mình, nên thái độ vui vẻ, kín đáo, giá cả phải chăng. Vác gạo xuống ghe toàn là con cháu họ cả.
   - Anh kể tiếp lúc vận chuyển dọc đường ra sao?
   Quay sang Sáu Sang, Lê Bảy dặn:
   - Anh Sáu điểm đường đi trên bản đồ để đối chiếu với lần trước nghen.
   - Dạ lần này gặp hải quân nguỵ một lần, nó cặp tàu đòi xét, tôi tắp luôn cho thằng chỉ huy trăm ngàn, nhưng nó lại bắt phải mua hai phuy dầu “tình nghĩa”. Qua bót Lý Nhơn như thường lệ, tôi cặp giấy bạc 500 vào giấy phép vận chuyển, nó đóng mộc cái cộp liền hà. Mà thiệt rủi, nó gởi 2 tên lính quá giang say mèm, mình lại phải lai rai với tụi nó hơn lít. Tính sẵn trong bụng, êm thì thôi, còn dở quẻ tôi và thằng nhỏ, hai cha con phân công rồi, đủ sức dứt luôn cho nó trôi sông. Bỏ đứt luôn con đường này. Anh quơ tay kể tiếp:
   - Chà lần này qua bót Đồng Hoà chi khu Quảng Xuyên (Cần Giờ) găng quá, gặp thằng thiếu uý mới đổi ác ôn quá cỡ, đòi tốc ghe lên nghi là chở gạo. Nó điểm huyệt mình trúng y, nói ghe chở gạo cho Việt Cộng chớ lá gì mà khẳm tới be gió. Tôi tưởng “măc cạn” rồi, phải mời đi uống cà phê đút nhẹ 20 ngàn vẫn không êm, sau nâng lên 50 ngàn qua tay một tên khác mới chịu nhận.
   Hớp qua ngụm nước anh kể tiếp:
   - Qua bót Bà Nghĩa thì lại ngon, tên xếp bót rủ tôi lên nhậu, tôi chuẩn bị sẵn cho y gói khô mực, nó ghé tai khoe nhỏ: Rượu này là toa rượu Bác Hồ bổ lắm. Tên này chắc có họ hàng gì đó tham gia cách mạng nên thái độ coi bộ dễ chịu . Nói chung đường đi nhiều khó khăn, cũng hồi hộp lắm. Tôi chuẩn bị con bài sẵn 200 ngàn đây, có gì đắp luôn vào miệng tụi nó. Với lại nguy hiểm gì thì nguy hiểm, chớ để anh em mình đói thì đâu có nỡ. Nhứt là ở cái xứ rừng Sác này không có một củ mì, củ chụp gì ráo như rừng giồng, chẳng có thứ gì ăn đỡ đói được.
   Lê Bảy suy nghĩ, lấy bút chì đỏ vẽ lên bản đồ đường đi tàu gạo rồi nhẹ nhàng kết luận:
   - Chuyến này anh Bảy làm ăn như vậy là khá, xử trí dọc đường trót lọt hết, nhưng phải tính tới cái bót Đông Hoà với tên thiếu uý mới, nó đã đánh hơi rồi đó. Tôi có ý kiến thế này, nước tới anh về chở chuyến lá dừa chất dừa tươi  như cũ thật khẳm. Không chở gạo, chịu lỗ một lần đi không, gặp tàu nguỵ thì liệng dừa tươi làm quen, hút dầu của nó, đút lót chút chút cũng được. Đặc biệt tên thiếu uý ác ôn , khích cho nó ra lịnh khui ghe, cứ neo đôi ngày không sao. Xong anh vuốt lưng cho thêm một mớ, mát ruột nó tin là anh buôn bán thật thà không phải Việt Cộng, để mua luôn khúc sống này, ráng tranh thủ anh em binh sỹ trong đồn.
   
Logged
satthat
Thành viên
*
Bài viết: 160


« Trả lời #9 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2008, 08:47:27 am »

- Ờ, ờ anh nói phải. Chớ cái bót này nhất định mình còn phải đi qua dài dài khống có con đường nào né được. Bảy Dừa Khô chen vô
- Còn cái bót Bà Nghĩa hôm về, anh ghé tặng vợ xếp bót vài bao cám. Anh Ba Yến bảo bác sỹ Tư Tiến đưa theo lít rượu thuốc uống với anh ta, anh nói nhỏ: đây mới là toa thuốc Bác Hồ chính hiệu. Nếu anh ta hỏi ở đâu có thì anh trả lời sao cho trôi? Lê Bảy gợi mở
- Dễ thôi, tôi nói đi buôn qua vùng giải phóng, mấy ông Việt Cộng cho. Với lại xem qua cách anh này không chống đối ta, hoặc lính kiểng, hay ít nhất cũng có cảm tình với cách mạng chớ không ghét kháng chiến.
- Tính toán đường đi vậy thôi.Lê Bảy chuyển sang ý khác.- Các anh hậu cần đề ra nhiệm vụ tới đi
Trần Biên trưởng ban hậu cần ghi một dọc các món cần thiết, dặn thêm:
- Chuyến tới ngoài gạo, anh ráng chạy thêm 500 lố pin điện đài, có được pin PRC25 nhà binh thì hay hơn, như kỳ trước vậy, hai ngàn mét vải ny-lon, 500 đôi giày bắt cua cao cổ anh em rất cần để lội sinh tác chiến chống gai chà là, rễ đước và hai trăm ngàn thuốc tây. Nhứt là máu khô và nước biển cho thương binh. Kế hoạch này anh Bảy nhắm kham nổi không?
Bóp bóp trán suy nghĩ, chủ ghe trả lời:
- Chà khó nhứt là pin nhà binh và thuốc tây, phải chạy nhờ anh em sỹ quan nguỵ cảm tình giúp một tay, còn giấu trong gạo thì cũng vậy thôi, loại hàng quốc cấm thuộc nhà binh thì ở tù ngang như gạo. Nói chơi vậy chớ các anh yên trí, dễ gì phát hiện được ghe tôi, mình cũng phải trăm phương ngàn kế. Với lại lúc này mình đánh mạnh khắp chiến trường tinh thần tụi nó xuống dữ lắm, thuận lợi cho việc làm ăn nhiều của bà con.
Họ tiếp tục thêm chuyện thời sự, tình hình Mỹ-nguỵ thua to, lòng dân vùng bị chiếm đóng luôn hướng về cách mạng. Anh Bảy Dừa Khô sai con ra ghe xách vô hai con vịt quay ( của vợ vái cúng thiên địa, anh chị em khuất mày khuất mặt phù hộ cho chuyến đi an toàn) cùng can rượu nếp than bồi dưỡng anh em. Nhìn mức thuỷ triều xuống thấp, Lê Bảy gút lại:
- Chuyến gạo này trót lọt công nhờ anh Bảy khôn khéo, luồn lách giỏi, giữ đúng thời gian hợp đồng theo mật khẩu, anh Bảy về nói lại với gia đình thân thuộc: anh chị em quân giải phóng rừng Sác tụi tôi gởi lời thăm hỏi với lòng biết ơn. Nhớ nhắn giùm anh Sáu Ăn Chay, anh chị Tư Mập, ông già Ma-du, báo các ghe kia cũng sẵn sàng nhận thông tin tháng tới. Anh nhớ đóng cho được cái dấu tỉnh Phước Tuy để về Mỹ Tho khỏi bị làm khó dễ.
Họ bắt tay, ôm hôn nhau rồi cho ghe nổ máy rẽ sóng trong lúc trực thăng đầm già liên hồi soi mói trên đầu. Rừng đước thấm đậm màu xanh. Sông nước vẫn cứ mênh mông phẳng lặng dường như cũng vui lây với chiến sỹ đặc công rừng Sác, cùng với cơ sở chiến thắng sau trận đánh thầm lặng này. Đến bây giờ Lê Bảy cũng chưa biết rõ tên thật, nơi ở chính xác của những người con yêu nước đó. Những cái tên Bảy Dừa Khô, ông Ma-du, ông Sáu Ăn Chay chỉ là tên tự đặt ra để che giấu đề phòng bị lộ...họ chỉ cộng tác với nhau bằng niềm tin yêu của tấm lòng yêu nước, cùng nhau chống giặc ngoại xâm.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM