Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:12:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trong Vòng Lửa ( Dốc núi )  (Đọc 31897 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #10 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2012, 10:19:13 am »

...Tảng sáng. Sương mù chưa tan đã nghe tiếng gầm rú của xe tăng địch từ phía Đôn Chương. Tại khu vực các bản Cốc Sâu, Kép Ké phía trước trận địa phòng ngự của đại đội 2 lố nhố bóng bọn bộ binh địch đang bu đen xung quanh khu lò sấy thuốc lá của dân bản. Đại đội trưởng Bổn giơ ống nhòm quan sát và lệnh cho tổ đài vô tuyến sóng cực ngắn yêu cầu chuyển ngay bức điện cho tiểu đoàn đề nghị hoả lực bắn mạnh vào khu vực bọn địch đang tập trung quân. Chiến sĩ Định lập tức mã hoá bức điện và chuyển đi ngay. Nhận được yêu cầu của đại đội 2, tiểu đoàn trưởng Thêm và chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc lập tức hội ý. Đạn cố 82 đã sắp cạn nhưng vẫn phải bắn chi viện cho đại đội 2. Bây giờ bắn là phải tính từng viên và thật hiệu quả. Mười quả đạn cối 82 của đại đội 4 từ trên núi  rất chính xác rơi xuống chỗ địch đang tập trung quân. Những cột khói bốc lên mù mịt và tiếng kêu hoảng loạn của bọn địch ở khu vực Cốc Sâu, Kép Ké. Các chiến sĩ trên đài quan sát báo cáo ngắn gọn: "Đạn cối của ta bắn trúng mục tiêu!".
Trận địa của đại đội 2 vẫn im lìm. Sương mù bắt đầu tan dần. Bọn địch ở khu vực các bản Cốc Sâu, Kép Ké bắt đầu tổ chức tấn công. Những chiếc xe tăng đi đầu của địch đã xuất hiện. Tiếng xích sắt xoang xoảng ken két nghiến trên mặt đường. Có những tiếng hô khẩu hiệu và tiếng kèn đồng cổ vũ quân lính xung trận từ phía giặc vang lên. Tiếp sau đó là những loại đạn pháo và hoả lực của bọn chúng bắt đầu gầm lên dữ dội. Pháo mặt đất, pháo trên xe tăng của chúng thi nhau nhả đạn dìm toàn bộ quả đồi do đại đội 2 phòng ngự chìm trong khói lửa. Đất đá, khói lửa bốc lên trời cuồn cuộn, mịt mù.
Bọn địch bắt đầu xung phong. Những chiếc xe tăng địch phụt khói lao nhanh vào thị trấn như một đàn thú dữ xổng chuồng. Bộ binh địch đông nghẹt cả mặt đường, tràn xuống ruộng. Những bàn chân xâm lược đạp nát những thửa ruộng trồng cây thuốc lá của dân ta. Tiếng kèn sừng dê, tiếng kèn đồng tru lên từng hồi như tiếng hú của chó sói. Những tên giặc say máu gào lên những tiếng gọi nhau đánh giết người man dại.
Trận địa của đại đội 2 vẫn im lặng. Người chiến sĩ vệ quốc trong "toạ độ lửa" bình tĩnh hướng nòng súng rê theo bước chân của bầy sói đang tiến lại gần.
Chờ chúng vào sát chân chốt, các loại hoả lực của đại đội 2 mới phát hỏa. Các đơn vị xung quanh lập tức chi viện chặn đánh bọn địch, không cho chúng tràn vào thị trấn Sóc Giang đổ nát. Đạn từ mỏm đồi cửa hàng thực phẩm của đại đội 1 bắn ra. Từ mỏm Kéo Nghìn hoả lực của đại đội 3 trút xuống xiên chéo đội hình quân địch. Ác hiểm nhất là luồng đạn từ khẩu đội 12ly7 trên mỏm núi ở bản Cốc Sâu ngay giữa đội hình xuất phát của quân địch bất ngờ khạc lửa nhằm thẳng vào lưng, vào gáy bọn chúng. Đó là một khẩu đội 12ly7 của C16 trực thuộc trung đoàn. Các chiến sĩ khẩu đội 12ly7 này đã dũng cảm nằm im giữa đội hình của bọn giặc chờ đợi. Bọn giặc chúng sẽ không phát hiện ra nếu họ lặng lẽ trèo lên núi cao theo đường mòn rút đi. Nhưng các chiến sĩ khẩu đội này chỉ nằm im khi thấy địch tập trung quân xung quanh. Khi bọn địch bắt đầu tấn công vào thị trấn thì họ lập tức nhả đạn vào lưng chúng để chi viện cho tiểu đoàn 3 của chúng tôi.
Bọn địch phải tổ chức một đơn vị quay lại bao vây tiêu diệt khẩu đội 12ly7 đang bắn vào lưng chúng. Các chiến sĩ khẩu đội này đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Họ phá hỏng khẩu 12ly7 trước khi bọn địch xông đến. Một loạt tiếng nổ lục bục trên mỏm núi. Những quả lựu đạn cuối cùng nổ  ngay trên tay những người lính dũng cảm. Cả khẩu đội 12ly7 chết cùng những tên địch vừa lao đến.
Sau hai tiếng, trận chiến đấu trước cửa ngõ thị trấn Sóc Giang kết thúc. Tiếng súng lắng dần. Từ vị trí chỉ huy của tiểu đoàn trên Lũng Mật chúng tôi lo lắng tìm cách liên lạc với đại đội 2. Chiếc máy vô tuyến sóng cực ngắn kêu xèn xẹt mãi mới dò được sóng của chiếc máy đang đặt tại vị trí chỉ huy của đại đội 2. Đại đội 2 báo cáo: "Bốn xe tăng, hơn hai trăm tên địch bị tiêu diệt, xác chúng nằm chồng chất trên mặt đường, mặt ruộng. Ta có mười lăm đồng chí hy sinh và bị thương. Trung uý Trần Xuân Tường, học viên trường sĩ quan Chính trị hy sinh khi cùng hạ sĩ Trần Công Tân bò xuống sát mặt đường bắn cháy hai xe tăng và chiến đấu với bộ binh địch...".
Sau này tôi mới biết cụ thể về cái chết của hạ sĩ Tân. Anh đã tụt từ tuyến hào phía trên đồi xuống bờ đất sát mặt đường nhặt khẩu B41 của trung uý Tường vừa hy sinh và bắn cháy thêm một chiếc xe tăng địch. Anh trụ lại ở bờ đất cạnh bụi tre để tiếp tục đánh địch. Bọn địch bị bắn ngã như chuối đổ nằm ngổn ngang đầy mặt đường. Nhưng rồi nhiều tên đã lao lên ép người được vào bờ đất cao, tránh được hỏa lực bắn thẳng của ta. Chúng ném lựu đạn tới tấp lên phía sau bờ đất. Những quả lựu đạn xì khói lăn dưới chân Tân. Nhanh như chớp, Tân chụp những quả lựu đạn ném trả lại bọn địch. Có quả nổ ngay trên không, mảnh lựu đạn xối xuống lưng những tên đang ép vào bờ đất.
Quả lựu đạn cuối cùng Tân nhặt dưới chân mình, anh nắm chặt trong tay. Bọn giặc ào tới rất đông. Nhưng chúng bỗng kinh hoàng há hốc miệng nhìn anh. Tân đứng thẳng dậy. Từ bàn tay anh xoè ra một bông hoa lửa.
          Nghe tin Tân hy sinh, tôi cũng lặng người đi. Tân và tôi cùng nhập ngũ trong đợt tổng viên chuẩn bị cho chiến dịch cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, mùa Xuân 1975. Anh quê ở vùng lúa Thái Bình. Trước hôm xảy ra chiến tranh mấy ngày, gặp tôi ở thị trấn anh còn khoe vừa mới nhận được thư của vợ gửi lên báo tin sinh con trai. Thế là anh đã ngã xuống. Vĩnh viễn không bao giờ anh còn biết mặt đứa con vừa chào đời chưa tròn một tháng tuổi.
Buổi chiều hôm ấy, bọn địch chỉ bắn cầm chừng. Hình như chúng đang củng cố lại đội hình chuẩn bị cho một đợt tấn công quyết liệt hơn. Trung đội trưởng Lộc quan sát phía bản Cốc Sâu cẩn thận rồi gọi một chiến sĩ trong trung đội đang ôm súng ngồi dưới chiến hào:
- Nam ơi! Tao và mày xuống chỗ đoạn đường bọn địch nằm chết ngổn ngang kia kiếm một ít đạn và xem bọn chúng có lương khô, lương khiếc gì không. Đói lắm rồi mà không thấy nuôi quân đem cơm lên gì cả!
- Vâng! Để em đi trước.
Nam xách súng toài xuống chân dốc. Trung đội trưởng Lộc lập tức chuội người theo sát phía sau. Hai anh em lom khom nhặt mấy súng, gỡ lấy bao đạn và ba lô của bọn địch. Anh Lộc vừa kéo định gỡ cái ba lô trên lưng một tên nằm úp mặt vào thành ta-luy đường thì cái "xác" quay ngoắt lại. Tay nó vung lên. Anh Lộc hét:
- Lựu đạn đấy! Nằm xuống!
Rất nhanh, anh nhào người lăn về phía cái rãnh thoát nước ven đường phía ta-luy âm. Trước khi đổ người xuống, anh còn kịp quét găm một loạt đạn AK vào tên giặc giả chết. Cánh tay của thằng giặc vừa vung lên liền rũ xuống. Quả lựu đạn tuột khỏi tay nó rơi xuống mặt đường lăn ngược trở lại chỗ nó đang nằm. Một tiếng nổ vang lên. Khói bụi đất cát văng mù mịt. Anh Lộc lồm cồm nhỏm dậy gọi:
- Nam ơi... Nam...
- Em đây... em vẫn an toàn, anh có việc gì không?
Nam vừa chui ra từ trong bụi cây xấu hổ dưới mép đường lên vừa đáp. Anh Lộc bảo:
- Tao không việc gì! Mẹ cha thằng giặc khốn kiếp... suýt nữa thì toi mạng oan với nó... Thôi, rút ngay!
Trung đội trưởng Lộc và Nam vội leo lên trận địa. Vừa chui vào trong hầm, Nam đã vội mở hai cái ba lô lấy được của bọn địch. Chả có cái gì ngoài mấy bộ quần áo cũ và cái bi đông cạn khô. Nam dốc ngược một chiếc ba lô. Hai củ khoai lang sống từ túi cóc ba lô lăn ra nền đất. Có một củ đang ăn dở. Chắc thằng giặc đói vừa mới cướp được ở bản Cốc Sâu. Nam bực bội chưởi đổng:
- Mẹ kiếp! Cái đồ nghèo kiết xác, chết đói mà cũng đòi đi xâm lược!
Trung đội trưởng Lộc bật cười bảo:
- Thôi lại đành nhai gạo sấy vậy!
Anh mở ba lô của mình lấy ra một túi ni-lông còn chút ít gạo sấy. Từng người lần lượt thò tay vốc một nhúm ngậm vào trong miệng. Rồi họ chuyền tay nhau cái bi đông đựng nước suối, mỗi người tợp một ngụm. Họ ngậm nước suối và gạo sấy trong miệng một lúc chờ cho hạt gạo trương lên, mềm đi rồi bắt đầu nhai cho đỡ đói. (Nếu bạn đọc muốn biết thứ gạo sấy mà những người lính chúng tôi đã được cấp phát để ăn trong chiến tranh ngày ấy như thế nào thì có thể tự mình làm thử. Bạn hãy lấy một ít cơm nguội ném vào nước lạnh cho nó trương lên, hoặc vớt một ít cơm còn lại trong chậu sau khi rửa bát ăn thử là biết. Gạo sấy của người lính biên cương giống hệt như vậy. Hi...hi...).
...
(còn nữa)
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #11 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2012, 01:53:27 pm »

...Gần cuối buổi chiều, bọn địch tổ chức thêm một đợt tấn công nhưng có vẻ không quyết liệt lắm. Thêm hai chiếc xe tăng địch bị bắn cháy. Một chiếc nổ dữ dội, chắc là trong xe còn nhiều đạn pháo nó chưa kịp bắn. Bộ binh địch hình như không phải là sẽ đánh lên trận địa của ta. Chúng tiến chậm chạp sau xe tăng là để lôi xác đồng bọn bị chết từ đợt tấn công buổi sáng về phía sau. Phát hiện ra hành động này của bọn địch, đại đội trưởng Bổn hạ lệnh cho toàn đại đội ngừng bắn. Anh muốn tạo điều kiện cho bọn giặc đem xác chết đồng bọn ra khỏi trận địa.
Bọn giặc thấy hoả lực của ta lắng đi vội lao vào lôi xác đồng bọn chạy ra xa. Chúng xếp những xác chết thành hàng lối như một đội hình thẳng hàng trên con đường phía trước thị trấn. Quan sát hành động của chúng, các chiến sĩ trên trận ai cũng ngạc nhiên thắc mắc, không hiểu vì sao. Họ nhao nhao gọi hỏi nhau:
- Chúng nó định làm cái gì vậy?
Từ nãy đến giờ đại đội trưởng Bổn vẫn chú ý quan sát địch. Nghe mọi người hỏi, anh thủng thẳng bảo:
- Chắc bọn chúng quyết tâm tiến vào thị trấn Sóc Giang bằng con đường của những xác chết đấy! Chúng nó sẽ được toại nguyện!
Các đơn vị của trung đoàn cũng bắt đầu rút lui lên dãy núi mà tiểu đoàn 3 chúng tôi đang đứng chân. Cơ quan hậu cứ của trung đoàn bộ bị bọn địch đánh tập hậu. Chính uỷ trung đoàn, thiếu tá Nguyễn Đệ đã chỉ huy bộ đội cố thủ trong hang suốt ba ngày. Khi bọn địch chiếm được cửa hang, chúng đã dùng cả tấn thuốc nổ đánh sập cửa hang, chôn sống hơn chục cán bộ, chiến sĩ ta trong đó. Nghe tin này chúng tôi ai cũng rất đau xót, căm thù quân giặc.
 Được giao nhiệm vụ dẫn tiểu đội đi đón đội hình của trung đoàn bộ rút lui lên Lũng Mật, tôi thấp thỏm cả buổi chiều. Không biết ai còn sống, ai đã hy sinh. Tôi quen thân rất nhiều anh em trên cơ quan trung đoàn bộ. Trời chưa tối, ăn vội nắm cơm, anh Thọ, trợ lý tham mưu tiểu đoàn đã gọi bộ phận đi đón cơ quan trung đoàn bộ lên đường. Anh dẫn chúng tôi tụt xuống núi. Theo hiệp đồng, chúng tôi sẽ chờ ở khu vực Mỏ Nước, chân núi đá. Sương mù bắt đầu buông xuống, không còn nhìn rõ khu núi đất và điểm cao 505 mà bọn địch đang phòng ngự nữa. Bộ phận cơ quan trung đoàn bộ sẽ lợi dụng đêm tối và sương mù dày đặc cắt qua dãy núi đất phía nam cao điểm 505, vượt qua con đường xuôi Mỏ Sắt và cánh đồng hẹp sang dãy núi đá.
 Chúng tôi ém quân tại khu vực Mỏ Nước chân núi đá phía bên này cánh đồng. Bộ đội ẩn nấp sau các mô đá nhấp nhô không để bọn địch đang đi lại trên con đường đất bên kia cánh đồng phát hiện, và cũng tránh đạn pháo địch thỉnh thoảng lại bắn hú hoạ từ cao điểm 505 sang sườn núi đá. Nhìn những ánh đèn và tiếng gầm rú của các phương tiện xe máy của địch chúng tôi lo lắm. Không biết các cán bộ, chiến sĩ cơ quan trung đoàn bộ có vượt qua đường an toàn không. Càng về khuya, sương càng lạnh. Con đường bên kia cánh đồng bọn địch đi lại thưa hơn. Chúng tôi căng mắt quan sát và dỏng tai lên nghe từng động tĩnh từ phía bên kia con đường đất. Không nói ra nhưng ai cũng thấy bồn chồn, lo lắng. Có lẽ đã sang ngày hôm sau. Có tiếng gà xao xác gáy. Đang sốt ruột căng mắt ra quan sát thì trợ lý Thọ lần đến chỗ tôi thì thào thông báo:
 - Có tín hiệu bắt liên lạc rồi! Ông chuẩn bị cho anh em đón và giúp khiêng cáng thương binh, mang vác giúp trang bị nhé!
 - Vâng! Anh cứ yên tâm, tôi bố trí đâu vào đó rồi.
 Những bóng người lờ mờ hiện ra trong sương. Chúng tôi rời các mô đá ào ra. Không có thương binh nặng phải khiêng cáng, chỉ có một số thương binh nhẹ còn đi được. Các chiến sĩ đi đón dìu thương binh, dẫn các cán bộ trung đoàn lẩn vào ngay khe núi, khuất sau những gộp đá to.
 Chợt nhìn thấy một bóng người nhỏ bé có vẻ lật bật đi cuối đội hình, tôi khẽ hỏi:
 - Đồng chí nào chậm chạp thế! Nhanh lên. Nó bắn pháo sang bây giờ!
 - Em... em... là... Ôi! Ai như anh Hà đấy phải không ạ?
 Tôi cũng đã nhận ra người quen. Tôi liền chạy đến lập bập hỏi:
 - Mai... Mai hả!
 - Vâng, là em đây anh ơi!
 Một ánh lửa đề-pa của pháo địch sáng loé lên. Tôi vội kéo Mai vào phía sau gộp đá. Tôi đưa tay gỡ cái ba lô Mai đang đeo để mang giúp em. Tay tôi chạm và bờ vai tròn của cô gái. Mai để tôi mang giúp cái ba lô của mình. Tôi không giấu nổi niềm vui:
 - Gặp em rồi! Mừng quá...
 - Em cũng mừng... nhưng... hu hu... chị... chị... Nhung hy sinh rồi anh ơi...   
 
        Tôi lặng người đi khi nghe tin Nhung hy sinh. Tôi và Nhung cùng quê, cùng nhập ngũ, lại cùng ở đơn vị với nhau kể từ ngày vào bộ đội đến giờ. Nhung là văn thư của trung đoàn. Thỉnh thoảng lên trung đoàn bộ công tác, tôi vẫn ghé thăm Nhung. Nhất là từ khi Mai về cùng bộ phận với Nhung. Mai vẫn tự nhận là em gái tôi. Mai quê ở Yên Phong, Hà Bắc. Tôi quen Mai từ ngày em nhập ngũ. Đó là đầu năm 1978, khi ấy tôi còn ở cơ quan trung đoàn bộ. Tôi được đi cùng các cán bộ đại đội thông tin về Hà Bắc tuyển quân. Đơn vị tôi nhận tân binh ở huyện Yên Phong. Trong số các chiến sĩ nam nữ sẽ biên chế về cơ quan trung đoàn bộ tôi chú ý đến một cô bé nhỏ có khuôn mặt trái xoan và đôi mắt rất sáng. Nhận quân trang mới, mặc dù cô bé này đã phải xắn lên một gấu, ống quần vẫn dài quét đất. Tôi trêu:
 - Hay là cho em về nhà để mẹ cắt bớt nửa ống quần đi cho vừa.
 - Đừng coi thường nhé! Vào bộ đội vài hôm là em sẽ lớn thôi!
 Cô bé láu lỉnh cự lại. Lúc giục mọi người lên xe để hành quân về đơn vị, tôi thấy cô bé này đang đứng với một chị phụ nữ còn rất trẻ. Nhìn hai người rất giống nhau, tôi đoán là hai chị em. Tôi bảo:
 - Đồng chí nữ tân binh thôi khóc nhè, chùi mũi rồi chào chị đi để còn lên đường về đơn vị nào!
 Cô bé trợn mắt:
 - Đây là mẹ em chứ!
 Tôi lúng túng vì sự nhầm lẫn. Mẹ cô gái cười dặn:
 - Nhờ chú quan tâm giúp đỡ em Mai với nhé! Tính nó còn trẻ con lắm...
 Mai nũng nịu giật giật tay mẹ. Hai mẹ con cùng lau mắt khi chia tay nhau.
 Từ đó tôi và Mai thân nhau. Mỗi lần gặp nhau Mai thường hay "đe" tôi: "Phải luôn nhớ giúp đỡ em Mai! Anh đã hứa với mẹ rồi đấy nhé!". Hết thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, Mai được điều động về ban hành chính trung đoàn, cùng bộ phận văn thư bảo mật của Nhung.
...
(còn nữa)
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #12 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2012, 10:57:00 am »

...Trung đoàn hành quân lên tuyến trước, các tiểu đoàn đóng quân cách xa trung đoàn bộ. Mỗi lần có việc lên trung đoàn tôi đều tạt qua thăm Mai. Gặp nhau, Mai khoe đủ chuyện. Nhất là chuyện quê hương. Mai vẫn bảo: "Khi nào ra quân anh về thăm quê em vào dịp đầu mùa Xuân, em sẽ đưa anh đi hội Lim!".
 Từ khi cơ quan trung đoàn bộ rút lui lên Lũng Mật, tình hình lương thực, nước uống càng thêm khó khăn. Chúng tôi phải vừa củng cố trận địa phòng ngự vừa tổ chức đột nhập xuống chỗ bọn địch đã chiếm để tìm kiếm lương thực, lấy nước uống.
  Một đêm, đơn vị tổ chức một bộ phận bí mật xuống bản Nà Liền tìm lương thực. Mai và một số anh chị em cơ quan trung đoàn cũng cùng đi. Trăng đêm mờ đục bởi mây mù dày đặc. Chúng tôi tổ chức đội hình thành từng tốp nhỏ đi cách nhau một đoạn đề phòng bị địch phục kích. Bản Nà Liền hoang tàn sau những trận pháo kích và đốt phá của bọn địch. Trong những căn nhà sập đổ, tìm được thứ gì chúng tôi lấy thứ nấy, gạo, ngô, đậu tương, lúa của đồng bào bó để trên gác bếp. Lúc quay trở về, theo sự phân công của người chỉ huy chung, tôi lùi lại phía sau chờ mọi người lên hết dốc mới rút theo. Tôi ôm súng nép vào hòn đá to giữa suối cảnh giới.
 Mọi người vượt qua con suối nhỏ, bắt đầu leo lên dốc. Chờ một lát, ước chừng tất cả đã vượt qua khỏi đoạn dốc trống trải, tôi mới khoác cái ba lô đựng ngô lên vai rời khỏi vị trí cảnh giới. Vừa định băng qua suối thì có tiếng gọi nho nhỏ ngay sau mô đá, sát chỗ tôi đang đứng:
 - Anh Hà ơi!
 Nhận ra tiếng người gọi, tôi quay lại:
 - Mai hả! Sao tụt lại xa đội hình thế! Mau vượt lên dốc đi. Ba lô nặng quá đưa anh mang bớt cho!
 - Không nặng đâu! Nhưng anh chờ em một tý nhé!
 - Có việc gì vậy! Rút nhanh kẻo nó bắn pháo sang nguy hiểm lắm!
 Tôi vừa nói vừa nhìn về phía thị trấn, nơi những căn nhà đang cháy rừng rực, thỉnh thoảng ánh lửa đầu nòng pháo của địch lại lóe lên.
  Mai thì thào:
        - Anh... cảnh giới cho em... tắm một tý nhé! Đã mấy ngày rồi... trên núi làm gì có nước?
        Đúng là trên núi đá vôi cằn cỗi nước uống còn chả đủ làm gì có nước mà tắm. Có vị trí tổ chức việc phòng ngự rất tốt, dễ đánh chặn đánh bọn địch tấn công lên núi nhưng mạch nước cạn mất đơn vị đành phải rút đi chỗ khác.
 Nghe Mai nói vậy, tôi gàn:
 - Nước suối lạnh lắm. Đi thôi em!
         - Mặc kệ!
        Mai nói và trút hết quần áo, để trên mô đá rồi lội xuống suối ngay sát chỗ tôi đang đứng. Bất ngờ mặt trăng ló ra chỗ mây thưa. Cơ thể ngọc ngà của Mai lồ lộ dưới ánh trăng. Mai đưa hai bàn tay bưng lấy ngực rồi từ từ dìm người xuống dòng nước lạnh. Ánh trăng lấp loá trên đôi vai trần của em.
        Một lát sau Mai bước lên đứng cạnh tôi lặng lẽ mặc quần áo. Xong xuôi, Mai khẽ hích nhẹ vào vai tôi:
        - Chúng mình đi thôi!
        Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng trước vẻ đẹp thanh khiết, tròn đầy của cô gái giữa một đêm chiến tranh nơi góc rừng biên giới. Tiếng súng bên kia cánh đồng bỗng rộ lên. Tôi kéo Mai hối hả vượt qua khoảng dốc trống trải, lẩn nhanh vào sau những mô đá nhấp nhô như hình người đang đứng im phăng phắc trên sườn núi.
Tôi và Mai lần theo lối mòn ngược lên đỉnh núi. Ánh trăng tuy phải xuyên qua làn sương mù dày đặc nhưng vẫn soi rất rõ con đường ngược dốc nên chúng tôi đi không đến nỗi khó khăn lắm. Chỉ có điều là Mai sức yếu, lại chưa quen leo dốc núi cao gần như dựng đứng nên em đi rất chậm. Cứ đi được vài bước tôi lại phải dừng lại đợi. Cái ba lô của Mai chỉ có hơn chục bắp ngô lấy được ở bản và vài thứ nhẹ tênh nhưng em kêu mỏi vai. Tôi phải chuyển dần các thứ của em sang ba lô của tôi. Lên đến đỉnh dốc thì Mai chỉ còn đeo độc một khẩu súng trên vai.
       Về đến gần vị trí trú quân thì Mai giữ tôi lại và bảo:
       - Sắp sáng rồi! Chúng mình vào chỗ nào ngồi với nhau một lát. Ngày mai bộ phận của chúng em sẽ rút lui sang Nguyên Bình trước rồi. Từ hôm gặp nhau đến giờ, anh em mình chưa ngồi nói chuyện với nhau lần nào!
       Tôi và Mai tạt vào một hẻm núi đá gần bên lối đi. Chúng tôi cùng ngồi dựa lưng vào một hòn đá lớn. Đang thì thầm kể đủ thứ chuyện thì Mai chợt kêu lên:
       - Anh ơi! Em lạnh quá!
       - Đã bảo là nước lạnh lắm lại không nghe! Khéo mà bị nhiễm lạnh, cảm ốm ra trong lúc này thì nguy. 
       Tôi vừa càu nhàu vừa quờ chiếc ba lô của mình tìm cái vỏ chăn choàng lên vai Mai. Mai quấn chặt cái vỏ chăn ngồi thu lu trông nhỏ bé và yếu ớt quá. Hình như Mai chưa hết lạnh, em nói giọng run run:
       - Vẫn lạnh lắm! Anh... anh... ôm em đi cho ấm!
       Thấy tôi lúng túng chần chừ, Mai giục:
- Ôm em thật chặt vào... đi anh...
       Tôi lúng túng ngồi sát lại gần Mai. Mai mở cái vỏ chăn đang quấn quanh người cho tôi cùng đắp. Rụt rè một lúc tôi mới dám vòng tay trái luồn qua lưng Mai ôm lấy bờ vai em. Tôi hơi bất ngờ vì Mai không lạnh như em đã nói. Người Mai nóng rực.

       Mai ngả đầu vào vai tôi. Em nói, giọng buồn buồn:
       - Chiến tranh ác liệt quá! Bao nhiêu người ngã xuống rồi! Hôm trước, khi địch tập kích vào hang giữa lúc em đang đi lấy nước nên còn sống. Bọn chúng đánh sập cửa hang. Cứ nghĩ đến chuyện chị Nhung và mọi người vẫn còn sống mà bị đá bít mất cửa hang không ra được, chết đói, chết khát trong đó là em lại muốn khóc.
       Vai Mai rung rung. Tôi biết em đang cố nén để khỏi bật ra tiếng khóc. Tôi cũng không biết nói câu gì để an ủi Mai bây giờ. Mai lại thủ thỉ:
       - Em vẫn nhớ hôm trước anh và anh Lâm lên trung đoàn công tác đến chỗ em chơi. Em hứa là bao giờ chúng mình ra quân em sẽ đưa các anh đi trẩy hội Lim...
       - Nhất định rồi! Mùa Xuân sang năm chúng mình cùng về quê em đi hội Lim nhé?
       - Nhưng mà... chiến tranh chả biết thế nào!
       Nghe giọng nói Mai của sao mà buồn thế. Hai chúng tôi cùng im lặng hồi lâu. Mai vẫn ngoẹo đầu dựa vào vai tôi. Hơi thở của em nhè nhẹ phả vào cổ tôi âm ấm. Tôi nghĩ chắc Mai mệt quá đã ngủ thiếp đi. Chợt có một tiếng nổ khá lớn dưới thị trấn vọng lên. Mai hơi giật mình. Bàn tay em lần tìm bàn tay phải của tôi nắm chặt. Tôi thấy thương Mai quá. Con gái trong chiến tranh sao mà lẻ loi và khốn khổ đến thế. Mai vẫn giữ chặt tay tôi trong tay mình như sợ tôi đột nhiên biến mất. Bàn tay nhỏ nhắn của em như có lửa. Và thật bất ngờ, Mai kéo bàn tay tôi lên áp chặt vào khuôn ngực bên trái của mình. Tôi hốt hoảng khi nhận ra khuy ngực áo của Mai đã mở từ lúc nào. Bàn tay tôi chạm vào bầu ngực mịn màng, tròn trịa, ấm nóng của Mai. Tôi run cầm cập, định rụt tay lại nhưng Mai kéo giữ chắc bàn tay tôi áp vào ngực mình. Mai cứ giữ mãi bàn tay tôi như thế. Khi định thần, bình tĩnh lại, tôi cảm nhận được trong lòng bàn tay của mình con tim nhỏ bé của Mai đang đập nhoi nhói.
       Hai chúng tôi ngủ thiếp đi vì quá mệt mỏi sau bao ngày gian khổ, ác liệt.
       Khi tôi sực tỉnh thì trời đã sáng bạch. Mai vẫn ngủ rất ngon. Bàn tay em giữ tay tôi hơi lỏng ra. Tôi khẽ lựa rút bàn tay ra khỏi ngực Mai. Tôi run lên khi lần đầu nhìn thấy bầu vú tròn vo, trắng hồng của người trinh nữ. Trên đó còn in hằn dấu bàn tay tôi đã giữ chặt suốt đêm qua.
       Một cơn gió bắc ào vào thung lũng. Cái lạnh thốc vào hẻm núi làm Mai bừng tỉnh. Em ngước nhìn vào mắt tôi rồi nhìn xuống ngực mình. Đoạn em khẽ khàng gài lại khuy áo.
       Đến lúc chúng tôi phải về đơn vị. Mai ôm chặt lấy tôi như không muốn rời.
...
(còn nữa)
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #13 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2012, 01:08:01 pm »

Hề hề, đúng là tiểu thuyết lãng mạn, thi vị quá,  Grin
Logged

Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #14 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2012, 02:28:05 pm »

...Tối hôm ấy, cơ quan trung đoàn bộ rút đi. Hai ngày sau tôi nhận được một tin đau xót là Mai và một số chiến sĩ đã hy sinh trong đêm vượt vây tại huyện Thông Nông. Bọn địch phát hiện truy kích, Mai và mấy người nữa đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng chặn địch cho đơn vị rút lui.
Tôi bần thần, ngơ ngác mất mấy ngày liền. Tôi không tin là sẽ không bao giờ còn được gặp lại Mai nữa. Nhớ đến Mai từ lần gặp đầu tiên em đứng bên mẹ hôm nhập ngũ và nghĩ về cái chết anh dũng của em, tôi viết tặng Mai bài thơ "Tiếng gọi".
(bài thơ và lời dẫn đã đăng trên blog này-TB).
Tiếng gọi
Trước lúc hy sinh em cố gọi: "Mẹ ơi!"
Tiếng gọi chìm trong tiếng súng.
Tiếng gọi tắt nửa trên môi.
Người em gái tuổi chớm đôi mươi
Chưa một lần hò hẹn
Chưa biết đến nụ hôn
Em mang cả trinh nguyên về với đất.
Trái tim em đạn thù găm nát
Nỗi đau từ đó vỡ ra,
Tình yêu từ đó vỡ oà
Em gửi lại cho những người ở lại.
Chúng tôi đứng sát bên nhau
Nòng súng vươn cao lặng lẽ cúi đầu
Phút cuối cùng tiễn đưa người em gái.
Đặt một cành lá xanh
Trên nấm mộ gió mưa tê tái
Tôi chợt nghe như em vẫn còn gọi mãi:
"Mẹ... mẹ ơi!".
Cuối tháng bảy năm ấy, tôi và Lâm có quyết định về tập trung tại trường văn hoá của quân khu để ôn thi đại học. Sau trận đánh nhử địch vào bãi mìn ở mỏm Đầu Bò, Lâm chạy thoát được về phía nam điểm cao 505. Gặp một đại đội của tiểu đoàn 2, Lâm đã theo đơn vị này chiến đấu ở mạn Cao Bình, Hoà An. Sau chiến tranh, Lâm tìm trở về đơn vị cũ.
Trước khi rời Cao Bằng về xuôi, tôi và Lâm đến thăm nơi Mai đang yên nghỉ.
Quỳ trước mộ của Mai, tôi đọc bài thơ thứ hai này cho em nghe.
Thôi em ở lại
Vậy thôi em ở lại,
Bọn anh ngày mai về xuôi.
Hôm lên chúng mình có ba người
Một mình em con gái
Quê em ở bến sông Cầu.
Em nói ngày ra quân năm sau
Đưa bọn anh về làng Lim đi hội
Nghe quan họ hát thâu đêm...
Thế mà bây giờ chỉ một mình em
Ở lại đây với núi rừng biên giới.
Trận đánh ấy vô cùng dữ dội
Giữa vòng vây quân giặc trùng trùng
Quả lựu đạn cuối cùng
Trên tay em chớp lửa
Quân thù kinh hoàng, tơi tả,
Em hoá thân vào trời đất bao la,
Nên ngày về xuôi chẳng còn đủ ba
Khuyết mất người em gái nhỏ.
Hai đứa anh ngồi bên nấm mộ
Bùi ngùi dặn em trước lúc chia tay:
"Thôi em ở lại đây
Với chập trùng núi đá
Với bạt ngàn hoa lau,
Để mùa Xuân trên bến sông Cầu
Thiếu một người đội nón quai thao đi hội...".
Đọc xong, tôi liền châm lửa đốt tờ giấy chép bài thơ thay một nén nhang tưởng nhớ người liệt nữ. Bài thơ cháy bỏng trên tay tôi.
Đúng một năm sau, tôi về học ở Trường sĩ quan Chính trị tại Bắc Ninh. Lần đầu tiên đi Hội Lim, giữa dòng người trẩy hội đông nghẹt, tôi lại nhớ đến Mai. Tôi cứ nghĩ là em đang đưa tôi đi xem hội. Em vẫn ở đâu đó quanh đây, giấu khuôn mặt xinh đẹp sau vành nón nhỏ và sẽ bất ngờ xuất hiện ngay bên cạnh tôi với ánh mắt sáng long lanh, nụ cười tinh nghịch trên môi...
Và, tôi đã viết cho em bài thơ thứ ba này.
(bài thơ đã đăng trên blog này-TB)
Hội Lim tôi lại đi tìm
Hội Lim tôi lại đi tìm
Mong sao gặp ánh mắt em hôm nào,
Trốn sau vành nón quai thao 
Thoảng nghe tiếng gọi ngọt ngào: "Người ơi..."
Hội đông, người chạm vai người
Không em tôi vẫn lẻ loi một mình
Cô đơn khóm trúc đầu đình
Buồn trông liền chị, liền anh dập dìu
Đêm cho câu hát liêu xiêu       
Tay nâng vạt áo bao nhiêu hẹn hò.
Riêng tôi mong sự bất ngờ
Biết đâu hội tự bao giờ đã tan...?.
Những ngày chúng tôi ở Lũng Mật thật là khốn khổ. Thiếu lương thực. Thiếu nước. Vách núi đá vôi khô khốc. Chỗ khe đá có nhiều cây nhất Lũng Mật nước hơi ri rỉ ra cả ngày được độ vài xô nước. Khi bộ đội chưa lên bà con ở Lũng Mật thường dùng nước mưa là chủ yếu. Nước mưa được hứng cho chảy vào các bể xây bằng xi măng. Bể nào to cũng chỉ độ một mét khối. Bây giờ bộ đội và dân chạy loạn kéo lên cả trăm người thì lượng nước dự chữ của bản cũng cạn dần. Buổi tối chúng tôi phải tụt xuống tận dòng suối chỗ Mỏ Nước để lấy nước. Từ hôm bọn biệt kích phát hiện bắn chết mấy chiến sĩ và một cô thanh niên xung phong thì việc đi lấy nước phải tạm dừng lại.
...
(còn nữa)
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
tung677
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 608



« Trả lời #15 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2012, 09:37:53 pm »

Cảm ơn bạn của tôi Mr . Ngan,tôi lại được sống với các địa danh đã gắn bó suốt đời quân ngũ,càng đọc càng thấy hay...càng đọc lại càng thấy máu trong người như nóng lên,chỉ muốn xông lên chia lửa cùng đồng đội,tiêu diệt hết quân TQ xâm lược !bọn khốn nạn !bài viết rất thật,xát với thực tế...rất tình người...càng đọc càng thương cô Mai....
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Tám, 2012, 09:44:22 pm gửi bởi tung677 » Logged
Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #16 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2012, 11:09:45 am »

Ừ, đúng thế Tunge677 ạ, khi mới bắt đầu đọc "Dốc núi" của bác Trọng Bảo, tôi cũng có những cảm xúc y như bạn...
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #17 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2012, 11:12:18 am »

...Nằm ở các khe đá, hoặc giữa các mô đá mồ côi nhấp nhô trong thung lũng, một anh thương binh nằm trong khe đá tỷ mẩn quan sát những cây dương xỉ bám trên đá. Anh thấy những cái rễ loà xoà trùm lên hòn đá có những nốt phồng to như hạt lạc. Anh rứt nhấm thử, thấy có nước và vị ngọt. Thì ra những cây dương xỉ trên núi đá vôi khác hẳn những cây dương xỉ sống ở khu vực núi đất và trong khe suối ẩm ướt. Những nốt sần treo lủng lẳng trên rễ của cây dương xỉ trên núi đá vôi quanh năm khô cằn chính là cái túi dự chữ nước của nó. Thiên nhiên khắc nghiệt đã bắt buộc sinh vật có cách thích nghi để tồn tại.
Người lính ấy đã gào lên:
- Nước... có nước rồi chúng bay ơi... ha... ha...!
- Thôi chết! Thằng này đau quá mê sảng rồi!
Mọi người xúm lại cứ ngỡ anh ta mệt và khát quá nên mê sảng. Anh đưa ra một nắm những hạt sùi của cây dương xỉ bảo mọi người nếm thử. Và, thế là thật tình cờ, chúng tôi phát hiện ra một nguồn nước tuy không thể nấu cơm, rửa vết thương cho thương binh nhưng lại có thể giải khát. Chúng tôi bứt những cái nốt sần của cây dương sỉ nhai cho đỡ khát. Quả là một nguồn nước vô tận của người lính trong vòng vây quân thù. Một nguồn nước nhỏ nhoi nhưng thật là quý giá.
Những ngày ở Lũng Mật, chúng tôi chủ yếu ăn gạo sấy. Đó là loại gạo đã được rang chín đóng trong túi ni-lông. Lẽ ra có nước sôi đổ vào thì ăn sẽ ngon hơn. Nhưng chúng tôi không nấu được nước để lỡ khói bốc lên lộ vị trí giấu quân. Vì thế, gạo sấy chủ yếu pha bằng nước lã. Ăn thứ gạo sấy này giống hệt như cơm nguội ném vào nước lạnh cho trương lên, hoặc tựa như những hạt cơm còn sót lại trong chậu sau khi rửa bát. Nó nhạt nhẽo. Nhưng trong vòng vây của kẻ thù có được một chút gạo sấy là may lắm rồi.
Một sáng, tôi đang ngủ sau một đêm đi bám địch thì chợt tỉnh vì nghe tiếng quát, tiếng khóc ở ngay hốc đá bên cạnh. Tôi bật dậy xách súng trèo qua gộp đá sang xem có chuyện gì.
Anh Thành, trung đội trưởng trung đội vận tải đang quát hai cô gái:
- Các cô là ai! Tại sao các cô lại chui vào đây?
- Chúng em là thanh niên xung phong... lạnh quá nên...
Hai cô gái ôm vai co ro ngồi gục đầu khóc nức nở.
Tôi nhận ra đó là hai nữ thanh niên xung phong mà bộ phận bám địch tối hôm qua tìm thấy dẫn về cùng một số bà con các bản bị bọn địch truy đuổi chạy lên núi tìm theo bộ đội. Tôi liền nói để trung đội trưởng Thành hiểu. Nét mặt trung đội trưởng Thành dịu đi. Các chiến sĩ xúm lại hỏi chuyện. Thì ra, khi lên tới Lũng Mật đã gần sáng, hai cô bé này mệt và buồn ngủ quá liền chui bừa vào một hốc đá chỗ có các chiến sĩ đang nằm định ngồi nhờ cho đỡ rét. Thấy có mấy người đang trùm chăn nằm ngủ hai cô bé liền ôm nhau nằm cạnh. Họ kéo cái chăn họ đang trùm đắp ké cho đỡ lạnh. Sáng ra, hai cô bé mới biết là suốt đêm qua họ đã nằm cùng các liệt sĩ khi trung đội trưởng Thành và mấy chiến sĩ vận tải đến để chuẩn bị việc mai táng. Hai cô bé thanh niên xung phong sợ tái nhợt cả mặt mũi. Bây giờ các cô mới hiểu thảo nào cả đêm nằm sát các anh mà vẫn cứ lạnh và lạ nhất suốt đêm chả thấy ai trở mình cục cựa lần nào. Cả hai lại cứ nghĩ là các anh mệt quá nên ngủ chìm đi.
Rõ mọi chuyện, tôi tìm cách an ủi:
- Đừng sợ! Đó đều là đồng đội của chúng ta cả thôi. Các anh ấy vì Tổ quốc mà hy sinh chẳng có gì phải sợ cả.
- Đúng vậy! Hôm qua, tôi còn cõng các anh ấy cả buổi leo lên núi. Chắc là nhờ các anh ấy phù hộ cho nên bị địch bắn mấy lần vẫn thoát đấy!
Một chiến sĩ tiếp lời. Mỗi người một câu động viên an ủi. Hai cô bé thanh niên xung phong đã hơi hoàn hồn. Nhìn hai cô bé nét mặt bơ phờ, đầu tóc rối tung, quần áo mong manh tả tơi tôi thấy thương quá. Có lẽ hai cô bé này chỉ trạc tuổi em Mai. Tôi liền đề nghị:
- Ai còn mang theo được hai bộ quần áo thì san sẻ cho hai cô này một chiếc.
- Có... có...
Mấy chiến sĩ vội lục ba lô. Người cho cái quần, người thì cho cái áo, cái khăn mặt. Hai cô bé mỗi người có thêm một bộ quần áo nữa. Họ mặc vào bớt rét nên đỡ run rẩy hơn. Nét mặt hai cô bé có vẻ tươi tỉnh lại một đôi chút. Tôi đưa cho hai cô một cái vỏ chăn và bảo:
- Cầm lấy, tối ngủ hai người đắp chung cho đỡ rét.
- Nhưng anh cho chúng em rồi thì anh lấy cái gì để đắp...
- Yên trí! Đã có cái này rồi...
Tôi nói và rút từ trong ba lô ra một cuộn vải còn mới tinh lòng thòng những cái đai may sẵn rồi cười bảo:
- Đây là một tấm vải liệm đã may sẵn để liệm người hy sinh, bọn anh được cấp phát để dùng trong chiến đấu. Khi chưa phải dùng đến thì anh dùng đắp tạm cho đỡ rét. Mong rằng mình sẽ được sự dụng nó để đắp cho đến hết chiến tranh mà không phải dùng đến nữa.
- Ôi trời...
Hai cô bé tròn mắt nhìn tấm vải liệm tôi đang cầm trên tay. Nó giống hệt những tấm vải liệm mà các chiến sĩ trung đội vận tải đem đến để chuẩn bị gói ghém các liệt sĩ đang để trong hốc núi. Tuy vậy, các cô cũng có vẻ đỡ sợ hơn sau một đêm đã nằm cùng những người đã chết. Hai cô bé giúp các chiến sĩ trung đội vận tải khâm liệm các liệt sĩ để đưa đi mai táng.
Qua trò chuyện chúng tôi biết tên hai cô bé thanh niên xung phong. Một người tên là Ngọc, một cô tên là Thuỳ. Cả hai đều là sinh viên cao đẳng ở thành phố Thái Nguyên. Hai cô bé cùng rất nhiều bạn bè hăng hái xung phong lên phục vụ chiến đấu ở biên giới. Đội thanh niên xung phong của các cô đóng ở mãi phía sau. Mấy ngày đầu cuộc chiến các cô đã vác đạn lên trận địa cho bộ đội, khênh cáng thương binh về tuyến sau. Nhưng rồi tuyến sau lại bị quân địch tấn công trước. Chúng tràn vào doanh trại của đội thanh niên xung phong bắt hàng chục cô gái lột hết quần áo, cưỡng hiếp rồi dùng lưỡi lê đâm chết rồi quăng xác xuống giếng. Một số bị tra tấn rất rã man và bị đưa đi đâu không rõ... May hôm địch xông vào doanh trại Ngọc và Thuỳ đang đi cáng thương binh về chậm nên thoát chết. Hai cô bé nấp ở trên đồi nhìn bọn giặc làm nhục và giết hại các bạn mình cắn môi đến bật máu mà không dám khóc. Chờ đến tối, hai cô bé này chui ra khỏi chỗ ẩn nấp dắt nhau chạy về hướng dãy núi đá tìm bộ đội của ta. Hai người gặp được một số người dân và được bộ phận đi trinh sát nắm tình hình địch của tiểu đoàn tôi đưa lên Lũng Mật.
Hai cô bé vừa kể lại mọi chuyện vừa khóc. Họ khóc khi nói về đồng đội và cho cả những người lính chiến vừa được vùi dưới lớp đất mỏng không có một nén nhang, không một bông hoa trên mộ chí.
...
(còn nữa)
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #18 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2012, 02:06:59 pm »

...Sau khi mai táng các liệt sĩ về, Ngọc và Thuỳ được gọi lên bổ sung vào bộ phận nuôi quân của tiểu đoàn. Hai cô bé này đã đi cùng với đơn vị chúng tôi cho đến hết chiến tranh. Khi nhìn hai cô bé, thắt lưng gài lựu đạn, vai đeo cái ba lô tự tạo làm bằng cái quần dài hai ống buộc túm lại giống hệt các chiến sĩ khi rút lui khỏi trận địa phòng ngự, tôi cười bảo:
- Hai em đã là chiến sĩ thực sự rồi đấy nhé!
- Chúng em sẽ cố gắng anh ạ!
Tôi dặn:
- Trong tình huống nào cũng phải cố mà bám bằng được theo bộ đội nhé!
Cả hai gật đầu. Nhớ đến Mai, tôi lại cầu mong cho hai cô bé sẽ bình an để được trở về với mẹ, tiếp tục học hành. Trong đêm vượt vây Ngọc và Thuỳ đã cứu được một em bé. Đó là hôm đơn vị rút sang Nguyên Bình, Ngọc và Thuỳ đi phía sau đội hình có nhiều bà con đồng bào các bản. Đoàn người gồng gánh, bế bồng con cái bám theo bộ đội vượt đường quốc lộ. Giữa lúc cả đoàn người đang âm thầm len lỏi đi dưới chân điểm chốt của địch thì xảy ra sự cố. Một đứa trẻ chưa đầy tháng mà người mẹ trẻ đang ôm trên tay bỗng giật mình bật lên tiếng khóc. Tiếng khóc của một sinh linh chưa hiểu chiến tranh và sự hiểm nguy là gì. Người mẹ trẻ ấy sợ bọn địch phát hiện ra đội hình đang vượt vây sẽ dẫn đến cái chết của hàng trăm người nên vội vàng lấy khăn bịt miệng con không cho khóc nữa. Lúc sang đến bên kia cánh đồng thì đứa bé ngừng thở. Tưởng đứa con chưa đã chết, người mẹ ấy vội đặt con vào hốc đá rồi dắt đứa lớn chạy theo đoàn người. Đứa trẻ số không chết. Khi được đặt xuống đất lạnh, nó dần tỉnh lại. Ngọc và Thuỳ đi gần cuối đội hình chợt nghe tiếng trẻ con khóc bèn quay lại tìm. Ngọc liền cởi áo bọc đứa trẻ ôm chạy theo bộ đội. Nhận lại đứa con từ tay hai cô nữ thanh niên xung phong, người mẹ ấy cứ khóc mãi
Khi sương mù vừa tan thì tiếng súng nổ chát chúa khắp Lũng Mật. Đó là tiếng súng 12ly7 và tiếng cối 60. Thung lũng mù mịt lửa khói. Tiếng kêu hoảng loạn của nhiều người vang lên.
Khi xác định được hướng bắn của bọn địch chúng tôi càng sợ. Bọn địch đã vác được súng 12ly7, đại liên và cối 60 lên một mỏm núi cheo leo dốc đứng đầu Lũng Mật mà từ đây chúng có thể khống chế toàn bộ Lũng Mật. Bọn này chắc chắn phải là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của quân địch.
Chúng tôi vội ép người sau các mô đá chống trả. Nhưng có nhiều người nấp sau mô đá vẫn bị trúng đạn của bọn đang ngồi trên cao. Những viên đạn bắn tỉa của chúng xỉa xuống khá chính xác. Tiểu đoàn trưởng Thêm và chính trị viên Hoàng lệnh cho các đơn vị vượt qua đoạn dốc yên ngựa rút đi. Nhưng nếu không khống chế được hoả lực địch trên mỏm núi đầu Lũng Mật thì đội hình leo lên dốc sẽ làm những tấm bia sống cho bọn giặc thử súng.
Trong lúc tình hình vô cùng nguy ngập ấy, đại đội trưởng Bàng đi đến một quyết định táo bạo. Anh lệnh cho một khẩu đội 12ly7 vòng ra phía sau lưng địch. Họ leo lên một mô đá trống trải phơi mình ra cho bọn bắn tỉa. Nhưng từ đây họ có thể dùng hỏa lực mạnh bắn thẳng lên mỏm núi bọn địch đang đặt hoả lực khống chế bộ đội ta ở Lũng Mật.
Khẩu 12ly7 do đại đội trưởng Bàng chỉ huy bắt đầu lên tiếng. Đạn 12ly7 nổ choang choác xả vào vị trí của bọn địch. Bị bất ngờ, bọn địch trên mỏm núi lúng túng. Chúng phải quay súng về phía mô đá. Lợi dụng cơ hội đó, tiểu đoàn trưởng Thêm lệnh cho các bộ phận nhanh chóng vượt qua dốc yên ngựa rút sang thung lũng bên cạnh. Chúng tôi chạy gằn trên đoạn dốc trống trải, vừa chạy vừa tránh đạn địch. Đó là một cuộc chạy đua với cái chết thực sự. Cứ chạy một đoạn chúng tôi lại nằm sấp xuống mặt đường tránh đạn. Đạn bắn xối xả, khói bụi mù mịt. Vẫn có những người bị trúng đạn chới với ngã gục xuống mặt đường hoặc lăn nhào xuống sườn núi. Linh tính hình như giúp tôi thoát khỏi những loạt đạn bắn đuổi của bọn địch. Tôi đeo ba lô, xách súng, chạy ngược dốc. Cứ chạy được một đoạn khi tôi vừa nằm ép xuống mặt đường thì đạn lại bắn chiu chíu ngay sát trên lưng, lá cây ven đường rụng lả tả. Thật may, lần nào cũng thoát cả. Thằng Hoà, trợ lý chính trị tiểu đoàn chạy trước tôi. Khi nấp được sau một mô đá khá an toàn, nhìn thấy tôi lúc chạy gằn, lúc nằm bẹp xuống mặt đường nó bèn gọi to:
- Hà ơi! Cứ bình tĩnh mà chạy lên đây, tao yểm hộ cho...
Nó cầm khẩu M79 giơ giơ lên động viên tôi. Tôi nghe tiếng nó gọi vừa ngước lên nhìn nó thì nghe rầm một tiếng. Quả đạn cối 60 nổ ngay trên vách núi gần chỗ nó đang nấp. Khói bụi mù mịt. Tôi hốt hoảng nghĩ: "Thôi chết! Không khéo thằng này tan tành thành từng mảnh mất rồi!".

         Lợi dụng địch vừa ngừng bắn, tôi nhỏm ngay dậy lao lên. Lúc tôi lăn được sang phía bên kia dốc yên ngựa, khuất hẳn tầm bắn của bọn địch thì gặp thằng Hoà đang ngồi thu lu trong một hẻm đá. Thấy nó không bị sây sát gì tôi mừng lắm. Tôi bảo:
- Chờ mày yểm hộ thì tao toi mạng từ tám hoánh nào rồi...
Nó cười hề hề tuy mặt thì vẫn còn tái đi:
- Nói thế để cho mày yên tâm! Tao chỉ còn mỗi hai viên đạn thì yểm hộ cái cóc khô gì được nữa.
- Thảo nào nó mới choang cho một quả cối mày đã chuồn nhanh thế!
- Hì... suýt nữa thì tao tan xác với nó đấy! Mà này, đói chưa?
- Từ sáng đến giờ nó choảng cho tối mắt, tối mũi đã kiếm được cái gì cho vào bụng đâu!
Thằng Hoà lục cóc ba lô lôi ra nửa con gà luộc. Nó xé đưa cho tôi cái đùi và bảo:
- Hôm qua xuống bản, bà con cho đấy! Mày ăn lấy một miếng đi.
Thịt gà ăn vã, không muối, nhạt bã ra trong miệng.
Đến gần trưa thì các bộ phận đều rút ra khỏi được Lũng Mật. Cũng chẳng biết ai hy sinh, ai bị thương nữa. Tôi kiểm tra bộ phận của mình thấy còn đủ là biết an toàn thôi. Chúng tôi tiếp tục đi tìm vị trí ẩn náu mới tìm thời cơ phá vây rút lui sang Nguyên Bình theo mệnh lệnh của trung đoàn.
Buổi chiều, tôi và thằng Quý đang đi tìm kiếm mạch nước thì gặp anh Bàng trong một khe núi. Tay trái anh băng kín treo lên cổ. Tôi liền nhao đến hỏi:
- Anh bị thương à?
- Gãy mẹ nó một tay rồi mày ạ!
- Trúng đạn à?
- Đạn nào bắn trúng tao được. Lúc tao lăn từ mô đá xuống bị ngã đấy!
- Anh phải cố định thật cẩn thận đấy!
- Mẹ kiếp! Kiểu này thì leo vách đá thế quái nào được nữa. Mà tao cũng đếch cần rút lui nữa. Bọn chúng truy đuổi đến đây tao thí mạng với chúng luôn. Tay phải tao vẫn bắn súng ngắn tốt, mày yên tâm...
Tôi định chào anh để đi thì nhác thấy bóng cô tiểu đội trưởng dân quân bản Táp Ná đang lúi húi mắc võng trong khe đá. A! Ông này số vẫn đào hoa ghê. Tôi nháy mắt khẽ nói:
- Bây giờ chắc không lo bị bắt quả tang nữa anh nhỉ?
- Dân quân các bản cũng đã chạy hết lên núi cùng bộ đội. Cô ấy đến giúp đại đội tao khoản hậu cần ấy mà...
- Cả cái khoản XYZ nữa chứ?
- Thôi mày biến đi! Đánh nhau mệt bỏ mẹ còn XYZ gì được nữa! 
Tôi bữu môi:
- Mỡ đến miệng mèo kiêng làm sao được... hi...hi...
Tôi vừa quay đi thì anh gọi giật lại:
- Khoan đã, quay lại tao bảo.
Tôi dừng lại. Anh Bàng rút từ cái túi đeo bên người đưa cho tôi một cái gói nhỏ và dặn:
- Ruốc bông trộn mỳ chính đấy! Lúc nào đói khát và mệt quá thì ngậm một nhúm vào miệng cho lại sức. Nhìn mày ốm yếu thế tao lo lắm!
- Vâng... anh phải cẩn thận nhé!

- Mày cũng phải cẩn thận đấy! Nghe nói mày hay liều lĩnh lắm phải không?
- Em có liều gì đâu?
- Bọn nó nói hôm nọ mấy thằng chúng mày xuống bản Nà Nghiềng bị một trận hút chết hả?
- Hì... tại hôm ấy đói quá...
- Đói thì đói cũng không được chủ quan nhá!
...
(còn nữa)
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
tung677
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 608



« Trả lời #19 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2012, 10:33:27 pm »

@ Mr . Ngan...cho tôi hỏi bạn vì bạn ở trên đó bản Táp Ná..hay là Táp Lá...đành rằng nó là ở huyện Thông Nông...vậy đọc thế nào cho chuẩn Ná hay Lá...tôi thường gọi là Táp Lá..rượu ngon nổi tiếng tỉnh Cao Bằng
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM