Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:33:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật ký cao điểm 384 - 4/1972.  (Đọc 31596 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2012, 11:44:30 am »

*Phần 8                                                .
Trích dẫn
Một ngày căng thẳng đã đi qua. Song ban đêm trên chốt cũng chẳng thoải mái gì. Về đêm có phần việc của ban đêm. Vì giải quyết tồn tại sau 1 ngày chiến đấu. Với những thân thể khỏe mạnh, khi nhìn khối lượng công việc như vậy đã là nỗi kinh hoàng rồi. Sống, với chúng tôi đã bao đêm mất ngủ. Tới bữa không ăn được, đội bom, pháo, bao nhiêu trận đánh đã trải qua. Vẫn cứ phải chấp nhận bao nhiêu công việc phải giải quyết trong đêm nay. Ngày mai có sống chiến đấu được hay không là do nỗ lực của đêm nay. Phải cố gắng khắc phục thôi. Không còn cách gì khác được nữa. Dù mệt - thèm ngủ đến bao nhiêu cũng phải cố gượng dậy, mà làm lại hầm trú ẩn, sửa chữa lại công sự để ngày mai tránh pháo và chiến đấu.

          Tổn thất đã đến với chúng tôi: Nông Văn Thu. Trung sỹ. Tiểu đội trưởng. Chàng trai người Tày bản Noọng – Phú Lương –Bắc Thái. Con gấu của rừng Việt Bắc – Hiền lành – Thật thà. Lúc bình thường lao động luôn chân tay, sẵn sàng san sẻ giúp đỡ anh em đồng đội lúc khó khăn. Với sức khỏe của anh – việc gì có anh cũng trôi băng băng. Nói ít, làm nhiều, đó là đặc điểm của anh. Song, đối với kẻ thù, chàng trai ấy đã chứng tỏ là con gấu dũng mãnh, sẵn sàng quật ngã đối thủ bằng kinh nghiệm chiến đấu và tài thiện xạ của mình. Anh nói với tôi: “Đánh nhau, phải biết sợ chết, đừng biết sống vớ. ” Lựu đạn của anh nổ hướng này, anh đã lẩn ra hướng khác. Nhanh và tháo vát như thỏ rừng. Với anh, khi đã nâng súng lên, chỉ có diệt mục tiêu mà không hề trượt. Ngày thường anh lầm lỳ ít nói, nhưng khi nổ súng giết giặc, anh thường hét to:

          - Giết chết chúng nó đi

          Trong chiến đấu, anh dũng cảm gan dạ đến lỳ lợm. Dường như không để ý tới đạn địch bắn lại, anh bình tĩnh xông xáo như trận địa chỉ có 1 mình. Thoắt ẩn, thoắt hiện sử dụng tài thiện xạ bắn tỉa rất chính xác vào lũ Nam Triều Tiên. Trong lúc trận đánh đang diễn ra ác liệt, anh đã hi sinh anh dũng vì một loạt tiểu liên của đich bắn lại. Anh ngã xuống ngay vị trí của mình, cùng với khẩu súng bắn tỉa đã cùng anh diệt nhiều tên giặc xâm lược.

          Ban chiều, chúng tôi đặt anh nằm ngửa xuống lòng giao thông hào, đậy tạm mảnh bao cát lên mặt, sau đó lao ra chặn địch. Định bụng chờ đêm xuống mới chôn cất anh. Song, khi tới nơi tôi sửng sốt vô cùng. Nơi anh nằm giờ chỉ còn lại là một hố pháo lớn!

          Tôi sụt sùi tìm kiếm xung quanh - thỉnh thoảng sờ được một phần thân thể anh lẫn trong đất cát, mảnh đạn, mảnh bom trận địa gói vào mảnh ni long, ước chừng được 5 - 7 Kg, gói kín lại, vùi xuống 1 hố pháo. “Anh Thu ơi! Vì mải chiến đấu nên để anh nên nông nỗi này. Anh hãy yên tâm mà ra đi anh nhé, chúng tôi sẽ quyết chiến để trả thù cho anh. ” – Nông Văn Thu, người đồng đội chí tình chí nghĩa, người chiến binh dũng cảm của 384 đã vĩnh viễn ra đi ngày 15 - 4 - 1972. Không 1 lời nhắn lại, vĩnh viễn hóa thân vào ngọn đồi 384.

          Nguyễn Văn Du. Trung sỹ. Tiểu đội trưởng. Nhà thơ Điếc, người bạn chiến đấu của tôi và Thu. Người chiến binh có tài ném lựu đạn “chụp”. Thật thà chất phác, nóng tính như lửa. Nhưng lại sống rất vui nhộn với anh em. Nổi tiếng là chiến đấu dũng cảm, một xạ thủ trung liên xuất sắc.

          Cây trung liên RPD của Du giữ cánh phải trận địa. Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Không phụ lòng tin của đồng đội, anh đã chặn bước tiến của quân thù. Bọn Nam Triều Tiên hung hăng. ầm ầm xông lên, tưởng rằng dễ dàng chiếm được sườn phải trận địa. Song, cũng ở thế bất ngờ mà chờ giặc vào tầm bắn hiệu quả, khẩu hỏa lực ấy đã gầm lên đĩnh đạc. Bọn địch đã phải đổ nhào, đè lên nhau mà chết bao lần. Bọn địch đã phát hiện ra điểm lợi hại ở cây hỏa lực ấy. Chúng đã bằng mọi giá diệt anh bằng được. Anh hy sinh vì quả lựu đạn nổ gần đã giết anh và phá hủy súng. Anh ngã gục lên súng, 2 tay còn ôm ghì khẩu trung liên queo nòng. Khẩu súng trung nghĩa đã cùng anh lập bao chiến công, nay cũng ra đi cùng anh như người bạn thủy chung nhất.  Nguyễn Văn Du, anh chết thật kiên cường. phía trước anh, trong tầm đạn, xác của bọn Nam Triều Tiên đã chết thành đống. Chúng đã phải trả giá rất đắt - trước khi hạ được anh ! Nguyễn Văn Du, người chiến sĩ 384 đã sống và chết như thế đấy.

          Hà Văn Bình, y tá và Đào Duy Hiển, đồng hương của tôi. 1 y tá và 1 người lính. Trong 1 căn hầm ở phía chính diện, đã chết vì quả pháo khoan nổ trúng hầm. Hai người phải chết trong uất ức, chết mà không thể nói lại 1 lời. Tôi hiểu tâm trạng của các anh. Chắc rằng phút lâm chung hiểm nghèo cuối cùng, các anh chỉ có 1 ý nghĩ: Kêu gọi người còn lại chiến đấu trả thù.

          Chúng tôi lặng lẽ cúi đấu, mặc niệm 4 người đồng đội thân yêu. Không một nén nhang – không một bát cơm cúng – không một nghi thức tang lễ nào cả, chỉ có những hàm răng nghiến chặt, thầm hứa với những người đã khuất: Một khi con tim chúng tôi còn đập, máu chúng tôi còn chảy - thì lũ Nam Triều Tiên còn phải chết  –  Chết thật nhiều. Phải đấu tranh kiên cường hơn nữa để trả thù cho các anh. Công việc ùn đồng trước mắt. Chúng tôi không còn thời gian mà suy nghĩ. Mà khóc được nữa. Chiến tranh mà, trong chiến tranh sẽ còn xảy ra bao nhiêu điều khủng khiếp nữa mà bình thường ta không thể ngờ tới được. Là thằng lính trong chiến tranh, chỉ còn 1 việc làm duy nhất là: Hãy giết thật nhiều giặc, trước khi thằng giặc giết mình. Nếu không thì thật là vô nghĩa.

 

          Lại một đêm phải dồn hết bình sinh mà lao động. Thu dọn những đổ nát mà bom pháo Mỹ oanh tạc, sau 1 ngày quần nhau với bọn Nam Triều Tiên.

Nửa đêm về sáng, vì quá mệt. Chúng tôi đành phải bỏ dở công việc để nghỉ tạm. Tôi nằm chung hầm với liệt sỹ Du. Có cảm giác như anh còn sống, đang ngủ say. Ngày mai sẽ thức dậy làm xạ thủ trung liên, và vẫn cười nói, nóng tính như lửa
Logged

king.elvis
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #11 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2012, 07:01:30 pm »

hay quá !  Kiss
Logged
Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2012, 08:08:16 pm »

* Phần 9                                                            .
Trích dẫn
    Hy sinh 5. Bị thương 1. Anh Soạn đi họp vắng. Chốt còn lại 5 người. Chờ chi viện vẫn bắt vô âm tín. Hồi “gà gáy”. Họp! Anh Liễu nói:

          Thứ vũ khí còn lại trong anh em ta, giúp chúng ta trụ bám được, đó là:

          1, Sức khỏe: phải cố ăn, tranh thủ ngủ nếu có thể được.

          2, Ý chí chiến đấu: ý chí và lòng quyết tâm giữ chốt, chiến đấu bằng mọi giá, chúng ta đã xác định rồi, không nhắc lại nữa. Song, từ nay trở đi, chúng ta sẽ chiến đấu lẻ loi đơn độc. Dù rằng có từng này con người hay ít hơn nữa. Vẫn phải nêu cao chí kiên cường trụ bám. Khẩu hiệu hành động của chúng ta là: còn người phải còn 384.

          Khoảng 7h sáng, địch tấn công.

          Khác thường lệ, không bắn phá trận địa trước mà tấn công ngay từ sáng sớm. Chúng mò lên gần công sự, ném mù cay. Trong lúc chúng tôi lúng túng không kịp phản ứng. Họ sặc sụa vì mù cay thì chúng chiếm được 1 đoạn hào. Dồn chúng tôi về 1 phía. Mày mò , Toán đã vòng sau, ném lựu đạn vào đoạn hào có địch. Bọn địch nhảy khỏi hào. Toán bắn AK quất vào giữa bọn, chúng phải tháo chạy.

          Toán chốt lấy lại thế cân bằng ban đầu. Tôi trở lại vị trí chiến đấu cũ của mình. Kiều Minh Toán. Xạ thủ B41. Rất xuất sắc trong chiến đấu. Anh có mặt ở đâu là nơi đó kẻ địch bị trừng trị. Đã bắn là tiêu diệt mục tiêu. Chốt của chúng tôi có anh càng thêm vững vàng. Trận phản kích đầu tiên trong ngày. Toán là người có công lớn nhất. Đã gỡ cho toàn chốt 1 bàn thua trông thấy. Hoan hô Kiều Minh Toán. Người chiến binh của tiểu đoàn 5 đã chiến đấu rất Dũng cảm-Thông minh-Linh hoạt. Sau đợt tiến công không mang lại kết quả. Chúng nó lại bắn pháo.

          Đã quá quen thuộc với “điệp khúc” này rồi. Chúng nó đã dựa vào hỏa lực là cơ bản. Hay là nước Mỹ đã quá nhiều bom đạn, hay là bọn lính Nam Triều Tiên không còn khả năng chiến đấu đựơc nữa? Bảo rằng đối mặt chiến đấu với tiểu đoàn Nam Triều Tiên Sô-Đô. Song thực tế! chúng tôi phải đối đầu với cả Hải-Lục-Không quân của Mỹ. Thử hỏi nếu không có sự chi viện ấy. Thì tiểu đoàn Sô-Đô sẽ ra sao? Liệu có hùng hổ mãi được không? Thậm chí ngay cả lúc này. Được không quân và pháo binh Mỹ hộ trợ. Chúng nó vẫn phải ôm đầu máu tháo chạy, sau mỗi lần chiếm đất thất bại.

          Hết pháo đến lượt bom. Hai chiếc AD.6 cánh bằng. Kêu rù rù như cối xay lúa. Bay tốc độ chậm. Thay nhau ném bom xuống trận địa. Mỗi lần cắt bom, chúng chỉ cắt 2 quả loại 7 tấn Anh ( khoảng 3000kg ). Hào giao thông phía tiền tiêu bị sập nát vì bị oanh tạc. Chỉ còn lại 2 hầm dùng tạm được.

          Buổi trưa.

          Sau trận pháo. Bọn Triều Tiên đã ồ ạt tấn công tưởng ta chúi đầu tránh pháo nên mất cảnh giác chăng. Toán giữ cánh phải. Anh Liễu chính diện. Tôi và Thực giữ cánh trái. Khương với khẩu B41 cơ động. Định lùa cho chúng lọt xuống hố bom để diệt bằng lựu đạn. Song tới tầm lựu đạn ném không tới. Chúng nằm lại bắn trả quyết liệt. Tất cả các loại súng của chúng tôi nỏ mãnh liệt vào quân địch. Bỗng xuất hiện khẩu đại liên. Theo sau bọn lính. Cùng lúc khẩu đại liên phía mỏm yên Ngựa cũng bắn phối hợp. Chúng tôi phải cúi đầu tránh đạn. Anh Liễu lầm bầm:

          - Thật là hại. Nếu mình có cối 61 thì tốt biết mấy.

           Toán cắn môi suy nghĩ. Rồi nói:

          - Anh chú ý kẻo nó nâng tầm đại liên cho lính bộ bò lên. Để tôi hỏi tội thằng này.

           Lợi dụng bờ đất, Toán bò nhanh như con sóc, thoắt đã biến mất. Trong ngổn ngang đất đá của những hố bom hố pháo.

          Anh Liễu nói:

          - B41 nổ. Bọn lính sẽ tháo chạy. Chờ cho chúng nó đứng dậy tháo chạy ta bắn, nhất loạt cùng nổ súng tiêu diệt.

           Đúng như anh dự định. Sau tiếng nổ B41, khẩu đại liên câm họng. Bọn lính vốn đã bạc nhược tinh thần, thấy vậy liền ùa dậy tháo chạy. Thời cơ ấy, tất cả chúng tôi nổ súng. Những cái bia sống chỉ còn giãy những cái giãy cuối cùng. Lũ giặc phải nhận một cái chết thảm hại. Một lần tấn công của chúng lại bị thất bại. Khương bị thương rút về phía sau. Chốt còn lại 4. Buổi chiều, trực thăng lại bắn phá để rồi sau đó đồn Sô-đô lại “xua” lính lên. Chúng nằm chết dí ở các miệng hố bom phía xa, dùng súng các loại bắn ngược lên đồi. Chán rồi rút, không thằng nào dám mò lên, sợ ăn lựu đạn. Chúng nó đã bạc nhược tinh thần đến cao độ.

          Những ngày đầu, với thái độ kiêu căng khinh bạc, chúng tưởng rằng xóa sổ chúng tôi trong khoảnh khắc. Song, từ phía đồn Sô-đô, chắc chắn chúng đã thường xuyên chứng kiến cảnh đủ loại cỡ pháo binh và không quân Mỹ bắn phá, oanh tạc ngọn đồi 384 dữ dội – ác liệt – dai dẳng như thế nào. Những trận bom rực lửa, những trận pháo bầy như trời rung đất chuyển. Một ngọn cờ, một con côn trùng cũng bị hủy diệt. Đồi 384 bị phá hủy toàn bộ, chỉ khác cảnh mặt trăng là còn có ô- xy để thở. Song, tổ chốt thì vẫn tồn tại, những con người giữ chốt đã không chết qua những trận bom lửa – pháo bầy và những trận bắn phá thường xuyên, dai dẳng hết ngày sang đêm, vẫn sống và vẫn đủ sức giáng trả các đợt tấn công chiếm lĩnh của chúng. Những con người đã hóa thần, vẫn giáng cho chúng những đòn chí tử, khiến cho chúng phải ôm đầu máu tháo chạy, bẻ gãy tất cả các đợt tấn công chiếm chốt của chúng.

          Mỗi lần tấn công ồ ạt, phải chạm trán với lối đánh “mưa lựu đạn” trong những hố bom đã làm cho tên giặc nào, dù sống sót cũng phải ớn tận gáy. Chứng kiến và chạm trán với những tay súng dũng cảm và mưu trí của tổ chốt, chúng đã phải chùn lại. Rõ ràng tâm trạng hoảng loạn sợ chết đã chế ngự lên tinh thần chiến đấu của chúng.

          Chúng đã mất tinh thần, mất sức chiến đấu rõ rệt. Mất luôn cái oai phong “người hùng” của chúng. Thực ra, chúng chỉ bị thúc ép mà hò hét tấn công. Lũ Nam Triều Tiên đã suy sụp, không còn ngổ ngáo hung hăng như những ngày đầu được nữa. Đêm xuống, tại trận địa, tình hình đã bớt căng thẳng hơn. Địch không tấn công, pháo bắn ít. Song, những quả pháo nổ cầm canh kiểu “giã gạo” thì vẫn nổ thường xuyên. Theo kiểu, nổ ở đây một quả, quả tiếp theo lại ùng oàng tít tận mỏm núi cánh rừng xa, lâu lâu sau, địch cho rằng ta chủ quan không có gì, bất ngờ lại rót một quả vào trận địa. Cách làm ấy chúng chúng nhiều khi thu lại kết quả. Bên ta bị sát thương nhiều theo kiểu pháo bắn ấy của chúng.

          Bọn trực thăng đã thưa hơn ban ngày,  bọn “ca” đêm đã bắt đầu. Đó là thằng “Tàu ò” C130 chầu trực trên trời thâu đêm suốt sáng. Phát hiện mục tiêu là thả đèn dù, bắn đạn “xì tốc” 20 ly dai như đỉa đói. Thằng “sâu cà” hai chong chóng hoạt động nhiều hơn. Nó là loại vận tải của Mỹ, chuyên làm việc: chuyển nước, chuyển thương binh tử sĩ, chuyển những thứ mà bọn địch cần phải đưa đi và đưa về.

          Bên đồn Sô-đô, địch hoạt động cũng ráo riết hơn. Chúng bắn pháo dù suốt đêm. Khẩu đại liên cũng nhả đạn suốt đêm. Nghe rõ cả tiếng bọn lính la ó. Không hiểu chúng làm gì? Pháo địch vẫn nổ cầm canh “giã gạo”. Phía xa, trận địa pháo Bình Tân, về hướng  đông, những quẫng lửa màu da cam bùng lên liên tục, sau đó là hàng loạt những quả đạn pháo bay đi tìm mục tiêu. Địch hoạt động ráo riết 24/24. Chúng tăng cường thêm lực lượng chăng? Hay là chúng sợ ta tấn công? Có lẽ cả hai.

          Chốt còn lại 4 người. Khi đêm xuống, anh Liễu xuống núi về họp. Toán và Thực xuống chân núi, nơi bếp anh nuôi cõng thêm đạn, nước để bổ sung cho ngày mai chiến đấu.

          Một mình tôi ở lại cảnh giới. Một mình tôi, giữa hoang tàn xơ xác của bãi chiến trường: công sự, hầm hào sập nát, hố bom hố pháo chồng chéo lên nhau. Xác địch nằm bừa bãi, trương ình, thối khắm, lợm giọng rất khó chịu. Xác anh em đồng đội vẫn còn đấy. “Khất” anh em, sau khi đánh giặc xong, sẽ chôn cất tử tế. Chứ thực ra bây giờ, không còn nhân lực, không còn khả năng để đưa anh em xuống núi được. Vì chỉ có từng này con người, đã kiệt sức qua từng ấy ngày đêm trụ bám, bom, pháo, những trận đánh không cân sức. Không được ngủ. Ban ngày chiến đấu, ban đêm thức trắng để khắc phục khó khăn. Quá mệt nên không ăn được, chỉ uống nước nên càng thêm mệt. Từng phút từng giây, phải tranh thủ với thằng địch để cùng lúc làm hai nhiệm vụ: đánh giặc và khắc phục khó khăn. Là lính chốt cả, nên mong các anh thông cảm cho chúng tôi. Tình đồng đội có nhiều điều muốn nói với các anh lắm. Song, đành khất các anh, đánh giặc xong đã.

          Một mình tôi ở lại cảnh giới. Giữa bãi chiến trường đã bị bom đạn hủy diệt tận ngọn cỏ gốc cây- không còn một con côn trùng sống sót. Ngọn đồi 384 đã thành cảnh mặt trăng. Thế giới riêng này của chúng tôi chỉ còn lại là bầu không khí đầy chết chóc. Đã bị cô lập hoàn toàn với bất kì nơi nào khác, bởi hàng rào bom đạn. Thế giới trên đồi 384 này chỉ có những người lính, uống nước lã, thở ô-xy để đánh giặc. Thế giới của người lính chiến là như thế đấy. Một mình tôi giữa trận địa. Một động tĩnh nhỏ tức là địch. Kẻ thứ ba không thể tồn tại ở đây. Nên câu trả lời của tôi là: Bắn!

          Trước mắt tôi là đồn Sô-đô. Ngày ngày tiểu đoàn Nam Triều Tiên từ đó ồ ạt tấn công,  mặt giáp mặt chiến đấu với chúng tôi tại đây. Một mất một còn tại ngọn đồi 384 này. Và trước mắt…những ngày tới sẽ là: khó khăn chồng chất khó khăn, ác liệt càng thêm dữ dội. Và những trận đánh không cân sức. Đang đòi hỏi chúng tôi phải có một nghị lực phi thường để vượt qua.
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2012, 08:10:04 pm »

* Phần 10                                                     .
Trích dẫn
Ngày  17 tháng 4 năm 1972

          Qua một đêm thức trắng và làm việc cật lực nữa. Phía đông, mặt trời đã nhô lên khỏi rặng núi xa, một ngày mới đã bắt đầu. 4 anh em với 4 thân thể mệt mỏi, hốc hác, đầu tóc phờ phạc, râu ria tua tủa, áo quần rách nát bẩn thỉu. Lửa khói chiến trận đã nhuộm cái “màu” của chiến tranh lên 4 con người này. Trông vậy thôi, chứ chất lính thì rõ ràng sức “nhuộm”của chiến trận đã rất có hiệu quả.

          Những con người như thứ thép được tôi trong lửa, sức chịu đựng ngày càng bền bỉ. Tinh thần chiến đấu càng thêm gan dạ, dũng cảm. Qua lửa khói chiến trận, qua ác liệt khó khăn, tổn thất, chúng tôi trở nên lầm lỳ, nói với nhau rất ít, lời nói chỉ còn lại là mệnh lệnh chiến đấu của anh Liễu chỉ huy. Tiếng nói chính là tiếng súng chiến đấu. Phải giết thật nhiều tên Nam Triều Tiên, bảo vệ chốt, bảo vệ mình và trả thù cho đồng đội.

 

          Một ngày nữa đã đến và những gì xảy ra sẽ đến. Thèm ngủ và buồn ngủ vô cùng. Đói ăn còn có thể tìm thứ gì khác mà ăn tạm cho qua cơn đói. Song đói ngủ thì không thể khắc phục nổi. Bới đó là sự hoạt động của trung ương thần kinh. Trung ương đã quá mỏi mệt, muốn nhắm mắt lại nghỉ ngơi thì còn “cơ quan” nào

cấm” được nữa. Chỉ còn có cách trị được buồn ngủ, đó là khi thằng địch mò lên đánh nhau “thí xác”. Hoặc khi nó oanh tạc, ném bom hoặc bắn pháo, bắn rốc két cấp tập vào trận địa. Ngoài ra, không còn có cách nào khác.

          Tôi ngụy trang: đái vào đất bột, bóp nhuyễn rồi xoa lên đầu, cho tóc hợp màu đất để cảnh giới. Vì ở đây không còn một gốc cây ngọn cỏ nên không thể mang cây cỏ ở nơi khác đến cắm ở đây được. Càng không thể đeo cành ngụy trang bằng lá cây, dù tươi hay héo, chỉ làm mục tiêu cho địch ngắm bắn mà thôi. Cơn buồn ngủ hành hạ, không thể ngồi mà cảnh giới được. Tôi phải liên tục di chuyển vị trí. Vì ngồi yên là thời cơ tốt nhất cho giấc ngủ. Địch chưa bắn pháo vào trận địa, chưa tấn công, chẳng hiểu chúng định giở trò gì. Tôi nhận phần gác cho ba người tranh thủ ngủ. Nếu có địch, tiếng súng sẽ là lời báo thức cho họ.

          Họ là những chiến binh đã cùng tôi kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ qua từng ấy ngày trên chốt, nay chỉ còn lại những thân hình da bọc xương, phờ phạc hốc hác. Tôi cảm thấy mình còn đủ sức chịu đựng nên nhận phần thức cho họ ngủ. Phần nữa, tôi chịu ơn anh Liễu và Toán rất nhiều, cảm thấy mình dù cố gắng bao nhiêu cũng chưa xứng đáng với các anh.

          Xin dành mấy dòng này viết về các anh.

          Anh Nguyễn Tiến Liễu. Quê: Kiến Xương- Thái Bình. Tuổi: 38, trung đội trưởng, chuẩn úy.

          Tôi về trung đội làm chiến sĩ của anh, đến nay chưa đầy tháng. Thời gian gần gũi với anh, hiều biết nhiều về anh là thời gian ở chốt. Tôi chưa hiểu nhiều về anh, chỉ biết trước khi cầm súng đánh giặc, anh là người thầy giáo. Với tập thể chốt, anh là người anh cả, người chỉ huy đáng kính của chúng tôi. Với đồng đội, anh hết lòng thương yêu, săn sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, uốn nắn từng sai trái, động viên anh em trong những lúc, những tình huống khó khăn lâm nguy. Anh như chỗ dựa tinh thần, như ngọn cây cao nhất để chúng tôi noi theo, dựa dẫm. Để làm sức động viên cho chúng tôi đủ sức mạnh mà chịu đựng, mà trụ bám trong những ngày khói lửa chiến trận ác liệt chưa từng có này.

           Với quân thù, anh là con hùm xám, từng gieo nỗi sợ hãi kinh hoàng lên đầu bọn chúng, ở tài chỉ huy, ở kinh nghiệm chiến đấu, dày dạn, gan dạ và lỳ lợm, thoắt hiện thoắt biến, có mặt ở nơi nào là phía đó lũ giặc bị trừng trị. Anh chỉ huy chiến đấu phản tấn công chiếm chốt của địch, đã bẻ gãy tất cả các đợt tấn công ồ ạt của chúng. Anh là người chỉ huy gan dạ- dũng cảm, dày dạn kinh nghiệm như thế đấy.

          Với tôi, anh dành tình thương yêu như anh em ruột thịt, săn sóc uốn nắn, mắng mỏ. Động viên tôi lúc khó khăn, nghiêm khắc với tôi khi sai trái, hướng dẫn tôi từ tư thế bắn đến cách xử trí tình huống. Nhiêu khi anh phán đoán đường đạn bay vào tôi,  đạp tôi ngã nhào để tránh. Nếu không có anh, chắc gì tôi còn sống đến hôm nay. Anh là người thầy, người anh, người đồng đội đã dạy tôi những ngày đầu tiên của trường học làm giải phóng quân miền Nam. Người chỉ huy, người đồng đội có một không hai trong đời chiến binh của tôi. Đó là Anh: Nguyễn Tiến Liễu.

          Anh: Kiều Minh Toán, quê: Ba Vì- Hà Tây. Hạ sĩ, tiểu đội phó, một Đảng viên trẻ, tuổi 21, là chiến binh của tiểu đoàn 5, đại đội 5, bổ sung cho 384. Tôi và anh quen biết nhau trong khói lửa chiến hào. Chứng kiến tinh thần chiến đấu gan dạ - thông minh – mưu trí – dũng cảm của anh - một xạ thủ B41 xuất sắc, đã bắn là diệt mục tiêu, nhanh nhẹn, linh hoạt trong chiến đấu. Anh là người từng lập công lớn trong nhiều trận chống phản kích của địch. Anh là tay súng xuất sắc của 384, chiến đấu dũng cảm ít ai bì, đã đánh là giáng đòn sấm sét lên đầu lũ giặc.

          Kiều Minh Toán, một con người như thế đấy.

          Dù chỉ còn lại 4 người. Song có anh Liễu và Toán, tôi thấy chúng tôi còn đủ sức trụ bám lại 384 này.

          Suốt buổi sáng, địch chỉ rập một loạt pháo. Song rồilại im ắng. Có cái gì đó “không bình thường”. Nhất định thằng địch sẽ có âm mưu gì mới đây. Còn phía ta, được một buổi sáng ngủ “bồi dưỡng”. Để tăng sức đối phó với âm mưu của chúng.

          Buổi chiều, sau một trận pháo rập, đồn Sô-đô lại đưa lính lên. Đánh nhau một trận, chúng rút, để lại một số xác. Gần tối, chúng nó lại tần công nữa, song chúng chỉ lấy xác những thằng chết rồi rút. Ta không có đủ khả năng và nhân lực để giữ xác lại mà “chơi” nhau với chúng. Vả lại cũng mệt lắm rồi. Đợi có chi viện lên, bấy giờ mới giáng cho chúng những đòn thật mạnh cho sướng cũng chưa muộn.

          Trông chi viện đến đứt mắt mà vẫn không thấy gì, biệt vô âm tín! Chẳng hiểu cấp trên có biết cho, 384 đã hết người đến nơi rồi không. Mà tại sao không chi viện?

          Đêm. Anh Liễu xuống núi về họp. Ba chúng tôi sửa hầm, cõng đạn, nước bổ sung và mong sao chi viện lên để tiếp tục chiến đầu cho ngày mai. Biết rằng ngày mai sẽ căng thẳng vô cùng. Địch đã chuẩn bị lớn mà ta thì chỉ có 4 con người này. Sẽ chịu đựng và chiến đấu ra sao khi chênh lệch lên cao độ như thế này
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2012, 07:27:08 pm »

*Phần 11                                                         .
Trích dẫn
Ngày 18 tháng 4 năm 1972
          Từ 3 giờ sáng, anh Liễu đi họp về đã khẩn trương  triệu tập họp. Phiên họp đặc biệt trên ngọn đồi 384 chỉ có 4 người (một cuộc họp mà suốt đời tôi không bao giờ quên. Cuộc đời mãi về sau không bao giờ có cuộc họp như thế nữa). Anh Liễu bảo chúng tôi:
          - Tất cả quàng khăn quyết tử lên.
Chúng tôi nhất nhất làm theo lời anh. Anh nói:
          - Trên vừa cho biết. Địch sẽ tăng cường lớn về lực lượng để tấn công chúng ta. Chúng sẽ đánh lớn hơn từ trước tới nay. Trong khi chúng ta vẫn chỉ có từng này con người. Mong chi viện vẫn không thấy gì. Chính lúc này là lúc Đảng, nhân dân, Tổ quốc yêu cầu chúng ta nhiều nhất.  Anh nhìn lần lượt từng khuôn mặt như kiểm tra lại quyết tâm của từng con người trong chúng tôi rồi thong thả nói:
          - Ngày hôm nay sẽ diễn ra những trận đánh ác liệt nhất. Kẻ thù sẽ bằng mọi giá dùng số đông tấn công chúng ta. Do vậy, rất có thể sẽ là trong những trận quyết chiến một mất một còn này, anh em ta sẽ hi sinh hết. Nhưng trước lúc hi sinh, chúng ta phải cho bọn Nam Triều Tiên biết thế nào là chiến sĩ Giải Phóng Quân. Phải giáng lên đầu chúng những đòn bạt vía kinh hồn. Phải dạy cho chúng bài học về lòng dũng cảm của anh em ta... Dù phải hy sinh, song không còn gì phải ân hận. Chính lúc này, chúng ta mới có dịp để thể hiện rõ đâu là vàng, đâu là thau.
          Anh Tháo Khăn Quyết Tử Nâng Trên Tay:
          - Tổ Quốc đã giao  cho ta ngọn đồi 384 này .Đơn vị và Chi bộ đã giao cho ta Khăn Quyết Tử này. Chúng ta phải sống cho ra sống - Chết cho ra chết. Để xứng đáng với niềm tin và sự trao gửi đấy. Các em có làm được như điều anh nói không?
          Chúng tôi trả lời:
          - Chúng em làm được
          Anh gật đầu rồi nói tiếp:
          - Hãy thanh thản chấp nhận các em à. Đời người ta, sống, chết chỉ có một lần. Dù phải hy sinh trong trận chiến tại ngọn đồi này cũng chẳng có gì phải ân hận. Vì đây chính là ranh giới giữa Vàng và Thau.
          Toán nói chậm rãi như dằn từng tiếng, khẳng định dứt khoát quyết tâm của tổ, cũng như của mình:
          - Không còn có chi viện nữa. Trong khi địch quyết tâm “xóa sổ”mình trong ngày nay. Nghĩa là đơn vị đã giao đặc trách cho anh em tại đồi 384… Dừng lại một lúc, anh nói tiếp: …Không để chúng nó diễu võ dương oai được, phải đánh, đánh đến giọt máu cuối cùng. Anh nghiến răng lại quai hàm bạnh ra tỏ rõ một thái độ căm giận hừng hực: “Bọn pháo nó thả sức dập lên đầu mình, bao nhiêu anh em hy sinh vì chúng nó, thù này phải trả, cho dù anh em phải chết cũng “cõng” vài chục thằng chết theo. Tôi nhắc lại: Phải chiến đầu đến giọt máu cuối cùng, tình huống xấu nhất giật lựu đạn cùng chết với chúng nó. Không thể để chúng nó bắt, nó dễ coi thường mình. Phải buộc chúng nó khiếp đảm lính 384!"
          Lời của Toán, thái độ và ý chí của Toán, cứng rắn và đanh thép như một lời thề. Chúng tôi, trong tay cầm Khăn Quyết Tử, giơ cao hơn trán thề:
          - Cho dù phải chiến đấu trong tình huống nào, cũng phải giữ được trận địa. Còn người phải còn chốt. Bọn giặc có phải bước qua xác anh em mới lấy được 384 này.
          Tôi phải cố gắng gạt hết mọi suy nghĩ, giản đơn mọi ngõ ngách bằng một suy nghĩ: Sẵn sàng chấp nhận cái chết. Anh em đồng dội hy sinh được, mình cũng làm được. Tuyệt nhiên không dám nghĩ tới cái “Tôi” lúc này. Vì điều đó sẽ dẫn đến những đắm đuối yếu hèn, lúc này chỉ cần mủi lòng một chút thôi, cái ý thức ham sống sợ chết sẽ kéo ta trở thành tên hèn nhát. Hèn nhát lúc này sẽ trở thành một nỗi nhục không lấy gì chuộc lại được. Đây là ranh giới giữa cao thượng và thấp hèn, phải chọn lấy một.
          Tôi là một chiến binh, phải hành động cho xứng đáng là một chiến binh, không thể làm tên hèn nhát được. Đó là lựa chọn dứt khoát của tôi.
          Trời còn đêm:
          Chúng tôi tranh thủ: củng cố công sự, xem xét lại toàn bộ vũ khí của ta, của các chiến sĩ bỏ lại, vũ khí lột từ giặc. Kiểm tra lại nước uống.
          Mờ sáng, địch bắn pháo!
          Thực bị thương , mảnh pháo văng vào đầu .Như vậy lực lượng chiến đầu còn ba người .
          Anh Liễu – Toán – Tôi
          Buổi Sáng.
          Ba chúng tôi, mỗi người một vị trí, chuẩn bị cho cái gì sắp tới. Tôi chọn hòn đá trên đỉnh núi để cảnh giới.
          Lúc này , cái mệt và thèm ngủ lại lên tiếng mạnh mẽ. Mặt trời lên cao, cái nóng tăng lên, giữa trận địa tan hoang xơ xác. Sức phá, nổ của các loại đạn, bom, rốc -két, pháo đã tiêu diệt mọi sinh vật trên đồi. Đất đã trên đồi ngổn ngang, phơi đầy mảnh bom, pháo, đạn các cỡ sáng lóa. Trên đồi không còn vật gì tạo ra bóng mát, che ánh nắng nên ngọn đồi càng nóng hơn dưới ánh nắng hè oi ả.
          Toán tới chỗ tôi, chỉ cho tôi rõ: một bọn lính Nam Triều Tiên, dưới nắng hè đang vác đất  đắp một ụ súng, là súng gì thì chưa rõ. Phía lưng đồi đồn Sô-Đô ( thì ra Toán anh không chỉ ngồi không như tôi. Đầu óc của anh lúc nào cũng suy nghĩ, phán đoán âm mưu của địch để tìm cách đối phó, như một sĩ quan tham mưu. Nếu sau này anh còn sống thì khả năng ấy là đương nhiên ). Toán và tôi dung ống ngắm B41 đo, tính. Phải diệt ngay, kẻo nó là hiểm họa cho mình.
          Lúc sau Toán bắn, mấy quả đạn đầu chỉ nổ gần hoặc xung quanh ụ súng. Nhưng mỗi quả đạn nổ làm bọn lính kinh hoàng, nấp cả vào trong ụ đất. Toán nghiến răng bắn tiếp, quả đạn nổ trong ụ đất  ít nhất cũng một số tên toi mạng .Anh bắn tiếp, ụ đất tung lên. Hoan hô KIỀU MINH TOÁN! Bọn còn lại chạy bán xới về đồn Sô-Đô, chỉ tiếc không có cối 60 mà “cạch” tiếp.
          Pháo lại oanh tạc trận địa:
          Chắc là bọn trong đồn Sô-Đô. Bị mất một ụ súng và chết một số lính đã gọi pháo để “ trả thù” chúng tôi chăng?
          Rồi lại trực thăng nữa. Hai chiếc phóng pháo “Cá Nẹp” bắn dai như đỉa.Thay nhau oanh tác vào trận địa, quả rốc-két làm sập một góc hầm chứa đồ đạc. May không có người ở đó. Nhưng thiệt hại cũng không nhỏ: số can đựng nước đã vỡ hết không còn một giọt nước dự trữ nào nữa.
          Giữa ngày hè trên đỉnh núi, chịu đựng ác liệt dưới cái nắng hè. Không có nước uống, chúng tôi phải làm sao, làm thế nào để chiến đấu ngày hôm nay đây? Sau lần oanh tạc, tôi gom các loại súng, lựu đạn rồi rải lên hảo. Dọc đường tiến, rút. Nghĩa là ở vị trí nào, chúng tôi cũng sờ được vũ khí giết người khi cần.
          Nắng trưa như đổ lửa. Trên đỉnh núi mà những cơn gió mát cũng trốn đâu mất. Khát nước, chỉ còn “nguồn nước” chính của mình thải ra rồi lại uống vào.Cách duy nhất tiếp sức cho trận đánh sắp tới là như vậy. Trên đời hiếm có người lính nào đánh giặc trong hoàn cảnh  như chúng tôi ở đây. Phải cố gắng giam chân chúng lại, đợi trời tối và đợi chi viện. Nếu trời tối, khó khăn sẽ giảm xuống, màn đêm sẽ giúp chúng tôi tích cực.
          Song. Không thể kéo mặt trời xuống được, mới đang là buổi trưa. Bao giờ mới là buổi tối, từ giờ đến tối sao lâu vậy? Thời gian như ngừng trôi. Càng mong trời càng lâu tối, cơn khát giày vò. Đành phải đái ra uống vậy.
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2012, 07:28:07 pm »

*Phần 12                                                         
Trích dẫn
Khẩu đại liên phía mỏm yên ngựa lại bắn. Lần này nó bắn rất lâu mà chưa thấy bọn lính xuất hiện. Tôi suốt ruột, hay nó đi vòng, đánh úp hai bên sườn hoặc đằng sau. Anh Liễu bò tới chỗ tôi:
          - Cảnh giới cho tốt, chắc là nó đang chuẩn bị thôi. Không có gì khác đâu mà lo.
          Đợi quân ta chi viện thì khó, chứ đợi giặc tấn công ở nơi này thì quá dễ. Khẩu đại liên lại bắn khai mào cho một trận đánh mới.
          Địch tấn công . .
          Chúng chia thành nhiều tốp, hè nhau xông lên. Tốp đi đầu nhằm đỉnh đồi xông tới.Bọn đằng sau bắn M79-M72 “A PHÀ” kiềm chế. Tới “quyết chiếm điểm”, khu vực bãi bom, ngổn ngang đất đá, thùng hố. Chúng tản rộng kiểu “ Rích Rắc”. Đạn M79 từ phía chúng nổ chát chúa về phía chúng tôi. Bất chấp các loại đạn đang bắn về phía mình. Anh Liễu gác hai chân của khẩu trung liên lên bờ hào, bằng động tác nhanh chính xác. Rồi bất ngờ siết cò bắn trả lại địch ( Hành động của anh lúc đó rất chính xác. Nếu không thằng địch sẽ kiềm chế gắt gao, làm chúng ta không thể phát dương hỏa lực mà đánh trả ).
Đạn trung liên của anh Liễu bắt chúng phải nằm bẹp xuống tránh đạn.
Lựu đạn!
          Lựu đạn của tôi tung ra nổ giật. Bọn địch lăn ra giãy giụa, 1 số tên đứng dậy tháo chạy. Song, từ phía lùm cây rậm phía chân đồi. Một bọn khác ầm ầm xông lên. Khẩu trung liên của anh Liễu vẫn nổ quyết liệt. Và đạn B41 của Toán vẫn đĩnh đạc nổ chính xác vào đội hình địch. Song, bọn địch chia nhiều hướng, vẫn ầm ầm xông lên và reo hò náo động. Tôi nghiến răng xiết cò khẩu AK, nhưng, tưởng như khẩu súng không đủ sức cản chúng. Tôi vứt súng. Nhặt lựu đạn. Ném. Đống lựu đạn hàng trăm quả(?) đã tháo nắp an toàn, tôi chỉ còn một việc là rút và ném. Rút. Ném về phía trước. Khói mịt mù. Cả dây tiếng nổ truyền nhau. Phối hợp với 2 khẩu hỏa lực của 2 người đồng đội. Tôi khẩn trương tung lựu đạn thật mạnh, ít nhất cũng tạo thành hàng rào lửa. Bọn địch khó mà vượt qua hàng rào ấy để nhảy vào công sự chốt. Bọn địch tạm lùi lại.
          Tôi kéo khẩu trung liên giá lên hào. Phải sử dụng loại này mới đủ sức cản địch.
          Địch lại ầm ầm xông lên, hô “ka-tra” náo động. Tôi đưa đạn trung liên tới đâu, cả mảng người ở đó bị quét. Song bọn địch vẫn cố sống cố chết leo lên. Đạn B41 của Toán vẫn nổ chính xác vào đội hình địch. 2 khẩu trung liên của tôi và anh Liễu cũng cản rất quyết liệt. Song, chưa bao giờ chúng lại xông lên với một mật độ đông như vậy. Vào lúc ấy. Trung liên phía anh Liễu đột ngột tắt. Không hiểu súng hóc hay hết đạn. Song rồi tiếng AK lập tức thay trung liên. (vì vũ khí của chúng tôi rất nhiều, ở vị trí nào cũng có vũ khí giết giặc) Trước tình thế lâm vào quẫn bách, tôi chỉ còn biết ghì chặt báng trung liên vào vai, nghiến răng xiết cò.
          Bọn giặc vẫn liều chết xông lên.
          Bỗng chính lúc đó. Anh Liễu nhảy lên khỏi công sự. Đứng thẳng trên bờ hào. Nói gì rất to, nhưng giữa trận đánh. Trong vô vàn tiếng nổ của các loại đạn, tôi không nghe rõ lời anh.
          Tôi sửng sốt, lo ngại cho anh Liễu. Không biết làm gì  khác hơn là bắn thật mạnh vào những cái mũ sắt mỗi lúc một tiến gần về phía mình, hy vọng hỗ trợ cho anh Liễu.
          Anh Liễu đứng thẳng trên bờ hào, khẩu AK trong tay quất chính diện vào đội hình quân giặc. Bọn giặc nằm bẹp xuống. Chúng tránh đạn. Chúng khiếp đảm vì chưa bao giờ. Khi nào. Người lính của ta lại xuất hiện một cách Trực diện – Điềm tĩnh – Hiên ngang – Dũng mãnh đến như vậy. Giây khắc này. Đọng mãi trong tâm khảm của tôi. Dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi: Anh đứng thẳng trên bờ chiến hào, giữa khung cảnh mịt mù khói đạn, chân mở bằng vai, gió chiều làm tóc anh xõa xuống trán. Khẩu súng trong tay liên tục nhả đạn. Nét mặt hừng hực lửa căm giận – Hình ảnh của anh đã tượng trưng cho ý chí kiên cường. Quyết không chịu lùi bước, của chiến sĩ 384. Của trung đội chốt, đại đội 62 chúng tôi.
          Khi bọn lính, khiếp đảm phải nằm bẹp xuống tránh loạt đạn từ trong tay anh Liễu, thì lập tức khẩu đại liên lên tiếng. Anh Liễu đang xả những viên đạn cuối cùng vào lũ giặc, thì loạt đạn đại liên của chúng đã bắn trúng đầu anh. Một nửa đầu trên bay mất. Anh từ từ quỵ xuống.
          Anh ngã xuống trong tư thế chiến đấu. Ngay bên bờ chiến hào. Lúc 3 giờ chiều hôm nay: 18-4-1972. Thấy vậy, bọn địch ào lên, bỏ hướng chính diện, nơi anh ngã (chúng vẫn còn kinh hãi). Chúng chia làm 2 hướng: tôi và Toán.
          Một lũ người lao về phía tôi. Khoảng cách đã khá gần. Thế là hết. Tôi bỏ súng, hơi lùi lại, sờ tay chộp quả lựu đạn tăng (anh Liễu đã tháo giúp, chỉ còn động tác cuối cùng). Tôi chỉ còn 1 ý nghĩ “Mình chết thì chúng nó cũng phải tan xác. Quyết không chịu để nó bắt sống.” Và tôi giật mạnh, hất mạnh về phía trước. Một tia chớp. Trời sập liền trong tức khắc – tôi không hề hay biết gì nữa.
          Tới khi tôi tỉnh lại. Thấy im ắng lạ thường. Cố nhiều lần mới chống tay ngồi được. Khát nước và chóng mặt. Tôi cảm thấy lo thực sự. Liệu mình có đủ sức để chịu đựng, chiến đấu đến tối được hay không?
          Khát như muốn xé họng. Phải cố gắng mà đái ra ống “lon” hộp. Nước tiểu đỏ quạch. Nhắm mắt mà uống cho đỡ khát. Trong đầu chỉ còn ý nghĩa “Nếu không có chi viện. Không đủ sức cản địch nữa, đợi chúng nó lên gần, sẽ thí mạng quả nữa. Nhất định không để chúng nó bắt sống mình.” Toán vẫn còn. Bọn địch lao về phía anh. Đã bị anh diệt bằng quả B40. Toán bảo tôi:
          - Tao cảnh giới. Mày đặt anh Liễu xuống lòng hào đã.
          Thi thể anh nhuộm đỏ máu. Nửa đầu trên bị đại liên tiện mất. Tôi kiểm tra túi áo anh, còn 1 gói nhỏ bọc ni-lông không bị thấm máu phía trong. Đó là cuốn sổ ghi những điều đáng nhớ của anh. Đã có lần anh cho tôi đọc. Trang viết cuối cùng. Anh ghi tên những cá nhân chiến đấu xuất sắc giới thiệu với Đảng. Tôi bế anh trên tay, máu tim anh nhuộm đỏ quần áo tôi. Đặt anh nằm dưới lòng hào. Nơi anh nằm là đoạn hào phía Đông 384 – nhìn ra biển. Tôi nói thành lời:
          - Anh ơi. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Anh hãy yên tâm mà ra đi. Em sẽ quyết chiến đấu. Trả thù cho anh.
          Nguyễn Tiến Liễu. Chuẩn úy. B trưởng. Quê: Kiến Xương, Thái Bình. Nhập ngũ: 1968. Đảng viên. Tổ trưởng Đảng. Người anh cả của chốt. Đã anh dũng hy sinh. Một người lính dũng cảm. Một chỉ huy có tài. Đã sống anh dũng và chết oanh liệt như thế đấy. Vĩnh biệt anh – chỉ có mình tôi – không có 1 hình thức tang lễ nào, giữa khoảng cách của 2 trận đánh nơi chiến hào sặc khói súng này tôi chỉ biết im lặng cúi đầu vĩnh biệt người anh – người đồng đội – đồng chí thân yêu nhất và thầm hứa: sẽ quyết chiến đấu trả thù cho anh.
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2012, 12:56:48 pm »

*Phần 13                                                                          .
Trích dẫn
Trở lại với thực tại. Tôi nghĩ ngay đến chi viện. Cầm que vạch xuống đất viết chữ “viện”, Toán bảo: “Không chắc gọi được viện đâu. Bọn phía sau có chi viện cho mình cũng phải đợi đêm.” Song tôi nghĩ: “Tôi phải gọi. Đã là lính thì phải hỗ trợ cho nhau lúc khó khăn. Đâu có bộ đội thì phải chi viện cho 384.”

          Tôi đứng ở khúc hào phía Tây. Nơi có con đường đi về chốt, nhìn xuống tổ thông tin K63. Bom đạn đã xóa mất cánh rừng. Nên tầm nhìn dễ dàng. Song không thể cất tiếng gọi được.

          Tôi cầm khăn quyết tử phất làm hiệu. Không thấy gì. Liền cầm 1 khẩu AK và 1 khẩu AR15 giơ cao thành 2 đường chéo. Rồi chỉ về phía địch, ý nói: Khẩn cấp – xin chi viện. Lát sau, một người nhỏ nhắn đội mũ bê-rê, lao ra khỏi hầm. Anh Soạn đại đội trưởng. Đi họp về đợi trời tối lên chốt. Nhận được mật hiệu khẩn cấp của tôi. Anh trở lại trận địa trong tầm quan sát của địch từ máy bay trên không. Từ đồn Sô-đô nhìn sang.

          Tôi mừng rơn, nói ngay: 

          - Ôi anh Soạn. Em đợi anh mãi. Bộ đội hy sinh gần hết! Cả anh Liễu cũng hy sinh rồi. Anh về chỉ huy đi.

          Tôi hướng dẫn anh Soạn thủ đoạn của địch, quy luật tấn công, cách đánh của ta. Anh chỉ "ừ" và nói: "Cố giam chân địch. Tối sẽ có chi viện!"

          Tôi bảo anh Soạn:

          - Anh ở vị trí của em. Em sẽ thay vị trí anh Liễu. Vì em hiểu lối đánh của địch rồi.

          Khẩu đại liên của địch lại nhả đạn. Tôi tranh thủ thay băng trung liên, đưa mắt nhìn xem số lựu đạn còn lại. Và nói với anh Soạn:

          - Nó bắn đại liên là sắp tấn công. Phải cẩn thận đấy anh Soạn ạ.

          Nhìn sang, anh Soạn đã chết từ lúc nào. Ngồi sau gốc cây cụt trên bờ hào, đạn đại liên bắn vào mặt. Anh ngã đè lên súng. Máu chảy thành vũng dưới chân. (Như vậy là khẩu đại liên của địch đã giết mất cả 2 người chỉ huy của chúng tôi: Anh Liễu, anh Soạn)

          Địch lại ồ ạt tấn công.

          Không còn kịp nghĩ gì nữa. Tôi và Toán phối hợp cản địch: Toán, vẫn khẩu B41. Tôi, ghì chặt báng trung liên, nghiến răng xiết cò. Trả thù là đây, lập công là đây. Tôi vừa bắn vừa khóc. Khóc vì thương đồng đội, căm thù lũ giặc. Khóc vì trong lúc khốn cùng, sẵn sàng chết. Khóc, vì bị bỏ rơi nên uất ức. 384 bị cô lập. Bộ đội chết gần hết mà lại không có chi viện. Tuyệt nhiên tôi không còn sợ sệt và chẳng nghĩ gì đến mạng sống và điều sống chết lúc này nữa. Đã chai sạn trong gian khổ ác liệt tận cùng. Giờ đây tôi không còn biết sợ là gì nữa. Trong tôi chỉ còn 1 ý nghĩ:

          - Phải giết nhiều, bắn mạnh, còn nguồn sinh lực trong người, còn chiến đấu trả thù cho Đồng đội và đánh đến cùng.

          Bọn địch tạm rút.

          Tôi ra hiệu cho Toán: Anh Soạn đã hy sinh.

          Toán, mắt đỏ vằn vì giận dữ, anh nói với tôi giọng hằn học:

          - Thằng Minh mày nhớ đây. 384 chỉ còn mày với tao. Phải đánh đến giọt máu cuối cùng. Nếu không đủ sức cản địch nữa thì giật lựu đạn mà chết chung với chúng nó. Thằng Nam Triều Tiên có bước qua xác bọn mình mới lấy được 384 này. Tao còn, mày còn, chốt phải còn. Rõ chưa?

          Nói rồi, Toán nhìn về phía Bắc. Tay cầm quả lựu đạn giơ cao. Anh vẫy chào lần cuối:

          - Vĩnh biệt gia đình. Vĩnh biệt quê hương.

          Điều đó lúc này cũng chẳng hề làm tôi mủi lòng vì tôi cũng chờ cái chết đến bất kỳ lúc nào.

          Trời đã tối, trăng thượng tuần đã tỏa sáng phía Tây. Tưởng được nghỉ ngơi như mọi ngày nhưng bọn giặc lại tấn công.

          Tôi và Toán, 2 người lính còn lại của 384. Đã đối đầu với hàng trăm tên Nam Triều Tiên giỏi võ, khỏe mạnh. Trong khi chúng tôi đã kiệt sức vì 10 ngày đêm không ăn, không ngủ, chịu đựng qua tất cả các đợt oanh tạc ác liệt dữ dội của không quân và pháo binh Mỹ. Hai người lính đã kiên cường trụ bám. Khắc phục mọi khó khăn ác liệt. Chiến đấu bẻ gãy tất cả các đợt phản công của địch. Đánh trận này là trận thứ bao nhiêu? Giết bao nhiêu tên giặc? Không biết. Hai người lính đã kiệt sức qua từng ấy ngày đêm gian khổ ác liệt. Đã uống nước tiểu chiến đấu suốt ngày hôm nay. Vẫn có mặt để bước vào trận gay go này. Xác định: Sẵn sàng chết, nếu không bảo vệ được chốt nữa thì cũng bảo vệ được danh dự và khí tiết người lính.

          Tôi ghì chặt báng trung liên, xiết cò. Trước đường đạn, quân giặc ngã lia lịa. Song chúng vẫn hè nhau xông lên. Những phát B41 của Toán vẫn nổ chính xác vào đội hình địch.

          Đạn trong băng hết. Không còn đủ thì giờ để thay băng khác, tôi tung lựu đạn tạo hàng rào lửa để có cơ hội nhặt súng khác. AK lại nhả đạn. Khi tiến, khi lùi, lúc bên phải, lúc bên trái. Tôi tận dụng hết nguồn sinh lực trong người. Cho dù trận này là trận cuối. Cho dù phải trả giá đắt nhất cũng không uổng. Mình chết, chúng nó càng phải chết nhiều hơn.

          Bỗng Toán chạy lại phía tôi:

          - Mày bóc hộ giúp tao mấy cái liều phóng. Hết liều phóng B41 rồi.

          Thật là gay. Không làm theo lệnh Toán không được. Nhưng làm thì chiến đấu làm sao? Tôi đành treo súng trên vai phải. Bắn. Tay trái cầm ống liều phóng. Vừa bắn vừa cắn cho vỡ vỏ nhựa để lấy liều phóng cho Toán. Dù có phải gãy hết hàm răng cũng phải lấy bằng được liều phóng. Lúng túng trong hoàn cảnh, cùng lúc phải lo 2 việc: vừa cản địch, vừa cắn cho vỡ vỏ nhựa đựng liều phóng. ( Thật hiếm có ai đánh địch trong hoàn cảnh như tôi) Bỗng, 1 tiếng nổ rất lớn, trước mất tôi bùng lên cà 1 quầng lửa đỏ lóe. Tôi có cảm giác như bị nâng lên rồi rơn xuống vực thẳm. Từ đó tôi không hề hay biết gì nữa.

          Tới khi tỉnh lại. Thấy mình đang nằm giữa bãi đất bột, một khoảng trời nho nhỏ trên đầu. Tôi hiểu ra: Tôi bị rơi xuống hố bom trong lúc quả đạn nổ? ( Đạn gì thì không rõ ) Và bị hất từ đó. Súng mất ( vì treo ở vai phải nên bị văng mất ) ống nhựa đựng liều phóng B41 vẫn còn trên tay, một đầu đã nhai nát, đầu hàm răng. Không còn 1 tấc sắt trên tay. Toán đâu? Sống hay chết. Có rất nhiều tiếng nói trên đầu. Địch đã tràn lên chốt. Không còn làm gì được hơn nữa là rút. Phải rút hết sức bí mật. Kẻo chỉ cần 1 quả lựu đạn, hoặc 1 loạt đạn vu vơ vào lòng hố bom này. Trườn khỏi hố bom, rút xuống tổ thông tin K63. Hai người lính thông tin, chắc đã hiểu ra sự việc.

          Họ sốt sắng hỏi: Tình hình sao rồi?

          Nhìn hai người vẫn an nhàn ngồi đây. Trong khi bộ đội trên chốt đã chết hết. Mong đứt hơi không có chi viện. Cơn giận bốc lên ngùn ngụt. Tôi chửi họ thậm tệ. Người có tuổi kéo tôi vào hầm:

          - Sao cậu lại chửi chúng tôi như vậy. Có gì bình tĩ nói đi nào. Lính mới mà đã ăn nói như vậy kia à.

          Tội càng sôi máu thêm. Vừa nói vừa khóc:

          - Thì anh bắn chết tôi đi. Tôi sống làm gì khi không trả thù được cho anh em tôi. Còn một mình tôi không làm gì nổi. Yêu cầu các anh chi viện, tại sao các anh làm ngơ ?

          Người ấy nói rằng:

          - Chúng tôi có 2 người. Một làm việc, một bảo vệ máy, không thể bỏ máy cầm súng chiến đấu được.

          Tôi nói:

          - Máy các anh to hơn 384 của chúng tôi à!

          - Chúng tôi phải đảm bảo thông tin liên lạc từ sở chỉ huy xuống chốt và ngược lại. Bây giờ các đồng chí cho biết ý kiến về sở chỉ huy đi. Đừng cãi vã nữa.   Thằng địch nó ở sát sườn kia. Phải đảm bảo bí mật kẻo nó đụt cho bây giờ. Phỏng có ích gì đâu. Tôi chợt nhớ ta. Nếu chi viện kịp thời thì đêm nay đưa bộ đội lên chốt dễ dàng. Về đêm có điều kiện làm lại trận địa. Chắc gì thằng địch nó ở lại ban đêm vì không có hầm trú ẩn.

          Tôi nói:

          - Các anh điện về sở chỉ huy giúp. Đề nghị trên cho thêm người chi viện, một mình tôi không giữ nổi chốt. Bộ đội đã hy sinh hết. Mình tôi là người cuối cùng.

          Tôi xin nước uống. Họ nói đã hết nước và chịu khát từ lâu. Nói rằng tôi ngồi đây. Đợi họ đi lấy nước uống. Nhưng khi cơn khát đang giày vò. Đã phải uống nước tiểu cả ngày rồi. Ngồi đây đợi thì sốt ruột, chịu sao nổi. Tôi liền giành phần đi lấy nước.

          Tụt vách đá. Lao bừa trong đám gai góc, sò sệt lầm mò dưới khe về đêm tối như hũ nút, ngổn ngang những cây đổ vì bom pháo. Thời khi có cảm giác mát lạnh dưới gan bàn chân. Nước đây rồi. Chẳng kể gì bẩn sạch, tôi bò sát đất, vục mặt xuống vũng nước chỉ lai láng, uống một hơi đã đời. Đứng dậy nhổ hết lá mục bùn đất trong miệng, rồi mới lần sờ vào phía bên trong. Vũng nước sâu hơn. Chảy ra từ lòng núi. Tôi tiếp tục uống cho thỏa thích. Cho bõ nhưng cơn khát cháy họng phải uống nước tiểu. Tôi múc một can nước đầy. Xách lên tới khỏi bờ khe, giơ lên cao mà nhìn anh sáng mờ của trăng thượng tuần. Thấy nước cũng đục ngầu như nước cà fê. Vậy mà 2 người lính thông tin vẫn uống ngon lành. Người lính thông tin có tuổi. Tên Hạng, nói:

          - Sở chỉ huy trung đoàn đã nhận được điện của cậu, biểu dương tinh thần chiến đấu của cậu. Nội trong đêm nay sẽ có chi viện. hai chúng tớ và cậu tiếp tục ở lại để chờ chi viện.

          Người lính ít tuổi tên Bội. Anh Hạng trực máy, anh Bội gác, họ giục tôi đi ngủ, nếu đói thì lại ăn. Tôi nhờ họ khoảng nửa đêm báo thức. Vì tôi tự cho phép mình chỉ được “giải lao”: thôi. Chưa thể nghỉ ngơi được.
Logged

Khánh mập
Thành viên
*
Bài viết: 76


Lon ton điếu đóm!


WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2012, 12:58:11 pm »

*Phần 14: Hết nhật kí!
Trích dẫn
Tôi rúc vào vách hầm. Nằm ngủ, có người lính thông tin gác cho giấc ngủ của mình. Cảm thấy thấy rất hối hận vì đã trót nặng lời với họ. Cầu mong các anh ấy thông cảm. Cũng vì nhiệm vụ mà thôi.

          Nửa đêm, họ đánh thức tôi dậy. Nghĩ đến chốt, tôi bừng tỉnh. Còn Toán, chưa rõ ra sao. Tôi phải trở lại xác minh cụ thể. Không thể yên thân một mình được. Một mình tôi trở lại chốt, trên đỉnh đồi toan hoang xơ xác. Không 1 tiếng dế kêu, không một động tĩnh nhỏ. Liệu thằng địch có trên đồi không. Tôi lăm lăm khẩu súng trong tay. Nếu có động sẽ dễ phản ứng hơn vì ban đêm. Tôi nhặt những hòn đất nhỏ, ném về nhiều phía. Không có gì. Xác anh Liễu, anh Soạn vẫn nguyên. Toán đã hy sinh. Có lẽ hy sinh vì quả đạn nổ khi tôi bị văng xuống hố bom. Trở lại tổ thông tin, tôi và anh Bội bàn và nhận định:

          - Địch không ở lại trận địa vì: Một, nó tưởng ta rút đi, bẫy nó để dập pháo. Hai: hầm trú ẩn và hầm chiến đấu hỏng hết. Nó ở lại ban đêm sẽ bất lợi nếu nó rút. Điều kiện này, đưa bộ đội lên thuận lợi vô cùng. Tôi cũng thêm sốt ruột vì chờ đợi.

          Mai rồi, đã gần sáng vẫn không  thấy gì. Chúng tôi bàn: Tạm rút xuống chân chốt, nơi bếp anh nuôi, không thể ở đây giữa ban ngày được, định gì thì xuống đó liệu tiếp.

          Tới bếp anh nuôi, thấy chính trị viên Truân và bộ phận chi viện ngồi đó, nói rằng đợi khẩu cối 61. Trời ơi, họ có biết tôi mong họ như thế nào không ? Trong lúc tôi chiến đấu đơn độc lẻ loi thì họ vẫn ung dung thế này đây. Là chiến binh, chiến đấu không chỉ bằng ý chí, bằng lòng dũng cảm, bằng lòng trung thành với Tổ quốc nhân dân, còn phải bằng cả lương tâm trung thực nữa kia. Kẻ hèn nhát đã khốn nạn tới mức vô nhân đạo, bỏ mặc đồng đội gặp khó khăn. Đồng đội chết hết vẫn làm ngơ còn biện bạch ra lý do để hợp lý tình huống. Tránh đòn trừng phạt của kỷ luật quân đội. Giữa những đồng đội đã hy sinh so với hạng người này, sao mà khác xa đến vậy, trái ngược đến vậy. Song tôi phải im, nghĩ đến bài học kiểu tối hôm qua với anh Bội, anh Hạng… vì tôi chỉ là binh nhì, “thắng” sao được lý luận của thủ trưởng cao cấp nhất đại đội.

          Hỏi tôi về tình hình chốt xong rồi chính trị viên Truân tuyên bố rút. Đánh hay rút là do ông Truân quyết định, ông Truân chịu trách nhiệm. Tôi chỉ là binh nhì, nào tôi có “thẩm quyền” gì lúc này được nữa. Tôi đành chịu lỗi với 7 liệt sỹ, 7 người đồng đội thân yêu đã vĩnh viễn hóa thân vào long đất, nằm lại với ngọn đồi 384. Những đồng đội của tôi đã sống anh dũng, chết vẻ vang cho tổ quốc, non sông, cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Mà phải phơi xương trên ngọn đồi, ngoài tôi ra không ai biết, không ai chôn cất.

          Nỗi xót xa day dứt này chỉ có tôi – một chiến binh – một tay súng đã kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, chiến đấu cùng các anh mới phải trực tiếp gánh chịu trước trách nhiệm tình đồng đội mà thôi.

          Câu chuyện về ngọn đồi 384 và kết cục là như thế đấy. Chỉ có những ai lính chiến trường đã trải qua những ngày khói lửa mới hiểu và đồng cảm cho những suy tư day dứt của tôi – một chiến binh nặng tình với đồng đội và mãi mãi khắc sâu trong ký ức kỷ niệm chiến trường.

          Phải sống, chiến đấu, chịu đựng trong những ngày khói lửa chiến trận mới thấy được vị đắng của chiến tranh và hiểu hết được nghĩa thật của CHIẾN TRANH là thế nào.

          Sau những ngày khói lửa sống, chiến đấu trên cao điểm 384 đã cho tôi bài học lớn của người lính giải phóng quân trên chiến hào diệt Mỹ.

          - Sống căm thù, sống yêu thương.

          Tôi đã từng nổ súng, xông pha qua nhiều trận đánh trên chiến trường Bình Định – Gia Lai, nhưng kỷ niệm về cao điểm trận địa và những đồng đội thân yêu đã anh dũng hy sinh thì không bao giờ quên được. Những dòng nhật ký trên đây để nhớ về kỷ niệm ngày khói lửa. Như để cáo lỗi với 8 người đồng đội thân yêu, cũng là để thắp lên một nén nhang trước linh hồn các anh – những con người mà tôi rất cảm kích tôn thờ. Trước những tâm hồn cao thượng, nguyện sống xứng đáng trước các anh, quyết không làm hổ thẹn danh dự đồng chí của các anh.

          Vì tình đồng chí, đồng đội là thiêng liêng cao cả. Sau chiến tranh, tôi may mắn trở về. Thầm hứa sẽ làm nốt những việc mà trong chiến tranh không làm được: đưa hài cốt các anh về quê hương. Có làm được điều đó tôi mới hoàn tấy nghĩa vụ trách nhiệm tình đồng đội. Vì món nợ tình đồng đội thì không lấy gì trả được.

          Mãi mãi nhớ về kỷ niệm 10 ngày đêm sống, chiến đấu trên cao điểm 384 và 8 đồng đội thân yêu đã anh dũng hy sinh nằm lại với ngọn đồi:

          Nguyễn Tiến Liễu, Đồng Văn Soạn, Nông Văn Thu, Nguyễn Văn Du, Kiều Minh Toán, Hà Văn Bình, Đào Duy Hiển, Trần Văn Chính

 

 

---HẾT---
Logged

cuongtrananh
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #18 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2012, 09:57:21 pm »

đọc lần 2 vẫn thấy cảm động....chúng cháu không bao giờ quên ơn các bậc ông cha ta xd và gìn giữ đất nước
Logged
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #19 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2012, 04:40:18 pm »

 Rất cám ơn cháu Khanhmap@ ạ , cô rất cám ơn các cháu đã làm được một việc thật có ý nghĩa , thật cảm động . Các đồng đội của cô những năm 1972 sẽ linh thiêng , ấm áp hơn mặc dù xác họ phơi giữa ngọn đồi ,sau 40 năm đến nay chắc đã hòa tan vào đất , vào trời của mảnh đất hình chữ S này. Cô thay mặt các CCB và các liệt sĩ xin cám ơn các cháu.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM