Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:45:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Truyện ngắn về đề tài chiến tranh cách mạng  (Đọc 75475 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« vào lúc: 24 Tháng Tám, 2007, 05:22:54 pm »

Vô danh trận mạc - truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ

Số phận đã sắp đặt cho chú chó Lu gặp anh lính trẻ để rồi thử thách họ trong những hoàn cảnh đặc biệt, trớ trêu của thời chiến. Lu đã nhiều lần cứu sống anh nhưng cũng để lại trong lòng anh một vết thương khó lành khi nó đã không thể cùng có mặt với anh trong ngày chiến thắng.

Đó là Lu. Tôi nhặt nó trong một bản nhỏ cháy toang hoang, nham nhở, còn nguyên mùi khét vì đạn cối giã xuống từ chiếc C130 bay tuần đêm. Lúc sắp qua bản, tôi chợt nghe thấy tiếng rít yếu ớt vọng lên từ lòng đất, như  là những âm thanh mơ hồ hay gặp trong chiến tranh. Không phải! Khi tôi đá gạt cành cây bị đạn chém rụng xuống mặt đất, lộ ra lòng hố tối thẳm, một đôi mắt đen, lấp láy.

Hoảng hốt vài giây, nắm chặt hơn báng súng, tôi nhìn thấy một xác chết ôm đôi mắt kia trong lòng. Nhìn kỹ nữa, đứa trẻ chừng tám chín tuổi, đầu vỡ, gáy dựa vào thành hố, mắt trắng hoang mang, trân trân nhìn ngược lên trời. Máu đã khô, đen thành vệt chảy xuống đầy hai bàn tay đang ôm chặt con chó nhỏ. Để đưa nó lên, tôi gần như phải bẻ ngón tay của người đã che chắn cho nó.

Chúng tôi gọi tên nó là Lu. Đừng nghĩ đó là một tên Tây. Nó cũng như là Vện, là Lêu, là Êu Êu. Còn khi gọi Lu Lu thì có vẻ Tây rồi! Không phải tụi tôi muốn vậy. Ban đầu gọi một từ Lu gọn lỏn, nó chưa nhận ra là gọi nó. Chó mà! Thế là phải gọi hai lần từ Lu, quen miệng thành Lu Lu. Vậy là từ ngày đó, con chó sống sót của cái bản đã bị hủy diệt ấy, được coi là thành viên thứ bảy trong tiểu đội Hà Nội. Đấy là tôi muốn nói tới sự chia chác khẩu phần ăn của sáu người cho nó, chứ yếu ớt, còi hoi như nó thì làm được trò trống gì để đỡ đần cho thằng lính! Chúng tôi nghiền nhỏ cơm hoà nước thành thứ cháo hạng nhất cho nó liếm. Tóm được dăm cá suối nhỏ về kho với me rừng, tôi lén tiểu đội, chan cho nó ít nước hiếm hoi. Giá mà có sữa, trứng bột như hồi chuẩn bị đi B dài nhỉ? Thằng Bảo dân Hàng Thiếc thốt ra. Mơ ước thần tiên! Hão huyền! Tôi mắng. Quả thực vậy, muối cũng thiếu, thèm mặn! Mỳ chính và muối được gìn giữ như của báu. Đôi khi nhón trộm  vài hột, thả vào lưỡi. Sung sướng quá! Nói gì tới đường sữa cho chó! Thế mà nó qua được. Ba ngày đã nhởn nhơ quanh lán. Năm ngày nhảy tưng tưng khi chúng tôi từ rẫy hay đi tuần tra về. Nó bắt đầu có da có thịt sau hai ba tuần gì đó. Lông không xác xơ nữa, mỡ dần, rõ sắc vàng điểm chấm đen và, nhanh nhẹn ra hồn chó. Cứ thế, theo ngày tháng nó biết thêm ra. Chúng tôi cũng dần quen hơi bén tiếng với nó. Những người lính sống âm thầm trong rừng, xa dân, xa bản, một con chó cũng làm cho cái lán vui vui. Một tháng sau, lần đầu tiên nghe nó sủa. Nhách… nhách... nhách…Tiếng kêu của chó, tiếng của sinh linh suýt chết, dẫu còn mong manh va vào núi đá, vọng trượt trên những tàn cây gợi lên điều gì rất xa xôi trong tôi.

Đám lính Hà Nội, tiểu đội trưởng Hạnh chai sạn, đánh nhau từ Bắc vào Nam; từ tôi, thằng Hoàng, thằng Lưu, Bảo…những cựu chiến binh dầy dạn bom đạn, biết thế nào là Huế Mậu Thân đẫm máu hay chiến dịch Lam Sơn 719 của địch, tới thằng Tâm, thằng Khanh (rất hay bốc phét) vừa nhập ngũ… Mỗi người nhìn nhận, đùa giỡn, ứng xử với nó một khác. Ví như thằng Tâm, cũng hay cho nó ăn đấy, nhưng mỗi lần cho ăn thường vỗ vỗ vào đầu nó và nói như hát: “Nhanh lên chứ, vội vàng lên tí nữa…Sáu bát, sáu bát!”. Hê hê, tôi biết tỏng cái thứ thân thiện kiểu ấy. Nó là thằng gầy nhẳng mà háu đói nhất. Với anh Hạnh thì lại khác. Anh có thể ngồi yên bên nó, gãi đầu và xoa lưng, cù vào ức nó cả giờ. Ngược lại, khi tiểu đội bận, đi vắng cả, nó cũng hàng giờ im lặng, ngúc ngoắc hai tai, để nghe anh kể lể gì đó. Tôi cứ đinh ninh khi ấy, anh đã nói với Lu như đã từng kể với riêng tôi, về một bà chị bốn mùa đi đội than, quẩy nước mắm, gánh củ nâu từ những chiếc thuyền có hai cánh buồm với bao nhiêu miếng vá ngoài bến Phà Đen… Tụi tôi vào lính với hoàn cảnh, nguồn gốc khác nhau. Anh Hạnh sinh ra trong một nhà nghèo. Bố mẹ mất sớm, phải ở với chị, phải đi bóc vỏ cây, ở những cái bè gỗ trôi từ mạn ngược về. Người như vậy, không thể sống vô tư như đám con cái viên chức cũ, hay con cán bộ kháng chiến. Có thể do từng trải, anh là người cần kiệm, biết nhặt nhạnh từ chút giẻ cũ lau súng tới mẩu sắn gãy ngoài nương cho nồi cơm bọn tôi thêm một lần xới. Thằng Hoàng thì trái lại với anh Hạnh. Nhà nó giàu nứt đố đổ vách. Theo lời nó kể, nhà nó toàn bán gạo mậu dịch mua gạo tám xoan về ăn. Giò lụa cắn ngập răng. Thịt gà nhả bã. Có phải vì đói mà nó bốc phét như thằng Khanh không, nhưng tôi biết, mẹ nó quen mẹ tôi, bán vải ở chợ Đồng xuân. Một bà đậm người, cổ thường đeo chuỗi ngọc xanh màu hoa lý. Hoàng rất hay trêu Lu. Đôi khi ngu xuẩn nắm cả đuôi nó kéo ngược. Lu kêu lên thảm thiết, nó giận Hoàng vài hôm. Nhưng Hoàng cũng hào phóng. Có bữa, đang cắn dở miếng thịt nhím béo lắm, thấy Lu trân trân nhìn, nó vứt ngay lên cao để Lu nhảy lên tợp lấy… Tất nhiên với tôi, Lu gần gũi nhất. Đêm lạnh, nó nhảy lên sạp, chui vào cuối chăn làm ấm hẳn đôi bàn chân tôi.

Mùa mưa cao nguyên năm ấy thực đáng sợ. Mưa cứ rơi hết ngày này tới ngày khác, phá hỏng tất cả các con đường vận chuyển. Xe từ Bắc không thể vào được tới mặt trận. Khẩu phần gạo tụt xuống, đầu mùa mưa là năm lạng, sau ba lạng và xuống hai lạng một người. Lĩnh gạo về, vừa mở dây buộc, bọ đen nhảy lên tanh tách. Đãi kỹ cho bớt bọ, mọt thì bột gạo trôi hết theo nước suối, còn trơ lại lõi gạo. Đãi không kỹ thì bát cơm đắng nghét. Sắn cũng vừa đen vừa mốc. Cũng may là khi đó chúng tôi không phải đi đánh nhau. Chúng tôi trông kho đạn của tiểu đoàn, làm rẫy và thi thoảng tuần tra trên những lối mòn ven sông, bảo vệ vòng ngoài cho căn cứ của sư đoàn. Thế là sướng lắm rồi! Còn có cái mà sột soạt, tọng cho đầy cái dạ dày luôn kẹp lép, dù làm rẫy cực nhọc lắm. Tại đó, không như hồi đánh và giữ Boloven, thú như trong chuồng, tha hồ bắn. Những cánh rừng khoop bằng phẳng trên cao nguyên chỉ sẵn cú, sóc và chuột. Còn rừng xanh có cheo và các thú khác nhưng không được nổ súng lộ căn cứ! Chỉ còn cách đặt bẫy thú, săn bắt cá. Muốn nổ súng phải đi thật xa, cả ngày đường. Bẫy thú thì bọn “cày đường nhựa” tụi tôi hoàn toàn ít kinh nghiệm. Chỉ còn cách vớ được bất kỳ con gì cũng tống vào dạ dày, kể cả loài quạ tanh và dai, bọn vẹt chỉ toàn thấy đầu. Tới mùa măng le mọc, đi tìm lỗ dúi mà đào tới cùng và truy bắt. Những khi ấy, càng lớn Lu càng đắc dụng. Nó hít thật lực, hai chân trước cào cào, như báo hiệu hướng hang của  dúi. Thèm chất tanh, đi đặt câu, nhưng chỉ trong mùa khô, khi các con suối hẹp lại, cạn đi để cá quả và trê hay cắn mồi. Muốn ăn cá lớn, phải đi xa nữa, tới con sông luôn xiết chảy. Đổi cái võng đôi Tô Châu mới, nửa cân muối mỏ, được bộ lưới bén của dân Lào dài chừng hơn hai chục mét. Tìm chỗ nước lặng, hay nơi suối gặp sông mà thả lưới. Cũng nhiều khi dùng bộc phá đánh cá. Nếu đánh, chỉ với lượng TNT rất ít, cắt ngắn dây cháy chậm sát kíp, tính sao khi nổ đủ độ sâu hai mét, cho người trên bờ chỉ nghe tiếng ục rất nhỏ, trầm và thấy nước sôi quẩn lên là lao ngay xuống vớt cá. Sông cao nguyên, đoạn nào lòng lắm đá, xiết chảy, cá mõm trâu nhiều lắm. Đánh một phát cháy nhanh, cá nổi ệch bụng, trắng phớ trôi theo nước xiết. Nhảy ào xuống, bơi theo mà nhặt. Phải nhanh tay, nhanh mắt không cá trôi mất tiêu. Phải có nghề, mồm ngậm cá, tay cầm cá và ngón chân cũng kẹp cá. Khi còn nhỏ, Lu cứ chạy ven bờ sủa nhặng, làm tôi rất bực. Lúc xong việc, chúng tôi quây quần bên đống lửa nướng cá ăn cho đỡ mệt vì rét và đói. Lu rất có kỷ luật, dù cá thơm như thế mà cậu chỉ chồm hỗm ngồi yên, mắt đăm đăm vào dàn cá đang thả mỡ rơi xèo xèo xuống dàn lửa. Nó là kẻ biết chờ đợi, kiên nhẫn chờ mấy cái đuôi cá nướng tụi tôi bẻ chia cho. Có lần, tôi bảo: “Ăn thế thôi. Chẳng làm gì lại kêu nhặng lên. Mày là chó, công cán gì mà ăn như vua! Biết tội chưa?”. Lu có thể nhận ra tôi nghiêm khắc, nên có vẻ sợ và chắc hối hận. Nhìn mắt nó thì biết. Cu cậu chứng tỏ thái độ bằng cách thè ngay lưỡi liếm nịnh vào tay tôi. Tôi tin rằng, giống vật hiểu được tiếng nói con người. Chỉ có điều nó không nói ra mà thôi. Bằng chứng là hai tháng sau, trong một lần đánh cá, khi chúng tôi đồng loạt nhao xuống dòng nước xiết, Lu cũng nhào theo và, thoắt càm lên bờ một con cá khá lớn rồi lại nhao xuống thả trôi tới hơn ba trăm mét để kiếm thêm con nữa. Tất nhiên, dù tụi tôi vì thiếu đói mà keo kiệt, vẫn phải để nó xơi nguyên một con cá. Thời gian vèo một cái hết mùa mưa. Chúng tôi sắp thu hoạch rẫy. Lúa rất mẩy và ngô nếp căng sữa chưa từng thấy. Khi này, Lu đã thực sự trở thành một chàng chó cường tráng và bắt đầu đỡ đần tụi tôi. Nó lùng sục suốt đêm ngày đuổi lũ chuột và sóc, cả những con khỉ nhanh lại khôn như chấy. Tôi không thể tưởng tượng rằng, sao nó bắt chước nhanh tới vậy. Đó là lần thấy tôi bò trườn giữa những cây lúa đang trĩu hạt, tiếp cận, đủ tầm bắn, một chú hoãng đang giác, lạc vào ven rẫy, nó cũng ngậm tăm bò ngay bên cạnh và lao như tên bắn ngay sau khi khói súng vừa loang trên đầu nòng… Mỗi ngày, nó được chứng kiến thêm, tham gia vào nhiều công việc của thằng lính. Nó vừa là bạn vừa là chiến hữu.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Mười, 2007, 07:24:04 pm gửi bởi dongadoan » Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #1 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2007, 05:26:07 pm »

Vô danh trận mạc (tiếp)

Còn câu chuyện của mùa mưa năm sau, đơn giản là thế này. Giữa mùa mưa, ngô bắt đầu kết sữa trên rẫy, tiểu đoàn đột ngột điều người đi bổ sung quân số cho một đại đội đang chống lấn chiếm ở vùng giáp ranh. Vì cả đại đội trông vào rẫy để chống đói nên phải để người ở lại. Anh Hạnh bảo, cậu ở lại với Lu nhé. Trông rẫy tất nhiên không có gì nguy hiểm như đi đánh nhau. Nhưng sẽ cô độc, buồn. Tôi muốn đi với anh em. Hạnh vỗ vào vai tôi nói, cậu với Lu hợp nhau, bảo được nó. Thôi ở lại! Đấy là mệnh lệnh! Tôi và Lu tiễn anh em ra Bến Rừng, sang sông.

Bởi còn lại một mình, tôi phải ngủ ngay tại chòi canh rẫy. Ăn ngủ tại đó, rất tiện cho công việc, nhưng lại xa nước. Thực chẳng may cho tôi. Tiểu đội vừa đi được ba ngày thì tôi lăn ra sốt rét. Sốt rét ở đời lính Trường Sơn là lẽ thường. Nhưng lần đó, không hiểu sao đã uống tới hai liều Phòng Ba (1) mà bệnh không thuyên giảm. Tôi lên cơn từng chập, dày hơn mọi lần và nằm liệt trên đệm cỏ ở cái lán thổ tả ấy. Ăn uống thì giản đơn. Vì có ăn được cơm đâu nữa. Cũng chẳng thèm ăn, chỉ khát ngọt. Cố lần ra rẫy, vặt ngay ngô non, rau cải xanh hay bí ngô non mà nhai tạm. Lu cũng đói đấy, nhưng tôi không thể nấu cho nó. Nó không sốt, nó khoẻ nên chịu được. Hay nhịn đói chắc là sở trường của loài thú. Tới ngày thứ ba, đã cạn sạch hai ống bương dự trữ nước. Tôi rất khát. Đêm, cơn sốt làm tôi thiếp đi và mơ rất hãi hùng. Tôi thấy mẹ. Bà vuốt ve tôi và khóc. Tỉnh giấc, trăng vằng vặc chiếu tỏ mọi vật và nhìn lên, đâu cũng thấy những áng mây sáng màu vàng. Một cánh tay tôi đã rơi khỏi sạp, thõng xuống đất. Trong cơn mơ, tôi tự cào xé hết cái áo lính đã tướp rách và đầm đìa mồ hôi. Không phải mẹ đâu! Tôi ý thức được điều gì đang xảy ra. Lu đứng cạnh. Đôi mắt nó xanh mơ trong ánh trăng, đăm đăm lo lắng nhìn tôi và cu cậu chậm rãi liếm  mồ hôi đang vã ra trên mặt, trên tay, trên ngực tôi. Tôi vật vã. Đau đầu vô cùng. Như thấu hiểu hết, Lu dụi mãi cái mõm ướt và nóng vào cổ, ẩy đầu tôi cao lên trên cái gối nhồi cỏ. Tôi nghĩ tới cái chết.

Rồi đêm qua đi. Cứ nằm đây không chết vì sốt cũng chết vì khát. Tôi cố cầm gậy, ra rẫy bẻ vài bắp non hít nước và kéo lê bình tông xuống tìm con suối nhỏ chân rừng. Thực không may, tới đoạn dốc nơi bìa rừng tôi bị ngã và cứ thế lăn đi, rơi xuống một cái khe cạn, đầu quật mạnh vào một thân cây và bất tỉnh. Không biết tôi đã nằm tại đó bao nhiêu lâu. Mỗi khi lơ mơ mở mắt, vẫn là Lu bên cạnh. Nó đã cắn rách cả ống quần mà không sao kéo tôi thoát khỏi cái khe nhỏ ấy. Tôi nghĩ, chắc là chết. Nghĩ đến chết, lại chết hiu quạnh, tôi ứa nước mắt. Khi ấy Lu chạy cuống quanh tôi. Nó đứng ngẩn ra một lát và bất ngờ nghển cổ tru dài. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe một con chó nhà tru như chó sói. Tôi đã từng đọc sách, thấy nói, chó sói tru vào những đêm trăng suông. Tru gọi bạn tình. Bấy giờ trăng đã lặn. Lu gọi ai? Tôi muốn nói với Lu lắm mà không sao nói được. Lu cũng muốn nói với tôi thì phải. Nhìn vào mắt nó, tôi cảm thấy điều ấy và biết, có những tình cảm không thể cất lên lời. Mà cái tình, cũng không nên nói thành lời. Ở thời khắc hãi hùng ấy, thời khắc ý thức mình sẽ chết, con người ta chợt không thấy sợ nữa. Tôi muốn khép mắt lại. Lu bỗng phóng vọt đi, để mình tôi bắt đầu thiêm thiếp, chìm tiếp vào  cái chết chậm. Tôi thấy mình bay khỏi xác. Tôi dang tay vượt trên những tàn rừng, nhằm hướng Bắc mà bay, bay mãi. Đột nhiên tôi thấy mình bị lắc kỳ lạ. Cảm giác ấy về sau chưa bao giờ lặp lại, chỉ tới sau này, khi ra nước ngoài trên chuyến bay lần đầu, tôi đã gặp lại cảm giác này lúc máy bay nhao rơi vào túi khí loãng… Tôi tỉnh. Bừng mắt. Thì ra tôi đang được một tốp người đưa qua một cái vực rất sâu bằng dây rừng. Họ thả tôi vút qua một cái vực. Ba người Thượng thì phải. Sau này, tôi cũng nhớ ra rằng, chúng tôi đã từng đi tuần tra tới đây. Đó là dải phân cách tự nhiên giữa hai ngọn núi mà người bình thường rất khó vượt qua. Sang tới bên kia, họ cho tôi uống nước đựng trong một ống vầu. Đấy là thứ nước ngọt nhất trên đời tôi chưa từng được uống. Đi tới đâu, nước làm thể xác tôi mát dịu.

Đây là một gia đình người Thượng sống ở mé trái núi. Họ có ba người. Ông già, một người vợ và cô con gái mười bảy tuổi sống trong một cái nhà sàn nép dưới tàn cây, sâu vào nữa là hang nhỏ. Không, đúng hơn là còn con chó nữa, có cái tên dân tộc rất khó phát âm. Như vậy, Lu đã tới đây tìm người cứu tôi. Thì ra cu cậu trước đây đã tới đây mà tôi không hề biết. Chỉ có chó mới có thể vượt qua được khe ấy mà tới tìm đồng loại của nó. Con chó cái đã chửa, bụng căng ra phơi nhiều núm vú và chúng liếm láp nhau tự nhiên trước tôi. Tôi được uống thứ thuốc lá đắng muốn nôn. Tôi uống nước quả từ tay cô gái con chủ nhà. Được ăn thứ củ, mà khi nấu lên màu trắng ngà như sữa, trộn chút mật ong. Những bắp ngô nếp giã nhừ nấu với thịt. Tôi không biết tiếng họ và họ cũng không hề biết tiếng Kinh. Cũng không rõ, sao họ sống lẻ loi như vậy; vì người Thượng hay người Lá Vàng ít khi sống như thế. Có một bữa, máy bay địch sát qua ngọn núi. Thấy người đàn ông kéo vợ từ trảng rừng trống cảnh giác ép nhanh vào bìa đá. Còn cô gái thì chỉ lên trời và làm động tác chùi mắt. Đấy là toàn bộ những gì tôi biết về họ. Lại nói tới Lu. Nó và bạn nó được ăn uống rất sang. Người đàn ông tóc dài tới vai, đen cháy, săn chắc như gốc cây khoop đã qua lần đốt rẫy, đứng bên chái nhà xẻ thịt từ tảng thịt sấy, treo lủng lẳng một dãy, hào phóng quẳng cho hai con thú. Chỉ dăm ngày sau đó, khi đã khỏe, tôi đã học được cách cài bẫy của ông rất đơn giản mà hiệu quả, nên hiểu vì sao trong nhà nhiều thịt sấy khô dự trữ như vậy. Ông chỉ cho tôi cách chém lồ ô, để lại cật sắc như nước, nhọn hoắt. Lu và con bạn nó giúp chúng tôi tìm thấy vệt đi của những con thú khi chúng cọ thân lấm bùn, để lại dấu vào các gốc cây trong rừng. Chọn quãng hẹp mà bầy thú buộc phải qua đó, cắm dày đặc lồ ô sắc nhọn, đón tầm cao ngang ức con nai.

Sau rừng chông ấy năm sáu mét, căng một sợi dây rừng thực nhỏ rồi ngụy trang. Bầy nai thế nào cũng có con chạm chân vào sợi dây đó và cái lẫy nhỏ tung ra để lập tức hòn đá bị treo rơi nhanh xuống đất, phát ra tiếng động lạ. Cả bầy nai bị bất ngờ bởi tiếng động, sẽ hoảng hồn, phi vọt chạy trốn. Thể nào cũng có con rơi vào rừng chông lồ ô cắm chờ sẵn. Những ngọn lồ ô sắc, nhọn hoắt, dài tới ba mét cắm nghiêng, sẽ xuyên ngập ức nai. Tôi còn được đi lấy trứng kiến với mẹ con cô gái. Chui vào một tàn cây rậm rạp, thấp, treo lủng lẳng những chùm the be chín vàng. Tại quãng cây rừng như vậy có nhiều tổ kiến kết bằng lá cây, xộp, to như chõ xôi. Chém vào tổ kiến như bổ dưa rồi rũ trứng xuống lá chuối. Trứng kiến rất thơm và bùi khi nướng trong bọc lá chuối. Sau này, tôi được biết thêm, rằng trứng kiến, mối và ong non có nhiều chất vi lượng và vitamin quý hiếm mà loài người khó tạo nên. Thảo nào, tôi lại sức rất nhanh. Thảo nào, môi cô gái hồng thế? Cổ tay em trắng và tròn thế! Sau chuyện này, tôi đánh giá Lu rất cao. Nó biết nơi có thức ăn nhiều hơn. Tại đó lại có một bạn chó, để nó thỏa mãn sự khát dục, vậy mà nó vẫn quay về với chúng tôi. Và nhờ có nó, tôi được cứu sống.

Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #2 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2007, 05:28:13 pm »

Vô danh trận mạc (tiếp)
Hơn một năm nữa qua đi.

1975, trước Tết một tuần lễ, tiểu đội chúng tôi được lệnh về hội quân. Lâu rồi chúng tôi mới tập trung toàn tiểu đoàn về cụm gần nhau tới vậy. Tôi gặp lại nhiều bạn hữu. Lu cũng tỏ vẻ mừng rỡ. Gặp bất kỳ ai, nó cũng hít ngửi, chắc để nhận ra mùi lính. Nó không biết rằng, chúng tôi sắp bước vào một trận đánh lớn. Đánh nhau, điều ấy cũng bình thường nhưng không thể vui vẻ nhảy cẫng lên suốt ngày như nó. Chúng tôi lau lại súng, xóc lại lê và mài dao găm. Lĩnh thêm lựu đạn và đạn. Anh Hạnh vác về khẩu B41 còn nguyên lớp mỡ và những viên đạn dài, hình bắp chuối, màu quân dụng.

Sớm ra, có lệnh giết tất cả thú vật, không trừ một ngoại lệ. “Đây là trận đánh lớn. Có tính quyết định như tổng tấn công. Tuyệt đối giữ bí mật khi áp sát địch".  Hơn chục con gà, một con lợn của tiểu đội hậu cần, nhanh chóng được đưa xuống anh nuôi để lập tức xả thịt, băm nhỏ, trộn với muối làm lương khô cho chiến dịch. Bọn thèm thịt chó mừng rú. Sớm dậy, chưa tỏ mặt người, tay anh nuôi đã tới tiểu đội tôi tóm lấy con Lu khi nó chưa hiểu ra việc gì. Gã buộc vào cổ Lu một sợi dây rừng và định dắt nó đi. Không! Lu giằng ra, lùi bước và nhe bộ răng trắng ởn hăm dọa. Tất nhiên anh Hạnh không thể can thiệp. Mệnh lệnh mà. Anh Hạnh bảo thằng Tâm đưa nó xuống bếp. Sao lại là tôi? Tâm nói. Nó đưa mắt nhìn chúng tôi hoang mang. Thôi cậu đi đi. Tôi quay mặt đi, nói. Tâm và gã anh nuôi xuống bếp, con Lu lững thững theo sau họ. Đi một đoạn, Lu bỗng dừng chân và ngoái đầu nhìn lại.  Cái nhìn đầy trách móc như muốn nói với tôi: “Đồ phản bạn!”

Tôi lên võng, tung tấm đắp trùm kín đầu. Hình ảnh Lu trong bóng tối hiện lên….Tôi bật dậy và chạy đi. Tới đầu lán anh nuôi, gặp Tâm quay lại. Lu bị giết chưa? Tôi hỏi. “Chưa! Tao sợ nhìn nó lắm!”.  Theo tao. Tôi lại bảo. Chúng tôi vòng ra sau hầm bếp. Lu đang bị cột vào một gốc cây ven suối. Dưới cổ nó một cái nồi nhỏ để sẵn. Lu ngửng lên nhìn gã anh nuôi đang giơ cao cái chầy chuẩn bị giáng xuống đầu. Thế mà nó vẫn vẫy đuôi như mừng rỡ. Mõm hếch lên liếm láp cái cổ tay của kẻ sắp giết nó. Tôi nhói đau và bỗng lóe lên ý nghĩ khi nhìn thấy chai xăng nhỏ mồi bếp. Tôi ném thẳng chai xăng vào lò Hoàng Cầm. Tích tắc, có tiếng nổ phát ra và lửa khói dâng cao hai mét, trùm kín cả nồi quân dụng đầy nước đang sôi ùng ục. Cháy, cháy. Tâm la lên. Tất nhiên là ba anh nuôi bỏ Lu nhao vào. Chỉ chờ có vậy, tôi vòng ra sau lán, rút nhanh dao găm chém đứt phăng sợi dây rừng đã trói buộc Lu. Chạy! Chạy ngay! Tôi vỗ vào mông Lu hạ lệnh, khi cái mũi ẩm ướt quen thuộc của nó áp nhanh vào má tôi. Chần chừ một lát, ngước mắt nhìn tôi lần cuối, Lu phóng đi.

Chiều tối hôm ấy xe binh trạm tới. Mưa tầm tã. Những trận mưa cuối của mùa mưa, nặng hạt lắm. Đây là lần đầu cánh bộ binh chúng tôi được hành quân cơ giới. Người ta bảo, trận này sẽ diễn ra trong thành phố lớn nhất nhì cao nguyên. Nơi đó cách đây cả trăm cây số. Hành quân gấp. Xe nổ máy tiến vào đêm đen. Tôi kịp phát hiện ra bóng Lu từ đâu nhảy ra và chạy theo xe. Tôi nhổm người lên. Cả Hạnh và Hoàng cũng nhổm lên. Bóng nó chập chờn cố phi theo, đôi lúc nước táp tóe trắng ra hai bên chân nó trong ánh chớp sấm nhì nhoằng. Thôi, hãy về với gia đình của cô gái, thôi hãy trở lại rừng…Tôi đứng nhìn cho tới khi bóng nó mất hẳn trong đêm tối.

Chúng tôi được ô-tô mặt trận thả xuống cách thành phố Buôn Mê Thuột vài chục cây. Cứ ngậm tăm mà đi. Mũi chúng tôi chọc thẳng vào sân bay, nơi có những toán quân thiện chiến của tướng Phú trấn giữ. Tôi không rõ các cánh quân khác đã tràn ngập thành phố thế nào, nhưng đại đội tôi để chiếm được già nửa sân bay đã tổn thất khá nhiều chiến sĩ vì trận đánh dằng dai hơn ngày trời với toán lính rằn ri tại đây. Địch từ các hầm ngầm, với sự yểm trợ của nhiều toán máy bay A37 từ miền Trung bay lên yểm trợ, trồi lên bất ngờ và đánh trả quyết liệt khi trời hửng sáng. Tiểu đội hai người hy sinh. Anh Hạnh cũng bị thương ở chân và tôi dìu anh vào một khu nhà có bức tường thấp ngăn với đoạn cuối đường băng. Chúng tôi không ngờ có tốp lính đối phương đã mật kích sau lưng qua bức tường ấy. Hai tên vừa chạm đất anh Hạnh và tôi kịp lia đạn tiêu diệt thì hai đứa khác từ đâu bổ xuống. Gần quá, tôi phất một tên, dùng nòng súng gạt phắt lưỡi lê của tên thứ hai và tung báng súng. Cú đánh trượt, người lính cao to hơn tôi đã lao cả người đẩy tôi ngã ngửa xuống mặt đất. Chớp mắt, tôi thoáng thấy ánh sáng của mũi lê AR 15 vung lên. Chắc chắn sau tích tắc, tôi sẽ biến thành khối thịt phun bọt máu, đổ sập xuống đất. Không, trời cho tôi sống. Huỵch! Như có phép thần, hay tưởng tôi đang mơ, bóng Lu từ đâu vụt lao tới húc thẳng vào đối thủ, đẩy bật hắn bằng sức mạnh của gia tốc loài chó. Trời ơi! Lu!

Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2007, 05:29:44 pm »

Vô danh trận mạc   (tiếp)

Đêm ấy tôi ôm Lu ngủ. Nó thở phì phò và liếm vào mặt, cổ tôi. Không biết bằng cách nào mà nó đã chạy suốt hơn cả trăm cây số để đuổi theo đội hình tiểu đội. Hay là sự huyễn hoặc và số phận đã bày đặt ra thử thách nó và cả chúng tôi nữa, những con người bình thường đã gắn bó ở những thời điểm đặc biệt, trớ trêu của cuộc sống.

Sớm sau tỉnh dậy đã thấy Lu ngồi chồm chỗm bên cạnh. Nó đương ngắm tôi rất kỹ. Đôi mắt không như mọi khi, trìu mến. Tôi không thể hiểu được nó nghĩ gì. ánh mắt ấy, nếu là của con người, chắc hẳn để phán xét người khác. Nó suy nghĩ gì? Đôi mắt kia, nhìn tôi đăm đăm như muốn nói, muốn hỏi? Ba ngày sau, thành phố cao nguyên, kể cả sân bay, hoàn toàn về tay chúng tôi. Đó là trận đánh có tính then chốt, tạo nên sự sụp đổ quân đội địch như trò chơi Domino. Sau trận mở màn ấy, tiểu đội chúng tôi khuyết đi hai người. Họ bị bắn gục ngay trong nửa ngày đầu trận chiến. Anh Hạnh bị trọng thương phải đi viện. Thằng Hoàng lên thay. Nhận thêm ba tân binh từ Bắc mới vào. Rồi lại đánh cắt chéo xuống miền Trung. Không ai xua đuổi Lu nữa. Kể cả tay chính trị viên khó tính. Thế là Lu tham gia hầu hết các trận đánh. Tại Cheo Reo nó lập được chiến công nữa. Chúng tôi nhờ nó tìm được 16 trẻ, tám chín người lớn thoi thóp chờ chết trong rừng. Họ là đám người chẳng biết gì cả, chạy trốn chiến tranh lại đi lẫn vào đội quân  rút chạy để rồi tán loạn, lạc trong rừng cao nguyên. Những tốp người Kinh có Thượng có... nằm cong queo bên một gốc săng lẻ đã toác môi vì đói và khát.

Tôi cứ đinh ninh là Lu sẽ theo tôi về tận Sài Gòn và sẽ ra thăm Hà Nội. Nhưng thực tế không thể như mong ước. Cửa ngõ Sài Gòn có phòng tuyến phía Tây. Địch ném bom ngạt bảy tấn xóa sổ cả một đơn vị. Chúng tôi vẫn tiến lên, đánh địch giằng co từ chiều tới tận cả ngày sau. Lu luôn luôn bám sát bên tôi. Chúng tôi bị cản lại trước một khoảng trống giữa hai khu nhà. Đạn cầy ngang hất dọc. Không khí khét lẹt, nung nóng bởi những đám lửa bất ngờ bùng lên. Tạm thời nằm xuống trước một khoảnh trống thì từ đâu hiện ra đứa trẻ ba bốn tuổi khóc ré và chạy ra giữa làn đạn của hai bên. Chẳng bên nào dám bắn cả. Nhưng không thể nằm chờ. Tôi bảo Lu tiến lên, như ngày nào nó ở hậu cứ, trên rẫy, càm bất cứ một vật gì khi tôi ra lệnh. Nó, người bạn trung thành và gan dạ vọt tiến qua bức tường đổ rồi cắt chéo đường ngắn nhất tiếp cận ngay đứa trẻ. Đúng khi nó sắp hoàn thành nhiệm vụ thì nó gục xuống. Nó bị ai đó bắn hạ. Bình thường, khó bắn trúng nó lắm, bởi nó nhanh vô cùng, di chuyển lắt léo hơn cả đạn. Nhưng lúc ấy, nó phải chậm chạp bò lùi, kéo đứa trẻ xuống rãnh sâu bên đường. Lu của tôi giật nảy người lên rồi nằm im…Thế là tiếng súng hai bên lại rộ lên, bùng sáng những đám lửa da cam.

Tôi cùng tiểu đội quay lại nơi Lu nằm tênh hênh bên cái lạch thoát nước bên đường. Để đứa trẻ có thể sống, Lu đã chết. Nó đã chết. Viên đạn cày trên đường, xuyên vỡ nát bả vai và phá tung lồng ngực nó. Máu ướt thẫm mặt đường nơi nó nằm xuống. Bốn chân duỗi ra, buông xuôi. Đôi mắt khép lại như ngủ. Chắc chắn, nó không hiểu vì sao con người lại giết nó và ai đã bắn nó. Tại sao lại bắn nó? Đó là sự chủ định của một con người cụ thể hay là viên đạn định mệnh của chiến tranh dành cho một số phận chó.
Người ta chôn cất các chiến sĩ của đoàn tôi trên một khu đất cao. Cạnh đó chúng tôi đưa xác Lu tới và đắp một ngôi mộ nhỏ. Không ai dám ngăn cản chúng tôi làm việc đó. Bởi đã một tháng nay, câu chuyện của Lu trở thành huyền thoại trong biết bao câu chuyện của trung đoàn. Giống như các chiến sĩ đặc công, những người đã ngã xuống  vào đêm đầu tiên mở màn cho chiến công Ban Mê Thuột; giống như tiểu đội bộ binh truy kích, chạy bộ mấy chục cây, chặn đứng toán xe đầu tiên của toàn bộ lực lượng địch tùy nghi di tản, giúp quân đoàn chúng tôi tiêu diệt toàn bộ sinh lực chính của địch trên cao nguyên, tạo nên sự kinh hoàng, rã đám toàn bộ lực lượng còn rất đông của quân lực Việt Nam Cộng hoà. Chúng tôi cắm một tấm biển gỗ và trên đó, tự tay tôi dùng bút dạ chiến lợi phẩm đề: “Lu. Tiểu đội Ba. Đoàn Bẩy Hai. Đã hy sinh ngày 16 tháng 4 – 1975.”

Vĩnh biệt, tôi bắn một loạt tiểu liên lên trời. Khói súng bay lên từ đầu nòng và tản ra rồi lững lờ lên cao. Tự nhiên mắt tôi nhòa lệ. Có thể vì nhòa lệ hay ảo giác, tôi thấy hình Lu trong khói súng. Nó đang phi…đúng hơn là phi tít lên trời xanh, hòa vào những đám  mây lang thang của bầu trời tháng tư phía Nam mùa mưa.

Chúng tôi tiến vào Sài Gòn không có Lu. Chiến tranh chấm dứt.

Logged
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2007, 09:33:49 pm »

Nguyễn Xuân Diệu

Đầu những năm 1970, những ai từng chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên đều biết tiếng đại đội trưởng Đặng Trung. Tiếng tăm về chuyện đánh giặc của anh vốn rất lẫy lừng đã đành một nhẽ, đại đội trưởng Đặng Trung còn có một chuyện tình hi hữu đến mức cả mặt trận ai cũng phục sát đất! Chả là lúc đó đã hơn 30 cái xuân xanh mà đại đội trưởng họ Đặng ta vẫn chưa hề để mắt đến ai. Sự kiện ấy làm cho các “quân sư tình yêu” của đại đội đau đầu, nhức óc. Nhưng khốn khổ, hễ ai gợi về “chuyện í”, đại đội trưởng lại phẩy tay: “Trong 10 lời thề danh dự của quân nhân có ghi rõ: “Phải kính già, yêu trẻ, đứng đắn với phụ nữ!”. Chuyện yêu đương ư? Cứ nói toẹt ra tức là tán gái(!) Mà đã tán gái đích thị là không đứng đắn! Tớ kiên trì nguyên tắc không tán gái!
Vốn rất quý mến đại đội trưởng, chính trị viên Phạm Ngọc rỉ tai tôi: “Ông ấy có nguyên tắc, chúng ta cũng cần có nguyên tắc. Nguyên tắc của chúng ta là kiên trì vận động! Phải tìm cho ông ấy một ý trung nhân đặng mà gửi gắm tâm hồn!”. Thế là tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, chúng tôi hết phân tích, giảng giải nỉ non. “Nước chảy, đá (ắt phải) mòn”, đại đội trưởng gật đầu vào một ngày đẹp trời: “Từ bỏ nguyên tắc sống của mình thật không nên chút nào. Nhưng, nể hai đồng chí quá! Thôi thì… quyết luôn!”. Vừa gặp dịp may, sau chiến dịch mùa khô năm ấy, đại đội về đóng quân gần trạm xá mặt trận. Trong trạm xá có một cô y sĩ tên là Đoan Trang. Chao ôi! Sắc nước, hương trời. Nàng lại rất thùy mị, nết na thục nữ. Anh Phạm Ngọc thầm thì với tôi:
- Năng khiếu “phụ vận” của cậu khá! Chớp thời cơ, cần nhanh chóng ra tay!
Vốn là cấp phó, còn trẻ, lại hay hăng máu vịt, tôi đồng ý liền. Suy đi, nghĩ lại thấy vẫn còn tí chút phân vân:
- Nhưng mà ý tứ của đại đội trưởng? Đại khái là cái tư tưởng chỉ đạo ấy?
- Chậc! - Anh Phạm Ngọc lắc đầu - ta tùy cơ ứng biến thôi, chứ cứ giáo điều theo ông ấy thì hỏng. Nói chung, ông ấy bảo cần nhất là thành phần phải cơ bản, trong sạch; rồi phẩm chất đạo đức phải tốt. Sau rốt mới tính đến chuyện hình thức! Tóm lại, là cần cái lý lịch trích ngang!
Tôi không nhịn được, phì cười. Mối manh thế này thà đi thẩm tra lý lịch quách! Cũng may, chuyện “ngoại giao con thoi” của tôi cũng suôn sẻ. Dễ thường do tiếng tăm của đại đội trưởng um sùm quá, nên nàng Đoan Trang ta xem chừng đã “kết” lắm rồi. Nàng nhận ngay lời hò hẹn của tôi (!) sáng chủ nhật sẽ đến gặp đại đội trưởng ở bờ suối Bùm Bum. “Bước đầu coi như thắng lợi”! Nghe tôi truyền đạt tinh thần cuộc gặp, chính trị viên Phạm Ngọc tuyên bố thế. Suốt ngày thứ 7, tôi và chính trị viên hiến rất nhiều sách cho đại đội trưởng. Nào nói năng phải tỏ ra thân mật ra sao, mắt mũi phải nhìn cho ra chiều âu yếm thế nào. Đôi khi cũng cần vài cử chỉ âu yếm, tỉ như vuốt hờ mái tóc nàng, hay cầm nhẹ tay nàng. Cầm nhẹ thôi, cấm bóp! Nếu bóp như các anh vẫn thường bắt tay lính là trật. Nàng sẽ đau, đã đau ắt nàng mất đi khí thế ban đầu. Đại đội trưởng ngồi im re.
Cuối cùng thì sáng chủ nhật cũng đến. Hai chúng tôi giúp đại đội trưởng chải đầu, sửa râu, lại chọn bộ quân phục mới cứng mặc vào. Đeo thêm khẩu K5 để “giải quyết khâu oai”! Xong đâu đấy, chúng tôi thấp thỏm tiễn đại đội trưởng thẳng tiến về nơi hò hẹn. Khi anh đi khuất, chắc chưa yên bụng, chính trị viên rỉ tai tôi:
- Ta phải bí mật theo dõi. Xem coi ông ấy ứng xử tình huống ra làm sao, để hôm sau còn rút kinh nghiệm, bổ sung!
Chúng tôi liền nhập đến một bụi cây cách chỗ hai người một khoảng cách nghe được họ nói, mật phục. Tiếng Đoan Trang mơ màng:
- Nắng đẹp quá anh nhỉ! Kìa thấy cả bóng chúng mình dưới dòng suối kia!
- Tôi đồng ý với nhận xét của đồng chí! Nắng đẹp thật! - Tiếng đại đội trưởng xác nhận - Nhưng lính đặc công chúng tôi lại thích trời mưa hơn. Trời mưa đột nhập căn cứ địch dễ ợt. Bọn lính địch chủ quan cứ ru rú trong hầm. Ta cứ bò vào, bò vào. Thế là thắng lợi!
- Anh đừng gọi em bằng đồng chí, nghe nó cứng quá!  Tiếng Đoan Trang vừa nói vừa cười rúc rích - Hai đứa mình tâm sự với nhau cơ mà! Có phải họp hành, hội nghị gì đâu!
- Họp hành tâm sự đều thế cả. Tiếng đại đội trưởng hùng hồn khẳng định - Tôi, đồng chí đều là quân nhân. Mà đã là quân nhân nhất nhất phải nói và làm theo điều lệnh!
Nghe thế, tôi và chính trị viên cứ giật mình thon thót. Đang mật phục, chẳng thò cổ ra đại thí, đành nín nhịn mà chịu trận. Bỗng lúc đó không biết từ đâu một đôi chim cu gáy xập xè bay đến đậu vắt vẻo trên chạc cây ngay trước mặt họ. Đôi chim phớt lờ sự có mặt của hai người, cứ châu mỏ nhau mà “Gờ… rù, gờ… rù”. Nàng Đoan Trang kéo áo đại đội trưởng nũng nịu:
- Anh nhìn kìa! Ước chi chúng mình…
- ừ, ước chi… tôi mang theo khẩu súng cạc bin! Súng ngắn thì có đây, nhưng có được ngửi lông nó. Đồng chí không biết đó thôi ở đơn vị tôi có mấy đồng chí bị sốt rét không ăn uống chi được. Giá hôm nay tôi mang cạc bin đi, phải ít nhất cũng bắn được một con chim về nấu cháo bồi dưỡng cho anh em không! Tiếc thế là cùng!
Tôi và chính trị viên suýt ngất xỉu. Cô Đoan Trang, trời ạ, nàng vùng vằng đứng dậy, vùng vằng chạy đi. Đại đội trưởng chừng không hiểu ra làm sao, ngớ người một lúc rồi hớt hải chạy theo nàng. Vừa chạy, anh vừa khoát tay gọi líu cả lưỡi “Ơ, này đồng chí! Đồng chí… em! Tôi đã phát biểu hết đâu! Tôi có ý kiến thế này…!
Chuyện còn dài và li kỳ lắm. Chỉ biết rằng sau đó họ yêu nhau. Yêu say đắm yêu nồng nàn ghê lắm! Những lúc họ xa cách, tận mắt tôi đã trông thấy đại đội trưởng còn làm thơ tình tặng người yêu, lâm li vô cùng! 30 năm qua đi, chúng tôi đều đến cái thời “răng lợi bắt đầu… bay”. Mỗi lần đến thăm vợ chồng anh, tôi thường tếu táo nhắc lại câu chuyện tình hi hữu bên suối Bùm Bum năm nào. Vị đại tá về hưu hiền lành cười múm mím. Còn bà Đoan Trang thì nháy mắt với tôi rồi quay sang hóm hỉnh hỏi chồng:
- Vậy chứ, chú ấy kể có đúng không anh… đồng chí?

-------------------------------------------------
Nguồn: www.vannghequandoi.com.vn
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2007, 07:47:05 pm »

Truyện ngắn này không phải về đề tài Chiến tranh cách mạng, nhưng vẫn post lên để chúng ta thêm hiểu, thêm yêu người lính! "Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi..."

Câu chuyện này kể về một cô gái. Nghe đồn cô đẹp lắm. Da trắng nõn. Môi ướt đỏ, gọn như một nét vẽ. Nói tóm lại, cô là Tiên giáng trần. Nàng Tiên có cái tên rất trần thế. Hà. Trần Thị Hà. Nhưng một người con gái đẹp như thế không thể là Thị Hà được. Thị Hà có gì khác Thị Nở. Nghe cứ ghê cả răng. Cánh lính đảo quyết định đặt lại tên  cho cô là Mộng Hà. Thế rồi cả đảo gọi cô là Mộng Hà. Phải vậy chứ! Người trong mộng cơ mà.

Mộng Hà là con gái đầu lòng của đảo trưởng Thuận. Mới láng máng có thế, cánh lính trẻ đã tíu tít “tranh thủ” bố Thuận, kiếm chỗ “buông neo” cho đời bớt lênh đênh rồi. Đảo trưởng Thuận khoái lắm. Thế ra có con gái cũng hay. Vậy mà thằng cha nào lại bảo đẻ con gái không bằng con trai. Rõ thật ngu như bò! Thuận tủm tỉm cười. Nụ cười nửa vời, chỉ khẽ thoảng một chút ở bên mép, nhưng vẫn có sức mạnh của một anh bố vợ tương lai. Chả thế, đám lính trẻ xun xoe với anh ra mặt. Rồi, chẳng biết từ bao giờ, họ đã chuyển “thủ trưởng” lên ngạch “bố” một cách ngọt xớt. Cả hòn đảo tranh nhau gọi đảo trưởng Thuận bằng bố. Chỉ duy nhất có một người không chịu chấp nhận. Đó là Tư xồm.

Nói thế, không có nghĩa Tư là anh lính già. Nếu so tuổi thì cậu ta chỉ đáng em út của đảo. Nhưng lạy giời, Tư lại được trời phú cho bộ râu xum xuê giàu có. Hồi còn ở đất liền, bộ râu chỉ khẽ thoảng một vệt xanh mờ, khiến khuôn mặt cậu ta lúc nào cũng âm âm như bị khói ám. Nhưng ở đây, dưới vòm trời âm u, không tiếng gà, không bóng trẻ, người ta dần quên đi những cái dáng ong óng đầy huyền bí của các cô gái. Người ta cũng quên luôn cái vẻ trai tráng của chính mình. Bộ râu của Tư cũng bị bỏ quên nên tha hồ bành trướng. Chúng tranh nhau mọc. Sợi xỉa ra. Sợi quặp vào, nom xùm xoè, nghiêng ngửa như chùm dễ dại trắng phễu, cặn muối vểnh ra ngoài lợi nước. Một bộ mặt hoang vu rất khó xác định niên đại. Bởi thế cậu ta không có đủ sức dũng cảm để nhún mình xưng “con” trước một người thanh mảnh, tịnh không có một sợi râu. Mặc dù mái tóc thưa mềm của Thuận cũng đã có sợi vẩn lên, xâm xâm như bọt sóng. Nhưng trông anh vẫn chỉ như người trạc tuổi ba mươi. Có lẽ anh trẻ, nhờ lúc da mịn và mỏng, không ăn nắng, cứ chín ửng lên như da con gái dậy thì. Một người như thế lại là bố tiểu thư công nương xinh đẹp, một nàng tiên giáng thế. Hừ! Không thể tin được!

Nhưng dẫu Tư không tin thì tiểu thư công nương Mộng Hà cũng vẫn trở thành người thân của đảo. Chỉ tiếc, chẳng có ai được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiều diễm của nàng. Có lẽ cũng vì thế mà nàng càng trở nên lung linh, kì ảo. Ngày nào cánh lính trẻ cũng nhắc đến nàng, vanh vách kể về nàng. Cứ như họ đã từng quen biết nhau từ lâu lắm. Thoạt đầu, đảo trưởng Thuận còn lắc đầu nguầy nguậy. Nhưng cũng như thể tình yêu. Kẻ trốn chạy thường bị săn đuổi. Thuận bị “săn” tới tấp. Chỗ này “bố vợ”, chỗ kia “bố vợ”. “Bố ơi! Bố gả em Hà cho con nhé. Con xếp hàng trước đấy!”. “Con cơ! Thằng này chen ngang đấy! Bố đuổi nó ra đi!”. “Nhưng con có thẻ ưu tiên nhé!”. “Con thành phần cơ bản chính hiệu!”. Cứ thế, đảo cồn lên như có đám mổ bò. “Láo toét! Em nó còn bé lắm. Chúng mày phải để nó lớn đã chứ!”. Thuận tủm tỉm cười, nhưng khoé mắt lại ầng ậng nước. Anh không ngờ cô con gái rượu của mình lại trở thành niềm vui cho cả hòn đảo, nơi tưởng chẳng có gì để mà vui thú. Đừng trách bố nghe con! Rồi sau này con sẽ hiểu, sẽ tha thứ cho bố, tha thứ cho những người lính trẻ này!…
- Thôi, chúng mày ngủ đi! Khuya rồi đấy! Đêm nay đứa nào gác? Thằng Hai à? Gác cho cẩn thận nhé! Lớ ngớ là tao mách con Hà đấy!
Thuận trở về đài chỉ huy đảo. Sương biển xuống tê tê. Phía sau chòi quan sát đảo, biển bục lên một đám cháy lớn. Trăng đã mọc. Vài con ó biển giật mình, kêu oang oác trên thing không mờ mịt sương khói. Cánh lính đảo không ai ngủ được. Chuyện phiếm loanh quanh thế nào lại quay về em Hà. Ngày nào cũng chuyện em Hà. Đến nỗi Tư xồm, một anh chàng vốn đa nghi cũng đâm ra hoang mang, cứ ngỡ có cô gái như thế thật. Mà làm sao lại không có cô gái như thế. Dường như cô không có trong chuyện huyền thoại của lính mà đã xuất hiện thực trên hòn đảo này rồi. Chả thế mà, hòn đảo tự dưng đổi khác, nhiều anh chàng cục mịch bỗng trở nên đỏm dáng. Đến cả cậu Hai, người quanh năm vẫn khinh trời nước bằng tấm thân tồng tềnh như bà mụ nặn, giờ cũng “quàng” trong một bộ cánh nghiêm chỉnh khi có việc phải đến chỗ bố Thuận. Có chàng lính mò được con ốc non, cũng hì hụi gọt rũa, kỳ cạch làm thành cái bình hoa, rồi rón rén nhờ bố Thuận chuyển tặng em Hà.

Rồi đột nhiên thư Hà tới đảo. Ôi chao! Phải nói đó là một ngày náo nhiệt, chộn rộn. Lần nào tàu ra, đảo cũng như ngày hội. Huống hồ chuyến tàu này lại có thư của tiểu thư công nương. Nhưng thật oái oăm. Bữa đó biển động. Trời tối mù mịt. Bạt ngàn sóng bạc đầu. Sóng nổi trắng như mây. Tàu không cập mạn được, cũng không buông nổi neo. Sóng chồm lên cả nóc đài chỉ huy. Con tàu đành cắt sóng chồm chồm lượn quanh đảo. Chẳng có cách chi chuyển được hàng vào, mà cánh lính thì không thể “nhịn” thêm được. Phải cho anh em “ngửi” chút đất liền chứ! Tư xồm nhảy phắt ra mép cát, cởi cái áo yếm, phất lên trên không, rồi quay tròn ba vòng. ấy là tín hiệu để ngoài tàu mở máy hai oát.
- Thế nào hở các bố! “Đứt neo” hoàn toàn à?
- Chịu! “Đứt” trăm phần trăm rồi! “Phới” thôi. Không vào gần được đâu! Sóng dồi vào bãi san hô thì tan xác pháo.
- Thế thì chuyển thư đi - Tư quát vào ống nói - Chúng tớ không “nhịn” thư được, hiểu chưa!

Đám thủy thủ đành phải bóc thư, đọc qua máy thông tin hai oát… Đến lượt thư của bố Thuận thì cả đảo nháo nhác. Cánh lính trẻ tíu tít châu quanh cái máy thông tin đã vặn to hết cỡ.
- Cái gì! - Hai gào vào ống nói - Đọc đi! Đọc lại xem nào! Thư em Mộng Hà phải không?
- Không phải Mộng Hà, Trần Thị Hà!
- Khỉ! Mấy thằng phải gió! Em là Mộng Hà, chứ không phải Trần Thị Hà. Rõ chưa? Đọc đi!
- Bố ơi, con nhớ bố lắm. Nhưng con không khóc nhè như mẹ đâu. Hôm nào đài báo bão ngoài Trường Sa là mẹ lại khóc đấy. Con không khóc. Mẹ bảo, con cứ ngoan là bố sẽ về…
- Cái gì?
-  Con cứ ngoan là bố sẽ về. Nghe rõ chưa? Dạo này con ngoan lắm. Con không quấy mẹ. Mí nữa đêm ngủ, con không có đái dầm, cũng không gác chân lên cổ mẹ nữa. Hôm nào bố về, bố nhớ mua cho con ba quả bóng bay như của cái Tèo…
- Ô hay, cái thằng này… mày… mày… bố láo! Ông thì cho một chưởng bây giờ… - Hai vùng tay tuyên bố - Mấy thằng toàn xuyên tạc. Chúng nó trêu bọn mình. Thôi, tắt máy!
- Không đâu. Anh em đọc chính xác đấy - Đảo trưởng Thuận kêu lên - Thư con Hà thật đấy! Nó vẫn hay đái dầm mà…
- Ơ kìa bố Thuận! Bố làm sao thế? - Tư xồm buột miệng gọi Thuận - Làm sao lại có chuyện như thế! Không! Không!…
---------------------------------------------------------------------
Nguồn: www.vannghequandoi.com.vn



« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2007, 08:08:09 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2007, 09:37:10 am »



Dạo ấy là cuối mùa khô năm 78, mặt trận biên giới phía Tây Nam đang đến hồi bỏng rát. Tin chiến trận hàng giờ dội về thành phố. Thương binh chuyển về tuyến sau dồn dập. Nghĩa trang Gò Dầu và Trảng Bàng thêm nhiều mộ mới. ở Sài Gòn, có lúc sôi lên sùng sục vì cái mùi chiến tranh ngào nghẹn đã lan về. Nhưng về đêm, Sài Gòn vẫn lung linh, êm ả, thanh bình, như không hề có mất mát và chia ly.

    Giữa những ngày bình yên và chiến tranh ấy, tôi và mấy người bạn cùng lớp hoà vào dòng người thanh niên xung phong, bộ đội đáp xe đò lên biên giới Tây Ninh. Chỉ có điều, chúng tôi không đi chơi, đi cầm súng mà đi thực tế. Hồi đó, chúng tôi là sinh viên cao đẳng Mỹ thuật thành phố. Xem giấy giới thiệu xong, chú chủ nhiệm chính trị bảo công vụ xếp chúng tôi ở trong một lán dã chiến của sư đoàn bộ. Mười bảy tuổi, tóc xoã ngang vai, trẻ trung, tinh nghịch, tôi ra trận hồn nhiên quá. Mà chiến tranh mỗi ngày càng lan rộng và ác liệt. Pháo từ phía bên kia vãi xuống sông Vàm Cỏ Đông, rót xuống thị xã Tây Ninh, câu vào gò Dầu Hạ. Mảnh đại bác cắt ngang thân cây bần ly, phạt đứt ngọn thốt nốt. Dọc đường biên, phum, ấp bị đốt sạch chỉ còn trơ trọi cột nhà cháy dở đen thui. Từ Sư đoàn bộ, chúng tôi toả ra các ngả theo bộ đội xuống tận các tiểu đoàn. Có lúc im tiếng súng, còn chớp chảo đến các tiểu đội đang chốt. Nhưng phần lớn chúng tôi vẽ ngay trong tầm đại bác. Mãi sau này, tôi mới hiểu vì sao tôi đi vẽ ở mặt trận say sưa, hồn nhiên đến thế. Gần một tháng sau, để đảm bảo an toàn cho chúng tôi, họ yêu cầu trở về Sư đoàn bộ vẽ và tổ chức một phòng tranh cho bộ đội lần lượt đến xem.

    Tôi còn nhớ rất rõ buổi chiều trước ngày Bộ Tư lệnh Sư đoàn tổ chức rút kinh nghiệm giữ “chốt”, có một chàng chuẩn úy tóc xoăn xuất hiện ở lán ban tuyên huấn sư đoàn. Anh cắm cúi viết, vẽ cả sơ đồ có những mũi tên khác màu lên bảng. Gương mặt anh sạm nắng gió biên cương và hình như vương cả mùi thuốc đạn. Có thể anh rất từng trải trong trận mạc và ngày mai anh sẽ báo cáo điển hình.

    Giáp mặt tôi, anh giật mình, sững sờ: “Trời ơi! Bông hoa hiếm hoi miền biên ải.” Tôi hất mái tóc xõa và bĩu môi: “Đừng có chọc. Em hổng chịu đâu.” Anh nhìn tôi đăm đăm rồi âu yếm: “Bé ơi! Tên em là gì?” Tôi nóng bừng mặt, lắc đầu chạy về lán dã chiến. Lán vắng lặng, chỉ có những bức tranh mới vẽ treo khắp chung quanh và góc vẽ của tôi vừa căng vải. Bọn cùng đi, xuống đại đội tăng thiết giáp mai mới về. Tôi lấy gương, đứng một mình, lặng lẽ soi. Rồi lại vẽ, mải quá, lúc buông bút đã thấy hơi thở anh nóng hổi bên tai. Anh đến bên, lặng lẽ xem tôi vẽ từ lúc nào chẳng biết: “Em bố cục hình chặt chẽ, màu sắc hài hòa lắm…”. Anh khen làm mặt tôi rạng rỡ. Rồi anh lại bảo: “Cây thốt nốt mọc ở ngay thành hào trận địa pháo cao xạ thế này thì quay nòng pháo làm sao được hả bé?”. Tôi chịu anh nói đúng. Đi thực tế mà không chịu hỏi và quan sát tỉ mỉ. Nhưng lòng tự ái của một con bé thành người lớn mới trỗi dậy, tôi không nói được một lời cảm ơn. Cầm cây chì 4P, anh ngồi trên võng, kê giấy lên đùi vẽ. Bằng vài đường nét phác thảo, gương mặt tôi hiện ra sống động, thần thái đến lại lùng, mà ngay cả tôi cũng chưa bao giờ tự họa chân dung mình có cái hồn như thế. Duy chỉ có cái môi hơi cong, mái tóc ngắn không xoã mà hất sang phải, đôi mắt sáng lắm và bướng bỉnh. Anh ghi một chữ ở góc bức vẽ”: “Tặng…” rồi ngừng lại, ngẩng lên mắt nhìn tôi đăm đắm: “Đọc tên em đi cho anh đề tặng…”, “Hổng dám đâu!”. Tôi cúi đầu, má nóng ran…

    Cả buổi chiều hôm đó, dường như anh không làm được gì. Anh cứ có vẻ bần thần thế nào, chốc chốc lại quay người nhìn trân trân sang lán của tôi. Tôi thấy lòng mình cũng xốn xang, đi ra đi vào. Bữa cơm chiều, tôi đi ăn muộn. Anh lại còn đến chậm hơn. Anh bê đĩa hai ngăn đựng đầy thức ăn theo tiêu chuẩn đặc biệt đến ngồi cạnh tôi. Anh chọn những miếng ngon nhất bỏ vào bát cơm của tôi. Tôi ngượng ngùng chối đây đẩy. Anh ăn chậm, và thỉnh thoảng gác đũa, chống tay ngồi nhìn tôi ăn, mắt thật buồn. Tôi bảo: “Anh ăn đi. Nhìn thế, em chịu hổng nổi”.

    Đêm ấy, trời biên giới Tây Ninh đầy trăng sao. Đại bác phía bên kia không bắn sang nữa, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng đì đùng xa xa ngoài giáp biên rồi tắt hẳn. ánh điện phía thị trấn Gò Dầu hắt lên nền trời một quầng sáng mờ ảo. Lá cây thốt nốt thấm đẫm ánh trăng, gặp lại gió xào xạc, xào xạc. Tôi ra sông Vàm Cỏ Đông tắm một mình. Dòng sông mênh mang đầy ánh bạc. Nước mơn man làn da tôi mát dịu. Dập dềnh trong nước, tôi ngửa mặt nhìn trăng, sao, bất trợt tôi nhớ tới bài hát Vàm Cỏ Đông. Bao ám ảnh, lo lắng, nhọc nhằn dường như bay hết. Tôi cảm thấy lòng mình thư thái lạ. Đêm biên giới hôm ấy rõ ràng không có chiến tranh.

    Lên bờ, tôi bỗng nghe thấy tiêng hát nho nhỏ: Lời ca Vàm Cỏ Đông. Vàm Cỏ Đông ơi hỡi dòng sông… cứ mỗi lúc một gần. Tôi lúng túng mới kịp cài xong khuy áo cuối cùng, anh đã hiện ra. Anh giật mình và sững lại. “A, lại là anh”. Tôi thu đống đồ ướt sũng. “Xin lỗi! Tôi không cố ý - Giọng anh rầu rầu - Chiều nay đánh dữ lắm. Thằng bạn tôi ở đại đội tăng chết rồi! Chập tối mới biết. Tôi vừa ở đó về”. Tự nhiên tôi thấy thương anh, thương đồng đội của anh. “Đêm nay yên tĩnh lắm, không có đánh nhau đâu. Anh ngồi xuống nghỉ một lát đã”.

    Chúng tôi ngồi bên nhau. Sóng sông vỗ oàm oạp, gió hơi lạnh. Mùi cỏ nước ngan ngát lẫn mùi thuốc súng. Gương mặt anh sáng, rắn rỏi đến lại lùng và phảng phất một nét buồn khó tả. Bên anh, tôi cảm thấy gần gũi, tự tin và bỗng nhiên thấy mình nhỏ bé, muốn được tựa vào anh. Anh bảo: “Hết chiến tranh anh sẽ về Hà Nội học nốt đại học. Bây giờ tạm gác cọ, sau này lại về vẽ”. Thế là anh đã vào nghề trước tôi. Tôi thoáng ân hận bởi thái độ lúc ban chiều. Anh khẽ khàng quàng tay lên bờ vai tôi. Tim tôi đập thình thịch, da thịt nóng râm ran. Anh xoay người lại, nâng cằm tôi lên và nhìn sâu vào mắt tôi. Trời ơi! Mắt anh có hình ngọn lửa. Giọng anh đầm ấm, thiết tha: “Anh yêu em!”. Da diết quá! Nóng bỏng quá! Nghẹt thở. Lồng ngực tôi tưởng vỡ tung ra. Nhưng không hiểu tại sao, khi anh ghì chặt lấy tôi, đôi môi bỏng rát cuồng nhiệt lần tìm môi tôi thì một thoáng yêu thương lẫn một căm ghét, giận hờn bùng dậy. “Bốp!”. Tôi đã giang tay tát vào mặt anh. Anh lặng đi, đầu rũ xuống, bầu trời đêm chao đảo. Nước mắt tôi trào ra, trào ra. “Anh yêu em… thực lòng.” Anh cố nói rõ ràng từng tiếng một rồi đứng dậy bước nặng nề về lán.

    Gần sáng, tôi thao thức, nghĩ miên man. Chiến tranh ngày càng thêm ác liệt. Chiều mai anh lại lên “chốt”. Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Mà anh thì còn trong trắng quá. Hai mươi tuổi phải chăng đây là lần đầu tiên anh định tìm mùi hương trên môi con gái. Nếu không may nằm xuống, thì lòng anh còn vấn vương trĩu nặng vì chuyện mới xảy ra với tôi không? Thương anh quá! Tôi muốn vùng dậy chạy sang lán của anh nhưng lại không chạy nổi… Pháo bên kia biên giới lại câu vọt sang. Tôi chui vội xuống hầm. Pháo rơi gần quá! Căn hầm chữ A chao đảo. Lại có tiếng người kêu cháy. Nghĩ đến lán dã chiến của mình và những bức tranh, tôi hoảng hồn nhưng lửa cháy to quá, tôi lại nép vào góc hầm. Lúc sau pháo ngớt, tôi lóp ngóp chui ra. Mấy chiếc xe tải trúng đạn pháo, bình xăng nổ cháy rụi. Lán dã chiến treo tranh cháy tơi tả. Tôi hốt hoảng chạy lại. Chú trưởng ban tuyên huấn sư đoàn đang đỡ chàng chuẩn úy tóc xoăn xuống cạnh cây thốt nốt. Anh đã lao vào cứu những bức tranh khỏi cháy. Anh bị thương và bỏng nặng. Máu anh nhòa trên bức tranh vẽ dở cửa tôi. Lát sau anh tỉnh. Nhận ra, anh cố nhìn tôi thật lâu và khó nhọc hỏi: “Tên… em… là… gì?”.
Tôi đã khóc, khóc như chưa được khóc bao giờ.

    Xe cứu thương đến. Người ta đưa anh về tuyến sau. Tôi chết lặng đứng nhìn theo. Chiếc xe xa dần rồi khuất hẳn vào làn bụi đỏ. Giật mình, tôi mới sực nhớ chưa nói tên mình cho anh ta biết.
Hôm sau, chiến tranh bùng nên dữ dội. Binh đoàn Cửu Long chuyển quân. Chúng tôi trở về thành phố, mang theo những bức tranh đầy nắng, gió, bụi đỏ và máu lửa.
 
    Năm tháng, thời gian đã qua đi. Bức tranh thấm nhưng giọt máu của anh ngày ấy, tôi vẫn cất trong đáy ba lô. Tôi đã đi tìm anh khắp nơi, gần hai mươi năm rồi. Tôi đã tốt nghiệp ra trường. Tôi đã thành đạt, được giải thưởng mỹ thuật toàn quốc và giải thương về đề tài chiến tranh - cách mạng của Bộ Quốc phòng. Vinh qung đến càng nhiều, tôi lại càng không thể nào quên được anh. Bây giờ anh ở đâu, chàng chuẩn uý tóc xoăn! Tên em là… Ngọc Sương.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
littlerock
Thành viên
*
Bài viết: 18



« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2007, 06:14:50 pm »

BA LẺ MỘT


Tác giả : Bảo  Ninh



    Mặc dù là truyện ngẫu nhiên nhưng mà có lẽ chả phải là truyện tình cờ . Bởi nếu không thì chúng tôi đã lướt về tới Nha Trang mới dừng chứ chả nghỉ vặt lại làm gì dọc đường . Và xe sẽ không đỗ đúng ngay trước cửa tiệm cà phê đầu thị trấn . Cũng sẽ không phải là bài hát ấy cất lên . Không nghe thấy bài hát ấy tôi đã không buồn bước chân vào tiệm .   Tôi vào thì băng nhạc ngắt , nhưng rõ ràng là tôi đã nghe một bản quân ca chứ tuyệt nhiên không phải là những cái thứ nỉ non nhão nhoẹt đặc sản của hầu hết các quán xá phố huyện trong thời buổi văn minh ướt át này .
   “ Lêkima “ , tên tiệm như vậy , trên tấm biển gỗ sơ sài . Một nhà gác nhỏ , hai tầng , mái ngói xạm mầu rêu . Quầy cà phê ở tầng trệt , gian giữa , nhưng chỗ của khách ở ngoài vườn . Một ai đó lúi húi sau quầy , tôi lên tiếng chào , gọi một tách đen và qua cửa sau đi xuống vườn .
   Gió chiều lộng thổi , dào dạt sóng lá . Vườn rộng , xanh ngát , vú sữa và lêkima . Bàn ghế bằng mây kê rải rác dưới vòm cây xum xuê , bên những lối đi rải sỏi . Giờ này các bàn đều bỏ trống . Cả khu vườn chỉ một mình tôi với tiếng chim hót ríu rít trên cành .Đợi anh tài xế sửa xong xe chắc là còn lâu . Không chừng có thể làm được một giấc . Tôi thoải mái ngã người vào lưng ghế , nhắm mắt lại .
- Dạ thưa , cà phê của ông .
   Tôi không nghe thấy bước chân đàn bà ấy . Rất khẽ chị ta đi tới , thật nhẹ để khay cà phê lên mặt bàn và se sẽ cất tiếng . Trên chiếc khay gỗ bày một bộ đồ uống cà phê kiểu đã xưa , rất đẹp , đĩa và tách bằng gốm , men màu lam vân trắng , phin và thìa mạ bạc . Thoang thoảng , đầm đậm hương thơm đặc trưng của cà phê , trè Buôn Ma Thuột .
-   Gia đình ta có khu vườn tuyệt quá - Tôi nói , bầy tỏ sự hài lòng và nỗi khoan khoái .
-   Dạ , cám ơn ông - Người đàn bà nói nho nhỏ , giọng Nam êm như nhung , lễ phép và dịu dàng - Xin mời ông bữa sau ghé lại tiệm chúng tôi , dùng cà phê , ngoạn cảnh chiều .
-   Ồ vâng , dĩ nhiên . Nếu như còn có một dịp thứ nhì .
-   Thưa , thị trấn này , ông mới một lần đầu ngang qua ?
-   Vâng . Cũng gần như là lần đầu . Lần trước đã lâu lắm rồi . Đã hai mươi năm . Vả lại , ngày đó , thời cuộc gấp gáp , chúng tôi chỉ tiến ào qua , chỉ được vài phút dừng chân chốc lát .
   Tôi có cảm giác người đàn bà như chợt sững đi vì điều tôi vừa nói .
   Tôi nhìn chị . Có thể đoàn rằng tuổi chị đã gần bốn mươi , mặc dù chắc là chưa đến như vậy . Gương mặt gầy yếu , xanh xao , song vẫn còn giữ được nét đẹp phảng phất . Tôi ưa cặp mắt của chị , mở to , đượm buồn .
Gặp ánh mắt của tôi , chị ngại ngùng nhìn tránh đi , và không nấn ná thêm nữa , lặng lẽ quay vào nhà . Tôi nhìn theo . Bỗng đâu một cảm giác phi lí nhen lên , choán lấy tôi . Chẳng cần lục lại trí nhớ , tôi biết và chắc chắn là trước đây chưa từng bao giờ gặp chị ta , và chắc chắn là chưa từng quen ai có nét thoảng giống chị , thế nhưng lại cũng hoàn toàn chắc chắn như vậy tôi cảm nhận được ở chị một sự quen biết , thậm chí một tình thân mến , từ xưa . Tình thân ấy mang máng đâu đây trong buổi chiều nay giữa khu vườn này . Tôi lắng nghe và tôi nhìn xung quanh , nhìn lên cao . Bên ngoài các vòm lá , bầu trời đã ngả mầu hồng . Ngày đã tàn , thời tiết vẫn đẹp , càng đẹp hơn trước . Những đám mây cao và thưa nhẹ nhàng lướt trôi , mỏng dần và tan ra
Trong vườn , những ngọn gió khi lặng đi lúc lại dậy lên như cao trào của một bản nhạc . Một chiếc lá vú sữa nửa màu xanh nửa màu nâu nhạt bứt khỏi cành rớt xuống bên tách cà phê đang nhè nhẹ tỏa hơi . Chiếc thìa bạc kêu lanh canh . Lòng tôi xao xuyến lạ thường . Bỏ dở tách cà phê , tôi đứng vội dậy , rời bàn . Nóng lòng tôi muốn ngắm lại một lần nữa kĩ hơn dung nhan thân thuộc của người đàn bà không quen .
Không có ai trong nhà khi tôi từ ngoài vườn đi vào . Tôi tới bên quầy . Trên quầy để một máy quay băng , mấy trái xoài tượng , một cái bình xay sinh tố , các thẩu đường , những lọ cà phê và một hộp kính xếp đầy những giỏ thuốc lá . Ở trong góc tối phía sau quầy , trên tường treo một bức tranh . Tuy nhiên nhìn kĩ tôi lại thấy không phải là một bức tranh mà là một bức ảnh , được phóng to , lồng trong khung kính . Trong ảnh là một chiếc xe tăng . Và không phải M48 . Vì khuất tôi không nhìn được rõ nhưng tôi vẫn nhận biết rõ ràng dáng vóc một chiếc T54 um tùm cành lá ngụy trang . Vòng ra sau quầy , tôi lần tìm công tắc , bật đèn lên . Ánh điện bừng sáng và tim tôi như ngừng đập . Toàn , Trung và Chí , ba khuôn mặt ấy ngay trước mắt tôi . Hình đen trắng , khi chụp hơi bị ngược sáng lại đã úa vàng vì năm tháng nên nom không được nét , song chả còn hồ nghi gì nữa , đúng là họ , và đúng là nó , xe 301 . Đầu quấn băng , AK buông thõng trước ngực , Toàn ngồi trên nóc xe ,ôm lấy khẩu 12 ly 7 , hai người kia bá vai nhau ngồi tựa vào sườn tháp pháo . Số xe khuất sau lưng họ , chỉ ngôi sao lộ ra . Cả ba anh em đều còn rất trẻ , còn rất  non nét mặt và dường như vậy mà có vẻ kém ăn ảnh , nhân dạng phần nào mờ nhòa , tuy nhiên bởi đều đã vào ảnh với nụ cười nên cả ba gương mặt đều như tự bừng sáng . Xúc động , cổ nghẹn lại , tôi run rẩy khắp thân mình , hồi lâu không sao trấn tĩnh được .
Nghe tiếng guốc đi xuống cầu thang song tôi không rời mắt khỏi bức ảnh . Người đàn bà tới bên quầy . Ngoài cửa ánh sáng chiều đã tắt . Căn phòng im ắng . Từ cõi nào xa xăm vọng đến tiếng còi tàu hỏa . Lát sau đoàn tàu rùng rùng băng qua cung đường gần thị trấn . Mặt đất nhè nhẹ rung lên . Chiếc đồng hồ treo tường thong thả đổ chuông . Tôi nhớ đến khúc quân ca nghe được lúc chiều khi vừa dừng xe . Thì ra ...
Lòng khắc khoải bao nhiêu ý nghĩ và điều phỏng đoán , tôi chậm rãi xoay mình lại , đối diện với người đàn bà . Chị chống khuỷu tay lên quầy , áp mặt vào hai bàn tay . Một gương mặt thanh tú và khiêm nhường , một dung nhan dẫu tàn lụi đi mà không hề tàn héo , đôi mắt dịu hiền , rất to , lặng nhìn tôi .

-   Chị biết không , thật kì lạ - Tôi nói , giọng ngập ngừng - Chiếc xe tăng trong bức ảnh kia chính là chiếc xe tăng của tôi , ngày xưa .
-   Ơn trời - Chị thầm thì - Thế là cuối cùng các anh đã trở lại . Bởi vì anh đã đổi khác quá nhiều so với anh trong hình nên em không nhận liền ra anh . Nhưng anh à , bao năm qua , từ ngày đó đến giờ , em vẫn một lòng tin rằng nhất định các anh sẽ còn trở lại .
Ngày đó , năm 1975 , buổi sáng cuối cùng của  tháng Ba . Thị trấn bờ biển chiều tối hôm qua còn nghẹn ứ một biển người vậy mà sáng ra đã hoàn toàn trống rỗng .
Không ai ngờ thời cuộc lật nhanh đến thế . Vừa mới phong phanh tin thất thủ Buôn Ma Thuột , còn bán tín bán nghi , đã nghe mạn Khánh Dương tiếng đại bác rền vang . Nguời từ cao nguyên chạy xuống ban đầu thưa thớt , về sau kìn kìn . Người ta bảo rằng quân dù đã được điều về giữ đèo Ma Đơ Rắc , họ sẽ chặn đứng Việt Cộng và rồi sẽ tái chiếm Đắc Lắc chỉ trong ngày một ngày hai . Nhưng chỉ trong ngày một ngày hai , vụ di tản chiến thuật đã trở thành cơn giãy chết vĩ đại . Thị trấn ngã ba nghẹn cứng hai luồng chạy loạn khổng lồ ập về theo hai ngả , quốc lộ 1 và quốc lộ 21 . Phố biển muôn thửơ bình yên ngập chìm trong khói bụi và hoảng loạn . Mặt đường đen đặc người và xe . Xe đò và xe nhà binh , đồ đạc và chiến cụ , dân thường bỏ quê hương và lính tráng vỡ mặt trận , như lũ lụt tràn bờ , như trời long đất lở . Gần cả tháng trời thị trấn triền miên trong quang cảnh đầy thú vật của cuộc đại bại . Chen chúc , xô lấn , giày đạp , chà xéo , đánh nhau , giết nhau , cưỡng hiếp và cướp bóc . Đến cuối tháng thì thật sự những ngày tận thế . Phòng tuyến trên đèo tan vỡ . Các Thiên thần mũ đỏ còn sống sót ôm đầu máu tháo chạy . Có những toán đông nghìn nghịt súng ống còn trong tay mà không còn giày , không còn áo , trần thùi lụi như đàn đười ươi ồ ồ tràn qua thị trấn . Tất cả đều đã điên lên vì khiếp sợ . Chạy , chạy và chạy . Muốn sống thì chạy đi . Mạnh ai nấy chạy . Giành đường mà chạy , dẫm lên nhau mà chạy . Tiền pháo hậu xung , đại bác quân Bắc Việt sẽ san bằng thị trấn . Chiến xa quân Bắc Việt sẽ cán nát tất cả . Và bộ binh Bắc Việt khi xung phong vào sẽ giết nốt , sẽ giết hết , giết tuốt mo , giết không còn một mống .
Buổi trưa , phi cơ từ biển ào vào bổ nhào ngay trên đầu thị trấn trút bom xuống Dục Mỹ để cản đường địch quân . Nhưng trận chiến vẫn từng giờ một xích gần lại . Cửa kính rạn vỡ , vôi vữa rơi lả tả . Chập tối , đạn pháo hú vang , từng loạt , từng loạt nã vòng qua thị trấn rót dọc xuống mép biển . Nửa đêm tiếng nổ thưa dần và tinh mơ thì bặt hẳn . Hừng đông mong manh chuyển dần sang buổi ban mai và ở xa thẳm ngoài khơi vừng dương đã nhô lên mặt biển . Trên bờ , ở ngôi nhà đầu thị trấn , ông chủ hiệu ảnh Lêkima và cô con gái của ông ngồi lặng im trong bóng tôi . Bên ngoài , ánh mai hồng ngời rạng , trong nhà tối như hũ nút . Cửa đóng then cài .
Cả hai cha con không chợp mắt , thao thức nghe tiếng sấm sét của quân đội cách mạng và nghe những hậu đội cuối cùng của quân Sài Gòn huỳnh huỵch tháo chân chạy qua trước cửa . Nỗi lo âu cồn cào nhức nhối ruột gan . Hồi giữa tháng khi còn có thể ra đi người cha lại chùng chình nghe ngóng , tiếc nhà tiếc vườn , tiếc kế sinh nhai
Tới lúc không thể do dự thêm được nữa thì cũng là lúc cảnh tượng của cuộc tùy nghi di tản trở nên quá độ kinh hoàng . Cô con gái xin cha để cô được ở lại . Thà chết còn hơn là phải dấn thân vào một lộ trình dã man đến như vậy . Hai cha con náu mình trong nhà . Bọn lính cướp phá tan hoang hai bên hãng xóm nhưng may phúc làm sao chúng chưa xông vào hiệu ảnh . Chúng bắn tấm biển Photo Lekima nhưng chưa bắn vỡ tường và chưa làm sập nhà . Tuy nhiên , nếu tình trạng hỗn mang kéo dài thêm nữa bọn kẻ cướp sẽ không bỏ qua ngôi nhà này . Nhưng mà nếu chúng biến đi thì họ sẽ vào . Họ vào thì trời ơi , sẽ ra sao ?
Trời đã sáng hẳn . Hình như có tiếng vạn vật thức giấc . Ì ầm như  sóng biển xô bờ . Nhưng mà chẳng phải tiếng sóng . Tiếng động mới mẻ , xa xôi mơ hồ ấy không tắt mà cứ lớn dần lên và loang rộng ra .Rồi bỗng nhiên tất cả rung lên . Đất trời như rạn nứt .
-   Trời đất ơi , chiến xa ! Tránh xa cửa , con ơi !
Tiếng kêu khiếp đảm bị tiếng gầm của động cơ xe tăng nuốt đi .
Logged
littlerock
Thành viên
*
Bài viết: 18



« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2007, 06:23:58 pm »

Chiếc thứ nhất rồi chiếc thứ hai , thứ ba ... mũi đột phá xe tăng gần chục chiếc , T54 và K63 , như một cơn lốc bằng thép xé mặt lộ lướt tới với thần tốc kinh hồn , là phẳng mọi chướng ngại vật trên đường , nhằm hướng nam truy kích . Nhà cửa rung giần giật
Cả thị trấn điếng hồn , choáng đi trong tiếng rít của xích thép hòa lẫn với hơi dầu xả phùn phụt , tiếng tháp pháo nghiến ken két .Mặt đường tóe lửa , nứt ra , rền vang như gang vỡ .
Thị trấn được giải phóng trong vòng không đầy năm phút đồng hồ . Đoàn xe tăng lao tới , tràn qua và mau chóng mất hút phía trời nam . Sấm vang chớp dật rồi tất cả lại trở về trong buổi sáng mai êm ả dưới bầu trời trong xanh , cao vòi vọi miền duyên hải
-   Nhưng mà hình như họ ngừng . Họ ngừng rồi ! Hình như ngay trước nhà mình đấy , con ơi !
Mà họ dừng lại thiệt , trời ạ ! Chỉ một chiếc nhưng mà tắt máy dừng ngay trước thềm  Nghe  huỳnh huỵch tiếng chân từ trên xe nhảy xuống đất . Những giọng xứ Bắc , nói oang oang . Họ to tiếng quát nhau . Rồi lại nghe rộ lên tiếng cười . Rồi choang choang tiếng gõ đập . Tò mò , quên cả sợ , cô gái tới bên cửa sổ vén màn nhìn ra . Thình lình , chiếc tăng rú lên , phụt khói đen ngòm , rồi như bị sặc nó nấc lên và tắt ngóm . Lại ồn lên tiếng quát tháo , tiếng la lối bực bõ . Nắp xe mở ra đóng vào sầm sầm . Mấy phút sau , xe khởi động lại . Cô gái bưng lấy tai . Nền nhà rung nảy . Không khí khét nồng mùi khói ma dút . Khi cô bỏ tay ra thì tiếng gầm gào hung dữ đã ngừng bặt , thế nhưng cô lại nghe những tiếng bước chân đi lên thềm . Cha cô mặt tái mét , vội vội vàng vàng bỏ trốn lên gác . Khiếp hãi , cô đứng nép vào góc . Tiếng gõ cửa dẫu dè dặt vẫn chẳng khác nào súng bắn . Những giọng nói từ bên ngoài ngưỡng cửa vẫn vọng vào rõ mồn một .
-   Có ai đâu nào . Bác phó nháy nhà này hẳn là đã cao chạy xa bay .
-   Nhưng tớ đảm bảo là vừa nãy tớ thấy thoáng có người từ cửa sổ nhìn ra mà lị . Để tớ tông cửa vào xem nào . Hay đấy là một thằng dù .
Sợ hết hồn nhưng không còn cách nào khác , cô gái đành khe khẽ thưa lên và đi nhanh tới bên cửa sổ , mở khóa rồi nhấc then ra . “ Xin kính chào quí ông “ , cô lí nhí
Hai ông ngoáo ộp đứng choán trước cửa tươi tỉnh cất tiếng chào đáp . Lần đầu tiên trong đời cô gái thấy tận mắt Việt Cộng . Một người vóc dáng cao lớn , đầu húi cua , súng đeo trễ trên vai , tay xách một cái can nhựa , người kia gầy gò , nhỏ thó , đầu quấn băng , súng lăm lăm trong tay . Cửa mở , thấy cô , anh ta vội chúc họng súng xuống . Bàn tay , gò má và bộ đồ trận của cả hai đều ám khói .
Họ nói xe họ bị sự cố phải dừng sửa , giờ sửa xong rồi , nhưng vì cạn hết nước uống nên trước khi xuất kích còn phải làm phiền gia đình một chút , mong thông cảm . Họ gọi chị xưng chúng tôi , lễ phép , nhã nhặn , gần như khách sáo khiến cô gái trẻ vừa bối rồi vừa phần nào cảm thấy an lòng . Cô mời họ vào . Cô bảo sau nhà có bể chứa nước mưa xin để tùy quý ông dùng , lấy bao nhiêu cũng được , tắm gội nữa , tha hồ .
Nhưng họ nói chỉ xin nạp một can đủ dùng thôi , chứ tắm táp gì được , thời gian không có , vả chăng sạch sẽ mấy ngồi vào xe thì chỉ một lát là lại đen nhẻm . Những người lính này mặc dù súng ống lịch kịch , mặc dù bụi bặm và nhàu nhĩ , thế nhưng chẳng hề có vẻ lính tráng như cô vẫn thường thấy . Cô thấy họ rất lành , không sục sạo , không ngó nghiêng và không một mảy may lỗ mãng . Lấy đầy can nước rồi , tuy rất vội , họ không sùng sục bỏ đi ngay mà tế nhị ngồi nán lại vài phút bên bàn , từ tốn nhấp tách trà cô mời , ân cần hỏi han , trò truyện .
Chỉ là theo phép lịch sự nhưng rất mực thân tình . Họ khen đám vườn của cô tuyệt đẹp , khen cơ ngơi của cô trang nhã , khen trà cô pha ngon , khen những bức ảnh mẫu bày trong tủ kính . Họ nói không lâu nữa đại quân sẽ trẩy qua đây , bộ binh , xe pháo nườm nượp , nhưng đừng có sợ hãi , cứ thoải mái , cứ mở cửa tiệm , giữ lấy nếp sinh hoạt bình thường như mọi ngày . Đà tiến của quân ta sẽ mau chóng giãn tầm phi pháo của địch ra xa thị trấn này . Vả chăng , rất có thể chiến tranh sắp kết thúc . Không chừng ngay trong năm nay , thậm chí ngay trong mùa khô này cũng nên , biết đâu đấy , chúng tôi sẽ tiến thấu được đến mũi Cà Mau .
-   Hết được chiến tranh rồi sẽ sung sướng biết bao - Anh lính nhỏ người , đầu quấn băng , ngả người ra lưng ghế , khẽ thở dài - Không còn bọn Mỹ , không còn bọn ngụy , không bom không pháo , đất nước thống nhất hòa bình , dẫu chỉ được sống chọn một ngày như vậy thôi rồi chết cũng đáng .
-   Nói cái gì thế cái cậu này ! Cậu chỉ được độc cái tài nói gở thôi à ? - Người kia nhăn mặt , khẽ gắt .
-   À , là nói thế . Chứ chết sao được . Đã đến ngày khổ tận cam lai mà lại chết thì thật hoài . Phải gắng sống để hưởng hồng phúc của thái bình chứ . Mai này , khi đã tàn trận mạc , tôi sẽ rời tay lái xe tăng chuyển ngành sang làm tài xế quốc doanh , vi vu dọc ngang cho đến già trên các ngả đường , ngắm Chủ nghĩa xã hội , ngắm đồng ruộng núi sông trời bể nước Nam cho đã bao năm ròng tút hút rừng sâu . Và nhất định năm nào tôi cũng sẽ qua đây , dừng thăm ngôi nhà này , thăm người quen hôm nay .
Không hoàn toàn hiểu những điều họ nói , cô gái ngồi im , khép nép , thỉnh thoảng khẽ dạ thưa , mắt nhìn xuống . Tuy nhiên , cung cách hiền hòa dễ mến của hai người khách  đã làm vợi đi nỗi lo sợ . Tâm trạng căng thẳng trùng xuống , hầu như chẳng còn chút nào mối dè chừng và sự thủ thế . Thậm chí không còn lấy một mảy may ác cảm . Tự cô cũng thầm lấy làm lạ về sự nhẹ dạ của mình . Bao nhiêu những định kiến đã thấm sâu vào tâm trí , tưởng chừng bất biến , vậy mà cô đã rứt bỏ nhẹ nhàng như thể trút bỏ một tiếng thở phào . Chẳng những không hề là những tên cuồng sát , thấy người là giết thấy nhà là đốt , hai người lính này cũng không giống những nhân vật rắn như đanh , lòng dạ gỗ đá , đầu óc cứng nhắc , mặt mày thì khắc nghiệt , cử chỉ thì thô bạo , miệng lưỡi thì cục cằn , phách lối được gọi là Việt Cộng mà cô vẫn hàng ngày nghe thấy trên đài phát thanh và đọc thấy trên sách báo . Tuyệt nhiên chẳng có vẻ gì là một cuộc tẩy não , họ nói năng nhẹ nhàng mà thân ái , vui vẻ nhưng đúng mực , giữ lễ xã giao chủ khách .
Nhìn những vật dụng trong phòng , nhìn gói thuốc với hộp quẹt cha cô để trên bàn , cái gạt tàn đầy đầu mẩu , cái áo khoác đàn ông trên mắc áo , hẳn hai người lính Việt Cộng thừa biết hiện nay trong căn nhà này không chỉ có mình cô , song họ không hề căn vặn . Họ hỏi thăm song thân cô song thấy cô ngập ngừng họ không gặng . Thật tình cô không sao hiểu nổi nguyên do của nỗi ghê khiếp cộng sản đã ám ảnh và chế ngự cuộc sống của cha cô cũng như bao người khác nữa ở thị trấn này . Có cái gì thật vô lý và tức cười trong thái độ tột cùng hoảng hốt của cha cô khi nãy . Khiếp sợ đến nỗi bỏ cả con gái đấy để chốn chạy . Cô hình dung lúc này đây cha cô mặt mày xanh xám , náu mình trong một góc tối om trên gác , run cầm cập chờ tiếng chân Cộng Sản sầm sầm bước lên cầu thang .
Nhưng những người cộng sản còn đang bận công truyện của họ , Họ nhìn đồng hồ , thốt kêu lên , rồi vội vã đứng dậy , đeo súng lên vai , vội vội xin cáo từ và một lần nữa xin cảm ơn sự giúp đỡ của gia đình . Họ bắt tay cô .
Một người chỉ nắm nhẹ rồi buông ngay . Nhưng người kia giữ lại lâu hơn bàn tay nhỏ nhắn mềm dịu của cô trong bàn tay thô ráp của mình , lắc nhè nhẹ , và noi :
-   Bọn anh là bộ đội chứ nào phải quý ông . Mai này gặp lại nhau nhớ đừng gọi bọn anh như vậy nữa . Nhớ nhé . Bọn anh nhất định sẽ trở lại . Anh sẽ chẳng bao giờ quên nơi này , chẳng bao giờ quên buổi sáng hôm nay . Buổi sáng hôm nay , quê hương em giải phóng , em hãy nhìn xem , đất trời tươi đẹp biết bao . Còn anh thì anh coi hôm nay là ngày đầu tiên sau bao năm trời xa cách được trở về quê hương . Quê anh ở bờ biển Quảng Ninh nên hễ cứ nơi nào bờ biển cúng đều là quê nhà . Vậy nên anh và em chúng mình là đồng hương duyên hải đấy .
Hai người buông tay nhau . Người lính chạy ra xe , cô gái đi vội vào nhà rồi lật đật chạy ngay ra , trên tay cầm chiếc máy ảnh . Xe tăng đã nổ máy , gầm lêm điếc óc , nhưng chưa lăn xích . Cô gái chạy xô tới đầu xe , hươ náy ảnh lên . Chiếc tăng dường như ngần ngừ do dự , động cơ vẫn rền rền song có vẻ dịu xuống . Nắp tháp pháo bật mở , lần lượt hai người từ lòng thép chui ra . Người thứ ba từ cửa buồng lái . Anh ta không tắt động cơ . Chiếc tăng rầm rầm nổ náy tại chỗ như hối thúc .
Cô gái không ham nghề ảnh nên rất ít khi rờ đến máy  và chưa bao giờ cô thay cha chụp hình cho một người khách nào . Cô nhỏ bé , yếu ớt và run rẩy trước khối thép đồ sộ đang hừng hực phả hơi nóng và rung lên giần giật . Phải bặm môi lại , gần như vận hết can đảm và lấy hết sức bình sinh cô mới bấm máy nổi . Không may , sáng hôm đó , cuộn phim trong chiếc Canon chỉ còn một kiểu . Bấm xong cái tách , hết phim . Sững người ngó chiếc máy , dường như mãi mới chợt hiểu , cô sực tỉnh , hớt hải kêu lên muốn át tiếng máy bảo bốn ông khách gắng chờ để cô vào nhà lấy máy khác chụp tiếp .
Nhưng khi cô ôm chiếc Kodak chạy lao ra , xe tăng đã gầm lên , tốc bụi mù mịt , chồm mạnh tới và lập tức lao xộc đi như thể chạy trốn cô . Cô đứng khựng lại giữa lòng đường . Chiếc T54 nhỏ dần , mặt đường vẫn rung chuyển nhưng tiếng gầm của động cơ nghe không còn hung dữ nữa , và càng lùi xa chiếc tăng nom càng hiền đi , trông giống như một lùm cây xanh , rung reo trong gió và lấp lánh trong nắng .
Những ngày giông tố qua mau , cuộc đời lật nhanh sang trang khác . Nuối tiếc kiếp xưa , nhiều kẻ quyết lòng trốn chạy khỏi quê hương , lên thuyền vượt biển , trong số họ có ông chủ hiệu ảnh . Cô con gái của ông một mình ở lại với ngôi nhà và vườn cây lêkima . Hiệu ảnh tuy còn đó , song không nhận chụp , chỉ mở thế để chờ trả ảnh cho khách cũ . Ngày lại ngày từng đoàn bộ đội trên đường hồi hương đã đi ngang qua thị trấn , thế nhưng chẳng ai dừng chân lại lấy ảnh . Nhiều năm trôi qua , khi mà ngay cả những người lính được giải ngũ sau chót cũng đã về đến quê nhà , bức ảnh chụp cỗ chiến xa vẫn mãi mãi là một tấm hình vô chủ .
Thời gian thấm thoát như thoi đưa . Cô gái trẻ măng ngày ấy đã thành thiếu phụ , lập gia đình , có con . Đời sống gian nan khắc khổ kéo dài suốt mười mấy năm trời sau chiến tranh khiến chị mau già . Chồng chị đã sớm từ giã phố nghèo để tìm vào Nha Trang kiếm kế sinh nhai dễ dàng hơn . Các con chị lớn lên cũng lần hồi đi hết . Rất muốn theo chồng con nhưng chị lại không muốn rời bỏ thị trấn . Đành lại một mình thui thủi một mình với ngôi nhà , chật vật sống tựa vào mảnh vườn . Trong nhà chẳng còn dấu tích nào nữa của hiệu ảnh , ngoại trừ tấm hình chụp chiếc chiến xa , chưa người tới nhận , ngày một úa vàng .
Ngày lại ngày , năm này qua năm khác , ngôi nhà xưa cũ vẫn đấy , mòn mỏi bên rìa lộ , như âm thầm ngóng trông một điều gì đó , không biết là điều gì , rồi sẽ đến trong dòng thời gian đang đều đều trôi chảy ngược xuôi không cùng tận trên đường . Cuối cùng thì cái sự kiện mơ hồ được bền bỉ ngóng trông ấy dường như đã thực sự bước qua ngưỡng cửa .Một trong những chủ nhân của chiếc xe tăng đã nhận ra chiếc xe tăng của mình .
Chỉ có điều , người đàn bà chủ tiệm cà phê đã lầm : Tôi không phải là một trong những người mà chị ngóng trông . Mặc dù là xạ thủ 12 ly 7 trên chính chiếc xe tăng trong ảnh , tôi không hề có mặt trong ảnh .
Đã trót lọt qua những trận chiến ác liệt trên đèo Ma Đơ Rắc , đã an lành vượt qua Dục Mỹ , tôi lại để bị thương ở cây số cuối cùng của đường 21 . Và ngu ngốc làm sao , lính xe tăng mà lại bị đốn bởi đạn súng trường . Chỉ độc một phát , bắn tù mù trong đêm tối , nhưng đúng lúc tôi nhoài nửa người khỏi cửa xe .Vết thương không nặng nhưng đủ để loại nhau ra khỏi vòng chiến hơn chục ngày trời .Nằm được mười ngày , tôi ôm vết thương tếch khỏi bệnh viện , nhặt một chiếc xe zép lùn nằm quăng bên vệ đường , lái hết tốc độ rượt theo vết xích xe tăng . Nhưng vào giai đoạn hành quân thần tốc ấy chậm một giờ là lỡ cả đời , huống hồ tụt hậu mất mười ngày như tôi .
Đuổi theo vết xích của 301 , tôi phóng ô tô qua Ninh Hòa , Nha Trang , Cam Ranh , rẽ đường 11 lên đèo Ngoạn Mục , rồi qua Di Linh , Đức Trọng về Bảo Lộc , về Lộc Ninh , và ngoặt gấp sang đông nhằm hướng Sài Gòn . 30 tháng Tư vẫn theo vết xe tăng , tôi qua Lăng Cha Cả vào phi trường Tân Sơn Nhất . Nhưng 301 của tôi hình bóng đã mịt mù nơi đâu trong buổi chiều mưa rơi ngày đại thắng .
Tôi đã trở lại Lăng Cha Cả , trở lại Cầu Bông , trở về tận Phan Rang , địa danh của những trận tử chiến bằng xe tăng trên đường tiến đánh Sài Gòn . Nhưng trời đất bao la , mặc cho tôi bền bỉ theo đuổi , 301 vẫn mãi mãi xa khuất khỏi tầm mắt của tôi .
Và như thế là đã hai chục năm trời rồi theo đuổi vô vọng cho tới buổi chiều hôm ấy .
Chẳng phải sự tình cờ , mà là một sự run rủi tuyệt vời của định mệnh đã khiến tôi bước vào vườn cây lêkima bên bờ biển Khánh Hòa . Cuộc đời có hậu đã cho tôi , một số phận lẻ một , khi đã luống tuổi , lúc đã xế tà vẫn còn đuổi kịp đà tiến công vũ bão của thời thanh xuân  để gặp lại được số phận chung bốn anh em .
Chiều hôm ấy , trước bức ảnh xe tăng 301 , người thiếu nữ năm xưa , vụt sống lại với buổi bình minh của đời mình , đã không cầm được nước mắt . Và tôi cũng vậy , sau hai chục năm trời , lệ chiến tranh lại tràn mi .





Logged
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2007, 08:25:20 pm »

Người còn sót lại của rừng cười

Võ Thị Hảo

Một kho quân nhu và bốn cô gái náu mình dưới tán cây rừng Trường Sơn.

Bốn cô gái trẻ măng nhưng mái tóc chỉ còn là một dúm xơ xác. Dòng nước khe màu xanh đen thớ lợ đã dần dà vặt trụi mớ tóc họ. Hôm đón Thảo - cô gái thứ năm về, bốn người cũ mừng rỡ khi nhìn thấy mái tóc óng mượt dài chấm gót của cô. Họ cưng Thảo như vàng, nhất trí rằng không thể để rừng cướp mất mái tóc ấy của họ. Nhưng rừng mạnh hơn.

Hai tháng sau, bất chấp đủ các loại lá thơm mà đồng đội mang về cho gội, tóc Thảo chỉ còn là một túm sợi mỏng mảnh xơ xác.
Cả bốn cô gái ôm nhau khóc cay đắng còn Thảo thì cười: "Các chị khóc làm gì. Đằng nào thì e cũng đã có người yêu. Người yêu em chung thủy lắm nhá. Em thế này chứ giá có bị trọc đầu thì anh ấy vẫn yêu cơ mà".
Và thế là các cô gái nín khóc, tròn xoe mắt nghe Thảo kể về mối tình của cô với chàng sinh viên Văn khoa Hà Nội. NGười con trai ấy được khúc xạ qua bao nhiêu lớp bụi và khói, cuối cùng đến lớp sương mù lung linh huyền ảo của ký ức Thảo, hiện lên như một chàng hoàng tử hào hiệp thủy chung.

Cả bốn cô đều đem lòng si mê chàng trai ấy, nhưng không phải cho họ, mà cho Thảo. Cái sự si mê hộ người khác ấy không hy vọng cắt nghĩa nổi trong thời bình, dưới những ánh màu huy hoàng, mà chỉ những ai đã từng qua chiến tranh, trải nỗi cô đơn đặc quánh qua cảm giác đang cựa quậy giữa chốn giáp ranh, giữa địa ngục và trần gian mới hiểu nổi.

Họ ở đây đã qua ba mùa mưa rầu rĩ và đang ở giữa mùa khô thứ tư bỏng rát. Kho quân nhu im lìm nép trong vòng tay ma quái của rừng sâu. Thỉnh thoảng mới có một đoàn quân tạt qua lĩnh quân trang quân dụng rồi vội vàng đi. Họ mang đến những câu bông đùa suồng sã, dăm ba cái cấu véo của những người đàn ông sống xa thế giới đàn bà lâu ngày có xu hướng trở thành hoang dã. Thảng hoặc cũng có những người lặng lẽ chiêm ngưỡng họ như những nữ hoàng, chăng vào lòng những cô gái bé nhỏ chút hy vọng mơ màng vương vấn như tơ nhện rồi thoắt biến, cho các cô gái càng thấm thía nỗi cô đơn.

Mặt trận đã lùi về gần kho. Năm cô gái sống trong lo âu mà rừng thì cứ lầm lì trải đầy thảm lá rụng. Ánh đỏ của thảm lá hắt lên cả bầu trời ánh ỏi, khiến cho đêm của họ cũng mang màu đỏ.

« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười Hai, 2007, 08:01:44 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM