Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:10:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống Mỹ  (Đọc 208851 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #70 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2013, 04:08:41 pm »

ANH HÙNG LƯƠNG TẤN THỊNH


   Lương Tấn Thịnh sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nhập ngũ năm 1963. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại đội trưởng đại đội 202 đặc công bộ đội địa phương thuộc tỉnh đội Phú Yên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ đại đội, Lương Tấn Thịnh thường xuyên bám sát cơ sở, len lỏi vào các tuyến phòng thủ của địch để trinh sát; chỉ huy chiến đấu dũng cảm, mưu trí, kiên quyết tiến công tiêu diệt quân địch. Đồng chí đã tham gia đánh 120 trận, trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh 24 trận, diệt 1.000 tên địch, phá hủy 13 kho đạn, 10 khẩu đại bác, 15 xe quân sự. Riêng Lương Tấn Thịnh diệt 225 tên, phá hủy 1 xe, thu 1 súng.

   Đêm 7 tháng 7 năm 1969, Lương Tấn Thịnh đánh địch ở Mò O, một mũi gặp khó khăn không lên được, anh vừa động viên đơn vị, vừa dẫn một tổ thọc sâu, đánh thẳng vào vị trí địch, tạo thuận lợi cho toàn đơn vị xung phong tiêu diệt gọn 1 đại đội địch.

   Trong trận Xuân Phước ngày 28 tháng 8 năm 1970, Lương Tấn Thịnh chỉ huy đơn vị luồn qua 18 lớp rào, bãi chông, mìn của địch, bí mật thọc sâu, bất ngờ đánh từ trong ra, diệt gọn một đại đội và 3 trung đội địch. Lương Tấn Thịnh luôn luôn chăm lo xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt, gương mẫu, khiêm tốn, giản dị, được mọi người tin yêu.

   Đồng chí được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng, 2 bằng khen.

   Ngày 20 tháng 9 năm 1971, Lương Tấn Thịnh được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG BÙI ĐỨC SƠN



   Bùi Đức Sơn sinh năm 1948, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nhập ngũ tháng 5 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại đội trưởng đại đội 72 đặc công thuộc trung đoàn 12 Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Từ năm 1965 đến năm 1971, Bùi Đức Sơn tham gia chiến đấu ở chiến trường thuộc Quân khu 5, đã trực tiếp đánh 50 trận, trận nào cũng bình tĩnh, dũng cảm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi làm y tá, anh chiến đấu đến cùng để bảo vệ thương binh, băng bó kịp thời và cõng 24 thương binh từ trận địa ra nơi an toàn. Khi làm cán bộ, Bùi Đức Sơn chỉ huy linh hoạt, nhiều tình huống khó khăn, ác liệt vẫn kiên quyết tiến công địch, tích cực góp phần vào chiến công chung của đơn vị. Riêng Bùi Đức Sơn đã diệt 70 tên địch (có 41 tên Mỹ), bắn rơi 1 máy bay, phá hủy 1 kho vũ khí, thu 15 súng.

   Ngày 7 tháng 2 năm 1966, Bùi Đức Sơn tham gia đánh trận Chợ Cát, diệt 12 tên Mỹ, bắn rơi một máy bay, bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu.

   Ngày 17 tháng 12 năm 1968, Bùi Đức Sơn làm y tá, cùng đơn vị đánh địch ở An Định, anh vừa băng bó, cấp cứu thương binh, vừa dũng cảm chiến đấu, diệt 9 tên địch. Khi đơn vị cơ động, Bùi Đức Sơn ở lại bảo vệ thương binh. Địch tiến công, một mình anh chiến đấu diệt thêm 3 tên. Sau đó, Bùi Đức Sơn cho nổ lựu đạn khói để che mắt địch, rồi anh cõng 1 thương binh ra nơi an toàn. Trời gần sáng, Bùi Đức Sơn cõng thương binh lên núi cất giấu, hái rau, đào củ rừng nuôi thương binh, ban đêm lại cõng thương binh tìm về đơn vị.

   Trong trận đánh ở Gò Ú, Bùi Đức Sơn làm đại đội phó, chỉ huy đơn vị vào đến hàng rào thì bị lộ. Địch bắn ra ác liệt, Bùi Đức Sơn kịp thời chỉ huy bộ đội nhanh chóng thọc sâu, tạo thuận lợi cho đơn vị diệt gọn quân địch. Anh vừa chỉ huy, vừa chiến đấu dũng cảm, đánh sập 3 nhà, 1 lô cốt, diệt hàng chục tên địch, thu 1 đại liên.

   Đêm 29 tháng 8 năm 1970, với nhiệm vụ đại đội trưởng, Bùi Đức Sơn dẫn đầu đơn vị đánh địch ở Kiến An. Khi gần tới vị trí chiến đấu, phát hiện địch phục kích, anh để đơn vị tạm dừng ở ngoài, còn mình bò vào kiểm tra lại tình hình địch cụ thể. Nhờ có quyết tâm cao, Bùi Đức Sơn đã động viên và chỉ huy đơn vị diệt gọn 1 đại đội và 1 trung đội địch.

   Có lần Bùi Đức Sơn xông vào khu vực máy bay địch đang đánh bom, cứu sống 1 cụ già, 1 em bé, được nhân dân và đồng đội tin yêu.

   Đồng chí được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công giải, phóng, 3 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 7 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ.

   Ngày 20 tháng 9 năm 1971, Bùi Đức Sơn được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #71 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2013, 04:12:04 pm »

ANH HÙNG BÙI VĂN THUYÊN



   Bùi Văn Thuyên (tức Bùi Văn Quẹo), dân tộc Kinh, quê ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nhập ngũ tháng 1 năm 1961, xuất ngũ năm 1963. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là xã đội phó xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Từ năm 1961 đến năm 1963, Bùi Văn Thuyên chiến đấu ở một đơn vị bộ đội tỉnh Tây Ninh, anh đã tham gia đánh 13 trận, cùng đơn vị diệt hàng trăm tên địch. Riêng Bùi Văn Thuyên diệt 8 tên, thu 3 súng.

   Năm 1964, do yêu cầu công tác, Bùi Văn Thuyên được điều về xã Thái Bình, cùng cán bộ cơ sở thành lập đội du kích, tuyên truyền vận động nhân dân bám đất, bám làng sản xuất và chiến đấu. Đồng chí kiên trì chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, xây dựng phong trào du kích vững mạnh, chiến đấu kién cường, lập nhiều thành tích xuất sắc.

   Trong 2 năm 1969 và 1970, Bùi Văn Thuyên đã cùng đội du kích đánh hàng chục trận, diệt 260 tên địch. Riêng đồng chí diệt 71 tên Mỹ, thu 5 súng, phá hủy 4 xe quân sự.

   Bùi Văn Thuyên đã nhiều lần gài mìn trên đường 13 và 22, đánh sập 4 cầu, cống, diệt hàng chục tên địch.

   Đặc biệt, trận đánh địch ở Bàu Sen giữa tháng 1 năm 1970, Bùi Văn Thuyên cùng một du kích đi lọt vào trận địa phục kích của địch. Vừa nổ súng thì đồng đội hy sinh, Bùi Văn Thuyên bị thương khắp người và bị ngất. Khi tỉnh dậy, thấy một khúc ruột lòi ra ngoài bụng, anh định băng thì phát hiện 3 tên Mỹ đang xáp tới. Bùi Văn Thuyên chưa kịp bắn thì 3 tên Mỹ đã nổ súng, lại bị thêm 2 vết thương nữa: 1 viên đạn xuyên từ ngực qua lưng, 1 viên vào khớp chân, anh dùng hết sức lực bắn 2 quả M79, diệt 3 tên Mỹ rồi nhét đoạn ruột vào bụng, băng lại. Bọn Mỹ đem đại liên bắn xả vào khu vực đồng chí đang nằm. Quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ tử sĩ, Bùi Văn Thuyên tiếp tục bắn hàng chục quả M79, diệt khẩu đại liên và nhiều tên địch. Bọn còn lại phải tháo chạy. Bị nhiều vết thương khắp người, sức yếu, anh gắng sức bò trên đoạn đường 400 mét tìm về đơn vị. Trong khi bò, 8 lần bị ngất, nhưng Bùi Văn Thuyên kiên quyết giữ khẩu M.79 và 3 quả lựu đạn.

   Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 3 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 7 bằng khen và giấy khen.

   Ngày 20 tháng 9 năm 1971, Bùi Văn Thuyên được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vủ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG MAI DINH


   
   Mai Dinh sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ năm 1966. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đội trưởng đặc công đoàn Quyết Thắng, thành phố Hồ Chí Minh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Từ năm 1968 đến năm 1971, Mai Dinh tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt năm 1968, đồng chí cùng đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh vào các mục tiêu phía bắc nội thành Sài Gòn. Sau đợt này, đơn vị rút ra và bám trụ tại vùng ven, ngay sát nách Sài Gòn. Suốt 2 năm trời bám trụ trên đồng nước, làm nhiệm vụ đánh các mục tiêu chiến lược nằm trong tuyến phòng thủ ngoại vi, Mai Dinh luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, vượt qua mọi nguy hiểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

   Mặc dù quanh năm phải sống trên đồng nước, địch càn quét liên miên, cuộc sống bị thiếu thốn mọi thứ, Mai Dinh vẫn luôn tỏ ra vững vàng, kiên định, động viên anh em trong đơn vị bám trụ làm nhiệm vụ. Trong công tác điều tra, nghiên cứu tình hình địch, nhiều khi phải lội sình, nhịn đói hai, ba ngày, anh vẫn kiên trì chịu đựng, trinh sát kỹ lưỡng, tạo điều kiện cho đơn vị tác chiến thắng lợi.

   Mai Dinh đã tham gia nhiều trận đánh trong nội thành; có trận gặp tình huống gay go, anh bình tĩnh, phát huy hết sở trường và kinh nghiệm của mình, xử trí linh hoạt, kịp thời, hoàn thành nhiệm vụ với hiệu suất cao.

   Đặc biệt trong trận đánh kho bom Gò Vấp, Mai Dinh được giao nhiệm vụ cùng tổ 3 người vào đánh kho. Cả tổ bám sát từ tối đến quá nửa đêm vẫn không lọt được vào khu kho. Nếu cứ ở khu cửa mở lâu thì chẳng những không đánh được mà có thể bị phát hiện. Thời gian quy định đặt mìn đã sắp hết. Trước tình hình phức tạp đó Mai Dinh hội ý anh em trong tổ, rồi quyết định để anh em ở ngoài, mình anh ôm khối thuốc nổ nặng 10 ki-lô-gam, bất chấp mọi nguy hiểm, vượt qua tường cao, lọt vào khu kho. Mai Dinh bình tĩnh tìm đúng kho bom, đặt khối thuốc nổ vào nơi có khả năng phá hủy nhiều nhất, gắn kíp hẹn giờ, rồi nhanh chóng thoát ra ngoài. Kết quả, kho bom nổ tung, đồng thời kích thích nổ sang các kho khác. Tiếng nổ kéo dài 2 ngày đêm liền, phá hủy 35.000 tấn bom đạn của địch.

   Mai Dinh luôn đi đầu trong mọi công tác, thường xuyên chăm lo xây dựng đơn vị tiến bộ về nhiều mặt, khiêm tốn, giản dị, được quần chúng tin yêu.

   Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba, 3 bằng khen và giấy khen.

   Ngày 20 tháng 9 năm 1971, Mai Dinh được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #72 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2013, 04:16:01 pm »

ANH HÙNG VÕ THỊ HUYNH



   Võ Thị Huynh sinh năm 1940, dân tộc Kinh, quê ở xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé, nhập ngũ tháng 6 năm 1968. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung đội phó kiêm y tá thuộc đội quân y, bộ đội địa phương huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Từ năm 1960, Võ Thị Huynh đã tham gia hoạt động du kích tại địa phương, đưa đón cán bộ vào hoạt động trong vùng địch an toàn. Trong gia đình, lần lượt từ bố, anh em ruột, chồng con đều bị địch giết hại, chị chịu 8 cái tang trong vòng 4 năm, nhưng Võ Thị Huynh vẫn kiên trì hoạt động. Tháng 6 năm 1968, chị vừa làm hộ lý vừa học y tá tại quân y huyện Bến Cát, công tác có nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng Võ Thị Huynh luôn hết lòng phục vụ thương binh, bệnh binh. Nhiều lần, chị nhận hàng chục thương binh, vừa điều trị vừa nuôi dưỡng dưới địa đạo. Trong điều kiện khó khăn, ác liệt, lương thực, thuốc men thiếu thốn, Võ Thị Huynh tìm mọi biện pháp khắc phục, điều trị cho thương binh mau khỏi, trở về đơn vị chiến đấu. Nhiều lần máy bay, pháo binh địch đánh vào đội điều trị, chị dũng cảm cứu chữa và bảo vệ thương binh an toàn. Có thời kỳ Võ Thị Huvnh phải đi đào củ rừng nuôi thương binh hơn một tháng liền. Nhiều lần Võ Thị Huynh tham gia đi khiêng thương binh từ trận địa về trạm phẫu và từ trạm phẫu ra tuyến ngoài. Hoạt động trong vùng địch kiểm soát, chị vẫn vững vàng ý chí, dũng cảm, kiên cường, luôn gương mẫu đi đầu trong khó khăn, ác liệt.

   Có lần được giao nhiệm vụ đưa gần hai chục thương binh ra tuyến ngoài, trong tay không có một hạt gạo, Võ Thị Huynh vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ, rồi tự mình tìm kiếm lương thực cho thương binh ăn trên đường đi. Kết quả, đồng chí đã đưa được thương binh qua vùng địch kiểm soát, về tới đích an toàn.

   Võ Thị Huynh luôn thể hiện tinh thần cách mạng triệt để, chịu đựng gian khổ, ác liệt, thiếu thốn dài ngày, tích cực học tập văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, sống giản dị, khiêm tốn, được mọi người tin yêu.

   Đồng chí được tặng thương 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 2 bằng khen.

   Ngày 20 tháng 9 năm 1971, Võ Thị Huynh được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG NGUYỄN HỮU TRÍ


   
   Nguyễn Hữu Trí (tức Nguyễn Văn Bốn), sinh năm 1926, dân tộc Kinh, quê ở xã Vĩnh Lợi, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, nhập ngũ tháng 10 năm 1948. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung đoàn phó thuộc Cục Tham mưu, Bộ Tư lệnh Miền, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Ba năm đầu nhập ngũ, Nguyễn Hữu Trí ở đơn vị chiến đấu. Những năm sau, đồng chí được điều động công tác ở phòng tham mưu. Trong lúc thi hành nhiệm vụ bị địch bắt, chúng tra tấn nhiều đòn ác hiểm hòng khuất phục đồng chí, nhưng Nguyễn Hữu Trí vẫn giữ vững lòng trung thành với cách mạng.

   Kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã lập nhiều thành tích và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Năm 1954 đồng chí được ra Bắc tập kết, sau đó được chuyển về miền Nam tham gia hoạt động bí mật.

   Với tinh thần chủ động tiến công địch, dựa vào quần chúng tốt, dựa vào người thân trong gia đình, Nguyễn Hữu Trí đã nhanh chóng hợp pháp hóa, mạnh dạn mở quan hệ "đánh" vào các đối tượng hợp với nhu cầu công tác. Chỉ một thời gian ngắn đồng chí đã cung cấp nhiều tin tức và tài liệu có ý nghĩa chiến lược đối với cuộc chiến đấu ở miền Nam cũng như chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc.

   Nguyễn Hữu Trí đã xây dựng được một "lưới" tình báo tin cậy đối với cơ quan chỉ đạo. Quá trình hoạt động, khi thấy "lưới" có khả năng bị nguy hiểm, không quản gian nguy, vượt mọi trở ngại, ra sức xây dựng tổ chức mới thay thế kịp thời để giữ nguồn tin liên lạc cho chỉ huy và lãnh đạo.

   Đồng chí rất chú trọng giác ngộ cơ sở từ thấp đến cao, dám nhận công việc khó khăn nguy hiểm. Đồng chí đã bí mật đưa điện đài vào nội thành đặt ở những gia đình tin cậy, hoạt động trong thời gian dài, bảo đảm thông tin nhanh chóng với cấp trên.

   Suốt 8 năm liền hoạt động giữa đô thành, Nguyễn Hữu Trí vẫn giữ vững phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Trong công tác, đồng chí luôn hăng hái, mạnh dạn; có năng lực tổ chức, bình tĩnh xử trí nhiều tình huống lúc khó khăn và làm công tác vận động quần chúng giỏi.

   Nguyễn Hữu Trí đã góp nhiều kinh nghiệm tốt cho ngành, đồng chí đả được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba.

   Ngày 20 tháng 9 năm 1971, Nguyễn Hữu Trí được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #73 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2013, 04:19:28 pm »

ANH HÙNG TRẦN KIM CẦU


   Trần Kim Cầu, sinh năm 1944, dân tộc Kinh, quê ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ tháng 7 năm 1967. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại đội trưởng đại đội 12 bộ binh thuộc tiểu đoàn 6, trung đoàn 12, sư đoàn 7, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Trần Kim Cầu trưởng thành từ chiến sĩ lên. Ở cương vị nào đồng chí cũng luôn luôn nêu cao ý chí và quyết tâm chiến đấu, tích cực tiến công tiêu diệt địch, xung phong gương mẫu dẫn đầu đơn vị, luôn có mặt ở những nơi khó khăn nguy hiểm. Khi làm cán bộ chỉ huy, nhiều trận bị thương nặng, đồng chí vẫn tiếp tục ở lại chỉ huy đơn vị chiến đấu đến thắng lợi.

   Từ năm 1968 đến năm 1971, Trần Kim Cầu đã diệt hơn 100 tên, phá hủy 13 xe quân sự của địch.

   Trần Kim Cầu đã được khen thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 3 năm liền được công nhận là Chiến sĩ thi đua.

   Ngày 20 tháng 9 năm 1971, Trần Kim Cầu được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG LÊ XUÂN TẤU



   Lê Xuân Tấu (tức Kim Thanh) sinh năm 1944, dân tộc Kinh, quê ở xã Đôn Nhân, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú, nhập ngũ năm 1963. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại đội trưởng đại đội 3 xe tăng thuộc tiểu đoàn 3 trung đoàn 203 Bộ tư lệnh Thiết giáp, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Từ năm 1968 đến năm 1972, Lê Xuân Tấu tham gia đánh 5 trận, trận nào cũng dũng cảm, xông xáo, tích cực tiến công tiêu diệt địch, chỉ huy mưu trí, linh hoạt, chi viện tốt cho bộ binh chiến đấu.

   Trận đánh Tà Mây (Quảng Trị) ngàv 24 tháng 1 năm 1968, đồng chí làm trưởng xe đi đầu. Khi tiến đến cửa mở, xe bạn bị hỏng, đồng chí nhanh chóng cho xe xông thẳng vào vị trí địch, bắn sập nhiều lô cốt và ụ súng. Mặc cho địch chống cự điên cuồng, Lê Xuân Tấu bình tĩnh, dũng cảm lái xe vượt qua làn đạn địch, dẫn dắt bộ binh thọc sâu, chia cắt, tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn địch.

   Trận đánh Làng Vây (Quảng Trị) ngày 7 tháng 2 năm 1968, Lê Xuân Tấu chỉ huy trung đội chi viện tốt cho bộ binh diệt gọn quân địch trong khu vực được phân công; sau đó phát triển sang khu vực khác, chi viện đắc lực cho đơn vị bạn diệt và bắt 1.000 tên địch.

   Trận đánh Y Tu - Bản Nhích ngày 10 tháng 6 năm 1971, đồng chí làm đại đội trưởng, chỉ huy 3 xe tăng cùng bộ binh tiêu diệt gọn quân địch ở Y Tu. Cuối trận đánh, 2 xe bị hỏng, Lê Xuân Tấu cùng đồng đội trong xe nhanh chóng thọc sâu vào Bản Nhích, chi viện cho đơn vị bạn chiến đấu, tiêu diệt toàn bộ 2 tiểu đoàn, 1 đại đội và 2 trung đội ngụy Lào, giải phóng cao nguyên Bô Lô Ven.

   Có lần máy bay địch đánh vào vị trí trú quân, đồng chí bị thương vào mặt, vẫn chỉ huy đơn vị dập tắt lửa, bảo vệ xe an toàn.

   Lê Xuân Tấu luôn chăm lo xây dựng đơn vị tiến bộ nhiều mặt, chịu khó học tập nâng cao trình độ chỉ huy, trình độ kỹ thuật, chiến thuật, sống giản dị, khiêm tốn, được mọi người tin yêu.

   Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

   Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Lê Xuân Tấu được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #74 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2013, 04:22:06 pm »

ANH HÙNG ĐOÀN KHẮC LUẬN



   Đoàn Khắc Luận sinh năm 1948, dân tộc Kinh, quê ở xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 9 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng sĩ, đại đội trưởng đại đội 23 (súng máy cao xạ 12,7) thuộc tiểu đoàn 75 trung đoàn 84 Bộ tư lệnh Mặt trận B5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Từ năm 1966 đến năm 1972, Đoàn Khắc Luận tham gia chiến đấu ở Quảng Trị. Khi làm pháo thủ số 1, đồng chí đã bắn rơi 13 máy bay và diệt 25 tên lính bộ binh địch. Khi làm khẩu đội trưởng, cán bộ trung đội, đại đội, đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, xông xáo, linh hoạt, thường có mặt ở nơi khó khăn, ác liệt, chỉ huy đơn vị bắn rơi 26 máy bay, chi viện tốt cho bộ binh chiến đấu. Tính chung, Đoàn Khắc Luận đã bắn rơi và chỉ huy đơn vị bắn rơi 39 máy bay địch, góp phần tích cực vào thành tích chung của đại đội (từ năm 1966 đến năm 1976) bắn rơi trên 100 máy bay địch các loại.

   Ngày 21 tháng 1 năm 1968, ở Lâm Xuân Động, địch dùng máy bay và pháo binh bắn phá ác liệt, yểm hộ cho xe tăng và bộ binh chúng tiến đánh trận địa ta. Là pháo thủ số 1, đồng chí đã góp phần tích cực cùng trung đội bần rơi 2 máy bay, bắn cháy 2 xe M.113, diệt 50 tên địch. Bọn địch bỏ chạy, Đoàn Khắc Luận cùng khẩu đội tích cực chi viện cho bộ binh truy kích địch, bắn rơi thêm 2 máy bay. Nhờ sự chi viện tốt của khẩu đội đồng chí, đơn vị bộ binh diệt thêm 250 tên địch, bắn cháy 6 xe tăng.

   Ngày 23 tháng 1 năm 1968, bọn địch nống ra Do Hà. Chúng bắn phá dữ dội và tiến công lên chốt của ta. Đồng chí cùng khẩu đội kiên cường chiến đấu, giữ vững chốt và truy kích địch, diệt 25 tên, góp phần tích cực cùng bộ binh đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn địch.

   Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1969, phục kích máy bay địch ở vùng điểm cao 333, Đoàn Khắc Luận chỉ huy khẩu đội bắn rơi 4 máy bay và góp phần cùng trung đội bắn rơi 2 chiếc khác.

   Ngày 3 tháng 4 năm 1970, trung đội Đoàn Khâc Luận được giao nhiệm vụ chi viện cho bộ binh vận động tiến công tiêu diệt địch tại điểm cao 182. Đồng chí chỉ huy trung đội chiến đấu dũng cảm, bắn rơi 3 máy bay, diệt 40 tên Mỹ. Khi bị thương, Đoàn Khắc Luận vẫn giữ vững vị trí chiến đấu, chỉ huy đơn vị góp phần tích cực cùng bộ binh đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn Mỹ.

   Từ ngày 5 tháng 6 đến ngày 23 tháng 6 năm 1971, đại đội đồng chí chi viện cho bộ binh chiến đấu tại vùng điểm cao 402 và 544. Đoàn Khắc Luận khắc phục nhiều khó khăn, kiên quyết chấp hành mệnh lệnh, chỉ huy đơn vị bắn rơi 13 máy bay Mỹ, chi viện tốt cho bộ binh chiến đấu.

   Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 4 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng, 5 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

   Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Đoàn Khắc Luận được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG HỒ SOI



   Hồ Soi sinh năm 1943, dân tộc Pa-cô, quê ở xã Kỳ Nơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ năm 1962. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại đội trưởng đại đội 4 vận tải gùi thồ thuộc Cục Hậu cần Quân khu Trị - Thiên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Từ năm 1962 đến năm 1965, Hồ Soi ỉàm nhiệm vụ gùi hàng ở mặt trận Trị -Thiên. Tuy nhiệm vụ có nhiều gian khổ, địch đánh phá ác liệt, đồng chí vẫn tận tụy, bền bỉ công tác. Đồng chí tích cực rèn luyện thể lực, cải tiến cách mang vác, đưa năng suất gùi hàng từ 30 ki-lô-gam lên 80 ki-lô-gam một chuyến, có tác dụng cổ vũ mọi người thi đua nâng cao năng suất vận chuyển.

   Từ năm 1966 đến năm 1967, Hồ Soi làm nhiệm vụ thồ hàng bằng xe đạp, tuy đường xấu, dốc cao, có nhiều khe, suối đồng chí vẫn thồ 150 ki-lô-gam một chuyến, dẫn đầu năng suất trong đơn vị.

   Năm 1968 Hồ Soi làm cán bộ đại đội, đồng chí đã phát huy trách nhiệm, chịu khó rút kinh nghiệm, đưa năng suất gùi toàn đơn vị lên cao (bình quân đầu người đạt 40 ki-lô-gam một chuyến). Hồ Soi luôn đi sát chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ, đồng thời mang vác như mọi người, thường xuyên gùi 60 ki-lô-gam mỗi chuyến.

   Đồng chí chỉ huy đơn vị đánh địch nhiều lần để bảo vệ kho hàng và mở đường đưa hàng ra phía trước. Có lần trên đường vận chuyển, bị địch phục kích bất ngờ, Hồ Soi nhanh chóng chỉ huy đơn vị chuyển thành thế chủ động, tiến công tiêu diệt địch, bảo vệ tốt hàng vận chuyển. Đơn vị đồng chí diệt 470 tên địch, bắn rơi 15 máy bay, riêng đồng chí diệt 35 tên.

   Tháng 9 năm 1971, đơn vị Hồ Soi được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng.

   Đồng chí được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 7 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

   Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Hồ Soi được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #75 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2013, 04:25:46 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN BÁCH Y



   Nguyễn Bách Y sinh năm 1949, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoàng Phương, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1966. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung đội trưởng thuộc đại đội 6 vận tải Cục hậu cần Bộ tư lệnh Mặt trận B5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Từ năm 1967 đến năm 1968, Nguyễn Bách Y làm liên lạc, luôn nêu cao tinh thần tích cực, khắc phục khó khăn, đảm bảo liên lạc kịp thời, chính xác, phục vụ tốt cho chỉ huy.

   Từ năm 1969 đến năm 1971, đồng chí làm cán bộ tiểu đội, sau lên cán bộ trung đội. Quá trình làm nhiệm vụ có nhiều khó khăn, gian khổ, ác liệt, hàng chục lần máy bay địch đánh vào đội hình đơn vị, lần nào Nguyễn Bách Y cũng bình tĩnh chỉ huy đơn vị vượt qua.

   Trong công tác, đồng chí tận tụy, gương mẫu, vận chuyển đạt năng suất cao. Chỉ tiêu gùi 30 ki-lô-gam một chuyến, có lần Nguyễn Bách Y gùi tới 60 ki-lô-gam một chuyến. Đơn vị đồng chí phụ trách chuyển được hàng trăm tấn hàng và hàng trăm thương binh đến đích an toàn.

   Nhiều lần Nguyễn Bách Y chỉ huy tiểu đội, trung đội xông vào trận địa (do bộ binh ta vừa đánh địch xong) khiêng thương binh về tuyến sau. Địch ở các trận địa khác, điên cuồng bắn pháo, phản kích, đồng chí vẫn bình tĩnh, dũng cảm chỉ huy đơn vị tìm và chuyển hết thương binh đến nơi an toàn. Trên đường vận chuyển, gặp chỗ khó đi, đồng chí thường cõng thương binh để đảm bảo an toàn. 2 lần máy bay địca đánh vào đội hình vận chuyển, đồng chí đã lấy thân mình che cho thương binh.

   Có lần 3 chiến sĩ đơn vị bạn bị nước lũ cuốn trôi. Nước chảy rất mạnh, Nguyễn Bách Y không quản nguy hiểm, bơi theo, lần lượt cứu được cả 3 người. Sau đó đồng chí lại lặn xuống nước, mò được 3 khẩu súng. Hành động dũng cảm của Nguyễn Bách Y được mọi người khâm phục và học tập.

   Đồng chí được tặng thưởng 5 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 4 lần được tặng danh hiệu chiến sĩ Quyết thắng, 5 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

   Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Nguyễn Bách Y được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG LÊ XUÂN SÊNH



   Lê Xuân Sênh (tức Lê Văn Sênh) sinh năm 1941, dân tộc Kinh, quê ở xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Hưng, nhập ngũ năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là phân đội trưởng phân đội 3 thuộc đại đội 2, đặc công nước đoàn 126 Bộ tư lệnh Hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Từ năm 1969 đến năm 1972, Lê Xuân Sênh làm nhiệm vụ đánh tàu địch ở cảng Cửa Việt. Qua nhiều lần bị ta đánh thiệt hại nặng, bọn địch ở cảng Cửa Việt canh phòng rất cẩn mật. Chúng bố trí hệ thống đèn pha chiếu sáng và cho tàu tuần tiễu suốt đêm; thỉnh thoảng ném lựu đạn xuống nước. Đồng chí không quản ngại khó khăn, nguy hiểm đã ra, vào cảng 30 lần để trinh sát, nắm tình hình địch và chỉ huy đơn vị đánh chìm 13 tàu địch. Riêng Lê Xuân Sênh đánh chìm 3 chiếc.

   Trận đánh tàu đêm 13 tháng 11 năm 1969, khi tổ Lê Xuân Sênh đang tiếp cận mục tiêu thì địch ném lựu đạn xuống nước, đồng chí bị choáng, nhưng vẫn cố gắng bơi vào sát tàu đặt thuốc nổ. Kết quả, Lê Xuân Sênh đánh chìm 1 tàu trọng tải 5.000 tấn. Khi tàu bị đánh, bọn địch lùng sục và bắn rất dữ dội, Lê Xuân Sênh bình tĩnh dìu một đồng đội bị đuối sức ra khỏi khu vực nguy hiểm.

   Trận đánh đêm 5 tháng 9 năm 1970, khi tổ đồng chí đang bơi thì gặp sóng to, gió lớn. Tuy khó tiếp cận mục tiêu, nhưng lại gây bất ngờ cho địch. Lê Xuân Sênh động viên anh em giữ vững quyết tâm, hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả, tổ đồng chí đã đánh chìm 2 tàu và trở về an toàn.

   Trận đánh Cồn Tòng đêm 21 tháng 3 năm 1971, đồng chí chỉ huy đơn vị luồn lách qua khu vực địch phục kích. Bọn thám báo phát hiện thấy quân ta, chúng gọi pháo bắn. Đồng chí cùng tổ nhanh chóng đuổi đánh bọn thám báo, và tiếp tục chỉ huy đơn vị tiếp cận mục tiêu, đánh chìm 1 tàu LCM.

   Lê Xuân Sênh đã góp phần tích cực xây dựng phân đội thành phân đội khá nhất của đơn vị, tích cực học tập và giúp đỡ mọi người.

   Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng.

   Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Lê Xuân Sênh được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #76 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2013, 04:30:16 pm »

ANH HÙNG DƯƠNG QUANG BỔ



   Dương Quang Bổ sinh năm 1950, dân tộc Kinh, quê ở xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ tháng 4 năm 1968. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là tiểu đội phó bộ binh thuộc đại đội 2 tiểu đoàn 7 trung đoàn 8 sư đoàn 324, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Dương Quang Bổ vào chiến trường tham gia chiến đấu từ tháng 8 năm 1968. Khi trực tiếp chiến đấu, đồng chí dũng cảm, kiên cường, diệt được nhiều địch; khi làm trinh sát, luôn tìm mọi cách điều tra, nghiên cứu tình hình địch chính xác, kịp thời, phục vụ tốt cho đơn vị chiến đấu. Từ năm 1969 đến năm 1971, Dương Quang Bổ đã diệt 30 tên địch, bắn rơi 1 máy bay, phá hủy 1 khẩu pháo 105 và 1 khẩu đại liên.

   Trong trận tập kích tại điểm cao 325, ngày 10 tháng 3 năm 1971, lúc đơn vị xung phong, đồng chí dùng trung liên xông lên bắn mãnh liệt vào quân địch, dùng lựu đạn diệt địch trong công sự, tạo thuận lợi cho đơn vị giải quyết trận đánh. Trận này, Dương Quang Bổ diệt 8 tên địch. Khi lui quân, đồng chí còn cõng 1 thương binh ra khu vực an toàn.

   Trận đánh điểm cao 916 ngày 18 tháng 5 năm 1969, sau khi diệt 4 tên địch, đồng chí bị thương nặng, vẫn động viên đồng đội hăng hái chiến đấu, không để đơn vị phải tổ chức khiêng cáng.

   Trận phục kích địch ở gần sông Bổ tháng 3 năm 1970, Dương Quang Bổ tích cực truy kích địch, diệt 8 tên Mỹ, bắn rơi 1 máy bay, phá hủy 1 đại liên.

   Trong chiến dịch Cốc Bai mùa Hè năm 1970, làm nhiệm vụ trinh sát, đồng chí dũng cảm, mưu trí, kiên trì bám địch, có lần nhịn đói và thức 2 ngày đêm liền vẫn tìm mọi cách nắm tình hình địch chính xác. Khi chiến đấu, Dương Quang Bổ dẫn đường cho đơn vị vào đánh địch kịp thời. Đồng chí tham gia chiến đấu cùng đơn vị diệt nhiều địch; khi lui quân còn cõng 1 thương binh ra nơi an toàn.

   Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào tháng 2 và 3 năm 1971, đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ trinh sát nắm địch, phục vụ đơn vị đánh thắng địch ở điểm cao 550. Khi chiến đấu đồng chí dũng cảm, xông xáo, diệt và bắt hàng chục tên địch, phá hủy 1 khẩu pháo 105.

   Đồng chí được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 3 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

   Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Dương Quang Bổ được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG TRẦN THỊ TÂM
(LIỆT SĨ)



   Trần Thị Tâm sinh năm 1948, dân tộc Kinh, quê ở xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Khi hy sinh, đồng chí là chính trị viên xã đội, bí thư chi bộ xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Bình Trị Thiên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Trần Thị Tâm tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi. Từ năm 1968 đến năm 1971, địch ra sức càn quét, triệt phá xóm làng, dồn dân vào khu tập trung, đồng chí kiên trì bám đất, bám dân, xây dựng, củng cố cơ sở, củng cố phong trào, tổ chức đánh địch, bảo vệ nhân dân. Hai lần bị địch bắt tra tấn dã man, đồng chí kiên trì chịu đựng, giữ vững khí tiết cách mạng, không hề xưng khai.

   Đồng chí đã góp phần tích cực cùng cán bộ địa phương xây dựng được đội du kích từ 7 người lên 100 người, tổ chức các đoàn thể quần chúng: thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi...; đẩy mạnh phong trào quần chúng đấu tranh chống phá kìm kẹp, đồng thời làm công tác binh vận, địch vận đạt nhiều kết quả tốt.

   Trong nhiệm vụ chiến đấu, Trần Thị Tâm luôn dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, có nhiều cách đánh hay. Nhiều lần thấy máy bay lên thẳng địch bay thấp sát mặt đồi, đồng chí nghĩ cách làm bù nhìn trong có gài mìn, đặt trên đỉnh đồi. Một máy bay lên thẳng Mỹ bay đến, luồng gió do cánh quạt máy bay tạo thành làm bù nhìn lay động, mìn nổ, máy bay rơi, 3 tên Mỹ chết.

   Trần Thị Tâm đã cùng tổ du kích diệt 180 tên địch, phá hủy 4 xe quân sự. Riêng đồng chí diệt 30 tên, phá hủy 2 xe ô tô, 1 máy bay lên thẳng.

   Trần Thị Tâm tích cực vận động nhân dân cất giấu, nuôi dưỡng 100 thương binh được chu đáo, an toàn.

   Ngày 22 tháng 2 năm 1972, Trần Thị Tâm cùng tổ du kích chiến đấu dũng cảm với lực lượng địch đông gấp bội và đã hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

   Trần Thị Tâm được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

   Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Trần Thị Tâm được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #77 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2013, 04:33:15 pm »

ANH HÙNG TRẦN PHƯỚC YÊN


   Trần Phước Yên sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là tiểu đội phó thuộc đại đội 42 súng máy cao xạ 12,7 tiểu đoàn 30 trung đoàn 40 Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Từ cuối năm 1965 đến năm 1972, Trần Phước Yên hoạt động ở chiến trường Tây Nguyên. Trong chiến đấu, đồng chí luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, góp phần tích cực cùng khẩu đội bắn rơi 35 máy bay Mỹ (trong đó có 6 trận, mỗi trận bắn rơi 4 chiếc).

   Đầu năm 1969, khẩu đội Trần Phước Yên làm nhiệm vụ chi viện bộ binh vây ép địch tại Plây Cần. Máy bay địch đánh phá ác liệt, đổng chí bình tĩnh giữ vững quyết tâm đánh địch. Có lần bị thương, đồng chí vẫn chiến đấu, trực tiếp bắn rơi 3 máy bay. Trong chiến dịch, đồng chí đã bắn rơi 9 máy bay, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu.

   Trận đánh quân địch đổ bộ đường không tại ngã ba Đắc Song ngày 2 tháng 11 năm 1969, lúc máy bay xuống thấp thăm dò, Trần Phước Yên cùng khẩu đội kiên trì giữ bí mật, tạo thế bất ngờ. Khi chiếc máy bay thứ nhất hạ cánh, chiếc thứ hai xuống cách mặt đất 6 mét, Trần Phước Yên bắn loạt đạn đầu, hạ chiếc thứ 2, rồi cùng đơn vị bắn cháy chiếc thứ nhất. Sau đó, hơn 30 máy bay đến đánh phá để cứu giặc lái và đồng bọn, đồng chí cùng đơn vị chiến đấu dũng cảm, bắn rơi 5 chiếc. Riêng đồng chí được công nhận bắn rơi 4 chiếc.

   Trong chiến dịch Đắc Siêng tháng 4 năm 1970, đồng chí là khẩu đội phó, đã thay thế khẩu đội trưởng, chỉ huy khẩu đội chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có trận đồng chí trực tiếp làm pháo thủ số 1, bắn rơi 2 máy bay Mỹ.

   Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, khi được phân công phụ trách tổ vận chuyển và tăng gia sản xuất, Trần Phước Yên luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc. Đồng chí chỉ huy tổ vận chuyển đạt năng suất cao, đưa hàng tới đích đầy đủ, kịp thời và kiên trì vận động tổ phát nương rẫy, trồng tỉa các loại cây lương thực và rau xanh, bảo đảm vượt kế hoạch trên giao.   

   Đồng chí được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 7 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

   Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Trần Phước Yên được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG HỒ THỊ KỶ
(LIỆT SĨ)



   Hồ Thị Kỷ sinh năm 1949, dân tộc Kinh, quê ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Minh Hải, vào biệt động năm 1969. Khi hy sinh, đồng chí là tổ trưởng tổ biệt động bộ đội địa phương thị xã Cà Mau, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Hồ Thị Kỷ tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, làm liên lạc cho xã, đồng chí đã dự nhiều cuộc biểu tình từ ấp, xã kéo ra thị xã Cà Mau. Trong một số cuộc đấu tranh ở thị xã, đồng chí làm liên lạc giữa các nhóm. Hồ Thị Kỷ góp phần quan trọng vào việc xây dựng cơ sở đoàn ở xã, hăng hái tham gia xây dựng xã, ấp chiến đấu, gài mìn tiêu diệt địch.

   Năm 1969, Hồ Thị Kỷ được bổ sung vào đội biệt động của thị xã. Trong thởi gian này, ông thân sinh ra chị chết, anh ruột là bộ đội hy sinh, gia đình chỉ còn một mẹ già, hai em gái nhỏ, chị dâu và một cháu nhỏ. Hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng với lòng yêu quê hương, làng xóm, và căm thù địch cao độ, Hồ Thị Kỷ quyết định ở lại thị xã cải trang đi làm công để hoạt động.

   Trong vòng một năm ở đội biệt động thị xã, lúc nào đồng chí củng tỏ rõ nhiệt tình, dũng cảm đánh địch. Hồ Thị Kỷ đã mưu trí vượt qua sự canh phòng, ngăn chặn của địch, đánh 7 trận trong thị xã, trận nào cũng tiêu diệt được nhiều địch và phương tiện chiến tranh của chúng. Đặc biệt, trận đánh ty cảnh sát ngụy ngày 3 tháng 4 năm 1970, Hồ Thị Kỷ cải trang, trinh sát mục tiêu nhiều lần, tìm hiểu kỹ quy luật hoạt động của địch. Theo kế hoạch, tổ đồng chí có nhiệm vụ đem quả bom nổ chậm vào diệt bọn cảnh sát ác ôn; khi nào tổ rút ra an toàn thì mìn mới nổ, nhưng đề phòng tình huống bất trắc có thể xảy ra, đồng chí tích cực tập động tác cho mìn nổ ngay và sẵn sàng hy sinh cho trận đánh thắng lợi.

   Sáng ngày 3 tháng 4 năm 1970, Hồ Thị Kỷ dẫn tổ vào gần mục tiêu thì bọn cảnh sát đang tập trung để hành quân. Trước tình hình địch có sự thay đổi, xét thấy thời cơ diệt địch rất tốt, đồng chí quyết định cho tổ lùi lại, còn mình ôm mìn lao thẳng vào đội hình địch. Mìn nổ, 27 tên cảnh sát khét tiếng gian ác bị tiêu diệt, 3 xe quân sự bị cháy. Hồ Thị Kỷ anh dũng hy sinh. Tinh thần vì nước quên mình của chị đã để lại cho đồng bào, đồng chí sự khâm phục và kính trọng.

   Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 5 bằng khen và giấy khen.

   Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Hồ Thị Kỷ được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #78 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2013, 04:36:04 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN MINH CHỮ



   Nguyễn Minh Chữ sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở xã Thới Lai, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, nhập ngũ tháng 5 năm 1964. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chính trị viên phó tiểu đoàn 6 bộ binh bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Nguyễn Minh Chữ tham gia du kích từ tháng 10 năm 1963, đến tháng 5 năm 1964 đồng chí vào bộ đội tỉnh, tháng 5 năm 1965 chuyển lên bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ.

   Tháng 10 năm 1969, sau khi học lớp y tá, Nguyễn Minh Chữ được điều về đại đội 12, tiểu đoàn 6, bộ đội miền Đông. Trong thời gian làm y tá, đồng chí đâ tham gia đánh 19 trận, trận nào cũng làm tốt công tác băng bó, cấp cứu, vận chuyển thương binh, nhiều trận trực tiêp tham gia tiêu diệt địch.

   Tháng 6 năm 1970, đồng chí được giao nhiệm vụ làm chính trị viên phó đại đội 12, sau lên chính trị viên. Nguyễn Minh Chữ đã chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận, trận nào cũng dũng cảm, kiên cường tiến công địch. Khi bị thương nặng vẫn không rời trận địa. Đơn vị đồng chí đã diệt hàng trăm tên địch, được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba. Riêng Nguyễn Minh Chữ diệt 70 tên, bắt sống 9 tên, phá hủy 3 xe quân sự, thu 11 súng các loại.

   Đặc biệt, trong trận đánh Ta Xết tháng 3 năm 1970, Nguyễn Minh Chữ được giao nhiệm vụ làm trung đội trưởng, kiêm y tá đại đội. Khi đơn vị đang tiếp cận trận địa thì bị lộ, địch bắn ra dữ dội, 2 trung đội bị lạc, đồng chí băng qua hỏa lực địch, tìm bộ phận lạc trở về đội hình chiến đấu kịp thời. Khi nổ súng, Nguyễn Minh Chữ chỉ huy nhanh nhẹn, dũng cảm, vừa tiêu diệt địch, vừa băng bó, cấp cứu cho đồng đội. Trận đánh kết thúc, địch bắn pháo vào trận địa như đổ đạn, đồng chí ở lại tìm kiếm, băng bó, cấp cứu và lần lượt chuyển 4 thương binh ra nơi an toàn, đưa được cả súng của thương binh về đơn vị.

   Đồng chí được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ.

   Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Nguyễn Minh Chữ được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG PHAN HỮU GIẢNG
(LIỆT SĨ)



   Phan Hữu Giảng sinh năm 1949, dân tộc Kinh, quê ở xã Lê Hồng, huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Hưng, nhập ngũ năm 1967. Khi hy sinh, đồng chí là trung đội phó bộ binh thuộc đại đội 12 tiểu đoàn 4 trung đoàn 2 sư đoàn 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Từ tháng 9 năm 1967 đến tháng 7 năm 1971, Phan Hữu Giảng tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, đã đánh 7 trận lớn, trận nào cũng dũng cảm, kiên quyết vượt mọi khó khăn, ác liệt để tiêu diệt địch. Nhiều trận đồng chí bị thương nhưng vẫn ở lại chiến đấu cho tới khi trận đánh kết thúc.

   Trong trận đánh Gò Nổi ngày 8 tháng 9 năm 1969, Phan Hữu Giảng bị sốt rét nên thể lực rất yếu. Đơn vị cho đi viện, nhưng đồng chí xin ở lại tham gia chiến đấu. Được lệnh nổ súng, đồng chí dùng trung liên bắn manh liệt vào đội hình địch, tạo thuận lợi cho đơn vị xung phong áp đảo địch ngay từ phút đầu. Phan Hữu Giảng bị thương vào chân, tay và sườn, nhưng vẫn bám sát đội hình đơn vị, đánh địch suốt đêm. Khi đơn vị rút ra, Phan Hữu Giảng bị lạc, gặp một đồng đội bị thương nặng. Mặc dù bản thân đang bị thương, đồng chí vẫn cố gáng dìu đồng đội tìm về đơn vị.

   Trận đánh địch càn quét ở Bàu Châu É ngày 5 tháng 10 năm 1969, Phan Hữu Giảng chỉ huy trung đội cùng đại đội chiến đấu suốt một ngày. Địch ngoan cố tổ chức nhiều đợt tiến công và bắn phá rất dữ dội. Đơn vị chiến đấu tới trưa chỉ còn 6 tay súng. Đồng chí dùng cả trung liên, B.40, tiểu liên, lựu đạn... để diệt địch. Bắn hết đạn của thương binh, Phan Hữu Giảng đi thu súng đạn của địch để đánh địch. Sau một ngày chiến đấu quyết liệt, đồng chí góp phần quan trọng cùng đại đội đánh tan 1 tiểu đoàn lính Mỹ, giữ vững trận địa, bảo vệ được thương binh. Riêng đồng chí diệt 40 tên Mỹ.

   Trận đánh Công Pông Thơm ngày 31 tháng 7 năm 1971, khi chiếm được trận địa, trung đội đồng chí bị địch bắn pháo trúng đội hình. Một số anh em bị thương, số còn lại do Phan Hữu Giảng chỉ huy vẫn tiếp tục vọt lên, lao thẳng vào đồn địch. Vào đến công sự tiền duyên, đồng chí bị thương gãy một chân, được phép lui về phía sau, nhưng đồng chí xin ở lại chỉ huy chiến đấu. Còn một chân, đồng chí vừa bò, vừa phát hiện mục tiêu cho trung đội diệt địch. Bản thân đồng chí dùng thủ pháo đánh sập 4 hầm, diệt nhiều tên địch. Sau 15 phút chiến đấu quyết liệt Phan Hữu Giảng lại bị thương gãy tiếp chân còn lại. Thấy đồng chí bị gãy cả hai chân, anh em định dìu về phía sau, Phan Hữu Giảng chỉ tay về phía trước và nói: "Nhiệm vụ của các đồng chí lúc này là nhanh chóng diệt sở chỉ huy địch; tôi sẽ đánh bọn địch ở gần". Nói xong, Phan Hữu Giảng lê đến bên một đồng đội bị hy sinh, lấy súng và lựu đạn, rồi trườn dưới làn hỏa lực địch, tiêu diệt một số hỏa điểm. Lời nói và hành động đầy khí phách anh hùng của Phan Hữu Giảng đã động viên, cổ vũ toàn đơn vị xông lên tiêu diệt địch, làm chủ trận địa. Đồng chí đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

   Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 3 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ.

   Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Phan Hữu Giảng được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #79 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2013, 04:23:49 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN PHÙNG



   Nguyễn Văn Phùng sinh năm 1948, dân tộc Kinh, quê ở xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ tháng 5 năm 1967. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là y tá, trung đội phó đại đội 7 tiểu đoàn 2 trung đoàn 141 sư đoàn 7, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Từ năm 1968 đến năm 1972,   Nguyễn Văn Phùng đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu 19 trận; trận nào củng dũng cảm, vừa làm tốt chức trách y tá, cứu chữa thương binh kịp thời, vừa chiến đấu diệt 42 tên địch, bắn cháy 2 xe tăng, phá hủy 3 đại liên, bắt 5 tù binh.

   Khi chiến đấu Nguyễn Văn Phùng luôn bám sát đơn vị, dúng cảm vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, kịp thời băng bó và chuyển thương binh đến nơi an toàn.

   Trong trận đánh Crếp ngày 25 tháng 7 năm 1970, đơn vị đang chiến đấu thì một đồng chí bị thương vào mắt, Nguyễn Văn Phùng nhanh chóng vượt qua pháo đạn, băng bó và cõng thương binh ra nơi an toàn.

   Cùng ngày, đang băng bó cho thương binh thì địch phản kích, Nguyễn Văn Phùng dùng súng của thương binh chiến đấu diệt 5 tên địch.

   Ngày 9 tháng 10 năm 1971, trong lúc đang băng bó cho 3 đồng đội bị thương nặng thì địch tiến đến. Nguyễn Văn Phùng nhanh chóng dùng lê đâm chết 1 tên địch, sau đó nổ súng diệt thêm 4 tên, thu 2 súng, bảo vệ thương binh an toàn.

   Nguyễn Văn Phùng đã băng bó, cấp cứu cho hơn 40 thương binh tại trận địa (có 7 ca trọng thương), đồng chí hết lòng chăm sóc thương bệnh binh, chấp hành tốt chính sách thương binh tử sĩ trong những điều kiện gay go, quyết liệt nhất.

   Đồng chí được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 4 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ, 10 bằng khen, giấy khen.

   Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Nguyễn Văn Phùng được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG VI VĂN VINH



   Vi Văn Vinh sinh năm 1938, dân tộc Kinh, quê ở xã Phú Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ tháng 9 năm 1966. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại đội trưởng đại đội 5 pháo mặt đất thuộc tiểu đoàn 10 trung đoàn 96 Đoàn 75, bộ đội chủ lực Đông Nam Bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Tháng 8 năm 1967, Vi Văn Vinh hành quân cùng đơn vị từ miền Bắc vào chiến trường Tây Nguyên, sau chuyển vào miền Đông Nam Bộ. Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ đại đội, ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vi Văn Vinh đã tham gia chiến đấu và chỉ huy đơn vị đánh 116 trận. Trận đánh nào đồng chí cũng dũng cảm, chỉ huy kiên quyết, táo bạo, bị thương không rời trận địa, bảo vệ tốt thương binh tử sĩ. Vi Văn Vinh đã trực tiếp đánh bộ binh, cơ giới, tàu chiến và máy bay địch (riêng đánh bằng súng bộ binh diệt 70 tên). Đơn vị do đồng chí chỉ huy đã diệt hàng nghìn tên địch, bắn rơi hàng chục máy bay, bắn chìm hàng chục tàu chiến và phá hủy nhiều xe quân sự địch.

   Trong chiến đấu, Vi Văn Vinh luôn dũng cảm đi đầu, dù khó khăn gian khổ đến mức nào đồng chí cũng tìm cách khâc phục, bảo đảm thắng lợi cho trận đánh.

   Đặc biệt ngày 31 tháng 1 năm 1968, Vi Văn Vinh cùng đơn vị pháo kích vào Lai Khê. Sau khi trung đoàn rút về hậu cứ, tổ đồng chí được giao nhiệm vụ ở lại chốt giữ trận địa. Mặc cho địch tập trung máy bay và pháo bắn vào trận địa, tổ đồng chí vẫn kiên trì bám trụ. Suốt 5 ngày chiến đấu liên tục, tổ Vi Văn Vinh diệt 300 tên Mỹ, bắn cháy 12 máy bay, bảo vệ tốt mục tiêu.

   Trận đánh vào dinh "Độc Lập" ngày 18 tháng 5 năm 1968, đồng chí chỉ huy tiểu đội vượt qua nhiều đồn bốt, vào cách mục tiêu 500 mét. Sau khi nổ súng, Vi Văn Vinh kiểm tra thấy 5 quả đạn còn nằm trên bệ phóng. Pháo địch bắn như đổ đạn, không thể vác đạn quay ra, cũng không được bỏ phí đạn, đồng chí đề nghị đại đội cho ở lại sửa chửa bộ phận điện để phóng nốt 5 quả đạn. Cuối cùng, 5 quả đạn đã phóng trúng mục tiêu.

   Đêm 11 tháng 5 năm 1969, Vi Văn Vinh được giao nhiệm vụ chỉ huy khẩu đội cối 82 chi viện cho bộ binh tiêu diệt bọn lính Mỹ ở Bến Cát. Khi nổ súng, địch phản pháo dữ dội. Khẩu đội bắn được 20 quả đạn thì một quả pháo địch nổ gần, đồng chí bị ba vết thương, nòng pháo bị thủng. Tuy máu ra nhiều, Vi Văn Vinh vẫn nén chịu, chỉ huy khẩu đội kết hợp cùng khẩu đội bạn đánh địch. Nhờ đặt cối sát hàng rào địch, nên bắn rất chính xác, chi viện đắc lực cho bộ binh nhanh chóng tiêu diệt địch, làm chủ chiến trường. Khi khẩu đội hoàn thành nhiệm vụ, Vi Văn Vinh phân công anh em khỏe khiêng thương binh, còn mình vác nòng cối và dìu 2 thương binh về nơi an toàn.

   Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 4 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thí đua, 9 bằng khen, giấy khen.

   Ngày 19 tháng 5 năm 1972, Vi Văn Vinh được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM