Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:00:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống Mỹ  (Đọc 209659 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #30 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2012, 04:24:00 pm »

ANH HÙNG NGÔ VĂN RẠNH



   Ngô Văn Rạnh, sinh năm 1922, dân tộc Kinh, quê ở xã Phước Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nhập ngũ tháng 3 năm 1956. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại đội bậc phó, trợ lý công binh thuộc đoàn 149, Cục hậu cần Miền, đảng viên Đảng Cộng sản ViệtNam.

   Ngô Văn Rạnh là một cán bộ tích cực hoạt động từ những năm đầu xây dựng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ.

   Trong những năm đầu có rất nhiều khó khăn, gian khổ, đồng chí kiên trì, lăn lộn nhiều năm ròng rã trong rừng lao động, công tác phục vụ cách mạng. Sáu năm phụ trách một tổ công binh mở đường, bắc cầu phục vụ việc vận chuyển, đồng chí có nhiều sáng tạo, chỉ huy đồng đội hoàn thành xuất sấc nhiệm vụ, mở được 29 con đường rừng dài gần 200 ki-lô-mét, bắc 55 cầu to, nhỏ.

   Tháng 11 năm 1955, Ngô Văn Rạnh bị địch bắt vào quân đội Cao Đài và bị mất liên lạc với cơ sở của ta. Được bọn địch giao cho giữ một số vũ khí, Ngô Văn Rạnh đã đem vũ khí vào rừng cất giấu cho ta. Đồng chí còn vừa tìm cách bắt liên lạc với cơ sở cách mạng, vừa vận động anh em binh lính Cao Đài làm binh biến. Khi thời cơ đến, đồng chí cùng anh em bắt trói bọn chỉ huy địch, thu vũ khí, trở về hàng ngũ tiếp tục hoạt động.

   Năm 1956, Ngô Văn Rạnh được phân công ở lại trong rừng giữ kho súng. Suốt 5 tháng ở rừng, không có gạo, đồng chí phải tự lao động: lượm vỏ chai, làm cây gió... đổi lấy gạo ăn. Tuy vậy, đồng chí vẫn kiên trì và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

   Năm 1960, Ngô Văn Rạnh được phân công đi làm kho chứa lúa. Tổ chỉ có 7 người, nguyên vật liệu chưa có, đồng chí động viên anh em khắc phục khó khăn, đi xa chặt tre, lấy tranh về làm được ba nhà kho chứa sáu ngàn giạ lúa, bảo đảm tránh được hao hụt, mất mát.

   Năm 1962, Ngô Văn Rạnh được phân công cùng 5 người khác đi làm cầu đường với một cái khoan, mấy con dao rựa và một cái cưa. Yêu cầu thì khẩn trương, bức thiết, mọi người đều chưa quen với công việc này, khi làm thì nước lũ lại tràn về. Ngô Văn Rạnh đã bàn bạc với anh em, động viên lẫn nhau, chung sức vượt qua khó khăn, hoàn thành bằng xong nhiệm vụ được giao. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, phát huy nhiều sáng kiến, chỉ trong 10 ngày đêm, tổ của đồng chí đã hoàn thành bắc xong cầu dài 43 mét.

   Khi chuẩn bị cho chiến dịch Đường số 13, Ngô Văn Rạnh được giao phụ trách một bộ phận đi làm đường. Công việc nặng nhọc, phức tạp, ăn uống thiếu thốn, nhưng đồng chí không hề nản lòng. Trong khi mở đường, đồng chí thường tìm cách mở những đoạn đường gần nhất, hoặc tránh những chỗ trống để bảo đảm bí mật, mặc dù làm như vậy bản thân và đội công binh sẽ phải chịu những khó khăn tăng lên gấp bội. Ngô Văn Rạnh luôn luôn đặt yêu cầu làm đường phải bảo đảm vận chuyển hàng hóa và thương binh đi được dễ dàng, nhanh chóng và an toàn. Qua một thời gian, đồng chí đã cùng đồng đội mở được những con đường rừng dài gần 200 ki-lô-mét, phục vụ kịp thời yêu cầu chiến đấu.

   Ngô Văn Rạnh luôn luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, gương mẫu trong mọi mặt công tác, đồng chí còn chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đơn vị, thương yêu, tận tình giúp đỡ anh em, sống khiêm tốn, giản dị, được đồng đội tin yêu, mến phục.

   Ngô Văn Rạnh đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 5 bằng khen và giấy khen, 5 năm liền là Chiến sĩ thi đua.

   Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Ngô Văn Rạnh được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG NGUYỄN VĂN TĂNG



   Nguyễn Văn Tăng, sinh năm 1932, dân tộc Kinh, quê ở xã Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, nhập ngũ tháng 6 năm 1947. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là tiểu đoàn phó biệt động Sài Gòn -Gia Định, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Mang nặng mối thù với bọn đế quốc xâm lược tàn sát đồng bào, giết hại cha, chị gái và anh rể, năm 15 tuổi Nguyễn Văn Tăng tình nguyện vào bộ đội, làm liên lạc, tình báo, rồi về đội biệt động công tác nội thành, sau chuyển sang bộ đội đặc công.

   Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Văn Tăng chiến đấu 46 trận, giết chết 50 tôn địch, bắt sống 18 tên, thu 9 súng. Tập kết ra miền Bắc, đồng chí qua nhiều công tác: tiểu đội trưởng nuôi quân, tiếp phẩm, quản lý, lao động sản xuất ở nông trường... Tháng 9 năm 1963, trở về miền Nam chiến đấu, Nguyễn Văn Tăng luôn luôn nêu cao tinh thần kiên quyết tiến công, xung phong gương mẫu, khắc phục mọi khó khăn, chiến đấu rất dũng cảm, táo bạo ngay tại trung tâm sào huyệt địch ở nội thành Sài Gòn, tiêu diệt nhiều sinh lực quan trọng và những cơ sở trọng yếu của địch, lập công xuất sắc, gây cho bọn Mỹ - ngụy nhiều thiệt hại nặng nề.

   Ngày 26 tháng 12 năm 1965, Nguyễn Văn Tăng là chỉ huy phó trận tập kích vào khu vực liên trường thiết giáp và sĩ quan ngụy ở Thủ Đức. Khi trận đánh gặp khó khăn, đồng chí trực tiếp dẫn một bộ phận nhanh chóng thọc sâu, dùng tiểu liên, lựa đạn diệt bọn địch ngoan cố chia cắt đội hình của ta, đồng chí lập tức chỉ thị cho đơn vị dùng B.40 diệt cơ giới địch, bản thân cũng dùng thủ pháo diệt tại chỗ 1 xe M.118. Khi được lệnh rút ra, Nguyễn Văn Tăng đã tìm mọi cách tổ chức cho đơn vị vượt sông, đưa thương binh về căn cứ an toàn. Kết quả trận này, ta tiêu diệt hơn 300 địch, phần lớn là bọn chuyên viên kỹ thuật, phá hủy 4 xe M.113 và M.118.

   Được giao nhiệm vụ nghiên cứu và trực tiếp chỉ huy trận đánh cư xá Mỹ Vích-tô-ri-a ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Tăng động viên anh em khẩn trương chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ, với phương án tác chiến tốt nhất. Ngày 1 tháng 4 năm 1966, vừa tới mục tiêu, đồng chí nổ súng diệt ngay 2 tên gác, cùng lúc chiếc xe chở thuốc nổ xộc thẳng qua cổng vào trong sân. Khi 1 chiếc xe "gip" chở bọn lính Mỹ ập tới chận đường, Nguyễn Văn Tăng dùng tiểu liên diệt gọn những tên ở trên xe, yểm hộ cho anh em rút ra ngoài. Dọc đường rút quân qua các ngã tư, bị bọn cảnh sát ngụy tung lực lượng ngăn chặn, mặc dù bị thương ở tay, đồng chí vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em dùng lựu đạn, súng ngắn tiêu diệt địch, nhanh chóng trở về hậu cứ an toàn. Trận tiến công chớp nhoáng và táo bạo này đánh sập 5 tầng nhà cư xá Vich-tô-ri-a, diệt hơn 280 tên giặc Mỹ lái máy bay và chuyên viên kỹ thuật không quân.

   Để chuẩn bị trận pháo kích lễ đài của bọn chóp bu ngụy quyền Sài Gòn bày trò duyệt binh phô trương lực lượng vào ngày 1 tháng 11 năm 1966, đồng chí nghiên cứu kỹ đường vào, đường rút, vị trí đặt pháo và trực tiếp chỉ huy trận đánh. Nguyễn Văn Tăng động viên anh em bình tĩnh làm tốt công tác ngụy trang và giữ vững quyết tâm chiến đấu, mặc cho máy bay lên thẳng của địch nhiều lần quần đảo, rà sát trận địa. Đồng chí hạ lệnh nổ súng đúng thời cơ, bắn trúng mục tiêu, khiến kẻ địch vô cùng hoảng loạn.

   Nguyễn Văn Tăng đã nhiều lần cải trang đi lại hoạt động ngay giữa Sài Gòn; có lần bị bọn cảnh sát ngụy kèm riết rồi xô vào bắt, đồng chí bình tĩnh, dũng cảm đánh địch giữa đường phố và thoát vây. Đồng chí còn tích cực huấn luyện, xây dựng các đội hoạt động vũ trang trong lòng địch, chỉ đạo đánh nhiều trận, diệt hàng trăm tên Mỹ.

   Nguyễn Văn Tăng là một cán bộ chỉ huy xuất sắc, tiêu biểu cho tấm gương chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo, có trách nhiệm xây dựng đơn vị, hết lòng thương yêu, giúp đỡ đồng đội, được anh em tin cậy, mến phục.

   Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 11 bằng khen và giấy khen.

   Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Nguyễn Văn Tăng được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #31 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2012, 04:26:34 pm »

ANH HÙNG NGÔ LÊ TÂN



   Ngô Lê Tân (tức Hầu Sĩ Đô), sinh năm 1933, dân tộc Kinh, quê ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nhập ngũ tháng 9 năm 1950. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trưởng xưởng thông tin Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Ngô Lê Tân luôn luôn nêu cao tinh thần lạc quan cách mạng, tận tụy, say mê với nhiệm vụ, giàu óc sáng tạo, mạnh bạo đi sâu vào chuyên môn kỹ thuật, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, góp phần bảo đảm công tác thóng tin liên lạc phục vụ cho lãnh đạo, chỉ huy trên một chiến trường vô cùng gian khổ, ác liệt trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn.

   Trong kháng chiến chống Pháp, Ngô Lê Tân công tác tại xưởng thông tin Khu 5, sửa chữa máy vô tuyến điện phục vụ cho Bộ Tư lệnh, Khu ủy và các đơn vị chiến đấu.

   Sau năm 1955, đồng chí ở lại hoạt động bí mật, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn, một mình phụ trách việc sửa chửa máy vô tuyến điện cho cả 7 tỉnh miền Trung Trung Bộ, Ngô Lê Tân đã thể hiện quyết tâm cao, tự lực khắc phục khó khăn, tranh thủ mọi thời gian làm việc hết sức mình, hoàn thành xuất sác nhiệm vụ.

   Tuy trình độ chuyên môn có hạn, nhưng với ý nghĩ làm sao có đủ máy móc, trang bị thông tin liên lạc thích hợp với điều kiện của chiến trường để anh em làm việc đỡ vất vả, tiết kiệm được khí tài, vật liệu, Ngô Lê Tân vừa công tác, vừa tìm tòi, nghiên cứu, học tập, phát huy sáng kiến, sửa chữa, lắp ráp những bộ phận máy móc thông tin phức tạp, phù hợp với điều kiện chiến trường; góp phần phục vụ chiến đấu thắng lợi.

   Năm 1960, bằng những vật liệu thu nhặt được, dùng cả vỏ thùng pin làm khung máy, ống nứa và lọ thủy tinh thay cho ống sứ để quấn dây..., đồng chí tự làm ra chiếc máy phát sóng vô tuyến điện đầu tiên lấy tên "Giải phóng".

   Năm 1962, Ngô Lê Tân tìm ra phương pháp điều chỉnh sóng máy bộ đàm PRC.10 (Mỹ) nhanh và chính xác, giúp các đơn vị chiến đấu sử dụng tốt trang bị thu được của địch.

   Ngô Lê Tân còn có nhiều sáng kiến trong việc tận dụng nguồn pin vốn rất thiếu thốn, sửa chữa và cải tiến các máy phát điện, phát sóng, làm động cơ thủy điện, ống đo bức xạ ăng-ten, bộ phận tăng âm trong máy điện thoại...

   Ngô Lê Tân rất chịu khó học hỏi và nhiệt tình phổ biến kinh nghiệm của mình cho anh em, động viên mọi người tiết kiệm từng cái ốc vít, từng mẩu dây điện, thường xuyên nhường thuận lợi cho bạn, nhận khó khăn về mình, luôn luôn suy nghĩ bảo đảm yêu cầu cao nhất trong công tác thông tin liên lạc, phục vụ chiến đấu thắng lợi.

   Ngô Lê Tân rất mực thương yêu và tận tình giúp đỡ đồng chí, đồng bào trong mọi việc, gắn bó với chiến trường, chấp hành tốt chính sách dân tộc, chính sách thương binh tử sĩ, chú ý làm công tác xây dựng cơ sở, nêu tấm gương sáng về lòng kiên trì rèn luyện, dám nghĩ dám làm, dũng cảm vượt mọi khó khăn phục vụ cho lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến có nhiều khó khăn, gian khổ, ác liệt.

   Ngô Lê Tân đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba, nhiều bằng khen và giấy khen, 4 năm là Chiến sĩ thi đua.

   Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Ngô Lê Tân được ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG LÊ THỊ THANH



   Lê Thị Thanh (tức Nguyễn Thị Lan), sinh năm 1932, dân tộc Kinh, quê ở xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nâng. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là xã đội phó xã Điện Hòa, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Lê Thị Thanh là một cán bộ cơ sở xuất sắc toàn diện, liên tục, bền bỉ hoạt động và chiến đấu trong vùng địch tạm chiếm, qua hai cuộc kháng chiến, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân.

   Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí tham gia du kích, đi bao vây, bắn tỉa nhiều trận địa và phối hợp với bộ đội tiêu diệt hai đồn địch.

   Từ năm 1955 đến 1961, trong hoàn cảnh bị địch kìm kẹp gắt gao, cả gia đình nhà chồng đều bị địch bắt vì hoạt động cách mạng, Lê Thị Thanh vẫn tìm mọi cách đấu tranh hợp pháp chống lại âm mưu tố cộng, diệt cộng, dồn dân, lập ấp chiến lược của kẻ thù.

   Đầu năm 1962, gia đình Lê Thị Thanh là một trong những cơ sở bí mật đầu tiên của xã. Chồng đồng chí đi thoát ly rồi đưa cán bộ về hoạt động tại địa phương. Mặc dù địch luôn luôn lùng sục, đồng chí vẫn vừa nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ tại nhà mình, vừa làm liên lạc dẫn đường và theo dõi tình hình địch. Lê Thị Thanh còn vận động, tổ chức cả cha và anh ruột mình làm cơ sở bí mật, phục vụ cán bộ hoạt động. Đồng chí hai lần dẫn đội công tác về đốt cơ quan hội đồng xã và nhà tập trung của địch; có lần lợi dụng sơ hở của chúng, đồng chí đem cờ và truyền đơn của Mật trận dán ngay ở cơ quan hội đồng xã giữa ban ngày, khiến đồng bào thêm tin tưởng, kẻ địch rất hoang mang.

   Tháng 12 năm 1962, chồng Lê Thị Thanh hy sinh vì địch phục kích, sau đó cơ sở bị địch khủng bố gắt gao, đội công tác phải tạm thời rút ra ngoài. Biến đau thương thành sức mạnh, đồng chí vận động 3 người em chồng tham gia công tác cách mạng và đi bộ đội, bản thân tiếp tục xây dựng cơ sơ bí mật, tạo điều kiện cho đội công tác trở về lãnh đạo nhân dân phá ấp chiến lược.

   Tháng 2 năm 1964, địch đưa quân chủ lực về đóng tại xã làm chỗ dựa cho bọn tề, ác ôn, dân vệ khủng bố, đàn áp nhân dân. Lê Thị Thanh vẫn tìm mọi cách nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, đồng thời lập đội nữ du kích bí mật, vừa chiến đấu bầng vũ khí thô sơ, tự tạo, vừa làm công tác binh vận, làm cho hai trung đội ngụy đấu tranh với bọn chí huy đòi về nhà làm ăn, một trung đội khác hoang mang bỏ đồn rút chạy, hệ thống ngụy quyền tan rã, toàn xã được giải phóng.

   Khi địch cho xe M.113, M.118 càn vào xã, phá hoại hoa màu, Lê Thị Thanh vận động đồng bào ra đấu tranh, vừa dùng lý lẽ, vừa cùng bà con dũng cảm nằm ra đường cản xe địch, buộc chúng phải lùi lại và bồi thường thiệt hại. Thắng lợi này có tác dụng mở đầu cho những trận đấu tranh cản xe địch trong toàn tỉnh.

   Tám năm bền bỉ làm cơ sở bí mật và 3 năm cùng đội du kích chiến đấu, Lê Thị Thanh đã tham gia và chỉ huy thắng lợi hơn 200 cuộc đấu tranh chính trị tại xóm, quận và đồn, bốt địch; trực tiếp chiến đấu 37 trận, diệt 69 tên địch (có 54 tên Mỹ), góp phần tích cực xây dựng xã thành đơn vị cơ sở xuất sâc nhất toàn khu.

   Lê Thị Thanh vừa là một du kích dũng cảm mưu trí, một cán bộ cơ sở đấu tranh chính trị xuất sắc, vừa là một phụ nữ sản xuất giỏi. Một mình đồng chí nuôi hai con, bảo đảm sản xuất tốt, ngoài việc nhà, đồng chí còn cày, bừa, giúp các gia đình neo đơn khác, vận động phong trào phụ nữ đảm đang việc đồng áng thay thế cho nam giới đi thoát ly hoạt động, được cấp trên tin cậy, bà con rất tín nhiệm, thương yêu.

   Đồng chí đã đượe tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất và 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 2 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, 3 năm liền (1963 - 1965) là Chiến sĩ thi đua của xã, năm 1966 là Chiến sĩ thi đua công - nông - binh của tỉnh và được Đại hội phụ nữ tỉnh bầu là chiến sĩ "Bốn đảm đang" khá nhất toàn tỉnh.

   Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Lê Thị Thanh được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #32 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2012, 04:29:52 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN THỂ



   Nguyễn Văn Thể, sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nhập ngũ tháng 4 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là tiểu đội trưởng thuộc đại đội 1, tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Long An, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Nguyễn Văn Thể là một chiến sĩ liên lạc dũng cảm, mưu trí, một chiến sĩ xung kích xông xáo, linh hoạt, mặc dù nhiều lần bị thương, vẫn hăng hái xung phong đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, trận nào cũng tiêu diệt nhiều địch. Trong 2 năm 1965, 1966, đồng chí đánh 26 trận, góp phần xứng đáng cụng đơn vị tiêu diệt 1 tiểu đoàn, 13 đại đội, 12 trung đội địch. Riêng Nguyễn Văn Thể diệt 34 tên giặc (có 3 tên Mỹ), bắt sống 12 tên, thu 19 khẩu súng các loại.

   Ngày 27 tháng 5 năm 1965, đánh trận Thanh Hà (Bến Lức), Nguyễn Văn Thể bị thương vỡ xương mắt cá, đứt cả gân gót chân, không đi được, nhưng để đồng đội tâp trung diệt địch, đồng chí cố sức tự bò về phía sau. Ở bệnh xá, đồng chí kiên trì luyện tập để trở về đơn vị chiến đấu.

   Đêm 26 tháng 10 năm 1965, sau mấy ngày đêm liền hành quân, tuy chân bị đau lại, nhưng khi đơn vị đánh vào Đức Lập, Nguyễn Văn Thể kiên quyết xin được tham gia. Đồng chí chuyển đạt mệnh lệnh rất nhanh chóng, chính xác ngay giữa lúc trận đánh đang gay go, ác liệt. Khi cần đến chiến sĩ xung kích, Nguyễn Văn Thể 3 lần xông lên, 3 lần bị thương, vẫn tiếp tục chiến đấu. Hết đạn, hết thủ pháo, đồng chí tự đi tìm thêm vũ khí, cùng đồng đội đánh chiếm sở chỉ huy của địch, tạo điều kiện cho đơn vị diệt gọn 1 tiểu đoàn giặc. Sau trận đánh, trong lúc máy bay địch đang bắn phá dữ dội, bản thân đã bị thương, Nguyễn Văn Thể vẫn tìm mọi cách đưa được hai thương binh về nơi an toàn.

   Trong trận đánh đồn Rạch Chanh, khi đơn vị chưa qua được cửa mở, đồng chí dũng cảm lao tới chiếm vị trí đầu cầu diệt địch ở trong hầm ngầm, tạo điều kiện cho xung kích chiếm đồn, diệt gọn 1 đại đội địch.

   Trong trận tiến công chi khu Đức Huệ, ngay phút đầu, Nguyễn Văn Thể dẫn một tổ xung kích lên đánh ụ súng cối. Phát hiện ổ đề kháng của địch, đồng chí dùng thủ pháo đánh chiếm được lô cốt. Biết trong hầm ngầm còn tên quận trưởng chỉ huy bọn lính đang ngoan cố chống lại, đồng chí áp sát, dùng thủ pháo diệt gọn. Trong trận này, Nguyễn Văn Thể bị thương vào cổ nhưng vẫn cố gắng tự mình trở về căn cứ.

   Tháng 10 năm 1966, đánh đồn Hưng Long, địch ngoan cố chống cự, làm cho xung kích chưa lên được. Nguyễn Văn Thể bò sát bờ thành, đánh từ công sự 1 đến công sự 4, gọi những tên địch còn lại ra hàng. Sau khi giao tù binh cho anh em, thấy mũi tiến công của trung đội bạn gặp khó khăn, đồng chí lập tức quay sang chi viện, diệt ổ đại liên của địch, góp phần cùng đơn vị kết thúc thắng lợi trận đánh trong vòng 15 phút, diệt gọn 1 đại đội.

   Nguyễn Văn Thể luôn luôn nêu cao tinh thần tiến công địch, ngoan cường, quả cảm chiến đấu, gương mẫu trong sinh hoạt, học tập và công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, khiêm tốn, giản dị, được đồng đội yêu mến.

   Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Nguyễn Văn Thể được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG NGUYỄN CÔNG TÒNG


   Nguyễn Công Tòng, sinh năm 1935, dân tộc Kinh, quê ở xã Tam Nghĩa, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập ngũ tháng 1 năm 1953. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại đội trưởng thuộc tiểu đoàn 93, trung đoàn 2, sư đoàn 3, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Căm thù bọn đế quốc xâm lược tàn sát đồng bào, tha thiết với độc lập, tự do của Tổ quốc, Nguyễn Công Tòng nêu tấm gương sáng về nhiệt tình cách mạng, tận tâm, tận lực chấp hành bất cứ nhiệm vụ gì cấp trên giao cho. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí tham gia chiến đấu 5 trận, khi tập kết ra miền Bắc, rất chịu khó rèn luyện, học tập và tham gia lao động sản xuất.

   Tháng 1 năm 1961, Nguyễn Công Tòng trở về miền Nam chiến đấu. Là chiến sĩ bắn súng cối, chiến sĩ nuôi quân hay chỉ huy đơn vị tác chiến, trong hoàn cảnh nào, ở cương vị nào, đồng chí cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

   Từ năm 1961 đến năm 1966, Nguyễn Công Tòng chiến đấu 31 trận, góp phần cùng đơn vị tiêu diệt nhiều đại đội, tiểu đoàn Mỹ, rgụy. Riêng đồng chí diệt 12 tên địch, bắt sống 1 tên (không kể số giặc bị diệt trong các hầm ngầm), thu và phá hủy nhiều vũ khí. Trận nào Nguyễn Công Tòng cũng chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, nêu cao ý chí kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, nhiều lần đã chỉ huy phân đội lập công xuất sắc.

   Trong trận Thuần Mẫn tháng 6 năm 1965, khi trung đội trưởng bị thương, Nguyễn Công Tòng là trung đội phó lên thay, tiếp tục chỉ huy anh em đánh thẳng vào sở chỉ huy chiến đoàn dù ngụy. Trong lúc máy bay địch bần phá dữ dội, đồng chí động viên anh em kiên quyết chiến đấu, đồng thời tổ chức đưa thương binh về phía sau an toàn. Thấy phân đội bạn gặp khó khăn, Nguyễn Công Tòng chủ động dẫn anh em đánh sang chi viện, bẻ gãy 3 đợt phản kích của địch, quét sạch chúng trong các hào giao thông và đánh vào trận địa pháo. Từ 7 giờ sáng đến 5   giờ chiều, trung đội của Nguyễn Công Tòng đã diệt gọn ban chỉ huy chiến đoàn dù ngụy, 1 trung đội thông tin, phá hủy 7 xe "gíp" và xe GMC, bắn rơi 1 máy bay L.19, cùng phân đội bạn diệt gọn 1 đại đội pháo gồm 5 khẩu đội 105 mi-li-mét.

   Trận tập kích Gò Riêng tháng 11 năm 1965, mặc dù địch đóng trên đỉnh đồi cao, có chỗ dốc đứng phải chồng người mới lên được, Nguyễn Công Tòng đi trước quan sát địa hình rồi quay xuống dẫn đầu đơn vị bí mật tập kích vào chỗ địch tập trung, thực hiện khẩu hiệu "sờ được đầu địch mới nổ súng". Chỉ sau 15 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt gọn 1 đại đội biệt kích địch. Riêng đơn vị đồng chí diệt được 43 tên, bắt sống 7 tên, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự.

   Trong trận Đông Cháy tháng 5 năm 1966, Nguyễn Công Tòng đi trinh sát bám địch, chuẩn bị chiến trường từ 4 ngày trước, đồng chí mưu trí chọn đường xuất kích theo hướng bất ngờ chỗ dốc đứng lên đỉnh đồi và bí mật nhổ chông dọn trước đường tiến quân. Khi ta nổ súng, địch chạy dồn về hướng chúng ít phòng bị nhất, cũng vừa lúc Nguyễn Công Tòng dẫn đầu đơn vị từ hướng dốc đứng đánh mạnh lên, tiêu diệt gọn. Thừa thắng, quân ta đánh thẳng vào bên trong, diệt bọn còn lại trong các công sự, hoàn toàn làm chủ trận địa. Cuối trận đánh, máy bay và pháo địch điên cuồng bắn phá, Nguyễn Công Tòng như con thoi lao đi giữa trận địa, chỉ huy đơn vị bắn máy bay địch và tổ chức vận chuyển thương binh, thu chiến lợi phẩm. Trận này, đại đội của Nguyễn Công Tòng góp phần quan trọng cùng đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội Mỹ và 1 trung đội súng cối.

   Nguyễn Công Tòng là một cán bộ quân sự rất quan tâm đến việc giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng đơn vị, chăm lo cải thiện đời sống cho anh em, nêu gương chấp hành tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và chính sách chiến lợi phẩm, hết lòng giúp đỡ, bảo vệ nhân dân, được đồng đội rất tin yêu, mến phục.

   Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất và 10 bằng khen, giấy khen.

   Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Nguyễn Công Tòng được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #33 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2012, 04:32:22 pm »

ANH HÙNG NGÔ THANH TRANG



   Ngô Thanh Trang, sinh năm 1943, dân tộc Kinh, quê ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tinh Quảng Ngãi, vào du kích tháng 10 năm 1961. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung đội trưởng du kích, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Được giác ngộ cách mạng Ngô Thanh Trang tham gia hoạt động cơ sở bí mật từ cuối năm 1961, tích cực giúp đỡ bộ đội diệt bọn ác ôn, và góp sức vào việc giải phóng xã nhà cùng 2 xã bạn (tháng 9 năm 1964),

   Vào du kích từ tháng 10 năm 1964 đến tháng 12 năm 1966, đồng chí đánh 115 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 512 tên giặc (có 480 lính Mỹ, 22 lính Nam Triều Tiên), diệt 7 xe quân sự, 2 xe bọc thép, 4 ca nô và thuyền chiến đấu, bắn rơi 1 máy bay. Riêng đồng chí diệt 93 tên Mỹ, 8 tên ngụy, 1 xe GMC.

   Ngày 18 tháng 8 năm 1965, hai cánh quân Mỹ từ căn cứ Chu Lai và từ ngoài biển mở cuộc càn lớn qua Bình Sơn để phối hợp với bọn đổ bộ ở Vạn Tường. Pháo binh, máy bay của chúng bắn phá dữ dội vào xã. Tuy ốm đã 2 ngày, Ngô Thanh Trang kiên quyết xin đi chiến đấu, cùng đồng chí xã đội phó bí mật phục kích sát biển, bình tĩnh chờ địch tới gần mới nổ súng. Bị đánh bất ngờ, bọn địch hoang mang, đội hình rối loạn. Hai người đã liên tục bám đánh địch, diệt 17 tên, tạo điều kiện cho đơn vị bạn diệt trên 200 tên địch. Đồng chí đã lập công xuất sắc trong trận đầu đánh Mỹ.

   Từ tháng 8 năm 1965 đến tháng 6 năm 1966, Ngô Thanh Trang chỉ huy đội du kích “quyết tử” của xã, đánh nhiều trận táo bạo cả ban ngày và ban đêm, diệt 250 tên Mỹ.

   Tháng 8 năm 1966, đồng chí dẫn tiểu đội bí mật bố trí cạnh đồn địch, cách mặt đường 2 mét, lợi dụng lúc chúng sơ hở, đồng chí bất ngờ xông ra diệt 14 tên đi trên xe “gip” và xe GMC.

   Tháng 8 năm 1966, địch tăng cường càn quét., lùng sục trong xã, bắt dân đi làm đường và đưa bọn “bình định” về để o ép đồng bào. Ngô Thanh Trang đã nhiều lần chỉ huy anh em phục kích dọc đường, trên bến phà và đánh vào những nơi tập trung xe cộ của Mỹ - ngụy, diệt nhiều tên, hỗ trợ đắc lực cho bà con đấu tranh, buộc bọn ‘‘bình định” phải rút khỏi xã.

   Tháng 9 năm 1966, Ngô Thanh Trang tự mình đi điều tra cụ thể tình hình bọn lính Nam Triều Tiên vừa đến đóng quân và chỉ huy trận đánh. Khi 2 trung đội địch vừa kéo ra khỏi cổng đồn, tiểu đội đồng chí lập tức nổ súng diệt 22 tên.

   Ngày 7 tháng 12 năm 1966, phối hợp với bộ đội huyện đánh đồn Chàm, Ngô Thanh Trang cùng đồng chí xã đội phó bí mật cắt 4 lớp rào kẽm gai, và khi có lệnh, nhanh chóng dẫn đầu đội du kích xông lên diệt 2 lô cốt và 1 tiểu đội Mỹ, tạo thuận lợi tiêu diệt đồn này.

   Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, Ngô Thanh Trang còn tích cực vận động và cùng với nhân dân đấu tranh với địch, góp phần đẩy mạnh ba mũi tiến công trong xã.

   Ngô Thanh Trang là một cán bộ chỉ huy xuất sắc, chiến đấu dũng cảm, táo bạo, thường xuyên phát động căm thù địch, khêu gợi truyền thống, hết lòng giúp đỡ, thương yêu đồng đội và nhân dân, góp phần xứng đáng xây dựng phong trào du kích chiến tranh xã Bình Đông thành ngọn cờ đầu đánh Mỹ của quân khu. Đội du kích của Ngô Thanh Trang có 34 anh em thì 31 người đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

   Đồng chí là Chiến sĩ thi đua 2 năm liền (1965-1966), 6 lần đạt danh hiệu Dúng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, được tặng thưởng 1 huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất.

   Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Ngô Thanh Trang được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG BÀNH VĂN TRÂN



   Bành Văn Trân (tức Năm Vững), sinh năm 1933, dân tộc Kinh, quê ở xã Tân Sơn Nhì, quận BìnhTân, tỉnh Gia Định, nhập ngũ năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là chính trị viên đội 2, đại đội 10 bộ đội đặc công Khu Sài Gòn - Gia Định, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Bành Văn Trân liên tục hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, trong những năm khó khăn nhất của cách mạng miền Nam (1954-1959), đồng chí vẫn kiên trì chịu đựng gian khổ, xông pha trong vùng địch kiểm soát đánh phá ác liệt, bám dân bám đất, xây dựng và phát triển cơ sơ cách mạng ở địa phương.

   Năm 1965, Bành Văn Trân chuyển sang bộ đội, phụ trách công tác chính trị ở đơn vị mới thành lập có nhiều khó khăn, phức tạp, đồng chí đã nêu cao trách nhiệm, ra sức tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, góp phần xây dựng đơn vị tiến bộ mau chóng, trong một thời gian ngắn đã trở thành đơn vị có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu khẩn trương nhận nhiệm vụ của cấp trên.

   Là một cán bộ chính trị nhưng Bành Văn Trân đã tham gia tổ chức, chỉ huy nhiều trận đánh lớn rất táo bạo ngay trong lòng địch.
 
   Trận tập kích sân bay Tân Sơn Nhất (lần đầu tiên), Bành Văn Trân được giao nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường. Không quản ngại gian khổ nguy hiểm, đồng chí dựa vào cơ sở nhân dân ngày đêm len lỏi, cùng đồng đội điều tra, nghiên cứu nẳm chắc tình hình địch, đặt kế hoạch chu đáo, chính xác. Trong một thời gian ngắn đồng chí vừa làm tốt công tác chuẩn bị chiến trường, vừa chăm lo giáo dục quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm cho đơn vị, bảo đảm cho trận đánh giành thắng lợi. Khi chiến đấu, tình hình diễn biến gay go, ác liệt, đánh xong các mục tiêu, địch vây chặn tất cả các cửa dự kiến của đơn vị sẽ rút ra. Bành Văn Trân mưu trí, bình tĩnh dẫn đầu đơn vị nghi binh địch, vượt qua 11 hàng rào dây thép gai, đưa đơn vị về nơi tập kết an toàn. Trận này, đồng chí đã góp phần chỉ huy đơn vị phá hủy 100 máy bay các loại, đốt cháy 2 triệu lít xăng, diệt 300 tên địch, phần lớn là sĩ quan, giặc, lái máy bạy và nhân viên kỹ thuật.

   Tháng 2 năm 1966, đơn vị nhận nhiệm vụ tập kích sân bay Tân Sơn Nhất (lần thứ hai). Lần này, địch bố phòng rất nghiêm ngặt, nhưng do công tác điều tra chiến trường tỉ mỉ, chuẩn bị, luyện tập thuần thục và công tác tư tưởng, xây dựng quyết tâm đánh địch tốt, đơn vị vượt qua được mọi khó khăn, chiến đấu trong 2 giờ liền, giành thắng lợi lớn. Bành Văn Trân tham gia chỉ huy đơn vị phá hủy trên 200 máy bay các loại, tiêu diệt hàng trăm tên địch (có nhiều sĩ quan và nhân viên kỹ thuật Mỹ), phá hủy 17 xe quân sự, 1 nhà ga, 300 tấn bom bi.

   Bành Văn Trân luôn luôn gương mẫu đi đầu trong mọi mặt công tác, chú trọng xây dựng đơn vị trưởng thành toàn diện, thường xuyên sâu sát, chăm lo dìu dắt đồng đội, tận tình giúp đỡ thương yêu chiến sĩ, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu về tinh thần quyết chiến quyết thắng trong đơn vị, được đồng đội tin yêu, mến phục.

   Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.

   Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Bành Văn Trân được Ủy han trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #34 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2012, 04:34:19 pm »

ANH HÙNG TẠ QUANG TỶ



   Tạ Quang Tỷ, sinh năm 1925, dân tộc Hoa, quê ở xã Dị Thành, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4, trung đoàn 2, sư đoàn 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Tạ Quang Tỷ là cán bộ chỉ huy xuất sắc, đã cùng đơn vị chiến đấu 34 trận, có nhiều trận lớn: Tập kích, phục kích, công kiên... lập nhiều chiến công, gắn liền với quá trình trưởng thành nhanh chóng và thắng lợi vẻ vang của bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ.

   Đồng chí luôn thể hiện lòng trung thành, tận tụy với cách mạng, kiên cường dũng cảm trong chiến đấu, khiêm tốn giản dị và hết lòng thương yêu chiến sĩ. Đồng chí rất xứng đáng với những danh hiệu mà anh em đã yêu mến tặng cho: “Đại đội trưởng chặn đầu”, “Đại đội trưởng khóa đuôi”, “Đại đội trưởng đột phá”, “Chưa hết thương binh, tử sĩ Tạ Quang Tỷ chưa về”.

   Tạ Quang Tỷ đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công giải phóng hạng nhì, nhiều Huân chương Chiến công và bằng khen, giấy khen, dũng sĩ các loại.

   Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Tạ Quang Tỷ, được ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG THANH MINH TÁM


   Thanh Minh Tám, sinh năm 1935, dân tộc Hrê, quê ở làng Măng Za, xã Miếu, huyện Kon Plông, tỉnh Gia Lai, nhập ngũ tháng 9 năm 1953. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung đội bậc trưởng, đại đội phó đặc công khu 9 Gia Lai, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm, hàng ngày Thanh Minh Tám theo mẹ lên nương rẫy, làm lụng vất vả, mà cuộc sống của gia đình vẫn thiếu đói. Khi cách mạng về làng, người dân Hrê nói chung và gia đình Tám có cơm ăn, áo mặc; nhân dân trong làng có cái nương cái rẫy làm ăn. Mới 15 tuổi, Tám đi theo cách mạng, làm liên lạc cho huyện đội Kon Plông. Trong 3 năm làm liên lạc, Tám không quản ngại vất vả khó khăn, liên tục chuyển công văn chỉ thị của huyện đội đến nơi an toàn để kịp thời chỉ đạo phong trào du kích chiến tranh giành thắng lợi.

   Đến tháng 9 năm 1953, Thanh Minh Tám chính thức gia nhập bộ đội của huyện. Năm 1954, đồng chí tập kết ra Bắc, được trên cho đi học lớp đặc công. Đến tháng 8 năm 1960 Thanh Minh Tám trở lại miền Nam công tác chiến đấu, được bổ sung về đại đội đặc công khu 9 Gia Lai làm tiểu đội phó.

   Từ năm 1960 đến năm 1966, Thanh Minh Tám liên tục chiến đấu ở chiến trường Gia Lai, trưởng thành từ tiểu đội lên đại đội phó. Ở cương vị nào Thanh Minh Tám cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ, chiến đấu mưu trí, dũng cảm, táo bạo, chỉ huy đơn vị tiêu diệt nhiều sinh lực địch, lập công xuất sắc ở sân bay Plây Cu góp phần cùng đơn vị phá hủy 42 máy bay, diệt 70 tên Mỹ.

   Chỉ tính từ 1960 đến năm 1966, Thanh Minh Tám đã đánh và chỉ huy chiến đấu 16 trận lớn, nhỏ, cùng đơn vị tiêu diệt 3 trung đội bảo an, 2 tiểu đội dân vệ, 1 đoàn bình định và 42 tên Mỹ. Đặc biệt là trận đánh vào sân bay Plây Cu, Thanh Minh Tám chỉ huy phá huy 42 máy bay diệt 70 tên Mỹ. Riêng đồng chí diệt 12 tên, thu 13 súng các loại, 3 lựu đạn, 1 thùng đạn, 3 máy thông tin PRC-10, đánh sập 1 nhà, diệt 1 đại tá Mỹ chỉ huy sân bay, phá hủy 8 máy bay.

   Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 7 bằng và giấy khen, Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, Dũng sĩ diệt máy bay.

   Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Thanh Minh Tám được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #35 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2012, 09:04:00 am »

ANH HÙNG BÙI NGỌC DƯƠNG
(LIỆT SĨ)


   Bùi Ngọc Dương, sinh năm 1943, dân tộc Kinh, quê ở số 13 phố Trần Nhân Tông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, nhập ngũ tháng 10 năm 1967. Khi hy sinh là chuẩn úy, kỹ sư trung đội phó công binh, trung đoàn 7, binh chủng Công binh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, sau khi tốt nghiệp đại học, Bùi Ngọc Dương hiểu rõ nhiệm vụ của thanh niên đối với Tổ quốc và quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Khi vào bộ đội, đồng chí luôn thể hiện nhiệt tình, hăng hái rèn luyện bản lĩnh, trình độ nghiệp vụ, tha thiết xin được vào chiến trường miền Nam giết giặc để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc. Trong chiến đấu, Bùi Ngọc Dương dũng cảm vượt qua mọi nguy hiểm, ác liệt, mở đường cho bộ binh và xe tăng đánh chiếm vị trí địch. Đồng chí trực tiếp diệt nhiều hỏa điểm, diệt 9 tên địch, tạo thuận lợi cho đơn vị phát triển tiến công.

   Trận Huội San (Quảng Trị) ngày 23 tháng 1 năm 1968, sau khi hoàn thành nhiệm vụ hạ độ dốc, làm bến lội để vận chuyển thương binh, Bùi Ngọc Dương lại chỉ huy trung đội lên phá bốn bãi mìn, mỗi bãi dài gần 400 mét, rộng 20 mét. Mặc dù hỏa lực từ trong vị trí địch và máy bay bắn phá rất ác liệt hòng ngăn chặn quân ta tiến, đồng chí vẫn bình tĩnh quan sát địa hình, nắm thời cơ lao lên đánh quả bộc phá đầu tiên và đi sát hướng dẫn từng chiến sĩ phá tiếp các bãi mìn.

   Sau khi mở thông đường Bùi Ngọc Dương nhanh chóng theo xe tăng tiến đánh địch ở sâu trong vị trí của chúng. Đồng chí bình tĩnh đứng trên xe quan sát và dùng súng 12,7 mi-li-mét diệt một số hỏa điểm địch, tạo thuận lợi cho xe tăng phát triển đột kích sâu. Quá trình chiến đấu bị thương gãy tay, Bùi Ngọc Dương nén đau tự băng bó và không bỏ lỡ thời cơ, tiếp tục chỉ huy đơn vị diệt địch, không rời vị trí. Lần thứ hai bị thương vào chân, tuy chỉ còn một cuộn băng, Bùi Ngọc Dương vẫn nhường cho đồng đội.

   Trận đánh kết thúc thắng lợi, trước khi được chuyển đi quân y, đồng chí còn động viên đơn vị nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do vết thương quá nặng, Bùi Ngọc Dương đã hy sinh tại bệnh viện.

   Bùi Ngọc Dương là một cán bộ có tác phong gương mẫu trong mọi công tác, có tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng đội, tự nhận phần khó khăn, nhường thuận lợi cho bạn, được anh em rất yêu mến.

   Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất.

   Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Bùi Ngọc Dương được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền .Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG TẠ VĂN THIỀU



   Tạ Văn Thiều (tức Mai Năng), sinh năm 1930, dân tộc Kinh, quê ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, nhập ngũ năm 1950. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại úy, đội trưởng đội 1 đặc công nước, Đoàn 126, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Tạ Văn Thiều chiến đấu trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ và đã lập nhiều thành tích. Đồng chí đã tham gia trận đánh sân bay Cát Bi (năm 1954). Đơn vị phá hủy 64 máy bay địch, được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba.

   Từ năm 1967, Tạ Văn Thiều được giao nhiệm vụ nghiên cứu đánh các tàu địch tại quân cảng Cửa Việt (Quảng Trị). Đây là một quân cảng lớn do địch mới cấp tốc xây dựng nhằm tiếp tế các phương tiện chiến tranh cho các lực lượng Mỹ tại chiến trường Đường số 9 - Khe Sanh. Tại cảng thường xuyên có hàng chục tàu các loại và xà lan đỗ, bốc dỡ hàng, quân sự. Do có tầm quan trọng như vậy, quân cảng Cửa Việt được địch bố trí một hệ thống canh phòng rất nghiêm ngặt với nhiều phương tiện bảo vệ hiện đại cả trên bờ lẫn dưới nước.

   Sau khi đưa đơn vị vào vị trí giấu quân an toàn, đồng chí đã nhiều lần khi công khai, khi bí mật trực tiếp ra vào thị xã Đông Hà, cảng Cửa Việt để nắm tình hình địch, nghiên cứu các phương án chiến đấu. Để lọt qua các hệ thống bố phòng nhiều tầng của địch, nhiều lần đồng chí phải bơi lặn liền từ 5 đến 8 giờ dưới nước sâu, có khi lại phải vùi mình trong cát nóng để theo dõi mọi hoạt động của địch. Có lần Tạ Văn Thiều đang điều tra vị trí các loại tàu địch đỗ ở cảng thì bị bọn địch đi tuần thả lựu đạn xuống nước thăm dò. Mặc dù bị nhiều mảnh lựu đạn cắm vào đùi, tay và lưng, đồng chí vẫn bình tĩnh và dũng cảm tiếp tục làm nhiệm vụ, nhìn tận mắát, sờ tận tay từng mục tiêu, quyết tìm ra phương án đánh tốt nhất rồi mới chịu thoát ra ngoài khu vực nguy hiểm.

   Coi trọng giáo dục nhân dân và dựa vào lòng yêu nước của đồng bào, Tạ Văn Thiều tổ chức hành quân và trú quân cho đơn vị được an toàn tuyệt đối. Với ý thức trách nhiệm cao và phong cách chiến đấu mưu trí, dũng cảm, táo bạo; Tạ Văn Thiều đã trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh chìm và đánh hỏng 30 tàu địch, diệt hàng trăm sĩ quan và nhân viên kỹ thuật của bọn xâm lược Mỹ, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và đồ đùng quân sự. Chiến công của cán bộ và chiến sĩ đội 1 đã góp phần vào thắng lợi vang dội của quân và dân ta trên chiến trường Đường số 9 - Khe Sanh

   Vì những thành tích chiến đấu đó, đội 1 đặc công đã được tuyên dương Đơn vị ạnh hùng.

   Tạ Văn Thiều không những chỉ huy đơn vị chiến đấu giỏi mà còn chú trọng xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt, hết lòng thương yêu chiến sĩ, dìu dắt anh em nhanh chóng trưởng thành. Trong sinh hoạt, đồng chí là một cán bộ có đạo đức tốt, khiêm tốn, giản dị, trong chiến đấu đồng chí luôn luôn gương mẫu nhận phần khó khăn nguy hiểm về mình, nhường thuận lợi cho đồng đội, được mọi người mến phục, tin yêu.

   Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.

   Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Tạ Văn Thiều được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #36 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2012, 09:06:23 am »

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN TÌNH



   Nguyễn Văn Tình, sinh năm 1945, dân tộc Kinh, quê ở xã Giao Yến, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ năm 1963. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là thiếu úy, phân đội trưởng đặc công đội 1, Đoàn 126, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Từ khi nhập ngũ, Nguyễn Văn Tình luôn luôn tích cực công tác và huấn luyện, sẵn sàng đi bất kỳ chiến trường nào để góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Do đó, đồng chí khắc phục nhiều khó khăn, say mê luyện tập kỹ thuật chiến đấu của đặc công, luôn luôn suy nghĩ tìm tòi rèn luyện bản lĩnh, nâng cao hiệu suất chiến đấu, tiêu diệt được nhiều địch.

   Từ năm 1967 đến năm 1969, Nguyễn Văn Tình làm nhiệrn vụ đánh tàu địch ở Cửa Việt, một căn cứ hậu cần quan trọng của Mỹ - ngụy, nơi chúng tích trữ lực lượng, vũ khí, đạn dược, lương thực để càn quét đánh phá khu Trị - Thiên. Đồng chí nêu cao quyết tâm, chiến đấu mưu trí, táo bạo, nhiều lần vào ra bến cảng, nghiên cứu tình hình. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch tác chiến chính xác, Nguyễn Văn Tình đã đánh nhiều trận vang đội, phá hủy hàng ngàn tấn vũ khí, xăng dầu, gây cho địch nhiều thiệt hại về phương tiện chiến tranh và sinh lực.

   Cuối năm 1967, mặc dù thời tiết rét buốt, địch bố phòng rất nghiêm ngặt, Nguyễn Văn Tình nhiều lần bơi lội dưới nước lạnh giá để nghiên cứu tình hình, Do điều tra công phu, tỉ mỉ, nắm chắc tình hình mọi mặt, đồng chí đề xuất phương án tác chiến chính xác. Thực hiện kế hoạch đã được cấp trên phê chuẩn, Nguyễn Văn Tình bơi lặn dưới sông sâu 8 đến 9 tiếng đồng hồ liền, vượt qua nhiều tuyến phòng thủ của địch, vào sâu trong cảng đánh chìm 1 tàu quân sự có sức chở trên 5.000 tấn.

   Tháng 6 năm 1968, sau nhiều lần bị đánh đau, địch phòng thủ cẩn mật hơn trên bộ và dưới nước, tăng cường nhiểu lực lượng chủ lực, an ninh và phòng vệ dân sự, hòng phát hiện và ngăn chặn mọi sự xâm nhập vào cảng. Nhưng với quyết tâm giành thắng lợi cao nhất, với kỹ thuật điêu luyện, với tinh thần chịu đựng dẻo dai mọi thử thách, không chủ quan, khinh địch, Nguyễn Văn Tình nhiều lần mưu trí, táo bạo đột nhập bến cảng, điều tra nghiên cứu tỉ mỉ, thận trọng nắm vững mục tiêu. Nhờ vậy khi vào đánh, đồng chí đặt bộc phá vào đúng vị trí khoang máy, đánh chìm 1 tàu vận tải cỡ lớn của địch.

   Nguyễn Văn Tình là một cán bộ gương mẫu, xung phong nhận mọi nhiệm vụ khó khăn, có tác phong giản dị, khiêm tốn, đoàn kết thương yêu đồng đội, được anh em trong đơn vị yêu mến, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để đồng chí hoàn thành nhiệm vụ.

   Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 3 lần Chiến sĩ Quyết thắng, 4 lần Chiến sĩ thi đua, 12 lần Dũng sĩ cấp ưu tú, 8 bằng khen.

   Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Nguyễn Văn Tình được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG NGUYỄN HỮU QUYỀN



   Nguyễn Hữu Quyền, sinh năm 1945, dân tộc Kinh, quê ở xã Phù Ninh, huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú, nhập ngũ năm 1966. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là thượng sĩ, trung đội trưởng đại đội 9 tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 246 Mặt trận Trị - Thiên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Năm 1968, đơn vị của Nguyễn Hữu Quyền được giao nhiệm vụ chiến đấu tại Đường số 9 - Khe Sanh, một chiến trường gian khổ, ác liệt. Vượt qua bom đạn địch, chịu đựng mọi thiếu thốn, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu.

   Ngày 1 tháng 7 năm 1968, tiểu đoàn của Nguyễn Hữu Quyền được lệnh chờ đánh địch trên điểm cao 689. Mặc dù qua 3 ngày nhịn đói, chịu rét, thiếu ngủ, quân địch lại pháo kích và giội bom thường xuyên, đồng chí vẫn động viên anh em trong tiểu đội kiên trì chờ địch. Khi địch đổ quân xuống, hòa trong tiếng sung tiến công của toàn đơn vị, đồng chí chỉ huy tiểu đội đánh mãnh liệt, bản thân dùng tiểu liên và thủ pháo diệt 20 tên giặc Mỹ xâm lược, cùng tiểu đội diệt 26 tên khác. Khi địch phản kích vào trận địa của đơn vị, Nguyễn Hữu Quyền cùng tiểu đội đánh bật 4 đợt phản công, chặn địch lại, tạo thuận lợi cho tiểu đoàn đánh tiêu diệt. Trong trận này, đồng chí góp phần xứng đáng vào thành tích chung của toàn tiểu đoàn: diệt 287 tên Mỹ, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội khác ở điểm cao 845.

   Sau đó 3 ngày, đơn vị tổ chức đánh một vị trí đóng quân của địch. Nguyễn Hữu Quyền chỉ huy tiểu đội bí mật vào sát trận địa địch, lọt qua cửa mở rồi bất ngờ nổ súng đánh địch. Sau vài phút chiến đấu, riêng đồng chí diệt 27 tên. Địch điên cuồng chống cự làm cho trận đánh trở nên quyết liệt. Đang chỉ huy tiểu đội vận động diệt hỏa điểm sâu trong đồn địch, đồng chí bị thương vào vai, sườn và bụng, nhưng vẫn bình tĩnh tổ chức đưa những anh em khác bị thương ra trước và bàn giao nhiệm vụ cho người thay thế rồi mới rút. Khi về tuyến sau, mặc dù bị nhiều vết thương, đồng chí vẫn nhường cáng cho đồng đội, tự mình đi về trạm quân y, mang theo một khẩu súng của đồng đội đã hy sinh.

   Sau một thời gian điều trị Nguyễn Hữu Quyền trở lại đơn vị và tham gia trận đánh Động Tiên (Cam Lộ, Quảng Trị), ngày 21 tháng 11 năm 1968. Trong trận này, đơn vị của Nguyễn Hữu Quyền kiên trì chờ đánh địch trên điểm cao suốt 2 ngày. Trước khi đổ quân, địch bắn pháo dồn dập xuống điểm cao. Đồng chí cùng anh em trong đơn vị bình tĩnh tránh pháo và luôn luôn bám sát mọi hoạt động của địch. Sau khi địch đổ quân, Nguyền Hữu Quyền mưu trí lừa chúng đến gần, giật mìn định hướng rồi cùng tiểu đội bắn mãnh liệt vào giữa đội hình chúng, bọn địch hoảng loạn tháo chạy, bỏ lại 36 xác đồng bọn. Nguyễn Hữu Quyền chỉ huy tiểu đội liên tục tiến công, diệt thêm nhiều địch. Sau trận đánh này, chi bộ nhất trí kết nạp đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Qua 6 tháng chiến đấu trên mặt trận Đường số 9, tham dự 3 trận đánh lớn, đồng chí diệt 83 tên Mỹ, thu 1 súng AR.15, chỉ huy tiểu đội, trung đội diệt 348 tên (trong đó diệt gọn 1 đại đội, 1 trung đội, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội).

   Nguyễn Hữu Quyền có tinh thần gương mẫu, xung phong trong mọi công tác xây dựng đơn vị, có ý thức khiêm tốn, đoàn kết với mọi người, được anh em trong đơn vị tin tường và yêu mến.

   Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 3 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.

   Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Nguyễn Hữu Quyền được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #37 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2012, 09:09:37 am »

ANH HÙNG TRẦN TIẾN LỰC
(LIỆT SĨ)



   Trần Tiến Lực (tức Trần Bá Quát), sinh năm 1930, dân tộc Kinh, quê ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhập ngũ tháng 3 năm 1954. Khi hy sinh đồng chí là chính trị viên tiểu đoàn 12 đặc công, trung đoàn 6, mặt trận Trị - Thiên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Trong kháng chiến chống Pháp, Trần Tiến Lực tham gia du kích xã, chiến đấu nhiều trận ở địa phương, lập nhiều thành tích. Từ tháng 6 năm 1960 đến tháng 5 năm 1968 đồng chí hoạt động ở chiến trường Trị - Thiên, đã góp nhiều công sức xây dựng đơn vị từ một trung đội phát triển thành tiểu đoàn liên tục đánh địch, giúp đỡ địa phương xây dựng cơ sở cách mạng, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh. Trần Tiến Lực luôn luôn nêu cao tinh thần tích cực tiên công, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giaơ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, chỉ huy mưu trí, linh hoạt, thường xuyên đi sát mũi tiến công chủ yếu, góp phần lãnh đạo và chỉ huy đơn vị đánh thắng nhiều trận lớn.

   Trận ngày 6 tháng 4 năm 1967, đồng chí chỉ huy đơn vị phối hợp với đơn vị bạn đánh căn cứ Từ Hạ (Thừa Thiên), diệt gọn trung đoàn bộ trung đoàn 3 ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu 5 đại đội và 6 trung đội địch, gồm hơn 800 tên, phá hủy gần 100 xe quân sự.

   Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Trần Tiến Lực cùng tập thể xây dựng đơn vị có quyết tâm cao, chuẩn bị tốt, khi nổ súng hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn đánh chiếm nội thành Huế, lập nhiều chiến công, góp phần xứng đáng vào thành tích chung của quân và dân Thừa Thiên - Huế. Tính chung trang cả đợt hoạt động, đơn vị đồng chí diệt 1 đại đội địch ở khu vực Đại Nội, diệt một số địch ở Mang Cá và phá hủy hơn 60 máy bay địch ở sân bay Tây Lộc.

   Trận ngày 20 tháng 5 năm 1968, chỉ huy đơn vị đánh trung đoàn thiết giáp Mỹ ở Động Toàn (Thừa Thiên), đồng chí trực tiếp phụ trách bộ phận đi nghiên cứu trận địa. Sau khi nắm tình hình mọi mặt về địch, địa hình tại thực địa, khi trở về, đồng chí cùng tập thể ban chỉ huy và các cán bộ tổ chức chiến đấu và xây dựng quyết tâm cho đơn vị. Do nắm chắc tình hình, theo sự phân công chung, khi chiến đấu, đồng chí đi với mũi chủ yếu, chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ với các mũi khác, đột phá nhanh, tiêu diệt gọn hơn 1.000 tên Mỹ, phá hủy gần 100 xe quân sự (có 50 xe tăng và xe bọc thép). Trận đánh kết thúc thắng lợi, Trần Tiến Lực hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra trận địa, tổ chức đưa thương binh, tử sĩ về phía sau.

   Trần Tiến Lực là một cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, kỷ luật chiến trường, có tác phong giản dị, cùng tập thể ban chỉ huy thường xuyên gần gũi, giúp đỡ cấp dưới, chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh mọi mặt.    

Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Trần Tiến Lực được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG NGUYỄN THỊ LÀI



   Nguyễn Thị Lài (tức Nguyễn Thị Quyển), sinh nãm 1945, dân tộc Kinh, quê ở thôn Liễu Nông, xã Mỹ Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là xã đội trưởng dân quân xã Mỹ Thủy, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Sinh ra trong một gia đình đánh cá, có ba anh em hoạt động dân quân, từ nhỏ Nguvễn Thị Lài đã sớm có lòng yêu nước, yêu dân. Đầu năm 1964, phong trào cách mạng trong xã phát triển, được cán bộ giáo dục và giác ngộ cách mạng, đồng chí tham gia dân quân, vận động gia đình đào hầm bí mật nuôi cán bộ. Tháng 7 năm 1964 có lệnh đồng khởi, toàn xã nhất tề nổi dậy đập nát bộ máy ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng, đồng chí ngày đêm đi vận động chị em tham gia phá ấp chiến lược, cùng nhân dân diệt ác, trừ gian, riêng đồng chí bắt được 2 tên địch, thu 2 súng.

   Sau khi thành lập chính quyền xã, Nguyễn Thị Lài được cử làm tiểu đội trưởng dân quân. Mặc dù địch đánh phá để bình định, đồng chí cùng anh chị em dân quân và nhân dân dấy lên phong trào đánh Mỹ, diệt ngụy. Đầu năm 1966, đồng chí diệt 7 tên địch (có 3 tên Mỹ). Tháng 7 năm 1966, đồng chí cùng 2 dân quân diệt 1 tên Mỹ rồi sau đó dùng lựu đạn diệt 6 tên Mỹ khác trong tiệm ăn gần đồn Dạ Lê giữa ban ngày.

   Bị dân quân đánh liên tục cả ngày lẫn đêm, địch đưa lính chủ lực về càn quét và đưa 3 đoàn “bình định” về xã Mỹ Thủy làm trọng điểm đàn áp của chúng. Cả 3 đoàn “bình định” đều lấy trường Dạ Lê để ở. Nguyễn Thị Lài cùng 2 dân quân gái đặt mìn diệt 95 tên. Sau đó đồng chí còn vận động bà con đấu tranh bắt chúng phải bồi thường và không cho chúng ở nhờ nhà. Kế hoạch bình định của địch bị thất bại. Đồng chí còn chỉ huy tiểu đội đánh địch vận chuyển, phá hủy 3 xe GMC, diệt 20 tên (có 13 Mỹ).

   Đang hoạt động hợp pháp Nguyễn Thị Lài bị địch bắt. Mặc dù bị chúng tra tấn dã man suốt 20 ngày, chết đi sống lại nhiều lần, nhưng đồng chí vẫn không khai báo; cuối cùng chúng phải thả.

   Năm 1966, Nguyễn Thị Lài cùng một đồng chí nữa nuôi giấu 12 thương binh dưới hầm trong khi địch càn quét. Khi chuyển anh em về tuyến sau thì gặp địch đi càn, đồng chí tìm cách nghi binh, dùng lựu đạn đánh lạc hướng địch để anh em thương binh thoát ra an toàn.

   Tháng 9 năm 1967, Nguyễn Thị Lài vừa vận động bà con tẩy chay không đi bầu cử do địch tổ chức, vừa dùng lựu đạn đánh vào nơi bỏ phiếu làm cho địch chết một số, cuộc bầu cử thất bại.

   Cuối năm 1967, đồng chí được cử sang thị trấn Hương Thủy xây dựng cơ sở làm bàn đạp chuẩn bị tiến công vào Huế.

   Mùa Xuân năm 1968, khi bộ đội ta đánh vào Huế, Nguyễn Thị Lài tổ chức lực lượng diệt ác trừ gian, bao vây bức địch phải bỏ đồn Dạ Lê. Ở cơ sở của đồng chí có 455 thanh niên nam nữ vào bộ đội, nhân dân đóng góp 5.000 thùng gạo và 55 vạn đồng (tiền ngụy) cho kháng chiến. Khi địch nống ra phản kích, đồng chí bám dân, bám đất, vừa tổ chức chiến đấu, vừa vận động bà con đấu tranh, giữ vững phong trào.

   Sau khi bị lộ, phải hoạt động bất hợp pháp, Nguyễn Thị Lài vấn kiên cường bám trụ tại cơ sở, tổ chức đấu tranh, giữ vững phong trào. Các tổ dân quân đánh lẻ bọn địch khi chúng lùng sục trong xã tìm phá các ống dẫn dầu của ta. Bà con và các em thiếu nhi lấy được hơn 2.000 quả lựu đạn của địch cho dân quân chiến đấu. Có lần đồng chí khéo léo tổ chức nghi binh, quấy rối địch để chúng bắn lẫn nhau chết hàng chục tên, hoặc chỉ huy tập kích diệt 15 tên bình định ác ôn.

   Suốt 4 năm hoạt động gian khổ, ác liệt trong vùng địch tạm chiếm, Nguyễn Thị Lài luôn luôn giữ vững ý chí kiên cường, bất khuất của người cán bộ cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, anh dũng giết giặc, lập những thành tích xuất sâc, đã diệt hơn 200 tên địch (có 19 tên Mỹ), xây dựng 7 cơ sở đoàn thể, 9   tổ nông hội, 6 tổ phụ nữ, 10 tổ thiếu nhi và 15 tổ dân quân.

   Nguyễn Thị Lài được bầu là Chiến sĩ thi đua, được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ Quyết thâng cấp ưu tú.

   Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Nguyễn Thị Lài được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #38 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2012, 09:16:18 am »

ANH HÙNG NGUYỄN CHÍ PHI



   Nguyễn Chí Phi (tức Nguyễn Chí Ngọc) sinh năm 1931, dân tộc Kinh, quê ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị, nhập ngũ tháng 2 năm 1962. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là chính trị viên tiểu đoàn 10   đặc công tỉnh Quảng Trị, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Sinh trưởng ở một địa phương có truyền thống cách mạng bất khuất, kiên cường, được cách mạng giáo dục, Nguyễn Chí Phi nhận rõ kẻ thù của dân tộc là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước.

   Trước cảnh Mỹ - ngụy giết hại đồng bảo, tàn phá quê hương, đồng chí xung phong tòng quân chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, vì vậy, từ khi nhập ngũ, Nguyễn Chi Phi luôn luôn nêu cao tinh thần tích cực tiến công, chiên đấu dũng cảm, táo bạo, chỉ huy mưu trí, linh hoạt, luôn luôn có mặt ở những mũi nhọn chủ yếu, dẫn đầu đơn vị đánh mạnh, thọc sâu diệt địch. Đồng chí đã chỉ huy đơn vị đánh hàng trăm trận trên đất Quảng Trị, trận nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đơn vị do Nguyễn Chí Phi chỉ huy đã diệt hơn 4.000 tên địch, diệt gọn 2 chi đoàn cơ giới Mỹ, hàng chục đại đội địch, phá hủy hàng trăm xe quân sự, nhiều kho vũ khí, xăng dầu, gây cho địch nhiều thiệt hại lớn.

   Trận tiến công một vị trí địch ở Triệu Phong (Quảng Trị) cuối năm 1967, đồng chí trực tiếp chỉ huy mũi chủ yếu, đánh mãnh liệt, tiến sâu vào trong căn cứ địch. Địch điên cuồng chống cự, có hỏa lực mạnh yểm hộ, hòng đánh bật mũi thọc sâu của ta. Quá trình chiến đấu tuy 2 lần bị thương, Nguyễn Chí Phi vẫn không rời vị trí, tiếp tục chỉ huy đơn vị đánh liên tục, đánh áp đảo địch cho đến khi diệt hoàn toàn sở chỉ huy của chúng, kết thúc trận đánh thắng lợi.

   Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Nguyễn Chí Phi xây dựng đơn vị có quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn, đánh 19 trận vào các mục tiêu quan trọng ở trong và ở vùng ven thị xã Quảng Trị, diệt gần 1.500 tên địch (có hơn 1.300 Mỹ), phá hủy gần 100 xe quân sự, hơn 20 kho vũ khí, xăng dầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mặt trận giao cho.

   Nguyễn Chí Phi là một cán bộ gương mẫu, luôn luôn chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh mọi mặt, bản thân có tác phong sâu sát, đoàn kết, khiêm tốn, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, kỷ luật chiến trường, được cấp trên tin cậy, đồng đội yêu mến.

   Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.

   Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Nguyễn Chí Phi được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG HỒ VĂN BIỂN



   Hồ Văn Biển (tức Nguyễn Cậy), sinh năm 1903, dân tộc Kinh, quê ở xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tham gia dân quân từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là chiến sĩ dân quân xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Là một nông dân nghèo ở một địa phương có truvền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, tuy tuổi cao, Hồ Văn Biển vẫn nêu cao tinh thần chống Mỹ, cứu nước, quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hăng hái tham gia kháng chiến, đồng chí đã trực tiếp đánh địch bằng vũ khí thô sơ tự tạo, diệt 67 tên Mỹ, phá hủy 2 xe bọc thép của địch. Đặc biệt, đồng chí còn tích cực tham gia đấu tranh chính trị, binh vận, vận động mọi người cùng tham gia phong trào đấu tranh chung.

   Từ cuối năm 1965, Hồ Văn Biển hăng hái tuyên truyền, giáo dục bà con nêu cao lòng căm thù giặc Mỹ và bè lũ tay sai, vận động mọi người phá ấp chiến lược, sẵn sàng tiêu diệt địch, phá tan âm mưu của chúng càn quét, dồn dân, cướp của, bắt thanh niên đi lính. Đồng chí gương mẫu tự tay dựng hàng trăm mét rào, đào 50 mét hào giao thông và vận động bà con cùng nhau biến xóm ấp thành trận địa kiên cường chống giặc. Không có vũ khí, đồng chí tổ chức vót chông tre làm các hầm hố chông, hoặc tìm đạn pháo không nổ, lấy thuốc về làm mìn, lựu đạn để đánh địch. Trận ngày 20 tháng 2 năm 1968, địch càn vào xã có 5 tên sập hầm chông do đồng chí gài. Trận ngày 23 tháng 3 năm 1968, đồng chí mưu trí chôn 3 quả mìn chặn đúng hướng đoàn xe cơ giới địch, phá hủy 2 xe bọc thép, diệt hàng chục tên Mỹ. Công tác vận động quần chúng và gương chiến đấu của Hồ Văn Biển đã góp phần thúc đẩy phong trào nhân dân tham gia đánh địch bẳng vũ khí thô sơ.

   Tuy tuổi già, sức yếu, nhưng Hồ Văn Biển vẫn nhiều lần xung phong đi dân công, phục vụ hỏa tuyến, có đợt đi 3, 4 tháng liền, mỗi chuyến mang tới 30, 40 ki-lô-gam hàng. Đối với bộ đội khi về hoạt động trong xã, đồng chí không quản khó khăn vất vả cùng anh em dân quân tận tình giúp đỡ, phục vụ, hiệp đồng đánh địch. Có thời gian đồng chí nuôi giấu 12 thương binh trong nhà, sát đồn bốt địch mà vẫn bảo đảm chu đáo, an toàn.

   Trong phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, Hồ Văn Biển hăng hái vận động, tuyên truyền và 16 lần dẫn đầu quần chúng trực diện đấu tranh với địch ở thị xả Hội An. Đồng chí còn chú trọng làm công tác binh vận, tham gia rải trên 4.000 truyền đơn và vận động được một số binh lính địch bỏ ngũ trở về với cách mạng.

   Gương mẫu bền bỉ trong mọi công tác kháng chiến, Hồ Văn Biển được nhân dân, cán bộ, bộ đội trong vùng thương yêu, quý trọng. Trong Đại hội liên hoan Chiến sĩ thi đua và dũng sĩ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1968, đồng chí được tuyên dương là “Lá cờ đầu trong hàng ngũ dân quân già của tỉnh”.

   Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.

   Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Hồ Văn Biển được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #39 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2012, 09:29:47 am »

ANH HÙNG LÊ VĂN CAO



   Lê Văn Cao, sinh năm 1943, dân tộc Kinh, quê ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, vào bộ đội tháng 12 năm 1963. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại đội trưởng đại đội 3, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 2, sư đoàn 3, Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Xuất thân gia đình rất nghèo, cha mất sớm, anh em đều đi ở từ nhỏ, khi mới 6 tuổi, Lê Văn Cao phải đi ăn xin để nuôi mẹ ốm. Vào Sài Gòn bán kem đến khi 15 tuổi, Lê Văn Cao lại trở về quê đi ở. Sống nghèo khổ trong xã hội bị đế quốc và tay sai bóc lột đàn áp dã man, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, có lòng yêu nhân dân, vêu đất nước. Năm 16 tuổi, Lê Văn Cao nhập ngũ vào bộ đội địa phương huyện Đức Phổ.

   Sau một năm trực tiếp chiến đấu, tham gia 3 trận đánh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng chí được cử đi học lớp đào tạo cán bộ sơ cấp. Tháng 4 năm 1967, Lê Văn Cao được điều về sư đoàn 3, chiến đấu trên mặt trận Quảng Ngãi, Bình Định. Từ đó cho đến hết năm 1968, đồng chí đã chỉ huy đơn vị đánh 8 trận (4 trận ở cương vị chỉ huy trung đội, 4 trận ở cương vị chỉ huy đại đội) đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

   Trong trận Trung Xuân (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) tháng 12 năm 1967, khi đánh đến hàng rào thứ nhất, bị hỏa lực địch bắn chận dữ dội, trung đội chưa tiến được, Lê Văn Cao bình tĩnh chỉ huy hỏa lực kiềm chế, dẫn đầu đơn vị đạp rào đánh thẳng vào giữa căn cứ địch, cùng đơn vị bạn tiêu diệt toàn bộ địch ở đầy. Sau đó đem vị nhận nhiệm vụ trụ lại trong cứ điểm vừa chiếm được. Mờ sáng hôm sau, địch phản kích có xe tăng, pháo và máy bay yểm hộ. Chúng oanh tạc dữ dội vào vị trí quân ta, Lê Văn Cao bị thương ở ngực, máu ra nhiều, được anh em đưa vào hầm cùng đồng chí trung đội phó cũng bị thương, Với sự yểm trợ của 10 xe tăng, bọn địch vây đánh, ném lựu đạn vào hầm. Hai anh em động viên nhau quyết tâm chiến đấu. Ba lần địch ném lựu đạn vào hầm, hai người nhanh tay nhặt ném ra ngoài. Lần thứ tư, chưa kịp ném trả thì lựu đạn nổ, đồng chí trung đội phó hy sinh, cửa hầm sập, Lê Văn Cao bị ngất. Khi tỉnh dậy thấy đã im tiếng súng, đồng chí cố gắng moi đất bò lên và tìm về đến đơn vị.

   Ngày 5 tháng 5 năm 1968, đơn vị Lê Văn Cao chặn đánh địch ở Đèo Nhông. Khi đoàn xe cơ giới được máy bay và tàu chiến yểm trợ tiến vào trận địa, đồng chí bình tĩnh chỉ huy tổ B.41 diệt 2 chiếc M.118. Nắm vững thời cơ địch đang rối loạn, đồng chí dẫn đầu đơn vị xung phong vượt qua đồng trống, tiến đến một chiếc xe M.118. Địch dùng trọng liên trên xe đánh trả. Đồng chí tổ chức hỏa lực bắn dữ dội buộc 2 tên Mỹ điều khiển trọng liên trên xe phải thụt xuống. Lê Văn Cao tranh thủ thời cơ có lợi nhất, cùng với một chiến sĩ nhảy lên thành xe. Một đường đạn từ xa bay tới, người chiến sĩ hy sinh. Lê Văn Cao lấy ngay quả thủ pháo từ tay đồng đội, giật nụ xòe, thả vào thùng xe, rồi nhảy xuống đất. Thủ pháo nổ, xe địch bốc cháy. Lê Văn Cao lại xách súng và 2 quả lựu đạn nhảy lên đánh chiếc xe thứ hai gần đó. Hai tên Mỹ vừa chạy ra khỏi xe thì bị đồng chí diệt luôn. Chiếm được chiếc xe đó, Lê Văn Cao dùng trọng liên 12,7 mi-li-mét, rồi đại liên trên xe bắn mạnh, yểm hộ đơn vị tiến công. Tin chiếm được 2 xe bọc thép truyền khắp trận địa làm đơn vị rất phấn khởi. Anh em động viên nhau “Học tập Lê Văn Cao bắt sống xe địch”. Liền sau đó, một đồng chí khác lại chiếm được 1 chiếc xe nữa. Địch cho máy bay oanh tạc ác liệt xuống trận địa. Đồng chí đứng thẳng trên xe dùng đại liên bắn trả máy bay, chi viện đắc lực cho đơn vị truy kích, giải quyết chiến trường.

   Trận này đơn vị Lê Văn Cao phá hủy và bát sống 5 xe bọc thép, diệt 10 tên Mỹ, thu 14 súng. Riêng đồng chí dùng thủ pháo đánh cháy 1 xe và chiếm 1 xe, diệt 6 tên Mỹ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì.

   Trận đánh nêu lên nhiều bài học tốt về đánh xe cơ giới trong toàn sư đoàn, động viên sôi nổi phong trào diệt và bắt xe tăng địch.

   Qua 8 trận đánh, Lê Văn Cao đã chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, diệt gần 100 tên địch, diệt gọn 2 trung đội địch, bắn cháy và bắt 5 xe bọc thép, thu 17 súng (có 4 trọng liên và đại liên), 2 máy thông tin, 1 máy thu thanh.

   Lê Văn Cao là một cán bộ có bản lĩnh chỉ huy chiến đấu vững vàng, có tác phong sâu sát, đoàn kết tốt, học tập tốt, được anh em tin yêu, mến phục.

   Năm 1968, trong Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn sư đoàn, Lê Văn Cao được nêu gương là một trong những ngọn cờ đầu của sư đoàn 3 và được tặng Huy hiệu Bác Hồ.

   Ngày 20 tháng 12 năm 1969, Lê Văn Cao được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.





ANH HÙNG A NUN



   A Nun, sinh năm 1945, dân tộc Pa Cô, quê ở xã Hồng Bắc, huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên-Huế, tham gia cách mạng ngày 1 tháng 7 năm 1961 nhập ngũ tháng 3 năm 1962. Khi được tuyên dương Anh hùng là trung đội trưởng vận tải gùi thồ thuộc đại đội 2 tiểu đoàn 224 trung đoàn 2, Cục hậu cần Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Xuất thân từ gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng (anh hùng Vai là chú, anh hùng Lịch là chị), từ năm 11 tuổi, đã có lòng căm thù địch sâu sắc, A Nun tình nguyện làm liên lạc bảo vệ tuyến đường và nắm tình hình địch báo cho cán bộ. Năm 14 tuổi, A Nun tham gia vận chuyển hàng cho mặt trận ở tuyến đường A Lưới. Có lần trên đường vận chuyển gặp địch, đồng chí khéo cải trang giữ được bí mật tuyến đường, bảo vệ được hàng. Tháng 7 năm 1961, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển hàng từ Quảng Trị vào Quảng Nam, đồng chí xung phong ở lại tuyến vận tải tiếp tục công tác. Trong mọi hoàn cảnh, A Nun đều an tâm công tác, tận tụy, không ngại khổ, luôn luôn suy nghĩ tăng hiệu suất công tác, phục vụ được nhiều hơn. Từ những ngày đầu chỉ mang được 20 ki-lô-gam, A Nun bền bỉ phấn đấu nâng dần lên 50 ki-lô-gam, rồi 70, 80 ki-lô-gam. Năm 1968, thường mang 90 kí-lô-gam, có lần đột xuất A Nun vác được khối lượng hàng tới 190 ki-lô-gam.

   Đồng chí phát huy nhiều sáng kiến, đưa năng suất vận chuyển không những của bản thân mà còn của toàn đơn vị ngày càng lên cao. Đồng chí nghiên cứu cách làm bè qua sông, cải tiến dây mang bảo đảm chắc, bền, đỡ tốn người lại mang được nhiều. Có lần nòng pháo nặng phải 8 người khiêng gặp đường hẹp khó đi, A Nun nghĩ ra cách khiêng chỉ cần 3 đến 4 người, mang được nòng pháo qua được những quãng đường hẹp và cầu nhỏ. Trong chiến dịch Plây Me (1965) đơn vị phải chuyển dây điện thoại - một loại hàng khó mang, nên năng suất thấp,A Nun nghĩ ra cách kẹp hàng chắc gọn, mỗi chuyến mang được 150 ki-lô-gam, đi được cả ban đêm, nên đơn vị kịp thời phục vụ yêu cầu của tiền tuyến.

   Cùng với việc cải tiến mang, vác, A Nun còn vận động anh em tranh thủ thời gian sửa đường cho dễ đi, tìm các tuyến đường mới nên đỡ phải leo dốc và hàng vận chuyển đến sớm hơn từ nửa giờ đến hai giờ. Mùa mưa, nước lũ cản đường vận chuyển, đồng chí đề xuất ý kiến làm cầu treo và xung phong cùng anh em bơi qua sông làm được cầu treo đảm bảo đưa hàng nhanh chóng cho các đơn vị phía trước.

   Có lần đơn vị chuyển một máy nổ nặng 173 ki-lô-gam, nếu khiêng phải dùng 4 đòn và phải để bớt các hàng khác lại. A Nun nghĩ: “Chiến trường đang rất cần hàng. Nghị quyết chi bộ là không để hàng phải nằm lại. Mình là đảng viên phải làm cho đúng”. Rồi A Nun nghiên cứu cách mang và xung phong mang máy nổ một mình để anh em khác chuyển hàng. Hôm ấy phải đi từ 4 giờ sáng, khi vượt qua khu rừng vừa bị máy bay B.52 ném bom, đồng chí lại cùng anh em chữa cầu bị phá, đến nơi giao hàng là 5 giờ chiều, giao hàng xong và trở về kho là 8 giờ tối.

   Cuối năm 1967, khối lượng hàng rất nhiều, tuyến vận chuyển bị địch đánh phá dữ dội nên một số ít anh em ngại đi hoặc có đi cũng chỉ muốn mang nhẹ để đi cho nhanh, đồng chí vừa gương mẫu mang nhiều mặc dù qua những tuyến nguy hiểm, vừa nghiên cứu cải tiến cách buộc hàng sao cho vừa nhiều, gọn vừa bảo quản chu đáo.

   Noi gương đồng chí, toàn đơn vị đã dấy lên một cao trào xung phong vận chuyển nhiều hàng trên các tuyến đường ác liệt, nên 7 tháng đầu năm 1968, trung đội của A Nun dẫn đầu năng suất toàn ngành vận tải bộ.

   Đơn vị vận tải có nam nữ thuộc nhiều dân tộc, từ nhiều địa phương họp lại, trung đội của đồng chí luôn luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau rất thân ái. A Nun thường quan tâm đến mọi người từ chiếc dây buộc hàng đến củ mài, mớ rau rừng lúc đói, hoặc may vá quần áo rách cho chiến sĩ. Đồng chí làm tốt công tác dân vận nên các nơi đóng quân, đồng bào đều yêu mến đơn vị của A Nun.

   A Nun được bầu là Chiến sĩ thi đua 4 năm liền (1965-1968), được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.

   Ngày 20 tháng 12 năm 1969, A Nun được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM