Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:24:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khi người lính trở về gia đình  (Đọc 283534 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
hạnh phin
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 956


. eBB 567 - Đoàn 982 .


« Trả lời #580 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2015, 10:00:59 pm »


      Ôi tháng BẢY tháng của những TẤM LÒNG TRI ÂN các Anh Hùng Liệt Sỹ, các Thương Binh, Bệnh Binh, những Cựu Chiến Binh.....  Đã hiến dâng trọn vẹn thân thể của mình, hoặc một phần thân thể của mình, hoặc một phần tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập tự do của Tổ Quốc.   Cho dù chiến trường nào đi chăng nữa, cũng đều khốc liệt, đều ĐỔ MÁU HY SINH.    Nhưng chiến trường Hà Giang có lẽ có nhiều cái tên thật là ấn tượng, KHỦNG KHIẾP :  Lò Vôi Thế Kỷ;  Cối Xay Thịt;  Đồi Thịt Băm;  Thác Gọi Hồn;   Ngã Ba Cửa Tử...!!!!!..... Các trận đánh khốc liệt đã diễn ra ở đó,  các chiến sỹ ta đã đổi tên cho nó,  để KHẮC GHI TỘI ÁC của GIẶC Trung Quốc xâm lược,  trên vùng Biên Cương thân yêu của chúng ta những năm 1979 - 1989 của thế kỷ trước.     Cảm ơn các Anh, các Chị dù khó khăn gian khổ, dù phải ĐỔ MÁU HY SINH các Anh các Chị cũng " Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh ".   Chúng tôi những đồng đội của các Anh, các Chị năm xưa,  cùng mọi thế hệ của Tổ Quốc Việt Nam ngàn lần yêu quý của chúng ta.   Kính Cẩn Nghiêng Mình trước những Cống Hiến Hy Sinh của các Anh các Chị, những người con ƯU TÚ của Tổ Quốc Việt Nam.     Mỗi khi  "  Tiếng súng đã vang...!!!..."    Mọi chàng trai cô gái,  lại nô nức lên đường RA PHÍA TRƯỚC.
Logged

 
                            Hành khúc Trung Đoàn 567 anh hùng.
        
                    [youtube]3APFXOR68MI[youtube]
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #581 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2015, 08:11:51 am »

CANH BÁNH ĐA

Bây giờ mỗi khi hiếm hoi được thảnh thơi, nhà cháu lại tự nấu cho mình một bát canh bánh đa.

Mùi thơm của rau bạc hà, như đưa nhà cháu trở về thời trai trẻ, thời còn chiến tranh, hồi nhà cháu còn là lính hải quân.

Nhà cháu cũng đã từng có đôi lần được ăn phở bò, và nhà cháu biết rằng, ‘phở bòa’ ngon lắm.
Ấy thế nhưng bảo là là nhớ và thích, thì nhà cháu luôn nhớ tới bát canh bánh đa.





Bát canh bánh đa, nấu bằng bánh đa khô, có thêm vài miếng thịt heo tận dụng, và không thể thiếu được mấy nhánh rau bạc hà, hái vội từ đám rau láo nháo mọc ở đầu hồi nhà ăn.
Và nhà cháu luôn nhớ tới chị Lẫm – trung cấp nấu ăn, trung úy quân nhân chuyên ngiệp, bếp trưởng bếp Hải đoàn.
Chị vẫn thỉnh thoảng ưu ái, bồi dưỡng thêm cho nhà cháu bát canh bánh đa.
Chị ngồi cạnh nhìn nhà cháu ăn, tay phe phẩy chiếc quạt nan, và những câu nói của chị, nhà cháu chẳng bao giờ quên:
-chị thương thằng em lắm. Trai Hà lội mà đi hải quân, xuống tận miền bể này làm nhiệm vụ. Khỏe để còn đi biển nhé, thằng em.

Hôm nay thằng em đã thành ông lão rồi, chị Lẫm ơi. Nhưng em vẫn luôn nhớ về những tình cảm ấm áp của chị. Và nhớ chị, em vẫn tự nấu cho mình bát canh bánh đa.
Nhà cháu cũng đã từng có đôi lần được ăn phở bò, và nhà cháu biết rằng, ‘phở bòa’ ngon lắm. Ấy thế nhưng bảo là là nhớ và thích, thì nhà cháu luôn nhớ tới bát canh bánh đa. Bát canh bánh đa do chị Lẫm nấu, ở bếp Hải đoàn.

Tháng 7 về, nhớ tới đồng đội, nhà cháu vẫn luôn nhớ về những người lính bình dị như thằng Ngòi,  như chị Lẫm.
Những người lính đồng đội, bình dị như hạt lúa-củ khoai nơi miền quê xa.

NOTE:
Dịp 27/7, các nghĩa trang ở cạnh vĩ tuyến 17, đông các đoàn chính phủ đến thăm lắm. Đồ lễ thừa thãi. Trên các văn đàn, cũng tràn ngập các bài viết về các gương chiến đấu hy sinh trước năm 1975.
Nhưng các nghĩa trang, nằm rải rác trên 6 tỉnh biên giới phía bắc, nơi những đồng đội của nhà cháu nằm lại, khi đánh quân Trung Quốc xâm lược hồi tháng 2/1979, vắng lắm. Và hầu như chẳng có ai, viết về những người lính chẳng may còn sống, đã giải ngũ về quê, bình dị như cây cỏ.
Đăng bài viết này, là nhà cháu muốn nhớ về những người lính mộc mạc như hạt lúa - củ khoai, đã chìm khuất lấp trong triệu triệu con dân nước Việt.

Có bác nào đi qua đọc bài này, và bấm ‘like’ để nhớ những người lính chân chỉ hạt bột, bình dị nơi làng quê, nhà cháu xin cảm ơn.
Còn không...thì, nhà cháu cũng quen rồi.
Như những người lính đánh Tầu, nằm lại trong các nghĩa trang miền Bắc ải. Như những người lính đã chìm khuất lấp trong các lớp bụi thời gian, những người lính ấy và nhà cháu nữa, quen không có quà rồi.
Ấy thế nhưng, bây giờ lại phải đánh Tầu, nhà cháu và các bạn lính còn sống, sẽ vẫn lại vác AK lên biên.
Chẳng phải lớp người như nhà cháu thèm đồ lễ thừa. Mà tình yêu nước Việt của những người lính bình thường là thế.
Nhà cháu và các bạn lính cùng thời, dễ quên đi cái sự vô tâm của ....ai đấy lắm.


« Sửa lần cuối: 28 Tháng Bảy, 2015, 07:08:38 am gửi bởi baoleo » Logged
phamvanminh
Thành viên
*
Bài viết: 270


« Trả lời #582 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2015, 03:47:01 pm »

Cảm ơn bạn Baleo đã nói ra sự thật,trong chiến tranh người lính đã chịu thiệt thòi khong gì so sánh được,những ai còn sống trở về đời thường phần lớn đều khó khăn,thiếu thốn,cơ chế thị trường <có tiền mua việc nào cũng được>,hoặc phải là hậu duệ,mà lính thì lấy đâu ra tiền và hậu duệ,vì thế phần lớn con nhà lính lại làm lính thôi,nhưng nếu tổ quốc cần họ lại sẵn sàng vác ak ra trận như bác nói là đúng,vài dòng chia sẻ cùng bác,xin chào.
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #583 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2015, 08:18:45 am »

Nhiệt liệt Chào mừng ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân (02-05/081964 ---- 02/05/082015).

Hôm chính lễ, theo truyền thống hải quân, nhà cháu đã mặc quân phục, uống cạn 100 gram vốt-ka, mong các bác hưởng ứng để cùng hô vang nhá:
Chúc Hải quân Việt Nam – vững mạnh.
Cảm ơn các bác.



Về ngày truyền thống 02-05/08/1964, nhà cháu đã kể trong quansuvn.net rồi.
Hôm nay, báo Thanh Niên đã lược đăng lại, xin mời các bác thưởng lãm.

http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/ngay-hai-quan-danh-thang-tran-dau-cuoc-trao-tra-tu-binh-hy-huu-593454.html
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #584 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2015, 09:40:01 am »

Chúc mừng bác baoleo nhân ngày Hải quân. Bài viết hay lắm. Tấm huân chương nào cũng có mặt trái của nó cả. Mong Hải quân ngày càng vững mạnh để hoàn thành được nhiệm vụ của mình - một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn với mấy ngàn ki lô mét bờ biển mặt tiền và hàng trăm đảo lớn nhỏ.
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #585 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2015, 01:11:41 pm »

Họa sỹ Việt cộng V/S họa sỹ Mỹ (1)
TRẬN ĐÁNH PHÒNG KHÔNG HY HỮU TRONG CHIẾN TRANH VN


Trong cuốn ‘Những hòn cuội nhặt dọc đường’ tập 2, được tặng bởi tác giả- bạn lính bậc đàn anh-họa sỹ lớn Lê Trí Dũng, nhà cháu rất tâm đắc với những định nghĩa - kiến giải – nhận xét về họa sỹ minh họa.

Họa sỹ LTD đã viết ở trang 46 & 47:

- ‘..Vẽ minh họa phục vụ quần chúng cũng không phải là dễ, làm sao để dễ xem, dễ hiểu nhưng phải đẹp, hiện đại và phải có phong cách riêng, cái chính là phải bám cốt truyện. Một minh họa hay góp phần làm hay thêm tác phẩm văn chương vàđôi khi nó được bạn đọc cắt tỉa lồng vào khung treo chơi như một tác phẩm hội họa công phu...’.




Để bình luận về những phát kiến của một người, không gì hay bằng để chính kẻ thù của người đó, nói về phát kiến ấy.

Mà bình bởi họa sỹ, tốt nhất hãy để họ thể hiện bằng tác phẩm của mình.

Nhà cháu xin đưa tác phẩm của họa sỹ Mỹ - đối thủ một thời của họa sỹ Lê trong chiến tranh Việt Nam để minh họa.
-------------  ------------
TRẬN ĐÁNH PHÒNG KHÔNG HY HỮU TRONG CHIẾN TRANH VN

Ngày nay, ai đi qua Bảo tàng Không quân ởđường Trường Chinh, đều ngó thấy một con F 4 còn khá nguyên vẹn, nằm phơi mình bên sát hàng rào.




Ngắm nhìn chiếc chiến đấu cơ phản lực ‘con ma’ này, không có nhiều người biết đến một câu chuyện khá là hy hữu trong chiến tranh Việt Nam.
Đây là chiếc máy bay tiêm-cường kích đa năng của Hải quân Mỹ.
Ký hiệu định danh là F-4B, tên lóng là ‘Con Ma’. Có số hiệu là 153001 / NH 201 , thuộc phi đoàn VF-114 'Aardvarks' trên tầu sân bay USS Kitty Hawk (Kít-ti-hốc) CVA-63.
Tổ bay cuối cùng trên chiếc F-4B này gồm 2 người. Phi công thứ nhất là đại úy cơ trưởng Charles Everett (Ev) Southwick quê ở Fairbanks, Alaska ngồi ghế trước. Và phi công thứ hai là trung úy sỹ quan hoa tiêu Jack Rollins ngồi ở ghế sau.
Bản thân đại úy cơ trưởng Charles Everett (Ev) Southwick cũng có 1 số phận chớ trêu.

Ấy là vào ngày 24/04/1967, chỉ trước chuyến bay cuối cùng của chiếc Con Ma 153001 / NH 201 có đúng 20 ngày, khi ấy, đại úy cơ trưởng Charles Everett (Ev) Southwick cầm lái con F-4B có số hiệu là 153000 / NH-210 (chênh với con nằm bên hàng rào đường Trường Chinh, đúng 1 số. Hị hị) , cũng thuộc phi đoàn VF-114 'Aardvarks' trên tầu sân bay USS Kitty Hawk (Kít-ti-hốc) CVA-63; với sỹ quan hoa tiêu James "Jim" W. Laing ngồi ở ghế sau.
Ngày 24/04/1967 ấy, chiếc F-4B có số hiệu là 153000 / NH-210 do tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và James "Jim" W. Laing điều khiển, có nhiệm vụ bay tiêm kích, đánh nhau với MIG 17 trên đỉnh không vực sân bay Kép. Sau một hồi quần vòng kịch chiến với không quân Bắc Việt Nam, chiếc F-4B của tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và James "Jim" W. Laing đã bắn rơi được 1 chiếc MIG 17 của ta.
Nhưng liền ngay sau đó, chiếc F-4B này của tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và James "Jim" W. Laing, đã bị hỏa lực phòng không mặt đất của ta bắn trúng vào bình nhiên liệu.
Chiếc F-4B này cố bay thoát, nhưng do hết nhiên liệu và không được tiếp liệu kịp thời, tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và James "Jim" W. Laing đã phải nhẩy dù, bỏ máy bay và được cứu thoát.
Sau đó, James "Jim" W. Laing trong 1 phi vụ khác vào ngày 21/05/1967, cũng đã bị bắn rơi và bị bắt làm tù binh.
Còn Charles Everett (Ev) Southwick thì bị bắt vào ngày 14/05/1967 như câu chuyện đang kể.

Quay trở lại ngày 14/05/1967.
Khi ấy, chiếc F-4B - ‘Con Ma’, số hiệu 153001 / NH 201 của tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và Jack Rollins, nhận nhiệm vụ cường kích, đeo rốc-két ZUNI, làm nhiệm vụ chế áp cao xạ phòng không, để yểm trợ cho cường kích A-4 Xì-cai-hốc, cũng thuộc tầu sân bay USS Kitty Hawk (Kít-ti-hốc) CVA-63, lao vào đánh cầu Hàm Rồng.
Để cho tốp cho cường kích A-4 Xì-cai-hốc đeo bom, ném đúng mục tiêu cầu Hàm Rồng, tốp cường kích chế áp cao xạ phòng không F-4B, trong đó có chiếc đeo số hiệu 153001 / NH 201 của tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và Jack Rollins, đã xà thấp để lao rốc-két vào trận địa phòng không của ta.
Không may (hay may thay), do bay quá thấp, chiếc F-4B - ‘Con Ma’, số hiệu 153001 / NH 201 của tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và Jack Rollins, đã bị chính mảnh nổ văng của chính loạt rốc-két ZUNI do máy bay bắn ra, văng trúng động cơ.
Chiếc máy bay mất điều khiển, cứ theo đà lao, lừ đừ bay thấp xuống.
Đại úy cơ trưởng Charles Everett (Ev) Southwick và trung úy sỹ quan hoa tiêu Jack Rollins lập tức nhấn nút bung dù.
Cả hai phi công lập tức bị bắt làm tù binh và cùng được trao trả vào ngày 04/03/1973.

Tấm hình chụp đại úy cơ trưởng Charles Everett (Ev) Southwick trong giờ phút được trao trả ở sân bay Gia Lâm



Còn chiếc máy bay, cứ lừ đừ lao xuống và cuối cùng, trượt bụng bên bãi cát sông Mã anh hùng (hix). Còn nguyên vẹn hình hài, không rách rời chắp vá.
Trải qua bao nắng mưa giãi dầu, cùng thói làm ăn cẩu thả của ta, chiếc F-4B - ‘Con Ma’, số hiệu 153001 / NH 201 thoạt đầu được trưng bày trong bảo tàng Phòng Không, cũng ởđường Trường Chinh, và bây giờ, ‘nó’được di dời đến Bảo tàng Không quân ởđường Trường Chinh, nằm phơi mình bên sát hàng rào. Thân tàn ma dại.

Kỷ niệm tròn 37 năm ngày bị chính rốc két của mình bắn rơi, năm 2014, tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và Jack Rollins đã về thăm chiến trường xưa là cầu Hàm Rồng –Thanh Hóa và người bạn đã từng gắn bó với mình, chiếc F-4B - ‘Con Ma’, số hiệu 153001 / NH 201 giờđây được trưng ven hàng rào.

Và cảm kích trước câu chuyện hy hữu trong chiến tranh Việt Nam của chiếc F-4B - ‘Con Ma’, số hiệu 153001 / NH 201, họa sỹ Robert Bailey đã tái hiện lại sự kiện này bằng 1 bức tranh, như được đăng ở đây.



Trong ảnh, chiếc ở tiền cảnh là con F-4B - ‘Con Ma’, số hiệu 153001 / NH 201 của tổ bay Charles Everett (Ev) Southwick và Jack Rollins; bên trái chiếc này, trên đỉnh cầu Hàm Rồng, là 1 chiếc cường kích A-4 Xì-cai-hốc đeo bom, đang ném bom mục tiêu cầu Hàm Rồng; 2 chiếc khác, phía bên phải tấm hình, là 2 chiếc F-4B - ‘Con Ma’ khác, trong cùng biên đội với con F-4B, số hiệu 153001 / NH 201, nhận nhiệm vụ cường kích, đeo rốc-két ZUNI, làm nhiệm vụ chế áp cao xạ phòng không

Hiện nay, bức tranh này chỉ còn đúng 100 bản sao gốc, trong đó có 5 bản có chữ ký tươi của tác giả, là còn được bán trên thương trường. Gía gốc là 175 US/ tranh, chưa kèm chi phí vận chuyển.
------------  -------

Chính bức tranh sơn dầu này, là 1 lời bình luận đáng giá cho kiến giải của họa sỹ Lê: ‘‘..Vẽ minh họa phục vụ quần chúng cũng không phải là dễ, làm sao để dễ xem, dễ hiểu nhưng phải đẹp, hiện đại và phải có phong cách riêng, cái chính là phải bám cốt truyện....’



Bài sau: TRẬN HẢI CHIẾN LỊCH SỬ TRONG CHIẾN TRANH VN
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #586 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2015, 06:44:14 am »

Họa sỹ Việt cộng V/S họa sỹ Mỹ (2)
TRẬN HẢI CHIẾN LỊCH SỬ TRONG CHIẾN TRANH VN


Họa sỹ Lê Trí Dũng đã viết (chi tiết ở bài trước):
- ‘..Một minh họa hay góp phần làm hay thêm tác phẩm văn chương và đôi khi nó được bạn đọc cắt tỉa lồng vào khung treo chơi như một tác phẩm hội họa công phu...’.

Để bình luận về những phát kiến của một người, không gì hay bằng để chính kẻ thù của người đó, nói về phát kiến ấy.
Mà bình bởi họa sỹ, tốt nhất hãy để họ thể hiện bằng tác phẩm của mình.
Nhà cháu xin đưa tác phẩm của họa sỹ Mỹ - đối thủ một thời của họa sỹ Lê, vẽ ‘Trận hải chiến lịch sử trong chiến tranh VN’ để minh họa.

TRẬN HẢI CHIẾN LỊCH SỬ
Trận đánh ngày 02/08/1964 giữa biên đội 3 tầu phóng lôi của Hải quân Bắc Việt với tầu khu trục Maddox của Mỹ trên vùng biển Bắc Bộ, là một trận hải chiến lịch sử, mở đầu cho một chuỗi ‘sự kiện vịnh Bắc Bộ’ và dẫn đến sự tham chiến trực tiếp của Mỹ đối với miền Bắc XHCN, và rộng ra sau này, trận hải chiến ngày 02/08/1964 đã dẫn đến sự đổ quân-tham gia trực tiếp của bộ binh Mỹ vào chiến tranh Việt Nam.
Chi tiết của trận chiến ngày 02/08/1964, nhà cháu đã viết trong mấy ngày trước, nhân ngày truyền thống của quân chủng Hải quân, không nhắc lại ở đây nữa.

Tư liệu của trận hải chiến này, có tấm hình, chụp biên đội 3 tầu phóng lôi của ta đang dàn đội hình tấn công tầu khu trục Maddox, được sỹ quan thông tin Mỹ trên tầu Maddox chụp tại thời điểm đang xảy ra trận đánh.
Đây là tấm hình độc bản – duy nhất – có một không hai, chụp một khoảng khắc hào hùng nhất – oai dũng nhất – đẹp nhất của trận hải chiến.
Đó là tấm hình duy nhất, chụp được tích tắc cả 3 tầu phóng lôi Bắc Viêt đang lao vào tấn công.




Chớp được cái tứ này, họa sỹ Mỹ E.J. Fitzgerald đã vẽ nên bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp, minh họa trận chiến giữa biên đội tầu phóng lôi Việt Nam và tầu khu trục Maddox ngày 02 tháng 8 năm 1964 (hình 2).
Dưới góc độ của một sỹ quân hải quân, nhà cháu cho rằng, bức tranh sơn dầu của họa sỹ Mỹ E.J. Fitzgerald đã minh họa rất chân xác thời khắc hào hùng của trận hải chiến.
Chân xác từ vị trí của 3 tầu phóng lôi Bắc Việt, đến góc tấn công, đến dãn cách giữa các tầu phóng lôi, chuẩn xác đúng như trong tấm hình 1.
Họa sỹ Mỹ E.J. Fitzgerald chỉ đưa thêm vào con tầu khu trục Maddox ở đúng vị trí của góc đặt máy ảnh, và đưa thêm vào các cột nước dựng lên xung quanh con tầu khu trục Maddox, miêu tả các quả ngư lôi của Bắc Việt bị bom chìm kích nổ trước khi chạm mục tiêu.




Bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp. Bức họa miêu tả một con tầu khu trục kiên gan chống đỡ và 3 con tầu phóng lôi cảm tử lao vào.
Một trận đánh lịch sử  được minh họa một cách tuyệt đẹp qua bức tranh sơn dầu.
Một trận đánh hào hùng, mà nếu có phải hy sinh lúc ấy, cũng đáng. Bởi nhà cháu vẫn luôn ước ao:
- ‘Nếu có chết, thì hãy chết trong một trận đánh có trống đánh – kèn thổi.’
Đây là 1 trận như thế.

Bức tranh rất đẹp. Chẳng thế mà nó đã được treo trang trọng trong bảo tàng của Hải quân Mỹ.
Đây thật là 1 minh họa sáng giá cho kiến giải của họa sỹ LTD: ‘...Một minh họa hay góp phần làm hay thêm tác phẩm văn chương và đôi khi nó được bạn đọc cắt tỉa lồng vào khung treo chơi như một tác phẩm hội họa công phu...’.

Logged
nguyenhongduc
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1076



« Trả lời #587 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2015, 12:05:37 pm »

Xin chào Mod Baoleo , chào các bác đang theo dõi trang này . Em cũng cảm nhận như bác Mod : bức tranh rất đẹp : cả về nội dung & nghệ thuật . Em rất thích các trận so găng kiểu này. Tuy rằng cách đánh du kích cũng không chê vào đâu được. Nhưng vẫn không thể so được với kiểu đánh vỗ vào mặt nhau thế này .Hic .
Xưa kia cũng có trận so găng kiểu này giữa Thủy quân Đông Ngô và Ngụy : trận Xích bích nổi tiếng .
Thời Thế chiến 2 có trận đấu tăng Cuốcxcơ giữa T34 của Hồng quân LX và xe tăng Con Cọp , con  Báo của  phát xít Đức .
Chà xem đánh nhau như vậy mới đã các cụ nhẩy ? Hic .
Logged

Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #588 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2015, 08:19:29 am »

MÙA BƯỞI CHÍN

Với nhà cháu, mùa sau hè – trước đông này, là mùa bưởi chín. Không hề là mùa sục sôi-mùa khí thế-mùa tưng bừng chi chi hết.
Mùa này là mùa bưởi chín, và chỉ là mùa bưởi chín mà thôi.

Trong trí nhớ đã lảng bảng mầu khói sương của người lính già nhà cháu, mùa này luôn được gợi nhớ là mùa bưởi chín.
Nhà cháu dường như còn nhìn thấy cậu bé 6-10 tuổi, luôn vểnh mắt nhìn lên những vệt khói trên trời cao, để đoán xem chúng thuộc về ‘thần sấm F 105’ hay ‘con ma F4’, tai lắng nghe tiếng lanh canh để đoán xem mảnh cao xạ 57 ly rơi ở chỗ nào để tí nhặt về chơi trò đánh đáo. Và trong gió nóng thoảng mùi thuốc phóng hăng hăng của hỏa tiễn đất đối không Sam 2, nhà cháu vẫn luôn ngửi thấy mùi hương thơm cay cay tỏa ra từ vỏ bưởi, đang sôi ùng ục trong nồi nước tắm ghẻ, được bà nội lui cui đun lúc chiều hôm.
Có mùi thơm của vỏ bưởi, là nhà cháu đoan chắc sẽ có được vài múi bưởi được chia theo chủ nghĩa bình quân của bà. Và thú vui tao nhã ở thủa bé thơ, là đoán xem bưởi chín được chia hôm ấy, sẽ là trắng hay đỏ, ngọt hay chua, dốt dốt hay he he. Những bí mật khó đoán của múi bưởi, hệt như những vạn điều bất định của cuộc đời giờ đây.

Trong khoảng thời gian này, trong mùa này, các bạn nhà cháu trên ‘phây’ thường nhớ về hương cốm, thậm trí còn làm thơ tụng ca mùi cốm thơm. Nhưng thú thực, nhà cháu chẳng biết gì về cốm cả. Nhà cháu chỉ nhìn thấy cốm trong các tản văn của Nguyễn Hữu Bằng, nhà cháu chỉ được nhấm nháp vị ngọt của cốm trong các trang viết của Nguyễn Tuân, và nhà cháu chỉ tượng tượng được ra hương cốm thơm nồng nàn qua các đoản bút của Thạch Lam.
Cốm đối với chú bé chỉ giỏi phân biệt tiếng ù ù hiền hòa (!) của phản lực cơ Mig, hay tiếng rít hung hăng của tên lửa không đối đất ‘rắn đuôi kêu’ - là qua xa xỉ. Ngay cả khi chú bé ấy đã là một người lính hải quân, cốm theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, đều là thứ nên tránh xa. Cốm đều hao người, tốn của (hị hị).
Những áng thơ về cốm, nhà cháu chẳng nhớ tí nào. Nhà cháu chỉ nhớ những câu vè lôm côm, kiểu như:
-keng keng keng
-báo động số 3
-cả nhà xuống hố
-thằng nào lố nhố
-thì ăn bom bi
-thằng nào chạy đi
-thì ăn rốc-két
-thằng nào bốc phét
-ăn đạn súng trường

Và vân vân.

Mùa này, ngoài mùa bưởi chín, nhà cháu như còn nhớ rằng: đó là mùa cỏ tươi.
Tháng chín năm ấy, nhà cháu không còn nhặt hạt bưởi, để gim vào các que tre làm đèn đi ngắm trăng nữa.  Tháng chín năm ấy, nhà cháu đã tòng quân và trở thành người lính của cụ Hồ.
Và kể từ khi ấy, mùa này, đối với nhà cháu, là mùa cỏ tươi. Nhà cháu như còn cảm thấy những cơn gió cuối mùa bưởi chín, cù hơi lạnh vào những đôi tay trần của trung đội tân binh, đang chạy dọc đường làng, miệng hô: "1, 2" để "phù" khói ở tai ra hòa với làn sương mai. Nhà cháu như còn ngửi thấy mùi hăng hăng cỏ tươi, đang bị mài dưới gót giầy của trung đội, đang hành tiến ra thao trường, theo nhịp:
-Vừng đông đang hừng sáng
-Núi non xanh ngàn trùng ...xa,

Nhà cháu như còn nhìn thấy cặp mắt e lệ bên hàng rào, khi chạm phải ánh mắt đánh ngang của những gã trống choai - những chàng tân binh, vốn coi cấp tướng cũng chỉ hơn ta vài cái gạch.

Và mùa này là mùa bưởi chín. Trong trí nhớ đã lảng bảng mầu khói sương của người lính già nhà cháu, mùa này chỉ là mùa bưởi chín mà thôi.
Những buổi chiều mùa bưởi chín, kiếm được chút thời gian để đến thăm nhà cháu nội, ngắm cháu nội tập đi xe trước cổng nhà cháu, là một niềm vui không dễ kiếm trong cuộc đời đầy bão giông của người lính già.


Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #589 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2015, 07:12:42 am »

TẾT ĐỘC LẬP

Suốt cả thời thanh xuân - tuổi trẻ, trong đó có cuộc chiến tranh đánh Tầu và giữ gìn biển đảo nơi biên cương Bắc ải, nhà cháu đã khoác trên mình bộ quân phục này, góp phần bảo vệ nền độc lập của nước Việt.

Mừng ngày Tết Độc lập, nhà cháu cũng tự chuẩn bị cho mình một bữa liên hoan.
Nhà neo người, lại phải chăm sóc thương binh nặng, nên mâm cỗ có thể đơn sơ. Nhưng trong trái tim người lính già, ngôi sao vàng luôn rực cháy cùng với tình yêu nước Việt.

Có những điều khó có thể đổi thay. Tỷ như kể từ khi Ông Cụ mất, ở Hà Nội, ngày 03/09 dương lịch, năm nào, giời cũng mưa.




Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM