Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:05:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khi người lính trở về gia đình  (Đọc 283137 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #490 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2014, 10:08:03 pm »

"Phụ cấp Tân binh" như bác được bao xiền? Và bác mua những thứ gì đầu tiên ở cái xứ Bảo ấy (Khi mà tây nói tây nghe, ta nói ta nghe Grin)

 Như lúc đầu đã nói, BY trên bước đường Tây tiến lê chân lên tàu bay còn xỏ theo đôi dép nhựa tổ ong. Vì vậy, điều quan tâm nhất là sớm sắm cho mình đôi giày da ưng ý nhất, mặc dù nhà trường đã phát cho 2 đôi giày tất cả bác tuanb5@ ạ. Grin

 Phải nói là nước bạn chăm lo cho du học sinh, sinh viên VN cho tới người công nhân lao động chúng ta rất chu đáo, chu đáo tới mức ngoài sức tưởng tượng của chúng ta lúc đó. Từ đưa đón tới vệ sinh, y tế, nơi ăn nơi học, chỗ nghỉ ngơi đến giường chiếu ga đệm, từ quần áo tới giày dép, từ bộ comple may đo đến bộ quần áo thể thao, từ giải trí đến học tập, cẩn thận tới từng con tem viết thư về VN trở lên. Tóm lại là không có điều gì phải thắc mắc cả.

 Thời của BY thì mỗi du học sinh được phụ cấp là 100 leva/tháng, nghe nói những năm tháng trước thì chỉ 70 leva thôi. Với số tiền phụ cấp này cho đời sống của 1 người thì cũng tạm ổn bởi vật giá và nhu yếu phẩm sinh hoạt đời sống rất rẻ, có thể nói là rẻ như cho cũng được, tất nhiên là mức sinh hoạt bình thường còn "ăn chơi" vô độ thì không biết đường nào mà tính. BY có chút may mắn hơn người khác, đó là được đi bệnh viện, trong thời gian nằm bệnh viện thì mọi sinh hoạt đời sống đến thuốc men, chữa trị đều do bệnh viện lo cả. Khi về trường thì được "truy lĩnh" đủ 100 leva nên bước khởi đầu có "thu nhập" cao hơn người khác. Cũng vì vậy sau này BY rất "nghiện" đi bệnh viện hoặc tìm mọi lý do "cò quay" để có được giấy phép nghỉ ốm, nghỉ ốm tới mức Công trình sư trưởng phải kêu lên: Mày nghỉ ốm suốt thế này thì làm sao đủ thời gian thực tập tại công trường mà về trường thi lấy bằng tốt nghiệp. BY cãi lại: Thi 1 lần chưa được thì tao thi 5 lần sẽ được, không lẽ tao ốm có giấy của bác sỹ mà mày không cho tao nghỉ à? Lão ấy hỏi tiếp: Mày học như vậy thì bao giờ mới xong? BY cãi tiếp: Bao giờ xong thì xong và tao cũng chẳng muốn nó xong, tao chỉ thích lúc nào cũng được đi học, mày biết Lenin nói gì không? Học nữa và học mãi, tao là Đoàn viên thanh niên Cộng sản, tao thực hiện theo lời dạy của Lenin đấy. Lão ấy quay lại "phứ" BY một phát, động tác giơ tay cao hơn đầu, khum khum bàn tay chặt nhẹ nhưng dứt khoát vào không khí, ý muốn nói: Không còn điều gì để nói với mày nữa, thằng "bựa" đời. Chục ngày sau lão ấy trả BY về trường với lời nhận xét học tập chẳng ra gì, giáo viên ở trường lờ đi cái "lý lịch" bất hảo khi đi thực tập, vẫn cho thi bình thường, khi làm bài còn được giáo viên nhắc bài cho, bạn bè cùng khóa vẫn "nhấm nháy" cho quay coppi thoải mái. Kết quả vẫn đạt điểm 4 như ai (cao nhất là điểm 6), dư sức để đạt điểm trên trung bình và hoàn thành môn thi. Grin
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #491 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2014, 10:00:39 pm »

                                                Người bạn "nhặt được" giữa cuộc đời.

 Người ta vẫn nói: Giàu vì bạn, sang vì vợ, có lẽ không sai. Bạn thì có thể có rất nhiều nhưng là bạn tri kỷ để tâm đầu ý hợp, để chia sẻ với nhau lúc khó khăn, thiếu thốn, giúp nhau cùng đi lên giữa cuộc đời thì không hề dễ gặp. Trong suốt những năm tháng sống xa xứ, tôi may mắn "nhặt được" 2 người bạn giữa cuộc đời, hình như chúng tôi có duyên nợ với nhau, một người là người VN mình và 1 người là người bản xứ, cho dù khác màu da, nguồn gốc dân tộc nhưng tình bạn giữa chúng tôi thì ít có cặp bạn bè nào sánh bằng.

 Người ta vẫn nó: Đi buôn thì phải có vốn, có bột mới gột được lên hồ. Còn tôi thì đi Tây với 2 bàn tay trắng, chậm chân còn bị rớt lại ấy chứ, làm gì có thời gian để chuẩn bị và mang theo cái gì để "làm vốn", người khác họ vẫn mang đầy theo đấy, nào quần bò Thái, áo phông nữ cành mai, túi du lịch Thái, son phấn Thái và cả những đồ điện tử khác như pin đồng hồ điện tử, cho đến khăn mu xoa TQ in hình công chúa tới con công bằng cao su dẻo làm móc treo chìa khóa ... vv. Thôi thì kính thưa các loại đồ lặt vặt có thể quy ra thành "thóc" là họ mang theo, bán rẻ bán đắt cho nhau để lấy chút tiền tiêu trước mắt cái đã. Có người thì "tự tin" hơn ở khả năng vươn lên của mình, họ ỷ vào sức lao động và chút tài lẻ cùng độ chăm chỉ sẵn có của người lao động VN để hy vọng vươn xa. Cứ nghe những lời "quảng cáo" mà không kiểm chứng để rồi ham thì có ngày thất vọng, chẳng có cái gì là dễ hết, nhất là kiếm tiền và ở đâu cũng thế cả thôi. Nào, ngoài giờ học và làm việc có thể nhận đi thu hoạch nho vào dịp nghỉ hè để "kiếm thêm", thu hoạch mỗi luống nho tiền công khoán là 100 leva đấy, đơn giản chỉ hái cắt nho bỏ vào giỏ là xong, nghe đơn giản như đan rổ và kiếm tiền dễ như bỡn, nhưng xin thưa là mỗi luống nho nó dài bằng từ HN đến Hòa Lạc, đầu luống nho ở đây thì cuối luống sẽ ở tít trong sát dãy núi xanh xanh ở xa xa kia kìa, có cắt hái đến mùa quít cũng không xong một luống, đâu dễ ăn 100 leva của họ. Tới nông trường thu hoạch cánh hoa hồng để họ triết xuất tinh dầu hoa hồng hả? Nghe lãng mạn nhỉ, đi hái hoa hồng cơ đấy. Làm tướt bơ cả ngày may ra được chục leva, thu hoạch được 10kg cánh hoa hồng không phải là dễ, tiền công cũng chẳng bõ. Vài ông có tay nghề trát vữa tường, cứ nghĩ đơn giản mỗi ngày trát khoảng 15m2 vừa làm vừa nhảy disco, đơn giá 3 leva/m2 thế là hòm hèm khoảng 40 leva/ngày công, quy ra thuốc tây Anazin 10 leva/hộp được in giá thẳng vào vỏ hộp thuốc, quy ra giá thuốc Tây ở thị trường VN lúc đó sẽ bằng 2 chỉ vàng ta 4 số 9, ôi lao động mà nhanh giàu quá. Thực tế làm lấy 5m2 thôi cũng đã chết đứ đừ rồi, yêu cầu kỹ thuật rất cao để bảo đảm tồn tại lâu dài ở nhiệt độ xứ họ, nhiệt độ thay đổi với biên độ rộng giữa các mùa, có năm chênh nhau tới hơn 60 độ C, trát tường nhà mà như ở VN mình thì nó co dãn rồi nứt vỡ tụt hàng mảng. Đi thu hoạch cà chua với cà rốt khoai tây hả? Thôi đừng đi, ở nhà ăn bánh mỳ loại 1kg giá 40 xu/cái, uống sữa chua 13 xu/hộp/0,5kg rồi nằm vắt tay lên trán mà nghĩ "mưu" khác để kiếm tiền cho nó nhanh chứ đi làm thêm như thế thì lấy gì mà ăn.

 Cuộc sống hiện tại thì đơn giản nhưng ai cũng lo cho tương lai sau này, tiếng là đi Tây về mà chẳng có gì người ta cười cho nên buộc ai cũng cần cố gắng hơn nữa, tất nhiên làm ra tiền cho dù bằng cách nào trừ những việc phi pháp thì đều đáng quý cả. Áp lực của cái tiếng đi Tây đè rất nặng lên vai người xa xứ, bài hát bài ca xây dựng được sửa lời nghe rất nặng mùi trách nhiệm: Lo đời ta, lo đời cha ... lo 3 đời sau. Thôi thì cả đống nghề nghiệp để kiếm tiền, theo con số tạm thống kê nghề kiếm thêm của người VN mình ở bên đó là 36 nghề, từ dân được mệnh danh là "Tư bản" buôn bán những mặt hàng cao cấp xuống đến người đi nhặt vỏ chai bia "chuyên nghiệp" cũng là nghề chuyên môn, ai cũng có "mánh" của người đó và quen gọi là "cầu" làm ăn, ai cũng giữ chặt cầu làm ăn của mình, bí mật như "buôn vàng giả", vào hàng hóa cũng bày binh bố trận như đánh trận thật, những vụ buôn hớt tay trên, cướp cầu của nhau vẫn thường xảy ra. Chúng ta cứ bảo người VN mình đoàn kết, thực chất trong cuộc sống xa xứ thì mạnh thằng nào thằng đó sống, đè được thằng nào là đè, chia nhau miếng cơm manh áo không phải là dễ, chẳng như thời còn là những thằng lính với nhau, sẵn sàng cởi phăng cho nhau cái áo cái quần, vui vẻ chia nhau mấy đồng phụ cấp. Chẳng trách nhau được, cuộc sống mà, ai cũng vậy thôi.

 Năm đầu tôi còn ở trong ký túc xá, lúc đó ở chung phòng với 2 thằng cu em nữa, một thằng cũng chính là thằng say tàu bay, thằng này con nhà giàu ở HN được nuông chiều từ bé nên chẳng biết gì hết, ngoài đi học về là lăn ra ăn và ngủ, lâu lâu nó lôi đâu về một em gốc bản xứ rồi vui vẻ chan chứa, chứa chan xong là ngày mai quên luôn, buôn bán lặt vặt kiếm thêm nó cũng chẳng thiết, bố nó mới trúng thầu thi công công trình chợ Hàng Da HN lúc đó, trúng mánh quá nên lâu lâu gửi cho nó vài trăm dola, quy đổi giá thị trường tự do thì nó có ối tiền để bao bạn gái, cần quái gì lăn lóc cho nó mệt xác ra, thằng còn lại thuộc loại ma lanh và sống rất ích kỷ, chỉ biết mình, nó không quan tâm đến bất kể điều gì khác ngoài chuyện kiếm tiền và sẵn sàng đè lên đầu bất kể ai nếu có thể, bù lại nó lại là thằng biết sợ và rất sợ tôi trong khi tôi chẳng làm gì nó cả, nó luôn lấm lét dò hỏi thái độ của tôi mỗi khi định làm gì đó, trong 3 chúng tôi thì nó lại là thằng có nhiều tiền hơn cả, đã vậy thằng này cũng rất lắm bạn tới chơi và có khi kéo theo 5 7 thằng tới ở lại ít ngày mới về. Vì vậy tôi thường nhắc nó: Tiền bạc, hàng hóa thì phải giữ cẩn thận, tủ giả khóa khiếc cẩn thận vào, tránh anh em nghi kỵ nhau, mất lòng. Khi đi vắng có thể gửi lại chúng tao trông nom cho, tránh tình trạng 1 mất rồi 10 ngờ, phiền lắm. Sinh hoạt chung thì phải sạch sẽ và ngăn nắp gọn gàng, bạn bè cũng có hạn đừng để ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Tất nhiên là nó không tỏ thái độ gì, chỉ vâng dạ rồi để đấy, còn trong bụng thì chắc chắn là không ưa tôi rồi.

 Một hôm nó đi vắng khỏi nhà từ chiều ngày thứ sáu, ít nhất thì cũng phải chiều ngày chủ nhật nó mới về, chuyện làm ăn của nó mình đâu cần quan tâm làm gì. Thế rồi xẩm tối ngày thứ sáu thì có tiếng gõ cửa phòng tôi, thì ra là 1 thằng bạn của thằng kia ở tỉnh lẻ lên chơi, tôi biết nó vì nó từng lên đây ở mấy lần rồi, tôi cho biết là thằng Chiến bạn nó đã đi vắng và khoảng chiều chủ nhật mới về, thấy nó tẩn ngẩn tần ngần ra vẻ lúng túng lắm nên tôi hỏi: Sao? Có vấn đề gì không? Nó bảo: Em từ dưới Varna (Варна) lên chơi với nó mà nó đi vắng mất, bây giờ không biết đi đâu. Tôi bảo: Mày lên chơi với thằng Chiến mà nó đi vắng mất thì mày ở đây chơi với tao, tao ăn gì mày ăn cái đó, tao uống, hút cái gì thì mày dùng cái đó, giường của thằng Chiến thì mày ngủ, việc gì phải đi đâu, cứ ở đây với bọn tao, có sao đâu. Thế là nó ở lại với chúng tôi tới chiều ngày chủ nhật, chúng tôi sống ra sao thì nó cũng sống như vậy, anh em vui vẻ chơi với nhau 2 ngày nghỉ cuối tuần, bia rượu, đồ ăn thì khỏi cần bàn ở cái xứ sở suối bia núi thịt này, có đáng gì đâu, thuốc lá thì xài loại bình bình thôi, bao nhiêu mà chẳng có. Chiều ngày chủ nhật, nó đi ra đi vào nghe chừng sốt ruột lắm và đang mong đợi điều gì đó, thấy thái độ nó có gì khang khác nên tôi hỏi: Có chuyện gì không? Có gì cứ nói với tao, đừng ngại. Nó nói: Giờ em phải về Varna (Варна), 5h chiều là chuyến tàu cuối trong ngày, chờ thằng Chiến thì sợ không kịp mà đêm nay em không về thì sáng mai cơ quan nó đuổi em mất, em nghỉ không lý do quá nhiều rồi, bình thường thì em không ngại, nhưng Visa của em sắp hết hạn, phải chờ cơ quan và vụ Ngoại kiều đóng dấu ra hạn xong thì kiểu gì cũng chơi, để cơ quan nó đuổi việc rồi "dặt dẹo" thì rách việc lắm anh ạ. Tôi nói: Vậy thì mày về đi, có gì nhắn lại với thằng Chiến thì để anh nói cho. Nó gãi đầu gãi tai rồi nói: Em chẳng có gì nhắn lại nó cả, ở София này em chẳng quen ai, giờ em không có tiền để mua vé tàu hỏa trở về, em sốt ruột chờ nó về để vay ít tiền mua vé tàu thôi. Tôi nói: Sao không nói sớm, cần bao nhiêu tiền để mua vé tàu? 15 leva có đủ không? Nói rồi tôi móc túi đưa tiền cho nó rồi giục nó đi nhanh lên cho kịp giờ tàu, nó mừng quá cầm tiền mà không biết nói gì, chỉ hứa khi nào có điều kiện sẽ hoàn trả lại tôi sau, từng đó tiền với nó lúc đó là quá thừa, với nó 5 năm ở bên này rồi mà lúc nào cũng nhẵn như đít ếch chẳng có mấy khi dư giả.

 Thế rồi chuyện đó cũng nhanh quên đi và tôi cũng chẳng nhớ đến làm gì, thằng cu em Tuấn (tên nó là Tuấn) cũng không thấy lên София chơi nữa, tôi có kể lại cho thằng Chiến nghe chuyện thằng Tuấn lên chơi mà Chiến đi vắng, Tuấn ở lại chơi với chúng tôi 2 ngày rồi về Varna rồi, thằng Chiến tỏ thái độ khinh khỉnh khi nhắc tới thằng Tuấn, có ý coi thường Tuấn là thằng bất tài, mang tiếng Cộng "mốc" ở lâu mà vẫn "bạch định" toàn phần, trên răng dưới súng ... vv. Tôi cũng không nói gì vì không muốn chen vào chuyện tình bạn giữa chúng nó với nhau, tôi cũng không nhắc tới chuyện 15 leva từng cho thằng Tuấn lấy tiền tàu xe đi về Varna lại. Cuộc sống của tôi giữa cộng đồng người VN cứ từ từ đi lên, buôn bán "thổi còi" lặt vặt tuy không nhiều nhưng cũng tạm đủ và có của để dành, lâu lâu mua sắm cái gì đó gửi về cho gia đình làm quà khi có ai về nước, rồi qua mối quen biết với Дoмаxuн người quản lý ký túc xá, tôi cũng xin được ở riêng một mình một phòng, không còn phải ở chung với ai cả, trong khi khu chúng tôi ở đang có cuộc "chiến tranh" về nhà ở, rất khó khăn để có chỗ ở vì người VN ngày càng sang rất đông, ai cũng muốn dồn về khu София1330 vì đây là khu trung tâm của người VN và ở đây thì gi gỉ gì gi, cái gì cũng có, nơi đầu mối của mọi chuyện làm ăn, kinh tế của cộng đồng người Việt.

 Thế rồi 6 tháng sau, thằng Tuấn lên София lại nhưng lần này nó lên София với tư cách khác, khác hoàn toàn, nó không còn là một thằng "bạch định" toàn phần nữa, nó là "ông chủ" của một đường dây làm ăn với người Bul gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã về nước năm 1988 và người Balan buôn quần áo bò rất lớn, người gốc Thổ từng về nước như người Hoa ở VN năm 1978, họ mang theo tiền leva về nước khi không kịp đổi ra ngoại tệ mạnh, nay họ mang quay trở lại Bul để tiêu và qua thằng Tuấn là một đầu dây chuyển sang đola Mỹ cho họ. Thằng Tuấn xuống gặp tôi, nó nói thế này: Xưa kia em nghèo, không có tiền, bạn bè anh em chúng nó kinh em như mẻ, coi em không ra gì, sau lưng chúng nó nói bậy nói bạ về em, đối xử tệ bạc với em. Chỉ có anh là không khinh thường em, đối đãi với em tử tế khi em khó khăn, 15 leva anh giúp em lúc ấy em nhớ mãi và giờ đây có trả anh tới 1000 lần cũng không hết cái ân tình ấy, càng nghĩ về chuyện đó em càng căm trong lòng. Nay em khác rồi và lên София ở hẳn, em có dư điều kiện để giúp anh và chỉ giúp duy nhất mỗi một mình anh thôi.

 Từ đó, bỗng nhiên tôi trở thành đại lý cấp I của thằng Tuấn, với chất giọng nhát gừng đầy cay cú của nó khi nói chuyện với tôi nên tôi đặt cho nó cái tên Tuấn "đởn" để khỏi nhầm với thằng Tuấn khác, cái tên đó ở Bul nhiều người biết một thời. Cũng từ đó tôi luôn được ưu tiên về số lượng hàng hóa, ít nhất là gấp đôi người khác ở cái thời buổi cứ có hàng là có tiền ấy, dưới tay tôi cũng có một "mạng lưới" đại lý cấp II mà mình chỉ là người chung chuyển, mỗi bao hàng 100 cái quần bò Thổ kiếm 400 leva hay 1 chỉ vàng mua tại chỗ dễ như không, ngày nào được phân 2 bao hàng tức là đã hoàn thành kế hoạch trong ngày, phân phát hàng hóa xong là đi chơi, tối về thu tiền và thanh toán lại cho Tuấn "đởn", đã vậy tôi lại luôn được ưu tiên về giá cả, giá nhập vào luôn thấp hơn người khác 1 2 giá. Cũng sau này Tuấn "đởn" giúp tôi rất nhiều về vốn làm ăn khi có "búa" hàng lớn, vay mượn nhanh vài chục đến một trăm ngàn leva dễ như không. Đặc biệt là sau này Tuấn "đởn" thu mua dola Mỹ cho người Thổ thì luôn ưu tiên tôi mọi mặt, nó không tin bất kể ai nhưng có lúc gửi tôi đến 2 triệu leva, 2 cái valy 45kg đầy cứng tiền đóng vuông từng cục loại 20 leva mệnh giá lớn nhất, nó giao cho tôi đi thu mua dola Mỹ cho nó với giá cao ngất nghểu so với giá chung ngoài thị trường chợ đen, cho thêm 5% trên tổng số thu mua được, trả luôn cả tiền chi phí ăn uống sinh hoạt đi lại taxi xe pháo. Cứ thế, từ từ tôi đi lên nhờ bạn, từ thằng "vô danh" dần dần ngoi lên giữa cái Thế giới mà mọi người nhìn nhau bằng đồng tiền mà mình có ở trong tay, không nhờ có thằng Tuấn "đởn" thì tôi cũng chẳng hơn gì người khác bao nhiêu. Nó là người bạn mà tôi nhặt được giữa cuộc đời, chẳng ai mà ngờ được rằng sau này nó lại là thằng "lắm chuyện" đến như thế. Đó cũng là "bài học" cho tôi và cho tất cả mọi người. Đừng vội xem thường bất kể ai kể cả khi họ đang gặp khó khăn nhất trong cuộc đời.
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #492 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2014, 07:45:16 am »

........ Cuộc đời đôi khi có nhiều chuyện rất "buồn cười", ngay mấy cô bạn ham mê thể thao trong trường ấy mà suốt mấy năm bên đó BY cũng không có dịp gặp lại, lúc BY xuống thành phố của họ tìm gặp thì họ lại đi vắng, vài lần 1 người bạn nữ trong số họ lên София tìm BY thì BY lại không có nhà, khoảng giữa năm 1990 cô bé ấy tới tận phòng BY ở tìm thì lại gặp ngay bà xã của BY. Biết đâu ngày đó sớm gặp lại nhau thì cuộc đời của BY có khi lại ở một trang khác. Grin
Càng đọc, càng thấy đ/c Binhyen rất có duyên và có lộc với chị em  Grin. Đề nghị bác Binhyen kể chi tiết thêm chút nữa  Grin
Logged
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #493 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2014, 08:50:47 pm »

Càng đọc, càng thấy đ/c Binhyen rất có duyên và có lộc với chị em  Grin. Đề nghị bác Binhyen kể chi tiết thêm chút nữa  Grin

 Cũng không có gì nhiều đâu bác baoleo@ ạ. Cheesy

 Duyên nợ, nợ duyên luôn là cái vòng luẩn quẩn của con người và không có mấy người "thoát" khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy, bản năng của con người sẽ luôn thôi thúc khi giới tính đã phát triển đủ độ chín để đi tìm phần nửa còn lại của mình, đó cũng là chuyện bình thường như đói thì phải ăn và khát thì phải uống. Như chúng ta đã biết, về luật pháp và phong tục tập quán địa phương vùng miền nơi chúng ta đến, đi tới đâu thì phải theo đó và Thư ký thứ nhất Đảng CS Bulgaria Todor Zhivkov (Тодор Живков) từng tuyên bố giữa Quốc hội: Sinh lý không ảnh hưởng tới đạo đức, không nằm trong phạm trù nhân cách của con người. Tóm lại ý ông ấy muốn nói là: Các bạn cứ "vui" đi nếu có thể và nhớ giữ gìn sức khỏe để còn lao động, làm ra tài sản cho xã hội cùng đưa nhân loại tiến lên Cộng đồng Thế giới. Vì vậy, nếu ai đó có chút "duyên, lộc" với chị em cả Ta lẫn Tây thì cũng là chuyện bình thường thôi bác baoleo@ ạ. Chẳng biết ở xứ sở của chú gấu Misa mà bác baoleo@ từng chinh chiến thì "cơ chế" có thoáng như vậy không? Grin

 Vâng! Hai người bạn nữ VN ấy lại rất "kết" 5 thằng chúng tôi, đám giai HN nhìn thoáng đã thấy có chút máu "hào hoa", ít nhiều thì cũng có tý % của dân thanh lịch, một chút tươi trẻ, mạnh mẽ của tuổi thanh niên, một chút vui nhộn, hài hước và một chút galang nam tính, cái để 2 người bạn nữ ấy dễ muốn gần lại là tính tự tin ở cuộc sống cùng sự hiểu biết sẵn có từ vốn kiến thức thu nhặt được giữa xã hội thời ở VN lúc đó của cả nhóm chúng tôi, một chút "hết mình" vì nhau và cả pha chút chất bất cần, coi Giời bằng cái chôn bát, song cái để họ "mê tít" lại là chất sống coi nhẹ vật chất là điều hơn cả của cả nhóm chúng tôi, có thể một người không hội tụ được từng đó tính cách nhưng cả 5 người cộng lại thì tính cách đó chắc là có dư.

 Hai cô bạn nữ ấy cũng là con gái HN, giờ đây cả 2 em đang ở phương Giời nào thì cũng không biết nữa, sau năm 1991 khi Đông Âu đổ vỡ và người VN ta chạy tóe loe khắp phương trời, không có tin tức gì về nhau nữa, chúng tôi lúc đó cùng là đồng hương HN nên càng dễ thân nhau hơn. C... dáng dấp cao to, khỏe mạnh của người chơi thể thao, không thuộc loại đẹp nhưng xinh mặn mà thì rất rõ, tính cách mạnh mẽ ưa ồn ào và khá dễ gần, dễ thân thiện. O... thì ngược lại, hơi gày, có cái gì đó nhìn hơi khô nhưng bù lại thì cao dáo, nét mặt xinh thùy mỵ, một chút khép mình, ít lời lúc mới quen biết rất nữ tính, khi quen thân nhau rồi thì lại rất cởi mở và luôn quan tâm đến mọi người chung quanh, thỉnh thoảng em hay dành riêng cho tôi một chút bất ngờ nhỏ và cả rất nhỏ, khi xuống магaзин mua bán gì đó em thường mua thêm cho chúng tôi 1 vài bao thuốc lá mặc dù chúng tôi không ai nhờ em mua dùm cả, và nhiệt tình hơn để rồi lại xuống mua thêm mấy bao diêm mang tới cho chúng tôi, nói không nhớ phải mua diêm lúc mua thuốc lá khiến anh em chúng nó cứ tủm tỉm cười, thằng Tuấn "chũn" trong nhóm chúng tôi nhận ra điều "khác lạ" ấy đầu tiên, nó bô bô nói: O... nó muốn gặp anh BY nên làm bộ mua thuốc lá rồi quên không mua diêm để lại đi mua nữa, lại tới gặp anh BY cho có lý do ấy mà, em lạ đếch gì. Biết tôi hay uống nước trà VN mà trong trường không có ấm chén pha trà, em xuống quán cafe gần rạp chiếu phim кино trong trường nhặt những chiếc cốc ly nhựa mỏng mà họ vứt trong thùng rác về rửa sạch mang xuống cho chúng tôi dùng, em nhờ vả giáo viên của trường ra ngoài mua bằng được cho chúng tôi cái xục đun nước xoắn hình ruột gà của LX sản xuất để tiện có cái pha trà bất kể lúc nào, không cần phải pha trà bằng nước nóng của đường dẫn nước nóng tắm rửa, không được vệ sinh và đủ độ sôi mà chín trà, cứ phải xóc trà cả nước lẫn cái trong cái lọ thủy tinh, uống trà không thơm và cứ ngai ngái, tanh tanh mùi trà vì nước nóng sử dụng tắm giặt có nóng nhất cũng chỉ đạt được 85 độ C, em cứ kêu ca: Uống nước không sôi thế này thì hay bị đi đái dắt lắm đấy. Em quan tâm đến chúng tôi từ những điều nhỏ nhặt nhất và thường bị 4 thằng còn lại trong nhóm bắt "quả tang" nhìn trộm tôi. Chúng nó hay đùa tếu trêu tôi: Em O... nó lo anh bị bệnh đái dắt vì uống nước không sôi, chắc nó sợ anh làm hỏng đồ của nó đấy mà. Em tỏ thái độ không vui nếu như tôi đứng nói chuyện với bạn nữ nào đó trong trường lâu hơn bình thường và chúng tôi hay chờ nhau để cùng tới nhà ăn của trường, tôi thấy em vui hơn, nói nhiều hơn mỗi khi chỉ có 2 chúng tôi ngồi ăn cùng bàn, tôi hiểu điều em muốn nói và đang dần mở cánh cửa lòng mình với tôi. Song với tôi lại không nghĩ nhiều về điều đó, có lẽ ở cái tuổi 27 rồi thì tự thấy ngại phải yêu, hơn nữa phía trước sẽ là những điều hoàn toàn mới mẻ mà tôi chưa từng gặp xưa nay, tôi muốn dành nhiều thời gian cho mình và cho tương lai, không muốn bị trói buộc bởi điều gì hết để có thể tự do làm bất kể điều gì mà mình muốn.

 Rồi một ngày cuối tháng 3 loa phát thanh của trường đọc số báo danh 671 phải đi bệnh viện, lúc ấy O... đang ngồi học trên lớp, em vội vã xin nghỉ 1 tiết học chạy về phòng y tế của ban quản lý nhà trường, tin đó có lẽ làm em không ngờ vì tôi vẫn bình thường mà, chỉ húng hắng ho và sốt nhẹ thôi mà, dáng em quen quen đi nhanh qua cái cầu vượt bắc ngang qua đường QL rất dễ nhận ra, lúc ấy tôi đang ngồi trên cái ghế băng gỗ ngay đầu nhà y tế chờ xe đưa đi. Em nói nhanh như để khẳng định một điều gì đó: Khoảng nửa tháng 20 ngày nữa là đoàn của em ra trường, chúng em về nhà máy dệt ở thành phố Gabrovo, nếu anh đi viện về mà em còn ở đây thì sẽ còn gặp nhau, nếu không thì tạm biệt anh trước, khi nào đoàn anh ra trường thì tới thành phố em ở chơi nhé, em sẽ viết thư vào trường cho biết địa chỉ sau. Chúng tôi ngồi trên ghế băng dưới gốc cây mận của tiết trời cuối tháng 3 khi lá và mận non đang bắt đầu nhu nhú, đầu tháng 3 khi chúng tôi mới sang thì cây mận này đang nở hoa trắng khi mưa tuyết đang rơi, có lần tôi đứng trên ghế với tay lên cao bẻ vài cành hoa mận cho em cắm vào vỏ chai nước ngọt để trong phòng, hình như em thích điều đó. Tầm trưa rồi khi các lớp đã dần dần tan ra, có lớp học 4 tiết buổi sáng nhưng có lớp học 5 tiết học liền, khi đó C... cũng về tới nơi, em cũng chào tạm biệt tôi hẹn ngày gặp nhau sau khi kết thúc khóa học tiếng, tôi cũng cứ nghĩ sẽ còn khối thời gian để gặp nhau, giữa 2 đoàn chúng tôi cũng có rất nhiều cặp họ đang yêu nhau và tin tức về nhau chắc chắn sẽ không thiếu.

 Cuối tháng 4 tôi từ bệnh viện Tỉnh về trường, bạn bè trong đoàn vui mừng đón tôi trở về và thấy thiếu bóng em cùng những bạn nữ khác cùng trường, họ đã ra trường hơn nửa tháng nay rồi, vài người cho biết đoàn của em đã ra thành phố Gabrovo và đã ổn định nơi ăn chốn ở. Chúng tôi lại vui vẻ tiếp tục ngày 2 buổi lên lớp, những buổi dã ngoại, picnich đi chơi xa khỏi trường mặc dù có lệnh cấm không được vượt qua khỏi hàng rào và barie có CA bạn gác, cũng không thiếu những cặp nam nữ trong trường yêu nhau, họ tranh thủ ra rừng ngoài xa rồi trải lá cây làm chiếu, manh áo phủ làm chăn cũng là chuyện bình thường ở cấp "tổ dân phố", ít ai quan tâm đến chuyện riêng tư của nhau. Nhóm chúng tôi có sở thích riêng, thích đi ra làng Bel La cách đó 10km trên dãy núi Balkan, thích mua rượu hồi, conhac 5 sao, bia Thủ đô mang về uống, thích ngắm vườn hoa tu líp của nhà dân trồng trước vườn nhà đang khoe sắc, thích ngắm những cánh đồng cỏ mênh mông và hoa cúc dại vàng rực đang dần nở và thích ngắm nhìn đàn cừu đang gặm cỏ với những chú chó chăn cừu lông dài luôn trung thành đi bên người chăn cừu giữa cánh đồng xa xa, vài thằng trong đoàn chúng tôi thuộc loại nhanh tay, lẹ mắt nên đã biết mùi khoai Tây mặc dù là đồ second hand thuộc diện quá data, người VN mình cũng nhiều ông "ăn tạp" lắm, nhất là số cùng đoàn với chúng tôi, họ cũng lớn tuổi và nhiều ông cũng đã có vợ con ở nhà, nay xa vợ con lâu ngày lại có điều kiện sinh hoạt đời sống vật chất cao, "đầu vào" tăng đột biến mà "đầu ra" thì bí dì dị khiến họ "ức chế" nên mần ráo nếu có thể.

 Gần cuối tháng 5 năm đó chúng tôi ra trường, cuộc sống mới ở София với nhiều điều mới mẻ hoàn toàn đang chờ đợi chúng tôi, háo hức được nhìn ngắm và hòa cùng xã hội văn minh của nước bạn, có địa chỉ rõ ràng rồi thì những cánh thư bay đi và bay đến cũng là chuyện đương nhiên, cũng không ít những cánh thư hồng của những tình yêu đang vỗ cánh, rồi ngày nghỉ cuối tuần thì đoàn chúng tôi cũng vợi hẳn đi, chúng nó biến hết đi đường nào ấy và sau này tôi mới biết điểm chúng nó đến là thành phố Gabrovo, bẵng đi 2 3 tuần thì có vài em là bạn gái của những thằng ở cùng đoàn lên chỗ chúng tôi chơi và nghỉ lại. Một em nói: Cái O... nó nhắn em mời anh xuống Gabrovo chơi. Tôi nhận lời và hứa sẽ xuống chơi trong thời gian gần nhất. Cũng phải cuối tháng 6 tôi mới sắp xếp thời gian đi Gabrovo được, chọn ngày cuối tuần, rình lúc giáo viên không để ý chúng tôi "biến sớm" khỏi lớp, mấy thằng người bản xứ học cùng lớp dọa báo cho nhà trường, mấy thằng Cuba và vài nước thuộc Châu Phi đen nhẻm giơ nắm đấm lên dọa lại mấy thằng da trắng ý muốn nói: Mày "nịnh hót" không có lợi cho các bạn VN thì ông đấm chết, mấy thằng người Mông Cổ và Nicaragoa thì cứ phẩy tay ý nói: Đi đi nếu cần, có gì có chúng tao rồi, ngại gì mấy thằng "nịnh hót" ấy. Chúng tôi hẹn nhau lúc 3h chiều ở ngoài ga Trung tâm thành phố, vì cùng đoàn ở cùng với nhau một chỗ nhưng bây giờ mỗi đứa học mỗi trường khác nhau, chúng tôi hăm hở lên đường, lòng tràn chề hy vọng sẽ có những ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ và lãng mạn nhất. Grin
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #494 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2014, 06:54:21 pm »

Bác baoleo nhận xét đúng đấy, bác BY quả có số đào hoa. Grin
Mới chân ướt chân ráo tới xứ lạ, bác đã có lộc Giời rồi. Cứ như cái thời thèm bát canh rau suông, ai ngờ có thêm mì chính cánh bổ sung nữa, quá hay.

Trong môi trường sách vở, học hành nên chuyện tình cảm này dù sao vẫn có hơi hướng… học trò. Nó vẫn có chút gì hồn nhiên trong sáng. Sau này, khi “bụi trường chinh bám dày lên áo trận” chắc hẳn có nhiều ca lệch Đất, nghiêng Giời ấy chứ, phải không ạ!

Nhưng chuyện ấy cứ từ từ, sau hẵng hay. Bây giờ xin mời bác BY kể tiếp chuyến hành quân xuống làng cười Gabrovo, xem chuyến "mở hàng" hên xui ra sao? Grin

P/s: Bác có phải nhờ ai là cựu đi cùng, hay chỉ cần cuốn Từ điển mà dám xông pha ta đi lên. Huh Grin

Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #495 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2014, 07:33:21 pm »

   Hi hi, em cũng có ý nghĩ theo y như bác tuanb5. Hy vọng bác BY có những câu chuyện tiếp theo " tơi bời khói lửa "  Grin !
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #496 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2014, 02:11:05 am »

 Ôi! Các bác cứ "hy vọng" ở những câu chuyện "mang chuông đi đấm xứ người" thế này thì BY dễ làm các bác thấy "thất vọng" lắm. Các cụ Annam nhà ta xưa có câu: Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà ... vẫn hơn. Nó là câu châm ngôn đúng đấy các bác ạ. Ao nhà, sân nhà dù gì cũng vẫn hơn. Song cơm trắng, canh cua rau đay cà pháo mãi rồi, đổi bữa bánh mỳ, pho mát, dăm bông xúc xích thì cũng thấy nó là lạ. Wink

 Nhóm chúng tôi đi Gabrovo có 4 thằng tất cả, thằng Dũng "loe" là lắm mồm nhất, nó có cô bạn gái khá xinh và rất trẻ, đâu chỉ 19 20 tuổi gì đó, còn nó thì không được "sáng láng" cho lắm nên rất sợ bị "hớt tay trên", vì vậy ngày nghỉ tuần nào nó cũng phải xuống Gabrovo để quấy nồi "cháo ám", nó lo lắng và cả bứt dứt vì hình như cũng có thằng nào đó đang "kết" em của nó, mà xểnh ra thì cũng dễ lên chùa con Chim mà tìm lắm, là "Cộng" mới, tiền bạc chưa nhiều, chưa quen biết thông thổ địa hình, chưa có chút kiến thức "ga lăng" để thường xuyên có quà souvenir (Coyвeниp) với chị em hay có tiền để чеpпи chị em cùng ăn chơi nhảy múa thì cũng sớm đi bằng "phao câu" lắm, chẳng trách được, phái nữ ở đây họ có quyền được lựa chọn, nhất là ở cái xứ sở này khi người VN thì sự mất cân bằng giới tính rất rõ nét, 1 nữ trên 50 nam thì nữ giới càng có giá, họ không thể đơn giản để đánh một ván bài "cuộc đời" đến dốc túi với một người mà họ chưa cho rằng là xứng đáng đối với cuộc đời họ, cũng đúng thôi, từ thời tiền sử của loài người thì phái nữ luôn có đặc quyền ấy và tất nhiên là họ cũng chẳng ngại để phát huy đặc quyền đó. Thằng Dũng "loe" nó cố chứng tỏ điều mà nó hiểu biết hơn tôi về chuyện em O..., cũng phải vì từ ngày ra trường đến giờ nó đi Gabrovo mấy lần rồi, nó kể dành rọt về em O... cứ như "hộ khẩu" chính của nó nằm ở dưới gầm giường của em O... vậy. Nó nói: Em O... lúc còn ở trong trường gày và nhìn khô lắm, nhưng giờ thì khác rồi, ăn bơ sữa vào có khác nên nhanh "nảy nở, tròn trịa" hơn xưa nhiều rồi, lại được cái cao dáo nên giờ trông rất chi là "ngon" mắt, mỗi lần ngồi nói chuyện với bọn tao nó hay nhắc tới mày BY ạ, gần đây cũng thấy có thằng nào đó đang "tà lưa" em O..., nhưng hình như em O... không chịu, thằng này tuần nào cũng thấy xuống Gabrovo, tao gặp suốt, đâu như là Cộng đã sang đây 2 năm rồi ở thành phố Rousse (Русе), thằng này cũng khá đẹp giai nhưng lại không cao dáo như mày, hình như do thằng "bồ" con X nó giới thiệu và theo tao biết thì đến giờ vẫn chưa nên cơm nên cháo gì. Còn em C... thì bây giờ khác rồi, em này linh tinh lắm, cặp bồ lung tung xòe cả, từ ngày tao xuống Gabrovo đến giờ thấy em nó thay mấy thằng "bồ" rồi, cứ Cộng càng "mốc" bao nhiêu thì em C... càng khoái bấy nhiêu, miễn là có nhiều левa là em C... rất ngại "từ chối", cứ cặp ít ngày, "cốc" cho lõm đầu, kiếm chút của bọn nó xong là дoвиздaне.

 Tôi ngồi lắng nghe nó nói mà thấy cám cảnh đời, mắt lơ đãng nhìn những cánh đồng đang vùn vụt lướt qua bên cánh cửa sổ toa xe lửa, tôi suy nghĩ và cũng tự hỏi mình: Không rõ chuyến đi này của mình có đúng không nữa đây, em mời mình xuống chơi thật lòng hay mời rơi đây, nếu vậy thì mình có thể sẽ xuống nhưng là vào lúc khác chứ không phải bây giờ, sẽ xử lý ra sao nếu ... và nếu ... nếu ... nếu. Cuộc sống bên ngoài xã hội nó hoàn toàn khác với thời gian ở trong trường tiếng, con người họ thực dụng hơn dễ thay đổi hơn và cũng dễ xoay theo chiều gió hơn, cứ như em C... ấy thì có mà xin khiếu, tất nhiên là cũng chỉ mới là nghe và nghe thì không nên tin vội vì sự nghe thì cũng chưa chắc là sự thật. Song cũng có một chút "thất vọng" trong lòng mặc dù chỉ là thoảng qua, các Cụ xưa vẫn nói: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, em O... sống gần và thân với C... thì kiểu gì ít nhiều chẳng lây tính cách, chịu ảnh hưởng xấu cũng là chuyện bình thường. Thôi, thây kệ nó mà, mình cũng chỉ là vui chơi thôi mà, có gì đâu phải suy nghĩ nhiều cho nó rách việc ra, nam nhi thì ở cuộc chơi nào cũng chẳng mất gì, đàn ông như gậy thằng ăn mày các Cụ nói rồi, chọc đâu mà chẳng được.

 Chúng tôi xuống tới ga tàu thành phố Gabrovo khoảng hơn 6h chiều, mùa này thì 6h rồi nhưng nắng còn gắt lắm, phải 9h tối trở đi thì ánh nắng mặt trời mới tắt dần và tối hẳn thì cũng phải gần 10h đêm mới thật sự là trời tối, thành phố này có cái gì đó hài hài từ những bức tượng đến trang trí ngoại thất của những ngôi nhà trên đường phố, đúng là thành phố cười của một đất nước và những nụ cười, nơi đây sản sinh ra những câu chuyện cười, tiếu lâm của dân tộc Slavo này và thường bắt đầu bằng những câu chuyện của anh nông dân keo kiệt. Block em ở là một ký túc xá toàn "vịt" VN làm cho nhà máy dệt, các em là những nữ công nhân dệt và họ đi làm theo 3 ca, ai biết việc và ca làm việc của mình, rất ít khi họ biết về ca làm việc của nhau. Người tôi gặp lại là C..., em làm ca đêm tuần này và mới ngủ dậy, đang chuẩn bị ăn uống để 10h tối sẽ đi làm ca đêm, phòng em ở 3 người không rộng lắm với bếp nấu ăn chung cách cái hành lang nhỏ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải đi tới khu vệ sinh chung, C... gặp tôi tay bắt mặt mừng hỏi thăm rối rít, C... bây giờ sành điệu hơn xưa, mùi thơm nước hoa Jasmin nhức mũi, mặt phấn dày bự môi son đỏ choét, tóc xù bông như con chó Nhật, tôi có cảm giác em đang cố chạy đua "vũ trang" để ít nhất có thể giống tới 50% dân bản xứ, thôi thì em đi Tây, học hỏi ở Tây một chút văn minh thì cũng không sao nhưng giá như em vẫn là C... của những ngày đầu mà tôi quen biết em trong trường tiếng thì tốt hơn, mới hơn 2 tháng rưỡi không gặp mà C... khác xưa nhiều quá, điều bất ngờ hơn nữa là trên giường của em đang có một tên VC mình nằm ngủ ngon lành, em có vẻ lúng túng khi tôi thấy cuộc sống của em hiện tại, tôi lảng đi cố không muốn để em ngượng. Tôi hỏi: O... đâu? Bọn anh ra trường hơn 1 tháng rồi bây giờ mới có dịp xuống thăm các em. C... nói: O... nó tuần này đi làm ca 1, bọn em làm khác phân xưởng nhau nên cũng ít gặp trong nhà máy, em làm ca 3 nên sáng ra về nhà tắm rửa xong là đi ngủ, cũng mới dậy ăn uống để chuẩn bị đi làm tiếp, sáng nay em có gặp O... ngoài sân nhà máy, nó 2h chiều đã tan ca rồi mà và chắc nó đi đâu loanh quanh đấy thôi. Vừa lúc thằng Dũng "loe" gọi tôi sang phòng bạn gái nó ngồi uống bia, O... cũng ở phòng này, thảo nào thằng "loe" này nó biết nhiều về O... thế, bạn gái thằng Dũng "loe" cũng nói tía lia: O... nó làm cùng ca với em nhưng đi làm về không biết nó đi đâu mà giờ này chưa thấy về, em đi làm về mệt quá ngủ một giấc mới dậy thì các anh xuống tới nơi, để em đi hỏi bọn nó xem O... nó đi đâu? Bất giác tôi thoáng nghĩ: Thôi chết rồi, mình là người thừa mất rồi. Tôi quay ra hỏi thằng Dũng: Ở đây về София có chuyến tàu mấy giờ và xe ô tô chuyến cuối là mấy giờ? Thằng Dũng không hiểu ý tôi nên đọc vanh vách giờ tàu xe trong khi đó thì tôi đang hy vọng giờ này sẽ còn chuyến cuối để tôi quay về София dù là tàu hay xe ô tô đều được cả. Thật buồn là không còn chuyến nào trong ngày, kiểu gì thì cũng phải chờ sáng mai vậy, biết làm sao bây giờ, tôi bắt đầu thấy ân hận vì mình đã xuống thành phố của em hôm nay, chẳng còn gì để làm ngoài uống bia và hút thuốc, tôi cố gắng giấu cảm xúc của mình vì không muốn mọi người chung quanh mất vui vì tôi, trong khi đó thì mọi người đang chuẩn bị bữa tối rất vui vẻ, hôm nay họ có khách và khách lại chính là những thằng chúng tôi.

 Khoảng hơn 9h tối cũng vẫn chưa thấy O... về, trời bên ngoài đã nhá nhem tối rồi và không ai biết O... đi đâu, ngồi ỳ đó đợi cơm cũng chán trong khi mọi người đang tất bật nấu nướng, buồn buồn tôi xách chai bia đi qua hành lang sang gian bếp chung, cũng không biết nói gì vì tôi chỉ quen sơ họ thôi chứ không thân thiết, cố gắng nở nụ cười xã giao cũng đã là quá sức mình rồi, tôi bước tới cửa sau phòng bếp lách ra ngoài ban công sau đứng hít thở không khí cho nó thoáng chứ trong bếp mùi đồ ăn cứng cả mũi, tôi đứng đó hút thuốc và uống bia cho tới khi trời tối hẳn và chẳng ai để ý tôi đứng ngoài ban công cả. Mọi người đang tất bật dọn cơm chuẩn bị đãi khách, dưới bếp chỉ còn 2 em đang làm nốt phần công việc bếp núc. Một em nói: Quái, cái O... nó đi đâu nhỉ? Sao giờ này chưa thấy về, hay nó đi xuống thành phố của anh G... chơi mà giấu bọn mình. Em khác nói: Con X... nó đang đi làm ca 2 mà đã về đâu, nếu O... nó đi thì cũng phải đi cùng con X... chứ? Em kia lại hỏi: Liệu nó có hẹn anh G... xuống đón nó không? Tao thấy nó mời anh BY xuống chơi với bọn mình rồi nó đi vắng đột xuất thế này làm tao thấy ái ngại quá. Em khác lại nói: Theo tao biết thì nó không thích anh G..., nhưng biết đâu nó "đú" cùng bạn C... của nó và chỉ vui chơi với mấy anh có nhiều tiền, mà tao thấy anh G... cũng được đấy chứ. Tôi vô tình nghe được lời tâm sự của 2 người bạn chung đoàn với O... và thực tế em không có nhà, "mất tích" rất là bí ẩn nên càng nghĩ rằng mình đã là người thừa ở đây thật sự, mà cũng đã có gì đâu, chúng tôi cũng chỉ là bạn hoặc có chút tình cảm hơn bạn bình thường tý chút, chẳng là cái gì cả và đến chơi thăm hỏi nhau xong thì đường ai nấy đi, chẳng có gì phải buồn hết.

 Chúng tôi ăn cơm nói chuyện vui vẻ, tôi cố gắng hòa cùng mọi người, cố gắng tìm những câu chuyện vui trong bữa cơm cho vui nhà cửa và cố quên đi những gì cần quên, cứ tự an ủi mình: Như vậy là mình cũng trọn vẹn với tình cảm của em rồi, em mời thì mình xuống thăm và không gặp cũng là chuyện bình thường. Cơm xong chúng tôi ngồi nói chuyện phiếm đến 12 giờ đêm mới tính chuyện đi ngủ, giường của O... đó cứ thế mà nằm ké một đêm, bia còn gần chục chai ngay đầu giường đấy thích thì mở mà uống, còn lại ai nằm giường của người đó và tất nhiên là Dũng "loe" nó ngủ chung giường với bạn gái của nó, kệ thây nhà chúng nó quan tâm làm gì và làm gì là việc của chúng nó chẳng liên quan tới mình. Tôi nằm thao thức mãi không ngủ được mặc dù hơi men cũng đã khá căng căng, thái dương thấy giật giật, mùi ga đệm phảng phất mùi da thịt của O... còn vương lại càng khiến tôi thấy khó ngủ, nơi đây em từng ngủ mỗi đêm mà sao đêm nay, đúng cái đêm anh xuống thành phố của em thì em lại đi vắng, loay hoay tôi mò dậy mở bia uống tiếp, uống cho thật sự say để chìm vào giấc ngủ, để quên đi cái cần phải quên.

 Sáng hôm sau tôi dậy lúc khoảng 7h, vệ sinh cá nhân xong thì tôi quyết định thông báo cho mọi người biết là tôi sẽ về chuyến tàu sáng nay, bao nhiêu dự định cho ngày nghỉ cuối tuần đi chơi đây đó của cả nhóm bị hoãn lại cả, tôi động viên mọi người cứ đi chơi đi, kệ tôi có thể tự ra ga tàu mà trở về 1 mình được rồi, đừng vì tôi mà làm hỏng dự định của mọi người. Cuối cùng mọi người quyết định là ở nhà cả, cùng nhau đi chợ mua đồ ăn về nấu bữa cơm trưa thật ngon và chiều nay tôi ra về chuyến tàu 2h chiều. Cũng vì nể do mọi người nhiệt tình quá nên tôi đành ở lại, chứ thâm tâm muốn về từ sáng sớm, thế là chúng tôi theo các em đi chợ và thật là vất vả khi lễ mễ đi sau các em mà xách đồ. Trưa hôm đó, ăn xong cũng hơn 1h chiều rồi, mọi người tính chuyện tiễn tôi ra ga nhưng tôi gạt đi, thành phố này bé tẹo với mấy đường chính, đi 1 lượt là biết rồi cần gì đưa với tiễn làm gì cho rách việc ra, vài leva tacxi là ra tới nơi rồi, mua cái vé leo lên tầu và 4h đồng hồ sau là về tới nhà rồi, có gì đâu mà phải đưa với tiễn. Chào mọi người hẹn gặp lại và tôi leo lên tacxi, tất nhiên 3 thằng kia thì phải chiều ngày hôm sau chúng nó mới về, trưa nay thì Block này đã bắt đầu nhộn nhịp, các chàng trai từ các tỉnh khác đổ về đây khá đông , họ ra vào nhộn nhịp cả và chẳng có ai là người mà tôi quen biết. Tôi về tới nhà, đám anh em chung phòng ngạc nhiên là sao tôi đi về sớm thế, chẳng nói chẳng rằng tôi tắm rửa rồi lên giường đánh một giấc thẳng tưng đến tận sáng hôm sau mới dậy.
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
linhmoi90
Thành viên
*
Bài viết: 13


« Trả lời #497 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2014, 08:57:51 am »

 Báo cáo Bác IT Manager của VMH!
Nick của em là Thongtin86 do quên pass nên em không login được. Nay phải nhờ Nick của Cậu em để "nhờ vả". Em đã thực hiện nhiều lần xin cấp lại Pass nhưng không được. Nhờ các Bác support giúp ạ!?
 Trân trọng cảm ơn các Bác!
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #498 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2014, 08:24:14 am »

Tháng 5 có ngày của Mẹ.

Tháng 5, đối với những người từng là lính Cụ Hồ, là tháng tràn đầy những ngày kỷ niệm.
Đó là dịp 30/04 và 1/5: ngày Chiến thắng. Những người lính năm xưa, lại có dịp tụ tập, để nhớ về những thằng đã không trở về. Những đồng đội đã nằm lại chiến trường - mãi mãi tuổi đôi mươi.
Đó là ngày  7/5, ngày chiến thắng Điện Biên. Lại nhớ về bố tôi, một người lính thời kháng chiến 9 năm, đã hành quân, bằng đôi chân trần, trên khắp nẻo đường Tây Bắc, và đã tham gia đánh trận Điện Biên, dưới sự chỉ huy của Đại Tướng.
Đó là ngày  7/5: ngày thành lập Quân chủng Hải quân Việt Nam. Baoleo tôi tự nhớ về một thời lính biển-sóng bạc đầu. Và lại nhớ về một tia sáng, lấp lánh ánh lửa lân tinh đêm nào, trên cặp tóc ai đấy, ở một thời trai trẻ.
Ngày 9/5, chiến thắng phát xít –kết thúc chiến tranh thế chiến 2. Lại nhớ về 1 thời nước Nga, nhớ về ‘Bông hồng vàng’ của Pau-tốp-xki, nhớ về ‘Và nơi đây bình minh yên tĩnh- А зори здесь тихие’ của  Boris Vasilyev.
Và đó còn là ngày  19/5, sinh nhật Ông Cụ, nếu còn ở lính, thể nào cũng được xem văn công. Giờ đây đã về với đời thường, coi 'đ/c Trưởng thôn' diễn trò trên ti-vi, cũng hài ra phết.

Nhưng cũng trong tháng 5, có một ngày kỷ niệm, mà những người lính thời 7x, không hề biết có nó.

Đó ngày của Mẹ.
Bọn tôi thật đáng trách, chẳng thằng nào biết cả.
Lớn lên, là đi mất hút, bỏ mặc mẹ già, mòn mỏn bên khuôn cửa - đợi chờ.
Những thằng con của mẹ, luôn dấn mình vào những chiến trận xa xôi.
Những thằng con của mẹ, luôn mải mê - biền biệt, đánh giặc nơi chân trời – góc bể, cùng với các đơn vị chủ lực của Cụ Hồ.
Nhưng hôm nay, nhờ có ‘in-tơ-net’ mà biết có ngày của Mẹ. Chúng tôi sẽ gọi điện hỏi thăm mẹ - nếu ở xa, hoặc sẽ về nấu 1 bát canh rau cần cho mẹ, nếu ở gần.

Cho giù đã đi khắp bốn phương trời đánh giặc. Cho giù khắp người sáng lòe ‘sao tiết’. Chúng tôi, sẽ mãi vẫn chỉ là ‘thằng chó cún’ của Mẹ mà thôi.


Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #499 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2014, 07:52:05 am »

Thời tiết nắng nóng, tình hình thời sự căng căng, còn chuyện yêu đương của bác Binhyen đang trong giai đoạn cơ mật.  Grin
Để thay đổi không khí, baoleo bàn chuyện ... choén cho giảm xì-choét tý  Grin Grin

Mới đánh choén.

Thời nay vào FB, cứ thoắt 1 cái, là lại thấy các ‘phây-búc-cơ’ (facebooker) chém gió. Nào là khoe hôm nọ ngồi với em X ăn  ..đùi, nào là bữa nay với ngồi với em Y, choén chả - choén nem, ... và vật hết vài chai ‘ông cụ’ hăm mấy tuổi. Ặc ặc.

Nhà cháu vốn xuất thân bần cố nông, ăn uống kham khổ nó đã thành ‘bản chất cách mạng’ rồi, nên chỉ cần rau dưa rông dài. Có lưng cơm với bìa đậu phụ xấu đã là muôn nẳm, muôn năm. Hôm nào có lương, mạnh dạn tái cơ cấu lại bữa ăn, bằng cách bổ trí thêm quả lòng nhợn, thì ơn Đảng – ơn Chính phủ, chả cần bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc của tụi Tai-lông, nhà cháu đã thấy đời nó tươm lắm rồi, đã như ở chế độ cộng sản – thiên đường mà nhà cháu được khai sáng khi tham gia lớp cảm tình…..Đoàn.  Grin
Nhưng thấy các bạn khoe ăn, chẳng nhẽ nhà cháu lại kém miếng.
Bâng khuâng chợt nhớ đến cái thời kỳ cách đây cỡ 45 năm, khi mà cả miền Bắc XHCN, đang vững bước tiến lên xã hội tiên tiến.

Đó là năm 1969, kết thúc đợt sơ tán chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lần thứ nhất.
Để liên hoan chia tay nơi sơ tán là thôn Kim Hoàng, huyện Hoài Đức – Hà Tây, nhà cháu quyết định lắc cái ống tre tiết kiệm (làm gì có tiền mua lợn đất-mà chỉ lấy cái đoạn ống tre, cưa vát 1 tý ở thân ống để làm chỗ đút tiền) ra 6 đồng 5 xu-tức là 3 hào, cuốc bộ ra thị trấn Nhổn để tự khao.

Còn nhớ rằng, nằm ven đường 32, đối diện với chợ Nhổn, là cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh Nhổn-Hà Tây. Tại của hàng này, có phục vụ 2 món ngọc thực thần tiên, danh bất hư truyền, đó là: phở trứng và miến đậu phụ.
Phở trứng là thứ ngọc thực bao gồm: 1 tô phở không người lái, có 1 chút hành không còn tươi, và tâm điểm là 1 miếng trứng vịt rán.
Miếng trứng được chế biến theo kiểu: trứng đánh tơi, nhanh tay đổ vào chiếc chảo to đang nóng vì mỡ sôi già, khéo léo lắc chiếc chảo cho trứng dàn mỏng được ra khắp lòng chảo, tạo thành 1 lớp trứng mỏng tang. Sau đó, cuộn lớp trứng mỏng ấy lại như cuôn bánh cuốn. Thành phẩm là được 1 chiếc chả trứng cuộn tròn và dài. Khi dùng dao sắc như dao cạo râu cắt ra, ta được từng miếng trứng tráng có đủ độ đậm nhạt của sắc mầu và có những lớp lang như miếng bánh ga tô. Mỗi bát phở trứng được 1 miếng trứng thái cuộn như trên, tầm 1 phần 3 quả trứng vịt.
Còn miến đậu phụ thì được đựng trong cái bát chiết yêu.
Món thần tiên đó, bao gồm một chút miến dong, một chút hành, nước dùng là nước sôi có chêm muối-không mì chính. Và đỉnh của đỉnh là có 2 miếng đậu phụ rán, mà chửa chắc đã già vì sợ hao củi. To bằng 2 nửa miếng đậu phụ loại 1 nghìn/bìa bây giờ.

Gía của bát phở trứng là 3 hào/bát. Còn giá của tô miến đậu phụ là 2 hào/bát.

(Nếu các bác trong này, nhấn cho nhà cháu vài cái like  Grin, có khi nhà cháu làm hẳn cái "Chiến lược phát triển ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc Việt ta đến năm 2016 và tầm nhìn đến 2017" để trình các bác trên trên.
Nhà cháu nói đến năm 2016-2017 là thực tế đấy, vì quan điểm của các bác lãnh đạo nhà mình là nhìn gần cho rõ, vừa đi vừa dò mị. Chứ không phải quan điểm nhìn xa trông rộng.
Với lị chiến lược - tầm nhìn gì đó mà dài hạn quá, kinh phí chia theo giai đoạn, nó mà lại trèo sang nhiệm kỳ kế tiếp của bác khác, thì có mà ăn cám à. Hehe.)


Cách phục của cửa hàng ăn thời đó cũng rất độc đáo.
Đó là phải xếp hàng để mua tích kê. Phở trứng là cái mảnh sắt tây hình gần vuông hoặc gần chữ nhật. Miến đậu phụ thì tích kê là mảnh sắt tây hình gần giống tam giác.
Còn xi-rô lựu (chẳng hiểu tại sao lại gọi là xi-rô lựu, chỉ biết đó là 1 thứ nước hơi ngòn ngọt và có mầu hơi hồng hoặc hơi đỏ-tùy theo tay nghề của nghệ nhân chế biến), thì tíc kê là miếng sắt tây hình gần tròn.
Cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh chỉ phục vụ 3 món đó, không có món thứ tư. ‘Đầy tớ của nhân dân’ có vi hành đến ăn cũng mặc kệ, thực đơn chỉ có vậy.

Tất cả 3 loại tích kê trên, đều có 1 cái lỗ thủng  ở gần giữa miếng sắt tây.
Và sau khi xếp hàng mua tích kê xong, muốn ăn thì lại phải xếp hàng, để lĩnh món sơn hào-hải vị kể trên.
Cái dây xếp hàng để lĩnh vật phẩm này, có hướng ngược với dây xếp hàng tích kê, đầu hàng hướng về cái ô vuông phát ngọc thực.
Để chống bọn lưu manh-phản động làm giả giấy tờ có giá, cơ quan chuyên môn đã có cách thức sau: nối giữa quầy bán tích kê và ô lĩnh hàng, có ba sợi dây thép song song. Một cái dây để lồng và dẫn hướng tích kê hình chữ nhật (hoặc vuông), một cái dây để lồng và dẫn hướng cái tích kê hình tam giác, cái dây thứ 3 còn lại thì để lồng và dẫn hướng cái tích kê tròn.
Đó là lý do tại sao, các tíc kê đều có lỗ thủng ở giữa.
Khi đã nộp tiền xong, thủ quỹ căn cứ vào vật phẩm được bán ra, sẽ lồng cái tíc kê tương ứng vào sợi dây thép phù hợp, rồi đẩy cái tíc kê ấy ra ngoài. Khách hàng tự dẫn cái tíc kê của mình đến cái ô vuông thần tiên kia.
Nếu như có 1 ông hỗn ăn, mua cả 3 thứ, thì ông ta phải khéo léo đi vào giữa 3 hàng dây và phải nhanh tay đẩy 3 cái tíc kê của mình cùng lúc. Nếu dẫn hướng tích kê không khéo và đi chậm, thì sẽ bị con ma đói phía sau, nó chửi.
Cách phục vụ ngàn sao này, nó có lợi ích, là không cần tiền típ-phờ-nờ,  Grin.

 
Sau khi đứng trước cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh tầm gần 1 tiếng đồng hồ, mang đầy ‘quyết tâm chính trị’ trong lòng, và nghiến răng cỡ mòn mất đề xi dem răng, cổ họng nuốt mấy chục ‘đỏ’ nước bọt vì ‘tiếc’, với dũng khí ‘chân dép lốp cũng vẫn lao vào vũ tru’, nhà cháu hùng dũng tiến vào quầy mua tíc kê.
Lúc trao tiền, cô thủ quỹ kêu thét lên vì bỏng tay.
Hóa ra, do nhà cháu nghiến răng, nắm chặt 6 đồng 5 xu mạnh và lâu quá, đến mức cả 6 đồng xu đều nóng đỏ cả lên.

Đến tận hôm nay, khi gõ những dòng này, nhà cháu vẫn bồi hồi xúc cảm trong lòng.
Ôi, một thời trải nghiệm văn hoá ẩm thực đa dạng của Việt Nam. Tuy thời kỳ ‘tiến nhanh-tiến mạnh-tiến vững chắc lên chủ nghĩa tiên tiến’ dài bằng cả 2 cuộc kháng chiến, nhưng lòng vẫn nhớ món si-rô lựu thủa ấy, hơn là món Stabucks hôm nay. Wink




 
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM