Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:30:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khi người lính trở về gia đình  (Đọc 283174 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #480 vào lúc: 26 Tháng Tư, 2014, 10:45:53 pm »

 Chúng tôi có 4 tháng ở trong trường tiếng để học tập tất cả những gì thuộc về ngôn ngữ và phong tục tập quán cùng nếp sống văn minh ở nước bạn, làm công tác kiểm tra "vệ sinh" cơ thể mình để sao cho khi ra nhập cuộc sống xã hội nước bạn thì mình cũng "trong sạch" tuyệt đối như họ về mặt y tế. Thôi thì khỏi cần nói về mặt kỹ càng, riêng chuyện lấy mẫu máu để kiểm tra y tế là 3 lần và mỗi lần họ rút cả ống máu to bằng cổ tay mình ấy chứ, xót ruột ra phết, chẳng biết họ lấy làm quái gì mà nhiều máu của mình thế không biết nữa, rồi tẩy giun tẩy sán, ủ thuốc vào tóc để diệt trứng chấy rận, quần áo của mình thì họ mang đi tẩy uế, phun thuốc những 3 4 ngày mới trả lại. Thời gian 4 tháng này là thời gian đẹp nhất của một đời đi Tây, chẳng lo nghĩ gì, ăn rồi ngày 2 buổi cắp sách tới lớp, tối về lo học bài rồi đàn ca sáo nhị với nhau, vui hết biết luôn.

 Chúng tôi học mỗi lớp 10 học viên nhưng do lúc đó đông học viên quá nên mỗi lớp phải 11 người, chỗ ngồi không đủ trong mỗi lớp nên phải kê thêm cái ghế ngồi cùng bàn với giáo viên dạy tiếng. Dạy lớp tôi là cô giáo người bản xứ mới 23 tuổi, khá đẹp chỉ mỗi tội hơi bị thừa cân. Hôm đầu tiên vào nhận lớp và sắp xếp chỗ ngồi, may mắn thế nào tôi lại được cô giáo cho ngồi cạnh và tất nhiên là cô giáo lúc nào cũng thơm như múi mít bên cạnh tôi, khoái không chịu được. Bữa đó chúng tôi ngồi nhận xét cô giáo bằng tiếng Việt với nhau. Tôi nói: Con này môi mỏng thế này thì hay hớt lẻo lắm đấy. Cả lớp cười ầm lên khiến cô giáo ngượng ngùng tự nhìn lại mình rồi hỏi lại: Cái gì đấy bằng tiếng Bul, tôi nói bằng tiếng Việt: Thì mỏng môi hay hớt chứ sao. Cả lớp lại cười một trận nữa đến bể cả bụng, cô giáo cũng không nói gì thêm nữa chỉ tủm tỉm cười và nhắc chúng tôi bằng tiếng Bul: Các anh phải nói bằng tiếng Bul, đang học tiếng Bul mà, chúng tôi không biết tiếng VN nên các anh nói chẳng hiểu gì cả. Từ đó chúng tôi biết cô giáo dạy chúng tôi không biết tiếng Việt nên cứ thoái mái trao đổi với nhau bằng thứ ngôn ngữ "đèo xíu" hoặc văng tục búa xua trước mặt nữ giới mà không cần phải nghĩ.

 Cũng ngày đó ở ngay tầng trên Block chúng tôi ở có 1 đoàn toàn nữ người Hà Nội, trong đó có 2 em khá xinh và lại chơi rất thân với nhau, giời xui đất khiến thế nào các em ấy lại chỉ thích chơi với nhóm 5 thằng chúng tôi, có hôm 23h đêm rồi mà 2 em này còn xuống đấm cửa đòi "tâm sự", chắc do buồn và mới đi xa gia đình nên thấy nhóm chúng tôi thằng nào cũng "sạch nước cản" nên càng khoái tợn. Hai em này lại có tinh thần thể thao thế mới chết chứ, vì vậy cả 2 em "quy định" là sáng ra sẽ gọi cửa đánh thức chúng tôi dậy sớm để phát huy tinh thần thể thao, ác nhất là chúng tôi lại ở cái phòng ở góc ngoài cùng nhìn ra sân bóng nên có muốn trốn tinh thần thể thao của 2 em này thì cũng chịu, các em gõ cửa kính cho bằng phải tung chăn dậy thì mới thôi. Nhiều lúc tôi tức lắm, tôi chủ quan nghĩ bụng: Cứ để đấy, liệu hồn, sẽ có lúc "ông" dần cho ra bã, "ông" nện cho phát ốm phải bị bệnh viện phụ khoa thì thôi, đừng có nhờn với "ông". Cũng vì tham gia chương trình tinh thần thể thao của 2 em này nên tôi bị nhiễm lạnh buổi sáng sớm khi trời tuyết rơi, lúc đầu húng hắng ho, sau nặng dần và sốt cao lên mặt lúc nào cũng nóng, đo nhiệt kế thì mới 38,5 độ C thôi mà bác sỹ trong trường đã cuống cả lên vội vã chuyển tôi lên bệnh viện Tỉnh, tôi nghĩ bụng: Bọn Tây này sợ chết quá nhỉ, mới 38,5 độ C mà cứ làm như sắp chết đến nơi rồi không bằng ấy, chẳng bù cho xưa kia chúng tôi sốt 39,5 độ đến 40 độ C mà vẫn đi hành quân, vai vẫn vác nặng nhưng có sao đâu. Thật ra thì do mình không biết, bên đó thời tiết lạnh dưới 0 độ C mà sốt tới 38,5 độ C là sốt cao rồi, đã là vấn đề nghiêm trọng rồi và cần tìm cho ra nguyên nhân sớm mà chữa trị, hóa ra tôi chớm bị xưng phổi và Tây thì họ sợ nhất chứng bệnh này, nghe nói "teo" nhanh lắm nên họ vội vã chuyển tôi ra bệnh viện Tỉnh, trong trường cũng có 1 tên VC mình nữa cũng dính bệnh này như tôi nên chuyến xe đó trở theo 2 bệnh nhân với 2 bác sỹ và y tá của trường áp tải chăm sóc bệnh nhân đi cùng. Những ngày nằm viện thật là vui, biết bao nhiêu chuyện lạ khi được tiếp xúc trực tiếp với người dân bản xứ trong khi mình còn đang rất ấm ớ về ngôn ngữ giao tiếp, cũng từ đây 2 thằng chúng tôi học được rất nhiều từ mà nhà trường không dạy hoặc chưa dạy tới và tất nhiên là học từ bậy bạ thì rất nhanh, thậm chí biết cả những từ "lóng" trong ngôn ngữ của họ, những cử chỉ thân thiện hay động tác có tính "bông đùa" cợt nhả cũng học nhanh chưa từng thấy. Hàng ngày chúng tôi được tiêm thuốc kháng sinh 4 lần đều tăm tắp vào đúng giờ quy định, chính xác không sai 1 phút, uống thuốc bổ 2 lần, 2 bữa cơm chính và 1 bữa ăn sáng, gọi là cơm chứ làm gì có cơm, ăn toàn đồ Tây cả và thiếu rau khiến chúng tôi thèm được ăn một bữa rau xanh cho thật thoải mái, mớ rau muống luộc, vài quả cả muối với bát cơm trắng cũng là thứ để ước mơ, lạ thật đấy. Chúng tôi nhanh chóng quen dần với những người dân bản xứ nằm viện chung quanh, họ rất thân thiện và vui vẻ, họ thật sự ngưỡng mộ chúng tôi sau khi biết chúng tôi là những CCB VN từng đi qua cuộc chiến BVTQ, đặc biệt là họ rất thích nghe những câu chuyện chiến đấu của chúng tôi, tất nhiên là vừa kể vừa tra từ điển, còn hình ảnh thì lấy phim trên chương trình TV đang phát phim Giải phóng Châu Âu làm dẫn chứng.

 Một sáng đầu tháng 4 năm đó, 2 thằng chúng tôi xuống nhà ăn dưới tầng hầm, hôm nay khác mọi ngày là bàn ăn trải khăn trắng rất sạch sẽ, trên bàn còn có lọ hoa, hoa vào mùa này thật là hiếm, mấy bà già dưới nhà ăn tất bật lo cho 2 thằng tôi xuất ăn sáng, trịnh trọng nhất là có thêm 1 đĩa nhỏ với 2 quả trứng gà luộc cho mỗi xuất ăn, mấy bà già Tây có nói gì đó nhưng chúng tôi không hiểu, cười cười nói câu đồng ý, nhất trí đại đi 1 câu cho nó xong chuyện, chúng tôi còn bận "thi công" cái đã, sáng ra đã bị vạch mông ra để tiêm và giờ này thì đói lắm rồi. Chỉ một loáng là chúng tôi "quật" tan xuất ăn sáng và quay sang "thi công" nốt 2 quả trứng gà luộc, hôm nay 2 quả trứng gà luộc sao thấy nó sạch sẽ thế, quả nào cũng trắng nõn và đều tăm tắp cả, 2 thằng chúng tôi mần gọn 2 quả trứng gà của mình trong nháy mắt rồi thu dọn chén đĩa và tính chuyện đi chơi trong khuôn viên bệnh viện, phải 6h đồng hồ nữa mới lại tiêm và lại được ăn, mấy bà già Tây trố tròn mắt thấy 2 thằng chúng tôi đã "làm thịt" gọn gàng 2 quả trứng của mình, họ nói gì đó mà chúng tôi không hiểu, 2 thằng đi lên và tính chuyện hút thuốc lá cái đã.

 Vừa ngoi lên được khỏi tầng hầm thì vấp ngay phải cô em gái người Digan nằm viện cùng khoa đang đứng chờ sẵn, em tủm tỉm cười móc trong túi áo khoác ra quả trứng gà và dứ dứ, chúng tôi thừ mặt ra chẳng hiểu, cuối cùng em hỏi: Trứng của các anh đâu? Sáng nay xuất ăn mỗi người có 2 quả trứng cơ mà. Tôi nói: Ăn rồi và chỉ vào bụng mình, đến lượt em thừ người ra và ra vẻ ngạc nhiên, rồi em cũng chợt hiểu ra chúng tôi là người nước ngoài, mới sang và chưa hiểu hết văn hóa đất nước của em, em nói gì đó có vẻ thông cảm với chúng tôi. Ra đến sân lại gặp nhóm đàn ông bản xứ đứng đó, tay ông nào cũng lăm lăm quả trứng, ai cũng hỏi chúng tôi là: Trứng của các anh đâu? Họ phá lên cười khi biết 2 quả trứng đó chúng tôi đã "nhốt" cả vào bụng rồi, họ đều rất thông cảm với chúng tôi.

 Sau này chúng tôi mới biết văn hóa Bulgaria có ngày Hội trứng. Mỗi người tự chuẩn bị cho mình 1 quả trứng gà đã luộc chín, người cẩn thận họ vẽ bút mực màu lên trang trí quả trứng của mình cho đẹp, họ gặp nhau sẽ mang trứng của mình ra để gõ nhẹ vào với nhau xem trứng của ai bị dập vỡ trước, ai còn nguyên lành thì người đó sẽ gặp nhiều may mắn cả năm và họ cũng rất tò mò muốn được chọi trứng với ngừoi VN mình, một thú vui văn hóa dân gian của họ vừa mang tính bản sắc dân tộc. Còn chúng tôi thì vì không biết phong tục này nên đã tự chọi trứng của mình mất rồi.

 
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #481 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2014, 07:24:43 am »

Lạy "Cụ" 4 lạy và 1 xá. Grin

 "Cụ" không thấy cái đồng lương của mấy ông "thông cống" tại thành phố Hồ Chí Minh là 200 triệu VND/tháng à? Vậy thì 1000 VND của "Cụ" bây giờ chỉ mua được 1/3 chén nước trà quán cóc loại trà ngon thôi, còn loại xoàng xoàng thì được 1/2 chén trà là vừa giá. "Cụ" lưu ý là giá này sẽ không có kèm theo bi thuốc lào khuyến mại nào đâu nhé, chớ có hỏi xin xỏ hay nhờ ké gì đấy, lôi thôi còn bị họ "mắng" cho đấy. Grin

Xin trả lời câu hỏi trực tiếp của bác Binhyen và các chất vấn gián tiếp của các bác khác  Grin: chén 'nước thánh' mà 'đồng chí' chủ quán, cứa cổ Baoleo tui, là đúng 5 (năm) ngàn bạc Cụ Hồ. Quân giết người  Angry. Với giá đó, tui có thể mua điện, đun được 1 phẩy 5 lít nước sôi để uống dần. Kinh quá. Cứ đà này, từ giờ, mỗi khi đi gập 'chính quyền nhân dân', tui cứ 'thủ' cái bi-đông nước gạo rang, cho nó an toàn. Ơn Đảng, ơn Chính phủ, tui vẫn còn nhớ cách đun nước gạo rang, thời làm lính Cụ Hồ  Grin. Hị hị.
Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #482 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2014, 06:55:00 pm »


 Một sáng đầu tháng 4 năm đó, 2 thằng chúng tôi xuống nhà ăn dưới tầng hầm, hôm nay khác mọi ngày là bàn ăn trải khăn trắng rất sạch sẽ, trên bàn còn có lọ hoa, hoa vào mùa này thật là hiếm, mấy bà già dưới nhà ăn tất bật lo cho 2 thằng tôi xuất ăn sáng, trịnh trọng nhất là có thêm 1 đĩa nhỏ với 2 quả trứng gà luộc cho mỗi xuất ăn.

Mỗi Quốc gia hoặc mỗi dân tộc đều có tập tục riêng, nói theo lối “chữ nghĩa” là bản sắc Văn hóa vùng miền. Bác BY ngạc nhiên với Lễ hội Trứng  của dân xứ Bảo-Chắc cũng tương tự bọn Tây sang ta phải ngạc nhiên thấy người Việt mình choén thịt chó, mắm tôm. Grin

Tôi đồ rằng chuyện bác BY kể, Lễ hội Trứng đó là 1 phần của Lễ Phục sinh của người theo Ki Tô giáo. Ngày này thường rơi vào tháng Tư hàng năm. Tuần trước Châu Âu vừa nhộn nhịp diễn ra Lễ Phục sinh. Ngay cả xứ Uy Kiên đang loạn cào cào vì biểu tình, xung đột mà họ cũng không bỏ. Thế mới hay!


Vị linh mục đang vẩy nước thánh cho người dân ở thành phố Slavyansk, tỉnh Donetsk.


Những người lính mặc quân phục cũng được các linh mục vẩy nước thánh để cầu may.


Hai mẹ con tranh thủ chụp ảnh cạnh quả trứng Phục sinh khổng lồ.

Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #483 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2014, 09:00:00 pm »

Cuối tháng 3 đầu tháng 4 thì đúng là dịp lễ Phục sinh các bác ạ. Tôi thấy các tập tục thiên chúa giáo đó cũng sẽ phổ biến dần ở xứ mình thôi, phú quý sinh lễ nghĩa và toàn cầu hóa mà. Bốn năm nữa, lễ Phục sinh 2018 sẽ rơi đúng vào ngày Cá tháng Tư. Ngày Phục sinh 1972 thì rơi vào 31 tháng 3, trước đó một ngày là mở màn cuộc tiến công chiến lược 1972 của quân ta, khởi đầu ở Quảng Trị. Vì vậy người Mỹ gọi đó là Cuộc tấn công dịp lễ Phục sinh (Easter Offensive), để trả đũa thì người Mỹ ném bom Hà Nội vào dịp lễ Giáng Sinh (Christmax Bombing) tháng 12 năm 1972.
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #484 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2014, 08:31:51 am »

Cô bé nguyên là thư ký chỗ tôi, là cháu ruột của Giáo chủ Ngô Quang Kiệt - Hà Nội, nên trứng Phục sinh, hàng năm vào tháng 3 hay 4, baoleo tui rất thường được hay ăn  Grin
Nhưng tôi lại hay nhớ tiểu thuyết 'Phục sinh' Của cụ Lép-Tôn-tôi  Grin hơn.
Trong đó, có chi tiết:
-nàng không khóa của phòng, mà chỉ khép hờ. Sau đó....
E hèm, nhậy cảm lắm, quansuvn.net không cho phép trích dẫn   Grin
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #485 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2014, 10:16:55 am »

Hi, bác baoleo nhớ chuẩn quá - nàng Maslova , hay còn có tục danh là Mỡ (cũng như Viên Mỡ Bò của Maupassant), rồi thì đến một chàng Mã Giám Sinh tiến vào qua cửa hẹp mà theo Kinh Thánh cửa hẹp và đường chật chính là đường dẫn đến sự sống, rồi một lúc cảnh sát gõ cửa xông vào lục lọi thùng rác và một thời gian sau chàng ra tòa. Ôi Chúa ơi sao Ngài Thánh Thật, của hẹp + thùng rác = đường dẫn đến Phục Sinh. Huh
Logged
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #486 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2014, 05:33:51 pm »

 Những ngày nằm bệnh viện ấy chúng tôi khổ nhất là không có thuốc lá để hút mà cơn thèm thuốc lá là điều khiến 2 thằng chúng tôi luôn bị "vật vã", nhất là khi thời tiết cuối mùa Xuân, vẫn còn đang rất lạnh thì hút thuốc cũng có thể làm ấm mình lên. Chúng tôi bị "cấm" hút thuốc lá, bác sỹ cấm tuyệt đối không cho hút song chuyện họ cấm cũng chỉ là một chuyện, nghe hay không lại là quyền của mình. Bữa hôm ra viện Tỉnh chúng tôi mang theo khoảng 10 Leva, số tiền này đủ mua 10 gói thuốc lá loại kha khá và 2 thằng thi nhau đốt thuốc nên cũng nhanh hết, nay tiền thì hết mà có tiền mua thuốc cũng rất khó, cứ dưỡn dẹo bộ quần áo của bệnh viện thì không đâu họ bán thuốc lá cho mình, không lẽ ở Tây mà phải đi "bắt tóp" hoặc đi nhặt mẩu thuốc lá họ vứt đi rồi quấn lại mà hút như thời còn là lính thì ôi diêu cho dân VN mình quá, mất thể diện và nó liên quan đến vấn đề "Quốc thể" của người VN mình chứ, không thể làm như vậy được. Vậy thì phải làm gì đây để có thuốc lá mà hút? Phải phát huy "bản năng" của người lính từng trải qua, biết biến không thành có, biến ít thành nhiều vậy thôi và cách nào thì tùy ở từng người.

 Sáng đó trời lạnh lắm, hơn 6h sáng 2 thằng chúng tôi đã ra cổng bệnh viện đứng rồi, nhìn cuộc sống của một ngày mới đang bắt đầu và thèm thuốc lá là điều đương nhiên. Tôi hỏi thằng Lâm: Mình còn bao nhiêu xu? Nó bảo còn khoảng 12 xu tất cả rồi xòe ra cho tôi xem 3 đồng xu bé tẹo ấy, số tiền này chỉ đủ mua 2 vé xe buyt hoặc 2 tờ báo hàng ngày chứ làm sao mua nổi gói thuốc lá, loại xoàng nhất cũng phải 60 xu/gói rồi và ở đây thì không ai bán thuốc lá lẻ bao giờ, chúng tôi tần ngần cầm hơn chục xu đó chưa biết xoay sở ra sao nữa. Vài người đi ra đi vào cổng bệnh viện và họ đang phì phèo điếu thuốc trên môi, thấy mà thèm nhưng cũng chẳng biết nói và bắt đầu như thế nào đây, tôi nghĩ cần phải chọn đúng đối tượng để "ngoại giao" chứ nghe nói người Tây họ cũng kỹ lắm, sòng phẳng là một phần cuộc sống của họ. Thoang thoáng bên hàng rào sắt có bóng người đi bên ngoài, một người đàn ông Digan đang đi dọc hàng rào vừa đi vừa phì phèo điếu thuốc trên môi, anh ta rẽ vào cổng bệnh viện sắp đi ngang chỗ 2 thằng chúng tôi đứng, tôi tiến lại gần anh ta và hỏi: Thuốc lá ... thuốc lá, anh ta hiểu và dừng lại móc túi lấy ra gói thuốc lá đang hút dở mời chúng tôi mỗi thằng 1 điếu, mừng quá chúng tôi châm thuốc hút, rồi tôi đưa trả anh ấy 12 xu đang cầm ở tay, anh ta bán lại cho chúng tôi 2 điếu thuốc cũng đã là quý lắm rồi, anh ta cứ gật gật cái đầu rồi đẩy số tiền xu tôi trả ra, tôi hiểu đó là hành động từ chối nhận tiền, anh ta muốn mời chúng tôi 2 điếu thuốc chứ không muốn nhận tiền, người Bulgaria có chút "ngược đời" đó là gật gật cái đầu tức là không đồng ý, từ chối, còn lắc lắc cái đầu mới là đồng ý, họ khác các dân tộc khác trên Thế giới ở điểm này, chúng tôi cám ơn anh ấy bằng tiếng Bul, câu cám ơn này là lời cám ơn rất trịnh trọng và chỉ dùng trong trường hợp trịnh trọng, còn bình thường và xã giao cửa miệng thì từ cám ơn của họ lại dùng tiếng Pháp thay thế cho nó nhanh, anh ta bước đi vài bước rồi nhưng nghĩ gì đó liền quay lại móc cả gói thuốc còn dở trong túi cho chúng tôi, anh ta nói gì đó mà chúng tôi không hiểu hết nhưng biết là anh ấy cho và thông cảm với cảnh "nghiện ngập" của 2 thằng chúng tôi lắm. Cũng mãi sau này chúng tôi mới hiểu là người Digan họ dễ gần, dễ thông cảm với người VN hơn người bản xứ gốc Châu Âu, song nói vậy cũng không có nghĩa là người Bul họ khắt khe, khó tính gì, họ sống có nguyên tắc của họ chỉ có điều người Việt mình chưa quen và hòa đồng với phong cách sống ấy thôi.

 Rồi chiều hôm ấy chúng tôi lại đứng bên hàng rào nhìn ra đường, con đường cạnh bệnh viện to rộng và rất vắng xe cộ đi lại, đối diện bên kia đường là nhà máy dệt và gần cổng chính của bệnh viện là bến xe trung tâm thành phố, chúng tôi chỉ ở khu vực sau, cổng phụ của bệnh viện chứ cổng chính lại ở chỗ khác, hàng ngày chúng tôi vẫn ra đứng đó ngắm đường phố, vẫn thấy 2 3 cô gái tóc đen người nhỏ thó đi ngang bên kia đường nhưng không dám khẳng định là người VN hay người Digan nên không dám hỏi. Hôm nay thì khác, đi bên cạnh 2 cô gái ấy lại có 2 "tên" VC nhà mình, đoán chuẩn không cần chỉnh và chính xác là dân VC không thể sai được, chúng tôi liền gọi: Anh gì ơi. Cả 4 người họ đi qua đường lại gần chỗ chúng tôi đứng bên hàng rào, đúng là dân VN mình thật, mừng quá chúng tôi chuyện trò với họ rối rít cứ như thân quen nhau từ lâu vậy, họ cũng hỏi thăm về hoàn cảnh và cuộc sống của chúng tôi hiện tại, biết chúng tôi đang còn học tiếng trong trường và đang ốm đau phải đi bệnh viện, họ hỏi chúng tôi có thiếu thốn gì không? Chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất ý kiến của mình là muốn được xin 1 bao thuốc lá, không dám xin hơn vì sợ phiền mà không có dịp trả ơn họ, rồi cô gái VN đi bên cạnh ấy không nói gì chỉ lẳng lặng quay về bên kia đường rồi đi vào cổng nhà máy dệt, một lúc sau cô gái ấy quay lại với 1 túi nylon đầy quà cho chúng tôi, rất nhiều bánh kẹo và 1 cây thuốc lá, rồi cô gái đó nói: Hàng ngày đi làm qua đây có thấy 2 người giông giống người VN thường đứng ở đây nhưng không dám nhận, nay chúng tôi đã gặp nhau, biết cùng là người VN với nhau rồi thì sẽ quan tâm hơn, ở đây cũng rất buồn, cả thành phố chỉ có 6 người VN mình với nhau là công nhân các nhà máy, họ đi làm khác giờ nên cũng ít khi có điều kiện gặp gỡ nhau, nay có thêm 2 thằng chúng tôi nữa dù chỉ là dân KT3 tạm trú là người đồng hương sẽ thêm phần đông vui hơn, họ cũng đỡ phần cô đơn hơn, 2 người nam giới kia là bạn trai của họ ở tỉnh khác nhân ngày nghỉ xuống thăm bạn gái, họ đi gần 300km tới để gặp nhau, ở lại với nhau 1 ngày hoặc ít hơn để rồi hôm sau cũng phải quay về nơi mình ở còn phải làm việc. Hai anh này trước lúc ra bến xe đã cho chúng tôi mỗi người 10 Leva, chúng tôi từ chối không dám nhận lòng tốt của họ nhưng họ lại "động viên" chúng tôi nhận tiền họ cho vì nó rất cần cho cuộc sống của chúng tôi khi mới chân ướt chân ráo sang, chúng tôi vô cùng cảm kích tấm lòng của họ. Từ đó, cứ mỗi đầu giờ chiều chúng tôi luôn đứng bên hàng rào bệnh viện ngóng chờ những người bạn nữ VN xuống xe đi vào nhà máy dệt, trao đổi với nhau mấy câu hay mang cho chúng tôi cái gì đó cần thiết trong sinh hoạt, mua dùm mấy bao thuốc lá trong căng tin nhà máy, chúng tôi ngóng chờ nhau như những người bạn thân thiết từ rất lâu rồi và khi gặp nhau thì chuyện trò dôm dả, thôi thì trên là trời dưới là chuyện để kể để nói với nhau, chúng tôi ra hàng rào đón họ sớm hơn và họ cũng đi làm sớm hơn bình thường để dành nhiều thời gian chuyện trò với nhau khi cách nhau cái hàng rào sắt ấy.

 Để được nói tiếng Việt ở xứ người cho thoải mái cũng là điều chẳng dễ một chút nào. Khi phải sống xa cộng đồng chung ngôn ngữ với mình thì những người đồng cảnh họ dễ gần nhau hơn, yêu thương nhau nhiều hơn và biết dành cho nhau nhưng tình cảm tốt đẹp nhất. Một ngày cuối tháng 4 năm ấy bỗng chúng tôi "biến mất" khỏi cái hàng rào ấy, rất nhanh chúng tôi được xuất viện để quay về trường, nhanh đến mức không kịp báo tin cho những người bạn nữ làm việc bên nhà máy dệt, chắc hàng ngày mỗi lúc đi làm qua, những người bạn đó sẽ dõi ánh mắt của mình nhìn sang bên hàng rào sắt nơi chúng tôi vẫn thường đứng chờ họ đi ngang.
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #487 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2014, 11:38:57 pm »

... một lúc sau cô gái ấy quay lại với 1 túi nylon đầy quà cho chúng tôi, rất nhiều bánh kẹo và 1 cây thuốc lá, rồi cô gái đó nói: Hàng ngày đi làm qua đây có thấy 2 người giông giống người VN thường đứng ở đây nhưng không dám nhận, nay chúng tôi đã gặp nhau, biết cùng là người VN với nhau rồi thì sẽ quan tâm hơn, ở đây cũng rất buồn, cả thành phố chỉ có 6 người VN mình với nhau là công nhân các nhà máy, họ đi làm khác giờ nên cũng ít khi có điều kiện gặp gỡ nhau.

"Tân binh" xứ trời Tây của bác BY cũng nhọc nhằn ra trò. Grin
Không biết sau này, khi "có sao có vạch" rồi, bác có dịp gặp lại các cô thợ dệt ấy không? Đúng là 1 miếng khi đói bằng 1 gói khi no. Tây hay Ta cũng có nhiều người tốt bụng.

Tôi có 1 thắc mắc. Thông thường nhà máy dệt phải đông công nhân, tại sao nhà máy dệt này (và cả Thành phố này nữa) người Bun chỉ nhận 6 người Việt? Ít vậy, họ tuyển "cố" người bản xứ cho xong, bày đặt tuyển người lao động nước ngoài làm gì nhỉ. Huh
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #488 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2014, 10:14:56 am »

Tôi có 1 thắc mắc. Thông thường nhà máy dệt phải đông công nhân, tại sao nhà máy dệt này (và cả Thành phố này nữa) người Bun chỉ nhận 6 người Việt? Ít vậy, họ tuyển "cố" người bản xứ cho xong, bày đặt tuyển người lao động nước ngoài làm gì nhỉ. Huh

 Hi ... hi! Bác tuanb5@. Grin

 Bulgaria có 15 thành phố tất cả, thành phố Спивен được mệnh danh là thành phố Xít (Digan) vì nó tập trung đông người Bul gốc Digan sinh sống, người VN chúng ta qua hợp tác lao động, khi đi có đoàn có đội đàng hoàng và có hợp đồng rất rõ ràng cho từng cá nhân lao động, sau hợp đồng thì phải về nước như quy định, người VN sống tập trung nhiều tại Thủ đô София. Song cũng có rất nhiều cách và đúng luật pháp của Bulgaria để được ở lại tiếp tục làm việc tại các nhà máy, công xưởng của nước bạn khi hết thời hạn lao động, ngay trong quản lý người lao động của Bulgaria cũng rất "lỏng lẻo", nếu chúng ta không thích làm việc ở thành phố này thì có thể tự xin thuyên chuyển đến chỗ khác, miễn là có cơ quan xí nghiệp nào đó đồng ý nhận vào, ngoài ra người lao động VN còn có quyền được học tại Bulgaria, từ người lao động với trình độ học vấn thấp có thể xin đi học nâng cấp lên trung cấp, cao đẳng và cả lên tới đại học cũng được, học đến bao giờ "chán" học thì thôi, đó cũng là "lý do" để người lao động VN "né" phải đi làm ở các nhà máy, xí nghiệp để dành thời gian "ăn chơi, nhảy múa" và cả buôn bán, chung tay với TBCN "tàn phá" chế độ XHCN tại Bul. Tóm lại là luật pháp nước bạn có rất nhiều "kẽ hở", ai biết luật pháp thì "lách luật" là điều không khó.

 Thành phố Спивен trước kia có 1 đội khoảng 50 người VN sống và làm việc ở đó, nhưng sau này họ xin về nước trước thời hạn hoặc hết hạn hợp đồng lao động và đã về nước, cũng có thể họ đã chuyển đến thành phố khác rồi. Vì vậy đến khoảng đầu năm 87 thì chỉ còn vẻn vẹn có 6 người đang làm việc tại nhà máy dệt là vì vậy, hơn nữa thành phố này rất buồn nên họ dần dần chuyển đi thì đó cũng là điều dễ hiểu thôi bác tuanb5@ ạ.

 Vâng! Sau này BY không gặp lại 2 cô gái Việt ấy lần nào, cuộc sống bên đó càng về sau càng bộn bề với nhiều lo toan, cũng có lúc nhớ tới những người đã từng giúp đỡ mình khi khó khăn và từng thầm mong vô tình gặp lại họ để có dịp báo đáp. Cuộc đời đôi khi có nhiều chuyện rất "buồn cười", ngay mấy cô bạn ham mê thể thao trong trường ấy mà suốt mấy năm bên đó BY cũng không có dịp gặp lại, lúc BY xuống thành phố của họ tìm gặp thì họ lại đi vắng, vài lần 1 người bạn nữ trong số họ lên София tìm BY thì BY lại không có nhà, khoảng giữa năm 1990 cô bé ấy tới tận phòng BY ở tìm thì lại gặp ngay bà xã của BY. Biết đâu ngày đó sớm gặp lại nhau thì cuộc đời của BY có khi lại ở một trang khác. Grin
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #489 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2014, 12:20:58 am »


Cám ơn bác BY. Nghe bác giải thích thì hóa ra...đơn giản thật! Grin
Bởi lúc đầu tôi cứ ngỡ họ đưa 6 cô gái trẻ lần đầu xa nhà (như con mình chẳng hạn) đến 1 nơi xa lạ, tuyền ông bà Tây thì khiến họ lạnh lưng lắm. Khác nào tay lính mới toe, bị phân công ra bìa rừng cảnh giới Pốt. Grin

"Phụ cấp Tân binh" như bác được bao xiền? Và bác mua những thứ gì đầu tiên ở cái xứ Bảo ấy (Khi mà tây nói tây nghe, ta nói ta nghe Grin)
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM